Nghệ thuật siêu tiểu thuyết trong Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo

Có thể xem giễu nhại như một thủ pháp “lạ hóa” (defamiliarization) nhằm tra vấn lại giá trị của hiện tồn văn chương trong quá khứ và thân trạng của cái cũ trong hoàn cảnh lịch sử của cái mới. Đây là thủ pháp phổ biến trong tiểu thuyết hậu hiện đại. Việc tái sử dụng những phương thức truyền thống bằng giễu nhại chính là một trong những nguồn lực khiến cho tiểu thuyết không những không chết mà ngày càng “nảy nở” thêm.

pdf39 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2704 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nghệ thuật siêu tiểu thuyết trong Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đối nghịch hoàn toàn. Bảng phân loại những đặc trưng của I. Hassan tuy cho chúng ta cái nhìn sáng rõ và hệ thống về những khác biệt giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại nhưng vô hình trung, gây nên một sự hiểu lầm đối với tư duy hậu hiện đại. Tư duy của hậu hiện đại không phải là tư duy lựa chọn hay phá bỏ theo kiểu cấu trúc “either/or” mà là tư duy tra vấn, hoài nghi và nghĩ lại về mọi giá trị. Theo Linda Hutcheon, nó thích hợp với kiểu cấu trúc “both/and” hơn. Chúng tôi sẽ dựa vào luận điểm này để xác định bản chất và mục đích của siêu hư cấu hậu hiện đại, nhằm giải tỏa những hiểu lầm về nó. 3.1. Mối quan hệ của hư cấu và thực tại: hư cấu về một thực tại và thực tại như là hư cấu Như đã luận bàn trong phần khái niệm “metafiction”, siêu hư cấu của chủ nghĩa hậu hiện đại là một trò chơi giả vờ, trò diễn của hai thế giới bên trong văn bản và bên ngoài văn bản rằng chúng có thể thay thế cho nhau. Ở đây không hề có một ranh giới nào cả và sự thông đồng của chúng dựa trên bản chất thực sự của cả hai, đều được xây dựng bằng một hệ thống ký hiệu. Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino là một trong những siêu tiểu thuyết hậu hiện đại làm cho thế giới thực tại lẫn thế giới hư cấu hiện lên như là kiến tạo, giả tượng, nhưng theo một cách rất khác biệt so với nhiều siêu tiểu thuyết hậu hiện đại khác. Ta có thể hình dung nét mặt của nó như sau: một nụ cười tinh tế ẩn hiện và một ánh nhìn sâu sắc trầm tư, không phải là bộ mặt hiển lộ sự sâu cay và hả hê khi vạch trần “sự thật” về thế giới. 3.1.1. Hư cấu về một thực tại Calvino muốn viết một tác phẩm như thế nào? Tại sao ông lại viết một cuốn tiểu thuyết chỉ bao gồm những chương khởi đầu? Không phải vì ông không thể viết nốt những chương tiếp theo của một cuốn tiểu thuyết nào đó theo một phong cách, thể loại nhất định, cũng không phải vì ông chán phải làm công việc đó, mà vì ông nhìn thấy yếu tính tận cùng của thế giới: “cảm quan về thế giới sau lúc tận cùng thế giới, cảm quan rằng thế giới là chỗ cáo chung của tất cả mọi thứ có trong thế giới, rằng cái duy nhất có trong thế giới là tận cùng thế giới” [10; tr.376]. Thế giới trong cái nhìn của Calvino là một thế giới mà khả tính vô tận và đa bội của nó đã trở nên vô hạn, đó là một thế giới đa tầng và đa diện. Thế nên chỉ có một loại tiểu thuyết mà ông gọi là “tiểu thuyết thậm phồn” (hyper-novel) là có thể diễn đạt được yếu tính tận cùng của thế giới. Nhưng làm thế nào để viết được một cuốn tiểu thuyết như thế? Trong bài giảng Tính cách bội trương trong văn chương tương lai (Sáu bài giảng cho thiên niên kỷ mới)[2], Calvino đã đưa ra những ví dụ về những nhà văn có tham vọng xây dựng một cuốn tiểu thuyết như một “bộ từ điển bách khoa” với một thế giới hư cấu là một mạng lưới hỗn độn, đa tạp những mối liên hệ của con người, vật thể và sự kiện. Nhưng nghịch lý là khi tiểu thuyết cố chạy theo thế giới bội trương bằng cách bội trương hóa chi tiết, sự kiện, thời gian thì nó càng không thể kiểm soát nổi thế giới hư cấu của nó. Cho nên Calvino đề xuất “tinh thể của tiểu thuyết đúng nghĩa” là “dạng thức cô đọng” của nó. Không phải là hình thức đa bội mà chính tinh thể cô đọng của tiểu thuyết mới có thể phát lộ yếu tính tận cùng của thế giới. Thế nên ông viết một cuốn tiểu thuyết với mười mở đầu, cùng một nguyên lý nhưng theo những lối khác nhau, và ông cho rằng Nếu một đêm đông có người lữ khách của mình là một điển hình cho tiểu thuyết thậm phồn bởi ông tin vào khả tính vô tận của một mở đầu. Một mở đầu luôn luôn chứa đựng một sinh lực không bao giờ cạn cho tính vô hạn của khả thể diễn giải: “tôi hẳn sẽ có thể viết một cuốn sách vốn chỉ là một khúc mào đầu, vốn duy trì từ đầu đến cuối cái tiềm năng của sự khởi đầu, sự kỳ vọng vốn vẫn chưa tập trung vào một đối tượng…Liệu những gì sơ khởi có thể kéo dài ra vô hạn không?...” [10; tr.274]. Mỗi một khởi đầu là một bí ẩn cho tiềm năng của câu chuyện và một câu chuyện lý tưởng là một câu chuyện cho ta thấy yếu tính tận cùng của thế giới, sự sinh sôi đa tầng đa diện của thế giới mà không áp đặt lên ta một cái nhìn trật tự: “phải là cuốn tiểu thuyết mà động lực duy nhất là khát vọng kể chuyện, chất chồng truyện này lên trên truyện khác, không cố áp đặt lên ta một cách nhìn thế giới, mà chỉ để ta quan sát sự lớn dần của nó, như một cái cây, một sự xoắn xuýt vào nhau như cành với lá…” [10; tr.140, 141]. Khởi đầu bao giờ cũng là một thách thức, một sự khó khăn đối với người viết, không phải chỉ bởi tính chất bắt đầu của nó mà còn nằm trong tiềm năng bí ẩn của nó dành cho diễn giải. Hư cấu về một thực tại chỉ bằng những khởi đầu và bàn về những khởi đầu đó ngay trong tác phẩm, siêu tiểu thuyết của Calvino vạch trần tính chất đơn diện và hữu hạn của thế giới được hư cấu bằng những thỏa ước của chủ nghĩa hiện thực. Với chủ nghĩa hiện thực, thế giới hư cấu phải phản ánh được tính khách quan và toàn diện của hiện thực, một hiện thực trật tự bề ngoài. Và câu chuyện của nó bao giờ cũng có điểm khởi đầu và điểm chấm dứt (dù là kết cấu mở hay đóng): “sự hấp dẫn đầy lãng mạn được tạo ra trong trạng thái thuần khiết bởi những câu đầu của chương đầu, nhiều cuốn tiểu thuyết chẳng mấy chốc mất đi khi câu chuyện tiếp diễn: nó là lời hứa hẹn về một quãng thời gian đọc trải ra trước chúng ta và có thể bao hàm mọi sự phát triển có thể xảy ra” [10; tr.274]. Điều này không giúp tác phẩm mở rộng khả thể diễn giải đến tận cùng, không giữ được điều bí ẩn tiềm năng câu chuyện, sự kỳ diệu giữ cho người đọc niềm vui và niềm hứng khởi đối với thế giới hư cấu bên trong tác phẩm. Với những tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa, câu chuyện bao giờ cũng mang lại cho người đọc một trong hai cảm xúc: thỏa mãn hoặc thất vọng. Thực ra, hành trình truy tìm những tác phẩm dang dở của Người đọc không phải là một hành trình nối dài cuộc sống của anh ta mà đúng hơn là một hành trình tìm kiếm sự đọc tròn đầy với những tác phẩm giống như một thế giới toàn vẹn trong tính hữu hạn. Cái mà người đọc theo đuổi chính là cảm nghiệm chân thật về một thế giới có thể dễ dàng nắm bắt được thông qua những truyện kể có một khởi đầu và một kết thúc. Nhưng điều mỉa mai là càng theo đuổi cảm nghiệm ấy, Người đọc càng lún sâu vào mạng lưới chằng chịt những văn bản dang dở chất chồng lên nhau. Nhưng trong hành trình ấy, thông qua những mối quan hệ với những nhân vật khác và những biến cố, Người đọc nhận ra yếu tính của sự đọc và sự viết tiểu thuyết, bản chất của truyện kể và khả tính bất tận của đời sống. Người đọc, đến cuối hành trình của mình, hạnh phúc cùng Người đọc Nữ và hạnh phúc với sự đọc không bao giờ là viên mãn, không bao giờ là hữu hạn, trong một thế giới khởi đi từ tận cùng và kết thúc trong tận cùng. 3.1.2. Thực tại như là hư cấu Nếu như những thỏa ước cố định của văn chương truyền thống có thể được xem như là một ngôn ngữ (langue) hệ thống thì tiểu thuyết mang tính siêu hư cấu tự ý thức được ví như là sự trỗi dậy của lời nói (parole) cá thể chống lại ngôn ngữ ấy. Siêu tiểu thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại ngoài tính tự ý thức còn mang tính tự phê bình. Nó không ngừng tra vấn những dạng thức tồn tại của hư cấu thông qua việc phơi bày những thỏa ước của các loại hư cấu khác nhau, đặc biệt là hư cấu của chủ nghĩa hiện thực. Từ đó, nó đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại cũng như bản chất của cả hai. Hư cấu về một thực tại cuối cùng để đi đến việc phơi bày thực tại như là hư cấu. Trong quan điểm của Italo Calvino về việc hư cấu một thực tại đã bộc lộ sự tra vấn đối với những thỏa ước của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Nếu một đêm đông có người lữ khách còn đi xa hơn, bàn đến thỏa ước hư cấu của chủ nghĩa hiện thực một cách rất xác đáng để cho thấy bản chất của nó: “nhưng làm thế nào sáng lập đúng cái khoảnh khắc nơi một câu chuyện bắt đầu? Mọi cái đều đã bắt đầu từ trước rồi, dòng đầu của trang đầu của mỗi cuốn tiểu thuyết đều qui chiếu đến một cái gì đã xảy ra bên ngoài cuốn sách. Hoặc câu chuyện thực là câu chuyện khởi đầu mười hay một trăm trang sau đấy, còn mọi thứ đi trước nó chỉ là đoạn đề từ mà thôi. Cuộc đời của các cá nhân thuộc giống người tạo thành một cốt truyện liên tục không ngừng… mang trong mình một kết cấu phức tạp từ các sự kiện, môi trường, những con người khác…” [10; tr. 236]. Chủ nghĩa hiện thực tạo nên những ảo tượng giống như thực trong sự tiếp nhận của người đọc thông qua một thỏa ước mà trong đó, người đọc phải qui chiếu cái biểu đạt trong văn bản với cái được biểu đạt trong thế giới bên ngoài văn bản và tạo ra một trật tự thống nhất, toàn diện trong kết cấu của thế giới hư cấu. Chủ nghĩa hiện thực có một niềm tin vững chắc vào một hiện thực khách quan bên ngoài đáng để soi chiếu và đó là một thế giới tồn tại như một hệ thống thứ bậc nhất quán, toàn vẹn. Trong chương Nếu một đêm đông có người lữ khách, Calvino đã phơi bày thỏa ước trong cách xây dựng thế giới hư cấu của tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa cũng như những thỏa ước của văn chương truyền thống, từ nhân vật, miêu tả cho đến tình huống bằng giọng điệu hài hước: “Giờ bạn đã đọc được đôi ba trang, hẳn đã đến lúc nói cho bạn rõ liệu cái nhà ga tôi vừa đặt chân xuống đây là nhà ga của quá khứ hay nhà ga của hiện tại… Coi chừng; chắc chắn đó là một phương pháp lôi cuốn bạn từ từ, tóm bạn vào trong câu chuyện trước khi bạn kịp nhận ra – một cái bẫy” [10; tr.20, 21]; “cuốn tiểu thuyết ở đây lặp lại những mẩu đối thoại hình như chả có chức năng nào khác ngoài mô tả sinh hoạt hằng ngày của một thành phố tỉnh lẻ” [10; tr.29]. Sự khác biệt của siêu tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino với siêu tiểu thuyết trong Bọn làm bạc giả của André Gide là ở đây. Đó cũng là sự khác biệt cơ bản giữa siêu hư cấu của chủ nghĩa hậu hiện đại và siêu hư cấu của chủ nghĩa hiện đại. Bọn làm bạc giả là một cuốn tiểu thuyết bàn về tiểu thuyết nhưng nó không giống siêu tiểu thuyết hậu hiện đại. Sự trầm tư của nó về bản thể tiểu thuyết hướng đến sự kiến tạo thẩm mỹ của văn bản, chứ không phơi bày những thủ pháp, thỏa ước, kỹ xảo xây dựng nên văn bản như một thế giới hư cấu hoàn chỉnh. Những suy tư, trăn trở của nhân vật nhà văn Édouard trong cuốn nhật ký của ông là làm cách nào để chuyển tải những cảm nghiệm hiện tồn của ông về đời sống thực tại vào một cuốn tiểu thuyết. Vấn đề mà Édouard thực sự quan tâm là một ý niệm thẩm mỹ chứ không phải là những phương thức cụ thể. Chủ nghĩa hiện đại luôn mong muốn tái hiện thực tại trong bề sâu của nó, một hiện thực siêu nghiệm. Có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa hậu hiện đại nhưng về bản chất, ta thấy chủ nghĩa hiện đại hoàn toàn khác biệt, chẳng hạn thế giới hỗn độn, phân mảnh bên trong tiểu thuyết hiện đại vẫn ẩn chứa một niềm tin hướng đến cái toàn thể và cái trật tự. Thế giới hư cấu của nó vẫn ẩn chứa một chiếc “chìa khóa” để người đọc có thể tìm thấy trật tự toàn thể ấy. Và những phương thức biểu hiện phong phú của chủ nghĩa hiện đại đều xuất phát từ sự tìm tòi về ý niệm thẩm mỹ nhằm biểu đạt một hiện thực bề sâu, ví dụ như thủ pháp “dòng ý thức” hay thủ pháp mô tả đồ vật của Tiểu thuyết Mới. Vì thế, chủ nghĩa hiện đại không tra vấn mối quan hệ giữa hư cấu và hiện thực, không vạch trần tính hư cấu của thực tại bên ngoài văn bản. Bọn làm bạc giả thực chất không xóa đi ranh giới giữa hư và thực. Sự tự quy chiếu của nó thậm chí còn củng cố thêm một ảo tượng giống như thực. Nó có lẽ nghiêng về loại tiểu thuyết tự sản sinh (self-begetting novel). Điểm giống nhau giữa Bọn làm bạc giả và Nếu một đêm đông có người lữ khách là cả hai cùng sáng tạo nên một nhân vật nhà văn tưởng tượng và để những nhân vật này phát ngôn về cuốn tiểu thuyết trùng hợp với tác phẩm ở cấp độ bên ngoài văn bản trần thuật (tức là tiểu thuyết Bọn làm bạc giả và Nếu một đêm đông có người lữ khách mà chúng ta vừa đọc xong). Nhưng trong khi Italo Calvino sử dụng trần thuật ở ngôi thứ hai để trò chuyện với người đọc thì André Gide lại sáng tạo ra người trần thuật xưng “tôi” đưa ra những bình luận siêu trần thuật (metanarrative narratorial comments/ statements). Những bình luận này không những không vạch trần được tính chất giả tưởng, không có thực của chính bản thân tiểu thuyết mà ngược lại nó còn tạo ấn tượng sâu sắc thêm về một ảo tượng như thực dựa trên niềm tin vào người trần thuật: “tôi không hài lòng với Édouard ở những lý lẽ biện bạch của ông” [30; tr.280]; “nếu có bao giờ còn hư cấu ra một câu chuyện nữa, tôi sẽ chỉ đưa vào đấy những tính cách được tôi luyện mà cuộc đời chẳng làm cùn nhụt đi mà chỉ mài sắc thêm” [30; tr.283]; “Édouard đã trả Bernard lá thư kinh khủng, chẳng nói một lời; chẳng nói một lời, Bernard cầm lại thư. Tôi đã bảo rằng họ chẳng nói gì nhiều với nhau; một cái gì đó gượng gạo lạ lùng không giải thích nổi đè nặng lên họ khi chỉ có hai người. Tôi chẳng thích cái từ “không giải thích nổi”, và viết ra đây chỉ là do tạm thời chưa nghĩ được từ nào khác)” [30; tr.265]. Những bình luận tương tự như thế ta có thể bắt gặp rất nhiều trong tiểu thuyết này. Người trần thuật xưng “tôi” luôn song hành và luận bàn về sự phát triển tâm lý và hành động của nhân vật. Từ đó, tạo dựng cho mình một “uy tín”, một sự đáng tin. Người đọc có thể hoàn toàn đặt hết niềm tin của mình vào sự đánh giá của người trần thuật như là một “chứng nhân” cho toàn bộ câu chuyện, người nắm rõ mọi thứ về câu chuyện trong tác phẩm và những nhân vật của nó. Thêm vào đó, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cuốn tiểu thuyết Bọn làm bạc giả của André Gide và tác phẩm Bọn làm bạc giả của nhà văn Édouard là một. Những băn khoăn, trăn trở của nhân vật nhà văn này về cách sử dụng chất liệu kinh nghiệm sống để viết một cuốn tiểu thuyết làm cho người đọc khắc sâu thêm cảm nhận rằng cuốn tiểu thuyết mà Édouard dự định viết chắc chắn không phải là Bọn làm bạc giả của Gide. Với Nếu một đêm đông của người lữ khách thì lại khác, trong khi sử dụng trần thuật ở ngôi thứ hai, ngay từ câu đầu tiên của tác phẩm, Italo Calvino đã “cảnh tỉnh” người đọc rằng những gì họ sắp đọc chỉ là một tiểu thuyết, một hư cấu của chính ông: “bạn sắp bắt đầu đọc một cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino” [10; tr.9]; “bạn lưu ý thấy trong một tờ báo rằng Nếu một đêm đông có người lữ khách xuất hiện, cuốn sách mới của Italo Calvino, ông ấy không in cuốn nào đã mấy năm nay” [10; tr.10]. Tác giả của siêu hư cấu hậu hiện đại, bằng cách này hay cách khác đều cố nhắc nhở người đọc rằng nhưng gì họ đang đọc chỉ là hư cấu, giả tưởng, đều không có thực. “Thủ pháp vượt cấp”[3] (metalepsis), một thủ pháp được chủ nghĩa hậu hiện đại sử dụng một cách phổ biến, ẩn hiện trong cuốn tiểu thuyết của Calvino như một trò chơi xóa nhòa ranh giới thực và ảo. Về mặt bản chất, nó khác hẳnvới bình luận siêu hư cấu của chủ nghĩa hiện đại hay chủ nghĩa hiện thực. Trò chơi của Calvino lộ diện khi ông với tư cách là người trần thuật đề nghị người đọc đồng nhất với nhân vật trung tâm ở ngôi thứ hai “bạn”: “cho đến giờ cuốn sách đã cẩn thận để ngỏ cho người đọc đang đọc cái khả năng đồng nhất bản thân mình với người đọc đang được đọc: chính vì vậy anh ta không được đặt tên bởi một cái tên sẽ tự động khiến anh ta trở nên tương đồng với ngôi thứ ba, hay là một nhân vật (trong khi đó thì bạn, người ở ngôi thứ ba, thì lại cần được đặt cho một cái tên, Ludmilla), thế nên anh ta vẫn được giữ là một đại từ, trong trạng thái trừu tượng của các đại từ, thích hợp với bất cứ thuộc tính và bất cứ hành vi nào” [10; tr.217]. Sự phá vỡ các cấp độ trần thuật này làm cho người đọc bối rối. Người đọc sẽ rời bỏ thế giới thực tại thường ngày để đi vào thế giới hư cấu bên trong tác phẩm hay đưa thế giới hư cấu ấy bước ra cùng cái thường ngày của mình? Việc xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo đặt ra câu hỏi về bản chất của hư cấu lẫn hiện thực. Nếu một đêm đông có người lữ khách vừa vạch trần những thỏa ước của văn chương hiện thực chủ nghĩa lại vừa vạch trần những thỏa ước của văn chương truyền thống. Ta có thể thấy rõ điều này trong chương Ở ngoại vi thành Malbork. Trong chương này, trần thuật ngôi thứ nhất với người kể chuyện xưng “tôi” bộc lộ bản chất của chính nó: “Trong khi hắn và tôi siết chặt lấy nhau, tôi có cảm tưởng rằng trong cuộc vật lộn này sự chuyển hóa đang diễn ra, còn khi chúng tôi trở dậy thì hắn sẽ là tôi còn tôi là hắn, nhưng có lẽ điều đó chỉ đến bây giờ tôi mới nghĩ, hoặc chính bạn, Người đọc mới là người nghĩ thế chứ không phải tôi” [10; tr. 59]; “trang sách bạn đang đọc cần chuyển tải cho được sự tiếp xúc bạo liệt này của những quả đấm thình thịch và đau đớn” [10; tr.60]. Một cuốn tiểu thuyết với người kể chuyện là nhân vật xưng “tôi” thường hướng đến một điểm nhìn nội quan, thể hiện nội tâm bên trong nhân vật. Trong chương này, Nếu một đêm đông có người lữ khách vừa miêu tả cuộc vật lộn của nhân vật xưng “tôi” cùng một nhân vật khác vừa phơi bày những thỏa ước trong sự miêu tả từ điểm nhìn nội quan. Đó là trò chơi yêu thích của những nhà văn viết siêu tiểu thuyết hậu hiện đại, vừa xây dựng một tác phẩm theo những thỏa ước của một hình thức văn chương nào đó vừa tuyên bố về tác phẩm mà mình xây dựng nhằm phơi bày những thỏa ước ấy. Chủ nghĩa hiện thực, dựa trên nền tảng của lý tính tin rằng thế giới bên trong văn bản là cái biểu đạt vững chắc và ổn định cho thế giới sự vật được biểu đạt bên ngoài. Nó tin tưởng vào quyền năng của ngôn ngữ trong việc nhận thức toàn vẹn thế giới thực tại bên ngoài ý thức con người. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện đại, dù phủ nhận chủ nghĩa hiện thực nhưng nó vẫn tin rằng nghệ thuật và văn chương có thể biểu đạt được “cái siêu việt” (sublime) và bề sâu của thực tại. Cho nên về mặt cơ bản, siêu tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện đại vẫn thuộc về nhận thức luận (epistemology) hơn là bản thể luận (ontology). Điều này xuất phát từ chính thái độ của chủ nghĩa hiện đại đối với đời sống. Cả chủ nghĩa hiện đại lẫn chủ nghĩa hậu hiện đại đều nhìn thấy tính chất hỗn độn, phân mảnh, phi lý, đa tạp của đời sống, nhưng trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại chấp nhận và vui đùa với đời sống như chính bản thân nó thì chủ nghĩa hiện đại lúc nào cũng băn khoăn, trăn trở và lo âu về hiện tồn đời sống. Cho nên chủ nghĩa hiện đại vẫn thuộc về nhận thức luận trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại lại đi vào bản thể luận, tức là nó không đặt ra vấn đề nhận thức đời sống nữa mà tra vấn bản chất của đời sống: thế giới là có thực hay thế giới chỉ là hư cấu? Bằng cách phơi bày thế giới bên trong văn bản tác phẩm chỉ là một hư cấu, một giả tưởng bằng ngôn ngữ, là những cái biểu đạt không hề có bất cứ mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài, những tiểu thuyết như Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino không ngừng tra vấn bản chất của thực tại vốn luôn được lý tính gọi là “khách quan” và “tồn tại độc lập bên ngoài ý thức”, bởi vì cái thực tại ấy cũng được xây dựng bằng ngôn ngữ, mà ngôn ngữ chỉ là những cái biểu đạt không hơn không kém. Siêu tiểu thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại mang tính bản thể luận (ontology), tức là nó không ngừng truy vấn mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại cùng bản chất của cả hai. Theo đó, nó cho thấy thế giới hư cấu có thể thay thế cho thế giới thực tại chứ không phải là “bản sao” của thế giới thực tại bởi cả hai đều là những kiến tạo, những giả tưởng. Nói như Barthes thì thế giới đã trở thành văn bản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là siêu tiểu thuyết hậu hiện đại phủ nhận hoàn toàn những thỏa ước của các hình thức văn chương trước đó và thực tại khách quan, hay muốn phá vỡ toàn bộ hệ thống cơ cấu trong xã hội. Nó đơn thuần chỉ nêu lên câu hỏi để người đọc không ngừng suy nghĩ liệu con người có thể phản ánh được một thực tại khách quan toàn vẹn bên ngoài ngôn ngữ hay không và liệu những cơ cấu của con người trong xã hội có mang tính toàn thể, thứ bậc, ổn định, trường tồn? Hay nó chỉ là những kiến tạo mang tính tạm thời, khiếm khuyết, lai tạp và bất ổn của chính chúng ta? Từ những câu hỏi này, siêu hư cấu hậu hiện đại nói riêng và chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung đã bối cảnh hóa (contextualize) giá trị “chân lý” của chúng và nhắc nhở chúng ta phải xem xét lại giá trị (cả quá khứ lẫn hiện tại) và niềm tin của chính mình. 3.2. Đọc và diễn giải (interpretation) Như chúng tôi đã phần nào đề cấp trong chương hai[4], đọc và “diễn giải” (interpretation) là hai vấn đề luôn đi cùng với nhau, đọc tất yếu sẽ dẫn đến diễn giải. Diễn giải là một khái niệm trọng tâm trong Ký hiệu học (Semiotics), Thông diễn học (Hermeneutics) và Mỹ học tiếp nhận (Receptive Aesthetics). Và cũng là một trong những vấn đề mà chủ nghĩa hậu hiện đại quan tâm. Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino là một tiểu thuyết cho ta thấy rõ quan điểm diễn giải mang tính hậu hiện đại. Nó hướng vào người đọc, nhân tố mà lý thuyết văn học hiện nay đề cao. Cái nhìn của Italo Calvino về bản chất và vai trò của người đọc phần nào chịu ảnh hưởng từ quan điểm “cái chết của tác giả” của Roland Barthes. Cuốn tiểu thuyết này được xây dựng dựa trên những chương mở đầu của nhiều phong cách, thể loại tiểu thuyết khác nhau, xen lẫn vào đó là những trần thuật ở ngôi thứ hai. Đây cũng có thể xem là một kiểu giao tiếp của nhà văn với người đọc trong văn bản. Sự trò chuyện đảm bảo cho sự kết nối giữa nhà văn và người đọc không bị phá vỡ do sự phức tạp về mặt kết cấu của văn bản. Siêu tiểu thuyết trong Nếu một đêm đông có người lữ khách thể hiện tính ưu việt trong kết nối giao tiếp giữa tác giả và người đọc trong thế giới văn bản tác phẩm. Nó cũng thể hiện cái nhìn uyên bác, sâu sắc của Calvino về vai trò của người đọc hiện nay. Trong Nếu một đêm đông có người lữ khách, nhân vật nhà văn Silas Flannery đã tự “khai tử” mình với tư cách là một tác giả - một cái “tôi” quyền uy bên trong văn bản: “Cái gì đó trong tôi đã biến mất: có lẽ là cái tôi, có lẽ là nội hàm của cái tôi. Nhưng chẳng phải đây là điều tôi muốn ư? Chẳng phải phi cá tính hóa là điều tôi cố đạt tới hay sao” [10; tr.297]; “cũng như tác giả, bởi ông ta không có ý định kể về bản thân mình, đã quyết định gọi nhân vật là “tôi” như thể che giấu anh ta đi, không phải gọi tên anh ta hay miêu tả anh ta, bởi bất kỳ cái tên hay thuộc tính nào khác đều sẽ xác định anh ta nhiều hơn đại từ trơ trụi này” [10; tr.25]. Tuyên ngôn của Barthes về cái chết của tác giả đã trao quyền chủ động cho người đọc trong mối quan hệ tác giả - văn bản - người đọc. Cái chết ấy xuất phát từ cuộc khủng hoảng cá tính và sự triệt tiêu cái “tôi” như là một cá nhân hay một cá tính trong phát ngôn. Ngôn ngữ học sau Saussure đã vạch trần sự trống rỗng của “tôi” như là một ký hiệu không hơn không kém. Ai cũng có thể sử dụng đại từ “tôi”, “tôi’ là tôi nhưng cũng có thể là bất kỳ ai. Đằng sau đại từ “tôi” là một khoảng trắng hư vô. Thế nên cái biểu đạt trong văn bản tác phẩm không hề quy chiếu ý thức hay tiếng nói của tác giả. Sự phơi bày này giáng một đòn chí tử vào quyền năng tác giả như là thượng đế, như là ý thức độc tôn ngự trị bên trong văn bản và điều khiển mối quan hệ của người đọc với văn bản. Nhân vật này cũng ý thức rất rõ về vai trò của người đọc trong thế giới mà tác giả đã biến mất: “nếu ta giả định rằng sự viết là nhằm vượt ra ngoài các giới hạn của tác giả thì nó chỉ tiếp tục có ý nghĩa khi nó được đọc bởi một người duy nhất và đi ngang qua những mạch thần kinh của người này… Vũ trụ sẽ tự biểu đạt về mình chừng nào một ai đó còn có khả năng nói, “tôi đọc, vì vậy nó/cái đó viết” [10; tr.272]. Văn bản chỉ sản sinh ý nghĩa thông qua hành vi đọc của người đọc bởi cái “tôi” chỉ là một ký hiệu văn bản mà chủ thể nó quy chiếu đến chỉ có thể được xác định trong hành vi lời nói. Khi người đọc tiến hành sự đọc thì cái “tôi” của tác giả không còn nữa. Đại từ ấy bây giờ thuộc về người đọc. Tác giả đã biến mất, cho nên người ta không thể viện dẫn mãi một ý nghĩa do tác giả “ban hành”. Do ngôn ngữ luôn sai biệt và trì hoãn nên không có một diễn giải cuối cùng, cũng không có diễn giải là chân lý. Văn bản mở rộng ra đến vô hạn, với thế giới và với văn bản khác. Và người đọc chính là người “biệt hóa” mạng lưới liên văn bản, liên bối cảnh ấy.Từ đây, người đọc nhận được quyền tự do diễn giải hoàn toàn. Sau khi có được cái quyền ấy rồi, vấn đề mới nảy sinh với người đọc là: diễn giải như thế nào đây? Ở đây, ta bắt gặp một nụ cười hài hước mà sâu sắc của Italo Calvino. Trong Nếu một đêm đông có người lữ khách, Calvino đã đưa ra hàng tá cách đọc văn bản khác nhau thông qua hình tượng nhân vật Lotaria, một kiểu người đọc vô cùng tỉnh táo. Đầu tiên là cách đọc chuyên nghiệp: “trong quá trình đọc ắt sẽ có ai đó nhấn mạnh những sự phản ánh về phương thức sản xuất, người khác thì về quá trình chấn chỉnh, người khác nữa thì về sự thăng hoa những cảm xúc dồn nén, người khác nữa thì về những mã ngữ nghĩa hàm ý tính dục, người khác nữa thì về siêu ngôn ngữ của cơ thể, người khác nữa thì sự vượt qua các vai trò, trong chính trị và trong đời tư” [10; tr.116]; “để lại sau lưng mình những trang sách nát tươm bởi sự phân tích đầy trí tuệ, bạn mơ phát hiện lại được trạng thái đọc tự nhiên, thơ ngây, nguyên sơ…” [10; tr.141]. Cách đọc chuyên nghiệp là một cách đọc quá tỉnh táo và những công cụ lý thuyết kia đe dọa niềm vui đọc vô tư lự. Mục đích duy nhất của việc đọc là đắm mình vào trong sự đọc. Người đọc có nguy cơ đánh mất bản chất và mục đích thực sự của việc đọc: niềm vui. Cách đọc đó cũng sẽ dẫn đến một diễn giải đã được định hướng trước. Những lý thuyết sẽ tạo nên những định hướng trong đầu khiến người đọc không tìm thấy lối đi tự do, lối đi riêng mình vào văn bản tác phẩm như khi đọc trong “chân không”: “song những cuốn sách của tôi nhìn qua mắt cô lại trở thành không thể nhận ra đối với tôi. Tôi chắc rằng Lotaria đã đọc chúng một cách thấu đáo, nhưng tôi tin rằng cô đọc chỉ để tìm ra ở chúng những gì cô tin chắc từ trước khi đọc chúng” [10; tr.286]. Một kiểu đọc khác là đọc trong thời đại số hóa, một hệ quả tất yếu bởi sự phát triền ồ ạt của khoa học công nghệ. Người đọc sẽ nhận được sự hỗ trợ “tối đa” từ máy móc “tối tân”. Người ta sẽ không cần mất thời gian… để đọc mà vẫn có thể “hiểu được” tác phẩm thông qua những từ cùng trường nghĩa được máy móc thống kê một cách chính xác. Thực ra, máy tính cũng giống như khái niệm, sự chính xác càng cao thì càng cho ta một ý niệm bất định vể bản thể hiện tồn, bởi sự chính xác về mặt này sẽ dẫn đến sự sai lệch ở mặt khác. Cuối cùng ta vẫn không nắm bắt được bản thể toàn vẹn của tồn hiện. Sự chính xác của máy móc chính là khiếm khuyết lớn nhất của nó. Vấn đề là cách đọc trên bề mặt, đọc theo kiểu máy móc, thống kê sẽ dẫn đến một diễn giải chắc chắn, xác quyết, toàn thể và cực đoan. Một diễn giải như thế là một diễn giải dựa vào niềm tin lý tính và nó sẽ tự cho mình là diễn giải trung tâm cuối cùng. Thế nhưng bất cứ văn bản nào cũng có tính vô hạn trong diễn giải và không diễn giải nào đứng trên diễn giải nào. Không có câu trả lời cho câu hỏi: diễn giải như thế nào đây? Có vô vàn cách diễn giải khác nhau tùy thuộc vào mỗi người và không bao giờ có một diễn giải nào là chân lý cuối cùng. Thế giới văn bản là thế giới tận cùng và sự chờ đợi điều mới mẻ, niềm vui đến từ sự đọc sẽ đưa người đọc đến với đa diễn giải, sự diễn giải không ngừng: “tôi chờ đợi độc giả đọc ra trong sách tôi những gì tôi không biết, nhưng tôi có thể chờ đợi điều đó chỉ từ những ai chờ đợi đọc ra được một cái gì mà bản thân họ không biết” [10; tr.287]. Diễn giải không phải là tìm kiếm một ý nghĩa nhất định cho văn bản hay cố gắng giải mã thông điệp mà nhà văn “cài” sẵn vào trong đó. Nói đúng hơn diễn giải là sự truy tìm những biểu tượng nơi tác phẩm trong nghĩa kép của nó, những biểu tượng thay thế cho một thế giới khác chứ không phải là truy tầm ý nghĩa của kí hiệu (bởi ký hiệu trong văn bản chỉ là cái biểu đạt không hơn không kém). Xa hơn, mục đích của diễn giải xét cho cùng không phải trả lời cho câu hỏi “là cái gì” (ý nghĩa văn bản là gì) mà là câu hỏi “như thế nào” (văn bản được tổ chức như thế nào). Như thế, khả năng diễn giải của văn bản sẽ kéo dài đến vô tận. Umberto Eco cho rằng một “tác phẩm mở” là một tác phẩm mang khả tính vô hạn của những mối liên hệ bên trong nó và mở ra cho người đọc một sự diễn giải văn bản không ngừng. Diễn giải không chỉ mở rộng văn bản ra thế giới liên văn bản rộng lớn (intertextuality): “mỗi cuốn sách mới mà tôi đọc đều hóa ra là một phần của cuốn sách tổng thể và hợp nhất vốn là tổng hòa các sự đọc của tôi” [10; tr.395], mà diễn giải còn tạo nên “thế giới”, đưa thế giới vượt thoát khỏi những giới hạn chật hẹp. Sự diễn giải không bao giờ là thuần nhất. Nó mang tính phức hợp cao độ, nhất là trong những tác phẩm mà mối liên hệ bên trong của nó tạo thành một thế giới đa phương và đa tầng, hỗn độn hơn là trật tự, đa thanh hơn là đơn giọng, tối tăm hơn là sáng rỡ, mơ hồ hơn là cụ thể, vận động hơn là tĩnh tại… Diễn giải vì thế trở thành một điều gì đó rất khó khăn: “Điều bạn muốn là khơi mở một không gian và thời gian trừu tượng và tuyệt đối trong đó bạn có thể dịch chuyển, dấn mình theo một quỹ đạo chính xác, rành mạch; nhưng giữa khi có vẻ như đang dịch chuyển như mình muốn, bạn nhận ra rằng mình bất động, bị chắn đường, buộc phải lặp lại tất cả từ đầu” [10; tr.44]. Sự diễn giải đôi lúc khiến ta cảm thấy như nắm bắt được thế giới bên trong tác phẩm theo một lối rõ ràng nhưng ngay sau đó lại bất lực cảm thấy thế giới ấy trôi tuột qua kẽ tay. Vì thế, diễn giải không bao giờ là một lần duy nhất. Người đọc có thể đọc nhiều lần cùng một tác phẩm hoặc có thể chỉ đọc một lần duy nhất: “có lẽ đối với bạn, mỗi cuốn sách đều trở nên đồng nhất với việc bạn đọc nó vào một thời điểm nhất định, một lần và mãi mãi. Và cũng như bạn lưu giữ những cuốn sách đó trong ký ức” [10; tr.224], nhưng diễn giải thì không bao giờ chỉ có một lần, diễn giải luôn là mãi mãi. Tuy nhiên, tiến trình diễn giải không chỉ có người đọc. Người đọc hoàn toàn tự do diễn giải trong trò chơi vô lượng của văn bản. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tác phẩm không còn là tác phẩm của tác giả nữa. Khi tuyên bố “tác giả đã chết”, Barthes giải phóng người đọc ra khỏi sự chi phối của một cái “tôi” tác giả đầy quyền uy bên trong tác phẩm, trao cho người đọc quyền tự do tuyệt đối trong quan hệ với văn bản, trong tính vô tận về diễn giải của riêng mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là tác phẩm là một cái gì đó thuộc về hư vô, tác phẩm không thuộc về bất cứ tác giả nào cả. Eco khẳng định tác giả mang đến cho người đọc một tác phẩm cần được “trình diễn”, cần được hoàn thành nhưng tác giả vẫn biết đó là tác phẩm của mình. Khi người đọc đưa ra vô vàn hình thức “trình diễn” tác phẩm thì vẫn có một hình thức thuộc về tác giả. Trong bối cảnh liên văn bản, tác giả - văn bản - người đọc hợp thành một trường thống nhất cùng tham gia vào trò chơi của sự viết: “tôi tự nhủ rằng kết quả của cái nỗ lực phi tự nhiên mà tôi tự buộc mình làm, sự viết, ắt phải là sự hít thở của người độc giả này, hành động đọc trở thành một quá trình tự nhiên, cái dòng chảy mang các câu đến nhập vào sự chú tâm của nàng như một bộ lọc, dừng một thoáng trước khi được hấp thu bởi những mạch tuần hoàn của tâm trí nàng rồi biến mất, chuyển hóa thành những bóng ma bên trong nàng, thành cái mà ở trong nàng riêng tư nhất và khép kín nhất” [10; tr.262]. Mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc là một mối quan hệ vô cùng phức tạp nhưng có một thực tế không thể phủ nhận được là cả hai là tiền đề tồn tại của nhau.Viết và đọc trở thành hai tiến trình vừa song hành vừa giao cắt trong trò chơi ngôn từ. Tác giả dù đã chết nhưng biểu tượng mà tác giả sáng tạo vẫn còn lưu lại dấu vết trong thế giới văn bản và người đọc sẽ để lại dấu vết của mình trên dấu vết ấy, những dấu vết chồng chất, đan xen vào nhau tạo thành những diễn giải vô tận: “đôi khi lòng tôi choáng ngợp một ước muốn phi lý: sao cho câu văn tôi sắp viết sẽ là câu văn người đàn bà kia đọc ngay chính tại thời điểm đó” [10; tr.262, 263]; “nghĩa là không phải viết nàng mà viết cái sự đọc của nàng, viết gì cũng được nhưng viết mà luôn nghĩ rằng nó phải đi qua sự đọc của nàng” [10; tr.266]. Sự viết của nhà văn phải đi qua thế giới của người đọc. Thực ra, trong sự viết của mình, nhà văn không thể nào thiếu vắng hình ảnh của một “người đọc tiềm ẩn” (implied reader). Sự viết ấy không hề cô độc hoàn toàn. Trong không gian huyễn tưởng của mình, nhà văn hình dung ra người đọc, giống như nhân vật Silas Flannery ngắm nhìn và tưởng tượng về Người đọc Nữ của mình. Hình ảnh ấy đã chuyển hóa vào trong tác phẩm, làm nảy lên ước muốn nơi nhà văn là truyền đạt ngay điều mình sáng tạo cho người đọc như một sự tương thông hoàn toàn trong trò chơi viết và đọc. Từ đây, ta thấy trò chơi văn chương là một trò chơi sáng tạo chung và niềm hứng khởi từ sự giao hòa trong trò chơi ấy sẽ mang lại cái mà Barthes gọi là “khoái lạc văn bản” (plaisir du text). Mỗi một tác phẩm là một “mẫu đời sống mới” (M. Kundera) và bất cứ một diễn giải nào về nó cũng sẽ mở rộng thêm cho ta sự trải nghiệm đời sống. Cho nên diễn giải, cũng giống như đời sống, không ngừng trôi chảy. Không thể có một diễn giải là chân lý cuối cùng bởi bất kỳ sự ổn định và tĩnh tại nào của diễn giải đều chứng minh nó đã nằm ngoài mọi sự sống. Và đa diễn giải sẽ đảm bảo cho sự tồn tại của những “tiểu tự sự” (petits – récits), để cuối cùng làm nên một thế giới đa nguyên, đa trị và dân chủ. 3.3. Giễu nhại (parody) và nghiêm trang (seriousness) Một trong những đặc trưng của chủ nghĩa hiện đại là nỗ lực xây dựng chân giá trị và tính nghiêm trang của tiểu thuyết. Vì thế, nó không ngừng tìm tòi thủ pháp mới có thể diễn đạt được một thực tại bề sâu. Bọn làm bạc giả của André Gide là một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho tinh thần của chủ nghĩa hiện đại. Thể nghiệm hình thức nhật ký và tiểu thuyết về tiểu thuyết, Gide bộc lộ một suy tư về đời sống phức tạp, đa đoan và làm thế nào để thể hiện được đời sống ấy trên trang giấy. Trong khi đó, tiểu thuyết hậu hiện đại lại mang bộ mặt của cái hài và giễu nhại, một phần vì nó chấp nhận bản thân đời sống và thích vui đùa với đời sống ấy, phần khác vì nó luôn chứa đựng một sinh lực từ sự tra vấn lại những giá trị của quá khứ. Sự giễu nhại trong tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách không chỉ là sự bắt chước một cách hài hước phong cách hay thủ pháp của một tác phẩm hay một trào lưu nào đó, nó còn đề cập đến những vấn đề có mối quan hệ gắn bó với văn chương theo mối lối hài hước và châm biếm. Bên cạnh việc giễu nhại thỏa ước của tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa và cả thỏa ước của chính bản thân, tác phẩm này còn giễu nhại mối quan hệ của văn chương với xuất bản, chính trị, xã hội tiêu dùng cùng nền sản xuất hàng loạt và nhất là mối quan hệ của văn chương với dịch thuật như là những biểu trưng cho “giả tượng” (simulacres). Những bình luận về xuất bản của Italo Calvino trong cuốn tiểu thuyết này cho thấy ngành thương mại xuất bản sách đã phát triển đến mức phì đại, đôi lúc nó không thể tự kiểm soát nổi chính mình. Người đọc tìm đến nhà xuất bản, hỏi về những cuốn tiểu thuyết mà anh ta đang đọc dang dở để yêu cầu nhà xuất bản đáp ứng quyền lợi chính đáng của mình, nhưng cuối cùng, trải qua một cuộc trò chuyện đầy khó khăn với người biên tập bị nhấn chìm trong đống công việc in ấn bản thảo Cavedagna, anh ta chỉ nhận được một câu trả lời bất lực và những giải thích dông dài về một tay dịch giả “siêu lừa đảo” nào đó cùng một mớ bản thảo của một cuốn tiểu thuyết mới. Trong cái nhìn của anh ta, ngành xuất bản ngày càng rời xa văn chương để đến với những loại sách khác, mang tính thực dụng hơn và đó là một thực trạng đáng buồn. Sự phì đại của thương mại xuất bản làm chúng ta sống trong một thế giới ngập tràn đủ mọi loại sách. Biên độ lựa chọn của chúng ta ngày càng mở rộng, kéo theo vấn đề là làm thế nào để chọn được một cuốn sách đúng? Chúng ta đọc gì trong thế giới ngày hôm nay? Hay việc lựa chọn của chúng ta không còn bất cứ sự định hướng nào nữa? Bằng giọng điệu hài hước, khích lệ, Calvino chỉ dẫn Người đọc của mình đương đầu với mọi trở ngại trong cuộc săn lùng sách, vượt qua hàng tá những cuốn sách đầy mời gọi và khiến ta phân tâm để chọn được một cuốn sách đúng. Cuốn sách ấy còn gì khác hơn một tiểu thuyết, tác phẩm mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino! Thế nhưng mối quan hệ của sách và văn chương với thương mại xuất bản không đáng ngại như mối quan hệ với chính trị. Trong tác phẩm này, chúng ta nhận thấy sự châm biếm của Calvino đối với sự kiểm duyệt sách và sự đàn áp văn chương của những chế độ toàn trị, dù rằng ông vẫn giữ dáng vẻ bình thản và thâm trầm trong giọng điệu tiết chế của mình, chứ không lên giọng giật gân hay gay gắt. Cuộc trò chuyện của Người đọc với viên thống đốc Arkadian Porphyrich cho thấy thân trạng đáng buồn của văn chương dưới sự áp chế của chính trị: “có con số thống kê nào cho phép nhận diện những đất nước nơi văn chương thực sự được lưu tâm một cách rõ ràng hơn là những con số tổng gộp thích hợp cho việc kiểm soát văn chương và đàn áp văn chương?” [10; tr.365]. Chi tiết tấm bản đồ phân chia các nước theo tiêu chí mức độ kiểm duyệt sách và chi tiết cảnh sát giật lấy cuốn sách từ trong tay Người đọc cho thấy tính hệ thống, quy mô và quyền uy tuyệt đối của chế độ toàn trị trong việc kiểm soát và triệt tiêu tính tự do, dân chủ của văn chương. Sự kiểm soát này còn có mưu đồ bắt văn chương phục vụ cho chính trị và xem sách như là công cụ để thực hiện mục đích đó: “tổng thống yêu cầu tác giả cam kết viết một cuốn tiểu thuyết ngõ hầu biện chính cho sự đăng quang như bậc đế vương của nhà lãnh đạo này cũng như ý đồ của ngài là chiếm cứ các lãnh thổ lân cận” [10; tr.184]. Một chế độ sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai đọc một cuốn sách cấm (bị cấm không vì bất cứ lý do gì), một chế độ khiến con người thờ ơ với sách, với văn chương còn có thể được cứu vãn hay không và bằng cách nào? Dường như Calvino không quá tuyệt vọng trước thực trạng đó bởi ông tin vào niềm vui thích của sự đọc luôn ẩn chứa trong mỗi con người, được biểu lộ qua hình ảnh nhân vật viên thống đốc đứng đầu cơ quan cảnh sát: “nếu con người này vẫn tiếp tục nuôi dưỡng một khát vọng và một nỗi hiếu kỳ đối với sự đọc, thì có nghĩa là bên trong những tờ giấy có chữ viết được lưu hành vẫn còn cái gì đó không phải do các chính quyền quan liêu đầy quyền lực bịa tạc ra hay là thao túng, rằng bên ngoài các văn phòng này có một cõi ngoài vẫn đang hiện hữu…” [10; tr.368]. Thế giới vẫn tiếp tục tồn tại, bất chấp mọi áp chế chừng nào con người không quay lưng với niềm vui của sự đọc, chừng nào con người vẫn giữ được lòng nhiệt thành, hiếu kỳ đối với sách và văn chương. Khác với chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại không bao giờ phủ nhận mối quan hệ của nó với văn hóa đại chúng, xã hội tiêu dùng và khoa học công nghệ nhưng liên tục truy vấn những giá trị của chúng và sự ảnh hưởng của chúng đối với văn chương. Trong tác phẩm này, Calvino đã giễu nhại sự tác động tiêu cực của xã hội tiêu dùng đối với văn chương: “tiểu thuyết mà ở đó các nhãn hiệu rượu mà nhân vật cần uống, các điểm du lịch cần được ghé thăm, các sáng tạo thời trang cao cấp, trang thiết bị, đồ dùng này nọ thảy đều được ấn định trong các hợp đồng thông qua các công ty quảng cáo chuyên nghiệp” [10; tr.185]. Tiểu thuyết trong xã hội tiêu dùng cũng không tránh khỏi thân phận hàng hóa và buộc phải mang một giá trị thực dụng. Và người đọc, trong một thế giới mà khoa học công nghệ phát triển vượt bậc và máy móc chiếm vị trí quan trọng không kém gì con người, sẽ phải biến thành vật “thí nghiệm” bất đắc dĩ: “ở New York, trong phòng đối chứng, độc giả bị cột chặt hai cổ tay vào ghế, với áp kế và một cái đai để nghe ngóng những âm thanh trong cơ thể…chủ thể phải là người có thị lực tốt và thần kinh mạnh, để có thể đọc liên tục không ngừng các tiểu thuyết và dị bản tiểu thuyết ngay khi chúng được máy tính sản xuất ra. Nếu sự chú ý đọc đạt đến mức cao nhất định thì sản phẩm đủ chất lượng và có thể đưa ra thị trường” [10; tr.196]. Calvino đã nhìn thấy thân phận của văn chương trong thời đại của ông cũng như trong thời đại của chúng ta và ông đã không nén nổi một cái cười giễu cợt, vạch ra một cách hài hước mà cũng đầy châm biếm “số phận trớ trêu” của văn chương trong thế giới của xã hội tiêu dùng, văn hóa đại chúng và khoa học công nghệ cao. Không chỉ mang thân phận hàng hóa và vật thí nghiệm, văn chương còn là nạn nhân của ngụy tạo. Thông qua hình ảnh của gã dịch giả Ermes Marana, Calvino đã nói lên điều đó. Tất cả mọi sự xáo trộn, lầm lẫn đều do âm mưu xảo trá của gã dịch giả. Nhưng hơn cả việc nói lên một tiểu thuyết cũng giống như một thứ ngụy thư, nhà văn còn muốn bộc lộ quan niệm về thế giới như là ngụy tạo của mình: “vì vậy tôi có thể là hiện thân cho cái mà với gã là tác giả lý tưởng, nghĩa là, kẻ tác giả vốn đã phân tán vào đám mây những hư cấu bao trùm thế giới bằng cái vỏ bọc dày của nó. Và bởi với gã sự trá ngụy là chân tánh của mọi thứ, nên tác giả nào làm ra được một hệ thống hoàn hảo những trá ngụy thì có thể hợp nhất mình với toàn thể” [10; tr.279]. Cái triết lý ngụy biện cho hành động của gã dịch giả, sự trá ngụy là chân tánh của mọi thứ, cũng không phải là hoàn toàn vô lý trong “hiện thực thậm phồn” (hyper – reality) mà chúng ta đang sống. Cái biểu đạt xâm nhập và phá hủy hoàn toàn cái được biểu đạt. Hình ảnh chất chồng lên nhau tạo thành thứ hình ảnh “phi căn nguyên” (non – original). Cuối cùng chỉ còn lại thế giới của “giả tượng” (simulacres): “quá trình giả hóa một khi nó được khởi sự vận hành là sẽ không dừng lại. Chúng ta đang ở trong một đất nước cái gì làm giả được thì đã làm giả rồi: tranh trong viện bảo tàng, vàng thỏi, vé xe buýt. Phản cách mạng và cách mạng đánh nhau với những đòn giả hóa: hệ quả là không còn ai biết chắc cái nào thực cái nào giả, cảnh sát chính trị bắt chước những hành động cách mạng còn các nhà cách mạng thì ngụy trang làm cảnh sát” [10; tr.328]. Điều đó khiến ta suy xét lại những giá trị của truyền thống siêu hình học vốn luôn dựa trên các cặp nhị phân khái niệm và sự phân loại, đánh giá rạch ròi chân giá trị của chúng. Chân – giả, cách mạng – phản cách mạng hay những cặp giá trị tương tự như thế đều không còn có thể phân định được trong thế giới thậm phồn. Nhưng đằng sau sự chất chồng của những ngụy tạo ẩn chứa sự chi phối của toàn thể, quyền lực, cái dẫn con người đi đến chỗ cực đoan: “chức năng của bạn đã bị nhanh chóng quy giản thành chức năng của kẻ ghi nhận lại những hoàn cảnh do kẻ khác định đoạt, phó mình cho những hành động bốc đồng, thấy mình bị cuốn vào những sự kiện ngoài khả năng kiểm soát của mình” [10; tr.337]. Nhân vật Lotaria là một biểu trưng cho sự cực đoan đó. Siêu tiểu thuyết trong Nếu một đêm đông có người lữ khách tỏ ra thích thú khi giễu nhại bản thân văn chương. Câu chuyện khôi hài về sự ganh đua giữa nhà văn mắn chữ và nhà văn phu chữ dẫn đến hành động bắt chước phong cách của nhau và sau đó, một loạt những tình huống kết thúc có thể xảy ra thể hiện tiếng cười giễu cợt xóa nhòa ranh giới giữa văn chương “vì văn chương” và văn chương “vì thị hiếu công chúng”. Sự giễu nhại càng lộ rõ khi siêu tiểu thuyết trong tiểu thuyết này giễu nhại những thỏa ước của văn chương truyền thống. Hành trình truy tìm những chương tiếp theo của cuốn tiểu thuyết dang dở là một sự giễu nhại đối với thỏa ước truyện kể của chủ nghĩa hiện thực, một truyện kể luôn có điểm bắt đầu và kết thúc. Thông qua việc nhái phỏng tác phẩm Nghìn lẻ một đêm, tiểu thuyết này nhấn mạnh thêm sự giễu nhại đó. Hình ảnh của Sultan phu nhân (gợi nhắc đến hình ảnh của nàng Shahrazad) và câu chuyện bịa đặt về giáo chủ Haroun al-Rashid đã làm hiển lộ tinh thần của truyện kể phương Đông, tinh thần không ngừng theo đuổi truyện kể thông qua việc tạo lập nên yếu tính bất tận của những truyện kể không có kết thúc bằng cách lồng ghép chúng vào nhau. Thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Nếu một đêm đông có người lữ khách còn giễu nhại cả chính bản thân mình, giễu nhại truyện kể ở ngôi thứ hai: “chớ tin rằng cuốn sách đang buông lơi bạn, Người đọc ạ. Từ “bạn” mà nãy giờ được chuyển sang người đọc nữ có thể lại chuyển sang nói về bạn ở bất cứ câu nào. Bạn luôn luôn là một “bạn” khả hữu. Ai mà dám kết án bạn để cho bạn mất đi cái “bạn” ấy, một tai họa kinh khủng chẳng khác gì mất đi cái “tôi”. Để một diễn ngôn ở ngôi thứ hai trở thành tiểu thuyết thì ít nhất cũng phải có hai bạn, vừa khác biệt vừa song hành, đứng hằn ra ngoài cái đám đông những chàng, những nàng, những họ” [10; tr.226]. Sự giễu nhại của siêu tiểu thuyết trong tiểu thuyết này đã đi đến chỗ tự giễu nhại, tức là tự tra vấn và hoài nghi chính mình. Có thể xem giễu nhại như một thủ pháp “lạ hóa” (defamiliarization) nhằm tra vấn lại giá trị của hiện tồn văn chương trong quá khứ và thân trạng của cái cũ trong hoàn cảnh lịch sử của cái mới. Đây là thủ pháp phổ biến trong tiểu thuyết hậu hiện đại. Việc tái sử dụng những phương thức truyền thống bằng giễu nhại chính là một trong những nguồn lực khiến cho tiểu thuyết không những không chết mà ngày càng “nảy nở” thêm. Thế giới như là hư cấu, sự đọc là đa diễn giải và giễu nhại là sự xét lại là những gì mà siêu tiểu thuyết hậu hiện đại muốn bộc lộ thông qua tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Từ đây, ta có thể thấy siêu tiểu thuyết không chỉ đơn thuần biểu hiện khuynh hướng thích tự ngắm vuốt mang tính tiêu cực. Vấn đề mà nó đặt ra là một câu hỏi lớn hơn ta tưởng. Đó là sự tra vấn không ngừng bản chất của đời sống và hiện tồn của xã hội. Mọi thứ đều là kiến tạo mang tính chất tương đối của con người, không có bất kỳ một chân lý tuyệt đối nào. Phản tỉnh chúng ta về cái nhìn cực đoan và xác tín bằng sự hoài nghi về bản thể đời sống, đó chính là sự hiền minh của tiểu thuyết. MỤC LỤC DẪN NHẬP 1.Lý do chọn đề tài.................................................................................................................. 4 2.Lịch sử nghiên cứu vấn đề..................................................................................................... 5 3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.......................................................................................... 7 4.Phương pháp nghiên cứu....................................................................................................... 8 5.Kết cấu đề tài....................................................................................................................... 8 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁI QUÁT 1.1. Về nhà văn Italo Calvino và tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách.............. 10 1.2. Về khái niệm “siêu hư cấu” (metafiction).......................................................................... 12 CHƯƠNG 2: NẾU MỘT ĐÊM ĐÔNG CÓ NGƯỜI LỮ KHÁCH VÀ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ TỰ NGÃ CỦA TIỂU THUYẾT 2.1. Tiểu thuyết và cuộc phiêu lưu vào xứ sở biến hình trong Nếu một đêm đông có người lữ khách.................................................................................................................. ............................. 21 2.1.1. Cuộc du hành của tiểu thuyết.................................................................................... 21 2.1.2. Nếu một đêm đông có người lữ khách và tiểu thuyết trong “sự biến hình” (metamorphoses)................................................................................................. .............. 26 2.2. Siêu tiểu thuyết trong Nếu một đêm đông có người lữ khách: tiểu thuyết - tự ngắm mình trong gương hay đối thoại với tự ngã?................................................................................................ 29 2.2.1. Nhà văn và trò chơi huyễn tưởng của viết................................................................. 31 2.2.2. Đọc như một niềm vui và đọc trong niềm cô đơn - niềm ân ái.................................... 36 2.2.2.1. Niềm vui (delight) của sự đọc.......................................................................... 36 2.2.2.2. Đọc trong niềm cô đơn và đọc như niềm ân ái................................................. 39 CHƯƠNG 3: NẾU MỘT ĐÊM ĐÔNG CÓ NGƯỜI LỮ KHÁCH VÀ SIÊU TIỂU THUYẾT CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI 3.1. Mối quan hệ của hư cấu và thực tại: hư cấu về một thực tại và thực tại như là hư cấu......... 43 3.1.1. Hư cấu về một thực tại............................................................................................ 44 3.1.2. Thực tại như là hư cấu............................................................................................. 46 3.2. Đọc và diễn giải (interpretation)......................................................................................... 52 3.3. Giễu nhại (parody) và nghiêm trang (seriousness)............................................................... 57 KẾT LUẬN......................................................................................... .................................. 63 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC [1] Linda Hutcheon (1988), A poetics of Postmodernism, History – Theory – Fiction, Routledge, London and New York. [2] Italo Calvino (Hoàng Ngọc Tuấn dịch), Tính cách bội trương trong văn chương tương lai, work&artworkId=138 [3] Cách dịch khái niệm “metalepsis” của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. [4] Phần 2.2.2.1. Niềm vui (delight) của sự đọc

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_13__4225.pdf
Luận văn liên quan