Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới

Sau bao năm gắn bó, sống hết mình và sang tạo hết mình trên cả hai vùng thẩm mỹ miền núi và thành thị, Ma Văn Kháng đã thể hiện một tài năng, một cá tính sáng tạo độc đáo. Với gia tài khá đồ sộ trên cả hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn sau 1975, Ma Văn Kháng đã tạo cho mình một gương mặt mới, không hề lẫn với bất cứ nhà văn nào. Để tạo dựng được thành công ấy, ông phải trải qua một chặng đường lao động nghiêm túc bền bỉ trên 40 năm. Những công trình nghệ thuật của Ma Văn Kháng đã khẳng định vị trí và đóng góp lớn lao của ông trong sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là thời kỳ đổi mới.

pdf121 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4001 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Viết về thế sự nhân sinh với giọng điệu xót xa ngậm ngùi, nhà văn đã đề cập đến thói vụ lợi, sự ích kỷ, hẹp hòi, sự giả dối, khả năng không thể yêu Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 91 ai khác ngoài mình … Đó là những căn bệnh của xã hội được Ma Văn Kháng chỉ ra một cách rõ rang với một nỗi đau khó dấu về sự phai lạt nhân tình nơi con người. Thể hiện nỗi niềm thế sự nhân sinh, vì thế truyện ngắn Ma Văn Kháng vì thế có một giá trị nhân văn sâu sắc. 3.1.2.3. Giọng điệu triết lý, tranh biện Đọc những truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng, người đọc còn nhận thấy một giọng điệu nổi bật trong các tác phẩm của ông là giọng triết lý, tranh biện. Nhà văn suy ngẫm về thế thái nhân tình và thể hiện quan điểm cách nhìn của mình dưới dạng những triết lý có tính khái quát cao. Nói về giọng điệu triết lý trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, nhà nghiên cứu Lã Nguyên nhận xét: “Mang chiều sâu của triết luận nhân bản về đời sống, nội dung xã hội của tác phẩm Ma Văn Kháng bao giờ cũng vượt ra ngoài ý nghĩa đề tài, chất liệu”. Giọng điệu triết lý, tranh biện là một trong những nét đổi mới từ sau 1975 của các nhà văn hiện đại nói chung. Lúc này, nhà văn đối mặt với nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân sinh thế sự. Giọng độc thoại bị lấn dần bởi giọng đối thoại, tranh biện về những vấn đề của đời sống. Với Nguyễn Khải, những vấn đề nhân sinh thế sự như ý nghĩa cuộc đời, sự lựa chọn cách sống, kế mưu sinh, vấn đề lương tâm, đạo đức thường được luận bàn trao đổi. Trong một số truyện Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Cái thời lãng mạn, Chúng tôi và bọn hắn, Anh hùng bĩ vận …, mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một ý thức. Mỗi phát ngôn của họ đại diện cho một ý thức riêng không phụ thuộc vào ý thức của tác giả. Giọng điệu triết lý, tranh biện của Ma Văn Kháng mang nét đặc sắc riêng. Đọc Ma Văn Kháng thấy xuyên suốt những trang văn một triết luận đời sống hết sức nhất quán. Triết luận ấy lấy tình người, tính người và sự hồn nhiên làm mẫu số để nhà văn trò chuyện về con người và cuộc đời. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 92 Từ những câu chuyện của cuộc sống thường ngày, nhà văn chiêm nghiệm triết lý luận bàn để chủ đề được mở rộng và nâng vấn đề lên tầm khái quát. Trong truyện Trăng soi sân nhỏ, bằng giọng điệu triết lý, nhà văn đã thể hiện quan điểm của mình về văn chương: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật” [25,tr. 442]. Nhà văn đòi hỏi người viết văn phải đi sâu khai thác đời sống nội tâm của con người chứ không phải chỉ miêu tả đơn thuần những sự việc hàng ngày bày ra trước mắt. Những triết lý của Ma Văn Kháng về cuộc đời, về sức sống của con người được ông gửi gắm rải rác trong các trang truyện. Thông qua nhân vật ông Thại, nhà văn triết lý về bản chất của con người trong truyện Tóc huyền màu bạc trắng: “Người là con vật lý trí và rất uyển chuyển. Nó biết sống cả trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất” [25,tr.415]. Trong truyện Anh thợ chữa khóa, nhà văn đi sâu trần thuật công việc của những người làm nghề bán hàng rong để rồi khái quát một quy luật vĩnh hằng, tự nhiên trong công cuộc mưu sinh của con người. “Mưu sinh, tự lo toan hóa ra là cuộc sống khởi thủy, vĩnh hằng, là dòng sông tuôn chảy dồi dào, phù hợp với cái hăm hở vốn có của con người. Phải sống. Phải lăn lưng vào cuộc sống. Phải chịu thương chịu khó. Phải chăm bới đất nhặt cỏ. Phục vụ người, ta lại được phục vụ lại, ấy là cái vòng tròn tự nhiên của đời sống”. [25,tr.504]. Hay trước hành động, cách ứng xử bất ngờ giữa chị Thoan và vợ anh Thiều, nhà văn nhận xét, bàn luận, triết lý về lẽ tự nhiên trong đời sống con người: “Tự nhiên bao giờ cũng cao hơn luân lý, nó có sẵn lời giải đáp khác hẳn kịch bản do con người dàn dựng lên” [25,tr.517]. Có khi từ những mâu thuẫn trong gia đình, nhà văn khái quát thành quan niệm về bản năng tự vệ của con người: “Cuộc sống chưa bao giờ dễ dãi xét cả tiến trình dài dằng dặc. Ước muốn bao giờ cũng cao hơn trạng thái hiện thực và sự sinh tồn, tâm lý tự vệ thường trực của sinh vật là nhân tố Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 93 quan trọng để duy trì những tập tính tối tăm, đời sống do vậy là một kết cấu có cả cái tốt lẫn cái xấu” [25,tr.431]. Trong truyện Một chiều giông gió, nhà văn triết lý về thiên chức của người phụ nữ: “Vả chăng làm mẹ làm vợ là một hạnh phúc tuyệt vời, nhưng cũng là một khổ ải nhân thế người phụ nữ phải đơn độc gánh vác suốt một đời người rồi!”. Từ hình ảnh xinh đẹp của Nhiên (Nhiên - Nghệ sỹ múa) tác giả thể hiện quan niệm về cái đẹp: “Cái đẹp là sự thật ở góc độ rõ ràng, và hơn nữa, cái đẹp là cái gây rung động thẩm mỹ sâu xa vô hạn và tự nhiên. Giống như thơ là sự biểu hiện thuần túy của tâm linh, thơ ít bị thiên kiến gò bó, vì vậy thơ chiếm vị trí cao nhất trong các bộ môn nghệ thuật về vẻ đẹp hồn nhiên”. [25,tr.650]. Từ cuộc đời của ông Thiềng (Ngày đẹp trời) - quan trắc viên khí tượng, Ma Văn Kháng đã đi tới một nhận thức mang tính chiêm nghiệm đầy triết lý: “Dưới bầu trời, trên mặt đất này, cuộc sống vẻ như ổn thỏa nhưng còn bao điều gieo neo vất vả, bất thường”. “Chẳng bao giờ hết may rủi trong cuộc sống của con người”. Trong Đường ngoằn ngoèo nguy hiểm, Thiết - người lái xe với cả một quãng đời đẹp đẽ nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ đã dẫn anh đến một lỗi lầm nghiêm trọng, anh đau xót nhận ra rằng: “Đời người thật có bao giờ được như ý. Chẳng sao mà có thể lường trước được mọi biến cố”. Truyện ngắn Ma Văn Kháng từ sau 1975 có nhiều nét đổi mới. Viết về đề tài đời tư thế sự, giọng điệu trần thuật trong các tác phẩm không còn là giọng đơn thanh mà là giọng đa thanh. Nhà văn và nhân vật tranh biện cùng độc giả về con người, về cuộc đời, về thế sự nhân sinh. Trong khi đối thoại, tranh luận, các nhân vật của Ma Văn Kháng thường bộc lộ trực tiếp quan niệm, chính kiến của mình về vấn đề mà nhà văn quan tâm. Vì thế những vấn đề đem ra đối thoại, tranh biện thường được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 94 Thanh minh trời trong sáng kể về những anh chị em trong một gia đình đi tảo mộ. Trong những câu chuyện phiếm trên đường đi của họ, nhà văn đã khéo gài vào các lời đối thoại của các nhân vật những quan niệm nhân sinh sâu sắc. Khi nói về cuộc sống sinh hoạt của giai cấp phong kiến quý tộc trong phim Hồng lâu mộng, nhân vật chị cả bộc lộ quan niệm của mình về cái ăn, cái mặc, về nhu cầu ước muốn chính đáng được sống sung sướng của con người: “Học ăn cũng phải năm đời còn học mặc cho thanh lịch cũng phải mười đời”, “cái lý ở đâu lại không cho người ta làm giàu”. Bằng cái nhìn nhân hậu, nhà văn đối thoại, tranh biện về tình yêu thương ở con người: “Ấy thế, cuộc sống nói cho cùng, tồn tại lâu dài được chẳng phải là nhờ ở sự hiệp nhất con người trong tình yêu thương, trong sự rộng lượng tha thứ đó sao!” [25,tr.568]. Hay “Lòng nhân từ xưa nay chẳng đã bao hàm trong nó cả sự tha thứ? Và cuộc đời này còn có là nó nữa không nếu thiếu vắng sự độ lượng, khoan hòa?” [25,tr.574]. Suy cho cùng những lời đối thoại, tranh biện được thể hiện qua lời của nhân vật nhưng thực chất đó là lời đối thoại của nhà văn với bạn đọc về cuộc đời. Có thể nói rằng, Ma Văn Kháng là nhà văn có ngòi bút sắc sảo, tinh tế. Ông có tài mổ xẻ, phanh phui, phát hiện chiều sâu tính cách và tâm hồn nhân vật. Những lý lẽ, triết lý trong truyện ngắn của ông có thể được thể hiện trực tiếp qua phát ngôn của người trần thuật cũng có khi thể hiện gián tiếp qua nhân vật. Tất cả những triết lý ấy đều là sự tổng kết của cả một quá trình nhà văn tìm tòi, phát hiện, chiêm nghiệm, đúc kết từ cuộc sống. Nó là sản phẩm của một trái tim đầy tâm huyết với con người và cuộc đời. Có lẽ chính bởi thế mà tác phẩm của Ma Văn Kháng thường có tính đa nghĩa, tầm khái quát, chất triết lý sâu rộng và sức hấp dẫn lôi cuốn riêng. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 95 3.1.2.4. Giọng điệu trào lộng trang nghiêm Giọng điệu hài hước, trào lộng làm nên nét hấp dẫn riêng của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Tác phẩm của ông thường đan xen những cuộc đối thoại giàu kịch tính để tạo chất khôi hài. Tác giả sử dụng ngôn từ được chắt lọc từ lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, lúc trang trọng, lúc đôn hậu, lúc thân mật suồng sã. Giọng điệu hài hước của ông không cường điệu, sắc bén như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan mà hóm hỉnh, dí dỏm, thâm thúy. Với truyện ngắn Những người đàn bà, “Ma Văn Kháng là nhà văn đầu tiên viết được những truyện ngắn khoái hoạt về lòng ái dục của con người” [37]. Trong những cuộc đối thoại của những người đàn bà ở khu tập thể, ta thấy có sự đậm đặc của chất giọng hài hước, dí dỏm: “ - Hề hề. Tao hãi rét lắm. Lên giường là tao vớ cái chăn quấn chặt như cái kén. Tao lấy độc trị độc, cho lão ăn hành răm. Lão khọm già yếu, sức không kéo nổi cái chăn tao quấn! - Nhà cháu dạo này cũng yếu lắm. - Này, một trăm con lợn cùng chung cỗ lòng nhé” [25,tr.480]. Nhà văn đã không ngần ngại e dè khi viết về những câu chuyện ái dục. Với giọng điệu hài hước, trào lộng, ông đã viết về những vấn đề thầm kín ấy một cách rất tự nhiên. Qua đó người đọc nhận thấy rằng hóa ra còn có một dòng sông tình thầm thào chảy dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy, nó thầm chảy nhưng dào dạt vô cùng. Cũng có khi, nhà văn mượn giọng điệu trào lộng trang nghiêm để chế giễu lối sống hành lạc. Có thể thấy rõ điều này qua truyện Ngẫu sự, Anh cả tôi - người sung sướng. Nhà văn miêu tả cảnh sống của ông Chính và bà Thu Hoài - người vợ cũ của ông Chính bằng một giọng hài hước, khinh khỉnh. Từ cái nhìn của nhân vật tôi, nhà văn đã tả người tình của bà Thu Hoài (Anh cả tôi - người Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 96 sung sướng): “Bà chị dâu cũ của tôi và một gã trai trắng trẻo, cao một mét bảy mươi ba phân, mặt lạnh lùng, ria mép lún phún, đặc sệt giọng quê. Gã bỏ nghề thông dịch vì lý do giọng không chuẩn chứ không phải nói tiếng Ba Lan mới hay làm sao, như bà chị dâu cũ của tôi ca ngợi hồi nào. Gã ở nhà tập kèn Clarinet vì phát hiện ra trong bộ ngực lép như gián của mình có một lượng khí lớn hơn người. Hai đứa con của vợ gã chỉ thoát khỏi cực hình khi gã mỏi mồm quá, và sực nhớ đã đến giờ đem xe đạp đi đón vợ ở nhà hát về” [16,tr.154]. “Đài các giả, phong lưu mượn, cái mặt ấy, cái sức học ấy chỉ đủ để gã lừa mị đàn bà con gái nhẹ dạ và ăn bám họ thôi. Lúc này, gã đã thành tên ăn bám bà Thu Hoài rồi. Mà ăn bám bà Thu Hoài tức là ăn bám ông anh tôi. Ông anh tôi tận tụy gánh cái gánh nặng nuôi một nữ diễn viên đang toan về già bao một gã trai tơ để thỏa dục tình - một cái mốt đang thịnh hành - không một lời phàn nàn, ca thán, chứ đừng nói là dè bỉu, khinh miệt” [16,tr.157]. Bằng giọng điệu hài hước nhẹ nhàng, nhà văn chế giễu đả kích những kiểu người vụ lợi, ích kỷ, trơ trẽn. Có điều, ông phê phán mà không hề lên gân, không hề hô khẩu hiệu. Lời văn của ông cứ bình thản nhẹ nhàng mà ý vị, sâu sắc. Có lúc tiếng cười được vang lên với những âm sắc khác nhau, trào lộng mà trang nghiêm, cười để nhận thức đời sống. Có thể dẫn ra một đoạn trong truyện Ngẫu sự: “Lần đầu tiên nàng nhận ra cuộc sống dưới dạng nguyên bản chẳng giống mấy tí với kịch bản sân khấu quen thuộc xưa kia của nàng (…) Còn thiếu gì chuyện - ông B con rể ông A, ông A quen ông Y uy quyền lớn, nên đáng lẽ ông B phải tù chung thân mà hóa ra được đi tham quan nước Pháp! Bà L vốn chỉ là một o du kích chữ nghĩa không đầy cái lá mít, nhưng vì được các ông lớn để ý, nên đã lên hàm bà lớn. Tướng K bị bắt tội tham nhũng vừa “hạ cánh an toàn”, xây một tòa lầu ba tầng gắn gia huy có chữ “Mộng đẹp” và cưới một ca sỹ bằng tuổi con gái út mình” [25,tr.331]. Giọng điệu Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 97 của đoạn văn trên như giỡn đùa bỡn cợt nhưng lại chứa đựng bao vấn đề của đời sống. Với cách sử dụng giọng điệu hài hước, nhà văn nêu lên những vấn đề quan trọng của xã hội. Bởi thế mà câu văn vừa có chất trào lộng vừa phảng phất nét trang nghiêm. Giọng điệu trào lộng, trang nghiêm tuy không phải là giọng chủ âm nhưng nó góp phần tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng của Ma Văn Kháng. Đó là phong vị hài hước rất có duyên thấm trong lời văn của ông, đọc là không thể quên. Giọng hài hước, trào lộng của Ma Văn Kháng không dễ gì hiểu ngay được, người đọc phải có thời gian tìm hiểu mới nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó, bởi thông qua tiếng cười nhà văn thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. 3.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới 3.2.1. Khái niệm ngôn ngữ trần thuật Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy ngôn ngữ có vai trò quan trọng tạo nên tính đặc sắc của một tác phẩm văn học, đồng thời cũng góp phẩn làm nên nét cá tính riêng trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Ngôn ngữ người trần thuật là phần lời văn độc thoại thể hiện quan điểm tác giả hay quan điểm người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả” [6,tr.148]. Ngôn ngữ người trần thuật chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu cá tính của tác giả. Ngôn ngữ trần thuật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình tượng tác phẩm, thể hiện tư tưởng nội dung của tác phẩm. Bởi vậy, trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn luôn quan tâm lựa chọn ngôn ngữ trần thuật để tạo lập một phong cách ngôn ngữ riêng cho các tác phẩm của mình. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 98 3.2.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới Ngôn ngữ là chất liệu cơ bản của văn học. Ngôn ngữ văn học bao giờ cũng mang tính nghệ thuật cao bởi nó có nguồn gốc từ ngôn ngữ nhân dân được nhà văn chọn lọc, gia công gọt rũa với ý thức làm cho ngôn ngữ mang giá trị văn chương. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn đều lựa chọn sử dụng ngôn ngữ để xây dựng nên tác phẩm của mình. Vì vậy mỗi nhà văn thường có một phong cách ngôn ngữ riêng. Chính ngôn ngữ là một trong những yếu tố đặc trưng thể hiện cá tính, phong cách, tài năng của nhà văn. Nhà văn Ma Văn Kháng từng tâm sự rằng ông sáng tác văn chương “như người Mèo trồng bắp trên núi cao” chậm chạp, khó khăn, gian khổ. Có lúc ông cho rằng mình là một người sáng tác nghiệp dư “công việc sáng tác là một cơn ngẫu hứng văn học tự phát hoàn toàn”. Nhà văn quan niệm: “Tôi thích cái gì tôi viết cái đó, thích viết thế nào thì viết thế ấy. Mà cái thích thì không hẹn hò, dự trù, hợp đồng”. Kết hợp giữa ngẫu hứng sáng tạo, sự kiên trì bền bỉ và sự tự do trong sáng tác, văn xuôi của Ma Văn Kháng có gì đó cuốn hút đặc biệt đối với người đọc. Một trong những điều làm nên sức hấp dẫn ấy là ngôn ngữ trần thuật trong các tác phẩm của ông. Với phong cách làm việc cần mẫn và không ngừng sáng tạo, ngôn ngữ văn xuôi Ma Văn Kháng có một phong cách riêng, rất đặc sắc. Ngôn ngữ trong sáng tác của ông phong phú đa dạng giàu tính khu biệt, vừa gần gũi, giản dị như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày lại vừa chan chứa chất thơ bay bổng. 3.2.2.1. Ngôn ngữ phong phú, đa dạng giàu tính khu biệt Ma Văn Kháng là con người am hiểu cuộc sống, sống hết mình, sống thực với cuộc đời. Do đi nhiều, biết nhiều, do có sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống nên ông có một vốn từ ngữ giàu có, hay nói như nhà nghiên cứu Phong Lê, Ma Văn Kháng có “một kho chữ rủng rỉnh để tiêu dùng”. Ma Văn Kháng Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 99 đem vào truyện ngăn một vốn ngôn ngữ đa dạng phong phú và giàu tính khu biệt. Có thể nhận thấy rõ đặc điểm này qua những truyện ngắn về đề tài miền núi và thành thị. Ở mảng đề tài miền núi, ngôn ngữ trong truyện ngắn của ông đậm chất vùng cao. Khi viết về những con người miền núi, những con người gần với tự nhiên hơn cả, tác giả đã thể hiện sự hồn nhiên, thuần phác trong bản chất của họ. Đây là chân dung Giàng Tả: “Giàng Tả hai mươi tuổi, người Hà Nhì ( …) Cũng là da thịt mà da thịt Giàng Tả như sắt như đồng. Vai Giàng Tả rộng gấp rưỡi vai người. Ngực phồng như hai quả gò, bả vai nổi u xương. Cái cổ cái đầu còn lạ hơn, thẳng đơ một đường, không biết gục xuống chịu lụy ai, lúc nào cũng như quyết giữ thẳng, bành ra, to bằng mặt, trông thẳng như một khối đúc liền, với vài ba nét mắt, miệng mũi ngắn nhỏ, đơn sơ. Tất cả sức mạnh như vậy là không biết phô ra, chúng chìm trong da thịt, xương cốt, trong dáng đứng, bước đi ngay ngắn, tự nhiên” [25,tr.46]. Qua chân dung Giàng Tả, người đọc đã có thể thấy được phẩm chất thẳng thắn, trung thực, đơn giản ở con người này. Nhà văn miêu tả Pao (San Cha Chải) với bản tính thật thà chất phác được bộc lộ ngay từ hình thức bên ngoài: “Pao soi mặt mình trong mặt giếng. Mặt Pao vẫn sáng trưng vậy. Rõ hơn là hai con mắt một mí, cái cằm vuông và gò mũi thẳng, toát ra một thần thái vừa chất phác hồn hậu, vừa văn vẻ, không hôn ám. Pao đã lớn, lớn thật sự rồi” [25,tr.770]. Nếu như những con người có bản tính thật thà, mộc mạc được nhà văn miêu tả với dáng vẻ đường hoàng, sáng sủa và tạo được thiện cảm với người đọc ngay ở hình thức bề ngoài thì những kẻ xấu xa, độc ác thường được nhà văn miêu tả với vẻ ngoài xấu xí, dị dạng. Mã Đại Câu - con người đần độn u mê được miêu tả như sau: “Da đen sạm, quắt như cái roi trâu, cóc cáy đóng vẩy như xưa rày chưa hề biết tắm táp rửa ráy là gì. Đặc sắc nhất là cái đầu to quá khổ, do nặng quá cứ phải Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 100 nghoẹo như là ngả trên vai. Các bộ phận trên mặt lão thì thế này: mắt trắng dã, mồm hõm, răng vẹo vọ, má trái bị một vết sẹo xẻ đôi, cái tai phải cụt, đôi môi trơn lỳ như hai vết sẹo và thâm đen”. Cái chân dung dị hình dị dạng của Mã Đại Câu chỉ khiến cho người đọc thương hại - thương cho số kiếp người không ra người của y, nhưng sự phản bội mù quáng của hắn khiến cho người đọc vô cùng tức giận. Đó là khi chiến tranh bùng nổ, tất cả bà con thị trấn Mường Cang đều đi tản cư, chỉ riêng Mã Đại Câu ở lại thị trấn để đón đợi quân Tàu. Kẻ ngu muội ấy đã quay lưng phản bội những người đã cưu mang mình. Cho đến khi “nòng súng ngắn của sư trưởng chĩa thẳng vào ngực Mã Đại Câu. Mã Đại Câu quay đầu định chạy. Nhưng lão đã quay tròn như người say thuốc (…) Tuy vậy lão vẫn cố gào “Ngộ là người Hán tây, ngộ là người Hán tây, ngộ gốc ở bên Tàu tây” (…) Lão ngã rụi xuống, óc tăm tối vẫn chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra ”. Những con người biên ải hiện lên trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng tự nhiên như núi rừng cây cỏ nơi đây. Đó có thể là những người thật thà, mộc mạc, mang vẻ đẹp hồn nhiên, thuần hậu, cũng có thể là những con người u mê, ngu muội tăm tối hoặc tàn ác ngông cuồng. Từ những con người cụ thể, nhà văn đã gợi lên những vấn đề có ý nghĩa khái quát về cuộc sống và con người miền núi. Con người miền núi còn nhiều hoang sơ ấu trĩ, tăm tối trong nhận thức và hiểu biết. Qua đó nhà văn thể hiện niềm thương cảm xót xa cho số kiếp những con người ở chốn biên ải xa xôi này. Đó là những ý nghĩa nhân đạo trong những truyện ngắn viết về dân tộc, miền núi của Ma Văn Kháng từ sau 1975. Ngôn ngữ Ma Văn Kháng phong phú, đa dạng, giàu tính khu biệt còn được thể hiện ở những trang văn miêu tả thiên nhiên. Từ sự gắn bó thân thiết với mảnh đất và con người miền biên ải, Ma Văn Kháng đã có những trang viết đặc sắc về khung cảnh thiên nhiên vùng cao. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 101 Mảnh đất Y Tí được miêu tả thật rõ nét trong Giàng Tả - kẻ lang thang: “Y Tí là mảnh đất phía cực Tây của tỉnh Lào Cai, nó được mệnh danh là mái nhà của cả vùng đất núi non hiểm trở này (…). Y Tí cao hơn hai nghìn mét, chỉ có hai mùa thu đông trong năm. Mùa đông, bầu trời Y Tí xanh ngăn ngắt, rợn cả con mắt. Nước ruộng kết băng phẳng lì cứng bong như kính. Nhà nào nhà nấy lấy lá chuối thút nút hết các lỗ cửa sổ. Bếp lửa trong nhà lúc nào cũng rừng rực cháy. Củi sưởi xếp từng chũa cao vượt mái nhà, dự trữ hàng năm” [25,tr.45]. Hay San Cha Chải được hiện lên thật sinh động qua ngòi bút miêu tả của nhà văn: “Muốn biết thế nào là San Cha Chải, mình phải leo dốc cật lực một ngày trời. Một ngày ròng gánh cực lên non, nhưng lên tới nơi mình cảm thấy ngay là được đền bù. Trời mở toang tám cánh cửa cho mình phóng tầm mắt thỏa sức. Mình nhìn thấy sông Hồng một vệt lênh láng nơi lưng trời xa (…). San Cha Chải nay đã ba chục hộ, mà không khí vẫn heo hút như thời khởi thủy. Nơi đây, cỏ ngải tàn rồi cỏ ngải lại xanh như câu hát hết câu hát lại bắt đầu. Nơi đây, cỏ ngải bị chân ngựa dẫm bốc mùi thơm tinh dầu nằng nặng. Nơi đây, hoa tục đoạn nở và tam thất rừng mọc nhởn nhơ cho riêng nó. Không khí thanh sạch mùi hoa lá. Yên bình như thời mới mở đất, chó nhà thiu ngủ trong nắng, chỉ hậm hực đánh hơi nếu con thú lạ về” [25,tr.765]. Những trang văn miêu tả thiên nhiên miền núi không chỉ thể hiện sự tài hoa trong sáng tạo nghệ thuật của Ma Văn Kháng mà còn thể hiện sự am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của con người miền biên viễn. Có thể nói, nhờ sự gắn bó suốt một thời gian dài với mảnh đất vùng cao, Ma Văn Kháng đã có những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người nơi đây. Chính vốn sống phong phú ấy đã cho ông một kho từ ngữ miền núi đậm bản sắc dân tộc. Vì thế những truyện ngắn về đề tài miền núi của ông khiến cho “nhiều người đọc sách cứ đinh ninh tác giả là người Mèo”. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 102 Nếu như ngôn ngữ trong đề tài miền núi mang đậm sắc thái vùng cao thì ở mảng đề tài thành thị, ngôn ngữ của ông lại mang đậm sắc thái miền xuôi. Cách nhà văn miêu tả con người miền xuôi khác hẳn con người miền núi. Đây là chân dung ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng): “Đó là một gương mặt đàn ông đẹp. Đẹp từ tuổi tráng niên đến lúc từ giã cõi trần (…). Mặt ông có đến hàng chục cái quý tướng. Tai ông to. Thùy châu ông bậu. Nhân trung ông sâu. Ấn đường lộ. Lông mày con tằm. Mệnh cung ông sang bóng (...) Mỗi người đều có thể ngắm nghía và tán tụng mỗi nét trên gương mặt, vóc dáng, thần thái ông theo quan niệm chí thú của mình” [25,tr.407]. Tính cách chính trực, đường hoàng của ông Thại được thể hiện ngay ở chân dung của ông. Thông qua miêu tả ngoại hình, nhà văn đã gửi gắm trong đó những nét đẹp về phẩm chất tính cách của nhân vật. Và đây là cảnh chuyển mùa dưới ngòi bút Ma Văn Kháng nơi thị thành: “Thoạt đầu là cơn mưa chót chét của mùa hè, xả cái oi nồng tích đọng thỏa thuê. Rồi chuyển thành cơn mưa nhỏ đầu thu, mỗi lúc hạt nước một thu nhỏ lại, sau cùng chỉ còn là những đám bụi lơ lửng trắng mờ không gian. Cơn mưa bắc cầu qua hai mùa nóng - lạnh. Bên này cầu là cái heo heo của làn sương bụi. Mùa thu tài tình đã chế tạo ra hơi sương kì ảo và nhẫn tâm như bản chất thiên địa, ngắt đoạn sự sống bề ngoài của mỗi chiếc lá cây. Lá bàng bị thiêu đốt hết màu xanh, vàng ửng lên cái chết bất đắc kì tử. Cây gầy gùa một cốt cách thanh nhã, tương hợp với ngọn gió thu vi vút giăng tơ tình” [25,tr.327]. Những đoạn văn tả cảnh là minh chứng sống động cho việc lựa chọn ngôn ngữ tỉ mỉ của Ma Văn Kháng. Với đoạn văn trên, tác giả đem đến cho người đọc một bức tranh chuyển mùa đầy màu sắc, đường nét. Đoạn văn thể hiện tài quan sát sáng tạo, khả năng liên tưởng độc đáo, xúc cảm mạnh mẽ của nhà văn. Cách dùng từ của tác giả đầy khám phá sáng tạo. “Cơn mưa bắc Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 103 cầu”, “ngọn gió vi vút giăng tơ tình” khiến cho cảnh thu như thức dậy trong người đọc sự liên tưởng đến cuộc đời, đến con người. Đọc Ma Văn Kháng, ta thấy ông đem vào truyện ngắn một vốn sống dồi dào thể hiện qua ngôn ngữ. Người đọc có thể bắt gặp trong truyện ngắn của ông hình ảnh một xã hội thu nhỏ với con người thuộc đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, giới tính, dân tộc. Mỗi nhân vật có một loại ngôn ngữ riêng được chắt lọc từ cuộc sống: một thầy giáo đầy trách nhiệm, một anh thợ chữa khóa, một bà mẹ miền Trung, một ông bố vò võ nuôi con và đợi chờ con suốt cả cuộc đời, một chú bé nhỏ tuổi mà sống giàu tình nghĩa, một bà cụ giúp việc yêu thương con nhà chủ như chính con cháu mình … Có thể khẳng định ngôn ngữ văn xuôi Ma Văn Kháng vô cùng phong phú, đa dạng và giàu tính khu biệt. Với một phong cách làm việc kiên trì, bền bỉ, ông luôn dành tất cả tình yêu, sức lực và tâm huyết để sáng tạo những tác phẩm thực sự có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc với con người và cuộc đời. 3.2.2.2. Ngôn ngữ đời thường giản dị Một đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng là nhà văn thường sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, tục ngữ, thành ngữ. Nhà văn đem ngôn ngữ nói hòa trộn vào ngôn ngữ viết. Chính việc sử dụng với tần số lớn ngôn ngữ hội thoại hàng ngày cùng tục ngữ, thành ngữ dân gian đã đem lại một vẻ đẹp gần gũi, bình dị cho truyện Ma Văn Kháng. Ngôn ngữ văn xuôi của ông ánh lên vẻ đẹp của cuộc sống đời thường. Nếu Tô Hoài sử dụng ngôn ngữ đời thường giản dị để đi sâu tìm hiểu phong tục tập quán và cuộc sống sinh hoạt bình dị của con người thì Ma Văn Kháng dùng ngôn ngữ đời thường để khắc họa những cảnh đời, những số phận con người. Ngôn ngữ trong truyện Ma Văn Kháng hiện lên trang giấy gần gũi, giản dị như những lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày. Phong cách khẩu Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 104 ngữ được nhà văn sử dụng rộng rãi ở cả ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật. Đây là một đoạn nói về những người bỏ quê ra đi kiếm sống ở xứ người: “Hạng giàu có thường là giám đốc, chủ nhà hàng, kỹ sư, bác sỹ. Hạng nghèo nàn là đám thợ thuyền hoặc vô nghề nghiệp (…) Họ vẫn là anh khôn ngoan, từ bạch thủ tay trắng, từ thất cơ lỡ vận mà dựng lại cơ đồ, trong khi mấy anh vốn là dân du thử du thực, khố rách áo ôm, sống vô gia cư, chết vô địa tang, cầu bơ cầu bất, hoặc trộm cắp chuyên nghiệp, bị bắt, xổng tù ra đi, những tưởng chuyến này cờ đến tay tha hồ mà phất, trở thành ông nọ bà kia, võng giá nghênh ngang, thì vẫn xo xúi hoàn xo xúi”. (Người cuối cùng về làng Lận). Chỉ trong một đoạn văn ngắn, nhà văn đã sử dụng đến chín thành ngữ. Điều đó cho thấy vốn liếng văn học dân gian vô cùng phong phú, giàu có của tác giả. Ma Văn Kháng còn nhận ra vẻ đẹp trong dòng chảy tự nhiên của đời sống hàng ngày qua âm thanh những tiếng rao của đội ngũ những người làm dịch vụ, các thứ nghề lặt vặt linh tinh. Đoạn văn tác giả kể về những người làm nghề bán hàng rong thật giản dị như lời ăn tiếng nói hàng ngày vậy: “Cô hàng rượu nếp có dáng đi chọn lọc là bao giờ cũng thong dong, tênh tênh cái gánh hàng nhẹ nhõm, thả cái tiếng rao mềm như sợi lạt giang ngâm nước nghe đến là la đà: “Ai rượu nếp ra mua”. Lảnh lót thì phải nói đến mấy cô hàng rau trẻ. Các cô có dáng đi te tái. Và rau cỏ trong tiếng rao của các cô là một đám líu ríu những su hào, bắp cải, cà chua, xà lách, hành tỏi, tối tăm cả mặt mũi khách hàng. Khác hẳn với mấy cô bán rau, mấy bà thu mua các mặt hàng tầm tầm mà tiếng rao lại bay bổng như là hát dân ca. Ấy là mấy bà thu gom tả phí lù, từ vỏ chai, lon bia, bìa cac tông đến giấy vụn. Nhưng các bà chỉ buông một câu đã có từ thưở khai thiên với cái giọng chênh vênh cùng một ngữ âm cổ lỗ và từ vựng thì đã mất ý nghĩa từ nguyên: “Ai cháo trai, bao chè, đồng nát đơi”” [25,tr.503]. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 105 Phong cách khẩu ngữ được thể hiện đậm đặc hơn khi người kể chuyện trao quyền cho nhân vật. Lúc đó, nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thường thể hiện ngôn ngữ sinh hoạt rất rõ ràng mà phong phú. Bà Nhàn (Trung du chiều mưa buồn) là cán bộ có địa vị nhưng xuất thân hạ lưu vô học. Nhà văn đã phản ánh nguồn gốc xuất thân và bản chất xấu xa của người phụ nữ này qua cách bà ta nói chuyện: “Cứ tưởng cái thằng cha nhà nghỉ Thịnh Lương không ra gì. Nghe các ông con giời chê, đã định bỏ. Hóa ra cực kỳ! Ăn tám chục một ngày mà bằng hai trăm nơi khác. Cá thu có sáu mươi đồng một ký có chết người không chứ! Rẻ thối! Bãi biển thì hết ý! Ngồi trên gác ba ngắm bãi biển lồng lộng gió mát cũng cực kỳ! Ôi giời, áo xanh áo đỏ cứ là hoa cả mắt. Năm nay các mẹ toàn mặc áo tắm hai mảnh. Các ông tha hồ mà bổ túc mắt nhé. Phục vụ thì hơn hẳn nơi khác. Thật là hết sảy” [25,tr.121]. Sau chuyến đi nghỉ mát về, bà Nhàn không hề để tâm đến chuyện đứa em gái đang hấp hối chờ đợi được gặp chị lần cuối. Câu chuyện đầu tiên của bà là chuyện ở nhà nghỉ, bãi tắm với những cụm từ mang tính chất chợ búa như “cha tiên sư nó”, “cực kỳ”, “hết xảy”, “hết ý”, Khi nhận được thư của em rể, câu đầu tiên của bà ta là: “Xem thằng ông mãnh định vòi vĩnh gì nào!”. “Thằng ông mãnh” không vòi vĩnh gì mà chỉ báo tin em gái bà đã chết và anh ta cố che dấu cái chết nghèo nàn cơ cực. Những tưởng bà Nhàn sẽ xót xa ân hận, vậy mà bà ta lại thích thú khám phá ra một sự thật: “Tay cầm thư, tay kia vỗ bộp xuống bàn, bà kêu to như vừa khám phá ra một sự thật: Tiên sư nó chứ, chết như nó cũng sướng. Thế mà cứ làm ra vẻ ta đây nghèo khổ! Mình dễ đã bằng nó à!” [25,tr.123]. Thông qua đoạn độc thoại của bà Nhàn với một loạt những từ ngữ suồng sã, thô lỗ, bản chất ích kỷ, vô tâm, vô cảm của bà Nhàn đã được bộc lộ một cách cụ thể và vô cùng sinh động. Bà Nhàn đã đi đến tận cùng của sự băng hoại đạo đức nơi con người. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 106 Cùng với việc sử dụng đậm đặc ngôn ngữ đời thường trong lời đối thoại của nhân vật, nhà văn còn đặc biệt chú ý sử dụng ngôn ngữ địa phương của từng vùng quê. Đây là lời đối thoại của chị Thảo - người chị ở quê ra thăm vợ chồng Đoan (Heo may gió lộng) với cái Thúy: - “Sao bọn họ ác thế? Bác nhất định không chịu chứ? - Giời không chịu đất thì đất đành phải chịu giời, cháu ạ. Mình ở thế yếu mờ. Cực nữa là sờ đến cái túi xách tay lấy tiền thì, ôi thôi, kẻ cắp nó đã rạch ngang một nhát, móc mất cái ví rồi. - Thế bác làm thế nào? Khổ thân bác quá! - Bác vẫn còn tiền chứ, chỉ buồn là lắm cảnh người bức hiếp người, hãi quá! À mờ thôi. Vừa hé mở người phụ nữ lại vội vàng khép kín tâm tư - Thúy giúp bác cất dọn các thứ này đi. Chả có gì đâu. Hai con gà này, thịt hay nuôi cho đẻ mà ăn trứng” [25,tr.374]. Và đây là lời kể của bà nội với Thủy Tiên (Quê nội): “Thầy mi sang bên ông Đông chủ tịch mần cái chi chi đó, nhà ông Đông ở chỗ sưa nhà đó, cháu. Chỗ nớ, cực lắm, ba bốn hố bom hắn thả. Hồi tê đó, tàu bay Mỹ hắn to cồ cộ, hắn đi từ biển vô, từ đất ra trộ xuống đây, thảy hết lượt. Hắn thả một quả bom trúng cái búi tre có hầm bà nấp ở dưới gốc. Bà với chị Thía mi hôm nớ ôm nhau tưởng chết. May, tre dày, bom mắc lại, nổ ở trên thôi. Còn nhà ông Đông, bạn thầy mi đó, chết bảy người. Cực chi là cực. Đưa người đi chon, pháo bắn dập vô, người khiêng quan tài chết luôn ngoài nghĩa địa”. Những đoạn đối thoại trên mang đậm phong cách khẩu ngữ của miền quê Bắc Bộ và Trung Bộ. Ngôn ngữ hội thoại mang màu sắc địa phương gợi nên nét mộc mạc, giản dị, chất phác mà hồn hậu, đáng yêu đáng quý ở con người. Những con người ấy dù vất vả cực nhọc nghèo khó nhưng thật giàu nghĩa, giàu tình. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 107 Trong một số truyện ngắn của Ma Văn Kháng sau 1975, ta thấy nhà văn còn vận dụng khéo léo, linh hoạt thành ngữ, tục ngữ, ca dao lồng trong ngôn ngữ nhân vật. Có thể nhận thấy rõ nét bút pháp này trong truyện ngắn Người đánh trống trường, Bồ nông ở biển. Đây là một đoạn giữa mẹ chồng và nàng dâu trong Bồ nông ở biển: “Vợ Lương giậm chân, xỉa tay về phía bà cụ: - Này , đừng có nỏ mồm vu oan giá họa nhớ, mụ già kia! Bà cụ gạt tay Lương nhảy chồm chồm: - Mày đã nói thế thì bà không còn gì để nể mày nữa. Mày đem xác về cái nhà này, hỏi mày có cái gì nào? Mày có ba bò chin trâu, ruộng cả ao sâu gì mà mày ngồi mát ăn bát vàng nào! Vợ Lương chống tay lên háng, bìu mỏ, ngạo mạn: - Ừ, thì cứ cho là thế, thì bây giờ cụ muốn gì tôi! - Tao muốn vạch mặt mày. Mày là quân mèo đàng chó điếm. Mày là quân cơm hàng cháo chợ! - Cụ mà nói nữa thì tôi không để yên cho cụ đâu. - Tao theo dõi hết! Úi giời! Phúc đức bà tú Đễ là mày. Mày bao dong hạt cải, rộng rãi trôn kim (…) Thôi đừng đãi bôi nữa, quân bòn gio đãi trấu kia! Tao còn lạ. Mày ăn lấp mày lấp miệng. Mày còn đem của cải nhà này về bù chi bù chít cho họ hàng tông ty nhà mày [25,tr.435]. “Anh ơi, anh có nghe người ta hát không? Nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng bằng trông thấy bồ nông ở biển. Anh có biết bồ nông ở biển là thế nào không? Cái con bồ nông ý …” [25,tr.430]. Những phụ nữ trong đoạn hội thoại trên đã sử dụng một loạt thành ngữ, tục ngữ trong câu nói của mình. Những lời đối thoại ấy thể hiện sự ngoa ngoắt, chua cay của những người đàn bà ít học. Tuy vậy, vốn văn học dân gian đã hằn sâu trong tiềm thức giúp họ vận dụng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh để khẳng định bản chất trong mỗi con người. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 108 Còn trong Người đánh trống trường, thầy giáo Huân lại có một kho tàng thành ngữ dân gian phong phú để vận dụng khéo léo và hợp lý: “Chúng ta phải cho con em đi học để chúng khỏi trở thành mấy anh thầy bói xem voi” [16,tr.113]. “Trông cô thế mà tiếng cô gọi anh xưng em với thầy thánh thót, ngọt ngào đến mê mị. Bữa cơm nghèo có tí men là thầy ngất ngư ngâm nga: Cơm trắng ăn với chả chim. Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn cũng no” [16,tr.115]. Ngôn ngữ truyện ngắn Ma Văn Kháng bình dị, chân chất mộc mạc mà đằm sâu, nhân hậu biết bao. Có thể nói rằng chính ngôn ngữ đời thường giản dị cùng vốn liếng văn học dân gian đã đem lại cho truyện Ma Văn Kháng một sắc điệu riêng, một vẻ đẹp khó lẫn. 3.2.2.3. Ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu hình ảnh và sức gợi cảm Nếu như ngôn ngữ đời thường giản dị được nhà văn sử dụng chủ yếu trong việc thể hiện bức tranh hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ thì trong những đoạn miêu tả không gian và miêu tả tâm trạng nhân vật, ngôn ngữ của nhà văn lại giàu chất thơ, giàu hình ảnh và sức gợi cảm. Khung cảnh chợ hoa (Chợ hoa phiên áp Tết) được nhà văn miêu tả thật rực rỡ, tươi tắn và lung linh sắc màu: “Hoa, vẫn là đã thân quen mà sao hôm nay mới mẻ và đắm say. Hồng đằm thắm. Cúc đôn hậu. Thược dược tươi mưởi. Đồng tiền nhẹ nhõm. Bướm vui tươi. Loa kèn giản dị. Păng xê ưu tư. Ôi, những bông hoa như bật ra từ thiên lương trong sạch. Những bông hoa vừa mong manh vừa hoàn mỹ, chắt chiu gạn lọc từ những xô bồ thô lậu, trong khuôn khổ mà không hề câu nệ, gờ gẫm. Hoa, sự lắp ghép và phối màu tưởng là tùy tiện mà vô cùng hoàn hảo, không chút lỡ lầm. Hoa, bước nhảy vọt của tự nhiên” [25,tr.603]. Cùng với những loài hoa khoe sắc là hình ảnh của ông Khoa, ông Huỳnh, cô Trang. Những người trí thức tài hoa ấy đã sống thật gắng gỏi, vượt lên trên nỗi éo le, buồn đau của cuộc đời. Và họ cũng là loài hoa đẹp trong vườn hoa cuộc đời. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 109 Và đây là khung cảnh vùng thượng huyện Bát Xát trong mùa hoa gạo nở: “Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa gạo có cung màu đẹp tuyệt như ở đây. Ở đây, trời xanh trong vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người như nhìn thấu tới tận cõi vô cùng. Ở đây, sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày. Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp (…) Chẳng có thứ cây nào mà lại hào phóng sắc đỏ đến thế. Và hoa lại vừa đỏ vừa lực lưỡng đến thế. Bằng cái cốc vại một, mỗi bông đậu trên cành trông chẳng khác một đốm lửa. Cả ngàn đốm lửa như thế suốt cả ngày phấp phới vẫy gọi những đàn sáo từ xa đến thưởng ngoạn vẻ đẹp của chính mình” [25,tr.390]. Đoạn văn tả cảnh cho người đọc thấy cảm nhận tinh tế của nhà văn trong việc phác họa một bức tranh thiên nhiên rực rỡ các cung màu: trời trong xanh văn vắt, kết hợp với màu hoa đỏ rực rỡ như những đốm lửa trải dài một dải đất biên cương ngút ngàn. Đường nét, màu sắc của khung cảnh thiên nhiên hết sức ấn tượng tạo nên bức tranh hùng vĩ mà đậm chất trữ tình của một miền biên ải. Nhà văn miêu tả một buổi chiều thu nơi miền quê yên ả, thanh bình trong Trái chín mùa thu: “Chiều mùa thu vời vợi. Chân đê, hoa sen bừng bừng những chấm đỏ nhòe, lay động trong gió nhẹ đưa hương lúa thơm rải khắp khu đồng. Lại như diễu vòng lại cảnh xưa, con trâu non xoải vó theo nhịp điệu cũ, nhẹ bẫng, rập rờn trên màu xanh đậm đà của ngọn cỏ thu. Thu đã vào giữa mùa” [25,tr.136]. Bức tranh thu được nhà văn miêu tả thật giàu hình ảnh và đậm chất thơ. Khung cảnh miền quê trong buổi chiều thu yên bình như cuộc sống của những con người nơi đây. Trong những đoạn văn tả cảnh Ma Văn Kháng rất hay dùng các từ chỉ màu sắc mang tính gợi hình gợi cảm cao. Người đọc bắt gặp sự tự nhiên mà thành thục điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ của tác giả. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 110 Bằng một loạt những từ ngữ giàu hình ảnh, giàu chất thơ, nhà văn đã tả nàng Seoly xinh đẹp (Seoly - kẻ khuấy động tình trường): “Nàng là trăng trên trời. Là chim quyên trong các loài lông vũ. Là măng tre trong các loại rau ăn. Là quả vải trong các thứ trái cây. Là mùa xuân của thiên nhiên. Nàng là đàn bà hơn tất cả đàn bà. Vì nàng gây thèm muốn được chế ngự, thỏa lạc của đàn ông. Cơn rừng động, đất rung khởi sự từ nàng” [25,tr.103]. Nhà văn đã sử dụng bút pháp so sánh cùng với những hình ảnh sinh động khiến cho Seoly hiện lên vô cùng đẹp đẽ rạng ngời. Chất thơ trong văn Ma Văn Kháng không chỉ được thể hiện trong lời văn miêu tả mà nó hiện diện trong cả ngôn ngữ kể. Đôi lúc tác giả chen vào dòng văn xuôi những dòng thơ, ý thơ làm cho câu văn trở nên nhịp nhàng, đưa đẩy tha thiết. “Chị chỉ còn dang dở mỗi đường tình ái. Thì may thay, anh thợ khóa tài hoa tới dang tay mở khóa động đào, vạch mây cho tỏ lối vào thiên thai” (Anh thợ chữa khóa) [25,tr.512]. “Giờ đây, chưa chồng ở tuổi này bà vẫn rất muốn lấy chồng nhưng lại hết sức ngại ngùng. Nhưng ngại vẫn cứ là ngại, mà thiết tha vẫn cứ là thiết tha. Âu đó cũng là thường của lẽ tự nhiên. Lẽ tự nhiên như bài hát cổ. Các phẩn tử trên đời. Đều thành lứa đôi. Trời là chồng. Đất là vợ. Đất nâng đỡ. Những gì mưa tuôn. Trời ấp lạnh. Trời quạt nồng” [25,tr.749]. Chị Thiên - một người phụ nữ có sắc đẹp và đức hạnh, vô cảm trước nhiều gã đàn ông theo đuổi nhưng rồi chị đã đem lòng yêu một anh thợ xây - vốn là bạn từ thưở nhỏ, bởi anh ta biết chọn bài hát dân ca Ý: “Biết đến bao giờ lại gặp cô em thời thơ ấu. Một phút gần nhau để rồi mãi mãi lìa xa”. Trong cái vẻ ngoài im lặng lạnh lùng của gã thợ xây, bài dân ca Ý như một cánh cửa tâm trạng đưa chị Thiên ra khỏi cái ủ dột, chán chường, cam phận. Ngôn ngữ văn xuôi giàu chất thơ, giàu hình ảnh và sức gợi cảm giúp cho những suy nghĩ của Ma Văn Kháng về con người, về tình đời trở nên sâu Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 111 lắng hơn, đồng thời cũng thể hiện tài năng của nhà văn trong lao động nghệ thuật. Ngôn ngữ giàu chất thơ tạo vẻ đẹp lấp lánh trong truyện ngắn Ma Văn Kháng và góp phần khẳng định chỗ đứng không thể thay thế của ông trên văn đàn văn học hiện đại. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 112 KẾT LUẬN Sau bao năm gắn bó, sống hết mình và sang tạo hết mình trên cả hai vùng thẩm mỹ miền núi và thành thị, Ma Văn Kháng đã thể hiện một tài năng, một cá tính sáng tạo độc đáo. Với gia tài khá đồ sộ trên cả hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn sau 1975, Ma Văn Kháng đã tạo cho mình một gương mặt mới, không hề lẫn với bất cứ nhà văn nào. Để tạo dựng được thành công ấy, ông phải trải qua một chặng đường lao động nghiêm túc bền bỉ trên 40 năm. Những công trình nghệ thuật của Ma Văn Kháng đã khẳng định vị trí và đóng góp lớn lao của ông trong sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là thời kỳ đổi mới. Xuất phát từ sự thay đổi cái nhìn đời sống, với nền tảng của chủ nghĩa nhân văn cao cả, Ma Văn Kháng không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật nói chung và trong nghệ thuật trần thuật nói riêng. Qua việc nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới, chúng tôi có thể rút ra một số kết luận sau: 1. Truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới đã thể hiện ngòi bút sắc sảo, thấm đẫm chất nhân văn. Đọc truyện ngắn của ông, độc giả tìm thấy trong đó những chiêm nghiệm đời sống của một tác giả luôn bám sát từng bước đi của đời sống xã hội và quan tâm đặc biệt tới số phận con người trước những đổi thay của lịch sử. 2. Trong những truyện ngắn thời kỳ đổi mới, Ma Văn Kháng luôn lựa chọn điểm nhìn trần thuật phù hợp với nội dung tư tưởng và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Điểm nhìn bên ngoài là sự lựa chọn của nhà văn, giúp nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân thực và khách quan nhất. Ở điểm nhìn này, tác giả đã thể hiện bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong sự đa dạng nhiều chiều. Từ đó đem lại màu sắc mới mẻ cho truyện ngắn của ông. Điểm nhìn bên trong giúp nhà văn đi sâu khắc họa thế giới nội tâm Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 113 con người. Vì thế, đối tượng trần thuật không chỉ được tiếp cận từ hình dáng với những biểu hiện bên ngoài mà còn được soi sáng từ chiều sâu tâm hồn. Một điểm nổi bật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng sau 1975 là hiếm khi tác giả duy trì một điểm nhìn duy nhất từ đầu đến cuối truyện mà luôn có sự dịch chuyển và kết hợp các điểm nhìn trần thuật. Điều này giúp cho nhà văn đi sâu phân tích diễn biến tâm lý nhân vật một cách sâu sắc và tinh tế. 3. Không gian và thời gian trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng đều thể hiện rõ cá tính sáng tạo và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Từ không gian đời thường với sự lựa chọn sáng tạo: không gian căn phòng, không gian phố phường, không gian làng quê và đặc biệt là không gian tâm trạng, nhà văn đã tạo cho nhân vật của mình những môi trường phù hợp để bộc lộ cá tính, tâm trạng. Cùng với sự sáng tạo về không gian là sự sáng tạo về thời gian. Chính những bình diện này đã mang đến những dấu ấn riêng trong nghệ thuật thể hiện của Ma Văn Kháng. 4. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng từ sau 1975 có nhiều đổi mới. Giọng điệu ngợi ca mang âm hưởng chủ đạo. Qua đó nhà văn thể hiện niềm tin yêu chân thành vào con người và cuộc sống. Bên cạnh đó, nhà văn còn sử dụng nhiều giọng điệu khác như giọng điệu xót xa ngậm ngùi, giọng triết lý tranh biện, giọng điệu trào lộng trang nghiêm … Chính sự đa dạng của giọng điệu đã xóa mờ khoảng cách giữa người trần thuật và đối tượng trần thuật, tạo cho văn bản một tiếng nói đa thanh, giàu cảm xúc, nhà văn có thể đối thoại trực tiếp với bạn đọc về cuộc đời. 5. Là một nhà văn luôn tìm tòi và tự đổi mới, ngôn ngữ trần thuật truyện ngắn Ma Văn Kháng từ sau 1975 có nhiều sáng tạo độc đáo. Bên cạnh ngôn ngữ đời thường giản dị, nhà văn còn sử dụng ngôn ngữ văn xuôi giàu chất thơ, giàu hình ảnh và sức gợi cảm. Ma Văn Kháng là một trong số những nhà văn đương đại rất có ý thức trong việc lựa chọn từng câu chữ. Là người am hiểu cuộc sống, sống hết mình, sống trung thực với cuộc đời, Ma Văn Kháng Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 114 đưa vào truyện ngắn một vốn ngôn ngữ rất đa dạng, phong phú. Trong truyện ngắn của ông có nhiều đoạn văn tả cảnh thật sự mẫu mực, minh chứng cho việc chọn lọc ngôn ngữ công phu. Ngôn ngữ truyện ngắn Ma Văn Kháng thể hiện quá trình lao động kiên trì, bền bỉ và tài năng nghệ thuật dồi dào của ông. Truyện ngắn Ma Văn Kháng sau 1975 đã đánh dấu những nét đặc sắc mới trong nội dung và nghệ thuật thể hiện, đặc biệt là nghệ thuật trần thuật. Chính phương diện này đã góp phần quan trọng để nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống và con người trong một cái nhìn mới mẻ nhiều chiều đa dạng và phong phú. Nghiên cứu nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới, chúng tôi nhận thấy mỗi trang văn của ông là một trang đời của người cầm bút suốt đời không thôi trăn trở, nghĩ suy, mải mê sáng tạo. Sự sáng tạo ấy đã giúp nhà văn khẳng định những giá trị vĩnh hằng trong cuộc sống hôm nay. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 115 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Mai Anh (1997), Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Ma Văn Kháng từ sau 1980, Luận văn Thạc sỹ, ĐHSP HN. 2. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Lê Huy Bắc (1998), “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại”, Tạp chí Văn học số 9/1998. 4. Nguyễn Minh Châu (2006), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học. 5. Hà Thị Thu Hà (2003), Thi pháp truyện ngắn Ma Văn Kháng sau năm 1980, Luận văn Thạc sỹ, ĐHSP HN. 6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. 7. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (2002), Lý luận văn học - Vấn đề suy nghĩ, Nxb Giáo dục. 8. Hoàng Ngọc Hiến (1992), Nhập môn văn học (dịch), Trường viết văn Nguyễn Du. 9. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục. 10. Nguyễn Thị Huệ (1998), “Tư duy mới về nghệ thuật trong sáng tác của Ma Văn Kháng những năm 80”, Tạp chí Văn học. 11. Trần Bảo Hưng (1993), “Đọc Heo may gió lộng”, Báo Văn nghệ số 47/1993. 12. Ma Văn Kháng (1969), Xa phủ, Nxb Văn học 13. Ma Văn Kháng (1980), Góc rừng xinh xắn, Nxb Thanh niên. 14. Ma Văn Kháng (1986), Ngày đẹp trời, Nxb Lao động, Hà Nội. 15. Ma Văn Kháng (1992), Heo may gió lộng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 116 16. Ma Văn Kháng (1995), Trăng soi sân nhỏ, Nxb Văn học, Hà Nội. 17. Ma Văn Kháng (1997), Đầm sen, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 18. Ma Văn Kháng (1997), Vòng quay cổ điển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 19. Ma Văn Kháng (1998), Một chiều giông gió, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 20. Ma Văn Kháng (2000), Mưa mùa hạ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 21. Ma Văn Kháng (2000), Ngoại thành, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 22. Ma Văn Kháng (2001), Côi cút giữa cảnh đời, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 23. Ma Văn Kháng (2001), Đám cưới không có giấy giá thú, Nxb Văn học, Hà Nội. 24. Ma Văn Kháng (2001), Mùa lá rụng trong vườn, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 25. Ma Văn Kháng (2002), Truyện ngắn chọn lọc Ma Văn Kháng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 26. Ma Văn Kháng (2009), Trốn nợ, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 27. Khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam. 28. Khrapchenco (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 29. Cao Kim Lan (2008), “Lý thuyết về điểm nhìn nghệ thuật của R. Scholes và R. Kellogg”, Tạp chí nghiên cứu văn học. 30. Tôn Phương Lan (2002), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, Nxb Khoa học xã hội. 31. Lê Quốc Lập (1999), “Khi đọc Một chiều giông gió của Ma Văn Kháng”, Báo Văn nghệ trẻ số 13. 32. Phong Lê (2005), “Trữ lượng Ma Văn Kháng”, Văn nghệ số 20, 21. 33. Trần Phương Lựu (2002), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 117 34. Phương Lựu (chủ biên) (2004), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục. 35. Nguyễn Đăng Mạnh (2001), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục. 36. Lương Thị Bích Ngọc (2009), Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Luận văn tốt nghiệp Đại học, ĐHSP Thái Nguyên. 37. Lã Nguyên (1999), “Khi nhà văn đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn”, Tạp chí văn học. 38. Đào Thủy Nguyên (2009), Đặc điểm truyện ngắn của Ma Văn Kháng về đề tài dân tộc và miền núi, Đề tài NCKH cấp Bộ, ĐHSP TN. 39. Mai Thị Nhung (2006), Phong cách nghệ thuật Tô Hoài, Nxb Giáo dục. 40. Vũ Ngọc Phan (1998), Nhà văn hiện đại, Tập 2, Nxb Văn học. 41. Pospelov (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục. 42. Nguyễn Hoàng Sơn (1986), “Ngày đẹp trời và sự quan tâm đến phẩm chất con người”, Báo Độc lập ngày 11/6. 43. Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn. 44. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục. 45. Đỗ Ngọc Thạch (1993), “Đọc Heo may gió lộng”, Báo Hà Nội mới ngày 15/10. 46. Nguyễn Nguyên Thanh (1987), “Ngày đẹp trời - tính dự báo”, Báo Văn nghệ số 21. 47. Đào Tiến Thi (1999), Phong cách Ma Văn Kháng trong truyện ngắn sau năm 1975, Luận văn Thạc sỹ, ĐHSP Hà Nội. 48. Nguyễn Ngọc Thiện, Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn cần mẫn, 49. Bích Thu (1997), “Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải những năm 80 đến nay”, Tạp chí Văn học số 10/1997. Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên 118 50. Nguyễn Thị Diệu Thúy (2007), Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Luận văn tốt nghiệp Đại học, ĐHSP TN. 51. Hoàng Tiến (1980), “Đọc Đồng bạc trắng hoa xòe”, Tạp chí Văn học. 52. Nguyễn Văn Toại (1983), “Đọc các sáng tác miền núi của Ma Văn Kháng - nghĩ về trách nhiệm của nhà văn trước một đề tài lớn”, Tạp chí Văn học số 5/1983. 53. Ông Văn Tùng (1995), “Đọc Trăng soi sân nhỏ”, Báo Văn nghệ số 41/1995. 54. Lê Kim Vinh (1988), “Hỏi chuyện nhà văn Ma Văn Kháng”, Tạp chí Văn học. 55. Trần Đăng Xuyền (1983), “Một cách nhìn cuộc sống hiện nay”, Báo Văn nghệ số 15/1983. 56. Trần Đăng Xuyền (2002), Hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb Văn học, Hà Nội. 57. Hoàng Yến (1998), “San Cha Chải - bài ca của thuyết tính thiện”, Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an số 11.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdoc_153_6295.pdf
Luận văn liên quan