Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam được sử như thế nào?
A là người quốc tịch Canada. A có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam và bị bắt tại Anh. Hỏi: a.Hành vi phạm tội của A có bị xử lý theo Bộ luật hình sự Việt Nam không? b.Giả định A là người thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao thì hành vi của A có bị coi là tội phạm không? c.Trình bày quan điểm cá nhân về quy định tại điều 5 Bộ luật hình sự Việt Nam.
5 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5819 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam được sử như thế nào?, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI TẬP CÁ NHÂN SỐ 1 MÔN LUẬT HÌNH SỰ
Đề số 2: A là người quốc tịch Canada. A có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam và bị bắt tại Anh. Hỏi:
Hành vi phạm tội của A có bị xử lý theo Bộ luật hình sự Việt Nam không?
Giả định A là người thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao thì hành vi của A có bị coi là tội phạm không?
Trình bày quan điểm cá nhân về quy định tại điều 5 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Bài làm:
(*) Bộ luật Hình sự Việt Nam qui định:
Điều 5. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
(*) Căn cứ theo quy định tại điều 5 Bộ luật Hình sự:
a, Hành vi phạm tội giết người của A có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự việt Nam.
Trường hợp 1: A là công dân mang quốc tịch Canada, có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế thì A bị xử lý về hành vi giết người theo BLHS Việt Nam.
Dù A là người quốc tịch Canada và bị bắt tại Anh nhưng hành vi phạm tội giết người của A được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo quy định tại khoản 1, điều 5 Bộ luật Hình sự thì “Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì vậy A vẫn bị xử lý theo Bộ luật Hình sự Việt Nam. Các cơ quan có chức năng của nước ta sẽ yêu cầu và phối hợp với cơ quan có chức năng của nước sở tại (nước Anh) để trục xuất A, đưa A trở lại Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 2: A là công dân mang quốc tịch Canada, có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam nhưng A thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hay tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của A sẽ được giải quyết bằng đường ngoại giao (quy định tại khoản 2, điều 5 Bộ luật Hình sự).
Như vậy, trong trường hợp này trách nhiệm hình sự của A sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. A có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam, nhưng có thể vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Canada, thậm chí A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam nếu điều ước quốc tế quy định hoặc thông qua con đường ngoại giao Nhà nước Canada và Nhà nước Việt Nam thỏa thuận sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.
b, Giả định A là người thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao thì hành vi của A vẫn bị coi là tội phạm
Người được miễn TNHS là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu TNHS trong những trường hợp nhất định chứ không phải người không phạm tội. Việc miễn TNHS có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng
Tình huống không đề cập đến vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự của A, vì vậy ta mặc nhiên coi A là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi giết người của A dù cố ý hay vô ý đã xâm phạm đến tính mạng của con người, theo quy định tại điều 8 của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì hành vi phạm tội giết người của A bị coi là tội phạm. Việc A thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao chỉ có thể làm thay đổi cách giải quyết vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự của A chứ không thể thay đổi bản chất hành vi phạm tội của A là tội phạm giết người.
c, Quan điểm cá nhân về quy định tại điều 5 Bộ luật hình sự việt Nam
Điều 5 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về hiệu lực theo lãnh thổ (không gian) của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nghĩa là quy định về việc Bộ luật Hình sự Việt Nam có hiệu lực nơi nào, đối với ai?
Theo quy định tại điều 5 thì mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam (khoản 1 điều 5), trừ trường hợp người phạm tội là công dân nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận hoặc theo tục lệ quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao (khoản 2 điều 5). Công dân nước ngoài thuộc đối tượng được nêu trong khoản 2, điều 5 có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhưng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam nếu điều ước quốc tế quy định hoặc Nhà nước mà công dân đó mang quốc tịch và Nhà nước Việt Nam có thỏa thuận sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.
Trên thực tế, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người nước ngoài có yếu tố ngoại giao thường không khó xử lý bởi khi xảy ra trường hợp này, các cơ quan tố tụng Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan Ngoại giao để thông qua con đường ngoại giao xác định xem người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của em thì vẫn có 1 vấn đề không rõ ràng trong điều 5 của Bộ luật Hình sự, đó là Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam. Căn cứ để xác định việc không truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ là những đặc quyền về ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo quy định của pháp luật hoặc theo tục lệ quốc tế dựa trên quan hệ bình đẳng của các nước trong quan hệ quốc tế.
Thông thường, thì những người được hưởng đặc quyền ngoại giao là những người đứng đầu Nhà nước, những đại diện ngoại giao, các thành viên của các đoàn ngoại giao như cố vấn, bí thư... Còn theo tục lệ quốc tế thì vợ hoặc chồng, con chưa thành niên của những người kể trên cũng được quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự. Ngoài ra, do không quy định cụ thể các trường hợp được miễn trừ nên có thể có những trường hợp để tránh những xung đột với các quốc gia khác mà ta buộc phải công nhận những đặc quyền ngoại giao của một cá nhân phạm tội và trao trả cá nhân đó về nước. Như vậy, phạm vi những người được hưởng đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự là khá rộng. Nếu không có một quy định cụ thể và chặt chẽ về các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự thì sẽ xảy ra trường hợp có những người nước ngoài không thuộc trường hợp được miễn trừ lại cố tình làm ra vẻ mình thuộc diện được miễn trừ để yêu cầu các cơ quan tố tụng nước ta không được truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ, đòi chúng ta phải trao trả họ cho nước mà họ mang quốc tịch nhằm tránh sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật nước ta.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật Hình sự 1, Đại học Luật Hà nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
Bộ Luật Hình sự 1999.
Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2005, phần chung và tập 1, Đinh Văn Quế.
Các website khác.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bt cá nhân hình sự- A là người quốc tịch Canada A có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam và bị bắt tại Anh Hỏi-.doc