Nguyên nhân của tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em
Các nguyên nhân chính của tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em
1. Nguyên nhân trong lĩnh vực kinh tế - xã hội
2. Nguyên nhân trong phổ biến, giáo dục pháp luật
3. Nguyên nhân từ các hoạt động quản lý có liên quan
4. Nguyên nhân do pháp luật và thi hành pháp luật
5. Nguyên nhân từ phía người phạm tội
5 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 7425 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nguyên nhân của tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nguyên nhân trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
- Sự phát triển của nền kinh tế, thị trường và quá trình hội nhập toàn cầu đã làm cho đất nước ta đã và đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực phát sinh từ quy luật của nền kinh tế thị trường. Đó là sự gian dối trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng không có việc làm, thiếu việc làm, thu nhập thấp của một bộ phận dân cư trong xã hội. Những yếu tố đó đã và đang cản trở rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tạo thành nguyên nhân của nhiều loại tội phạm nguy hiểm, trong đó có tội mua bán phụ nữ và trẻ em ở nước ta.
- Lợi nhuận từ việc buôn bán phụ nữ và trẻ em rất cao, chỉ sau buôn bán
vũ khí và ma túy.
- Trình độ dân trí và đời sống văn hóa thấp, tệ nạn xã hội tăng; nhất là tệ nạn mại dâm ở cửa khẩu, các khu vực giáp biên giới; đồng thời cũng do nhu cầu tìm vợ của người nước ngoài.
- Vị trí địa lí của nước ta giáp với các nước láng giềng với hàng ngàn km đường biên giới, nhiều đường mòn qua lại, nhiều cửa khẩu; trong khi đó lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng nên việc tuần tra kiểm soát rất khó khăn.
Nguyên nhân trong phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hoạt động giáo dục – đào tạo có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nền văn minh của mỗi quốc gia. Những yếu kém, khiếm khuyết của hoạt động giáo dục và đào tạo có ảnh hưởng nhất định đến tình hình tội phạm nói chung; tình hình tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em nói riêng, được thể hiện ở những phương diện sau:
- Những yếu kém của hoạt động giáo dục và đào tạo như việc phổ cập giáo dục còn ở bậc thấp, chất lượng đào tạo giáo dục đào tạo chưa cao, chưa coi trọng đúng mức việc đào tạo nghề…dẫn đến tình trạng nhiều người ở độ tuổi lao động không được đào tạo, trình độ tay nghề thấp, người lao động không đáp ứng được công việc nên không có việc làm hoặc chỉ làm những việc đơn giản với thu nhập thấp, dẫn đến việc cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mà kinh tế chính là nguyên nhân thúc đẩy một số người thực hiện việc mua bán phụ nữ và trẻ em, họ coi đó là một nghề để kiếm sống, kiếm tiền.
- Hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng, nhất là tuyên truyền pháp luật và phòng, chống tội mua bán phụ nữ và trẻ em được triển khai còn chậm, chưa sâu rộng, mạnh mẽ; chưa được thực hiện thường xuyên mà chỉ tiến hành rầm rộ thành các “phong trào”, “chiến dịch” các cuộc mít tinh của các cơ quan, trường học; chiến dịch đi phát tờ rơi, sổ tay, tranh ảnh…trong một thời gian ngắn mà chưa tạo thành các nội dung sinh hoạt thường xuyên cho các cơ quan, trường học, các tổ chức xã hội.
- Đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên còn thiếu và yếu; phương thức tổ chức hoạt động tuyên truyền chưa đa dạng; nội dung tuyên truyền chưa được lồng ghép với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật – thể thao; chưa gắn với sinh hoạt tập thể có đông người tham gia nên không có sức “lan tỏa” của hoạt động phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em; tác dụng giáo dục tinh thần cảnh giác phòng ngừa cũng như điều tra chống tội mua bán phụ nữ và trẻ em chưa cao.
Nguyên nhân từ các hoạt động quản lý có liên quan.
Trong những năm gần đây, hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực luôn được nhà nước quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, hoạt động này có lúc, có nơi, có lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Những yếu kém, hạn chế trong hoạt động quản lý có thể là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm khác nhau, trong đó có tội mua bán phụ nữ và trẻ em; làm ảnh hưởng nhất định đến tình hình tội phạm của tội phạm nói chung và tội mua bán phụ nữ và trẻ em nói riêng.
- Hoạt động quản lý xã hội về an ninh trật tự, quản lí dân cư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Các cấp chính quyền chưa sâu sát trong lĩnh vực quản lí địa bàn dân cư, chưa tiến hành thường xuyên các hoạt động kiểm tra, rà soát cũng như nắm chắc sự biến động dân cư trên địa bàn. Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, việc khai báo tạm trú, tạm vắng chưa được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc và chặt chẽ.
- Việc quản lý biên giới, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh còn chưa chặt chẽ.
- Sự khó khăn, hạn chế trong việc quản lý người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt.
Nguyên nhân do pháp luật và thi hành pháp luật.
- Các quy định do pháp luật liên quan đến hoạt động đấu tranh chống tội mua bán phụ nữ và trẻ em hiện nay còn rất hạn chế, bất cập. Một số quy định còn chung chung, thiếu cơ chế đảm bảo thực hiện, còn nhiều thiếu sót trong lĩnh vực pháp luật như: kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi với người nước ngoài, xuất khẩu lao động…
- Các quy định về việc xử lí hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em: hình phạt chưa đủ răn đe, chưa xứng đáng với mức độ nguy hiểm.
- Việc thi hành pháp luật: số lượng vụ án được điều tra, truy tố được đưa ra xét xử không nhiều. Nguyên nhân là do không có sự phối hợp với cơ quan chức năng, người bị hại chưa tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để tố cáo tội phạm.
- Việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội mua bán phụ nữ và trẻ em của nước ta còn chậm và chưa sâu rộng.
Nguyên nhân từ phía người phạm tội.
Khi đề cập đến nguyên nhân của tội phạm, các nhà tội phạm học nước ta mới chỉ chú trọng đến các nguyên nhân từ môi trường sống. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng tội phạm là hiện tượng có tính cá nhân và xã hội; cho nên chúng ta cần phải nghiên cứu nghiên cứu từ phía người phạm tội. Nghiên cứu nguyên nhân từ phía người phạm tội sẽ giúp cho người nghiên cứu thấy được đặc điểm nào là đặc trưng có ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm, từ đó dự đoán được tội phạm xảy ra trong tương lai và sẽ đề xuất được biện pháp phòng ngừa phù hợp, kịp thời. Nguyên nhân từ phía người phạm tội có các đặc điểm:
- Nhóm dấu hiệu sinh học của người phạm tội có thể ảnh hưởng đến việc phạm tội như tuổi, giới tính… Ví dụ như tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em có tỷ lệ nữ giới rất cao (70%) nên cần tập trung mũi nhọn đấu tranh vào đối tượng này…
- Nhóm các đặc điểm tâm lí của người phạm tội có thể ảnh hưởng, tác động nhất định đến việc phạm tội như: mua bán phụ nữ và trẻ em do tính hám lợi, tính ham ăn chơi, lười lao động và học tập hoặc những sở thích cá nhân không lành mạnh…
- Nhóm các đặc điểm về văn hóa và xã hội, nghề nghiệp có ảnh hưởng đến việc phạm tội như: trình độ nhận thức kém, nghề nghiệp không ổn định…
- Thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện…
Tóm lại, các yếu tố là nguyên nhân ở trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy làm phát sinh hành vi phạm tội mua bán phụ nữ và trẻ em hoặc tạo điều kiện cho người phạm tội dễ dàng thực hiện tội mua bán phụ nữ và trẻ em. Việc nghiên cứu những nguyên nhân và điều kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các biện pháp cụ thể để phòng ngừa tội mua bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong thời gian tới.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nguyên nhân của tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em.doc