MỤC LỤC
I. KHÁI QUÁT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA:
1. Pháp luật điều chỉnh về hoạt động đấu giá hàng hóa
2. Khái niệm, bản chất của đấu giá hàng hóa:
II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA:
1. Các hình thức bán đấu giá:
2. Chủ thể tham gia bán đấu giá hàng hóa :
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
4. Nguyên tắc cơ bản trong đấu giá hàng hóa:
5. Thủ tục đấu giá:
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ ĐÂÚ GIÁ HÀNG HÓA:
17 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2709 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nội dung pháp lí cơ bản về hoạt động đấu giá hàng hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHÁI QUÁT VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA:
Pháp luật điều chỉnh về hoạt động đấu giá hàng hóa:
Bán đấu giá hàng hóa với tính chất là một hành vi thương mại của thương nhân lần đầu tiên được Luật hóa trong Luật thương mại năm 1997. Tuy nhiên Luật thương mại năm 1997 chỉ dành 2 điều( điều 139 và điều 140) quy định về đấu giá hàng hóa. Những vấn đề cụ thể về đấu giá hàng hóa được giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Trên thực tế, trong thời gian thi hành Luật Thương mại năm 1997 hoạt động bán đấu giá hàng hóa chủ yếu được thực hiện đối với các hàng hoa là hàng bị tịch thu do vi phạm hành chính hoặc để thi hành án.
Khắc phục sự thiếu sót của Luật thương mại 1997, nhằm tạo cơ sở pháp lí đầy đủ cho hoạt động đấu giá hàng hóa phát triển, nâng cao hiệu quả và hiệu lực pháp lí của hoạt động thương mại này, Luật thương mại 2005 đã bổ sung thêm 27 điều quy định về hoạt đôngh đấu giá hàng hóa. Luật thương mại 2005 quy định về đấu giá hàng hóa từ điều 185 đến điều 213 trên cơ sở những quy định chung về đâí giá tài sản trong Bộ luật dân sự. Các quy định về đấu giá hàng hóa trong Luật thương mại 2005 tạo cơ sở pháp lí nền móng quan trọng cho sự phát triển của hoạt động đấu giá hàng hóa ở Việt Nam.
Nghị định của Chính phủ số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản.
Khái niệm, bản chất của đấu giá hàng hóa:
“Đấu giá hàng hóa là họat động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất.” ( Điều 185)
Có thể nói đấu giá hàng hóa là phương thức để bên bán xác định người mua hàng( người bán có quyền lựa chọn người mua). Về bản chất pháp lí, đấu giá hàng hóa là một hành vi pháp lí, do sự khác nhau về chủ thể, mục đích mà đấu giá hàng hóa có thể là một hành vi dân sự thông thường hoặc trở thành một hành vi thương mại độc lập của thương nhân. Đối tượng đấu giá là hàng hóa thương mại được phép lưu thông trên thị trường, có thể là những hàng hóa thông thường nhưng hầu hết là những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng; giá ban đầu chỉ là giá khởi điểm còn giá thực tế do những ng tham dự cuộc đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh. Quan hệ đấu giá được xác lập dưới những hình thức pháp lý nhất định. Như vậy, trong quan hệ thương mại, đấu giá có những đặc điểm chung của một hoạt động thương mại. Tuy nhiên, bán đấu giá còn có những nét đặc thù so với các hoạt động thương mại khác:
Là hoạt động bán hàng (có thể) thông qua trung gian. Trong quan hệ bán đấu giá hàng hóa trừ trường hợp người bán đấu giá tự mình tổ chức bán đấu giá, các trường hợp khác, ngoài bên bán, bên mua còn có sự tham gia của trung gian là người làm dịch vụ bán đấu giá. Bên bán là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền hoặc là người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến hàng hóa bán đấu giá. Bên mua là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để tham gia trả giá. Người làm dịch vụ bán đấu giá là những tổ chức được người bán hàng hóa ủy quyền tiến hành việc bán hàng hóa. Như vậy, quan hệ bán đấu giá có thể diễn ra giữa các đối tượng sau:
Người có hàng hóa (chủ sở hữu của hàng hóa) – người mua;
Người có hàng hóa – người bán hàng hóa (được chủ sở hữu ủy quyền hoặc có quyền bán hàng hóa theo quy định của pháp luật) – người mua;
Người có hàng hóa – người bán đấu giá (thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá) – người mua.
Đối tượng đấu giá: có thể là những hàng hóa thông thường nhưng hầu hết là những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng (đồ quý hiếm, tinh xảo, đặc biệt bởi xuất xứ hoặc chất liệu…); giá ban đầu chỉ là giá khởi điểm còn giá thực tế do những người tham dự cuộc đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh
Hình thức pháp lý của quan hệ bán đấu giá có thể được thiết lập dưới một dạng rất đặc biệt là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá và văn bản bán đấu giá hàng hóa:
Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá: được xác lập giữa người bán hàng và người làm dịch vụ đấu giá. Nó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy quyền bán đấu giá hàng hóa.
Văn bản bán đấu giá: thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa, được xác lập giữa các bên liên quan (người bán hàng, người mua hàng và tổ chức bán đấu giá). Văn bản này là cơ sở pháp lý để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa; là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của ng mua hàng đối với hàng hóa bán đấu giá.
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ ĐẤU GIÁ HÀNG HÓA:
1. Các hình thức bán đấu giá:
Hình thức bán đấu giá hàng hóa được hiểu là cách thức để tiến hành một cuộc bán đấu giá. Đấu giá hàng hóa là một quy trình phức tạp. Quy trình này có thể tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào đối tượng hàng hóa, mục đích và điều kiện tổ chức cuộc bán đấu giá. Có thể phân chia các hình thức đấu giá như sau:
Căn cứ vào phương pháp xác định giá có đấu đấu giá theo hai phương pháp đấu giá theo phương pháp nâng giá và đấu giá theo phương pháp hạ giá:
Ø Đấu giá theo phương pháp nâng giá là hình thức mà tại cuộc bán đấu giá, nhân viên điều hành bán đấu giá nêu lên giá khởi điểm thấp nhất của lô hàng hay tài sản bán đấu giá. Những người mua sẽ trả giá nâng dần lên theo từng mức mặc cả nhất định. Theo đó người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm theo sự kết luận của nhân viên điều hành đấu giá là người có quyền mua lô hàng hoặc tài sản đó. Hình thức này được áp dụng phổ biến nhất trong các cuộc đấu giá vì nó có lợi cho cả 2 bên mua và bên bán hàng hóa. Bên mua hàng được chủ động đề xướng giá đặt mua nên quan hệ mua bán hàng hóa mang tính tự nguyện cao. Còn bên bán hàng hóa thường được lợi về giá cả do người mua hàng hóa cạnh tranh nhau về giá cả, ở cuộc bán đấu giá hàng hóa đó luôn có sự trả giá cao hơn giá khởi điểm mà người bán hàng đưa ra.
Ø Đấu giá theo phương pháp hạ giá là hình thức mà tại cuộc bán đấu giá nhân viên điều hành nêu lên mức giá khởi điểm cao nhất, rồi sau đó hạ dần từng nấc một để người mua đặt giá. Nếu không có người mua nào đặt giá thì lại hạ tiếp xuống mức thấp hơn. Cứ như thế cho đến khi có người chấp nhận mua ở một mức giá nào đó thì hàng hóa được bán cho người đó. Hình thức này không được phổ biến lắm, chỉ áp dụng đối với một số loại hàng hóa ( như hàng thanh lý) vì thực sự nó không hấp dẫn đối với cả người mua lẫn người bán.
Căn cứ hình thức biểu đạt trong việc bán đấu giá, có đấu giá dùng lời nói và đấu giá không dùng lời nói.
Ø Đấu giá dùng lời nói là hình thức mà trong phiên bán đấu giá, nhân viên điều hành đấu giá dùng lời nói của mình để đưa ra giá khởi điểm. Những người mua sẽ đặt giá, cũng bằng lời nói hoặc bằng việc đưa dấu hiệu để người điều hành đấu giá biết. Hình thức đấu giá bằng lời nói có ưu điểm là việc trả giá của mọi người đều công khai. Người trả giá cao nhất được xác định ngay mà không phải mất nhiều thời gian để so sánh, vì thế mà cuộc đấu giá nhanh chóng kết thúc.
Ø Đấu giá không dùng lời nói là hình thức đấu giá mà việc trả giá của người mua không được thể hiện bằng lời nói hoặc việc làm dấu hiệu mà được viết ra giấy hoặc thông qua một hình thức nào đó sẽ thông báo cho nhân viên điều hành đấu giá biết. Nhân viên điều hành sẽ thông báo mức giá cao nhất thông qua mỗi lẫn trả giá trên cơ sở so sánh các mức giá chấp nhận mà họ được thông báo. Việc đấu giá kéo dài cho tới lần trả giá mà không có ai trả giá cao hơn giá đã trả cao nhất của lần trả giá liền kề trước đó. Phương pháp đấu giá không dùng lời nói này không áp dụng phổ biến nhưng tính khách quan của hình thức này cao hơn hẳn hình thức đấu giá dùng lời nói. Tuy thủ tục có phức tạp và làm mất nhiều thời gian hơn nhưng hình thức này hạn chế được tình trạng chạy đua giữa những người mua, nâng giá lên cao một cách quá đáng só với giá trị thực của hàng hóa
Theo Luật thương mại 2005, việc đấu giá hàng hóa được thực hiện theo một trong hai phương thức: phương thức trả giá lên và phương thức đặt giá xuống.
2. Chủ thể tham gia bán đấu giá hàng hóa :
Người bán hàng hóa:
“Người bán hàng là chủ sở hữu hàng hoá, người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền bán hoặc người có quyền bán hàng hoá của người khác theo quy định của pháp luật.”( khoản 2, điều 186 Luật thương mại)
Người bán hàng hóa ở đây được phân biệt với người tổ chức đấu giá hàng hóa. Họ có thể chính là chủ sở hữu hàng hóa đứng ra kí hợp đồng dịch vụ tổ chức bán đấu giá hàng hóa với người tổ chức bán đấu giá hàng hóa hoặc có thể là một trung gian làm cầu nối giữa người có hàng hóa và người tổ chức bán đấu giá hàng hóa.
Người tổ chức bán đấu giá:
“Là thương nhân , có đăng ký kinh doanh dịch vụ đấu giá hoặc là người bán hàng trong trường hợp người bán hàng tự tổ chức bán đấu giá.” ( khoản 1 điều 186 Luật thương mại 2005)
Xét về bản chất, người tổ chức bán đấu giá là người tiến hành các công việc cụ thể của một cuộc bán đấu giá, có thể là thương nhân lấy hoạt động dịch vụ tổ chức bán đấu giá hàng hóa làm nghề nghiệp của mình hoặc chính người bán hàng tự tổ chức bán đấu giá. Trong trường hợp người bán hàng không tự mình tổ chức bán đấu giá hàng hóa mà thuê một người tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp tiến hành bán đấu giá thì giữa hai người này phải hình thành một hợp đồng dịch vụ tổ chức bán đấu giá trước khi các công việc liên quan đến bán đấu giá hàng hóa được tiến hành. Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Người điều hành đấu giá:
“ Người điều hành bán đấu giá là người tổ chức đấu giá hoặc người được tổ chức đấu giá ủy quyền điều hành đấu giá” ( khoản 2 điều 187 Luật thương mại 2005). Người điều hành chính là người xuất hiện chủ yếu và điều khiển các phiên bán đấu giá theo một trình tự được pháp luật quy định với những điều kiện bán hàng do người bán hàng đưa ra.
Người mua hàng
“Là người tham gia đấu giá hàng hóa, bao gồm tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia cuộc đấu giá” ( khoản 1 điều 187 Luật thương mại 2005)
Về đối tượng đăng kí mua hàng hóa, trên nguyên tắc nhà nước khuyến khích sự cạnh tranh rộng rãi có lợi cho người bán hàng trong hoạt động bán đấu giá, trừ một số đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật tại điều 198 Luật thương mại 2005.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ của người tổ chức đấu giá ( trong trường hợp không phải là người bán hàng hóa)
Ø Quyền (Điều189 Luật thương mại): Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, người tổ chức đấu giá có các quyền sau đây:
Yêu cầu người bán hàng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa đấu giá, tạo điều kiện cho người tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá kiểm tra hàng hóa đấu giá và giao hàng hóa được bán đấu giá cho người mua hàng.
Tổ chức cuộc đấu giá;
Yêu cầu người mua hàng thực hiện việc thanh toán;
Nhận thù lao dịch vụ đấu giá do người bán hàng trả.
Ø Nghĩa vụ (Điều190 Luật thương mại)
Tổ chức bán đấu giá hàng hóa theo đúng nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định và theo phương thức thỏa thuận với người bán hàng;
Thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết có liên quan đến hàng hóa đấu giá;
Bảo quản hàng hóa đấu giá khi được người bán giao giữ;
Trình bày hàng hóa, mẫu hàng hóa hoặc tài liệu giới thiệu về hàng hóa cho người tham gia đấu giá xem xét;
Lập văn bản đấu giá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan;
Giao hàng hóa đấu giá cho người mua phù hợp với hợp đồng tổ chức dịch vụ đấu giá hàng hóa.
Làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá phải đăng ký quyền sở hữu cho người mua theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người bán hàng.
Thanh toán cho người bán hàng tiền hàng đã bán, kể cả khoản tiền chênh lệch thu được từ người rút lại giá đã trả, hoặc trả lại hàng hóa không bán được cho người bán hàng theo thỏa thuận.
.Quyền và nghĩa vụ của người bán hàng hóa:
Trong quan hệ đấu giá tài sản, người bán hàng hóa, với tư cách độc lập với người tổ chức bán đấu giá, có các quyền và nghĩa vụ sau:
Ø Quyền (Điều 191 Luật thương mại 2005)
Nhận tiền hàng đã bán đấu giá và khoản chênh lệch thu được trong trường hợp người tham gia đấu giá rút lại giá đã trả hoặc nhận lại hàng hóa trong trường hợp đấu giá không thành;
Giám sát việc tổ chức bán đấu giá hàng hóa;
Ø Nghĩa vụ (Điều 192 Luật thương mại 2005)
Giao hàng hóa cho người tổ chức đấu giá, tạo điều kiện để người tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá xem xét hàng hóa và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa đấu giá;
Trả thù lao dịch vụ tổ chức đấu giá theo quy định tại điều 211 của Luật này.
Quyền và nghĩa vụ của người mua hàng hóa:
Người mua hàng hóa có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào một số vấn đề chính như:
Ø Quyền:
Tham gia trả giá
Được quyền mua hàng hóa nếu đạt điều kiện trong cuộc bán đấu giá
Nhận lại tiền đặt cọc trong trường hợp không mua được hàng hóa
Trả lại hàng hóa nếu hàng hóa không đúng với niêm yết, thông báo.
Yêu cầu bồi thường thiệt hại với những sai sót về thông tin về hàng hóa của người tổ chức bán đấu giá.
Ø Nghĩa vụ:
Đặt cọc để đăng kí mua hàng theo yêu cầu của người tổ chức bán đấu giá
Tham gia trả giá
Chịu mọi chi phí liên quan đến cuộc bán đấu giá nếu đã được chọn là người mua hàng mà lại từ chối mua hàng dẫn đến cuộc đấu giá không thành.
Quyền và nghĩa vụ của người điều hành đấu giá:
Người điều hành đấu giá có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của người tổ chức bán đấu giá hàng hóa trong trường hợp người điều hành là người tổ chức bán đấu giá; hoặc theo thỏa thuận giữa người điều hành và người tổ chức bán đấu giá hàng hóa trong trường hợp khác.
Nguyên tắc cơ bản trong đấu giá hàng hóa:
Nguyên tắc đấu giá hàng hóa là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện đấu giá hàng hóa. Các chủ thể tham gia quan hệ trong bán đấu giá hàng hóa phait triệt để tuân theo những tư tưởng. Các nguyên tắc này được thể hiện trong những quy định của pháp luật về bán đấu giá hàng hóa. Theo điều 188 Luật thương mại 2005: “ Việc đấu giá hàng hóa trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.”
Nguyên tắc công khai
Nguyên tắc công khai là nguyên tắc đảm bảo cho phiên bán đấu giá được diễn ra trôi chảy, đảm bảo tính trung thực khách quan từ đó bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia quan hệ.
Đấu giá hàng hóa là hình thức công khai lựa chọn người mua hàng hóa nên mọi vấn đề có liên quan đến cuộc bán đấu giá và những thông tin về hàng hóa bán đấu giá phải được công khai cho tất cả những ai muốn mua biết được dưới các hình thức như: niêm yết, thông báo, trưng bày, giới thiệu về tài sản,… Những nội dung bắt buộc phải công khai là thời gian, địa điểm tiến hành bán đấu giá; tên loại hàng hóa bán đấu giá; số lượng, chất lượng, giá khởi điểm; địa điểm trưng bày giới thiệu hàng hóa, các hồ sơ tài liệu liên quan đến hàng hóa; họ tên người bán hàng, tên tổ chức bán đấu giá và những người đăng kí mua hàng hóa (nếu theo quy định pháp luật, người mua hàng hóa phải đăng kí trước)… Tại phiên đấu giá, người điều hành bán đấu giá phải công khai các mức giá được trả và họ tên người mua trả giá cao nhất của mỗi lần trả giá. Pháp luật có quy định như vậy để tránh tình trạng móc ngoặc giữa khách hàng mua hàng hóa, bán đấu giá và người điều hành cuộc bán đấu giá. Việc công khai các nội dung trên thể hiện được rất rõ các quy định trong nguyên tắc bán đấu giá hàng hóa.
Nguyên tắc trung thực:
Đây là một nguyên tắc đặc thù quan trọng, cơ bản nhất trong bán đấu giá hàng hóa. Nguyên tắc trung thực có quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nguyên tắc công khai. Nếu nguyên tắc trung thực không được đem vào để thực hiện trong đấu giá hàng hóa thì sẽ xảy ra tình trạng móc ngoặc, thiên vị, phá quấy làm ảnh hưởng phương hại đến lợi ích của các chủ thể có liên quan. Chẳng hạn có sự móc ngoặc giữa người bán hàng hóa với người bán đấu giá hàng hóa để lừa dối người mua hàng hóa. Nhiều cuộc bán đấu giá không trung thực dẫn đến sự dối trá, lừa lọc khách hàng làm cho họ không yên tâm.
Những nội dung sau phải thật rõ ràng, chính xác, đầy đủ để không tạo sự nhầm lẫn hay lừa dối đối với các bên làm cuộc đấu giá bị vô hiệu: các thông báo về cuộc đấu giá và thông tin về hàng hóa; các giấy tờ lquan đến hàng hóa bán đấu giá; những đặc điểm khuyết tật không nhìn thấy (nhất là những hàng hóa là tài sản có gía trị về lịch sử, nghệ thuật); các giấy tờ xác định tư cách người tham gia đấu giá. Người bán phải trung thực khi xác định giá khởi điểm của hàng hóa, không nên đưa mức khởi điểm quá cao so với giá trị thực tế của hàng hóa làm người mua bị thiệt. Nếu chất lượng hàng hóa không đúng như thông báo, người mua có quyền trả lại hàng hoá cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quy định tính trung thực cho mỗi cuộc bán đấu giá cũng chính là nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia bán đấu giá nhất là trong các cuộc bán đấu giá hàng hóa lớn thì tính trung thực đóng vai trò thiết yếu. Tổ chức bán đấu giá không phải chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của hàng hóa bán đấu giá trừ trường hợp không thông tin đầy đủ cho người mua. Những người có thân phận pháp lý hay hoàn cảnh đặc biệt mà sự tham gia của họ có ảnh hưởng đến sự trung thực của cuộc đấu giá thì không được tham gia trả giá.
Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia:
Nguyên tắc này gắn liền với nguyên tắc trung thực. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia được thể hiện khá rõ qua việc pháp luật đưa ra các quy định về chủ thể ký kết hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hàng hóa. Quyền lợi của các bên tham gia bán đấu giá hàng hóa còn được đảm bảo thông qua việc pháp luật quy định cụ thể về tất cả các vấn đề như thời gian, địa điểm, quyền hạn của các bên tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa. Từ những quy định trên cho thấy pháp luật về bán đấu giá hàng hóa ở Việt Nam đã thể hiện khá rõ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa.
Quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ đấu giá hàng hóa phải được coi trọng và đảm bảo đầy đủ. Người bán hàng có quyền xác định giá khởi điểm của hàng hóa, quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá thanh toán đầy đủ tiền bán hàng hóa ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, được bồi thường thiệt hại nếu tổ chức bán đấu giá hay bên mua có hành vi xâm hại đến lợi ích của mình. Người mua hàng có quyền được xem hàng hóa, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, được tự đặt giá, được xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa sau khi hoàn thành việc bản đấu giá và họ đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. Tổ chức bán đấu giá được thu của người bán hàng lệ phí và các khoản chi phí cần thiết cho việc tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Theo điều 195 Luật thương mại 2005 quy định “ thông báo cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp. Trường hợp hàng hóa là đối tượng cầm cố, thế chấp thì đồng thời với việc niêm yết đấu giá hàng hóa người tổ chức đấu giá phải thông báo cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn chậm nhất là bảy ngày làm việc trước khi tiến hành bán đấu giá hàng hóa đó theo quy định tại Điều 197 của Luật này”
Việc tổ chức đấu giá hàng hóa phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định trên nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và tính trung thực của việc bán đấu giá hàng hóa.
Thủ tục đấu giá:
Bán đấu giá hàng hóa cũng được tiến hành theo trình tự và thủ tục giống như bán tài sản nói chung. Theo quy định của Luật Thương mại thủ tục đó gồm các bước sau:
Lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa:
Đấu giá hàng hóa có thể được thực hiện bởi chính chủ sở hữu hàng hóa hoặc thông qua một người bán hàng( không phải là tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp) hoặc qua trung gian- thương nhân bán đấu giá chuyên nghiệp. Đối với các trường hợp bán đấu giá hàng hóa thông qua trung gian thì việc lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa là thủ tục đầu tiên trong trình tự bán đấu giá hàng hóa. Người bán đấu giá chỉ được quyền tiến hành bán đấu giá sau khi có sự ủy quyền của người bán hàng hóa bằng một hợp đồng có hiệu lực pháp luật, được kí kết dưới hình thức văn bản ( hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương) giữa người bán hàng và người bán đấu giá. Trường hợp hàng hóa được đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá phải được sự đồng ý của bên nhận cầm cố, thế chấp và bên bán phải thông báo cho các bên tham gia đấu giá về hàng hóa đang bị cầm cố, thế chấp. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thỏa thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lí do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa thì hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá được giao kết giữa người nhận cầm cố, thế chấp với người tổ chức đấu giá. ( điều 193 Luật thương mại năm 2005)
Xác định giá khởi điểm: do người bán hàng với sự tham gia của đại diện tổ chức bán đấu giá hoặc do người bán đấu giá xác định nếu được người bán ủy quyền nhưng phải thông báo cho người bán hảng hóa biết trước khi được công bố cho người mua. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh thì người nhận cầm cố, người nhận bảo lãnh cùng người thế chấp, người cầm cố, người bảo lãnh xác định giá khởi điểm của tài sản với sự tham gia của tổ chức bán đấu giá; nếu người cầm cố, người thế chấp, người bảo lãnh vắng mặt mà không có lí do chính đáng hoặc từ chối tham gia xác định giá khởi điểm thì giá khởi điểm do người nhận cầm cố, thế chấp xác định. Mức giá khởi điểm phải phù hợp với giá trị thực tế của hàng hóa bán đấu giá, không nên xác định mức giá khởi điểm quá cao sẽ làm cho người mua e ngại không muốn đặt giá. Cũng không nên xác định mức giá khởi điểm quá thấp làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bán hàng.
Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa:
Công việc chuẩn bị bán đấu gióa do người bán hàng hóa( trường hợp không qua trung gian) hoặc người tổ chức bán đấu giá( trường hợp qua trung gian) tiến hành bao gồm các bước sau:
¯ Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá:
Trước khi tiến hành bán đấu giá, chậm nhất là 7 ngày, người bán đấu giá phải niêm yết việc bán đấu giá tại nơi tổ chức đấu giá, nơi trưng bày hàng hóa và nơi đặt trụ sở của người tổ chức đấu giá. Nếu không thông qua trung gian người bán hàng hóa có quyền ấn định thời gian niêm yết. Điều 197 Luật thương mại 2005 đã quy định cụ thể về những nội dung cần phải có ở thông báo và niêm yết đấu giá hàng hóa, gồm: thời gian, địa điểm đấu giá; tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá; tên, địa chỉ của người tổ chức bán hàng; danh mục hàng hóa, số lượng, chất lượng hàng hóa; giá khởi điểm; thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa; địa điểm, thời gian trưng bày hàng hóa; địa điểm, thời giant ham khảo hồ sơ hàng hóa; địa điểm, thời gian đăng kí mua hàng hóa.
¯ Đăng kí mua bán hàng hóa bán đấu giá và đặt cọc:
Là việc cần thiết đối với hàng hóa bán đấu giá là bất động sản hoặc động sản có giá trị tương đối lớn. Người muốn tham gia đấu giá phải ghi tên mình vào danh sách đăng kí tại tổ chức bán đấu giá đồng thời người mua phải đặt trước một khoản tiền để giữ chỗ trong cuộc bán đấu giá, trong trường hợp người tổ chức cuộc đấu giá yêu cầu. Thông thường, người tổ chức đấu giá có thể đưa mức giá đặt cọc nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hóa được đấu giá ( khoản 2 điều 199 Luật thương mại 2005). Nếu người đăng kí không mua được hàng hóa thì khoản tiền đặt trước được trả lại ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trường hợp mua được thì khoản tiền đặt cọc được trừ vào giá mua, trường hợp người đăng kí mua đã nộp tiền đặt trước, nhưng sau đó tự ý không tham gia đấu giá thì khoản tiền đặt trước của người đó thuộc về người tổ chức bán đấu giá.
¯ Trưng bày, xem hàng hóa bán đấu giá:
Đối với hàng hóa là động sản có giá trị lớn thì phải trưng bày công khai tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá hoặc tại một địa điểm khác nhưng phải thông báo trước. Đối với hàng hóa là động sản có giá trị nhỏ thì có thể không cần trưng bày để giảm bớt chi phí nhưng cũng phải tạo điều kiện để người mua được tận mắt chứng kiến hàng hóa đó.
Nếu hàng hóa bất động sản thì phải tổ chức cho người mua đến tận nơi có bất động sản đó để tham quan.
Việc trưng bày, xem xét tài sản phải tiến hành cùng thời điểm niêm yết và thông báo việc bán đấu giá. Người mua có quyền yêu cầu giám định hàng hóa nếu thấy cần thiết để biết rõ về chất lượng hàng hóa và phải chịu chi phí giám định.Nếu người mua hàng không xem trước hàng hóa và không có thắc mắc gì về chất lượng hàng hóa trước khi diễn ra cuộc bán đấu giá hàng hóa thì sau này sẽ không được quyền khiếu nại về chất lượng hàng hóa.
Tiến hành đấu giá:
Cuộc bán đấu giá hàng hóa có thể được tổ chức công khai tại trụ sở của của tổ chức bán đấu giá hoặc nơi có tài sản bán đấu giá để những người muốn mua đến tham dự và trả giá. Địa điểm và thời gian tổ chức cuộc bán đấu giá phải được công bố rộng rãi hoặc ít nhất phải được thông báo tới những người đã đăng kí, trong trường hợp theo quy định người mua hàng hóa phải được đăng kí trước. Cuộc bán đấu giá chỉ được tiến hành khi có số người tham gia trả giá tối thiểu đủ đảm bảo sự cạnh tranh về giá. Nếu sau khi đã hết hạn niêm yết, thông báo công khai về cuộc bán đấu giá mà chỉ có một người đăng kí mua và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì hàng hóa được bán cho người đó mà không phải tổ chức cuộc bán đấu giá. Tại cuộc bán đấu giá, người điều hành bán đấu giá thực hiện các công việc sau đây:
Ø Điểm danh người đã đăng kí tham gia đấu giá hàng hóa
Ø Giới thiệu từng hàng hóa bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá. ( trả giá lên, khoản 3 điều 201 Luật thương mại 2005; trả giá xuống- khoản 3 điều 201 Luật thương mại 2005)
Ø Xác định người trả giá hợp lệ để trở thành người mua hàng hóa.
Ø Tổ chức rút thăm giữa những người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên với phương thức đặt giá xuống.
Ø Lập văn bản bán đấu giá hàng hóa ngay tại cuộc đấu giá, kể cả trong trường hợp đấu giá không thành.
Hoàn thành văn bản đấu giá:
Văn bản bán đấu giá là căn cứ xác nhận việc mua bán, có thể coi văn bản này là hợp đồng mua bán hàng hóa giữa người bán hàng hóa, tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa bán đấu giá. Nó còn là căn cứ pháp lí để chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa bán đấu giá mà theo quy định của pháp luật phải đăng kí quyền sở hữu.
Văn bản bán đấu giá hàng hóa phải được lập ngay tại cuộc bán đấu giá, kể cả trường hợp bán đấu giá không thành. Văn bản này ghi rõ kết quả phiên đấu giá, có chữ kí của người điều hành bán đấu giá, người mua hàng hóa và hai người chứng kiến được mời trong số những người tham gia đấu giá. Tùy thuộc vào từng loại hàng hóa mà văn bản bán đấu giá có bắt buội phải công chứng hay không. Văn bản bán đấu giá hàng hóa phải có các nội dung của một hợp đồng mua bán hàng hóa, gồm: tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá; tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá; tên, địa chỉ của người bán hàng hóa; tên, địa chỉ của người mua hàng; thời gian, địa điểm đấu giá; hàng hóa bán đấu giá; giá đã bán; tên, địa chỉ của hai người chứng kiến.
Trong trường hợp đấu giá không thành, văn bản bán đấu giá vẫn phải được lập đầy đủ các nội dung trên trừ tên, địa chỉ người mua hàng và giá đã bán. Nếu đã xác định được người mua hàng và văn bản bán đấu giá đã được lập nhưng người này từ chối mua hàng thì việc từ chối mua hàng này phải được người bán hàng hóa chấp nhận, ngoài ra, người từ chối mua hàng phải chịu một số hậu quả pháp lí như phải chịu mọi chi phí liên quan đến cuộc bán đấu giá; không được hoàn trả số tiền đặt cọc để tham gia đấu giá ( nếu có), khoản tiền này thuộc về người bán hàng.
Về thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán tiền mua hàng hóa, về nguyên tắc là do tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận thì người mua phải thanh toán đủ một lần toàn bộ số tiền mua hàng hóa tại trụ sở kinh doanh của tổ chức bán đấu giá ngay sau khi nhận hàng hóa; hàng hóa được giao ngay sau khi lập văn bản bán đấu giá.( đối với những hàng hóa không phải đăng kí quyền sở hữu) hoặc sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua ( đối với những hàng hóa phải đăng kí quyền sở hữu); địa điểm giao hàng hóa bán đấu giá là nơi có hàng hóa ( đối với những hàng hóa gắn liền với đất đai) hoặc nơi bán đấu giá hàng hóa nếu hàng hóa đó là động sản trong trường hợp không có thỏa thuận khác giữa tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa.
Người bán hàng hóa, tổ chức bán đấu giá không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của hàng hóa bán đấu giá, trừ khi những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa bán đấu giá đã không được thông báo và cung cấp đầy đủ cho người mua hoặc những thông tin đó là sai sự thật. Người mua có quyền trả lại hàng hóa cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chất lượng của hàng hóa không đúng như đã thông báo. Người bán đấu giá( trong trường hợp không phải là người bán hàng hóa) có quyền trả lại hàng hóa cho người bán hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sự không phù hợp về nội dung thông báo, niêm yết liên quan đến cuộc bán đấu giá không phải do lỗi của người bán đấu giá ( điều 213 Luật thương mại 2005)
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ ĐÂÚ GIÁ HÀNG HÓA:
Thực tế bán đấu giá hàng hóa ở nước ta cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình đấu giá hàng hóa chưa được giải quyết thảo đáng, làm giảm hiệu quả của hoạt động bán đấu giá hàng hóa như: hiện tượng móc ngoặc cò đấu giá; các tranh chấp, khiếu nại quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm giải quyết nhanh chóng và thích đáng; … Sở dĩ còn xảy ra tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không nhỏ là sự bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành về đấu giá hàng hóa, có thể chỉ ra một số hạn chế cơ bản sau:
Một số quy định về bán đấu giá tài sản còn chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc vận dụng thống nhất đã làm giảm hiệu quả của đấu giá hàng hóa.
Một số quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng tạo cơ hội cho sự móc ngoặc giữa người bán hàng, người tổ chức bán hàng đấu giá.
Ngoài ra còn phải kể đến thủ tục đấu giá hàng hóa quá nhiêu khê. Điều này cũng làm cho việc bán đấu giá hàng hóa hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Pháp luật về đấu giá hàng hóa còn thiếu một số quy định cần thiết, đó là vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người mua được tài sản bán đấu giá…
Vì vậy, có thể thấy việc đề ra các giải pháp cho việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bán đấu giá hàng hóa là rất cần thiết. Trước hết trong thời gian tới phải quy định đầy đủ các vấn đề cần thiết mà thực tế đòi hỏi nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong pháp luật về bán đấu giá hàng hóa hiện hành. Thực tế cho thấy những khó khăn, những tắc trách trong bán đấu giá hàng hóa ở nước ta thường phát sinh từ những thiếu sót, những sơ hở trong hệ thống pháp luật. Trong hoạt động bán đấu giá ở Việt Nam còn nhiều vấn đề quan trọng nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Ví dụ như pháp luật về đấu giá hàng hóa chưa có chế tài nghiêm khắc áp dụng với các cơ quan tổ chức, cá nhân trong khi tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa mà vi phạm pháp luật.
Cần quy định cụ thể cách tính các loại thời hạn trong đấu giá hàng hóa để khắc phục các vướng mắc có liên quan trong thực tế
Quản lí nhà nước về bán đấu giá cần được phân cấp quản lí rõ ràng, cụ thể hơn để chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan Nhà nước không có sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau
Bên cạnh việc quy định đầy đủ các vấn đề thiết yếu trên thực tế thì còn cần phải đảm bảo tính hợp lí, khoa học trong các quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá nhằm tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân có hàng hóa bán đấu giá, cho cuộc bán đấu giá được diễn ra nhanh chóng, khách quan. Thủ tục bán đấu giá hàng hóa cần có những sửa đổi, bổ sung về thủ tục kí kết hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hàng hóa để việc kí kết thuận lợi đảm bảo lợi ích của người có quyền
Cần sửa đổi quy định hiện hành về mức tiền đặt cược, quy định hiện hành là không quá 3% giá khởi điểm của hàng hóa. Cần bằng mức tiền đặt trước để chống lại tình trạng những người tham gia bán đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc sẵn sàng chịu mất số tiền đặt cọc khi từ chối mua với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan. Có thể quy định mức tiền tối đa đặt trước khoảng 10% giá khởi điểm. Một điều nữa cần lưu ý là việc từ chối mua hàng của người mua hàng không nên quy định cứng nhắc là phải được người bán hàng chấp thuận nhưng người từ chối mua hàng phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức bán đấu giá. Theo điều 205 Luật thương mại 2005. Quy định như vậy tạo tâm lý lo sợ cho khách hàng.
Cần quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đơn giản hơn và nhanh chóng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển quyền đồng thời nâng cao hiệu lực của văn bản bán đấu giá hàng hóa. Quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa bán đấu giá của người mua hàng hóa cần được đảm bảo theo hướng đã mua hàng hóa qua tổ chức đấu giá với trình tự thủ tục chặt chẽ, công khai thì người mua trở thành chủ sở hữu, chủ sử dụng hàng hóa trong mọi trường hợp. Nếu quyền và lợi ích của người có hàng hóa đấu giá bị xâm phạm thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm, kể cả phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại xảy ra trên thực tế.
Để thu hút được sự quan tâm đông đảo của cá nhân, tổ chức thì cuộc bán đấu giá phải diễn ra thật công khai, trung thực và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật thương mại tập II, Trường đại học Luật Hà Nội, NXB.CAND Hà Nội-2009
Luật thương mại năm 2005.
Bộ luật dân sự năm 2005.
Nghị định của Chính phủ số 17/2010/NĐ- CP ngày 04/03/2010 về bán đấu giá tài sản.
Tìm hiểu pháp luật về đấu giá hàng hóa ở Việt Nam, khóa luận tốt nghiệp/ Phạm Dương Minh Thu, Người hướng dẫn: TS. Đồng Ngọc Ba . - H., 2006
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nội dung pháp lí cơ bản về hoạt động đấu giá hàng hóa.docx