Phân tích và chứng minh cặp phạm trù nguyên nhân - Kết quả trong triết học Mac

Hạt cát sinh ra để làm nên sa mạc, giọt nước sinh ra để làm nên biển cả, hạt mầm sinh ra để làm nên cánh rừng, những giọt covaxecva sinh ra để làm nên sự sống Nếu có ai đó cho rằng dù chỉ một tồn tại nào đó trên thế giới này là vô lý thì có lẽ, sự vô lý chính là ở người đó bởi nếu nó vô lý thì nó đã không tồn tại. Một sự vật, hiện tượng tồn tại là kết quả của cái trước nó và là nguyên nhân của cái sau nó. Chính chuỗi quan hệ nhân - quả vô hạn này đã tạo ra sự vận động và phát triển không ngừng nghỉ của thế giới vật chất và tư duy.

doc13 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 10287 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích và chứng minh cặp phạm trù nguyên nhân - Kết quả trong triết học Mac, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Phần mở đầu: Một phản ứng hóa học không thể xảy ra nếu không có sự tương tác giữa phân tử của các chất tham gia; bóng đèn sẽ không phát sáng nếu như không có sự tác động qua lại giữa dòng điện với dây dẫn; sẽ không có các mùa nếu như Trái đất không quay… Rõ ràng, không có nguyên nhân nào không dẫn tới kết quả nhất định và ngược lại, không có kết quả nào lại không có nguyên nhân. II. Phần nội dung: Cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả chính là một trong sáu cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật, cũng là một trong những vấn đề nghiên cứu của triết học. Phạm trù là những khái niệm rộng nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật, hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định. Theo đó, cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả phản ánh mối quan hệ sản sinh ra nhau giữa các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan. Trong đó, nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó. Còn kết quả là những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân và kết quả phát triển theo chiều hướng nào lại là do điều kiện tác động. Điều kiện là những sự vật, hiện tượng gắn liền với nguyên nhân, tác động vào nguyên nhân, làm cho nguyên nhân phát huy tác dụng, nhưng điều kiện không trực tiếp sinh ra kết quả mà chỉ thúc đẩy kết quả diễn ra nhanh hay chậm, theo hướng tốt hay xấu… Phép biện chứng duy vật khẳng định mối liên hệ nhân - quả có tính khách quan (mối liên hệ nhân - quả là cái vốn có của bản thân sự vật, không phụ thuộc vào ý thức của con người), tính phổ biến (mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều có nguyên nhân nhất định gây ra) và tính tất yếu (một nguyên nhân nhất định, trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định sẽ gây ra kết quả tương ứng với nó). Cũng theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguyên nhân và kết quả có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, biện chứng với nhau. Trước hết, nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả, còn kết quả bao giờ cũng xuất hiện sau nguyên nhân. Kết quả do nguyên nhân sinh ra, nhưng sau khi xuất hiện, kết quả lại có ảnh hưởng trở lại đối với nguyên nhân (thúc đẩy hoặc cản trở sự hoạt động của nguyên nhân). Tuy nhiên, nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau khi xét chúng trong từng mối quan hệ xác định cụ thể. Vì vậy, trong sự vận động của thế giới vật chất, không có nguyên nhân đầu tiên và kết quả cuối cùng. Một hiện tượng có thể là nguyên nhân khi xét trong mối quan hệ này nhưng lại là kết quả khi xét trong mối quan hệ kia. Ph.Ăngghen viết: “Chúng ta thấy rằng nguyên nhân và kết quả là những khái niệm chỉ có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi được áp dụng vào một trường hợp riêng nhất định; nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp riêng biệt ấy trong mối quan hệ chung của nó với toàn bộ thế giới thì những khái niệm ấy lại vẫn gắn với nhau và xoắn xuýt với nhau trong một khái niệm về sự tác động qua lại một cách phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn luôn thay đổi vị trí cho nhau…”. Mặt khác, một nguyên nhân có thể sinh ra một hoặc nhiều kết quả và một kết quả có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân tạo nên. Có thể minh chứng cho cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả bằng một số tình huống thực tiễn. Nhà nước là một khái niệm quen thuộc với khá nhiều người. Nhưng nguồn gốc ra đời của Nhà nước thì không phải ai cũng biết. Đó cũng là trọng tâm nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Nhà nước xuất hiện từ sự tan rã của chế độ cộng sản nguyên thủy. Trước hết, sự tan rã đó được thể hiện ở sự biến đổi phương thức tổ chức quản lý sản xuất từ chỗ chỉ đơn thuần lao động mang tính tự nhiên (săn bắn, hái lượm) sang chuyên môn hóa qua ba lần phân công lao động xã hội. Lần phân công lao động thứ nhất, chăn nuôi tách khỏi trồng trọt. Nguyên nhân cơ bản là do công cụ lao động được cải thiện, sản phẩm thu được qua săn bắn nhiều hơn, người nguyên thủy có nhu cầu phải nuôi giữ con vật để làm thức ăn dự trữ. Lần phân công lao động thứ hai, thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp. Nguyên nhân cơ bản là do nhu cầu khách quan đòi hỏi không ngừng phải cải tiến công cụ lao động với những sản phẩm mới giúp cho việc săn bắn, hái lượm có hiệu quả hơn. Lần phân công lao động thứ ba, thương nghiệp được coi là một ngành nghề tách hẳn khỏi thủ công nghiệp. Nguyên nhân cơ bản là do nhu cầu trao đổi những sản phẩm thừa để lấy những sản phẩm khác cần thiết hơn cho cuộc sống của con người. Sau ba lần phân công lao động xã hội thì việc xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất thay thế cho chế độ công hữu đã làm biến đổi một cách căn bản nền tảng kinh tế tự cung, tự cấp của người nguyên thủy. Chế độ này ra đời, đánh dấu bằng việc một số người chiếm hữu riêng tư liệu sản xuất, sản phẩm lao động và trở nên có quyền lực về kinh tế. Phần lớn những người còn lại không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, bị bóc lột và từng bước bị bần cùng hóa. Như vậy, chính sự vận động và phát triển của lực lượng sản xuất đã phá vỡ cơ sở kinh tế tự nhiên - nguyên thủy trên ba phương diện: Sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất, phân phối sản phẩm xã hội và là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự tan rã của xã hội nguyên thủy. Dĩ nhiên khi cơ sở kinh tế có những thay đổi căn bản thì sẽ kéo theo nhưng thay đổi về kết cấu và quyền lực xã hội. Nếu như trước đây, đơn vị cơ sở của xã hội nguyên thủy là thị tộc thì đến giai đoạn này đã xuất hiện thêm gia đình theo chế độ gia trưởng (gia đình chế độ Clan: một vợ, một chồng). Điều này đã phá vỡ chế độ quần hôn, hôn nhân đối ngẫu của thị tộc. Dưới góc độ lý luận, đây cũng chính là hệ quả tất yếu về mặt xã hội của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Theo đó, các giai cấp, đẳng cấp cũng bắt đầu xuất hiện, làm biến đổi toàn bộ đời sống xã hội nguyên thủy. Địa vị xã hội cũng có sự phân hóa sâu sắc giữa giàu và nghèo, trên và dưới. Mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị ngày càng gay gắt, không điều hòa được. Về mặt quyền lực xã hội, nếu trước đây, quyền lực là của chung cả cộng đồng và chưa tách khỏi tầng lớp dân cư thì đến giai đoạn này, nó đã thuộc về giai cấp thống trị - giai cấp có lợi thế hoàn toàn về kinh tế. Giai cấp bị trị hầu như không có một đặc quyền nào. Nhìn chung, đây là giai đoạn mà xã hội nguyên thủy dựa trên nền sản xuất tự nhiên đã hoàn toàn bị tan rã, quyền lực thị tộc và các phương thức quản lý cũ không còn phù hợp, kìm hãm sự phát triển của xã hội đã kéo theo mâu thuẫn gay gắt giữa các giai cấp ngày càng tăng. Nhu cầu khách quan đặt ra là phải có một tổ chức mới đủ mạnh để điều hành, quản lý xã hội, đảm bảo cho sự phát triển của con người. Việc xuất hiện Nhà nước là một thực tế khách quan của lịch sử nhằm dập tắt sự xung đột giữa các giai cấp, kìm giữ cho những mâu thuẫn đó nằm trong vòng trật tự nhất định. Như vậy, Nhà nước là một thiết chế quyền lực thuộc về giai cấp thống trị được hình thành gắn liền với những điều kiện nhất định của xã hội có giai cấp: Có sự chuyển đổi từ nền kinh tế tự nhiền sang nền kinh tế sản xuất – xã hội – trao đổi dựa trên cơ sở của sự xuất hiện và bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất; có sự phân chia xã hội thành những cực đối lập, không điều hòa được, tức là phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Như vậy, nguyên nhân cơ bản làm xuất hiện Nhà nước là do sự vận động, phát triển của lực lượng sản xuất, dẫn đến sự xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, xuất hiện giai cấp, xuất hiện Nhà nước. Đó là quá trình diễn ra lâu dài, lần lượt đi từ thấp tới cao và có sự khác biệt nhất định giữa phương Đông và phương Tây. Nhà nước đầu tiên ra đời trong lịch sử nhân loại là Nhà nước chủ nô. Tuy nhiên, cũng cùng nguyên nhân ra đời Nhà nước như trên nhưng ở một số nước phương Đông như: Triều Tiên, Mông Cổ, Việt Nam…, do có sự khác biệt về điều kiện kinh tế (thương nghiệp phát triển chưa mạnh, còn duy trì công xã nên chưa có sự tách biệt rõ tầng lớp nô lệ), văn hóa (tập quán cùng chung sống, lao động), xã hội (thói quen sống thành làng xã, chịu ảnh hưởng của một số nước phong kiến xung quanh)…nên Nhà nước phong kiến là Nhà nước xuất hiện đầu tiên. Như vậy, cùng một nguyên nhân nhưng do sự khác nhau về điều kiện nên hiện thực đã cho hai kết quả khác nhau. Hơn nữa, sau khi ra đời, Nhà nước chủ nô (phong kiến) với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu của chủ nô với tư liệu sản xuất, nô lệ, sản phẩm lao động xã hội và sự bóc lột sức lao động của nô lệ (hay dựa trên chế độ sở hữu của địa chủ đối với tư liệu sản xuất và sản phẩm xã hội cùng với việc bóc lột sức lao động của nông dân ở Nhà nước phong kiến) đã kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất để phục vụ lợi ích cho giai cấp thống trị. Vì vậy, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất tiến bộ và quan hệ sản xuất lạc hậu đã diễn ra, trở thành mâu thuẫn nội tại không thể dung hòa trong xã hội. Từ đó, xuất hiện nhu cầu khách quan là phải thiết lập lại mối quan hệ thống nhất giữa chúng theo nguyên tắc quan hệ sản xuất phải phù hợp với nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Và điều tất yếu của đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội là một Nhà nước mới tiến bộ hơn Nhà nước cũ ra đời với quan hệ sản xuất mới cũng tiến bộ hơn quan hệ sản xuất cũ và quan trọng là phù hợp với lực lượng sản xuất lúc bấy giờ. Có thế thấy, Nhà nước chủ nô (phong kiến) là kết quả của sự vận động, phát triển của lực lượng sản xuất. Nhưng rồi, khi Nhà nước này ra đời, nó tác động trở lại nguyên nhân sinh ra nó (lực lượng sản xuất) để thay đổi cái cũ lạc hậu, làm xuất hiện cái mới tiến bộ (quan hệ sản xuất), từ đó cho ra đời Nhà nước mới (Nhà nước tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa). Đây là một chuỗi quan hệ nhân - quả nối tiếp nhau không ngừng. Và như vậy, Nhà nước chủ nô (phong kiến) từ chỗ được sinh ra từ sự vận động, phát triển của lực lượng sản xuất đã trở thành nguyên nhân chủ yếu sinh ra Nhà nước mới tiến bộ hơn nó. Qua đây, cũng có thể thấy một điểm nổi vật về mặt phương pháp luận. Muốn hiểu rõ nguyên nhân sinh ra Nhà nước, phải tìm nó ngay trong thế giới hiện thực, trong những điều kiện khách quan của lịch sử - xã hội, trong bản thân Nhà nước đang tồn tại chứ không phải tưởng tượng từ trong đầu óc con người, tách rời thực tiễn. Điều này đã được khẳng định bởi Ph.Ăngghen: “Nhà nước không phải là lực lượng được áp đặt từ bên ngoài vào xã hội. Nhà nước cũng không phải là cái hiện thực của ý niệm đạo đức, không phải là hình ảnh và hiện thực của lý trí. Nhà nước là sản phẩm của xã hội trong một giai đoạn nhất định.”. Nội dung và ý nghĩa của cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả không chỉ được thể hiện ở sự ra đời của Nhà nước mà còn biểu hiện rõ ở một số vấn đề xã hội nổi bật hiện nay. Trong những năm qua, Việt Nam trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đã gặp khá nhiều khó khăn, thử thách. Và một khó khăn lớn, đáng đề cập đến là dịch bệnh. Từ năm 2003 đến năm 2008 và đầu năm 2009, nhiều dịch bệnh đã xảy ra khiến Đảng, Chính phủ và nhân dân tổn thất không nhỏ. Trong đó, dịch cúm A H5N1 được đánh giá là dịch bệnh gây tổn thất lớn nhất. Trong 2 tháng đầu năm 2008, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 44 xã thuộc 233 huyện của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước làm hơn 52000 con gia cầm mắc bệnh, chết và buộc thiêu hủy. Nguy hiểm hơn, đã có 3 người ở Thanh Hóa, Quảng Ninh, Ninh Bình bị nhiễm cúm A H5N1 và đều tử vong. Dịch cúm gia cầm xuất hiện ở nước ta từ cuối năm 2003, mặc dù đã được Đảng, Chính phủ quan tâm và được sự hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế nhằm khống chế, không để lây lan trên gia súc, gia cầm, nhất là hạn chế những ca nhiễm bệnh trên người nhưng dịch vẫn tái phát ở nhiều địa phương. Cuối tháng 12/2008, virus cúm gia cầm H5N1 tái phát trở lại tại Thái Nguyên sau khoảng 10 tháng im ắng trên cả nước. Tính từ đầu năm 2009 đến ngày 9/2/2009, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 7 tỉnh. Nguyên nhân của cúm gia cầm là do một loại virus có tên khoa học là Avian influenza (AL), thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthmyxociridae. Đây là một loại virus nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh. Về khách quan, nguyên nhân chủ yếu làm dịch cúm gia cầm lây lan, được xác định là do công tác chỉ đạo, điều hành việc phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa tốt. Theo Cục thú y, năm 2008, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhập về hơn 250 triệu liều vaccine phòng dịch, nhưng các tỉnh chỉ tiêm phòng hết hơn 50%, số còn lại vẫn nằm trong kho. Một điều kiện thuận lợi khác nữa cho bệnh cúm gia cầm lây lan là “có cảm giác người dân không còn sợ cúm gia cầm như trước đây nữa” (Việt báo). Người dân quá chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Những người nhiễm cúm H5N1 trong 5 năm qua hầu hết đều liên quan đến giết mổ và sử dụng gia cầm nhiễm bệnh mặc dù đã có nhiều cảnh báo phòng dịch. Đồng thời, việc chăn thả đàn vịt diễn ra khắp nơi cũng là điều kiện thuận lợi cho virus cúm H5N1 lây lan nhanh và không thể kiểm soát. Thực tế cho thấy, các ổ dịch phát sinh chủ yếu trên đàn vịt chạy đồng (chiếm 72%). Thời điểm đầu năm 2008 cũng là lúc các loài chim bắt đầu di cư, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Phức tạp hơn, lúc này, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm tăng cao, lại chưa có vacccine phòng bệnh phù hợp. Trong điều kiện thời tiết những tháng cuối năm chuyển sang lạnh, vệ sinh môi trường không được đảm bảo, virus cúm càng dễ dàng tồn tại và chờ cơ hội xâm nhập vào đàn gia cầm, thủy cầm chưa được tiêm phòng. Với các nguyên nhân cộng thêm điều kiện thuận lợi cho dịch cúm gia cầm lây lan, Nhà nước và nhân dân đã phải đối mặt với những thiệt hại hết sức to lớn. Tổng số gia cầm bị thiêu hủy trong thời gian diễn ra dịch là hơn 48 triệu con, tổng thiệt hại lên tới gần 2 tỷ đồng. Điều đáng tiếc là trong những năm qua, virus cúm A H5N1 đã nhiễm sang người làm 110 người nhiễm cúm, trong đó, 53 người thiệt mạng. Để thấy rõ hơn nội dung và ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả, có thể đi vào phân tích phần nào một vụ án gây được nhiều chú ý của dư luận thời gian qua. Kim Ki Jong - 26 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc - đã nhập cảnh vào Việt Nam 3 lần, vào năm 2004, 2006 và lần cuối là ngày 14/12/2007. Khi vào Việt Nam, với mục đích kiếm việc làm, Kim Ki Jong thuê trọ tại phòng 08-A4, tập thể Đại học Hà Nội. Tại đây, vào tháng 5/2008, Kim Ki Jong quen với Đào Thị H (sinh năm 1987, quê ở Quỳnh Khê - Quỳnh Phụ - Thái Bình, tạm trú tại thôn Kiều Mai - xã Phú Diễn - Từ Liêm - Hà Nội), là sinh viên năm 4 - lớp 1H05 – Khoa tiếng Hàn - trường Đại học Hà Nội và có thuê H dạy thêm tiếng Việt cho mình. Trong mấy tháng học tiếng với nhau, giữa Kim và H đã nảy sinh quan hệ tình cảm. Khoảng 16h ngày 3/9/2008, Kim đến gặp H và cả hai cùng đi về phòng trọ của Kim. Tại đây, hai người đã quan hệ tình dục với nhau. Sau đó, mâu thuẫn giữa hai bên nổ ra khi H kể cho Kim nghe về người yêu cũ của mình. Kim cho rằng H yêu người khác mà không yêu mình. Bực bội vì sự ghen tuông của Kim, sau khi cố gắng thanh minh, H đã nói lời chia tay. Trong lúc hai bên to tiếng với nhau, Kim xô H ngã và lao vào bóp cổ H cho đến chết. Thấy người yêu đã tắt thở, Kim lấy vali trong tủ quần áo và nhét xác cùng tư trang của H vào. Hắn cũng đi mua thêm 2,5l xăng rồi kéo vali ra cổng trường Đại học Hà Nội, đón taxi, đi về khu Trung Hòa, Cầu Giấy. Đến khu vực này, Kim phát hiện ra một khu tập kết vật liệu xây dựng đã bỏ hoang, có hàng gạch xếp cao, che khuất tầm nhìn, rất ít người qua lại. Kim tưới xăng lên vali và châm lửa đốt. Sau khi xong việc, Kim đi bộ về phía siêu thị Big C gần đó, bắt taxi đi về phòng trọ, lúc đó khoảng 22h. Xem xét vụ án, có thể thấy nguyên nhân cơ bản là do Kim quá yêu H dẫn tới ghen tuông mù quáng. Xác định được điều này là bởi do quá yêu H, Kim mới ghen với người yêu cũ của H, dẫn tới không kiềm chế được mình và có hành động giết chết H. Để có được nguyên nhân và kéo theo kết quả này, có rất nhiều điều kiện cả chủ quan và khách quan tác động. Trước hết, cần xác định các mối liên hệ làm nảy sinh sự việc. Kim là người Hàn Quốc, sang Việt Nam với mục đích kiếm việc làm nên có nhu cầu học thêm tiếng Việt để dễ thích nghi với hoàn cảnh. Còn H là một sinh viên năm 4 – Khoa tiếng Hàn - Đại học Hà Nội, có vốn tiếng Hàn khá vững và muốn có việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Thêm nữa, việc Kim thuê trọ ngay trong khu tập thể Đại học Hà Nội dễ dẫn tới việc gặp gỡ và tiếp xúc giữa hai người, từ đó, Kim muốn thuê H làm giáo viên dạy tiếng Việt cho mình. Qua một thời gian khá gần gũi như vậy, giữa hai người dễ dàng nảy sinh tình cảm đặc biệt và yêu nhau. Mối quan hệ càng trở nên khăng khít khi Kim và H có quan hệ tình dục. Nhưng khi H kể cho Kim nghe chuyện về người yêu cũ thì mâu thuẫn xảy ra. Chính điều đó đã khiến cho tình cảm sâu đậm của Kim dành cho H trở thành sự ghen tuông mù quáng. H một mực thanh minh dẫn đến cãi cọ. Có thể, cũng chính vì cuộc cãi vã này mà sự nghi ngờ của Kim càng tăng bởi Kim nghĩ H đang bảo vệ cho người yêu cũ. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Kim xô ngã và bóp cổ H cho đến chết. Vì thời điểm xảy ra hành động của Kim và cái chết của H là khoảng 16h, lúc này, người dân sống trong khu tập thể đi vắng hết nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Kim nhanh chóng ra tay mà không bị chú ý. Ngay cả mối quan hệ của Kim và H cũng vậy - có rất ít người quan tâm. Lê Thị Lan Anh - lớp trưởng lớp 1H05 cho biết: “Đối với sinh viên năm thứ 4 của một trường ngoại ngữ thì có quan hệ với người nước ngoài là chuyện bình thường nên không mấy ai trong lớp để ý đến quan hệ của H với Kim. Các bạn trong lớp thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy Kim vì anh ta thuê trọ ngay trong trường”. Đó cũng là lý do vì sao việc H mất tích mấy ngày sau đó mới được phát hiện. Kim hoảng sợ và nảy sinh ý định thủ tiêu xác H. Sau khi cho xác H vào vali và kéo đến khu vực đường Hoàng Minh Giám – Cầu Giấy, nhận thấy đây là một địa điểm thuận lợi: Khu chứa vật liệu xây dựng đã bỏ hoang, có hàng gạch cao che khuất tầm mắt và ít người qua lại, Kim đã đốt xác H. Mặc dù có vài người dân ở gần đó thừa nhận là có nhìn thấy một đám khói lớn nhưng không để ý do hàng gạch cao và khu vực này đã bỏ hoang khá lâu. Quay lại nguyên nhân dẫn tới cái chết của H. Nếu như Kim nổi cơn ghen nhưng biết kiềm chế cảm xúc và hành động của mình, bình tĩnh suy xét lại quá khứ và hiện tại cuộc sống của H thì có thể đã không dẫn tới hậu quả đáng tiếc như vậy. Nhưng thực tế, sự lấn át quá mạnh của cảm xúc ghen lúc đó đã khiến Kim ra tay. Như vậy, một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều bản thân Kim. Khi xem xét vụ án này, có thể rút ra một số điểm căn bản về ý nghĩa phương pháp luận. Trước hết, khi xác định nguyên nhân gây ra cái chết của H, cần tìm trong chuỗi sự kiện của vụ án những mối liên hệ xảy ra trước: Sự quen biết và mối quan hệ tình cảm giữa Kim và H, mối quan hệ giữa hai người với những người xung quanh... Từ đó, xác định nguyên nhân và kết quả cơ bản cùng những điều kiện tác động. Nếu như chỉ xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của H là do Kim ghen thì chưa đủ. Cần xác định rõ nguyên nhân sâu xa là do Kim quá yêu H nên mới dẫn tới ghen tuông mù quáng, cơn ghen có tính nhất thời chứ không phải đã kéo dài nên hành vi phạm tội không có chủ định và không được sắp xếp từ trước. Chính điều này là một tình tiết giảm nhẹ góp phần kéo khung hình phạt của Viện kiểm sát từ tử hình xuống chung thân. Từ ba hiện tượng thực tế trên, có thể rút ra một số ý nghĩa phương pháp luận chung cho cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả. Thứ nhất, muốn tìm nguyên nhân của bất kỳ sự vật, hiện tượng gì, phải khai thác trong thế giới hiện thực chứ không được tưởng tượng ra từ trong đầu óc con người, tách rời thực tiễn khách quan. Thứ hai, nguyên nhân luôn có trước kết quả nên muốn tìm nguyên nhân của một hiện tượng nào đó cần tìm trong chuỗi sự kiện những mối liên hệ xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện. Thứ ba, trong mỗi sự việc, cần nắm được chiều hướng tác động của các nguyên nhân, từ đó, có biện pháp thích hợp để tạo điều kiện cho nguyên nhân tác động tích cực đến hoạt động, hạn chế sự hoạt động của các nguyên nhân có tác động tiêu cực. Thứ tư, trong hoạt động thực tiễn, cần khai thác, tận dụng các kết quả đã đạt được để tạo điều kiện thúc đẩy nguyên nhân phát huy tác dụng nhằm đạt được mục đích. III. Phần kết luận: Hạt cát sinh ra để làm nên sa mạc, giọt nước sinh ra để làm nên biển cả, hạt mầm sinh ra để làm nên cánh rừng, những giọt covaxecva sinh ra để làm nên sự sống… Nếu có ai đó cho rằng dù chỉ một tồn tại nào đó trên thế giới này là vô lý thì có lẽ, sự vô lý chính là ở người đó bởi nếu nó vô lý thì nó đã không tồn tại. Một sự vật, hiện tượng tồn tại là kết quả của cái trước nó và là nguyên nhân của cái sau nó. Chính chuỗi quan hệ nhân - quả vô hạn này đã tạo ra sự vận động và phát triển không ngừng nghỉ của thế giới vật chất và tư duy.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhân tích và chứng minh cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả trong triết học Mac.doc