Phân tích vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng

Trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ở nước ta hiện nay thì khái niệm công ty con, công ty liên kết đã không còn xa lạ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Là một loại hình doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng thành lập các công ty con, công ty liên kết để tiến hành hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Để hiểu rõ hơn về vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng cũng như cơ sở pháp lý, thực trạng hoạt động của chúng em xin chọn đề tài “Phân tích vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng”. I-Khái quát chung .1 II-Vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD . 2 III-Cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD .4 1. Cơ sở pháp lý 4 2. Thực trạng hoạt động của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD 9 IV- Phương hướng hoàn thiện để nâng cao vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD 14

doc18 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6518 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẨU …………………………………………………………………...…1 NỘI DUNG …………………………………………………………………………1 I-Khái quát chung …………………………………………………………….1 II-Vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD…….…..2 III-Cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD ……………………………...4 Cơ sở pháp lý ………………………………………………………4 Thực trạng hoạt động của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD ………………………9 IV- Phương hướng hoàn thiện để nâng cao vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD ……………........14 KẾT LUẬN ………………………………………………………………….........16 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ………………………………………….17 LỜI MỞ ĐẦU Trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, ở nước ta hiện nay thì khái niệm công ty con, công ty liên kết đã không còn xa lạ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Là một loại hình doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng thành lập các công ty con, công ty liên kết để tiến hành hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Để hiểu rõ hơn về vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng cũng như cơ sở pháp lý, thực trạng hoạt động của chúng em xin chọn đề tài “Phân tích vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng”. NỘI DUNG I-Khái quát chung. Trước hết về khái niệm tổ chức tín dụng (TCTD), theo khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”. Như vậy xét về bản chất thì TCTD cũng là doanh nghiệp. Tuy nhiên TCTD lại có những đặc điểm riêng để phân biệt với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề khác của nền kinh tế: Thứ nhất, TCTD là doanh nghiệp có đối tượng kinh doanh trực tiếp là tiền tệ. Thứ hai, TCTD là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là hoạt động ngân hàng. Thứ ba, TCTD là loại hình doanh nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của ngân hàng nhà nước và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng. Theo Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì tổ chức tín dụng bao gồm bốn loại hình là: Ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân nhân và công ty tài chính vi mô. Về khái niệm công ty con, công ty liên kết của các TCTD thì trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định: Công ty con của TCTD là công ty thuộc một trong các trường hợp sau đây: TCTD hoặc TCTD và người có liên quan của TCTD sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. TCTD có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty con. TCTD có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con. TCTD và người có liên quan của TCTD trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát thông qua nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của công ty con Công ty liên kết của TCTD là công ty trong đó TCTD hoặc TCTD và người có liên quan của TCTD sở hữu trên 11% vốn điều lệ hoặc trên 11% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, nhưng không phải là công ty con của TCTD đó. II-Vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng. Trước hết việc thành lập các công ty con, công ty liên kết tiến hành các hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ giúp đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh của TCTD. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có những hoạt động TCTD có thể trực tiếp kinh doanh nhưng cũng có những hoạt động mà TCTD muốn tiến hành kinh doanh thì bắt buộc phải thông qua các công ty con, công ty liên kết. Như vậy bên cạnh hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp của TCTD, các TCTD còn có thể thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh khác thông qua hệ thống các công ty con, công ty liên kết như kinh doanh vàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, tư vấn tài chính, môi giới tiền tệ… Từ đó hình thành các TCTD kinh doanh đa năng, tổng hợp. Thứ hai, việc đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh thông qua hệ thống các công ty con, công ty liên kết được các TCTD sử dụng như một giải pháp nhằm tăng lợi nhuận trong kinh doanh (đặc biệt trong điều kiện các TCTD bị NHNN khống chế mức tăng trưởng tín dụng). Thứ ba, việc thành lập các công ty con, công ty liên kết còn giúp các TCTD sử dụng nguồn vốn huy động được một cách hiệu quả. Các TCTD có thể thông qua các công ty con, công ty liên kết để giải ngân nguồn vốn, đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh của công ty con, công ty liên kết sẽ góp phần bổ sung nguồn vốn để TCTD thực hiện hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là hoạt động ngân hàng. Thứ tư, việc thành lập các công ty con, công ty liên kết cũng góp phần giúp các TCTD tăng khả năng huy động vốn. Thông qua nguồn vốn được huy động từ các công ty con, công ty liên kết các TCTD có thể bảo đảm thanh khoản hoặc cho vay khi việc huy động vốn của TCTD gặp khó khăn. Thứ năm, thành lập các công ty con, công ty liên kết cũng giúp các TCTD sử dụng có hiệu quả nguồn lực các nguồn lực vốn có (như là vốn, cơ sở vật chất – kỹ thuật, nhân lực…) để phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời khi thành lập các công ty con, công ty liên kết để kinh doanh trong các lĩnh vực cụ thể cũng giúp cho việc kinh doanh được hiệu quả hơn so với việc TCTD phải trực tiếp quản lý và tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh cùng lúc. III-Cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng. 1.Cơ sở pháp lý. Cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của công ty con, công ty liên kết của TCTD được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo quy định của các văn bản trên thì: Ngoài khái niệm công ty con, công ty liên kết của TCTD quy định tại khoản 29, khoản 30 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì tại Thông tư 03/2010/TT-NHNN có quy định: Công ty con của TCTD là doanh nghiệp, TCTD khác có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập bằng vốn tự có do TCTD góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần theo quy định của ngân hàng nhà nước và: Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp, TCTD khác đó, trừ trường hợp quyền sở hữu không gắn liền với quyền kiểm soát doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác đó, hoặc; Sở hữu ít hơn 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp, TCTD khác đó nhưng: Các cổ đông, các thành viên khác thỏa thuận dành cho TCTD góp vốn, mua cổ phần hơn 50% quyền biểu quyết, hoặc; TCTD có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, TCTD khác đó, hoặc; TCTD có quyền bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc cấp quản lý tương đương của doanh nghiệp, TCTD khác đó, hoặc; TCTD có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc cấp quản lý tương đương. (khoản 4 Điều 2, Thông tư 03/2010/TT-NHNN) Công ty liên kết của TCTD là doanh nghiệp, TCTD khác có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập mà TCTD góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần theo quy định của Ngân hàng nhà nước và đáp ứng tất cả các điều kiện sau: TCTD có quyền tham gia vào việc đưa ra các quyết định về chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp, TCTD khác đó nhưng không kiểm soát các chính sách đó; TCTD sở hữu từ 20% đến 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp, TCTD khác đó; Không phải là công ty con, công ty liên doanh của TCTD. (khoản 7 Điều 2, Thông tư 03/2010/TT-NHNN) Từ khái niệm trên có thể thấy, công ty con, công ty liên kết của TCTD cũng là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập được TCTD góp vốn hoặc mua cổ phần. Điểm khác biệt giữa công ty con và công ty liên kết của TCTD là đối với công ty con thì TCTD nắm đa số vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết và nắm quyền kiểm soát, chi phối các hoạt động của công ty còn đối với công ty liên kết thì TCTD không có quyền kiểm soát. Về việc thành lập công ty con, công ty liên kết, Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: Đối với ngân hàng thương mại, theo quy định tại Điều 103 thì: Ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh sau đây: Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu; Cho thuê tài chính; Bảo hiểm. Ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý tài sản bảo đảm, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng. Đối với công ty tài chính, theo quy định tại Điều 110 thì: “Công ty tài chính chỉ được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản bảo đảm sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản” Đối với công ty cho thuê tài chính, Điều 115 quy định “Công ty cho thuê tài chính không được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức”. Từ những quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì có thể thấy chỉ có tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại, công ty tài chính mới được thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoài hoạt động ngân hàng. Việc thành lập công ty con, công ty liên kết phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản và điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của các TCTD vào công ty con, công ty liên kết được quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng 2010: “1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. 2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. 3. Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 110 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. 4. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 110 của Luật này vào các doanh nghiệp, kể cả công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính. 5. Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó”. Những quy định về hạn chế mức góp vốn, mua cổ phần của TCTD vào các công ty con, công ty liên kết có ý nghĩa rất quan trọng. Điều kiện này hạn chế việc các TCTD hoạt động cầm chừng dưới danh nghĩa TCTD nhưng thực chất hoạt động chủ yếu thông qua các công ty con, công ty liên kết. Đồng thời nó cũng hạn chế việc các TCTD thông qua công ty con, công ty liên kết đẩy vốn cho vay làm méo mó thị trường tín dụng. Về việc góp vốn, mua cổ phần giữa các công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát, Điều 135 quy định: “1. Công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. 2. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. 3. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó”. Những quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của các TCTD nhằm đảm bảo sự minh bạch hóa các quan hệ giữa TCTD với các công ty con, công ty liên kết của mình, hạn chế việc sở hữu chéo cổ phần giữa các TCTD. Về hạn chế cấp tín dụng của TCTD với công ty con, công ty liên kết được quy định tại Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng 2010: Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng không bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho các công ty con, công ty liên kết. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với công ty con hoặc công ty liên kết của TCTD không được vượt quá 10% vốn tự có của TCTD; đối với tất cả các công ty con, công ty liên kết và doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD. Ngoài ra tại khoản 6, Điều 8 thông tư 03/2010/TT-NHNN quy định: “TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp mà TCTD năm quyền kiểm soát và phải tuân thủ các điều kiện sau đây: a) Tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh của TCTD đối với một doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát không được vượt quá 10% vốn tự có của TCTD. b) Tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh của TCTD đối với các doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát không được vượt quá 20% vốn tự có của TCTD. c) Tổ chức tín dụng được cấp tín dụng không có bảo đảm cho công ty trực thuộc là công ty cho thuê tài chính với mức tối đa không được vượt quá 5% vốn tự có của tổ chức tín dụng nhưng phải đảm bảo các hạn chế quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.” TCTD cũng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán (khoản 7 Điều 8 Thông tư 03/2010/TT-NHNN) Về quyền và nghĩa vụ của TCTD với công ty con, công ty liên kết của nó: Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty liên kết, TCTD thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên góp vốn, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con, công ty liên kết theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa TCTD với công ty con, công ty liên kết đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập. TCTD không được can thiệp vào tổ chức, hoạt động của công ty con, công ty liên kết ngoài các quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc cổ đông. Những quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2010 về quyền và nghĩa vụ của công ty kiểm soát nhằm hạn chế các quan hệ tín dụng hùn vốn, góp vốn chéo (góp vốn mua cổ phần lẫn nhau) giữa các TCTD với các công ty có quan hệ về vốn liếng để tránh rủi ro cho các NHTM do sự can thiệp quá mức của các công ty kiểm soát. Ngoài ra Điều 141 cũng đưa ra quy định buộc các công ty con, công ty liên kết của TCTD phải có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động của mình cho NHNN khi được yêu cầu. 2.Thực trạng hoạt động của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng. a) Sự phát triển của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của các TCTD. Trước yêu cầu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận đã thúc đẩy các TCTD thành lập các công ty con, công ty liên kết. Hiện nay hầu hết các TCTD được phép thành lập công ty con, công ty liên kết đặc biệt là các ngân hàng thương mại đều đang có hệ thống các công ty con, công ty liên kết trực thuộc. Ví dụ như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) có các công ty thành viên như: Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam, Công ty cho thuê tài chính TNHH một thành viên Vietinbank, Công ty TNHH một thành viên quản lý quỹ, Công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý vietinbank, Công ty TNHH một thành viên quản lý nợ và khai thác tài sản… Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng sở hữu các công ty con như: Công ty cho thuê tài chính 1 và 2 (ALC1 và ALC2), Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam (AJC), Công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agriseco), Công ty cổ phần bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ABCI)… Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có các công ty thành viên như: Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (SBA), Công ty cho thuê tài chính ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBL), Công ty vàng bạc đá quý ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ), Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), Công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS)… Không chỉ các ngân hàng lớn sở hữu số lượng lớn các công ty con mà ngay cả các ngân hàng vừa và nhỏ cũng đua nhau thành lập công ty con, công ty liên kết. Trong Đại hội cổ đông vừa qua, Ngân hàng Việt Á (Vietabank) cho biết sẽ thành lập một số công ty con trực thuộc như công ty kinh doanh và dịch vụ bất động sản, công ty cung ứng dịch vụ ngân hàng, và đặc biệt thành lập công ty đầu tư tài chính… Trong khi đó Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) cho biết với phương án tăng vốn điều lệ từ 3000 tỷ đồng lên 5000 tỷ đồng năm 2011, ngân hàng sẽ sử dụng một phần vốn góp để liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để thành lập hoặc tăng vốn chủ sở hữu của các công ty thuộc lĩnh vực địa ốc, chứng khoán, bảo hiểm, kiều hối… Còn Ngân hàng hàng hải Việt Nam (Maritimebank) đã lên kế hoạch thành lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để chuyên nghiệp hoạt động tín dụng cá nhân. Một số các ngân hàng nhỏ khác cũng đang lên kế hoạch góp vốn thành lập các công ty con để kinh doanh trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, chứng khoán… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các ngân hàng tăng cường thành lập các công ty con, công ty liên kết đặc biệt trong năm 2011 là do NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm 2011 khiến cho các ngân hàng phải tìm cách để có thể vừa có lãi mà không để vượt quá con số này. Và một trong những biện pháp được nhiều ngân hàng đưa ra đó là mở rộng phạm vi hoạt động thông qua các công ty con, công ty liên kết. Việc thành lập và phát huy tối đa hiệu quả của các công ty con, công ty liên kết sẽ giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận trong kinh doanh mà không vượt quá mức trần tăng trưởng tín dụng do NHNN đề ra. Bên cạnh việc thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết của các tổ chức tín dụng thì hoạt động kinh doanh của các công ty này cũng ngày càng đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh đến các hoạt động dịch vụ. Trong đó phổ biến nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, quản lý nợ và khai thác tài sản… b/Những tồn tại trong hoạt động của các công ty con, công ty liên kết của TCTD. Với vai trò to lớn của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của TCTD thì việc các tổ chức tín dụng thành lập các công ty con, công ty liên kết là một dấu hiệu tích cực thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các TCTD. Tuy nhiên hiện nay các TCTD đang lợi dụng việc thành lập công ty con, công ty liên kết để đối phó với các quy định của pháp luật gây mất an toàn cho hệ thống tín dụng. Trước hết việc các NHTM đua nhau thành lập công ty con, công ty liên kết đầu tư dàn trải ra quá nhiều ngành đôi khi vượt quá trình độ quản lý của ngân hàng, dẫn đến các công ty hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động của chính ngân hàng. Ngoài ra trong bối cảnh mà thị trường chứng khoán, bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thị trường vàng bất ổn thì việc các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh nói trên thì nguy cơ gặp rủi ro là rất cao. Mặc dù NHNN đã có các quy định về tỷ lệ góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết tuy nhiên các NHTM vẫn lợi dụng quyền thành lập công ty con, công ty liên kết để hoạt động đầu tư chéo, cho vay nội bộ lẫn nhau, lợi dụng mối quan hệ sở hữu, quản trị, điều hành của mô hình công ty mẹ - công ty con làm tăng tình trạng rủi ro, mất an toàn cho hoạt động của các ngân hàng trong hệ thống. Với việc NHNN khống chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%, việc các ngân hàng thương mại thành lập các công ty con, công ty liên kết để mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng lợi nhuận sẽ là một giải pháp tốt nếu như các ngân hàng không lợi dụng các công ty con, công ty liên kết để lách luật, đối phó với quy định của NHNN. Thực tế hiện nay, các công ty đầu tư tài chính trực thuộc các ngân hàng thương mại không chỉ thực hiện các ngành nghề kinh doanh như góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, quỹ đầu tư… mà còn có thể thực hiện nhiều nghiệp vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức, vay vốn của tổ chức tín dụng, đặc biệt là hoạt động cho vay, bảo lãnh ngân hàng, tiếp nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân và ủy thác cho TCTD thực hiện cấp tín dụng, tham gia thị trường tiền tệ, cung ứng dịch vụ ngoại hối… Với sự đa dạng các ngành nghề kinh doanh trên, các NHTM đã tận dụng các công ty con, công ty liên kết để đẩy mạnh cho vay mà không làm cho tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vượt quá 20% hay vi phạm các tỷ lệ an toàn khác do NHNN quy định. Chính sách khống chế trần lãi suất huy động không quá 14% của NHNN cũng tỏ ra không mấy hiệu quả bởi trên thực tế nhiều NHTM đã huy động ở mức 17% - 18% thậm chí lên đến 20%/năm. Và một trong những hình thức để NHTM có thể huy động vốn với mức lãi suất cao hơn trần lãi suất của NHNN đó là thông qua các công ty con, công ty liên kết để thực hiện các thỏa thuận ngầm với khách hàng. Mặc dù trên giấy tờ mức lãi suất mà các ngân hàng huy động vốn không vượt quá mức trần lãi suất 14%/năm nhưng lãi suất thực tế lại cao hơn nhiều thông qua các hình thức như khuyến mại, chi trả lòng vòng. Tuy nhiên, việc thỏa thuận lãi suất huy động giữa ngân hàng và khách hàng đã bắt đầu biến tướng dưới hình thức tinh vi hơn như hợp đồng ủy thác đầu tư ở các công ty con trực thuộc ngân hàng. Dòng vốn huy động cao từ các công ty con thông qua ủy thác đầu tư của khác hàng có thể được chuyển qua ngân hàng mẹ để đảm bảo thanh khoản hoặc cho vay. Chưa kể nhiều NHTM lớn còn thông qua công ty con để ngã giá thỏa thuận lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nhỏ nhằm kiếm lợi. Bên cạnh việc thông qua các công ty con để huy động vốn, hiện nay, các NHTM còn đẩy mạnh thực hiện ủy thác đầu tư vốn cho một công ty liên kết có chức năng đầu tư để phục vụ lợi ích một nhóm cổ đông lớn và nhằm lách các quy định an toàn vốn, trần lãi suất huy động cũng như hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHNN khiến cho tăng trưởng tín dụng bị bóp méo. Với việc bị NHNN khống chế quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng không quá 20%/năm bản thân các NHTM không thể trực tiếp đẩy mạnh cho vay và cũng không thể ủy thác vốn qua công ty con trực thuộc ngân hàng để những công ty con này đầu tư, cho vay hoặc gửi tiền ở NHTM khác vì khi thực hiện báo cáo tài chính hợp nhất sẽ bị NHNN phát hiện. Vì vậy để tránh sự phát hiện của NHNN, NHTM đã ủy thác đầu tư vốn cho một công ty liên kết có chức năng đầu tư. Bởi trên báo cáo tài chính của NHTM, hợp đồng ủy thác vốn cho công ty liên kết sẽ không hạch toán vào tiền gửi hoặc cho vay mà hạch toán vào “tài sản khác” hoặc “các khoản khác phải thu”. Sau khi nhận vốn ủy thác từ NHTM, công ty liên kết có thể: Gửi tiền hoặc cho vay tại các NHTM nhỏ với lãi suất thỏa thuận (thường là 16-22%/năm). Theo quy định của NHNN, các NHTM nhỏ muốn huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng không được quá 20% vốn trên thị trường dân cư. Vì vậy khi vay vốn thông qua công ty liên kết, các NHTM nhỏ có thể lách được quy định này. Các công ty liên kết nhận vốn từ NHTM đem cho vay đầu từ chứng khoán. Để tránh rủi ro, công ty liên kết sẽ yêu cầu nhà đầu tư mở tài khoản đầu tư và giao dịch tại công ty liên kết (trực thuộc NHTM) để có thể quản lý được dòng vốn cho vay đầu tư chứng khoán. Công ty liên kết cho các doanh nghiệp vay, điều này giúp NHTM có thể “lách” được tăng trưởng tín dụng không quá 20% của NHNN. Bên cạnh đó việc cho vay thông qua công ty liên kết, NHTM có thể lách được quy định hạn chế cấp tín dụng của một TCTD với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các TCTD 2010. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thông hợp đồng qua ủy thác đầu tư không chỉ làm tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế bị bóp méo mà thực tế đang tiềm ẩn một nguy cơ rủi ro lớn cho hệ thống NHTM. Cách thức này không thể giúp NHTM đạt được mục tiêu quản trị tín dụng phi sản xuất cũng như tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. IV-Phương hướng hoàn thiện để nâng cao vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng. Trước hết cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động đầu tư của các TCTD. Cần phải có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật các TCTD 2010, tạo khung pháp lý thống nhất hướng dẫn về việc góp vốn, mua cổ phần của các TCTD. Hiện tại NHNN đang tiến hành xây dựng và trình trước Quốc hội Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục góp vốn, mua cổ phần của TCTD. Theo đó sẽ siết chặt hoạt động đầu tư của các TCTD thông qua các quy định về giới hạn mức góp vốn, mua cổ phần, tổng tài sản của công ty con, công ty liên kết, điều kiện đối với từng hình thức góp vốn, mua cổ phần… Việc hạn chế và kiểm soát các TCTD thành lập công ty con, công ty liên kết sẽ hạn chế được những biến tướng trong hoạt động của các công ty con, công ty liên kết của các TCTD, góp phần củng cố sự an toàn của hệ thống tín dụng. Về phía NHNN cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung thanh tra chất lượng tín dụng và việc thực hiện các tỉ lệ bảo đảm an toàn của TCTD. Nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, cương quyết phát hiện và xử lý kịp thời các biến tướng cũng như các nguy cơ rủi ro trong tín dụng. Giải pháp nhằm khắc phục việc các NHTM thông qua các công ty con, công ty liên kết để vượt trần lãi suất huy động vốn, NHNN bên cạnh những mệnh lệnh hành chính cần phải giải quyết khó khăn thanh khoản cho các ngân hàng này thông qua một khoản hỗ trợ thanh khoản có điều kiện cho các ngân hàng nhỏ. NHNN cũng cần có cơ chế điều hòa trong hệ thống để các ngân hàng lớn còn vốn hỗ trợ ngân hàng nhỏ thông qua thị trường liên ngân hàng. Chỉ khi nguồn vốn được đảm bảo, các ngân hàng mới không cần tiếp tục chạy đua lãi suất như hiện nay. Đối với việc ngân hàng lạm dụng ủy thác đầu tư, NHNN cần phải ban hành các quy định cụ thể về ủy thác đầu tư để ngăn chặn việc các ngân hàng lợi dụng hình thức này lách trần lãi suất. Thanh tra NHNN cần thường xuyên tiến hành kiểm tra các tài sản ngoài chính thống của các TCTD, yêu cầu các NHTM phải thuyết trình rõ ràng để NHNN có thể giám sát. Cần phải quy định rõ ràng chế tài xử lý vi phạm (cụ thể hóa biện pháp xử lý) đối với các TCTD thông qua công ty con, công ty liên kết lách trần tăng trưởng tín dụng và công khai phổ biến cho các TCTD biết. Áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những TCTD cố tình vi phạm. Đối với các NHTM, có thể cùng nhau thỏa thuận mức lãi suất huy động tiền gửi, cam kết không chạy đua lãi suất. Thực hiện hoạt động kiểm tra chéo giữa các ngân hàng và thông tin với NHNN về các sai phạm của ngân hàng bạn để NHNN xử lý. Các NHTM cũng cần tăng cường hoạt động quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của các công ty con, công ty liên kết để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư vào các công ty này. KẾT LUẬN Có thể thấy rằng trong thời gian vừa qua hệ thống các công ty con, công ty liên kết của các TCTD đã phát triển rất nhanh với số lượng lớn và loại hình kinh doanh đa dạng. Với việc phát huy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh các công ty con, công ty liên kết ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên các tổ chức tín dụng lại đang lợi dụng các công ty con, công ty liên kết để đối phó với các quy định của pháp luật gây nguy hiểm cho thị trường tín dụng. Vấn đề đặt ra trước mắt đối với NHNN Việt Nam là cần phải có một cơ chế kiểm soát và hạn chế các TCTD thành lập công ty con, công ty liên kết để vừa có thể phát huy hiệu quả của các công ty con, công ty liên kết vừa đảm bảo an toàn cho thị trường ngân hàng, hạn chế rủi ro cho các TCTD. THUẬT NGỮ VIẾT TẮT TCTD : Tổ chức tín dụng NHNN : Ngân hàng nhà nước NHTM : Ngân hàng thương mại DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật ngân hàng, Nxb.CAND, Hà Nội, 2010. Luật các tổ chức tín dụng 2010. Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Thắt tín dụng, ngân hàng dồn vốn vào công ty con ( Siết hoạt động đầu tư của ngân hàng ( Ngân hàng lách để lên tập đoàn ( Lỗ hổng ủy thác đầu tư của các ngân hàng thương mại (

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPhân tích vai trò của hệ thống các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; cơ sở pháp lý và thực trạng hoạt động của hệ thống công ty con,.doc
Luận văn liên quan