Pháp luật quốc tế chống khủng bố hiện nay

A.ĐẶT VẤN ĐỀ B.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I/ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CỦA HOẠT ĐỘNG CHỐNG KHỦNG BỐ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY. 1. Những vấn đề chung về hoạt động khủng bố và chống khủng bố. a. Định nghĩa khủng bố. b. Những biểu hiện và nguyên nhân của hoạt động khủng bố. c. Liên hiệp quốc và vai trò trong công cuộc chống khủng bố. 2. Những điều ước quốc tế có liên quan đến chống khủng bố . a. Về hoạt động chống bắt giữ con tin. b.Về an ninh hàng không dân dụng và hàng hải. c. Về các hoạt động chống khủng bố bằng vũ khí nguy hiểm (bom, hạt nhân). 3.Về những hoạt động chống khủng bố khác. 4. Những giải pháp chung cho hoạt động chống khủng bố hiện nay. II/ Thực tiễn của hoạt động chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay. 1.Hoạt động chống khủng bố ở một số quốc gia. a.Thực tiễn hoạt động chống khủng bố ở Hoa Kỳ. b. Thực tiễn hoạt động chống khủng bố ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. 2. Thực tiễn hoạt động chống khủng bố ở một số khu vực trên thế giới. a.Các hoạt động chống khủng bố ở Liên minh châu Âu(EU). b.Các hoạt động chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). C. KẾT LUẬN:

doc8 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4597 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Pháp luật quốc tế chống khủng bố hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ. I/ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CỦA HOẠT ĐỘNG CHỐNG KHỦNG BỐ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY. Những vấn đề chung về hoạt động khủng bố và chống khủng bố. Định nghĩa khủng bố. Hiện nay người ta thường đề cập tới thuật ngữ và vấn đề “khủng bố quốc tế”. Đây là hoạt động bạo lực được thực hiện với sự tiếp tay hoặc dung túng của một số nhà nước nhằm chống lại cá nhân, tổ chức hoặc mục tiêu được pháp luật quốc tế bảo vệ: giết người đứng đầu nhà nước, Chính phủ, đại diện ngoại giao và các đại diện khác, phá hủy đại sứ quán… Đây là một tội phạm có tính quốc tế. Trong 13 điều ước quốc tế thuộc khuôn khổ Liên hợp quốc về đấu tranh chống khủng bố hiện nay chỉ có 3 công ước trực tiếp nhắc đến khái niệm “khủng bố” ngay tại tiêu đề, đó là: Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom, Công ước New York năm 1999 về trừng trị việc tài trợ khủng bố, Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn các hành vi khủng bố hạt nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra được định nghĩa trọn vẹn về khủng bố mà mới chỉ ghi nhận một số hành vi nhất định là khủng bố và các biện pháp để hợp tác đấu tranh chống lại các hành vi này. Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI định nghĩa khủng bố là “ một hành động bạo lực hoặc một hành động nguy hiểm cho đời sống con người nhằm đe dọa hoặc cưỡng ép một chính phủ, công dân hoặc bất kì những hành động tương tự nào áp dụng với các mục tiêu chính trị, xã hội, vi phạm luật hình sự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc bất kì một nước nào”. Đây có thể là định nghĩa khá hoàn chỉnh. b. Những biểu hiện và nguyên nhân của hoạt động khủng bố. Trên thực tiễn cũng như qua nghiên cứu cho thấy hành vi khủng bố rất đa dạng dưới các hành vi như: ám sát, đánh bom, bắt cóc con tin hay cướp máy bay, đầu độc…Theo ý kiến của một chuyên gia chống khủng bố thì nguyên nhân – điều kiện của hoạt động của hoạt động khủng bố có thể là: xung đột tôn giáo, sắc tộc; mâu thuẫn về lợi ích kinh tế chính trị; do các phần tử khủng bố muốn trút bỏ cảm giác oán hận, giày vò đau khổ của chúng; do nhu cầu ảnh hưởng muốn gây cảm giác sợ hãi cho người khác. c. Liên hiệp quốc và vai trò trong công cuộc chống khủng bố. Hoạt động chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu được thực hiện dưới sự lãnh đạo chung của Liên Hợp Quốc (LHQ). Các nước thành viên LHQ nhất trí cho rằng cuộc chiến chống tội phạm khủng bối cần phải gắn bó chặt chẽ với nhau và chỉ có thể thành công nếu tất cả các nước đều hành động chung trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, LHQ đã đưa ra nhiều biện pháp cũng như kêu gọi các nước thành viên tích cực chống tội phạm này. Quyết định kêu gọi các nước hợp tác chống khủng bố được đưa ra trong cuộc thảo luận toàn thể tại Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hoá của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 65 về ngăn ngừa tội phạm, kiểm soát ma tuý và đảm bảo công lý. Quyết định này được dựa trên cơ sở nhận định đúng đắn về tình hình các khu vực trên thế giới như Trung Đông, Châu Phi…là hai khu vực điểm nóng về khủng bố hiện nay. Nạn khủng bố có thể nghiêm trọng hơn do việc kiểm soát các đường biên giới còn lỏng lẻo, mức sống của người dân thấp, căng thẳng chính trị, xã hội và tôn giáo gia tăng. LHQ khẳng định tội phạm có tổ chức và các chế độ tham nhũng chỉ lung lay khi các nước trên thế giới nêu cao ý chí tập thể cùng nỗ lực hành động. Đại hội đồng LHQ đã thông qua Kế hoạch toàn cầu thực hiện chương trình toàn cầu chống khủng bố, trong đó, hỗ trợ 168 nước tăng cường khả năng chống khủng bố và đào tạo cho các nước hơn 10.000 quan chức chống khủng bố. LHQ nhấn mạnh phát triển cần an ninh để thành công đồng nghĩa với việc cần các thể chế hiệu quả và mạnh mẽ trên cơ sở pháp trị, trong đó không ai hoặc không một tổ chức nào được phép đứng trên luật pháp, đảm bảo cho người dân các quyền con người cơ bản và tiếp cận công lý một cách bình đẳng. Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một loạt các nghị quyết chống khủng bố như: NQ 1267(1999), NQ 133(2002), NQ 1455(2003) để áp dụng các biện pháp chống khủng bố. Những điều ước quốc tế có liên quan đến chống khủng bố . a. Về hoạt động chống bắt giữ con tin. Năm 1979, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước về đấu tranh chống bắt cóc con tin. Theo quy định của Công ước thì các hành vi bắt cóc và cầm giữ con tin cùng với sự đe doạ giết hại con tin, hành vi gây thương tích hoặc tiếp tục cầm giữ con tin nhằm mục đich đòi hỏi bên thứ ba thực hiện hành vi nào đó như là điều kiện trực tiếp hoặc gián tiếp để phóng thích con tin đều bị coi là hành vi phạm tội. Các quốc gia thành viên công ước phải quy định trong luật của nước mình sự trừng phạt đối với tội này như đối với một tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại điều 2 của Công ước và có nghĩa vụ hợp tác để trừng trị tội phạm này. b.Về an ninh hàng không dân dụng và hàng hải. Một số các điều ước quốc tế có liên quan đến an ninh hàng không dân dụng và hàng hải: Công ước đa phương về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay năm 1963. Công ước La Hay về trấn áp hành vi chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay năm 1970 Công ước đa phương về trấn áp hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hàng không dân dụng năm 1971. Công ước về trấn áp các hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hành trình hàng hải năm 1988. Nghị định thư về trấn áp các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế năm 1988. Nghị định thư về trấn áp các hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn các công trình cố định trên thềm lục địa năm 1988. Công ước Roma 1988 về đấu tranh chống các hành vi bất hợp pháp nhằm vào an ninh hàng hải +) Nội dung các công ước quy định về an ninh hàng không dân dụng. Các công ước này ghi nhận thẩm quyền tài phán phổ cập, thẩm quyền xét xử của quốc gia đăng tịch máy bay, thẩm quyền của quốc gia nơi máy bay hạ cánh có thủ phạm bị tình nghi đang ở trên máy bay được thừa nhận. Vấn đề dẫn độ tội phạm được điều chỉnh dựa trên cơ sở aut dedere aut punire (hoặc dẫn độ hoặc xét xử). Mỗi quốc gia thành viên phải quy định trừng phạt nghiêm khắc kẻ phạm tội được quy định trong công ước theo các quy tắc chung của luật pháp nước mình. Trong thực tế sau này, các quy phạm về đấu tranh chống sự can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hành không dân dụng quốc tế đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế hai bên về hàng không. +) Nội dung các công ước quy định về an ninh hàng hải. Các điều ước quốc tế về vấn đề này quy định hành vi tội phạm là các hành vi bất hợp pháp và cố ý chiếm đoạt tàu thuyền và dàn khoan dầu, cũng như đe doạ an ninh hàng hải của tàu thuyền hoặc an ninh của dàn khoan dầu. Thẩm quyền tài phán của các quốc gia cũng được quy định tương tự như trong các công ước về hàng không dân dụng và được phân định theo thẩm quyền của nước treo cờ .Vấn đề dẫn độ tội phạm cũng được giải đặt ra. c. Về các hoạt động chống khủng bố bằng vũ khí nguy hiểm (bom, hạt nhân). Liên hợp quốc đã soạn thảo công ước về trấn áp hành vi khủng bố bằng bom và được đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15/10/1997. Công ước đã quy định các trường hợp bị coi là tội phạm. Mỗi quốc gia là thành viên của công ước sẽ phải thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm cả biện pháp lập pháp trong nước nếu thích hợp, để trừng trị một cách thích đáng với tính chất nghiêm tọng của các hành vi phạm tội và ngăn ngừa các hành vi phạm tội thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước này. Công ước ra yêu cầu hợp tác trong việc dẫn độ tội phạm và tương trợ pháp lý đối với các quốc gia thành viên. Thẩm quyền tài phán được xác định trong công ước dựa trên nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc quốc tịch và nguyên tắc phổ cập. Năm 1979, cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế đã soạn thảo công ước bảo vệ về mặt vật lý vật liệu hạt nhân nhằm ngăn ngừa hiểm họa tiềm tàng từ việc chiếm đoạt và sử dụng hợp pháp vật liệu hạt nhân. Mỗi quốc gia thành viên của công ước được phép xác định quyền thẩm phán của mình theo các nguyên tắc nêu trên. Công ước đã đưa ra khái niệm và hàm lượng vật liệu hạt nhân, urani được làm giàu và khái niệm về vận chuyển hạt nhân quốc tế…quy định trách nhiệm của các quốc gia trong việc nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh vật liệu hạt nhân. 3.Về những hoạt động chống khủng bố khác. Bên cạnh các công ước nêu trên, để tạo một hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc chống khủng bố quốc tế còn có những điều ước quốc tế sau: - Công ước về ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao 1973; - Nghị định thư về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế, 1988; - Nghị định thư về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn của những công trình cố định trên thềm lục địa, 1988; - Công ước về đánh dấu vật liệu nổ dẻo để nhận biết, 1991; - Công ước quốc tế về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố, 1999. -Công ước 2005 về trừng trị các hành vi khủng bố bằng hạt nhân, - Nghị định thư Montreal năm 1988 về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại cảng hàng không dân dụng quốc tế .- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Công ước về ngăn chặn các hành vi phi pháp chống lại an toàn hàng hải. - Nghị định thư năm 2005 bổ sung Nghị định thư về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại những công trình trên thềm lục địa kí tại London ngày 14/10/2005. 4. Những giải pháp chung cho hoạt động chống khủng bố hiện nay. Hiện nay, những hoạt động khủng bố không còn hạn chế nhằm vào những mục tiêu cố định mà đã không ngừng đa dạng hóa. Từ các quốc gia, các tổ chức chính trị, tôn giáo hay kinh tế - xã hội đến những cá nhân riêng lẻ đều có thể trở thành nạn nhân của khủng bố. Những hoạt động khủng bố ngày càng mang tính chất chặt chẽ nên hậu quả ngày càng nặng nề hơn dù là những vụ khủng bố riêng lẻ hay hàng loạt. Thêm vào đó, về những mục đích khác nhau và có không ít chính phủ đã cung cấp cho những phần tử khủng bố tiền bạc, vũ khí, huấn luyện chuyên môn, căn cứ và cả sự che chở. Bước sang thế kỉ 21, chủ nghĩa khủng bố được ví như con quái vật nhiều đầu nên việc tiêu diệt nó có rất nhiều khó khăn. Nhìn từ góc độ Chính phủ, cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi phải nắm bắt được thông tin chính xác về thực lực, mục đích và quy luật hoạt động của phần tử khủng bố. Thêm vào đó cần có sự hợp tác tích cực giữa các quốc gia để tiêu diệt tận gốc rễ những tổ chức khủng bố. Tăng cường hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện các lực lượng chống khủng bố cả về số lượng, chất lượng lẫn năng lực phản ứng nhanh là một trong những yếu tố tiên quyết để giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với khủng bố. Một chuyên gia chống khủng bố nói rằng “ chống khủng bố không chỉ là việc của riêng chính phủ mà là nhiệm vụ của từng cá nhân. Và mặc dù cuộc chiến chống khủng bố đã có được những chuyển biến tích cực nhưng bóng ma của chủ nghĩa khủng bố vẫn đang là mối đe dọa lớn với an ninh thể giới và chống khủng bố trong thế kỉ 21 vẫn là cuộc chiến đầy cam go”. Sự leo thang của chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi phải áp dụng những phương pháp đặc biệt để vô hiệu hóa. Một số quốc gia phương Tây đã đổi mới cơ quan bảo vệ pháp luật thể hiện qua việc thành lập các đơn vị chuyên trách chống khủng bố. Nhiều đơn vị xây dựng thành bán vũ trang, được trang bị kĩ thuật điện tử và vũ khí hiện đại, trong biên chế có cả chuyên gia quân sự và các nhà tâm lý học. Cần đánh giá đúng tình huống cụ thể để có sự lựa chọn lực lượng, phương tiện hợp lý. Sự tham gia của các đơn vị đặc nhiệm vào các chiến dịch giải thoát con tin được quy định trong từng cụ cụ thể trên cơ sở tính đến tính chất và diễn biến của hoạt động khủng bố. Nói chung, hoạt động chống khủng bố là một hoạt động phức tạp đòi hỏi mỗi quốc gia và khu vực cần đưa ra những chiến lược cả trước mắt và lâu dài để đối phó với vấn nạn này. II/ Thực tiễn của hoạt động chống khủng bố trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, khủng bố đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết quốc gia, trong từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Trong khuôn khổ bài viết này, nhóm em xin được trình bày thực tiễn hoạt động chống khủng bố của một số quốc gia tiêu biểu và khu vực tiêu biểu mà vấn đề chống khủng bố được thực hiện có trọng tâm hơn cả. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng không chỉ những nước hay khu vực dưới đây mới có hoạt động chống khủng bố bởi chống khủng bố là một hoạt động tập thể, mọi hoạt động chỉ dừng lại ở mức độ riêng lẻ sẽ không đạt được hiệu quả. 1.Hoạt động chống khủng bố ở một số quốc gia. a.Thực tiễn hoạt động chống khủng bố ở Hoa Kỳ. Mỹ là một quốc gia phải đối đầu với cuộc chiến chống khủng bố lớn nhất trong các quốc gia trên thế giới. Không chỉ ở trong nước mà ngay cả các Đại sứ quán của Mỹ ở nước ngoài cũng phải đối đầu với nạn khủng bố. Ngay từ những năm 1970, các Đại sứ quán của Mỹ đã trở thành mục tiêu tấn công của những nhóm khủng bố mà gần như đa số trong số thuộc về các tổ chức Hồi giáo cực đoan ưa thích sử dụng các biện pháp bạo lực nhằm phản đối thái độ và hành động của người Mỹ đối với thế giới Hồi giáo. Người ta nói rằng sự kiện ngày 11-9-2001 đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Sau vụ 11.9.2001 Mỹ đã có phản ứng ngay lập tức: tổng thống G. Bush tuyên bố “chiến tranh chống khủng bố”, một cuộc chiến mà không ai chuẩn bị nhưng đã đưa thế giới vào một thập niên chống khủng bố. Sau thảm hoạ 11.9, chính phủ Mỹ công bố al-Qaeda và Osama bin Laden là thủ phạm chính và phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Mỹ đã đổ hàng trăm tỷ USD cho chiến dịch tấn công Taliban ở Afghanistan ngay trong năm 2001 và phát động cuộc chiến tại Iraq năm 2003. Tháng 6-2002, tổng thống G. Bush vạch ra những đường hướng lớn cho cuộc chiến chống khủng bố được gọi là “Học thuyết Bush”, loan báo những biện pháp trả đũa các quốc gia, theo đó Mỹ sẽ đưa chiến tranh đến tận sào huyệt của kẻ thù. Cuộc chiến mới này đã đưa nước Mỹ vào hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Dự luật chống khủng bố liên quan đến “nghe trộm” của Mỹ đã được Thượng viện thông qua ngày 03/08/2007 và, dưới sức ép của tổng thống Bush, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua bất chấp sự phản đối gay gắt của rất nhiều các nghị sĩ của Đảng Dân chủ. Khi lên làm Tổng thống Mỹ, chính quyền Tổng thống Obama đã chính thức đoạn tuyệt với chính sách hành động đơn phương của cựu Tổng thống George W.Bush - kêu gọi Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự tổng hợp của các nước thân thiện và đồng minh, đặt an toàn của công dân Mỹ lên hàng ưu tiên an ninh cao nhất và tăng cường sức mạnh thông qua các nỗ lực ngoại giao và phát triển. Chiến lược an ninh mới của tổng thống Obama thể hiện rõ rằng Mỹ vẫn muốn duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, với khả năng và tầm hoạt động không nước nào có thể vượt qua, cho dù bị dàn trải bởi hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan cùng nhiều thách thức khác.  Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Obama đã thực hiện một số bước đi thể hiện chiến lược này, như củng cố quan hệ với châu Âu, "cài đặt lại" quan hệ với Nga, thúc đẩy mạnh mẽ việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông và tham vấn với nhiều nước khác trong việc xây dựng một lộ trình tiêu diệt phiến quân Taliban ở Afghanistan. Nước Mỹ đã phải chi những khoản tiền khổng lồ cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Chi phí cho các hoạt động này là 187 tỷ USD năm 2008, trước khi được cắt giảm xuống còn 154 tỷ USD năm 2009. Tổng thống Mỹ đề ra một cách tiếp cận mới cơ bản và hiệu quả hơn đối với vấn đề chốn khủng bố toàn cầu đó là việc thông qua các chiến lược ngoại giao, chính trị và kinh tế để tấn công gốc rễ của Chủ nghĩa Cực đoan Hồi giáo..Mỹ đã rút ra được bài học chống nổi dậy ở Iraq và Afghanistan để vận dụng vào cuộc chiến chống Chủ nghĩa Cực đoan trên diện rộng hơn. b. Thực tiễn hoạt động chống khủng bố ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. Chính phủ Trung Quốc luôn luôn ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh các công ước và nghị quyết của Liên hợp quốc về chống khủng bố quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều lần biện pháp và thực hiện nhiều bước đi nhằm thực hiện nghị quyết đó. Tính đến tháng 8 năm 2004, Trung Quốc đã chuẩn bị và nộp cho Liên hợp quốc 5 bản báo cáo thực hiện các công ước và nghị quyết của Liên hợp quốc về chống khủng bố quốc tế mà Trung Quốc là thành viên. Nhằm thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của các công ước và nghị quyết về chống khủng bố của Liên hợp quốc, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp như: -Tăng cường xây dựng khung pháp luật về phòng chống khủng bố quốc tế, trong đó xác định luật là nền tảng và là vũ khí quan trọng trong đấu tranh chống khủng bố. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung lần thứ 3 đối với bộ luật hình sự của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Trung Hoa. HIện nay, Trung Quốc đang tiến hành soạn thảo một đạo luật riêng về chống khủng bố. - Thành lập cơ quan chuyên trách chống khủng bố và thiết lập cơ chế phối hợp chống khủng bố. Trung Quốc đã thành lập Cục phòng chống khủng bố trực thuộc Bộ Công an. Đây vừa là các cơ quan chuyên trách về phòng chống khủng bố vửa là trung tâm điều phối các nỗ lực chống khủng bố trên phạm vi cả nước. - Tăng cường bảo vệ các mục tiêu quan trọng: thực tế cho thấy việc phòng ngừa khủng bố quan trọng hơn việc chống khủng bố ở nhiều khía cạnh. Sau sự kiện ngày 11.9.2001, Trung Quốc đã tăng cường việc bảo vệ các mục tiêu chủ chốt như các toà nhà mang tính biểu tượng của thành phố, các cơ sơ hạ tầng mang tầm quốc gia, tàu bay và các cơ quan ngoại giao. Đặc biệt, đối với công tác an ninh hàng không dân dụng, nước này còn thiết lập một lực lượng cảnh sát đặc biệt gọi là cảnh sát hành không, có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho tàu bay. - Về công tác chống khủng bố trong lĩnh vực tài chính, cho phép áp dụng các biện pháp như đóng cửa, phong toả, thu giữ, tịch thu tài sản do phạm tội mà có, đồng thời mở rộng diện các tội phạm nguồn của tội rửa tiền để bao gồm cả các tội phạm khủng bố. - Công bố danh sách những tổ chức và cá nhân chống khủng bố: tháng 12/2003, Bộ Công an đã công bố bản danh sách đầu tiên trong đó nêu các tổ chức và cá nhân khủng bố theo yêu cầu của các công ước và nghị định liên quan. Trung Quốc kêu gọi các nước triệt phá những tổ chức này, cấm không cho chúng hoạt động trên lãnh thổ của mình, thu giữ tài sản, điều tra các tội ác của chúng và chuyển chúng cho Trung Quốc xử lý. Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện nhiều biện pháp như: Tăng cường quản lý kiểm soát các vật liệu nguy hiểm, chống các tội phạm nghiêm trọng: một số tổ chức khủng bố được hình thành từ tổ chức xã hội đen, thực hiện việc hợp tác một cách hiệu quả với các nước và các tổ chức quốc tế trong đấu tranh chống khủng bố. Trong hợp tác khu vực, Trung Quốc tham gia các công ước chống khủng bố khu vực như Công ước Thượng Hải để thúc đẩy thành lập cơ quan chống khủng bố trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Liên quan đến hợp tác song phương, Trung Quốc đã ký kết hiệp định dẫn độ với 20 quốc gia và hiệp định tương trợ tư pháp với hơn 30 quốc gia trên thế giới. 2. Thực tiễn hoạt động chống khủng bố ở một số khu vực trên thế giới. a.Các hoạt động chống khủng bố ở Liên minh châu Âu(EU). Hoạt động khủng bố đã và đang đe dọa thực sự Liên minh châu Âu khi những vụ khủng bố đẫm máu nhất sau ngày 11/9 ở Mỹ đã diễn ra ở những quốc gia thành viên. Điển hình là vụ đánh bom đẫm máu tại Madrid, Tây Ban Nha, làm gần 2.000 người chết và bị thương hôm 11/3/2004 và đánh bom tự sát phối hợp kích nổ tại ba đoàn tàu điện ngầm và một chiếc xe buýt tại thủ đô London vào sáng 7/7/2005, đã có 52 nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công này. Giữa lúc còn đang "quay cuồng" trong mối lo "cơm áo gạo tiền" do "bão nợ" công gây ra, “ Lục địa già ” lại phải nơm nớp sợ hãi trước nguy cơ bị biến thành mục tiêu của các vụ khủng bố quy mô lớn khi những cơ quan tình báo của nhiều quốc gia thông tin dồn dập về các âm mưu tấn công đẫm máu tại nhiều địa điểm ở châu Âu. Chính vì vậy, công tác chống khủng bố được các thành viên EU coi là một trong các vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay trong chính sách phát triển của khối. Thủ tướng Ireland Bertie Ahern, người giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, nhận xét: "Chủ nghĩa khủng bố là mối đe doạ đối với an ninh, nền dân chủ và lối sống của chúng ta trong Liên minh châu Âu. Chúng ta sẽ làm tất cả trong thẩm quyền của mình để bảo vệ nhân dân trước mối hoạ này".  - Chống khủng bố luôn là mối quan tâm bao trùm trong chương trình nghị sự chính thức và không chính thức của EU mặc dù trong bối cảnh các chương trình nghị sự đều bị đảo lộn. Ngày 22/3/2004 những người đứng đầu cơ quan ngoại giao các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã tề tựu tại Brussels để thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố. Các ngoại trưởng châu Âu mong muốn EU giúp đỡ những quốc gia dễ bị tấn công về vấn đề an ninh. Hội nghị thượng đỉnh EU sau đó cũng được các nhà lãnh đạo châu Âu xác định là hội nghị về công tác chống khủng bố. Song song với hoạt động của các nhà ngoại giao cao cấp tại thủ đô Bỉ, người đứng đầu cơ quan tình báo các nước EU cũng họp tại Madrid và đại diện lực lượng cảnh sát họp tại Dublin, Ireland. Nội dung chính trong tất cả các sự kiện này đều xoay quanh mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố đối với châu Âu. Ngoài ra, trong năm 2006, các bộ trưởng nội vụ từ nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã nhóm họp tại London để bàn về âm mưu đánh bom khủng bố hàng không. Cuộc họp được tổ chức tại Văn phòng nội vụ Anh, với sự tham gia của các bộ trưởng nội vụ nước chủ nhà, Phần Lan, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha và Slovenia cùng hai quan chức EU là ủy viên Tư pháp và điều phối viên chống khủng bố. Trong hội nghị an ninh EU, Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên đã thoả thuận chia sẻ thông tin, dữ liệu theo luật riêng của từng nước nhằm chống tội phạm và khủng bố quốc tế một cách có hiệu quả hơn. Những chương trình nghị sự này chứng tỏ sự quyết tâm của EU trong việc ngăn chặn và đẩy lùi khủng bố nhằm vào các quốc gia thành viên. - Hoạt động chống khủng bố của EU còn được thực hiện thông qua việc để ra các biện pháp đối phó với tội phạm này. Các nguyên thủ quốc gia của EU thống nhất một số bước đi nhằm thể hiện sự đoàn kết chống khủng bố như: + Thành lập điều phối viên chống khủng bố của EU. + Áp dụng những biện pháp chống khủng bố đã được nhất trí, bao gồm lệnh bắt giữ có giá trị trên toàn châu Âu, thống nhất khung hình phạt cho tội danh khủng bố và phong toả tài sản thuộc sở hữu của những nhóm ngoài vòng luật pháp. + Lưu trữ mọi dữ liệu viễn thông, bao gồm cả ghi lại nội dung liên lạc điện thoại di động, trong một thời gian tối thiểu đã thoả thuận để cho phép các cơ quan tình báo dò lại được các cuộc thoại. + Tăng cường an ninh tại các cảng của EU. - Hoạt động chống khủng bố của EU còn được thể hiện qua việc ủng hộ chính sách chống khủng bố của Mỹ. Điều này có thể thấy qua việc các bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu và Mỹ họp tại Lúcxămbua đã thỏa thuận một chiến lược chung cho cuộc chiến chống khủng bố. Trong tuyên bố vào ngày 2/12/2009, Liên Minh Châu Âu tuyên bố “sẵn sàng hành động chặt chẽ với Mỹ” trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngày 8/2/2006 trong một phòng họp của Hội đồng châu Âu tại Bruxelles, John Bellinger, Cố vấn Tư pháp của Bộ Ngoại giao Mỹ đã có cuộc họp bí mật với các cố vấn tư pháp Bộ Ngoại giao 27 nước thuộc EU về tiêu chuẩn chống khủng bố. b.Các hoạt động chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Trong một thập kỷ qua, Đông Nam Á phải đương đầu với nhiều khủng hoảng, từ khủng hoảng về tài chính, an ninh, khủng hoảng do thiên tai gây nên cho đến những áp lực từ phía bên ngoài và bên trong. Mặc dù từ những năm cuối thế kỷ XX, Đông Nam Á đã được thế giới coi là khu vực phát triển kinh tế thật đáng kể, nhưng tương lai của vùng đất này vẫn khiến mọi người lo ngại, đặc biệt trong thời gian gần đây khi tin tức về các hoạt động của những tổ chức đấu tranh đòi tự trị và của những phần tử khủng bố trong vùng xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đông Nam Á là nơi hoạt động của nhóm Jemaah Islamiyah, tổ chức bị cho là đứng sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu trong khu vực, trong đó có vụ đánh bom ở Bali, Indonesia, năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng. Các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng đang hoạt động mạnh ở miền nam Thái Lan và trên đảo Mindanao của Philippines. Nạn khủng bố ở khu vực này được thế giới chú ý đến vì hiện giờ trong vùng có nhiều nhóm hoạt động, Thái Lan, Philippines, và Indonesia và có thể những nhóm này hoạt động theo chỉ thị hay có liên quan trực tiếp với đường dây khủng bố quốc tế Al-queda. Trước tình hình như vậy, ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp chống khủng bố, trước hết là các chương trình nghị sự chính thức giữa các nước thành viên nội khối và các nước đối tác. Ngày 13/01/2007, tại đảo Cebu của Philippines, các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên của ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 đã ký Hiệp ước về chống khủng bố. Đây cũng là văn kiện hợp tác chống khủng bố phạm vi khu vực đầu tiên của khối. Khối sẽ thúc đẩy việc thực thi kế hoạch hành động toàn diện chống khủng bố và hợp tác để giải quyết vấn đề tận gốc. Hiệp ước kêu gọi các nước tăng cường hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn và tiêu diệt khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, nhanh chonhs chia se thông tin tình báo và chuyển tiếp những cảnh báo khủng bố trong các nước thành viên. Hiệp ước tuyên bố các nước cần ngăn chặn hoạt động tài trợ khủng bố, tiến hành huấn luyện chống khủng bố, nâng cao khả năng ứng phó với các nguy cơ khủng bố bằng vũ khí sinh học, hóa học và hạt nhân. Hiệp ước cũng khẳng định không thể gắn chủ nghĩa khủng bố với bất kỳ tôn giáo, dân tộc, nền văn minh hay nhóm sắc tộc nào, đồng thời nêu rõ khồn một nước thành viên nòa có thể tiến hành các hoạt động chống khủng bố trên lãnh thổ nước khác. Sự ra đời của Hiệp ước là một bước ngoặt trong công cuộc chống khủng bố ở khu vực Đông Nam Á, tạo cơ sở pháp lý cho các quốc gia thành viên triển khai các hoạt động chống khủng bố. Ngày 15/01/2007, Ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirayuda cho biết các nước Đông Nam Asddang thúc đẩy việc thành lập một ngân hàng dữ liệu về khủng bố, trong đó có một danh sách những nghi can khủng bố bị truy nã gắt gao nhất trong khu vực. Dự án nêu trên là một trong những sản phẩm đầu tiên của Hiệp ước chống khủng bố đã được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp các nước ASEAN nhận dạng và bắt giữ các phần tử khủng bố trong khu vực. Ngày 5/5/2009, cuộc họp giữa kỳ lần thứ 7 Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về Chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (ISM – CTTC) do Việt Nam, Hàn Quốc và Băng-la-đét đồng chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện 27 nước tham gia Diễn đàn ARF. Trong đó có 10 nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và một số đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Australia, Liên minh châu Âu… Các nước tham gia Diễn đàn ARF cùng nhau trao đổi về tăng cường hợp tác và phối hợp hành động trong các hoạt động phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Ngày 30/10/2010, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ hai đã diễn ra tại Hà Nội, Các nhà lãnh đạo hai bên hài lòng trước những kết quả hợp tác quan trọng đạt được, nhất là trong việc triển khai Tuyên bố chung cùng Chương trình Hành động ASEAN-Nga, cũng như việc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia… Bên cạnh đó các nước thành viên ASEAN tích cực tham gia các diều ước quốc tế về chống khủng bố. Trong đó Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu khi tham gia 10 điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Tất cả các nước ASEAN đang nỗ lực tăng cường hợp tác trong ASEAN và các nước khác thông qua Hiệp ước tương trợ pháp lý về các vấn đề tội phạm, Công ước ASEAN về chống khủng bố và các quan hệ đối tác khác để loại trừ tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố. Đặc biết, chương trình nghị sự Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 diễn ra tại Hà Nội tháng 7/2010 cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề chống khủng bố. C. KẾT LUẬN: Ngày nay, thế giới phải đối mặt với hai loại khủng bố là khủng bố trong nước và khủng bố quốc tế. “ Trong khi số lượng khủng bố nói chung đang giảm, sự táo bạo của bon khủng bố và sự lựa chọn mục tiêu của chúng về một phương diện nào đó đang ở mức báo động hơn bao giờ hết”. Bước sang thế kỉ 21, chủ nghĩa khủng bố được ví như con quái vật nhiều đầu nên việc tiêu diệt nó có rất nhiều khó khăn. Nhìn từ góc độ Chính phủ, cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi phải nắm bắt được thông tin chính xác về thực lực, mục đích và quy luật hoạt động của phần tử khủng bố. Đồng thời, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động chống khủng bố cho phép các nước, khu vực trên thế giới có thể xích lại gần nhau trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù chung của nhân loại”.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docPháp luật quốc tế chống khủng bố hiện nay.doc
Luận văn liên quan