A. Đặt vấn đề .1
B. Nội dung vấn đề 1
I. Cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về pháp luật thừa kế và
quyền sở hữu .1
1. Thừa kế là gì? 1
2. Khái niệm quyền sở hữu, khái niệm bảo vệ quyền sở hữu 3
3. Mối quan hệ giữa quyền thừa kế quy định trong
pháp luật về thừa kế với quyền sở hữu .4
4. Nguyên nhân của việc pháp luật thừa kế có thể
bảo vệ quyền sở hữu 5
II. Làm rõ quan điểm “pháp luật thừa kế là một công cụ
pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu” 6
1. Các phương diện pháp luật thừa kế bảo vệ quyền sở hữu .6
1.1. Những nguyên tắc của pháp luật thừa kế thể hiện việc
bảo vệ quyền sở hữu .6
1.2. Quyền của người để lại di sản và người thừa kế được
pháp luật về thừa kế quy định thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu .10
1.3. Người không được quyền hưởng di sản được pháp
luật thừa kế quy định thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu .12
1.4. Thừa kế theo di chúc trong việc bảo vệ quyền sở hữu .12
1.5. Thừa kế theo pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu .14
1.6. Những nội dung khác của pháp luật thừa kế thể hiện
việc bảo vệ quyền sở hữu 16
2. Vai trò của pháp luật thừa kế trong việc bảo vệ quyền
sở hữu .18
III. Phương hướng nhằm tăng cường, bảo đảm việc
bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu .19
C. Tổng kết .20
22 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3792 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cấu trúc bài luận
Trang
A. Đặt vấn đề.............................................................................................1
B. Nội dung vấn đề....................................................................................1
I. Cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về pháp luật thừa kế và
quyền sở hữu.........................................................................................................1
1. Thừa kế là gì?..............................................................................1
2. Khái niệm quyền sở hữu, khái niệm bảo vệ quyền sở hữu........3
3. Mối quan hệ giữa quyền thừa kế quy định trong
pháp luật về thừa kế với quyền sở hữu...............................................................4
4. Nguyên nhân của việc pháp luật thừa kế có thể
bảo vệ quyền sở hữu............................................................................................5
II. Làm rõ quan điểm “pháp luật thừa kế là một công cụ
pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu”........................................6
1. Các phương diện pháp luật thừa kế bảo vệ quyền sở hữu.........6
1.1. Những nguyên tắc của pháp luật thừa kế thể hiện việc
bảo vệ quyền sở hữu.............................................................................................6
1.2. Quyền của người để lại di sản và người thừa kế được
pháp luật về thừa kế quy định thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu.....................10
1.3. Người không được quyền hưởng di sản được pháp
luật thừa kế quy định thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu...................................12
1.4. Thừa kế theo di chúc trong việc bảo vệ quyền sở hữu.............12
1.5. Thừa kế theo pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu.........14
1.6. Những nội dung khác của pháp luật thừa kế thể hiện
việc bảo vệ quyền sở hữu....................................................................................16
2. Vai trò của pháp luật thừa kế trong việc bảo vệ quyền
sở hữu.................................................................................................................18
III. Phương hướng nhằm tăng cường, bảo đảm việc
bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu.........................................19
C. Tổng kết...............................................................................................20
A. Đặt vấn đề.
Quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ, từ quy định tại Điều 58 Hiến pháp 1992 về quyền sở hữu: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh ngiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác... Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân” các ngành luật cụ thể đã có sự cụ thể hóa về quyền sở hữu cũng như cách thức để bảo vệ quyền sở hữu của công dân, một trong số đó là pháp luật về thừa kế.
Các chế định pháp luật thừa kế đã có sự quy định cụ thể về toàn bộ cách thức nhằm thực hiện tốt nhất, bảo vệ tốt nhất quyền sở hữu cho công dân: những nguyên tắc của pháp luật thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật... Tất cả những quy định này đều nhằm đạt được những mục đích nhất định phù hợp với lợi ích cá nhân, lợi ích xã hội. Có thể nói pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu, cụ thể nó quan trọng như thế nào, bảo vệ ra sao đối với quyền sở hữu? Sau đây là phần phân tích, chứng minh để làm rõ.
B. Nội dung vấn đề.
I. Cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về pháp luật thừa kế và quyền sở hữu.
1. Thừa kế là gì?
Theo cách hiểu thông thường thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người chết sang cho người sống nhằm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Như vậy, thừa kế là việc người sống thay thế người chết thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với các tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết theo sự chỉ định của người chết hoặc có thể theo pháp luật.
Trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người, con người cũng biết đến việc để lại tài sản cho những người còn sống sử dụng tài sản đó. Tuy nhiên, việc để lại tài sản của người chết không có một chứng thư hay bất cứ thứ gì chứng minh người chết đã để lại tài sản vì đây là chế độ sở hữu của cộng đồng, nó chỉ đơn giản là việc người này chết đi để lại tài sản thì người khác còn sống sẽ sử dụng, thế hệ này không còn thì tài sản sẽ do thế hệ sau tiếp tục sử dụng.
Từ khi có nhà nước, mỗi nhà nước đều sử dụng công cụ hữu ích để quản lý xã hội là pháp luật. Lúc này, tài sản không còn là thuộc sở hữu chung của cộng đồng nữa mà là thuộc sở hữu của cá nhân, khi một người chết đi việc để lại tài sản cho những người còn sống không thể không có một chứng thư hay bất cứ thứ gì để chứng minh, mà người chết đó đã để lại cùng tài sản là một chứng thư để chứng minh việc để lại tài sản của mình, nếu người này không để lại bất cứ thứ gì thì pháp luật cũng có những chế định nhằm bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân cũng như bảo vệ quyền lợi cho những người thân thuộc của người chết đó.
Nói chung, việc một người chết đi để lại tài sản cho những người còn sống và những người sống có quyền sử dụng, định đoạt tài sản đó theo di chúc hoặc không theo di chúc nhưng pháp luật bảo vệ quyền sử dụng, định đoạt tài sản của những người sống đó chính là thừa kế.
Cùng với thừa kế, quyền thừa kế được hiểu là một chế định pháp luật bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ về việc dịch chuyển tài sản từ người chết cho những người còn sống theo ý chí của họ được thể hiện trong di chúc hoặc theo ý chí của nhà nước được thể hiện trong các quy phạm pháp luật (điều chỉnh mối quan hệ thừa kế). Theo một cách khác, quyền thừa kế được hiểu là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể có quyền để lại di sản thừa kế hoặc có quyền hưởng di sản thừa kế của người chết để lại theo ý chí của người đó hoặc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dưới góc độ khoa học pháp lý, quyền thừa kế còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự. Quan hệ pháp luật dân sự về thừa kế là quan hệ thừa kế được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh. Quan hệ này bao gồm chủ thể, khách thể, nội dung. Quan hệ thừa kế là quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh được xác định là một quan hệ tuyệt đối giống quan hệ sở hữu, trong đó chỉ xác định được một bên chủ thể mang quyền là người để lại di sản hoặc những người thừa kế còn các chủ thể khác là những người phải tôn trọng quyền để lại di sản thừa kế và quyền hưởng di sản thừa kế của họ.
Như vậy, từ các khái niệm này ta có thể thấy việc làm rõ quan điểm pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu thực chất là việc tìm hiểu quyền thừa kế có vai trò, tác dụng như thế nào đối với quyền sở hữu, quyền thừa kế nó bảo vệ quyền sở hữu như thế nào?
2. Khái niệm quyền sở hữu, khái niệm bảo vệ quyền sở hữu.
Theo quy định tại điều 164 BLDS, quyền sở hữu được hiểu là: “bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định doạt tài sản”. Với quy định này ta thấy: quyền sở hữu là một phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu trong xã hội, một trong số các quy phạm đó có cả những quy phạm pháp luật thừa kế trong BLDS và Pháp lệnh thừa kế... Theo đó, các quy phạm pháp luật về sở hữu xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của các chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản (bảo vệ quyền sở hữu).
Khái niệm quyền sở hữu ngoài việc được quy định tại Điều 164 BLDS thì nó còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn: “Quyền sở hữu là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, những tài sản khác; quyền sở hữu được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự- quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu, vì rằng bản thân nó chính là hệ quả của sự tác động của một bộ phận pháp luật vào các quan hệ sở hữu, theo nghĩa này quyền sở hữu bao gồm đầy đủ ba yếu tố của quan hệ pháp luật dân sự: chủ thể, khách thể và nội dung...”. (Trường Đại học Luật Hà Nội -Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam I – Nxb. CAND2007).
Cùng với khái niệm này, để thấy được sự bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu, ta phải làm rõ được khái niệm về bảo vệ quyền sở hữu. Theo đó, pháp luật được coi là công cụ sắc bén và hữu hiệu nhất trong việc bảo vệ quyền sở hữu, đảm bảo cho chủ sở hữu thực hiện có hiệu quả và hợp lý các quyền năng của mình đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, thông qua việc bảo vệ quyền sở hữu, ngoài việc khẳng định quyền của chủ thể đối với tài sản còn là yếu tố quan trọng để buộc các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi. Như vậy, “Bảo vệ quyền sở hữu được hiểu là những biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự của con người qua đó bảo đảm cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện được các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình” (TS. Lê Đình Nghị (chủ biên) - Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập I. Nxb. Giáo dục Việt nam).
3. Mối quan hệ giữa quyền thừa kế quy định trong pháp luật về thừa kế với quyền sở hữu.
Trước hết, phải khẳng định rằng quyền sở hữu là cơ sở làm phái sinh quyền thừa kế, bởi lẽ từ khi xuất hiện xã hội thì đã có sự sở hữu đối với tài sản do thiên nhiên mang lại hoặc do chính con người tạo ra, khi con người chết đi sẽ để lại tài sản của mình, tài sản đó sẽ tiếp tục được những người sống sử dụng, định đoạt đây gọi là sự thừa kế, khi xuất hiện nhà nước, xét thấy vai trò quan trọng của quyền sở hữu vì nó không chỉ phục vụ cho chủ sở hữu khi còn sống được toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình mà nó còn phục vụ cho những người còn sống khác được sử dụng tài sản do người chết để lại, giai đoạn này được gọi là thừa kế tài sản do người chết để lại cho nên nhà nước đã có những quy định nhằm bảo vệ quyền sở hữu, từ đây quyền thừa kế có tác động trở lại đối với quyền sở hữu khi những người còn sống được sở hữu tài sản do người chết để lại mà không sợ xảy ra sự tranh giành.
Thứ hai, quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước quy định nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu đối với các lợi ích vật chất trong xã hội. Những quy phạm đó xác nhận, quy định và bảo vệ quyền sở hữu của các chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành quy định các điều kiện, trình tự dịch chuyển những tài sản của người đã chết cho người sống. Như vậy, thông qua quyền thừa kế (thông qua các điều kiện, trình tự dịch chuyển tài sản) thì quyền sở hữu tài sản của người chết được dịch chuyển sang cho những người còn sống, một khi quyền sở hữu đó được dịch chuyển sang cho những người thừa kế thì quyền thừa kế coi như đã bảo đảm tốt vai trò của mình.
Thứ ba, quyền sở hữu và quyền thừa kế đều là những phạm trù pháp lý, song song tồn tại trong cùng một hình thái kinh tế- xã hội nhất định, do vậy từ chỗ pháp luật quy định cho công dân có quyền sở hữu tài sản, cũng trên cơ sở đó họ có quyền năng trong quan hệ thừa kế. Nếu họ có quyền hưởng thừa kế thì tất yếu họ sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế đó và ngược lại, nếu tài sản đã thuộc sở hữu của họ thì họ có mọi quyền năng trong phạm vi pháp luật quy định đối với tài sản đó: đó là họ có quyền để lại thừa kế cho người khác số tài sản thuộc sở hữu của mình (người khác đã có quyền thừa kế tài sản đó).
Thứ tư, công dân có quyền để lại thừa kế những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác, nhà nước không hạn chế quyền để lại thừa kế và quyền nhận thừa kế của công dân (trừ trường hợp vi phạm Điều 643 BLDS). Như vậy, quyền sở hữu và quyền thừa kế kết hợp với nhau tạo cho chủ sở hữu một quyền năng toàn diện vừa có quyền sở hữu vừa có quyền để lại thừa kế cho những người khác tài sản của mình, bên cạnh đó nó cũng tạo cho chủ thể khác những quyền năng cơ bản, theo đó những chủ thể này vừa có quyền thừa kế những tài sản đó đồng thời họ cũng được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người chết để lại.
4. Nguyên nhân của việc pháp luật thừa kế có thể bảo vệ quyền sở hữu.
Một là, xuất phát từ mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu, hai quyền này có mối liên hệ nhất định, quyền sở hữu có tác dụng thúc đẩy quyền thừa kế phát triển và ngược lại quyền thừa kế cũng có vai trò to lớn trong việc tạo lập quyền sở hữu bằng việc quyền thừa kế được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về thừa kế, từ đó việc dịch chuyển quyền sở hữu giữa người chết cho người sống phải thông qua các bước được quy định trong pháp luật thừa kế nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho các chủ thể.
Hai là, xuất phát từ việc quyền sở hữu ra đời sớm hơn quyền thừa kế, để có thể điều chỉnh quan hệ tài sản giữa người chết với người sống thì chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này, để bảo vệ quyền và lợi ích cho người còn sống, giúp họ được sử dụng tài sản của người chết để lại mà không xảy ra sự tranh chấp, thì nhà làm luật phải ban hành một văn bản pháp luật về thừa kế nhằm điều chỉnh vấn đề này bởi lẽ suy cho cùng thừa kế là việc dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người chết sang cho người sống, do vậy phải tuân theo những trình tự nhất định.
Ba là, một chủ sở hữu đối với với tài sản của mình thì họ có toàn quyền đối với tài sản đó, một trong các quyền đó là quyền định đoạt tài sản, khi họ chết đi họ muốn định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác còn sống thì họ phải tuân theo những quy định của pháp luật về thừa kế. Như vậy, trong trường hợp này pháp luật thừa kế xuất phát từ quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu, cho nên đã quy định trình tự, thủ tục thực hiện quyền định đoạt tài sản cho chủ sở hữu cũng là để bảo đảm việc xác lập quyền sở hữu cho những người có quyền thừa kế thông qua việc quy định những chủ thể có quyền thừa kế và nghĩa vụ của những người này.
Bốn là, xuất phát từ đặc trưng của pháp luật thừa kế là bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản khi họ chết và quyền lợi của những chủ thể khác được xác lập quyền sở hữu khi chủ sở hữu chết đi, cho nên pháp luật thừa kế là bảo vệ sự dịch chuyển tài sản giữa người chết cho người sống, cũng là sự dịch chuyển quyền sở hữu. Nói chung, xuất phát từ quyền lợi của chủ sở hữu tài sản với ba quyền năng của mình; việc xác lập quyền sở hữu đối với những người có quyền thừa kế; bảo đảm không xảy ra tranh chấp về thừa kế giữa các chủ thể... cho nên pháp luật thừa kế đã hướng mục tiêu tới việc bảo vệ quyền sở hữu.
II. Làm rõ quan điểm “pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu”.
1. Các phương diện pháp luật thừa kế bảo vệ quyền sở hữu.
1.1. Những nguyên tắc của pháp luật thừa kế thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu.
Thứ nhất, nguyên tắc tôn trọng ý chí của người có quyền thừa kế: người có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật là công dân, tổ chức. Trên cơ sở của nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được quy định tại Điều 7 BLDS, pháp luật thừa kế hiện hành vẫn kế thừa việc tôn trọng ý chí của người có quyền thừa kế tại các văn bản pháp luật thừa kế trước đó và bảo đảm một cách nhất quán về quyền của cá nhân để lại tài sản và quyền của cá nhân hưởng thừa kế di sản, với nguyên tắc này vừa bảo vệ được quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản trong việc định đoạt tài sản của mình vừa xác lập quyền sở hữu cho người có quyền nhận thừa kế, cụ thể:
Đối với cá nhân người để lại tài sản, với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp đối với những tài sản của mình, cá nhân có quyền lập di chúc để thể hiện quyền định đoạt tài sản của bản thân sau khi họ chết, quyền này của chủ sở hữu được pháp luật về thừa kế quy định cụ thể tại Điều 648 BLDS “họ có quyền: chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế...”, đây cũng là sự thể hiện việc bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu khi quy định cụ thể quyền của chủ sở hữu, thông qua quy định này, chủ sở hữu có thể thực hiện quyền của mình một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, pháp luật thừa kế còn cho phép chủ sở hữu tài sản có quyền không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, đây là quy định nhằm để cho chủ sở hữu tự do trong cách thể hiện ý chí với những quyền năng của mình đối với tài sản.
Đối với cá nhân có quyền nhận di sản, pháp luật thừa kế bảo vệ quyền sở hữu như thế nào? Pháp luật có quy định người thừa kế có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản, nếu họ nhận di sản thì đương nhiên họ được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản được thừa kế đó, từ đây họ có mọi quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản do mình nhận thừa kế, pháp luật thừa kế có những quy định cụ thể về cách thức nhận thừa kế để làm sao đó chuyển giao tốt nhất tài sản từ người để lại di sản và người nhận di sản: họ có quyền nhận di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Chính điều này đã là cơ sở vững chắc cho việc họ thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản mà không xảy ra bất cứ sự tranh chấp nào.
Thứ hai, nguyên tắc bình đẳng về thừa kế của cá nhân, nguyên tắc này của pháp luật thừa kế thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu ở chỗ:
Đối với tài sản chung của vợ chồng: vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, theo đó vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung, vợ chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào (Điều 664 BLDS). Khi vợ chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia, chính quy định này của pháp luật về thừa kế đã bảo vệ được quyền sở hữu bởi vì: mặc dù tài sản của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất nhưng mỗi người đều có những đóng góp theo sức lao động của mình do đó họ cũng phải có sự định đoạt theo ý chí riêng của mỗi người đối với tài sản chung đó. Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi phần di chúc của mình, với quy định này thì đã bảo vệ được quyền định đoạt cuối cùng của người đã chết kia.
Một khía cạnh nữa liên quan đến quyền sở hữu tài sản của một bên vợ chồng, vợ chồng có quyền hưởng di sản của nhau khi một bên chết trước, quy định này đã bảo vệ được quyền sở hữu của vợ hoặc chồng còn sống bởi lẽ: vợ chồng là người thừa kế ở hàng thứ nhất, việc dịch chuyển tài sản của vợ, chồng chết trước cho người còn sống là điều tất yếu nhằm bảo vệ chế độ gia đình vững chắc cũng như bảo đảm điều kiện sống cho người vợ hoặc chồng còn sống, đây cũng là nghĩa vụ trong quyền định đoạt tài sản của vợ, chồng chết trước.
Đối với việc cha, mẹ có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản của con: Điều 676 BLDS đã quy định cha, mẹ cùng đứng vào hàng thứ nhất để hưởng di sản thừa kế của con khi con chết trước cha mẹ. Cũng trong điều luật này, tại khoản 2 đã quy định người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Qua các nội dung trên cho thấy, vợ chồng luôn bình đẳng và ngang quyền nhau trong việc để lại thừa kế cũng như hưởng di sản thừa kế trong mọi trường hợp. Như vậy, pháp luật thừa kế bảo vệ quyền sở hữu trước hết và quan trọng nhất là những quan hệ hôn nhân và huyết thống, bởi lẽ đây là cơ sở của xã hội.
Đối với việc các con có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản của bố mẹ, với quy định này nó bảo vệ quyền sở hữu ở chỗ: việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản của bố mẹ cho các con không phân biệt nam nữ, độ tuổi, có năng lực hành vi dân sự hay không đều được thừa kế những phần ngang nhau, nếu được hưởng thừa kế theo pháp luật. Như vậy, các con đều được tạo điều kiện như nhau để phát triển về mọi mặt khi bố mẹ không còn, nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể trong việc để lại di sản và nhận di sản thừa kế được pháp luật thừa kế quy định nhằm bảo vệ những quyền, lợi ích chính đáng của công dân trong quan hệ tài sản để củng cố tình đoàn kết trong gia đình, dòng họ, cũng là việc bảo vệ quyền sở hữu cho mọi thành viên trong gia đình khi họ định đoạt tài sản và hưởng di sản. Có thể nói pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng khi quy định cụ thể cách thức thực hiện quyền sở hữu tài sản cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật thừa kế.
Thứ ba, nguyên tắc cá nhân người thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Việc pháp luật thừa kế quy định như vậy nhằm bảo đảm cho quyền thừa kế được thực hiện trên thực tế hay nói cách khác là sự dịch chuyển tài sản từ người chết sang cho người sống được thực hiện một cách triệt để. Quy định này là hoàn toàn có cơ sở vững chắc bởi lẽ: nếu người được nhận di sản còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu cho những người có quyền thừa kế được thực hiện theo ý chí của họ (ý chí của họ được hoàn thành), chính điều này đã bảo vệ được quyền tự định đoạt tài sản của họ, bên cạnh đó, nó cũng bảo vệ được quyền của những người có quyền nhận di sản bởi vì: nếu người có quyền hưởng di sản còn sống vào thời điểm đó thì họ đương nhiên được xác lập quyền sở hữu (quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) tài sản do người để lại di sản định đoạt cho họ, từ đây người hưởng di sản có toàn quyền đối với số di sản nhận thừa kế đó. Nói chung việc pháp luật thừa kế quy định như vậy, vừa bảo vệ được quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản vừa bảo vệ được quyền sở hữu cho người có quyền thừa kế trong việc được xác lập quyền sở hữu.
Thứ tư, nguyên tắc người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại. Với nguyên tắc này, pháp luật thừa kế muốn thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu như sau: người để lại di sản khi chết nhưng chưa thanh toán hết tài sản mà khi còn sống họ có nghĩa vụ phải thanh toán số tài sản đó, khi chết đi tài sản do họ chưa kịp thanh toán thuộc sở hữu của họ sẽ do những người thừa kế của họ thay họ thanh toán, bởi lẽ những người thừa kế đang sống thì họ có năng lực chủ thể được tham gia vào các quan hệ dân sự đồng thời họ có quan hệ nhất định đối với người để lại tài sản, vì vậy khi phải thanh toán nghĩa vụ về tài sản cho người chết thì đứng ở góc độ pháp luật họ có quyền thay mặt người đã chết thực hiện nghĩa vụ về tài sản cho những chủ thể khác, đứng dưới góc độ quan hệ nhân thân với người chết họ có nghĩa vụ làm tròn bổn phận với những người đó.
Di sản thừa kế trong trường hợp này là những tài sản của người chết để lại được chia cho những người có quyền hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, những quyền tài sản và nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân người chết thì không phải là di sản thừa kế, vì nghĩa vụ gắn liền với nhân thân người chết chấm dứt cùng thời điểm mở thừa kế. Người hưởng di sản theo quy định của pháp luật chỉ phải thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại trong phạm vi di sản của người đó. Chính điều này, những người thừa kế đã giúp cho quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu đã chết được thực hiện trên thực tế, đồng thời họ cũng đã thực hiện được quyền của chủ sở hữu tài sản khi trực tiếp thanh toán nghĩa vụ tài sản cho chủ thể khác. Pháp luật thừa kế quy định như vậy nhằm bảo vệ quyền của người chết khi họ được người hưởng thừa kế thay mặt thực hiện các nghĩa vụ về tài sản, bên cạnh đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể có quyền nhận thanh toán nghĩa vụ về tài sản vì những tài sản này thuộc quyền sở hữu của họ (họ đã cho những người để lại di sản có nghĩa vụ thanh toán vay, mượn trước đó).
1.2. Quyền của người để lại di sản và người thừa kế được pháp luật về thừa kế quy định thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu.
Một là, quyền của người để lại di sản: “người để lại di sản có thể là người để lại di sản theo di chúc, có thể để lại di sản chia theo pháp luật. Khi còn sống và minh mẫn, người có tài sản có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế là bất kỳ ai, có thể là cá nhân, có thể là tổ chức, cũng có thể là nhà nước. Trong trường hợp người có tài sản không lập di chúc hoặc có để lại di chúc nhưng không hợp pháp, di chúc không có hiệu lực thi hành thì di sản của người chết để lại được chia theo pháp luật cho những người có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật” (TS. Phùng Trung Tập- Luật Thừa kế Việt Nam. Nxb. Hà Nội 2008).
Chẳng hạn như: Ông A trước khi chết có để lại di chúc là 900.000.000đ, ông chỉ có một người con trai còn sống, vợ và những người họ hàng thân thích khác của ông đều đã chết trước đó, số tài sản này ông định đoạt cho cậu con trai một phần là 450.000.000đ, phần còn lại ông đã làm từ thiện cho quỹ bảo vệ trẻ em Việt Nam. Với ví dụ này ta thấy, theo quy định của pháp luật ngoài việc chủ sở hữu có quyền để lại di sản cho các cá nhân thì họ cũng hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, việc định đoạt tài sản như thế nào là quyền của họ, với quy định này của pháp luật thừa kế, đã thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu (quyền định đoạt tài sản) của người để lại di sản.
Hai là, quyền của người thừa kế: người thừa kế là người được nhận di sản thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc hoặc vừa hưởng di sản theo di chúc, vừa được hưởng di sản chia theo pháp luật, người thừa kế là cá nhân phải còn sống, người thừa kế là các tổ chức, cơ quan phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Việc pháp luật thừa kế có quy định thể hiện rõ nét nhất sự bảo vệ quyền sở hữu đó là: người thừa kế được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được quy định tại Điều 669 BLDS, theo đó nếu họ không được người để lại di sản cho hưởng di sản thì họ vẫn được pháp luật quy định cho hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, đó là: những người có quan hệ huyết thống với người để lại di sản, ví dụ: Ông B chết vào năm 2006 có để lại di chúc cho ba con của ông là A, F, H và hội chữ thập đỏ tỉnh KG để giúp đỡ những người mắc bệnh hiểm nghèo, trong di chúc cũng ghi rõ truất quyền hưởng thừa kế của bà N vợ của ông. Số tài sản mà ông để lại di chúc là 1.200.000.000đ, theo đó, A, F, H được ông cho hưởng phần bằng nhau: A=F=H= 600.000.000đ, phần còn lại ông để cho quỹ của hội chữ thập đỏ tỉnh. Như tình huống này ta thấy, bà N vợ của ông B bị truất quyền thừa kế nhưng bà N lại thuộc trường hợp quy định tại Điều 669 BLDS cho nên bà vẫn được hưởng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, do đó những chủ thể được hưởng theo di chúc phải trích phần thừa kế của mình theo tỷ lệ để bù vào phần của bà N khi chia di sản của những người đó. Với quy định như vậy, pháp luật vẫn xác lập quyền sở hữu đối với những người không được di chúc của chủ sở hữu cho hưởng theo quy định của pháp luật, điều này nhằm bảo vệ quyền sở hữu của những người có quan hệ huyết thống với những người để lại di sản.
Một điểm nữa trong phần này là pháp luật thừa kế cũng có quy định cho cá nhân chưa được sinh ra cũng có quyền được bảo lưu quyền thừa kế (một phần tài sản khi chia thừa kế không thuộc sở hữu của ai), khi con sinh ra còn sống thì phần này thuộc về người đó. Quy định này nhằm để bảo vệ quyền của người thừa kế nhất là quyền của người con đã thành thai khi người cha còn sống và ra đời sau khi cha chết.
1.3. Người không được quyền hưởng di sản được pháp luật thừa kế quy định thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu.
Nói chung, những người không được quyền hưởng di sản thừa kế của người để lại di sản (Điều 643 BLDS) là những trường hợp đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người để lại di sản. Việc pháp luật thừa kế quy định những trường hợp này không được quyền hưởng di sản là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho chủ sở hữu để lại di sản thừa kế, bảo vệ quyền định đoạt của họ: không định đoạt tài sản cho những người có hành vi vi phạm quyền lợi của mình trong di chúc, bên cạnh đó pháp luật quy định như vậy cũng thể hiện sự tôn trọng ý chí của người để lại tài sản, bảo vệ quyền nhận tài sản của những người thừa kế khác, loại trừ những hành vi này ra khỏi đời sống xã hội. Nói chung trong trường hợp này, pháp luật thừa kế có vai trò to lớn đối với việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản và người nhận thừa kế.
1.4. Thừa kế theo di chúc trong việc bảo vệ quyền sở hữu.
Theo quy định tại Điều 646 BLDS “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Với quy định này, pháp luật về thừa kế đã thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu ở chỗ: người lập di chúc với mục đích dịch chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người còn sống khác. Người lập di chúc dựa vào ý chí và tình cảm của mình định đoạt cho người khác được hưởng di sản sau khi qua đời, ý chí của cá nhân khi lập di chúc thể hiện hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc. Do vậy pháp luật thừa kế tôn trọng và bảo hộ ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc trong việc phân chia di sản của người đó cho những người thừa kế được chỉ định hưởng di sản theo di chúc.
“Quyền của người lập di chúc là quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Dựa trên ý nguyện của người lập di chúc được thể hiện rõ trong nội dung của di chúc ta biết được: cho ai được hưởng di sản, là cá nhân hay tổ chức; người được chỉ định thừa kế được hưởng bao nhiêu, tài sản gì; phần nào để dùng vào việc thờ cúng, phần nào dùng để di tặng cho ai... Căn cứ vào những quy định tại Điều 648 BLDS thì thừa kế theo di chúc đã thể hiện rõ hình thức phân chia di sản theo ý chí của người lập di chúc. Ý chí của người lập di chúc luôn phản ánh tính chất chủ quan của người để lại di sản, do vậy việc chỉ định ai là người hưởng di sản đều do ý chí tự nguyện, độc lập của người lập di chúc định đoạt, điều này đã thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản của pháp luật thừa kế đó là thông qua di chúc để định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình” (TS. Phùng Trung Tập – Luật Thừa kế Việt Nam – Nxb. Hà Nội 2008). Một điểm nữa thể hiện việc thừa kế theo di chúc bảo vệ quyền sở hữu là: khi chủ sở hữu để lại di sản thì trong di chúc đã nêu rõ những người được hưởng di sản, do vậy những người này đương nhiên sẽ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được chủ sở hữu cho hưởng trong di chúc khi người để lại di chúc này chết đi, việc để lại di chúc đã bảo vệ quyền lợi của những người có quyền hưởng thừa kế đồng thời loại trừ những trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền thừa kế giữa các chủ thể. Như vậy, đây là điểm đặc biệt của pháp luật thừa kế trong việc bảo vệ quyền sở hữu của những người hưởng thừa kế sau khi xác lập quyền của chủ sở hữu đối với tài sản cho họ.
Bên cạnh đó, pháp luật thừa kế có quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo đó những người này là những người thừa kế cần thiết, không thể bị người lập di chúc truất quyền, phần của mỗi người trong số họ hưởng được bảo đảm tối thiểu bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Với quy định này, pháp luật thừa kế bảo vệ quyền hưởng di sản của những người có quan hệ huyết thống, cũng là sự hạn chế quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu đồng thời là sự bảo vệ quyền sở hữu tài sản của những người thuộc các hàng thừa kế được pháp luật quy định.
Tiếp nữa là để bảo vệ quyền sở hữu cho những người có quyền hưởng di sản khi người để lại di sản chết đi là việc pháp luật quy định: “người lập di chúc không được đặt điều kiện trong di chúc. Pháp luật thừa kế Việt Nam không có quy định nào về việc người lập di chúc có quyền đặt điều kiện với người thừa kế theo di chúc” (TS. Phùng Trung Tập- Luật Thừa kế Việt Nam Nxb. Hà Nội 2008). Nói tóm lại, thừa kế theo di chúc được quy định trong Pháp luật thừa kế vừa thể hiện sự bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản cho người thừa kế thuộc quyền sở hữu của mình; vừa thể hiện sự bảo vệ quyền sở hữu của những người có quyền thừa kế theo di chúc trong việc xác lập quyền sở hữu đối với những tài sản thuộc phần của mình khi người để lại di chúc chết; vừa thể hiện sự bảo vệ quyền sở hữu của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong việc xác lập quyền sở hữu đối với 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật phần di sản khi chia theo pháp luật cho họ.
1.5. Thừa kế theo pháp luật trong việc bảo vệ quyền sở hữu.
Theo quy định tại Điều 674 BLDS “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”. Việc pháp luật thừa kế quy định bên cạnh thừa kế theo di chúc là loại thừa kế này là nhằm mục đích cùng với những quy định khác trong pháp luật thừa kế hướng vào việc bảo vệ quyền sở hữu, cụ thể việc bảo vệ quyền sở hữu của thừa kế theo pháp luật thể hiện như sau: “Pháp luật thừa kế ở nước ta trước hết tôn trọng quyền của người lập di chúc định đoạt tài sản của mình và chỉ định cho cá nhân, tổ chức được hưởng di sản sau khi người lập di chúc qua đời. Nếu di chúc không hợp pháp hoặc không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực thi hành thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng. Xác định những trường hợp thừa kế theo pháp luật là một việc rất quan trọng vì nó là cơ sở để xác định những người được hưởng di sản thừa kế, những người không được hưởng di sản thừa kế; bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ thừa kế đồng thời ngăn chặn những hành vi trái pháp luật lợi dụng sự kiện chết của một người nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác” (TS. Phùng Trung Tập- Luật Thừa kế Việt Nam. Nxb. Hà Nội 2008).
Việc bảo vệ quyền sở hữu còn thể hiện như sau: đối với những người có quyền thừa kế do có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản nhưng người để lại di sản không có di chúc để phân chia tài sản cho những người này thì những người này vẫn được xác lập quyền sở hữu đối với những tài sản do người chết để lại theo quy định của pháp luật, việc pháp luật thừa kế quy định như vậy là nhằm bảo đảm được quyền sở hữu đối với tài sản mà chủ sở hữu chưa định đoạt. Do được pháp luật xác lập quyền của chủ sở hữu nên những người này có toàn quyền đối với những tài sản thừa kế theo pháp luật.
Bên cạnh đó việc pháp luật quy định thừa kế thế vị cũng nhằm bảo vệ quyền sở hữu của công dân một cách triệt để, phù hợp với đạo lý trong dòng họ, củng cố tình đoàn kết trong gia đình, cụ thể thừa kế thế vị bảo vệ quyền sở hữu như sau: nếu người được thừa kế chết cùng thời điểm với người để lại di sản thừa kế mà người được thừa kế có con, thì tài sản của người để lại di sản mà con của người được thừa kế gọi là ông nội, bà nội sẽ được hưởng thừa kế thế vị. Việc thừa kế thế vị được quy định cụ thể tại Điều 26 Pháp lệnh thừa kế: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Với quy định này của pháp luật thừa kế đã bảo vệ được quyền lợi cho tất cả những người thuộc các hàng thừa kế khác nhau, bảo đảm cho quyền sở hữu của những người ở hàng thừa kế sau nếu không còn người ở hàng thừa kế trên hoặc những người này không có quyền hưởng di sản hoặc đã từ chối hưởng di sản được xác lập quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của người thân thích.
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật còn bảo vệ quyền sở hữu của những người thân của người đã góp vốn làm ăn chung với những người bạn khác; bảo vệ quyền sở hữu của hộ gia đình trong trường hợp người đại diện của hộ gia đình góp vốn vào làm ăn trong các hợp tác xã, việc bảo vệ này thể hiện ở chỗ: nếu những người đã trực tiếp góp vốn làm ăn với người khác hoặc tham gia hợp tác xã mà chết không để lại di chúc thì phần tài sản của những người này được chia từ phần tài sản chung đã góp vốn và phát sinh hoa lợi lợi tức từ việc góp vốn của người đó, ví dụ: Do nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng nên ông C đã quyết định góp vốn để kinh doanh chung với E, những lợi nhuận phát sinh từ việc kinh doanh do hai người thỏa thuận sẽ chia đôi, nhằm bảo đảm đôi bên cùng có lợi. Việc kinh doanh của hai người đang ngày một phát đạt thì đến tháng 9 năm 2007, ông C đã chết trong một vụ tai nạn giao thông không kịp để lại di chúc phần tài sản của mình, đến tháng 12 năm 2007 những người thân của ông C đã có yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản của ông C trong phần tài sản chung với ông E để chia thừa kế. Yêu cầu được Tòa án chấp nhận, theo đó Tòa án đã xác định phần tài sản góp vốn chung và hoa lợi lợi tức của hai người là 800.000.000đ, Tòa án đã quyết định chia đôi phần tài sản này, theo đó phần của ông C là 400.000.000đ, phần tài sản này của ông C sẽ được chia đều cho vợ và ba con của ông, mỗi người được 100.000.000đ theo quy định của BLDS. Thông qua tình huống này ta thấy, pháp luật về thừa kế đã bảo vệ rất tốt quyền sở hữu của những người có quyền hưởng thừa kế đối với tài sản mà người để lại di sản không có di chúc đã góp vốn làm ăn chung với chủ thể khác. Việc xác lập quyền sở hữu đối với những tài sản đã góp vốn làm ăn chung với người khác của chủ sở hữu cho những người thừa kế là nhằm đảm bảo sự ổn định trong cuộc sống cho người thừa kế, cũng là điều kiện giúp họ có thể tiếp tục việc làm ăn chung với những chủ thể khác khi chủ sở hữu tài sản chết.
1.6. Những nội dung khác của pháp luật thừa kế thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu.
Trước hết, về việc thanh toán di sản, thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu như sau: Đối với tiền cấp dưỡng còn thiếu, thì khi người để lại di sản chết mà chưa thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng, số tiền này sẽ do những người hưởng di sản thực hiện thay người để lại di sản có nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tài sản chia thừa kế, như vậy điều này là nhằm bảo vệ quyền lợi của những người được cấp dưỡng: con dưới 18 tuổi, vợ hoặc chồng của người để lại di sản, cha mẹ già yếu mà không có thu nhập hoặc các con đã trưởng thành mà không có khả năng lao động, họ có quyền sở hữu đối với tài sản mà người chết để lại với danh nghĩa là tiền cấp dưỡng còn thiếu; đối với tiền công lao động: người để lại di sản còn sống đã sử dụng lao động nhưng chưa kịp thanh toán tiền công lao động cho người lao động thì sẽ trừ vào di sản của người để lại di sản, điều này thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu đối với thu nhập hợp pháp của người lao động; đối với tiền bồi thường thiệt hại, các khoản nợ: như phần trên đã đề cập, khi người để lại di sản chưa thực hiên xong nghĩa vụ này thì những người thừa kế của người đó sẽ thanh toán cho các chủ nợ, người bị hại bằng số tài sản của người để lại di sản, điều này nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu đã cho người để lại di sản vay, mượn trước đó, cũng như đối với người bị hại được sở hữu số tài sản này vì người để lại di sản chưa thực hiện xong nghĩa vụ khi con sống.
Thứ hai, việc phân chia di sản, pháp luật thừa kế bảo vệ quyền sở hữu ở những khía cạnh sau: đối với những vật không chia được, thì người thừa kế nào nhận vật phải thanh toán cho những người thừa kế khác phần trị giá của vật, trong trường hợp không có người nhận thì vật đó sẽ được đem bán để trị giá thành tiền chia cho những người thừa kế, việc pháp luật quy định như vậy nhằm đảm bảo cho người thừa kế có quyền sở hữu ngang nhau đối với tài sản thừa kế; trong trường hợp việc phân chia di sản thừa kế ảnh hưởng đến quyền lợi của người đang trực tiếp quản lý di sản của người để lại di sản thì theo thỏa thuận của những người thừa kế sẽ không chia di sản đó trong một thời hạn do pháp luật quy định, việc pháp luật thừa kế quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền sở hữu cho những người sẽ bị ảnh hưởng đến đời sống khi chia di sản; đối với trường hợp có người thừa kế mới: thì quyền sở hữu của những người này cũng được bảo vệ đó là người thừa kế mới sẽ được thanh toán một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, còn nếu chưa tiến hành chia thừa kế thì khi chia theo pháp luật họ vẫn được hưởng bằng phần của những người thừa kế khác, quy định này của pháp luật về thừa kế đã bảo vệ được quyền sở hữu đối với những tài sản để lại thừa kế cho họ khi họ có quan hệ với người để lại di sản..v.v...
2. Vai trò của pháp luật thừa kế trong việc bảo vệ quyền sở hữu.
Từ việc làm rõ các phương diện để chứng minh vấn đề pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu như trên đã trình bày chúng ta cũng thấy rõ một số vai trò của pháp luật thừa kế thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu như sau:
Một là, pháp luật thừa kế là cơ sở quan trọng trong việc củng cố và xác lập quyền sở hữu tài sản và quyền để lại di sản thừa kế của công dân, chính vì nó củng cố và xác lập những quyền này cho nên nó có tác dụng thúc đẩy các quan hệ sở hữu ngày càng được mở rộng, do được pháp luật thừa kế bảo vệ cho nên trong những trường hợp không có di chúc... thì những người thừa kế cũng không phải lo sẽ ảnh hưởng đến quyền thừa kế tài sản của mình từ những tác động tiêu cực bởi hành vi của các chủ thể khác.
Hai là, pháp luật thừa kế từ những quy định trong các điều luật, nó cũng tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ quyền sở hữu cho các chủ thể, khi có yêu cầu từ phía họ hoặc khi phát hiện các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu đó, điều này cũng là tiền đề quan trọng thể hiện việc bảo vệ quyền sở hữu cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức của pháp luật về thừa kế.
Ba là, việc cụ thể hóa Điều 58 Hiến pháp của pháp luật thừa kế là nhằm tôn trọng quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản của chủ sở hữu tài sản cũng là sự bảo đảm trọn vẹn quyền lợi cho người thừa kế trong việc chuyển dịch tài sản sang cho những người thừa kế, điều này vừa làm tròn việc bảo vệ đối với người để lại di sản đồng thời cũng là làm tròn sự bảo vệ đối với những người có quyền thừa kế di sản của pháp luật thừa kế.
Bốn là, pháp luật thừa kế cũng có vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình bằng việc cho chia theo pháp luật phần tài sản của chủ sở hữu tài sản, thể hiện được trách nhiệm của pháp luật trong việc giúp chủ sở hữu định đoạt được tài sản của mình (quyền sở hữu của chủ sở hữu được bảo vệ) cũng là việc giúp cho tâm nguyện của những người thừa kế trở thành hiện thực(quyền sở hữu được xác lập và bảo vệ), từ đây họ hiểu hơn về tình cảm của người để lại di sản đối với họ, cũng là cơ sở để ngăn chặn sự tranh chấp về thừa kế xảy ra - nhân tố gây ảnh hưởng đến thuần phong mĩ tục của dân tộc do pháp luật thừa kế đã quy định cụ thể.
III. Phương hướng nhằm tăng cường, bảo đảm việc bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu.
Trước hết, muốn tăng cường việc bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu chúng ta phải tiến hành từ khâu tiếp tục có những biện pháp sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện những chế định trong pháp luật thừa kế, từ khâu quan trọng này chúng ta sẽ thấy được những sơ hở của luật còn chỗ nào chưa thật sự bảo vệ quyền sở hữu hay chưa có điều nào quy định việc bảo vệ quyền sở hữu cho các chủ thể, thì tiến hành kịp thời bổ sung nhằm phát huy tuyệt đối quyền sở hữu tài sản của công dân.
Thứ hai, như trên đã trình bày ta thấy được sự quan trọng của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu của công dân, như vậy muốn bảo đảm cho mọi công dân có quyền sở hữu đối với tài sản thì đòi hỏi pháp luật về thừa kế phải có những quy định mở rộng diện và hàng thừa kế hơn so với quy định hiện hành.
Thứ ba, để tăng cường hơn nữa sự bảo vệ đối với quyền sở hữu thì đòi hỏi pháp luật thừa kế phải tạo ra được một cơ chế giải quyết các tranh chấp về thừa kế giữa các chủ thể một cách tối ưu nhất, không để tình trạng khởi kiện về thừa kế kéo dài mà không được cơ quan nào giải quyết, đây cũng là một yêu cầu quan trọng của nguyên tắc pháp chế XHCN.
Thứ tư, cũng liên quan đến việc tăng cường, bảo đảm sự bảo vệ của pháp luật thừa kế đối với quyền sở hữu là “việc pháp luật cần phải có quy định nhằm tước quyền thừa kế tài sản đối với những người bất xứng” (TS. Nguyễn Minh Tuấn- Pháp luật Thừa kế của Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn. Nxb. Lao động- xã hội 2009), hay nói cách khác phạm vi tiêu chí đối với những người không được hưởng thừa kế phải được quy định khắt khe hơn hiện nay nhằm bảo vệ quyền sở hữu về tài sản thừa kế cho những người có đủ các tiêu chí về thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế.
Thứ năm, phải có những quy định thật khắt khe nhằm triệt tiêu những hành vi lợi dụng sự kiện một người chết để yêu cầu chia di sản thừa kế của người để lại di sản- thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền sở hữu của các chủ thể có quyền được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản của người để lại di sản theo những tiêu chí được quy định trong pháp luật về thừa kế, chính việc thực hiện tốt điều này là cơ sở để bảo vệ tốt nhất quyền sở hữu cho các chủ thể hưởng thừa kế, là khâu quan trọng để hoàn thiện pháp luật về thừa kế..v.v...
C. Tổng kết.
Trên đây là phần chứng minh để làm rõ vấn đề pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu, với phần trình bày này chúng ta hình dung rõ hơn về việc pháp luật thừa kế tham gia bảo vệ quyền sở hữu cho các chủ thể đồng thời hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật thừa kế, từ đó có sự nhận thức cụ thể về vai trò của thừa kế trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Đối với những người tìm hiểu về pháp luật, những kiến thức về phần thừa kế có vai trò quan trọng vì nó là sự phản ánh của đời sống xã hội, việc nhận thức rõ vấn đề này nhằm làm cho những người tìm hiểu pháp luật có cái nhìn toàn diện để có thể đưa ra những phương hướng, kiến nghị tốt hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật để kịp thời điều chỉnh các quan hệ này, làm cho đời sống của nhân dân được bình yên và hưng thịnh hơn. Với những quan điểm của em đưa ra trên đây về vấn đề này chắc chắn còn điểm chưa phù hợp, kính mong các thầy cô của tổ bộ môn cho ý kiến để em được hoàn thiện hơn cách giải quyết vấn đề. Cuối cùng em xin chân thành cảm ơn !
Danh mục tài liệu tham khảo.
1. Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội) – Nxb. Lao động – xã hội 2009.
2. Bộ Luật Dân sự nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2005 – Nxb. Lao động – xã hội.
3. TS. Phùng Trung Tập – Luật Thừa kế Việt Nam. Nxb. Hà Nội 2008.
4. TS. Nguyễn Minh Tuấn – Pháp luật Thừa kế của Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Lao động – xã hội 2009.
5. Pháp lệnh Thừa kế ngày 30 tháng 03 năm 1990 của Hội đồng Nhà nước.
6. Phạm Văn Tuyết – Thừa kế quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng. Nxb. CTQG 2007.
7. Phùng Trung Tập – Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Nxb. Tư pháp 2004.
8. TS. Lê Đình Nghị (chủ biên) – Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1. Nxb. Giáo dục 2009.
9. Trường Đại học Luật Hà Nội – Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1. Nxb. CAND 2007.
10. Phùng Trung Tập, Pháp Luật Thừa kế Việt Nam hiện đại, một số vấn đề cần được bàn luận, tạp chí nhà nước và pháp luật số 7/ 2008. Tr 26 – 32.
11. Phạm Văn Tuyết – Bàn về khái niệm thừa kế, tạp chí Luật học số 6/2002. Tr 45 – 47.
12. Trần kim Chi – Những quy định mới về thừa kế trong BLDS năm 2005, tạp chí kiểm sát số 2/2006. Tr 48 – 50.
13. Nguyễn Ngọc Điện – Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luật Dân sự Việt Nam. Nxb. Trẻ TP. Hồ Chí Minh 2001.
14. Trang Web. www.Google.com.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Pháp luật thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu.doc