Rủi ro trong kinh doanh chứng khoán, phân loại nguyên nhân và các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro

Học kỳ chứng khoán: 2012 LỜI MỞ ĐẦU. Trong nền kinh tế thị trường, dường như không có hoạt động đầu tư kinh doanh nào lại không có nguy cơ gặp rủi ro. Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, nhưng điều ngược lại thì chưa hẳn đã đúng: lợi nhuận có thể thấp, song rủi ro chưa chắc đã nhỏ đi. Đầu tư chứng khoán cũng không nằm ngoài quy luật này, thậm chí ở mức sâu đậm và đa diện hơn. Để tìm hiểu vấn đề này. Em đã chọn đề tài: “Rủi ro trong kinh doanh chứng khoán, phân loại nguyên nhân và các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro”. Do đây là một vấn đề khó, đòi hỏi kiến thức kinh tế cũng như hiểu biết về thị trường chứng khoán Việt Nam nên trong bài làm không thể tránh khỏi những sai sót, em rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô để hoàn thiện bài làm của mình. Em xin chân thành cảm ơn! MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU. 1 NỘI DUNG. 1 I. Khái niệm kinh doanh chứng khoán. 1 1. Định nghĩa kinh doanh chứng khoán. 1 2. Đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán. 1 II. Phân loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. 2 1. Rủi ro hệ thống. 2 2. Rủi ro không hệ thống. 3 2.1 Rủi ro từ tính thanh khoản thấp của chứng khoán đầu tư. 3 2.2 Rủi ro từ thông tin chứng khoán và thị trường. 3 2.3. Rủi ro từ lựa chọn đối nghịch. 4 2.4. Rủi ro từ đạo đức. 4 III. Nguyên nhân rủi ro trong kinh doanh chứng khoán. 5 1. Bản chất của hoạt động kinh doanh chứng khoán. 5 2. Tính thanh khoản thấp của chứng khoán được kinh doanh. 5 3. Vấn đề thông tin không cân xứng. 6 4. Về bản thân các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. 6 IV. Các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh chứng khoán. 7 1. Đề ra các điều kiện cho các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. 7 1.1. Công ti chứng khoán. 7 1.2. Qũy đầu tư chứng khoán. 7 2. Hoạt động thanh tra giám sát của UBCKNN. 8 3. Các quy định về xử lí vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. 8 3.1. Xử lí hành chính. 8 3.2. Xử lý hình sự. 9 V. Một số kiến nghị nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh chứng khoán. 10 1. Sửa đổi bổ sung một số quy định của pháp luật. 10 1.1. Về mức tiền phạt đối với mỗi hành vi cụ thể. 10 1.2. Hoàn thiện một số quy định về xử lí vi phạm vốn còn nhiều bất cập, thiếu sót. 10 2. Các giải pháp khác. 11 2.1.Tăng cướng công tác thanh tra, giám sát. 11 2.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. 11 2.4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục ý thức pháp luật cho các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. 12 2.5. Khuyến khích thành lập các công ty sản xuất và bán thông tin. 12 KẾT LUẬN. 12 TÀI LIỆU THAM KHẢO 13

doc14 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6523 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Rủi ro trong kinh doanh chứng khoán, phân loại nguyên nhân và các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU. Trong nền kinh tế thị trường, dường như không có hoạt động đầu tư kinh doanh nào lại không có nguy cơ gặp rủi ro. Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, nhưng điều ngược lại thì chưa hẳn đã đúng: lợi nhuận có thể thấp, song rủi ro chưa chắc đã nhỏ đi. Đầu tư chứng khoán cũng không nằm ngoài quy luật này, thậm chí ở mức sâu đậm và đa diện hơn. Để tìm hiểu vấn đề này. Em đã chọn đề tài: “Rủi ro trong kinh doanh chứng khoán, phân loại nguyên nhân và các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro”. Do đây là một vấn đề khó, đòi hỏi kiến thức kinh tế cũng như hiểu biết về thị trường chứng khoán Việt Nam nên trong bài làm không thể tránh khỏi những sai sót, em rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô để hoàn thiện bài làm của mình. Em xin chân thành cảm ơn! NỘI DUNG. I. Khái niệm kinh doanh chứng khoán. 1. Định nghĩa kinh doanh chứng khoán. Cùng với sự xuất hiện của nghề kinh doanh chứng khoán, thuật ngữ “kinh doanh chứng khoán” thực chất mới được du nhập và sử dụng ở nước ta trong thời gian gần đây do hệ quả của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Ở Việt Nam theo quy định tại Khoản 19 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 thì “kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu kí chứng khoán, quản lí quỹ đầu tư chứng khoán và quản lí danh mục đầu tư chứng khoán.” Với định nghĩa này, khái niệm kinh doanh chứng khoán ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa khá rộng và cơ bản tương đồng với khái niệm kinh doanh chứng khoán trong pháp luật các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...Nói một cách khái quát kinh doanh chứng khoán là loại hình hoạt động thương mại đặc biệt mà ở đó các công ty chứng khoán, công ty quản lí quỹ và các chủ thể được phép kinh doanh chứng khoán tiến hành các nghiệp vụ về chứng khoán cho chính mình hoặc cho khách hàng vì mục tiêu thu lợi nhuận tối đa. 2. Đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán. Mặc dù pháp luật các nước có những định nghĩa khác nhau về khái niệm kinh doanh chứng khoán nhưng về phương diện lý thuyết, hoạt động kinh doanh chứng khoán ở bất cứ nước nào cũng bao hàm các đặc trưng cơ bản sau đây: Thứ nhất, kinh doanh chứng khoán là nghề thương mại đặc thù, có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các nhà đầu tư là công chúng và các doanh nghiệp. Vì thế, những chủ thể muốn thực hiện nghiệp vụ này nhất thiết phải thỏa mãn một số điều kiện rất khắt khe về mặt tài chính (vốn tự có ban đầu khi thành lập) cũng như về mặt pháp lí (tư cách pháp nhân của công ty và tư cách pháp lí của những thành viên góp vốn vào công ti), thậm chí kể cả những điều kiện cơ sở vật chất, kĩ thuật để thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán. Việc quy định điều kiện về cơ sở vật chất, kĩ thuật để thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán chính là nhằm đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, hiệu quả và đặc biệt là bảo đảm cho quyền, lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Thứ hai, đối tượng của hoạt động kinh doanh chứng khoán chính là các chứng khoán – giá trị động sản và các dịch vụ về chứng khoán. Đây là những hàng hóa và dịch vụ đặc biệt được giao dịch trên thị trường đặc biệt – thị trường chứng khoán và các giao dịch đó phải tuân thủ quy chế pháp lí đặc biệt do pháp luật về chứng khoán quy định. Thứ ba, hoạt động kinh doanh chứng khoán phải tuân thủ một số nguyên tắc đặc thù của thị trường chứng khoán, chẳng hạn như nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Việc thể chế hóa bằng pháp luật những nguyên tắc này là những đảm bảo pháp lí cho sự vận hành an toàn, hiệu quả của thị trường chứng khoán đồng thời bảo vệ một cách hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. II. Phân loại rủi ro trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Không một lĩnh vực kinh doanh nào không có nguy cơ gặp rủi ro. Và hoạt động kinh doanh chứng khoán không nằm ngoài quy luật này. Có rất nhiều rủi ro có thể gặp phải trong kinh doanh chứng khoán và ta có thể chia những rủi ro này thành 2 loại: rủi ro hệ thống và rủi ro không hệ thống. 1. Rủi ro hệ thống. Rủi ro hệ thống là rủi ro tác động chung đến hoạt động của thị trường và bắt nguồn từ các yếu tố vĩ mô, các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh chứng khoán buộc phải chấp nhận. Tiêu biểu cho rủi ro hệ thống là rủi ro chính sách mà chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán phải đối mặt. Chính sách tiền tệ có ảnh hưởng không nhỏ tới sự vận hành và biến động của thị trường chứng khoán, chẳng hạn chính sách 2 giá trong phát hành cổ phiếu (giảm giá từ 20-40% cho các nhà đầu tư chiến lược hoặc cán bộ, công nhân viên của công ty cổ phần hóa lần đầu); những thay đổi trong chính sách tỷ giá, lạm phát, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong công ty cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài; chính sách xuất – nhập khẩu, độc quyền hoặc các quan hệ quốc tế song phương – đa phương v.v..Các chính sách nói trên không chỉ tác động tới hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư chứng khoán mà còn tác động tới hoạt động tự doanh chứng khoán của các công ty chứng khoán, hoạt động môi giới chứng khoán, hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán,... Bên cạnh đó, rủi ro từ các chấn động của thị trường trong và ngoài nước cũng có thể gây tổn thất cho các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. Các chấn động của thị trường như: - Các trào lưu mua bán theo tâm lý đám đông, đầy cảm tính và xúc cảm, làm phá vỡ các quy luật vận động bình thường của thị trường. Ta có thể thấy rõ tác động của các trào lưu này qua diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007, khi mọi người đổ xô đi mua chứng khoán, chỉ số VN-INDEX liên tục phá vỡ những kỉ lục và đã vượt xa mốc 1000 điểm, vượt xa giá trị thực tế của thị trường. - Các hoạt động đầu cơ, tung tin đồn thất thiệt, gây nhiễu thông tin và tự “đánh bóng”, thổi giá hoặc thậm chí lừa đảo và thông đồng có tổ chức của một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính và sức mạnh khác đủ tạo nên động thái thăng, trầm của thị trường để trục lợi. - Các chấn động thị trường khác từ nước ngoài. Tiêu biểu là các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như cuộc cuộc khủng hoảng tài chính – tiền lệ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX ở châu Á, hay mới đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bắt nguồn từ Mĩ và lan rộng ra khắp thế giới đã kéo chỉ số VN-INDEX xuống mức thấp kỉ lục, nhà đầu tư ào ạt rút vốn khỏi thị trường, tính thanh khoản giảm mạnh, rất nhiều công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ. 2. Rủi ro không hệ thống. 2.1 Rủi ro từ tính thanh khoản thấp của chứng khoán đầu tư. Tính thanh khoản thấp mà chủ thể kinh doanh chứng khoán đang sở hữu có thể do chứng khoán đó khó và thậm chí không thể bán được hoặc không được phép bán hay chuyển nhượng nhằm thu hồi vốn đầu tư. Hàng hóa thông thường không thể bán được phần nhiều do: chất lượng và tiện ích của hàng hóa không đáp ứng nhu cầu; không phù hợp với “gu” của người mua; cung vượt quá cầu; có hàng hóa khác thay thế tương đương, thậm chí có sức hấp dẫn hơn. 2.2 Rủi ro từ thông tin chứng khoán và thị trường. Ra đời cách đây trên 200 năm, bất chấp những thăng trầm của các ngành, nghề, sản phẩm kinh doanh khác, kinh doanh chứng khoán ngày càng trở thành một bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế hiện đại với đặc trưng cơ bản là kinh tế thông tin. Hiếm có hoạt động kinh doanh nào mà sự thành bại của nhà đầu tư lại gắn bó mật thiết, thậm chí phụ thuộc vào sự đa dạng, hệ thống, toàn diện, cập nhật và chính xác các thông tin có liên quan trực tiếp và gián tiếp như đầu tư chứng khoán. Pha chút hóm hỉnh, khôi hài, nhưng không phải không có lý khi có người đã phác họa chân dung nhà đầu tư chứng khoán: luôn háo hức trước mọi tin đồn và hăng hái góp phần vào tin đồn; luôn cảnh giác đề phòng nhưng cũng dễ nhẹ dạ, cả tin; tinh khôn và nhạy cảm; quen biết nhiều, nhưng không kết thân với ai trong làng chứng khoán (!). Trong số họ, ai là người nắm được nhiều, nhanh, chính xác thông tin, người đó sẽ dễ dàng chiến thắng và chiếm thế thượng phong, giảm thiểu những rủi ro “chết người” do mù mờ thông tin. Khả năng lắng nghe, phân tích đọc “vị” các “chiêu thức” và cả nghệ thuật “tung tin đồn”, gây nhiễu trên thị trường chứng khoán của cả các “đại gia” hoặc “đại bợm” kinh doanh chứng khoán, hay của bản thân các công ty, tổ chức phát hành chứng khoán, là biện pháp đặc hiệu để nhà đầu tư tự bảo vệ mình, tránh những cạm bẫy và rủi ro gắn với các loại thông tin “mờ ảo” trên thị trường đặc thù này. Một báo cáo tài chính hoặc cáo bạch chưa được kiểm toán, thẩm định bởi các tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, có uy tín và trình độ chuyên môn cao; một thông tin đến chậm hoặc bị cắt xén không đầy đủ, không chính xác về hoạt động kinh doanh của công ty phát hành cổ phiếu, về môi trường pháp lý và về các nhà đầu tư khác trên cùng “sân chơi”, hoặc đơn giản là về tình hình thời tiết hay dịch bệnh nào đó… đều có thể trở thành đầu mối trực tiếp gây ra các thiệt hại khôn lường cho nhà đầu tư chứng khoán. 2.3. Rủi ro từ lựa chọn đối nghịch. Lựa chọn đối nghịch là vấn đề do thông tin không cân xứng tạo ra trước khi diễn tra cuộc giao dịch Trên thị trường chứng khoán, lựa chọn đối nghịch xuất hiện khi nhà đầu tư không biết thông tin về các loại cổ phiếu của các công ty khác nhau do đó có thể mua phải cổ phiếu của một công ty hoạt động kém, rủi ro cao. Vấn đề lựa chọn đối nghịch cũng xuất hiện trong nhiều hoạt động khác của nền kinh tế. Nói một cách tổng quát, lựa chọn đối nghịch là những quyết định sai lầm của một bên tham gia giao dịch mà nguyên nhân là do cac rủi ro về thông tin. Ví dụ, công ty chứng khoán A mua cổ phiếu X trong lĩnh vực bất động sản từ nhà đầu tư B, B biết rõ khả năng kinh doanh sinh lời của công ty X nhưng A thì không. Kết quả là B sẵn sàng bán ở mức giá có lợi và không bao giờ bán ở mức giá bất lợi cho anh ta. Và khi A mua cổ phiếu X từ B với mức giá bất lợi cho mình, B đã thực hiện một lực chọn đối nghịch do thiếu thông tin. 2.4. Rủi ro từ đạo đức. Rủi ro đạo đức cũng là một hậu quả của thông tin không cân xứng trên thị trường. Khác với lựa chọn đối nghịch, rủi ro đạo đức xuất hiện sau cuộc giao dịch khi một bên thực hiện những hành động ẩn giấu và có ảnh hưởng đến lợi ích của phía đối tác. Có nhiều cách định nghĩa về rủi ro đạo đức: - Rủi ro đạo đức là tình trạng một bên tham gia thị trường không thể giám sát hoạt động của phía bên kia. Vì lý do này, rủi ro đạo đức còn được gọi là vấn đề hành động ẩn giấu (hidden action). - Rủi ro đạo đức là một cách gọi khác của hành động ẩn giấu theo đó người được thông tin có thể thực hiện những hành động “sai trái”. - Rủi ro đạo đức phát sinh khi những người sở hữu thông tin riêng thực hiện những hành động có ảnh hưởng đối lập đến xác suất đưa đến những hậu quả xấu. Qua những khái niệm trên có thể thấy rủi ro đạo đức có những đặc điểm chính sau đây: Thứ nhất, có sự xuất hiện của hành động ẩn giấu (hidden action). Thứ hai, bên có hành động ẩn giấu, dù vô tình hay cố ý, sẽ làm tăng xác suất xảy ra hậu quả xấu. Ví dụ: Những người lãnh đạo công ty có thể hành động vì lợi ích cá nhân mà đi ngược lại lợi ích của các cổ đông. Các hành động này bao gồm việc tăng chi phí phục vụ cho lợi ích của người quản lí công ty như trang bị đồ dùng văn phòng tốt, xe hơi đắt tiền, chi phí phúc lợi cho nhân viên cao. Ngoài việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, người quản lý công ty có thể theo đuổi những chiến lược của công ty nhằm đề cao quyền lực cá nhân mà không làm tăng lợi ích của công ty. III. Nguyên nhân rủi ro trong kinh doanh chứng khoán. 1. Bản chất của hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tính rủi ro thể hiện ngay ở bản chất của hoạt động đầu tư vốn. Cũng như bất kì hoạt động đầu tư, kinh doanh nào khác, việc kinh doanh chứng khoán là “ đầu tư một lượng tiền trong hiện tại và chỉ có thể thu hồi trong tương lai” thì cả quãng thời gian đó cũng chính là thời gian chưa đựng rủi ro. Mức độ rủi ro tiềm tàng đến đâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như thời gian đầu tư, chủ thể nhận vốn cùng các cam kết khác chính là những yếu tố cơ bản ảnh hướng tới độ rủi ro. Mức độ rủi ro của chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ tới tính sinh lời và tính thanh khoản của chứng khoán. 2. Tính thanh khoản thấp của chứng khoán được kinh doanh. Đối với chứng khoán, tính thanh khoản của nó thấp do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, tình trạng tài chính và triển vọng thị trường của công ty, tổ chức phát hành chứng khoán không tốt. Thật không may cho nhà đầu tư chứng khoán, khi vì một lý do nào đó, chứng khoán mà họ đã mua là của một công ty, tổ chức có tình trạng tài chính thiếu lành mạnh và triển vọng cung cấp các yếu tố đầu vào, cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của công ty, tổ chức đó không đảm bảo hiệu quả vững chắc. Rủi ro đối với nhà đầu tư sẽ là tối đa khi công ty, tổ chức phát hành chứng khoán bị phá sản hoặc đơn giản là lặng lẽ “biến mất” trên thương trường sau những “pha” “tự đánh bóng” khá chuyên nghiệp, giật gân nhằm thu hút, dẫn dụ những nhà đầu tư. Trên thị trường chứng khoán hiện nay, vẫn đang tiếp tục diễn ra tình trạng công khai và nô nức đấu giá mua cổ phiếu của cả những công ty trên thực tế đã bị phá sản vì trình trạng tài chính âm, không thể trả nợ, hoặc của những công ty, quỹ đầu tư thậm chí mới có quyết định thành lập, chưa hề triển khai hoạt động trên thực tế… Thứ hai, lựa chọn không đúng cơ cấu chứng khoán đầu tư. Nhà đầu tư chứng khoán có thể chịu rủi ro từ việc “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Việc sở hữu thuần túy các cổ phiếu ưu đãi mà không được chuyển nhượng trong thời hạn nhất định (thường từ 3-5 năm) cũng có thể khiến nhà đầu tư gặp rủi ro liên quan đến tính thanh khoản thấp của các chứng khoán này, nhất là khi họ cần tiền để trả lãi vay ngân hàng hoặc muốn rút vốn về để đầu tư vào nơi khác có lãi hơn, an toàn hơn… Thứ ba, sự cạnh tranh khốc liệt và biến động khôn lường của thị trường. Ngay cả những chứng khoán tốt nhất có sức hấp dẫn nhất, “hot” nhất thuộc dạng “blue-chip” cũng có thể không giữ vững được vị thế của mình một cách ổn định, lâu dài trước sự cạnh tranh và biến động tới chóng mặt của thị trường trong xu thế toàn cầu hóa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư chứng khoán có thể phải hứng chịu cả hai dạng thiệt hại “khấu hao hữu hình” và “khấu hao vô hình” giá trị và tính thanh khoản của các chứng khoán mà họ nắm giữ. 3. Vấn đề thông tin không cân xứng. Trong các giao dịch tài chính luôn xuất hiện một mâu thuẫn cơ bản và cố hữu, một mâu thuẫn tạo nên cơ sở tồn tại của các điều kiện cho vay trong các tổ chức tài chính, đó là sự không cân xứng về thông tin giữa người cho vay và người đi vay. Người cho vay đóng vai trò cung cấp vốn trong giao dịch tài chính và thường không có sự khác biệt lớn về đồng vốn giữa những người cho vay (sự khác biệt chủ yếu nằm ở thời hạn cho vay và các ràng buộc liên quan). Nói cách khác, những thông tin về phía đối tác của mình mà người đi vay có được là tương đối đồng nhất. Người đi vay có thể huy động từ một trong những người cung cấp vốn mà không cần quan tâm nhiều đến bên cho vay vì chỉ cần vay được vốn là họ đã đạt được gần như hoàn toàn mục đích của một giao dịch tài chính. Mọi chuyện hoàn toàn khác đối với người cho vay. Họ có quyền lựa chọn một trong số những người hỏi vay, lúc này họ có cả quyền sử dụng và định đoạt đối vơi đồng vốn, nghĩa là họ có quyền sở hữu đầy đủ. Nhưng ngay sau khi giao dịch tài chính diễn ra, quyền sở hữu đó bị chia đôi, quyền sử dụng vốn đã được chuyển sang phía người vay vốn! Nếu không có vật thế chấp hoặc bảo lãnh của một tổ chức tài chính mạnh, người cho vay chỉ còn sự thừa nhận về mặt pháp lý đối với khoản tiền đó, họ không cầm giữ và cũng không sử dụng nó. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro thu hồi vốn tăng lên và mức độ rủi ro phụ thuộc hoàn toàn vào người vay vốn. Do vậy, những gì người cho vay phải làm để hạn chế rủi ro là phải thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến người vay vốn. Họ cần biết người đi vay sử dụng đồng vốn như thế nào, mức độ rủi ro cao hay thấp, sức mạnh tài chính, mức độ tin tưởng, nguy cơ dẫn đến việc sử dụng vốn không đúng cam kết của người vay, … Tuy nhiên những thông tin như thế đến với người cho vay thường không đầy đủ hoặc thiếu chính xác dẫn đến những lựa chọn của người cho vay có thể là một “lựa chọn đối nghịch”, hay phải gánh chịu những “rủi ro đạo đức”. 4. Về bản thân các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. Sự thiếu hiểu biết, thiếu kĩ năng tổng hợp , phân tích và phản ứng thị trường một cách nhạy bén, chính xác của các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng là một yếu tố quan trọng tạo ra những rủi ro cho các chủ thể này. Một bộ phần chủ thể khác có hiểu biết pháp luật, nhưng vì lợi nhuận, “lách luật” hay ko chấp hành các quy định của pháp luật, cũng dễ tạo ra những rủi ro pháp lí, ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh. IV. Các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh chứng khoán. 1. Đề ra các điều kiện cho các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. 1.1. Công ti chứng khoán. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam thì phải thành lập công ti chứng khoán dưới hình thức công ti trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần và phải được UBCKNN cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán như sau (Điều 62 Luật chứng khoán): Thứ nhất, có trụ sở, có trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán, đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán thì không phải đáp ứng điều kiện về trang thiết bị (Khoản 1 Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007). Thứ hai, có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ (Điều 18 Nghị định của Chính phủ số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán có quy định mức vốn pháp định cụ thể như sau: Môi giới chứng khoán: 25 tỉ VNĐ; Tự doanh chứng khoán: 100 tỉ VNĐ; Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỉ VNĐ; Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỉ VNĐ). Như vậy, mức vốn pháp định được xác định cho từng nghiệp vụ kinh doanh. Trong trường hợp công ti xin cấp giấy phép cho nhiều loại nghiệp vụ kinh doanh thì vốn pháp định là tổng số vốn pháp định theo từng loại nghiệp vụ kinh doanh mà công ty được cấp phép. Thứ ba, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và có tối thiểu ba người hành nghề chứng khoán cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh. Ngoài ra, Luật chứng khoán còn quy định cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lạp là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh; trường hợp là pháp nhân phải đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn. Các cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập phải sử dụng nguồn vốn của chính mình để góp vốn thành lập công ty chứng khoán. 1.2. Qũy đầu tư chứng khoán - Thành lập quỹ đại chúng: Theo Luật chứng khoán , trước khi tiến hành đăng kí thành lập quỹ đại chung, công ty quản lí quỹ phải đăng kí chào bán và hoàn tất việc chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, kể cả việc chuyển toàn bộ tiền huy động được từ đợt phát hành chứng chỉ quỹ vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng giám sát. Để được đăng kí thành lập quỹ, kết quả đợt chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Một là số lượng nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) tham gia góp vốn vào quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đều phải đạt mức tối thiểu theo quy định của pháp luật. Hai là, tỉ lệ giữa giá trị chứng chỉ quỹ đã bán và mức vốn dự kiến huy động cũng phải đạt đến mực tối thiểu theo quy định của pháp luật. Hai là tỉ lệ giữa giá trị chứng chỉ quỹ đã bán và mức vốn dự kiến huy động cũng phải đạt mức tối thiểu được quy định trong điều lệ quỹ và ghi nhận trong bản cáo bạch. - Thành lập quỹ thành viên: chủ thể lập quỹ thành viên phải báo cáo với ủy ban chứng khoán về việc lập quỹ và chỉ cần được Ủy ban chứng khoán thông báo bằng văn bản đã xác nhận việc lập quỹ là quỹ được phép hoạt động. Quỹ thành viên được phép thành lập khi đáp ứng đủ bốn điều kiện sau: (1) Mức vốn góp vào quỹ phải đạt mức tối thiểu luật định; (2) Các thành viên góp vốn phải là pháp nhân và phải đạt số lượng tối đa luật định; (3) Việc quản lí quỹ phải được ủy thác cho một công ty quản lí quỹ; và (4)Tài sản của quỹ phải được lưu kí tại ngân hàng độc lập với công ty quản lí quỹ. 2. Hoạt động thanh tra giám sát của UBCKNN. Hiện nay, vị trí pháp lí của UBCKNN đã chính thức được ghi nhận tại Điều 8 Luật chứng khoán năm 2006 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 63/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN thuộc Bộ tài chính. Và một trong những nhiệm vụ của UBCKNN là thanh tra, kiểm tra và giám sát các đối tượng tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán và xử lí các vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Hoạt động thanh tra chứng khoán được xem là một trong những nội dung quản lí nhà nước quan trọng nhất về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đối tượng thanh tra, giám sát bao gồm: công ty chứng khoán, công ty quản lí quỹ đầu tư chứng khoán,...Phạm vi thanh tra, giám sát bao gồm: hoạt động phát hành chứng khoán, hoạt động niêm yết chứng khoán, hoạt động giao dịch chứng khoán, hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán; hoạt động công bố thông tin. Đây là hoạt động quan trọng nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm trên thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng, góp phần đảm bảo sự ổn định của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. 3. Các quy định về xử lí vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. 3.1. Xử lí hành chính. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định hai hình thức xử phạt vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu là phạt cảnh cáo và phạt tiền. - Phạt tiền: Cơ sở để tính mức phạt là khoản thu phi pháp, khoản huy động bất hợp pháp. Mức phạt cụ thể đối với mỗi hành vi thường được tính là mức trung bình của khung hình phạt tiền tương ứng với hành vi đó, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể thấp hơn nhưng không được giảm thấp hơn mức tối thiểu của khung hình phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng cao hơn nhưng không quá mức tối đa của khung hình phạt. - Cảnh cáo là hình phạt chủ yếu với những hành vi vi phạm lần đầu, nhỏ, ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và gây thiệt hại không lớn cho các chủ thể khác. Ngoài hình phạt chính thì tùy tính chất, mức độ vi phạm các chủ thể có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính. Các hình phạt bổ sung thường hay được áp dụng là tước có thời hạn hoặc không có thời hạn quyền sử dụng các loại giấy phép liên quan đến chứng khoán, giấy phép phát hành chứng khoán, giấy phép niêm yết chứng khoán, giấy phép đăng kí hoạt động kinh doanh chứng khoán… Hơn nữa các chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả nhất định như hủy bỏ, cải chính những thông tin sai lệch không đúng sự thật; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra… 3.2. Xử lý hình sự. Tuy Bộ luật hình sự Việt Nam chưa quy định các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán nhưng để đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm đều bị áp dụng các hình phạt hình sự được pháp luật quy định, việc xử lý hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán được căn cứ trên cơ sở một số tội danh có các yếu tố cấu thành mang tính tương đồng. 3.3. Xử lý dân sự. Hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán có nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật dân sự, nó được áp dụng thường xuyên là các chế định về hợp đồng dân sự như việc kí kết các hợp đồng bảo lãnh phát hành, tư vấn phát hành… Để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, pháp luật dân sự đã quy định rất nhiều biện pháp như cần cố, đặt cọc, kí quỹ…. Hiện nay có một số biện pháp đã được áp dụng trong lĩnh vực chứng khoán như cần cố chứng khoán đê cho vay tiền của các ngân hàng thương mại, kí quỹ trong giao dịch chứng khoán. Các hình thức xử lí trên phần nào đã có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. V. Một số kiến nghị nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh chứng khoán. 1. Sửa đổi bổ sung một số quy định của pháp luật. 1.1. Về mức tiền phạt đối với mỗi hành vi cụ thể. Pháp luật chứng khoán đã quy định việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cùng với việc đề xuất nâng mức tiền phạt tối đa, yêu cầu đặt ra cũng cần phải nâng mức tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm. Điều này xuất phát từ những lí do sau đây: - Các chế tài và mức xử phạt như hiện nay là chưa đủ mạnh để răn đe và xử lí các vi phạm. - Hoạt động trên thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng cao. - Yêu cầu tăng cường quản lí nhà nước đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt cũng cần tính đến khả năng chi trả và đảm bảo hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, do đó đòi hỏi các nhà quản lí và các nhà soạn thảo luật cần cân nhắc, tính toán chính xác. Thực tế diễn biến của thị trường chứng khoán trong thời giân qua cần đặc biệt lưu ý tăng mức tiền phạt đối với 3 nhóm hành vi vi phạm. Đó là: - Các hành vi vi phạm về hồ sơ, điều kiện và thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng. - Các vi phạm quy định về chế độ báo cáo. - Các hành vi vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán: hành vi gian lận trong giao dịch, thao túng giá chứng khoán và sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán. 1.2. Hoàn thiện một số quy định về xử lí vi phạm vốn còn nhiều bất cập, thiếu sót. Liên quan đến phát hành chứng khoán: Nghiên cứu các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay cho thấy, pháp luật mới chỉ hướng tới việc đặt ra quy định mà theo đó các tổ chức, cá nhân phải thực hiện, phải đảm bảo để được chào bán chứng khoán ra công chúng,...mà chưa hướng tới việc đặt ra chế độ hậu kiểm các doanh nghiệp trong việc thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Chế độ hậu kiểm ở đây chính là các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, cụ thể là Ủy ban chứng khonas trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhằm đảm bảo doanh nghiệp thực hiên chào bán theo đúng phương án phát hành, đảm bảo việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành có hiệu quả và đúng mục đích,... Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thị trường phát triển nóng để phát hành với số lượng chứng khoán rất lớn, trong đó một phần đáng kể để đầu tư tài chính với phương án sử dụng vốn chưa rõ ràng, cụ thể, khiến cho nguồn cung chứng khoán vượt quá cầu dẫn đến giá cổ phiếu giảm nhanh. Trong khi đó, cơ quan quản lí nhà nước về chứng khoán lại chưa óc một công cụ hữu hiệu nào được pháp luật cho phép để ngăn chặn hay điều tiết. Để khắc phục tình trạng này, cần phải đặt ra các quy định cụ thể về khoảng cách giữa các đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ, tránh tình trạng doanh nghiệp phát hành huy động vốn một cách ồ ạt, có thể không hiệu quả trong việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Mặt khác, pháp luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn theo hướng cần yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo cụ thể về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành trước. việc đánh giá tính hiệu quả của viếc sử dụng vốn, cũng như việc sử dụng vốn đúng mục đích là một trong những khâu không thể thiếu trong quá trình xem xét chấp thuận cho đợt phát hành vốn tiếp theo. 1.3. Quy định về tổ chức kiểm toán và báo cáo kiểm toán. Sự tồn tại của tổ chức kiểm toán trên thị trường chức khoán có trách nhiêm chủ yếu là đánh giá mức độ chính xác của các báo cáo tài chính. Tuy nhiên, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa có những quy định rõ ràng liên quan đến thực thể này. Vì thế cần thiết phải quy định rõ xử phạt với hành vi vi phạm liên quan đến báo cáo kiểm toán. Các vi phạm của tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên cần được xử lí nghiêm minh với các hình thức xử phạt thích đáng. 2. Các giải pháp khác. 2.1.Tăng cướng công tác thanh tra, giám sát. Mục tiêu chính của công tác thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán không phải chỉ là để phát hiện, xử lí những người vi phạm pháp luật chứng khoán, mà quan trọng là nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi này, đảm bảo thị trường hoạt động bình ổn, có hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới cần chú trọng phát triển đội ngũ làm công tác thanh tra, giám sát; nâng cao thẩm quyền, tạo vị trí, vai trò “độc lập” của thanh tra trong việc thực hiện nhiêm vụ. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc xử lí vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. 2.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Thực tế hiện nay, thẩm quyền của cơ quan quản lí nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán ở Việt Nam là khá hạn chế. Để đảm bảo khả năng điều tra, xử lí các hành vi giao dịch nội gián và thao túng trên thị trường, em cho rằng cần mở rộng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước, theo đó Ủy ban phải có quyền chất vấn những người mà xét thấy có thông tin liên quan về các trường hợp bị nghi ngờ có hành vi lạm dụng thị trường. Hơn nữa, Ủy ban chứng khoán phải có quyền tìm kiếm bằng chứng và nắm giữ tài liệu cần thiết cho việc điều tra về các trường hợp lạm dụng thị trường. Pháp luật cũng cần phải mở rộng thời hạn thanh tra, kiểm tra để cơ quan này có thể thực thi được nhiệm vụ. 2.3. Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, kĩ thuật. Xây dựng một hệ thống quả lí, giám sát hiện đại, đủ năng lực xử lí thông tin cho phép theo dõi toàn bộ diễn biến các giao dịch trên thị trường, phát hiện và xử lí chính xác kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt là những hành vi nâng, kích giá cổ phiếu, giao dịch nội gián, thao túng giá. 2.4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục ý thức pháp luật cho các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán. Việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục ý thức pháp luật cho các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức: - Thông qua các phương tiện truyền thông như các tờ báo lớn, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam. - Thông qua các buổi tọa đàm với các công ty chứng khoán quỹ đầu tư chứng khoán,... các buổi tập huấn để phổ biến kiến thức cho lãnh đạo các chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng như các đối tượng khác có liên quan. 2.5. Khuyến khích thành lập các công ty sản xuất và bán thông tin. Giải pháp cho vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức trong các thị trường tài chính là đưa ra thông tin có tác dụng loại bỏ thông tin không cân xứng và cho phép những người cung cấp vốn có thông tin đầy đủ về những cá nhân hay những công ty cần tài trợ cho các hoạt động đầu tư. Một cách để thu thập thông tin này là có các công ty chuyên thu thập và đưa ra thông tin giúp phân biệt các công ty tốt với các công ty hoạt động kém. Đương nhiên, để các công ty như thế được thành lập và hoạt động một cách có tổ chức và hiệu quả thì pháp luật phải đi trước một bước. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến sự thành lập, tổ chức và hoạt động của các công ty cung cấp thông tin chuyên nghiệp. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa trong việc hạn chế tác động tiêu cực của thông tin không cân xứng, lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức mà còn giúp tăng cường tính chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. KẾT LUẬN. Từ các phân tích trên đây, ta có thể nhận thấy thị trường chứng khoán là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các rủi ro này có thể là rủi ro hệ thống như rủi ro chính sách, các chấn động của thị trường trong nước và thế giới; cũng có thể là các rủi ro không mang tính hệ thống như rủi ro về thông tin, rủi ro về lựa chọn đối nghich, rủi ro về đạo đức. Nguyên nhân của các rủi ro trên rất đa dạng như bản chất của thị trường chứng khoán, thông tin không cân xứng, trình độ của chủ thể hoạt động kinh doanh chứng khoán,... Nước ta là một nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế là rất lớn. Chính vì lí do đó, việc hạn chế các rủi ro trên thị trường, thúc đẩy hoạt động kinh doanh chứng khoán phát triển, đẩy mạnh tính thanh khoản là vô cùng cần thiết để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, qua đó tăng hiệu quả huy động vốn. Đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1, Trường Đại Học Luật Hà Nội, Giáo trình luật chứng khoán, Nxb CAND, Hà Nội, 2008. 2, Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán ở nước ta hiện nay - Thực trạng và giải pháp : Khoá luận tốt nghiệp / Nguyễn Hồng Đương; Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Kiều Giang . HN, 2009 . 3, Luật chứng khoán năm 2006; 4, Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007. 5, Nghị định của Chính phủ số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán. 6,https://10.0.0.1/login.html?redirect=thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/09/22/1705/ 7,https://10.0.0.1/login.html?redirect=tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFAEFC/rui-ro-trong-dau-tu-chung-khoan.html

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docRủi ro trong kinh doanh chứng khoán, phân loại nguyên nhân và các quy định pháp luật để hạn chế, phòng ngừa rủi ro.doc
Luận văn liên quan