Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Toà án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn toà án của đương sự
ĐẶT VẤN ĐỀ Để xác định vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà cụ thể nào, đầu tiên, người ta phải xác định vụ việc đó có thuộc thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Toà án theo loại việc hay không, sau đó căn cứ vào luật thực định để xác định xem vụ việc đó thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Toà án cấp nào và bước sau cùng là xác định trong số các Toà án cùng cấp đó thì Toà án lãnh thổ nào sẽ có thẩm quyền giải quyết. Nếu có nhiều Toà án có thẩm quyền xét xử trong cùng một vụ việc thì các đương sự có thể lựa chọn Toà án theo quy định của pháp luật. Sau đây nhóm 3 sẽ phân tích hai quy định: Thẩm quyền sơ thẩm của Toà án theo lãnh thổ và Quyền lựa chọn toà án của đương sự, để làm rõ hơn vấn đề trên. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ Thẩm quyền sơ thẩm của Toà án theo lãnh thổ. Việc xây dựng các quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ được dựa trên hai yêu cầu cơ bản là: tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án trong việc giải quyết nhanh chóng và chính xác vụ việc dân sự đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự trong việc tham gia tố tụng. Khái niệm và ý nghĩa của việc phân định thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Toà án theo lãnh thổ. Việc phân định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ: là việc phân định thẩm quyền sơ thẩm vụ việc dân sự giữa các toà án cùng cấp với nhau.Việc phân định này có ý nghĩa: Đối với đương sự: Là cơ sở pháp lý để nguyên đơn chủ động trong việc xác định được Toà án mà mình có thể gửi đơn kiện hoặc lựa chọn Toà án thuận lợi nhất cho mình trong việc tham gia tố tụng. Bên cạnh đó còn giúp các đương sự nhanh chóng thực hiện được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, tránh được việc gửi đơn kiện ra Toà án không có thẩm quyền gây mất thời gian và chi phí không đáng có. Đối với Toà án: Xác định một vụ việc cụ thể có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không ? Và đây cũng là cơ sở để giải quyết trong trường hợp có tranh chấp về quyền sơ thẩm dân sự giữa các Toà án cùng cấp. Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Toà án theo lãnh thổ. Theo Điều 33, 34 BLTTDS 2004, ta có thể xác định chủ thể có thẩm quyền xét xử sơ thẩm bao gồm: Toà án nhân dân cấp Huyện; Toà án nhân dân cấp Tỉnh. Do đặc thù hệ thống Toà án nước ta là số lượng Toà án rất lớn. Trên thực tế có nhiều vụ việc xảy ra mà rất nhiều toà có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Để xác định rõ Toà án nào có thẩm quyền xét xử sơ thẩm với một vụ án nhất định thì ngoài những quy định tại Điều 33, 34 còn phải dựa vào những quy định tại Điều 35 BLTTDS. Thẩm quyền sơ thẩm đối với vụ án dân sự Theo Điểm a Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2004 thì: Toà án có thẩm quyền giải quyết xét xử sơ thẩm vụ án dân sự là Toà án nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Sở dĩ có quy định như vậy vì bị đơn chỉ mới là người được giả thiết hay suy đoán xâm phạm tới quyền lợi của nguyên đơn hay được giả thiết trong một tình trạng pháp lý nào đó. Tâm lý của họ là không muốn đến Toà án nên họ cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện quyền tự bảo vệ của mình trước Toà án.Tuy nhiên, theo Điểm b khoản 2 Điều 35 thì: các đương sự cũng có thể thoả thuận yêu cầu Toà án nơi cư trú nơi làm việc của các nguyên đơn để giải quyết.Theo Điểm c Khoản 1 Điều 35 khi có tranh chấp về bất động sản thì theo nguyên tắc, Toà án nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Nếu trong một vụ án dân sự có nhiều Toà có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, thì Toà án nơi BĐS sẽ có thẩm quyền xét xử. Quy định này dựa trên cơ sở ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan bảo vệ công lý trong việc chứng mình, thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự. Thẩm quyền sơ thẩm đối với việc dân sự Theo Khoản 2 Điều 35 BLTTDS thì thẩm quyền Tòa án giải quyết việc dân sự theo lãnh thổ được xác định như sau: Đối với yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì sẽ do Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế hành vi dân sự cư trú, làm việc giải quyết.Đối với yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết thì sẽ do Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng giải quyết.Đối với yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích hoặc là đã chết thì sẽ do Tòa án đã ra tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết giải quyết;Đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành ở Việt Nam bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài thì sẽ do Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài giải quyết;Đối với yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tài Việt Nam thì sẽ do Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết;Đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài thì sẽ do Toà án nơi người phải thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài giải quyết.Đối với các yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp thì việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được thực hiện theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại. Tại Điều 7 Luật TTTM 2010: Các bên có thể thoả thuận với nhau Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu các bên không có thoả thuận lúc đó sẽ dựa vào quy định của pháp luật để xác định Toà án có thẩm quyền. Toà án nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của bị đơn vẫn được ưu tiên.Các trường hợp đặc biệt của việc dân sự khi xác định Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Thông thường trong việc dân sự sẽ có người bị yêu cầu, nhưng trong những trường hợp sau, việc dân sự sẽ không xuất hiện người bị yêu cầu. Lý do đó là yêu cầu của người yêu cầu không hướng tới một người khác mà là sự yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý. Khác với những quy định ở trên, người gửi đơn yêu cầu có thể tự mình lựa chọn Toà án nơi mình cư trú, làm việc hoặc có trụ sở không công nhận bảo án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài không có yêu cầu thì hành tại Việt Nam.Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì sẽ do Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc giải quyết.Đối với yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì sẽ do Tòa án nơi một trong các bên thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc giải quyết;Đối với yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật thì sẽ do Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết. Cũng là một quy định khác, yêu cầu sau đây, yếu tố để xác định Toà án có thẩm quyền không phụ thuộc vào nơi có BĐS; nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của người yêu cầu, người bị yêu cầu. Ở đây, Toà án có thẩm quyền giải quyết là nơi sự việc đó xảy ra.Đối với yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn sẽ do Tòa án nơi cha hoặc mẹ của con chưa thành niên cư trú, làm việc giải quyết;Đối với yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì sẽ do Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc giải quyết; Thực tiễn của việc áp dụng thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án theo lãnh thổ và một số kiến nghị Theo báo cáo tổng kết ngành Tòa án 2009 của TANDTC: kết quả thụ lí giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm thụ lí 1764 vụ, đã giải quyết 1634 vụ, đạt 92,6%. Điều đó cho thấy, chất lượng sơ thẩm dân sự của Tòa án đang ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, việc áp dụng thẩm quyền dân sự sơ thẩm của Tòa án theo lãnh thổ vẫn còn một số những hạn chế: Thứ nhất: Việc xác định thẩm quyền của Tòa án theo nơi có bất động sản tranh chấp còn nhiều vướng mắc. Trước đây, theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989 thì “ Tranh chấp bất động sản do Tòa án nơi có bất động sản tranh chấp”. Nhưng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 lại quy định: “trong trường hợp vụ án chỉ liên quan đến bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản giải quyết”. Vì thế các Tòa án gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp về bất động sản do có nhiều ý kiến khác nhau như có phải tất cả những tranh chấp liên quan đến bất động sản đều thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản đó; hay chỉ những tranh chấp mà đối tượng tranh chấp là bất động sản là tranh chấp chính thì mới thuộc thẩm quyền của Tòa án nơi có bất động sản giải quyết. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh quy định tại điểm c khoản 1 điều 35 theo tinh thần tránh những tranh chấp bất động sản chỉ có toà án nơi có bất động sản giải quyết. Thứ hai: Việc xác định thẩm quyền trong trường hợp tranh chấp về quan hệ về tài sản bao gồm cả động sản và bất động sản. Đối với những vụ việc chỉ có một quan hệ pháp luật tranh chấp là quan hệ về tài sản nhưng tài sản là đối tượng tranh chấp lại bao gồm cả động sản và bất động sản. Dẫn đến các Tòa án bị lúng túng khi xác định thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp đương sự có tranh chấp và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân còn tồn tại, yêu cầu chia tài sản thừa kế nhưng tài sản tranh chấp lại bao gồm cả động sản và bất động sản. Vì vậy, trong các văn bản hướng dẫn thi hành cần có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc xác định thẩm quyền trong trường hợp vụ việc có nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp. Cụ thể là trường hợp vụ việc có nhiều quan hệ pháp luật thì Toà án có thẩm quyền là Toà án nơi có bất động sản tranh chấp, nếu đối tượng tranh chấp là bất động sản đồng thời đó là quan hệ tranh chấp chính cần giải quyết trong vụ án dân sự đó. Thứ ba: việc mở rộng thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Tòa án cấp huyện như là trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp lao động đã và đang đặt ra thách thức cho các Tòa án cấp huyện, đặc biệt là các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi các thẩm phán ở cấp huyện hiện nay phần lớn vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng yếu. Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong thời gian qua cho thấy kinh nghiệm của tòa trong việc giải quyết tranh chấp ở nhiều địa phương là chưa nhiều. Do đó các Tòa án lúng túng ngay từ khi xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và luật áp dụng. Cho nên cần đào tạo các cán bộ Toà án có đủ năng lực đưa về các huyện vùng sâu, vùng xa hoặc đào tạo cho các cán bộ tư pháp hiện tại có thêm kinh nghiệm thông qua những lần tập huấn, hoặc trao đổi kinh nghiệm giữa các Toà với nhau. Quyền lựa chọn Toà án của đương sự Ý nghĩa Những trường hợp nguyên đơn được quyền lựa chọn Toà án để giải quyết vụ kiện đều nhằm mục đích đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của công dân trong quan hệ pháp luật dân sự. Các nhà làm luật đã dựa trên căn cứ “tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự dựa vào pháp luật thực hiện quyền tố tụng”. Các vụ việc mà đương sự có quyền lựa chọn toà án Quy định này đã tạo nhiều thuận lợi cho nguyên đơn, người có yêu cầu trong việc tham giá tố tụng; giúp nguyên đơn, người yêu cầu có lựa chọn được Tòa án phù hợp nhất với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mình. Các đương sự có thể thoả thuận với nhau: Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS thì việc thoả thuận phải lập thành văn bản trong đó xác định rõ Toà án có thẩm quyền giải quyết; Toà án này phải nằm trong các Toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Quy định này phù hợp với nguyên tắc Quyền tự định đoạt của đương sự, quyền lợi của bị đơn – người bị động trong vụ án dân sự cũng được bảo đảm.Theo Điểm m Khoản 1 Điều 35 BLTTDS và Khoản 1 Điều 7 LTTTM thì: Đương sự là các bên trong tranh chấp thương mại cũng có thể thoả thuận với nhau trước khi hoặc sau khi có tranh chấp với nhau bằng văn bản về việc lựa chọn Toà án có thẩm quyền giải quyết. Quy định này đáp ứng được yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại nhanh chóng bên cạnh việc bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS và quyền tự do thương lượng, thoả thuận trong thương mại. Các đương sự không có thoả thuận với nhau: Những trường hợp nguyên đơn được quyền lựa chọn Toà án để giải quyết vụ kiện đều nhằm mục đích đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của công dân trong quan hệ pháp luật dân sự. Các nhà làm luật đã dựa trên căn cứ “tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự dựa vào pháp luật thực hiện quyền tố tụng”. Vụ án dân sự mà đương sự có quyền lựa chọn toà án. Nếu đương sự biết địa chỉ của bị đơn hoặc bị đơn không có nơi cư trú tại Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án nơi có tài sản hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn để giải quyết: áp dụng cho những vụ kiện dân sự về hôn nhân và gia đình. Mục đích: Bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện nếu người bị khởi kiện không có, không xác định được nơi cư trú; hoặc họ không có, không xác định được tài sản đang ở đâu.Nếu vụ án phát sinh từ hoạt động của một chi nhánh của pháp nhân thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi pháp nhân có trụ sở hoặc nơi có chi nhánh đó giải quyết. Có thể hiểu, chi nhánh là một bộ phận của pháp nhân được thực hiện một số quyền hạnh chế hơn so với pháp nhân hoặc tài sản của pháp nhân. Mục đích của quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện và đảm bảo được việc giải quyết nhanh chóng, thuận lợi cho Toà án.Nếu yêu cầu cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi cư trú của mình giải quyết. Bởi lẽ, người yêu cầu cấp dưỡng là người có hoàn cảnh khó khăn, nếu Toà án nơi người bị yêu cầu sinh sống ở xa thì việc khởi kiện của người yêu cầu cấp dưỡng sẽ gặp khó khăn. Không đáp ứng được nguyên tắc: Tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự để thực hiện quyền tố tụng.Nếu đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng sức khoẻ thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi cư trú của mình, nơi xảy ra việc gây thiệt hại hoặc nơi cư trú của bị đơn giải quyết. Mục đích: để đảm bảo quyền lợi người khởi kiện để buộc người bị khởi kiện phải bồi hoàn một cách có hiệu quả những thiệt hại mà họ gây ra.Nếu vụ án phát sịnh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể kiện ở Toà án nơi cư trú của bị đơn hoặ nơi thực hiện hợp đồng; nếu khi kí kết hợp đồng mà các bên có thoả thuận về Toà án giải quyết việc tranh chấp thì nguyên đơn chỉ được khởi kiện tại Toà án đó.Nếu các bị đơn có nơi cư trú khác thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi cư trú của một trong các bị đơn giải quyết. Việc dân sự mà đương sự có quyền lựa chọn toà án. Những yêu cầu liên quan đến việc tuyên bố một người mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự; tuyên bố một người mất tích thì người yêu cầu có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc hoặc có trụ sở giải quyết.Đối với yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật thì người yêu cầu có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết.Đối với yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn thì người yêu cầu có thể yêu cầu Toà án nơi người con cư trú giải quyết. Việc hạn chế sẽ được thực hiện hiệu quả hơn, vì cơ quan địa phương nơi người con sẽ giám sát được đầy đủ nhất việc thực hiện quyết định của bản án do Toà án ra. Thực tiễn áp dụng quyền lựa chọn Toà án của đương sự và một số kiến nghị. Trong thực tế, việc áp dụng quyền lựa chọn Tòa án của đương sự, do pháp luật chưa dự liệu hết các trường hợp có thể xảy ra hoặc các đương sự hiểu không đúng các quy định của pháp luật, đã phát sinh nhiều quan điểm trái chiều và tranh chấp về việc lựa chọn Tòa án nào thì hợp pháp, Tòa án nào thì bảo vệ quyền tự do lựa chọn Tòa án của đương sự, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết. Thứ nhất, xác định Tòa án giải quyết vụ việc là Tòa án mà các đương sự thỏa thuận trong hợp đồng là nếu có tranh chấp xảy ra hay Tòa án mà pháp luật quy định có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó. Vụ việc sau là một ví dụ: “Năm 2008, công ty A và công ty B ký hợp đồng mua bán thủy hải sản các loại với số lượng lớn. Trong hợp đồng kinh tế này có một điều khoản được hai bên thỏa thuận là nếu có tranh chấp không tự giải quyết được thì hai bên sẽ cùng nhau đưa ra TAND tỉnh K (nơi cả A và B đóng trụ sở) để phân xử. Khi phát sinh tranh chấp, công ty A nộp đơn khởi kiện công ty B ra TAND tỉnh K yêu cầu công ty B bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, tuy nhiên TAND tỉnh K không thụ lý đơn với lý do vụ việc này thuộc thẩm quyền của TAND huyện X, không thuộc thẩm quyền TAND tỉnh K” Trong thực tiễn xét xử, đối với trường hợp trên, nhiều thẩm phán cho rằng TAND tỉnh K xử sơ thẩm vụ tranh chấp trên là hợp lý vì thỏa thuận giữa hai công ty không bị pháp luật cấm. Căn cứ theo điểm b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS quy định các bên đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn để xử sơ thẩm chứ không quy định là buộc phải kiện ở tòa cấp tỉnh hay tòa cấp huyện. Do đó, phải tôn trọng thỏa thuận chọn tòa trong hợp đồng kinh tế mà hai bên đã tự nguyện ký kết. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, một số thẩm phán lại nói TAND tỉnh K không được thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp trên vì không đúng thẩm quyền. Bởi thẩm quyền giải quyết vụ việc trên thuộc về TAND cấp huyện (Theo điểm a Khoản 1 Điều 33 BLTTDS năm 2004). Nhóm viết bài đồng ý với quan điểm thứ hai, nghĩa là TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên. Bởi lẽ, thỏa thuận giữa công ty A và công ty B về việc lựa chọn TAND tỉnh K để giải quyết vụ việc khi có tranh chấp phát sinh là không phù hợp với quy định của pháp luật vì Tòa án mà hai công ty chọn không có thẩm quyền xử sơ thẩm vụ án. Hơn nữa, việc Tòa án tuân thủ việc thụ lý theo thẩm quyền sẽ tránh được tình trạng các doanh nghiệp hiểu sai và gửi đơn kiện tràn lan, không theo địa hạt. Thứ hai, khi tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết. Thiết nghĩ, quy định này sẽ gây nhiều khó khăn cho Tòa án trong việc xét xử khi mà vấn đề xác minh, kiểm chứng những bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau sẽ gây tốn kém thời gian, tiền bạc và làm chậm quá trình tố tụng. Nếu Tòa án mà nguyên đơn yêu cầu là nơi có phần lớn bất động sản mà các bên tranh chấp thì việc giải quyết vụ việc sẽ thuận lợi hơn là nếu nguyên đơn yêu cầu Tòa án ở địa phương - nơi có ít bất động nhất. Pháp luật tố tụng dân sự cần có một quy định rõ ràng hơn, làm căn cứ pháp lý cho đương sự khi lựa chọn Tòa án giải quyết. Điều này không chỉ đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ việc xảy ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiền bạc; mà hơn nữa, còn tạo tiền đề để hoạt động tố tụng sau đó diễn ra thuận lợi. Một số nhận xét chung các quy đinh trên. Xác định thẩm quyền sơ thẩm của Toà án theo lãnh thổ Nơi cư trú của cá nhân được xác định là nơi người đó thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống (Điều 52 BLDS 2005).Nếu tranh chấp có đối tượng là BĐS thì theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 BLTTDS, Toà án nơi có BĐS sẽ giải quyết. Nhưng không phải cứ có BĐS là sẽ áp dụng quy định này, mà nếu vụ án có tài sản là bất động sản nhưng không có tranh chấp hoặc tranh chấp nhưng không phải là quan hệ pháp luật chính cần giải quyết thì sẽ không áp dụng Quyền lựa chọn toà án của đương sựTheo nguyên tắc, nếu vụ việc dân sự bắt buộc phải theo quy định tại Điều 35 BLTTDS thì yêu cầu lựa chọn toà án của nguyên đơn sẽ không được chấp nhân, nếu có.Tranh chấp về bất động sản (quan hệ pháp luật chính cần giải quyết) là loại tranh chấp mà đương sự không có quyền lựa chọn Toà án có thẩm quyền giải quyết. KẾT LUẬN Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy, việc xác định Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo lãnh thổ và quyền lựa chọn toà án của đương sự có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tố tụng dân sự, nó là tiền đề để tiến hành các hoạt động tiếp theo. Tuy có những quy định chưa hợp lý và chưa dự liệu hết được các trường hợp thực tế có thể xảy ra nhưng chúng ta không thể phủ nhận được tác dụng tích cực mà những quy định này đã đem lại.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thẩm quyền sơ thẩm dân sự của Toà án theo lãnh thổ và quyền lựa chọn toà án của đương sự.doc