A. Khái niệm thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án:
B. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự:
1. Thẩm quyền xét xử theo sự việc:
2. Thẩm quyền xét xử theo đối tượng:
3. Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ:
C. Vấn đề hoàn thiện các quy định pháp luật về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
1. Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
2. Hoàn thiện quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử:
3. Sửa đổi Luật tổ chức tòa án: Trên tinh thần cải cách thẩm phán, trong đó có Tòa án sơ thẩm khu vực.
4. Hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4416 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và việc hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Tòa án có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết vụ án, ra bản án, quyết định tố tụng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Theo nguyên tắc thực hiện chế độ hai cấp xét xử, bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa án hoàn toàn có thể bị khánh cáo, kháng nghị theo quy định của luật pháp. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong một khoảng thời gian nhất định thì sẽ có hiệu lực pháp luật, nếu bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Từ đó ta thấy rằng xét xử sơ thẩm là xét xử lần đầu do Tòa án có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Vì đây là lần xét xử đầu tiên nên trong giai đoạn này Tòa án phải giải quyết mọi vấn đề của vụ án trên cơ sở cáo trạng mà Viện kiểm sát truy tố.
Pháp luật nước ta quy định rất chặt chẽ và phù hợp về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nhưng do những lý do khách quan và chủ quan vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế xung quanh vấn đề này. Chính vì vậy bên cạnh việc tìm hiểu rõ về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án thì người viết cũng xin đưa ra một số ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.
Khái niệm thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án:
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS năm 2003) thì: thẩm quyền xét xử sơ thẩm là quyền mà pháp luật quy định cho phép Tòa án được xét xử sơ thẩm vụ án hình sự căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, nơi thực hiện tội phạm hoặc nơi khác theo quy định của pháp luật.
Việc quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cần phải dựa vào các căn cứ sau:
Đường lối chính sách của Đảng.
Nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự.
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Tính nghiêm trọng, phức tạp của tội phạm.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thẩm phán cũng như điều tra viên, kiểm sát viên.
Biên chế và cơ sở vật chất.
Tình hình phạm tội và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự:
Thẩm quyền xét xử theo sự việc:
Thẩm quyền xét xử theo sự việc là sự phân định thẩm quyền xét xử giữa Tòa án các cấp với nhau căn cứ vào tính chất của tội phạm.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực:
Thẩm quyền này được quy định rõ tại Khoản 1 Điều 170 BLTTHS năm 2003. Nếu thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực được quy định một cách hợp lý và chặt chẽ thì phần lớn các tội phạm xảy ra sẽ được xử lý kịp thời, phát huy được tác dụng giáo dục răn đe và góp phần bảo vệ trật tự an toàn cho xã hội. Cụ thể như sau:
“Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây :
a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
c) Các tội quy định tại các điều 93, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 222, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322 và 323 của Bộ luật hình sự”.
Như vậy, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ mười lăm năm tù trở xuống, trừ những tội quy định tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên do trình độ và năng lực chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, biên chế của Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và Tòa án ở một số huyện chưa đảm bảo yêu cầu, cần tiếp tục bổ sung, kiện toàn mới có thể đảm bảo yêu cầu. Nghị quyết số 24/2003/QH11 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 tại mục 3 đã chỉ rõ: “Kể từ ngày Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực, những Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực có đủ điều kiện thực hiện thì được giao thẩm quyền xét xử mới quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ luật này. Những Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực chưa đủ điều kiện thì thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, trừ những tội phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 170 của Bộ luật này, nhưng chậm nhất đến ngày 01 tháng 7 năm 2009, tất cả Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án quân sự khu vực thực hiện thống nhất thẩm quyền xét xử mới quy định tại khoản 1 Điều 170 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Theo tinh thần đó, các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng của mình đã khẩn trương củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ quan điều tra quân sự, viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự khu vực để thực hiện thống nhất thẩm quyền xét xử theo quy định mới.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu:
Thẩm quyền này được quy định tại Khoản 2 Điều 170 BLTTHS năm 2003. Theo đó, so với những quy định trước đây, thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu được quy định trong Bộ luật TTHS không có gì khác nhau, cụ thể là các vụ việc như sau:
Những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền cuat Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực.
Những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.
Bộ luật TTHS không quy định cụ thể những vụ án nào thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện nhưng Tòa án cấp tỉnh lấy lên xét xử. Vì thế, chánh án tòa, viện trưởng viện kiểm sát và thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh cần căn cứ vào khả năng thực tế của các thẩm phán, kiểm sát viên và điều tra viên ở cấp huyện mà xác định những vụ việc nào cần lấy lên để điều tra, truy tố và xét xử ở cấp tỉnh. Những vụ án đó thường là những vụ án như sau:
Vụ án phức tạp (tình tiết khó, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành).
Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, sỹ quan Công an, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Thẩm quyền xét xử theo đối tượng:
Thẩm quyền xét xử theo đối tượng là sự phân định thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự căn cứ vào đối tượng phạm tội.
Theo Điều 3 của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 thì:
“Các Toà án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là:
1. Quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý;
2. Những người không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này mà phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội”.
Bí mật quân sự là bí mật của quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng được xác định là bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Gây thiệt hại cho quân đội mà cụ thể là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự hoặc tài sản của những người này được quân đội cấp phát để thực hiện nhiệm vụ quân sự thì đó chính là gây thiệt hại đến tài sản và danh dự, uy tín của quân đội. Quân nhân tại ngũ phạm tội trong quân đội và bên ngoài xã hội đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Trường hợp vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân thì Tòa án quân sự sẽ xét xử toàn bộ vụ án. Nếu có thể tách ra để xét xử riêng thì Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo thuộc thẩm quyền của mình. Những người không còn phục vụ trong quân đội mà bị phát hiện đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian phục vụ quân đội, hoặc phạm tội trước khi nhập ngũ thì sẽ thuộc quyền xét xử của Toà án quân sự về những tội phạm liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội. Những tội phạm khác là do Tòa án nhân dân xét xử.
Nếu vụ án có những tình tiết cần điều tra liên quan đến bí mật quốc phòng như địa điểm, thiết bị, kế hoạch quân sự,… thì Tòa án quân sự sẽ nhận trách nhiệm xét xử. Những việc phạm tội khác, Tòa án quân sự có thể chuyển vụ án đến cho Tòa án nhân dân. Nếu có xảy ra tranh chấp về thẩm quyền giữa Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân thì chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét và quyết định.
Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ:
Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ là sự phân định thẩm quyền xét xử căn cứ vào nơi tội phạm được thực hiện và nơi kết thúc quá trình điều tra.
Thông thường thì vụ án hình sự được xét xử ở Tòa án nới tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau hoặc không thể xác định nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra (theo Khoản 1 Điều 171 Bộ luật TTHS năm 2003).
Nếu bị cáo phạm tội ở nước ngoài thì thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân sẽ được xác định như sau: bị cáo mà phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo xết xử. Nếu không thể xác định được nơi cư trú cuối cùng thì tùy từng trường hợp chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ ra quyết định giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hầ Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì sẽ do Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử theo quyết định của chánh án Tòa án quân sự Trung ương. Nếu vụ án xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của Việt Nam nhưng đang hoạt động ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân ở Việt Nam nơi có sân bay, bến cảng mà tàu bay, tàu biển đó trở về đầu tiên trên lãnh thổ của Việt Nam hoặc nơi tàu bay hoặc tàu biển đó được đăng ký có thẩm quyền xét xử.
Thẩm quyền theo lãnh thổ đã được quy định trong Bộ luật TTHS năm 2003 một cách chặt chẽ và hợp lý, rất phù hợp với thực tiễn xét xử. Hiện nay, các tranh chấp về thẩm quyền hoặc tình trạng các Tòa án đùn đẩy công việc cho nhau về cở bản đã được khắc phục.
Vấn đề hoàn thiện các quy định pháp luật về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:
Bên cạnh những thành công và thành tựu đạt được thì việc áp dụng thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập cần phải khắc phục nhằm đảm bảo cho quá trình xét xử được diễn ra một cách thuận lợi và chính xác nhất.
Ví dụ như tại Khoản 2 Điều 172 của Bộ luật TTHS năm 2003 có quy định về việc Toà án cấp tỉnh có quyền lấy vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện lên để xét xử, tuy nhiên, lại không thấy chỉ rõ trong trường hợp cụ thể nào thì Toà án cấp tỉnh lấy vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện lên để xét xử. Hơn nữa việc thủ tục chuyển vụ án cũng không được pháp luật quy định trong Bộ luật TTHS hoặc trong bất kỳ một văn bản hướng dẫn thi hành nào. Điều này chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho việc các Tòa án thực hiện thẩm quyền của mình. Một vấn đề nữa, mặc dù trong Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự có quy định về việc phân biệt thẩm quyền xét xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự tuy nhiên đây lại là một văn bản có hiệu lực pháp lý thấp. Hơn nữa, việc xác định thẩm quyền xét xử các vụ án có yếu tố liên quan đến nước ngoài cũng đang gây ra không ít khó khăn và lúng túng cho các Tòa án.
Sở dĩ còn tồn tại một số bất cập xuất phát từ nhiều lý do. Một số nội dung liên quan đến vấn đề này mới chỉ được tìm thấy ở một số văn bản dưới luật, chứ chưa được đưa vào Bộ luật TTHS năm 2003, việc các văn bản dưới luật có hiều lực pháp luật không cao cũng gây cản trở cho việc thực hiện thẩm quyền của các Tòa án. Ngoài ra, do pháp luật luôn đi sau cuộc sống nên có một số trường hợp có thể diễn ra trong thực tế nhưng vẫn chưa được quy định trong Bộ luật TTHS năm 2003.
Mặt khác, nhận thức pháp luật của một số chủ thể tiến hành tố tụng chưa cao, ý thức trách nhiệm chưa tốt và việc liên tục cập nhật các văn bản mới cũng đang là vấn đề thiếu sót đối với một số chủ thể. Sự liên kết, phối hợp giữa các Tòa án vẫn chưa tốt dẫn đến việc xét xử gặp nhiều khó khăn cản trở. Để có thể giải quyết được các vấn đề này, dưới đây em xin đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật về vấn đề thẩm quyền xết xử sơ thẩm các vụ án hình sự cưa Tòa án.
1. Hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
Về cơ bản thì Bộ luật TTHS năm 2003 là văn bản pháp luật cơ bản quy định về vấn đề thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án các cấp. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật tố về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án được thực hiện theo các hướng mà Nghị quyết số 49/NQ – TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020:
Hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét sử sơ thẩm: Hiện nay ở nước ta đang trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp với trọng tâm là việc xây dựng một hệ thống Toà án không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Vấn đề đặt ra là phải phân định hợp lý thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án gắn với tổ chức Toà án sơ thẩm.
Hoàn thiện quy định của pháp luật về việc chuyển giao vụ án, tạo nên sự thống nhất về nhận thức cũng như thực hiện thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án các cấp.
Hoàn thiện quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Toà án quân sự. Trong thực tế đã có văn bản quy định tuy nhiên cần có sự bổ sung các quy định này vào trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhằm có được hiệu lực pháp lý cao nhất.
Hoàn thiện các quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Hiện nay, ở nước ta đang trong quá trình cải cách tư pháp với trọng tâm là việc xây dựng một hệ thống Tòa án không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tòa án nhân dân được phân thành tòa án sơ thẩm khu vực, tòa án phúc thẩm và tòa án nhân dân tối cao.
Hoàn thiện các quy định về thẩm quyền xét xử, trươc hết là phải phân định hợp lý thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án gắn với tổ chức và hoạt động của tòa án các cấp được đề cập đến trong Nghị quyết 49/NQ/TW thì tổ chức hệ thống tòa án với mô hình mới khác với mô hình trước đây, đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng cần phải xử lý, nhất là đối với việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực.
Về vấn đề liên quan đến quan điểm chỉ đạo đối với việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực: Thành lập tòa án sơ thẩm khu vực phải căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cải cách tư pháp nói chung về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nói riêng.
Việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực phải trên cơ sở đảm bảo thực hiện nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước ta, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án, phải phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, phải đảm bảo tính đồng bộ với cải cách hành chính, đổi mới công tác lập pháp và gắn với đổi mới phương thức lão đạo của Đảng, đảm bảo thực hiện nguyên tắc Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm, đặc biệt trong quá trình khi xét xử phẩm và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Việc thành lập Tòa án sơ thẩm nhằm những mục đích sau đây:
Việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực không được phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện, tạo tiền đề để hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ quan tư pháp.
Tạo điều kiện cho việc khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Tòa án.
Nguyên tắc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực: theo nguyên tắc bảo đảm
sự thành lập của cấp ủy Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử địa phương đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án như Nghị quyết 49/NQ-TW đã đề ra thì tòa án sơ thẩm khu vực phải được tổ chức trong khuôn khổ địa phương giới hành chính.
2. Hoàn thiện quy định về tranh chấp thẩm quyền xét xử:
Hiện nay, tranh chấp về thẩm quyền xét xử chủ yếu xảy ra giữa Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền của chánh án tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên không phải mọi tranh chấp về thẩm quyền trong bất kì giai đoạn tố tụng nào cũng có thể được báo cáo chánh án tòa án nhân dân tối cao và được giải quyết kịp thời. Do vậy, cần quy định một cơ chế đơn giản, mềm dẻo trong phát hiện và giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm.
Những quy định về thẩm quyền xét xử cũng cần quy định cụ thể , rõ ràng hơn: Điều 170, Điều 171, Điều 172. Điều 173, Điều 174 nên sửa đổi cho phù hợp. Ví dụ như Điều 170 phải xác định lại các cấp Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm trong hệ thống Tòa án. Từ đó quy định cụ thể thẩm quyền cho từng cấp Tòa án theo hướng toàn bộ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân đều thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm khu vực.
3. Sửa đổi Luật tổ chức tòa án: Trên tinh thần cải cách thẩm phán, trong đó có Tòa án sơ thẩm khu vực.
Một số chương trong Luật nên được sửa đổi và hoàn thiện gồm các chương I, II và III. Cụ thể như sau:
Chương I: sửa đổi các Điều 1 và Điều 2 cho phù hơn với cơ cấu tổ chức mới của hệ thống Tòa án theo thẩm quyền.
Chương II: sửa đổi các quy định tại Điều 18 về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao, Điều 19 về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân tối cao.
Chương III: cũng cần phải sớm thay đổi bởi vì trong tương lai thì Tòa án nhân dân các cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ được thay thế bởi Tòa án sơ thẩm khu vực và Tòa án phúc thẩm.
4. Hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan.
Một số văn bản pháp luật cần phải sửa đổi bao gồm Luật tổ chức hội đồng nhân dân, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và pháp lệnh điều tra hình sự, để có một bộ máy xét xử hoàn thiện hơn.
a. Sửa đổi Luật tổ chức hội đồng nhân dân: cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc bầu hội hội thẩm nhân dân và chức năng giám sát cho phù hợp với tổ chức và mô hình tổ chức của Tòa án sơ thẩm khu vực.
b. Sửa đổi Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân và pháp lệnh điều tra hình sự. Ví dụ các cơ quan điều tra và viện kiểm sát đồng bộ về tổ chức và hoạt động tương ứng với hệ thống các Tòa án sơ thẩm khu vực. Phải hoàn thiện các quy định có liên quan tới việc thành lập và tổ chức hoạt động của cơ quan công tố và điều tra phù hợn với mô hình và hoạt động của cơ quan Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử.
Với việc đi sâu vào phân tích thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ ánh hình sự của Tòa án và qua đó đưa ra một số ý kiến cá nhân nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này, chúng ta có thể hiểu và biết rõ hơn và từ đó áp dụng hiệu quả hơn trong thực tiễn. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm giúp cho quá trình xét xử phúc thẩm được diễn ra một cách thuận tiện, hiệu quả và chính xác hơn, góp phần vào việc ngăn ngừa tội phạm và bảo vệ các quyền lợi chính đang của nhân dân và Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội, 2010.
Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2003.
Nghị quyết số 49/NQ – TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Pháp lệnh Tổ chức Toà án quân sự năm 2002.
Trường Đại học Luật Hà Nội, Trần Thị Lê Na, Luận văn thạc sĩ luật học, Hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử sơ thẩm hình sự của Toà án nhân dân các cấp, Hà Nội, 2009.
Các trang web:
www.nclp.gov.vn
www.google.com.vn
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và việc hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.doc