"DBHB" ngày nay đã được triển khai với cường độ ngày càng cao, quy mô càng
lớn, thủ đoạn ngày càng thâm hiểm, xảo quyệt, tinh vi. Các thế lực phản động thực hiện
"DBHB" có địa chỉ cụ thể, được ưu tiên đầu tư và tăng cường phương tiện. Chúng đã đưa
ra chiến lược 4 mũi nhọn để "DBHB" là: làm tan rã niềm tin; đầu tư chiếm lĩnh thị
trường; lợi dụng ngoại giao thân thiện để thâm nhập, tiếp xúc; khoét sâu mâu thuẫn nội
bộ. Những phương pháp thực hiện chiến lược này là tìm mọi cách chuyển hoá nội bộ, mà
trước hết là chuyển hoá tư duy và định hướng phát triển, thúc đẩy quá trình chệch hướng,
chú trọng chiến thuật "tự diễn biến", sử dụng các hình thức viện trợ, dân chủ, nhân quyền.
để tấn công làm thay đổi chế độ xã hội hiện nay ở Việt Nam.
20 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4063 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Các phương tiện thông tin đại chúng với nhiệm vụ đấu tranh chống diễn biến hòa bình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận
Các phương tiện thông tin đại
chúng với nhiệm vụ đấu tranh
chống diễn biến hòa bình
Mở đầu
Sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc
(CNĐQ) và các thế lực phản động càng ráo riết thực hiện "diễn biến hoà bình" ("DBHB")
nhằm xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) còn lại, hòng nhanh chóng áp đặt "trật
tự thế giới mới" do Mỹ cầm đầu và khống chế. Việt Nam là một trong những mục tiêu
trọng điểm mà chúng đặc biệt quan tâm và chống phá quyết liệt. Một trong những
phương tiện được CNĐQ và các thế lực thù địch sử dụng tích cực nhất là hệ thống các
phương tiện thông tin đại chúng (TTĐC). Đây là một mũi tấn công cực kỳ lợi hại nhằm
triển khai chiến lược "DBHB" một cách rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống
kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, xây dựng Đảng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền... để
mau chóng xoá bỏ chế độ chính trị ở nước ta.
Không ngừng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chống trả, đập tan mọi mưu toan, đẩy
lùi và đánh bại các thủ đoạn thâm hiểm của "DBHB", giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ
thành quả cách mạng, giữ vững định hướng XHCN là nhiệm vụ hết sức cấp bách, lại vừa
mang tính chất lâu dài của toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ này đã
được Đảng ta xác định thường xuyên và không ngừng nêu cao cảnh giác. Tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ IX, khi phân tích thời cơ và thách thức đối với cách mạng Việt
Nam, Đảng ta tiếp tục xác định "DBHB" vẫn là một trong bốn nguy cơ lớn đối với sự
nghiệp cách mạng Việt Nam. Và Đại hội X mới đây (5-2006), Đảng ta tiếp tục nhận định
"các thế lực thù địch vẫn đang tiếp tục thực hiện âm mưu "DBHB", gây bạo loạn lật đổ,
sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước
ta"(1). Vì vậy chúng ta cần phải có những biện pháp tích cực hơn nữa, phải tiến hành bằng
sức mạnh tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều lực lượng, công cụ, phương tiện, nhiều
giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, chúng ta đang và sẽ tiếp tục sử dụng tích cực, phát huy vai trò
của các phương tiện TTĐC để đấu tranh chống "DBHB" một cách rộng rãi và hiệu quả.
(1) Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản
Việt Nam, Nxb CTQG, H., 2006, tr.412.
Từ nhiều năm qua việc nghiên cứu chiến lược "DBHB" nói chung và nghiên cứu
vai trò, nhiệm vụ của các phương tiện TTĐC trong việc đấu tranh chống "DBHB" nói
riêng đã có rất nhiều đề tài khoa học của nhiều ngành, nhiều tác giả thực hiện dưới nhiều
dạng, nhiều góc độ ở những mức độ và yêu cầu khác nhau. ở phạm vi một tiểu luận, bài
viết này trên tinh thần kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đó, với mục đích tìm hiểu
vấn đề sâu hơn hy vọng góp phần nhỏ bé, hữu ích vào việc tích cực đấu tranh chống lại
"DBHB" trong giai đoạn hiện nay.
Từ việc xác định đề tài thuộc loại hình nghiên cứu ứng dụng, cho nên để thực hiện
bài viết này, cần nhận diện "DBHB" trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Về mặt
lý luận, nhằm làm rõ âm mưu, thủ đoạn và những mục tiêu, bản chất cơ bản của chiến
lược này. Mặc dù đã được CNĐQ và các thế lực phản động thực hiện từ cuối những năm
40, đầu những năm 50 của thế kỷ XX, song từ đó đến nay, tình hình thế giới và cục diện
đấu tranh giữa hệ thống XHCN và ĐQCN đã có nhiều thay đổi. Cho nên những tính toán
của các thế lực đế quốc, phản động trong việc thực hiện "DBHB" đối với các nước
XHCN nói chung, đối với Việt Nam nói riêng cũng được điều chỉnh liên tục.
Nhận diện "DBHB" về mặt thực tiễn là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp
chúng ta nắm được phương thức hoạt động và các thủ đoạn cụ thể của CNĐQ và bè lũ
phản động trong quá trình tiến hành "DBHB" ở từng giai đoạn. Từ đó làm rõ diện mạo
của "DBHB" một cách đầy đủ và toàn diện để có những đối sách thích hợp, hiệu quả với
phương châm "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Đây là một trong những quy luật
mà cha ông ta đã tổng kết, "biết địch" có nghĩa là nắm chắc được ý đồ chiến lược, thủ
đoạn, phương thức hoạt động và thực lực của "địch", đồng thời phải coi tất cả các yếu tố
chủ quan của địch là những yếu tố khách quan phải được tính đến đối với "ta".
Như vậy, để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống "DBHB" trên các
phương tiện TTĐC, chúng ta cần phải biết, phải nắm rõ tình hình của các thế lực thù
địch, của việc chúng sử dụng các phương tiện TTĐC để chống phá chúng ta.
Với nhận thức trên, bài viết được kết cấu như sau:
I. Nhận diện chiến lược "DBHB"
1. "DBHB" là gì?
2. Bối cảnh ra đời của "DBHB"
3. Mục tiêu, bản chất và nội dung cơ bản của DBHB đối với CNXH.
4. Âm mưu và hoạt động "DBHB" đối với Việt Nam.
II. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc sử dụng các phương tiện
TTĐC để thực hiện "DBHB" ở Việt Nam
1. Mục tiêu, thủ đoạn thực hiện "DBHB" trên các phương tiện TTĐC của các thế
lực thù địch
2. Các phương tiện TTĐC là công cụ tấn công cực kỳ lợi hại để thực hiện
"DBHB" của các thế lực thù địch
III. Các phương tiện TTĐC với nhiệm vụ đấu tranh chống "DBHB"
1. Thực trạng tình hình các phương tiện TTĐC ở nước ta
2. Vai trò, nhiệm vụ của các phương tiện TTĐC đối với việc đấu tranh chống
"DBHB" hiện nay
I. Nhận diện chiến lược "diễn biến hoà bình"
1. "Diễn biến hoà bình" là gì?
Thuật ngữ "DBHB" xuất hiện lần đầu tiên trong sinh hoạt chính trị quốc tế vào
năm 1949. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Đin A-ki-xơn, trong một bức thư gửi Tổng thống
Tơ-ru-man, đã sử dụng khái niệm "DBHB" để chỉ sự chuyển hoá chế độ XHCN thành
chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), chuyển hoá các nước XHCN thành các nước TBCN.
Sau đó, khái niệm "DBHB" đã nhanh chóng phổ cập trên thế giới. Ngay từ những năm 50
(thế kỷ XX), các nước XHCN đều đã đề cập âm mưu "DBHB" của các thế lực đế quốc và
phản động quốc tế, coi đấu tranh chống "DBHB" là một nội dung quan trọng của sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH.
Cho đến nay, trong thực tiễn chính trị thế giới, trong khoa học chính trị, trong sách
báo và các văn kiện chính trị, thuật ngữ "DBHB" được sử dụng dưới nhiều góc độ khác
nhau, được thể hiện qua nhiều cụm từ như "chiến thắng không cần chiến tranh', "chiến
tranh không khói súng", "chiến tranh phi bạo lực"... Tuy nhiên, dù được đề cập ở góc độ
nào đi chăng nữa, thì "DBHB", tựu chung lại, vẫn là khái niệm phản ánh về thủ đoạn,
phương thức chống phá CNXH của CNĐQ, về hình thái của cuộc đấu tranh giữa CNXH
và CNTB trong thời đại ngày nay.
"DBHB" là cuộc "chiến tranh không cần chiến tranh", "chiến tranh không có khói
lửa". Bản chất của chiến lược này là chống CNXH., chống độc lập dân tộc. "DBHB" và
đấu tranh chống "DBHB" thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc rất quyết
liệt, gay gắt nhằm giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa CNXH và CNTB, giữa độc lập dân
tộc và CNĐQ(1).
2. Bối cảnh ra đời của "DBHB"
Sau chiến tranh thế giới thứ II, hệ thống XHCN ra đời và ngày càng lớn mạnh
khiến cho các ý đồ xoá bỏ CNXH bằng biện pháp quân sự thông qua việc tiến hành chiến
tranh tổng lực trở nên khó thực hiện.
(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Quyết tâm làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù
địch, Nxb CTQG, H., 1994, tr.3.
Cuối những năm 40 của thế kỷ XX, những ý tưởng ban đầu về "DBHB" được các
nhà hoạch định chiến lược của Mỹ và phương Tây soạn thảo, sau đó được họ bổ sung; tới
cuối thập kỷ 80 (thế kỷ XX), khi hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng sâu sắc, những ý
tưởng trên được nâng lên và hoàn chỉnh thành chiến lược "DBHB".
CNĐQ chưa bao giờ từ bỏ ý định dùng các biện pháp quân sự, gây bạo loạn, lật
đổ, chống phá các nước XHCN và phong trào độc lập dân tộc. Song, trong điều kiện mới
của tình hình so sánh lực lượng trên thế giới, các thế lực thù địch với CNXH và độc lập
dân tộc thực hiện âm mưu chống phá chủ yếu bằng các thủ đoạn phi quân sự, nhằm
"chuyển hoá hoà bình" các nước XHCN theo CNTB.
Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, chính quyền Mỹ Bin
Clintơn công khai tuyên bố chuyển hướng chiến lược "kiềm chế" sang chiến lược "mở
rộng" nhằm thiết lập "trật tự thế giới mới" do Mỹ điều khiển. Hai nội dung cơ bản của
chiến lược "mở rộng" là "dân chủ hoá về chính trị" và "tự do hoá về kinh tế" theo quan điểm
phương Tây. Vấn đề "nhân quyền", "dân chủ" được coi là vũ khí lợi hại để can thiệp vào
công việc nội bộ của các nước.
3. Mục tiêu, bản chất và nội dung cơ bản của "DBHB" đối với CNXH
Mục tiêu cơ bản của chiến lược "DBHB" là chống phá, tiến tới xoá bỏ chủ nghĩa
xã hội trên phạm vi toàn thế giới, làm thay đổi chế độ chính trị của các nước xã hội chủ
nghĩa và các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa, đưa các nước này
vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Bản chất của chiến lược "DBHB" là hết sức phản động, biểu hiện ở việc âm mưu
xoá bỏ CNXH., phủ nhận sự vận động tiến bộ của xã hội, tiến bộ của lịch sử; bên cạnh đó
nó còn biểu hiện sự hiếu chiến cố hữu của CNĐQ. Tuy đặt các biện pháp tự diễn biến hoà
bình lên vị trí ưu tiên, nhưng sức mạnh quân sự vẫn được duy trì thường xuyên, công
khai răn đe và sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. CNĐQ không hề từ bỏ tham vọng bá chủ
thế giới dựa trên sức mạnh, trong đó sức mạnh quân sự, vũ lực là yếu tố không hề suy
giảm tính thực tiễn.
Nội dung cơ bản của "DBHB" đối với các nước XHCN:
Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng: Các thế lực thù địch coi đây là lĩnh vực hàng
đầu nhằm làm tan rã hệ tư tưởng Mác - Lênin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, làm
cho trong đảng cộng sản và xã hội mơ hồ, mất phương hướng chính trị. Đây là thủ đoạn
rất nguy hiểm, thâm độc và gây tác động lớn, chủ yếu bằng con đường thẩm thấu và xâm
nhập; là sách lược "đánh vào lòng người", xoá bỏ vai trò của Đảng Cộng sản, bôi đen và
phủ định thành tựu của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thủ đoạn của chúng ta tìm mọi cách làm thay đổi quan điểm về chính trị của cán
bộ, đảng viên; làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự nhất trí về chính
trị trong xã hội, dần dần làm "đổi màu" đường lối chính trị, đi đến xoá bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản, đưa lực lượng chống đối lên nắm chính quyền".
Hướng tập trung về mặt chính trị là đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ chỗ hình
thành đa nguyên quan điểm, đi đến tạo ra tổ chức đối lập.
Trên lĩnh vực kinh tế: Chúng lợi dụng tình trạng trì trệ kém phát triển về kinh tế của
các nước XHCN và dùng các quan hệ kinh tế nhằm làm chệch hướng XHCN, khiến nền kinh
tế các nước XHCN ngày càng chuyển dần sang CNTB.
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội: Mục tiêu là xoá dần truyền thống văn hoá dân
tộc, truyền thống cách mạng và các chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa; truyền
bá, ca ngợi, khuyến khích lối sống tư bản chủ nghĩa, đề cao chủ nghĩa cá nhân, chạy theo
dục vọng thấp hèn, bạo lực, vô trách nhiệm, tôn thờ đồng tiền.
4. Âm mưu và hoạt động "DBHB" của các thế lực phản động đối với Việt
Nam
Để nhận diện một cách rõ nét mục tiêu chiến lược "DBHB" của các thế lực thù địch
đối với nước ta hiện nay, có thể khái quát ba mục tiêu chính như sau:
Một là, mưu toan xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng
tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của chúng ta.
Hai là, mưu toan xoá bỏ chủ nghĩa xã hội, mục tiêu, lý tưởng của Đảng và của dân
tộc ta.
Ba là, mưu toan xoá bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Ba mục tiêu trên mà các thế lực thù địch nhằm vào là ba vấn đề cốt tử của cách
mạng nước ta và có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bất cứ yếu tố nào trong ba yếu tố
đó bị đánh sập sẽ đều làm rung chuyển và kéo theo sự sụp đổ của các yếu tố kèm theo(1).
Mặc dù bị thất bại nặng nề trong việc dùng sức mạnh quân sự và can thiệp vũ
trang, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ mưu đồ chống phá độc lập dân tộc và xoá bỏ
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chúng dự đoán:
"Việt Nam không tránh khỏi có những chuyển biến" có lợi cho chúng. Chúng đẩy mạnh
các hoạt động chống phá ta. Tăng cường hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại trận địa
tư tưởng - văn hoá, gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động trong cán bộ, nhân dân ta. Hỗ trợ,
khuyến khích và tổ chức bọn phản động lưu vong xâm nhập về nước móc nối, tập hợp
các lực lượng phản động chuẩn bị thời cơ nổi dậy. Núp dưới chiêu bài "dân chủ", "nhân
quyền", đa nguyên chính trị"..., chúng ráo riết hoạt động hòng chia rẽ nội bộ, phá hoại sự
thống nhất trong Đảng và trong nhân dân, vu cáo và xuyên tạc đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước ta để kích động những phần tử xấu, bất mãn, lôi kéo quần chúng nổi
dậy lật đổ chính quyền.
Hiện nay, chúng đang tập trung vào những hoạt động sau đây:
1. Thúc đẩy hình thành các khuynh hướng, nhân tố chống đối từ bên trong. Tìm
cách phân hoá và chia rẽ nội bộ ta, lôi kéo những người có tư tưởng sai trái, bất mãn, cơ
hội, hữu khuynh, cài cắm nội gián; xây dựng lực lượng ngầm; tìm chọn, tạo dựng "ngọn
cờ" và những nhóm đối lập.
2. Tập trung mũi nhọn tiến công về tư tưởng - văn hoá, coi việc làm suy yếu và tan
rã tư tưởng, niềm tin là khâu đột phá. Chúng tập trung xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác
- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận lịch sử và thành quả cách mạng, bôi nhọ chủ
nghĩa xã hội, làm mất uy tín hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; ca ngợi "đa nguyên
chính trị", "đa đảng", "dân chủ", kích động vấn đề "nhân quyền", "tôn giáo", "dân tộc" để
gây rối về chính trị.
(1) Vũ Hiền, Trần Quang Nhiếp (chủ biên): Báo chí trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", Nxb CTQG, H.,
2000, tr.17.
3. Lợi dụng các hình thức hợp tác quốc tế về kinh tế (kể cả hình thức viện trợ phi
chính phủ, từ thiện, nhân đạo) để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của ta, xâm
nhập sâu hơn vào nền kinh tế nước ta, khoét sâu các mâu thuẫn xã hội, mua chuộc, lôi
kéo, làm tha hoá cán bộ.
4. Tăng cường tài trợ, nuôi dưỡng và chỉ đạo bọn phản động người Việt lưu vong,
tác động vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành các tổ chức phản
động, các toán vũ trang, đưa người xâm nhập nội địa, xâm nhập vào nội bộ của ta, móc
nối với bọn phản động và các phần tử có tư tưởng chống đối để phát triển lực lượng, tìm
cách liên kết giữa trong và ngoài nước, tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại, gây mất
ổn định chính trị.
5. Sử dụng phương thức công khai hợp pháp, đấu tranh dưới chiêu bài "dân chủ",
"tự do"..., sử dụng các phần tử phản động trong tôn giáo, dân tộc, số người Việt Nam
mang quốc tịch nước ngoài có tư tưởng hận thù chống đối; lôi kéo, sử dụng một bộ phận
cán bộ, đảng viên muốn dựa vào Mỹ, phương Tây đưa đất nước theo con đường tư bản
chủ nghĩa.
6. Dưới chiêu bài "bảo vệ nhân quyền", chúng tăng cường chương trình của các
đài, báo làm chiến tranh tâm lý, tập trung vu cáo ta bóp nghẹt dân chủ, đàn áp, bắt bớ
những người bất đồng chính kiến, những người đã cộng tác với chế độ cũ. Đáng chú ý là
hoạt động tập hợp các lực lượng phản động trong tôn giáo, kích động đòi tự do tín
ngưỡng ngoài pháp luật...
II. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc sử dụng các phương
tiện TTĐC để thực hiện "DBHB" ở Việt Nam
1. Mục tiêu thực hiện "DBHB" ở Việt Nam trên các phương tiện TTĐC của
các thế lực thù địch
Thời gian qua, các phương tiện TTĐC của địch đã được huy động đến mức cao
nhất vào mục tiêu phá hoại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là mục
tiêu số một của báo chí địch. Để thực hiện mục tiêu này, chúng thường tập trung vào một
số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kẻ địch coi đây
là trọng tâm để tiến hành các hoạt động phá hoại về mặt tư tưởng. Vì thế chúng không từ
một thủ đoạn nào nhằm đạt được mục tiêu đó. Chúng thường xuyên rêu rao về sự sụp đổ
của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Từ đó chúng đi đến kết luận: hệ
thống xã hội chủ nghĩa, hệ tư tưởng Mác - Lênin đã chính thức bị sụp đổ hoàn toàn.
Chúng tuyên truyền và khát vọng đến điên cuồng chuyển "cơn lốc đa nguyên" tràn vào
Việt Nam.
Hai là, xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng
ồ ạt mở nhiều chiến dịch tuyên truyền hòng làm lu mờ tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh vào
niềm tin của nhân dân ta vào con đường đi lên CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Ba là, tập trung đả kích, bôi xấu, hạ uy tín các cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà
nước ta. Kích động, tung tin chia rẽ, gây mâu thuẫn trong nội bộ Đảng ta, gieo rắc những
hoài nghi trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chúng tập trung lôi kéo, tập hợp các
ý kiến đó trên hệ thống các phương tiện TTĐC để hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh
đạo trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một trong những thủ đoạn phá hoại
rất khôn khéo, tinh vi và hết sức cay độc, xảo quyệt, nguy hiểm không thể xem thường.
Bốn là, các thế lực thù địch thường xuyên vu cáo chúng ta vi phạm nhân quyền.
Chúng dựng lên chuyện Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, bóp nghẹt dân chủ; xuyên tạc các
cuộc bầu cử Quốc hội, các Đại hội Đảng; vu cáo trắng trợn Đảng ta bóp nghẹt tự do sáng
tạo của giới văn nghệ sĩ.
Năm là, xuyên tạc, phá hoại đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước
ta, kẻ địch dùng các phương tiện TTĐC tập trung chĩa mũi nhọn nhằm xuyên tạc, vu cáo
các bước đi cụ thể trong chính sách đối ngoại, nhằm làm cô lập nước ta với các nước
khác trên thế giới, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội
các nước Đông Nam á (ASEAN).
Sáu là, tuyên truyền, chuyển tải những báo chí, phim ảnh, băng đĩa và các loại
hình nghệ thuật khác để đưa văn hoá độc hại, đồi truỵ vào nước ta nhằm huỷ hoại nền
văn hoá dân tộc.
Chúng ra sức tuyên truyền cho nền văn hoá, văn minh tư sản, coi đó là thế giới "tự
do", "nhân bản", "nhân quyền", là "chế độ vĩnh hằng"...
Chúng mở những chiến dịch chuyển tin tức và tài liệu, sách báo phản động về
trong nước bằng nhiều hình thức, nhiều con đường khác nhau. Đặc biệt hướng vào giới
trẻ, nhằm ru ngủ, mua chuộc thế hệ trẻ, buộc thế hệ trẻ tin theo và hướng về thế giới
phương Tây.
2. Sử dụng các phương tiện TTĐC để thực hiện "DBHB" là một mũi tấn công
cực kỳ lợi hại của các thế lực thù địch
Thực hiện âm mưu "DBHB" chống Việt Nam, các thế lực thù địch tiến hành hoạt
động phá hoại điên cuồng trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, văn hoá, đối ngoại,
kinh tế, giáo dục...
Thực hiện "DBHB" trên các phương tiện TTĐC cũng là hình thức, biện pháp tiến
hành thâm độc mà kẻ thù thực hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô,
ngay từ khi chủ nghĩa xã hội ở các nước này còn rất vững mạnh.
"Ngay từ những năm 50, Tổng thống Mỹ Aixenhao đã nói: "Chi một đôla cho
tuyên truyền bằng chi 5 đôla cho quốc phòng". Níchxơn, cựu Tổng thống Mỹ thì nói
"Mỗi nguồn tin tức phương Tây xuyên qua tấm màn sắt của chủ nghĩa cực quyền (thông
qua khách viếng thăm, hay trao đổi sách báo, hoặc qua đài phát thanh), sẽ đem lại niềm
hy vọng cho hàng triệu người sau bức màn sắt đó, và sẽ làm mục nát nền tảng của chế độ
Liên Xô, cũng giống như nước thấm lâu có thể làm mục nát nền móng ngục tù"(1).
Để làm cho đất nước ta suy sụp về kinh tế, nhiễu loạn về tư tưởng, kẻ thù âm mưu
sử dụng sức mạnh của thông tin báo chí của hệ thống TTĐC. Có thể nói đây là thứ vũ khí
lợi hại nhất, vì nó thẩm thấu từ từ, lặng lẽ, tiến tới triệt tiêu hoàn toàn, một việc mà trước
đây, hàng trăm tỷ USD đã không làm được. Không ít dân tộc bị mất dân các giá trị văn
hoá ngay trên chính tổ quốc mình. Chỉ có dân tộc nào có nội lực văn hoá mạnh mẽ mới
vượt qua được sự "bức tử văn hoá" từ các phương tiện báo chí truyền thông của các thế
lực thù địch từ bên ngoài. Trong những năm vừa qua, từ bên ngoài lãnh thổ đã có gần 40
đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, gần 500 tờ báo, tạp chí, bản tin
(1) Vũ Hiền, Trần Quang Nhiếp: Sđd, tr.76.
bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài, trong đó có không ít cơ quan báo chí liên tiếp đưa
thông tin vào chống phá nước ta. Thực tế ấy giúp chúng ta thấy rõ: Việt Nam là một đối
tượng đặc biệt, được các phương tiện TTĐC ở nước ngoài đề cập trên nhiều khía cạnh
mà mục tiêu chủ yếu là góp tiếng nói để làm mất ổn định về chính trị, tiến tới làm đảo lộn
công cuộc kiến thiết hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Nghiên cứu bức tranh chung về báo chí của các thế lực phản động chống phá Việt
Nam, chúng ta thấy: hằng ngày, người Việt Nam (kể cả ở nước ngoài) phải nghe ra rả các
bài tường thuật, bình luận lạ tai về các sự kiện ở Việt Nam của các Đài BBC (Anh), Đài
WA (Hoa Kỳ), Đài FFI (Pháp)... Không những thế, còn có đến 5 đài phát thanh của các
tổ chức tôn giáo, 11 đài phát thanh thuộc các tổ chức người Việt ở nước ngoài mang
nhiều màu sắc chính trị khác nhau cũng "đổ xô" nói về Việt Nam với những thông tin
không trung thực, thiếu khách quan, xạ lạ với sự thật đang diễn ra ở Việt Nam. Ai đã có
lần nghe các đài phát thanh của người Việt như: Sài Gòn Radio, Việt Nam Radio, Việt
Nam California, Diễn đàn dân chủ, Dân chủ Radio, Mẹ Việt Nam, Việt Nam tự do (ở
Mỹ), Tiếng Việt Radio (Cộng hoà Séc), Chân trời mới (có địa chỉ liên lạc ở Nhật), Chân
lý á châu (tại một nước châu á), Hoàn cầu Radio (Hồng Công) đều không khỏi giật
mình về sự "ác ý", "ác khẩu", phi sự thật, đổi trắng thay đen của một số tin tức và chương
trình về Việt Nam.
ở đây, các đặc điểm của phương tiện TTĐC được khai thác triệt để: gây ấn tượng
nhanh và mạnh; lan truyền nhanh, công khai và âm ỉ; phổ biến rộng.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin tạo ra những điều kiện khai thác
hết sức sâu rộng các đặc điểm nói trên.
Hoạt động này nhằm làm cho đối tượng bị tác động nói theo cách nói của chúng,
nghĩ theo cách nghĩ của chúng (hoặc là làm cho đối tượng nghĩ theo cách nghĩ mà chúng
áp đặt), đi tới làm theo cách mà chúng mong muốn, bác bỏ và phá huỷ những cách nói,
cách nghĩ, cách làm đúng đắn, chân chính, xoá bỏ những giá trị tốt đẹp.
"DBHB" qua các phương tiện TTĐC là một bước phát triển sâu hơn và rộng hơn
tâm lý chiến thời chiến tranh.
Từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, các thế lực
thù địch càngtăng cường các hoạt động chống phá, ráo riết thực hiện âm mưu và thủ đoạn
"DBHB" trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Mũi nhọn thâm độc
của chúng là tiến công vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vào chế độ
xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ nội bộ Đảng và
chia rẽ Đảng với nhân dân bằng những thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Cùng với việc tán
phát các tài liệu, ấn phẩm phản động từ nước ngoài gửi về, một số người ở trong nước
viết sách, báo, tài liệu và lợi dụng một số diễn đàn để tuyên truyền cho các quan điểm tư
sản sai trái về "tự do", "dân chủ", "nhân quyền". Các báo, đài của các nước phương Tây
và bọn phản động ở nước ngoài tiếp tục tăng cường các hoạt động chống phá chúng ta.
Đáng chú ý là từ đầu năm 1997 đến nay, Mỹ lập thêm đài "Châu á tự do", nâng số đài
phát thanh có chương trình tiếng Việt ở ngoài nước lên 37 đài. Đây thật sự là công cụ của
các thế lực phản động nhằm chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, làm chệch hướng
con đường XHCN ở nước ta.
Chúng đã dùng những biện pháp kinh tế làm lung lạc ý chí, lập trường và tình cảm
của các cán bộ, đảng viên ta. Đặc biệt, chúng sử dụng rất nhiều văn hoá phẩm, tưởng như
có tính "thẩm mỹ", tính "nhân văn", "hấp dẫn" để gieo mầm lối sống hưởng thụ và thực
dụng tư sản vào tầng lớp trí thức, thanh thiếu niên sinh viên.
Những hoạt động đó của đối phương thường lại được thông tin rộng rãi trên các
phương tiện thông tin đại chúng của chính chúng ta, bởi vì, do nhiều lẽ, ta không thể
tránh thông tin.
Những thủ đoạn đó thường là: lập lờ, lấp lửng, làm ra vẻ khách quan; lấy hiện
tượng làm bản chất, lấy cục bộ, tiểu tiết làm cái toàn thể, tổng thể; cắt xén sự thật; rất chú
ý "tìm chỗ ngứa" để "gãi"; lách vào những khuyết điểm, sai lầm, yếu kém, sơ hở của ta;
kích động với các cấp độ khác nhau: làm cho nhân dân thờ ơ với đất nước và cuộc sống,
xúi giục thái độ phi chính trị, gây tâm lý chán chường, bất mãn, đi tới chống đối chế độ
xã hội chủ nghĩa.
Chúng rất chú ý "phổ biến kinh nghiệm" trong các vụ việc xảy ra, chẳng hạn như
ở Thái Bình, Đồng Nai (làng Trà Cổ).
Có thể nêu ra những thủ đoạn mà các lực lượng thù địch đặc biệt chú ý sử dụng
sau chiến tranh lạnh, như sau:
Chúng "ca ngợi" những việc làm "thân hữu" với Việt Nam, nhằm gây nên trong
đối tượng bị tác động thái độ thiện cảm với chúng.
Chúng tăng cường tuyên truyền nền văn minh phát triển, mức sống và lối sống tư
sản, hòng tạo nên sự ngưỡng mộ đối với chúng.
Kẻ địch rất chú ý tác động hòng chinh phục những phần tử thoái hoá, biến chất,
tham nhũng, nhiều tham vọng cá nhân chủ nghĩa, những phần tử bất mãn, cơ hội chủ
nghĩa. Chúng khéo léo đề cao cái "tôi" kiểu phương Tây gắn với "tự do", "dân chủ" kiểu
phương Tây.
Cần chú ý rằng, giọng điệu của các phương tiện thông tin đại chúng thù địch với ta
thường ít gay gắt, ít trắng trợn hơn so với thời kỳ chiến tranh. Đây là một điểm khác biệt
với báo chí của người Việt phản động lưu vong: cay cú và thù hận với dân tộc và với chế
độ.
Như vậy, kẻ địch đã sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như một vũ khí
tư tưởng để chống phá cách mạng nước ta. Chúng tuyên truyền rằng chủ nghĩa Mác -
Lênin, chủ nghĩa xã hội đã bị sụp đổ, khuyên mọi người đi theo chủ nghĩa tư bản; chúng
bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ uy tín của các nhà anh hùng dân tộc, của các liệt sĩ hy sinh vì tổ
quốc; xuyên tạc đời tư, nói xấu các cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng kích động tư
tưởng và hành vi chống phá sự nghiệp đổi mới; gây kích động, chia rẽ nội bộ nhằm phân
hoá nội bộ Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội trong hệ thống chính trị của Nhà nước
ta; gây hận thù, chia rẽ giữa các tôn giáo, dân tộc với nhiều thủ đoạn tuyên truyền thâm
độc. Và bằng cách đó, chúng lừa bịp được bạn đọc nước ngoài, gieo rắc nghi ngờ đối với
người trong nước, làm thật, giả, vàng, thau lẫn lộn, nhằm tiến tới phá bỏ hoàn toàn công
cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, đưa nhân dân ta trở lại chế độ bóc lột, tư
bản chủ nghĩa.
III. Các phương tiện TTĐC với nhiệm vụ đấu tranh chống diễn biến hoà bình
1. Thực trạng tình hình các phương tiện TTĐC ở nước ta
- Về hệ thống báo chí: Hiện nay, cả nước có hơn 600 cơ quan báo chí với gần 700
ấn phẩm các loại. Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên 4 hệ đối nội bằng 6 thứ tiếng và một
hệ đối ngoại bằng 12 thứ tiếng; Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng trên 5 kênh
chính và 9 kênh của hệ truyền hình đa kênh đa điểm (MMDS). Cả 64 tỉnh thành đều có
các đài PT-TH., gần 300 huyện có đài phát sóng FM, gần 400 trạm phát lại truyền hình.
Ngoài ra còn có các đài truyền hình khu vực, 90% số hộ gia đình được nghe sóng phát
thanh của Đài THVN, gần 80% số hộ gia đình được xem chương trình của THVN; Thông
tấn xã Việt Nam: ngoài Tổng xã, tất cả 64 tỉnh, thành đều có phân xã và 18 phân xã ở
nước ngoài; Từ năm 1997, nước ta chính thức hoà mạng Internet, đến nayđã hàng chục tờ
báo điện tử. Ngoài ra còn có hàng trăm bản tin nội bộ, bản tin ngành...
Các loại hình TTĐC khác: Sở VH-TT ở 64 tỉnh, thành phố có hệ thống thông tin
lưu động, các rạp chiếu phim... và một mạng lưới dày đặc các tụ điểm băng đĩa v.v...
Nhờ các phương tiện TTĐC mà giá trị văn hoá của dân tộc đã và đang trở thành
tài sản chung cả nhân loại. Nhờ những phương tiện TTĐC thuận lợi, giá chi phí ngày
càng rẻ cho phép đông đảo nhân dân có điều kiện nâng cao dân trí, thưởng thức văn hoá
nghệ thuật, đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đóng góp của các phương tiện TTĐC trong đấu tranh chống "DBHB"
Trong những năm qua, báo chí nước ta đã có những đóng góp đáng kể vào công
tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm phong phú và sáng tỏ hơn nhiều
luận điểm quan trọng và cơ bản của của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
góp phần làm hình thành và từng bước hoàn chỉnh lý luận của sự nghiệp đổi mới của
Đảng ta, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Báo chí thường xuyên đóng vai trò
là một kênh thông tin quan trọng, cung cấp thông tin nhiều mặt của đời sống xã hội; phản
ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, giúp cho các cơ quan lãnh đạo của
Đảng và Nhà nước nắm bắt tình hình kịp thời, cụ thể để giải quyết. Đặc biệt, báo chí của
chúng ta đã tích cực tham gia có hiệu quả cao cuộc đấu tranh chống những âm mưu, thủ
đoạn "DBHB" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc những thành quả cách mạng và
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bản thân các phương tiện TTĐC có sự đổi mới và phát triển vượt bậc, tạo thêm
sức mạnh to lớn chống "DBHB". Giá trị sâu sắc của các tác phẩm mang tính chiến đấu
trên hệ thống TTĐC là đưa định hướng chính trị, tư tưởng đúng đắn của Đảng vào nhận
thức của đông đảo quần chúng. Đây được coi là một xuất phát điểm của những tác động
dây chuyền mang tính chiến đấu.
Những hạn chế, bất cập của các phương tiện TTĐC trong cuộc đấu tranh chống
"DBHB"
Thành tựu của các phương tiện TTĐC trong cuộc đấu tranh chống "DBHB" rất
lớn, đạt được trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tuy nhiên, cũng còn nhiều biểu hiện yếu
kém, bất cập đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng khắc phục, đó là:
Tính chiến đấu còn yếu, như "mưa phùn gió nhẹ"; chưa kịp thời phổ biến những
kinh nghiệm tốt, phê phán các quan điểm sai trái, uốn nắn những khuynh hướng lệch lạc;
còn thụ động và thiếu sắc bén trong đấu tranh chống các luận điệu thù địch. Một số báo
chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, coi nhẹ chức năng tuyên truyền, giáo dục chính
trị, tư tưởng, né tránh đề cập hoặc chỉ đề cập hời hợt những chủ đề, sự kiện chính trị quan
trọng của đất nước. Đã có những tin, bài, hình ảnh có nội dung tư tưởng, quan điểm sai
trái. Một số ít bài có nội dung lệch lạc và sai phạm khá nghiêm trọng về chính trị, nhưng
việc xử lý không kịp thời, không nghiêm khắc. Có không ít những tin, bài khi cho đăng
không được cân nhắc kỹ, để cho các thế lực thù địch khai thác, lợi dụng đả kích, nói xấu
chế độ ta.
Chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nhất là chất lượng chính trị của một số ấn
phẩm báo chí còn thấp. Tính chiến đấu trên các phương tiện TTĐC nhìn chung chưa cao,
chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời thực tiễn cách mạng sôi động và đời sống xã hội muôn
màu muôn vẻ. Có một số bài báo sai phạm về chính trị như phủ nhận truyền thống của
dân tộc và những thành tựu của cách mạng, của hai cuộc kháng chiến vừa qua, tuyên
truyền đề cao chủ nghĩa tư bản. Do thiếu nhạy cảm về chính trị, một số bài báo đề cập
đến các vấn đề tôn giáo, lịch sử, văn hoá quan hệ quốc tế... chưa được xem xét, cân nhắc
thận trọng về nội dung, nên đã gây ra những tác động xấu. Những yếu kém này đã vô tình
tiếp sức cho kẻ địch trong âm mưu "DBHB".
Bên cạnh đó chưa chú ý đúng mức để có sự phối hợp đồng bộ giữa các loại hình
và hình thức TTĐC; giữa TTĐC với các ấn phẩm về khoa học, văn học nghệ thuật. Đó là
chưa nói đến sự phối hợp các loại hình khác của công tác tư tưởng và văn hoá như hội
thảo, diễn đàn, toạ đàm... và tất cả các hoạt động tuyên truyền mà các cơ quan tuyên giáo,
văn hoá, giáo dục các cấp và các đoàn thể cần làm.
Tinh thần đấu tranh và kỹ năng đấu tranh của đội ngũ những người làm công tác
tuyên truyền trên các phương tiện TTĐC chưa đồng đều, còn nhiều yếu kém, làm hạn chế
đến hiệu quả của cuộc đấu tranh chống "DBHB" qua các phương tiện TTĐC.
2. Vai trò, nhiệm vụ của các phương tiện TTĐC đối với việc đấu tranh chống
"DBHB" hiện nay
Cuộc đấu tranh giữa chống "DBHB" và "DBHB" dù có đa dạng, uyển chuyển đến
đâu, thì nó vẫn là cuộc đấu tranh về ý thức hệ, là cuộc đấu tranh giai cấp, là cuộc đấu
tranh bảo vệ những giá trị chân chính của dân tộc. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, một
mất một còn, không thể điều hoà. Không phải chỉ khi gây chiến tranh xâm lược, các thế
lực thù địch mới có cơ hội để triển khai tổng lực. "DBHB", xét theo nghĩa rộng cũng là
một cuộc huy động tổng lực. Vì vậy, chống "DBHB", đương nhiên, đòi hỏi phải huy
động tổng lực. Các phương tiện TTĐC cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được,
nhanh chóng khắc phục những yếu kém, bất cập. Tích cực và chủ động để tiếp tục cuộc
đấu tranh chống "DBHB". Cụ thể là:
Thứ nhất, hệ thống các phương tiện TTĐC phải thể hiện vai trò "là tiếng nói của
Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của nhân dân, luôn
luôn đi đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước"(1), hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu
tranh chống "DBHB", bảo vệ thành quả của cách mạng và của sự nghiệp đổi mới theo
định hướng XHCN. Trong đó nhiệm vụ được coi trọng hàng đầu là tuyên truyền, định
hướng dư luận, đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và
tính đa dạng.
(1) Vũ Hiền, Trần Quang Nhiếp (chủ biên), Sđd, tr.91.
Các phương tiện TTĐC thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm xây dựng nền
tảng tinh thần của con người và xã hội, trong đó làm tốt công tác giáo dục truyền thống,
định hướng hệ giá trị, bồi dưỡng bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ một
cách thiết thực, sâu rộng.
Thứ hai, trong cuộc giao tranh này, phương tiện TTĐC phải thể hiện tính toàn
diện, tính tổng lực. Nghị quyết của Đại hội Đảng khoá IX đã thể hiện rất rõ ràng, Nghị
quyết Đại hội Đảng khoá X tiếp tục khẳng định nhiệm vụ đấu tranh chống DBHB. Vì
vậy, các cơ quan tư tưởng của Đảng cần cụ thể hoá nghị quyết chung, giúp Đảng tạo nên
thế trận đồng bộ và chủ động. Chúng ta phải "nhìn xa thấy trước, dự đoán, xét đúng diễn
biến đấu tranh và các vấn đề đặt ra cho TTĐC của chúng ta, chủ động dự báo và chỉ đạo,
đó là cách tạo ra động lực hữu hiệu cho các cơ quan TTĐC tiến hành có hiệu quả cuộc
đấu tranh chống "DBHB".
Thứ ba, Cuộc đấu tranh chống "DBHB" đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác
TTĐC phải đồng đều, phải có phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng, trình độ chính trị,
tư tưởng, nghề nghiệp vững vàng, dám tác chiến và biết tác chiến. Bên cạnh đó, vấn đề
đặc biệt quan trọng nữa là vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Họ phải là linh
hồn của mỗi cơ quan TTĐC. Điều này đòi hỏi mỗi nhà lãnh đạo, quản lý thấy rõ vinh dự
lớn lao và trách nhiệm nặng nề để cố gắng, phấn đấu luôn giành thắng lợi cho sự nghiệp
thiêng liêng của dân tộc, của Đảng.
Thứ tư, không ngừng tăng cường đầu tư trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các cơ
quan TTĐC, tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị, các bộ phận trong "binh
chủng" tuyên truyền trước những sự kiện và tình huống mới nảy sinh, nhằm đảm bảo
tiếng nói thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền.
Thứ năm, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW ngày 17/10/1997 của Bộ
Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất
bản. Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí, xuất
bản, ấn phẩm, băng hình, băng nhạc, các chương trình phát sóng v.v... không để địch lợi
dụng những sơ hở và đánh phá từ đó.
kết luận
"DBHB" ngày nay đã được triển khai với cường độ ngày càng cao, quy mô càng
lớn, thủ đoạn ngày càng thâm hiểm, xảo quyệt, tinh vi. Các thế lực phản động thực hiện
"DBHB" có địa chỉ cụ thể, được ưu tiên đầu tư và tăng cường phương tiện. Chúng đã đưa
ra chiến lược 4 mũi nhọn để "DBHB" là: làm tan rã niềm tin; đầu tư chiếm lĩnh thị
trường; lợi dụng ngoại giao thân thiện để thâm nhập, tiếp xúc; khoét sâu mâu thuẫn nội
bộ. Những phương pháp thực hiện chiến lược này là tìm mọi cách chuyển hoá nội bộ, mà
trước hết là chuyển hoá tư duy và định hướng phát triển, thúc đẩy quá trình chệch hướng,
chú trọng chiến thuật "tự diễn biến", sử dụng các hình thức viện trợ, dân chủ, nhân quyền...
để tấn công làm thay đổi chế độ xã hội hiện nay ở Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện cải cách đổi mới, tăng cường giao lưu hợp tác văn hoá,
chúng ta phải không ngừng nâng cao cảnh giác, nắm vững những âm mưu thủ đoạn
"DBHB" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Đặc biệt cần chú ý là
thủ đoạn sử dụng thế mạnh về TTĐC, các phương tiện nghe, nhìn hiện đại để truyền bá
quan điểm "tự do, dân chủ, nhân quyền" tư sản. Song, các thế lực thù địch có thực hiện
được hay không chiến lược "DBHB" của chúng, điều đó rõ ràng hoàn toàn không phụ
thuộc vào ý muốn của chúng. Nếu bản thân chúng ta vững vàng, nếu chúng ta quán triệt
sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách và các quan điểm của Đảng, các phương tiện
TTĐC của ta sắc bén, thì chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được nguy cơ "DBHB". Trong cuộc
đấu tranh này, hệ thống các phương tiện TTĐC đóng vai trò hết sức quan trọng. Phương tiện
TTĐC đang thật sự góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi chiến lược "DBHB" hết sức thâm
độc và nham hiểm của kẻ thù.
tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đỗ Hoàng: Bàn về diễn biến hoà bình, Nxb Công an nhân dân, H., 1992.
2. Vũ Hiền, Trần Quang Nhiếp (chủ biên): Báo chí trong đấu tranh chống "DBHB",
Nxb CTQG, H., 2000.
3. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương: Quyết tâm làm thất bại chiến lược "DBHB",
(Tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ), Nxb CTQG, H., 1994.
4. Học viện CTQG Hồ Chí Minh - Viện Quan hệ Quốc tế: Giáo trình QHQT, (hệ cử
nhân chính trị), H., 1999.
5. Học viện CTQG Hồ Chí Minh - Viện Quan hệ Quốc tế: Tập bài giảng Quan hệ quốc tế
(chương trình cao cấp lý luận chính trị), Nxb LLCT, H., 2004.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb
CTQG, H., 2001.
7. Văn phòng TW Đảng CSVN: Kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng
CSVN (Đề cương thông báo nhanh), Nxb CTQG, H., 2006.
8. Học viện CTQG Hồ Chí Minh - Viện Văn hoá và Phát triển: Giáo trình lý luận văn
hoá và đường lối văn hoá của Đảng CSVN (dùng cho hệ lý luận cao cấp), Nxb LLCT,
H., 2006.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 13_0631.pdf