Tiểu luận Môn học chiến lược kinh doanh - Chìa khóa thành công cho kinh doanh nhà hàng phở cao cấp

I. Phân tích môi trường vĩ mô 1. Các yếu tố văn hoá 2. Các yếu tố chính trị - luật pháp 3. Các yếu tố kinh tế 4.Yếu tố dân cư 5. Yếu tố tự nhiên 6. Yếu tố công nghệ II. Phân tích môi trường ngành 1. Phân tích áp lực từ phía nhà cung cấp 2. Áp lực cạnh tranh từ phía khách hàng 3. Áp lực cạnh tranh từ đối thủ tiềm ẩn 4. Sản phẩm thay thế 5. Phân tích áp lực cạnh tranh từ nội bộ ngành B. PHÂN TÍCH CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC 1. Về thuận lợi 2. Về thách thức C. CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG(KFS)

doc16 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2746 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Môn học chiến lược kinh doanh - Chìa khóa thành công cho kinh doanh nhà hàng phở cao cấp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Nói đến món ngon Hà Nội, phở luôn được đặt lên hàng đầu, như nhà văn Thạch Lam đã nói: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng nơi đây mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối” . Còn nhà văn Vũ Bằng từng viết: "Phở là món ăn điểm tâm của tất cả người Việt. Người Việt có thể không ăn cái này, cái kia, nhưng chắc chắn ai cũng đã từng ăn phở. Mà phở ngon nhất là phở Hà Nội. Hễ cứ trông thấy người Hà Nội ăn phở thì đố ai mà ngưng lại được cái sự phải... ăn theo". Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúỵ Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại . Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết. Phở còn được gọi là món “ quốc hồn, quốc túy” của người Việt mà bạn bè quốc tế biết đến. Như vậy, chúng ta có thể thấy phở không chỉ là một món ăn thông thường mà phở còn là một nét ẩm thực quyến rũ không chỉ với người Việt mà cả với người nước ngoài khi tìm hiểu về Việt Nam. Những năm gần đây, sự hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa nhất là khi đời sống người dân ngày càng tăng cao thì nhu cầu ăn nhanh, ăn ngon, “ăn sạch” cũng tăng lên nhanh chóng, để đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt các nhà hàng phở cao cấp ra đời. Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp hiện nay, qua đó chúng ta có thể thấy được các điểm mạnh, điểm yếu và rút ra chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp đang và sẽ tham gia vào ngành kinh doanh này. A. TỔNG QUAN NGÀNH KINH DOANH NHÀ HÀNG PHỞ CAO CẤP Trước hết là những cái nhìn khái quát cho lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống nói chung. Xưa nay, truyền thống gia đình, văn hóa làng xã và thành kiến “cơm đường cháo chợ” đã kìm hãm sự phát triển nền kinh doanh nhà hàng của Việt Nam. Từ thập niên 50 đến 70, đường như ta chỉ có hàng quán, gánh bán độc một món như phở, bún, cháo... Các nhà hàng lớn của Việt Nam đều do các trùm người Hoa hay Ấn Độ điều hành với những dải liên hoàn Đại tửu lầu, Mã Nhật Tân... mà thực khách là những thương gia, sĩ quan và khách nước ngoài. Hình thức thì phục vụ ngày chẵn lẻ thay đổi giữa các món Âu - Á. Những nhà hàng như thế, tồn tại suốt mấy chục năm như một cấm cung mà dân thường chỉ đứng ngắm từ xa. Từ thập niên 80, ngành kinh doanh ăn uống mới bắt đầu hưng vượng và bùng phát trong thập niên gần đây. Theo số liệu thống kê mới đây, có 45% người thành thị thường xuyên ăn cơm ngoài phố. Nhờ đó, số thực khách đã tăng lên nhanh chóng. Chưa bao giờ người dân Việt Nam lại có lối sống hưởng thụ như những năm gần đây, nhu cầu “ đi ăn nhà hàng”, ăn nhanh trở thành phổ biến. Điều đó đã lý giải cho sự phát triển nhanh chóng ngành kinh doanh nhà hàng cao cấp. Đến mức có rất nhiều cách thức kinh doanh thương mại khác nhau, nhưng phần lớn khi mọi người nghĩ đến chuyện kinh doanh thương mại, cái đầu tiên mà họ nghĩ đến là dịch vụ ăn uống. Sự thành công và lớn mạnh của rất nhiều chi nhánh lớn kinh doanh đồ ăn nhanh đã minh chứng đây là một điều rất hiển nhiên. Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng ăn nhanh ra đời, cung cấp đa dạng các món ăn nhanh từ cơm, phở, bún, miến, bánh mỳ, đến những món như gà rán, cơm gà hay các món ăn có hương vị “ ngoại quốc”…đến từ nhiều quốc gia khác. Trong đó không thể không nhắc tới 2 tên tuổi nổi tiếng kinh doanh mặt hàng phở dưới dạng các nhà hàng ăn uống cao cấp là Phở 24 vả Phở Vuông. Sau đây, nhóm chúng tôi xin đi sâu vào phân tích tổng quan ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp trên địa bàn Hà Nội. Đây là một bộ phận của ngành kinh doanh fastfood (đồ ăn nhanh), mang một số đặc trưng nhất định như : Có thương hiệu, hình ảnh; có hệ thống các nhà hàng với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách bài trí cửa hàng, đội ngũ nhân viên phục vụ, cách thức chế biến món ăn… I. Phân tích môi trường vĩ mô 1. Các yếu tố văn hoá Phở ra đời và gắn bó rất lâu với người dân Việt nam. Hà Nội, với ngàn năm văn hiến được coi là cái nôi của phở. Người Hà Nội chọn phở là đồ ăn sáng, ăn trưa, ăn tối hay có thể nói người ta ăn phở bất cứ khi nào. Tuy nhiên theo chiều dài lịch sử, thời gian chảy trôi, các giá trị văn hóa cũng có những biến đổi. Phở là 1 trong các giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, do đó phở cũng vậy.Trước đây, khoảng đầu thế kỷ 20, phở được bày bán dưới dạng các hàng quà, hàng phở là những gánh phở. Do vậy, nơi bán phở thường là vỉa hè, các gánh phở có thể di chuyển dễ dàng. Sau đó, các hàng phở với những băng ghế dài, chật hẹp ra đời. Ngày nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giao lưu văn hóa… kéo theo hàng loạt sự thay đổi khác như hàng loạt các công trình, quán xá mọc lên, Hà Nội ít hữu tình hơn xưa, các gánh hàng phở rong mất dần, các nhà hàng sang trọng xuất hiện. Xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện” song nay tục ăn trầu dường như không còn phổ biến như trước nữa. Các ông chủ lớn muốn kí kết được hợp đồng giá trị thì không gian cũng là một trong những yếu tố quyết định. Quan hệ xã hội phức tạp hơn, người Hà Nội tìm đến những nhà hàng có không gian đẹp, sạch sẽ, thoáng mát và dịch vụ tốt ngày càng nhiều. Ngoài ra nhắc tới phở người ta vẫn nói Phở là món ăn “quốc hồn, quốc túy” của người Việt được bạn bè quốc tế biết đến. Ai đến Hà Nội cũng muốn được thưởng thức phở, thưởng thức món ăn mang đậm văn hóa Việt, bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước lâu đời. Tìm hiểu văn hóa Việt, tìm hiểu Hà Nội không thể không tìm đến phở. Vì vậy yếu tố văn hóa là một thuận lợi cho ngành kinh doanh nhà hàng Phở cao cấp. 2. Các yếu tố chính trị - luật pháp Ổn định chính trị là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư an tâm kinh doanh. Việt Nam được đánh giá là một đất nước có tình hình chính trị ổn định. Môi trường kinh doanh an toàn và ngày càng hoàn thiện chính là một thuận lợi không chỉ cho ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp mà còn cho cả các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác, ổn định chính trị còn là yếu tố hấp dẫn khách du lịch, lượng khách du lịch tăng là cơ hội cho ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp. Tuy nhiên bên cạnh đó yếu tố pháp luật lại vẫn còn nhiều điều bất cập khiến cho sự bảo hộ về quyền sở hữu ở nước ta còn lỏng lẻo không nghiêm ngặt. Đây chính là thách thức đối với các đơn vị kinh doanh. Ví dụ như trong trường hợp của Phở 5 Sao có sự sao chép của Phở 24. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín cũng như thương hiệu của Phở 24, biểu hiện của hạn chế trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Và do đó cách mà các doanh nghiệp chân chính lựa chọn chính là xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh. 3. Các yếu tố kinh tế Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Quá trình công nghiệp hóa tác động tới tất cả các lĩnh vực làm cho con người ta cũng bận rộn hơn, cuộc sống trở nên hối hả, tấp nập hơn. Phong cách làm việc công nghiệp như là một đòi hỏi tất yếu. Đời sống tăng cao, nhu cầu người dân Hà Nội cũng thay đổi, người ta không tìm đến các quán phở đơn giản chỉ để ăn như xưa mà còn để thưởng thức không gian thoáng mát, đón nhận sự phục vụ tận tình vì tâm lý khách hàng là thượng đế. Một thuận lợi cho ngành là những bước tiến về kinh tế trong những năm gần đây cùng với sự gia nhập các tổ chức quốc tế (WTO, AFTA…) làm cho hình ảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn khách quốc tế và các nhà đầu tư đến với Việt Nam nhiều hơn, món phở cũng được người ta biết đến nhiều hơn. Ngay cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, khi lần đầu tiên đến Việt Nam cũng không thể không nếm thử món ngon này. Kinh tế phát triển kéo theo những biến đổi trong xã hội, giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ từ phim ảnh, báo chí đến lối sống, quan niệm…(như đã phân tích ở phần yếu tố văn hóa), chưa bao giờ người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng lại chú tâm đến đời sống hưởng thụ như hiện nay, mở cửa nền kinh tế còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu văn hóa kinh doanh thế giới là những cơ hội cho ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp phát triển. Tuy nhiên, sự hội nhập, mở cửa nền kinh tế cũng đem lại thách thức cho các doanh nghiệp nói chung và cho ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp nói riêng. Mở cửa nền kinh tế đồng nghĩa với chấp nhận sự tham gia của nhiều hãng kinh doanh tên tuổi khác, có thể kể đến KFC, Loterria,… hay sự đe dọa từ Mc Donal… Cạnh tranh với họ là một thách thức không hề nhỏ. 4.Yếu tố dân cư Theo điều tra dân số mới nhất chúng tôi được biết, dân số Hà Nội hiện nay đã hơn 3 triệu người, xu hướng còn gia tăng do Hà Nội còn được mở rộng ra các vùng lân cận, qui mô dân số đông là một thuân lợi. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội công bố ngày 31/12/2007, thu nhập bình quân của một hộ gia đình (4 người) ở Hà Nội là 49,788 triệu đồng.Về mức chi tiêu, bình quân một người dân Hà Nội chi từ thu nhập cho ăn, uống, sinh hoạt năm 2006 là 407 ngàn đồng/tháng, chiếm 49% tổng chi cho đời sống nói chung, tỷ lệ % dân số Hà Nội có thu nhập cao chiếm tỷ trọng còn thấp, nhưng với xu hướng mức sống ngày càng cao dự báo cầu sẽ tăng, vì vậy đây chính là một cơ hội cho ngành kinh doanh nhà hàng phở phát triển hơn nữa trong tương lai. Hà Nội là thủ đô của Việt Nam - Nơi hội tụ đa dạng nhiều đặc điểm văn hóa khác nhau do người dân sống ở Hà Nội gồm rất nhiều thành phần và đến từ nhiều miền đất nước, nhiều quốc gia khác nhau nên khẩu vị ăn uống cũng có nhiều khác biệt giữa các nhóm đối tượng vì vậy để tìm ra một khẩu vị chung, một công thức nấu ăn chung nhất là một thách thức với ngành kinh doanh này. Ngoài ra, xét về yếu tố dân cư trong vai trò là nguồn nhân lực đầu vào cho ngành, có thể thấy một thuận lợi cho các doanh nghiệp là có thể tận dụng nguồn nhân công rẻ để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên phải được đào tạo cẩn thận vì nguồn nhân công rẻ chủ yếu chưa qua đào tạo, thường mới chỉ ở trình độ phổ thông nên chất lượng ban đầu có thể yếu kém. 5. Yếu tố tự nhiên Khí hậu nhiệt đới với sự đa dạng nguồn nông sản - nguồn nguyên liệu đầu vào của phở - là một thuận lợi cho các doanh nhiệp cho sự kiếm tìm nguồn nguyên liệu. Khí hậu bốn mùa đa dạng không là khó khăn cho ngành bởi “mùa nào thức ấy”, ngược lại theo chúng tôi, các nhà hàng phở cao cấp còn có ưu điểm so với các quán ăn thông thường, bình dân khác ở chỗ họ có hệ thống điều hòa không khí thuận lợi trong điều chỉnh nhiệt độ phòng ăn, điều mà các quán ăn thông thường không có được. 6. Yếu tố công nghệ Sự tiến bộ về công nghệ tác động tới tất cả các ngành. Các nhà hàng phở ngày nay có thể dễ dàng, thuận lợi hơn trong khâu bảo quản, chuyên chở nhanh chóng nguyên liệu và cả khâu giao hàng. Thời gian được rút ngắn hơn, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được bảo đảm hơn. Đó là cơ hội cho ngành. Tuy nhiên với đặc trưng của ngành kinh doanh dịch vụ cao cấp, là một bộ phận của ngành fast food, chịu áp lực không nhỏ từ các cửa hàng ăn nhanh khác. Công nghệ phát triển đồng nghĩa với khả năng cải tiến kỹ thuật chế biến, ra đời nhiều món ăn, nhiều khẩu vị, phong cách khác nhau, phở là một món ăn truyền thống, nên thách thức ở đây chính là làm sao để kết hợp hài hòa giữa yếu tố công nghệ và duy trì đặc trưng sản phẩm mang tính văn hóa truyền thống. II. Phân tích môi trường ngành 1. Phân tích áp lực từ phía nhà cung cấp Trong thị trường phở cao cấp, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm phở gồm có: bánh phở; các loại thịt, xương bò, gà; các loại rau; gia vị… Hầu hết đây đều là những nguyên liệu phổ biến, dễ tìm ở hầu hết các vùng miền. Tại Hà Nội, 2 hệ thống nhà hàng phở lớn là "Phở 24" và "Phở Vuông" lại có các cách cung cấp nguồn nguyên liệu cho riêng mình. Đối với Phở 24, một bát phở được chế biến từ 24 thành phần nguyên liệu như xương bò, thịt bò, các loại gia vị… để thành món phở hoàn chỉnh. Phở 24 đã tự sản xuất bánh phở cho riêng mình, bánh phở hoàn toàn không sử dụng hoá chất như formol, hàn the để bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng. Ngoài ra nước dùng của Phở 24 không sử dụng bột ngọt, mỳ chính mà lấy từ xương ống bò ninh nhừ trong vòng 24 tiếng. Các nhà hàng trong hệ thống của Phở 24 phải luôn luôn tuân thủ nguyên tắc khắt khe đó là phải lấy nguyên liệu từ một nguồn duy nhất do bên công ty sở hữu thương hiệu Phở 24 cung cấp. Đó là An Nam group, công ty có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 12 tháng 9 năm 2006, An Nam group đã được Vina Capital đầu tư 3 triệu đôla Mỹ để thành lập hệ thống "bếp trung tâm", nhà máy sản xuất phở và gia vị phở, từ đó các nhà máy nhập nguyên liệu tại các vùng lân cận và tiến hành sản xuất, sau đó phân phối cho tất cả các nhà hàng trong và ngoài nước trong hệ thống của mình. Đặc biệt họ đã cố gắng đầu tư để có thể chủ động nguyên liệu đầu vào. Trong thời gian tới, Phở 24 dự kiến sẽ xây dựng các trang trại để làm nguồn cung cấp thịt, xương gia súc cho toàn bộ hệ thống. Như vậy, họ chủ động được vấn đề chất lượng sản phẩm bởi có một tiêu chuẩn chung về chất lượng trong toàn bộ hệ thống Phở Vuông lại không làm như vậy. Họ không tự sản xuất bánh phở cũng như các loại gia vị khác mà lại lấy từ các nhà cung ứng khác nhau. Bánh phở tại Phở Vuông được lấy từ cơ sở uy tín nhất Hà Nội đã được kiểm định và chứng nhận đảm bảo không có foocmôn và các hóa chất bảo quản có hại khác. Bột để làm bánh phở được pha trộn theo một công thức gia truyền và được tráng bằng tay nên mỏng mềm mà không nát. Xương để nấu nước dùng phải là loại xương ống tươi ngon, lấy từ những nhà cung cấp uy tín. Gia vị cho vào nước dùng gồm nhất nhiều loại, trong đó không thể thiếu là sá sùng, quế hồi, thảo quả… được ninh trong 14 tiếng để tạo nên vị ngọt tự nhiên của nước dùng và hương thơm đặc trưng của phở Hà Nội. Hầu hết các nguyên liệu đầu vào để sản xuất phở của Phở Vuông đều được lấy từ những nguồn cung ứng được đánh giá là khá ổn định. Chính từ những yếu tố trên, chúng ta đều nhận thấy qua đặc điểm của sản phẩm phở rằng các nguyên liệu đều sẵn có và dễ được cung cấp. Số lượng (qui mô) nhà cung cấp rất lớn, chi phí chuyển đổi không cao do theo như phân tích về phần vĩ mô chúng ta có thể thấy rằng ngành kinh doanh nhà hàng phở có thuận lợi lớn do khí hậu nhiệt đới cho phép chúng ta sở hữu nguồn nông sản phong phú, đa dạng. Hơn nữa, nước ta là một nước mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ người lao động trong khu vực nông thôn còn lớn nên theo chúng tôi đánh giá, áp lực từ nhà cung cấp là nhỏ. Có thể đánh giá ở mức 3/10 điểm. 2. Áp lực cạnh tranh từ phía khách hàng Chúng tôi chia khách hàng thành 2 nhóm: - Khách hàng lẻ: Mục tiêu mà các nhà hàng phở cao cấp này hướng tới là những người có thu nhập cao, nhân viên văn phòng và khách du lịch. Yếu tố giá là vấn đề không lớn với các khách hàng mục tiêu, mặt khách mức giá mà các nhà hàng phở cao cấp đưa ra là hợp lý và ở mức thấp hơn so với các nhà hàng ăn nhanh cao cấp khác.Qua tìm hiểu chúng tôi được biết cơ cấu khách hàng của các nhà hàng phở cao cấp hiện nay khoảng 30% là khách nước ngoài và 70% khách Hà Nội. + Xét về qui mô tương đối khách hàng lẻ: Theo như phần phân tích các yếu tố vĩ mô có thể thấy lượng khách hàng đông và có xun hướng gia tăng, trong ngành hiện nay mới có 2 thương hiệu nổi tiếng là Phở 24 và Phở Vuông vì vậy có thể thấy quy mô tương đối khách hàng lớn. + Mức độ thủy chung của khách hàng: Theo xu thế phát triển đất nước, mức sống ngày càng được nâng cao. Bữa ăn đối không chỉ đơn giản là để tồn tại, mà đó còn là nét văn hóa là lối sống là phong cách riêng của mỗi người. Sự hài lòng của nhóm KH này không những trên cơ sở phở phải ngon, khẩu vị phải phù hợp mà còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những dịch vụ đi kèm theo nó như không gian thoáng đãng, cách bài trí đẹp mắt, phong cách phục vụ chuyên nghiệp chu đáo… Sự không hài lòng ở bất cứ điểm nào của nhà hàng đều có thể làm cho khách hàng tìm đến một nhà cung ứng dịch vụ khác cho mình, do dó chiều lòng các thượng đế là yêu cầu tất yếu để họ tồn tại. Như vậy có thể thấy áp lực cạnh tranh từ khách hàng lẻ là rất lớn và chủ yếu đến từ phía chất lượng sản phẩm và dịch vụ. - Các nhà phân phối: Nhà phân phối được hiểu là các cá nhân, doanh nghiệp… được ủy quyền kinh doanh mặt hàng, có vai trò là người đại diện cung ứng trực tiếp sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng. Nhà phân phối có thể bỏ vốn trực tiếp kinh doanh (mô hình của Phở 24) hoặc chỉ là đại lý, đại diện bán và hưởng lợi nhuận từ doanh thu( mô hình của Phở Vuông). Với Phở Vuông, tới nay mới chỉ có 3 nhà hàng tại Hà Nội, số lượng nhà phân phối nên quản lý hoạt động của các nhà hàng sẽ dễ dàng hơn, các nhà hàng đều tuân theo cùng một sự chỉ đạo chung nhất nên có thể thấy áp lực từ nhà phân phối là nhỏ. Còn với Phở 24, là một thương hiệu mạnh, hệ thống không chỉ có trên cả nước mà còn vươn xa ra nước ngoài. Riêng tại Hà Nội, tính đến tháng 03 năm 2008 có tới 10 nhà hàng. Phở 24 đi theo mô hình nhượng quyền thương hiệu (franchise) vấn đề về nhà phân phối có phức tạp hơn. Khi mở them 1 nhà hàng tức them một nhà phân phối thì sự lựa chọn đối tác không đơn giản, ví dụ như nhà đầu tư mua franchise nhưng thiếu kinh nghiệm điều hành nên khó cho ra những quyết định đúng đắn, mô hình chuyển nhượng không hiệu quả làm ảnh hưởng tới hình ảnh chung của thương hiệu. Vì vậy nhà phân phối có tầm quan trọng rất lớn. Lựa chọn đối tác đối với phở 24 để mở rộng mạng lưới bán hàng của mình cũng rất quan trọng, phở 24 làm gi? Phía đối tác mua Franchise của phở 24 phải gửi ít nhất một nhân viên quản lý, một nhân viên bếp, và một đại diện chủ đến trung tâm để được huấn luyện miễn phí. Các nhân viên này sau đó sẽ cùng đội ngũ chuyên gia của tập đoàn huấn luyện toàn bộ đội ngũ nhân viên của cửa hàng. Nguồn đầu vào cũng được kiểm soát nghiêm ngặt, cách bài trí của cửa hàng cũng phải theo chủ thương hiệu đề ra. Điều đó làm giảm áp lực từ nhà phân phối đến phở 24. Từ những phân tích trên áp lực từ phía nhà phân phối đến ngành là nhỏ.Đánh giá chung theo chúng tôi áp lực đến từ khách hàng ở khoảng 7.5/10 điểm. 3. Áp lực cạnh tranh từ đối thủ tiềm ẩn Kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng phở cao cấp hiện nay là ngành có khả năng sinh lời cao, trong ngành mới chỉ có 2 doanh nghiệp; qui mô khách hàng lớn và có xu hướng gia tăng hứa hẹn một thị trường hấp dẫn.Trước hết chúng tôi nói về các rào cản gia nhập ngành: - Rào cản về thương hiệu. Thương hiệu phở 24 và phở vuông đã trở lên rất nổi tiếng. Mạng lưới tiếp thị và quảng cáo phủ sóng khắp cả nước cũng là một thế mạnh. Để có được thương hiệu như vậy đòi hỏi quá trình phấn đấu, nỗ lực lâu dài của tất cả các bộ phận trong hệ thống nhà hàng. Thực tế cho thấy xu hướng tìm đến các mặt hàng tên tuổi, có thương hiệu ngày càng ra tăng. Do đó rào cản về thương hiệu là rất lớn. - Rào cản về kỹ thuật. Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng phở đòi hỏi một yếu tố kỹ thuật chế biến riêng, cách trang trí trong quán phải đặc sắc để có thể thu hút được khách hàng về phía mình. Việc kinh doanh nhà hàng đang rơi vào tay các nhà quản lý chuyên nghiệp về mọi mặt, đòi hỏi phải có óc nghệ thuật và cả tính kỹ thuật trong ẩm thực. Giới kinh doanh gọi đó là “phép song thuật”. Nhưng trong nền kinh tế mở, đầy sôi động như hiện nay, mọi cái đều có thể vì vậy những đòi hỏi đó sẽ là không quá khó để thực hiện. - Rào cản về mặt tài chính Theo chúng tôi đuợc biết, tổng chi phí đầu tư cho cửa hàng Phở 24 tại Việt Nam khoảng 50.000 – 60.000USD bao gồm phí nhượng quyền, chi phí xây dựng cải tạo mặt bằng, mua sắm trang thiết bị. Cũng theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế thì để mở một nhà hàng cao cấp, số vốn ban đầu khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý nữa là chi phí để đầu tư về nội thất chiếm khoảng 70-80(%). Các chuyên gia cũng cho rằng nên dành ra khoảng 30% tổng vốn ban đầu để dụ phòng. Đây là khoản tiền lớn với những nhà kinh doanh nhỏ nhưng sẽ là không lớn với những nhà đầu tư lớn hoặc chủ thuơng hiệu áp dụng hình thức franchise. - Rào cản về nguồn lực: Thành công cho lĩnh vực này có sự đóng góp rất lớn từ phía đội ngũ nhân viên. Đặc biệt đã qua tuyển chọn và đào tạo gắt gao, sở hữu đội ngũ nhân viên có chất lượng là một rào cản không nhỏ cho các doanh nghiệp muốn gia nhập ngành. Qua phân tích trên cho thấy sức hấp dẫn của ngành lớn, rào cản gia nhập ngành chủ yếu về yếu tố thương hiệu. Nếu chia đối thủ tiềm ẩn thành 2 nhóm: Nhóm các nhà hàng phở cao cấp nhưng qui mô nhỏ, chưa thành các thương hiệu mạnh nhưng cũng đạt được tiếng tăm nhất định, ví dụ như Phở Cali, phở Uông, Phở Cường… Và nhóm các hàng phở truyền thống như: Phở Thìn, Phở Bát Đàn, Phở Nhớ, Phở Hàng Đồng, Hàng Cót… Là những tên tuổi mà những người yêu phở không thể không biết đến. Lợi thế của họ là sở hữu những bí quyết chế biến đặc sắc, lâu đời và tồn tại lâu đời ở Hà Nội. Sẽ là mối đe dọa rất lớn nếu các nhà hàng phở này cũng chọn cách thức bán hàng như các nhà hàng phở cao cấp hiện nay. Thì trong tương lai, khi lối sống hưởng thụ ngày càng phổ biến, nhu cầu tìm đến các nhà hàng sang trọng, lịch lãm, dịch vụ tốt càng cao, các tên tuổi này có thể vươn lên bất cứ lúc nào. Miếng bánh thị trường bị chia sẻ là điều dễ xảy ra. Vì vậy có thể nói áp lực từ đối thủ tiềm ẩn là lớn. Theo nhận định của chúng tôi, áp lực từ đối thủ tiềm ẩn là 7/10 điểm. 4. Sản phẩm thay thế Trước hết, nói về nhu cầu của khách hàng, họ tìm đến Phở cao cấp trước hết là tìm đến sản phẩm ăn nhanh nhưng quen thuộc với người dân Việt và hưởng thụ không gian sang trọng, dịch vụ có chất lượng cao. Để thay thế cho nhu cầu đó, đầu tiên có thể kể đến sản phẩm đồ ăn nhanh của các hãng nổi tiếng như BBQ, KFC, Lotteria, Starbuck, Mc Donal… Các sản phẩm đồ ăn nhanh của KFC, BBQ hiện giờ đang được ưa chuộng tại Hà Nội. KFC đã mở rộng quy mô của mình rất nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2006, tại Hà Nội mới chỉ có 1 cửa hàng KFC, vậy mà chỉ trong vòng có 3 năm, số cửa hàng của KFC đã vượt quá con số 5. KFC chuyên cung cấp các món ăn được chế biến từ gà như cánh gà rán, đùi gà rán, cơm gà, hambuger gà…Các cửa hàng KFC được bố trí nội thất khá sang trọng. Bàn ghế, điều hòa nhiệt độ, hệ thống các khu vực vệ sinh… tạo ra cho nhà hàng một phong cách rất lịch sự. Lối phục vụ công nghiệp là điều dễ nhận thấy. BBQ cũng vậy, hiện nay tại Hà Nội, BBQ đã có 3 cửa hàng BBQ Chicken, cũng chuyên các món ăn về gà nhưng mang hương vị Hàn Quốc. Ngoài các món ăn từ gà ra, pizza và spaghetty cũng được thực khách quan tâm, đồ ăn nhanh đang dần đi vào đời sống ẩm thực của người Hà Nội. Hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán pizza và spaghetty như Hoa Quỳnh, Spa box,…Bên cạnh thương hiệu “ông lớn” của nước ngoài, một số thương hiệu của Việt Nam đã “phát tài” lớn, nhờ biết chuyển hướng, biến dần thức ăn truyền thống qua dạng fast - food, dù chỉ là fast - food nửa vời, như bánh mì Như Lan, Hà Nội, Kinh Đô, Đức Phát. Những chiếc bánh kèm theo giò thủ, pate, đùi gà, dưa chua, sốt… đã trở thành những túi thức ăn nhanh, tiện lợi cho người bận rộn, hay du lịch, tiệc hội nhỏ tại nhà mà không phải nấu nướng.Cơm vẫn luôn là món ăn gắn liền với đời sống của người Việt Nam, các quán cơm cao cấp lúc nào cung sẵn sàng thu hút khách của hệ thống nhà hàng phở. Tại Hà Nội, các nhà hàng cơm 123, ABC đang trở nên rất mạnh, đấy là chưa kể đến các nhà hàng cơm tấm, các nhà hàng phục vụ đầy đủ các món ăn,các nhà hàng buffe…Ngoài ra còn phải kể đến các món ăn như bít tết, bánh mỳ, bún (nhà hàng Quê, nhà hàng Chả cá Lã Vọng, nhà hàng Chến Béo…)…Các món ăn này sẵn sàng thay thế cho phở bất kỳ lúc nào.Sở thích ăn uống của một người không bao giờ dừng lại trong một món ăn, bất kể lúc nào khi đi ăn, con người sẽ luôn lựa chọn giữa các món ăn khác nhau sao cho có thể thỏa mãn họ một cách tốt nhất. Chính vì vậy chỉ cần các cửa hàng có sự phục vụ tận tình, không khí thoáng mát, sang trọng gần như nhau thì khả năng lựa chọn của khách hàng sẽ rất rộng. Do đó sản phẩm thay thế cho phở cao cấp rất đa dạng. Đó là còn chưa kể đến những quán phở truyền thống, phở bình dân cũng có khả năng thay thế cho phở cao cấp (phở Thìn, phở Bát Đàn, các quán phở nhỏ…).Nhiều khách hàng tìm đến nhà hàng phở vì họ muốn tận hưởng không khí thoáng mát khi ăn bát phở. Họ được thưởng thức một bát phở ngon mà lại không bị “hành hạ” bởi cái nóng hay sự chen chúc của những thực khách. Tuy nhiên có nhiều người vẫn thích bát phở bình dân hơn. Họ quan niệm khi ăn bát phở, phải ngồi thưởng thức bát phở, phải đổ mồ hôi thi bát phở mới thực sự ngon. Nhiều khi, vì lý do tài chính, người ta lại so sánh về giá của 2 bát phở. Để vào ăn 1 bát phở trong nhà hàng phở, thực khách phải tốn ít nhất 30- 40 nghìn đồng. Vậy mà cũng để ăn một bát phở ngon ngoài vỉa hè, khách hàng chỉ mất cùng lắm 20 nghìn. Sự chênh nhau về giá cả như vậy khiến cho nhiều người vẫn lựa chọn ăn phở thông thường. Thà chịu nóng một chút, đổ chút mồ hôi nhưng lại được ăn một bát phở tiết kiệm hơn.Do vậy, có thể coi Phở bình dân cũng là sản phẩm có thể thay thế cho phở truyền thống . Nhu cầu về các sản phẩm ăn uống của con người rất đa dạng và luôn có khả năng chuyển đổi từ bỏ món ăn này để thưởng thức một món ăn khác cũng như từ nhà hàng này sang nhà hàng khác. Vì vậy theo quan điểm của chúng tôi sự đe dọa đến từ sản phẩm thay thế là lớn. Và nếu xét theo thang điểm 10 thì áp lực từ sản phẩm thay thế theo chúng tôi ở khoảng 8 điểm. 5. Phân tích áp lực cạnh tranh từ nội bộ ngành Để đánh giá cường độ cạnh tranh trong nội bộ ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp, ta xem xét dưới 2 khía cạnh: Tình trạng ngành: - Tình trạng cầu của ngành: Theo như phần phân tích các yếu tố kinh tế, đời sống người dân có xu hướng tăng lên, nhu cầu ăn uống có những biến đổi như người ta ngoài ăn ngon còn muốn ăn “sạch”, muốn thưởng thức không gian thoáng đãng, sang trọng, phục vụ lịch sự, tận tình…thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất được quan tâm nhu cầu về “ăn sạch” càng tăng. Cũng như đã đánh giá trong phần phân tích về tác động của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô, ngày nay, khách du lịch tới Việt Nam luôn có xu hướng gia tăng. Phở là món ăn “quốc hồn, quốc túy” của người Việt. Ai đến Hà Nội cũng muốn được thưởng thức phở và thực tế, hầu hết các nhà hàng phở có chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt sẽ là sự lựa chọn cho khách du lịch. Như vậy cầu của ngành có xu hướng gia tăng. Chu kỳ kinh doanh: Kinh doanh nhà hàng phở cao cấp là một lĩnh vực còn non trẻ, mới phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây và hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có 2 hệ thống nhà hàng phở cao cấp là Phở 24 và Phở Vuông. Trong đó Phở 24 là nhà hàng phở đứng đầu cũng chỉ mới ra đời từ năm 2003. Do vậy có thể nói, lĩnh vực kinh doanh nhà phở cao cấp đang chớm ở giai đoạn tăng trưởng. Vì vậy có thể nói cạnh tranh trong nhành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp là không gay gắt. - Số lượng doanh nghiệp: Tại địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay mới chỉ có 2 chuỗi nhà hàng phở cao cấp đó là: Phở 24 (nhà hàng phở của tập đoàn Nam An) bao gồm có 10 nhà hàng tại Hà Nội. Và Phở Vuông với 03 nhà hàng. Hai chuỗi nhà hàng này cạnh tranh nhau chủ yếu tập trung về cạnh tranh chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, cạnh tranh về không gian phục vụ, bài trí…Tuy nhiên do mỗi nhà hàng đều có những đặc trưng riêng và qua tìm hiểu chúng tôi được biết chiến lược mà Phở 24 chọn lựa cũng không hướng vào cạnh tranh nên sự cạnh tranh nội bộ ngành kinh doanh nhà hàng phở này theo chúng tôi đánh giá là ở mức độ không gay gắt. Chu kỳ kinh doanh của Ngành kinh doanh phở cao cấp Thời gian Nhu cầu Khởi đầu Tăng trưởng Bão hòa Suy thoái 0 - Rào cản rút lui (Exit Barries). + Rào cản về kỹ thuật. Đặc thù ngành kinh doanh nhà hàng ăn uống nói chung đều hàm chứa những bí quyết riêng, ngành kinh doanh nhà hàng phở cũng không nằm ngoài đặc điểm đó. Để tạo nên những nét riêng biệt trong món ăn cũng như trong cách bài trí không gian, riêng biệt trong dịch vụ mỗi nhà hàng đều phải đầu tư nhiều thời gian và công sức ngay từ chuẩn bị nguyên liệu, cách chế nước phở, hay từng cái bát, đôi đũa, cách sắp đặt, bài trí không gian cho tới đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ…Ví dụ như: Với Phở Vuông, ngoài mang đến cho thực khách một món ăn ngon, cách bài trí của nhà hàng cũng thật độc đáo, thu hút, thể hiện óc tinh tế của chủ thương hiệu. Ở đó là những chiếc bàn, chiếc ghế, những chiếc đèn lồng xoắn ốc cạnh vuông vức và đến cả bát, đĩa cũng vuông. Chúng tôi còn được biết những chiếc bát vuông cạnh của nhà hàng Phở Vuông là do chính cô chủ quán Phở Vuông sang tận Trung Quốc chọn lựa. Đó đều là những yếu tố tạo nên thành công cho mỗi nhà hàng, tạo nên sự lôi quấn thực khách. Như vậy có thể thấy rằng rào cản rút lui về kỹ thuật là khá lớn. + Rào cản về tài chính: Theo như phần phân tích về yếu tố tài chính trong phần rào cản gia nhập ngành về nguồn vốn bỏ ra ban đầu có thể thấy là không nhỏ. + Rào cản về mối quan hệ chiến lược, kế hoạch giữa các lĩnh vực kinh doanh trong cùng Doanh nghiệp. Với phở Vuông, mối quan hệ chiến lược, kế hoạch giữa các kinh doanh khác không có do Phở Vuông là mặt hàng kinh doanh duy nhất của họ. Nhưng với Phở 24 thì khác, nhờ phở 24 và phương thức nhượng quyền thương mại mà ông Lý Quý Trung và tập đoàn Nam An do ông làm Tổng giám đốc mới thực sự được người tiêu dùng cả nước biết đến. Vì vậy mà “phở 24” là thương hiệu mạnh và có ý nghĩa quan trọng đối với Nam An. Mặt khác, vì hình thức franchise nên mối Phở 24 còn có rào cản lớn với các đối tác kinh doanh của mình. => Ràng buộc với các lĩnh vực kinh doanh trong cùng tập đoàn Nam An là lớn. + Ngoài ra, nên chú ý tới khía cạnh: các nhà hàng phở này đều được mở ra với lý do yêu thích món ăn phổ biến của người dân Việt. Lý Quốc Trung tâm sự:  Phở 24 được hình thành xuất phát từ một sở thích ăn uống, mà đặc biệt là đối với món phở của cả gia đình tôi. Thời còn ăn ở các hàng quán lề đường, tuy rất ngon nhưng chất lượng vệ sinh lại không đảm bảo. Tôi đã tự mình đặt ra câu hỏi: “Tại sao không ai xây dựng một mô hình phở ngon nhưng vẫn sạch, đảm bảo điều kiện vệ sinh?”. Thế là phở 24 được hình thành từ ý tưởng đó. Hay cô chủ quán tên Hiền của phở Vuông cũng vậy, chúng tôi được biết cô xuất thân là con gái “nhà nòi”của một gia đình nấu phở và kinh doanh phở cũng là vì tình yêu với phở. Mong muốn của họ không chỉ gìn giữ những giá trị ẩm thực dan tộc mà còn muốn đem nó tới với bạn bè quốc tế. Do đó ràng buộc với mối quan hệ chiến lược là lớn. - Ràng buộc về lao động: Họ là những người gắn bó với doanh nghiệp, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, có vai trò quan trọng trong thành công của nhà hàng. Riêng đội ngũ nhân viên phục vụ, hầu hết ban đầu đều phải trải qua khóa huấn luyện, đào tạo của doanh nghiệp do trình độ lao động ở Việt Nam còn kém về chất lượng nên nếu rút lui khỏi ngành, từ bỏ nguồn lực như vậy là doanh nghiệp từ bỏ khoản đầu tư không nhỏ. Như vậy nếu cho điểm trên thang điểm 10 về áp lực cạnh tranh thì áp lực cạnh tranh từ nội bộ ngành theo đánh giá của chúng tôi là 5.5 điểm. B. PHÂN TÍCH CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC Qua các phân tích trên, có thể đưa ra các cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp đang và sẽ tham gia hoạt động trong ngành. Nhưng chúng ta có thể thấy nổi nên là các yếu tố sau: 1. Về thuận lợi - Thứ nhất, với sự mở cửa nền kinh tế và những thành tựu đạt được nhất định trong những năm gần đây của Việt Nam làm cho nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chu đáo có xu hướng tăng. Hà Nội là trung tâm văn hóa- chính trị- thể thao của cả nước nên ngoài là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, Hà Nội còn là nơi công tác, làm việc của nhiều người, nơi tập trung dân cư rất đông và còn được mở rộng trong tương lai. Ngành kinh doanh nhà hàng cao cấp là một ngành hứa hẹn khả năng sinh lời cao và mới phát triển mạnh trong vài năm gần đây. Vì vậy cầu của ngành tăng là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp đang hoặc sẽ tham gia vào ngành. - Thứ hai, Phở là món ăn truyền thống, đậm đà văn hóa, quen thuộc của người Việt và được bạn bè quốc tế biết đến. Hương vị thân quen là một thuận lợi cho các doanh nghiệp, bởi trước hết và về lâu về dài, sự quen thuộc sẽ giữ chân thực khách. Hơn nữa, cũng vì tính văn hóa, truyền thống nên nguyên liệu rất dễ tìm kiếm từ nguồn nông sản đa dạng của nước ta. - Thứ ba, biết tận dụng nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí ban đầu. - Thứ tư, ngoài ra có thể thấy tình hình an ninh chính trị của Việt Nam khá ổn định, môi trường kinh doanh ngày càng được hoàn thiện cũng là một thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành. 2. Về thách thức - Thứ nhất, phải kể đến thách thức do chính sự hội nhập kinh tế mang lại. Các doanh nghiệp trong nước nói chung sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ chính các đối thủ không chỉ trong nước mà cả của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp cũng vậy, sự xuất hiện của nhiều nhà hàng cao cấp với đa dạng món ăn, khẩu vị, phong cách… là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp muốn gia nhập ngành hay giữ vị trí cao trong ngành. - Thứ hai, với sự hội tụ đông đảo các thành phần dân cư, đến từ nhiều quốc gia, nhiều vùng miền nên để tìm ra một khẩu vị chung, đáp ứng được nhu cầu ẩm thực đa dạng của khách hàng, lôi quấn, giữ chân khách là một thách thức. - Thứ ba, có thể kể đến nhiều kẽ hở trong luật pháp Việt Nam, trong đó luật sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong xây dụng, bảo vệ hình ảnh của mình. Trường hợp sao chép mô hình của Phở 5 Sao theo mô hình của phở 24 là một ví dụ. Năm 2003, khi gây dựng thương hiệu Phở 24 tại TPHCM, Công ty phở 24 đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu này tại Cục Sở hữu trí tuệ. Thương hiệu này cũng được đăng ký độc quyền tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Canada và các nước tham gia thỏa ước Madrid. Cuối năm 2006, Công ty Phở 24 cũng đăng ký và được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả đối với bản vẽ thiết kế chi tiết mô hình cửa hàng Phở 24. Trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận có kèm theo hình ảnh chi tiết về cách bài trí, thiết kế biển hiệu và nội thất trong các tiệm phở. Trong đó, có hai loại mô hình bố trí cơ bản dành cho hai loại không gian rộng và không gian hẹp. Toàn bộ 52 tiệm trong hệ thống Phở 24 đều chung một cách bố trí sắp xếp và thiết kế như nhau. Nhưng cũng trong năm này, trên thị trường bỗng xuất hiện Phở 5 sao, với cách bài trí nội thất và đến màu sơn tường và tông màu chủ đạo của bàn ghế, quầy rượu, đèn trang trí đến cách ăn mặc của ông đầu đếp trong các tiệm phở rất giống trong hệ thống Phở 24... Ngay cả cách trang trí bảng hiệu quảng cáo bên ngoài các tiệm phở cũng dùng tông màu chủ đạo là màu xanh cốm pha màu xanh lá rất giống với Phở 24. Chỉ có điều màu sắc đậm hơn một chút và áo nhân viên phục vụ là màu đỏ chứ không phải màu đen như phở 24. Trừ logo, cách thiết kế, sắp đặt, bài trí của Phở 5 sao giống Phở 24 đến khó phân biệt. Nếu không nhìn vào logo trên bảng hiệu, khách hàng có thể nhầm tưởng đây chính là Phở 24 hoặc nếu không cũng phán đoán đây là “hai anh em con chú con bác”. Việc sắp đặt và thiết kế không gian kiến trúc thể hiện sự đầu tư về ý tưởng sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên, luật sở hữu trí tuệ chưa quy định cụ thể về bảo hộ ý tưởng sáng tạo trong trường hợp này. Đây là vụ tranh chấp bản quyền khá thú vị và đặt ra vấn đề pháp lý khá mới mẻ trong việc khai thác thương hiệu trong thời kỳ hội nhập. - Thứ tư, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nếu không biết tận dụng sẽ có thể cản trở thành công của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu như nhu cầu được cung cấp tại nhà hay văn phòng… đang có xu hướng phát triển. Khách hàng ngại ra ngoài ăn và chỉ cần một cú điện thoại là có thể có ngay sản phẩm mình mong muốn, nếu doanh nghiệp không nắm bắt và tận dụng thì có thể bị lạc hậu so với các doanh nghiệp khác. Như vậy, chìa khóa thành công để đảm bảo cho một doanh nghiệp tham gia hoạt động trong ngành là gì? C. CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG(KFS) Ngoài một nguồn vốn đầu tư khá cao ban đầu và những thủ tục đăng kí pháp lý cần thiết để tham gia ngành kinh doanh nhà hàng ăn uống cao cấp, xuất phát từ thị trường, chúng ta có thể đưa ra một số năng lực cần thiết để đảm bảo sự thành công cho một doanh nghiệp tham gia ngành kinh doanh nhà hàng Phở cao cấp. - Thương hiệu, hình ảnh: Khách hàng có xu hướng tìm đến các nhà cung cấp tên tuổi, sản phẩm đã trở nên nổi tiếng và có chất lượng cao. Vì vậy xây dựng cho mình một hình ảnh tốt trong mắt người tiêu dùng là điều cần thiết. Hình ảnh của doanh nghiệp phải được tạo lên từ tất cả các yếu tố, từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào, cách chế biến, bố trí không gian đến cung cách phục vụ, đội ngũ nhân sự…Trong đó, có thể cụ thể hơn ở các yếu tố như nhân lực, địa điểm và qui trình chế biến, lựa chọn đầu vào. - Nhân lực: Là một bộ phận của ngành dịch vụ, yếu tố con người là rất quan trọng. Sở hữu đội ngũ nhân viên, đầu bếp giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, luôn làm hài lòng khách hàng là chìa khóa không thể thiếu để đảm bảo sự thành công cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong ngành. - Địa điểm: Yếu tố vị trí hay địa điểm mặt bằng kinh doanh đóng vai trò quyết định trong việc thành bại.Cho dù mô hình kinh doanh của hệ thống các nhà hàng có tuyệt vời đến đâu, nếu chọn sai vị trí thì gần như chắc chắn sẽ nắm phần thất bại. Một vị trí thuận lợi cần đảm bảo ít nhất các đặc điểm sau: + Dễ thấy, dễ tìm: Nếu khách hàng không nhìn thấy bảng hiệu từ xa, họ sẽ không tìm ra cửa hiệu nên có thể sẽ đi luôn hoặc trầm trọng hơn là đi nhầm vào cửa hàng khác. Và hầu hết những người khách “đi nhầm” này sẽ trở thành khách hàng trung thành của đối thủ cạnh tranh! + Thuận tiện: Nhiều cửa hiệu rất đẹp, rất tốt nhưng nằm ở vị trí không thuận tiện nên thất bại hoặc không thành công như mong muốn. Cửa hiệu tọa lạc trên con đường một chiều (đặc biệt là bên luồng đường xe hơi) sẽ gây khó khăn cho khách hàng đi xe gắn máy. Bãi giữ xe cũng là một yếu tố quyết định, nhất là đối với Việt Nam. + “Hàng xóm” tốt và phù hợp: Một nhà hàng cao cấp thì không thể nằm trong một khu vực quá bình dân hoặc ngược lại. Ngoài ra, tâm lý khách hàng có khuynh hướng ngại đến các nhà hàng, dịch vụ giải trí nằm gần các cơ quan chức năng hay cộng đồng như công an phường, tòa án, bệnh viện, trường học, nhà trẻ… + Số lượng cửa hàng cùng thương hiệu: Quá nhiều cửa hàng của một thương hiệu cùng tọa lạc trong một khu vực sẽ dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và hiệu quả kinh doanh không cao. Qui trình chế biến và lựa chọn nguyên liệu đầu vào: Vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm, thực tế cho thấy nhiều khi nguồn gốc đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành còn chưa được rõ ràng, xây dựng cho mình những địa chỉ cung cấp uy tín, đảm bảo hay như trường hợp Phở 24, tiến đến tự cung cấp đầu vào cho mình trong tương lai là một trong những năng lực cần thiết cho các doanh nghiệp. Qui trình chế biến khép kín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một yếu tố quan trọng cần thiết làm an tâm khách hàng khi thưởng thức các món ăn, thể hiện sự chuyên nghiệp của nhà hàng cũng là chìa khóa đảm bảo cho sự thành công lâu dài của doanh nghiệp đang và sẽ tham gia vào ngành. Trên đây là những phân tích của nhóm chúng tôi về ngành kinh doanh nhà hàng phở cao cấp, một bộ phận trong ngành kinh doanh nhà hàng ăn uống, qua đó các bạn có thể có thêm thông tin về một loại hình kinh doanh đang có xu hướng phát triển nhanh không chỉ ở Hà Nội mà còn với cả nước.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTiểu luận môn học chiến lược kinh doanh - Chìa khóa thành công cho kinh doanh nhà hàng phở cao cấp.doc
Luận văn liên quan