Tìm hiểu pháp luật thương mại - Nhưng bất cập trong quy định về giấy phép hành nghề kế toán

Đối với điều kiện kinh doanh: nhà nước cần sớm ban hành danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Việc quy định về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh tại nghị đinh 139/2007/NĐ-CP chưa thực sự đầy đủ và hợp lí với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, cản trở sự phát triển của sản xuất. Ngoài ra cần sớm khắc phục sự trùng lặp trong các quy định về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh tại nghị định 139/2007/NĐ-CP và danh mục cấm đầu tư tại nghị định 108/2006/NĐ-CP. Trong danh mục 15 ngành nghề bị cấm kinh doanh có sự trùng lặp với 5 lĩnh vực cấm đầu tư. Do đó cần có sự quy định rõ ràng về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh với dạnh mục các lĩnh vực cấm đầu tư kinh doanh. - Các quy định về chứng chỉ hành nghề: nhà nước cần sớm sửa đổi cụ thể và rõ ràng hơn quy định về các ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề. Hiện nay tồn tại sự khác nhau trong các quy định luật doanh nghiệp 2005 và nghị định 139/2007/NĐ-CP về vấn đề này. Cụ thể theo quy đinh tại khoản 4 điều 16, khoản 5 điều 17, khoản 5 điều 18, khoản 5 điều 19 Luật doanh nghiệp 2005, yêu cầu phải có ít nhất từ hai chủ thể có hai chứng chỉ hành nghề. Còn theo quy định tại nghị định 139/2007/NĐ-CP thì chỉ cần một trong hai chủ thể có chứng chỉ hành nghề là đủ. Điều này cần xem xét và chỉnh sửa kịp thời.

docx15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2726 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu pháp luật thương mại - Nhưng bất cập trong quy định về giấy phép hành nghề kế toán, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. 1. Cơ sở pháp lý về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. a) Điều kiện kinh doanh. b) Chứng chỉ hành nghề. 2. Phân tích về các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. B. Phân tích chứng chỉ hành nghề đối với nghề kế toán Chứng chỉ hành nghề trong xã hội hiện nay Phân tích chứng chỉ hành nghề kế toán. Vài kiến nghị C. Nhận xét và hướng khắc phục về những quy định về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. 1. Nhận xét. 2. Hướng khắc phục. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO. BÀI LÀM A.Tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. 1. Cơ sở pháp lý về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. a) Điều kiện kinh doanh. Điều 7 LDN 2005 (được sửa đổi bổ xung năm 2009) về Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh: “ 1. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các nghành, nghề mà pháp luật không cấm. 2. Đối với ngành, nghề mà pháp luật đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện thì doanh nghiêp chỉ được kinh doanh nghành nghề đó khi có đủ điều kiện theo quy định. Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh nghành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác. 3. Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trất tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm. 4. Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước. 5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.” Ngoài ra, còn có Nghị định của chính phủ số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp cũng quy định về điều kiện kinh doanh tại Điều 5 của nghi định. b) Chứng chỉ hành nghề. Tại Điều số 6 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ra ngày 05 tháng 09 năm 2007 về Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề có quy định: “1. Chứng chỉ hành nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định. Chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. 2. Ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. 3. Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật thì việc đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ xung ngành, nghề kinh doanh đó phải thực hiện theo quy định dưới đây: a) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì Giám đốc của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh đó phải có chứng chỉ hành nghề. b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu Giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề thì Giám đốc của doanh nghiệp đó và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề. c) Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề”. 2. Phân tích về các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Đối với điều kiện về ngành nghề kinh doanh, pháp luật quy định, doanh nghiệp được kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Về cơ bản, ngành nghề kinh doanh được chia theo các nhóm: + Nhóm ngành nghề kinh doanh tự do; + Nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện; + Nhóm ngành nghề kinh doanh bị cấm. Như vậy, chủ đầu tư có thể lựa chọn bất cứ ngành nghề nào ngoài nhóm ngành nghề bị cấm kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc chọn ngành nghề kinh doanh được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của pháp luật liên quan đến ngành nghề đó. Điều kiện kinh doanh những ngành nghề này được quy định rõ tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp và được hướng dẫn thi hành tại Điều 5 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP. Điều 5,Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh có quy định: “1. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của pháp luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của thủ tướng chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật chuyên ngành). 2. Điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới các hình thức: a) Giấy phép kinh doanh; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Xác nhận vốn pháp định; e) Chấp nhận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; g) Các yêu cầu mà doanh nghiệp phải thực hiện, hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các văn bản quy phạm pháp luật nói tại khoản 1 điều này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2008.” Thứ nhất, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kinh doanh áp dụng theo các quy định của pháp luật, ngành nghề đó không bị pháp luật cấm. Vấn đề này được quy định rõ tại Điều 4 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP về ngành nghề cấm kinh doanh quy định: 1. Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh gồm: a) Kinh doanh vũ khí về quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; công trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng cho chế tạo chúng; b) Kinh doanh chất ma túy các loại; c) Kinh doanh hóa chất bảng 1 (theo công ước quốc tế); d) Kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách; đ) Kinh doanh các loại pháo; e) Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự toàn xã hội. g) Kinh doanh các loại thực vật, động vật hoang dã, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến, thuộc Danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác, sử dụng; h) Kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em; i) Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức; k) Kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công nhân; l) Kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; m) Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sau đây là danh mục ngành, nghề cần điều kiện kinh doanh danh mục ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định I.   Tổ chức tín dụng (Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006) 1.     Ngân hàng thương mại cổ phần: 1000 tỷ đồng 2.     Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu USD II.  Quỹ tín dụng nhân dân (Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006) 1.     Quỹ tín dụng nhân dân trung ương: 1000 tỷ đồng 2.     Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở: 0.1 tỷ đồng III. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006) 1.     Công ty tài chính: 300 tỷ đồng 2.     Công ty cho thuê tài chính: 100 tỷ đồng IV.  Kinh doanh bất động sản: 6 tỷ đồng (Điều 3 NĐ 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007) V. Dịch vụ đòi nợ: 2 tỷ đồng (Điều 13 NĐ 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007) VI. Dịch vụ bảo vệ: 2 tỷ đồng (không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài Dịch vụ bảo vệ) (NĐ 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008) VII. Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 tỷ đồng (Điều 3 NĐ 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007) VIII. Sản xuất phim: Doanh nghiệp phải có GCN đủ điều kiện kinh doanh do Cục Điện ảnh cấp trước khi ĐKKD (Điều 14 Luật điện ảnh) IX. Kinh doanh cảng hàng không: (Khoản 1 Điều 22 NĐ 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007) 1. Kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế: 100 tỷ đồng 2. Kinh doanh tại cảng hàng không nội địa: 30 tỷ đồng X. Cung cấp dịch vụ hàng không mà không phải là doanh nghiệp cảng hàng không: (Khoản 2 Điều 22 NĐ 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007) 1. Kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế: 30 tỷ đồng 2. Kinh doanh tại cảng hàng không nội địa: 10 tỷ đồng XI. Kinh doanh vận chuyển hàng không: (Khoản 1 Điều 8 NĐ 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007) 1. Vận chuyển hàng không quốc tế: - Khai thác từ 1 đến 10 tàu bay: 500 tỷ đồng -  Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 800 tỷ đồng -  Khai thác trên 30 tàu bay: 1000 tỷ đồng 2. Vận chuyển hàng không nội địa: -  Khai thác từ 1 đến 10 tàu bay: 200 tỷ đồng -  Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 400 tỷ đồng -  Khai thác trên 30 tàu bay: 500 tỷ đồng XII. Kinh doanh hàng không chung: 50 tỷ đồng (Khoản 2 Điều 8 NĐ 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007) danh mục ngành nghề kinh doanh cần có chứng chỉ hành nghề 1/ Kinh doanh dịch vụ pháp lý 2/ Kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm 3/ Kinh doanh dịch vụ thú y và kinh doanh thuốc thú y 4/ Kinh doanh dịch vụ thiết kế quy họach xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng. 5/ Kinh doanh dịch vụ kiểm toán 6/  Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, mua bán thuốc bảo vệ thực vật 7/ Kinh doanh dịch vụ xông hơi khử trùng. 8/ Kinh doanh dịch vụ thiết kế phương tiện vận tải 9/ Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia 10/ Kinh doanh dịch vụ kế toán 11/ Dịch vụ môi giới bất động sản; Dịch vụ định giá bất động sản;  Dịch vụ sàn giao dịch bất động sản. Phân tích chứng chỉ hành nghề đối với nghề kế toán Chứng chỉ hành nghề trong xã hội hiện nay Khi một CCHN được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật là hàng loạt lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn để cấp CCHN được tổ chức và không ít doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu chưa có các CCHN theo quy định. Vậy, CCHN là gì? Nó có vai trò quan trọng như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp? Trước hết, theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, chứng chỉ là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hành nghề là làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống. Do đó, có thể hiểu, CCHN là một giấy chứng nhận về quyền được hành nghề để sinh sống của công dân. Với ý nghĩa đó, các bằng về nghề nghiệp do các cơ sở đào tạo các cấp  như trung cấp, cao đẳng, đại học cũng có thể được coi là CCHN. Bởi lẽ, khi được cấp những bằng đó, về nguyên tắc, người có bằng đương nhiên được làm nghề đã được đào tạo. Tuy nhiên, trong một số ngành, nghề, việc hành nghề không chỉ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn mà còn phụ thuộc vào một nhân tố quan trọng khác là việc thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp như nghề bác sĩ, luật sư, môi giới chứng khoán, kế toán, kiểm toán, v.v… Vì vậy, để quản lý, giám sát việc thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, cơ quan quản lý phát hành một loại giấy chứng nhận được gọi là Chứng chỉ hành nghề. Với những nghề đó, chỉ những người đã qua đào tạo về chuyên môn và có CCHN mới được hành nghề. Thứ hai, CCHN không phải là một “giấy chứng nhận” về trình độ chuyên môn của người hành nghề. Bởi lẽ, CCHN chỉ được cấp cho những người đã qua đào tạo ở các cơ sở đào tạo quốc gia (Trường Trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, đại học) và cả những người đã hành nghề lâu năm, không có vi phạm pháp luật. Do đó, bằng tốt nghiệp của các cơ sở đào tạo (trừ trường hợp bằng giả và bằng thật nhưng học giả) và quá trình công tác mới là chứng chỉ xác nhận trình độ chuyên môn của người hành nghề. Thứ ba, CCHN cũng là công cụ để người hành nghề phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin mới về tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề của mình. Với quan niệm như trên, một người đã qua đào tạo và được cấp bằng về chuyên môn, sau  thời gian thử việc phải đến Hội nghề nghiệp xin gia nhập hội và được hội cấp CCHN. CCHN đó là một trong những điều kiện không thể thiếu để các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ký hợp đồng lao động chính thức. CCHN thường có thời hạn ngắn từ 1 đến 3 năm tùy theo thâm niên của người hành nghề. Người được cấp CCHN phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và hàng năm phải tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin mới trong lĩnh vực hành nghề. Nếu vi phạm một trong những quy định đó có thể bị thu hồi CCHN hoặc không được cấp lại và sẽ không được tiếp tục hành nghề. Từ phân tích trên, có thể thấy rằng, CCHN là loại chứng chỉ cấp cho cá nhân hành nghề, không cấp cho pháp nhân, cơ quan, tổ chức, không phải là một điều kiện kinh doanh. Ở nước ta đã có sự nhầm lẫn về CCHN và sự nhầm lẫn đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước đã biến CCHN thành một “siêu bằng” về trình độ chuyên môn. Các lớp “tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn” ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng , các kỳ “thi tuyển” để cấp CCHN được tổ chức. Và chỉ khi có CCHN ấy, người có nghề mới được hành nghề bất kể người đó đã được đào tạo nghề ở đâu, được cấp bằng ở trường đào tạo nào. Vì vậy, rất nhiều tiến sĩ khoa học về kế toán, không ít kế toán trưởng đã có hàng chục năm công tác nhưng không được hành nghề kế toán vì chưa tham gia học và “thi tuyển” để được cấp CCHN kế toán. Lẽ ra, CCHN do Hội nghề nghiệp cấp cho tất cả những người hành nghề để quản lý, giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của họ thì chúng ta lại “thi tuyển” để cấp CCHN. Do đó, chỉ một số rất ít những người đang hành nghề được cấp CCHN, đại đa số những người đang hành nghề lại không được cấp CCHN. Do đó, những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, sự lạc hậu về trình độ chuyên môn của người hành nghề đã và đang xẩy ra một cách phổ biến. Thứ hai, CCHN đã trở thành một điều kiện kinh doanh – một “ Giấy phép con siêu hạng”. Chẳng hạn, điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi giám sát thi công xây dựng công trình hạng 1 là :  “Có ít nhất 20 người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành phù hợp” hoặc đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải “Có ít nhất 2 người có Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó Giám đốc doanh nghiệp phải là người có Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ 2 năm trở lên”... Thứ ba, do quy định rất khắt khe về việc cấp CCHN nên phần lớn những người đang hành nghề lại không có CCHN, thậm chí, không ít doanh nghiệp không đủ “điều kiện kinh doanh” theo quy định vẫn thực hiện các hoạt động kinh doanh. Không ai xử lý những vi phạm đó. Vì vậy, những quy định đã ban hành trở thành hình thức và là kẽ hở cho tham nhũng, sách nhiễu phát sinh trong thực tiễn. Sự nhầm lẫn về CCHN như nêu trên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Phần lớn những người đang hành nghề không được cấp CCHN do đó không ai quản lý. Những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề tư vấn giám sát, khám chữa bệnh, kế toán, kiểm toán, kinh doanh bất động sản...ở nước ta đã ở trong tình trạng “báo động đỏ”. CCHN trở thành một trong những điều kiện kinh doanh đã và đang trở thành một rào cản lớn đối với công dân khi gia nhập thị trường. Chẳng hạn, với quy định về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ kế toán tại Thông tư số 72/2007/TT-BTC, một số doanh nghiệp dịch vụ kế toán đã phải ngừng hoạt động. Nghiêm trọng hơn, đã có doanh nghiệp, người đầu tư vốn với tỷ lệ lớn nhất để thành lập doanh nghiệp - hoàn toàn mất quyền điều hành doanh nghiệp và chỉ sau vài năm, doanh nghiệp đã trên bờ vực phá sản. Phân tích chứng chỉ hành nghề kế toán. Theo quy định tại điều 57 Luật kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc Hội khóa 11 thì chứng chỉ hành nghề kế toán được quy định như sau: 1. Công dân Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: a. Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Luật này; b. Có chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ năm năm trở lên; c. Đạt kỳ thi tuyển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức. 2. Người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: a. Được phép cư trú tại Việt Nam; b. Có chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế về kế toán cấp được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận; c. Đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật kinh tế, tài chính, kế toán Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức. 3. Bộ Tài chính quy định chương trình bồi dưỡng, hội đồng thi tuyển, thủ tục, thẩm quyền cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề kế toán theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trước hết, với quy định về thi và cấp như hiện nay, CCHN kế toán không còn là một chứng chỉ hành nghề nữa mà đã trở thành một “siêu bằng” về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực kế toán. Bởi lẽ, theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, chứng chỉ là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hành nghề là làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống. Do đó, có thể hiểu, CCHN là một giấy chứng nhận về quyền được hành nghề để sinh sống của công dân. Với ý nghĩa đó, các bằng về nghề nghiệp do các cơ sở đào tạo các cấp như trung cấp, cao đẳng, đại học cũng có thể được coi là CCHN. Song, với việc thi và cấp CCHN kế toán thì lại hoàn toàn khác. Các lớp “tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn” ngắn hạn từ 1-3 tháng, các kỳ “thi tuyển” để cấp CCHN được tổ chức. Và chỉ khi có CCHN ấy, người có nghề mới được hành nghề bất kể người đó đã được đào tạo nghề ở đâu, được cấp bằng ở trường đào tạo nào. Vì vậy, rất nhiều tiến sĩ khoa học về kế toán, không ít kế toán trưởng đã có hàng chục năm công tác nhưng không được hành nghề kế toán vì chưa tham gia học và “thi tuyển” để được cấp CCHN kế toán! Thứ hai, CCHN kế toán lại chỉ cấp cho những người làm dịch vụ kế toán. Câu hỏi đặt ra là, những cán bộ, nhân viên đã qua các trường đào tạo về kế toán và đang làm kế toán, kế toán trưởng ở các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp có được coi là đang hành nghề kế toán không? Không thể nói là họ không hành nghề mà ngược lại, họ đang hành nghề, tức là làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống. Hơn nữa, khi đảm nhiệm chức nghiệp kế toán trưởng, họ đang hành nghề ở vị trí người quản lý bậc cao trong doanh nghiệp. Tại sao những người này lại không phải có “chứng chỉ hành nghề”? Thứ ba, Thông tư số 72/2007/TT-BTC ngày 27-6-2007 đã nâng CCHN kế toán lên một “tầm cao” mới. Đó là một “giấy phép con siêu hạng” trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Điều đó thể hiện ở những điểm sau: - Khoản 2.3. Thông tư 72/2007/TT-BTC quy định: Đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán: a) Có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán; b) Có ít nhất hai người có CCHN kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó giám đốc doanh nghiệp phải là người có CCHN kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên. Quy định ở tiết b nêu trên trái với Nghị định 129/ 2004/NĐ-CP. Khoản 1 điều 41 Nghị định số 129/NĐ-CP quy định: “1. ...Để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất hai người có CCHN kế toán, trong đó có một trong những người quản lý doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có CCHN kế toán theo quy định tại điều 57 của Luật Kế toán và điều 40 của nghị định này”. Trong khi đó, tại khoản 13 điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định”. - Yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải là người có CCHN kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên là một sáng tạo trái luật của Thông tư 72. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 129/2004/NĐ-CP đều không có quy định về thời hạn hai năm nêu trên. Vài kiến nghị Từ những phân tích ở trên, xin kiến nghị: Thứ nhất, cần thay đổi tư duy về CCHN kế toán. Không nên coi CCHN kế toán là một “siêu bằng cấp” như hiện nay. CCHN kế toán là một giấy chứng nhận được quyền hành nghề kế toán khi người hành nghề đủ hai điều kiện: - Thứ nhất: Được đào tạo chuyên môn về kế toán và thường xuyên cập nhật thông tin trong lĩnh vực kế toán; - Thứ hai: Tuân thủ chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.  Trong hai điều kiện nêu trên, việc đào tạo chuyên môn về kế toán do các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thông qua việc cấp bằng cho người hành nghề khi tốt nghiệp. Việc thường xuyên cập nhật thông tin trong lĩnh vực kế toán và tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề.  Thứ hai, từ sự thay đổi tư duy về CCHN kế toán nêu trên, cần xóa bỏ việc thi tuyển để cấp chứng chỉ này. Thay vào đó, cần quy định:  - Tất cả những người đang làm kế toán ở mọi tổ chức, doanh nghiệp đều phải làm thủ tục để được cấp CCHN kế toán; - Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có trách nhiệm quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ và lệ phí cấp CCHN kế toán theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thứ ba, cần sửa lại điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ kế toán là tất cả cán bộ, nhân viên thực hiện dịch vụ kế toán trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải được cấp CCHN kế toán. Nếu doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán cung ứng dịch vụ cho thuê kế toán trưởng thì người trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ phải có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Nếu doanh nghiệp dịch vụ kế toán có cung cấp dịch vụ kiểm toán thì người trực tiếp thực hiện hợp đồng phải là kiểm toán viên. Thứ tư, đề nghị xóa bỏ quy định giám đốc doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có CCHN kế toán và phải có trước ít nhất hai năm bởi vì: - Nếu không có trình độ chuyên môn về kế toán thì không ai bỏ vốn để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán; - Người có CCHN kế toán theo quy định rất khắt khe như hiện nay chưa hẳn đã đủ trình độ và quan hệ xã hội để làm giám đốc - người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Thực tế trong thời gian qua đã có trường hợp, người đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp buộc phải chuyển giao quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp cho một người có CCHN kế toán nhưng chỉ sau hai năm, doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng trên bờ vực phá sản. - Khác với dịch vụ kiểm toán, dịch vụ kế toán, về bản chất cũng chỉ là làm thuê cho chủ doanh nghiệp - chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, cũng không nên quá nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ này và đặt ra những điều kiện quá khắt khe khi kinh doanh. Những sai sót (nếu có) của dịch vụ này không gây hậu quả lớn và ở phạm vi hẹp. Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán là trách nhiệm và điều kiện sống còn của chủ doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Hơn nữa, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán ở nước ta đang rất khó khăn vì phải khai thác một thị trường mới với giá phí rất thấp. Nếu chúng ta không có sự quan tâm, hỗ trợ chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. C. Nhận xét và hướng khắc phục về những quy định về điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. 1. Nhận xét. Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu của con người ngày một lớn đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển không ngừng của các ngành, nghề kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội không phải lúc nào cũng là chính đáng và lành mạnh. Có những nhu cầu của một số cá nhân xâm phạm đến những lợi ích của cá nhân khác, lợi ích của cộng đồng, làm ảnh hưởng băng hoại giá trị đạo đức, văn hóa trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục và sức khỏe của nhân dân, làm cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường. Trong những trường hợp này để bảo vệ lợi ích của nhân dân, của nhà nước pháp luật quy định những ngành nghề cấm kinh doanh. Phạm vi ngành, nghề cấm kinh doanh rộng hay hẹp phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia, vào những quan niệm về những giá trị và lợi ích xã hội mà quốc gia có quan tâm bảo vệ. Ngoài ra, pháp luật hiện hành còn quy định rõ những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để tạo sự minh bạch giúp người kinh doanh có được sự lựa chọn chính xác. Nguyên nhân chính là do đặc thù của một số ngành, nghề mà chỉ có người kinh doạnh đảm bảo các điều kiện nhất định về vốn, về quy mô, về an toàn vệ sinh thực phẩm...mới có đủ tư cách và khả năng để kinh doanh nó. Danh mục ngành kinh doanh có điều kiện có sự khác nhau giữa các quốc gia. Tuy nhiên các quốc gia đều có xu hướng hạn chế dần các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh để tạo môi trường thuận lợi trong kinh doanh vốn có vai trò rất quan trọng đối với người kinh doanh khi tiến hành các hoạt động kinh doanh. Ở hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường, pháp luật vẫn quy định về vốn pháp định cho từng loại hình kinh doanh, coi đây là biện pháp đảm bảo an toàn pháp lí cho xã hội. Trong khi đó một số nước trong đó có Việt Nam, vốn pháp định được quy định theo ngành nghề kinh doanh và do sự kiểm soát của nhà nước không hiệu quả nên quy định về vốn pháp định hầu như không có ý nghĩa trên thực tế. Hiện nay, Việt Nam hầu như đã bãi bỏ vốn pháp định, chỉ quy định cho một số ngành nghề đặc thù mà nhà nước xét thấy cần thiết như kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán...với những quy chế quản lí chặt chẽ. Điều này tạo ra những hiệu quả tức thời là khuyến khích thành lập doanh nghiệp do không cần vốn pháp định. Tuy nhiên nó chứa đựng nguy cơ tạo ra rất nhiều doanh nghiệp ảo, nghĩa ra đời mà không có vốn và hoạt động của những doanh nghiệp này thực sự đe dọa đến sự an toàn của cả nền kinh tế. 2. Hướng khắc phục. - Đối với điều kiện kinh doanh: nhà nước cần sớm ban hành danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Việc quy định về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh tại nghị đinh 139/2007/NĐ-CP chưa thực sự đầy đủ và hợp lí với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, cản trở sự phát triển của sản xuất. Ngoài ra cần sớm khắc phục sự trùng lặp trong các quy định về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh tại nghị định 139/2007/NĐ-CP và danh mục cấm đầu tư tại nghị định 108/2006/NĐ-CP. Trong danh mục 15 ngành nghề bị cấm kinh doanh có sự trùng lặp với 5 lĩnh vực cấm đầu tư. Do đó cần có sự quy định rõ ràng về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh với dạnh mục các lĩnh vực cấm đầu tư kinh doanh. - Các quy định về chứng chỉ hành nghề: nhà nước cần sớm sửa đổi cụ thể và rõ ràng hơn quy định về các ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề. Hiện nay tồn tại sự khác nhau trong các quy định luật doanh nghiệp 2005 và nghị định 139/2007/NĐ-CP về vấn đề này. Cụ thể theo quy đinh tại khoản 4 điều 16, khoản 5 điều 17, khoản 5 điều 18, khoản 5 điều 19 Luật doanh nghiệp 2005, yêu cầu phải có ít nhất từ hai chủ thể có hai chứng chỉ hành nghề. Còn theo quy định tại nghị định 139/2007/NĐ-CP thì chỉ cần một trong hai chủ thể có chứng chỉ hành nghề là đủ. Điều này cần xem xét và chỉnh sửa kịp thời. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO. 1. Luật doanh nghiệp 2005. 2. Luật kế toán 2006. 2. Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp 2005. 3. Hồ Cẩm Vân(2010), “Quá trình hoàn thiện pháp luật về đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp ở Việt Nam”.Khóa luận tốt nghiệp. 4. Giáo trình luật thương mại, trường đại học luật Hà Nội, 2007, Nxb CAND. Đọc thêm

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxTìm hiểu pháp luật thương mại - nhưng bất cập trong quy định về giấy phép hành nghề kế toán.docx