Tìm hiểu vai trò của các vị chức sắc, sư cả Chăm tại Bình Thuận trong nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội

.Lý do chọn đề tài (Tính cấp thiết của đề tài.) : Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, vừa là một hình thể xã hội. Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, tôn giáo luôn chứng tỏ là một hiện tượng xã hội đặc biệt, đa dạng, phức tạp và không ngừng tác động tích cực và tiêu cực lên đời sống xã hội. Ở Việt Nam, từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc giải quyết vấn đề dân tộc và tôn giáo là một nhiệm vụ có tính chiến lược. Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện những chính sách xã hội nhằm tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân. Trong chính sách xã hội có chính sách tôn giáo, Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần IX viết: “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo hoặc không theo tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật ,phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của tôn giáo.” Trong thời gian qua, đối với cộng đồng Chăm ở Bình Thuận thì các vị chức sắc, sư cả là người có vai trò đặc biệt quan trọng. Đặc biệt là có sự tín nhiệm rất cao trong mỗi làng, palei Chăm. Nếu như chúng ta biết tranh thủ, vận động phát huy vai trò của họ thì chính họ chứ không phải ai khác là người góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội. Đây là việc làm hết sức cần thiết đối với một dân tộc thiểu số có đời sống tôn giáo phong phú như dân tộc Chăm ở Bình Thuận. Nhận thấy được tầm quan trọng của các vị chức sắc, sư cả Chăm trong sự phát triển cộng đồng mình hiện nay là hết sức to lớn. Xuất phát từ lý do trên, việc nghiên cứu “ Tìm hiểu vai trò của các vị chức sắc, sư cả Chăm tại Bình Thuận trong nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội” là cần thiết và có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn. 2.Sơ lược tình hình nghiên cứu. Ngày nay hầu hết các vấn đề của dân tộc Chăm đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm khá nhiều. Các vấn đề về tôn giáo, điêu khắc kiến trúc, văn học nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ đã được nhiều nhà nghiên cứu như: Inrasara, Ngô Văn Doanh, Phan Xuân Biên, Phan Quốc Anh, Tràvija, Phú Văn Hãn, Nguyễn Văn Tỷ nghiên cứu và trình bày. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều các nhà nghiên cứu đi sâu, tìm tòi tận gốc rẽ và đã đạt được những thành công riêng. Những vấn đề về tôn giáo cũng đã được đề cập đến nhưng lại viết về một khía cạnh riêng lẽ của nó như: Đời sống và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Phú Văn Hãn, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội-2006. Lễ hội người Chăm của tác giả Sakaya Văn Món, NXB Văn Hóa Dân Tộc-2003. Các vấn đề văn hóa xã hội Chăm của Inrasara, NXB văn hóa dân tộc-1999. Ngõ vào palei Chăm của Nguyễn Đăng Tỷ, tiểu luận đăng trên Tập san Văn nghệ Dân Tộc (Hội nhà văn Việt Nam) 14-10-1995. . Vì vậy với sự cố gắng cỏn con của mình chỉ hy vọng sẽ làm cho tự liệu về dân tộc Chăm ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài ra còn có nhiều các tài liệu khác có thể tham khảo, tra cứu thông tin trên các website :www.gilaipraung.com hay www.vanhoanghethuat.org.vn cũng có nhiều bài đề cập. 3. Mục đích. Câu hỏi nghiên cứu hay nhiệm vụ nghiên cứu. Như đã nói, vì viết trong thời gian ngắn nên bài viết không đặt mục tiêu quá lớn mà chỉ cô đọng, giới hạn trong một vấn đề nhất định mà đề tài yêu cầu. -Mục đích của bài viết : Bài viết nhằm đưa ra một nét mới về các vai trò, vị trí của các vị chức sắc, sư cả Chăm ở Bình Thuận trong việc nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội. Cũng qua đó chúng ta sẽ thấy được một bức tranh về dân cư, đời sống tôn giáo của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận, Việt Nam. - Câu hỏi nghiên cứu hay nhiệm vụ nghiên cứu: Bài nghiên cứu tập trung trả lời những câu hỏi giải quyết cho mục đích chính như sau: Việt Nam có người Chăm sống tập trung tại các tỉnh nào?Người Chăm - Bình Thuận có gì đặc biệt trong đời sống và sinh hoạt cộng đồng? Các tôn giáo Chăm – Bình Thuận được truyền bá từ đâu, vào thời gian nào? Có bao nhiêu tôn giáo? Đời sống của họ có bị ràng buộc bởi tôn giáo không? Tôn giáo có chỗ đứng như thế nào trong cộng đồng người Chăm? Các vị chức sắc, sư cả Chăm là người ra sao? Có vị trí cao hay thấp? Vai trò họ như thế nào trong nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội? Làm thế nào để họ giúp cộng đồng mình phát triển một cách toàn diện? -Nhiệm vụ của bài viết là từng bước giải quyết những câu hỏi mà đó sẽ lần lược hiện rõ trong bài viết một cách toàn diện. Cùng với nó độc giả cũng sẽ có được cái nhìn mới, nhãn quan hơn về các vị chức sắc, sư cả Chăm trong sự phát triển của cộng đồng hiện nay. 4. Đối tượng, khách thể, phạm vi nghiên cứu: -Trên cơ sở thực tế bài viết nghiên cứu tất cả những cộng đồng Chăm đang sinh sống tại Bình Thuận, mà các vị chức sắc, sư cả, trí thức Chăm là chủ yếu. Do những vấn đề trên chỉ viết trong phạm vi cộng đồng Chăm ở tỉnh Bình Thuận nên chắc chắn sẽ có sự khác lạ so với cộng đồng Chăm các tỉnh khác. Vì vậy cũng không có gì lạ nếu trong bài viết có thấy xuất hiện những chi tiết, số liệu, thông tin khác biệt. Do điều kiện địa lý, lịch sử hình thành mỗi địa bàn dân cư khác nhau nên cũng dẫn đến sự khác biệt về phong tục tạp quán, tín ngưỡng tôn giáo 5.Phương pháp nghiên cứu. -Phương pháp thu thập thông tin. Cùng với việc vận dụng kiến thức có được trong thực tế cộng đồng mình. Bài viết còn được thu thập, tham khảo qua sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu khoa học sẵn có tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết sử dụng phương pháp quan sát thực tế để đúc kết vấn đề nghiên cứu. Cuối cùng, nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu các vị sư cả và các tín đồ trong cộng đồng Chăm tại Bình Thuận. -Phương pháp xử lý thông tin. Bài viết có sử dụng các biện pháp phổ biến trong nghiên cứu khoa học như: Tổng hợp, so sánh, phân tích, chọn lọc ,tư duy logic những thông tin đã thu thập được. 6.Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của đề tài: Từ một vấn đề có thực trong xã hội bài viết cũng có ý nghĩa riêng của nó. -Ý nghĩa khoa học. Nghiên cứu góp phần làm phong phú thêm về thông tin khoa học. Cung cấp những thông tin khoa học bổ ích về dân tộc Chăm ở Bình Thuận. Có thể dùng để làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo và phát triển nhân rộng ra các đồng bào dân tộc Chăm cả nước, cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số khác có chung đời sống tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng giống người Chăm. -Về mặc thực tiễn. Nghiên cứu nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết tốt hơn các vấn đề liên quan đến phát triển cộng đồng của người Chăm. Qua đó thực hiện tốt hơn các chính sách, chủ trương cũng như đường lối của Đảng và nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

doc22 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3283 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tìm hiểu vai trò của các vị chức sắc, sư cả Chăm tại Bình Thuận trong nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
chứng giám. Rõ là một việc làm đúng theo lương tâm của mình lại được thêm yếu tố thần linh nữa, thì việc hứa đó vững chắc như đinh đóng cột. Vì vậy người Chăm liên hệ làm ăn với nhau hay với dân tộc khác, ít khi phải tốn nhiều giấy tờ: cam kết, hợp đồng, biên bản, mà họ chỉ cần nhắc lại tất cả sự cam kết đó một lần nữa cho rõ ràng là xong. Người Chăm không bao giờ, rất hiếm để thiếu thuế ruộng đất của Nhà Nước, mặc dù mất mùa hoàn toàn, họ sẵn sàng đem con đi ở đợ để lấy tiền trả thuế. Trong thực tế, có những người thiếu thuế thì có lý do đặc biệt của nó. Tình trạng hiện nay có sự thay đổi nhiều: Trong sự giao tiếp với xã hội bên ngoài, họ gặp phải trăm ngàn trắc trở (lường gạt, dối trá, điếm đàng) nên họ đã rút ra được những kinh nghiệm đau lòng và phải điều chỉnh lại sự tôn trọng lời hứa cũng như sự tin cậy lẫn nhau đối với những kẻ xấu. Có lúc họ lại học tập những tật xấu để trả thù những phường vô lại…. - Sự trung thành Người Chăm cũng như đa số các dân tộc thiểu số khác, sống rất đơn giản, chất phác, sống với chủ nào thì chỉ biết chủ đó, rất trung thành với người mà mình phục vụ, không sống theo kiểu “lá mặt, lá trái”, điếm đàng, láu cá. Đối với những người Chăm giúp việc trong gia đình, dù là việc lặt vặt trong gia đình hay việc đồng án, chăn nuôi, quản lý nông trại, người chủ có thể đặt tin tưởng hoàn toàn. Chủ sai bảo như thế nào, chủ căn dặn việc gì thì chắc chắn những việc đó sẽ được hoàn thành và bảo vệ đúng theo ý muốn của chủ. Ngày nay đặc điểm này vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn ở người Chăm Bính Thuận.Ở thành phố hay các làng quê người ta thường tìm người giúp việc là người Chăm, đơn giản một việc là họ rất trung thành. - Sự trung thực: Người Chăm bản chất ngay thẳng, không có tính lắt léo để giành cái tốt cái lợi cho mình và đùn đẩy điều xấu cho người khác. Ngay trong hoàn cảnh éo le là phải đứng trước quan tòa để kiện cáo, họ cũng không nói ra được những lời gian dối hay vu khống cho đối phương để tạo thuận lợi cho mình. Nếu phải làm chứng cho vụ kiện cáo nào, họ rất trung thực với sự kiện đã xảy ra, những gì “tai nghe mắt thấy”, chứ ít khi thêm thắt hay suy diễn. Chính bản chất trung trực này làm cho người Chăm trở thành những đối tượng khó mua chuộc được. Trong sinh hoạt đời thường, chúng ta cũng rất ít thấy người Chăm tham lam, bòn rút của thiên hạ. Thông thường họ phân biệt khá rành mạch của mình, của người, chứ không “đánh lận con đen”. - Truyền thống hiếu học Tính hiếu học là một đức tính rất đáng được trân trọng trong những đức tính tốt của người Chăm. Chính tính hiếu học đã giúp cho người Chăm luôn luôn tiến bộ và cộng đồng dân tộc có sự thăng tiến và phát triển. Chính cái đáng quí nhất này mà người Chăm đã bảo tồn được chữ viết của mình từ đời này qua đời khác xuyên suốt chiều dài lịch sử đầy thăng trầm và éo le của dân tộc. Cùng với gien và tinh thần hiếu học người Chăm đã tạo ra nét riêng mà khó để tìm thấy nét riêng này ở dân tộc thiểu số khác. Việc những đứa trẻ Chăm mới lớn thì đã biết ca hát, múa có sẵn trong mình năng khiếu bẩm sinh(có 10 đứa thì 7-8 đã được trời phú cho tính này) là minh chứng cho sự khác biệt này. Trong xã hội Chăm, hầu hết các gia đình đều phấn đấu để cho các con được cấp sách đến trường. Vì nghèo khó mà phải để cho các con mù chữ là cả một sự nhục nhã. Chính vì vậy mà chúng ta gặp không ít hoàn cảnh đặc biệt không kém ly kỳ và éo le trong cách tính toán sắp xếp cho các con đi đến trường: Có gia đình phải cho mấy đứa con nhỏ đi ở đợ (làm mướn nhiều năm liền và nhận tiền trước) để cho đứa lớn được học lên cao. Khi đứa lớn tốt nghiệp và có công ăn việc làm rồi thì lại giúp cho đứa nhỏ học hệ bổ túc văn hóa. Trong lúc đó, cha mẹ không từ nan bất cứ công việc nặng nhọc nào như: rũ rơm, lượm phân bò, nhổ cỏ mướn, chăn cừu, chăn bò thuê. Vì thế nhiều gia đình luôn cố gắng cho con mình được đi đến trường… - Tôn ti trật tự Quan sát sự sinh hoạt một làng Chăm, chúng ta sẽ thấy họ không sống xô bồ, nhếch nhác mà rất có tôn ti “kính trên nhường dưới”. Rõ nhất là cách mời ăn ở đám đình hay sinh hoạt nơi công cộng: Không bao giờ thấy một người nhỏ tuổi ngồi phía trên người lớn tuổi hơn mình. Chính do sự tôn ti trật tự này mà trong các đám đình, lễ hội, người ta nhận thấy rằng sự mời mọc các vị khách đến ngồi ở các ván dài để vào tiệc là cả một việc khó khăn vì không ai muốn vào cuộc, người này mời người kia, người kia lại đưa đẩy người nọ. Sự việc này làm cho nhiều người không giấu được sự bực bội của mình mà nhăn nhó! Nhưng lý do của nó thì khá đặc trưng, ai cũng chờ người khác ngồi trước để mình còn xem xem mình phải ngồi vào chỗ nào mới đúng ý tôn ti “ăn coi nồi, ngồi xem hướng”. Khi một người con trai trong tộc họ lấy vợ thì cả tộc họ được mời về bàn bạc về việc cưới gả này (mẫu hệ). Có khi ý kiến của người lớn tuổi trong tộc họ lấn át cả ý kiến của cha mẹ. Tộc trưởng thường là các vị chức sắc, vì luôn là người đại diện cho dòng tộc với hội đồng tôn giáo.Chính tôn ti trật tự này làm cho tộc họ Chăm sinh hoạt rất gắn bó và giữ được nề nếp gia phong khá độc đáo. 1.2. Những nét đẹp của phong tục tập quán Chăm Theo sự nhận xét của một số nhà tâm lý học thì tính khí con người được hình thành trên những căn nguyên nhất định: ảnh hưởng của thủy thổ, ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng, ảnh hưởng của sự giáo dục từng chế độ chính trị, ảnh hưởng của thời đại. Tất cả những yếu tố đó cộng với gien của dân tộc nếu được nói như thế tác động tổng hợp, tạo nên tính đặc thù của dân tộc đó. Riêng các yếu tố thủy thổ, tôn giáo, tín ngưỡng và gien phải là những yếu tố đậm nét nhất, khắc sâu vào tiềm thức cũng như ý thức con người một cách sâu sắc nhất vì chúng mang ý nghĩa nền tảng. Sau đây là một số tính cách đặc trưng của dân tộc Chăm tại Việt Nam.(3) -Tính cộng đồng: Sinh hoạt trong một xã hội gần như khép kín, người Chăm đã phát huy tính cộng đồng đến mức độ khá cao: Trong các đám đình, đặc biệt là đám tang, người Chăm thường ngưng tất cả hoạt động của mình, dù là hoạt động mang tính cấp bách và quan trọng như ngày gieo lúa chẳng hạn, để tụ tập lại hầu giúp đỡ và an ủi gia đình đương sự. Tính cộng đồng này phản ảnh nền văn minh lúa nước và mang đậm nét tác phong nông nghiệp của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Dĩ nhiên, trong sinh hoạt công nghiệp hôm nay, tác phong này có phần gây cản trở cho sự thăng tiến và phát triển cộng đồng vì ảnh hưởng đến thời gian (cần tiết kiệm) và sức lao động của con người. Nhưng những công việc thông thường nhưng vượt quá sức lao động của các thành viên trong gia đình như: giở nhà, xây nhà, trét tường, lợp tranh, thường phải nhờ đến lao động cộng đồng. Bà con láng giềng đến giúp đỡ một cách vui vẻ, các ông thì làm những công việc nặng nhọc, các bà thì nấu nướng, phục vụ. Cũng nằm trong tính cộng đồng này, chúng ta nhận thấy người Chăm hưởng ứng rất nhiệt tình các đợt quyên góp mang tính cách xã hội như: góp quĩ khuyến học, góp quĩ hỗ trợ gia đình nghèo, hỗ trợ bão lụt v.v. Tôi đã từng nhiều lần tham dự các đêm văn nghệ vì mục đích từ thiện ở vùng nông thôn Chăm và đã chứng kiến vài sự kiện khá độc đáo: Những người nông dân hoàn toàn không dư dả gì đã tự động đến sân khấu dâng biếu tiền bạc ủng hộ đêm văn nghệ, và khi loan báo danh sách hảo tâm, từng đợt người tiến lên làm nhiệm vụ của mình một cách vui vẻ và phấn khởi. - Tính sĩ diện: Tính sĩ diện của người Chăm có những mặt rất tích cực và đáng được khuyến khích trong sinh hoạt cộng đồng như quan niệm “một người làm xấu cả họ mang nhục” hay “Dak lihik kabaw yuw, oh dak mưluw bbauk” (Thà mất đôi trâu còn hơn mất mặt). Chính vì vậy mà xã hội Chăm đã khắc phục được nạn trộm cắp hay ăn xin. Trong cộng đồng, không có (hay rất ít) kẻ trộm cắp vì mỗi khi bị bắt thì không những đương sự phải chịu hình phạt của luật pháp mà còn chịu sự phỉ nhổ của dòng họ và xóm làng. Dĩ nhiên những hạng người này bị dư luận nhìn bằng nửa con mắt. Đó cũng là lí do hạn chế được nạn ăn xin. Có thể nói trong xã hội Chăm không có người ăn xin. Ai cũng tin thế. Mặt trái của vấn đề cũng đáng cho ta phải đề cập đến vì sĩ diện không đúng chỗ, hiểu không thấu đáo sẽ trở thành tai họa cho xã hội. Không ít người Chăm chỉ vì không muốn thua kém chị kém em trong các đám đình của gia đình (như đám cưới, đám tang) mà phải đem con đi ở đợ để được bằng hay hơn người. Như thế gia đình sẽ không bị dư luận chê bai mà còn được tán dương, quí trọng nữa. Đúng là sĩ diện hão. - Tính tiết kiệm: Mang tác phong nông nghiệp và sinh hoạt theo nhịp sống thanh thản êm xuôi của vùng nông thôn, người Chăm dứt khoát không phải là hạng người sống xa hoa, vung tiền qua cửa sổ. Trong lúc thiếu thốn đã đành nhưng khi họ làm ra tiền hay được mùa họ cũng biết dành dụm, chắc chiu từng đồng lẻ. Họ ăn uống cũng như ăn mặc rất thanh đạm và khiêm tốn nếu không nói là kham khổ. Nhờ biết tiết kiệm mà người Chăm đã biết tích lũy để khắc phục được các nạn đói kém lúc mất mùa hay bị thiên tai địch họa trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Tuy kinh tế nhìn chung chưa phát triển cao, vì sống trong vùng khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nhưng người Chăm vẫn có cuộc sống tương đối ổn định, nhà cửa khang trang, tươm tất lại còn có thể cho các con đi đến trường, không đứa nào phải thất học. Như vậy, họ làm cách nào để tạo được lối sống như thế? Chắc chắc là phải do biết tiết kiệm trước nhất để có của ăn của để, sau đó mới nói đến sự biết tính toán, xoay sở và cần cù lao động để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Rõ ràng trong sinh hoạt hàng ngày, biết làm ra tiền chưa đủ, mà phải biết giữ tiền mới là yếu tố quyết định. Tục ngữ phương Tây có câu: “Gia tài có được là do bàn tay mặt khéo léo và bàn tay trái tiết kiệm”. Sở dĩ người Chăm biết dành dụm, tích lũy là do phải thích nghi với cuộc sống luôn phải đối phó với môi trường tự nhiên của miền Trung khắc nghiệt, hàng năm phải đương đầu với lũ lụt và hạn hán rất gay gắt. Tiếc thay, tính cách cần kiệm rất quí này đã giúp người Chăm xây dựng nên cơ nghiệp trong quá khứ nay đã phai mờ dần trước cuộc sống ồ ạt của thời đại mới mà cộng đồng Chăm cũng bị cuốn theo cơn lốc đua đòi và sĩ diện hão để phung phí trong các đám đình, lễ hội, và xây cất nhà cửa hiện đại trong lúc còn nhiều khó khăn, túng thiếu. 2. Dân tộc Chăm tại Bình Thuận. 2.1. Vị trí địa lí và sự phân bố dân cư. Bình Thuận là một tỉnh duyên hải miền trung. Phía bắc giáp Ninh Thuận, phía tây giáp Lâm Đồng, phía đông giáp biển Đông, phía nam giáp Đồng Nai. Đây là nơi tập trung khá đông dân tộc Chăm sinh sống lâu đời, xếp thứ hai sau Ninh Thuận. Với khoảng 41.000 người chiếm tới 4% dân số toàn tỉnh, dân tộc Chăm có số dân đông thứ hai sau dân tộc kinh ở Bình Thuận. Ở đây cộng đồng người Chăm phân bố rộng khắp tỉnh nhưng đông nhất là: Huyện Bắc Bình với 3.280 hộ, với 23.000 dân, tiếp đến là các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam. Tuy có sự phân tán không tập trung nhưng người Chăm ở Bình Thuận vẫn giữ nguyên vện bản sắc riêng của cộng đồng mình. Biểu hiện rõ ở đây mỗi làng Chăm mặc dù sống xen kẽ với cộng đồng người Kinh nhưng không có sự pha trộn nào. Nó thể hiện rất rõ nét qua từng chi tiết trong đời sống sinh hoạt. Ở Bình Thuận mỗi làng Chăm đều có nơi để thờ tự và sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng mình. Bình Thuận có 10 thánh Đường của người Chăm theo tôn giáo Bàni và 5 đền tháp thờ tự của người Chăm tôn giáo Bàlamôn. 2.2. Đời sống tôn giáo Người Chăm có hai tôn giáo chính rất độc đáo là Bàlamôn giáo và Hồi giáo. Sở dĩ nói độc đáo vì trên thế giới này không nơi đâu có hình thức tôn giáo như cộng đồng người Chăm Bình Thuận và ở Việt Nam nói chung. Bàlamôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, du nhập vào Champa vào cuối thế kỷ thứ IV. Đặc điểm của Bàlamôn giáo là thờ nhiều thần, nhưng ở đây Bàlamôn của dân tộc Chăm lại thờ cả thánh Allah. Hồi giáo có nguồn gốc từ Ả Rập, truyền qua Mã Lai, du nhập vào Champa vào thế kỷ thứ X. Đặc điểm của hồi giáo thế giới là độc thần, chỉ thờ độc nhất là đấng Allah, nhưng Hồi giáo của dân tộc Chăm (được gọi là Bàni) lại thờ luôn các thần của Bàlamôn giáo. Sở dĩ có hiện tượng lạ lùng trên là do quá trình lịch sử Champa phức tạp, hai tôn giáo trên đã chống chọi nhau gây chia rẽ trầm trọng, nên các vua chúa Champa thời đó phải đưa ra thuyết dung hòa tôn giáo kiểu tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nhờ sự dung hòa này mà ngày nay hai tôn giáo trên đã có sự thân thiện, bớt tính khắt khe hơn trong đời sống cộng đồng hiện nay. Mặc dù không còn khắt khe như trước nhưng mỗi tôn giáo đều giữ một nét riêng khác biệt của mình. Mỗi một tôn giáo có cái kiêng kỵ khác nhau: Người Chăm Hồi giáo (tức Bàni) kiêng thịt heo và thịt dông vì vậy khi vào plây Chăm Bàni, khách không nên mang theo thịt heo hay thịt dông để tỏ phép lịch sự tối thiểu. Ngược lại khi vào plây Chăm Bàlamôn, khách kiêng mang theo thịt bò. Do có hai tôn giáo nên trong đời sống cộng đồng người Chăm có nhiều lễ hội văn hóa phong phú như: Katê, Lijanưgar, Ramưwan, Súcdâng…mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Từ những lễ nghi tôn giáo Chăm, khi vào thánh đường Bàni hay vào những tháp Chăm, khách nên tìm cái chăn trắng để mang cho phải phép. Phụ nữ phải mặc đúng trang phục khi tới thánh Đường. Nếu là khách nữ đến bất ngờ thì được mời ngồi tại một nhà khách trong thánh Đường. Ngoài ra trong thánh đường, khách chỉ được ngồi dự lễ trong vòng hai hàng cột ngoài chứ không được ngồi cao hơn. Khi chụp ảnh quay phim lại càng phải dè dặt hơn, phải do các thầy hay các vị có trách nhiệm hướng dẫn. 2.3.Sự ràng buộc tôn giáo. Lúc sống, khi chết, người Chăm bị ràng buộc chặt chẽ vào lễ nghi tôn giáo và phong tục tập quán của mình. Đặc biệt người Chăm Bàni có những lễ nghi rất cụ thể để tuân theo từ khi lọt lòng đến lúc mất. Lúc mới sinh ra khi vừa tròn một tháng các em bé đã được làm lễ cắt tóc (katbu) và mân cơm đầy tháng. Con trai khi lên 14-15 tuổi phải qua lễ nhập đạo (katanh) còn con gái đến 14-15 cũng có lễ nhập đạo (karok), cả hai tuổi đến trưởng thành, cưới gả thì phải qua lễ đám cưới (likhah), người già khi đến tuổi mà không thề đi lại được nữa thì có lễ tẩy thân (ngakphăt). Con trai và con gái có qua lễ Katat, Karok rồi sau này mới tiến hành đám Likhah được và có đám Likhah rồi, khi cha mẹ mất con trai hay con gái mới được dự lễ tẩy thể(tắm gội thể xác trước khi chôn cất) và lễ Âuwa (lễ trả hiếu cho cha mẹ). Ngay cả bản thân mình, nếu không được qua các lễ nghi tôn giáo Katat, Karok, Likhah và Ngakphăt thì lễ chôn cất sẽ được thực hiện rất đơn giản chứ không theo lễ nghi bình thường. Đó là điều bất hạnh lớn đối với người Chăm Bàni. Đối với người Chăm Bàlamôn thì sự ràng buộc về tôn giáo cũng không khác người Chăm Bàni. Mặc dù hơi thoáng nhưng mỗi người cũng trải qua các lễ nghi trong đời tức thị nam, nữ khi đến tuổi gả vợ, dựng chồng thì phải trải lễ cưới (Băng padik). Đến khi chết nếu như đều trải qua các nghi lễ đó thì được nhập Kut(được chôn với dòng tộc mình). Nếu không được chôn với dòng tộc mình thì là điều bất hạnh với người Chăm Bàlamôn. Do lễ nghi tôn giáo ràng buộc như trên, người Chăm cảm thấy rất khó khăn khi phải lấy người ngoại đạo, hay phải sống xa quê hương vì ngại thiếu thủ tục và lễ nghi tôn giáo nghiêm túc lúc lìa đời. Theo trào lưu đổi mới hôm nay, sự giao lưu giữa người Chăm trong cộng đồng cũng như những người không cùng cộng đồng dân tộc được đặt ra khá gay gắt. Chính vì vậy mà người Chăm phải tìm cách giải quyết vấn đề hôn nhân không cùng tôn giáo bằng cách làm thủ tục nhập đạo cho người bạn đời của mình để không còn gây khó khăn trở ngại (thủ tục này trước đây khó thể hiện vì các chức sắc không chấp nhận). Do sự tiến bộ trong đời sống xã hội ngày nay hai bên tôn giáo Chăm đã thoáng hơn trong hôn nhân, việc cho phép các đôi nam, nữ lấy nhau thể hiện được sự cởi mở của các chức sắc, sư cả Chăm ở Bình Thuận. Ngoài lễ nghi tôn giáo ra, sinh hoạt thông thường cũng có những đặc trưng của nó mà người khách có quan hệ làm ăn với người Chăm cũng cần biết đó là: Ngày Chủ nhật và ngày thứ Năm người Chăm kiêng xuất của hay không cho con cái đi xa, vì họ quan niệm rằng ngày này không tốt. Hôm nay, tập quán này đã được cải tiến nhiều, nhất là ở các giới trẻ. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn và Bàni ở Bình Thuận và đại đa số ở các nơi khác, còn một bộ phận thiểu số người Chăm theo Islam thì vấn đề sinh hoạt hàng ngày càng bị tôn giáo chi phối nặng nề hơn nữa vì phải tuân theo đúng lễ nghi và tập quán của Islam quốc tế. Chính vì các nghi lễ tôn giáo trên mà người Chăm rất coi trọng các nghi thức tôn giáo của mình, từ đó hình thành ở người con Chăm những quan niệm trong tư duy cuộc sống. 2.3. Vị trí của tôn giáo trong đời sống. Tôn giáo có chỗ đứng rất cao trong đời sống của cộng đồng người Chăm. Ở BìnhThuận tôn giáo được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống và sinh hoạt cộng đồng. Nó luôn định hình cho mỗi người Chăm trong suy nghĩ và hành động. Sở dĩ tôn giáo dược tôn sùng độc tôn ở người Chăm là vì trong cuộc sống họ luôn bị các lễ nghi tôn giáo như nói trên đã ràng buộc và chi phối. Lâu ngày hình thành trong đời sống sinh hoạt của mỗi người Chăm, định hình cho họ những nếp suy nghĩ và hoạt động của mỗi cộng đồng mình. Dần dần những tập quán ấy ăn sâu vào máu thịt của mọi người và khó tháo gỡ ra được, nó trở thành những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Chính sự ràng buộc này mà trong đời sống sinh hoạt, những người làm tôn giáo rất được đề cao. Đặc biệt các vị chức sắc, sư cả rất được xem trọng và có vị trí cao nhất trong cộng đồng. Đối với cộng đồng xã hội Chăm những người làm tôn giáo là một đẳng cấp khác biệt, giống như chế độ đẳng cấp Bàlamôn giáo Ấn Độ họ chỉ là người đứng sau Brama, Visnu hay Allah, Mohamat trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mình. Họ là người kết nối giữa thần và con người hiên tại trong đời sống. Điều này càng làm cho họ có quyển hành và sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Vì vậy trong thời buổi ngày nay, tranh thủ những mặt tích cực, phát huy sự ảnh hưởng của những vị chức sắc, sư cả trong phát triển của cộng đồng Chăm ở Bình Thuận là việc làm hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Phần II. Tiêu chuẩn các vị chức sắc, sư cả Chăm và vị trí, vai trò của họ trong đời sống cộng đồng. 1.Tiêu chuẩn của một vị chức sắc, sư cả Chăm. 1.1. Sự thông thái. Để được phong hàm một vị chức sắc, sư cả những người làm tôn giáo Chăm cần phải trải một quá trình phấn đấu lâu dài. Họ phải trải qua các cấp bậc do tôn giáo mình quy định. Ví dụ một vị sư cả Chăm Bàni chỉ được công nhận chức danh này khi trải qua các cấp bậc thứ tự sau: Khi bắt đầu nhập đạo (từ 18 tuổi) thì được phong hàm Chan, đến khoảng 15 năm sau được phong hàm Lithìn, tiếp tục là hàm Katíp. Khi trải qua hàm này sẽ được hội đồng tôn giáo kiểm tra trình độ thông hiểu kinh Koran, tiếp đến vài năm sau được phong hàm Mươm và được kiểm tra lại trình độ kinh Koran nếu như đươc các hội đồng tôn giáo chấp nhận thì kể từ nay được tham gia vào các công việc điều hành, quản lí công việc cộng đồng. Khoảng 5 hay 6 năm sau được phong hàm Mươm cả(chức vụ này chỉ dành cho những người có tuổi đời 45 trở lên), khi nhận chức Mươm cả thì phải tiếp tục ôn luyện kinh Koran cho đến khi nào đạt đến sự thông thái, đến đây khi có một vị sư cả trong mỗi thánh Đường mất thì những người ấy được phong hàm chức sư cả lớn nhất trong mỗi làng, palei. Trong các palei sư cả là người đại diện tiếng nói cho cộng đồng mình. Trong tất cả các vị sư cả lại bầu ra một người uy tín, thông thái và giỏi nhất làm Tổng sư cả điều hành tất cả các công việc chung của cả cộng đồng( trong 10 thánh Đường ở Bình Thuận). Trước kia Ninh Thuận và Bình Thuận là tỉnh Thuận Hải có tới 17 thánh Đường đứng đầu là Tổng sư cả Thanh Tàu, nay tách ra hai tỉnh để thuận tiện cho việc quản lí, điều hành chức vụ này cũng được phân bổ cho một vị sư cả khác bên Ninh Thuận. Có thể thấy được muốn đạt được một chức sư cả Chăm Bàni là việc không đơn giãn, có người phải phấn đấu cả đời nhưng vẫn không đạt được chức vụ này. Tương tự một vị sư cả Bàlamôn cũng vậy phải biết hết tất cả những kinh thánh và trải qua các quy luật khắc khe của tôn giáo mình. Để nhập vào hàng ngũ pà xế và lên đến chức cả sư, phải thực hiện đủ các lễ tôn chức như sau: Lễ nhập đạo (dungakau), gọi là lễ xông miệng học chữ Chăm. Lễ lên cấp pà xế liah, giai đoạn học kinh kệ và học các nghi thức hành lễ. Lễ tôn chức tu sĩ chính thức (puah). Lễ tôn chức sư cả hoặc phó sư cả (popaik hoặc podhia). Sư cả Lạc một vị sư cả Bàlamôn ở Trí Thái, Bình Thuận cho biết: Do đây là người có quyền tối cao trong tôn giáo Bàlamôn. Vì vậy một người muốn có được chức vụ sư cả thì phải trải qua một quá trình thử thách lâu dài mới biết được người ấy đã đắc đạo hay chưa, có tài giỏi mới thực hiện được các nghi thức tôn giáo phức tạp và góp tiếng nói cho làng, palei mình. Từ đó mới được các con chiên của mình kính trọng và thần phục. Người Chăm từ xa xưa đã quan niệm rằng, những ai không thuộc những kinh thánh(kinh Koran được sử dụng cho cả Bàni và Bàlamôn) trong tôn giáo mình coi như là chưa biết gì. Chính vì vậy mà người được chọn làm các vị chức sắc, sư cả trong cộng đồng Chăm đều là người tài giỏi, thâm sâu về kiến thức. 1.2. Sự uy tín cao. Các vị chức sắc, sư cả luôn là những người tiêu biểu trong cư dân Chăm. Họ là người có uy tín, am hiểu luật tục cũng như tâm tư, nguyện vọng của mọi người, có vai trò quan trọng trong giải quyết xích mích trong nhân dân. Sự uy tín này có được một phần từ tôn giáo, chứ không phải do tiền bạc, vật chất hay thế lực nào. Ngoài ra còn do sự đánh giá, nhận xét của tất cả các tín đồ, sư sãi, con chiên của cộng đồng mình. Không những giỏi về kiến thức mà họ còn là người đức độ, sống tốt đời đẹp đạo. Họ nói được và họ làm được từ đó nhân dân kính nể và tin theo. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng thì niềm tin là đặc tính quan trọng nhất. Ai đem lại niềm tin và đã được niềm tin thì sự uy tín của người đó rất cao và không dễ gì thay đổi. Để hiểu rõ hơn vì sao người Chăm thường lựa chọn hai tiêu chí này để tìm ra một vị sư cả cho tôn giáo mình thì tôi đã có cuộc phỏng vấn với Tổng sư cả Thanh Tàu người có chức vụ cao nhất trong cộng đồng tôn giáo Chăm ở Bình Thuận(trước kia là cả Ninh Thuận). Ông trả lời: Sở dĩ các vị sư cả Chăm phải đạt được hai tiêu chuẩn này vì nó đã được quy định trong lịch sử. Trong cuộc sống xã hội luôn tìm ẩn nhiều sự phức tạp, cộng đồng cần phải tìm người tải giỏi, đức độ, làm thủ lĩnh đêm lại niềm tin cho cả cộng đồng, giúp cộng đồng mình về mặt tinh thần. Ngày nay cũng vậy các vị sư cả phải có tài giỏi, uy tín cao, mới được dân kính nể tin theo và giải quyết được những mâu thuận, vấn đề trong cộng đồng. 2.Vị trí, vai trò của chức sắc, sư cả trong đời sống. Do truyền thống bao đời để lại nên việc các chức sắc, sư cả có vị trí cao trong cộng đồng là một sứ mệnh. Không có họ thì đời sống tôn giáo, phong tục tập quán sẽ không được giữ mãi đến ngày nay. Cùng với đặc tính lâu đời trong đời sống xã hội Chăm mà ngày nay trong cộng cuộc phát triển kinh tế xã hội, ta vẫn có thể thấy sự ảnh hưởng của các vị chức sắc, sư cả trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. 2.1.Trong đời sống tôn giáo. Đối với dân tộc Chăm ở Bình Thuận thì các vị chức sắc, sư cả là người không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Họ là người có kiến thức, am hiểu về phong tục tập quán bao đời của cha ông để lại. Trong đó có nhiệm vụ dạy bảo các con chiên, tín đồ cũng như truyền lại tất cả những gì mình biết cho con cháu. Nên được các con chiên, tín đồ kinh nể và cả khi là tôn sùng. Ngoài ra họ là những người không thể thiếu trong các lễ hội, tết quan trọng: Họ là người đứng ra chủ trì, cúng bái tổ tiên, hành lễ mang lại đời sống tâm linh cho công chúng nên có vị trí cao, rất được cộng đồng xem trọng. Họ là người kết nối giữa thần linh, người quá cố với người trong cuộc sống hiện tại. Ở Bình Thuận một tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống thì vị trí này càng hiện rõ hơn nhất là trong các dịp lễ hội, tết Katê, Súcdâng, Ramưwan…hoặc trong các đám, đình trong đời sống hằng ngày. Để thấy được sự quan trọng của các chức sắc, sư cả là như thế nào trong đời sống tôn giáo thì tôi có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Trung một vị mươm cả uy tín trong đạo giáo Bàni hiện đang sinh hoạt tại thánh Đường Thanh Kiết. Khi được nghe câu hỏi: Trong mỗi palei Chăm có thể vắng mặt các vị sư cả được không? Ông trả lời một cách dứt khoát mà không suy nghĩ, không thể được, trong sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng thì các vị sư cả không thể vắng mặt dù chỉ là một ngày. Sư cả là người hướng dẫn, chỉ bảo các tín đồ, con chiên thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Hầu hết tất cả các đám đình, lễ hội đều do sư cả đứng chủ trì làm lễ không có họ thì không thành đạo. Sư cả chia phối tất cả những nghi thức sinh hoạt trong cộng đồng dù là nhỏ nhất như: Cho ngày cất nhà, cho ngày đám cưới, chủ trì lễ nhập đạo, phân công đạo giáo sinh hoạt trong một thánh Đường…như vậy trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng tôn giáo Chăm thì vai trỏ của sư cả là hết sức quan trọng. Có thể nói các vị sư cả là đứng tối cao trong tôn giáo của cộng đồng Chăm trong đời sống tâm linh. Do đời sống luôn bị ràng buộc bởi các nghi thức tôn giáo nên người Chăm phải cần những người nối tiếp để duy trì phong tục tôn giáo. Hiện nay ở Bình Thuận có tất cả 25 sư cả(cả Bàni và Bàlamôn), 9 thầy sế, 84 vị mươm, 101 thầy chang, 48 mươm cả, 6 thầy bóng(qua khảo sát thực tế). Nhưng thế này vẫn là quá ít so với nhu cầu về đời sống tâm linh của người Chăm nơi đây. Cùng với thời gian càng ngày càng có ít đi những người giữ chức vụ này bên đạo Bàlamôn, vì khi lên chức vụ sư cả cũng phải tốn kém khá nhiều của cãi vật chất. Mỗi khi có đám, đình, nếu như các vị chức sắc, sư cả trong làng mình không đủ, phải đi mời ở làng khác xa xôi, có khi phải sang tận tỉnh khác. Mặc dù khó khăn nhưng vẫn phải chấp nhận vì chỉ khi có họ các nghi lễ mới hoàn thành toại nguyện, đúng ý nghĩa. Về vấn đề này tôi có cuộc phỏng vấn bà đơm Long Thị Hiệp, người có vị trí cao nhất trong giới của phụ nữ Chăm và luôn song hành cùng với sư cả trong các đám đình, lễ hội, cúng tế…Khi được hỏi :Tại sao không có các vị sư cả thì những nghi lễ tôn giáo lại không được tiến hành? Bà nói: Do truyền thống bao đời mà từ xa xưa, các vị sư cả là người tối cao trong đời sống tâm linh của người Chăm. Họ am hiểu, giỏi về lục tục nên có họ thì các nghi lễ sễ thêm ý nghĩa hơn. Bà nói tiếp tuy nhiên hiện nay do phải quá phụ thuộc vảo các vị sư cả mà mỗi khi có các hoạt động tín ngưỡng diễn ra, nếu như vị sư cả palei không được khỏe thi phải đi mời sư cả làng khác giây khó khăn, trợ ngại, tốn kém. Nhưng phải nói rằng trong vai trò là người kế thừa, phát huy những giá trị của cha ông, họ có những đóng góp quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa Chăm. Do tôn giáo luôn đi kèm với đời sống cộng đồng nên sự ảnh hưởng của các vị chức sắc, sư cả cũng khá đậm nét trong đời sống xã hội. 2.2.Trong đời sống xã hội. Các vị chức sắc, sư cả ở Bình Thuận luôn có ảnh hưởng trong dân, luôn được dân kính nể. Họ nói dân nghe, dân làm theo. Họ không chỉ là người có kinh nghiệm sống nhất, mà còn là những người có khả năng vận dụng những kinh nghiệm đó vào thực tiễn để giải thoát nhiều phức tạp trong cuộc sống. Mỗi khi xã hội có biến động hay trắc trở, họ luôn là chỗ dựa vững chắc cho mọi người. Họ là người đứng ra giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến chính cộng đồng mình. Không ai lạ gì khi trong làng Chăm mỗi khi có xung đột hay xích mích với các làng, xóm khác gần ranh giới… thì họ luôn là người trung tâm giải quyết, và có khi giải quyết tốt hơn các cơ quan, chính quyền địa phương. Chẳng hạn có xảy ra một vụ đánh lộn, gây gỗ giữa các làng khác… đôi khi các lực lượng công an khó có thể giải quyết êm xuôi nhưng có các vị chức sắc, sư cả ra tay thi rất nhẹ nhàng và êm ấm. Sở dĩ mà họ nói cộng đồng nghe một phần là vị trí của họ cao, phần khác là vì mỗi người Chăm rất sợ bị trừng phạt. Do tính cộng đồng rất cao nên mỗi gia đình người Chăm không muốn bị mất mặt trước làng xóm hay bị chính tôn giáo mình phạt. Bởi vì nếu như bị phạt thì không ai đến lo toan cho gia đình họ khi đám tang hoặc nghi lễ khác. Sự nhục nhã lớn nhất đối với người Chăm là bị cộng đồng mình trục xuất ra khỏi làng, palei. Thế nên mỗi khi thấy sự xuất hiện của các vị chức sắc, sư cả làng mình thì những người xích mích lẩn đi không dám tiếp tục. Với tư cách là người ưu tú nhất, đại diện của làng, palei, các vị chức sắc, sư cả luôn là người trung tâm giải quyết những bất ổn cộng đồng, đem lại sự yên ắng cho cộng đồng dân tộc Chăm. Trong cuộc phỏng vấn với ông Long Tợ một trí thức Chăm cao tuổi hiện ở Thanh Kiết, Bình Thuận cho biết: Sở dĩ mỗi người Chăm rất sợ các vị sư cả hay các vị chức sắc là do các vị chức sắc, sư cả là một hội đồng tôn giáo có quyền tối thượng, họ có thể sự phạt bất kì ai nếu ngưởi đó làm mất mặt, ảnh hưởng tới kỉ cương của palei. Chính vì sợ bị phạt hoặc sợ đạo giáo mình trần trị mà mỗi người trong cộng đồng Chăm rất kính nể dẫn đến tiếng nói của các vị chức sắc, sư cả rất có giá trị trong cộng đồng. Mỗi khi mà các chức sắc, sư cả đứng ra giải quyết những người xích mích, tranh chấp thì dân chúng rất nghe lời vì họ tin vào sự giàn xếp của các vị này. Qua việc giải quyết các vấn đề xã hội, nó cho thấy được vai trò, vị trí quan trọng của các vị chức sắc, sư cả Chăm trong việc duy trì trật tự, an ninh xã hội. Phải khẳng định một điều rằng tiếng nói, vị trí của họ trong cộng đồng là rất cao. Có thể nói họ là một phần trong cuộc sống văn minh của cộng đồng Chăm ở Bìmh Thuận ngày nay. 2.3.Trong đời sống văn hóa. Đa số các vị chức sắc, sư cả là những người đã từ bỏ những thủ tục lạc hậu trong các đám cưới, ma tang, đình đám, lễ hội tốn kém, nhiều gia đình giàu lên, nhiều thanh niên đã học lên đại học và được làm việc trong các cơ quan nhà nước… Họ cũng là người gương mẫu, mẫu mực trong đời sống, là hình mẫu đẻ con cháu, quần chúng noi gương. Hiện nay hầu hết các thôn, xã ở vùng đồng bào dân tộc Chăm trong tỉnh Bình Thuận đã được phát động xây dựng thôn văn hóa. Thông qua việc đề ra các quy chế về nếp sống mới, các vị chức sắc, sư cả cũng là người tích cực vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng xây dựng đời sống mới tại cơ sở, ngày càng có nhiều thôn, làng văn hóa mọc lên. Cùng với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nới cơ sở”các vị chức sắ, sư cả đã tích cực cùng Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động nhiều phong trào như “ Thực hiện nết sống văn minh nơi thờ tự”, “Dòng tộc văn hóa”, phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…Các vị chức sắc, sư cả cũng là những người hưởng ứng tích cực các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ vì lũ lụt các chương trình vì người nghèo…Cùng với Mặt trận, hội nông dân, đoàn thể các vị chức sắc, sư cả đã cùng chung tay xây dựng nết sống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí trong mỗi cộng đồng palei Chăm. Trong cuộc phỏng vấn với bà Thanh Thị Thắng bí thư đảng ủy xã Phan Thanh cho biết: Các vị chức sắc , sư cả Chăm là những người rất quan trọng trong việc thực hiện, hưởng ứng các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Các ban ngành, đoàn thể luôn quan tâm tới các vị chức sắc, sư cả coi họ là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao dân trí và phát triển kinh tế xã hội. Cùng với tiếng nói của mình trong cộng đồng các vị chức sắc, sư cả cũng đã đóng góp lớn vào xây dựng chính quyền nơi cơ sở. Về công tác “đại đoàn kết toàn dân” thì các vị chức sắc, sư cả luôn là người kết nối cộng đồng Chăm với các dân tộc anh em trong tỉnh. Họ là trung tâm hòa giải những xích mích giữa các làng, xóm chung ranh giới. Ông Ung Đức Chính chủ tịch mặt trận huyện Bắc Bình cho biết thêm: Trong những năm qua cùng với chính quyền địa phương các vị chức sắc, sư cả,trí thức đã làm tốt các công tác “Đại đoàn kết” và xây dựng đời sống văn hóa mới cơ sở, ngày càng có nhiều thôn văn hóa mọc lên, trong sự phát triền ấy không thể phủ nhận công lao của các vị chức sắc, sư cả tại các làng, xóm Chăm ở Bình Thuận. 2.4. Trong công tác an ninh quốc phòng. Do là những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng nên các vị chức sắc, sư cả luôn là tâm điểm trong công tác trật tự, an ninh quốc phòng. Cũng vì vậy mà vẫn còn một số thế lực ở trong và ngoài nước luôn thực hiện ý đồ lôi kéo, kích động, phá hoại, hồng chia rẽ sự đoàn kết của dân tộc. An ninh trật tư ở một số làng, xã có lúc, diễn ra phức tạp. Việc truyền bá cẩu thả đạo Tin lành cũng đã có lúc gây sự bất bình trong cộng đồng của đạo Bàni hay việc lôi kéo thanh thiếu niên Chăm rời bỏ tôn giáo chính gốc đi theo hồi giáo Islam quốc tế.... Những mâu thuận, đánh lộn giữa một vài thanh niên người Chăm với một vài thanh niên người Việt ở các thôn, làng, xã có chung ranh giới ở Bình Thuận có khi diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, các thủ tục mê tín dị đoan vẫn còn xảy ra, đã tạo ra tư tưởng nghi kỵ, nếu không biện pháp giải quyết sẽ ảnh hưởng đến anh ninh trật tự, đời sống tinh thần, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Từ khi có chỉ thị của Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) về việc tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã tạo thuận lợi để cho các lực lưỡng công an tỉnh, xã cùng các vị chức sắc, sư cả giải quyết tốt hơn tình hình an ninh của các thôn, xã Chăm ở Bình Thuận.Cùng với chính quyền địa phương, công an tỉnh, mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh thiết lập tăng cương mối quan hệ với các vị chức sắc, sư cả uy tín để giải quyết các vấn đề. Nhiều vị chức sắc, sư cả đã mạnh dạn chống lại những luận điệu của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Giải thích cho nhân dân thấy rõ sự lôi kéo của đạo Tin lành với người Chăm, làm cho đồng bào Chăm xa rời những truyên thống của dân tộc. Để hiểu rõ hơn vấn đề này tôi đã có cuộc phỏng vấn đại úy Nguyễn Thế Vinh, công an tỉnh, người đã có lâu năm trong công tác an ninh của đồng bào Chăm tại Bình Thuận chia sẽ thêm về vấn đề này. Đại úy hãy cho biết trong công tác an ninh ở tỉnh ta hiện nay thì các vị chức sắc, sư cả Chăm có vai trò như thế nào? Trả lời: Trong tình hình an ninh thế giới đang diển ra phức tạp như hiện nay, ở Bình Thuận nhờ triển khai chỉ thị của Bộ công an về việc tranh thủ những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiều số mà công tác an ninh quốc phòng được nhiều thuận lợi. Đối với một tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống nhiều như Bình Thuận thì các vị chức sắc, sư cả có vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng. Do là người có uy tín và địa vị cao trong cộng đồng Chăm nên cùng với lực lưỡng công an, ban ngành các cấp, các vị chức, sư cả luôn góp phần quan trọng vào sự nghiệp an ninh quốc phòng của tỉnh nhà. Ngày càng có nhiều vị chức sắc, sư cả Chăm tiêu biểu trong công tác an ninh quốc phong như: Tổng sư cả Thanh Tàu, sư cả Xích Mộc, sư cả Lâm Nam, sư cả Tạ Thai, mươm cả Xích Dự, mươm cả Thanh Thắng, sư cả Nhọt, sư cả Lạc… những cái tên ấy bây giờ đã trở thành quên thuộc với các lực lưỡng công an tỉnh nhà. Ngoài ra các vị chức sắc, sư cả Chăm còn phối hợp với chính quyền giải quyết tốt tình hình tranh chấp đất sản xuất, những mâu thuẫn liên quan đến phong tục, tín ngưỡng và vận động bà con thực hiện nếp sống mới văn hoá lành mạnh. Có thể nói các vị chức sắc, sư cả thật sự là những người cộng tác viên đáng tin cậy, quan trọng trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tại mỗi xã, palei Chăm ở Bình Thuận. 2.5.Trong phát triển kinh tế. Các vị chức sắc, sư cả, trí thức cũng đã góp phần đáng kể cùng con cháu nổ lực vươn lên trong xóa đói-giảm nghèo, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất.Cùng với kinh nghiệm lâu đời, họ thấu hiểu tập quán sản xuất của cộng đồng mình. Họ luôn là người đi đầu trong các mô hình kinh tế, hưởng ứng tích cực các chính sách, chương trình phát triển kinh tế dân sinh, làm nâng cao hơn mức sống của cộng đồng. Bà Đặng Thị Nhớ chủ tịch hội nông dân xã Phan Thanh cho biết thêm: Trong các chương trình phát triển kinh tế, do bà con chưa quên nhiều với các mô hình sản xuất mới nên mỗi khi có các chương trình về thay đổi cơ cấu cây trồng hay thay đổi vật nuôi thì hội luôn vận động các chức sắc, sư cả, trí thức làm trước để bà con hưởng ứng theo. Nhờ vậy trong phát triển kinh tế xã hội trong cộng đồng Chăm cũng dược nhiều thuạn lợi hơn. Ngoài ra các vị chức sắc, sư cả là người góp phần bảo tồn văn hoá, ở đây không phải cứ khư khư giữ lấy cái cũ. Cùng với sự phát triển ngày nay, các vị chức sắc, sư cả đã chủ động loại bỏ dần những yếu tố không hợp lý, không còn phù hợp với đời sống hiện nay, đồng thời chủ động tiếp thu cái mới, tất nhiên trên cơ sở bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Có như thế văn hoá truyền thống của dân tộc không bị mai một mà được bảo tồn và phát triển liên tục từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Công việc này là trách nhiệm của tất cả các thành viên trong cộng đồng người Chăm và của các ngành, các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng cốt cán, nhân sĩ, trí thức người Chăm tiêu biểu có uy tín. Nhưng trong các thành phần nêu trên vai trò chức sắc, sư cả, mà đặc biệt là vai trò của các vị sư cả rất quan trọng. Mặc dù một số nghi lễ trong tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm còn cầu kỳ, kéo dài thời gian và tốn kém như lễ tang, lễ tôn chức sắc, lễ múa lớn nhưng thông qua các chức sắc, sư cả để vận động người dân thực hiện đơn giản, tiết kiệm hơn, tất nhiên vẫn bảo đảm đầy đủ các nghi thức trong một nghi lễ. Bởi vậy, vai trò và vị trí của các vị chức sắc, sư cả ở vùng đồng bào Chăm là rất quan trọng. Họ dám hy sinh, tận tụy để cùng chính quyền, đoàn thể xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu mạnh. Những truyền thống tốt đẹp ấy cần đựơc tiếp tục gìn giữ và nhân lên trong các làng Chăm ở Bình Thuận và các làng, palei Chăm khác ở Việt Nam. 3. Những mặt hạn chế của chức sắc, sư cả Chăm hiện nay. - Trong tôn giáo: Sự ganh tị, đố kỵ, tranh thủ tạo thế lực trong tôn giáo đã có dấu hiệu bắt đầu. Mặc dù không nhiều nhưng nó đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, mất đi nết đẹp tôn giáo bao đời mà nhiều thế hệ đã cất công gìn giữ. Trong nội bộ tôn giáo do chia ra thành từng vùng, từng khu vực nên thường xảy ra tình trạng gây mất đoàn kết như tranh chấp chức sư cả, không thống nhất ngày tháng và cách thức hành lễ trong nội bộ. Giáo lý, giáo luật không được phổ biến rộng rãi và rõ ràng nên mỗi vị chức sắc hiểu và thực hiện khác nhau vai trò của các chức sắc đang phai dần trong xã hội Chăm. -Trong đời sống, kinh tế, văn hóa: Cùng với sự phát triển của xã hội, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhiều trong việc bãi bỏ các phong tục tạp quán lỗi thời, thay đổi cái lạc hậu, giảm bớt tốn kém cho ma chay, đình đám... Nhưng ngày này do trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế con nhiều khó khăn, mà nhiều điều các chức sắc, sư cả Chăm chưa thống nhất được với nhau, nó đã ít nhiều gây nhiều cản trở đến sự thăng hoa văn hóa Chăm.Trong khi đó tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm Bình Thuận hiện nay vẫn còn nhiều nghi lễ cầu kì, kéo dài thời gian và tốn kém. Lớp trẻ Chăm hiện nay không muốn vào hàng ngũ chức sắc do bị ràng buộc, kiêng cữ nhiều trong đời sống hàng ngày và không có quyền lợi gì về mặt kinh tế...Các chức sắc, sư cả thì chưa được tiếp cận với khoa học hiên đại. Phần III. Những giải pháp,đề xuất để các vị chức sắc, sư cả Chăm giúp cộng đồng mình phát triển toàn diện. Trong phần II, chúng ta đã thấy được vai trò, vị trí của các vị chức sắc, sư cả trong cộng đồng Chăm ở Bình Thuận. Quan trọng là thế nhưng có giải pháp thế nào để họ giúp cộng đồng mình phát triển lại là một chuyện khác. Sau đây là các giải pháp để các vị chức sắc, sư cả Chăm có thêm khả năng giúp đỡ cộng đồng mình. 1. Các giải pháp phát huy vai trò các vị chức sắc, sư cả Chăm. -Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước hết phải nhìn thấy được sự quan trọng của các vị chức sắc, sư cả trong đời sống xã hội cộng đồng Chăm. Có thấy được sự quan trọng của họ mới cùng họ giải quyết tốt công việc của đồng bào Chăm. -Tranh thủ sự ảnh hưởng của các vị chức sắc, sư cả, để cùng họ vận động đồng bào thực hiện các dự án, chương trình phát triển dân sinh kinh tế xã hội. Phối hợp cùng họ giải quyết những bất đồng, tranh chấp, xung đột tôn giáo liên quan đến trật tự an ninh tại mỗi làng, xã, palei Chăm. -Trong các chương trình, dự án liên quan đến cộng đồng Chăm cần lắng nghe ý kiến, nhận định của họ, vì chính họ mới biết cộng đồng mình cần gì? -Cần tận tâm, trao đổi cùng họ tìm ra các giải pháp thích hợp trong phát triển cộng động mình. Tác động tích cực để họ nhận biết được cái mới cái hay của xã hội, từ đó từ bỏ cái lạc hậu giúp cộng đồng Chăm đi đến tiến bộ xã hội. -Khuyến khích, tạo điều kiện để họ tham gia các hoạt động chính quyền tại địa phương, để họ góp tiếng nói của mình vào sự phát triển chung của làng, xã. -Mời họ tham gia các buổi tập huấn, các buổi tuyên truyền về sức khỏe, pháp luật, giao thông…để họ triển khai trong cộng đồng. Cần mời họ thường xuyên tham gia vào các buổi tiếp xúc cử tri, đẻ họ giải bày những tâm tư nguyện vọng của cộng đồng mình. -Trong các cuộc vận động hay giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc Chăm để có hiệu quả cần tranh thủ vai trò của lực lượng cốt cán, các vị nhân sĩ trí thức và các chức sắc, sư cả đặc biệt là các vị sư cả trong vùng Chăm. Bởi vì mọi vấn đề liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng Chăm đều do sư cả Chăm quyết định. -Các ngành, các cấp cần thường xuyên theo dõi nắm bắt các diễn biến tư tưởng trong nội bộ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với các vị chức sắc, sư cả và thông qua các vị chức sắc, sư cả để vận động, giáo dục, thuyết phục đồng bào cần giữ gìn bản sắc văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của mình. Thực tế thời gian qua cho thấy, phương pháp này rất thành công. Nhiều đối tượng do tác động của sư cả, trưởng tộc họ và của gia đình, đã trở lại tôn giáo truyền thống. Điều này đã được người dân ở địa phương đồng tình ủng hộ rất cao. Làm tốt các yêu cầu trên thì các cấp cơ quan, đơn vị, tổ chức, chính quyền sẽ thấy được sự hiểu quả công việc mà các vị chức sắc, sư cả mang lại. Từ đó đi sâu vào thực tế, đời sống xã hội Chăm, để có các biện pháp phát huy hơn nữa vai trò của họ trong cộng đồng. Góp phần thực hiện tốt các chính sách, chủ trương cũng như đường lối của Đảng và nhà nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi để củng cố tình đoàn kết trong nội bộ dân tộc tôn giáo, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị ở Bình Thuận 2. Những đề xuất nhằm cho công tác của các vị chức sắc, sư cả Chăm thêm thuận lợi. Vai trò to lớn của các vị chức sắc, sư cả Chăm trong cộng đồng là có thực, cần phát huy hơn nữa những mặt tích cực của họ trong nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội. Nhưng chỉ các vị chức sắc, sư cả thôi là chưa đủ, cần có sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể…chung tay để họ phát huy hiểu quả hơn vai trò của mình trong cộng đồng. Để thuận lợi hơn cho các vị chức sắc, sư cả Chăm trong công tác phát triển cộng đồng cần thực hiện tổng thể các mặt sau đây. 2.1. Nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. -Kinh tế xã hội: Cần thực hiện nhiều chương trình dân sinh, phát triển kinh tế xã hội trong nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Cần có chích sách trợ giúp các vị chức sắc, sư cả trong việc học tập và tiếp cận với mô hình phát triển kinh tế, các giống cây trồng, vật nuôi… Đối với cộng đồng Chăm tại Bình Thuận việc đưa ra các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với văn hóa, điều kiện sản xuất là rất quan trọng(vì hai tôn giáo có sự kiêng kỵ khác nhau nên rất khó cho việc phát triển chăn nuôi). Cần quan tâm phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: làm gốm, dệt thổ cẩm…để tăng thêm thu nhập. Xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy, xí nghiệp để nâng cao đời sống, giải quyết việc làm tại chỗ. Có chính sách hộ trợ vay vốn, để phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, đói. - Văn hóa tinh thần: Hiện nay trình độ dân trí của cộng đồng Chăm Bình Thuận nhìn chung còn thấp. Cần giảm tình trạng thất học ở các thanh thiếu niên Chăm và quan tâm nhiều hơn đến chính sách phổ cập giáo dục. Đưa văn hóa vào giảng dạy trong các chương trình phổ thông, cao đẳng, đại học… để giữ gìn, nâng cao, giáo dục tình thần truyền thống,văn hóa dân tộc. Cần mở các chương trình đào tạo cho các vị chức sắc, sư cả Chăm trong việc duy trì và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp. Tìm các biện pháp bảo tồn văn hóa Chăm, tất nhiên việc bảo tồn văn hoá ở đây không phải cứ khư khư giữ lấy cái cũ mà cần chủ động loại bỏ dần những yếu tố không hợp lý, không còn phù hợp với đời sống hiện nay, đồng thời chủ động tiếp thu cái mới, tất nhiên trên cơ sở bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Xây dựng nhiều hơn nữa các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức nhiều các chương trình giao lưu văn hóa giữ các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống. Hiện nay cùng với việc dạy tiếng Chăm trong cấp tiểu học và có Đài phát thanh truyền hình bằng tiếng mẹ đẻ là dấu hiệu đáng mừng. 2.2. Nâng cao vai trò của người uy tín quản lý hệ thống cơ sở. Cần đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ hệ thống quản lý chính quyền tại cơ sở. Cần có chính sách mới đối với các chức sắc trẻ có trình độ trong việc tham gia chính quyền địa phương như: Mặt trận, Hội nông dân, thanh tra nhân dân… Hiện nay tình trạng lỏng lẽo trong quản lý tại các cấp cơ sở Chăm là đáng báo động, nhiều Đảng viên, chi bộ không quan tâm đến giải quyết công việc của dân. Những bức xúc, phản ánh của dân không được giải quyết kịp thời dẫn đến việc mất lòng tin của các chức sắc, sư cả vào chính quyền, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm của các làng, thôn, xã Chăm hiện nay là xây dựng một hệ thống cơ sở Đảng vững mạnh và trong sạch. Quan tâm sâu sắc đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, sư cả Chăm trong việc giải quyết những thắt mắc, bức xúc trong dân thỏa đáng, có như vậy mới làm tăng lòng tin của nhân dân vào chính quyền, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. 2.3. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đi đôi với việc nâng cao đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng quản lý nơi cơ sở thì việc quan trọng nhất hiện nay là thực hiện tốt các chính sách dân tộc tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Thự hiện tốt các chính sách phát triển dân tộc và tôn giáo. Quan tâm hơn đên đời sống của các cộng đồng dân tộc có đạo. Thực hiện các chính sách phát triển bình đẳng giữa các tôn giáo, đảm bảo việc tự do tín ngưỡng trong tôn giáo. Kết Luận Trong việc nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội ở Bình Thuận thì các vị chức sắc, sư cả Chăm có vai trò đặc biệt quan trọng. -Các vị chức sắc, sư cả luôn là những người tiêu biểu trong cư dân Chăm. Họ là những người có kiến thức nhất định về văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của dân tộc mình. Họ là những người có uy tín, am hiểu luật tục cũng như tâm tư, nguyện vọng của mọi người, có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa những xích mích, trong nhân dân. Ngày nay, họ còn là người vận động, giải thích và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. -Các vị chức sắc, sư cả này luôn có ảnh hưởng trong dân, luôn được đồng bào kính nể. Họ nói dân nghe, dân làm theo. Họ không chỉ là những người có kinh nghiệm sống nhất, mà còn là những người có khả năng vận dụng những kinh nghiệm đó vào thực tiễn để giải thoát nhiều phức tạp trong cuộc sống. Mỗi khi xã hội có biến động hay trắc trở, họ vẫn là những chỗ dựa vững chắc cho mọi người. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm nói riêng, thì niềm tin là đặc tính quan trọng nhất. Ai đem lại niềm tin và đã được tin thì uy tín của người đó rất cao và không dễ gì thay đổi. -Trong phát triển kinh tế, các vị chức sắc, trí thức, sư cả cũng đã góp phần đáng kể cùng con cháu nỗ lực vươn lên trong xóa đói - giảm nghèo, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất. Bởi vậy, vai trò và vị trí của các vị chức sắc, trí thức, sư cả ở vùng đồng bào Chăm là rất quan trọng. Họ dám hy sinh, tận tụy để cùng chính quyền, đoàn thể xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Ở Bình Thuận, các vị chức sắc này có vai trò thật sự là những người tiêu biểu, có uy tín đối với cộng đồng. Các vị chức sắc, sư cả là tên gọi rất quen thuộc trong cộng đồng dân tộc Chăm, tên gọi đó vừa gần gũi, vừa kính trọng. Do truyền thống để lại, họ là lớp người đã tham gia đóng góp tiếng nói của mình trong việc xây dựng làng, xã cũng như ổn định mọi tình hình trong cộng đồng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, các dân tộc anh em ở quê hương Bình Thuận đã chung lưng đánh đuổi kẻ thù, hôm nay trong hòa bình, họ lại ra sức xây dựng kinh tế, mong mang lại nhiều cơm ăn, áo mặc cho con cháu trong làng, xã. Truyền thống tốt đẹp cần được nhân lên rộng rãi trong tất cả các thôn, xã Chăm ở Bình Thuận. Và cần được tiếp tục gìn giữ và nhân lên nơi khác ở Việt Nam nhất là những đổng bào dân tộc thiểu số có chung đời sống tâm linh như người Chăm. ›&š & .Tài liệu tham khảo. -Lễ hội của người Chăm, của tác giả Sakaya Văn Món, NXB Văn Hóa Dân Tộc năm 2003. -Các vấn đề văn hóa- xã hội Chăm, tiểu luận của tác giả Inrasara, NXB Văn Hóa Dân Tộc năm 1999. -Văn hóa –xã hội Chăm , nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận của tác giả Inrasara, NXB Văn Học năm 2003. -Phát huy vai trò các vị chức sắc, sư cả ở dân tộc Chăm, của tác giả Lê Quốc Hùng ( tạp chí văn học nghệ thuật số 97/ 2006). -Ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ với Chăm Bàlamôn Ninh Thuận, của tác giả Phan Quốc Anh (trích từ văn hóa nghệ thuật Ninh Thuận số 9/2001 ký hiệu ISSN 0866-8655). -Văn học Chăm II của Inrasara (Nhà xuất bản. Văn Hóa Dân Tộc-1996). -Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh, của Phú Văn Hãn làm chủ biên, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội năm 2006 trang 110-117. -Tổ chức tôn giáo và xã hội người Chăm Bà ni ở Phan Rang, của TS. Thành Phần, Đăng trên Tập san khoa học, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, số 01 năm 1996, trang 165-172. -Đặc điểm cư trú người Chăm qua các thời kì, của TS. Thành Phần, trong cuốn Nam Bộ Đất và Người, tập III, Hội Khoa Học Lịch Sử thành phố Hồ Chí Minh, NXB trẻ, TP.HCM trang 461-477.(1) -Công tác tôn giào ở vùng đồng bào dân tộc Chăm Ninh Thuận hiện nay, của tạp chí Dân tộc học , ngày 02/01/2008. -Tôn giáo người Chăm Ninh Thuận, của Phan Quốc Anh, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, 1973-2004.(www. vanhoanghethuat.org.vn) -Thực trạng xã hội Chăm, của Nguyễn Văn Tỷ, Tagalau 4, NXB Văn Hóa Dân Tộc.(1,3)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTìm hiểu vai trò của các vị chức sắc, sư cả Chăm tại Bình Thuận trong nâng cao mức sống cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội.doc