Tính chính đáng của đảng cầm quyền trong các thể chế chính trị tư bản/ đặng đình tân/tạp chí nghiên cứu lập pháp số 1+2/năm 2009

Trên thực tế, khi đã trở thành đảng cầm quyền, không loại trừ khả năng đảng cầm quyền lợi dụng chức quyền một cách không chính đáng. Đó là những biểu hiện lạm quyền. Một nhà nước hoạt động hợp hiến, hợp pháp phải là một nhà nước hoạt động công khai, minh bạch. Các nhà nước phương Tây quy định khá chặt chẽ cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm giới hạn quyền lực nhà nước trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước phải hoạt động công khai, minh bạch, trong sạch và cho phép công dân giám sát những người đương chức, buộc những công bộc của dân phải có trách nhiệm. Ví như ở Mỹ, Điều 1, Khoản 5, Hiến pháp quy định: Tổng thống phải báo cáo hoạt động của chính phủ liên bang trước nghị viện, có quyền phủ quyết bất cứ dự luật nào của nghị viện thông qua, nhưng phải nói rõ lý do và phải được đăng trong các thông cáo, phải thường xuyên thông báo định kỳ thu chi liên quan đến công quỹ; các công chức nói chung và các nghị sĩ đảng phải có trách nhiệm công bố nguồn thu nhập. Duy trì thường xuyên một chính quyền có trách nhiệm là vấn đề khó khăn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố cản trở xuất phát từ những tham vọng quyền lực của đảng. Nếu những vấn đề đó không được giải quyết thỏa đáng, có thể trở thành các vụ watergate, là những nguyên nhân dẫn đến xung đột, bất ổn định chính trị - kinh tế, đó có thể trở thành nguyên nhân của những làn sóng chính trị, bạo lực chống lại bộ máy chính quyền do đảng lập lên, có thể dẫn đến làm mất tín nhiệm đối với chính phủ, hoặc dẫn đến sự ra đi của người thay đảng nắm quyền, dẫn đến sự chết yểu nhanh chóng của một Chính phủ, hoặc phải cải tổ Chính phủ.

docx6 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2279 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tính chính đáng của đảng cầm quyền trong các thể chế chính trị tư bản/ đặng đình tân/tạp chí nghiên cứu lập pháp số 1+2/năm 2009, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÍNH CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐẢNG CẦM QUYỀN TRONG CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ TƯ BẢN Đặng Đình Tân* TS, Giảng viên cao cấp -Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh Trong các thể chế chính trị dân chủ tư bản, tính chính đáng của đảng cầm quyền là vấn đề hệ trọng của đời sống chính trị, liên quan trực tiếp đến hiệu lực thực thi quyền lực của đảng cầm quyền, đến thời gian tồn tại của đảng đó, và liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị, phát triển của xã hội thời kỳ đảng cầm quyền đó đương nhiệm. Đây là vấn đề mà tất cả các đảng trong hệ thống đa nguyên, đa đảng đối lập luôn phải quan tâm, nhận thức đầy đủ trong quá trình cạnh tranh vươn tới quyền nắm, giữ và chi phối quyền lực nhà nước. Tính chính đáng của đảng cầm quyền (hay liên minh các đảng cầm quyền) trong các chính thể dân chủ trong các nước tư bản thể hiện trên mấy vấn đề chủ yếu dưới đây: Thứ nhất, tính chính đáng của một đảng cầm quyền trước hết được thể hiện ở tính hợp hiến, hợp pháp, tức là vai trò cầm quyền đó phải được thừa nhận bằng bằng đa số trong xã hội. Trong các nền dân chủ chính trị tư bản chủ nghĩa, đảng cầm quyền là đảng nắm quyền đại diện cho ý chí chung của xã hội. Muốn ý chí của đảng trở thành ý chí của xã hội, đảng phải thắng cử trong các cuộc tranh cử một cách bình đẳng giữa các lực lượng, các đảng vào các cơ quan công quyền; đảng đó phải được xã hội thừa nhận bằng đa số trong các cuộc tranh cử vào cơ quan lập pháp (với chính thể quân chủ đại nghị và chính thể cộng hòa) hoặc giành đa số trong tranh cử giành quyền đứng đầu chính phủ (với chính thể tổng thống hoặc chính thể hỗn hợp cộng hòa - tổng thống). Đảng đa số trong tranh cử được xã hội coi là phù hợp với lẽ phải, đúng với chuẩn mực, là tương đồng với nội dung chính danh, chính đạo (theo quan niệm của đạo Khổng). Sự thừa nhận của xã hội với đảng cầm quyền bằng pháp luật là sự công nhận và thừa nhận đảng cầm quyền được làm những gì và không được làm những gì theo quy định pháp luật, "cũng ví như như sự thừa nhận về các giá trị đạo đức, khẳng định các chân giá trị văn hóa". Chính sự thừa nhận của xã hội đối với đảng cầm quyền đã làm cho đảng cầm quyền có tính chính đáng. Sự thừa nhận của xã hội ở một góc độ nào đó thể hiện đảng đó cầm quyền là phù hợp với những chuẩn mực xã hội, thậm chí là chân lý . Một nhà nước được đảng dựng lên thông qua đảo chính, bạo loạn, lật đổ không thể gọi là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, và đảng cầm quyền đó không thể được coi là một đảng cầm quyền chính đáng. Cũng chính vì điều này, ở một số nước, vì có những "vấn đề" trong bầu cử, nên sau bầu cử là cả một thời kỳ bất ổn, tranh chấp quyền lực kéo dài của các đảng đối lập với đảng cầm quyền, đòi người đứng đầu nhà nước phải từ chức. Trong hoàn cảnh đó, đảng mới cầm quyền chắc chắn phải đương đầu với những phản đối quyết liệt của các đảng đối lập, và gắn liền với điều đó thường là tình trạng rối loạn, bất ổn định chính trị - xã hội. Do đó, trong nhiều trường hợp, để được coi là đảng cầm quyền hợp pháp, đảng đó thường phải tiến hành các sửa đổi hiến pháp, tuy nhiên, điều đó cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, tính chính đáng của một đảng cầm quyền (hay liên minh các đảng cầm quyền) nhờ đảng đó trở thành đảng thắng cử trong các cuộc tranh cử vào các cơ quan công quyền chỉ là tiêu chí đầu tiên, tiêu chí tối thiểu, và càng không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá tính chính đáng của đảng cầm quyền. Sự tín nhiệm bằng đa số xã hội, không chỉ biểu hiện ở đa số cử tri đi bầu so với tổng cử tri trong xã hội, mà còn là đa số so với số cử tri thực tế tham gia bầu cử. Tỷ lệ cử tri đi bầu càng cao, và tỷ lệ phiếu tán thành càng cao đối với một tổ chức hay cá nhân cũng đồng nghĩa với sự thừa nhận càng cao của xã hội, tính chính đáng của đảng đó càng cao. Ở một số nước, người ta xem xét tính chính đáng về khía cạnh ủng hộ của cử tri, không thể không xem xét đằng sau cử tri là sự ủng hộ của các đại gia, các nhà tài phiệt, thậm chí phải kể đến sự ủng hộ của các thế lực bên ngoài, hoặc của người đứng đầu chính thể quân chủ đại nghị, mặc dù vị thế này không có một vai trò chính trị nào. Những thắng lợi từ bầu cử và từ các sự ủng hộ quan trọng khác là một trắc nghiệm đắc nhân tâm của xã hội với đảng, phản ánh sự lớn mạnh của đảng và uy tín của đảng trong xã hội. Trái lại, sự thất bại liên tiếp của đảng trong tranh cử là điều chứng tỏ uy tín của đảng giảm sút, đảng đang trên đà suy yếu, và có thể chết. Nếu như một đảng nào đó không chết hẳn, còn sống sót được là vì vài xu hướng khác. Bất cứ một đảng chính trị nào cũng có tham vọng vươn tới giành lấy chính quyền và bành trướng mở rộng quyền lực. Quan điểm này xuất phát từ mục đích căn bản trước hết của các đảng chính trị là vấn đề chính quyền. Nếu một đảng không đưa ra được mục đích giành lấy quyền lực nhà nước thì đảng đó khó có thể lôi kéo được quần chúng. Và nếu trong một thời kỳ dài, đảng luôn thất bại trong tranh cử, không vươn tới giành được quyền lực thì đảng đó cũng có khả năng mất dần những cử tri đã từng gắn bó với họ, cử tri sẽ dần mất hy vọng ở họ. Chính vì lẽ đó, để đảng có được đa số xã hội công nhận, các ứng cử viên của đảng cũng như các ứng cử viên độc lập trong các nền dân chủ phương Tây phải bỏ ra nhiều công sức để tranh cử, qua đó để tổ chức công luận, tạo công luận, dẫn dắt công luận, lôi kéo cử tri để tạo ý chí của đa số. Đây là vẫn đề cốt yếu để đảng có thể thắng cử trong tranh cử. Đối với mỗi đảng, để đề cử được một người thay mặt đảng ứng cử vào chức vụ đứng đầu nhà nước, nắm quyền hành pháp, người đó phải vượt qua cửa ải vận động, tranh cử trong nội bộ đảng để được đảng giới thiệu. Nhiều khi, cuộc chạy đua tranh cử trong đảng còn phức tạp hơn cả cuộc tranh cử giữa các đảng (như cuộc tranh cử để được đảng giới thiệu là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong gần suốt nửa đầu năm 2008 ở Mỹ). Tính chính đáng của đảng cầm quyền tất nhiên phải thể hiện ở sự tín nhiệm của đa số nhân dân. Sự tín nhiệm đó thông qua đa số lá phiếu của cử tri bỏ cho đảng. Song không có nghĩa cứ là đảng đa số là đảng tốt, còn đảng thiểu số là đảng xấu. Trong nhiều trường hợp, để đảng giành được đa số, lôi kéo được cử tri, đảng có thể hứa hẹn đủ điều, đánh bóng mình bằng những lời hứa hẹn tốt đẹp, chưa cần biết có thực hiện được lời hứa đó hay không. Dó đó, có đảng giành được đa số nhưng chỉ là sự ngộ nhận của cử tri, hoặc do nhiều nguyên nhân khác. Thứ hai, các cuộc tranh cử trong bầu cử các cơ quan quyền lực công phải diễn ra thật sự dân chủ. Tính chính đáng của đảng thắng cử phải được thể hiện trước hết trong các cuộc bầu cử dân chủ. Đây là tiêu chí rất quan trọng đối với một đảng được thừa nhận là có vai trò cầm quyền chính đáng trong điều kiện đa nguyên, đa đảng đối lập, cạnh tranh hay bán cạnh tranh. Tính dân chủ của các cuộc bầu cử đó thể hiện thực chất trọng yếu của dân chủ, đó là đảng cầm quyền phải có tính tính đại diện cao. Tính dân chủ của các cuộc bầu cử đó thể hiện trên những vấn đề chủ yếu: cơ quan lập pháp và các vị trí đứng đầu chính quyền hình thành thông qua bầu cử phải được tiến hành thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu - dân chủ trực tiếp (hoặc dân chủ đại diện); các cuộc tuyển cử diễn ra tương đối đều đặn, không có một lực lượng chính trị nào có quyền chủ quan thay đổi tùy tiện; quy trình bầu cử (giới thiệu số lượng nhân sự, tranh cử, bầu cử…) được tuân thủ theo đúng pháp luật và không có yếu tố cưỡng bức, không ai có quyền áp đặt; các điều kiện tranh cử có công bằng hay không (như việc sử dụng thời lượng tranh cử trên truyền hình, đài phát thanh…); công dân, theo các tiêu chí quy định của pháp luật về tuổi đời, quốc tịch, cư trú… có quyền tự do ứng cử vào các chức vụ chính trị hay không; mọi người được tự do biểu đạt quan điểm về những người tranh cử; công chúng có quyền được thông tin và tìm đến thông tin về cuộc bầu cử… Trong các xã hội dân chủ, nhà nước là công cụ của đảng cầm quyền. Do đó, tính chính đáng của đảng cầm quyền được thể hiện thông qua nhà nước và thông qua các quan chức điều hành nhà nước do đảng cầm quyền bố trí. Vì vậy, nhà nước phải là "một nhà nước hợp hiến". Sự hình thành, tồn tại của các cơ quan quyền lực dân cử phải do đa số trong xã hội thừa nhận. Nói khác đi, tổ chức quyền lực nhà nước đó phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng của của nhân dân, phải hợp pháp. Một đảng thắng cử phải là đảng đại diện cho ý chí của đa số, của xã hội. Một đảng thắng cử, nhưng là kết quả của cuộc tranh cử bất bình đẳng, chứa đựng các yếu tố gian lận trong bầu cử, trái pháp luật, và trong trường hợp nếu đảng giành quyền bằng đảo chính lật đổ đều không được thừa nhận là một đảng cầm quyền chính đáng và phải được cơ quan pháp luật xem xét. Nhiều đảng do vi phạm luật bầu cử, gian lận, mua phiếu bầu bị phát hiện đã bị mất quyền. Xét về bản chất, đảng gian lận để thắng cử trong bầu cử chỉ là đảng thiểu số. Bởi vậy, luật pháp có nước quy định: bất cứ một đảng nào, bất cứ một thành viên điều hành của một đảng phái chính trị nào phạm tội gian dối trong tuyển cử thì đảng đó có thể sẽ phải đứng trước phán xét của tòa án hiến pháp về giải tán đảng và các thành viên của đảng đó sẽ bị cấm tham dự các hoạt động chính trị trong một số năm (Hiến pháp Thái Lan 2007). Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, sự thừa nhận của xã hội có thể thực hiện bằng cách đảng đó lôi kéo được đại đa số xã hội đi theo, làm theo trong cuộc cách mạng giành chính quyền, nhờ có một đường lối đúng, đáp ứng được lợi ích của đa số xã hội mà không cần qua phổ thông đầu phiếu. Nhưng những nhân tố đảm bảo cho tính chính đáng của đảng sau khi đã giành được chính quyền bằng cuộc cách mạng (hoặc đảo chính lật đổ) không dừng lại ở đó, và cũng chỉ là tiêu chí đầu tiên để đảng đó vươn tới nắm quyền lực. Thứ ba, tính chính đáng của đảng cầm quyền phải thể hiện ở tính hợp lý trong các quyết định của đảng về các chính sách công: phải đáp ứng các yêu cầu phát triển của xã hội, phân bổ hợp lý các giá trị, tháo gỡ được những bức xúc, giải quyết được các xung đột lợi ích giữa các lực lượng, các cộng đồng, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Tính chính đáng của đảng cầm quyền thông qua việc đảng đó là đảng đa số trong các cuộc tuyển cử bình đẳng, đúng pháp luật cũng chưa phải là thước đo duy nhất, và đây mới chỉ là những nhân tố biểu hiện các điều kiện cần, nhưng chưa đủ để đảm bảo uy tín về tính chính đáng của đảng cầm quyền. Hiến pháp các nước tư bản đều quy định, bất cứ một đảng nào sau khi đã giành đa số trong bầu cử, đều có toàn quyền bố trí nhân sự của bộ máy nhà nước. Nói như vậy không có nghĩa là đảng có quyền bố trí cán bộ ở mọi vị trí quyền lực nhà nước, mà chỉ đối với các vị trí chính trị theo các quy định pháp luật - tức các vị trí là bộ trưởng hay tương đương trong bộ máy nhà nước, còn các vị trí khác chỉ là những chức danh hành chính, chuyên môn. Các chức danh này không bị xáo trộn theo sự thay đổi các đảng cầm quyền. Trên cơ sở đó, đảng cầm quyền thông qua thủ lĩnh của đảng, tổ chức đảng và đảng viên của đảng trong nghị viện, trong chính phủ và các tổ chức tư vấn, các ủy ban chuyên môn do đảng lập ra để giúp đảng thể chế hóa đường lối của đảng thành chính sách, pháp luật của nhà nước, nhằm thực hiện các mục tiêu của đảng cầm quyền. Sau khi đã ở vị trí cầm quyền rồi, tính chính đáng của đảng phải được thể hiện ở tính hợp lý trong hoạch định, ban hành và thực thi các chính sách công của nhà nước, bởi các quyết sách của nhà nước chỉ là sự cụ thể hóa các chủ trương của đảng. Không phải mọi quyết định của đảng cầm quyền thông qua chính sách nhà nước đều mang tính hợp lý, bởi nó chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan. Nói đến uy tín của đảng, theo quan niệm của cử tri, sở dĩ họ dành cho đảng lá phiếu bởi đảng là tổ chức chính trị của những người có cùng quan điểm về chính sách công phù hợp với nguyện vọng của họ. Và như vậy, tính hợp lý trong các chính sách của đảng phải được thể hiện ra ở chỗ nó phù hợp với ý chí xã hội, ý chí của đa số trên thực tế cả về mặt lợi ích và sự phát triển. Hầu hết các dự luật trước khi được đưa ra tranh cãi tại nghị viện đã được các uỷ ban và giới lãnh đạo của đảng cầm quyền thảo luận trước. Vì là đảng đa số nên trong các phiên họp toàn thể của Quốc hội, việc thông qua các dự án của đảng dường như chỉ là hình thức để hợp pháp hoá các chính sách của đảng cầm quyền. Như vậy, các chính sách của đảng cầm quyền trước khi ban hành đã được nghiên cứu, cân nhắc. Tuy nhiên, dù nắm trong tay đa số biểu quyết, đảng đa số vẫn có sự chia sẻ nhất định về lợi ích trong việc thông qua các quyết sách. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các quyết định của đảng cầm quyền đều đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, của sự phát triển. Vì vậy, vấn đề ở đây là đảng đó cần phải làm gì để khắc phục tính chủ quan của đảng. Có nghĩa là nhà nước - công cụ của đảng - có phát huy được dân chủ trong hoạch định các chính sách hay không. Và để làm được điếu đó, nhà nước có dám cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng hay không, có dám lắng nghe các ý kiến phản hồi của dư luận, nhất là những phản hồi trái chiều với nhà nước? Không phải đảng cầm quyền nào cũng làm được và cũng không phải nhà nước nào cũng làm được tốt điều đó, bởi hướng tới nắm và thao túng quyền lực nhà nước là một tham vọng, là khát vọng không giới hạn của các đảng cầm quyền. Một đảng tham nhũng, quan liêu, coi thường luật pháp trong cầm quyền không thể coi là một đảng cầm quyền chính đáng. Một đảng cầm quyền mà đường lối đi ngược lòng dân, không được xã hội thừa nhận, trước sau đảng đó sẽ bị mất quyền. Các vị trí chính trị là người của đảng đa số, người thay mặt đảng đảm tránh thực hiện mục tiêu của đảng trong vị trí quyền lực của mình. Vấn đề đặt ra đối với các vị trí này trong các xã hội dân chủ vẫn là phải "chính danh", nghĩa là phải thực thi quyền lực theo đúng các quy định pháp luật: không được lạm quyền, chuyên quyền, không được vi phạm các chuẩn mực đạo đức, lối sống…Đây là những vấn đề luôn là mục tiêu săm soi của báo giới, của đảng đối lập nhằm làm mất uy tín của đảng cầm quyền. Trên thực tế, khi đã trở thành đảng cầm quyền, không loại trừ khả năng đảng cầm quyền lợi dụng chức quyền một cách không chính đáng. Đó là những biểu hiện lạm quyền. Một nhà nước hoạt động hợp hiến, hợp pháp phải là một nhà nước hoạt động công khai, minh bạch. Các nhà nước phương Tây quy định khá chặt chẽ cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm giới hạn quyền lực nhà nước trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước phải hoạt động công khai, minh bạch, trong sạch và cho phép công dân giám sát những người đương chức, buộc những công bộc của dân phải có trách nhiệm. Ví như ở Mỹ, Điều 1, Khoản 5, Hiến pháp quy định: Tổng thống phải báo cáo hoạt động của chính phủ liên bang trước nghị viện, có quyền phủ quyết bất cứ dự luật nào của nghị viện thông qua, nhưng phải nói rõ lý do và phải được đăng trong các thông cáo, phải thường xuyên thông báo định kỳ thu chi liên quan đến công quỹ; các công chức nói chung và các nghị sĩ đảng phải có trách nhiệm công bố nguồn thu nhập. Duy trì thường xuyên một chính quyền có trách nhiệm là vấn đề khó khăn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố cản trở xuất phát từ những tham vọng quyền lực của đảng. Nếu những vấn đề đó không được giải quyết thỏa đáng, có thể trở thành các vụ watergate, là những nguyên nhân dẫn đến xung đột, bất ổn định chính trị - kinh tế, đó có thể trở thành nguyên nhân của những làn sóng chính trị, bạo lực chống lại bộ máy chính quyền do đảng lập lên, có thể dẫn đến làm mất tín nhiệm đối với chính phủ, hoặc dẫn đến sự ra đi của người thay đảng nắm quyền, dẫn đến sự chết yểu nhanh chóng của một Chính phủ, hoặc phải cải tổ Chính phủ. Một số đảng cầm quyền rất lâu, dù trong hoàn cảnh đa đảng đối lập, cũng vì đảng đó không chỉ là đảng lớn, mà quan trọng hơn, đó là một đảng mạnh theo đúng nghĩa của nó: là đảng thắng cử trong các cuộc tranh cử đúng pháp luật; đảng bao gồm những đảng viên có năng lực, có phẩm chất trong các vị trí công quyền; đảng luôn có những quyết sách đúng, thúc đẩy xã hội ổn định, phát triển, và do đó, đảng đó luôn được lòng dân, được dân ủng hộ. Thứ tư, tính chính đáng của đảng cầm quyền phải được thể hiện trong vai trò của nhà nước - một nhà nước hiệu quả. Trong các nền chính trị tư bản, tồn tại nhiều tổ chức chính trị và chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp có vị trí độc lập giám sát, gây áp lực tới các hoạt động của đảng cầm quyền và nhà nước, nếu các chính sách công đi ngược lại lợi ích của xã hội, hoặc có những hành vi đi ngược lại các chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Đó là các tổ chức như các đảng đối lập (đảng thiểu số trong nghị viện hoặc không có chân trong nghị viện), các nhóm áp lực có tính thể chế, các nhóm khuếch trương, các nhóm áp lực của giới chủ, các nhóm công đoàn, các nhóm lợi ích … Ở mỗi nước khác nhau, có thể có những tiêu chí khác nữa để đánh giá tính chính đáng của một đảng cầm quyền. Chẳng hạn, ở Nhật, tính chính đáng của đảng cầm quyền phải hội tụ được các tiêu chí: phải được đa số cử tri ủng hộ trong các cuộc tranh cử, phải được giới đại gia tài phiệt ủng hộ và phải được chính quyền Mỹ đồng tình. * * * Tìm hiểu tính chính đáng của một đảng cầm quyền trong các xã hội dân chủ tư sản là vấn đề không chỉ được quan tâm trong các hệ thống đa đảng đối lập, cạnh tranh, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng cả trong các nền chính trị xã hội chủ nghĩa đang đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, trong điều kiện kiên định nguyên tắc nhất nguyên chính trị và chỉ có một đảng cầm quyền, không có cạnh tranh quyền lực.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxTÍNH CHÍNH ĐÁNG CỦA ĐẢNG CẦM QUYỀN TRONG CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ TƯ BẢN- Đặng Đình Tân- tạp chí nghiên cứu lập pháp số 1+2- năm 2009.docx
Luận văn liên quan