[Tóm tắt] Luận án Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975

Chính sách của chính quyền Sài Gòn đưa ra là cần thiết, đã được nghiên cứu cẩn thận, có nhiều ưu điểm về mặt lí thuyết, nhưng thực tế chính sách kém hiệu quả. Vì 3 lý do sau: thứ nhất, về mặt tổ chức - thiếu cán bộ thực hiện, đôn đốc. Đây là một chính sách lớn của chính quyền Sài Gòn nhưng về mặt tổ chức, chính quyền Sài Gòn chỉ lập ra một Nha THSV để đảm trách mọi vấn đề, mà người đứng đầu Nha THSV thì còn phải kiêm cả chức Phó Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, và tất cả nhân viên trong Nha THSV chưa tới 10 người; thứ hai, tính liên tục không được đảm bảo trong suốt quá trình thi hành chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Chính sách chưa hoàn tất thì xảy ra đảo chính, tranh giành nội bộ khiến chính sách bị ngưng trệ; thứ ba, chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 từ khi ban hành và trong quá trình thực thi gặp phải sự phản đối từ phía người Hoa ở miền Nam Việt Nam.

docx27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1171 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH -------------------------- TRỊNH THỊ MAI LINH CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Chuyên ngành : LỊCH SỬ VIỆT NAM Mã số : 62 22 03 13 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ VIỆT NAM Thành phố Hồ Chí Minh - Năm 2014 Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. LÊ HUỲNH HOA 2. PGS. TS. PHAN AN Phản biện 1: PGS. TS. PHAN XUÂN BIÊN Phản biện 2: PGS. TS. NGUYỄN VĂN TIỆP Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường họp tại: Trường Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh vào hồi.giờ..ngày.thángnăm. Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Trường Đại Học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thư viện Khoa Học Xã Hội – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Thư viện Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh MỞ ĐẦU Lý do chọn đề tài Người Hoa ở Việt Nam là một tộc người có tỉ lệ khá đông so với những tộc người khác, ngoài tộc người Kinh. Lịch sử hình thành cộng đồng của người Hoa ở Việt Nam cũng có những thăng trầm gắn liền với bối cảnh của từng chính quyền thống trị trong lịch sử Việt Nam. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), các quốc gia Đông Nam Á vừa giành được độc lập về chính trị và cố gắng giành độc lập về kinh tế trong bối cảnh phải thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế của yếu tố “ngoại kiều”, mà chủ yếu là Hoa kiều. So với các nước ở Đông Nam Á, sau năm 1954, vấn đề người Hoa ở miền Nam Việt Nam phức tạp hơn. Mặc dù, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều khía cạnh liên quan đến cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 nhưng đến nay, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu hệ thống và toàn diện chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam cùng tác động nhiều mặt cũng như lý giải nguyên nhân vì sao chính sách đó ra đời. Từ ý nghĩa trên, chúng tôi chọn đề tài: “Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975” làm Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam; Mã số 62 22 03 13. Nhiệm vụ nghiên cứu Xử lí nguồn tư liệu liên quan đến các nội dung cơ bản trong chính sách đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn qua một số khía cạnh chủ yếu: quốc tịch, kinh tế, tổ chức xã hội, giáo dục, báo chí. Hệ thống, hoàn chỉnh nội dung cơ bản trong chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Lý giải nguyên nhân hình thành cùng những tác động nhiều mặt của các biện pháp đó. Xây dựng một bức tranh toàn diện về sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của cộng đồng người Hoa ở MNVN giai đoạn 1955 – 1975. Mục đích nghiên cứu Góp phần xác định một số khái niệm và thuật ngữ nằm trong hệ thống đề tài nghiên cứu, phân loại các biện pháp trong chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 và nêu đặc điểm, tính chất của chính sách này. Góp phần đánh giá đúng vai trò, vị trí kinh tế - xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Qua đó, giúp người đọc phân định được rõ sự khác nhau cũng như sự thống nhất giữa chính sách của các nhà cầm quyền Việt Nam đối với người Hoa ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả luận án có điều kiện để tiếp tục phát triển đề tài trong việc tìm hiểu chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam đối với người Hoa ở Việt Nam. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối trượng nghiên cứu: Hoàn cảnh ra đời, nội dung chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam cùng những tác động của chính sách. Phạm vi nghiên cứu: Về không gian: Ở miền Nam Việt Nam, bao gồm: 35 tỉnh và Đô thành Sài Gòn năm 1956 cho đến năm 1975 là 44 tỉnh và Đô thành Sài Gòn, theo địa giới hành chính của VNCH. Về thời gian: Từ ngày 26 tháng 10 năm 1955 - Ngày ra đời Hiến ước tạm thời quyết định: “Việt Nam là một nước Cộng hòa”, đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 – Ngày chính quyền Sài Gòn đầu hàng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu tổng thể là dựa vào phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu cụ thể là kết hợp hai phương pháp cơ bản của sử học Mác-xít là phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Phương pháp điều tra dân tộc học, phương pháp đối chiếu, so sánh. Ngoài ra các biện pháp kĩ thuật như: chụp ảnh, ghi âm, quay phim, scan cũng được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài. Nguồn tài liệu, tư liệu của luận án Nguồn tài liệu quan trọng nhất và sử dụng chủ yếu nhất trong luận án là tài liệu lưu trữ từ các phông Lưu trữ hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TPHCM), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội). Tài liệu về chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước VNDCCH, Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, luận án còn tham khảo các công trình nghiên cứu của Học viện Hành chánh Quốc gia Sài Gòn về “Vấn đề Hoa kiều” ở VNCH giai đoạn 1955 – 1975. Đóng góp của luận án Tập hợp tư liệu và hệ thống hoá được một lượng lớn tư liệu đáng tin cậy của chủ đề nghiên cứu về các chính sách về quốc tịch, kinh tế và tổ chức xã hội của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Luận án hệ thống chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Luận án tổng kết một bước có hệ thống nội dung, đặc điểm, tính chất chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Luận án góp phần bổ sung lý luận và thực tiễn để xây dựng chính sách phát triển bền vững cộng đồng người Hoa ở Việt Nam hiện nay. Cấu trúc của luận án Luận án ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần nội dung được trình bày trong 4 chương: Chương 1 Cơ sở lí luận, cách tiếp cận vấn đề, tình hình nghiên cứu và tổng quan về người Hoa và chính quyền Sài Gòn ở Miền Nam Việt Nam Chương 2 Chính sách về quốc tịch của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Chương 3 Chính sách về kinh tế của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Chương 4 Chính sách về tổ chức xã hội của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN, CÁCH TIẾP CẬN VẤN ĐỀ, TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, TỔNG QUAN VỀ NGƯỜI HOA VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM CƠ SỞ LÍ LUẬN, CÁCH TIẾP CẬN, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Cơ sở lí luận Trong luận án, khái niệm Người Hoa được dùng là để chỉ những người Hoa ở Miền Nam Việt Nam, gắn với bối cảnh xã hội của Miền Nam Việt Nam, với thực thể thống trị là Chính quyền Sài Gòn (Chính quyền VNCH). Do vậy, luận án không đề ra nội dung khái niệm mới mà đi vào cơ cấu thành phần, đối tượng của nội dung khái niệm người Hoa chỉ ở miền Nam Việt Nam, là đối tượng chính sách của Chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975. Đó là: 1. Người Hoa sinh tại Việt Nam (Minh Hương và Hoa kiều thổ sinh); 2. Người Hoa không sinh tại Việt Nam (Hoa kiều – với tư cách ngoại kiều). Cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu Thuyết xung đột tộc người: Xung đột tộc người có xuất hiện trong trường hợp của VNCH, khi mà chính quyền VNCH cho thi hành chính sách Việt Nam hóa khối ngoại kiều, mà chủ yếu là Hoa kiều sinh sống trên lãnh thổ VNCH. Các thuyết chức năng Thuyết tiếp biến văn hóa: Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, mỗi tộc người có một nền văn hóa mang nét đặc thù riêng. Trải qua quá trình định cư và sinh sống lâu dài trên một vùng lãnh thổ, sự tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người đương nhiên xảy ra. Thuyết đa nguyên: Thuyết đa nguyên văn hóa giải thích sự tồn tại khác biệt của các tộc người do khác biệt về nguồn gốc và văn hóa. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NGƯỜI HOA Ở VIỆT NAM Trên phương diện nghiên cứu về lịch sử hình thành cộng đồng người Hoa ở Việt Nam Các công trình đều khẳng định người Hoa đến Việt Nam sớm, từ những năm đầu công nguyên và hầu hết các chính quyền Việt Nam đều có những chính sách nhằm quản lí người Hoa chặt chẽ. Trên phương diện nghiên cứu về hoạt động kinh tế của người Hoa ở Việt Nam Các công trình đều khai thác kĩ sinh hoạt kinh tế của người Hoa giai đoạn 1955 – 1975, nhưng chưa chỉ rõ được quan hệ trực tiếp từ chính sách của chính quyền Sài Gòn đến hoạt động kinh tế của người Hoa giai đoạn 1955 – 1975. Để khắc phục những khiếm khuyết trên, luận án bổ sung chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa trên lĩnh vực kinh tế bao gồm các biện pháp nhằm quản lí hoạt động kinh tế và cả các tổ chức kinh tế cùng tác động trực tiếp của nó đến sinh hoạt kinh tế của cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Trên phương diện nghiên cứu về hoạt động văn hóa – xã hội của người Hoa ở Việt Nam Các công trình nghiên cứu về tổ chức xã hội – sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Miền Nam Việt Nam khá phong phú. Nghiên cứu “Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975” cung cấp một bức tranh tổng thể về các biện pháp nhằm quản lí hành chính và một số hình thức thể hiện của tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Với lịch sử nghiên cứu vấn đề trên, luận án có cơ sở đi sâu tìm hiểu chính sách đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 dưới một góc nhìn toàn diện hơn; đồng thời, tiếp tục những nhận định mà các công trình trước giải quyết chưa triệt để hoặc mới dừng ở mức độ gợi mở. TỔNG QUAN VỀ NGƯỜI HOA VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM Khái quát về cộng đồng người Hoa ở Việt Nam trước năm 1955 Quá trình hình thành cộng đồng người Hoa ở Việt Nam Người Hoa có mặt rất sớm ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sự hiện diện đông đảo của người Hoa tại Việt Nam thực sự bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, bắt nguồn từ những cuộc chính biến lớn từ Trung Hoa. Dân số người Hoa ở Việt Nam Theo sự tổng hợp của tác giả luận án từ Địa phương chí của 30 tỉnh, thành phố ở miền Nam Việt Nam năm 1956 số Hoa kiều trên 18 tuổi là 119.519 người, chiếm tỷ lệ 1,38%. Khái quát về sự ra đời của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam Sự ra đời chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Genève Ngày 26-10-1955, Hiến ước tạm thời được tuyên bố tại Dinh Độc Lập quy định Việt Nam là một nước Cộng hòa, Quốc trưởng lấy danh hiệu là Tổng thống VNCH. Chính quyền VNCH (chính quyền Sài Gòn) được hình thành ở miền Nam Việt Nam từ năm 1955 với mục đích thực hiện cho mưu đồ “chống Cộng”, che đậy cho âm mưu xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Chính quyền mới này phải đối phó với rất nhiều vấn đề khẩn trương về chính trị và quân sự ở Miền Nam Việt Nam, trong đó có “Vấn đề Hoa kiều”. “Nha Trung Hoa Sự vụ” trong cơ cấu tổ chức chính quyền Sài Gòn Ngay khi Ngô Đình Diệm về Việt Nam giữ chức Thủ tướng Chính phủ QGVN ngày 7-7-1954 đã chỉ định cho Bộ Nội vụ áp dụng các biện pháp quản lí người Hoa. Về mặt tổ chức, chính quyền Sài Gòn đã thành lập Nha Trung Hoa Sự vụ đặt tại Phủ Tổng thống ngày 10-9-1956. Nguyễn Văn Vàng được cử làm Đặc ủy THSV tại Phủ Tổng thống kiêm Phó Đô trưởng Sài Gòn để có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người Hoa. óóóóó Do sự gần gũi về mặt địa lý và văn hóa với Việt Nam, mà người Hoa đến định cư ở Việt Nam sớm, thường xuyên và với số lượng lớn sự tiếp biến văn hoá Việt – Hoa và giải thích quá trình tiếp biến văn hoá Việt – Hoa trong lịch sử. Trước năm 1955, trong số ngoại kiều sống ở Việt Nam, Hoa kiều là đối tượng mà chính quyền Sài Gòn quan tâm nhất. Bởi vì: Về dân số, tổng số người Hoa cư ngụ trên lãnh thổ VNCH rất quan trọng đối với các hạng ngoại kiều khác chia làm hai nhóm: Nhóm sinh tại Việt Nam gọi là Hoa kiều thổ sinh; Nhóm không sinh tại Việt Nam, nhưng đến Việt Nam làm ăn, sinh sống gọi là Hoa kiều (tư cách ngoại kiều). Về kinh tế, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền thực dân Pháp và nhờ ở những tổ chức xã hội dưới nhiều hình thức chặt chẽ, cùng với óc kinh doanh và có vốn, thêm tính nhẫn nại, cần cù, người Hoa ở miền Nam Việt Nam đã chi phối toàn bộ nền kinh tế VNCH, nhất là nắm các ngành có liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của dân bản xứ. Do vậy, dưới thời Pháp thuộc, nền kinh tế Việt Nam có một diện mạo: Pháp thống trị, nắm mọi quyền hành kinh tế; Hoa kiều là tầng lớp trung gian thương mại; còn người dân Việt bị bóc lột nặng nề. Về chính trị, nhóm Hoa kiều hải ngoại là đối tượng cần tranh thủ của cả CHND Trung Hoa và Đài Loan. Bên nào cũng nhận Hoa kiều hải ngoại là công dân của mình, nên những hoạt động của người Hoa trở thành mối quan tâm của chính quyền VNCH. Ngoài ra, VNCH còn phải đương đầu với công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam của nhân dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Người Hoa trở thành một lực lượng mà chính quyền Sài Gòn cần phải tranh thủ, lôi kéo. Như vậy, từ nhân số đông đảo, đến địa vị và quyền lợi kinh tế mà người Hoa có được ở Việt Nam cùng với việc tổ chức được một hệ thống chặt chẽ liên kết với nhau trên nhiều phương diện: luật lệ, tổ chức y tế, sự bành trướng của trường học không chịu sự kiểm soát, và sự lớn mạnh không ngừng của các nhật báo và tạp chí Hoa ngữ. Chính quyền Sài Gòn ngay từ khi mới thành lập đã tập trung giải quyết vấn đề Hoa kiều trên nhiều phương diện: chính trị; kinh tế; văn hóa – xã hội. CHƯƠNG 2 CHÍNH SÁCH VỀ QUỐC TỊCH CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 -1975 HOÀN CẢNH RA ĐỜI CHÍNH SÁCH VỀ QUỐC TỊCH CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Chính sách về quốc tịch của một số chính quyền Đông Nam Á đối với người Hoa ở Đông Nam Á Các quốc gia Đông Nam Á lựa chọn biện pháp bản địa hóa người Hoa vào quốc gia mình, nhằm quốc hữu hóa sản nghiệp cũng như đưa người Hoa từ thân phận ngoại kiều trở thành công dân của xứ sở mình. Tình hình quốc tịch của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1955 Dưới thời chính quyền thực dân Pháp, các hạng người sau đây không có quốc tịch Trung Hoa: thứ nhất, người Minh Hương; thứ hai, người Trung Hoa lấy thẻ Việt Nam; thứ ba, dân thiểu số ở biên giới Việt Trung. Cho đến trước năm 1955, tình hình quốc tịch của người Hoa ở Việt Nam luôn ở trong tình trạng không rõ ràng và phức tạp. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH VỀ QUỐC TỊCH CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Về việc xác định quốc tịch cho người Hoa ở miền Nam Việt Nam Giai đoạn 1955 – 1963 Chính quyền Sài Gòn phân tách hai nhóm: Nhóm sinh tại Việt Nam đương nhiên có quốc tịch Việt Nam gồm hai đối tượng là Minh Hương và Hoa kiều thổ sinh; Nhóm người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam, với tư cách ngoại kiều, hay còn gọi là Hoa kiều. Chính quyền sử dụng quyền lập pháp, hành pháp nhằm giải quyết vấn đề quốc tịch của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Giai đoạn 1963 – 1975 Chính quyền Sài Gòn tập trung vào hai vấn đề: thứ nhất, chính quyền đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế những rắc rối của việc khai nhận quốc tịch Việt Nam bằng tờ khai danh dự; thứ hai, xem xét việc thực hiện quy chế lưỡng tịch đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Về việc nhập tịch cho người Hoa ở miền Nam Việt Nam Giai đoạn 1955 – 1963 Chính quyền Sài Gòn thi hành qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1: từ năm 1956 đến năm 1961, đối tượng chủ yếu là nhóm người Hoa sinh tại Việt Nam. Tiêu chuẩn xét đơn chỉ căn cứ vào các điều kiện luật định, rất dễ dãi. Do sự dễ dãi này, tính đến 1-1960 chỉ còn khoảng 2.550 Hoa kiều với tư cách ngoại kiều; Giai đoạn 2: từ năm 1961 đến ngày 1-11-1963: chính quyền hạn chế việc người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam nhập Việt tịch. Do vậy, số lượng người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam nhập Việt tịch rất ít, tính đến hết năm 1963 là 759 người. Giai đoạn 1963 – 1975 Với nhóm người Hoa sinh tại Việt Nam: điều chỉnh tình trạng cho người Hoa không có cha, mẹ ở Việt Nam; điều chỉnh tình trạng cho người Nùng miền Bắc di cư vào miền Nam sau năm 1954. Với nhóm người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam: kiểm soát người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam; nhập tịch cho người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam; điều chỉnh tình trạng cho người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam. Vấn đề hồi hương và trục xuất người Hoa ở miền Nam Việt Nam Đối tượng hồi hương về Đài Loan: Người Hoa sinh tại Việt Nam không đồng ý điều chỉnh tình trạng quốc tịch theo tinh thần của Dụ số 48 ngày 21-8-1956; Người Hoa sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam, sinh sống tại VNCH với tư cách ngoại kiều, muốn về THDQ và người Hoa bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam vì lý do an ninh buộc phải rời khỏi Việt Nam trước ngày 31-8-1957. Đối tượng người Hoa bị trục xuất về Đài Loan: theo Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia VNCH, tính đến 2 - 1971, số Hoa kiều bị trục xuất khoảng 200 người. Nhìn chung, vấn đề quốc tịch của người Hoa ở miền Nam Việt Nam là vấn đề nan giải và cũng là vấn đề đầu tiên mà chính quyền Sài Gòn phải đối mặt khi giải quyết những vấn đề liên quan đến người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn áp dụng chính sách buộc tất cả người Hoa sinh tại miền Nam Việt Nam phải nhập Việt tịch. TÁC ĐỘNG TỪ CHÍNH SÁCH VỀ QUỐC TỊCH CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Đối với cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Phản ứng của người Hoa đối với chính sách về quốc tịch của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam Những phản ứng cũng như sự đấu tranh của người Hoa về vấn đề quốc tịch của họ ở VNCH cho thấy: Người Hoa ở miền Nam Việt Nam không đồng tình với chính sách nhập Việt tịch của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1963. Từ sự phản ứng về vấn đề quốc tịch sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền sau này của người Hoa đối với tất cả các biện pháp của chính quyền Sài Gòn áp dụng trên khối người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Sự phân hóa về chính trị trong cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam 1. Một bộ phận đông đảo người Hoa thuộc tầng lớp lao động bị chèn ép đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn và Đế quốc Thực dân kiểu mới dưới ngọn cờ của MTDTGP miền Nam Việt Nam; 2. Một bộ phận tư sản Hoa kiều, chiếm số ít, giữ vai trò chi phối nền kinh tế VNCH, cấu kết chặt chẽ với Mỹ - Chính quyền Sài Gòn; 3. Xuất hiện tầng lớp tiến bộ: tiểu thương, tiểu chủ, giáo giới người Hoa ngày càng quan tâm đến tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam và chịu ảnh hưởng bởi đường lối của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Đối với chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Chính quyền Sài Gòn đối phó với phản ứng Đài Loan về vấn đề quốc tịch của người Hoa ở miền Nam Việt Nam Chính phủ THDQ đã khuyến cáo Chính phủ VNCH không nên quá gắt gao về vấn đề quốc tịch đối với người Hoa ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc quốc tịch hóa Hoa kiều ở VNCH vẫn được thực thi theo luật định của VNCH vì phía VNCH cho rằng đây giải quyết vấn đề quốc tịch của ngoại kiều thuộc phạm vi nội trị của một chính thể, nước ngoài không được can thiệp. Chính quyền Sài Gòn đối phó với phương sách Hoa vận của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Về mặt tổ chức: Ngày 1-9-1965, Thiếu Tướng Chủ tịch UBHPTƯ đã chấp thuận “Kế hoạch chống công tác Hoa vận Việt cộng”; Hoạt động đối phó: dù việc tổ chức và phân công rất rõ ràng, nhưng trên thực tế các Tiểu ban hầu như không hoạt động. óóóóó Để giải quyết vấn đề quốc tịch của người Hoa ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã dùng đến biện pháp cao nhất của một thể chế Cộng hòa để giải quyết. Đó là việc chính quyền ban hành các văn bản Luật, Dụ và các Sắc lệnh là những công cụ pháp chế mạnh nhất và hữu hiệu nhất. Đầu tiên, chính quyền Sài Gòn ban hành luật nhằm xác định quốc tịch cho người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Bằng việc ban hành Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam, chính quyền phân tách ba hạng người Hoa ở Việt Nam: Minh Hương, Hoa kiều thổ sinh và Hoa kiều. Đối với nhóm người Hoa sinh tại Việt Nam (Minh Hương và Hoa kiều thổ sinh) theo luật pháp của VNCH quy định những người này đương nhiên có quốc tịch VNCH. Sau khi xác định quốc tịch cho người Hoa ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn chia nhóm người Hoa ở Miền Nam Việt Nam thành hai nhóm: Nhóm điều chỉnh tình trạng (Minh Hương và Hoa kiều thổ sinh) và Nhóm nhập Việt tịch (Hoa kiều với tư cách ngoại kiều). Người Minh Hương và Hoa kiều thổ sinh đương nhiên có quốc tịch VNCH, chỉ xin điều chỉnh tình trạng quốc tịch. Dưới tác động của chính sách quốc tịch và tổ chức xã hội của chính quyền Sài Gòn, cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu rộng nhất. Tuy nhiên, với tư cách là chủ thể ban hành chính sách, chắc chắn xảy ra những tác động đối với chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975. Đối với cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam: Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam ra đời trong bối cảnh VNCH có chiến tranh. Đối tượng người Hoa ở miền Nam Việt Nam trở thành lực lượng quan trọng mà các bên tham chiến đều muốn tranh thủ. Trên phương diện chính trị, cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam bị phân hóa về mặt chính trị. Người Hoa ở miền Nam Việt Nam phân hóa thành các xu hướng chính trị sau: một bộ phận ngả về phía THDQ; một bộ phận ngả về CHND Trung Hoa; một bộ phận ủng hộ chính sách của chính quyền Sài Gòn và một bộ phận hướng về phía cách mạng Việt Nam. Đối với chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam Về mặt đối ngoại, chính quyền Sài Gòn phải đối phó với sự phản ứng từ THDQ và cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Việc chính quyền Sài Gòn không đặt quan hệ ngoại giao với Đài Loan như đề nghị của Chính phủ này vào năm 1955 có liên quan đến việc chính quyền Sài Gòn ban hành và cho thi hành chính sách đối với người Hoa trên phương diện chính trị. Về mặt đối nội, chính quyền Sài Gòn phải đối phó khó khăn với những phản ứng của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, một vấn đề mới nảy sinh trong vấn đề Hoa kiều là chính quyền Sài Gòn phải đối phó với phong trào Hoa vận ngày càng lớn mạnh của phía cách mạng. Chính sách về quốc tịch của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 đã thành công trên phương diện pháp luật và hành chính. Đa số người Hoa ở miền Nam Việt Nam đều nhập Việt tịch trong giai đoạn này và trở thành công dân VNCH. Theo thống kê đến ngày 31-1-1960, số người Hoa trên 18 tuổi đã nhập Việt tịch là 231.158/232.397 người. CHƯƠNG 3 CHÍNH SÁCH VỀ KINH TẾ CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 HOÀN CẢNH RA ĐỜI CHÍNH SÁCH VỀ KINH TẾ CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Chính sách về kinh tế của một số chính quyền Đông Nam Á đối với người Hoa ở Đông Nam Á Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (1945), các nước Đông Nam Á hầu hết đã giành được độc lập chính trị. Các chính quyền ở Đông Nam Á đều sử dụng luật để quốc hữu hóa sản nghiệp của người Hoa; đồng thời, cấm một số nghề mà người Hoa ở Đông Nam Á tỏ ra ưu thế, đặc biệt là nghề thương mại. Tình hình hoạt động kinh tế của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1955 Ở miền Nam Việt Nam, đến trước năm 1955, người Hoa gần như nắm trọn vẹn quyền chi phối kinh tế ở ngành phân phối sỉ, lẻ, ngành thu mua, chuyên chở, chế biến ngũ cốc, thực phẩm, tạp hóa và cho vay lãi. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH VỀ KINH TẾ CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Đối với tổ chức kinh tế của người Hoa ở miền Nam Việt Nam Phòng thương mại người Hoa ở Nam Kỳ Ngày 2-2-1963, Nha THSV tiến hành giải thích khéo léo với các hội viên Phòng thương mại Hoa kiều để họ tự động xin giải tán. Quỹ bù trừ Hoa kiều Nha THSV yêu cầu Tổng Thanh tra Lao động và An ninh xã hội (Bộ Lao động) giải tán Quỹ bù trừ Hoa kiều, vì quỹ này tồn tại dưới danh nghĩa một Hiệp hội Hoa kiều (thành phần gồm chủ nhân và công nhân Hoa kiều). Đối với hoạt động kinh tế của người Hoa ở miền Nam Việt Nam Giai đoạn 1955 – 1963 Việc hạn chế quyền sở hữu bất động sản của người Hoa: ban hành Dụ số 26 ngày 20-4-1956; việc cấm Hoa kiều làm 11 nghề ở Miền Nam Việt Nam: Tổng thống VNCH ban hành Dụ số 53 ngày 5-6-1956. Giai đoạn 1963 – 1975 Đối với hoạt động bảo hiểm: quy chế hoạt động bảo hiểm được ấn định bởi Sắc luật số 15/65 ngày 17-9-1965. Đối với hoạt động ngân hàng: quy định người Hoa đã nhập Việt tịch muốn xin thành lập một ngân hàng phải có ít nhất 70% vốn của các cổ đông có quốc tịch Việt Nam. Đối với hoạt động nhập cảng: quy định vốn các công ty theo tỷ lệ: 30% vốn “Việt gốc Hoa”, 70% vốn Việt Nam. Giữa năm 1966, muốn được cấp giấy phép nhập cảng, phải có ít nhất 70% cổ đông quốc tịch Việt Nam trên 15 năm. TÁC ĐỘNG TỪ CHÍNH SÁCH VỀ KINH TẾ CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Đối với cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Phản ứng của người Hoa đối với chính sách về kinh tế của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam Người Hoa đồng loạt ngưng hoạt động trong lĩnh vực thu mua, tồn trữ, chuyển vận và phân phối khiến hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, hàng hóa nhập cảng bị ứ đọng tại thương cảng Sài Gòn. Mặc dù có những phản ứng gay gắt, người Hoa ở miền Nam Việt Nam cũng phải nhanh chóng nhập Việt tịch để tiếp tục hành nghề. Số Hoa kiều thổ sinh hồi hương về THDQ rất ít. Hoạt động kinh tế của người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Trên lĩnh vực hoạt động kinh tế người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1963 – 1975 vẫn chi phối các ngành: Trong ngành nông nghiệp, người Hoa độc quyền mua bán, chuyên chở và phân phối cho thị trường. Trong lĩnh vực phân phối, hoạt động thương mại chia làm 3 loại: bán lẻ, buôn xỉ và xuất nhập cảng; Hoạt động xuất nhập cảng được hỗ trợ bởi hệ thống tài chính dồi dào từ các ngân hàng mà chủ của nó là người Hoa. Chính quyền Sài Gòn đối phó với những phản ứng từ chính sách về kinh tế của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam Chính quyền Sài Gòn đối phó với phản ứng của người Hoa về các biện pháp kinh tế đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam Người Hoa ở miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục được làm những nghề bị cấm nếu chọn một trong ba biện pháp: nhập Việt tịch; sang môn bài cho vợ, con có Việt tịch mà phải có hôn thú đúng phép; hùn vốn với người Việt và để người Việt đứng tên theo tỷ lệ 51% vốn của người Việt và 49% vốn của Hoa kiều. Chính quyền Sài Gòn đối phó với phản ứng của Đài Loan về các biện pháp kinh tế đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam Chính quyền Sài Gòn quyết tâm dùng biện pháp kinh tế để nhanh chóng đưa khối Hoa kiều còn do dự về vấn đề quốc tịch ở VNCH cần phải có quyết định dứt khoát. Mối bang giao giữa VNCH và THDQ bị đẩy đến cực độ. Ở lần phản ứng này, phía THDQ tỏ ra gay gắt hơn lần phản ứng về vấn đề quốc tịch. óóóóó Từ những cứ liệu như đã trình bày, có thể xác định: Có 2 lý do khiến chính quyền Sài Gòn đưa ra những những biện pháp nhằm quản lí người Hoa trên lĩnh vực kinh tế. Thứ nhất, do vai trò trội yếu của người Hoa đối với nền kinh tế miền Nam Việt Nam. Thứ hai, các biện pháp về kinh tế nhằm hỗ trợ cho biện pháp quốc tịch. Trên phương diện quốc tịch, trong một thời gian ngắn, chính quyền đã đưa đa số người Hoa sinh sống ở miền Nam Việt Nam nhập Việt tịch. Nếu không đồng ý nhận quốc tịch VNCH, thì người Hoa ở miền Nam Việt Nam được chọn một trong hai giải pháp là trở về quê hương Đài Loan, hoặc nếu chọn ở lại VNCH thì tư cách mới sẽ là ngoại kiều. Trên phương diện kinh tế, chính quyền Sài Gòn nhằm 2 mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất, là giành độc lập kinh tế từ người Hoa, các biện pháp kinh tế của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa chỉ tập trung vào hai việc đó là hạn chế ảnh hưởng của người Hoa ở các lĩnh vực mà người Hoa có ưu thế như: Bất động sản, nhập cảng, ngân hàng và cấm 11 nghề mà đa số người Hoa hoạt động. Khác với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác, lực lượng Hoa kiều ở Miền Nam Việt Nam là một lực lượng đáng kể để chính quyền tranh thủ, vận động, lôi kéo về phía mình nhằm thực hiện cho mưu đồ “tiêu diệt Cộng sản” của các nước “tự do”. Mục đích của chính quyền Sài Gòn rất rõ ràng: Hoa kiều nào muốn tiếp tục hành những nghề bị cấm thì phải nhập Việt tịch. Các biện pháp của chính quyền Sài Gòn đưa ra nhằm xóa bỏ các tổ chức kinh tế và quản lí hoạt động kinh tế của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Dưới tác động của chính sách đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn, người Hoa ở miền Nam Việt Nam vẫn giữ ảnh hưởng bao trùm, chỉ một nhóm nhỏ tư sản người Hoa kiểm soát đa số các cơ sở kinh tế của Miền Nam Việt Nam và giữ vai trò chi phối sản xuất, họ làm chủ hoàn toàn và trực tiếp điều khiển cơ sở sản xuất. Với mục đích thu hồi chủ quyền kinh tế, chính quyền Sài Gòn đã đụng chạm đến tất cả quyền lợi của ngoại kiều trên lãnh thổ VNCH, đặc biệt là Hoa kiều. Chính quyền Sài Gòn được xác lập nhằm thực hiện hình thức xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ, chính quyền Sài Gòn cố gắng đi tìm sự độc lập kinh tế trong cái phạm vi nhỏ hẹp của nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại viện, nên vấn đề thu hồi chủ quyền kinh tế của chính quyền Sài Gòn từ Hoa kiều là một vấn đề gay go và quyết liệt. Theo tờ Le Monde ngày 8-6-1957 về chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với người Hoa đã “đẩy người Hoa sinh sống tại Việt Nam hướng về Bắc Kinh và gây ra những nguy cơ về sự ổn định cần có cho chế độ của ông Diệm” [13]. CHƯƠNG 4 CHÍNH SÁCH VỀ TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 HOÀN CẢNH RA ĐỜI CHÍNH SÁCH VỀ TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Chính sách về tổ chức xã hội của các chính quyền Đông Nam Á đối với người Hoa ở Đông Nam Á Hầu hết các chính quyền Đông Nam Á đều nhận thấy sức mạnh của người Hoa nằm ở chính tổ chức xã hội của họ. Bởi tính chất của hoạt động văn hóa luôn là yếu tố động. Các biện pháp mà các chính quyền Đông Nam Á sử dụng chỉ nghiêng về quản lí hành chính hoạt động văn hóa của người Hoa. Tình hình tổ chức xã hội của người Hoa ở Việt Nam trước năm 1955 Về hình thức xã hội Các tổ chức xã hội của người Hoa ở Việt Nam hình thành sớm, từ khi người Hoa được cho phép thành lập những Bang của mình. Về hình thức văn hóa Tình hình giáo dục của người Hoa ở miền Nam Việt Nam: Sự hiện diện của các trường Hoa kiều ở Việt Nam là một hiện tượng đặc biệt quan trọng của khối cộng đồng người Hoa sống trên lãnh thổ Việt Nam. Tình hình báo chí của cộng đồng người Hoa ở Miền Nam Việt Nam: Theo phúc trình hàng tháng của Nha Thông tin Nam Việt, tính đến ngày 24-1-1955, tại miền Nam Việt Nam có 13 nhật báo Hoa ngữ và 4 cơ quan hàng tuần hoặc có định kỳ. Mỗi nhóm báo là cơ quan ngôn luận phản chiếu đời sống của một bang Hoa kiều. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH VỀ TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Về hình thức xã hội Giải quyết vấn đề tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn thi hành qua 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, từ năm 1955 đến năm 1970, giải tán các LSHQTH, giao quyền quản trị tài sản của cơ cấu này cho các UBQT địa phương, do Đô trưởng và các Tỉnh trưởng, Thị trưởng làm chủ tịch, các LSH chỉ còn giữ vai trò trung gian; giai đoạn thứ hai, lần lượt thay thế hoặc loại bỏ vai trò trung gian của các cựu LSH trong việc quản trị các cơ sở liên hệ; giai đoạn thứ ba, thống nhất sự thống thuộc của các cơ sở: Trường học: thuộc Bộ Giáo dục; Bệnh viện: thuộc Bộ Y tế; Chùa, Nghĩa địa... thuộc Tòa Đô Chánh, Tỉnh hoặc Thị chính, tùy theo nơi. Giai đoạn thứ hai và thứ ba, được chính quyền Sài Gòn bắt đầu thi hành từ đầu tháng 1 năm 1970. Về hình thức văn hóa Đối với giáo dục: Giai đoạn 1955 – 1963, đưa các trường của người Hoa trở thành trường hoàn toàn Việt Nam. Giai đoạn 1963 – 1975, chính sách đối với nền giáo dục của người Hoa không được các chính phủ chú ý, không liên tục và thiếu kiểm soát. Đối với hoạt động báo chí: chính quyền Sài Gòn chú trọng đến các biện pháp nhằm hạn chế việc xuất bản báo Hoa ngữ, buộc các báo này phải đăng một số bài bằng Việt ngữ, hạn chế tối đa việc nhập cảng sách báo, phim ảnh Trung Hoa. TÁC ĐỘNG TỪ CHÍNH SÁCH VỀ TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỐI VỚI NGƯỜI HOA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1955 – 1975 Hoạt động dưới hình thức xã hội, văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Hoạt động dưới hình thức xã hội của cộng đồng người Hoa ở Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 dùng đến pháp luật để giải tán sự tồn tại của tổ chức xã hội của người Hoa ở phương diện hành chính, nhưng với sức sống bền bỉ và tinh thần liên kết đặc biệt mà tổ chức xã hội của người Hoa vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn trực tiếp bị kiểm soát bởi THDQ. Hoạt động dưới hình thức văn hóa của cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 Hoạt động giáo dục: các trường của người Hoa phải dạy theo chương trình Việt; nhưng trong thực tế có đến 3 chương trình được giảng dạy trong các “trường gốc Hoa” đó là: Trung Hoa, Việt và Anh. Hoạt động báo chí: chính quyền Sài Gòn khắt khe trong việc kiểm duyệt nội dung trên các báo Hoa ngữ; các báo Hoa ngữ phải liên hợp với nhau để giảm số báo ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn đối phó với những phản ứng đối với chính sách về tổ chức xã hội của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam Chính quyền Sài Gòn đối phó với phản ứng của Đài Loan Giới chính trị và báo chí Đài Loan phản ứng rất mạnh, họ cho rằng VNCH không có quyền tịch thu tài sản của những tổ chức này và đã hành động trái với quốc tế công pháp, quốc tế tư pháp, nhất là trái với Hiến pháp của VNCH. Chính quyền Sài Gòn đối phó với nạn trốn quân dịch của thanh niên người Hoa ở miền Nam Việt Nam Tính đến năm 1965, số thanh niên người Hoa trốn quân dịch khoảng 95%. Chính quyền Sài Gòn triệt để thi hành luật lệ quân dịch đối với thanh niên người Hoa mới nhập Việt tịch. Một số biện pháp hành chính nhằm Việt Nam hóa người Hoa ở Miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn Ngoài các biện pháp về quốc tịch, kinh tế, và văn hóa – xã hội nhằm nắm vững giới Công dân gốc Hoa kiều để thúc đẩy họ có “một tinh thần quốc gia rõ rệt”, chính quyền Sài Gòn còn chú ý đến phương diện hành chính và chính trị. óóóóó Đối với các biện pháp nhằm quản lí tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn tập trung vào việc quản lí hai hình thức thể hiện của tổ chức xã hội người Hoa ở miền Nam Việt Nam là hình thức xã hội và hình thức văn hóa. Ở phương diện xã hội, bằng việc ban hành Sắc lệnh số 133-NV ngày 10-6-1960, chính quyền Sài Gòn đã giải tán tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Quan điểm và lập trường của chính quyền Sài Gòn trong việc giải tán các tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam cũng cương quyết và dứt khoát như việc giải quyết vấn đề quốc tịch. Chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 không chỉ quan tâm đến việc dùng pháp luật để xóa bỏ tổ chức xã hội của người Hoa ở miền Nam Việt Nam mà còn quan tâm giải quyết vấn đề trường học và báo chí của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Đối với trường học của người Hoa, chính quyền thi hành một chương trình qua bốn giai đoạn nhằm đưa các trường “hoàn toàn Hoa” thành trường “hoàn toàn Việt Nam”, đặt dưới sự quản lí của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam. Các giai đoạn đó là: sửa đổi chương trình trong các trường của người Hoa (1956 – 1957); thực hiện chương trình chuyển tiếp trong các trường của người Hoa (1958 – 1960); cải tổ và quản trị các trường Bang lập của người Hoa (1961 – 1962); bán công hóa các trường của người Hoa (1963). Ở giai đoạn 1955 – 1963, sự quan tâm của chính quyền trong việc quản lí các trường người Hoa được lên kế hoạch và có sự kiểm tra, đôn đốc đúng mức. Tuy nhiên, sang giai đoạn 1963 – 1975, chính quyền lơ là, thiếu kiểm soát đối với các trường của người Hoa. Đối với lĩnh vực báo chí, các biện pháp của chính quyền tập trung vào việc giảm về mặt số lượng báo chí Hoa ngữ. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nội dung báo chí Hoa ngữ và thanh trừng các phần tử hoạt động báo chí không có lợi cho nền chính trị của VNCH. Hoạt động giáo dục và báo chí của người Hoa ở miền Nam Việt Nam diễn ra dưới ảnh hưởng của các biện pháp mà chính quyền Sài Gòn cho áp dụng đối với họ. Hoạt động giáo dục chủ yếu tập trung vào việc tiến hành đổi tên các trường của người Hoa thành ra tên trường Việt Nam; thi hành việc dạy Việt ngữ và bán công hóa các trường. Hoạt động báo chí tập trung vào việc tổ hợp các tờ báo Hoa ngữ lại với nhau nhằm giảm số lương báo chí Hoa ngữ. Mặc dù chính quyền Sài Gòn nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc cần thiết phải quản lí chặt chẽ các trường học và báo chí Hoa ngữ ở miền Nam Nam Việt Nam, nhưng so với các biện pháp trên lĩnh vực chính trị và kinh tế thì biện pháp ở lĩnh vực tổ chức xã hội chưa được chính quyền đầu tư đúng với tầm quan trọng của vấn đề. Chính sách về tổ chức xã hội của chính quyền Sài Gòn đối với người người Hoa ở miền Nam Việt Nam tập trung đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết hành chính, chính sách chưa thực sự đi vào tâm khảm của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. KẾT LUẬN Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 có bản chất: chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 là chính sách “có tính đồng hoá”. Trong việc giải quyết “vấn đề Hoa kiều” ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã dùng đến quyền lực cao nhất của một chính thể Cộng hòa đó là cưỡng chế bằng pháp luật buộc người Hoa phải hội nhập hoàn toàn vào xã hội VNCH; chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn thực chất nhằm chống lại chính sách “Hoa vận của VNDCCH” ở miền Nam Việt Nam, nhưng hiệu quả của việc làm này rất mờ nhạt. Chính sách ra đời trong bối cảnh chính quyền Sài Gòn phải đương đầu với những nhiệm vụ hệ trọng về mặt chính trị và quân sự; nên lực lượng người Hoa ở miền Nam Việt Nam, với thế lực kinh tế mạnh, là một lực lượng mà chính quyền Sài Gòn phải tranh thủ, lôi kéo nhằm phục vụ cho chính sách “chống Cộng” mà Mỹ hậu thuẫn. Với bản chất như vậy, chính sách không chỉ có ưu điểm mà còn có những hạn chế trong quá trình thực thi chính sách, đối với quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa và tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đối với quá trình thực thi, chính sách có ưu điểm sau: Đây là chính sách phù hợp với xu thế thời đại và khu vực. Thứ nhất, trong bối cảnh xác lập chính thể Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn buộc phải có những hành động đánh đổ thế lực ngoại bang; trong đó đối tượng mà chính quyền Sài Gòn hướng đến chính là thế lực kinh tế của người Hoa. Trong quá trình thực thi chính sách, chính sách thể hiện một quyết tâm dứt khoát, không khoan nhượng của chính quyền Sài Gòn đối với các vấn đề liên quan đến người Hoa. Khi cần thiết, chính quyền Sài Gòn sẵn sàng tăng cường thêm các văn bản luật để đảm bảo chính sách được tôn trọng. Về mặt lí thuyết cũng như thực tiễn, đây là một chính sách có sự phối hợp, bổ sung giữa các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Khi chính quyền Sài Gòn ban hành các văn bản luật về quốc tịch đối với người Hoa, người Hoa vẫn chần chừ, do dự không chịu nhập Việt tịch. Để hỗ trợ cho chính sách quốc tịch, chính quyền Sài Gòn ban hành các văn bản luật là những chế tài về kinh tế để buộc người Hoa vì muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của mình ở miền Nam Việt Nam thì phải nhập Việt tịch. Chính sách đã thành công trên phương diện pháp luật, hành chính. Đó là số người Hoa nhập Việt tịch, mục tiêu Việt Nam hóa người Hoa trên các phương diện kinh tế, hành chính, giáo dục, báo chí bước đầu được thực hiện. Do vậy, người Hoa ở miền Nam Việt Nam nhập Việt tịch giai đoạn 1955 – 1975 chiếm tỷ lệ 99, 46%. Mục tiêu Việt tịch hóa người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn được thực hiện. Đối với quá trình hội nhập của cộng đồng và tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 cũng có những đóng góp nhất định. Chính sách đã “hợp thức hoá” quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bên cạnh những ưu điểm, chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 bộc lộ những hạn chế thuộc về bản chất của chính quyền này và những khó khăn mà chính quyền Sài Gòn phải đương đầu trong suốt giai đoạn cầm quyền của mình ở miền Nam Việt Nam. Đối với quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng dân tộc Việt Nam, chính sách khiến cho người Hoa hội nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam khó khăn bởi “yếu tố cưỡng bức” của chính sách. Điều này, tạo ra những đổ vỡ về tâm lí cũng như tình cảm trong quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc làm này khiến cho quá trình hội nhập của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng dân tộc Việt Nam mất đi “tính tự nhiên” vốn có của nó. Đối với quá trình thực thi chính sách đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975: hầu hết các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam đều ra đời ở giai đoạn Chính phủ Ngô Đình Diệm, các chính phủ nối tiếp sau Diệm không có sự bổ sung các biện pháp cho phù hợp với tình hình mới về người Hoa ở miền Nam Việt Nam mà chỉ tiếp tục thi hành những biện pháp đã được ban hành từ dưới thời của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Một số mục đích của chính quyền Sài Gòn khi ban hành và thực thi chính sách với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975 không đạt được: Về chính trị: Quá trình ban hành và thực thi chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam, chính quyền VNCH đã gặp phải những trở ngại lớn. Đó là sự chống đối, không hợp tác, thờ ơ của người Hoa ở miền Nam Việt Nam đối với chính sách của chính quyền dành cho họ, nhiệm vụ của quốc gia VNCH. Đặc biệt ở lĩnh vực thi hành nghĩa vụ quân sự nhằm phục vụ cho công cuộc chống lại phong trào cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam. Về kinh tế: thực chất của chính sách kinh tế đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam nhằm nhanh chóng đưa nhóm người Hoa còn do dự về vấn đề Việt tịch phải quyết định dứt khoát. Về mặt xã hội, chính quyền Sài Gòn phải đối phó khó khăn hơn với việc người Hoa thao túng thị trường, đầu cơ, lũng đoạn giá cả làm cho tình trạng chiến tranh vốn khó khăn càng trở nên trầm trọng khi chính quyền Sài Gòn luôn phải đối phó với những bất ổn về mặt xã hội. Trong thực tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Hoa vẫn giữ nguyên như trước khi chính quyền Sài Gòn thi hành một số biện pháp đối với cộng đồng của người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Người Hoa vẫn hướng về chính quốc, vẫn có thế lực kinh tế và ảnh hưởng riêng trên thương trường VNCH và vẫn giữ những tập tục, những nề nếp trong các tổ chức xã hội của họ với hình thức mới. Chính sách của chính quyền Sài Gòn đưa ra là cần thiết, đã được nghiên cứu cẩn thận, có nhiều ưu điểm về mặt lí thuyết, nhưng thực tế chính sách kém hiệu quả. Vì 3 lý do sau: thứ nhất, về mặt tổ chức - thiếu cán bộ thực hiện, đôn đốc. Đây là một chính sách lớn của chính quyền Sài Gòn nhưng về mặt tổ chức, chính quyền Sài Gòn chỉ lập ra một Nha THSV để đảm trách mọi vấn đề, mà người đứng đầu Nha THSV thì còn phải kiêm cả chức Phó Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, và tất cả nhân viên trong Nha THSV chưa tới 10 người; thứ hai, tính liên tục không được đảm bảo trong suốt quá trình thi hành chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 – 1975. Chính sách chưa hoàn tất thì xảy ra đảo chính, tranh giành nội bộ khiến chính sách bị ngưng trệ; thứ ba, chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 từ khi ban hành và trong quá trình thực thi gặp phải sự phản đối từ phía người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, đặc điểm của chính sách này là: Chính sách đối với người Hoa ở miền Nam của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 gồm 2 điểm chính: thúc đẩy người Hoa ở miền Nam Việt Nam nhập Việt tịch và đưa họ hoà mình vào xã hội Việt Nam. Trọng tâm của chính sách là vấn đề quốc tịch, chính sách về kinh tế, tổ chức xã hội, giáo dục và báo chí nhằm hỗ trợ cho chính sách về quốc tịch được diễn ra nhanh chóng. Chính sách đối với người Hoa ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1975 là chính sách không toàn diện. Mặc dù chính sách có đề cập đến nhiều phương diện hoạt động của người Hoa: kinh tế, chính trị, xã hội. Với cả các hoạt động của cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam chính quyền đều quản lí với nhãn quan “tổ chức xã hội”, chính quyền Sài Gòn cho rằng sức mạnh của người Hoa nằm ở sự cấu kết cộng đồng đó. Các biện pháp của chính quyền Sài Gòn dù đề cập đến nhiều phương diện nhưng tựu trung cũng là giải quyết sự cấu kết đó. Vì vậy, chính quyền Sài Gòn đã không đưa ra những biện pháp nhằm quản lí yếu tố văn hoá tinh thần: tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam. CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI Trịnh Thị Mai Linh (2010), “Tìm hiểu chính sách đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn qua các đạo dụ về vấn đề quốc tịch và vấn đề kinh tế ban hành trong hai năm 1955 – 1956”, Tạp chí Khoa học (Khoa học Xã hội và Nhân văn), số 23 (57), Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 – 2010, ISSN 1859-3100. Trịnh Thị Mai Linh (2012), “Chính sách của chính quyền Sài Gòn đối với các tổ chức xã hội của người Hoa ở Miền Nam Việt Nam (1955 – 1963)”, Tạp chí Khoa học (Khoa học Xã hội và Nhân văn), số 41 (75), Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12 – 2012, ISSN 1859-3100. Trịnh Thị Mai Linh (2013), “Trường học của người Hoa ở Miền Nam Việt Nam (Qua tài liệu Lưu trữ)”, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, tháng 4 – 2013, ISSN 0866-7365. Trịnh Thị Mai Linh (2013), “Biện pháp quản lí hoạt động kinh tế đối với người Hoa của chính quyền Sài Gòn giai đoạn 1955 – 1963”, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, tháng 5 – 2013, ISSN 0866-7365.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxdoi_chieu_gioi_tu_tieng_han_hien_dai_voi_gioi_tu_tieng_viet_hien_dai_qua_mot_so_gioi_tu_7382.docx
Luận văn liên quan