[Tóm tắt] Luận án Ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn (trên tư liệu báo in tiếng Việt hiện nay)

Luận án đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn dưới ánh sáng của lí thuyết hội thoại và nguyên lí lịch sự. Về cơ bản, luận án đã đạt được một số kết quả sau: 1. Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu phỏng vấn với tư cách là một cuộc hội thoại một cách có hệ thống và sâu sắc. Từ góc nhìn của lí thuyết hội thoại, phỏng vấn là một cuộc thoại điển hình. Về cấu trúc, đó là một hệ thống cấu trúc của các đơn vị chức năng được tổ chức theo quan hệ tôn ti từ lớn đến nhỏ (cuộc thoại → đoạn thoại → cặp thoại → tham thoại → hành vi ngôn ngữ). Tuy nhiên, thể loại phỏng vấn là một dạng hội thoại đặc biệt, nó vừa mang đặc điểm của cuộc thoại thông thường vừa có những nét đặc thù, trong đó cặp thoại phỏng vấn được hiện thực hóa qua tham thoại trao đáp có cấu trúc hình thức khá ổn định: TTDN: câu hỏi và TTHĐ: câu trả lời. 2. Cặp thoại phỏng vấn đã được xem xét ở tất cả các mặt cấu trúc, chức năng, các quan hệ trao đáp nội bộ, các mô hình hình thức Cặp thoại được tạo nên bởi sự tương thích của các TTDN và TTHĐ. Đặc biệt, luận án đã đi sâu phân tích một số HVCH trong TTDN của nhà báo và khẳng định hành vi hỏi luôn là hành vi chủ đạo. Đồng thời, luận án đã phân tích kĩ một số chức năng của hành vi hỏi gián tiếp thường được nhà báo sử dụng khi tác nghiệp, chỉ ra những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng các chức năng này sao cho đạt hiệu quả khai thác thông tin cao nhất, hay nhất phục vụ độc giả.

doc27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1779 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn (trên tư liệu báo in tiếng Việt hiện nay), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ---------------------------------- PHẠM THỊ MAI HƯƠNG NGÔN NGỮ HỘI THOẠI TRONG THỂ LOẠI PHỎNG VẤN (TRÊN TƯ LIỆU BÁO IN TIẾNG VIỆT HIỆN NAY) Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 62 22 02 40 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC Hà Nội - 2016 Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ 2. PGS.TS. Phạm Văn Tình Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp ĐHQG chấm luận án tiến sĩ họp tại .. .. vào hồi...giờ ngày tháng..năm 2016. Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia Việt Nam Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Phạm Thị Mai Hương (2013), “Lập luận trong hội thoại của Thúy Kiều”, Kỉ yếu Ngữ học trẻ 2013, tr.709-715. 2. Phạm Thị Mai Hương (2015), “Định kiến giới trong ngôn ngữ phỏng vấn trên báo in”, Nữ quyền-Những vấn đề lí luận và thực tiễn (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia), NXB Đại học Sư phạm, tr.392-398. 3. Phạm Thị Mai Hương (2016), “Cặp thoại trong hội thoại phỏng vấn báo in”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học 2016 – Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, tập 1, NXB Dân trí, tr.819-824. 4. Phạm Thị Mai Hương (2016), “Hành động hỏi trong phỏng vấn báo in”, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 3 (41), tháng 5/2016, tr.96-102. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Trong cuộc cạnh tranh thông tin hiện nay, phỏng vấn được xem là vũ khí lợi hại trong việc nâng cao uy tín của tờ báo và hấp dẫn bạn đọc. Trên thực tế, phỏng vấn là một cuộc giao tiếp giữa nhà báo với một hay nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh những tính chất đặc thù, xét dưới góc độ ngôn ngữ học, cuộc giao tiếp này vẫn mang những đặc điểm chung của hoạt động giao tiếp thông thường, vẫn chịu sự tác động của các quy tắc hội thoại, các nhân vật giao tiếp vẫn phải vạch ra cho mình những chiến lược hội thoại nhằm làm cho cuộc phỏng vấn đạt hiệu quả cao nhất. Có thể nói, phỏng vấn là một hoạt động giao tiếp đặc biệt, có rất nhiều vấn đề cần quan tâm từ góc độ của Ngữ dụng học. Tuy nhiên, cho đến nay, ngôn ngữ phỏng vấn mới chỉ được nghiên cứu với tư cách như một thể loại báo chí, như một phương pháp tác nghiệp phổ biến của nhà báo hay dưới góc độ đặc trưng ngôn ngữ phỏng vấn của nhà báo Việc tìm hiểu, nghiên cứu phỏng vấn với tư cách là một cuộc hội thoại chưa được các nhà ngôn ngữ học chú ý nhiều. Chính vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn (trên tư liệu báo in tiếng Việt hiện nay) làm đề tài nghiên cứu luận án của mình với mong muốn mang đến những kiến giải mới cho lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại nói chung và ngôn ngữ hội thoại báo chí nói riêng. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các cuộc phỏng vấn với tư cách là một thể loại báo chí. Phạm vi tư liệu mà chúng tôi khảo sát là 500 bài phỏng vấn trên các tờ báo uy tín từ năm 2013 đến nay, đó là: báo Tiền phong, báo An ninh thế giới, báo Gia đình và Xã hội, báo Thanh niên, báo Lao động, báo Tuổi trẻ, báo Hà Nội mới, báo Nông thôn Ngày nay, báo Giáo dục và Thời đại 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Vận dụng lí thuyết hội thoại, mục đích của luận án là nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn trên báo in từ các bình diện cấu trúc, chức năng, sự tương tác của các thành tố trong cuộc thoại phỏng vấn. Qua đó góp phần hướng tới xây dựng các cuộc thoại phỏng vấn hay, sáng tạo, khai thác thông tin tối đa nhằm thu hút độc giả. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc của cặp thoại phỏng vấn. - Nghiên cứu đặc điểm chức năng của cặp thoại phỏng vấn. - Nghiên cứu chiến lược phỏng vấn và một số đề tài hỏi có khả năng vi phạm nguyên tắc lịch sự. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án tiến hành nghiên cứu đối tượng dựa trên một số phương pháp thường gặp trong nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung và ngôn ngữ học ứng dụng nói riêng, đó là: - Phương pháp phân tích hội thoại (PTDN) là phương pháp nghiên cứu chính. - Phương pháp phân tích diễn ngôn; phương pháp điển mẫu; phương pháp phân tích – miêu tả. Ngoài ra, luận án còn vận dụng một số thủ pháp: mô hình hóa, thống kê,có tính chất hỗ trợ. 5. Đóng góp của đề tài Với đề tài này, luận án sẽ có những đóng góp mới cả về mặt lí luận và thực tiễn cho cả hai địa hạt ngôn ngữ học và báo chí. 5.1. Về mặt lí luận - Góp phần làm rõ, mở rộng những vấn đề lí luận về việc nghiên cứu lí thuyết hội thoại ở Việt Nam, giúp tìm hiểu cặn kẽ hơn về ngôn ngữ trong hoạt động phỏng vấn báo chí cũng như giúp xây dựng các mô hình chuẩn mực cho hoạt động phỏng vấn. 5.2. Về mặt thực tiễn - Chỉ ra những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ hội thoại phỏng vấn trên báo in, đưa ra được hệ thống các thành tố dùng để cấu trúc nên cuộc thoại phỏng vấn. Thông qua đó, luận án góp phần xây dựng nên mô hình cuộc thoại phỏng vấn chuẩn mực về nghi thức văn hóa giao tiếp. - Hệ thống hóa các chiến lược giao tiếp có bản chất lịch sự cũng như sự thể hiện đa diện, đa chiều của hành vi hỏi – đáp trong phỏng vấn. Từ đó, luận án góp thêm một số kinh nghiệm trong khai thác thông tin qua hoạt động đặt câu hỏi cũng như khai thác triệt để chiến lược giao tiếp, nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong hoạt động phỏng vấn. - Giúp người làm báo có thêm kinh nghiệm khai thác thông tin cũng như kinh nghiệm thực hiện các cuộc phỏng vấn thông qua các hành động ngôn từ và các chiến lược giao tiếp khi tác nghiệp. - Kết quả của luận án có thể là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy môn Ngôn ngữ báo chí nói chung và Ngôn ngữ phỏng vấn nói riêng. 6. Bố cục Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan và cơ sở lí thuyết. Chương 2. Đặc điểm cấu trúc của cặp thoại trong hội thoại phỏng vấn Chương 3. Đặc điểm chức năng của cặp thoại trong hội thoại phỏng vấn Chương 4. Chiến lược phỏng vấn và sự vi phạm nguyên tắc lịch sự trong hội thoại phỏng vấn Chương 1 TỔNG QUAN VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu - Bức tranh nghiên cứu về hội thoại cũng như ngôn ngữ phỏng vấn rất phong phú, đa dạng. Mặc dù vậy, những nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ phỏng vấn vẫn còn rất ít, đặc biệt là hướng nghiên cứu theo đường hướng phân tích hội thoại. Với ngôn ngữ hội thoại phỏng vấn trên báo in, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chuyên sâu theo đường hướng này. Đây là lần đầu tiên, vấn đề này được nghiên cứu ở phạm vi một luận án tiến sĩ. 1.2. Phỏng vấn và phỏng vấn báo in 1.2.1. Một số quan niệm về phỏng vấn - Các tác giả đều thừa nhận phỏng vấn là một cuộc đối thoại (hỏi – trả lời) giữa nhà báo (người hỏi) và người được phỏng vấn (người trả lời) nhằm mục đích cung cấp thông tin, ý kiến về những sự kiện, vấn đề thời sự hoặc nhằm khắc họa chân dung nhân vật mà công chúng quan tâm. Trong luận án, chúng tôi kế thừa những cách hiểu trên về phỏng vấn của các nhà nghiên cứu trên thế giới và trong nước, đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh thể loại phỏng vấn trên báo in là “hình thức đăng tải tác phẩm dưới dạng đối thoại (hỏi – trả lời)” (Lê Thị Nhã, Giáo trình Phỏng vấn Báo chí, NXB Thông tấn, tr.18). 1.2.2. Phân loại phỏng vấn Luận án tập trung khảo sát ba loại phỏng vấn: - Phỏng vấn chân dung là loại phỏng vấn chỉ tập trung vào một nhân vật, nhà báo đưa ra câu hỏi để đối tượng phỏng vấn (ĐTPV) tự bộc lộ về mình (quan điểm, tâm tư, thành tích, kế hoạch tương lai). ĐTPV thường là những người nổi tiếng, người có thành tích nổi bật ở các lĩnh vực hoạt động như văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế, đặc biệt họ phải là người “thu hút được sự quan tâm của công chúng”. - Phỏng vấn điều tra nhằm phân tích, nghiên cứu sâu về một sự kiện, vấn đề có tính phức tạp, cấp bách, phát sinh nhiều luồng dư luận mà công chúng đang đòi hỏi cần làm sáng tỏ. ĐTPV là những nhân chứng liên quan đến sự việc, sự kiện. - Phỏng vấn thông tin là dạng phỏng vấn mà nội dung gắn liền với những tin tức, sự kiện mang tính thời sự được công chúng quan tâm. Đối tượng phỏng vấn khá rộng: từ những người có thẩm quyền đến người có uy tín, nhân chứng có liên quan (là người bình thường) 1.2.3. Đặc điểm nổi bật của thể loại phỏng vấn - Bản chất của phỏng vấn không phải là trao đổi, trò chuyện hay tranh luận mà chủ yếu là hình thức đối thoại: hỏi và trả lời. - Nhà báo luôn là người đưa ra hành động hỏi, ĐTPV là người đưa ra hành động hồi đáp trả lời. Trong cuộc giao tiếp này, gần như không có hiện tượng luân phiên đổi vai như các cuộc thoại thông thường. - Việc sử dụng ngôn từ được coi như chiến lược giao tiếp của những nhà báo và người được phỏng vấn. - Mục đích phỏng vấn không phải để cho những người tham gia mà nhằm phục vụ “người thứ ba”, đó là đông đảo độc giả. 1.3. Lí thuyết hội thoại 1.3.1. Vận động hội thoại Vận động hội thoại giữa hai nhân vật gồm ba vận động chủ yếu: trao lời, trao đáp và sự tương tác hội thoại. 1.3.2. Các đơn vị hội thoại Cho đến nay có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định cấu trúc hội thoại. Trong luận án, chúng tôi kế thừa quan điểm cũng như tên gọi các thuật ngữ của trường phái phân tích hội thoại Thụy Sĩ –Pháp. Trường phái này cho rằng hội thoại là một tổ chức có tôn ti với các đơn vị cấu trúc từ lớn đến bé là: cuộc thoại (còn gọi là cuộc tương tác, conversation, interaction), đoạn thoại (sequence), cặp trao đáp (cặp thoại – exchange), tham thoại (intervention) và hành động nói (speech act). Trong cấu trúc này, ba đơn vị đầu nằm trong sự vận động trao đáp nên có tính chất lưỡng thoại, hai đơn vị sau có tính chất đơn thoại. 1.3.3. Các quy tắc hội thoại Khi nghiên cứu cuộc thoại phỏng vấn trên báo in, luận án chúng tôi quan tâm chủ yếu đến nguyên tắc cộng tác và nguyên tắc lịch sự. Đây là hai nguyên tắc tác động, chi phối mạnh mẽ đến cuộc thoại phỏng vấn. Nguyên tắc cộng tác (cooperative principle) đã được một số nhà nghiên cứu cụ thể hóa dưới dạng một số quy tắc, H.P.Grice gọi đó là những phương châm hội thoại (maxims). Theo ông, để một cuộc thoại có thể diễn ra bình thường, các bên tham thoại cần tuân thủ bốn phương châm hội thoại sau: phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ và phương châm cách thức. Khi nghiên cứu cặp thoại phỏng vấn, cần phải xem xét sự tác động, điều chỉnh của các phương châm này đối với cặp câu hỏi – câu trả lời. 1.4. Lí thuyết hành vi ngôn ngữ (Speech act theory) Searle phân loại theo hành vi ngôn ngữ (HVNN) với 4 tiêu chí cơ bản: đích tại lời (illocutionary point), hướng khớp lời – hiện thực (direction of fit), trạng thái tâm lí của người nói (S’psychological state) khi thực hiện hành động và nội dung mệnh đề (propositional content). Theo đó, các HVNN được chia thành 5 nhóm như sau: 1/ Tái hiện (Representatives); 2/ Điều khiển (Directive); 3/ Cam kết (Commissive); 4/ Biểu cảm (Expressive); 5/ Tuyên bố (Declaratives). Hành vi ngôn ngữ trực tiếp (direct illocutionary speech acts) là những HVNN “có sự tương ứng giữa cấu trúc phát ngôn trên bề mặt với hiệu lực của nó gây nên”. Nói cách khác, HVNN được thực hiện đúng với điều kiện sử dụng, đúng với đích ở lời của chúng. Tuy nhiên, trong thực tế giao tiếp cũng như phỏng vấn, vì những lí do khác nhau, người nói sử dụng HVNN này nhưng lại nhằm đến hiệu lực ở lời của HVNN khác. Đó là hành vi ngôn ngữ gián tiếp (indirect illocutionary speech acts). 1.5. Lí thuyết lịch sự và vấn đề nghiên cứu lịch sự trong phỏng vấn 1.5.1. Các lí thuyết về lịch sự 1.5.1.1. Lí thuyết về lịch sự chiến lược Đại diện tiêu biểu là các tác giả R. Lakoff, J.N. Leech, P.Brown và S. Levinson, trong đó quan điểm của P. Brown và S. Levinson được xem là nhất quán, có ảnh hưởng rộng rãi và có hiệu quả nhất đối với việc nghiên cứu về phép lịch sự. Nhìn chung, các lí thuyết lịch sự chiến lược đều có điểm chung: coi lịch sự là chiến lược tránh đụng độ trong giao tiếp. Chiến lược ấy thuộc về cái Tôi, do cái Tôi tự tạo ra trong quá trình tương tác xã hội, nó là kết quả của nền văn hóa phương Tây, tôn trọng và đề cao cái tôi cá nhân. 1.5.1.2. Lí thuyết về lịch sự chuẩn mực Có tính khuôn mẫu, quy ước, coi trọng quan hệ vị thế, quan hệ thân sơ. 1.5.1.3. Quan niệm lịch sự của người Việt Lịch sự trong tiếng Việt bao hàm cả hai bình diện: lịch sự chiến lược theo kiểu phương Tây và lịch sự chuẩn mực theo kiểu phương Đông. Người Việt Nam trong giao tiếp luôn chú trọng sự tế nhị, khéo léo, khiêm nhường (biểu hiện của lịch sự chiến lược) vừa nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp vừa giúp đối tác giao tiếp giữ được mối thân tình. Mặt khác, người Việt còn chú trọng sự lễ độ, đúng mực (cách ứng xử phù hợp với lịch sự chuẩn mực), thể hiện sự tôn trọng các giá trị xã hội như tuổi tác, vị thế, tôn ti, thứ bậc 1.5.2. Lịch sự trong phỏng vấn - Lịch sự là một trong những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. - Trong phỏng vấn, hỏi là “độc quyền” của nhà báo nhưng về bản chất, đây là hành vi có khả năng đe dọa thể diện của người được phỏng vấn nhất. - Do nhà báo luôn là người chủ động về đề tài, câu hỏi, kịch bản, là người áp đặt, chi phối, định hướng ngay cả đối với các hành vi của ĐTPV nên nếu không khéo léo, nhà báo rất dễ vi phạm nguyên tắc lịch sự khi tác nghiệp. - Phỏng vấn là cuộc trò chuyện giữa nhà báo và ĐTPV được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao về tính lịch sự đối với nhà báo và đối tượng phỏng vấn. Họ không những chỉ giữ thể diện cho mình mà quan trọng là phải giữ thể diện trước công chúng bạn đọc. 1.6. Tiểu kết Chương 1 đã trình bày một số vấn đề cơ bản nhất về lí luận làm cơ sở cho việc phân tích đặc điểm ngôn ngữ hội thoại trong phỏng vấn báo chí. Thứ nhất, dựa vào, lí thuyết hội thoại, lí thuyết hành vi ngôn ngữ, luận án đưa ra cái nhìn tổng quan về giao tiếp trên báo in và hội thoại phỏng vấn. Từ điểm nhìn của lí thuyết hội thoại, phỏng vấn là một cuộc thoại điển hình. Tuy nhiên, phỏng vấn báo chí là dạng hội thoại đặc biệt, nó vừa mang đặc điểm của cuộc thoại thông thường vừa có những nét đặc thù. Trên cơ sở kế thừa các tác giả đi trước, chúng tôi chọn một số khái niệm tác nghiệp phù hợp để làm công cụ nghiên cứu của luận án ở các chương sau: giới hạn khái niệm cặp thoại, xác định vị trí cặp thoại trong cuộc thoại phỏng vấn, chỉ ra đơn vị cơ sở cấu tạo nên cặp thoại, các đặc điểm, tính chất cơ bản của cặp thoại; đặc điểm của một số HVVN thường dùng và tính tương tác trong hội thoại phỏng vấn. Từ điểm nhìn của lí thuyết hành vi ngôn ngữ, các nguyên tắc hội thoại và lí thuyết lịch sự, luận án đã trình bày các lí thuyết lịch sự và quan niệm về lịch sự của người Việt để làm cơ sở để khảo sát hành vi hỏi, hành vi chủ hướng trong hầu hết các TTDN của nhà báo nhưng lại có khả năng cao vi phạm yếu tố lịch sự trong phỏng vấn. Chương 2. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CẶP THOẠI TRONG HỘI THOẠI PHỎNG VẤN 2.1. Cấu trúc của tham thoại trong hội thoại phỏng vấn - Trong tổ chức cặp thoại (CT), tham thoại (TT) vừa là đơn vị trực tiếp cấu tạo nên CT, vừa là đơn vị có cấu trúc nội bộ riêng, thể hiện quan hệ giữa các HVNN. Việc nghiên cứu CT vì vậy phải xem xét, xuất phát từ những đơn vị bậc dưới của nó, đó là TT và HVNN. - Cuộc thoại phỏng vấn là một dạng hội thoại đặc thù trong đó CT được hiện thực hóa qua TT trao đáp có cấu trúc hình thức khá ổn định: Tham thoại dẫn nhập (initiative move): câu hỏi; Tham thoại hồi đáp (reactive move): câu trả lời 2.1.1. Tham thoại dẫn nhập (TTDN) trong phỏng vấn Cấu trúc nòng cốt của một TT nói chung cũng như của TTDN đều gồm hai phần: hành vi chủ hướng (HVCH) (head) và hành vi phụ thuộc (HVPT) (pre-head, post-head). 2.1.1.1. Hành vi chủ hướng Trong các cuộc thoại phỏng vấn, đảm nhận vị trí HVCH của TTDN có thể là: Hành vi chào, hành vi hỏi, hành vi trần thuật, hành vi cám ơn và chúc tụng. Kết quả khảo sát cho thấy trong số những HVCH trong TTDN, hành vi hỏi vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất (60,2%) bởi vì bản chất của phỏng vấn là hỏi – trả lời. Hành vi trần thuật chỉ chiếm tỉ lệ thấp (22,9%). Điều này giúp phân biệt phỏng vấn với các thể loại báo chí khác có hình thức giống với phỏng vấn như tọa đàm, giao lưu (hành vi trần thuật chiếm số lượng lớn). 2.1.1.2. Hành vi phụ thuộc Trong TTDN của nhà báo, các HVNN đóng vai trò HVPT thường là hành vi khen, hành vi chê và hành vi trần thuật. Hành vi trần thuật là hành vi vừa có khả năng đảm nhiệm vai trò là HVCH, vừa là HVPT trong TTDN. Tuy nhiên, hành vi này thường xuất hiện với tư cách là HVPT với tỉ lệ cao hơn HVCH (60,4 % và 22,9 %). Nếu như hành vi hỏi là hành vi được sử dụng phổ biến trong HVCH của TTDN phỏng vấn thì hành vi trần thuật lại được sử dụng thường xuyên trong HVPT của TTDN. Chúng thường giữ chức năng giải thích, bổ sung luận cứ để nhà báo thực hiện hành vi hỏi. 2.1.2. Mô hình hình thức của TTDN trong cặp thoại phỏng vấn Qua khảo sát tư liệu phỏng vấn báo in, có thể mô hình hóa các kiểu cấu trúc TTDN mà nhà báo thường sử dụng khi tác nghiệp thành 10 loại mô hình. Đặc biệt, kiểu mô hình (PT CH) mà hành vi phụ thuộc đi trước đảm nhiệm vai trò “dọn đường” cho hành vi chủ hướng hỏi ở phía sau thường được nhà báo sử dụng nhiều hơn cả. 2.1.3. Tham thoại hồi đáp trong phỏng vấn Trong phỏng vấn, TTHĐ có vị trí vô cùng quan trọng. TTDN trong phỏng vấn mới chỉ làm thành một bộ phận nêu vấn đề chứ chưa mang thông tin, còn TTHĐ (khẳng định hay phủ định) mới làm cho thông tin được sáng tỏ, tạo thành một chu trình giao tiếp khép kín. TTHĐ quyết định tới diễn tiến, kết quả cuộc hội thoại. Đồng thời, thông qua TTHĐ, người đọc mới thấu rõ tâm lí, quan điểm của ĐTPV cũng như đích của cuộc thoại. Về vị trí, TTHĐ luôn nằm ngay sau TTDN, có mối quan hệ tương tác với TTDN. Hướng hồi đáp của TTHĐ phụ thuộc chặt chẽ vào TTDN. Về cấu trúc, TTHĐ cũng giống với TTDN trong phỏng vấn gồm hai thành phần là HVCH và HVPT. Tuy nhiên, việc xác định HVCH trong TTHĐ phụ thuộc vào TTDN. Theo đó, hành vi nào hồi đáp trực tiếp vào HVCH của nhà báo trong TTDN thì hành vi đó sẽ giữ vai trò chủ hướng trong TTHĐ. 2.2. Cấu trúc của cặp thoại phỏng vấn Điểm khác biệt của CT phỏng vấn so với các CT ở các dạng hành chức khác như CT dạy học, CT trong hội thoại thông thường hay CT trong tác phẩm văn học thể hiện ở chỗ cặp hỏi - đáp chính là CT chủ hướng, trong phỏng vấn không có sự xuất hiện của những cặp phụ thuộc, chêm xen. Mỗi CT là một cặp kế cận khép kín, tạo thành một CT hoàn chỉnh trình bày những chủ đề nhỏ, nhiều CT có sự liên kết về nội dung tạo thành chủ đề lớn của cuộc thoại phỏng vấn. 2.2.1. Cặp thoại một tham thoại Là những CT bất thường về mặt cấu tạo. “Nó tạo ra cấu trúc hẫng của CT (gọi là CT hẫng). Trong phỏng vấn báo chí, CT hẫng là cặp thoại chỉ có TTDN mà không có TTHĐ. CT hẫng thường xuất hiện khi nhà báo sử dụng những TTDN mang tính nghi thức như TTDN có hành vi chào, cảm ơn, chúc Hoặc khi nhà báo sử dụng những TTDN có nội dung vi phạm nguyên tắc lịch sự, đe dọa thể diện của họ. Trong những trường hợp này, trên báo in, ĐTPV thường không hồi đáp những kiểu tham thoại như vậy. 2.2.2. Cặp thoại hai tham thoại Đây là dạng phổ biến nhất trong hội thoại phỏng vấn, trong đó mỗi TT ứng với một chức năng ổn định: TT thứ nhất của nhà báo có chức năng dẫn nhập, TT thứ hai của ĐTPV có chức năng hồi đáp. 2.2.3. Mô hình hình thức của cặp thoại phỏng vấn Qua khảo sát ngữ liệu đồng thời dựa trên cách phân chia HVCH trong TT mà chúng tôi đã trình bày ở phần trên, trong phỏng vấn có thể gặp 5 mô hình CT thường gặp: cặp Hỏi – Trần thuật; cặp Trần thuật – Trần thuật; cặp Cảm thán – Trần thuật; cặp Cầu khiến – Cầu khiến và cặp Hỏi – Hỏi lại, trong đó chiếm ưu thế nhất vẫn là cặp Hỏi – Trần thuật truyền thống. 2.3. Quan hệ trao đáp trong cặp thoại phỏng vấn Thực chất quan hệ trao đáp trong CT phỏng vấn là quan hệ giữa các hành vi trong TTDN và TTHĐ. Căn cứ vào nội dung của TTHĐ cũng như sự tương thích của các HVNN trong các TT, có thể chia quan hệ trao đáp trong CT phỏng vấn thành hai loại: quan hệ trao đáp có tính chất tích cực và quan hệ trao đáp có tính chất tiêu cực. 2.3.1. Quan hệ trao đáp tích cực Trong quan hệ này, các HVNN trong TTHĐ thường tạo nên những cặp tương tác tích cực với HVNN trong TTDN của phóng viên như TTDN yêu cầu cung cấp thông tin, TTHĐ cung cấp thông tin, trần thuật khẳng định – đánh giá (về lời khẳng định) Mối quan hệ tích cực này góp phần thỏa mãn đích giao tiếp mà TTDN của nhà báo đặt ra. Quan hệ trao đáp này tạo ra những CT bình thường và thông thường có thể kết thúc CT phỏng vấn ở đó. 2.3.2. Quan hệ trao đáp tiêu cực ĐTPV vì những lí do nhất định có thể phá vỡ sự tương hợp trao – đáp, tạo nên những kiểu quan hệ trao đáp mang tính tiêu cực như TTDN yêu cầu cung cấp thông tin, TTHĐ từ chối cung cấp thông tin, khen – từ chối lời khen... Trong kiểu quan hệ này, TTHĐ của ĐTPV thường đi ngược với đích đặt ra của TTDN của nhà báo và tạo nên những CT không bình thường trong hội thoại phỏng vấn. Khi đó CT có thể kéo dài hoặc kết thúc trong sự bất đồng giữa nhà báo và ĐTPV hoặc đôi khi có thể có sự xoay chuyển cục diện phỏng vấn từ tiêu cực sang tích cực. 2.4. Tiểu kết Trong chương này, cặp thoại phỏng vấn được nghiên cứu ở góc độ cấu trúc. Cặp thoại đã được phân tích kĩ với tất cả những đặc trưng về cấu trúc nội tại, mô hình hình thức cũng như các quan hệ trao đáp. Tư liệu khảo sát Chương 2 cho thấy cấu trúc phổ biến của CT phỏng vấn là dạng thức hai TT với mô hình Hỏi – Trả lời. Là một dạng hội thoại đặc thù, chính vì vậy quan hệ trao đáp trong cặp thoại phỏng vấn cũng mang những tính chất đặc trưng so với kiểu CT trong các lĩnh vực khác. Đó là mối quan hệ mang tính nhân quả và một chiều, không có sự luân phiên đổi vai như các hoạt động giao tiếp thông thường. Hầu hết các CT phỏng vấn đều có quan hệ trao đáp tích cực, nghĩa là giữa các HVNN trong TTHĐ thường tạo nên những cặp tương tác tích cực với HVNN trong TTDN của nhà báo, góp phần phát triển nội dung cuộc phỏng vấn. Chương 3 ĐẶC ĐIỂM CHỨC NĂNG CỦA CẶP THOẠI TRONG HỘI THOẠI PHỎNG VẤN 3.1. Cặp thoại mở đầu cuộc phỏng vấn TTDN có chức năng mở thoại của cuộc thoại phỏng vấn phần lớn mang tính quy thức và do nhà báo chủ động đảm nhiệm. ĐTPV thường đón nhận một cách thụ động và không hồi đáp lại TT này. Vì vậy, CT mở đầu phỏng vấn là CT một TT hay còn gọi là CT hẫng như trong Chương 2 chúng tôi đã phân tích. Đảm nhiệm vai trò HVCH trong TTDN của loại CT này thường là hành vi thông báo và hành vi chào. 3.1.1. Hành vi thông báo Đối với bài phỏng vấn, nếu đầu đề có nhiệm vụ “níu mắt” người đọc tại bài phỏng vấn thì hành vi thông báo được hiển thị ở sapo có chức năng định hướng, mời gọi độc giả, giúp họ dễ lựa chọn việc tiếp tục đọc hay không đọc bài phỏng vấn giữa rất nhiều tin, bài khác của cùng một tờ báo hoặc của nhiều tờ báo khác. 3.1.1.1. Nhằm giới thiệu sự kiện hoặc vấn đề và người trả lời phỏng vấn Đây là chức năng được sử dụng nhiều nhất của hành vi thông báo, đặc biệt là trong dạng bài phỏng vấn thời sự. 3.2.1.2. Nhằm nêu lí do, bối cảnh phỏng vấn Nội dung mệnh đề của hành vi thông báo ở dạng này thường nêu hoàn cảnh, tình huống, bối cảnh xuất hiện của cuộc thoại phỏng vấn. Thông thường, những lí do đưa ra mang tính khác thường, mới lạ và mang tính thời sự. 3.2.1.3. Nhằm giới thiệu nhân vật trả lời phỏng vấn Cách thông báo này thường sử dụng trong những bài phỏng vấn chân dung để thông tin về tiểu sử, thành tích nhân vật hoặc phác họa diện mạo, tính cách, đặc điểm nổi bật của ĐTPV cho bạn đọc được biết. 3.2.1.4. Nhằm nêu ý nghĩa của sự kiện mà bài phỏng vấn đề cập 3.1.2. Hành vi chào Trong phỏng vấn trên báo in, hành vi chào thường là của phóng viên và thường không được ĐTPV hồi đáp lại hành vi này. Nó là hành động đơn phương, một chiều. 3.1.2.1. Trường hợp nhà báo (SP1) có vị thế xã hội cao hơn hoặc bằng đối tượng phỏng vấn (SP2) (SP1≥ SP2) Nhà báo thường sử dụng cách chào thân mật bằng tên riêng hay biệt danh hoặc đại từ nhân xưng thân tộc nhằm làm cho không khí cuộc phỏng vấn thân tình, cởi mở. 3.1.2.2. Trường hợp nhà báo (SP1) có vị thế xã hội thấp hơn đối tượng phỏng vấn (SP2) (SP1< SP2) Trong những cuộc phỏng vấn mà nhà báo và ĐTPV có sự chênh lệch cao về vị thế xã hội, chẳng hạn như ĐTPV là những người có địa vị cao trong xã hội (Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng), lúc đó phóng viên thường sử dụng hành vi chào mang tính nghi thức đó là cách chào bằng chức danh, chức vụ. 3.2. Cặp thoại kết thúc cuộc thoại phỏng vấn 3.2.1. Các từ ngữ báo hiệu kết thúc cuộc thoại phỏng vấn CT kết thúc phỏng vấn cũng là CT mang tính nghi thức và trong phỏng vấn, nhà báo có thể sử dụng một số từ ngữ báo hiệu chấm dứt cuộc thoại phỏng vấn. Về từ loại, chúng thường là các ngữ danh từ như câu hỏi cuối, câu hỏi cuối cùng ngữ động từ như khép lại cuộc trò chuyện này, kết thúc cuộc phỏng vấn hôm nay các ngữ cố định như nói tóm lại, chung quy lại Về vị trí, chúng thường đứng ở đầu câu: Các từ ngữ báo hiệu kết thúc cuộc phỏng vấn, NP + VP 3.2.2. Các HVNN báo hiệu kết thúc cuộc thoại phỏng vấn Hành vi cảm ơn, chúc thường xuất hiện ở vị trí phát ngôn kết thúc trong mỗi cuộc thoại, với vai trò là TTDN của nhà báo. ĐTPV thường không có sự hồi đáp vào hành vi này. Vì vậy, CT kết thúc phỏng vấn cũng là CT một tham thoại hay CT hẫng. 3.2.2.1. Trường hợp nhà báo (SP1) có vị thế xã hội cao hơn hoặc bằng ĐTPV (SP2) (SP1≥ SP2) Trong các cuộc phỏng vấn chân dung hoặc phỏng vấn thời sự (nhưng ĐTPV có vị thế xã hội thấp hơn hoặc bằng nhà báo), nhà báo có thể sử dụng hành vi cám ơn cũng như hành vi chúc đi kèm với tên riêng của ĐTPV. 3.2.2.2. Trường hợp nhà báo (SP1) có vị thế xã hội thấp hơn ĐTPV (SP2) (SP1< SP2) Nhà báo thường kết thúc cuộc phỏng vấn bằng hành vi cám ơn một cách trang trọng (rất ít trường hợp sử dụng hành vi chúc). 3.3. Cặp thoại triển khai cuộc thoại phỏng vấn 3.3..1. Chức năng của hành vi hỏi trực tiếp trong hội thoại phỏng vấn Chức năng nổi bật nhất của hành vi hỏi chính danh là yêu cầu cung cấp thông tin. Chức năng này của hành vi hỏi được thể hiện trong phỏng vấn báo in khá đa dạng. 3.3.1.1. Yêu cầu cung cấp thông tin về mục đích hành động Chức năng này thường được thực hiện theo mô thức: ĐTPV+ V + để làm gì? 3.3.1.2. Yêu cầu cung cấp thông tin về nguyên nhân của hành động/sự việc/ sự kiện Biểu thức tiêu biểu của chức năng này là: Tại sao/Vì sao/ Sao +ĐTPV + V? 3.3.1.3. Yêu cầu cung cấp thông tin về số lượng của hành động/sự việc/ sự kiện Biểu thức để hỏi thực hiện chức năng này thường sử dụng các đại từ như mấy, bao nhiêu. 3.4.1.4. Yêu cầu cung cấp thông tin về thời gian xảy ra của hành động/sự việc/ sự kiện liên quan đến ĐTPV Chức năng này của hành vi hỏi thường được nhận ra qua sự tham gia của các từ để hỏi như bao lâu, khi nào, lúc nào, bao giờ. 3.4.1.5. Yêu cầu ĐTPV cung cấp thông tin để làm rõ vấn đề (yêu cầu xác nhận ý kiến) Chức năng này của hành vi hỏi thường sử dụng các cụm từ để hỏi như: “có hay không”, “đúng hay sai”, “A hay B” và thường có sẵn phương án trả lời để người được hỏi lựa chọn. Những hành vi hỏi dạng này mang giá trị ngôn trung trực tiếp và buộc người được hỏi phải trả lời. Nó yêu cầu ĐTPV phải trả lời thẳng, trực diện vào vấn đề mà phóng viên đã đưa ra sẵn các phương án trả lời. 3.3.2. Chức năng của hành vi hỏi gián tiếp trong hội thoại phỏng vấn 3.3.2.1. Hỏi để kiểm chứng a. Nội dung thông tin cần kiểm chứng xuất phát từ phía nhà báo Khi sử dụng hành vi hỏi với chức năng kiểm chứng, nhà báo có thể xuất phát từ những chứng cứ, dữ liệu mình đã có và yêu cầu ĐTPV giải thích, làm sáng tỏ những chứng cứ, dữ liệu đó. b. Nội dung thông tin cần kiểm chứng xuất phát từ phía ĐTPV Trong phỏng vấn, có thể TTHĐ của ĐTPV xuất hiện những vấn đề, những cụm từ, số liệu là mấu chốt của vấn đề và không được phép hiểu sai. Chính vì vậy, nhà báo sử dụng hành vi hỏi –kiểm chứng để kiểm tra lại thông tin. 3.3.2.2. Hỏi để phản biện Được sử dụng khi phóng viên muốn lật ngược vấn đề nhằm làm sáng tỏ, minh bạch hoặc xác định lại tính chính xác của thông tin đồng thời đây cũng là cách để rộng đường dư luận. Thông qua việc sử dụng hành vi hỏi để chất vấn, vấn đề, sự việc, sự kiện sẽ được lí giải, phân tích một cách kĩ lưỡng, sâu sắc hơn ở các chiều cạnh khác nhau và thường là ở mặt trái của nó. 3.3.2.3. Hỏi để phản bác P + à?/ Thế không + p + à? Như thế mà + p + à? Sao lại + p? trong đó p là nội dung mệnh đề chứa hành động, sự vật, sự việc phản bác. Hành vi hỏi - phản bác buộc ĐTPV phải giải thích sự tồn tại của hành động, sự vật, sự việc nêu ở mệnh đề p hoặc phải chấp nhận thái độ phê phán, bác bỏ của nhà báo. 3.3.2.4. Hỏi để quy gán - Dạng thứ nhất có cấu trúc của kiểu câu hỏi truy tìm nguyên nhân, lí do dẫn đến hành động, sự việc, sự kiện tiêu cực. Dạng này thường có sự xuất hiện của từ nghi vấn sao, tại sao. - Dạng thứ hai có cấu trúc của kiểu câu hỏi tìm hiểu về đối tượng gây nên hành động, sự việc, sự kiện tiêu cực. Dạng quy gán này phóng viên thường sử dụng đại từ nghi vấn “ai”. 3.3.2.5. Hỏi để phỏng đoán Làm mềm hóa hành vi hỏi mang tính định hướng chủ quan, áp đặt của nhà báo và vì vậy hành vi hỏi – đoán thường được sử dụng trong kiểu bài phỏng vấn chân dung nhằm tạo sự thân mật, gần gũi giữa nhà báo – ĐTPV. 3.3.2.6. Hỏi để khẳng định Ở phát ngôn chứa hành vi hỏi dạng này, hỏi không phải là hành vi chứa đích ở lời mà nhà báo cần đạt được, mà HVNN chính của phát ngôn là yêu cầu ĐTPV thừa nhận, tán thành ý khẳng định của nhà báo. 3.3.2.7. Hỏi để đề nghị 3.3.2.8. Hỏi để điều tiết cuộc thoại Nội dung của câu hỏi điều tiết có thể rỗng hoàn toàn, chúng chỉ có chức năng đưa đẩy, dẫn dắt, duy trì quan hệ giao tiếp giữa nhà báo và ĐTPV. ĐTPV, do vậy, không nhất thiết phải trả lời những dạng câu hỏi này, nếu có trả lời thì có thể dùng những câu trả lời ngắn như “Vâng”, “Đúng thế” nhằm thông báo cho phóng viên biết mình vẫn đang theo dõi cuộc phỏng vấn mà không làm ảnh hưởng đến lượt lời. 3.3.2.9. Hỏi để chê, để khiêu khích Đích của lời của hành vi hỏi dạng này là hướng tới hiệu lực của hành vi chê hoặc khiêu khích, đồng thời nhà báo muốn biết thái độ phản ứng của ĐTPV đối với hành động, sự vật, sự việc liên quan đến ĐTPV bị chê, bị mỉa đó. Kết quả khảo sát cho thấy trong phỏng vấn báo in hiện nay, hành vi hỏi được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau, biểu đạt nhiều giá trị ngôn trung khác nhau. Hành vi hỏi được sử dụng với chức năng yêu cầu cung cấp thông tin và xác nhận thông tin chiếm tỉ lệ cao nhất (chiếm 55,2% và 12,3%). Điều này là do mục đích cơ bản của mọi cuộc phỏng vấn trước hết đều nhằm khai thác thông tin từ một đối tượng nào đó để cung cấp cho công chúng độc giả. 3.4. Tiểu kết Trong chương này, luận án đã đi sâu xem xét chức năng của ba loại CT trong phỏng vấn đó là: CT mở đầu, CT triển khai và CT kết thúc phỏng vấn. Trên cơ sở đó, luận án nghiên cứu chức năng cụ thể của từng loại HVNN điển hình, thường dùng trong từng loại CT. Bên cạnh những HVNN mang tính quy thức, trong phỏng vấn cũng có những loại hành vi được sử dụng hết sức đa dạng, linh hoạt như hành vi hỏi – hành vi trung tâm và được sử dụng phổ biến nhất trong TTDN phỏng vấn của nhà báo. Việc tiếp cận nghiên cứu hành vi hỏi trong phỏng vấn ở cấp độ CT dưới góc độ dụng học cho phép chỉ ra trong một chừng mực nhất định các giá trị ngôn trung đa dạng của hành vi hỏi trong phỏng vấn, mối quan hệ giữa hành vi hỏi và hành vi hồi đáp, giữa nhà báo và ĐTPV, giữa câu hỏi với từng tình huống, chủ đề cũng như dạng phỏng vấn đặc thù. Chương 3 CHIẾN LƯỢC PHỎNG VẤN VÀ SỰ VI PHẠM NGUYÊN TẮC LỊCH SỰ TRONG PHỎNG VẤN 4.1. Hỏi đáp và vấn đề chiến lược giao tiếp trong hội thoại phỏng vấn Nhà báo có vai trò hết sức quan trọng đối với thành công của cuộc phỏng vấn cũng như bài phỏng vấn. Họ không những tác động tới người được phỏng vấn mà còn tác động tới cả công chúng báo chí. Đồng thời vai của nhà báo (và cả vai của người trả lời phỏng vấn) cũng ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả thông tin của tác phẩm báo chí phỏng vấn. Tùy theo mục đích khai thác thông tin, mỗi nhà báo sẽ có cách đặt câu hỏi cũng như chiến lược giao tiếp phù hợp. 4.2. Chiến lược phỏng vấn trên báo in 4.2.1. Một số chiến lược điều hành vận động trao đáp trong hội thoại phỏng vấn 4.1.1.1. Sử dụng lời chào, lời giới thiệu và những nghi thức tạo lập, duy trì, củng cố quan hệ hội thoại giữa nhà báo và ĐTPV 4.1.1.2. Sử dụng từ hô gọi, tổ hợp tình thái để ĐTPV chú ý đến nội dung trong câu hỏi phỏng vấn Trong quá trình phỏng vấn, ĐTPV có thể lơ là, mất sự tập trung, không hợp tác và dẫn cuộc phỏng vấn đến chỗ không có giá trị tương tác. Có thể nói thái độ không chú ý của ĐTPV là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo nguy cơ không đạt đích của cuộc phỏng vấn. Chính vì vậy, muốn cuộc phỏng vấn tiếp tục và đi đến đích, nhà báo phải sử dụng một hoặc một số số phương tiện để điều chỉnh sự chú ý của người nghe nhằm hâm nóng bầu không khí cuộc phỏng vấn, duy trì sự gắn kết, tạo cho ĐTPV sự hứng thú, khích lệ họ tiếp tục đồng hành đến hết cuộc phỏng vấn. 4.1.1.3. Định hướng và dẫn dắt ĐTPV vào nội dung cuộc phỏng vấn - Sử dụng các cụm từ mang tính định hướng ĐTPV như: quay trở lại với chủ đề chúng ta đang đối thoại, trở lại với chủ đề cuộc phỏng vấn... hoặc có thể dùng các HVNN thể hiện tính lịch sự như cho phép tôi được trở về với chủ đề của cuộc phỏng vấn (hành vi xin phép) + chủ đề cuộc phỏng vấn; tôi muốn đề cập đến (hành vi cầu mong) + chủ đề cuộc phỏng vấn. - Sử dụng chiến lược thăm dò nhằm làm giảm sự áp đặt đối với ĐTPV khi muốn đưa ra chủ đề phỏng vấn hoặc dẫn dắt họ vào cuộc thoại. Nằm trong chiến lược thăm dò của nhà báo thường là những lời mào đầu, lời ướm thử bằng cách viện dẫn những HVNN gián tiếp như hỏi – ướm, trần thuật – dò hỏi. 4.1.1.4. Chuyển hướng nội dung cuộc phỏng vấn 4.1.1.5. Duy trì và phát triển cuộc phỏng vấn theo hướng tương tác - Sự tác động qua lại mang tính tương thích về chức năng giữa những HVNN của nhà báo và ĐTPV. - Tương tác về chủ đề cuộc thoại bằng cách sử dụng những yếu tố nội dung có trong TTHĐ của ĐTPV để khai thác sâu hơn thông tin. 4.2.2. Chiến lược sử dụng một số HVNN để tiền dẫn nhập cho hành vi hỏi 4.2.2.1. Hành vi khen (1) Khen để biểu lộ sự thán phục về công việc, ngoại hình, khả năng của người được khen để nhằm khai thác thông tin từ người được khen (2) Khen để thay thế lời chào, lời giới thiệu hoặc chúc mừng để dẫn nhập cho hành vi hỏi có chức năng mở thoại (3) Khen để củng cố mối quan hệ liên cá nhân hòa hợp với ĐTPV hỗ trợ cho hành vi hỏi duy trì và phát triển chủ đề cuộc phỏng vấn (4) Khen để xoa dịu mức độ đe dọa thể diện dẫn nhập cho hành vi hỏi – khiêu khích, chê 4.2.2.2. Hành vi chê (1) Chê để dẫn nhập cho hành vi hỏi mở đầu xác lập chủ đề cuộc phỏng vấn (2) Chê để dẫn nhập cho hành vi hỏi – quy gán (3) Chê để chia sẻ một đánh giá tiêu cực nào đó nhằm tạo lập mối quan hệ giữa nhà báo và ĐTPV nhằm dẫn nhập cho hành vi hỏi duy trì và phát triển chủ đề cuộc phỏng vấn (4) Chê để dẫn nhập cho hành vi hỏi – khiêu khích nhằm khích đối tượng bị chê nói ra sự thật phơi bày trước công chúng 4.2.2.3. Hành vi trần thuật (1) Đưa ra nhận xét, đánh giá dẫn nhập cho hành vi hỏi định hướng chủ đề cuộc phỏng vấn (2) Đưa ra nhận định mang tính tiêu cực để dẫn nhập cho hành vi hỏi – phỏng đoán nhằm thăm dò ĐTPV (3) Khẳng định sự việc, sự kiện để dẫn nhập cho hành vi hỏi – khẳng định nhằm nhấn mạnh thông tin, gây sự chú ý cho độc giả (4) Đưa ra nhận xét mang tính quy gán để dẫn nhập cho hành vi hỏi – phản biện dẫn dắt ĐTPV tranh luận, tạo kịch tính cho cuộc phỏng vấn 4.3. Hành vi hỏi và khả năng vi phạm nguyên tắc lịch sự trong phỏng vấn báo in 4.3.1. Tiêu chí đánh giá hành vi ngôn ngữ vi phạm nguyên tắc lịch sự trong phỏng vấn báo in (1) Đụng chạm đến thể diện của ĐTPV và có nguy cơ gây tổn thương cho ĐTPV (vi phạm quan điểm giữ gìn thể diện) (2) Đề tài, nội dung hỏi liên quan đến lãnh địa cá nhân của ĐTPV, không quan yếu đối với đề tài cuộc phỏng vấn (vi phạm phương châm quan hệ) (3) Trạng thái tâm lí khi hồi đáp của người được hỏi 4.3.2. Hành vi hỏi và mức độ đe dọa thể diện Đề tài tình yêu, gia đình, giới tính Đây là những đề tài liên quan đến chuyện riêng, thuộc về cá nhân đối tượng được phỏng vấn. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, rất nhiều tờ báo, nhà báo đã sử dụng câu hỏi liên quan đến đời tư, nhất là đời tư người nổi tiếng kết hợp với sự “khiêu khích” để gợi sự tò mò của độc giả và tăng doanh số bán (đối với báo in). Tiền bạc và thu nhập Trong văn hóa Việt Nam, những câu hỏi liên quan đến tiền bạc và thu nhập trong những cuộc giao tiếp thông thường được xem là biểu hiện của sự quan tâm của người hỏi đối với người được hỏi. Tuy nhiên, trong phỏng vấn, một loại hình giao tiếp đặc thù thì tiền bạc lại được coi là một trong những vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là đối với người nổi tiếng, hầu hết họ thường không thích công khai tài sản của mình trước công chúng. Do vậy, khi khai thác đề tài này nhà báo đã vi phạm vào nguyên tắc lịch sự và ĐTPV thường không thoải mái khi trả lời những câu hỏi dạng này. Ngoại hình, tính cách Ngoại hình, tính cách của ĐTPV cũng được xem là một trong những đề tài có khả năng đe dọa thể diện người được hỏi nếu ngoại hình, tính cách đó được nhà báo nhìn nhận ở góc độ tiêu cực. Bởi lẽ những yếu tố này thuộc về cái tôi cá nhân của người được hỏi, cần sự tôn vinh nếu không nhà báo nên tránh đề cập. Các vụ scandal hoặc bê bối Đề tài liên quan đến trách nhiệm của người được phỏng vấn Trên thực tế, khi nhà báo sử dụng những hành vi hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm, những vấn đề “động chạm” đến quyền lợi kinh tế, chính trị của cá nhân, tập thể người được phỏng vấn, dù sẽ tiên lượng được có thể người được hỏi sẽ trả lời chung chung, né tránh, không nhận những sai sót, trách nhiệm về mình nhưng những hành động hỏi này nên được sử dụng trong phỏng vấn. Trước hết, qua câu hỏi, độc giả có thể biết được thông tin, mặt khác, chúng có thể tạo nên điểm nhấn, “kịch tính” cho cuộc phỏng vấn. 4.4. Một số biện pháp nhằm giảm thiểu mức độ đe dọa thể diện khi phỏng vấn 4.4.1. Sử dụng biểu thức rào đón a. Rào đón phương châm về chất b. Rào đón phương châm quan yếu c. Rào đón phương châm cách thức 4.4.2. Sử dụng dấu hiệu hạ ngôn 4.4.3. Sử dụng cấu trúc gián tiếp ước lệ 4.4.4. Sử dụng các dấu hiệu nhận diện đồng nhóm a. Sử dụng các hình thức xưng hô b. Sử dụng biệt ngữ, tiếng lóng 4.4.5. Sử dụng tiểu từ tình thái Kết quả khảo sát cho thấy trong thực tế phỏng vấn, các biện pháp nhằm gia tăng yếu tố lịch sự được sử dụng khá phân tán và đa dạng. Khi câu hỏi phỏng vấn có nguy cơ ảnh hưởng đến thể diện của người được hỏi thì các biểu thức rào đón được nhà báo sử dụng nhiều nhất (chiếm 42,7%), tiếp theo đó là các dấu hiệu nhận diện đồng nhóm (chiếm 22,3%) và cấu trúc gián tiếp ước lệ (chiếm 16,3%), các biện pháp khác được sử dụng với tỉ lệ thấp. 4.5. Tiểu kết Trong chương này, luận án tập trung nghiên cứu một số chiến lược mà nhà báo sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả của cuộc thoại phỏng vấn. Trên cơ sở đó, luận án tập trung khảo sát và phân tích các đề tài phỏng vấn có nguy cơ đe dọa thể diện ĐTPV. Từ đó, luận án đi vào nghiên cứu một số biện pháp nhằm giảm thiểu mức độ đe dọa thể diện của bản thân nhà báo cũng như thể diện của người được hỏi, đem lại hiệu quả cao nhất trong việc khai thác và thu thập thông tin cho độc giả. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng hành vi hỏi có khả năng đe dọa thể diện, nhà báo thường có xu hướng sử dụng các biểu thức rào đón nhằm giữ gìn thể diện cho cả người được hỏi cũng như thể diện của mình. KẾT LUẬN Luận án đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn dưới ánh sáng của lí thuyết hội thoại và nguyên lí lịch sự. Về cơ bản, luận án đã đạt được một số kết quả sau: 1. Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu phỏng vấn với tư cách là một cuộc hội thoại một cách có hệ thống và sâu sắc. Từ góc nhìn của lí thuyết hội thoại, phỏng vấn là một cuộc thoại điển hình. Về cấu trúc, đó là một hệ thống cấu trúc của các đơn vị chức năng được tổ chức theo quan hệ tôn ti từ lớn đến nhỏ (cuộc thoại → đoạn thoại → cặp thoại → tham thoại → hành vi ngôn ngữ). Tuy nhiên, thể loại phỏng vấn là một dạng hội thoại đặc biệt, nó vừa mang đặc điểm của cuộc thoại thông thường vừa có những nét đặc thù, trong đó cặp thoại phỏng vấn được hiện thực hóa qua tham thoại trao đáp có cấu trúc hình thức khá ổn định: TTDN: câu hỏi và TTHĐ: câu trả lời. 2. Cặp thoại phỏng vấn đã được xem xét ở tất cả các mặt cấu trúc, chức năng, các quan hệ trao đáp nội bộ, các mô hình hình thức Cặp thoại được tạo nên bởi sự tương thích của các TTDN và TTHĐ. Đặc biệt, luận án đã đi sâu phân tích một số HVCH trong TTDN của nhà báo và khẳng định hành vi hỏi luôn là hành vi chủ đạo. Đồng thời, luận án đã phân tích kĩ một số chức năng của hành vi hỏi gián tiếp thường được nhà báo sử dụng khi tác nghiệp, chỉ ra những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng các chức năng này sao cho đạt hiệu quả khai thác thông tin cao nhất, hay nhất phục vụ độc giả. 3. Cặp thoại là đơn vị hội thoại thể hiện rõ nét nhất và tập trung nhất những đặc trưng cơ bản của hội thoại phỏng vấn cũng như sự tương tác giữa nhà báo và ĐTPV. Kết quả nghiên cứu cho thấy cặp thoại tương đối độc lập về cấu trúc, trọn vẹn về nội dung với mô hình chủ yếu là Hỏi – Trả lời. Tính chất đặc thù của cặp thoại còn thể hiện ở chỗ quan hệ trao đáp luôn mang tính nhân quả và một chiều, không có sự luận phiên đổi vai như các hoạt động giao tiếp thông thường khác. Đồng thời, bên cạnh đa số các quan hệ trao đáp mang tính tích cực trong phỏng vấn, nghĩa là giữa các HVNN trong TTHĐ thường tạo nên những cặp tương tác tương thích với HVNN trong TTDN, vẫn còn tồn tại nhiều cuộc phỏng vấn có quan hệ trao đáp tiêu cực, làm cho cuộc thoại phỏng vấn đôi lúc rơi vào ngõ cụt. Luận án cũng chỉ ra một số chiến lược phỏng vấn mà những nhà báo giàu kinh nghiệm thường sử dụng để mở đầu, duy trì, phát triển cũng như kết thúc cuộc phỏng vấn sao cho mang lại hiệu quả giao tiếp và hiệu quả thông tin tối đa. 4. Nghiên cứu các hành vi ngôn ngữ dưới góc độ tiêu cực, vi phạm nguyên lí lịch sự là một hướng đi mới, đặc biệt việc nghiên cứu hành động này trên tư liệu báo chí lại càng có ý nghĩa đặc biệt. Bởi vì báo chí, trong đó có báo in là một trong những phương tiện thông tin đại chúng có khả năng tác động, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ và nhanh chóng đến đông đảo công chúng. Chính vì vậy, ngôn ngữ trên báo chí phải mang tính chuẩn mực cao. Qua kết quả nghiên cứu, có thể thấy, bên cạnh những hành vi ngôn ngữ vi phạm nguyên lí lịch sự ở mức thấp, có thể chấp nhận được bởi nó phục vụ cho việc khám phá, phơi bày chân lí, bản chất của vấn đề trước công chúng độc giả thì hiện nay, vẫn còn rất nhiều tờ báo, nhà báo sử dụng những câu hỏi vi phạm nghiêm trọng đến thể diện của người được hỏi. Đó là tình trạng nhà báo sử dụng những hành vi hỏi xoáy sâu vào đời tư cá nhân người được hỏi nhằm đưa những thông tin giật gân, câu khách, phục vụ thị hiếu không lành mạnh của một bộ phận độc giả. Nếu không có sự uốn nắn, chấn chỉnh, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu tờ báo đó cũng như ảnh hưởng đến nền báo chí Việt Nam. Những vấn đề đặt ra của luận án nhằm hướng đến xây dựng nên mô hình cuộc thoại phỏng vấn chuẩn mực về nghi thức văn hóa giao tiếp. Đã đến lúc các cơ quan báo chí nên “nói không” với các bài phỏng vấn dễ dãi, xâm phạm đời tư và áp đặt định kiến, suy diễn chủ quan cho người được phỏng vấn. Nhà báo muốn có những bài phỏng vấn hay, hấp dẫn độc giả thì bên cạnh kĩ năng đặt câu hỏi, phải biết khai thác triệt để chiến lược giao tiếp, nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong hoạt động phỏng vấn, đặc biệt phải có đạo đức nghề nghiệp, phông văn hóa sâu rộng. Những bài phỏng vấn hay sẽ tạo nên sinh khí sống động, hấp dẫn cho tờ báo, góp phần tăng sức cạnh tranh với các tờ báo khác về tính thời sự và thu hút độc giả. 5. Xét ở góc độ nghiên cứu, luận án mới chỉ tập trung vào địa hạt ngôn ngữ hội thoại trong một phạm vi giao tiếp cụ thể là phỏng vấn trên báo in. Trên thực tế, ngôn ngữ hội thoại còn rất nhiều phạm vi và đối tượng nghiên cứu theo hướng này đang và cần được soi xét như hội thoại dạy học, hội thoại trong giao tiếp đàm phán, hội thoại nghị trường, hội thoại văn học Chúng tôi hiểu rằng những vấn đề đặt ra trong luận án vẫn còn có thể tiếp tục được nghiên cứu cặn kẽ và toàn diện hơn ở một số phương diện khác như: đặc điểm ngôn ngữ phỏng vấn dưới góc nhìn của phân tích diễn ngôn hoặc ngữ pháp chức năng, hay nghiên cứu sự vi phạm lịch sự ở cả lời đáp của người được phỏng vấn,lịch sự trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, phát thanh. Những kiến giải và kết luận có thể còn chưa thỏa đáng, chúng tôi mong nhận được sự góp ý, bổ khuyết của các chuyên gia và các bạn đồng nghiệp. Hi vọng những kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những công trình nghiên cứu theo hướng này.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docngon_ngu_hoi_thoai_trong_the_loai_phong_van_tren_tu_lieu_bao_in_tieng_viet_hien_nay_8557.doc
Luận văn liên quan