Kịch bản 2- Hình thành muộn đồng tiền thanh toán chung cho tất
cả các thành viên AEC (ví dụ, năm 2050), khi có sự chín muồi các điều
kiên khách quan và chủ quan và sự xích lại gần nhau về trình độ phát triển
chung của các thành viên.
Trong cả hai kịch bản này, có lẽ tốt nhất vẫn cần tồn tại đồng tiền
riêng của mỗi nước; Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm đó là đồng tiền chỉ
có chức năng thanh toán chung nội khối hay là đồng tiền chung đủ các
chức năng như đồng Eurozone hiện nay
27 trang |
Chia sẻ: tueminh09 | Ngày: 10/02/2022 | Lượt xem: 465 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Những vấn đề của đồng tiền chung châu âu hiện nay và một số hàm ý cho Đông Nam Á, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
VƯƠNG THU HƯƠNG
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA ĐỒNG TIỀN CHUNG CHÂU ÂU
HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ HÀM Ý CHO ĐÔNG NAM Á
Chuyên ngành : Kinh tế quốc tế.
Mã số : 62 31 01 06
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ
Hà Nội – 2017
Công trình được hoàn thành tại:
Học viện Khoa học xã hội
Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Đinh Công Tuấn
2. TS. Lê Thanh Bình
Phản biện 1: GS.TS Đỗ Đức Bình
Phản biện 2: PGS.TS Lê Xuân Bá
Phản biện 3: PGS. TS Nguyễn Minh Quang
Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp: Học viện
Tại: Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội
Việt Nam. vào hồi . giờ phút, ngày tháng năm 2017.
Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Học viện Khoa học Xã hội,
thư viện Quốc gia.
1
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết của đề tài
Đồng tiền chung châu Âu chính thức ra mắt vào ngày 1/1/1999 và
cho đến nay đã có với 18/28 quốc gia sử dụng chung (được gọi là khu vực
đồng tiền chung châu Âu-Eurozone). Đây được coi là một thể chế liên kết
kinh tế - tiền tệ khu vực đầu tiên duy nhất, cũng như được xem là một hình
mẫu thành công và mô hình liên kết triển vọng, tạo động lực tích cực cho đa
dạng hóa các cực và động lực tăng trưởng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, những năm gần đây đã và đang xuất hiện vấn đề gia tăng
xu hướng biến động mất giá của đồng Euro và suy giảm lòng tin vào đồng
tiền này do áp lực nợ công của các quốc gia nội khối, do bất cập trong cơ
chế quản lý vận hành đồng Euro và cả do chịu sự ảnh hưởng tiêu cực từ
cuộc khủng hoảng kinh tế khởi nguồn tại Mỹ năm 2008, khiến khu vực
Eurozone chao đảo, thậm chí đe dọa cả sự tồn tại hay không tồn tại của
đồng tiền này.
Khu vực ASEAN hợp tác ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực nên
đã gợi mở nên ý tưởng hình thành đồng tiền chung.
Nghiên cứu những vấn đề đang đặt ra của đồng tiền chung châu Âu,
từ đó rút kinh nghiệm cho việc hình thành đồng tiền chung của khu vực
AEC, cũng như để hàm ý chính sách cho Việt Nam chủ động thích ứng
trong tương lai là điều cần thiết cả về lý thuyết và thực tiễn.
Cho đến nay, chưa hề có đề tài hay công trình nghiên cứu khoa học
nào, cả cấp quốc gia hay quốc tế, trong nước và nước ngoài đề cập trực tiếp
đến những vấn đề và có mục tiêu đặt ra trên đây.
Đó cũng là lý do mà đề tài “Những vấn đề của đồng tiền chung
châu Âu hiện nay và một số hàm ý cho Đông Nam Á” được NCS lựa
chọn làm chủ đề nghiên cứu cho luận án tiến sỹ kinh tế của mình.
2
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ những nguyên nhân và giải pháp về
sự mất giá và suy giảm lòng tin vào đồng Euro, luận án đưa ra một số hàm ý
chính sách hướng tới hình thành đồng tiền chung của khu vực AEC, cũng
như một số gợi ý chính sách thích ứng cần có của Việt Nam.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Hệ thống hóa và phân tích, làm rõ cơ sở lý thuyết và tiến trình ra
đời, kết quả hoạt động thực tế của đồng tiền chung châu Âu.
- Làm rõ những động thái và nguyên nhân gây ra sự bất ổn, giảm giá
của đồng Euro và suy giảm lòng tin vào đồng Euro; phân tích các giải pháp
thích ứng, tác động và triển vọng của chúng tới Eurozon và Eu.
- Đề xuất một số hàm ý chính sách cần có trong quá trình liên kết và
hướng tới một đồng tiền thanh toán chung của khu vực AEC và hàm ý chính
sách thích ứng cần thiết cho Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu:
Để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu, Luận án tập trung làm rõ những
cơ sở lý thuyết và điều kiện thực tế ra đời đồng tiền chung; những nguyên
nhân chủ yếu và ảnh hưởng của sự biến động, giảm giá đồng tiền chung;
Đồng thời, nghiên cứu sâu những chính sách chung của cộng đồng, cũng
như của quốc gia nhằm ổn định đồng tiền chung và lành mạnh hóa nền tài
chính quốc gia.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung:
3
+ Luận án tập trung vào nghiên cứu hai vấn đề nổi bật của đồng tiền
chung châu Âu thời gian gần đây là sự bất ổn, giảm giá của đồng Euro và sự
suy giảm lòng tin vào đồng Euro;
+ Đồng thời, luận án nghiên cứu làm rõ những nguyên nhân và giải
pháp nhằm đối phó với hai vấn đề trên, tập trung vào ba nhóm nguyên nhân
chính là cơ chế quản lý liên kết kinh tế - tiền tệ, nợ công của các nước thành
viên Eurozone, cũng như hệ lụy từ sự kiện Brexit và cuộc khủng hoảng tài
chính Mỹ 2008;
+ Luận án phân tích, đưa ra hàm ý chính sách cần có trong quá trình
hướng tới hình thành đồng tiền thanh toán chung của các nước AEC và hàm
ý chính sách thích ứng cho Việt Nam trong so sánh với kinh nghiệm từ khu
vực đồng tiền chung châu Âu.
- Phạm vi không gian:
+ Các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu và Eu
+ Các nước thành viên AEC
- Phạm vi thời gian:
+ Kể từ khi thành lập đồng Euro đến nay;
+ Tập trung vào giai đoạn 2008- 2016 và tầm nhìn 2025-2030.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
+ Phương pháp tổng hợp và phân tích các tài liệu
+ Phương pháp tham vấn trực tiếp ý kiến chuyên gia và kế thừa khoa
học
+ Phương pháp thống kê
+ Phương pháp nghiên cứu điển hình (case studies – tiếp cận điểm)
+ Phương pháp so sánh, đối chiếu
4
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Góp phần hệ thống hóa và phân tích sâu lý thuyết về điều kiện ra
đời, tác động hai mặt và nhân tố thể chế bảo đảm sự ổn định và lòng tin của
đồng tiền chung;
- Đánh giá những tác động của vấn đề nợ công, cơ chế kiểm soát
thâm hụt NSNN và nợ công; đánh giá các giải pháp thực tế giải quyết nợ
công, nâng cao năng lực kiểm soát sự ổn định đồng tiền chung và dự báo
triển vọng đồng Euuro và liên kết khối Euurozone;
- Nêu ra một số hàm ý trong liên kết kinh tế-tiền tệ khu vực AEC nói
chung và nhằm lành mạnh nền tài chính-tiền tệ Việt Nam nói riêng trong
hội nhập khu vực và quốc tế.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án góp phần nhận diện những hạn chế về cơ sở lý luận và cơ
chế quản lý cho sự ra đời, duy trì hoạt động ổn định đồng tiền chung của
một cộng đồng kinh tế khu vực.
- Luận án góp phần cảnh báo và đề xuất một số chính sách, giải pháp
cần có cho quá trình thúc đẩy liên kết kinh tế-tiền tệ các nước AEC, cũng
như kiểm soát nợ công, thâm hụt NSNN, và nợ xấu của Việt Nam.
7. Kết cấu của luận án
Luận án “Những vấn đề của đồng tiền chung châu Âu hiện nay và
một số hàm ý cho Đông Nam Á”, ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục
các chữ viết tắt, Danh mục các Bảng và hình, và Danh mục Tài liệu tham
khảo, bao gồm 4 chương:
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Chương 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ ĐỒNG
TIỀN CHUNG
5
Chương 3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP CHO
ĐỒNG EuRO VÀ EuROZONE TỪ NĂM 2008 ĐẾN NAY
Chương 4. MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH HƯỚNG TỚI
ĐỒNG TIỀN CHUNG TRONG AEC VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG
CỦA VIỆT NAM
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
1.1.1. Những nghiên cứu liên quan đến hội nhập và liên kết quốc
tế nói chung
- Nguyễn Quang Thuấn và Bùi Nhật Quang đồng chủ biên cuốn sách
“Mô hình phát triển xã hội của một số nước phát triển châu Âu: Kinh
nghiệm và ý nghĩa đối với Việt Nam” Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà
Nội, 2011, đã đưa ra hệ thống hóa các lý thuyết về quá trình hình thành, vận
hành của các loại hình phát triển xã hội điển hình ở một số quốc gia Liên
minh châu Âu. Vấn đề xây dựng chiến lược phát triển tổng thể kinh tế, xã
hội, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội được mô tả khá rõ. Trên cơ sở tính
ưu việt của các mô hình này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị
và bài học cho Việt Nam.
- Lưu Ngọc Trinh chủ biên cuốn sách “Kinh tế và chính trị thế giới
đến năm 2020” đã nghiên cứu nền kinh tế, chính trị thế giới và khu vực
trong thời gian từ năm 2000 cho đến hết thập kỷ đầu thế kỷ XXI lẫn triển
vọng của chúng tới năm 2020 hoặc xa hơn. Đi sâu trả lời các câu hỏi lớn:
Những vấn đề nổi bật của nền kinh tế và chính trị thế giới hiện nay (10 năm
đầu thế kỷ XXI) và trong hơn một thập kỷ tới là gì? Thực trạng của các vấn
đề đó, nguyên nhân xuất hiện và tồn tại chủ yếu. Xu hướng tiến triển cơ bản
của các vấn đề nổi bật này sẽ như thế nào trong hơn một thập kỷ tới; tác
6
động tới định hướng phát triển và chính sách đối ngoại của Việt Nam như
thế nào trong 10 năm qua và trong khoảng hơn một thập kỷ tới. Cộng đồng
quốc tế, khu vực và Việt Nam sẽ phải chịu những tác động gì, sẽ tham gia
như thế nào, ứng phó ra sao trước các vấn đề nổi bật này của nền kinh tế và
chính trị thế giới, khu vực.
1.1.2. Những nghiên cứu liên quan đến liên kết Eu và vấn đề của
đồng Euro
- Bài viết “Khủng hoảng kinh tế ở Liên minh châu Âu: tác động và
giải pháp ứng phó” của Nguyễn Quang Thuấn được đăng trên Tạp chí
nghiên cứu châu Âu, số 7, năm 2009 đã đánh giá tác động của cuộc khủng
hoảng kinh tế ở Eu, nợ công ở một số nước Eu, và đưa ra những giải pháp
ứng phó khủng hoảng kinh tế và triển vọng phát triển trong thời gian tới.
- Cuốn sách “Euro - Vị thế quốc tế, những ảnh hưởng tới hệ thống
tiền tệ thế giới và kinh tế Việt Nam” do Bùi Đường Nghiêu chủ biên đã phân
tích việc châu Âu cho lưu hành đồng tiền chung duy nhất thay cho nhiều
đồng tiền ở nhiều quốc gia có chủ quyền độc lập. Đồng thời cũng đánh giá
và đưa ra những tác động đến đời sống kinh tế xã hội trong Liên minh châu
Âu mà còn ảnh hưởng lớn tới hệ thống tài chính-tiền tệ thế giới, trong đó có
Việt Nam.
1.1.3. Những nghiên cứu liên quan đến liên kết ASEAN và quản
lý tài chính Việt Nam
- Nguyễn Hồng Sơn biên soạn cuốn sách “Cộng đồng kinh tế
ASEAN: nội dung và lộ trình” Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009,
đề cập đến sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và những đặc trưng cơ
bản của cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động của việc thực hiện AEC đến
các nước thành viên. Sự tham gia của Việt Nam vào quá trình liên kết kinh
7
tế ASEAN và một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tham
gia vào AEC của Việt Nam.
- Đinh Công Tuấn chủ biên cuốn sách “Nợ công Việt Nam nhìn từ
kinh nghiệm châu Âu” Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, nghiên cứu
quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Nội dung sách gồm
các bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu nghiên cứu sâu về
lĩnh vực tài chính-kinh tế. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc cái nhìn mới,
đầy đủ và rõ nét hơn về nợ công ở một số nước thuộc Liên minh châu Âu và
liên hệ với nền kinh tế Việt Nam.
1.2. Các nghiên cứu nước ngoài
1.2.1. Những nghiên cứu liên quan đến lý thuyết liên kết kinh tế-
tiền tệ
- Tác giả Paul De Grauwe biên soạn cuốn sách “Economic of
Monetary Union” (lý thuyết kinh tế của liên minh tiền tệ) Nxb Oxford
University Press, 2000, đã đề cập tới lý thuyết chi phí và lợi ích của đồng
tiên chung, cơ hội và chi phí của lý thuyết so sánh, giới thiệu về hệ thống
tiền tệ châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời giới thiệu về
chính sách tiền tệ của châu Âu.
1.2.2. Những nghiên cứu liên quan đến vấn đề bất ổn của đồng
Euro
- Trong nghiên cứu “Optimum Currency Areas and the European
Experience” (Khu vực tiền tệ tối ưu và kinh nghiệm châu Âu), tác giả chỉ ra
rằng khu vực tiền tệ tối ưu là một liên minh của các quốc gia có một mức độ
cao của hội nhập kinh tế giữa các hàng hóa và dịch vụ, tài sản tài chính và
thị trường lao động. Nó là một khu vực mà hiệu quả tiền tệ đạt được thông
qua việc gia nhập một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định. Tác giả cho rằng,
châu Âu không có dịch chuyển lao động ở mức độ lớn do sự khác biệt về
8
văn hóa, do tổ chức công đoàn và do các quy định. Cuối cùng, tác giả kết
luận rằng châu Âu không phải là một khu vực tiền tệ tối ưu.
1.3. Đánh giá chung
Nhìn chung, hơn 50 công trình nghiên cứu được khảo cứu trên đây
cho thấy, các nghiên cứu cả trong và ngoài nước có đề tài đối tượng và nội
dung đề cập đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu và thống nhất về sự cần thiết,
điều kiện và lộ trình hình thành đồng tiền thanh toán chung của AEC; chưa
có nhiều định hướng cho quản lý tài chính Việt Nam trong bối cảnh đẩy
mạnh hội nhập quốc tế hiện nay
Những khoảng trống trên cũng là những định hướng và nhiệm vụ
nghiên cứu chủ yếu của luận án.
Chương 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ ĐỒNG
TIỀN CHUNG
2.1. Cơ sở lý thuyết hình thành và vận hành đồng tiền chung
2.1.1. Lý thuyết khu vực tiền tệ tối ưu
Theo lý thuyết này, “Khu vực tiền tệ tối ưu” là lãnh thổ gồm những
nước cùng chung những điều kiện, khả năng thích hợp nhất để sử dụng một
đồng tiền thống nhất, hoặc chung những khả năng để thiết lập một đồng giá
vững chắc giữa các đồng tiền quốc gia của mình.
Điều kiện tồn tại của “Khu vực tiền tệ tối ưu” là trong lãnh thổ đó tồn
tại khả năng cơ động giữa các “yếu tố sản xuất” (bao gồm cả sự cơ động
bên trong và bên ngoài); Tốc độ lạm phát giữa các nước thành viên phải đồng
đều và ổn định giá cả; Tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự cân bằng trong cán cân
thanh toán. Khi các quy chế về tiền tệ tài chính đã thống nhất và có sự
phối hợp của chính sách tiền tệ thì các dao động chính sách tiền tệ sẽ bị
xóa bỏ. Lúc đó một Liên minh kinh tế sẽ được thành lập, đồng tiền riêng
9
của các nước sẽ bị hủy bỏ và thay vào đó là đồng tiền thống nhất chung
cho cả khối.
Lý thuyết “Khu vực tiền tệ tối ưu” đã tạo ra cơ sở lý luận trực tiếp
cho sự ra đời và phát triển của sự thống nhất tiền tệ châu Âu từ sau chiến
tranh thế giới thứ hai cho đến nay.
2.1.2. Lý thuyết chủ nghĩa tiền tệ
Lý thuyết “Chủ nghĩa tiền tệ” đã trải qua các thời kỳ: Trước Keynes,
Keynes và hậu Keynes.
2.1.3. Lý thuyết “chu kỳ kinh tế thực”
Lý thuyết chu kỳ kinh tế thực (Real business cycle theory) giải thích
tính chu kỳ (tăng, giảm theo chu kỳ) của nền kinh tế một quốc gia hay một
khối là phản ứng để tối ưu hóa nền kinh tế trước các cú sốc do tăng cung
tiền.
Lý thuyết này nhấn mạnh nhiều về các cuộc cách mạng khoa học
công nghệ, song có tác động nhất định đến sự ra đời và phát triển của đồng
Euro.
2.2. Cơ sở thực tế để vận hành ổn định đồng tiền chung
2.2.1. Một số hình thức liên kết kinh tế quốc tế chủ yếu
2.2.1.1. Hiệp định mậu dịch ưu đãi (Preferential Trade
Agreement/PTA)
Trong các thỏa thuận này, thuế quan và hàng rào phi thuế quan có
thể vẫn còn, nhưng thấp hơn so với khi áp dụng cho quốc gia không tham
gia hiệp định.
2.2.1.2. Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area/Zone)
Tham gia hình thức này, các nước cam kết giảm hoặc xóa bỏ hàng
rào thuế quan và các biện pháp hạn chế về số lượng đối với một phần các
loại sản phẩm và dịch vụ khi buôn bán với nhau, tiến đến hình thành một thị
10
trường thống nhất về hàng hóa và dịch vụ, các nước thành viên vẫn giữ
quyền độc lập tự chủ trong quan hệ buôn bán với các nước thành viên ngoài
khu vực, chẳng hạn như: AFTA, NAFTA,
2.2.1.3. Liên minh về thuế quan (Customs Union)
Các nước tham gia bị mất quyền tự chủ trong quan hệ mua bán với
các nước ngoài khối, lập ra biểu thuế quan chung áp dụng cho toàn khối khi
buôn bán hàng hóa với các nước ngoài khối, thỏa thuận lập ra chính sách
ngoại thương thống nhất khi quan hệ buôn bán với các nước ngoài khối.
2.2.1.4. Thị trường chung (Common Market)
Các nước thành viên cam kết xóa bỏ những trở ngại liên quan đến
quá trình buôn bán: Thuế quan, hạn ngạch, giấy phép
2.2.1.5. Liên minh về Kinh tế-Tiền tệ (Economi-Monetery Union)
Đây là hình thức liên kết kinh tế cao nhất cho đến thời điểm hiện tại,
với nội dung xây dựng chính sách kinh tế chung, xây dựng chính sách ngoại
thương chung, hình thành một đồng tiền chung thống nhất, quy định chính
sách lưu thông tiền tệ thống nhất, xây dựng ngân hàng chung, xây dựng quỹ
tiền tệ chung, xây dựng chính sách quan hệ tài chính tiền tệ chung đối với
các nước ngoài đồng minh và các tổ chức tài chính quốc tế, tiến tới thực
hiện liên minh về chính trị.
2.2.2. Quá trình hình thành và cơ chế vận hành Euro và
Eurozone
2.2.2.1. Nền tảng pháp lý và cơ cấu tổ chức Eurozone
Liên minh châu Âu có ba trụ cột pháp lý chính:
1) Hiệp ước Maastricht - Trụ cột thứ nhất
2) Hiệp ước Amsterdam - Trụ cột thứ hai
11
3) Hiệp ước Nice - Trụ cột thứ ba
2.2.2.2. Đồng tiền chung và điều kiện gia nhập khu vực đồng tiền
chung
Theo hiệp ước Maastrich, để tham gia Eu, các thành viên phải hội đủ
các tiêu chuẩn sau:
1) Về lạm phát: tỷ lện lạm phát không vượt quá mức 1,5% mức lạm
phát bình quân của 3 nước có chỉ số lạm phát thấp nhất.
2) Về lãi suất dài hạn: Mức lãi suất dài hạn không vượt quá 2% mức
lãi suất dài hạn trung bình của ba nước có mức lãi suất dài hạn thấp nhất.
3) Về thâm hụt ngân sách: Mức bội chi ngân sách không vượt quá
3% GDP (có tính đến các trường hợp: Mức thâm hụt đang trong xu hướng
được cải thiện để đạt tới tỷ lệ quy định, mức thâm hụt vượt quá 3% GDP chỉ
mang tính chất tạm thời không đáng kể và không phải mức bội chi cơ cấu).
4) Về tỷ giá: Đồng tiền quốc gia phải là thành viên của cơ chế tỷ giá
châu Âu (ERM) hai năm trước khi gia nhập liên minh kinh tế tiền tệ và
không được phá giá tiền tệ so với các đồng tiền khác.
5) Về bình ổn giá cả: Các nước muốn tham gia khu vực Eurozone thì
phải đảm bảo bình ổn giá cả ở mức 3,1% với đồng nội tệ trong thời gian 12
tháng và với đồng Euro ở mức 3,1% trong thời gia 24 tháng.
6) Về mức nợ công: Mỗi nước phải có mức nợ công không vượt quá
60% GDP. Ngoài ra, môi trường kinh tế phải thuận lợi; hệ thống pháp luật
phải tương thích với những yêu cầu gia nhập Eurozone mà Hiệp định và
Quy chế Hệ thống các Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra.
Thực tế cho thấy, việc vi phạm các tiêu chí nguyên tắc trên chính là
cội rễ gây ra những vấn đề cho đồng Euro và đe dọa sự ổn định chung cho
cả khu vực đồng tiền chung này.
2.2.3. Một số tác động hai mặt khi tham gia Euro và Eurozone
12
2.2.3.1. Những tác động tích cực
Thứ nhất, hạ thấp đáng kể chi phí của hoạt động kinh doanh trong
nội khối nhờ giảm chi phí và rủi ro gắn với chuyển đổi ngoại tệ.
Thứ hai, gia tăng đáng kể cạnh tranh về giá cả trong nhiều ngành
trong khu vực Eurozone.
Thứ ba, tăng xung lực phát triển mới cho toàn khu vực và thế giới.
2.2.3.2. Một số tác động tiêu cực
Thứ nhất, các quốc gia mất quyền kiểm soát chính sách tiền tệ, đòi
hỏi chính sách tiền tệ chung của Eu phải được quản lý tốt hơn.
Thứ hai, tham gia Liên minh tiền tệ châu Âu có thể dẫn đến gánh
nặng về cơ chế lãi suất chung và áp đặt một tỷ giá hối đoái chung, thiếu linh
hoạt
Thứ ba, việc tham gia liên minh tiền tệ khi chính sách tiền lương
không linh hoạt, sự di chuyển lao động thấp và những hệ thống tài khoá
quốc gia riêng biệt không có sự chu chuyển đáng kể tài khoá qua biên giới,
sẽ làm tăng mức độ tổng thể của thất nghiệp chu kỳ giữa các thành viên
EMU
Kết luận chương 2
Trong tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn của
thế giới, những hình thức hợp tác, liên kết kinh tế cũng có sự phát triển
ngày càng đa dạng hơn và nội dung hợp tác cũng ngày càng toàn diện hơn.
Sự ra đời đồng tiền chung trong hợp tác khu vực là hệ quả tất yếu trên cơ sở
hội tụ những điều kiện ngặt nghèo đòi hỏi sự đồng thuận và cơ chế vận hành
hiệu lực, nghiêm khắc và cũng là biểu hiện cao nhất trong sự hợp tác liên
minh kinh tế khu vực này.
Đồng Euro gắn với khu vực Eurozone trong Eu, với tất cả các tác
động hai mặt của nó đối với toàn thể khối, cũng như với từng quốc gia
13
thành viên, có thể được coi là hình mẫu cho tất cả các quốc gia, khu vực
đang có ý tưởng đẩy mạnh và tiến tới nhất thể hóa về liên kết kinh tế và
chính trị.
Việc coi nhẹ những nguyên tắc và điều kiện nền tảng cho sự ra đời
và vận hành đồng tiền chung có thể làm tăng tác động mặt trái và giảm tác
động tích cực kỳ vong theo mục tiêu ban đầu đặt ra cho việc thành lập liên
minh kinh tế tiền tệ chung; Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ảnh
hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội, hình ảnh, sức mạnh và vị thế
quốc tế của mỗi quốc gia và cả khối.
Chương 3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP CHO
ĐỒNG EuRO VÀ EuROZONE TỪ NĂM 2008 ĐẾN NAY
3.1. Một số vấn đề đặt ra trong hoạt động của đồng Euro và
Eurozone giai đoạn 2008-2016
Từ giữa năm 2008 đến nay, Euro đối diện với 2 vấn đề nổi bật sau:
3.1.1. Sự mất giá của đồng tiền chung
Sự sụt giảm giá trị của đồng Euro chứa đựng cả hai mặt tích cực và
tiêu cực đối với kinh tế khu vực Eurozone. Một mặt, khi đồng Euro yếu sẽ
đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt
tại các nền kinh tế vốn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu hàng hóa và dịch
vụ như Đức và Italia. Tuy nhiên, khi đồng Euro mất giá so với đồng USD
lại gây ra những tiêu cực theo chiều ngược lại đối với những doanh nghiệp
nhập khẩu do chi phí tăng lên với nguyên vật liệu sản xuất, năng lượng dầu
mỏ, khí đốt và nhất là khi đồng Euro mất giá phản ánh tình trạng yếu kém
của kinh tế khu vực Eurozone.
3.1.2. Áp lực suy giảm vị thế và lòng tin vào đồng tiền chung
Biểu hiện sa sút lòng tin và suy giảm vị thế của khu vực đồng tiền
chung còn thể hiện đậm nét ở xu hướng giảm tỷ lệ thanh toán và dự trữ
14
bằng đồng Euro; chậm, chững lại về tốc độ kết thành viên mới và gia tăng
các tư tưởng ly tâm, với điển hình là sự kiện Brexit – nước Anh rời bỏ Eu.
3.2. Những nguyên nhân chủ yếu
3.2.1. Gánh nặng nợ công của các thành viên
Sau năm 2007, nợ công các nước thành viên Liên minh châu Âu (Eu)
đều có xu hướng tăng đáng kể, hầu hết nợ công của các quốc gia thuộc Eu
đều vượt quá ngưỡng quy định của khối (60%), do chính sách tài khoá lỏng
lẻo và khả năng quản trị tài chính công kém hiệu quả. Từ năm 2010-2015,
diễn biến nợ công của khu vực Eurozone ngày càng xấu đi khi nợ công tăng
từ 65% năm 2007 lên 85% năm 2010 và ngân sách liên tục trong tình trạng
thâm hụt vượt quá mức giới hạn 3% mà Eu đã quy định.
3.2.2. Lỗ hổng cơ chế kiểm soát an ninh tài chính nội khối
ECB thực thi các chính sách tiền tệ tập trung trong khi các quyết định
về chính sách tài khóa vẫn còn phân cấp thuộc các nước thành viên; trong khi
chính sách tiền tệ chặt chẽ thì chi tiêu ngân sách của các quốc gia lại bị buông
lỏng và thiếu kiểm soát. Gần như mỗi quốc gia đều cố gắng theo đuổi các
mục tiêu chính sách nợ công của riêng mình, bởi Eu không có nhiều quyền
lực trong việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước thành viên.
3.2.3. Hệ quả khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn
cầu 2008 và sự kiện “Brexit”
Sự suy giảm giá trị đồng Euro và vị thế, lòng tin thị trường vào đồng
tiền này còn bị giảm sút do các nước thành viên khu vực đồng tiền chung bị
ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính Mỹ lan tỏa toàn cầu,
khiến kinh tế các nước giảm sút, nợ công trầm trọng hơn; Đặc biệt, việc cử
tri Anh bỏ phiếu quyết định để Anh rời khỏi Eu là đòn giáng chí mạng vào
lòng tin tồn tại hay không tồn tại của bản thân Eu, và do đó càng làm suy
giảm lòng tin vào đồng tiền chung.
15
3.3. Giải pháp tháo gỡ và triển vọng của Euro và Eurozone
3.3.1. Một số giải pháp chủ yếu
3.3.1.1. Nâng cao vai trò chủ động và sự linh hoạt chính sách tiền
tệ theo hướng nới lỏng của ECB
Đây là giải pháp chủ đạo được dùng trong mấy năm qua. ECB đã áp
dụng hàng loạt các biện pháp để khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế khu
vực Eurozone, như cắt giảm tỷ lệ lãi suất, tăng lượng thu mua trái phiếu lên
80 tỷ Euro/tháng và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng.
3.3.1.2. Xiết chặt kỷ luật và gia tăng trách nhiệm tài chính của
mỗi nước thành viên
Để đảm bảo tiền đề cho việc duy trì và ổn định đồng Euro, các nước
đã rà soát lại các chính sách thuế khoá, chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ
cấp... nhằm giảm bớt sự khác biệt giữa các chính sách ở các quốc gia trong
khối để tiến tới ổn định đồng Euro
Theo đó, Đức và Pháp là hai quốc gia đóng vai trò chủ yếu tham gia
xây dựng và thực hiện dự án đồng tiền chung, họ có mức độ lớn ảnh hưởng
đến Eu và có tỷ trọng đồng bản tệ trong đồng Euro cao. Họ đã có những
biện pháp tích cực phản ứng một cách mạnh vào việc ổn định đồng Euro và
đưa vào sử dụng qua việc phát hành nhiều đợt trái phiếu bằng đồng Euro
với quy mô lớn.
3.3.2. Một số thách thức và kịch bản triển vọng của Eurozone
3.3.2.1. Một số thách thức
Với bối cảnh đồng Euro đang biến động không ngừng có xu hướng
giảm sức mạnh, tương lai của khu vực Eu vừa có nhiều cơ hội, nhưng cũng
chứa đựng không ít thách thức sau:
Một là, Eu sẽ phải chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa địa phương
hóa, khu vực hóa, thậm chí là ly khai hóa nếu dựa trên những gì phong trào
16
dân tộc chủ nghĩa ở Scottland và những người đòi ly khai ở Catalan/Tây
Ban Nha Điều này cho thấy các nước trong Eu và Eurozone hiện có xu
hướng tự quyết thay vì trông chờ vào Liên minh.
Hai là, tương lai của Eu cũng như Eurozone sẽ phụ thuộc ngày càng
nhiều vào nước Đức và Đức ngày càng có vai trò chi phối dẫn dắt trong
khối. Trong khi đó, ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của Pháp và Italy ngày
càng bị suy giảm và nước Anh đã “nhất quyết” rời khỏi Eu.
Ba là, Eu sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong tương lai do thách
thức từ sự già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp.
3.3.2.2. Một số kịch bản
Ngày 6/3/2017 vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude
Juncker công bố “sách trắng”, đưa ra 5 kịch bản tương lai của châu Âu
trong 10 năm tới:
Kịch bản thứ nhất, Liên minh châu Âu giữ nguyên 27 nước thành
viên (không có Anh) và đưa ra cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, an
ninh.
Kịch bản thứ hai, Liên minh châu Âu thuần tuý chỉ là một liên minh
kinh tế. Nghĩa là 27 nước thành viên nằm trong một thị trường kinh tế
chung, không có sự ràng buộc về mặt chính trị, xã hội.
Kịch bản thứ ba, Eu sẽ chia làm hai nhóm: nhóm các quốc gia phát
triển mạnh như Đức, Pháp,...và nhóm các nước phát triển chậm như vùng
Đông Âu, Baltic,...
Kịch bản thứ tư, với chủ trương châu Âu chỉ hợp tác với nhau về an
ninh. Nghĩa là sẽ xây dựng một lực lượng cảnh sát chung, trao đổi thông tin
tình báo với nhau hàng ngày, cùng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng
bố và tội phạm.
17
Kịch bản thứ năm tiến tới xây dựng châu Âu như một quốc gia liên
bang, trong đó bao gồm nhiều quốc gia độc lập. Đây là một kịch bản quá
tham vọng.
Trong 5 kịch bản trên, có nhiều khả năng châu Âu chỉ nên xây dựng
kịch bản thứ hai – chỉ còn lại là khu vực thị trường kinh tế chung. Các kịch
bản còn lại không mang tính khả thi cao.
Kết luận Chương 3
Cũng như bất kỳ một khối kinh tế nào luôn có những vấn đề của
mình, Euro và Eurozon, thậm chí cả Eu cũng đang có những điểm yếu. Ủy
ban châu Âu rất tích cực hoạt động để khắc phục các điểm hạn chế trong
vòng gần 20 năm qua và đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy
nhiên, cơ quan này sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể khắc phục hết
được các hạn chế.
Sức mạnh của đồng tiền là phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế,
đồng Euro cũng không ngoại lệ. Việc duy trì được một đồng Euro mạnh và
ổn định là một thách thức cho các nước tham gia khi đó là tập hợp các nền
kinh tế phát triển ở những mức độ khác nhau, mỗi nước đều có những khó
khăn riêng. Việc dung hoà lợi ích của các nước là một cuộc đấu tranh gay
go đòi hỏi phải có sự thoả hiệp lớn của mỗi quốc gia thành viên.
Việc ra đời EMU và duy trì đồng tiền chung ổn định và mạnh không
chỉ có những mặt thuận, mà còn gây không ít khó khăn cho các nước tham
gia EMU. Trong phối hợp chính sách kinh tế tiền tệ, việc ngân hàng Trung
ương châu Âu đảm nhiệm chức năng điều hành chính sách tiền tệ của cả
khối sẽ làm cho các nước tham gia EMU mất đi công cụ để điều tiết nền
kinh tế và sẽ rất khó khăn cho các nước khi kinh tế gặp khủng hoảng.
Một tương lai bất định đang đặt ra và tùy thuộc vào mức độ thành
công trong giải quyết các vấn đề mà khu vực đồng tiền chung gặp phải, nhất
18
là gánh nặng nợ công, những lỗ hổng thể chế nội tại về quản lý đồng tiền
chung và kỷ luật tài chính, sự khôi phục hồi lòng tin vào những giải pháp
mà Eu đã, đang và sẽ triển khai,
Chương 4. MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH HƯỚNG TỚI
ĐỒNG TIỀN CHUNG CỦA AEC VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG CỦA
VIỆT NAM
4.1. Một số hàm ý chính sách hướng tới đồng tiền chung của
AEC trong so sánh với Eurozone
4.1.1. Định hướng nội dung hợp tác kinh tế của AEC
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-9 ở Bali (Indonesia) hồi tháng
10/2003, lãnh đạo các nước ASEAN quyết định xây dựng AC vào năm
2020 với 3 trụ cột chính là các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, kinh tế và văn
hóa - xã hội. Mục tiêu tổng quát của AC là đưa Hiệp hội trở thành “một
nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã
hội đùm bọc lẫn nhau”.
Ba trụ cột của AC bao gồm: Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC),
AEC và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC).
4.1.2. Hàm ý chính sách hướng tới đồng tiền thanh toán chung
Đông Nam Á (ACU)
Ý tưởng về đồng tiền chung ASEAN trong một liên minh tiền tệ theo
khuôn mẫu Euro hoặc riêng có đặc thù của AEC được đề cập từ khá lâu
trong một số phát biểu của giới chuyên môn và nghiên cứu khoa học cá biệt.
Thậm chí, đây được coi như là nhân tố mới góp phần chuyển dịch sự
cân bằng của hệ thống tiền tệ toàn cầu và sẽ là một trong những yếu tố cơ bản
giúp khu vực Đông Nam Á nói chung, cũng như từng thành viên ASEAN nói
riêng có trách nhiệm hơn và hỗ trợ cho nhau tốt hơn, chống đầu cơ tiền tệ và
giảm rủi ro tỷ giá, khuyến khích các hoạt động thương mại đầu tư khu vực và
19
ngoài khu vực, vững vàng tiến bước trên bước trên con đường hội nhập toàn
cầu hóa, hợp tác và cạnh tranh kinh tế bình đẳng hơn với các tổ chức khu vực
khác.
Việc hình thành khu vực đồng tiền chung ASEAN so với Eurozone
cũng có những thuận lợi và khó khăn cần tính tới...
Về triển vọng hình thành đồng tiền chung cho các nước thuộc AEC
cần chú ý một số điểm nổi bật:
Về kịch bản triển vọng, có thể có hai kịch bản chính:
Kịch bản 1- Hình thànhh đồng tiền thanh toán chung sớm (ví dụ,
khoảng năm 2035) cho một số nước có trình độ phát triển kinh tế và thể
chế thị trường cao nhất trong khối, như Sinhgapore, Thái Lan, Malayxia,
Philipin và Inđônnêia, các nước còn lại sẽ gia nhập sau khi đã chín muồi
các điều kiện về kinh tế và thể chế;
Kịch bản 2- Hình thành muộn đồng tiền thanh toán chung cho tất
cả các thành viên AEC (ví dụ, năm 2050), khi có sự chín muồi các điều
kiên khách quan và chủ quan và sự xích lại gần nhau về trình độ phát triển
chung của các thành viên.
Trong cả hai kịch bản này, có lẽ tốt nhất vẫn cần tồn tại đồng tiền
riêng của mỗi nước; Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm đó là đồng tiền chỉ
có chức năng thanh toán chung nội khối hay là đồng tiền chung đủ các
chức năng như đồng Eurozone hiện nay.
Trước mắt, có thể khẳng định khó có thể có ngay một đồng tiền
chung cho AEC, nhưng để hướng tới một mục tiêu đầy tham vọng đó,
cũng như để phát triển hợp tác thnafh công với nhau, cộng đồng AEC cần
chú ý một số vấn đề sau:
Một là, sự hội nhập kinh tế nên bắt đầu với những nỗ lực để đạt được
sự phát triển kinh tế tương đối đồng đều ở mỗi nước thành viên. Đây là điều
20
quan trọng là tránh được sự mất cân bằng kinh tế đang xảy ra ở khu vực
Eurozone.
Hai là, ASEAN cần phải tạo ra một cơ chế hỗ trợ tài chính chung
bảo đảm cho sự phản ứng nhanh và thích hợp khi có một cuộc khủng hoảng
kinh tế-tài chính-tiền tệ xảy ra, dù câp độ khu vực hay toàn cầu. Tăng cường
tin cậy lẫn nhau trong nội khối là điều mà ASEAN cần quan tâm để thị
trường tin rằng ASEAN có thể xử lý ổn thỏa cuộc khủng hoảng nếu chúng
xẩy ra trong tương lai.
Ba là, tăng cường đoàn kết thống nhất theo nguyên tắc đồng thuận và
giữ vững tính đa dạng; tuyn hiên cần có điều chỉnh linh hoạt cơ chế tránh
đồng thuận cứng nhắc làm suy yếu tính cộng đồng.
Bốn là, từ bài học mà Eu xử lý những vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng
hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu (2008) và cuộc khủng hoảng nợ công
châu Âu (2009) đến nay, ASEAN cần chủ động nhận thức và xử lý hiệu quả
các vấn đề tài chính nội khối theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, cân bằng giữa
các chính sách mục tiêu tăng kích cầu phát triển kinh tế với chính sách tài
chính thắt chặt, “thắt lưng buộc bụng” để giảm thiểu mất cân đối NSNN.
4.2. Một số vấn đề và giải pháp cần có của Việt Nam
4.2.1. Chủ động cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường liên
kết khu vực theo lộ trình phù hợp
Điểm nhấn là giảm thiểu gánh nặng thể chế, tài chính và thời gian
cho doanh nghiệp và tạo môi trường đầu tư phù hợp cam kết hội nhập quốc
tế; Đồng thời, tham gia các liên kết quốc tế một cách cẩn trọng, bền vững
4.2.2. Quyết liệt cải thiện cân đối NSNN và kiểm soát nợ công
Yêu cầu quan trọng hàng đầu để ổn định vĩ mô nói chung, tài chính
Việt Nam nói riêng nhìn từ kinh nghiệm châu Âu là bảo đảm cân đối NSNn
và kiểm soát nợ công trong ngưỡng an toàn trên cơ sở tiết giảm chi tiêu
21
NSNN lãng phí, duy ý chí và giảm thiểu vai trò đầu tư công, tăng cường xã
hội hóa đầu tư.
4.2.3. Tăng cường xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
theo nguyên tắc thị trường
Giữ vững lòng tin thị trường vào hệ thống NHTM là nền tảng cho
ổn định hệ thống ngân hàng quốc gia. Điều này chỉ có thể đạt được cùng với
việc tăng trách nhiệm các tổ chức tín dụng, người đứng đầu cơ quan quản lý
nhà nước liên quan và nhất là giám sát, quản lý chặt chẽ nợ xấu, lợi ích
nhóm và những hoạt động đầu cơ quá mức của các tổ chức tín dụng, đặc
biệt là các NHTM.
Việc tái cơ cấu, thanh loại các NHTM yếu kém có vai trò quan trọng
và cần làm sớm, liên tục trong quá trình tái cơ cấu và bảo đảm lành mạnh
hóa các tổ chức tín dụng
4.2.4. Coi trọng quản lý an ninh thông tin tài chính-tiền tệ
Hệ thống tài chính- tiền tệ quốc gia đóng vài trò vô cùng quan trọng
đảm bảo ổn định vĩ mô và lưu thông vốn, tiền tệ trong nền kinh tế. Đồng
thời, sự an toàn của hệ thống phụ thuộc không chỉ vào năng lực, hiệu lực và
hiệu quả điều hành chính sách nhà nước và các tổ chức liên quan, mà còn cả
vào sự quản lý các thông tin truyền thông có liên quan.
Thực tế cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung
cho thấy tồn tại nhiều bất cập trong cập nhật, chính xác và quản lý thông tin
về nợ công, thâm hụt NSNN và nợ xấu của các ngân hàng thương mại của
một số nước thành viên. Chính điều này đã ít nhiều, trực tiếp và gián tiếp
tạo ra cuộc khủng hoảng truyền thông và lòng tin vào tình hình tài chính của
các nước, kéo theo suy giảm lòng tin và gia tăng tác động tiêu cực tới vị thế
và uy tín đồng tiền và bản thân Eurozone.
Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ
22
Theo chức năng và phân cấp quản lý, các cơ quan này cần tiếp tục rà
soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến bảo đảm an ninh thông tin;
Đối với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước
Hai cơ quan này cần chủ động thực hiện cung cấp định kỳ, công khai
đầy đủ và cập nhật hệ thống các thông tin chính thức về tài chính-tiền tệ
theo quy định nhà nước và yêu cầu hội nhập.
Đối với các cơ quan báo chí và quản lý truyền thông
Các cơ quan này cần chủ động phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm
những hiện tượng vi phạm pháp luật về phát ngôn và cung cấp thông tin cho
báo chí; Hoàn thiện quy trình xuất bản, làm rõ trách nhiệm và chế tài
nghiêm khắc cho các sai phạm trong hoạt động từ lấy tin, xử lý, viết bài và
biên tập, xuất bản, đảm bảo chất lượng thông tin và uy tín đơn vị, cá nhân
trong hoạt động truyền thông..
KẾT LUẬN
Trong tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn của
thế giới, những đồng tiền chung có thể sẽ tiếp tục xuất hiện với những hình
thức phong phú, đa dạng.
Đồng tiền chung châu Âu ra đời, tồn tại và phát triển như là một dấu
mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình vận động của một loại hàng hóa đặc
biệt (tiền tệ) gắn với sự liên kết kinh tế khu vực, phản ánh nhu cầu khách
quan của xu thế toàn cầu hóa, trước hết là nhất thể hóa khu vực kinh tế có
trình độ phát triển cao là châu Âu.
Đồng Euro gắn với khu vực Eurozone trong Eu, với tất cả các tác
động hai mặt của nó đối với toàn thể khối, cũng như với từng quốc gia
thành viên, có thể được coi là hình mẫu cho tất cả các quốc gia, khu vực
đang có ý tưởng đẩy mạnh và tiến tới nhất thể hóa về liên kết kinh tế và
chính trị.
23
Tuy nhiên, việc khu vực Eurozone đã và đang phải chịu không ít
sóng gió với việc đồng Euro liên tục bị mất giá trong mấy năm qua, nhất là
sự kiện Brexit, khiến nhiều vấn đề mới tiếp tục đặt ra và cần được nhận diện
đúng, để giải quyết các bất cập trong cơ chế vận hành, đẩy lùi các lo ngại,
đặc biệt là quan điểm cho rằng nhất thể hóa về chính trị và kinh tế như hiện
nay chưa chắc đã có lợi cho tất cả các nước thành viên. Về lâu dài, nếu
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và cả cộng đồng Eu không có những
chính sách tiền tệ thích hợp, thì trực tiếp hay gián tiếp, những động thái
phức tạp của đồng Euro sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sức sản xuất của các
doanh nghiệp và kinh tế Eurozone. Do đó, sẽ làm tổn hại đến hình ảnh và
sức mạnh cả cộng đồng và vị thế quốc tế của khối Eu.
Thực tiễn các vấn đề đặt ra cho Euro và khu vực Eurozone và cả Eu,
cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 đến nay cho
thấy, không có ngoại lệ không đổ vỡ cho bất kỳ một mô hình kinh tế, cường
quốc hay một doanh nghiệp nào dù là được coi là to lớn, vững chắc đến đâu;
thế giới đang biến đổi mau lẹ, ngày càng gia tăng các quan hệ qua lại và
chuyển hóa chặt chẽ giữa nợ công với nợ tư; giữa khủng hoảng tài chính-
tiền tệ với khủng hoảng chu kỳ và cần mô hình quản lý mới kết hợp bàn tay
nhà nước với bàn tay thị trường; đặc biệt, cần đè cao yêu cầu công khai,
minh bạch thông tin và công tác dự báo, giữ vững long tin và bảo vệ người
tiêu dùng, hài hòa lợi ích theo yêu cầu phát triển bền vững.
Sự giảm giá và những vẫn đề mà đồng đồng Euro và khu vực
Eurozone đối diện phản ánh sự thiếu hoàn thiện của một mô hình liên kết
khu vực từng được coi là hình mẫu chung cho mọi liên kết kinh tế thế giới
trong nhiều thập kỷ vừa qua. Điều này có tác động mạnh không chỉ trực tiếp
đến khu vực Eurozone và bản thân Eu, mà còn tác động trên phạm vi toàn
cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Những đặc điểm mô hình liên kết,
24
hội nhập của Eu và ASEAN rất khác nhau, song sự tụt dốc của đồng Euro
và khủng hoảng của khu vực Eurozone là bài học lớn cho ASEAN và cả
Việt Nam trong tham gia xu thế toàn cầu hóa hiện nay./.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
Bài viết đăng trong các tạp chí khoa học
1. Vương Thu Hương (2015), Mô hình liên minh châu Âu: Bài
học liên kết kinh tế cho ASEAN, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội,
số 20.
2. Vương Thu Hương (2016), Nhìn từ việc EU vi phạm các
nguyên tắc của Lý thuyết “Khu vực Tiền tệ tối ưu”, Tạp chí Kinh tế
và Dự báo, số 24.
3. Vương Thu Hương (2017), Một số dự báo về nguy cơ khủng
hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu”, Tạp chí Kinh tế và Dự
báo, số 11.
4. Vương Thu Hương (2017), Nhìn lại cơ sở lý thuyết đồng
EURO sau cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng mô hình liên
kết châu Âu, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 4.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tom_tat_luan_an_nhung_van_de_cua_dong_tien_chung_chau_au_hie.pdf
- TT Eng VuongThuHuong.pdf