[Tóm tắt] Luận án Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông

Sau Lê Thánh Tông, văn học Việt Nam sẽ diễn ra quá trình giải điển phạm của hệ thống văn chương chữ Hán mang tính quy phạm để hình thành nên một quá trình điển phạm hóa văn học chữ Nôm. Thực chất, quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho diễn ra trên hầu hết các bình diện của văn chương. Tuy nhiên, do văn học Việt Nam ra đời dựa trên sự ảnh hưởng của nền văn học Trung Quốc đã phát triển qua các giai đoạn Nho- Phật- Đạo, sự pha trộn về thi pháp của các dòng văn học khiến sự khác biệt về phương diện hình thức giữa các dòng văn học này không dễ nhận diện. Ngoài ra, sự tác động của Nho giáo đến văn học trước hết cũng là ở những vấn đề mang tính nội dung tư tưởng chứ không phải là thuần túy hình thức. Chính vì thế, vấn đề Nho giáo hóa của nền văn học thể hiện ở góc độ nội dung rõ rệt hơn nhiều so với hình thức.

doc28 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1464 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ĐỖ THU HIỀN QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG TỚI SỰ ĐIỂN PHẠM HÓA CỦA VĂN HỌC NHÀ NHO Ở VIỆT NAM TỪ TRẦN NHÂN TÔNG QUA NGUYỄN TRÃI ĐẾN LÊ THÁNH TÔNG Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62 22 01 21 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI – 2013 Công trình khoa học được hoàn thành tại: Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn PGS.TS. Trần Ngọc Vương Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp ĐHQG chấm luận án tiến sĩ họp tại.. Vào hồi giờ ngày tháng năm Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: Văn học nhà Nho chiếm một phần rất quan trọng trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Khái niệm văn học nhà Nho- văn chương nhà Nho được chúng tôi sử dụng theo nghĩa là loại hình tác phẩm văn học được sáng tác theo khuynh hướng mỹ học Nho gia, chịu sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, được coi là thứ văn chương lý tưởng của nhà Nho về mặt lý thuyết. Chủ thể sáng tác của văn học nhà Nho là nhà Nho hoặc những tác giả chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Định nghĩa này của chúng tôi đã phân biệt rõ ràng hai bộ phận văn học nhà Nho và văn học do nhà Nho sáng tác. Với quan niệm có sự tồn tại thực tế của một bộ phận văn học nhà Nho như thế trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam, chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu quá trình điển phạm hóa của bộ phận tác phẩm này, điều cho đến nay chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Quá trình vận động từ khi mới manh nha cuối thế kỷ XIII cho đến lúc trở thành điển phạm ở nửa cuối thể kỷ XV là giai đoạn có ý nghĩa quyết định cho diện mạo và những định hướng phát triển sau này của nền văn học nhà Nho ở Việt Nam. Đây là lúc xã hội chuyển từ đa nguyên về văn hóa sang độc tôn Nho giáo, văn học Việt Nam từ trạng thái chịu ảnh hưởng của tam giáo đã trở thành một nền văn học nhà Nho. Chúng tôi cho rằng nghiên cứu quá trình vận động của văn học nhà Nho từ lúc mới manh nha từ trong văn học Thiền đến khi trở thành điển phạm khả dĩ có thể giải quyết những vấn đề mang tính lý thuyết có ý nghĩa nền tảng trong việc tìm hiểu nền văn học trung đại. Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông là ba tác gia lớn của văn học trung đại ở các giai đoạn cuối thế kỷ XIII, nửa đầu và nửa cuối thế kỷ XV có ý nghĩa như những dấu mốc trong quá trình phát triển của văn học nhà Nho ở Việt Nam. Chính vì những lý do kể trên mà chúng tôi lựa chọn đề tài Quá trình vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở Việt Nam từ Trần Nhân Tông qua Nguyễn Trãi đến Lê Thánh Tông cho luận án của mình nhằm giả quyết một số vấn đề mang tính lý thuyết của lịch sử văn học giai đoạn này. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Luận án đã điểm lại các công trình cơ bản, đặc biệt là các bộ văn học sử từ đầu thế kỷ XX đến năm 1986 và rút ra các kết luận sau: Nếu không kể đến những quan niệm, nhận định, đánh giá và những công trình sưu tầm, ghi chép của “những người trong cuộc” từ thế kỷ XIX trở lại thì văn học nhà Nho đã được nghiên cứu từ rất sớm. Các công trình văn học sử quan trọng giai đoạn trước năm 1945 như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm và ở miền Nam giai đoạn 1945-1975 như Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ và Bảng lược đồ văn học của Thanh Lãng đã khẳng định sự tồn tại của một bộ phận văn học nhà Nho ở các mức độ khác nhau và bước đầu đưa ra những nhận định có giá trị về đối tượng này. Những hạn chế về mặt phương pháp luận khoa học và thế giới quan đã khiến các tác giả miền Bắc trong giai đoạn 1945-1975 nhận định về Nho giáo ít nhiều thiên kiến dẫn đến những né tránh hoặc phủ nhận ảnh hưởng, đặc trưng, kể cả những giá trị, đóng góp mà Nho giáo đem lại cho văn học. 2.2. Kể từ sau đổi mới, trong vòng mấy chục năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả Trần Đình Hượu: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Loại hình học tác giả nhà Nho- Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam (1995); Trần Ngọc Vương: Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung (1997), Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX (2007, chủ biên) và Trần Nho Thìn: Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa (2003, 2008), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX (2012)... đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa đặt nền móng cho việc nghiên cứu văn học nhà Nho. Nhìn chung, các công trình này đã giải quyết được các vấn đề cơ bản mang tính lý thuyết của văn học nhà Nho từ góc nhìn xã hội học- lịch sử và văn hóa học này. Mặc dù các tác giả đã xây dựng được một hệ thống lý thuyết khá hệ thống về văn học nhà Nho nói chung, nhưng nhiều vấn đề cụ thể trong đó vẫn còn chờ được giải quyết. Luận án của chúng tôi có thể coi là một sự tiếp tục trên cơ sở những nghiên cứu này với sự gia tăng của các cách tiếp cận mới về một giai đoạn cụ thể của văn học nhà Nho. 2.3. Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông không chỉ là các tác gia văn học lớn mà họ đều là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam ở nhiều tư cách khác nhau. Xét từ tư cách là tác giả văn học và từ vấn đề điển phạm hóa của văn học nhà Nho, chúng tôi nhận thấy dù tình hình nghiên cứu về các tác giả này rất đa dạng và phức tạp, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học nào đặt vấn đề nghiên cứu ba tác giả Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông trong sự vận động tới sự điển phạm hóa của văn học nhà Nho. Vì thế, luận án của chúng tôi có thể coi là công trình đầu tiên tiếp cận vấn đề văn học nhà Nho theo hướng này. 3. Phạm vi, đối tượng và mục đích nghiên cứu 3.1. Phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu 3.1.1. Điển phạm là những tác phẩm có tính chất mẫu mực của một nền văn học, nó lưu giữ quá khứ và liên hệ với hiện tại. Quá trình hình thành của điển phạm phải tính từ cả hai phía, trước hết là bản thân giá trị thẩm mỹ nội tại của tác phẩm, sau đó là sự ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, thiết chế xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị. Sự hình thành và lưu giữ điển phạm được tiến hành chủ yếu qua cách thức sau: một tác phẩm được coi là điển phạm khi xuất hiện sự mô phỏng và sao chép qua các thế hệ. Tuy nhiên, cũng có thể tính đến thiết chế giáo dục chính thống là nơi hình thành hay lưu giữ điển phạm và vai trò của các nhà phê bình. Điển phạm không phải là hiện thân cho các giá trị phi lịch sử và tổng quát mà nó có tính lịch sử và biến đổi theo thời gian. Có thể nói, điển phạm chính là tự sự về cách nhìn văn học của mỗi thời đại. 3.1.2. Quá trình vận động tới điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở Việt Nam là một đề tài khá phức tạp, trong giới hạn luận án, chúng tôi chỉ lựa chọn một phạm vi nghiên cứu nhất định, là ba trường hợp cụ thể: Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông. Chúng tôi hy vọng từ lựa chọn có tính phương pháp luận này có thể khái quát những vấn đề mang tính lý thuyết cho cả giai đoạn. Ngoài ra, nghiên cứu vấn đề qua ba tác giả này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tính quá trình nhiều hơn là bản thân sự điển phạm hóa. 3.1.3. Sự điển phạm hóa của văn học nhà Nho là quá trình văn học nhà Nho vận động phát triển tiến đến trở thành khuôn mẫu, tiêu chuẩn cho văn chương hậu thế noi theo. Tuy có tính đến những yếu tố bên ngoài tác động tới văn học, nhưng luận án xác định đối tượng nghiên cứu chính là quá trình điển phạm hóa diễn ra bên trong những văn bản tác phẩm, chính vì vậy việc đưa ra một hệ tiêu chí để xác định đối tượng văn học nhà Nho là rất cần thiết. - Thứ nhất, văn học nhà Nho được sáng tác bởi các tác giả chịu ảnh hưởng của Nho giáo, trong thời đại Nho giáo có vai trò nhất định hoặc thống trị xã hội. - Thứ hai, về quan niệm văn học, văn chương nhà Nho mang tính chức năng điển hình. - Thứ ba, về chủ đề, đề tài, văn chương nhà Nho hướng đến những vấn đề của cuộc sống xã hội, những vấn đề quan thiết với cuộc đời của một nhà Nho, các chuyện tu, tề, trị, bình. - Thứ tư, về các hình tượng trung tâm: Hình tượng số một của văn học nhà Nho là các nhà Nho hành đạo. - Thứ năm, về đặc trưng thẩm mỹ, cái đẹp trong văn chương nhà Nho là cái đẹp của thế giới thực tại, của đời sống thế tục. - Thứ sáu, về phương diện thi pháp. Thời gian nghệ thuật trong văn học nhà Nho luôn hướng về quá khứ, sử dụng quá khứ làm chuẩn mực, làm thước đo cho hiện tại và tương lai. Không gian nghệ thuật trong văn học nhà Nho là không gian trần thế, hiện thực của cung đình, nông thôn, sơn thủy. - Thứ bảy, về thể loại, văn học nhà Nho là văn chương chức năng nên coi trọng các thể loại mang tính chức năng xã hội như chiếu, biểu, cáo, hịch... Đối với văn học nhà Nho, ngay cả các thể loại mang tính nghệ thuật nhiều hơn như thơ, phú cũng bị chức năng hóa. Ví dụ trong thơ ca, thể thơ đề vịnh trở thành tiểu loại tiêu biểu của văn chương nhà Nho, một thể thơ mượn cớ đề vịnh các đồ vật, sự vật để ký thác những vấn đề đạo đức. - Thứ tám, các yếu tố hình thức như thi liệu, văn liệu, dụng điển có thể thấy rõ sự xuất hiện của các yếu tố liên quan đến tư tưởng, sách vở kinh điển Nho giáo. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi chỉ ưu tiên lựa chọn những tiêu chí quan trọng nhất: tác giả, quan niệm văn học và đặc trưng thẩm mỹ, chủ đề- đề tài, hình tượng trung tâm, thời gian và không gian nghệ thuật. 3.2. Mục đích nghiên cứu - Có thể nhận diện được tiến trình liên tục của văn học trung đại nói chung và văn học thế kỷ XII- XV nói riêng thông qua góc độ điển phạm hóa của văn học nhà Nho. - Xem xét quá trình điển phạm hóa của văn học nhà nho ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIII- hết thế kỷ XV trên một số phương diện cơ bản của tác giả và tác phẩm văn học, chủ yếu dựa vào chính đối tượng văn bản tác phẩm: quan niệm văn học và đặc trưng thẩm mỹ, chủ đề- đề tài, hình tượng trung tâm, không gian và thời gian nghệ thuật - Nghiên cứu một số trường hợp cụ thể, một số tác giả tiêu biểu dưới góc nhìn sự hình thành và phát triển của văn học nhà nho ở Việt Nam, nhìn họ như những mắt xích trong chuỗi vận động của lịch sử văn học. - Từ đó nhận diện các đặc trưng của văn học nhà Nho ở Việt Nam trong mối tương quan với Phật, Đạo. 4. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp chủ đạo được sử dụng xuyên suốt luận án là phương pháp liên ngành, phương pháp nghiên cứu loại hình và cấu trúc loại hình, nghiên cứu trường hợp, phương pháp hệ thống. - Các phương pháp và các cách tiếp cận: thông diễn học, thi pháp học, phương pháp tiếp cận văn hóa học. - Các thao tác thông thường như: phân tích, so sánh, đối chiếu, thống kê, phân loại, mô hình hóa, khảo sát văn bản 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án - Phác họa được quá điển phạm hóa văn học nhà Nho ở Việt Nam, đồng thời qua đó cũng có thể nhìn nhận tiến trình văn học Việt Nam một cách liền mạch và có hệ thống từ góc độ sự ảnh hưởng của Nho giáo tới văn học. - Soi chiếu các tác giả và nhất là tác phẩm dưới góc độ điển phạm hóa của văn học nhà Nho. - Tìm hiểu sự vận động của từng yếu tố văn học qua ba tác giả trong quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho. 6. Cấu trúc đề tài Ngoài phần phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương: Chương 1: Sự khởi đầu của văn học nhà Nho từ trong văn học Phật giáo- từ trường hợp Trần Nhân Tông Chương 2: Sự định hình của văn học nhà Nho- từ trường hợp Nguyễn Trãi Chương 3: Giai đoạn điển phạm của văn học nhà Nho- từ trường hợp Lê Thánh Tông CHƯƠNG 1: SỰ KHỞI ĐẦU CỦA VĂN HỌC NHÀ NHO TỪ TRONG LÒNG VĂN HỌC PHẬT GIÁO- TRƯỜNG HỢP TRẦN NHÂN TÔNG 1.1. Thiền tông từ Huệ Năng đến Trần Nhân Tông Luận án trình bày quá trình hình thành của Thiền tông Trung Quốc từ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng để khẳng định rằng Huệ Năng chính là mốc chuyển biến quan trọng của Thiền, từ “Phật giáo ở Trung Quốc” tới chỗ có thể được gọi là “Phật giáo Trung Quốc”. Thiền là Phật giáo thông qua tư duy tổng hợp Tam giáo của người Trung Quốc theo khuynh hướng thực tế và nhập thế, nó khiến cho triết lý giải thoát của Thiền trở thành một kinh nghiệm tôn giáo khả thi có khả năng hiện thực hóa và nhập thế mạnh mẽ. Đối với Thiền, giải thoát không phải để đến một thế giới nào khác, mà để sống trong chính thế giới trần tục này một cách an nhiên tự tại. Bản thân Thiền đã là nhập thế, Thiền ở Việt Nam lại tiếp tục tiến hành một lần dung hợp Nho- Lão nữa. Luận án phân tích những đòi hỏi của thời đại đối với việc sử dụng Nho giáo như một thứ kiến thức cần thiết trong việc điều hành đất nước bên cạnh Phật giáo đang được coi là quốc giáo. Ngoài ra, thân phận là hoàng đế của Trần Nhân Tông bắt buộc ông phải đối mặt giải quyết những vấn đề của đời sống thế tục, điều này khiến ông một mặt là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, mặt khác lại vẫn phải đến gần với Nho giáo. 1.2. Quan niệm - đặc trưng thẩm mỹ của văn học Thiền gia và sự gặp gỡ với Nho gia. Ngay từ nguyên tắc ban đầu này, văn chương Thiền đã gặp gỡ với văn chương Nho gia. Văn chương nhà Nho chính là thứ văn chương mang tính chức năng điển hình. Nếu về phương diện chính trị, Trần Nhân Tông là người đầu tiên mở cửa cho Nho học ùa vào triều đình thì ở phương diện văn chương, ông cũng là một trong những người người mở đầu cho thi ngôn chí có mặt trong thơ ca Lý- Trần. Văn chương của Trần Nhân Tông có một mảng lớn là văn chương chức năng, một sự bắt đầu của “thi ngôn chí” của Nho gia, ở đó diễn ra một sự chuyển tiếp từ văn học Thiền có tính chức năng sang phương diện “thi ngôn chí”. Phần thơ ngôn chí này thể hiện khá đậm ở mảng viết về chiến tranh. Cư trần lạc đạo phú có dáng dấp bài “Thánh huấn” của Nho gia. Nho gia đề cao kinh nghiệm, mô thức tư duy của Nho gia là kinh nghiệm, phương pháp tu thân của Nho gia cũng là rút kinh nghiệm. Cách thức nêu gương, ngợi ca một mẫu hình lý tưởng chính là mô thức mà Nho gia thường làm trong các thể loại thơ ca nói chí của mình. Có thể nói, Cư trần lạc đạo phú tuy mang nội dung ngợi ca cái lạc đạo nơi cõi trần của một vị thiền sư, nhưng lại phảng phấp dáng dấp của một bài thánh huấn của nhà Nho, với cái chí để ở chỗ nhàn tâm. Tính khuynh hướng của văn học đã bắt đầu ở chỗ đó. Một trong những phạm trù thẩm mỹ lớn nhất trong thơ Trần Nhân Tông là cái đẹp của tâm cảnh siêu việt. Nhưng trong thơ ông cũng đã bắt đầu rõ ràng hình dáng của một cái đẹp nhân cách lý tưởng được tu dưỡng, rèn luyện theo quan niệm của nhà Nho. Chúng tôi cho rằng, các đặc trưng thẩm mỹ của văn chương Thiền vẫn là chủ đạo trong văn chương Trần Nhân Tông cho dù các yếu tố thẩm mỹ của văn chương nhà Nho đã bắt đầu hình thành. Hai loại đặc trưng thẩm mỹ này đan xen, nhiều khi lẫn lộn trong tác phẩm của vị vua Thiền sư thi sĩ này đến mức khó tách biệt. 1.3. Từ cư trần lạc đạo đến các vấn đề thế sự Tính đa dạng và tích hợp trong các sáng tác của Trần Nhân Tông thể hiện ở chỗ các tác phẩm của ông có thể được chia ra thành nhiều mảng, chia theo đề tài, chủ đề. Có chủ đề thể hiện đậm hơn tính khuynh hướng của văn học nhà nho như mảng về chiến tranh vệ quốc và thơ đề vịnh, nói chuyện đời thực. Mảng sâu nhất về vấn đề Thiền, việc tu thiền và thuyết thiền cũng thể hiện ở mức độ nhất định tư duy, ngôn từ, hình tượng... mang tinh thần Nho gia. Ở phần này, chúng tôi chỉ đề cập đến những đề tài, chủ đề mang màu sắc Nho gia dù ít dù nhiều trong văn chương của Trần Nhân Tông. 1.3.1. Cư trần lạc đạo Đây là chủ đề xuyên suốt trong tác phẩm của Trần Nhân Tông và cũng chính là tư tưởng chi phối toàn bộ con người tác giả Trần Nhân Tông. Nội dung cơ bản của cư trần lạc đạo chính là chỉ ra con đường đạt đạo ngay trong cõi trần gian này. Con đường giải thoát của Thiền chẳng phải bằng bất kỳ tha lực nào bên ngoài với những sức mạnh huyền bí thần thông quảng đại, mà là quay vào với cõi bên trong nội tại của chính mình. Chính đây là chỗ mà Thiền gần Nho giáo nhất. Luận án phân tích những đặc điểm của nội dung cư trần lạc đạo của Thiền và tu thân của Nho gia để khẳng định đây chính là cảm hứng thể hiện rõ nét tinh thần nhập thế của Thiền Trần Nhân Tông, và cũng chính vì thế mà dù nói chuyện Phật giáo nhưng nó vẫn thể hiện hướng gần đến với Nho giáo trong tư tưởng của vị hoàng đế này. 1.3.2. Vấn đề dân tộc Trần Nhân Tông không viết nhiều về những vấn đề đời thường, về chuyện dân tộc. Sống giữa thời đại hào hùng, là người dẫn dắt đất nước chống lại hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên Mông, nhưng dấu ấn của những chiến thắng huy hoàng này để lại trong tác phẩm của Trần Nhân Tông không nhiều và không rõ nét. Trong số vài bài thơ hiếm hoi mang cảm hứng dân tộc của Trần Nhân Tông, chúng ta đều thấy toát lên một tinh thần lạc quan với niềm tin vào sức mạnh của đất nước mình. Ông nhắc đến những chuyện chiến tranh, binh lửa bằng lối tư duy của nhà Nho. Mãi mãi không phải dùng đến giáp binh mới chính là khát vọng thật sự của nhà Nho chứ không phải là những chiến công dù hiển hách đến đâu nơi xa trường. Nhà Nho chủ trương dùng đức để cai trị chứ không dùng binh đao. 1.3.3. Sự xuất hiện của vấn đề đạo lý- thế sự qua thể thơ đề vịnh Đối tượng được đề cập trong thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông cũng không ra ngoài phạm vi tùng cúc trúc mai, ngư tiều canh mục. Nhưng thiên nhiên ấy hầu hết không phải là một thứ thiên nhiên hiện thực sống động như chúng ta vẫn nhìn thấy, mà nó là thiên nhiên bản thể, là thiên nhiên vĩnh hằng bất sinh bất diệt. Nhưng bên cạnh đó thì thơ Trần Nhân Tông bắt đầu manh nha một tiểu loại của thơ đề vịnh của nhà Nho, là thơ vịnh vật.. Thơ vịnh vật của Trần Nhân Tông hiếm hoi và nghiêng về phía thơ “ngôn chí” kiểu Nho gia. Những bài thơ vịnh vật kiểu Nho gia này là một cách thức nhân hóa tự nhiên điển hình của thơ ca trung đại. Trong thế giới thẩm mỹ mang màu sắc Nho giáo này, không có cái đẹp của bản thân thiên nhiên như nó vốn có, chỉ có cái đẹp của thiên nhiên được vay mượn làm biểu tượng đạo đức, chỉ có cái đẹp của đạo đức, của sự nhân hóa. 1.4. Hình tượng vị bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu Đây là mẫu hình con người lý tưởng theo quan niệm của Trần Nhân Tông. Mẫu người này là sự kết hợp của một đấng trượng phu trung hiếu theo kiểu Nho giáo và một bậc Bồ tát trang nghiêm theo kiểu Phật giáo. Trung và hiếu là hai phạm trù quan trọng của Nho giáo. Xây dựng một mẫu hình bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu như thế, Trần Nhân Tông đã mang Thiền và Nho, mang hai lý tưởng kết hợp lại trong một mẫu hình duy nhất. Và mẫu hình đó đã được hiện thực hóa qua chính hình tượng cái tôi tác giả- hình tượng một vị thiền sư tự do, vô ngã, vô ý và vô ngôn và ông vua vì nước vì dân. Đó không phải là hai con người tách biệt mà chính là hai mặt của cái Tôi- tác giả. Hai mặt này đã tạo nên một diện mạo Trần Nhân Tông như chúng ta vẫn hình dung. 1.5. Những yếu tố thời gian- không gian nghệ thuật từ Thiền đến Nho gia 1.5.1. Từ thời gian vũ trụ vĩnh hằng đến thời gian hướng về quá khứ Trong tác phẩm Trần Nhân Tông, ở mảng thơ Thiền, chủ yếu tồn tại hai loại thời gian luân hồi hư ảo và vũ trụ vĩnh hằng, thường được đặt cạnh nhau để cho thấy sự đối lập của cái hư ảo và cái chân như. Thậm chí, còn “có sự vận động biện chứng giữa cái vô thường và cái hằng thường, giữa khoảnh khắc và trường cửu.” Khi chưa giác ngộ thì thời gian là vô thường và chớp bể, khi đã ngộ đạo rồi thì thời gian trở nên vĩnh hằng trường cửu. Nhưng trên nền của thứ thời gian mang màu sắc Thiền ấy, thơ Trần Nhân Tông đã xuất hiện những cảm thức thời gian hiện thực hơn. Cũng cùng nói về sự biến động của thời gian, nhưng trong khi Thiền gia phủ định thời gian luân hồi thì Nho gia lại thảng thốt lo âu. Trần Nhân Tông nói về tương lai theo cách của các nhà Nho, mong ước về một nền thái bình thịnh trị dài lâu, một tương lai được hình dung như một khối thời gian bất biến, phẳng lặng. 1.5.2. Từ không gian vũ trụ vô cùng đến không gian thế tục Chúng tôi sử dụng cách nhìn của Gurêvich và Lotman soi chiếu vào trong văn chương của Trần Nhân Tông thì nhận thấy cách tư duy về không gian trong những sáng tác này mang đậm yếu tố Thiền nhưng vẫn có những khoảng không gian đầy tính thế tục của Nho gia. Phật giáo quan niệm cùng với thời gian vô thủy vô chung thì vũ trụ này cũng rộng lớn vô cùng vô tận. Không gian trong thơ Thiền hướng về cái vũ trụ rộng lớn này với khát vọng giải thoát hoặc tâm đạt đến cảnh giới giác ngộ- cái tiểu ngã hòa cùng cái đại ngã. Hầu hết những bài thơ tả cảnh thiên nhiên có ý vị Thiền trong thơ Trần Nhân Tông đều hướng đến cái không gian vũ trụ này, cho dù không gian thực chỉ là một khung cửa sổ nhìn ra khoảnh sân nhỏ hay là một cánh đồng quê bát ngát, một con sông mênh mang. Mảng không gian thế tục trong thơ Trần Nhân Tông không nhiều. Thường đó là những không gian quen thuộc đối với một ông vua: thư phòng, cung điện, lăng tẩm, miếu mạo, chùa chiền, nhưng không mang bản chất hiện thực mà chúng có tính biểu tượng về những vấn đề của xã hội, mang tính cộng động. CHƯƠNG 2: SỰ ĐỊNH HÌNH CỦA VĂN HỌC NHÀ NHO - TRƯỜNG HỢP NGUYỄN TRÃI 2.1. Nguyễn Trãi trong bước chuyển giao của lịch sử từ Phật giáo sang Nho giáo Nguyễn Trãi là một nhà Nho ở giai đoạn bước ngoặt của lịch sử, khi nước Đại Việt quyết định lựa chọn Nho giáo làm hướng đi cho mình. Ông là sản phẩm của thời đại đang vận động chuyển tiếp từ chế độ quân chủ quý tộc sang chế độ chuyên chế quan liêu, từ một nền văn hóa đa nguyên của “hào khí Đông A” sang một nền văn hóa độc tôn Nho giáo. Ông chính là một trong những người có công nhiều nhất trong sự lựa chọn có ý thức hướng đi cho đất nước phù hợp với sự phát triển khách quan của lịch sử. Lê Thánh Tông là người sẽ hoàn tất quá trình ấy. Là sản phẩm của giai đoạn trung chuyển, ở Nguyễn Trãi chưa có được những đặc điểm của nhà Nho ở giai đoạn chín muồi ở thời bình, dù ông cũng đã có những năm tháng hoạt động sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi đã thành công. 2.2. Sự định hình của quan niệm và đặc trưng thẩm mỹ của văn chương nhà Nho Nguyễn Trãi là một trong những tác giả có ý thức rõ ràng nhất về tính chức năng của văn học nhà Nho. Văn chương của ông phản ánh những vấn đề lớn của thời đại. Ông đã đem tài năng bút mực của mình ra để phục vụ một cách có hiệu quả cho đời sống, chính trị. Một phần lớn trong di sản ông để lại là những tác phẩm chính luận như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo được sáng tác nhằm đáp ứng những nhiệm vụ chính trị đương thời. Ngay cả bộ phận văn chương nghệ thuật, Nguyễn Trãi cũng đề cao tính chức năng xã hội. Tuy nhiên, ở mảng văn chương nghệ thuật này, tình hình phức tạp hơn. Văn chương Nguyễn Trãi trĩu nặng bởi cái lý tính của nhà Nho, nhưng nó lại được chắp cánh bởi cái phóng cuồng của Lão- Trang và thăng hoa bởi cái siêu thoát, vô chấp của Thiền, dĩ nhiên lý tính hay cảm tính, mức độ nhiều hay ít lại phụ thuộc vào từng thể loại văn chương. Sự thăng hoa của Lão- Trang hay Thiền chủ yếu chỉ tìm thấy được ở thơ ca. Còn sự lý trí của Nho thì xen lẫn ở thơ ca và đậm đặc ở các thể loại còn lại. Quan niệm văn chương để bộc lộ cái đẹp của nhân cách chủ thể xuyên suốt trong thơ Nguyễn Trãi, nếu xét từ ở góc độ ý thức. Chính với xuất phát điểm chữ Văn được hiểu như thế trong lịch sử và tồn tại kéo dài cùng với một chế độ xã hội lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng thống trị đã khiến văn được coi như là một hình thức cai trị đối lập với bạo lực, với luật pháp. Sáng tác của Nguyễn Trãi tập trung vào cái đẹp của nhân cách chủ thể, của sự tu dưỡng đạo đức này một cách đậm đặc. Nó là cái đẹp nổi trội và bao trùm lên toàn bộ hệ thống quan niệm thẩm mỹ của ông. 2.3. Các vấn đề đạo lý- thế sự và dân tộc 2.3.1. Nhân nghĩa và an dân Vấn đề dân tộc và thiên hạ ở Nguyễn Trãi được gắn liền với Nho giáo. Trần Đình Hượu cho rằng “dân tộc và nhân đạo” chính là “con đường tiếp thu Nho giáo của Nguyễn Trãi”. Có thể nói Nguyễn Trãi là người đã sử dụng Nho giáo như một vũ khí lợi hại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Ông đã dùng Nho giáo ở cả hai phía: biến nghĩa quân Lam Sơn trở thành một đội quân “Điếu phạt chi sư, mạc tiên khử bạo”, và áp dụng “tâm công” trong cuộc chiến ngoại giao với kẻ địch. Nhà Minh dùng chiêu bài “điếu phạt” “phù Trần diệt Hồ” sang nước ta với một quyết tâm chưa từng thấy quyết xóa sổ hoàn toàn nước Đại Việt. Tiếp thu một cách sáng tạo những phạm trù tư tưởng của Nho giáo, cùng với sự vận động của chính bản thân dân tộc trên quá trình nỗ lực không ngừng vươn lên tự khẳng định mình, Nguyễn Trãi đã thể hiện sự phát triển của ý thức dân tộc ở Bình Ngô đại cáo. 2.3.2. Đạo lý thế sự qua trường hợp thơ giáo huấn và thơ đề vịnh Cảm hứng đạo lý thế sự cũng là một trong những cảm hứng lớn nhất trong sáng tác của Nguyễn Trãi, nhưng thể hiện tập trung nhất là ở mảng thơ giáo huấn (Bảo kính cảnh giới) và thơ đề vịnh. Những đạo lý hay kinh nghiệm mà Nguyễn Trãi nói đến ở mảng thơ giáo huấn này thực chất không khác biệt những tư tưởng Nho giáo nói chung, dù rằng về tổng thể ông vẫn thể hiện một cách nhìn khóang đạt hơn. Bên cạnh thơ giáo huấn, thơ đề vịnh cũng là một thể tài tiêu biểu của văn học nhà Nho. Trong số các tiểu loại của thơ đề vịnh, Nguyễn Trãi chủ yếu sáng tác thơ vịnh vật. Ở Nguyễn Trãi, xu hướng vịnh vật tỉ đức đã trở nên lấn át các xu hướng khác. 2.3.3. Hành đạo hay ẩn dật Thực chất đối với nhà Nho, ẩn dật cũng là một cách thức thể hiện nội dung đạo lý- thế sự, vì nhà Nho không lấy ẩn dật làm cứu cánh, mà chỉ coi đó là phương tiện để thể hiện thái độ của mình đối với xã hội đương thời. Thế nhưng, hầu như mọi nhà Nho khi về ở ẩn thì cái lý do ẩn dật ban đầu ấy không còn tồn tại như là duy nhất nữa, lúc này nhà Nho thật sự đắm mình vào trong những lạc thú của cuộc sống nhàn nhã. Phương diện ẩn dật này vừa khiến Nguyễn Trãi hoàn thiện một mẫu hình nhà Nho chính thống tiêu biểu trong lịch sử, vừa là cái cớ khiến ông quay lại gần hơn với những truyền thống của văn chương nhà Trần, về gần hơn với Lão-Trang và Thiền. Với Đạo gia thì con người hòa đồng với tự nhiên, sống thuận theo tự nhiên. Với Thiền thì con người và tự nhiên nhập vào một, không có sự phân biệt, không có sự chia tách. Tư tưởng sùng thượng thiên nhiên của Đạo gia thể hiện tập trung nhất ở bài Côn Sơn ca.. 2.4. Hình tượng trung tâm 2.4.1. Hình tượng cái tôi trữ tình Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Trãi là một hình ảnh phức tạp, một cách cảm nhận của Nguyễn Trãi về chính bản thân mình, tâm hồn mình. Ở đây người ta thấy một Nguyễn Trãi đa chiều với vô vàn những dằn vặt băn khoăn, giằng xé, những khát vọng và những chán chường, những thành công và những thất bại. Những chuyện “quân thân”, “trung hiếu”, “cương thường” trở đi trở lại như những tín niệm suốt đời ông noi theo. Như các tác giả trung đại khác, Nguyễn Trãi hay tìm đến đối thoại với các cổ nhân. Với người đọc, tên các nhân vật mà Nguyễn Trãi nhắc đến không chỉ đơn thuần là những cái tên, mà là một thế giới văn hóa cổ trung đại. Bên cạnh đó, thơ ông còn khắc họa một triết gia với những chiêm nghiệm nhuốm vị Thiền. Thiền ở ông dường như bắt nguồn từ trong dòng máu, ở tâm hồn đã sinh ra từ một thời đại phóng khoáng tràn trề sinh khí Thiền, ở cái trí tuệ thấm nhuần triết lý Thiền tận tầng sâu nhất. 2.4.2. Sáng tạo các hình tượng nhân vật theo mô hình nhân cách lý tưởng của Nho gia Sáng tạo các hình tượng nhân vật theo mô hình nhân cách lý tưởng của Nho gia là một dấu hiệu cho thấy yếu tố Nho giáo đậm nét trong tác phẩm của Nguyễn Trãi. Trong tác phẩm của ông, một trong những hình tượng nhân vật xuất hiện nhiều nhất là Lê Lợi, đặc biệt trong mảng hùng văn: Lam Sơn thực lục, Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Chí Linh sơn phú và nhiều bài thơ chữ Hán. Khi ngợi ca Lê Lợi, Nguyễn Trãi nhấn mạnh nhất đến vị trí của Đức. Không phải vì đất hiển, cũng chẳng phải bởi quyền mưu, nhà Nho quy thành công của cả cuộc khởi nghĩa vào một chữ Đức. Đức dùng để cảm hóa con người, nhân nghĩa dùng để thức tỉnh kẻ thù. Thánh nhân thuận theo thiên lý. Bên cạnh đó, hình tượng Trần Nguyên Đán trong bài ký Băng Hồ di sự lục cũng là một ví dụ về cách thức Nho giáo hóa hình tượng nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Trãi. Ông nhìn Trần Nguyên Đán bằng con mắt của nhà Nho, và giải thích mọi hiện tượng bằng hệ tiêu chí Nho gia. 2.5. Định hình các yếu tố thời gian và không gian nghệ thuật của văn học nhà Nho 2.5.1. Thời gian quá khứ mơ hồ Thời gian trong thơ Nguyễn Trãi cũng giống như các nhà Nho khác, đó là một kiểu thời gian của thế tục, của thế giới trần thế, thời gian của hoạt động và suy tư. Các vị Thiền sư tuy sống nơi trần thế với những hoạt động của con người cõi thế tục, nhưng thời gian đích thực của họ lại của trực cảm và giao cảm. Thơ Nguyễn Trãi chủ yếu là thứ thời gian của hoạt động và suy tư này. Trong thơ ông cũng giống như các nhà Nho khác, có một thứ thời gian chồng nhiều lớp lên nhau. Những lớp thời gian này thường có ở những bài gợi lại một ý thơ của người xưa. Cảm thức tiếc xuân, tiếc thời gian trôi, tiếc tuổi trẻ của nhà thơ đậm nét đến mức hình ảnh người cầm đuốc để chơi xuân cứ trở đi trở lại, đến mức mái đầu bạc thành nỗi ám ảnh. Thiền gia thì đã vượt lên trên sự vô thường của thời gian, sự ngắn ngủi của kiếp người. Nhà Nho cũng nhận thấy sự biến chuyển của thời gian, nhưng bằng thái độ bình thản, an nhiên. Nguyễn Trãi nghệ sĩ nhất có lẽ ở chỗ này, và đây cũng chính là điểm khiến ông khác biệt với thời đại của chính mình. 2.5.2. Không gian hiện thực mang tính ước lệ Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Trãi chủ yếu là không gian mang tính ước lệ. Trong thơ Nguyễn Trãi có không gian quê cũ, đối lập với không gian loạn lạc. Nguyễn Trãi coi quê cũ như một chốn không gian bình yên, như nơi để trở về sau những lưu lạc, những thất bại, đắng cay. Không gian ấy nhiều khi mang tính ước lệ và được nhắc đến nhiều trong những giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời ông. Không gian quê cũ lạc vào trong cả giấc mơ, đêm đêm nhà thơ tưởng mình như lên chiếc thuyền nhỏ trở về. Nguyễn Trãi thường không nhắc đến không gian loạn lạc cụ thể, nhưng không gian quê cũ luôn được đặt trong thế đối lập với loạn lạc. Sống giữa chốn cung đình, nhưng thơ Nguyễn Trãi dường như không có bóng dáng của chốn cung đình. Thơ ông lại rõ rệt không gian ẩn dật- gắn liền với Côn Sơn. Nhưng đó vẫn cứ là không gian của cuộc sống nhân gian, không gian thực hữu. Nó chỉ đối lập với không gian triều đình, đô thị mà không đối lập với con người, dù là không có nhiều bóng dáng của con người. CHƯƠNG 3: GIAI ĐOẠN ĐIỂN PHẠM CỦA VĂN CHƯƠNG NHÀ NHO- TRƯỜNG HỢP LÊ THÁNH TÔNG 3.1. Hoàng đế Nho gia trong bối cảnh độc tôn Nho giáo Nho giáo đến nửa sau thế kỷ XV đã đạt đến vị trí độc tôn. Đây là giai đoạn cực thịnh của chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam. Xu hướng Nho giáo hóa xã hội khởi nguồn từ giữa đời Trần đến nay đã bước vào ngưỡng sẵn sàng cho một giai đoạn mới. Sự độc tôn của Nho giáo nửa cuối thế kỷ XV gắn liền với vai trò của vị hoàng đế Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông đã có công trong việc đẩy mạnh xu thế Nho giáo hóa này và đưa Nho giáo lên địa vị cao nhất. 3.2. Quan niệm văn chương để trị nước và các đặc trưng thẩm mỹ Nếu điển phạm hóa trong văn học nhà Nho diễn ra trong một quá trình thì Lê Thánh Tông chính là đỉnh điểm của quá trình đó. Tác phẩm của ông là dấu mốc mà ở đó văn chương nhà Nho đạt đến độ chuẩn mực, quy phạm nhất. Ông là một tác giả của văn học nhà Nho hiếm hoi được sống trong một môi trường xã hội lý tưởng- đến mức tưởng như chỉ có trong sách vở- cho việc thực thi sứ mệnh hành đạo mà các nhà Nho từng ao ước. Cũng chính môi trường xã hội đó đã tạo ra một thứ văn chương Nho gia đạt đến độ điển phạm mang tính lý thuyết. Lê Thánh Tông đã có chiến lược xây dựng mình thành một vị hoàng đế theo mô hình Nho gia, và sáng tác văn chương với ông là một hành động nằm trong tổng thể chiến lược đó- nó là những diễn ngôn thể hiện cao độ phương diện Nội thánh của nhà vua. Lê Thánh Tông đã hoàn toàn có ý thức với chuyện làm văn chương và sử dụng văn chương như một công cụ tải đạo, để phục vụ mục đích chính trị hết sức Nho gia. Quan niệm văn chương của ông thuần nhất và gần như không còn bóng dáng của Lão- Trang hay Phật giáo. Cái đẹp trong văn chương Lê Thánh Tông là cái đẹp của thế giới thực hữu theo kiểu Nho giáo, với hiện thực được nhìn qua lăng kính đạo đức. Một phạm trù mỹ học nữa trong văn chương Lê Thánh Tông chính là cái đẹp hùng hồn cả ở giọng điệu lẫn nội dung. Lê Thánh Tông với tư cách là một vị hoàng đế, sở hữu tòan bộ non sông đất nước này, ở vào thời hoàng kim của triều đại, đã luôn nhìn đất nước mình ở góc độ quy mô lớn lao vĩ đại của sông núi, ở lòng tin không chút đắn đo vào đạo lý của Nho giáo. Đó là cái đẹp của đạo thể hiện ở nhân cách chủ thể và ở mọi vật trên thế gian này. Nhưng đó là thứ đạo đức đang hồi hưng thịnh, rất hào hùng và rạng rỡ chứ không phải là sự trăn trở, băn khoăn vì sự suy đồi của các giá trị đó như thời loạn của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này. 3.3. Sự tập trung của vấn đề đạo lý và cảm hứng dân tộc thông qua các thể thơ đề vịnh 3.3.1. Đạo lý- thế sự Đây là thứ cảm hứng tiêu biểu của văn chương nhà Nho. Nó cũng chính là cảm hứng lớn nhất và xuyên suốt trong văn chương của Lê Thánh Tông. Vấn đề lớn nhất của văn chương nhà Nho chính là chuyện tu thân. Dĩ nhiên, nó bao hàm cả chuyện tu dưỡng đạo đức của kẻ làm vua. Lê Thánh Tông chủ yếu hướng vào cảm hứng đạo lý này. Cảm hứng chủ đạo đó thể hiện tiêu biểu nhất ở Quỳnh uyển cửu ca- tập thơ xướng họa giữa vua tôi Lê Thánh Tông. Các loại thơ đề vịnh: vịnh sử, vịnh cảnh và vịnh vật là những thể tài thơ tiêu biểu của văn chương nhà Nho, là chỗ thể hiện các cảm hứng đạo lý thế sự tập trung nhất. Thơ Lê Thánh Tông gần như đa số thuộc về các thể tài này. Với các loại thơ đề vịnh, đối tượng đề vịnh có thể là các câu chuyện, nhân vật hay di tích lịch sử, các cảnh thiên nhiên hoặc các đồ vật thì đều chỉ có ý nghĩa là các phương tiện biểu hiện, các hệ thống “ký hiệu” để biểu đạt các vấn đề đạo đức Nho gia. Thơ vịnh vật của Lê Thánh Tông cũng coi thiên nhiên chỉ là cái cớ để biểu đạt những vấn đề mang tính đạo đức của nhà Nho. Trong mối quan hệ giữa “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” ở loại hình thơ ca này, cái biểu đạt dù là gì thì cái được biểu đạt luôn là đạo đức. Tính chất quy phạm của loại thơ ca này không chỉ ở những quy ước về “cái được biểu đạt” mà còn quy ước ở cả “cái biểu đạt”. Với Lê Thánh Tông, thế giới thơ vịnh vật chỉ là những tùng, cúc, trúc, mai, ngư, tiều, canh, mục 3.3.2. Tự hào về chế độ, giang sơn Đây là cảm hứng rất quan trọng trong thơ Lê Thánh Tông. Nó liên quan đến các mảng đề tài vịnh sử, vịnh vật, vịnh cảnh, các đề tài chiến trận, Nó chính là cảm hứng dân tộc dưới trạng thái tự hào và ngợi ca chế độ, mặt khác nó cũng mang bóng dáng của vấn đề đạo lý dưới góc độ sự thực hành đạo của bậc vua chúa. Với Lê Thánh Tông, đó còn là chuyện trị quốc, là chuyện thể hiện vai trò của một người nắm quyền cai trị cả một quốc gia. Nói cách khác, đây cũng là chuyện tu thân theo nghĩa mở rộng. Lê Thánh Tông ngợi ca đất nước hùng cường, ngợi ca chế độ theo kiểu của nhà Nho, từ đó, vấn đề dân tộc đã được đem gắn liền với Nho giáo. Đối với Lê Thánh Tông và với nhà Nho nói chung, ngợi ca đất nước không tách rời với việc ngợi ca phép mầu nhiệm của Đạo thánh hiền. 3.4. Hình tượng vị hoàng đế Nho gia Hình tượng trung tâm trong tác phẩm của Lê Thánh Tông chính là hình tượng cái tôi trữ tình. Tác giả đã xây dựng hình tượng một vị hoàng đế theo đúng chuẩn mực Nho giáo. Cũng vẫn là tấm lòng lo trước nỗi lo của thiên hạ như Nguyễn Trãi xưa kia, nhưng Lê Thánh Tông cho thấy khả năng hiện thực hóa những âu lo ấy. Ông cho thấy hình mẫu một vị minh quân lấy việc làm vua là trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không phải là sự hưởng thụ. Lê Thánh Tông cho thấy vị thánh quân trong mộng tưởng của Nguyễn Trãi đã thành hiện thực, chí ít là trên phương diện hình tượng văn học. Lê Thánh Tông luôn cố gắng cho thấy một hình tượng vị hoàng đế sống theo đạo trung dung, vui buồn cũng biết chừng mực. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Lê Thánh Tông không chỉ là một vị hoàng đế mà còn là một con người bình thường với tất cả những vui buồn cá nhân ở đó. Có thể nói, sự tồn tại của Lão- Trang bên cạnh Nho giáo cũng chính là một phương diện của quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho ở Việt Nam. Chỉ có điều, Lão- Trang ở Lê Thánh Tông thiên về phương diện lý thuyết chứ không phải là trải nghiệm thực tế như Nguyễn Trãi. Công thức Nho cộng Lão- Trang chính là một trong những cách thức duy trì sự tồn tại lâu dài của Nho giáo ở xã hội phương Đông thời trung đại. 3.5. Điển phạm hóa thời gian và không gian nghệ thuật 3.5.1. Thời gian quá khứ gần Thời gian nghệ thuật trong thơ Lê Thánh Tông là thời gian mang tính ước lệ. Không có nhiều yếu tố thời gian hiện thực ở đây. Chúng ta thấy hệ thống thời gian xác định trong thơ ông một trục quan niệm thời gian đạo đức. Véctơ thời gian được quay về quá khứ. Quá khứ ám ảnh các nhà Nho ở mọi thời đại. Lê Thánh Tông càng luôn đứng giữa hiện tại và quá khứ, dẫu cho với Lê Thánh Tông, sức mạnh của hiện tại níu kéo ông trở lại khá lớn- cái hiện tại mà sau này lại trở thành quá khứ đáng mơ ước của các nhà Nho nhiều thế hệ sau, nhưng quá khứ luôn hiện hữu, luôn vẫn cứ là thời gian mà con người thực sự muốn tồn tại. Quá khứ được đem ra làm thước đo định giá cho hiện tại. Bên cạnh cái quá khứ mang tính vĩnh viễn ấy của Nho gia, trong thơ Lê Thánh Tông còn có một quá khứ khác, được kéo lùi lại về thời gian và thu gọn lại về không gian, đó là quá khứ của quốc gia dân tộc, của triều đại. Lê Thánh Tông đã thiết lập được cho mình một bề dầy quá khứ huy hoàng của dân tộc ở đằng sau- điều mà thời Nguyễn Trãi chưa có được. Quá khứ với Nguyễn Trãi dường như chỉ mơ hồ là thời Nghiêu Thuấn, một chuẩn mốc thời gian quá khứ vĩnh viễn của Nho gia muôn thời- thế nhưng nó lại chứng tỏ ý niệm về thời gian quá khứ với Nguyễn Trãi dường như mới chỉ dừng lại ở mức độ công thức và trừu tượng, chứ chưa biến thành tư duy nhất quán soi chiếu vào mọi khoảng thời gian như Lê Thánh Tông. 3.5.2. Không gian sơn thủy Nếu so với Trần Nhân Tông và Nguyễn Trãi thì không gian hiện thực- không gian biểu đạt- trong thơ Lê Thánh Tông là rộng mở nhất, thường là là không gian sơn thủy- sông dài, biển rộng, núi cao, trong khi Trần Nhân Tông và nhất là Nguyễn Trãi hay hướng đến những không gian nhỏ hẹp: khoảng sân, căn phòng, bờ ao, khe suối. Lê Thánh Tông lại hay phóng đại những không gian sơn thủy lên hết chiều cao, chiều rộng mênh mông của các chiều kích. Nếu từ mảnh sân nhỏ hay con suối hạn hẹp, thơ Trần Nhân Tông vươn đến một không gian vũ trụ không cùng không tận, và thơ Nguyễn Trãi tựa như cánh chim bằng của Trang Tử bay khắp biển Bắc, thì không gian trong thơ Lê Thánh Tông dù khởi đầu bằng núi cao sông dài thì kết thúc vẫn cứ chỉ là núi cao sông dài. Cấu trúc không gian nghệ thuật trong thơ ca Lê Thánh Tông khá giới hạn trong những không gian hiện thực cụ thể, chủ yếu là không gian cung đình và không gian dài rộng của giang sơn gấm vóc. Có thể nói, thế giới nghệ thuật của Lê Thánh Tông là không gian của cuộc sống trần gian, với những khát vọng hoàn thiện bản thân trong chính trần gian này. Không gian tiêu biểu nhất trong thơ Lê Thánh Tông chính là không gian sơn thủy. Với tư cách là người làm chủ cả đất nước này thì không gian này cũng giống như không gian căn nhà đối với người dân thường. KẾT LUẬN 1. Văn học nhà Nho là bộ phận văn học được sáng tác theo khuynh hướng mỹ học Nho gia, chịu sự chi phối của tư tưởng Nho giáo, do nhà Nho và những tác giả chịu ảnh hưởng của Nho giáo sáng tác, và được coi là thứ văn chương lý tưởng của nhà Nho về mặt lý thuyết. Quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho được khởi đầu từ cuối thế kỷ XIII với những tác giả không phải là nhà Nho, trải qua thế kỷ XIV và nửa đầu thế kỷ XV với sự xuất hiện mạnh mẽ của tầng lớp Nho sĩ và sự lên ngôi của bộ phận văn học do tầng lớp này sáng tác, đến nửa cuổi thế kỷ XV đã hoàn thành với văn chương cung đình của vua tôi Lê Thánh Tông. Bên cạnh sự tác động của các yếu tố lịch sử, thiết chế xã hội, giáo dục, luận án chú trọng vào làm rõ tính quá trình của sự điển phạm diễn ra ở bên trong những văn bản tác phẩm. Qua nghiên cứu trường hợp ba tác giả là Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, chúng tôi xem xét quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho tiếp biến theo hướng ngày càng tiệm cận với những quy chuẩn của văn học nhà Nho, từ những yếu tố nhỏ, đơn lẻ, rời rạc, thứ yếu đến trở thành đặc tính lớn, xuyên suốt, hệ thống và chủ đạo. 2. Trần Nhân Tông được chúng tôi lựa chọn như trường hợp tiêu biểu cho giai đoạn văn chương nhà Nho bắt đầu nảy nở từ trong văn học Thiền. Ngay từ nguyên tắc ban đầu, văn chương Thiền đã gặp gỡ với văn chương Nho gia, một thứ văn chương bị buộc phải gánh vác những chức năng xã hội điển hình. Văn chương Trần Nhân Tông có thể chia là nhiều mảng khác nhau, tương ứng với những khuynh hướng khác biệt trong tư tưởng của ông. Cảm hứng “cư trần lạc đạo” xuyên suốt trong văn chương Trần Nhân Tông, đặc biệt là ở bài phú “Cư trần lạc đạo phú” là một phương diện mang tính chất nhập thế của Thiền từ trong bản chất đã gần gũi với Nho giáo. Con đường giải thoát của Thiền chẳng phải bằng bất kỳ tha lực nào bên ngoài với những sức mạnh huyền bí thần thông quảng đại nào, mà là quay vào với cõi bên trong nội tại của chính mình. Chính đây là chỗ mà Thiền đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Nho giáo. Đương nhiên, về bản chất, tu thân của Nho giáo và tu của Thiền khác nhau vì mỗi bên truy cầu những thứ hoàn toàn khác biệt. Cảm hứng dân tộc là thứ cảm hứng gần với trách nhiệm, lý tưởng xã hội và tinh thần trung quân ái quốc mà Nho giáo chủ trương nên nó trở thành chỗ mà Trần Nhân Tông đến gần với Nho giáo nhất. Trần Nhân Tông không viết nhiều về những vấn đề đời thường, về chuyện dân tộc, nhưng không khí hào hùng của thời đại, vị thế của một vị hoàng đế và trách nhiệm của người đứng đầu thiên hạ đối với đất nước, với nhân dân, với cộng đồng của mình lại hiện lên rất rõ nét qua những tác phẩm này. Hình tượng vị bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu là mẫu hình con người lý tưởng mà Trần Nhân Tông xây dựng trong tác phẩm của mình. Trần Nhân Tông đã mang Thiền và Nho, mang hai lý tưởng kết hợp lại trong một mẫu hình duy nhất. Có thể khẳng định, ở Trần Nhân Tông, yếu tố Thiền vẫn là chủ đạo, nhưng Nho giáo cũng đã bắt đầu trở thành một khuynh hướng rõ rệt, chi phối toàn bộ các phương diện nội dung cũng như nghệ thuật trong sáng tác của ông. 3 Nguyễn Trãi là sản phẩm của thời đại đầy biến động khi xã hội chuyển từ đa nguyên về văn hóa sang độc tôn Nho giáo. Ông chính là người có vai trò lớn nhất trong việc đẩy nhanh quá trình ấy. Ông đã đem Nho giáo kết hợp với vấn đề dân tộc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, và thông qua thành công của công thức này, Nho giáo đã có cơ hội cắm rễ sâu hơn vào xã hội. Nguyễn Trãi là một nghệ sĩ, trước hết là một nghệ sĩ. Cho nên với tác phẩm của Nguyễn Trãi, không đơn giản để làm công việc phân tách các thành tố tư tưởng Nho- Phật- Đạo trong ông. Chúng biến thành những khuynh hướng thẩm mỹ đan xen với nhau ở nhiều chiều kích với trục tâm là đăc trưng thẩm mỹ Nho gia, bên cạnh các yếu tố Đạo chiếm vị trí tiếp theo, và yếu tố Thiền tuy còn được bảo lưu ít nhiều nhưng đã rất mờ nhạt. Cái đẹp trung tâm trong văn chương Nguyễn Trãi chính là cái đẹp của nhân cách chủ thể, được cụ thể hóa bằng phương diện hành đạo giúp đời. Nguyễn Trãi gần với quan niệm về nhân cách lý tưởng thời Khổng Tử trong khi Lê Thánh Tông sau này gần với Tống Nho. Các phương diện cảm hứng chủ đạo, hình tượng trung tâm, thời gian và không gian nghệ thuật trong văn chương Nguyễn Trãi đều sẽ bị chi phối bởi những đặc trưng thẩm mỹ này. Trong cuộc đời cũng như trong văn chương, Nguyễn Trãi tự bản thân chưa bị Nho giáo trói buộc, ông vẫn vượt ra ngoài những khuôn khổ hạn định, những quy chuẩn của Nho giáo và tam giáo. Nguyễn Trãi chưa phải giai đoạn điển phạm của văn học nhà Nho, nhưng ông là một trong vài ba điển phạm lớn nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. 4. Giai đoạn điển phạm của văn học nhà Nho chính là Lê Thánh Tông. Ông là vị hoàng đế kiểu mẫu của Nho gia một cách hoàn tòan có ý thức, là người đã đưa Nho giáo trở thành độc tôn và đã tạo ra một thời kỳ thịnh trị bậc nhất trong lịch sử quân chủ chuyên chế ở Việt Nam. Lê Thánh Tông đã xây dựng một xã hội quân chủ quan liêu theo mô hình Nho giáo, phát huy các phương diện nội thánh- ngoại vương của một đấng quân vương mẫu mực. Ông đã thực hiện chiến lược xây dựng hình ảnh một vị hoàng đế theo mô hình Nho gia, và sáng tác văn chương với ông là một hành động nằm trong tổng thể chiến lược đó- nó là những diễn ngôn thể hiện cao độ phương diện Nội thánh của nhà vua. Ông cũng là người đưa các phương diện của văn chương nhà Nho lên đến chỗ chuẩn mực và quy phạm ở tất cả mọi phương diện hình thức và nội dung. Văn chương của ông là sự thể hiện một cách tập trung các cảm hứng đạo lý và dân tộc qua các thể thơ đề vịnh. Thực chất, đạo lý hay dân tộc cũng vẫn là một với Lê Thánh Tông, đó là các phương diện khác nhau của đạo trị nước của một vị hoàng đế. Đó là thứ văn chương cung đình, văn chương ca tụng công đức rất tiêu biểu, mà sự thể hiện cực đoan nhất của nó chính là mảng thơ khẩu khí. Tính công thức, quy phạm và mặt trái của nó cũng thể hiện rõ rệt nhất ở mảng thơ này. Sau Lê Thánh Tông, văn học Việt Nam sẽ diễn ra quá trình giải điển phạm của hệ thống văn chương chữ Hán mang tính quy phạm để hình thành nên một quá trình điển phạm hóa văn học chữ Nôm. Thực chất, quá trình điển phạm hóa của văn học nhà Nho diễn ra trên hầu hết các bình diện của văn chương. Tuy nhiên, do văn học Việt Nam ra đời dựa trên sự ảnh hưởng của nền văn học Trung Quốc đã phát triển qua các giai đoạn Nho- Phật- Đạo, sự pha trộn về thi pháp của các dòng văn học khiến sự khác biệt về phương diện hình thức giữa các dòng văn học này không dễ nhận diện. Ngoài ra, sự tác động của Nho giáo đến văn học trước hết cũng là ở những vấn đề mang tính nội dung tư tưởng chứ không phải là thuần túy hình thức. Chính vì thế, vấn đề Nho giáo hóa của nền văn học thể hiện ở góc độ nội dung rõ rệt hơn nhiều so với hình thức. DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Đỗ Thu Hiền (2006), “Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIV- đầu thế kỷ XV- nhìn từ nhân tố giáo dục khoa cử”, Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 165-178. 2. Đỗ Thu Hiền (2006), “Sự chuyển đổi loại hình tác giả trong văn học Việt Nam thế kỷ XIV”, Tạp chí khoa học- Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (3), tr. 11-19. 3. Đỗ Thu Hiền (2007), “Các loại hình tác giả trong văn học thời Lý- Trần”, Văn học Việt Nam thế kỷ X- XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 379-403. 4. Đỗ Thu Hiền (2012), “Băng Hồ di sự lục của Nguyễn Trãi và vấn đề con người thực Trần Nguyên Đán”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (3), tr. 73-86. 5. Đỗ Thu Hiền (2012), “Hình tượng con người trong thơ văn Nguyễn Phi Khanh”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (335), tr. 55-60. 6. Đỗ Thu Hiền (2013), “Mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể thẩm mỹ trong thơ Nguyễn Trãi”, Bốn mươi năm đào tạo và nghiên cứu Ngành Hán Nôm (1972-2012), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 427-444.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docqua_trinh_van_dong_toi_su_dien_pham_hoa_cua_van_hoc_nha_nho_o_viet_nam_tu_tran_nhan_tong_qua_nguyen.doc
Luận văn liên quan