Trong luận án, bằng phương pháp liên ngành, trong đó lấy phương pháp nghiên cứu tôn giáo học là cơ sở, kế thừa kết quả những công trình nghiên cứu trước đó, chúng tôi đã đi sâu, bóc tách những vấn đề cơ bản của đề tài: cơ sở của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống, chỉ ra biểu hiện của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội dưới các cấp độ, phạm vi khác nhau. Từ đó, chúng tôi cũng đã chỉ ra những giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống và đưa ra những biện pháp cơ bản nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đó.
Những kết quả đạt được là thành tựu của quá trình dài nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên đây là những vấn đề căn bản nhất, vẫn còn những vấn đề có thể khai thác rộng hơn, sâu hơn: Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống thể hiện trong giáo lý, giáo luật, nghi lễ Phật giáo; Hiện trạng vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống hiện nay . Những vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ở các công trình khoa học tiếp theo./.
27 trang |
Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1294 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Sự hội nhập phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------------------------
VŨ ĐỨC CHÍNH
(Thích Thanh Nhiễu)
SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG
THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN HÀ NỘI HIỆN NAY
Chuyên ngành: Tôn giáo học
Mã số: 62.22.90.01
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÔN GIÁO HỌC
Hà Nội - 2016
Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Trần Thị Kim Oanh
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn vào hồi: ....... giờ .... ngày ..... tháng ...... năm 2016.
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Tín ngưỡng, tôn giáo thuộc thượng tầng kiến trúc phản ánh hiện thực xã hội. Tín ngưỡng, tôn giáo là thành tố của văn hóa, ra đời gắn liền với lịch sử phát triển của xã hội loài người. Do vậy, nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò đặc biệt quan trọng về lý luận và thực tiễn đối với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay.
Ở Việt Nam, trước thời kỳ Đổi mới, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chưa được đánh giá đúng, bị cho là mê tín dị đoan và vì thế, có lúc chúng ta chưa ứng xử đúng với tôn giáo (nhất là các di sản văn hóa tôn giáo). Việc nghiên cứu tôn giáo theo đó cũng bị coi nhẹ.
Từ Đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những thay đổi trong nhận thức về tôn giáo, thừa nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, còn tồn tại lâu dài và đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới.
Trên cơ sở đường lối, chính sách mới của Đảng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong những thập niên gần đây có nhiều khởi sắc, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân. Các tôn giáo hoạt động theo phương châm sống “tốt đời”, “đẹp đạo”, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bối cảnh trên đây đã tạo điều kiện cho những hoạt động tôn giáo ở Việt Nam khởi phát mạnh mẽ.
Phật giáo đến với dân tộc Việt Nam từ rất sớm, bằng con đường tự nhiên, dân dã. Khi đến với Việt Nam, Phật giáo bén duyên ở vùng Kinh Bắc trang nghiêm cổ kính, Phật giáo phát triển mạnh mẽ và trở nên hưng thịnh ở thời kỳ Nhà Lý. Với sự phò giúp của các Thiền sư tài đức, Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long – mảnh đất hội tụ tinh hoa, đưa nước Việt sang một trang sử mới. Có thể nói trí tuệ và tầm nhìn Phật giáo đã tìm ra vùng đất “rồng bay” đặt thủ đô Đại Việt. Vua Lý lựa chọn mảnh đất Thăng Long làm kinh đô của nước Đại Việt cũng đồng nghĩa với việc Phật giáo lựa chọn mảnh đất này là “kinh đô” của mình. Với lịch sử nghìn năm văn hiến, Phật giáo Thăng Long - Hà Nội có những đặc trưng riêng trong dòng chảy chung đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam.
Trước khi Phật giáo đến, người dân Thăng Long - Hà Nội đã có một hệ thống tín ngưỡng thờ cúng rất đa dạng, phong phú. Trong gia đình, dòng họ, người Hà Nội thờ cúng tổ tiên, ngoài làng xã, người Hà Nội thờ cúng Thành hoàng làng, thờ Mẫu, người Hà Nội cũng thờ cúng tổ tiên của đất nước là Tổ Hùng Vương, ngoài ra còn có các tín ngưỡng thờ thần khác... Hàng năm, người Hà Nội cũng có rất nhiều các lễ hội tín ngưỡng đặc sắc... đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú, đa dạng là một bộ phận cấu thành diện mạo văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Vào Hà Nội, với phương châm "tùy duyên phương tiện", Phật giáo đã linh hoạt hội nhập cùng với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân nơi đây, để từ đó đi sâu, bám rễ vào văn hóa, đứng vững và trưởng thành, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân chốn kinh kỳ hào hoa, phong nhã. Trải qua thời gian, Phật giáo vẫn kiên định song hành cùng đời sống văn hóa tinh thần người Hà Nội, càng ngày càng hội nhập sâu trong tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người Hà Nội như “sữa hòa tan trong nước”. Để đứng vững, khẳng định vững chắc vị trí của mình trong văn hóa Hà Nội, Phật giáo đã không ngừng thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh từng thời kỳ lịch sử thăng trầm của mảnh đất Hà Nội, khi ở thời kỳ hoàng kim (thời Lý, Trần), được "trọng dụng", Phật giáo đem hết sức mình cống hiến cho đất nước, khi có biến cố, Phật giáo lại lui về bám rễ trong đời sống nhân dân... nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Phật giáo vẫn một lòng “thủy chung son sắc” với văn hóa Hà Nội. Ngày nay, đứng trước nhiều thách thức của thời cuộc, đời sống người dân Hà Nội có những bước chuyển quan trọng, Phật giáo vẫn trung thành với con đường đã đi nhưng ở một sắc thái mới, một sự hội nhập mới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước nói riêng, của thế giới nói chung mà không làm mất đi bản sắc dân tộc Hà Nội - Việt Nam.
Với những lý do trên đây, chúng tôi lựa chọn đề tài: “Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay” là đề tài nghiên cứu của Luận án. Hy vọng đề tài nghiên cứu này sẽ là hạt nước, thêm vào đại dương tri thức mênh mông.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
* Mục đích của luận án
- Trên cơ sở lý luận và khảo sát thực tế, luận án chỉ ra những biểu hiện của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay. Qua đó đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay.
* Nhiệm vụ của luận án
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận án cần thực hiện các nhiệm vụ:
- Chỉ ra cơ sở của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng của người dân Hà Nội hiện nay,
- Chỉ ra những biểu hiện của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay
- Chỉ ra giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống; đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đó.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
* Đối tượng nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án: sự hội nhập Phật giáo với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay.
*Phạm vi nghiên cứu của luận án
- Về không gian:
- Ngoài việc thu thập và khảo sát chung toàn khu vực Hà Nội, luận án còn chọn điểm nghiên cứu chính nhằm làm sáng tỏ hơn nữa được sự hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay. Cụ thể là: Các làng đô thị hóa thành phường (tiêu biểu: Làng Trung Kính Thượng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội); các chùa (chùa Trung Kính Thượng, chùa Quán Sứ)...
Nghiên cứu sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội, luận án đi sâu vào sự hội nhập Phật giáo Bắc tông trong nghi lễ thờ cúng của gia đình dòng họ, quốc tổ (thờ cúng tổ tiên), vòng đời con người, những ngày lễ tết trong năm và một số tín ngưỡng tiêu biểu như Mẫu, Thành hoàng. Vì nghi lễ thờ cúng là sự biểu hiện rõ nhất nội dung của một tôn giáo hay tín ngưỡng. Và nghi lễ thờ cúng mà chúng tôi nghiên cứu, khảo sát là những nghi lễ được thực hiện bởi người dân Hà Nội.
- Về thời gian:
Luận án nghiên cứu sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân các làng tại Hà Nội trong giai đoạn từ khi Đổi mới (1986) đến nay. Bởi mặc dù sự hội nhập là cả quá trình nhưng từ năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, cải cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, với chính sách mở cửa, thì sự hội nhập văn hóa diễn ra mạnh mẽ, rõ rệt hơn. Chính vì vậy, chúng tôi, lấy mốc thời gian từ 1986 đến nay, để xác định phạm vi nghiên cứu của mình.
4. Đóng góp của luận án
- Về mặt lý luận:
+ Luận án góp phần nghiên cứu những vấn đề lý luận về sự hội nhập văn hóa nói chung, tôn giáo nói riêng, mà cụ thể là sự hội nhập giữa Phật giáo và nghi lễ thờ cúng truyền thống của người dân trong các làng ở địa bàn Hà Nội.
+ Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án góp phần cho thấy “xu hướng phát triển” của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội hiện nay, xu hướng hội nhập, dung hợp với nhau. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi nó góp phần lý giải về tương lai của tôn giáo, tín ngưỡng.
+ Qua nghiên cứu sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội, luận án cung cấp những tư liệu mới cho ngành Tôn giáo học, góp phần làm rõ sự tương đồng và khác biệt về văn của tôn giáo ngoại nhập với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống.
+ Từ góc độ tiếp cận tôn giáo học/ triết học, nhân học tôn giáo về sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội, luận án góp phần chỉ ra mức độ tác động qua lại của tôn giáo ngoại nhập đến tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội và ngược lại.
+ Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án chỉ ra những giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân hiện nay, đồng thời đó cũng chính là những giá trị văn hóa dân tộc cần phải bảo tồn và phát huy trong thời kỳ hội nhập văn hóa quốc tế.
- Về mặt thực tiễn
- Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy về tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa nói chung; Phật giáo, tín ngưỡng thờ cúng truyền thống và văn hóa Việt Nam nói riêng; cho việc hoạch định chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
5. Lý thuyết, cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
* Các lý thuyết áp dụng trong luận án
1. Lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa
Giao lưu tiếp biến văn hóa là khái niệm do các nhà nhân học Anglo - Saxon đưa ra vào cuối thế kỷ XIX để chỉ sự tiếp xúc trực tiếp và lâu dài giữa hai nền văn hóa khác nhau và hậu quả của cuộc tiếp xúc này là sự thay đổi hoặc biến đổi của một số loại hình văn hóa hoặc cả hai nền văn hóa đó.
Theo các nhà nhân học Mỹ, giao lưu tiếp biến văn hóa là quá trình trong đó, một nền văn hóa thích nghi, ảnh hưởng một nền văn hóa khác bằng cách vay mượn nhiều nét đặc trưng của nền văn hóa ấy.
2. Lý thuyết nghi lễ tăng cường sức mạnh
Nghi lễ tăng cường sức mạnh của cộng đồng là những lễ hội có sự tham gia của toàn thể cộng đồng cư dân cùng chia sẻ một tâm thức tôn giáo, trong đó các nghi lễ, lễ hội thể hiện sự cộng cảm, là chất “keo” gắn kết, đoàn kết cộng đồng, biểu trưng đời sống tâm linh, xã hội và văn hóa, mang tính thống nhất, cộng cảm của cả cộng đồng
3. Lý thuyết nhân học biểu tượng
Nghi lễ thờ cúng là quá trình vượt qua để chuyển tải những ý nghĩa, thông tin xã hội và nhân văn sâu sắc. Niềm tin và sự thực hành nghi lễ thờ cúng phản ánh và chỉ rõ các yếu tố chính trị, kinh tế, các mối quan hệ xã hội, hơn nữa nó là chìa khóa để hiểu con người nghĩ và cảm thấy ra sao về các mối quan hệ với môi trường và xã hội họ đang sống.
4. Lý thuyết chức năng
2 loại chức năng: chức năng tâm lý (quan điểm của B. Malinowski) và chức năng xã hội (quan điểm của Emile Durkheim và được triển khai thêm trong những công trình của Radcliff - Brown).
Lý thuyết của Malinowski nhấn mạnh đến chức năng tâm lý của lễ nghi. Thông qua nghi lễ, con người muốn thỏa mãn nhu cầu cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là nhu cầu tâm lý, tình cảm
5. Thuyết trung tâm và ngoại vi
Ứng dụng thuyết "trung tâm và ngoại vi" trong nghiên cứu văn hoá Việt Nam, chúng ta cũng có thể nghiên cứu văn hoá Thăng Long - Hà Nội với tư cách là trung tâm, đặt trong không gian văn hoá đồng bằng Bắc Bộ. Những giao lưu, ảnh hưởng hai chiều này giữa Thăng Long - Hà Nội với các vùng ngoại vi có thế tìm thấy trong nhiều hiện tượng và giá trị văn hoá.
6. Quan điểm của Lương Văn Hy
Khi nghiên cứu nghi lễ, lễ hội, không chỉ dừng lại ở miêu tả dân tộc học những chi tiết về cơ cấu tổ chức và diễn biến của các nghi lễ thờ cúng và sinh hoạt cộng đồng, mà còn phải gắn các nghi thức lễ hội với bối cảnh kinh tế, xã hội vĩ mô và vi mô và lịch sử quá trình tương tác xã hội diễn ra trên thực tế ở địa phương.
* Cơ sở lý luận của luận án
Luận án dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, những quan điểm, đường lối chính sách của Đảng về tôn giáo, các công trình khoa học nghiên cứu về tôn giáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
* Phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án kết hợp sử dụng một số phương pháp khác nhau nhằm đảm bảo tính hiệu quả và độ tin cậy của các thông tin thu thập được (thực địa và tài liệu có sẵn). Các phương pháp được sử dụng trong luận án là phương pháp chuyên ngành và liên ngành như tôn giáo học, nhân học tôn giáo, văn hóa học, triết họccùng các phương pháp tổng hợp, so sánh, khái quát hóa
6. Kết cấu của luận án
Ngoài các phần Mục lục; Bảng chữ viết tắt; Danh mục bảng, Biểu; Mở đầu, Kết luận; Danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố liên quan đến luận án; Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của luận án bao gồm 4 chương, 10 tiết.
Chương 1:
TỔNG QUAN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1.1. Nguồn tài liệu của luận án
- Tài liệu chính của luận án là những tác phẩm, bài viết nghiên cứu về hội nhập văn hóa, hội nhập tôn giáo; các tư liệu điền dã, gồm phỏng vấn sâu, điều tra hồi cố, các ghi chép quan sát, tham dự...
- Các báo cáo tổng kết, số liệu thống kê của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở các địa phương được khảo sát.
- Luận án kế thừa những kết quả nghiên cứu trong nước và ngoài nước về vấn đề hội nhập tôn giáo nói chung; hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người Việt nói riêng.
1.2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Chủ đề thứ nhất: Phật giáo Hà Nội
Trước hết là các công trình là sách: Để tìm hiểu về Phật giáo Hà Nội, chúng ta không thể bỏ qua những kiến thức cơ bản về Phật giáo Việt Nam: lịch sử Phật giáo, văn hóa Phật giáo..., bởi Phật giáo Hà Nội là một phần Phật giáo Việt Nam. Phật giáo có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình trong đời sống tinh thần người Việt, chính vì vậy có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu, của các tác giả lớn: "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" (1989) của Nguyễn Tài Thư (chủ biên), "Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập)" (2008) của Nguyễn Lang, "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" (2001) của Lê Mạnh Thát (2 tập), "Tư tưởng Phật giáo Việt Nam" (1999) của Nguyễn Duy Hinh... Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Duy trong cuốn sách “Phật giáo với văn hóa Việt Nam”, tác giả Trần Văn Giàu có tác phẩm “Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại”, Đặng Văn Bài (2008) qua chuyên khảo, "Nhận diện để phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam", Phật giáo Hà Nội cũng được đề cập đến trong nhiều công trình: Đỗ Quang Hưng có cuốn sách "Đời sống tôn giáo tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội", Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng (2005) có tác phẩm Chùa Hà Nội, hay cuốn Chùa Hà Nội của Lạc Việt....
Ngoài ra còn có các các công trình là đề tài cấp nhà nước, luận án, các bài tham gia hội thảo, đăng trên các tạp chí uy tín: Tác giả Nguyễn Minh Ngọc và Minh Thiện có bài viết Phật giáo Hà Nội - quá trình du nhập và phát triển đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Tác giả Trần Thị Kim Oanh trong bài viết "Vị thế của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam" đăng trong Kỷ yếu Hội thảo 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam...
Ở chủ đề thứ hai, các tác phẩm viết về các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội.
Mảng các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người Việt nói chung phải kể đến các công trình của các nhà nghiên cứu tên tuổi như: Nhà nghiên cứu Toan Ánh với các cuốn sách: Hội hè đình đám, Tín ngưỡng Việt Nam, Nếp cũ, Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam...; Phan Kế Bính có tác phẩm Việt Nam phong tục; Giáo sư Trần Quốc Vượng trong công trình nghiên cứu công phu: Văn hóa Việt Nam; Tác giả Trần Đăng Duy có tác phẩm:“Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam”, Văn hóa tâm linh người Việt miền Bắc, nxb Hà Nội,... Hồ Đức Thọ có cuốn Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt tại nhà và chùa, đình, miếu, phủ, Lê Trung Vũ, Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý (1999), với Nghi lễ vòng đời người, Ngô Đức Thịnh cũng có rất nhiều tác phẩm về vấn đề này, tiêu biểu như: Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nhận thức về đạo Mẫu và một số hình thức Shaman của các dân tộc nước ta... là những tư liệu quý viết rất sâu về Đạo Mẫu của Việt Nam, từ nguồn gốc ra đời cho đến sự biến đổi hiện nay.
Viết về tín ngưỡng thờ cúng truyền thống người Hà Nội có rất nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu khác nhau: Cuốn sách:“Hà Nội văn hóa và phong tục” của tác giả Lý Khắc Cung. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã dày công nghiên cứu về Hà Nội, và kết quả ông đã cho ra đời một chùm các tác phẩm viết về Hà Nội. Về đề tài đời sống văn hóa tín ngưỡng Hà Nội, tiêu biểu có các tác phẩm: Hà Nội cõi đất con người, hợp tác với Nguyễn Duy Hinh, 2 tác giả có tác phẩm: Các Thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, Tác giả Nguyễn Thế Long và Phạm Mai Hùng có chùm tác phẩm nghiên cứu về đời sống tôn giáo người Hà Nội, trong đó nổi bật cuốn sách: Đình và Đền Hà Nội, tác giả Văn Quảng đã biên soạn cuốn Văn hóa tâm linh Thăng Long Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tác giả Đỗ Thị Minh Thúy có tên: Tín ngưỡng dân gian Hà Nội trong đời sống văn hóa đô thị hiện nay...
Chủ đề thứ ba, Sự hội nhập Phật giáo với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống.
Sự hội nhập hay tương tự là sự dung hợp, dung thông Phật giáo với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống được ít nhiều đề cập đến trong các nghiên cứu của các tác giả lớn: Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Đại Doãn, Vũ Ngọc Khánh, tuy nhiên các tác giả này đều đề cập đến sự hội nhập Phật giáo với các tín ngưỡng của người Việt ở giai đoạn đầu du nhập. Tác giả Lê Tâm Đắc trong bài viết “Sự hỗn dung giữa Phật giáo với tín ngưỡng thủy thần qua nghiên cứu chùa Yên Phú”, cùng với Tạ Quốc Khánh, Lê Tâm Đắc còn có bài viết Tính hỗn dung của người Việt thể hiện qua đối tượng thờ trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, tác giả Bùi Trọng Hiền cũng có bài viết: Lan man về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người Việt trong đó ít nhiều có đề cập đến sự dung hợp Phật giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng thờ cúng khác ở Việt Nam. Liên quan đến chủ đề này, tác giả Đinh Thị Hà Giang có bài viết đăng trên Tạp chí Di sản văn hóa: Hỗn dung tôn giáo qua hiện tượng thờ Phật tại gia ở Việt Nam hiện nay.
* Đánh giá chung
* Những vấn đề, luận cứ, luận điểm được Luận án tiếp thu, kế thừa
- Về mặt lý luận:
Trước hết, chúng tôi kế thừa những vấn đề lý luận của các nhà nghiên cứu đưa ra, đó là: Tôn giáo, tín ngưỡng là một hình thái ý thức xã hội vừa bị quy định bởi tồn tại xã hội, vừa chịu ảnh hưởng của các hình thái ý thức xã hội khác. Khi tồn tại xã hội thay đổi thì tín ngưỡng tôn giáo cũng thay đổi theo, "đáp ứng" nhu cầu của xã hội mà tồn tại, phát triển. Thứ hai, qua những tác phẩm, bài viết trên, các tác giả đã đưa ra khái niệm, định nghĩa, nội hàm của các vấn đề hội nhập, tín ngưỡng, tín ngưỡng truyền thống... Đó là những cơ sở lý luận, là công cụ giúp cho chúng tôi đi sâu nghiên cứu và triển khai Luận án
- Về nội dung:
Các công trình trên, giúp chúng tôi hiểu thêm về bản chất sự hội nhập, giao lưu, tiếp biến văn hóa nói chung, bởi sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống thực chất cũng chính là sự hội nhập văn hóa, ở đây là sự hội nhập của văn hóa ngoại lai (Phật giáo), văn hóa bản địa (các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống).
Qua đọc các tác phẩm của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi cũng hiểu rằng, hội nhập Phật giáo và các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống là một quá trình đã bắt đầu từ rất lâu trong lịch sử, sự hội nhập hiện nay chỉ là sự tiếp nối quá trình đó, tuy nhiên nó có những đặc điểm riêng bị quy định bởi điều kiện hiện tại.
* Những vấn đề còn bỏ trống được Luận án nghiên cứu
Có thể nói vấn đề hội nhập của Phật giáo với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến trong nhiều tác phẩm, ở nhiều góc độ khác nhau nhưng chủ yếu đề cập đến sự hội nhập này trong các thời kỳ trước đó và chủ yếu lấy Phật giáo là chủ thể, đề cập đến biểu hiện ở sự hội nhập ở bản thân Phật giáo (Phật giáo đã tiếp thu những yếu tố gì, thích ứng với tín ngưỡng bản địa ra sao...). Ở Luận án này chúng tôi chủ yếu khai thác sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống trong giai đoạn hiện nay, với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế, xã hội dẫn đến sự biến đổi trong đời sống tâm linh của người dân, vì thế sự hội nhập diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên nhiều phương diện khác nhau. Và chủ thể để xem xét biểu hiện sự hội nhập chúng tôi nghiên cứu chính là trong việc thực hành các nghi lễ thờ cúng của người dân.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực địa, chúng tôi cũng đưa ra những giá trị và các biện pháp bảo tồn giá trị của sự hội nhập Phật giáo và các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống. Địa bàn khảo sát của chúng tôi là thành phố Hà Nội nhưng chủ yếu tập trung ở các làng đô thị hóa, các chùa tiêu biểu.
1.3. Các khái niệm được dùng trong luận án
- Hội nhập văn hóa – xã hội: Là quá trình mở cửa, trao đổi văn hóa với các nước khác; chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần với thế giới; tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa dân tộc; tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa – giáo dục và xã hội khu vực và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa – xã hội rộng lớn hơn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
- Giao lưu hội nhập văn hóa: Là quá trình tiếp xúc giữa hai nền văn hóa khác nhau, từ tiếp xúc đó dẫn đến sự thấu hiểu, gắn kết với nhau, đan xen, vay mượn các yếu tố của nhau để cùng hoàn thiện, phát triển
- Tôn giáo (Phật giáo): Là một hiện tượng xã hội, một thành tố văn hóa; nó chứa đựng nội dung phong phú về lịch sử, tư tưởng, triết học, đạo đức, văn hóa, chính trị... Tôn giáo (Phật giáo) là một bộ phận của đời sống tinh thần của con người; là chất kết dính tập hợp con người trong một cộng đồng nhất định và phân rẽ với các cộng đồng khác. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo (Phật giáo) ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán của nhiều dân tộc, quốc gia.
- Tín ngưỡng thờ cúng truyền thống: Là niềm tin, sự tôn thờ, kính trọng của con người với đối tượng có thực hoặc siêu nhiên đã có từ lâu, được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành cái được lưu truyền, gìn giữ, trở thành cái chung để cố kết, phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng dân cư.
- Hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống: Là quá trình tiếp xúc giữa nền văn hóa Phật giáo (Ấn Độ, Trung Quốc) và nền văn hóa tín ngưỡng (niềm tin được thể hiện trong thực hành nghi lễ) truyền thống (nối kết cộng đồng qua nhiều đời) của người dân Hà Nội (người đang sinh sống, làm ăn trên địa bàn Hà Nội). Qua đây nó đã vay mượn, thẩm thấu, gắn kết, đan xen vào nhau để cùng hoàn thiện, phát triển.
Ngoài ra còn có các khái niệm: Hội nhập, người dân Hà Nội, tín ngưỡng, thờ cúng truyền thống...
Chương 2:
CƠ SỞ CỦA SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN HÀ NỘI HIỆN NAY
2.1. Cơ sở triết lý của Phật giáo
2.1.1. Triết lý nhân sinh tùy duyên của Phật giáo
Triết lý nhân sinh Phật giáo xoay quanh các phạm trù: vô thường, vô ngã, tứ diệu đế. Đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo là tùy duyên phương tiện nên khi Phật giáo truyền bá ra bên ngoài với tư tưởng “Khế lý, khế cơ”, để đến với mỗi một vùng đất mới, mỗi một khu vực khác nhau nó lại có những bước đi khác nhau, cách thức khác nhau, sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Chính tư tưởng này của Phật giáo khi đi vào Việt Nam nó đã tạo ra tính mềm dẻo, linh hoạt ngay trong việc thực hành giáo lý Phật, nó có thể bách ứng vạn biến theo hoàn cảnh cụ thể để đạt được kết quả cuối cùng là đồng hành với dân tộc Việt Nam.
2.1.2. Triết lý nhân sinh từ bi của Phật giáo
Không ai có thể phủ nhận triết lý nhân sinh từ bi là tư tưởng cốt lõi của Phật giáo. Triết lý nhân sinh ấy khởi đầu bằng sự chứng giải cái nguyên lý nguyên sơ "nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật" (tất cả chúng sinh đều có Phật tính).
Triết lý về Phật tính bình đẳng nơi chúng sinh là một triết lý được nhiều thiền sư Phật giáo tâm đắc, từ triết lý này đã nảy sinh một loạt những tư tưởng từ bi về cuộc sống nhân sinh, mang một giá trị tư tưởng nhân bản sâu sắc, có giá trị tích cực đối với cuộc sống nhân quần; đó là tư tưởng nhân ái bao trùm mọi hiện hữu; đó là tinh thần bình đẳng bác ái, là đức hiếu sinh; đó là tinh thần cứu khổ cứu nạn... có thể nói đó là bào dây tinh thần góp phần cố kết cuộc sống nhân quần theo hướng hưng lợi, trừ hại, vì cuộc sống an lạc của con người. Chính cái triết lý từ bi đó đã tạo cho Phật giáo Hà Nội có nhiều cơ hội, hội nhập sâu rộng hơn nữa vào tín ngưỡng thờ cúng truyền thống người dân Hà Nội hiện nay. Hơn nữa, trong quá trình tiếp xúc để hội nhập thì chính bản thân Phật giáo với giáo lý “mở” đã đương đầu vói mọi sự thay đổi trong xã hội.
2.2. Cơ sở địa kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay
2.2.1. Địa kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội
2.2.1.1. Địa kinh tế, chính trị
Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước. Vị thế thủ đô đã nói lên điều đó. Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo thì luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, bởi vậy, chính sách tôn giáo luôn phù hợp, thích ứng với từng tôn giáo, trong từng thời kỳ lịch sử.
Hà Nội là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, ngay từ khi mới được khai sinh. Ngày nay với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, với những ảnh hưởng của kinh thế thị trường, thành phố Hà Nội với vị thế của ngọn cờ đầu đang có những biến đổi rõ nét: quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi diện mạo thành phố từng ngày, đời sống người dân cũng được cải thiện rõ rệt... bên cạnh đó cũng có những hệ lụy không nhỏ mà thành phố đang phải đối mặt. Quá trình chuyển từ xã thành phường của đô thị hóa đang làm dần phá vỡ cấu trúc làng xã truyền thống của người Hà Nội, những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống vì thế cũng bị mai một...
Tất cả những điều đó đã đẩy người dân Hà Nội đến gần với các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Họ tìm đến Phật giáo để cầu mong sự che chở, an ủi của đức Phật trước cuộc sống nhiều khó khăn, bất công, bất trắc; tìm đến của Phật thanh bình để giải tỏa căng thẳng, tránh xa mọi phiền não, bon chen, xô bồ của cuộc sống; tìm đến cửa Phật để tìm lại những giá trị văn hóa, đạo đức đang bị mai một... Trong điều kiện đó, Phật giáo có nhiều cơ hội để hội nhập mạnh mẽ hơn với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống.
2.2.1.2. Văn hóa - xã hội
Hà Nội thường được xem như nơi tập trung những tinh hoa văn hóa của miền Bắc và cả Việt Nam. Hà Nội vẫn là biểu tượng văn hóa, là trái tim của cả nước. Con rồng thăng hoa! Là nơi diễn ra những sự kiện văn hóa - xã hội nổi bật của cả nước. Văn hóa - xã hội của thủ đô Hà Nội hiện nay đang có những biến đổi mạnh mẽ do những tác động của điều kiện kinh tế mới.
2.2.2. Cơ sở tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay
Thăng Long - Hà Nội là nơi có một “không gian” tôn giáo, tín ngưỡng khá tiêu biểu, với một “hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng” hết sức phong phú, góp phần làm nên một “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều giá trị đặc sặc. Người Thăng Long – Hà Nội là những con người hoà đồng rất sâu đậm trong đời sống tâm linh và thế giới tâm linh. Với hàng nghìn những kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đủ mọi loại như đình, đền, chùa, quán, miếu Thăng Long là nơi tập trung nhiều đền chùa, đạo quán, lễ hội; người dân Thăng Long tôn kính tất cả các vị thánh thần ân đức, các bậc anh hùng vì dân vì nước được thờ phụng ở các chùa, đền, quán, miếu... Các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người Hà Nội có thể phân chia:
- Thờ cúng tổ tiên ( tô tem giáo) : gia đình - dòng họ (thờ cúng tổ tiên), làng xã (thờ Thành hoàng làng), quốc gia (thờ Tổ Hùng Vương, thờ Tứ Bất Tử)
- Tín ngưỡng vòng đời: Nghi lễ sinh nở, Nghi lễ cưới hỏi ( hôn nhân), nghi lễ tang ma,
- Tín ngưỡng nghề nghiệp: thờ Tổ nghề
- Tín ngưỡng thờ Thần: Tín ngưỡng thờ Mẫu
2.3. Cơ sở lịch sử truyền thống của Phật giáo trong sự hội nhập
2.3.1. Tính tương đồng giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống
Vào Hà Nội, do có sự tương đồng về văn hóa nên Phật giáo đã nhanh chóng bén rễ, tạo duyên ngay ở vùng đất hội tụ tinh hoa, giàu truyền thống văn hóa. Nhờ những "mẫu số chung" là sự tương đồng, Phật giáo nhanh chóng hội nhập với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống, dễ dàng được người dân Hà Nội chấp nhận, không vấp phải rào cản nào. Để rồi từ đây, Phật giáo thâm sâu trong lòng văn hóa Hà Nội như nước từ từ thấm vào lòng đất. Sự tương đồng này được thể hiện ở nhiều mặt.
2.3.2. Tính tương đồng giữa triết lý nhân sinh trong Phật giáo và triết lý nhân sinh trong cộng đồng làng xã của người dân Hà Nội
Sức sống mãnh liệt của Phật giáo sau khi du nhập vào Việt Nam được giải thích bởi hai lý do sau Thứ nhất, Phật giáo đã biết hội nhập với văn hóa truyền thống. Thứ hai, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã biết bám lấy làng xã. Sự hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống đã diễn ra trong lịch sử buổi đầu du nhập. Một mặt, nhân dân ta đã biết biến những giáo lý khó hiểu của Phật giáo nhằm thích ứng với trình độ tư duy và cách sinh hoạt tinh thần của mình. Mặt khác, Phật giáo cũng “sẵn lòng” hội nhập với văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Kết quả là, văn hóa dân gian Việt Nam đã hóa Phật chứ không bị Phật hóa.
Tiểu kết chương 2
Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay là giai đoạn tiếp nối của quá trình hội nhập đã có từ lâu trong lịch sử. Sự hội nhập hình thành từ những cơ sở căn bản: Triết lý Phật giáo, chủ yếu là triết lý nhân sinh tùy duyên và triết lý nhân sinh từ bi giúp Phật giáo chủ động hội nhập với văn hóa bản địa; Cơ sở địa - kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội, là những cơ sở quyết định xu hướng của sự hội nhập, bởi sự hội nhập tôn giáo thực chất là sự hội nhập văn hóa chịu sự quy định bởi điều kiện kinh tế xã hội, những biến đổi trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của Hà Nội đã tác động lớn đến đời sống tinh thần người dân; Cơ sở sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống trong lịch sử là cơ sở tiền thân của sự hội nhập bởi giai đoạn hiện nay chỉ là một giai đoạn phát triển tiếp theo của quá trình hội nhập đã có. Vậy sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay thể hiện như thế nào? Có gì khác với những giai đoạn trước?...
Chương 3:
BIỂU HIỆN CỦA SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN HÀ NỘI HIỆN NAY
3.1. Hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay qua địa điểm khảo cứu trong phạm vi gia đình và quốc gia
3.1.1. Hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay qua địa điểm khảo cứu trong phạm vi gia đình
* Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (phạm vi trong gia đình và dòng họ)
Việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình Hà Nội hiện nay, chịu ảnh hưởng rất nhiều của các yếu tố Phật giáo, thể hiện như: ngày thờ cúng (sóc, vọng), ăn chay thờ Phật tại gia (tại nhà), bàn thờ Phật tại gia, tinh thần bố thí và phóng sinh...
* Tín ngưỡng vòng đời người: Sự hội nhập Phật giáo với các tín ngưỡng vòng đời của người Hà Nội rất rõ nét, thể hiện trong việc thực hành các tín ngưỡng quan trọng của đời người như: sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma... đều có bóng dáng các nhà sư Phật giáo, gắn liền với ngôi chùa Phật giáo, các nghi lễ, quan niệm Phật giáo...
3.1.2. Hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay qua địa điểm khảo cứu phạm vi quốc gia
Với tinh thần Hộ quốc an dân, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, chính vì vậy Phật giáo không thể bỏ qua những tín ngưỡng mang tính quốc gia của dân tộc. Tại Hà Nội, hàng năm Phật giáo tổ chức rất nhiều những ngày đại lễ quan trọng, gắn với những mốc lịch sử quan trọng của đất nước: Giỗ tổ Hùng Vương, Đại lễ Cầu siêu các anh hùng liệt sĩ...
Với tín ngưỡng thờ Tứ Bất Tử, Phật giáo hội nhập sâu sắc ở nhiều phương diện.
3.2. Hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay qua địa điểm khảo cứu tại khuôn viên chùa
3.2.1. Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống qua các ngày lễ tết tại chùa
Mọi sinh hoạt tại các chùa hiện nay đều gắn với vận mệnh của dân tộc và tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Trong đó, hai nội dung chính được chú ý đó là, sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho người dân. Tại các chùa, các buổi cúng lễ Phật bao giờ cũng có sự tham gia của phật tử và người dân. Trong các ngày sinh, ngày đản của Đức Phật, ngày sóc, vọng, lễ tết.người dân đổ về các chùa rất đông. Chùa sẽ thiếu đi “phần hồn” sống động nếu không có các phật tử. Chùa dựng lên với mục đích chính là để phục vụ người dân. Một trong những hoạt động chính của các sư là thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân. Trong suốt một năm, bên cạnh sự nghiệp hoằng Pháp, các nhà sư còn phải bận bịu, tất bật lo toan cho các công việc tâm linh của người dân (cúng cầu an, cầu siêu, cắt sao giải hạn, bán khoán).
3.2.2. Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống qua thực hành nghi lễ các ngày thường nhật tại chùa
Thể hiện ở nhiều khía cạnh: hoạt động thường xuyên của các đạo tràng, thực hiện các nghi lễ đáp ứng nhu cầu của người dân: cầu an, bán khoán trẻ nhỏ, cắt tiền duyên...Sự hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn thể hiện qua các đối tượng được thờ cúng trong chùa. Những nghi lễ thường nhật ở chùa luôn thu hút đông đảo các tầng lớp người dân Hà Nội tham gia,
Tiểu kết chương 3
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Do đến với Việt Nam bằng con đường hòa bình, lại biết “khôn khéo” bám lấy các làng xã, hội nhập với tín ngưỡng truyền thống (không chối bỏ văn hóa bản địa), nên Phật giáo có sức sống vững chắc và thấm sâu trong tinh thần của mỗi con người Việt Nam.
Sự hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng của người dân Hà Nội từ sau đổi mới đến nay là sự tiếp nối sự hội nhập của Phật giáo ở những giai đoạn trước. Đó là hiện tượng Phật giáo ngày càng đi sâu vào đời sống của mỗi con người, gia đình, dòng họ, làng xã ở Hà Nội và trên phạm vi quốc gia, có sức lan tỏa đến tới các vùng miền khác trên cả nước. Sự hội nhập của Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng không chỉ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội (như tục thờ cúng ở nhà và đi chùa vào các ngày sóc vọng, ăn chay, thờ Phật tại gia, cầu an đầu năm, bán khoán trẻ nhỏ), mà còn diễn ra trong những thời khắc quan trọng của đời người như làm nhà, cưới xin, tang ma. Trên phạm vi quốc gia, Phật giáo Hà Nội đã khẳng định được vai trò là đơn vị tổ chức những Đại lễ lớn trong Phật giáo và tham gia vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, đặc biệt ở lĩnh vực tâm linh.
Hiện tượng ngày càng có nhiều người, với đủ các thành phần, lứa tuổi tham gia vào các đạo tràng tại các chùa, trở thành các phật tử, tham dự các lớp nghe giảng giáo lý Phật giáo, chứng tỏ sức ảnh hưởng lớn của Phật giáo đối với người dân Thủ đô. Trên cơ sở đó, đã dẫn đến sự thay đổi lớn về nhận thức theo hướng thiện và làm nhiều việc tốt cho xã hội.
Sự hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng của người dân Hà Nội không chỉ có tác dụng làm phong phú đời sống, làm giàu bản sắc văn hóa của dân tộc, mà quan trọng hơn, nó làm thay đổi xã hội. Với phương châm “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo đang là một trong những động lực, góp phần phát triển xã hội, đưa xã hội đến bến bờ hạnh phúc. Ngày nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ Công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Phật giáo đã, sẽ và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc. Đúng như TS. Nguyễn Quốc Tuấn đã nói “Dân tộc nào đã biết dùng đạo Phật làm lẽ sống, nhất định dân tộc đó là một dân tộc của lòng từ bi, nhất định dân tộc đó có tương lai xán lạn. Và dân tộc ta là một dân tộc như thế”.
Chương 4:
BẢO TỒN GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN HÀ NỘI HIỆN NAY
4.1. Giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay.
4.1.1. Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống làm phong phú thêm đời sống tinh thần, góp phần làm giàu nên bản sắc văn hóa của người dân Hà Nội
Nơi gặp gỡ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống đã trở thành bảo tàng văn hóa độc đáo của mảnh đất Kinh kỳ, góp thêm một bông hoa rực rỡ vào vườn hoa văn hóa Hà Nội đậm sắc hương. Trong các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người Hà Nội ngày nay đậm sắc hơn là nhờ nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn rằng không thể thiếu những yếu tố của Phật giáo và ngược lại Phật giáo cũng phong phú hơn nhờ có những yếu tố của các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống. Cả hai nương tựa, bồi đắp cho nhau để cùng phát triển.
4.1.2. Sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống là một "giải pháp hoàn thiện" thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân Hà Nội hiện nay.
Người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng luôn có xu hướng tìm một tôn giáo gần gũi với truyền thống dân tộc và dù lựa chọn tôn giáo nào họ cũng không thể bỏ được những tín ngưỡng thờ cúng truyền thống đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của họ tự bao đời, bởi đã là người Việt Nam thì không thể không thờ cúng tổ tiên, không gắn bó với một ngôi làng với thần Hoàng làng riêng.... Chính vì vậy, có thể nói sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống là một "giải pháp hoàn thiện" đáp ứng được nhu cầu tâm linh người Hà Nội.
4.1.3. Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống góp phần bảo lưu những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của người dân Hà Nội
Sự dung hợp Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của người Hà Nội. Sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống góp phần tạo điều kiện cho sự duy trì những không gian thiêng, môi trường văn hóa truyền thống từ gia đình đến xã phường: Đình, chùa, đền, miếu, phủ, nhà thờ họ, bàn thờ gia tiên... nhà những không gian thiêng, là những nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống của người dân. Khi cùng đến lễ chùa, tham gia các lễ hội... mọi người sẽ tìm thấy những điểm chung để chia sẻ với nhau, tính cộng đồng được nâng lên, tình đoàn kết được nâng cao.
4.1.4. Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống tạo nên một hệ thống di sản văn hóa vật chất quý giá, là một phần của văn hóa thủ đô nghìn năm văn hiến.
Sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống đã tạo nên một hệ thống di sản văn hóa vật chất quý giá, mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội: chùa, đình, đền, miếu, phủ, các nhà thờ họ
4.2. Những giải pháp nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của sự hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay.
4.2.1. Đối với công tác quản lý
Thứ nhất, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ của Nhà nước về các hoạt động tôn giáo nói chung, các hoạt động của Phật giáo và các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống nói riêng.
Thứ hai, cần dà soát lại những di sản, di tích, tín ngưỡng, tôn giáo có trên địa bàn và có những chính sách bảo tồn kịp thời.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền và phổ biến Luật di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật liên quan đến hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.
Thứ tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh để mọi người dân đều được sinh hoạt tôn giáo trong môi trường lành mạnh, tránh những ảnh hưởng tiêu cực.
4.2.2. Đối với người dân
Chính người dân là chủ thể thể hiện sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống, chủ thể của những giá trị văn hóa của sự hội nhập đó. Người dân cần:
- Quan tâm, tự giác, nâng cao ý thức tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.
- Chấp hành đúng những quy định của địa phương nơi cư trú trong việc bảo vệ môi trường văn hóa khu dân cư. Tích cực tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
- Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, không lãng phí, tránh mê tín dị đoan.
- Chấp hành đúng quy định của cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo khi tham gia sinh hoạt tại các cơ sở đó.
- Tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người khác...
4.2.3. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thứ nhất: Định hướng đúng đắn mọi hoạt động của các tăng ni, Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo.
Thứ hai, Giáo hội Phật giáo Thành phố Hà Nội cần nhìn nhận chân thực tình trạng Phật giáo trên địa bàn hiện nay một cách khách quan, thẳng thắn qua đó mạnh dạn đổi mới cùng với sự đổi mới của đất nước để khôi phục lại truyền thống, phát huy những giá trị đích thực.
Thứ ba, Cần có những biện pháp bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống.
Tiểu kết chương 4
Sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống là sự hội nhập chủ động, tất yếu. Sự hội nhập này đem lại cho cả đôi bên những "lợi ích" để cùng tồn tại, hoàn thiện, phát triển. Sự hội nhập đó đem lại nhiều giá trị văn hóa cho mảnh đất và con người nơi đây, góp phần làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của thủ đô ngàn năm văn hiến. Bảo tồn các giá trị văn hóa đó là việc làm cần thiết và cần sự chung tay của cả cộng đồng: Các cấp chính quyền thành phố có chức năng định hướng, đề ra những chính sách, tuyên truyền tới người dân những chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn đúng hướng, hiệu quả; bản thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo thủ đô nói riêng cần có những biện pháp đúng đắn, kịp thời để bảo tồn những giá trị của chính mình; người dân thành phố cần có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa nói chung, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, tuân thủ chấp hành những quy định của Nhà nước và các cấp chính quyền... Bởi các giá trị văn hóa đó là tài sản vô giá đã được đúc kết từ bao đời, là bản sắc văn hóa của người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung.
KẾT LUẬN
* Về cách tiếp cận
Có thể có nhiều cách tiếp cận vấn đề về sự hội nhập tôn giáo với tín ngưỡng truyền thống, nhưng cách tiếp cận có khả năng đưa đến những nhận định đúng đắn và đầy đủ về sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống là cách phân tích tín ngưỡng, tôn giáo với tư cách là một hệ thống văn hóa xã hội, phát triển cùng với văn hóa nhân loại và tín ngưỡng, tôn giáo luôn hiện ra trước mắt chúng ta là một hiện tượng văn hóa xã hội cực kỳ phức tạp, có thể nói là một thể văn hóa thống nhất nhiều tầng diện. Tín ngưỡng, tôn giáo vừa có tính quần thể cộng đồng vừa có tính riêng tư cá nhân, vừa có tính dân tộc vừa có tính thế giới, vừa có cơ sở xã hội vừa có cơ sở tâm lý, vừa có tính duy lý, vừa có tính tình cảm, vừa có niềm tin theo đuổi cái thiêng cao cả lại vừa có sự suy tư truy cầu cái thực tại trong cuộc sống nhân gian trần tục này. Do vậy, xét từ góc độ bảo tồn văn hóa dân tộc và hoằng dương giá trị văn hóa dân tộc thì tín ngưỡng, tôn giáo chính là thể chuyển tải linh hồn dân tộc và chất môi giới giao lưu văn hóa. Trên phương diện xem xét tín ngưỡng, tôn giáo như vậy, luận án từ góc nhìn tôn giáo học, văn hóa học, nhân học tôn giáo để triển khai phân tích sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng của người dân Hà Nội hiện nay, chú trọng vào những cơ sở tồn tại xã hội dẫn đến sự hội nhập khác nhau trong các giai đoạn lịch sử của chúng và từ đó phân tích kết cấu bên trong của nó khi biểu hiện ra bề ngoài, nhằm đạt được sự lý giải chân thực ý nghĩa của sự hội nhập, đó là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Trong đó vai trò quan trọng, quyết định thuộc về chủ thể, nghĩa là khi hội nhập giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống thì vai trò quyết định phải thuộc về tín ngưỡng người dân Hà Nội. Hay nói khác, sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội, nhất thiết không được phép bỏ quên hay làm lu mờ mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa thực thể xã hội với thực thể tự nhiên ở mỗi con người. Do đó, nội dung hội nhập phải bắt đầu từ tự nhiên, xã hội, trên cơ sở con người là chủ thể nhận thức và mục đích tối cao của quá trình hội nhập. Như vậy, xét về mặt bản thể luận và nhận thức luận thì hội nhập tôn giáo (Phật giáo) và tín ngưỡng truyền thống đều phải xuất phát từ con người và vì con người, con người là chủ thể là mục đích tự thân của quá trình hội nhập. Chính lẽ đó, mà văn hóa dân gian Việt Nam đã hóa Phật chứ không bị Phật hóa. Văn hóa Phật giáo dù là bác học uyên thâm thế nào đi nữa thì đều phải nhập vào dòng văn hóa dân gian bản địa, biến những Man Nương thành Phật Mẫu, Ỷ Lan
* Về sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống
Thăng Long - Hà Nội là trung tâm văn hóa, nơi hội tụ tinh hoa bốn phương đất nước. Phật giáo nơi đây ngoài những đặc trưng của Phật giáo Việt Nam còn có những đặc điểm riêng phản ánh vị thế, tầm vóc của mảnh đất này, cốt cách của con người nơi đây và phản ánh cả sự "biến chuyển" của thời cuộc mà mảnh đất này mang sứ mệnh tiên phong. Phật giáo đã chủ động lựa chọn con đường hội nhập, dung hòa với các tín ngưỡng thờ cúng truyền thống nơi đây, bởi đó là con đường đúng đắn nhất để đi vào văn hóa của vùng đất đã có lịch sử nghìn năm văn hiến. Sau một thời gian dài hội nhập, đến nay Phật giáo đã khẳng định được vị thế của mình trong đời sống tinh thần cư dân thủ đô. Giờ đây, khi người dân Thăng Long - Hà Nội thực hành những nghi lễ thờ cúng truyền thống của mình đều dễ nhận thấy là có sự đan xen các yếu tố, màu sắc Phật giáo. Đây có thể coi là một sự thành công của Phật giáo trên con đường chinh phục của mình.
Nghiên cứu sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Bởi sự hội nhập đó là một hiện tượng khách quan xảy ra trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, đặc biệt với đặc tính "mở" và "bao dung" của văn hóa Việt Nam thì đây còn là một xu thế của sự phát triển tín ngưỡng, tôn giáo trong tương lai ở Việt Nam, đặc biệt là với các tôn giáo ngoại nhập, bất kỳ tôn giáo bên ngoài nào vào Việt Nam đều bị "khúc xạ", Việt Nam hóa.
Nghiên cứu sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay là một vấn đề vừa mới vừa cũ, vừa khó vừa dễ. Cũ vì nó là một hiện tượng đã có truyền thống trong lịch sử từ xa xưa, mới vì giai đoạn hiện nay đang có nhiều biến đổi và hơn nữa lại gắn với một vùng đất cụ thể tiêu biểu cho sự biến đổi đó - thủ đô Hà Nội; dễ vì nó là một vấn đề có những biểu hiện cụ thể, gần gũi, có thể quan sát ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân, khó vì nó là vấn đề khó có thể khái quát hay bóc tách vì sự hội nhập đó nó hòa quyện đến mức như "nước với sữa".
Trong luận án, bằng phương pháp liên ngành, trong đó lấy phương pháp nghiên cứu tôn giáo học là cơ sở, kế thừa kết quả những công trình nghiên cứu trước đó, chúng tôi đã đi sâu, bóc tách những vấn đề cơ bản của đề tài: cơ sở của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống, chỉ ra biểu hiện của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của người dân Hà Nội dưới các cấp độ, phạm vi khác nhau. Từ đó, chúng tôi cũng đã chỉ ra những giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống và đưa ra những biện pháp cơ bản nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đó.
Những kết quả đạt được là thành tựu của quá trình dài nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên đây là những vấn đề căn bản nhất, vẫn còn những vấn đề có thể khai thác rộng hơn, sâu hơn: Sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống thể hiện trong giáo lý, giáo luật, nghi lễ Phật giáo; Hiện trạng vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa của sự hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng truyền thống hiện nay ... Những vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ở các công trình khoa học tiếp theo./.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Vũ Đức Chính (2015), "Hội nhập Phật giáo với tín ngưỡng truyền thống của người dân Hà Nội hiện nay", Tạp chí Cộng sản,
2. Vũ Đức Chính (2015), "Sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng truyền thống trong gia đình, dòng họ của người dân Hà Nội từ 1986 đến nay", Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo (9), tr.
3. Vũ Đức Chính (2016), "Văn hóa Phật giáo và Công giáo trong đời sống tinh thần của người Việt Nam", Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam (2), tr.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- su_hoi_nhap_phat_giao_voi_tin_nguong_tho_cung_truyen_thong_cua_nguoi_dan_ha_noi_hien_nay_8302.doc