1. Vạn Kiếp là nơi có vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự, là đầu mối huyết
mạch giao thông thuỷ, bộ trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long.
Núi ở Vạn Kiếp là dãy núi cuối cùng về phía Tây Bắc của hệ thống núi Yên Tử
thuộc cánh cung Đông Triều đổ về. Núi ở Vạn Kiếp ở thế liền dải, tạo thành
nhiều hình vòng cung chạy ra tận bờ sông Lục Đầu. Trên các đỉnh núi, có thể
quan sát một vùng sông nước mênh mang, làng mạc tiếp liền, tạo thế chủ động
cho quân sĩ khi tiến công cũng như phòng ngự. Phía Bắc có hệ thống núi rừng
trùng điệp, nơi có thể ẩn náu hàng vạn quân, lập căn cứ quân sự an toàn; phía
Nam có làng mạc trù phú, người đông của nhiều là nguồn cung cấp nhân tài vật
lực to lớn cho chiến tranh.
Vạn Kiếp hiểm yếu không chỉ ở địa thế núi đồi trùng điệp mà còn bởi sông
nước mênh mông toả đi nhiều hướng. Sông Lục Đầu phía trên nhận nước của
ba con sông: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, phía dưới hợp với sông
Đuống rồi đổ ra biển Đông thông qua hai dòng sông lớn là sông Thái Bình và
sông Kinh Thầy. Đây là nguồn cung cấp nước, chuyển tải phù sa cho đồng
ruộng, nguồn thuỷ sản tự nhiên vô cùng phong phú cho một vùng rộng lớn của
Đông Bắc châu thổ Bắc Bộ.
28 trang |
Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1384 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Vạn kiếp trong lịch sử chống ngoại xâm từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
n vùng Lục Đầu Giang. Để trực tiếp chỉ huy quân sĩ đánh
giặc, Lê Hoàn đóng bản doanh ở khu vực Đồng Dinh (An Lạc, Chí Linh, Hải
Dương). Sau những trận đánh ban đầu, Lê Hoàn đã tận dụng sự chủ quan, tự
phụ, ngạo mạn của quân xâm lược, khôn khéo tìm cách trá hàng, củng cố lực
lượng, đánh trận Bạch Đằng lịch sử. Như vậy, từ cuối năm Canh Thìn (980)
đến giữa năm Tân Tỵ (981), dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn, quân dân Đại Cồ
Việt đã quét sạch quân Tống ra khỏi bờ cõi, giữ vững nền độc lập tự chủ, cuộc
kháng chiến chống quân Tống xâm lược giành thắng lợi vẻ vang.
2.2.2. Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược
2.2.2.1. Vạn Kiếp trong chiến lược phòng thủ đất nước
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 981, hợp điểm của hai đoàn
quân thủy, bộ của giặc là khu vực Lục Đầu Giang - Phả Lại, để từ đó đánh
chiếm Đại La - Loa Thành. Dự đoán được các hướng tiến công xâm lược của
đối phương, Lê Hoàn cùng bộ chỉ huy đã bố trí lực lượng dọc theo tuyến sông
Bạch Đằng, Kinh Thầy, kéo dài cho đến vùng Lục Đầu Giang, trong đó đặc
biệt chú ý đến cụm đồn trại Phù Lan trên bờ sông Lục Đầu. Đây là một khu
vực hiểm yếu về quân sự, đóng quân ở đây nhằm chặn quân Tống từ cửa biển
Bạch Đằng vào sông Lục Đầu và tiến vào khu Đại La - Cổ Loa theo sông
Đuống. Vì ý thức được vị trí trọng yếu của toàn tuyến phòng thủ trên nên Lê
Hoàn đã trực tiếp chỉ huy mặt trận này.
Nhìn toàn cục chiến trường và hệ thống bố phòng của Lê Hoàn, chúng ta càng
thấy rõ hơn vị trí then chốt, vai trò quyết định của tuyến phòng thủ Bạch Đằng -
Lục Đầu Giang đối với sự thành bại của toàn bộ cuộc kháng chiến.
2.2.2.2. Dược Đậu Trang - đại bản doanh trong kháng chiến chống quân
Tống xâm lược
Theo ghi chép trong sử sách và thần tích, để trực tiếp chỉ huy quân sĩ đánh
giặc, Lê Hoàn đã đóng bản doanh ở khu vực Dược Đậu trang (nay là xã An
Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương). Dược Đậu trang thời Tiền Lê cơ bản tương
đương với xã An Lạc ngày nay. Đây là vị trí an toàn, tiện lợi cho cả tấn công
và phòng thủ. Nơi đây có núi, có sông và nhiều thung lũng rộng rất thuận lợi
8
cho việc giấu quân, lập căn cứ quân sự an toàn. Từ đây ra cửa Bạch Đằng
không đến 20km, cách con đường bộ cổ từ Đông Triều về Chí Linh khoảng
7km. Đóng quân tại đây có thể có thể trực tiếp tổ chức chặn đánh địch trên cả
hai đường thủy, bộ.
Đây là địa bàn đặt sở chỉ huy, có thể nói là khá đắc địa trong điều kiện của
cuộc chiến tranh dưới thời Trung cổ, cả hai bên tham chiến đều sử dụng vũ khí
và phương tiện vận chuyển còn thô sơ. Tại đây, cho đến nay vẫn còn những
chứng tích liên quan tới đại bản doanh của vua Lê Hoàn, đó là các địa danh
Đồng Dinh, Bàn Cung, núi Cao Hiệu, Lò Văn, Nền Bà Chúa, Nội Xưởng, núi
Sơn Đụn, Đống Tử Tù... các di tích thờ các vị tướng tham gia cuộc kháng chiến
chống Tống năm 981 như đền thờ vua Lê Đại Hành, đền Cao, đền Bến Tràng,
đền Bến Cả, đền Cả, chùa Sơn Đụn
2.3.2.3. Những trận đánh quân Tống tại Vạn Kiếp - Lục Đầu Giang
Tư liệu và nhiều thần tích khác nhau đều xác nhận có một trận đánh hết sức
ác liệt giữa đại quân ta và quân Tống ở khu vực Lục Đầu Giang - Phả Lại, đó
chính là trận Đồ Lỗ (Lục Đầu), diễn ra vào ngày 30 tháng Chạp năm Canh
Thìn (tức ngày 7-2-981).
Theo các sách và các thần tích thì ngày 30, quân Tống tấn công mấy đợt,
mở đường để vượt sông Đuống đột nhập Đại La nhưng đều bị quân ta đánh
chặn kịch liệt và lòng sông có nhiều cọc gỗ chặn thuyền, tạo thành thế hai bên
đối lũy.
Quân Tống thua to ở Lục Đầu Giang, binh lính hao hụt, vũ khí và thuyền bè
bị hư hỏng, mất mát nhiều, lương thực khó khăn thêm; ý chí xâm lược của
tướng sĩ cũng bị giảm sút. Cuối cùng, chúng buộc phải rút lui về sông Bạch
Đằng và bị đánh tơi bời ở đó. Sông Lục Đầu vì thế còn được gọi là sông Đồ Lỗ
(sông giết giặc - tức giặc Tống).
Về phía Đại Cồ Việt, chiến thắng Đồ Lỗ cuối năm Canh Thìn tạo nên lợi
thế về tinh thần, củng cố thêm ý chí, quyết tâm chống ngoại xâm của quân dân
ta. Trên đà thắng lợi, Lê Hoàn chỉ huy tướng sĩ khẩn trương chấn chỉnh lực
lượng, huy động thêm binh lương sẵn sàng chống trả mọi hành động xâm lược
của kẻ thù khi có viện binh.
2.3. Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 1075 - 1077
2.3.1. Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 1075 - 1077
Đầu những năm 70 của thế kỷ XI, trước âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà
Tống, Lý Thường Kiệt đã tấn công vào căn cứ của địch ở châu Khâm, châu
Liêm triệt phá căn cứ quân sự và hậu cần của quân Tống. Sau đó, Lý Thường
Kiệt đã chủ động rút quân về xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt để chặn đánh
quân Tống.
Cuối năm 1076, quân Tống theo nhiều đường vượt biên giới tiến vào xâm
lược nước ta. Chúng tập kết và đóng quân trên một trận tuyến dài khoảng 30
km từ bến đò Như Nguyệt đến gần núi Nham Biền. Đến đây quân địch bị chặn
9
đứng lại trước dòng sông Cầu và phòng tuyến kiên cố của quân ta ở bờ Nam.
Chính trên phòng tuyến này đã diễn ra những trận đánh ác liệt quyết định số
phận của quân viễn chinh Tống.
Chiến tuyến sông Cầu và sức kháng chiến kiên cường của quân dân ta đã
giam hãm bộ binh và kị binh của địch vào tình thế vô cùng nguy khốn, tiến
thoái lưỡng nan. Lý Thường Kiệt đã chủ động đặt vấn đề điều đình để mở lối
thoát cho quân Tống nhằm sớm chấm dứt chiến tranh trong điều kiện có lợi
nhất cho dân tộc. Quân Tống vội vã nhận lời “giảng hòa”. Vào đầu tháng 2
năm Đinh Tỵ (1077), Quách Quỳ ra lệnh cho quân sĩ lập tức rút quân.
Cuộc kháng chiến chống Tống vĩ đại của quân dân nhà Lý đứng đầu là vị
tướng tài ba Lý Thường Kiệt đã thắng lợi hoàn toàn.
2.3.2. Vạn Kiếp trong chiến lược phòng thủ đất nước
2.3.2.1. Căn cứ thủy quân Vạn Xuân
Vạn Xuân (còn gọi là Lục Đầu) là điểm cuối cùng của sông Cầu gặp gỡ ba
con sông khác là sông Thương, sông Lục Nam đổ từ phía Bắc xuống và sông
Đuống từ Tây Nam vào, rồi từ đây lại chia nước ra biển theo hai dòng sông là
sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Lục Đầu là chỗ tụ của 6 con sông ấy.
Đoạn này khá rộng lại nhiều bến đậu tốt, có thể từ đây tỏa đi bốn phương, và
cũng vì thế mà chốt ở đây cũng bịt được một đầu mối giao thông quan trọng,
đặc biệt có ý nghĩa trong việc chặn các hướng chính từ Trung Quốc vào nước
ta đương thời.
Quân thủy ở Vạn Xuân có hai nhiệm vụ: một là, hỗ trợ quân ta ở lũy sông
Cầu đánh địch khi chúng vượt sông và đổ bộ tập kích địch trên bờ bắc trong
trường hợp cần thiết; hai là, chặn không cho quân thủy Tống vào tiếp ứng quân
bộ vượt sông, nếu chúng vượt qua tuyến phòng ngự của quân thủy Lý Kế
Nguyên. Như vậy, có thể hình dung căn cứ Vạn Xuân còn có ý nghĩa như một
tuyến phòng thủ thứ hai về mặt đường thủy, cũng như hào lũy sông Cầu là
tuyến phòng thủ thứ hai của tuyến phòng thủ đường bộ. Thiên tài của Lý
Thường Kiệt là ở chỗ ông đã khéo léo kết hợp hai tuyến phòng thủ thủy, bộ
“thứ hai” thành một hệ thống liên hoàn, nhằm vào đối tượng chính của cuộc
kháng chiến là quân bộ Tống.
2.3.2.2. Chiến thắng quân Tống trên chiến trường Như Nguyệt
Qua 2 tháng tiến vào Đại Việt, sau những trận đánh vượt sông Như Nguyệt
không thành công (từ ngày 18-01 đến 28-02-1077), mọi cố gắng tiến công của
quân Tống đều vô hiệu. Quân Tống thực sự lâm vào thế bị động trên chiến
trường cả về chiến lược và chiến thuật. Tình thế đã biến chuyển đến lúc cho
phép quân ta chuyển sang thế phản công chiến lược. Theo kế hoạch của Lý
Thường Kiệt, các hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn, tướng Nguyễn Căn,
Dương Minh chỉ huy một đạo quân khoảng 2 vạn, 400 chiến thuyền từ Vạn
Xuân ngược sông Như Nguyệt. Đến đoạn sông Khao Túc phía Nam núi Nham
Biền, quân ta đổ bộ lên bờ; dựa theo sườn núi Nham Biền, tiến đến trại giặc mở
10
cuộc tiến công lớn vào sườn trái đại bản doanh của Quách Quỳ. Trước sức tiến
công mãnh liệt của quân ta, quân Tống phòng ngự ở vòng ngoài chống cự không
nổi buộc phải rút chạy. Cuộc tiến công của thủy quân ta ở Khao Túc mặc dù bị
tổn thất, nhưng đã gây cho quân Tống nhiều thiệt hại về lực lượng cũng như
đảo lộn về thế trận và đã tạo điều kiện cho đại quân của Lý Thường Kiệt vượt
sông bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Đó là đòn phản công có ý
nghĩa quyết định của quân ta giáng vào quân xâm lược.
Tiểu kết chương 2
Liên tiếp trong hai thế kỷ X và XI, từ sau chiến thắng Bạch Đằng năm
938, quân dân ta đã phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống quân xâm
lược từ phương Bắc, đó là hai lần chống giặc Tống vào các năm 981 và
1075 - 1077. Trong cả hai cuộc kháng chiến đó, vùng đất Vạn Kiếp - Lục
Đầu Giang luôn giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng.
Trong hai cuộc kháng chiến, những người tổ chức và chỉ đạo chống giặc
đều xác định đúng đắn vị trí chiến lược của vùng đất này và đều có kế hoạch
chặn phá địch. Trong hai cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê và thời
Lý, vùng Vạn Kiếp - Lục Đầu Giang đều được sử dụng như một chiến trường
cản phá, kìm chân giặc. Trong kháng chiến chống giặc Tống lần thứ nhất
(năm 981), Lê Hoàn đã lập hệ thống phòng thủ từ cửa biển Bạch Đằng đến
Lục Đầu Giang với nhiều đồn trại dọc hai bên sông, trong đó quan trọng nhất
là trại Phù Lan ở khu vực Lục Đầu Giang - Phả Lại. Đại bản doanh của Lê
Hoàn cũng đóng tại vùng An Lạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay).
Tại vùng đất Vạn Kiếp - Lục Đầu Giang đã diễn ra những trận đánh ác liệt
giữa quân ta và quân giặc như trận Đồ Lỗ, trận đánh trại Phù Lan, góp phần
quan trọng trong thắng lợi chung của quân dân Đại Cồ Việt. Trong cuộc
kháng chiến chống Tống lần thứ hai (năm 1075 - 1077), Lý Thường Kiệt đã
xây dựng phòng tuyến sông Cầu dài khoảng 100 km, kéo dài từ Tam Đảo đến
Lục Đầu Giang. Về thủy binh đại bộ phận quân nhà Lý đóng tập trung ở Vạn
Xuân về phía cực Đông của phòng tuyến. Vạn Xuân là một vị trí chiến lược
trọng yếu ở vào đầu mối của tất cả các đường thủy vùng Đông Bắc. Nhiệm vụ
của đội thủy quân ở đây là sẵn sàng cơ động tiếp ứng cho mọi mặt trận khi
cần thiết và đặc biệt quan trọng là phối hợp với chủ lực bộ binh bảo vệ phòng
tuyến sông Nguyệt Đức và tổ chức phản công, thực hành những trận quyết
chiến. Nhiệm vụ này đã được hai hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn thực hiện
xuất sắc với trận đánh vào doanh trại quân Tống ở núi Nham Biền.
Trong lịch sử chống ngoại xâm, các cuộc kháng chiến chống giặc Tống thế
kỷ X, XI thực sự là những chiến công chói lọi của quân dân ra trong thời kỳ đầu
của kỷ nguyên độc lập tự chủ. Nó không chỉ biểu thị sức bật mạnh mẽ của một
dân tộc từng bị dồn nén trong hơn một ngàn năm dưới ách thống trị của phương
11
Bắc, mà còn là thành tựu rực rỡ của nhân dân ta trong dựng nước và giữ nước
trên con đường bước vào kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng.
Chương 3
VẠN KIẾP TRONG KHÁNG CHIẾN
CHỐNG QUÂN MÔNG - NGUYÊN XÂM LƯỢC CUỐI THẾ KỶ XIII
3.1. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược cuối thế
kỷ XIII
3.1.1. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ
hai (1285)
Ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thân (27-1-1285), quân Mông - Nguyên
tiến đến biên giới, chia làm hai cánh tiến vào xâm lược nước ta.
Sau khi vượt qua ải Khâu Cấp (Lạng Sơn), quân Mông - Nguyên phải giao
chiến với quân đội nhà Trần ở ải Khả Ly, Động Bản, Nội Bàng (Bắc Giang).
Ngày 11-2-1285, Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Ngày 19-2-
1285, giặc chiếm Thăng Long. Từ đó giặc đang trên thế mạnh, tiến đánh càn
quét nhiều nơi. Cánh quân của Toa Đô cũng từ Champa đánh thúc ra. Nhưng
khắp nơi nhân dân ta thực hiện “vườn không nhà trống” khiến giặc không cướp
được lương thực. Sau lưng địch, các đội dân binh ngày đêm hoạt động, liên tục
tiêu hao sinh lực của chúng Tới tháng 5 năm 1285, quân ta bắt đầu phản
công. Mở đầu chiến dịch, Trần Hưng Đạo hạ đồn A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử,
Chương Dương đã phá vỡ hoàn toàn phòng tuyến của quân Mông - Nguyên
dọc sông Hồng. Khai thông được sông Hồng, quân ta tiến về Thăng Long.
Thoát Hoan phải quyết định rút về nước để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Các trận
mai phục ở sông Như Nguyệt, ở Vạn Kiếp đã tiêu diệt vô số quân giặc.
Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để lính khiêng chạy mới thoát chết.
Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai vô cùng gay go,
ác liệt nhưng chính vì thế mà thắng lợi của dân tộc ta càng vang dội.
3.1.2. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần ba
(1287 - 1288)
Tháng 12 năm 1287, Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn quân Mông - Nguyên chia
ba đường đánh vào nước ta. Theo kế hoạch của Trần Hưng Đạo, quân ta chặn
đánh một số trận ở vùng biên giới rồi dần dần rút lui, tránh quyết chiến ban đầu
với giặc. Quân địch tiến xuống Vạn Kiếp.
Tại Vân Đồn, Trần Khánh Dư đánh tan đoàn binh thuyền chở 70 vạn thạch
lương do Trương Văn Hổ chỉ huy. Về phía địch, sau cuộc hội quân thủy, bộ ở
Vạn Kiếp, Thoát Hoan cố xây dựng vùng đất này thành một căn cứ quân sự
cho cả quân thủy lẫn quân bộ. Ngày 27-1-1288, Thoát Hoan chia quân tiến về
Thăng Long. Y tung quân đi truy kích vua Trần, nhưng không đạt kết quả.
Thoát Hoan quay về Thăng Long lo củng cố vùng chiếm đóng. Sau trên một
12
tháng chiếm đóng, hắn đành phải bỏ Thăng Long rút về bên kia sông, trở lại
Vạn Kiếp. Về Vạn Kiếp, Thoát Hoan cũng không yên ổn vì liên tục bị các lực
lượng vũ trang của ta tập kích. Rồi nạn thiếu lương thực ngày càng trầm trọng,
quân sĩ ốm đau nhiều. Cuối cùng, Thoát Hoan đành ra lệnh “rút quân”, chia
quân làm hai đạo theo hai đường thủy, bộ mà rút. Ngày 30-3-1288, Ô Mã Nhi
chỉ huy quân thủy từ Vạn Kiếp đi ra biển. Ngày 9-4-1288, toàn bộ chiến
thuyền này đã sa vào bãi cọc Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo và bị dìm sâu
xuống đáy sông, tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt sống.
Còn cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy rút theo ngả Lạng Sơn luôn luôn
gặp phải quân ta, luôn luôn bị tiêu hao sinh lực, luôn luôn phải lẩn tránh, luồn
rừng lội suối, để đến tận ngày 19-4-1288 Thoát Hoan mới vượt được biên giới
về đến phủ Tư Minh.
3.2. Trần Hưng Đạo xây dựng thái ấp, đại bản doanh Vạn Kiếp trong
cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên
3.2.1. Thái ấp Vạn Kiếp
3.2.1.1. Chế độ ban cấp thái ấp thời Trần
Thời Trần, khi phong cấp thái ấp, nhà Trần có ý thức giao cho các vương
hầu trấn giữ những vùng quan yếu của đất nước, nhưng về cơ bản các thái ấp
trên đây phần lớn nằm ở hai hướng: phía Nam và Đông Bắc Thăng Long. Đó
cũng chính là hai con đường nước quan trọng được nhà Trần chú trọng bảo vệ
và bố trí một hệ thống thái ấp đậm đặc hơn cả.
Hai hướng này là hai con đường tiến quân của quân xâm lược từ phía Nam
và phía Bắc. Nên, các thái ấp với tư cách là các chốt quân sự quan trọng được
bố trí ở những vị trí nhằm thực hiện mục đích quốc phòng thời bình và từng
bước chặn đường tiến quân của quân xâm lược trong thời chiến.
Địa bàn thái ấp, ấp thang mộc nằm trên con đường từ biển Đông Bắc vào
Thăng Long tạo nên một hệ thống liên hoàn. Trong đó quan trọng hơn cả là
thái ấp Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo.
3.2.1.2. Thái ấp Vạn Kiếp
Thái ấp Vạn Kiếp là một vùng rộng lớn ở phía Tây Bắc thị xã Chí Linh và
một phần phía Nam huyện Lục Nam (Bắc Giang) hiện nay; bao gồm khu vực
phủ đệ được xây dựng ở thung lũng Kiếp Bạc và cánh đồng Vạn Yên với các
di tích Hành Cung, Sinh Từ, Trại Lính, Khe Giun, núi Đông Hoàn, Hang Tiền.
Trong khu vực phủ đệ, có nhiều công trình kiến trúc nhà cửa, mà khảo cổ học
đã phát hiện được một sân gạch và nhiều nền nhà nối tiếp nhau.
Thái ấp Vạn Kiếp đã tồn tại các hoạt động đa dạng của nghề thủ công, như
sản xuất đồ gốm, gạch ngói, đồ dùng sinh hoạt như bát đĩa, thạp gốm, đồ trang
trí như đầu rồng, phượng. Trong thái ấp, việc sản xuất lương thực, thực phẩm
cũng được đặc biệt chú ý, Trần Hưng Đạo đã giao cho phu nhân là Thiên
Thành công chúa, xây dựng khu vực sản xuất hậu cần ở Trung Quê và hệ thống
kho tàng tích trữ lương thực như Hố Thóc, Kho Lương, Chùa Gạo.
13
Ngoài ra, quân dân trong thái ấp còn tự đóng thuyền phục vụ sinh hoạt và
luyện tập thủy quân. Trong thái ấp cũng có khu vực trồng cây thuốc nam và
những người làm nghề thuốc nam để chữa bệnh trị thương cho binh sĩ và phục
vụ nhân dân trong thái ấp. Thái ấp Vạn Kiếp còn có chùa Nam Tào, chùa Bắc
Đẩu phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần cho cư dân Vạn Kiếp. Việc phát hiện
di tích Hang Tiền có thể dự đoán đây là nơi cất giấu tiền, phục vụ nhu cầu mua
sắm vũ khí, thuyền chiến và lương thực, thực phẩm cho chiến tranh.
3.2.2. Đại bản doanh Vạn Kiếp
3.2.2.1. Xây dựng hệ thống thành lũy
Đại bản doanh Vạn Kiếp được bảo vệ bởi sông Lục Đầu và hệ thống thành
luỹ dọc sông, phía trong là những dãy đồi núi cao bao bọc ba mặt Bắc, Đông,
Nam của đại bản doanh. Trần Hưng Đạo cho xây dựng thành Linh Sơn trên núi
Chí Linh để bảo vệ quân doanh Vạn Kiếp. Thành được Trần Hưng Đạo xây
dựng dựa vào địa hình tự nhiên của núi Chí Linh, kết hợp với núi Phả Lại ở đối
ngạn tạo thành một gọng kìm khống chế khu vực cửa sông Đuống. Hỗ trợ cho
hệ thống phòng thủ ở đại bản doanh Vạn Kiếp còn có Nhất Tự Thành (thành
hình chữ Nhất), xây dựng ở những khu vực thung lũng ven sông Lục Đầu,
không có đồi núi. Ngoài ra, dựa vào vị trí thuận lợi của sông Lục Đầu với các
ngọn núi nhô tận sát bờ sông, Trần Hưng Đạo xây dựng các trạm gác, cứ điểm
trên các đỉnh núi dọc hai bên sông như núi Ngọc, núi Phả Lại, núi Dược Sơn,
núi Vạn Kiếp, núi Trạm, núi Dinh Sơn, núi Phượng Sơn, núi Cổ Phao, biến
khu vực này thành một căn cứ cho cả quân thủy lẫn quân bộ của ta.
3.2.2.2. Khu vực luyện quân
Nơi đóng, luyện tập thủy quân: Bên cạnh các khu vực hậu cần, sản xuất
gốm, đóng thuyền, làm thuốc, Vạn Kiếp còn là nơi tập trung lực lượng quân
đội khá đông. Nếu dãy Huyền Đinh là nơi đóng và luyện tập của quân bộ, thì
sông Lục Đầu và các sông ngòi, hồ đập trong thái ấp là nơi thủy quân đóng,
luyện tập. Vạn Kiếp với địa hình nhiều sông ngòi, hồ đập rất thuận tiện cho
việc tập luyện thủy quân như sông Lục Đầu, sông Vang, sông Đông Mai, hồ
Bến Tắm
Nơi đóng, luyện tập quân bộ: Địa điểm luyện quân của Trần Hưng Đạo
nằm ở khu vực núi Huyền Đinh xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, Bắc
Giang) và xã Hoàng Hoa Thám, xã Bắc An (thị xã Chí Linh, Hải Dương). Đây
là vùng có địa thế quân sự hiểm yếu lại gần ải Nội Bàng, nơi quân giặc tiến
binh qua. Từ đây có thể đi Đông Triều (Quảng Ninh) hoặc theo thung lũng Lục
Ngạn lên Lộc Bình bắt theo đường số 4 sang Đình Lập, lại theo đường bộ số
13 mà lên biên giới. Ngoài tuyến đường vòng này, có thể xuất quân theo thung
lũng Lục Ngạn qua Biển Động (Động Bản), An Châu, Đình Lập đến thẳng cửa
ải (Ải Điểm) để sang Trung Quốc Trần Hưng Đạo với tài thao lược quân sự
đã chọn khu vực Nghĩa Phương làm nơi trú quân, luyện tập binh mã, tích trữ
lương thảo và làm hậu cứ cho việc đánh quân Mông - Nguyên cũng như tạm
14
rút lui khi thế giặc mạnh để bảo toàn lực lượng. Nhiều dấu tích và di tích hiện
còn lưu giữ đến ngày nay đã nói lên điều đó.
3.3. Vạn Kiếp nơi diễn ra những trận quyết chiến trong cuộc kháng
chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược
3.3.1. Trận Vạn Kiếp - Lục Đầu tháng 2 năm 1285
Tháng 2 năm 1285, sau trận giao chiến quyết liệt với quân Mông - Nguyên
ở ải Nội Bàng, Trần Hưng Đạo lui về Vạn Kiếp lập một phòng tuyến lớn trên
sông Bình Than để ngăn chặn bước tiến của quân thù.
Ngày 6 tháng Giêng năm Ất Dậu (11-2-1285), Ô Mã Nhi bắt đầu chia quân
tấn công vào các căn cứ của quân ta ở Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Một cuộc
chiến đấu ác liệt đã xảy ra trên phòng tuyến sông Lục Đầu. Quân bộ của địch
đánh vào các cứ điểm của quân ta ở hai bờ sông. Quân ta chống trả mãnh liệt.
Thế quân giặc rất mạnh. Vua Trần đã đem các quân Thánh Dực và hơn một
nghìn chiến thuyền đến tăng viện cho Trần Quốc Tuấn. Cuộc chiến đấu anh
dũng của quân ta kéo dài bốn ngày.
Mặc dầu có quân tiếp viện và đã chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, Trần
Hưng Đạo nhận thấy chưa thể chặn đứng được bước tiến của giặc và dễ dàng
chiến thắng chúng cho nên sau trận đánh ngày 14-2-1285, quân ta đã rút khỏi
các địa điểm Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than.
3.3.2. Trận Vạn Kiếp tháng 6 năm 1285
Tháng 6 năm 1285, nhằm tiêu diệt đội quân chủ lực do Thoát Hoan cầm
đầu trên đường rút chạy khỏi Đại Việt, Trần Hưng Đạo quyết định chọn Vạn
Kiếp làm nơi quyết chiến chiến lược. Tại đây, ông đã giao cho Phạm Ngũ Lão
một vị dũng tướng đầy mưu lược chỉ huy, bí mật chiếm lĩnh các ngọn đồi, dãy
núi xung quanh Vạn Kiếp.
Trận Vạn Kiếp diễn ra trong không gian kéo dài khoảng 7km từ núi Phả
Lại đến bến Vạn Kiếp. Trên chiến địa này, Trần Hưng Đạo không tập trung
chủ lực đánh vào hậu vệ của địch. Tiêu diệt địch theo khả năng đó không
khó khăn lắm, song làm như vậy, chủ lực của chúng sẽ dễ dàng chạy thoát
về bên kia biên giới. Để giải quyết vấn đề, Trần Hưng Đạo chỉ dùng
khoảng hai vạn quân đánh vào hậu vệ. Phía trước, ông cho chủ lực ta hành
quân gấp, đánh chặn vào sườn chủ lực địch đang vận động qua sông, chia
cắt đội hình của chúng rồi liên tục truy kích, phối hợp với các đạo quân của
Phạm Ngũ Lão và Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, đánh tan được mấy
vạn quân chủ lực còn lại của chúng.
Chiến thắng Vạn Kiếp càng chứng tỏ mưu cao mẹo giỏi, tài điều binh khiển
tướng của Tiết Chế Trần Hưng Đạo. Trận đại thắng này đã hoàn thành một
cách xuất sắc, đánh đại bại đoàn quân xâm lược được mệnh danh là tinh nhuệ
nhất thời bấy giờ. Cùng với chiến thắng Như Nguyệt, Vĩnh Bình, nó đã góp
phần quyết định vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống xâm lược
Nguyên Mông lần hai.
15
3.3.3. Các trận đánh tại Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân
Mông - Nguyên năm 1288
Nhận thấy vai trò quan trọng của khu vực Vạn Kiếp trong kế sách đánh
phòng của quân đội nhà Trần, trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1288;
tướng giặc Thoát Hoan đã chiếm đóng vùng Vạn Kiếp - Lục Đầu, biến nơi này
thành một căn cứ vững chắc rồi mới tiến quân. Ngày 26 tháng 12, Minh tự
Nguyễn Thức lấp cửa sông Đuống, đánh nhau với giặc. Một trận đánh ác liệt
đã xảy ra trên sông nước Bình Than. Quân ta giành thắng lợi, nhưng vẫn tạm
lánh, để cho đại quân giặc đi qua rồi trở lại hoạt động ở vùng sau lưng địch.
Sau khi chiếm được Thăng Long, Thoát Hoan ra sức tìm bắt vua Trần,
nhưng hoàn toàn thất bại. Đến đầu tháng 3, Thoát Hoan phải sai A-ba-tri đi
tiên phong, đem quân đánh mở đường và bắc cầu để tiến về Vạn Kiếp. Nhưng
đường về Vạn Kiếp đâu có phải dễ đi. Quân ta đã tổ chức nhiều trận đánh ở
Tam Giang khẩu, trại Phù Sơn. Bị quân ta tấn công mãnh liệt, lại thiếu lương
và đau ốm, quân Nguyên ngày càng tiến gần đến nguy cơ bị tiêu diệt. Tinh
thần của giặc tan rã hoàn toàn. Cuối cùng, Thoát Hoan quyết định chia làm hai
đạo quân theo hai đường thuỷ, bộ rút về nước.
Tiểu kết chương 3
Nếu như trong các cuộc kháng chiến chống Tống thế kỷ X, XI vùng Vạn
Kiếp đã đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ đất nước của các
vị tướng Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, thì sang thế kỷ XIII, Quốc công tiết chế
Trần Hưng Đạo với nhãn quan quân sự thiên tài đã lợi dụng triệt để ưu thế của
vùng đất này, xây dựng Vạn Kiếp thành đại bản doanh quân sự quan trọng bậc
nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên cuối thế kỷ XIII.
Từ sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258,
Trần Hưng Đạo đã về xây dựng thái ấp ở Vạn Kiếp. Với các dấu tích hiện còn
chúng ta thấy thái ấp Vạn Kiếp bao gồm nhiều khu vực với chức năng khác
nhau. Khu vực phủ đệ được xây dựng ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc và
cánh đồng Vạn Yên, ở đây ngoài nhà ở còn có nơi làm việc, nơi tiếp đón nhà
vua và các triều thần khi về Vạn Kiếp, có nơi cất giấu tiền để mua sắm vũ khí,
lương thực, có trại lính và các đồn bốt bảo vệ. Khu vực sản xuất bao gồm các
ngành nghề sản xuất gốm, đóng thuyền, trong đó nổi bật là khu vực sản xuất
lương thực thực phẩm với căn cứ hậu cần ở Trung Quê và các vùng phụ cận.
Để phục vụ cho căn cứ hậu cần Trung Quê, Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng
hệ thống kho tàng tích trữ lương thực ở Hố Thóc, Kho Lương, chùa Gạo mà
các di tích, địa danh hiện còn đã xác nhận điều đó. Bên cạnh đó, Trần Hưng
Đạo cũng xây dựng khu vực luyện quân trên sông Lục Đầu, Hồ Bến Tắm, Suối
Mỡ và khu vực chữ bệnh, trị thương cho binh sĩ ở Dược Sơn, Ao Cháo. Khi
chiến tranh xảy ra, với tiềm lực kinh tế sẵn có, Trần Hưng Đạo xây dựng Vạn
Kiếp trở thành đại bản doanh quân sự với hệ thống thành lũy, đồn bốt dọc sông
16
và trên các đỉnh núi cao như thành Linh Sơn, Nhất Tự Thành, phát triển vùng
sản xuất lương thực thực phẩm tới sát chân núi Huyền Đinh, Yên Tử. Vạn
Kiếp trở thành căn cứ chiến lược “tiền công, hậu thủ vững chắc”, việc giấu
quân, mai phục và đánh úp đều tiện lợi. Nơi đây có thể vừa kết hợp xây dựng
quân doanh kháng chiến với xây dựng binh xưởng, cơ sở sản xuất phục vụ
chiến đấu, xây dựng hậu cứ quân sự tại chỗ mà địch không thể lường.
Vì thế, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII
Vạn Kiếp là phòng tuyến chiến lược trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành
Thăng Long. Đây là nơi diễn ra nhiều trận quyết chiến chiến lược giữa ta và
giặc mà đỉnh cao là chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285. Vạn Kiếp còn là nơi cung
cấp hậu cần tại chỗ cho quân đội của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo và
các cánh quân trấn giữ phía Bắc phòng tuyến Đông Bắc từ ải Nội Bàng đến
Vạn Kiếp.
Chương 4
ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÕ, CỦA VẠN KIẾP TRONG LỊCH SỬ CHỐNG
NGOẠI XÂM TỪ THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XIII VÀ MỘT SỐ BÀI HỌC
KINH NGHIỆM
4.1. Đặc điểm
4.1.1. Là nơi có vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự; có đồi núi, rừng rậm,
sông sâu, vừa có thế công, vừa có thế thủ.
Vạn Kiếp là mộ căn cứ quân sự hiểm yếu, phía sau là muôn ngàn ngọn núi
của dãy Huyền Đinh, Yên Tử, phía trước là dòng sông Lục Đầu. Phía Tây Bắc
được che chắn bởi các ngọn núi của hệ dải Bắc Sơn, nơi hội tụ của các dãy núi
và thung lũng, xoè ra như nan quạt hình vòng cung về mạn Bắc và Tây Bắc.
Phía Đông Nam được ôm che bởi các dãy núi Phao Sơn, Phượng Hoàng,
Thanh Mai thuộc hệ dải Đông Triều, tấm bình phong che chở ở phía Bắc mở
đường đi lên các “thượng đạo” xuyên hết miền Đông Bắc của Tổ quốc khiến
cho “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Địa
hình Vạn Kiếp rõ ràng đáp ứng những điều kiện tối cần thiết của một địa điểm
đóng quân mà các bộ Binh thư cổ của phương Đông đã chỉ dẫn.
So với căn cứ Trường Yên (Ninh Bình), Thiên Trường, Lưu Đồn (Nam
Định), chúng ta thấy chỉ đóng quân ở Vạn Kiếp mới ngăn chặn được cả quân
thủy bộ của giặc, các căn cứ khác không thể có được ưu thế này. Hơn nữa, với
một căn cứ kháng chiến phải đáp ứng được yêu cầu về quân sự và kinh tế, phải
tự túc, tự cấp lương thực. Thiên Trường mang chức năng hành chính nhiều hơn
quân sự. Địa hình tự nhiên cũng không có nhiều ưu thế về quân sự, đây chỉ là
hậu cứ của triều đình nhà Trần, chứ không thể là chiến tuyến phòng chống giặc
bảo vệ mặt Nam kinh thành Thăng Long được. Căn cứ Trường Yên (Ninh Bình)
17
chỉ có thủ mà khó công, nhất là khi bị giặc Mông - Nguyên bao vây, Toa Đô từ
Thanh Hóa ra, Ô Mã Nhi từ Thiên Trường đuổi vào.
4.1.2. Là địa bàn chiến lược để tổ chức chặn đánh đường tiến quân của
giặc vào kinh đô Hoa Lư, Thăng Long.
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ
XIII, Vạn Kiếp là đầu mối huyết mạch giao thông thuỷ, bộ trấn giữ cửa ngõ
phía Đông kinh thành Thăng Long, có nguồn nhân tài, vật lực phong phú, có vị
trí chiến lược trọng yếu.
Năm 981, Hầu Nhân Bảo chỉ huy quân Tống xâm lược nước ta. Thuỷ binh
tiến theo đường ven biển đến sông Bạch Đằng, ngược vào khu vực sông Lục
Đầu để phối hợp với đạo quân bộ theo đường duyên hải Quảng Ninh, Đông
Triều tiến đến, chuẩn bị lực lượng tấn công Hoa Lư. Dự đoán được các hướng
tiến công xâm lược của đối phương, Lê Hoàn cùng bộ chỉ huy đã đóng đại bản
doanh tại Dược Đậu Trang (An Lạc, Chí Linh) xây dựng tuyến phòng thủ gồm
một số đồn, trại từ sông Bạch Đằng, theo sông Kinh Thầy đến khu vực Vạn
Kiếp - Lục Đầu Giang.
Năm 1076, Quách Quỳ thống suất đại quân Tống tiến vào xâm lược nước
ta. Lý Thường Kiệt xác định quân Tống sẽ tiến hành cuộc chiến tranh xâm
lược nước ta bằng cả lực lượng bộ binh, kỵ binh và thủy binh. Điểm hội quân
của cả quân bộ lẫn quân thuỷ Tống là bờ Bắc sông Cầu. Lý Thường Kiệt đã
chủ động xây dựng một chốt quân thuỷ rất lớn ở Vạn Xuân (Lục Đầu), với 2
vạn quân và 500 thuyền chiến do hai thái tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy
với hai mục đích: Thứ nhất, là hỗ trợ cho đại quân ta ở luỹ sông Cầu đánh địch
khi chúng vượt qua sông và đổ bộ tập kích địch bên bờ Bắc trong trường hợp
cần thiết; thứ hai, là đánh chặn không cho quân thuỷ của nhà Tống vào tiếp
ứng quân bộ vượt sông.
Trong hai lần xâm lược lược nước ta cuối thế kỷ XIII, quân Mông - Nguyên
đều theo đường từ Lạng Sơn qua ải Chi Lăng qua thung lũng sông Lục Nam về
Vạn Kiếp. Quân thủy của giặc cũng từ vùng biển Trà Cổ tiến vào Vân Đồn qua
cửa Bạch Đằng ngược vào Lục Đầu Giang phối hợp cùng cánh quân bộ trước
khi tiến công vào Thăng Long. Vạn Kiếp luôn là một căn cứ quân sự chiến lược,
không chỉ với quân ta, mà cả với quân Mông - Nguyên. Với nhãn quan quân sự
thiên tài, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã xây dựng Vạn Kiếp, từ một thái
ấp trở thành đại bản doanh quân sự cực kỳ quan trọng, trong cuộc kháng chiến
chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).
Như vậy, Vạn Kiếp có vị trí quân sự cực kỳ quan trọng, là phòng tuyến
chiến lược bảo vệ kinh đô Thăng Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.
4.1.3. Có nguồn hậu cần tại chỗ dồi dào, đảm bảo khả năng tự cung tự cấp.
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, vấn đề hậu cần luôn được
triều đình quan tâm đặc biệt. Trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 và
18
cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075 - 1077, quân dân ta chủ yếu là khai
thác nguồn hậu cần tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến; trong cuộc kháng chiến
chống quân Mông - Nguyên cuối thế kỷ XIII, tổ tiên ta đã xây dựng được
những căn cứ hậu cần vững mạnh, một nền kinh tế kháng chiến dồi dào không
những đảm bảo tự cung, tự cấp cho nhu cầu tại chỗ mà còn chi viện, đáp ứng
một phần theo yêu cầu của các chiến trường.
Để xây dựng được nguồn hậu tại chỗ dồi dào, đảm bảo được khả năng tự
cung tự cấp cho các đơn vị, Trần Hưng Đạo cùng phu nhân là Thiên Thành
Công chúa đã xây dựng căn cứ hậu cần lớn ở khu vực Trung Quê, Nẫm, Hố
Thóc, Thanh Tảo phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng diện tích sản xuất,
xây dựng hệ thống kho tàng để tích trữ lương thảo. Đất đai Vạn Kiếp được phù
sa sông Lục Đầu bồi đắp, phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Diện tích rộng
canh tác rộng lớn. Hệ thống núi đồi, sông ngòi dày đặc cung cấp nguồn động
vật và thủy sản tự nhiên dồi dào cho thái ấp. Cùng với khu vực sản xuất lương
thực, thực phẩm ở Trung Quê, Trần Hưng Đạo còn cho phát triển một khu hậu
cần ở hữu ngạn sông Lục Đầu thuộc xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc
Giang (cách khu vực hậu cần Trung Quê khoảng 10km).
Để cung cấp lương thực cho mặt trận này, Trần Hưng Đạo đã cho vận
chuyển thóc gạo từ các kho chứa lương ở Hố Thóc, Kho Lương, Chùa Gạo theo
đường sông Vang, Ngòi Mo tập trung ở Bãi Thảo, Đa Cốc vận chuyển theo
đường rừng tới khu vực Suối Mỡ, nơi đóng quân của Trần Hưng Đạo. Từ đây đi
tắt đường rừng sang ải Nội Bàng. Sau trận đánh ải Nội Bàng, Trần Hưng Đạo
rút về Vạn Kiếp tập trung binh lực các vương hầu lên đến 20 vạn người, cùng
hàng nghìn chiến thuyền, đó là chưa kể quân đội của Trần Hưng Đạo và nhân
dân trong thái ấp. Tổng số ước chừng khoảng trên 30 vạn người, chắc chắn căn
cứ hậu cần Trung Quê và các khu vực hậu cần phụ cận ở Bình Lương (Yên
Dũng), Bàng Hà (Thanh Hà, Hải Dương) phải được chuẩn bị kĩ càng, lương
thực tại chỗ dồi dào mới đủ cung cấp cho đội quân trên.
4.2. Vai trò
4.2.1. Căn cứ chiến lược bảo vệ kinh đô Hoa, Lư, Thăng Long
Với hình sông, thế núi hiểm yếu lại là nơi hợp điểm hai cánh quân thủy bộ
của giặc, nên khu vực Vạn Kiếp có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ
các trung tâm chính trị hành chính trọng đại của quốc gia. Nhìn từ Hoa Lư,
Thăng Long, trong xu thế phát triển và phòng ngự đất nước, khu vực Vạn Kiếp
nằm giữa xứ Bắc và xứ Đông kinh đô Thăng Long, được Nguyễn Trãi xếp là
nơi phên dậu thứ nhất trong tứ trấn. Khi phải bỏ Vạn Kiếp thì việc rút khỏi
Thăng Long coi như đã được quyết định.
4.2.2. Chiến trường cản phá, kìm chân giặc; hỗ trợ cho hoạt động chiến
đấu của quân dân các địa phương.
Vạn Kiếp với ưu thế về vị trí địa lý, là đầu mối hội tụ của các luồng giao
thông thủy bộ quan trọng nhất, nối thông vùng Đông Bắc với các trung tâm
19
chính trị hành chính của đất nước, nổi lên như một vị trí cực kì quan trọng.
Trong các cuộc kháng chiến, những người tổ chức và chỉ đạo chống giặc đều
xác định đúng đắn vị trí chiến lược của Vạn Kiếp và đều có kế hoạch chặn phá
địch tại đây. Trong các cuộc kháng chiến từ thế kỷ X đến XIII, khu vực Vạn
Kiếp đều được sử dụng như một chiến trường cản phá, kìm chân giặc.
Chiến trường Vạn Kiếp là tuyến phòng thủ, trước mắt nhằm bảo vệ kinh
thành Thăng Long, bảo vệ vùng đồng bằng phì nhiêu đông dân, nhiều của,
trung tâm của đất nước không bị nhanh chóng rơi vào tay giặc. Sau đó, biến
thời gian thành lực lượng, giam hãm quân địch trong một không gian nhất định
nhằm làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng; đồng thời
khoét sâu vào những khó khăn, nhược điểm của quân đội đi xâm lược, xa
nước, xa hậu phương; còn ta chủ động tạo thời cơ tiến hành phản công nhằm
quét sạch quân thù ra khỏi đất nước.
4.2.3. Chia cắt quân thủy, bộ của giặc tập trung hội quân
Trong các cuộc hành binh xâm lược của giặc phương Bắc, chúng thường
phải đi đường thuỷ vào sông Bạch Đằng, ngược sông Kinh Thầy, tập kết ở Vạn
Kiếp, sau đó kết hợp cùng với cánh quân bộ theo đường ven biển Đông Bắc,
qua Đông Triều (thế kỷ X), hoặc từ Lạng Sơn xuống, tạo thành hai gọng kìm
tấn công vào Thăng Long. Vì thế, đối với quân xâm lược, Vạn Kiếp là nơi hợp
điểm giữa quân thủy và quân bộ, từ đây thủy bộ hỗ trợ nhau tấn công kinh đô
Thăng Long. Đối với quân ta, Vạn Kiếp ngoài vai trò là căn cứ chiến lược bảo
vệ phía Đông kinh đô Thăng Long, còn có nhiệm vụ đánh tan các cánh quân
thủy, bộ của giặc, làm thất bại âm mưu hội quân của chúng. Nếu không thực
hiện tốt được nhiệm vụ này, để cho quân bộ và quân thủy giặc hội quân ở Vạn
Kiếp, quân dân ta sẽ gặp nhiều bất lợi trong chiến lược phòng thủ đất nước,
ảnh hưởng rất lớn đến cục diện chiến tranh. Qua diễn biến các cuộc kháng
chiến chống ngoại xâm từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII, quân dân ta đã hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ chia cắt quân thủy bộ của giặc, gây cho chúng những khó
khăn trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch xâm lược nước ta, góp phần quan
trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
4.3. Bài học kinh nghiệm
4.3.1. Xây dựng căn cứ chiến lược, tuyến phòng thủ vững mạnh
Do căn cứ chiến lược là điều kiện tiên quyết để tiến hành đấu tranh vũ
trang nên hầu như tất cả các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đều có căn
cứ chiến lược.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược thế kỷ X, nhằm chặn
đứng và đánh bại quân địch trên cả hai tuyến thủy, bộ ở vùng đất địa đầu miền
Đông Bắc, Lê Hoàn đã bố trí lực lượng dọc theo tuyến sông Bạch Đằng, Kinh
Thầy, kéo dài cho đến vùng Lục Đầu Giang, trong đó lực lượng tập trung cao
nhất ở vùng cửa biển Bạch Đằng là nơi đoàn thuyền chiến của quân Tống vừa
mới từ biển tiến vào và vùng Lục Đầu Giang là nơi hợp điểm của hai đoàn
20
quân thủy, bộ. Vì ý thức được vị trí trọng yếu của toàn tuyến phòng thủ từ cửa
sông Bạch Đằng cho đến Lục Đầu Giang nên Lê Hoàn đã xây dựng căn cứ ở
Dược Đậu trang để trực tiếp chỉ huy mặt trận này.
Từ cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258, nhà Trần rút ra bài
học phải có căn cứ quân sự, có hậu phương để rút lui, phòng ngự. Vì thế, trong
cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên cuối thế kỷ XIII, nhà Trần đã
xây dựng nhiều căn cứ quân sự phục vụ cuộc kháng chiến như căn cứ Vạn
Kiếp ở phía Đông Bắc, căn cứ Thiên Trường, Trường Yên, Lưu Đồn phía
Namnhằm phát huy tiềm lực đất đai, của cải, con người của từng địa phương
vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày nay, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã thực
hiện chủ trương chiến lược: xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng
thủ vững chắc, tạo cơ sở nền tảng cho việc củng cố nền quốc phòng toàn dân
vững mạnh. Xét ở góc độ nào đó, có thể khu vực phòng thủ hiện nay có đặc
điểm và nội dung khác với căn cứ chiến lược, tuyến phòng thủ trước đây,
nhưng cần khẳng định có sự kế thừa về tư tưởng, nghệ thuật quân sự.
4.3.2. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và quân sự
Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm giai đoạn thế kỷ X đến XIII cho thấy
vấn đề kinh tế và quân sự luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, không chỉ đối với
quân ta mà còn đối với cả quân giặc. Sở dĩ trong cuộc kháng chiến chống
Tống, Lê Hoàn nhiều lần di chuyển đại bản doanh vì những nơi Ông đóng
quân có ưu thế về quân sự nhưng lại hạn chế về việc đảm bảo hậu cần; chỉ đến
khi chuyển đại bản doanh về đóng ở Dược Đậu trang - nơi có núi sông hiểm
trở, thích hợp cho việc giấu quân, mai phục, lại có những cánh đồng phì nhiêu,
có thể tự cung tự cấp hậu cần thì ông mới đóng đại bản doanh ở đó cho đến khi
kết thúc cuộc kháng chiến.
Thời Trần, thái ấp của thân vương, quý tộc nhà Trần vừa mang tư cách là
một tổ chức chính trị - quân sự, vừa hoạt động theo hướng là một đơn vị kinh
tế - xã hội độc lập. Thái ấp Vạn Kiếp là minh chứng rõ nét nhất cho sự kết hợp
giữa kinh tế và quân sự. Trần Hưng Đạo đã xây dựng Vạn Kiếp thành một thái
ấp có quy mô rộng lớn và phát triển mạnh mẽ về kinh tế với nhiều ngành nghề
như: chăn nuôi, trồng trọt, đánh cá, làm thuốc nam, đóng thuyền Đặc biệt là
nghề sản xuất gốm sứ, gạch ngói rất phát triển; hệ thống các di vật rất phong
phú về chủng loại đa dạng về loại hình, kỹ thuật chế tác tinh xảo việc xây
dựng phát triển khu vực hậu cần Trung Quê cho thấy tiềm lực kinh tế của thái
ấp Vạn Kiếp không phải là nhỏ.
Khi quân Mông - Nguyên chuẩn bị xâm lược nước ta, Trần Hưng Đạo lại
xây dựng Vạn Kiếp từ thái ấp thành đại bản doanh quân sự với hệ thống thành
lũy, đồn bốt, trạm gác, hệ thống kho tàng, khu vực luyện tập quân sự. Lực
lượng gia nô trong thái ấp thời bình là lực lượng lao động chính, khi chiến
tranh được huấn luyện quân sự, tham gia vào các đội quân “vương hầu gia
21
đồng”. Vạn Kiếp không chỉ là phòng tuyến quân sự mà còn là khu vực có điều
kiện kinh tế, văn hoá xã hội khá phát triển, là mô hình kết hợp khá chặt chẽ
giữa quốc phòng và kinh tế. Trong căn cứ thời bình là cơ sở kinh tế, lúc đất
nước có chiến tranh thì sử dụng cơ sở kinh tế đó phục vụ cho cuộc kháng
chiến, là chỗ dựa quan trọng của triều đại Trần, góp phần to lớn vào thắng lợi
của cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên xâm lược.
4.3.3. Sử dụng khéo léo các binh chủng, việc phối hợp, hợp đồng giữa
quân bộ và quân thủy, giữa chủ lực và các lực lượng tại chỗ.
Trong thực tế chiến đấu, mỗi “binh chủng” đều có ưu điểm và nhược điểm
riêng. Dù cho đảm nhận một nhiệm vụ chủ yếu nào đấy, binh chủng ấy vẫn cần
có sự hiệp đồng của các binh chủng khác. Ưu điểm của bộ binh là có thể khắc
phục được nhược điểm của kỵ binh trong các hình thức, các giai đoạn, các tình
huống khác nhau của chiến đấu. Đặc biệt là phát huy ưu thế của thủy binh, cơ
động nhanh bằng thuyền của thủy binh và bộ binh. Nếu khéo léo sử dụng và tổ
chức chu đáo sự hiệp đồng giữa các binh chủng thì mới đi đến thắng lợi.
Quân đội của nước ta giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XIII chủ yếu do quân
bộ hợp thành. Đối phó với những kẻ thù dày dặn kinh nghiệm chiến đấu như
quân Tống, quân Mông - Nguyên, nếu quân đội của chúng ta chỉ đơn độc dùng
bộ binh, chắc chắn không thể hoàn thành tốt được mọi nhiệm vụ, kể cả khi tấn
công lẫn khi phòng ngự. Để khắc phục tình trạng trên, những người lãnh đạo
các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã đưa quân thủy cùng tham chiến với
phương châm “dĩ đoản chế trường”.
Do vị trí đặc biệt của mình, Vạn Kiếp đã trở thành hướng quan trọng trong
các cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù từ phương Bắc. Đây chẳng những là
một vị trí chiến lược cơ động mà còn là một vị trí chiến thuật có địa hình hết
sức thuận lợi để hiệp đồng tác chiến giữa quân bộ và quân thủy. Chính vì vậy
mà đã nhiều lần, quân ta lấy nơi này làm điểm xung yếu để phòng ngự hoặc
làm bàn đạp để tiến công.
Việc dựa vào địa thế hiểm yếu ở khu vực Vạn Kiếp để xây dựng thế trận
phối hợp giữa các binh chủng qua việc tổ chức các trận đánh: Đồ Lỗ (981),
Kháo Túc (1077), Vạn Kiếp (1285)... cũng như qua các cuộc rút lui hay phản
công chiến lược, những người chỉ huy cuộc kháng chiến đã tổ chức hợp đồng
giữa quân thủy và quân bộ rất khéo léo và chặt chẽ.
Tiểu kết chương 4
Trong lịch sử chống ngoại xâm từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII, Vạn Kiếp là
nơi có vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự; có đồi núi, rừng rậm, sông sâu, vừa có
thế công, vừa có thế thủ. Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ, trấn
giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long. Có nguồn nhân tài vật lực
phong phú, hậu cần tại chỗ dồi dào, đảm bảo khả năng tự cung, tự cấp.
22
Với những đặc điểm trên, Vạn Kiếp có vai trò quan trọng đặc biệt đối với
việc bảo vệ các trung tâm chính trị, hành chính trong đại của quốc gia như Hoa
Lư, Thăng Long. Vạn Kiếp còn là chiến trường cản phá, kìm chân giặc làm
thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của giặc; hỗ trợ cho hoạt động
chiến đấu của quân dân các địa phương. Ngoài ra, đóng quân ở Vạn Kiếp, quân
ta còn chia cắt không cho quân thủy, bộ của giặc tập trung hội quân.
Nghiên cứu đặc điểm, vai trò của Vạn Kiếp lịch sử chống ngoại xâm của
dân tộc thế kỷ X đến thế kỷ XIII, đã để lại cho chúng ta những bài học quan
trọng về xây dựng căn cứ chiến lược, khu vực phòng thủ; việc phát triển kinh
tế kết hợp với củng cố quốc phòng phù hợp với điều kiện mới của đất nước,
nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
KẾT LUẬN
1. Vạn Kiếp là nơi có vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự, là đầu mối huyết
mạch giao thông thuỷ, bộ trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long.
Núi ở Vạn Kiếp là dãy núi cuối cùng về phía Tây Bắc của hệ thống núi Yên Tử
thuộc cánh cung Đông Triều đổ về. Núi ở Vạn Kiếp ở thế liền dải, tạo thành
nhiều hình vòng cung chạy ra tận bờ sông Lục Đầu. Trên các đỉnh núi, có thể
quan sát một vùng sông nước mênh mang, làng mạc tiếp liền, tạo thế chủ động
cho quân sĩ khi tiến công cũng như phòng ngự. Phía Bắc có hệ thống núi rừng
trùng điệp, nơi có thể ẩn náu hàng vạn quân, lập căn cứ quân sự an toàn; phía
Nam có làng mạc trù phú, người đông của nhiều là nguồn cung cấp nhân tài vật
lực to lớn cho chiến tranh.
Vạn Kiếp hiểm yếu không chỉ ở địa thế núi đồi trùng điệp mà còn bởi sông
nước mênh mông toả đi nhiều hướng. Sông Lục Đầu phía trên nhận nước của
ba con sông: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, phía dưới hợp với sông
Đuống rồi đổ ra biển Đông thông qua hai dòng sông lớn là sông Thái Bình và
sông Kinh Thầy. Đây là nguồn cung cấp nước, chuyển tải phù sa cho đồng
ruộng, nguồn thuỷ sản tự nhiên vô cùng phong phú cho một vùng rộng lớn của
Đông Bắc châu thổ Bắc Bộ.
Địa hình ở Vạn Kiếp còn có nhiều dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài trong
các thung lũng, vừa thuận tiện cho việc đi lại giữa các vùng, vừa có thể canh
tác tăng gia sản xuất, phát triển hậu phương vững chắc.
Vị trí chiến lược quân sự của Vạn Kiếp còn được xác định bởi Vạn Kiếp có
hệ thống giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện, có thể vào Thăng Long, lên ngược,
về xuôi, ra biển đều dễ dàng. Trong đó, hệ thống giao thông thuỷ gồm 6 con
sông (Lục Đầu giang) không những là đường giao thông nội địa mà còn là
23
những trục giao thông huyết mạch quan trọng có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế,
chính trị và quân sự của cả vùng Đông Bắc. Về đường bộ, Vạn Kiếp nằm trên
trục đường giao thông Đông - Tây nối kinh đô Thăng Long với khu vực miền
Đông Bắc (nay là Quốc lộ 18). Trục giao thông Bắc - Nam từ khu vực phía
Bắc (Lạng Sơn, Bắc Giang, Tiên Yên) qua Vạn Kiếp xuống Hải Dương,
Thái Bình(nay là Quốc lộ 17). Vạn Kiếp còn như một cửa rừng, nơi giao
thương lâm, thổ sản từ phía Bắc xuống; nông, hải sản từ phía Nam lên.
Với vị trí địa - quân sự quan trọng như vậy nên, suốt chiều dài lịch sử
chống ngoại xâm của dân tộc ta, Vạn Kiếp luôn có vị trí địa - quân sự cực kỳ
quan trọng, là một phòng tuyến chiến lược bảo vệ cho kinh đô Thăng Long từ
phía Đông Bắc của Tổ quốc.
2. Vạn Kiếp là nơi diễn ra những trận quyết chiến giữa ta và giặc. Trong
lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XIII, các
triều đại phong kiến đều tận dụng ưu thế hiểm yếu về quân sự của khu vực Vạn
Kiếp để tổ chức những trận đánh nhằm kìm hãm bước tiến của giặc, hoặc
những trận đánh có ý nghĩa quyết định đối với kết cục của chiến tranh.
Trận đánh trên sông Đồ Lỗ (năm 981), trận đánh ở căn cứ quân thủy Vạn
Xuân (năm 1077), trận đánh trên sông Vạn Kiếp (tháng 2 năm 1285) diễn ra
dưới hình thức tập kích, trận Vạn Kiếp (tháng 6 năm 1285) diễn ra dưới hình
thức phục kích. Điều đó cho thấy, tổ tiên ta coi trọng cả tác chiến tiến công và
tác chiến phòng ngự; song tác chiến tiến công đã trở thành cách đánh sở trường
trong nhiều trận đánh theo một chiến lược nhất quán là chiến lược tiến công.
Về lực lượng: Trận đánh ở căn cứ quân thủy Vạn Xuân chỉ đơn thuần do quân
thủy đảm nhiệm, trận Vạn Kiếp do quân bộ đảm nhiệm có phối hợp giữa quân
đội và dân binh địa phương, nhưng trận đánh trên sông Đồ Lỗ và căn cứ Phù
Lan ông cha ta đã biết tổ chức và thực hành cách đánh phối hợp giữa quân
thủy, quân bộ với quy mô khá lớn, thực hiện những đòn tiêu diệt quân địch cả
trên bộ và trên sông.
Nằm trong chiến lược tấn công, phòng thủ tùy theo diễn biến của chiến sự,
mỗi trận đánh là một hình, một vẻ, tiêu biểu trong mỗi cuộc chiến tranh, mỗi
thời kỳ lịch sử khác nhau. Có trận thành công, cũng có trận thất bại, nhưng đó
đều là một kho tàng kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ đất nước của chúng ta ngày nay. Tất cả đều là những chiến công hiển hách
của dân tộc ta mà các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào.
3. Vạn Kiếp không chỉ là vùng có vị trí trọng yếu của đất nước mà còn là
trung tâm kinh tế với nhiều ngành nghề như: sản xuất lương thực, làm thuốc
nam, đóng thuyền, đánh cáĐặc biệt là nghề sản xuất gốm sứ, gạch ngói rất
phát triển; hệ thống các di vật rất phong phú về chủng loại đa dạng về loại
24
hình, kỹ thuật chế tác tinh xảo đã góp phần khẳng định Vạn Kiếp không chỉ
là đại bản doanh quân sự mà còn là thái ấp có điều kiện kinh tế, xã hội khá phát
triển, là mô hình kết hợp khá chặt chẽ giữa kinh tế và quốc phòng. Trong căn
cứ, thời bình là cơ sở kinh tế, lúc đất nước có chiến tranh thì sử dụng cơ sở
kinh tế đó phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trần Hưng Đạo với tài năng, trí tuệ
siêu phàm của bậc thống soái quân sự đã khéo léo sắp đặt, sử dụng, khai thác
triệt để đại bản doanh Vạn Kiếp với đầy đủ tiềm năng và giá trị vốn có, ứng
phó kịp thời, phù hợp trong từng kế sách tiến, lui hay phòng thủ, phản công
chiến lược.
Vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên năm 1285 và
1288, Vạn Kiếp là phòng tuyến chiến lược bảo vệ kinh đô Thăng Long và vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bằng sông Hồng. Đối với bộ chỉ huy quân
đội nhà Trần, khi phải bỏ Vạn Kiếp thì việc rút khỏi Thăng Long coi như đã
được quyết định, và khi muốn chiếm lại Thăng Long cũng phải dựa vào vùng
Vạn Kiếp làm bàn đạp tấn công.
4. Trải mấy nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm, giai đoạn thế kỷ X đến
thế kỷ XIII, dân tộc Việt Nam phải chống lại những cuộc xâm lược của những
đội quân xâm lược thiện chiến nhất trên thế giới lúc bấy giờ như quân Tống
(Trung Quốc), quân Mông - Nguyên, không ít quốc gia khi chúng tới biên giới
đã phải khuất phục. Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, lực
lượng chiến đấu chống giặc không chỉ có quân đội mà còn có cả nông dân các
làng xã, các triều đại phong kiến đã rất thành công trong việc tập hợp và phát
huy sức mạnh toàn dân. Triều đình thực thi chính sách “toàn dân là lính”,
“trăm họ đều là binh”.
Nhân dân Vạn Kiếp đã tham gia nhiều trận đánh giặc ngoại xâm bảo vệ nền
độc lập, sự thống nhất đất nước và các giá trị thiêng liêng của dân tộc như trận
Đồ Lỗ, Bình Than, Vạn Kiếpđó là những trận đánh lớn trong lịch sử chống
ngoại xâm vô cùng oanh liệt của dân tộc ta. Bên cạnh đó, nhân dân Vạn Kiếp
còn tích cực thực hiện kế “thanh dã”, cất giấu lương thực, làm vườn không
nhà trống khiến cho quân địch khốn đốn vì không thể tìm được lương ăn.
Giặc đi đến đâu cũng gặp phải sự đánh trả quyết liệt của nhân dân.
Những thắng lợi vĩ đại đó, là chiến công của “cả nước góp sức”, như Trần
Hưng Đạo tổng kết nhưng có sự đóng góp to lớn nhân dân trong các làng xã
ở Vạn Kiếp bằng những cách khác nhau, đều tích cực tham gia đánh giặc, lập
nhiều chiến công, bảo vệ quê hương, góp sức cùng cả nước đánh thắng hoàn
toàn quân xâm lược.
25
26
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1. Bài viết “Căn cứ Vạn Kiếp trong lịch sử chống ngoại xâm” in
trong sách Từ sự vận động lịch sử đến liên hệ kinh tế - văn hóa, Nxb Lao
động, Hà Nội.
2. Bài viết “Thành Chí Linh và núi Phả Lại trong cuộc kháng chiến
chống Nguyên Mông cuối thế kỷ XIII”, in trong kỷ yếu hội thảo khoa
học Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá Bình Than - Nguyệt Bàn xã
Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, do UBND tỉnh Bắc Ninh và
Viện Sử học tổ chức.
3. Bài viết “Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân xâm
lược Mông - Nguyên cuối thế kỷ XIII” đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân
sự, số 274, năm 2014.
4. Bài viết “Đại bản doanh Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống
quân Nguyên Mông thế kỷ XIII” đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt
Nam, số 4 (89), năm 2015.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- van_kiep_trong_lich_su_chong_ngoai_xam_tu_the_ky_x_den_the_ky_xiii_6479.pdf