[Tóm tắt] Luận án Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay (qua một số trường hợp tiêu biểu)

- Về giọng điệu: Chúng tôi nhận thấy thơ nữ giai đoạn từ 1986 đến nay thể hiện 4 sắc giọng khác nhau là (1) Giọng đằm thắm, tâm tình, (2) Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ, (3) Giọng giễu nhại và (4) Giọng vô âm sắc (giọng trắng). Cả 4 sắc giọng này đều có những thể hiện sinh động trong thơ của nhóm tác giả mà luận án khảo sát. Tất nhiên, ở mỗi tác giả, do cá tính sáng tạo mà giọng thơ sẽ có sự khác nhau, người ưa dùng sắc giọng này mà không dùng sắc giọng kia và ngược lại Nhưng nhìn trên đại thể của một lực lượng có thể khẳng định thơ nữ giai đoạn này đã thoát khỏi được sự cũ mòn và tạo cho mình những giọng điệu riêng của thế hệ mình. Đó là bản hợp âm đa thanh được cất lên từ những rung động của trái tim người phụ nữ trong hoàn cảnh mới, giai đoạn mới. - Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ thơ nữ Việt Nam giai đoạn này, một mặt mang tính “phồn thực” xác lập chủ quyền nữ thông qua việc sử dụng lớp từ ngữ chỉ bộ phận thân thể, tâm trạng có màu sắc trung tính, ít thể hiện được ý thức về nữ quyền. Nhưng mặt khác, các cây bút đã rất thành công trong việc sử dụng những từ ngữ liên quan đến bộ phận trên thân thể nữ như vú, sữa, ngực, mông hay những từ ngữ liên quan đến sự sinh nở như cửa yêu lá, cuống vé, mùa sinh nở, cơn lốc sinh nở, mùa trở dạ, nước ối bầu trời đêm ; những động từ chỉ sự sinh sôi như thụ tinh, thụ tạo, thụ mầm, đầu thai, phục sinh, nở, cởi, thoát y, truy hoan, khóa chặt, phóng vọt Ngoài ra, các cây bút nữ còn có xu hướng “nữ hóa” ngôn ngữ bằng việc sử dụng đại từ nhân xưng (em, người đàn bà, cô gái ), những từ ngữ chỉ hoạt động gắn với nữ (thoa kem, cuốn tóc ), những từ ngữ, hình ảnh gắn với đời sống của người phụ nữ (phòng ngủ, giường, chiếu, đệm, bình hoa, nước hoa ).

pdf27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1439 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay (qua một số trường hợp tiêu biểu), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ểu và đặc trưng nhất của một hệ hình thơ ca nữ Việt Nam giai đoạn hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Giới thiệu tổng quan về vấn đề nữ quyền, nữ quyền luận của phương Tây và sự du nhập lí thuyết nữ quyền luận vào văn học Việt Nam đương đại; - Khái lược về nữ quyền và sự thể hiện ý thức nữ quyền trong văn xuôi và trong thơ Việt Nam; - Sự thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn trước 1986; - Các cấp độ thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay; - Một số phương thức nghệ thuật thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu là ý thức nữ quyền trong thơ của đội ngũ các tác giả nữ sau đây: (1) Dư Thị Hoàn, (2) Phạm Thị Ngọc Liên, (3) Tuyết Nga, (4) Đinh Thị Như Thúy, (5) Lê Ngân Hằng, (6) Phan Huyền Thư , (7) Ly Hoàng Ly, (8) Bình Nguyên Trang, (9) Vi Thùy Linh và (10) Trương Quế Chi. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Trong khuôn khổ đề tài, chúng tôi lựa chọn phạm vi nghiên cứu của luận án là thơ của 10 tác giả nữ tiêu biểu được nhắc đến ở tiểu mục 3.1. trên đây. 4. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận nghiên cứu của luận án Ngoài phương pháp luận chung của nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, thực hiện đề tài nghiên cứu này, chúng tôi xác định việc triển khai trên nguyên tắc phương pháp luận riêng sau đây: - Đặt văn học nghệ thuật trong chỉnh thể kiến trúc thượng tầng, cụ thể là đặt văn học mang nội dung ý thức nữ quyền trong mối quan hệ với cơ sở kinh tế cùng với hệ ý thức xã hội cũng như các thiết chế chính trị - xã hội tương ứng để thấy được nguyên nhân xuất hiện cũng như quá trình phát triển của văn học mang nội dung ý thức nữ quyền trong nền văn học dân tộc; - Vận dụng linh hoạt lý thuyết phương Tây, cụ thể là lý thuyết nữ quyền trong nghiên cứu thực tiễn đời sống văn học Việt Nam. - Nhìn nhận các cấp độ nội dung cũng như những phương thức nghệ thuật thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay từ thực tiễn đời sống văn hóa, chính trị - xã hội của dân tộc. 3 4.2. Phương pháp nghiên cứu của luận án Từ nguyên tắc phương tắc phương pháp luận trên, để hoàn thành nghiên cứu này, chúng tôi đã sử dụng phối hợp các phương pháp chính sau đây: (1) Phương pháp thống kê - phân loại; (2) Phương pháp phân tích tác phẩm văn học; (3) Phương pháp loại hình học văn học; (4) Phương pháp so sánh văn học; (5) Phương pháp nghiên cứu liên ngành. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 5.1. Luận án là công trình khoa học đầu tiên đặt ra và nghiên cứu một cách toàn diện về nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ năm 1986 đến nay (qua một số trường hợp tiêu biểu). Trong đó, các vấn đề lý thuyết về giới, về nữ quyền, về sự thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đã được làm rõ. Đặc biệt, các cấp độ nội dung cũng như nghệ thuật của việc thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ đương đại, từ năm 1986 đến nay đã được khảo sát, mô tả và tổng kết tương đối đầy đủ. 5.2. Công trình đồng thời cũng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Đề tài có ý nghĩa lý luận: Khái quát tương đối đầy đủ một số phương diện quan trọng trong lịch sử cũng như những nội dung quan trọng của lý thuyết Nữ quyền phương Tây và đặc biệt là cách thức vận dụng lý thuyết này vào nghiên cứu thực thể văn học Việt Nam; - Đề tài cũng có ý nghĩa thực tiễn: Từ cái nhìn ý thức nữ quyền, chúng tôi đã có những nhận định, đánh giá về các cấp độ nội dung và phương thức nghệ thuật của thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay (qua một số trường hợp tiêu biểu). 7. Cơ cấu của luận án Nội dung chính của luận án được triển khai trên 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài và giới thuyết về giới tính, phái tính và nữ quyền; Chương 2: Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam trước 1986; Chương 3: Các cấp độ thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay; Chương 4: Các phương thức thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay. 4 Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI VÀ GIỚI THUYẾT VỀ NỮ QUYỀN, Ý THỨC NỮ QUYỀN 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam 1.1.1.1. Từ đầu thế kỉ XX đến trước năm 1945 Đây là giai đoạn có tính chất tiên phong trong việc nghiên cứu văn học nữ cũng như ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam. Có thể kể đến công trình của các tác giả như Phan Khôi, Manh Manh nữ sĩ (Nguyễn Thị Kiêm), Vân Hương nữ sĩ, Nguyễn Thị Hồng Đăng, Lệ Hương, Lê Thị Huỳnh Lan, Đạm Phương nữ sĩ, Phan Thị Bạch Vân... Tuy nhiên, do xuất hiện trong bối cảnh sôi động của văn học đương thời và do cả đối tượng nghiên cứu là văn học nữ còn hạn chế nên khuynh hướng này nhanh chóng bị chìm khuất. Phải đến những nghiên cứu về nữ quyền gần đây mới xác lập lại vai trò và đóng góp của các tác giả trên. 1.1.1.2. Từ năm 1945 đến 1975 Ở miền Bắc, do yêu cầu phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu nên vấn đề nghiên cứu văn học nữ, ý thức phái tính hay tiếng nói nữ quyền không thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Ở miền Nam, tình hình nghiên cứu nữ quyền trong văn học cũng hết sức mờ nhạt, mặc dù đời sống sáng tác cũng phong phú và quan điểm của nhà cầm quyền cũng tỏ ra cởi mở trong việc du nhập nhiều lí thuyết phê bình văn học phương Tây. 1.1.1.3. Từ sau năm 1986 đến 1998 Vấn đề ý thức nữ quyền giai đoạn này đã được khơi gợi trở lại bởi các ý kiến của Võ Phiến, Trương Chính, Phương Lựu, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Đặng Anh Đào Tuy nhiên, khép lại giai đoạn này, vấn đề nghiên cứu ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam nhìn chung vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn cả về số lượng lẫn diện tiếp xúc giữa người nghiên cứu, phê bình và đối tượng của nghiên cứu, phê bình. 1.1.1.4. Từ 1999 đến 2006 Đây là “giai đoạn bùng nổ” của phê bình nữ quyền ở Việt Nam. Có thể kể đến các bài viết của Nguyễn Hưng Quốc, Châm Khanh, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Hữu Lê 5 1.1.1.5. Từ 2006 đến nay Giai đoạn này được xem là thời kì phát triển của phê bình nữ quyền ở Việt Nam. Các bài viết về văn học nữ quyền trong giai đoạn này thành ba khuynh hướng là (1) Khuynh hướng nghiên cứu văn học thiên về dục tính/sex là những bài viết lấy đối tượng là yếu tố sex trong sáng tác của các cây bút nữ để nghiên cứu; (2) Khuynh hướng thứ hai tập hợp những ý kiến bàn luận đến nữ tính, thiên tính nữ trong văn học nữ như là những đặc trưng của giới quy định nội dung sáng tác của văn học nữ ở Việt Nam và (3) Khuynh hướng thứ ba là nghiên cứu văn học nữ trên bình diện nữ quyền. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt nam giai đoạn từ 1986 đến nay Đầu tiên là những ý kiến khái quát về thơ Việt Nam đương đại và vấn đề nữ tính, âm hưởng nữ quyền trong thơ đương đại. Có thể kể đến các bài viết của các tác giả như Lê Lưu Oanh, Lê Thành Nghị, Trần Hoàng Thiên Kim, Inrasara, Hoàng Vũ Thuật, Lưu Khánh Thơ Bên cạnh sự ghi nhận những nỗ lực cách tân của các nhà thơ nữ thế hệ 7x, 8x, đa số các bài viết đều bày tỏ sự hi vọng thế hệ nhà thơ này tiếp tục đổi mới mình trên hành trình sáng tạo để đi xa hơn nữa trên con đường lao động nghệ thuật. Bên cạnh đó, một số nhà thơ nữ tiêu biểu, “đình đám” trên thi đàn giai đoạn này như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly là những cây bút được giới nghiên cứu, phê bình đặc biệt quan tâm. Có thể khẳng định rằng, những thành quả của các nhà nghiên cứu đi trước sẽ là những tham khảo cần thiết để chúng tôi tiến hành các nội dung tiếp theo của luận án. 1.2. GIỚI THUYẾT NỮ QUYỀN VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN 1.2.1. Giới thuyết về nữ quyền 1.2.1.1. Chủ nghĩa nữ quyền phương Tây Cùng với quá trình phát triển của phong trào đấu tranh nữ quyền phương Tây, chủ nghĩa nữ quyền cũng ngày càng được hoàn thiện về mặt lí luận. Ở Làn sóng thứ nhất, chủ nghĩa nữ quyền hướng đến việc chỉ ra địa vị cũng như những nguyên nhân khiến người phụ nữ bị thấp kém hơn nam giới và yêu cầu một sự ứng xử bình đẳng với phụ nữ trong đời sống cũng như trong sáng tác văn học. Đến Làn sóng thứ hai, chủ nghĩa nữ quyền không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra nguyên nhân xã hội dẫn đến sự bất bình 6 đẳng nam nữ mà trên cơ sở đó yêu cầu về sự điều chỉnh các cấu trúc xã hội nhằm hướng đến sự bình đẳng giới. Đến Làn sóng nữ quyền thứ ba, chủ nghĩa nữ quyền bắt đầu quan tâm đến đời sống tình cảm, tâm lý và cả bản năng của người phụ nữ. Cùng với việc lên án và phản bác lại thuyết Phân tâm học của Frued, Lacan, chủ nghĩa nữ quyền giai đoạn này hướng đến nâng cao giá trị của người phụ nữ bằng việc đề cao sự khác biệt giới và khẳng định giải pháp cho vấn đề nữ quyền không phải là đồng hóa mà là dị biệt. 1.2.2.2. Vấn đề nữ quyền ở Việt Nam Trong lĩnh vực văn học, trước khi có sự du nhập của chủ nghĩa nữ quyền phương Tây, ý thức nữ quyền trong văn hóa đã ngấm vào mạch ngầm của văn học dân tộc. Tuy nhiên, do sự phát triển của ý thức xã hội mà ở nền văn học trung đại ý thức nữ quyền mới chỉ dừng lại ở những hiện tượng văn học đơn lẻ, mang tính tự phát. Và giai đoạn từ năm 1945 trở về trước được xem như giai đoạn tiền đề cho tư tưởng nữ quyền. Cho đến những thập niên đầu thế kỉ XX, ý thức đề cao nữ giới mới được dấy lên bởi những bàn luận của một số học giả nghiên cứu văn học và những nhà hoạt động xã hội. Tuy nhiên, “về mặt lý luận, phê bình nữ quyền Việt Nam thời kỳ này còn ở dạng sơ khai, phác thảo và có tính xã hội nhiều hơn” [322]. Do hoàn cảnh chiến tranh đến những năm sau 1975, đặc biệt là sau 1986, ý thức nữ quyền mới tiếp tục xuất hiện trở lại trong đời sống văn học nước ta. 1.2.1.3. Quan niệm về ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay - Khái niệm nữ quyền: là quyền lợi của người phụ nữ đặt trong thế tương quan với quyền lợi của nam giới để đạt đến cái gọi là nam nữ bình quyền. Feminism ngoài ý nghĩa biểu đạt là chỉ nữ quyền, nó còn là một học thuyết chủ trương nữ quyền dựa trên nền tảng của sự bình đẳng giới. Bởi vậy, có thể hiểu, “nữ quyền” trong văn học là một chủ trương, một cách tiếp cận về người phụ nữ theo hướng tôn trọng, đề cao, xem người phụ nữ là trung tâm của mọi sự phản ánh. Qua đó, khẳng định bản sắc, giá trị riêng của giới nữ, nhấn mạnh đến sự khác biệt phái tính và đề cao nữ tính. - Quan niệm về ý thức nữ quyền trong văn học: là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống cũng như bày tỏ những quan điểm về vị trí, vai trò, quyền lợi của giới mình và khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần thầm kín của bản 7 thân thông qua cái nhìn mang đậm cảm quan về giới, mang đặc trưng tâm lí của nữ giới trước hiện thực. Như vậy, ý thức nữ quyền trong cách triển khai của chúng tôi sẽ bao hàm cả ý thức về phái tính. - Về cách hiểu “thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay: cũng có thể gọi ngắn gọn lại là “thơ nữ đương đại”. Cách gọi của chúng tôi nhằm mục đích cụ thể hóa về mặt thời gian của sự xuất hiện thơ nữ “giai đoạn từ 1986 đến nay”. - Phạm trù “thơ nữ” dùng để phân định về mặt chủ thể sáng tạo, nhấn mạnh đến những cây bút nữ làm thơ. Tiểu kết Chương 1 Trong Chương 1, chúng tôi khái quát tình hình nghiên cứu của đề tài và bước đầu làm rõ lịch sử của nữ quyền và nữ quyền luận phương Tây cũng như quá trình du nhập của lý thuyết này vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, đặc biệt là việc vận dụng nó trong nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc. Sau khi làm rõ các khái niệm, “nữ quyền”, “giới tính”, “nữ tính” và “phái tính” trong văn học, chúng tôi đề xuất khái niệm: ý thức nữ quyền trong văn học là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống cũng như bày tỏ những quan điểm về vị trí, vai trò, quyền lợi của giới mình và khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần thầm kín của bản thân thông qua cái nhìn mang đậm cảm quan về giới, mang đặc trưng tâm lí của nữ giới trước hiện thực, đề cao vẻ đẹp thể xác và tâm hồn của người phụ nữ, khẳng định bản sắc riêng của giới nữ. Chƣơng 2 Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ VIỆT NAM TRƢỚC 1986 2.1. Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ CỔ ĐIỂN 2.1.1. Ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ Những cảm nhận, suy tư về vẻ đẹp của người phụ nữ chỉ xuất hiện từ thế kỉ XV trở đi trong sáng tác của Ngô Chi Lan và lần lượt được khẳng định qua các tên tuổi như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan) Tuy nhiên, vẻ đẹp của người phụ nữ ở mỗi tác giả lại có những cách biểu hiện khác nhau. Người phụ nữ trong thơ Ngô Chi Lan là hiện thân của vẻ đẹp hoàn mĩ: đẹp người đẹp nết. 8 Đến thời Hồ Xuân Hương, bà đặc biệt quan tâm đến việc thể hiện vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ bằng việc miêu tả nó một cách cụ thể đến từng chi tiết, kể cả những vùng nhạy cảm của người phụ nữ. 2.1.2. Ý thức về quyền sống của người phụ nữ Khát vọng hạnh phúc là một trong những nội dung được các nữ thi sĩ nói nhiều đến trong các sáng tác của mình. Có thể kể đến “Chinh phụ ngâm khúc” (bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm), “Ai tư vãn” của Lê Ngọc Hân, các tác phẩm thơ Nôm Hồ Xuân Hương, các sáng tác của bà Huyện Thanh QuanKhát vọng tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ không còn chung chung siêu hình mà nó gắn với những cảm xúc đời thường nhất trong cuộc sống ân ái vợ chồng. Bên cạnh đó, đời sống bản năng trở thành thế mạnh để người phụ nữ khẳng định quyền sống cũng như thế mạnh của mình khi sáng tạo văn chương. Điều này được thể hiện qua Chinh phụ ngâm khúc (bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm) và đặc biệt được thể hiện mạnh mẽ trong nhóm thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương.Khi viết về khao khát ái ân của người phụ nữ, các nữ sĩ trung đại còn cất tiếng nói phản kháng sự bất công của chế độ phong kiến đối với người phụ nữ. 2.2. Ý thức nữ quyền trong thơ nữ đầu thế kỉ XX 2.2.1. Người phụ nữ với khát vọng bình quyền Khát vọng bình quyền, hay ở một dạng thức nào đó là khát vọng “trở thành nam nhi” ở người phụ nữ giai đoạn này được thể hiện ở hình ảnh những liệt nữ trong lịch sử và trong văn học truyền thống. Ở nhóm thơ vịnh sử, những nữ anh hùng được nhắc đến trong cảm hứng ngợi ca bi tráng như một niềm tự hào về sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam (Hai Bà Trưng - Đạm Phương; Trưng Nữ Vương - Ngân Giang)... ... Bên cạnh cảm hứng ngợi ca, một số bài thơ vịnh sử của các nhà thơ nữ giai đoạn giao thời còn thể hiện cảm hứng đối thoại với truyền thống nam quyền (Bà Mỵ Châu, Đạm Phương). Thơ vịnh sử của các tác giả nữ giai đọan này bên cạnh âm hưởng hùng tráng, lẫm liệt còn ẩn chứa dư vị thủ thỉ tha thiết - một chất giọng riêng của phái nữ. 2.2.2. Người phụ nữ với cái tôi trữ tình thời Thơ mới Dưới những biến động to lớn trong xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỉ trước, Thơ mới ra đời đã trở thành địa hạt để cái tôi cá nhân tự giãi bày cảm xúc và thể hiện cá tính. Tuy nhiên, mặc dù xuất hiện trong thời đại 9 cái tôi cá nhân được đề cao nhưng do đặc trưng của văn học lãng mạn, ý thức nữ quyền trong thơ nữ thời phong trào Thơ mới có phần nhẹ nhàng hơn so với các nhà thơ nữ trung đại. Ý thức ấy mới chỉ dừng lại ở sự chủ động thể hiện tình cảm của người phụ nữ trong thời kỳ cái tôi cá nhân thức tỉnh. Đó là cảm xúc cô đơn của một cái tôi khi không thể tìm được sự chia sẻ và thiếu vắng sự nương tựa trong thơ Vân Đài, Mộng Sơn, Ngân Giang, Mộng Tuyết Đó còn là một cái tôi dạt dào cảm xúc và đầy nữ tính trước không gian làng quê với tình quê hồn hậu trong trẻo trong thơ Anh Thơ 2.3. Ý thức nữ quyền trong thơ nữ giai đoạn từ 1945 đến 1975 2.3.1. Người phụ nữ với thái độ nhập cuộc Đó là quá trình hòa mình vào hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc của những nhà thơ nữ Thơ mới như Vân Đài, Anh Thơ. Đó còn là tinh thần nhập cuộc của những cây bút nữ thời tiền chiến như thơ của Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi...Bên cạnh việc phản ánh những nỗi đau, sự tàn phá hủy diệt của chiến tranh, thơ nữ giai đoạn này đã khẳng định một quan điểm sống mạnh mẽ và vững vàng trong thời đại cách mạng. Đặc biệt, bên cạnh những vần thơ đầy ắp những sự kiện, những lo âu, trăn trở bao giờ cũng ẩn chìm một vẻ đẹp đằm thắm, giàu nữ tính. 2.3.2. Người phụ nữ với ý thức công dân Thơ nữ những năm cả nước lên đường đánh giặc mang đầy đủ những biểu hiện của ý thức công dân có trong thơ của các nhà thơ nam cùng thời. Cho nên, dù là thơ viết về về tình yêu, về nỗi nhớ, về tình chồng vợ, tình mẹ conthì người đọc vẫn dễ dàng tìm thấy bóng dáng của một thời đánh giặc. Đặc biệt, khi nói về cái chết, hình ảnh người phụ nữ ngã xuống được miêu tả như hành trình đi vào cõi bất tử, trở thành vẻ đẹp sáng ngời mang tính sử thi của hình tượng người chiến sĩ cách mạng. 2.4. Ý thức nữ quyền trong thơ nữ từ 1975 đến 1985 2.4.1. Người phụ nữ với cái tôi trữ tình mang ý thức cá nhân Ý thức cá nhân của người phụ nữ giai đoạn này là sự thức tỉnh trong đời sống tình cảm riêng tư của người phụ nữ. Tình yêu của người phụ nữ thời bình là một thế giới riêng tư với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau đan xen giữa hạnh phúc và khổ đau, chia li và đoàn tụ, hoài nghi và dối lừa Đọc thơ của Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi người 10 đọc dễ dàng bắt gặp những cái tôi trữ tình tha thiết, chân thành, giàu nữ tính với khao khát được hòa nhập vào tận cùng những cung bậc đa diện của tình yêu. Đó là những tiếng nói sôi nổi, trẻ trung và đầy ắp những trải nghiệm. Đặc biệt, sự bừng nở của đời sống cá nhân đã tạo tiền đề cho sự hình thành ý thức nữ quyền mang màu sắc phái tính trong thơ nữ giai đoạn này. Đó là những cá tính mạnh mẽ, dám quyết đoán, nói thẳng nói thật những suy nghĩ của mình về bản thân về xã hội. 2.4.2. Người phụ nữ với cảm quan thế sự - đời tư Trạng thái tâm lí cùng với những hoàn cảnh xã hội thời bình là nguyên nhân kéo ý thức nữ quyền về trạng thái ban đầu của nó với những biểu hiện về phái tính của người phụ nữ. Những cây bút vốn trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi đã thể hiện sâu sắc những suy tư của người phụ nữ về những vấn cấp thiết đặt ra thời hậu chiến. Thơ nữ thời kì này bên cạnh những bài thơ mang cảm hứng tưởng niệm như một sự nhắc nhớ về một thời khốc liệt vừa qua còn chứa đựng những nội dung phản chiến sâu sắc, thậm chí cả những băn khoăn dao động, mất niềm tin trước hiện thực với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống đời thường . Tiểu kết Chương 2 Kể từ khi hình thành, diện mạo văn học nữ nước ta có đã có những bước thăng trầm tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, ở thời kỳ nào, thơ nữ vẫn mang những đặc điểm khu biệt riêng so với văn học đương thời bởi nó được tạo nên từ cách cảm, cách nghĩ của người phụ nữ. Điểm gặp gỡ giữa thơ nữ các thời kì chính là những nỗ lực “quẫy đạp”, đấu tranh của người phụ nữ để một nửa thế giới phải lắng nghe tiếng nói và chia sẽ những trăn trở của họ về quyền sống của con người. Quá trình đó được xem là sự vươn lên đòi quyền bình đẳng và tự khẳng định mình của người phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc. 11 Chƣơng 3 CÁC CẤP ĐỘ THỂ HIỆN Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ 1986 ĐẾN NAY 3.1. HÀNH TRÌNH XÁC LẬP BẢN THỂ NỮ 3.1.1. Tự ý thức về thân thể nữ như một ưu thế thiên tạo Phái nữ luôn đi cùng với phái tính. Phái nữ là phái đẹp. Ý thức được mình đẹp và kiêu hãnh về điều đó chính là một giác ngộ cao về giá trị của giới nữ. Từ ý thức sâu sắc này, các nhà thơ nữ đã không ngần ngại phô diễn vẻ đẹp của mình và phái mình lên trang thơ một cách tự tin và kiêu hãnh. Và họ coi đó là hấp lực riêng của giới mình trước phái mạnh (Say nắng, Hồng hồng tuyết tuyết, Bản đồ tình yêu - Vi Thùy Linh, Mai - Dư Thị Hoàn) Phô diễn vẻ đẹp ngoại hình, thân thể được xem là thế mạnh của các cây bút nữ những năm gần đây. Từng đường nét bộ phận của cơ thể như làn da, mái tóc, bàn tay, đôi môi, đôi chân đến bụng, ngực, mông, thậm chí là cả những phần kín nhạy cảm khác của người phụ nữ đều được họ thể hiện lên trang thơ một cách tự nhiên, thậm chí là táo bạo bằng một gòi bút tả nhiều hơn gợi. Điều này có thể gặp nhiều trong sáng tác của Phạm Thị Ngọc Liên, Ly Hoàng Ly và đặc biệt trong thơ Vi Thùy Linh. Đây chính là những dấu ấn thân xác hiện hữu cho quyền năng khao khát hoan lạc của bản thể nữ. 3.1.2. Khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu Với quan niệm tình yêu là sự kết hợp linh diệu nhất giữa thể xác và tâm hồn, các nhà thơ nữ thể hiện sự tôn vinh yếu tố dục tính bản năng trong tình yêu với điều kiện được tính thiêng liêng của tình yêu bảo chứng. Qua những trang viết của họ, những ước ao, những khát vọng của phái nữ được nâng niu. Dấu hiệu ý thức nữ quyền thấy rõ trong thái độ chủ động, mạnh mẽ và quyết liệt đấu tranh để dành, giữ tình yêu và sẵn sàng đi đến tận cùng bản thể. Người phụ nữ với sự chủ động chờ đợi tình yêu. Trong thơ của các tác giả Dư Thị Hoàn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Bình Nguyên Trang người phụ nữ luôn sẵn sàng chờ đợi, bất chấp cảm xúc cô đơn; họ đặt cả niềm tin, thậm chí đặt ra cả những cuồng tín, xác tín, ngụy tín để hiện hữu trong tâm trạng đợi chờ; họ chủ động đón nhận cả những đắng cay và xem đó như là một hương vị thứ hai của tình yêu Song, dù ở tâm thế nào, sự 12 chờ đợi của người phụ nữ ở đây không còn mang nỗi buồn hay sự tuyệt vọng. Bởi, với họ sự chờ đợi ấy gắn liền với niềm hạnh phúc trong tình yêu. Người phụ nữ với tinh thần chủ động dâng hiến hết mình cho tình yêu: Người phụ nữ thời @ bước vào tình yêu với tâm thế chủ động và khát khao khẳng định mình. Trong thơ của Phạm Thị Ngọc Liên, Dư Thị Hoàn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, người phụ nữ không chủ động thổ lộ tình yêu mà còn quyết liệt trong hành động kết thúc cuộc tình. Cao hơn nữa, họ còn chủ động hiến dâng tâm hồn và cả thể xác của mình cho tình yêu. Trong thơ của Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, khát vọng dâng hiến trở thành một cơn say tình bất tận. Đặc biệt Vi Thùy Linh còn thẳng thắn tuyên ngôn “yêu là phải hiến dâng”. 3.1.3. Bản năng nữ như một sự thể nghiệm của tận cùng bản thể 3.1.3.1. Bản năng tính dục Với quan niệm tình yêu chỉ trọn vẹn là nó khi có sự kết hợp mầu nhiệm giữa xúc cảm tinh thần và thân thể, nhu cầu giải phóng bản năng trở thành một đặc điểm của thơ nữ Việt Nam từ 1986 đến nay. Bảng 3.1. Số lượng bài thơ nói về nhu cầu giải phóng bản năng TT Tên tác giả Số lƣợng khảo sát Kết quả 1 Dư Thị Hoàn 43 07 2 Phạm Thị Ngọc Liên 192 25 3 Tuyết Nga 67 02 4 Đinh Thị Như Thúy 114 18 5 Lê Ngân Hằng 90 18 6 Phan Huyền Thư 54 26 7 Ly Hoàng Ly 76 11 8 Bình Nguyên Trang 87 15 9 Vi Thùy Linh 213 101 10 Trương Quế Chi 46 08 Tổng số 982 231 * Cái tôi bản thể với nhu cầu bày tỏ khao khát thầm kín: Trong sáng tác của các nhà thơ nữ giai đoạn từ 1986 đến nay, những góc khuất của đời sống bản năng được các nhà thơ khám phá và thể hiện một cách công 13 khai bằng chính cảm nhận riêng của bản thân và ngay trên thân thể họ. Khao khát thầm kín trong thơ nữ giai đoạn này được thể hiện với hai đặc điểm chính sau: Thứ nhất, vấn đề tính dục được xem như điều bí mật cần phải khám phá trong tình yêu. Có thể bắt gặp xu hướng này trong thơ của Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên Trang, Trương Quế Chi Thứ hai, thơ nữ giai đoạn sau 1986 tỏ ra chủ động và quyết liệt khi nói đến những ham muốn chân xác của mình. Những động từ, tính từ mạnh được các cây bút nữ ưa dùng để diễn tả một cách thành thực, thẳng thắn những cảm xúc của mình khi khao khát bản năng trỗi dậy. * Cái tôi bản thể với nhu cầu khẳng định quyền tự thân về giải phóng tính dục: Yếu tố tính dục trong thơ nữ đương đại được thể hiện một cách trần trụi và thành thực. Thơ nữ ở mảng này thường phảng phất màu sắc tự truyện qua việc thể nghiệm sự tìm kiếm ngay trong thân thể mình. Với quan niệm tình dục chính là một khía cạnh của tình yêu, những diễn ngôn về tình yêu của các nhà thơ nữ đến đây thật sự là một tiếng gọi thao thiết đầy chất hiện sinh với một ý thức nữ quyền mà ta không thể tìm thấy trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ tiền đổi mới. Điều này có thể gặp nhiều trong các sáng tác của Phạm Thị Ngọc Liên, Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư. Có thể coi nhu cầu bày tỏ khát khao thầm kín và giải phóng tình dục trong thơ nữ đương đại là bước đi táo bạo trong việc bình đẳng với phái nam trong địa hạt thơ ca và cuộc sống. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng về nữ quyền trong văn học - một cuộc cách mạng mang tính triệt để cao bởi nó giải quyết tận gốc khâu bất bình quyền nhất trong tương quan giới tính: tính dục và tình dục. 3.2.3.2. Bản năng làm Mẹ Trong quan niệm của người phụ nữ, tình dục không đơn thuần là khoái cảm thân xác mà nó còn đem lại điều lớn lao hơn, thiêng liêng hơn: làm mẹ. Bản năng làm mẹ đến đây là một thiên chức thiêng liêng thể hiện “quyền năng nữ”, là sự khẳng định nét khu biệt trong mối tương quan giữa hai giới nam nữ. 14 Như một điều tự nhiên, khao khát làm mẹ đã được nhiều nhà thơ nữ đương đại đặc biệt quan tâm và thể hiện trong sáng tác của mình. Bảng 3.2: Số lượng bài thơ thể hiện khao khát làm Mẹ TT Tên tác giả Số lƣợng khảo sát Kết quả 1 Dư Thị Hoàn 43 08 2 Phạm Thị Ngọc Liên 192 03 3 Tuyết Nga 67 04 4 Đinh Thị Như Thúy 114 0 5 Lê Ngân Hằng 90 03 6 Phan Huyền Thư 54 01 7 Ly Hoàng Ly 76 0 8 Bình Nguyên Trang 87 03 9 Vi Thùy Linh 213 21 10 Trương Quế Chi 46 0 Tổng số 982 43 Xuất phát từ cái nhìn bên trong mang tính nhục thể, khi viết về mẹ, các tác giả nữ đương đại có xu hướng xoáy sâu vào sự mang nặng đẻ đau của người mẹ. Sự gắn bó mẹ - con vì thế là sự gắn bó máu thịt từ bản thể với những “sự sống nhòa trong máu”, “hòn máu” “sợi nhau”... “Sợi nhau” của người đàn bà là biểu tượng của một quyền năng tối thượng của người phụ nữ trong cuộc sáng tạo sự sống. Điều này xóa bỏ ý niệm phụ nữ là kẻ phái sinh trong hệ tư tưởng nam quyền truyền thống. * Sinh nở và che chở... : Khi viết về mẹ, người phụ nữ đương đại bộc lộ trực tiếp những cung bậc cảm xúc từ sự trải nghiệm khi được làm mẹ của mình. Đó là khát khao cá nhân riêng tư của họ và cho riêng họ, là khát khao bẩm sinh của bản nguyên nữ, là “một tín ngưỡng vượt lên trên mọi thống trị”. Hình ảnh đứa con vì thế xuất hiện bắt đầu từ giấc mơ, đến từ tưởng tượng và đến trong ước vọng. Những khoảnh khắc màu nhiệm của sự hoài thai và sinh nở được các nhà thơ nữ miêu tả một cách trực tiếp bằng trải nghiệm bản thân. Trong con mắt họ, cuộc vượt cạn của người phụ nữ được cảm nhận là vẻ đẹp ngời sáng trong đớn đau, vừa chân thực, vừa vĩ đại. Những bài thơ viết về khoảnh khắc vượt cạn không chỉ đơn thuần là bản trường ca về công lao của người phụ nữ, đó còn là ý thức cao nhất về vai trò “sinh thành nhân loại” của người phụ nữ. 15 * Con - niềm tin và sự an ủi: Trong sáng tác viết về con của Tuyết Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Huyền Thư, Lê Ngân Hằng, Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang khát khao làm mẹ còn được diễn tả qua sự hàm ơn của người mẹ trước sự xuất hiện của đứa con. Con chính là thứ ánh sáng để sưởi ấm mẹ. Con là điểm tựa tinh thần cho mẹ khi đời sống tình cảm đổ vỡ. Đặc biệt, con còn mang chức năng dự báo một cuộc sống an lành, là biểu tượng mầm sống có sức mạnh triệt tiêu mọi cái xấu, cái ác. 3.2. THIẾT TẠO QUAN NIỆM MỚI VỀ NGƢỜI PHỤ NỮ Nhận thức được những chuẩn mực của truyền thống như tam “tòng”, “tứ đức”, đức hi sinh, chịu đựng.... thực chất chỉ là những “gánh nặng” “những vòng kim cô” giam hãm, trói buộc người phụ nữ và biến họ thành công cụ trong tay nam giới, người phụ nữ thời @ đã không ngại tuyên chiến với truyền thống, thiết lập những giá trị nữ, hủy tạo mọi giá trị nam trong đó bao gồm cả những giá trị về chính giới mình. Cuộc đụng độ với hệ chuẩn mực truyền thống là sự giác ngộ của người phụ nữ trong tiến trình thức tỉnh và chủ động làm mới mình, chủ động thoát khỏi sự chi phố của cái bóng truyền thống. Trong quan niệm của người phụ nữ thời hiện đại, “công, dung, ngôn, hạnh” đã có sự “lệch chuẩn” với khung thẩm mĩ truyền thống. Trong đó, “ngôn” và “dung” được đặt họ ra một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, ngôn ngữ được các nhà thơ nữ đề cập đến như là lợi thế để người phụ nữ trong thơ nữ thể hiện ý thức giải phóng giới nữ. Đó là lời tỏ tình mãnh liệt của Phạm Thị Ngọc Liên là lời nói thẳng những suy nghĩ của mình trong thơ Dư Thị Hoàn, là cách nói hiển ngôn với những kết cấu cầu khiến, mệnh lệnh khi nói về tình yêu và sự trối bỏ những tư duy cũ mòn trong thơ Vi Thùy Linh. Đặc biệt, khi đề cập đến vấn đề đức hạnh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trối bỏ quan niệm truyền thống đầy bất cập và sẵn sàng từ bỏ trinh tiết như một đức hạnh có tính truyền thống để đến với tình yêu, với tận cùng bản thể. 3.3. BI KỊCH CỦA SỰ NHẬN THỨC VÀ Ý THỨC PHẢN TỈNH 3.3.1. Mất niềm tin với thế giới Sự biến đổi đến chóng mặt của nền kinh tế thị trường phá vỡ tính cân đối quen thuộc, khiến cuộc sống hiện lên đầy những biến động và bất trắc. Là sản phẩm của thời mở cửa, thơ nữ đương đại cũng chất chứa suy tư trước 16 những nguy cơ của xã hội. Đọc thơ Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh khi bày tỏ cái nhìn về cuộc sống, người đọc dễ bắt gặp những cảm xúc hoang mang, mất niềm tin, vong thân, tâm trạng bất an và hồ nghi tồn tại. Và không chỉ mất niềm tin vào hiện thực, thơ nữ còn chứa đựng cả những dự cảm bất trắc về tương lại. Điều này phần nào cho thấy sự “đổ vỡ” niềm tin của người phụ nữ trong đời sống hiện đại, nhưng cao hơn cả, nó là ý thức của một cái tôi công dẫn nữ - một cái tôi giàu trực cảm và bản lĩnh. 3.3.2. Mất niềm tin vào chính mình Có thể nói, thái độ hoài nghi về chính mình của người phụ nữ trong thơ nữ đương đại cũng mang những nét khu biệt riêng do đặc trưng về giới quy định. Với những người phụ nữ hiện đại, thất tình, tan vỡ trong tình yêu chính là nguyên nhân trực tiếp khiến người phụ nữ rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin. Trong phạm vi tác phẩm khảo sát, chúng tôi nhận thấy, duy chỉ có người phụ nữ trong cõi yêu của Vi Thùy Linh là không mấy khi bị gục ngã trước sự bội phản của tình yêu. Ngoài biệt lệ này, người phụ nữ trong thơ đương đại thường xuyên phải đối mặt với những vết thương lòng do tình yêu gây nên. Điều này khẳng định bản tính giới trong tâm hồn người phụ nữ. Họ dù có mạnh mẽ đến đâu thì mong đợi cuối cùng vẫn là một tâm hồn đồng điệu của một người đàn ông để họ có thể sẻ chia và hòa hợp. Sự thất vọng trong tình yêu vì thế ở một khía cạnh nào đó chính là niềm khao khát được hòa hợp bản thể nam - nữ. 3.3.3. Cảm thức về nỗi buồn và sự cô đơn Cảm thức về nỗi buồn và cô đơn trong thơ nữ trẻ đương đại trước hết là cái tôi thiếu hụt tình cảm, thiếu vắng sự sẻ chia, nỗi khao khát hoàn thiện bản thân, khao khát tìm được sự đồng điệu. Tư thế “một mình” xuất hiện nhiều trong thơ nữ đương đại và thường gắn với cảm thức cô đơn và nỗi buồn. Cao hơn, nỗi buồn trong thơ nữ giai đoạn này còn là sự thể nghiệm của nỗi cô độc trong thẳm sâu tâm hồn người phụ nữ. Những nỗi cô đơn ấy không xuất phát từ thế giới bên ngoài mà nó là tiếng gọi thẳm sâu thuộc về bản nguyên nữ, là những thao thức vĩnh viễn xuất phát từ chiều sâu tâm lý nữ. Nỗi cô đơn vì thế mà không dễ để sẻ chia, không thể sẻ chia. Tiểu kết Chương 3 Trong diễn ngôn về giới, các nhà thơ nữ đương đại luôn có một ý thức xác lập bản thể nữ với một cách tự biểu hiện giới rất tự nhiên, không cần đối sánh với nam giới, không cần hạ thấp người nam để tự tôn vinh 17 mình, không cần gây hấn và khiêu khích hay che giấu mặc cảm. Việc miêu tả và khẳng định bản thể của người nữ với tất cả những khát vọng chân xác nhất là sự khẳng định về sự tồn tại của giới nữ, đồng thời yêu cầu cần xác lập một lối ứng xử giới trên cơ sở bình đẳng. Chƣơng 4 MỘT SỐ PHƢƠNG THỨC NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ SAU 1986 ĐẾN NAY 4.1. BIỂU TƢỢNG Nhìn từ ý thức nữ quyền, biểu tượng trong thơ nữ được khởi phát từ sự chọn lựa nằm trong phái tính sáng tạo. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy các biểu tượng “đêm”, “nước”, “đất” và các biến thể của nó xuất hiện nhiều và tần số lặp lại cao. Bảng 4.1. Hệ thống biểu tượng gắn với người phụ nữ TT Tên tác giả Biểu tƣợng Đất và các biến thể Nước và các biến thể Đêm và các biến thể 1 Dư Thị Hoàn 03 09 09 2 Tuyết Nga 20 33 14 3 Phạm Thị Ngọc Liên 17 75 42 4 Đinh Thị Như Thúy 22 38 25 5 Lê Ngân Hằng 9 14 21 6 Phan Huyền Thư 06 20 16 7 Ly Hoàng Ly 04 16 41 8 Bình Nguyên Trang 06 13 18 9 Vi Thùy Linh 18 41 64 10 Trương Quế Chi 01 12 05 4.1.1. Biểu tượng Đất và các biến thể của Đất Trong ý niệm của cả phương Đông và phương Tây, đất được hình dung như là mẫu tính. Đất được xem là bà mẹ, là biểu tượng của sản sinh và 18 tái sinh, sự cho đi và nuôi dưỡng sự sống. Mẫu gốc đất chứa đựng trong nó các biểu tượng phổ quát là Mẹ, núi đồi, hang động, khu rừng, cây cối, muông thú cánh đồng, đồng cỏ, hang đá, hốc rêu, khu vườn hay sự liên hệ trực tiếp với bàn chân Biểu tượng đất trong thơ nữ đương đại xuất hiện dưới nhiều biến thể khác nhau, trong đó có biểu tượng khu vườn dưới hình thức là vườn tình ái, vườn địa đàng trong thơ Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư. Đó là biểu tượng đất gắn với biến thể đá gợi lên nỗi buồn, nỗi cô đơn trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư... Đó là biểu tượng đất gắn với biến thể bàn chân trong thơ Vi Thùy Linh. 4.1.2. Biểu tượng Nước và biến thể của Nước Nước mang thiên tính của người phụ nữ. Mẫu gốc nước chứa trong nó một số biểu tượng khác như biển, sông, suối, mưa, lũ, hạn hán hoặc có thể liên hệ với biểu tượng sữa, nước mắt, máu Biểu tượng nước xuất hiện với nhiều biến thể khác nhau trong thơ nữ đương đại. Đó là hình ảnh biển trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Đó còn là hình ảnh dòng sông, mưa, giọt lệ, nước mắt, trong thơ Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Tuyết Nga Ly Hoàng LyLà hình ảnh của dòng sữa trong thơ Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi 4.1.3. Biểu tượng bóng Đêm và biến thể của Đêm Nếu ban ngày gắn với mặt trời thuộc về dương, gắn với người đàn ông thì đêm thuộc về âm, gắn với người đàn bà. Bóng đêm luôn gợi ra sự bí mật và sâu thẳm nên nó được ví với bản tính của người phụ nữ. Mẫu gốc đêm gắn với các biểu tượng như: bóng tối, màu đen, giấc mơ, giấc ngủ, sự chết. Đêm còn gắn với biểu tượng phái sinh: giường chiếu, chăn gối Chúng ta có thể tìm thấy những biểu tượng này trong thơ của Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh và đặc biệt là trong thơ của Ly Hoàng Ly. 4.2. GIỌNG ĐIỆU 4.2.1. Giọng đằm thắm, tâm tình Mang vẻ đẹp nữ tính, giọng điệu trong thơ nữ đương đại trước hết mang âm hưởng nhỏ nhẹ, nồng nàn được biểu hiện qua chủ đề tình yêu. Đặc biệt là trong những vần thơ tình của các nhà thơ thế hệ 5x và 6x (Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Tuyết Nga). Bên cạnh đó người đọc còn cảm nhận được chất giọng buồn, ngậm ngùi nuối tiếc khi người phụ nữ nghĩ về cuộc 19 tình đã qua. Những lời tâm tình nhòa trong dòng lệ xuất hiện nhiều và dường như là chủ âm chính trong thơ họ. Và đằng sau những giọt nước mắt ấy luôn là sự dịu dàng và đằm thắm của trái tim đa cảm của người phụ nữ. 4.2.2. Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ xuất hiện ở hầu hết trong sáng tác của các cây bút nữ đương đại đặc biệt là trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh. Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ thể hiện nhu cầu bình đẳng về phát ngôn của người phụ nữ trong việc giãi bày tình cảm cá nhân riêng tư. Nó thể hiện tinh thần độc lập, tự chịu trách nhiệm của người phụ nữ về cuộc sống của mình. Giọng điệu mạnh mẽ đã trở thành một yếu tố để khẳng định vị thế của cái tôi cá nhân đòi bình đẳng giới trong thơ nữ giai đoạn này. 4.2.3. Giọng giễu nhại Với nhu cầu bình đẳng với nam giới trong việc nhìn thẳng vào những vấn đề lớn lao, mang tầm phổ quát toàn nhân loại trong thời hiện đại, các nhà thơ nữ thời kỳ này đã tạo ra chất giọng giễu nhại độc đáo. Trong thơ Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh tinh thần giễu nhại được thể hiện qua cái nhìn về những lai căng, tiêu cực trong xã hội. Ngay cả những giá trị truyền thống như đức hạnh hay sự phát triển của khoa học kĩ thuật cũng được các nhà thơ này mang ra giễu nhại. Sử dụng giọng giễu nhại khi nói về những bất cập trong xã hội hiện đại, những nhà thơ nữ đã cho thấy cái nhìn phê phán đầy bản lĩnh cũng như những cái tôi giàu trực cảm của mình trước đời sống xã hội. 4.3. NGÔN NGỮ 4.3.1. Ngôn ngữ mang đậm thiên tính nữ Là sản phẩm của giới nữ, đọc thơ nữ giai đoạn này người đọc dễ dàng bắt gặp những yếu tố ngôn ngữ mang đậm chất nữa tính, gợi đến sự liên hệ những gì gần gũi và liên quan đến thân thể, đời sống của người phụ nữ. Đó là việc sử dụng đại từ nhân xưng chủ yếu trong thơ là “em”, “người đàn bà”, “cô gái”, xưng tên... Ngoài ra, có thể xác định chủ thể trữ tình là người đàn bà thông qua những từ ngữ mà nhà thơ thường nhắc đến là phòng ngủ, giường, chiếu, đệm, bình hoa, nước hoa và những hoạt động của người phụ nữ như thoa kem, cuốn tóc, soi gương trong những căn phòng vừa chật hẹp vừa gợi những khát khao của đời sống bản năng giới. Bên cạnh đó, ngôn ngữ, hình ảnh thơ còn được “nữ hóa” bằng cách so sánh sự vật, hiện 20 tượng trong thế giới xung quanh với thân thể người phụ nữ, với những gì gần gũi thân thuộc với người phụ nữ. 4.3.2. Ngôn ngữ mang tính “phồn thực” Từ sự trỗi dậy của ý thức nữ quyền có thể thấy, thế giới được miêu tả qua ngôn ngữ của người phụ nữ trong thơ nữ giai đoạn này mang tính “phồn thực” thể hiện đặc trưng của bản thể nữ. Đó là sự chuyển hóa ngôn ngữ thân thể người phụ nữ thành đối tượng phản ánh như một sự định danh người phụ nữ trong thơ với những từ ngữ đi liền với những liên hệ, ẩn dụ mang dấu ấn của người phụ nữ vú, sữa, ngực, mông, đùi, eo, sinh nở, trở dạ, cơn đau, nước ối, ổ trứng. Bên cạnh đó, thơ nữ đương đại cũng sử dụng hàng loạt động từ mạnh để chỉ trạng thái sinh sôi, gợi sự chuyển động trong hành động tính giao và hàng loạt động từ bộc lộ khát vọng bung phá, giải tỏa, thậm chí “nổi loạn” của bản thể nữ như; thụ tinh, thụ tạo, thụ mầm, cởi, thoát y, truy hoan, khóa chặt, phóng vọt. Việc sử dụng những loại từ này với một tần số cao như vậy thể hiện một nội lực bất tận tiềm ẩn trong người phụ nữ đang được các nhà thơ nữ quan tâm khám phá và thể hiện. Nói theo tinh thần của các nhà nữ quyền luận, việc chọn lựa và sử dụng ngôn ngữ mang tính “phồn thực” nhằm xác lập chủ quyền nữ và “nữ hóa” hình ảnh ngôn ngữ thể hiện ý thức của người phụ nữ trong việc chủ động thoát ra khỏi hệ ngôn ngữ vốn chịu sự chi phối của nam giới để tạo dựng hệ ngôn ngữ của riêng phái mình. Tiểu kết Chương 4 Thực tiễn sáng tạo cho thấy, thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ sau 1986 đến nay đã dần hình thành và phát triển một lối viết nữ khá độc đáo. Những cách tân về hình thức nghệ thuật của thơ nữ ở một mức độ nào đó là sự tự làm mới mình để giành lại vị trí cho thơ trong đời sống đương đại song đó hẳn nhiên là những bước thể nghiệm đáng ghi nhận của đội ngũ tác giả thơ nữ trong đời sống văn học hôm nay. 21 KẾT LUẬN 1. Với cách quan niệm Ý thức nữ quyền trong văn học là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống và khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần thầm kín của bản thân thông qua cái nhìn mang đậm cảm quan về giới, mang đặc trưng tâm lí của nữ giới trước hiện thực, trong Chương 1 của luận án, một mặt, chúng tôi đã đi từ việc bao quát tương đối đầy đủ về tình hình nghiên cứu của đề tài đến việc chỉ ra được những điểm thừa kế và những hướng đi tiếp theo của luận án như một cách xác định, cụ thể hóa những đóng góp mới của chúng tôi trong nghiên cứu này. Mặt khác, trên cơ sở tham chiếu những nghiên cứu lý thuyết, những quan niệm về diễn ngôn nữ quyền và ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam của một số người đi trước, tác giả luận án đã đưa ra được cách hiểu về các phạm trù giới tính, phái tính, nữ quyền và ý thức nữ quyền. Đó là cơ sở lý thuyết quan trọng để giúp chúng tôi trong việc triển khai các chương tiếp theo của đề tài luận án. 2. Với cái nhìn lịch sử và nhãn quan triết học của phép biện chứng, ý thức nữ quyền từng xuất hiện ít nhiều trong thơ nữ Việt Nam từ truyền thống đến trước năm 1985. Trong thơ ca cổ điển, một số cây bút nữ hướng đến việc thể hiện ý thức về vẻ đẹp và quyền sống của người phụ nữ, tiêu biểu nhất phải kể tới sáng tác của Hồ Xuân Hương. Trong thời kỳ Thơ mới (1932-1941), một số cây bút nữ như Hằng Phương, Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Sơn hướng nội dung trữ tình tới việc đề cao cái tôi và nhu cầu giải phóng cá nhân. Thơ nữ giai đoạn 1945-1975, do hoàn cảnh đặc thù của dân tộc lại chủ yếu thể hiện ý thức công dân và khát vọng nhập cuộc của người nữ vào những công việc chung của quốc gia (một cách họ thể hiện vai trò của mình trong xã hội cùng với nam giới). Ý thức nữ quyền trong thơ nữ từ những năm 1975 đến 1985 bắt đầu có những đột phá khi nhiều cây bút hướng nội dung cảm xúc đến những vấn đề của thế sự đời tư và thể hiện đậm nét một cái tôi trữ tình mang ý thức cá nhân giàu nữ tính (Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhan, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Ý Nhi). Đây là nội dung chính được chúng tôi bàn đến trong Chương 2. 3. Thế hệ các nhà thơ nữ giai đoạn từ 1986 đến nay đã mang đến cho nền văn học nước nhà một tiếng nói mới mẻ, nhiều đột phá trên cả hai phương diện nội dung và phương thức nghệ thuật. Từ sự thể hiện của ý thức nữ quyền, đội ngũ các tác giả tiêu biểu có thể kể tới là Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Như Thúy, Lê Ngân Hằng, Phan 22 Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Bình Nguyên Trang, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi Các tác giả này đã nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình sáng tạo và xác lập được một lối viết nữ độc đáo, có những đóng góp to lớn vào bức tranh chung của văn học nước nhà thời kỳ đổi mới. Đây là nội dung chính được chúng tôi triển khai trong Chương 3 và Chương 4 của luận án. 4. Trong Chương 3 - Các cấp độ thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay, trên cơ sở khảo sát 985 đơn vị tác phẩm thơ của 10 tác giả nữ tiêu biểu, luận án đề cập tới 3 nội dung chính: (1) Hành trình xác lập bản thể nữ; (2) Thiết tạo quan niệm mới về người phụ nữ và (3) Bi kịch của sự nhận thức và ý thức phản tỉnh. - Hành trình xác lập bản thể nữ là nấc thang đầu tiên nhằm khẳng định đặc thù giới, xác tín cá biệt nữ. Hành trình này được các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại diễn ngôn bằng việc tự ý thức về thân thể nữ như một ưu thế thiên tạo, khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu và bản năng nữ (bản năng tính dục và bản năng làm Mẹ) như một sự thể nghiệm đến tận cùng bản thể nữ. Ở cấp độ nào, các tác giả nữ đương đại cũng cho thấy một cái nhìn chân thật, một cách thể hiện trung thực và một nội hàm mang giá trị nhân văn. - Về thiết tạo quan niệm mới về người phụ nữ: Lâu nay, những giá trị nữ đều do xã hội nam quyền kiến tạo. Xã hội nam quyền đã trùm lên phụ nữ những chuẩn mực và khuôn mẫu về giới một hệ thống giá trị có lợi cho người đàn ông. Những phạm trù được xã hội nam quyền tung hô và ngợi ca như là những vẻ đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ như giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, tiết hạnh đã trở thành những xiềng xích giam hãm người phụ nữ bao thời đại. Đến thời hiện đại, người phụ nữ với những nhận thức tỉnh táo và lý tính đã nhận thấy những chuẩn mực ấy thực ra chỉ là những “gánh nặng” làm cho người phụ nữ bị “cầm tù” và „kiệt sức”, và nó làm cho người phụ nữ mất đi sự tự do, làm mòn bản ngã, biến người phụ nữ trở thành công cụ trong tay nam giới. Từ những nhận thức đó, người phụ nữ thời đại @ đã không ngại tuyên chiến với truyền thống, thiết lập những giá trị nữ, hủy tạo mọi giá trị nam về thế giới trong đó bao gồm cả những giá trị về chính giới mình. Cuộc đụng độ với hệ chuẩn mực truyền thống là sự giác ngộ của người phụ nữ trong tiến trình thức tỉnh và chủ động làm mới mình, chủ động thoát khỏi sự chi phối của cái bóng truyền thống. - Về bi kịch của sự nhận thức và ý thức phản tỉnh. Nội dung này được cụ thể hóa ở 2 phương diện chính là sự khủng hoảng niềm tin (bất tín nhận thức) và ý thức về nỗi buồn và sự cô đơn. Từ thực tiễn sáng tạo cho 23 thấy, ở Việt Nam, sự khủng hoảng niềm tin trong thơ nữ đương đại rất gần với tâm thức hậu hiện đại - một thứ tâm thức gắn với cái nhìn đặc thù về thế giới ở trạng thái “phi trung tâm”. Tính hiện thực đời sống đương đại với những khuất tất, khó lường và ngẫu nhiên đã gây nên sự bất tín nhận thức trong thế giới nghệ thuật thơ nữ. Bên cạnh đó, một khi đứng trước thế giới phi lí đầy bí ẩn và đang bị phân rã, bản thân con người không thể lí giải nổi đời sống để hòa hợp với các giá trị và phi giá trị tồn tại trong đó thì chủ thể trữ tình sẽ có cảm giác hoài nghi, xa lạ, mất niềm tin ở chính mình và xa lạ với thế giới, họ rơi vào trạng thái buồn, cô đơn triền miên, bất tận. Họ cũng đồng thời mang vào trong sáng tạo của mình những dự cảm đa chiều, cả hi vọng, cả thất vọng về chính mình và về thế giới xung quanh mình. 5. Trong Chương 4 - Một số phương thức nghệ thuật thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay, luận án tiến hành khảo sát và mô tả để đi đến những nhận định, đánh giá ở 3 nội dung chính: (1) Biểu tượng thơ gắn với người phụ nữ, (2) Giọng điệu và (3) Ngôn ngữ. - Về biểu tượng thơ gắn với người phụ nữ: Khảo sát thơ của các tác giả nữ, chúng tôi thấy nổi bật lên 3 biểu tượng là Đất, Nước và Đêm cùng với các biến thể của chúng. Đất được hình dung là mẫu tính, mọi con người đều sinh ra từ đất vì đất là bà mẹ, là biểu tượng của sự sản sinh và tái sinh, sự cho đi và nuôi dưỡng sự sống, nó dịu dàng, kiên nhẫn, bền bĩ, có tính cam chịu, phục tùng. Mẫu gốc đất chứa đựng trong nó các biểu tượng phổ quát là Mẹ, núi đồi, hang động, khu rừng, cây cối, muông thú, cánh đồng, đồng cỏ, hang đá, hốc rêu, khu vườn, bàn chân Nước là chất khởi thủy, thuộc âm, tương ứng với cái lạnh và màu đen. Nước vừa là nguồn sống, vừa là nguồn chết, vừa nuôi dưỡng, vữa tạo dựng nhưng cũng mang sức mạnh của sự hủy hoại. Bởi thế mà nước mang trong nó thiên tính của người phụ nữ. Và nước chứa trong nó một số biểu tượng khác như biển, sông, suối, mưa, lũ, hạn hán và có thể liên hệ với cả biểu tượng sữa, nước mắt, máu Đêm (bóng Đêm) thuộc về âm, gắn với người đàn bà, nó luôn gợi ra sự bí mật và sâu thẳm. Mẫu gốc đêm gắn với các biểu tượng như bóng tối, màu đen, tóc, giấc mơ, giấc ngủ, sự chế và các biểu tượng phái sinh như giường chiếu, chăn gối Trong thơ nữ, cả 3 hệ biểu tượng kể trên cùng với các biến thể của nó đã được thể hiện một cách khá sinh động, mang những ý nghĩa đặc trưng cho giới nữ, thể hiện tinh thần giải phóng phụ nữ và khẳng định được những cá tính mạnh mẽ, bạo liệt, tuy độ đậm nhạt ở mỗi một cây bút chỗ này chỗ khác không đồng đều. 24 - Về giọng điệu: Chúng tôi nhận thấy thơ nữ giai đoạn từ 1986 đến nay thể hiện 4 sắc giọng khác nhau là (1) Giọng đằm thắm, tâm tình, (2) Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ, (3) Giọng giễu nhại và (4) Giọng vô âm sắc (giọng trắng). Cả 4 sắc giọng này đều có những thể hiện sinh động trong thơ của nhóm tác giả mà luận án khảo sát. Tất nhiên, ở mỗi tác giả, do cá tính sáng tạo mà giọng thơ sẽ có sự khác nhau, người ưa dùng sắc giọng này mà không dùng sắc giọng kia và ngược lại Nhưng nhìn trên đại thể của một lực lượng có thể khẳng định thơ nữ giai đoạn này đã thoát khỏi được sự cũ mòn và tạo cho mình những giọng điệu riêng của thế hệ mình. Đó là bản hợp âm đa thanh được cất lên từ những rung động của trái tim người phụ nữ trong hoàn cảnh mới, giai đoạn mới. - Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ thơ nữ Việt Nam giai đoạn này, một mặt mang tính “phồn thực” xác lập chủ quyền nữ thông qua việc sử dụng lớp từ ngữ chỉ bộ phận thân thể, tâm trạng có màu sắc trung tính, ít thể hiện được ý thức về nữ quyền. Nhưng mặt khác, các cây bút đã rất thành công trong việc sử dụng những từ ngữ liên quan đến bộ phận trên thân thể nữ như vú, sữa, ngực, mông hay những từ ngữ liên quan đến sự sinh nở như cửa yêu lá, cuống vé, mùa sinh nở, cơn lốc sinh nở, mùa trở dạ, nước ối bầu trời đêm; những động từ chỉ sự sinh sôi như thụ tinh, thụ tạo, thụ mầm, đầu thai, phục sinh, nở, cởi, thoát y, truy hoan, khóa chặt, phóng vọt Ngoài ra, các cây bút nữ còn có xu hướng “nữ hóa” ngôn ngữ bằng việc sử dụng đại từ nhân xưng (em, người đàn bà, cô gái), những từ ngữ chỉ hoạt động gắn với nữ (thoa kem, cuốn tóc), những từ ngữ, hình ảnh gắn với đời sống của người phụ nữ (phòng ngủ, giường, chiếu, đệm, bình hoa, nước hoa). 6. Chúng tôi hiểu những gì đã trình bày trong khuôn khổ của luận án này mới chỉ dừng ở những khái quát nhằm cụ thể hóa diện mạo của thơ nữ thời kỳ đổi mới trong một cảm hứng chủ đạo - ý thức nữ quyền. Việc nghiên cứu một cách kĩ lưỡng từng trường hợp tác giả cụ thể, tìm ra những khác biệt là những đề tài có thể triển khai tiếp theo. Hơn nữa, cùng với thời gian, thơ nữ ngày càng có sự phát triển và biến đổi không ngừng sẽ là đối tượng nghiên cứu thú vị để làm phong phú và đầy đặn hơn diện mạo văn học sử Việt Nam giai đoạn từ nửa cuối thế kỉ XX đến những năm đầu thế kỉ XXI - một giai đoạn văn học đang hình thành và sẽ còn tiếp tục phát triển.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfy_thuc_nu_quyen_trong_tho_nu_viet_nam_giai_doan_tu_1986_den_nay_qua_mot_so_tr_ong_hop_tieu_bieu_7525.pdf
Luận văn liên quan