Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được thông qua ngày 10/5/1997 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999. Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật thuế GTGT được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam. Luật thuế GTGT sau 9 năm thực hiện đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước và đã đạt được những mục tiêu đề ra của cải cách thuế bước II. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, hội nhập ngày càng sâu hơn, rộng hơn, Luật thuế GTGT vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần phải xem xét để tiếp tục hoàn thiện. Bài viết nhằm tổng kết những kết quả đạt được của Luật thuế GTGT, đồng thời đưa ra những nhược điểm cần tiếp tục hoàn thiện

doc13 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2901 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ---------------------- Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được thông qua ngày 10/5/1997 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1999. Việc ban hành Luật thuế GTGT để thay thế cho Luật thuế doanh thu theo chương trình cải cách thuế bước II đã được Bộ chính trị, Quốc hội và Chính phủ thông qua. Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật thuế GTGT được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam (Phụ lục số 1- Nội dung các lần sửa đổi Luật thuế GTGT). Luật thuế GTGT sau 9 năm thực hiện đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước và đã đạt được những mục tiêu đề ra của cải cách thuế bước II. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, hội nhập ngày càng sâu hơn, rộng hơn, Luật thuế GTGT vẫn còn bộc lộ một số vấn đề cần phải xem xét để tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể như sau: 1. Những kết quả đạt được a) Thuế GTGT góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh Việc hoàn thuế GTGT đầu vào đối với các dự án đầu tư đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng. Thông qua áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu đã tạo điều kiện để doanh nghiệp hạ giá hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, từ đó khuyến khích xuất khẩu tăng trưởng mạnh qua các năm, cụ thể là: - Số thuế GTGT hoàn cho các dự án đầu tư và xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ tăng qua các năm: năm 1999 là 2.700 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng thu từ thuế GTGT của năm, đến năm 2005 là 14.830 tỷ đồng (32,4% tổng thu từ thuế GTGT), năm 2006 là 18.037 tỷ đồng (32,7% tổng thu từ thuế GTGT) và năm 2007 là 24.650 tỷ đồng (34,2% tổng thu từ thuế GTGT). - Vốn đầu tư toàn xã hội so GDP tăng qua các năm: năm 2003 là 35,5% , năm 2004 là 36,2%, năm 2005 là 39,8%; 2006 là 40,9% và dự kiến năm 2007 đạt khoảng 40,4%. - Kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng cao cả vể số tuyệt đối và tỷ lệ so với năm trước: năm 2003 đạt xấp xỉ 20 tỉ USD tăng 19%, năm 2004 đã tăng lên là 26 tỉ USD tăng 28,9%, năm 2005 đạt 33,0 tỉ USD tăng 21,9% và năm 2006 đạt 39,6 tỷ USD tăng 20%, năm 2007 đạt 48 tỷ USD tăng 22,4%. b) Việc áp dụng thuế GTGT thay cho thuế doanh thu phù hợp với thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng thuế GTGT. Việc ban hành Luật thuế GTGT không những khắc phục được những bất cập của thuế doanh thu là thu trùng thuế qua các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo cam kết khi hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu, đồng thời phải bãi bỏ các khoản trợ cấp trực tiếp từ ngân sách cho doanh nghiệp, việc thu thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu, hoàn thuế cho hàng hoá xuất khẩu đã góp phần điều chỉnh cơ chế kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước và bù đắp cho Ngân sách phần thiếu hụt do cắt giảm thuế nhập khẩu. c) Thuế GTGT là nguồn thu quan trọng và ổn định của NSNN, tăng cường tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng Năm 1999 số thu từ thuế GTGT là 17.113 tỷ đồng, chiếm 23% trong tổng thu NSNN tổng thu từ thuế, phí và lệ phí, đến năm 2007, các con số này là 72.022 tỷ đồng tương ứng là 30,6%. Số thu thuế GTGT năm sau so với năm trước tăng bình quân là 19,13%. Dự báo trong những năm tới, số thu từ thuế GTGT vẫn giữ vai trò quan trọng cho ngân sách quốc gia (Phụ lục số 2 kèm theo). d) Thuế GTGT đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về kế toán, thuế của doanh nghiệp, từ đó, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiện đại hoá và đổi mới phương thức quản lý thuế Để thực hiện nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ. Từ đó giúp doanh nghiệp hạch toán đầy đủ doanh thu, chi phí, xác định chính xác kết quả kinh doanh và nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của các đối tượng nộp thuế. Áp dụng thuế GTGT vừa đặt ra yêu cầu, vừa tạo điều kiện để cơ quan thuế hiện đại hoá, đổi mới phương thức quản lý thuế (chuyển từ cơ chế cơ quan thuế trực tiếp tính thuế và ra thông báo nộp thuế sang cơ chế đối tượng nộp thuế tự tính, tự kê khai, nộp thuế theo thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch; thực hiện phương pháp quản lý rủi ro: phân loại đối tượng nộp thuế trên cơ sở đó tập trung quản lý thanh tra, kiểm tra những đối tượng có hành vi gian lận về thuế). Theo cơ chế quản lý mới này, cơ quan thuế có điều kiện tổ chức lại bộ máy theo chức năng, tập trung vào việc thực hiện các chức năng chính như tuyên truyền, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho đối tượng nộp thuế, quản lý nợ và thanh tra, kiểm tra, đồng thời tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quá trính quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. 2. Những điểm cần tiếp tục hoàn thiện Trong quá trình thực hiện, Luật thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, phù hợp với thực tiễn của nước ta. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế của Việt Nam trong những năm tới, Luật thuế GTGT cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm phát huy hơn nữa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế hiện nay. Cụ thể là: a) Về diện hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định một số nhóm hàng hoá, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Đây là các hàng hoá, dịch vụ trước đây được miễn thuế doanh thu hoặc có mức thuế suất thuế doanh thu thấp (0,5%). Việc quy định hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng là tiếp tục kế thừa Luật thuế doanh thu trước đây, phù hợp với điều kiện khi nền kinh tế nước ta trong giai đoạn đầu chuyển đổi và tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh có thời gian thích nghi với luật thuế mới. Tuy nhiên, trước tình hình mới của đất nước và thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trính hội nhập, cần thiết phải rà soát lại một số hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể: Việc áp dụng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải làm tài sản cố định của doanh nghiệp, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được là phù hợp với điều kiện của nước ta để khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ. Đến nay, năng lực về vốn, công nghệ của các doanh nghiệp trong nước đã được nâng cao, nhiều loại máy móc, thiết bị, vật tư trong nước đã sản xuất được mà trước đây phải nhập khẩu do đó, quy định nêu trên chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu-phát triển, sản xuất ra những máy móc, thiết bị, vật tư mới cung cấp cho nền kinh tế và từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Hiên nay, các doanh nghiệp vận tải và đóng tàu của nước ta đã phát triển, đã đóng được tàu vận tải biển có trọng tải lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế. Cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải quốc tế ngày càng gay gắt, việc quy định vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ cung cấp trực tiếp cho vận tải quốc tế thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng dẫn đến doanh nghiệp vận tải quốc tế không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào làm tăng cước phí vận tải, giảm khả năng canh tranh với các hãng vận tải nước ngoài. Ngoài ra, quy định hàng hoá, dịch vụ cung cấp trực tiếp cho vận tải quốc tế không chịu thuế giá trị gia tăng trên thực tế rất khó xác định, kiểm soát, dễ bị lợi dụng làm sai lệch mục tiêu của chính sách, gây thất thu thuế. Trước đây khi ban hành Luật thuế GTGT, việc đưa các hoạt động: Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim nhựa, phim vi-đi-ô tài liệu (khoản 10, Điều 4), điều tra, thăm dò địa chất, đo đạc, lập bản đồ thuộc loại điều tra cơ bản của Nhà nước (khoản 17, Điều 4) vào đối tượng không chịu thuế GTGT là phù hợp bởi vì khi đó, các hoạt động này chỉ do các đơn vị sự nghiệp thực hiện bằng nguồn kinh phí ngân sách. Trong những năm qua và thời gian tới, Nhà nước đang thực hiện chuyển đổi các đơn vị này sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với sự tham gia của các thành phần kinh tế theo phương thức nhà nước đặt hàng. Việc quy định các dịch vụ nêu trên thuộc đối tượng không chịu thuế đến nay không còn phù hợp vì sẽ không đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT, doanh nghiệp kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ này không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào mà phải tính vào chi phí, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. Nếu chuyển dịch vụ này sang đối tượng chịu thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Trong những năm gần đây, thị trường tài chính đang hình thành và phát triển, kéo theo sự xuất hiện một số dịch vụ tài chính mới như dịch vụ hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn mua, bán ngoại tệ...(gọi chung là dịch vụ tài chính phái sinh) và các giao dịch chuyển nhượng vốn xuất hiện ngày càng nhiều. Theo thông lệ quốc tế, các dịch vụ tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, Luật thuế GTGT mới chỉ quy định không chịu thuế đối với một số dịch vụ tài chính như tín dụng, bảo hiểm nhân thọ...mà chưa có dịch vụ tài chính phái sinh, chuyển nhượng vốn. . Một số nhóm hàng hoá, dịch vụ cần tiếp tục áp dụng không chịu thuế GTGT cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam, bao gồm: nhóm các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình cá nhân tự sản xuất và bán ra; các dịch vụ xã hội cần thiết phục vụ chính sách phát triển con người, bao gồm: y tế, giáo dục, đào tạo; một số dịch vụ công như dịch vụ thoát nước đường phố và khu dân cư, duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng, phát sóng truyền thanh, truyền hình công cộng; nhóm các hàng phục vụ an ninh, quốc phòng được tài trợ từ Ngân sách Nhà nước, bao gồm các loại vũ khí, khí tài chuyên dụng phục vụ quốc phòng, an ninh; nhóm các hàng hoá nhập khẩu theo thông lệ quốc tế không thuộc diện chịu thuế GTGT như hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao, tiêu chuẩn hành lý cá nhân... b) Về điều kiện khấu trừ, hoàn thuế Luật thuế GTGT quy định phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ. Căn cứ để khấu trừ thuế là hoá đơn GTGT mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT nên trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này, sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn ghi chép không trung thực nội dung kinh tế phát sinh và các loại hoá đơn bất hợp pháp khác để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhằm trốn, lậu thuế không những gây thất thu cho NSNN mà còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, tạo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng nộp thuế. Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện một loại tội phạm kinh tế mới - tội phạm mua, bán, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước như một số đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua, bán hoá đơn kiếm lời bất chính (doanh nghiệp ma), một số cơ sở kinh doanh đã mua hoá đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.....Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hóa đơn như yêu cầu doanh nghiệp đóng dấu, mã số thuế trên hoá đơn, kiểm tra đối chiếu hoá đơn mua bán giữa các doanh nghiệp...song mới chỉ hạn chế được phần nào tình trạng gian lận nêu trên. Trước năm 2003, để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu không bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng nên trong quá trình thực hiện một số cơ sở kinh doanh hàng xuất khẩu đã lợi dụng quy định này lập hồ sơ xuất khẩu hàng hoá khống, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp (hoá đơn giả, hoá đơn ghi nội dung mua bán khống...) qua đường biên giới đất liền (đặc biệt là biên giới với Trung Quốc) để hoàn thuế GTGT đầu vào nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Để xử lý vấn đề này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003 đã quy định điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu là phải thanh toán qua ngân hàng. Quy định này đã góp phần ngăn chặn được việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT khống. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định các cơ sở kinh doanh khi mua bán hàng hoá, dịch vụ trong nước bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng nên khó phát hiện và ngăn chặn được tình trạng mua bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước. Do đó, cần có quy định việc mua bán hàng hoá, dịch vụ phải thanh toán qua ngân hàng. Việc quy định thanh toán qua ngân hàng là phù hợp với chủ trương của Nhà nước, nhưng để phù hợp với thực tiễn hiện nay, cần thiết quy định việc mua bán hàng hoá, dịch vụ đến một mức tiền nào đó bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh mới được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. c) Về thuế suất thuế GTGT Luật thuế GTGT hiện hành quy định mức thuế suất 5% và 10% (trừ mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu). Việc quy định các mức thuế suất này là phù hợp với thực tiễn thời gian qua khi nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, có tính đến việc kế thừa của Luật thuế doanh thu (11 mức thuế suất từ 0,5%-30%). Đối tượng áp dụng thuế suất 5% là nhóm các mặt hàng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chưa qua chế biến ở khâu thương mại và một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu của người dân như nước sạch, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế, giáo cụ phục vụ giảng dạy và học tập; một số hàng hoá, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng, thức ăn gia súc và dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, các hàng hoá, dịch vụ này có mức thuế suất thuế doanh thu thấp (0,5% đến 1%) nên khi chuyển sang áp dụng thuế GTGT cần thiết áp dụng mức thuế suất 5%. Đây là những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân nên tiếp tục áp dụng mức thuế suất 5% trong một thời gian nữa. Những năm đầu thực hiện Luật thuế GTGT, nước ta bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ Châu Á, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng đang ở mức thuế suất 10% gặp khó khăn về tiêu thụ hàng hoá sản xuất ra do sức mua xã hội giảm sút nên Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh một số hàng hoá, dịch vụ từ mức thuế suất 10% xuống mức thuế suất 5% (ví dụ sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất; khuôn đúc các loại; ván ép nhân tạo; sản phẩm bê tông công nghiệp gồm dầm cầu bê tông, dầm và khung nhà bê tông, cọc bê tông, cột điện bê tông, ống cống tròn bê tông, hộp bê tông các loại, pa-nen và các loại cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn phi tiêu chuẩn, bê tông thương phẩm; lốp và bộ săm lốp cỡ từ 900-20 trở lên...). Thực tiễn những năm qua cho thấy: ngoài các hàng hoá, dịch vụ được điều chỉnh thuế suất từ 5% sang 10% có tình hình sản xuất kinh doanh phát triển, hiệu quả kinh doanh tốt, các hàng hoá, dịch vụ hiện đang áp dụng thuế suất 5% cũng có tình hình sản xuất kinh doanh tốt và có khả năng xem xét để chuyển từ diện áp dụng mức thuế suất 5% sang thuế suất 10%. Việc chuyển lại thuế suất 10% đối với những hàng hoá, dịch vụ này nhằm đảm bảo tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng, hạn chế các trường hợp phải hoàn thuế do có mức thuế suất đầu vào lớn hơn mức thuế suất đầu ra. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay cần thiết tiếp tục duy trì mức thuế suất 5% đối với hàng hoá, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp hoặc hàng hoá, dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân bởi các lý do sau: (i) Sản phẩm nông nghiệp do cơ sở trực tiếp sản xuất bán ra thuộc diện không chịu thuế GTGT nên cơ sở sản xuất không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì ở mức thuế suất 5% đối với một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong một thời gian nữa để góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường; (ii) Trong giai đoạn đầu hội nhập lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ bị tác động mạnh, đặc biệt trong điều kiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa cao, thu nhập và mức sống của người dân, nhất là nông dân còn thấp. Mặt khác, theo cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì nhiều sản phẩm nông nghiệp được tiếp tục duy trì chính sách bảo hộ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày gia nhập WTO; (iii) Hiện nay mặt bằng giá thế giới một số vật tư nguyên liệu là đầu vào của sản xuất tăng mạnh, nhất là đầu vào của sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm sản xuất trong nước, đời sống của người dân. Thời gian thực hiện Luật thuế GTGT vừa qua cho thấy còn có vướng mắc do tiêu chí phân định một số hàng hoá, dịch vụ chưa rõ ràng trong việc áp dụng các mức thuế suất 5%, 10%: Việc xác định mức thuế suất vừa theo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ vừa theo công dụng sản phẩm, vừa theo tính chất lý hoá của sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm cơ khí tiêu dùng thì áp dụng thuế suất 10%, sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất là 5%, trên thực tế có những sản phẩm cơ khí không thể phân định được rõ ràng là dùng cho tiêu dùng hay dùng cho sản xuất; d) Nội dung và kết cấu của Luật không còn phù hợp Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2007 đã bãi bỏ các quy định về quản lý thuế như: đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, xử lý vi phạm về thuế...của các luật, pháp lệnh về thuế hiện hành, trong đó có Luật thuế GTGT; Mặt khác, những nội dung sửa đổi tuy không nhiều nhưng cũng làm thay đổi kết cấu, thứ tự, số lượng các điều khoản của Luật thuế GTGT hiện hành; Ngoài ra, quy định về thuế GTGT được thể hiện tại 3 văn bản Luật là Luật thuế GTGT năm 1997, Luật sửa đổi, một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế GTGT năm 2005. Với nhiều văn bản Luật cùng quy định về thuế GTGT nên chưa tạo thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật./. Phụ lục 1: Nội dung của các lần sửa đổi Luật thuế GTGT Luật thuế GTGT được Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/197 có hiệu lực thi hành từ 1/1/199. Trong quá trình thi hành, Luật thuế GTGT đã trải qua 6 lần sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau: 1. Lần thứ nhất: Ngày 03/9/1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-UBTVQH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ (có hiệu lực từ 1/10/1999), cụ thể như sau: - Bổ sung vào diện không chịu thuế GTGT đối với: vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp; máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuê của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, kinh doanh; nhập khẩu phim nhựa; nhập khẩu báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách in bằng tiếng dân tộc thiểu số; tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động; hàng hoá bán cho tổ chức quốc tế, người nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam; - Chuyển các mặt hàng than đá, sản phẩm cơ khí (trừ sản phẩm cơ khí tiêu dùng), hoá chất cơ bản thuộc diện mức thuế suất 10% sang nhóm thuế suất 5%. - Chuyển các dịch vụ khách sạn, du lịch, ăn uống thuộc nhóm thuế suất 20% sang nhóm thuế suất 10%. 2. Lần thứ hai: Ngày 27/10/2000, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 240/NQ-UBTVQH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ (có hiệu lực từ 01/01/2000), cụ thể như sau: - Bổ sung vào diện không chịu thuế GTGT đối với: thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí mà trong nước chưa sản xuất được; dịch vụ tín dụng, quỹ đầu tư, hoạt động kinh doanh chứng khoán; quà biếu, quà tặng cho cá nhân ở Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ; hàng hoá, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế và các đối tượng tiêu dùng ngoài Việt Nam, trừ sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải cho nước ngoài và dịch vụ xuất khẩu lao động; chuyển giao công nghệ; phần mềm máy tính, trừ phần mềm máy tính xuất khẩu - Bổ sung vào diện áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất khẩu; phần mềm máy tính xuất khẩu; sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải cho nước ngoài và dịch vụ xuất khẩu lao động. - Chuyển một số hàng hoá, dịch vụ áp dụng thuế suất 10% sang áp dụng mức thuế suất 5%, bao gồm: sản phẩm luyện, cán, kéo kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý, trừ vàng nhập khẩu quy định tại khoản 24 Điều 4 của Luật thuế GTGT; khuôn đúc các loại; dây cáp điện sử dụng cho điện áp từ 600 vôn trở lên; máy vi tính, cụm linh kiện máy vi tính; vật liệu nổ; que hàn; đá mài; giấy in báo; bình bơm thuốc trừ sâu; mủ cao su sơ chế; ván ép nhân tạo; đất, đá, cát, sỏi; lốp và bộ săm lốp cỡ từ 900 - 20 trở lên; sản phẩm hoá dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; ống thuỷ tinh trung tính; chân giả, tay giả; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật; loại hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu kinh doanh thương mại nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; xây dựng, lắp đặt; duy tu, sửa chữa, phục chế di tích lịch sử, văn hoá, bảo tàng, trừ hoạt động quy định tại khoản 15 Điều 4 của Luật thuế GTGT; nạo vét luồng, lạch, cảng sông, cảng biển; hoạt động trục vớt, cứu hộ; vận tải, bốc xếp; sách thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; băng từ, đĩa đã ghi hoặc chưa ghi chương trình; phát hành và chiếu phim vi-đi-ô. 3. Lần thứ ba: ngày 29 tháng 11 năm 2001, Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 có Nghị quyết số 50/2001/QH10 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2002, trong đó có quy định về việc đổi danh mục hàng hoá thuộc diện không chịu thuế GTGT, thuế suất, khấu trừ và hoàn thuế GTGT (có hiệu lực từ 1/10/2002), cụ thể như sau: - Bổ sung vào diện không chịu thuế GTGT đối với đồ dùng của người Việt Nam sống ở nước ngoài mang theo khi về nước; các dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại. - Bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 0% đối với: hàng gia công xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài và cho doanh nghiệp chế xuất. với điều kiện tiền hàng hoá, xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng. - Thống nhất một tỷ lệ chung về khấu trừ thuế GTGT đầu vào (1% trên doanh số mua vào) áp dụng đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh không có hoá đơn GTGT (trước đây có nhiều tỷ lệ khấu trừ khác nhau áp dụng đối với các đối tượng mua vào khác nhau). - Bổ sung đối tượng được hoàn thuế GTGT đối với người được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn lại số thuế GTGT đã trả ghi trên hoá đơn GTGT. 4. Lần thứ tư ngày 28 tháng 11 năm 2002 của Quốc hội Khoá XI, kỳ họp thứ hai đã ban hành Nghị quyết số 09/2002/QH11 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2003 (có hiệu lực thi hành từ 1/10/2003), trong đó, có bãi bỏ việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ (%) tính trên giá hàng hoá, dịch vụ mua vào do các cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua hàng hoá, dịch vụ từ các cơ sở kinh doanh không có hoá đơn GTGT. 5.Lần thứ năm: Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 3(3/52003-18/6/2003) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT (có hiệu lực từ 1/1/2004) với những nội dung sửa đổi chủ yếu là: - Bổ sung vào diện không chịu thuế GTGT đối với: vận tải quốc tế, dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài, sản phẩm là bộ phận nhân tạo của người dùng cho người bệnh, nạng, xe lăn và dụng cụ dùng cho người tàn tật. - Chuyển từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế GTGT với thuế suất 10% đối với: hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; in báo, tạp chí, sách giáo khoa, sách văn bản pháp luật, tranh áp phích tuyên truyền sang nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT với thuế suất 10%. - Chuyển mặt hàng đường từ diện áp dụng thuế suất 10% sang diện áp dụng thuế suất 5%. Nâng thuế suất của các mặt hàng dây cáp điện dùng cho điện áp từ 600 vôn trở lên, que hàn, xây dựng lắp đặt từ 5% lên 10%. - Mở rộng diện áp dụng thuế suất 0% đối với một số hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu và hầu hết các dịch vụ xuất khẩu; - Bổ sung điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu; bổ sung các quy định về quản lý hoá đơn, chứng từ làm căn cứ trong khấu trừ, hoàn thuế; - Bỏ mức thuế suất 20% và chuyển các hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 20% sang diện áp dụng thuế suất 10%. - Bỏ quy định về thông báo nộp thuế của cơ quan thuế đối với đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ. - Xoá bỏ quy định về miễn, giảm thuế GTGT đối với cơ sở sản xuất, xây dựng vận tải trong 3 năm đầu do áp dụng thuế GTGT mà bị lỗ. - Bỏ quy định thẩm quyền của UBTVQH sửa đổi danh mục hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT. 6. Lần thứ sáu: 29/11/2005, Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế GTGT (có hiệu lực từ 1/1/2006) nhằm điều chỉnh 2 quy định chưa phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia để phục vụ đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Nội dung sửa đổi là: bổ sung sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu nhập khẩu vào diện không chịu thuế GTGT; thống nhất mức thuế suất (5%) áp dụng đối với bông sơ chế, không phân biệt bông sơ chế từ bông trồng ở trong nước và bông sơ chế nhập khẩu./.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTong ket, danh gia tinh hinh Luat thue GTGT.doc
Luận văn liên quan