Trong các hình thức huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) thì hình thức huy động vốn bằng nhận tiền gửi là hình thức huy động vốn quan trọng và nó chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn vốn huy động ở mỗi tổ chức tín dụng. Việc huy động vốn là hoạt động đặc trưng riêng có của các tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép hoạt động ngân hàng. Chính bởi vậy, em đi vào giải quyết nội dung bài tập số 02: “Xác định quyền năng nhận tiền gửi và đề xuất ý kiến về pháp luật hiện hành về quyền năng này áp dụng đối với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài”.
19 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3731 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xác định quyền năng nhận tiền gửi và đề xuất ý kiến về pháp luật hiện hành về quyền năng này áp dụng đối với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong các hình thức huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) thì hình thức huy động vốn bằng nhận tiền gửi là hình thức huy động vốn quan trọng và nó chiếm tỉ lệ lớn trong tổng nguồn vốn huy động ở mỗi tổ chức tín dụng. Việc huy động vốn là hoạt động đặc trưng riêng có của các tổ chức tín dụng được Nhà nước cho phép hoạt động ngân hàng. Chính bởi vậy, em đi vào giải quyết nội dung bài tập số 02: “Xác định quyền năng nhận tiền gửi và đề xuất ý kiến về pháp luật hiện hành về quyền năng này áp dụng đối với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài”.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Tiền gửi và huy động vốn bằng nhận tiền gửi:
1.1. Tiền gửi:
1.1.1. Khái niệm tiền gửi:
Khái niệm tiền gửi là một khái niệm rất rộng. Tại Luật các TCTD năm 1997, Điều 20 khoản 9 có đưa ra định nghĩa về tiền gửi như sau: “Tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không được hưởng lãi và phải được hoàn trả cho người gửi tiền”. Ngoài định nghĩa tại Luật các TCTD nói trên, tại Nghị định số 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về giữ bí mật thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản của khách hàng gửi tại các TCTD cũng đưa ra một quy định về tiền gửi như sau: “Tiền gửi của khách hàng bao gồm tiền Đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn (kể cả tiền gửi tiết kiệm và các hình thức tiền gửi khác”. Như vậy, cả hai định nghĩa trên đây đều chưa rõ ràng, không nói lên được bản chất thế nào là tiền gửi mà chỉ là một cách định nghĩa theo phương pháp liệt kê. Đến Luật các TCTD năm 2010 cũng chưa đưa ra một định nghĩa về tiền gửi.
Song từ những định nghĩa nêu trên ta có thể hiểu tiền gửi trong hoạt động ngân hàng dùng để chỉ các khoản tiền được gửi ở các TCTD dưới nhiều hình thức khác nhau của nhiều chủ thể.
1.1.2. Các loại tiền gửi:
Tiền gửi không kì hạn (tiền gửi thanh toán):
Đây là loại tiền gửi được khách hàng gửi vào các tổ chức tín dụng để thực hiện các khoản chi trả, thanh toán. Ở Mỹ gọi loại tiền gửi này là tiền gửi theo yêu cầu, ở Pháp gọi là tiền gửi theo tài khoản séc. Tiền gửi không kì hạn là khoản tiền đang chờ thanh toán không phải là tiền mà khách hàng để dành nên họ có thể rút ra hoặc sử dụng để thanh toán bất kì lúc nào theo yêu cầu. Thông thường khách hàng gửi loại tiền này sẽ không được trả lai hoặc lãi suất thấp. Tiền gửi không kì hạn được quản lí ở các TCTD trên tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc tìa khoản vãng lai. Đối với tiền gửi không kì hạn, khách hàng được sử dụng các công cụ thanh toán để chi trả như séc, ủy nhiễm chi và các lệnh chi khác.
Tiền gửi có kì hạn:
Đây là loại tiền gửi mà khách hàng gửi vào TCTD trên cơ sở có sự thỏa thuận với TCTD nhận tiền gửi về thời gian rút tiền. Về nguyên tắc người gửi tiền chỉ được rút tiền ra khi nào đến hạn thỏa thuận. Tuy nhiên trên thực tế, để thu hút khách hàng gửi loại tiền này, các TCTD có thể cho phép khách hàng gửi loại tiền này được rút tiền trước hạn (nếu số tiền rút ra lớn thì phải có sự thông báo trước cho TCTD), trong trường hợp này người gửi tiền chỉ được hưởng lãi suất thấp. Tiền gửi có kì hạn là nguồn vốn tính ổn định nên các TCTD thường chú trọng áp dụng các biện pháp kích thích để huy động loại tiền gửi này bằng cách đưa ra nhiều loại kì hạn khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đối với mỗi loại kì hạn, TCTD áp dụng một mức lãi suất tương ứng tren nguyên tắc thời hạn càng dài thì lãi suất càng cao.
Tiền gửi tiết kiệm:
Đây là loại tiền chỉ dành cho cá nhân, nó là khoản tiền để dành của các cá nhân chứ không phải để thanh toán, nó được kí gửi vào TCTD nhằm cất giữ hộ hoặc để hưởng lãi theo định kì. Khoản 1 Điều 6 Quy chế về gửi tiết kiệm ban hành kèm quyết định của Thống đốc ngân hàng nhà nước số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/09/2004 (QĐ 1160): “Tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền của cá nhân được gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm, được xác nhận trên thẻ tiết kiệm, được hưởng lãi theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và được bảo hiểm theo quy định của pháp lật về bảo hiểm tiền gửi”.
Tiền gửi tiết kiệm được chia thành hai loại: tiền gửi tiết kiệm không kì hạn và tiền gửi tiết kiệm có kì hạn:
Tiền gửi tiết kiệm không kì hạn:
Đây là tiền gửi tiết kiệm mà người gửi tiền có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần báo cáo trước cho tổ chức nhận tiền gửi. Tuy nhiên tiền gửi tiết kiệm không kì hạn khác tiền gửi không kì hạn ở chỗ: tài khoản tiền gửi tiết kiệm không được sử dụng để phát hành séc và thực hiện các giao dịch thanh toán bằng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt để chi trả cho người khác, trừ trường hợp tài khoản tiền gửi tiền gửi bằng đồng Việt Nam của người cư trú được sử dụng để chuyển khoản thanh toán tiền vay của chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó; hoặc chuyển khoản sang tài khoản khác do chính chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng sở hữu tiền gửi tiết kiệm là chủ tài khoản tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm đó.
Tiền gửi tiết kiệm có kì hạn:
Đây là tiền gửi tiết kiệm mà người gửi tiền chỉ được rút tiền sau một kì hạn gửi tiền nhất định theo tỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm . Tiền gửi tiết kiệm có kì hạn khác tiền gửi có kì hạn ở chỗ người gửi tiết kiệm phải là cá nhân.
1.2. Huy động vốn bằng nhận tiền gửi:
Huy động vốn là hoạt động kinh doanh chính và quan trọng của các Tổ chức tín dụng bởi vì nguồn vốn kinh doanh của các tổ chức tín dụng chủ yếu được khai thác từ nguồn vốn huy động.
Trong các hình thức huy động vốn của tổ chức tín dụng thì huy động vốn bằng nhận tiền gửi là hình thức huy động vốn đặc trưng nhất. Huy động vốn được coi là hình thức huy động vốn chủ yếu và mang tính đặc thù rõ nét nhất. Đây được xem là hình thức huy động vốn dễ dàng, nhanh chóng, đơn giản, tiện lợi, thường xuyên, tốn ít chi phí. Thông qua hoạt động này đã đem lại cho tổ chức tín dụng một nguồn vốn khổng lồ để cấp tín dụng. Nhận tiền gửi tạo tiền đề giúp cho các tổ chức tín dụng tiến hành các hoạt động kinh doanh khác: làm dịch vụ thanh toán, ngân quỹ. Thông qua nhận tiền gửi, các tổ chức tín dụng được nhiều khách hàng biết đến, từ đó mở rộng hoạt động của mình, giúp tổ chức tín dụng nắm bắt được những thông tin, dữ liệu về tình hình tài chính của các tổ chức kinh tế và cá nhân có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, tạo điều kiện giúp cho tổ chức tín dụng có căn cứ xác định mức vốn vay đối với khách hàng đó.
Hoạt động nhận tiền gửi được định nghĩa tại khoản 13 Điều 4 Luật các TCTD 2010 như sau: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.
Như vậy, so với Luật các TCTD 1997, Luật các TCTD 2010 có điểm mới là thêm “phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, tín phiếu” vào các hình thức nhận tiền gửi.
1.3. Ý nghĩa của việc xác định các loại tiền gửi và hoạt động nhận tiền gửi:
Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của các TCTD, giúp cho TCTD sử dụng vốn có hiệu quả, đảm bảo khả năng chi trả, đồng thời qua đó Nhà nước kiểm soát có hiệu quả hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Ví dụ: TCTD khi huy động vốn bằng nhận tiền gửi không kì hạn thì không thể sử dụng số vốn này để cho vay trung và dài hạn được mà chỉ sử dụng theo một tỉ lệ nhất định do Ngân hàng nhà nước quy định hoặc căn cứ vào loại tiền gửi để xác định mức dự trữ bắt buộc, duy trì khả năng thanh toán.
Thứ hai, để người có tiền có thể lựa chọn hình thức gửi tiền thích hợp tùy thuộc vào mục đích, tính chất và khả năng nguồn vốn của người gửi tiền.
2. Quyền năng nhận tiền gửi của các TCTD:
2.1. Ngân hàng thương mại:
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 98 Luật các TCTD 2010, ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi dưới các hình thức sau: “1. Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.
2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong và ngoài nước.”
Trong đó, quyền nhận tiền gửi tiết kiệm được quy định cụ thể trong QĐ 1160 như sau:
- Ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi tiết kiệm của mọi cá nhân theo các kì hạn khác nhau.(khoản 1 Điều 4).
- Chỉ có những ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối mới được nhận tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, và việc nhận tiền gửi này phải phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Chính Phủ và Ngân hàng nhà nước về quản lý ngoại hối. (khoản 5 Điều 4)
- Ngân hàng thương mại nhân tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài sinh sống và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; nhận tiền gửi bằng ngoại tệ từ các cá nhân người cư trú (Điều 3).
2.2. Công ty tài chính, Công ty cho thuê tài chính:
Theo khoản Điều 108 Luật các TCTD 2010, công ty tài chính được thực hiện quyền nhận tiền gửi dưới những hình thức sau:
“a. Nhận tiền gửi của tổ chức;
b. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kì phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức”.
Tương tự, công ty cho thuê tài chính được quyền:
“ 1. Nhận tiền gửi của tổ chức;
2. Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kì phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức” (Điều 112).
Như vậy, theo Luật các TCTD 2010, phạm vi quyền nhận tiền gửi của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính bị hạn chế hơn so với ngân hàng thương mại. Theo đó, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức mà không được nhận tiền gửi từ đối tượng là các cá nhân. Đồng thời, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi, kì phiếu, trái phiếu, tín phiếu chỉ để nhằm huy động vốn của các tổ chức trong khi ngân hàng thương mại được Luật quy định khá mở “để huy động vốn trong và ngoài nước”.
Theo quy định tại Luật các TCTD 1997, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính chỉ được nhận tiền gửi có kỳ hạn hơn 1 năm của tổ chức, cá nhân. Đến Luật các TCTD 2010 quy định, công ty tài chính, công ty cho thuê chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức. Việc thay đổi đối tượng huy động vốn của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính không phải là việc giới hạn phạm vi huy động vốn của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính. Mà việc nhận tiền gửi của cá nhân, cung ứng dịch vụ thanh toán là tiêu chí phân biệt giữa ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Quy định mới này phù hợp hơn với thông lệ áp dụng tại hầu hết các nước và tạo điều kiện để một mặt giảm bớt được rủi ro cho hệ thống ngân hàng, mặt khác cho phép các công ty tài chính được mở rộng phạm vi cung ứng các dịch vụ ngân hàng khác của mình do các quy định về an toàn sẽ được áp dụng ở mức độ thấp hơn so với các ngân hàng thương mại là những tổ chức nhận tiền gửi của dân cư và tham gia vào hệ thống thanh toán.
2.3. Quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã:
Theo khoản 1 Điều 118 Luật các TCTD 2010, quỹ tín dụng nhân dân được phép:
Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Nhận tiền gửi của thành viên;
b) Nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng nhà nước”.
So với ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thì quỹ tín dụng nhân dân không được nhận tiền gửi dưới hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu. Đồng thời, về đối tượng được gửi tiền vào quỹ tín dụng nhân dân cũng bị hạn chế rõ rệt, đó là: nhận tiền của thành viên, việc nhận tiền từ các đối tượng không phải là thành viên phải theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Ngân hàng hợp tác xã bản chất là các quỹ tín dụng nhân dân tạo thành. Hiện nay, chưa có một ngân hàng hợp tác xã nào đi vào hoạt động. Nhưng trên thực tế, ngân hàng nhà nước đang xây dựng Đề án chuyển đổi hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (Quỹ TDND TW) thành ngân hàng hợp tác xã. Sự ra đời của ngân hàng hợp tác xã sẽ khắc phục những hạn chế hiện nay về hoạt động của Quỹ TDND TW, tạo điều kiện liên kết hệ thống các QTDND cơ sở và hỗ trợ cho hệ thống này phát triển và bảo đảm an toàn hoạt động, cụ thể ngân hàng hợp tác xã sẽ thực hiện chức năng thanh toán, tiền tệ kho quỹ, hỗ trợ vốn, hệ thống công nghệ thông tin, khả năng quản trị cho các QTDND cơ sở. Luật các TCTD 2010 bổ sung loại hình ngân hàng hợp tác xã để tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời của ngân hàng này. Theo đó, ngân hàng hợp tác xã có quyền nhận tiền gửi như ngân hàng thương mại : “Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận bằng văn bản” (Khoản 2 Điều 117 Luật các TCTD 2010). Mặc dù vậy, ngân hàng hợp tác xã vẫn bị hạn chế hơn khi các hoạt động của nó phải được sự chấp nhận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Việc này xuất phát từ sự mới mẻ của loại hình TCTD này, cần có một cơ chế hợp lý để quản lí hoạt động đi đúng hướng.
2.4. Tổ chức tài chính vi mô:
Theo khoản 1 điều 119 Luật các TCTD, tổ chức tài chính vi mô được huy động vốn bằng nhận tiền gửi dưới hình thức sau:
“a) Tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô;
b) Tiền gửi của tổ chức và cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán”.
Mới đây, ngày 25/8/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trao giấy phép thành lập và hoạt động cho tổ chức tài chính vi mô đầu tiên tại Việt Nam. Đây là Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH một thành viên Tình Thương (TYM), trực thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. TYM được thành lập trên cơ sở quỹ TYM, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập từ năm 1992 theo phương pháp tiếp cận của Ngân hàng Grameen, nhằm mục đích “cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nghèo thông qua việc hỗ trợ tín dụng và tiết kiệm, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ”. Tại lễ trao giấy phép thành lập, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, xuất phát từ thực tiễn phát triển của loại hình tổ chức tài chính vi mô, với tư cách là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tài chính này phát triển và hoạt động an toàn, lành mạnh.
2.5. Ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài:
2.5.1. Giới thiệu về ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài:
Theo khoản 8 Điều 4 Luật các TCTD 2010, TCTD nước ngoài tại Việt Nam được hiện diện dưới các hình thức sau: “Tổ chức tín dụng nước ngoài được hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài”. Trong đó, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài chi nhánh ngân hàng nước ngoài là các loại ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là các ngân hàng thương mại, được hưởng các quyền hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng như ngân hàng thương mại, trong đó có kể đến quyền năng nhận tiền gửi.
Ngân hàng liên doanh: là ngân hàng được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh, bằng vốn góp của bên Việt Nam (gồm một hoặc nhiều ngân hàng Việt Nam) và bên nước ngoài (một hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài). Ngân hàng liên doanh được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động theo giấy phép thành lập và hoạt động do ngân hàng nhà nước cấp và theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Ngân hàng liên doanh chỉ thành lập hợp pháp khi bên nước ngoài có phần vốn góp không quá 50% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh.
Thời hạn hoạt động tại Việt Nam của ngân hàng liên doanh tối đa không quá 30 năm. Một điểm nhấn trong việc phát triển hệ thống hàng liên doanh tại Việt Nam là sự kiện cuối năm 2006, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga được thành lập, tăng số lượng ngân hàng liên doanh tại Việt Nam lên 05 ngân hàng với 15 chi nhánh tại các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai. Hiện nay do số lượng nhỏ, các ngân hàng liên doanh vẫn giữ vị trí khiêm tốn trên thị trường tài chính Việt Nam và những thay đổi so với năm trước còn chưa thực sự rõ nét, cả về mạng lưới chi nhánh, các loại hình dịch vụ cung cấp, kết quả hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: là ngân hàng được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu nước ngoài; trong đó phải có một ngân hàng nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ (ngân hàng mẹ). Ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập dưới công ty trách nhiệm hữu hạn, là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. (theo khoản 6 điều 7 Nghị định của Chính phủ số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam). Ngân hàng 100% vốn nước ngoài là một loại hình mới trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 1/4/2007, các ngân hàng Mỹ và nước khác sẽ được thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đây là sự phát triển mới trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể, thực hiện các cam kết với WTO, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đó là Ngân hàng HSBC, Standard Chartered, ANZ, Shinhan và Hong Leong. Hầu hết, các ngân hàng nước ngoài đều mở chi nhánh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: là đơn vị phụ thuộc ngân hàng mẹ, không có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được ngân hàng mẹ bảo đảm bằng văn bản về việc chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
Theo khoản 9 Điều 4 Luật các TCTD năm 2010, chi nhánh ngân hàng nhà nước được định nghĩa như sau: “…là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam”. Như vậy, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không có tư cách của một chủ thể độc lập mà theo chế độ ủy quyền của ngân hàng nước ngoài khi thực hiện các giao dịch tại Việt Nam. Trường hợp một ngân hàng mở nhiều chi nhánh tại Việt Nam thì các chi nhánh này là những đơn vị được tổ chức độc lậpvới nhau, phụ thuộc ngân hàng nước ngoài, được ngân hàng nước ngoài cấp vốn hoạt động. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được coi là nhóm ngân hàng năng động và hoạt động hiệu quả nhất, nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có chiến lược xây dựng và mở rộng mạng lưới khách hàng. Với kinh nghiệm quản lý điều hành và lợi thế về công nghệ, các ngân hàng nước ngoài luôn luôn dẫn đầu trong việc phát triển và áp dụng công nghệ hiện đại cũng như các sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam như hoạt động ngân hàng điện tử, bao thanh toán, môi giới kinh doanh.Thời hạn hoạt động tối đa của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài không quá 99 năm; thời hạn hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá hoạt động của ngân hàng mẹ.
Có thể nói, các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong nền kinh tế. Đến nay, có 5 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 8 công ty cho thuê tài chính, 56 văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các tổ chức này đều là những ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, có uy tín và độ an toàn cao, có khả năng cạnh tranh tốt. Mặc dù thị phần hoạt động của các TCTD nước ngoài vẫn còn ở mức khiêm tốn (khoảng 10%), nhưng có vị trí quan trọng trong hệ thống các định chế tài chính tại Việt Nam. Các TCTD nước ngoài là kênh truyền dẫn vào Việt Nam các công nghệ ngân hàng hiện đại và kinh nghiệm quản trị ngân hàng tiên tiến, đồng thời bổ sung nguồn tài chính không nhỏ cho thị trường tài chính Việt Nam.
2.5.2. Quyền năng nhận tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài:
Việt Nam được đánh giá là đất nước có nền kinh tế phát triển và là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới, do vậy, các ngân hàng nước ngoài đua nhau xâm nhập vào thị trường màu mỡ này. Nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO, với những cam kết mở cửa thị trường, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng càng thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các ngân hàng nước ngoài. Huy động vốn bằng nhận tiền gửi là hoạt động tạo nguồn vốn của các ngân hàng nói chung và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Năm 2011 được xem là năm bản lề trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng vì chính thời điểm này, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết về gỡ bỏ các rào cản trong lĩnh vực này, đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia đầy đủ, trong đó có các hạn chế trong quyền năng nhận tiền gửi. Quy định pháp luật về quyền năng nhân tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các nội dung chính như sau:
- Các quy định chung về các chủ thể trong quan hệ tiền gửi (điều kiện đối với mỗi loại chủ thể, các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tiền gửi);
- Các quy định về các loại tiền gửi;
- Các quy định giới hạn quyền huy động vốn bằng nhận tiền gửi của Ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài;
- Các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi;
- Các quy định quản lí nhà nước đối với hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.
Các chủ thể là Ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài trong quan hệ tiền gửi.
Đối với ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là ngân hàng thương mại do vậy được thực hiện các hoạt động ngân hàng như ngan hàng thương mại bình thường khác. Có thể thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động ngân hàng phát triển, hệ thống các ngân hàng ngày càng nhiều với nhiều loại hình khác nhau. Theo đó, việc quy định vấn đề nhận tiền gửi của ngân hàng nói chung và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng mà không hạn chế loại tiền gửi nào đã tạo điều kiện tốt cho việc huy động vốn bằng nhận tiền gửi của các ngân hàng. Bởi căn cứ vào tính đặc thù của hoạt động này, tính nghiệp vụ ngân hàng đặc trưng và đây là hoạt động huy động vốn rất có hiệu quả của các ngân hàng nên việc quy định này đã mở rộng quyền năng huy động vốn bằng nhận tiền gửi đối với mỗi loại tiền gửi tương ứng với mỗi loại ngân hàng sẽ thúc đẩy được hoạt động ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng mở rộng hơn. Luật các tổ chức tín dụng khi quy định về hoạt động này không hề có sự phân biệt giữa ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài với ngân hàng thương mại khác. Điều này thể hiện sự chú trọng của nhà nước trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo những cam kết của Việt Nam với WTO về lĩnh vực ngân hàng.
Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khoản 1 Điều 123 Luật các TCTD 2010 quy định cho loại ngân hàng này được thực hiện các quy định tại mục 2 Chương IV (mục 2 quy định về hoạt động của ngân hàng thương mại) những lại hạn chế ở chỗ: “Hoạt động mà ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện tại nước nơi ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở chính” thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng không được thực hiện. Quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp tránh những xung đột pháp luật xảy ra khi có sự khác nhau giữa các hệ thống pháp luật của các nước khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết những tranh chấp phát sinh sau này.
Cụ thể hơn, trong Nghị định của Chính phủ số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài có quy định cụ thể nội dung trong hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi đối với từng loại hình ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài như sau: Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thực hiện các nghiệp vụ hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, hoặc của các loại hình ngân hàng khác theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật về hoạt động của loại hình ngân hàng đó (Điều 39, 50, 57 Nghị định số 22/2006/NĐ-CP).
Các loại tiền gửi:
Thời điểm trước năm 2007, hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của các ngân hàng nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Trong khi các ngân hàng nội địa phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô vốn điều lệ và chỉ tiêu hoạt động…thì khối các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là chi nhánh ngân hàng nước ngoài lại khá trầm lắng. Theo số liệu thống kê của Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), trong vòng 10 năm (1997-2006) mức tăng vốn điều lệ chung của các tổ chức tín dụng gấp 4,96, nhưng các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ đạt 2,35 lần. Bên cạnh đó thị phần của khối này cũng giảm sút: Tổng tài sản giảm từ 16,6% còn 9,7%; vốn hoạt động giảm từ 15,9% còn 9,7% và dư nợ giảm từ 19,8% còn 8,9%. Do nhiều nguyên nhân về hệ thống pháp lý, mức độ phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, mức thu nhập và dân trí của Việt Nam... nên sản phẩm và dịch vụ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp còn khá hạn chế.
Tuy nhiên từ ngày 10/02/2007, các ngân hàng nước ngoài bắt đầu được huy động tiền gửi bằng VND - một quyền lợi mới khi Việt Nam thực hiện cam kết gia nhập WTO. Theo công văn số 1210/NHNN-CNN của ngân hàng nhà nước hướng dẫn các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND), các chi nhánh ngân hàng nước ngoại tại Việt Nam được nhận tiền gửi VND từ các thể nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh với mức tiền gửi tối đa và theo lộ trình. Cụ thể: từ ngày 1/1/2007, tỷ lệ được huy động là 650% vốn được cấp; từ ngày 1/1/2008 là 800% vốn được cấp; từ ngày 1/1/2009: 900% vốn được cấp; từ ngày 1/1/2010: 1000% vốn được cấp và sau ngày 1/1/2011 sẽ được đối xử quốc gia đầy đủ. Như vậy, hiện nay các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đã hoàn toàn được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam như các ngân hàng trong nước khác. Đây được coi là bước đi mở, một điều kiện rất tốt để hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của khối các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài có cơ hội đứng vững và phát triển trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay và cũng là thách thức cho các ngân hàng trong nước khi phải cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng nước ngoài giàu kinh nghiệm.
Giới hạn quyền huy động vốn bằng tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài:
Pháp luật huy động vốn bằng nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng vẫn còn phân biệt đối xử không đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh và không phù hợp với luật quốc tế. Đây là một quan điểm được đưa ra trong thời kì trước, khi mà Việt Nam chưa gia nhập WTO, Luật các Tổ chức tín dụng còn quy định khá khắt khe đối với hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng nước ngoài nói chung và các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Theo Nghị định của Chính Phủ số 13/1999/NĐ-CP ngày 17/3/1999 về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài có quy định: Tổ chức tín dụng là ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh. Đồng thời cũng quy định hạn chế hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi so với các ngân hàng nội địa khác. Trong quyền năng nhận tiền gửi của chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và ngân hàng liên doanh thì: Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận tiền gửi có kì hạn và không kì hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước, không được nhận tiền gửi dưới bất kì hình thức nào; Ngân hàng liên doanh nhận tiền gửi có kì hạn và không kì hạn.
Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập WTO, áp dụng lộ trình nới lỏng các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, nhất là về việc mở chi nhánh và các điểm giao dịch, đặc biệt là việc cho phép hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam, đồng thời việc cho phép quyền năng huy động vốn bằng nhận tiền gửi của các ngân hàng nước ngoài được mở rộng. Mặc dù Luật các TCTD 2010 ra đời trên tinh thần đảm bảo sự bình đẳng giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lại chưa có nghị định hướng dẫn thi hành do vậy, các hoạt động của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chịu sự điều chỉnh của cá nghị định cũ. Do vậy, ở một góc độ nào đó khi nhìn bức tranh toàn cảnh trong hoạt động ngân hàng của hệ thống các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay, ta cũng có thể dễ dàng nhận ra một số những điểm trong quy định về hoạt động này đối với các ngân hàng nội địa và ngoại địa không hoàn toàn giống nhau, nghĩa là sự mở rộng trong quy định này còn có phần ưu ái hơn giữa ngân hàng nội địa với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ: Tại Điều 4 Quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 về việc ban hành quy chế về tiền gửi tiết kiệm quy định: Ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân được nhận tiền gửi tiết kiệm của mọi cá nhân theo các loại kì hạn khác nhau; đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, phạm vi nhận tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo quy định hiện hành của Thống đốc ngân hàng nhà nước về đối tượng gửi tiền, kì hạn và mức độ huy động tối đa. Như vậy, mặc dù trong quy định trên không chỉ rõ hoạt động cụ thể trong việc nhận tiền gửi của từng loại ngân hàng, tuy nhiên nó đã thể hiện việc phân biệt trong quy định của pháp luật về quyền năng nhận tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Có thể thấy quan điểm của các nhà làm luật là việc e ngại khi có sự xuất hiện ồ ạt của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bởi nó sẽ có tác động nhất định tới hoạt động của các ngân hàng nội địa. Sự “ưu ái” hơn, những quy định có lợi hơn dành cho các ngân hàng nội địa là một quy định hợp lí bởi sẽ là rất khó khăn cho các ngân hàng nội địa trong quá trình cạnh tranh với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài khi pháp luật các tổ chức tín dụng quy định một cách đồng bộ trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, cụ thể là huy động vốn bằng nhận tiền gửi giữa các ngân hàng. Bởi với sự đi lên từ một nền kinh tế còn nhiều khó khăn như Việt Nam, quá trình gia nhập WTO là một bước đi để Việt Nam vươn mình ra biển lớn, vì vậy nếu không có những quy định phù hợp trong hoạt động ngân hàng – lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cao theo dây chuyền sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng sự xuất hiện của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Theo đánh giá của Chính phủ và các chuyên gia, Ngân hàng là lĩnh vực “gay go, quyết liệt” trong đàm phán vào WTO. Sức ép nhiều nhất khi thực hiện các cam kết cũng là ngành ngân hàng. Vì vậy, mặc dù có sự nới lỏng trong việc quy định đối với hoạt động ngân hàng của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, pháp luật các tổ chức tín dụng vẫn dành một quyền ưu tiên nhất định cho các ngân hàng nội địa, để đảm bảo tính ổn định và phát triển trong nền kinh tế nước nhà.
Trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi:
Việc quy định quyền huy động vốn bằng nhận tiền gửi cho ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo hoạt động cho chính ngân hàng đó. Tuy nhiên, song song với quyền đó, Luật các TCTD 2010 còn quy định nghĩa vụ cho ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận tiền gửi nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền và bảo đảm khả năng chi trả của ngân hàng đó. Cụ thể:
Thứ nhất: Tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi, mức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi do Chính phủ quy định. Bảo hiểm tiền gửi là một loại hình bảo hiểm đối với hoạt động ngân hàng. Theo các quy định hiện hành thì bảo hiểm tiền gửi là một loại hình bảo hiểm phi thương mại. Bảo hiểm tiền gửi ở nước ta, xét về tính chất nó là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Bởi vì pháp luật về bảo hiểm tiền gửi có quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm mà các bên tham gia quan hệ bảo hiểm có nghĩa vụ phải thực hiện. Việc áp dụng chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với tiền gửi không chỉ nhằm xử lí rủi ro đối với tổ chức nhận tiền gửi cụ thể là ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, bảo vệ lợi ích của người gửi tiền mà còn bảo vệ sự an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng, sự ổn định tiền tệ quốc gia, tạo ra sự bình đẳng công bằng trong các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và góp phần nâng cao uy tín của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Bảo hiểm tiền gửi ở nước ta là loại bảo hiểm trách nhiệm pháp lí dân sự, đối tượng của bảo hiểm tiền gửi là nghĩa vụ hoàn trả tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đối với người gửi tiền. Có thể nói đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi tổ chức tín dụng hoạt động ngân hàng nói chung và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng. Với việc mở cửa hoạt động ngân hàng dành cho các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên do tâm lí của người dân Việt Nam theo lối sống “ăn chắc mặc bền”, vì vậy việc ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động được và xây dựng được sự tin cậy đối với người dân là rất khó khăn – yếu tố cần thiết để đảm bảo hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi. Do vậy, việc quy định nghĩa vụ bảo hiểm tiền gửi là rất cần thiết, giúp cho ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời nhanh chóng gây dựng được thương hiệu hoạt động riêng để việc huy động vốn bằng nhận tiền gửi được thực hiện dễ dàng, tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai: Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền theo yêu cầu; bảo đảm trả đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi mọi khoản tiền gửi. Đây là nghĩa vụ cần thiết để giúp cho hoạt động của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tạo được uy tín và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. Thực tế hiện nay, với việc huy động vốn là điều cần thiết của các ngân hàng, đặc biệt là những dịp cuối năm khi mà nhà đầu tư muốn rút vốn để đầu tư lớn thì sự ảnh hưởng tới các ngân hàng là không nhỏ, và có thể là nguyên nhân khiến các ngân hàng lao đao. Vì thế, việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sau khi gửi tiền được đảm bảo mọi quyền lợi sẽ góp phần xây dựng nên những mối quan hệ thân thiết giữa khách hàng và ngân hàng, điều kiện cần thiết để ngân hàng tránh những sụt giảm về vốn trong hoạt động ngân hàng.
Thứ ba: Bảo đảm bí mật số dư tiền gửi của khách hàng; từ chối việc điều tra phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thứ tư: Thông báo công khai mức lãi suất tiền gửi. Lãi suất tiền gửi là điều kiện để các ngân hàng tạo được sức hút từ người dân khi tham gia vào hoạt động gửi tiền tại ngân hàng. Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng khi quyết định gửi tiền vào các ngân hàng thương mại. Nhiều người có thể sẵn sàng rời bỏ ngân hàng (NH) này để sang NH khác có lãi suất cao hơn. Vì vậy, các NH liên tục đẩy lãi suất huy động vốn lên cao.Tuy nhiên, việc quy định ngân hàng phải thông báo công khai mức lãi suất tiền gửi nhằm tránh những cạnh tranh không đúng luật của các ngân hàng. Đặc biệt, với sự tham gia của các ngân hàng có vốn đầu tư nươc ngoài, đòi hỏi cần phải có những quy định khắt khe, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời giúp cho Ngân hàng nhà nước có sự kiểm soát và điều chỉnh tốt hơn, tránh hiện tượng quá nóng trong cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng với nhau.
Thứ năm: Phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng nhà nước và duy trì tại đó số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc do Ngân hàng nhà nước quy định. Đây là điều kiện bắt buộc đối với mỗi ngân hàng. Khác với việc lập quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng, dự trữ bắt buộc là biện pháp mà ngân hàng nhà nước áp dụng đối với các tổ chức tín dụng để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng phải nộp tại Ngân hàng nhà nước số tiền gửi theo mức từ 0% đến 20% tổng số dư tiền gửi ở Tổ chức tín dụng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, từng loại tiền gửi trong từng thời kì.
Quản lí nhà nước đối với hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài:
Với sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đã nghiên cứu và xác định khả năng, thời điểm tiếp cận thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam để tham gia vào thị trường này dưới những hình thức khác nhau. Do việc áp dụng lộ trình nới lỏng các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, nhất là về việc mở chi nhánh và các điểm giao dịch, việc dỡ bỏ hạn chế về huy động tiền gửi bằng VND và khả năng mở rộng dịch vụ ngân hàng nên hoạt động của các TCTD nước ngoài ngày càng sôi động. Ngoài hình thức mở chi nhánh, sự tham gia góp vốn của các ngân hàng nước ngoài vào các ngân hàng Việt Nam gần đây và trong tương lai sẽ giúp các ngân hàng trong nước có điều kiện tăng vốn, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại về quản lý và hoạt động ngân hàng. Điều này thể hiện sự đóng góp tích cực của nhóm ngân hàng nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, Chính phủ và ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, từng bước xây dựng một sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình tổ chức tín dụng , đặc biệt là ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Mục tiêu là thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Pháp luật ngân hàng đã có những quy định kịp thời về ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lí tương đối đầy đủ, đồng bộ, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động tự do, được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, tạo sự cạnh tranh để phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời pháp luật cũng tạo điều kiện thuận cho mọi người dân đáp ứng nhu cầu gửi tiền và sử dụng các dịch vụ ngân hàng, lựa chọn được các hình thức gửi tiền khác nhau phù hợp với mục đích, nhu cầu của họ, tạo được niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng…Đồng thời tạo cơ sở pháp lí để thực hiện chức năng quản lí của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài vừa đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền.
Các nhà làm luật Việt Nam cũng đã dự liệu các tình huống khi bãi bỏ hoàn toàn quy định giới hạn chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận tiền gửi vào ngày 01/01/2011. Để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong nước thì Điều 157 đã cho phép Ngân hàng Nhà nước có quyền phong toả một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp cần thiết là phù hợp :
“1. Trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước phong tỏa một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
Hơn nữa, nội dung này đã được quy định tại Điều 40 Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
3. Đề xuất ý kiến về quy định hiện hành về quyền năng nhận tiền gửi áp dụng với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài:
Thứ nhất: Pháp luật huy động vốn bằng nhận tiền gửi của ngân hàng nước ngoài còn quy định khá rời rạc, không tập trung, còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, trong khi các văn bản này có mục tiêu chính là điều chỉnh một mảng hoặc một lĩnh vực riêng nhưng có liên quan đến hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi. Vì thế những quy định tiền gửi không được quan tâm nhiều, thậm chí quy định rất sơ sài, không có tính ổn định, thậm chí mâu thuẫn với các quy định trong các văn bản pháp luật khác.
Thứ hai: Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật các TCTD 2010 nhưng hiện nay, chưa có một nghị định cụ thể để hướng dẫn thi hành đạo luật trên. Theo trang duthaoluatonline.quochoi.vn, có 4 dự thảo nghị đinh hướng dẫn thi hành Luật các TCTD 2010, trong đó có 2 dự thảo điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó là: Nghị định quy định về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hướng dẫn Khoản 1 Điều 19 Dự thảo Luật Các TCTD), Nghị định quy định về chế độ tài chính của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hướng dẫn Điều 136 Dự thảo Luật Các TCTD). Các văn bản này mới chỉ hoàn chỉnh dự thảo sơ bộ. Như vậy, hướng dẫn cụ thể về nhận tiền gửi của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài: ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Do vậy, trong thời gian tới Chính Phủ và Ngân hàng nhà nước cần ban hành kịp thời những văn bản pháp quy để điều chỉnh hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động của ngân hàng co vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.
Thứ ba: Pháp luật về huy động vốn bằng nhận tiền gửi vẫn còn chưa bảo đảm sự bình đẳng công bằng, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế mặc dù năm 2011 Việt Nam chính thức thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Đó là chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mở điểm giao dịch ngoài trụ sở chi nhánh (ngoài lắp đặt và vận hành các máy ATM và được phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở đối xử quốc gia kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO). Thực tế hoạt động của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đã khởi sắc khi Việt Nam áp dụng những cơ chế mới thông thoáng và cởi mở hơn: HSBC Việt Nam, khá nhanh, trong năm 2010 đã có 12 điểm giao dịch từ 2 chi nhánh một năm trước đó, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với quy mô mạng lưới của các ngân hàng nội. Trong khi đó các ngân hàng nội trong những năm tới đã có những bước đi hợp lý, đúng đắn khi hạn chế việc mở rộng các chi nhánh để tập trung đầu tư vào chiều sâu, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm tạo ra sức cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài giàu kinh nghiệm hơn nhiều. Tại một cuộc họp báo trong năm 2010, ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, cũng nhấn mạnh rằng ông không hài lòng khi nhận được các câu hỏi đánh giá về sự cạnh tranh giữa “hai phe” ngân hàng nội và ngoại. Và nhận định mà ông đưa ra là 90% thị phần nói chung hiện đang thuộc về các ngân hàng nội và khó thay đổi trong 10 - 15 năm tới. “Ngân hàng ngoại khó vẽ lại thị phần huy động vốn?”-VNeconomy ngày 25 tháng 01 năm 2011
Do vậy, ở một chừng mực cho phép, Nhà nước cần dần nới lỏng các hạn chế thông qua ban hành các văn bản pháp luật cũng như thực thi có hiệu quả trên thực tế, để Việt Nam thực sự trở thành sân chơi lành mạnh cho các nhà dầu tư nước ngoài cũng như các ngân hành Việt Nam có thêm được những kinh nghiệm quý báu trên đấu trường quốc tế.
Thứ ba: Pháp luật về huy động vốn còn bị động theo mức cung - cầu của thị trường khi có sự điều chỉnh mức lãi suất cho các ngân hàng. Cụ thể: ngày 29/11/2010 Ngân hàng nhà nước ban hành Quyết định số 2868/QĐ-NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam đến ngày 03/03/2011, Ngân hàng nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với tình hình lạm phát nghiêm trọng, đồng tiền mất giá, giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt là vô cùng cần thiết nhưng điều này vô hình chung đã gây khó khăn trong việc huy động vốn cho chính các ngân hàng nước ngoài, khi mà cơ hội vừa mới mở ra và trên thực tế họ chưa có nhiều cơ hội để dành được thị phần trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam.
Thứ tư: Cùng với việc gia nhập WTO và từng bước gỡ bỏ những rào cản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm và dành rất nhiều hy vọng vào các gói đầu tư tại thị trường Việt Nam. Trong buổi tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ngày 23/3/2011, Thị trưởng khu Tài chính London - Michael Bear mong muốn được hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế tài chính, ngân hàng.Ông Michael Bear - Thị trường Tài chính Anh bày tỏ hy vọng chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Đặc biệt, trong chuyến thăm, có nhiều doanh nghiệp tài chính, ngân hàng lớn của Anh sang tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù vậy, các quy định về pháp luật ngân hàng còn khá nhiều bất cập. Thay vì việc chủ động thu hút và sử dụng có lựa chọn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trong hoạt động ngân hàng thì Việt Nam chỉ đơn thuần chiều theo ý các nhà đầu tư nước ngoài.
Kiến nghị:
Không nên hạn chế việc tham gia góp vốn của bên nước ngoài dưới hình thức tỷ lệ phần trăm đa số cổ phiều nước ngoài được nắm giữ. Bởi huy động vốn bằng nhận tiền gửi trong từng thời kì luôn gặp những khó khăn nhất định, nếu có sự hạn chế trong mức vốn đầu tư sẽ gây khó khăn đối với các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.
Cần có một văn bản tập trung thống nhất để điều chỉnh vấn đề tổ chức hoạt động của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, làm cơ sở pháp lý rõ ràng, vững chắc cho các hoạt động của ngân hàng có vốn đàu tư nước ngoài và hoạt động huy động vốn bằng tiền gửi nói riêng.
Đảm bảo thực hiện trên thực tế các cam kết trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khi Việt Nam gia nhập WTO, tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động trên cơ sở bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử, như mở rộng phạm vi hoạt động liên quan đến đồng Việt Nam, mở chi nhánh, cung cấp dịch vụ ngân hàng tiện lợi nhằm phát huy tiềm năng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.
Cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi như quy định cụ thể mức lãi suất tiền gửi cụ thể cho từng loại tiền gửi, trong từng thời kì nhất định, tránh tình trạng các ngân hàng có sự cạnh tranh lớn trong hoạt động nhận tiền gửi bằng việc đẩy mức lãi suất lên cao.
Xây dựng hành lang pháp lí phù hợp như pháp luật về bảo hiểm tiền gửi…tạo điều kiện cho các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài có cơ hội mở rộng thị trường, tạo được thế mạnh và tiềm lực có uy tín cao nhằm góp phần vào hoạt động huy động vốn bằng nhận tiền gửi cho các ngân hàng.
Cùng với sự có mặt ngày càng đông đảo và rộng rãi của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, môi trường kiểm soát và quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng cần được cải thiện liên tục, các tiêu chuẩn báo cáo tài chính cũng cần được tiến hành nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế, thêm vào đó sự đầu tư, hoàn thiện và phát triển ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng thông tin để nâng cao triển vọng của các ngân hàng Việt Nam trên tiến trình tăng trưởng và hội nhập với hệ thống tài chính ngân hàng quốc tế. Qua đó tạo được thế mạnh trong phát triển, sự cạnh tranh tốt giữa các ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Có thể nói, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài là bước đi rất cần thiết, quan trọng và đòi hỏi sự cẩn trọng của nhà nước. Để tạo điều kiện trong hoạt động ngân hàng nhằm thu hút sự đầu tư của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài nhằm giúp cho các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài có thể huy động vốn bằng nhận tiền gửi được thực hiện dễ dàng. Mặc dù còn có những khó khăn về thị phần và mạng lưới chi nhánh còn mỏng, trần tỷ lệ góp vốn còn bị hạn chế, nhưng các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đang có một môi trường hoạt động tương đối thuận lợi và có nhiều triển vọng, sẽ đầu tư và tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua các sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại với những thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần xây dựng một nền tài chính, ngân hàng phát triển toàn diện, vững mạnh tại Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Xác định quyền năng nhận tiền gửi và đề xuất ý kiến về pháp luật hiện hành về quyền năng này áp dụng đối với ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.doc