[Tóm tắt] Luận án Ngôn ngữ bình luận trong báo in tiếng việt hiện nay

3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 3.1. Cách phân tích diễn ngôn phê phán được áp dụng trong văn bản bình luận nếu xét một cách triệt để vẫn chưa tạo ra được một bức tranh đầy đủ nhất về các đặc điểm của ngôn ngữ bình luận. Nó mới chỉ góp phần tìm ra được một số chức năng, một số đặc điểm nòng cốt nhất để mô tả diện mạo cơ bản của ngôn ngữ bình luận mà thôi. Một sự phân tích sâu sắc hơn, với sự tác động mang tính hai chiều (giữa cơ quan báo chí với độc giả và ngược lại) sẽ cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn sẽ là rất cần thiết ở các công trình tiếp theo ở lĩnh vực này. 3.2. Do khuôn khổ có hạn nên luận án cũng chưa đặt ra vấn đề đánh giá phân tích cho được sự ảnh hưởng của các nguồn lực ngôn ngữ, đặc biệt là sự tác động trở lại của ngôn ngữ đối với văn bản bình luận và đối với thực tiễn khách quan của đời sống xã hội. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu của luận án cũng cho thấy việc áp dụng phân tích diễn ngôn ứng dụng và phân tích diễn ngôn phê phán vào phân tích ngôn ngữ bình luận có nhiều đóng góp bổ ích, thiết thực về cả lí luận và thực tiễn. Báo chí là "một phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội tích cực" và "nâng cao dân trí" (Tạ Ngọc Tấn [88, tr.9-10]). Ngoài mục đích thu thập thông tin, người Việt Nam đọc báo để tìm hướng giải quyết cho những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Như vậy, nghiên cứu ngôn ngữ ứng dụng, ngôn ngữ có tính chất phê phán đứng trên quan điểm quyền lực của nhà nước ở nước ta hiện nay đang rất cần được phát triển và hoàn thiện.

doc26 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1112 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Ngôn ngữ bình luận trong báo in tiếng việt hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
quan điểm (trực tiếp hoặc gián tiếp) để định hướng suy nghĩ cho độc giả. Đây cũng chính là một cách thể hiện tính quyền lực của báo chí. - Tỉ lệ khá cao của các câu thể hiện quá trình phát ngôn (13,3% ) chủ yếu ở dạng câu trích dẫn cho thấy tầm quan trọng của trích dẫn đối với bình luận nhằm đạt mục đích miêu tả khách quan sự kiện (cái “tôi” tác giả, dù rất quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng khiến người đọc chấp nhận sự can thiệp của tác giả). - Câu có cấu trúc chính là quá trình hiện hữu có tỉ lệ thấp nhất (11,9%). Để định hướng suy nghĩ của người đọc và với diện tích giới hạn của trang báo, những câu với thông tin “ở đâu có cái gì” chỉ được dùng để miêu tả ngữ cảnh, mốc sự kiện, giúp cho người đọc hình dung xuất phát điểm hay giới hạn của câu chuyện. - Quá trình tinh thần cũng chiếm tỉ lệ tương đối cao (16,6%) bởi hầu hết những bài bình luận chính trị - xã hội đều thể hiện sự mong muốn của các nhà nước, của chính phủ, của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội về mọi vấn đề đã và sẽ xảy ra. - Quá trình hành vi chiếm tỉ lệ (12,4%) trong văn bản, so với các quá trình khác thì chiếm tỉ lệ thấp hơn. Một số nét khái quát: Một trong những điều làm cho bình luận báo chí khác với các thể loại thông tấn khác, nhất là tin, là sự việc không đơn thuần được liệt kê, mà trở thành một tham tố, đối tượng được phản ánh thông qua “thông tin lí lẽ” của nhà báo. Thông tin thay vì được được thể hiện dưới dạng quá trình vật chất, hay quá trình hành vi trở thành đối tượng nhận thức của quá trình tri nhận. Việc chọn quá trình nào để thể hiện kinh nghiệm hoàn toàn phụ thuộc vào điểm nhìn của tác giả. Sự chuyển tác ở ngôn bản bình luận có thể được cụ thể hoá như sau: Các quá trình vật chất, quan hệ, hành vi được phản ánh lại dưới dạng quá trình nhận thức; Các quá trình vật chất, hành vi được phản ánh lại dưới dạng quá trình phát ngôn; Các quá trình vật chất, nhận thức, ứng xử... được phản ánh lại dưới dạng quá trình hành vi. 2.1.3. Danh hoá trong văn bản bình luận 2.1.3.1. Danh hoá và định nghĩa danh hoá Danh hoá (nominalisation) được hiểu là quá trình biến các động từ và tính từ thành các danh từ. Quá trình này được Halliday gọi là sự “ẩn dụ ngữ pháp” (grammatical metaphor). Theo ông, danh hoá là “sự chuyển đổi từ của từ loại này thành một từ thuộc từ loại khác trong khi các đơn vị từ vẫn được giữ nguyên”. 2.1.3.2. Danh hoá trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt Danh hoá trong văn bản bình luận chủ yếu là danh hoá động từ và danh hoá mệnh đề. Yếu tố danh hoá động từ và mệnh đề trong văn bản bình luận có những đặc điểm chủ yếu sau: a. Danh hoá động từ với: việc, sự, cuộc, nỗi, niềm Đây là trường hợp khá phổ biến trong văn bản bình luận. Điều này phù hợp với đặc điểm của văn bản bình luậnvì bình luận là thể loại báo chí hội tụ nhiều loại phong cách như: chính luận, báo chí, văn học, sinh hoạt hằng ngày, v.v.. Danh hoá động từ chiếm tỉ lệ lớn trong các bài bình luận trên báo in tiếng Việt. b. Các động từ được danh hoá trong văn bản bình luận đều là các động từ chỉ quá trình / hành động và thường là các động từ đa tiết. c. Danh hoá mệnh đề. Danh hoá mệnh đề là danh hoá ở cấp độ cú pháp, kết quả của hiện tượng này là tạo ra một tổ hợp có thể làm chức năng của danh từ, có thể dùng ở vị trí của danh từ. 2.1.4. Mở rộng các cụm danh từ 2.2.3.1. Phần đầu danh ngữ Việc danh ngữ hoá là hiện tượng thuộc ẩn dụ ngữ pháp. Nhưng việc danh ngữ hoá thông qua sử dụng danh từ ghép có thể coi là quá trình chuyển loại: Nghĩa của một ngữ hay một câu được chuyển vào một từ, đưa những từ có vị thế là thành phần phụ của danh ngữ lên vị trí ngang bằng với danh từ trung tâm. Đó là cách mà tác giả Hoàng Văn Vân gọi là "gói thông tin lại" và biến chúng từ một câu trở thành một danh ngữ để chúng có chức năng như một thành phần ngữ pháp trong câu khác. Trên phương diện cấu tạo từ trong tiếng Việt, những từ ghép theo quan hệ đẳng lập để chỉ một khái niệm liên quan đến hai hay nhiều địa điểm, lĩnh vực. Ví dụ: Thời kì "trăng mật" trong quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi Tổng thống Ô-ba-ma lên nhậm chức... (QĐND, 8/2/2010). 2.2.3.2. Phần cuối danh ngữ Phương thức mở rộng phần cuối danh ngữ trong bài bình luận tiếng Việt có một vai trò vô cùng quan trọng vì khả năng mở rộng nghĩa ở phần đầu danh ngữ là rất hạn chế (do số lượng và sự kết hợp của các hư từ có hạn). Ví dụ: Ngày 25-7, website Wikileaks công bố 91.731 trang tài liệu tình báo của Mỹ về cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan giai đoạn 2004-2009, lột tả sự thật lực lượng quân sự Mỹ và NATO tại Áp-ga-ni-xtan đã nhiều lần “giết nhầm, bắn nhầm” thường dân mà rất nhiều nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, những đối tượng ít khả năng phản kháng và tự vệ. (QĐND, 29/7/2010) Ví dụ này cho thấy sự mở rộng phía sau danh từ cho phép câu đưa một lượng thông tin rất lớn vào ngôn bản, tuy nhiên người đọc vẫn thấy rõ ràng, dễ hiểu. Việc sử dụng danh hoá và mở rộng nghĩa cho danh từ trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt là phương thức rất hiệu quả, vừa tiết kiệm được ngôn từ, vừa đảm bảo nguyên tắc đơn giản và dễ hiểu vốn là nguyên tắc của ngôn ngữ báo chí nói chung. 2.1.5. Chu cảnh và chuyển tác chu cảnh trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt 2.1.5.1. Chu cảnh chuyển tác Trong ngữ pháp chức năng hệ thống, các thành phần diễn đạt các khía cạnh khung cảnh như thời gian, địa điểm, phương thức, đồng hành được gọi chung bằng một cái tên là chu cảnh. Nó là một trong những thành phần kinh nghiệm được xác định trong ngữ pháp của câu. Chúng không nhất thiết là một thành phần cố hữu trong một sự tình mà chỉ là những thành phần phụ kèm vào “cốt lõi” hay “chuyển tác hạt nhân” của cú. Chức năng chính của chúng là tạo ra “hậu cảnh” hay “tình huống” cho quá trình tức là chúng giải thích một cách khái quát quá trình xảy ra ở đâu, như thế nào, khi nào, tại sao 2.1.5.2. Các phương thức biểu thị chu cảnh và chuyển tác chu cảnh trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt Do đặc điểm của câu trong văn bản bình luận là câu có nhiều tầng bậc và ở dạng câu phức, để có thể diễn đạt được những ý tưởng khách quan về thông tin, nhiều trường hợp trong văn bản đã sử dụng một cách tối đa khả năng có thể thay đổi vị trí của trạng ngữ trong câu. Cách thông thường nhất là đưa trạng ngữ lên vị trí đầu câu và được ngăn cách bằng dấu phẩy. Ví dụ: Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng M.Xinh đã cam kết với Thủ tướng N.Can rằng, Niu Ðê-li sẽ cung cấp đều đặn nguồn đất hiếm cho Tô-ki-ô. ( Thủ tướng M.Xinh đã cam kết với Thủ tướng N.Can rằng, Niu Ðê-li sẽ cung cấp đều đặn nguồn đất hiếm cho Tô-ki-ô, trong chuyến thăm Nhật Bản lần này) (trạng ngữ thời gian). 2.2. Các phương thức thể hiện chức năng tư tưởng lô gíc trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt 2.2.1. Các quan hệ đẳng kết 2.2.1.1. Thành phần đồng chức năng Với vai trò mở rộng nghĩa cho danh từ, các thành phần đồng chức năng được sử dụng khá phổ biến trong ngôn ngữ bình luận. Và có các dạng sau: a. Thành phần đồng chức năng là vị ngữ b.Thành phần đồng chức năng là định ngữ cho danh từ c. Thành phần đồng chức năng bổ ngữ cho động từ d. Thành phần đồng chức năng là trạng ngữ Ngoài mục đích tiết kiệm ngôn từ (kết quả của phép giản lược), việc dùng thành phần đồng chức năng còn góp phần tạo cảm giác thông tin được cung cấp cho người đọc một cách dồn dập, với số lượng đủ để họ cảm thấy tin cậy, có sức thuyết phục, đồng thời tạo nên nhịp điệu nhanh, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc (đặc tính của ngôn ngữ báo chí). 2.2.1.2. Trích dẫn trực tiếp (TDTT) a. Trích dẫn trực tiếp toàn bộ TDTT toàn bộ trong ngôn ngữ bình luận báo in tiếng Việt thường áp dụng cho những trường hợp sau: Trích nguyên một câu viết hay khẩu hiệu; Một phần cuộc phỏng vấn, một đoạn thoại ngắn hay những phát ngôn mang phong cách khẩu ngữ cũng có thể được trích nguyên. b. Trích dẫn bộ phận Để tạo nên những tiêu điểm thông tin một cách tiết kiệm và có chủ ý, trong một số trường hợp tác giả không có sự lựa chọn nào khác ngoài trích dẫn bộ phận. TDTT bộ phận, nếu được sử dụng một cách lôgíc, có tính nghệ thuật sẽ đem lại hiệu quả vượt xa bất kì sự miêu tả hay tường thuật nào, bởi lẽ nó đáp ứng được đặc điểm của ngôn ngữ bình luận. Đây không chỉ là đặc trưng mang tính luận chứng của ngôn bản bình luận mà còn liên quan đến chiến lược giao tiếp. Ngoài những lợi ích trên, còn thấy việc sử dụng TDTT còn tránh cho câu văn dài, rườm rà đồng thời tạo tính chính xác cao cho văn bản. Đây cũng là điều kiện để thực hiện nội dung một cách chính xác hơn. 2.2.2. Các quan hệ phụ thuộc 2.2.2.1. Cú bị bao Cú bị bao có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng nghĩa cho danh từ. Nếu cùng xuất hiện với phần cuối của danh ngữ, cú bị bao thường có vị trí sau cùng so với động ngữ, danh ngữ và trạng ngữ. Bản thân cú bị bao cũng có thể có những thành tố được mở rộng nghĩa theo các phương thức khác nhau. 2.2.2.2. Lời trích dẫn gián tiếp TDGT thường được dùng để tóm tắt những lời phát biểu dài và được dùng như một sự chuyển tiếp từ chuỗi sự kiện này sang những sự kiện tiếp theo hoặc nối hai phần TDTT. Đây cũng là phương pháp hợp lí hơn để truyền đạt lại ý nghĩ. Có thể nhận thấy một đặc điểm tương đối nổi bật trong văn bản các bài bình luận chính trị là sự hiện diện của lời TDGT. Lời TDGT được sử dụng tương đối nhiều so với các văn bản tin. Lí do là người viết muốn làm cho lời bình luận của mình có thêm tính khách quan; trong khi ở các bản tin, người viết muốn tường thuật lại tin hơn là làm sống lại tin đó. Sau đây là ví dụ về lời TDGT trong bình luận. Theo các nhà phân tích, những làn sóng biểu tình dâng cao kéo theo bạo loạn ở các nước Trung Ðông và Bắc Phi, lại càng có nguy cơ đẩy giá lương thực tăng cao. (NDCT, 16/3/2011) Có thể nhận ra tính chất gián tiếp hay “báo cáo lại” qua các động từ: tuyên bố, theo, cho... a. Các tiêu đề bài báo có phần trích dẫn Theo kết quả khảo sát, khoảng 55% tiêu đề bình luận báo in tiếng Việt là ở dạng câu hoàn chỉnh và chỉ khoảng 2,5% trong số đó chứa lời TDTT. Những TDTT xuất hiện trong tiêu đề thường tương đối ngắn (không quá 10 âm tiết). Những câu này thường có ý nghĩa trọn vẹn, đầy đủ và quan trọng nhất là phải ngắn gọn, súc tích, giúp người đọc hiểu chính xác nghĩa của câu hay đúng hơn là thông điệp của ngôn bản được thể hiện thông qua tiêu đề. Việc TDTT các phát ngôn quan trọng đem đến cho người đọc cảm giác tin cậy và thường chỉ được dùng khi đó là phương án tối ưu, ví dụ: Tội ác ở “địa ngục trần gian” S21 (QĐND, 29/7/2010). b. Động từ dẫn Cả TDTT và TDGT, cũng như các dữ kiện trong ngôn bản đều cần phải chỉ ra nguồn gốc xuất xứ ngoại trừ các sự kiện đã rõ ràng, hay được nhắc đến trước đó. Thường xuất xứ được đặt ở vị trí sau lời trích hay sự kiện, nhưng ở những chuỗi câu trích dài có 3 vị trí dành cho từ chỉ xuất xứ: sau câu trích dẫn đầy đủ, sau sự kiện đầu tiên hoặc được lồng vào giữa câu. Dựa trên cấu trúc, nhóm từ dẫn (từ thông báo) có thể được chia thành: từ dẫn là một động từ,từ dẫn là một ngữ (động ngữ, hoặc giới ngữ) hoặc từ dẫn là một câu. Xét về vị trí, các từ và ngữ dẫn có thể đứng trước hoặc sau câu trích. 2.2.3. Lập luận trong bài bình luận báo in tiếng Việt 2.2.3.1. Sơ bộ về lập luận Lập luận là đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới. 2.2.3.2. Các dạng lập luận trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt a. Lập luận đơn giản Lập luận đơn giản là lập luận chỉ có một kết luận, các thành phần còn lại đều là luận cứ. Lập luận đơn giản thường xuất hiện giữa các câu đứng gần nhau trong một đoạn văn, hoặc giữa các đoạn văn đứng gần nhau; ví dụ. “ Nhưng chắc chắn rằng, không ai có thể giải quyết vấn đề nhân quyền ở Mỹ tốt hơn chính phủ và nhân dân Mỹ (1); Không ai có thể giải quyết vấn đề nhân quyền ở Việt Nam tốt hơn chính phủ và nhân dân Việt Nam (2). Vậy thì, nếu như ông C. Xmít có nhiệt huyết quan tâm đến vấn đề nhân quyền, thì trước hết hãy góp sức cùng Chính phủ và nhân dân Mỹ lo liệu vấn đề nhân quyền ở Mỹ; hãy để cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam được yên ổn mà lo liệu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam”(3). [128, tr.749]) Trong ví dụ trên, mối quan hệ giữa (1), (2) và (3) là mối quan hệ lập luận. Theo đó, (1) và (2) là các luận cứ, còn (3) là kết luận. Có thể trình bày mô hình lập luận này như sau: Luận cứ 1: (Chắc chắn rằng) Không ai có thể giải quyết vấn đề nhân quyền ở Mỹ tốt hơn chính phủ và nhân dân Mỹ. Luận cứ 2: (Chắc chắn rằng) Không ai có thể giải quyết vấn đề nhân quyền ở Việt Nam tốt hơn chính phủ và nhân dân Việt Nam. Kết luận: Chính phủ và nhân dân Mỹ lo liệu vấn đề nhân quyền ở Mỹ; Chính phủ và nhân dân Việt Nam lo liệu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. b. Lập luận phức hợp Lập luận phức hợp là lập luận có nhiều kết luận bộ phận dẫn đến một kết luận chung, tổng thể. Tư tưởng chủ đề của toàn bộ diễn ngôn có thể xem là R và tư tưởng chủ đề của từng đoạn hợp thành diễn ngôn là những r. Mỗi đoạn là một lập luận bộ phận, tất cả hợp lại lập luận lớn chung cho toàn bộ diễn ngôn. Có thể xem các câu chủ đề (tường minh hay hàm ẩn) của từng đoạn của diễn ngôn là những r mà các ý trình bày trong đoạn phải dẫn tới. Trong một diễn ngôn, không phải tất cả các kết luận bộ phận r (tức lập luận bộ phận) đều đồng hướng dẫn tới R. Để cho diễn ngôn có sức thuyết phục, đôi khi người nói, người viết phải đưa ra các phản lập luận để rồi bác bỏ phản lập luận đó. Tính lập luận là sợi chỉ đỏ đảm bảo tính mạch lạc về nội dung bên cạnh tính liên kết về hình thức của diễn ngôn bình luận. 2.3. Tiểu kết Trong văn bản bình luận, chức năng tư tưởng kinh nghiệm được thể hiện thông qua quá trình chuyển tác và chức năng tư tưởng lôgic được thể hiện bằng các phương thức tạo mối quan hệ đẳng kết và phụ thuộc với các thành tố trong câu. Cũng giống như các thể loại báo chí khác, chức năng quan trọng thứ nhất, cung cấpthông tin trong bình luận đạt được thông qua các câu có cấu trúc chính thể hiện quá trình vật chất và mở rộng nghĩa cho danh từ. Chức năng quan trọng thứ hai, định hướng suy nghĩcho độc giả đạt được nhờ quá trình chuyển tác (việc lựa chọn nhân tố nào tham gia quá trình làm hành thể hay đích thể...), chuyển loại của từ, trích dẫn... trong văn bản bình luận, việc chuyển tác bao gồm chuyển tác quá trình và chuyển tác chu cảnh. Để phục vụ cho mục đích của mình trong thể hiện kinh nghiệm, các tác giả bình luận hay dùng các quá trình nhận thức, phát ngôn, ứng xử và quan hệ như điểm dừng cuối cùng để thông qua đó phản ánh lại các quá trình khác vì những câu có cấu trúc thể hiện các quá trình này có thể cùng một lúc giúp người viết đạt được hai mục đích: cung cấp thông tin đồng thời thể hiện thái độ, sự khách quan, phản ứng và sự bình giá của người viết hoặc của một ai đó đối với thông tin vừa nêu ra. Việc sử dụng danh hoá và mở rộng nghĩa cho danh từ trong văn bản bình luận là phương thức rất hiệu quả: đưa một lượng thông tin lớn vào thành phần tham tố của quá trình, trên cơ sở đó giữ được cấu trúc chính của câu. Việc đó không những có tác dụng tiết kiệm ngôn từ do giảm đáng kể số lượng các liên từ, mạo từ ... mà còn đảm bảo được nguyên tắc đơn giản và dễ hiểu vốn là tiêu chí của ngôn ngữ báo chí nói chung. Đó cũng chính là lí do để giải thích tại sao trong bình luận có những câu có cấu trúc tầng bậc, phức tạp nhưng không làm cho người đọc nản chí khi tiếp nhận văn bản. Để tạo lập luận, các tác giả thường đưa ra một kết luận rồi dùng lí lẽ (luận cứ) để dẫn dắt người đọc đến một kết luận nào đấy. Việc sử dụng lập luận trong các văn bản bình luận cho thấy lập luận là yếu tố quan trọng góp phần tạo sự mạch lạc cho toàn bộ ngôn bản cũng như giá trị thuyết phục người đọc. Chương 3. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC VĂN BẢN BÌNH LUẬN ĐỂ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG LIÊN NHÂN 3.1. Dẫn nhập Halliday cho rằng, siêu chức năng liên nhân thể hiện việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt các mối quan hệ xã hội và quan hệ cá nhân. Siêu chức năng này được hiện thực hoá qua hệ thống Thức (Mood system) và hệ thống Tình thái (Modality system). Thức chỉ rõ vai trò của người nói (bên phát) lựa chọn tình huống nói và vai trò mà người nói ấn định cho người nghe. Tình thái được định rõ khi người nói thể hiện sự đánh giá hoặc dự đoán của mình. Báo chí (cụ thể là các bài bình luận) có khả năng tạo dư luận xã hội, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của con người và là phương tiện quản lí, giám sát xã hội xét theo quan điểm của phân tích diễn ngôn phê phán. Thực chất, văn bản bình luận trong báo in tiếng Việt chính là một cách thể hiện tính quyền lực của báo chí. Tính quyền lực quy định cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ trong văn bản.Bản chất này quy định chức năng liên nhân của ngôn ngữ bình luận và nó được hiện thực hoá qua các nguồn lực ngôn ngữ như: từ tình thái, ẩn dụ thức, ẩn dụ tình thái, trạng ngữ tình thái bình luận 3.2. Tình thái trong văn bản bình luận 3.2.1. Tình thái trong ngôn ngữ Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều quan điểm khác nhau về tình thái, nhưng tựu trung các tác giả đều cho rằng “Tình thái là thái độ của người nói đối với điều được nói ra, đối với hoàn cảnh phát ngôn và đối với thực tế”. Các phương tiện biểu hiện tình thái rất đa dạng, có thể hiển minh hoặc có thể hàm ẩn. Về phương diện từ vựng - ngữ pháp, các phương tiện biểu hiện tình thái cơ bản nhất là vị từ tình thái (modals), thức (moods) và thời (tense), các tiểu từ tình thái (particles), các tổ hợp tình thái tính, trạng ngữ tình thái bình luận và thành phần xen. 3.2.2. Tình thái trong tiếng Việt 3.2.2.1. Quan niệm về tình thái trong tiếng Việt Trong tiếng Việt, quan niệm về tình thái cũng rất đa dạng và phức tạp. Có quan niệm của các tác giả: Cao Xuân Hạo, Bùi Minh Toán, Nguyễn Văn Hiệp, ... 3.2.2.2.Các phương tiện biểu thị nghĩa tình thái trong tiếng Việt Nguyễn Văn Hiệp [50, tr.140], cho rằng trong tiếng Việt, ngoài ngữ điệu thì các phương tiện từ vựng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc biểu thị tình thái, có thể kể ra các nhóm chính: 1. Các phó từ làm thành phần phụ của ngữ vị từ: đã, sẽ, đang, từng, vừa, mới 2. Các vị từ tình thái tính làm chính tố trong ngữ đoạn vị từ: toan, định, cố, muốn, đành, được, bị, bỏ, hãy, đừng, chớ, 3. Các vị từ chỉ thái độ mệnh đề trong cấu trúc chỉ thái độ mệnh đề: tôi e rằng, tôi sợ rằng, tôi nghĩ rằng, 4. Các quán ngữ tình thái: ai bảo,nói gì thì nói, ngó bộ, thảo nào,tội gì, đằng thằng ra, kể ra, làm như thể, 5. Các vị từ ngôn hành trong kiểu câu ngôn hành (với những điều kiện về ngôi, về chỉ tố thời,) như: ra lệnh, van, xin, đề nghị, yêu cầu, 6. Các thán từ: ôi, eo ôi, chao ôi, ồ, 7. Các tiểu từ tình thái cuối câu và tổ hợp đặc ngữ (idom) tương đương: à, ư, nhỉ, nhé, thôi, chứ, đi, mất, thật, cũng nên, lại còn, thì chết, 8. Các vị từ đánh giá và tổ hợp có tính đánh giá: may (là), may một cái (là), đáng buồn (là), đáng mừng (là), đáng tiếc (là), 9. Các trợ từ: đến, những, mỗi, nào, ngay, cả, chính, đích thị, đã, mới, chỉ, 10. Những đại từ nghi vấn được dùng trong những câu phủ định - bác bỏ (P làm gì? P thế nào được?), các liên từ dùng trong các câu hỏi (Hay P? Hay là P?). 11. Các từ ngữ chêm xen biểu thị tình thái: nó biết cóc gì, mua cha nó cho rồi, hỏi cái đếch gì 12. Kiểu câu điều kiện, giả định: nếu thì, giá thì, cứ thì, Một cách biểu thị khác về tình thái dựa trên quan điểm Đề - Thuyết [47, tr.58]. 3.2.3. Tình thái trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt Các phương thức thể hiện nghĩa tình thái trong ngôn ngữ bình luận được nhìn nhận dựa trên tiêu chí: yếu tố thể hiện tình thái có thuộc thành phần câu chứa thông tin hay không. Thông tin và tình thái cùng được thể hiện trong câu chứa thông tin: (Tình thái) ,(Tình thái) Chủ ngữ (Tình thái) (Tình thái) Vị ngữ, (Tình thái) CÂU CHỨA THÔNG TIN Sơ đồ 3.2 Vị trí của yếu tố tình thái trong thành phần của câu chứa thông tin Thông tin và tình thái được thể hiện không cùng trong một câu: Câu phóng chiếu Câu bị phóng chiếu Chủ ngữ Vị ngữ Chủ ngữ (Tình thái) Vị ngữ (Tình thái) CÂU CHỨA THÔNG TIN Sơ đồ 3.3 Vị trí của yếu tố tình thái trong thành phần của câu phóng chiếu 3.2.3.1. Ẩn dụ thức trong văn bản bình luận Việc sử dụng câu nghi vấn dưới dạng HĐLN gián tiếp trong bình luận có thể được coi là một dạng của ẩn dụ thức. Có thể thấy rõ rằng trong văn bản bình luận, trừ những đoạn trích dẫn trực tiếp, hầu hết là câu trần thuật, câu nghi vấn chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Lí do của sự phân bố này là: mục đích chủ yếu của báo chí là truyền đạt thông tin. Dù cái đích cuối cùng vẫn là định hướng suy nghĩ, nhưng nó phải đạt được một cách không quá lộ liễu. Vì vậy, vai trò của ẩn dụ liên nhân là vô cùng quan trọng. Người viết chỉ đặt ra câu hỏi để định hướng suy nghĩ cho người đọc, hoặc câu hỏi không chính danh nhằm đưa quan điểm một cách gián tiếp. Việc sử dụng câu hỏi trong bình luận không chỉ thuộc phạm trù ẩn dụ thức mà còn là phương thức liên kết văn bản (sẽ được khảo sát thêm ở chương 4). 3.2.3.2. Ẩn dụ tình thái trong văn bản bình luận a. Hiện thực hoá tình thái có tính tương thích trong văn bản bình luận Bất kì hình thể ngữ nghĩa nào cũng đều có một hình thức hiện thực hoá ở bình diện ngữ pháp - từ vựng - một cách tạo lời hay chua lời nào đó - có thể gọi là tương thích. Nếu nhìn từ góc độ cấu trúc có thể coi dạng này là các phương thức thể hiện tình thái thuộc thành phần chính của câu. Trong bình luận báo in tiếng Việt, nghĩa tình thái có thể được tạo nên từ các cách sau: Các vị từ tình thái tính làm chính tố trong ngữ đoạn vị từ: toan, định, cố, muốn, đành, được, bị, bỏ, hãy, đừng, chớ... Ví dụ: ... Ngoài ra, Gô-va-đi-a còn bị buộc tội âm mưu bán công nghệ tàng hình cho Chính phủ Thụy Sĩ và các doanh nghiệp ở I-xra-en và Đức. (QĐND, 14/8/2010). Ví dụ: ... Từ thời cổ xưa, người Hi Lạp muốn bảo đảm sự ổn định của đế quốc họ trong thời kì hoàng kim... [130] Các trạng từ chỉ tình thái tương đương với nhóm các tổ hợp đứng đầu câu hay sau chủ ngữ trong bình luận tiếng Việt: dĩ nhiên, đáng lẽ, cũng, phải chăng, hẳn là, thật ra, lẽ ra, may mà, thế nào... Ví dụ: Quả thực, khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng đang là mối quan tâm của nhiều chính trị gia thế giới và cả nước Đức (QĐND,27/9/2009). b. Hiện thực hoá tình thái nhờ ẩn dụ trong văn bản bình luận Ẩn dụ tình thái là kiểu ẩn dụ liên nhân rất phổ biến, dựa trên mối quan hệ ngữ nghĩa của sự phóng chiếu. Trong kiểu ẩn dụ này, quan điểm của người nói liên quan đến khả năng mà quan sát của họ được mã hoá nhờ một câu phóng chiếu riêng biệt trong câu phức có quan hệ phụ thuộc. Trong bình luận, tác giả không phải lúc nào cũng thể hiện thái độ của mình một cách trực tiếp, nên phương pháp hợp lí nhất là sử dụng ẩn dụ tình thái. Và có 2 cách thức thể hiện đó là: Cách thể hiện Khách thể tường minh (KTTM) và Cách thể hiện Chủ thể tường minh (CTTM). Cách thể hiện Khách thể tường minh Trong ngôn ngữ bình luận, cách người viết thể hiện thái độ của mình với thông tin đưa ra đòi hỏi người viết phải tế nhị và xử trí khéo léo tuỳ thuộc vào nội dung thông tin và kiến thức văn hoá của đối tượng tiếp nhận thông tin. Điều luận án quan tâm là cách thức thể hiện thái độ về thông tin theo kiểu KTTM hay CTTM, nói cách khác là: thể hiện một cách công khai hay ẩn ý, bằng HĐLN nói trực tiếp hay HĐLN gián tiếp Trong bình luận, việc thể hiện nghĩa tình thái bằng KTTM cũng được dùng để đưa ra các phán đoán, nhận xét về một vấn đề khi tác giả muốn tạo cảm giác là vấn đề đương nhiên được công nhận bởi một số lớn người đọc hoặc số đông trong xã hội khi mà tác giả phản ánh lại những điều đó một cách khách quan. Ví dụ: Dễ dàng nhận thấy, trong năm qua, vực dậy được nền kinh tế là thành công nổi bật nhất của ông Ô-ba-ma trong chính sách đối nội khi đưa nước Mỹ thoát khỏi đáy khủng hoảng. (QĐND, 29/1/2010) Trong bình luận, các cách thể hiện KTTM như sau: Cấu trúc cố định có chủ ngữ hình thức chỉ thuộc tính:Trong bình luận, cấu trúc cố định có chủ ngữ hình thức chỉ thuộc tính đó là các quán ngữ đứng đầu câu thể hiện phán đoán hay thái độ và người đọc không thể khôi phục hay suy luận ra chủ thể của hành động được biểu hiện bởi động từ đi cùng với nó. Đó là các quán ngữ: đúng là, chẳng nhẽ, rõ ràng, phải chăng, thực sự, công bằng mà nói, thực ra, tất nhiên, quả thật,quả tình ... , ví dụ: Quả thực, khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng đang là mối quan tâm của nhiều chính trị gia thế giới và cả nước Đức... (QĐND, 27/9/2009). - Ngữ:Một số ngữ được coi là dạng tỉnh lược của câu và thường xuất hiện ở vị trí đầu câu: không thắc mắc/nghi ngờ, hiện thực, một sự băn khoăn nhỏ rằng, một thắc mắc nhỏ... Ví dụ: ... Một thực tế đã rõ ràng là không tăng quân, Mỹ sẽ khó lòng tránh được thất bại... (QĐND, 8/10/2009) Dạng động ngữ và giới ngữ cũng thường xuất hiện trong các bài bình luận, đặc biệt là giới ngữ: Ví dụ: Theo Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép, Nga và NATO nhất trí khởi sự nghiên cứu khả năng phối hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của nhau. (QĐND, 22/11/2010) Câu phóng chiếu:Trong bình luận, chủ thể của câu phóng chiếu thường được thể hiện bằng một ngữ chỉ một tập thể, hay các danh từ tập hợp chỉ những đối tượng khó xác định được rõ ràng. Ví dụ: Cộng đồng quốc tế có chung đánh giá, Nhật Bản là quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất để đối phó thảm họa thiên tai. (ND, 25/3/2011) Trong bình luận, chủ thể có thể là những quán ngữ có đại từ không xác định hoặc từ để hỏi. Chúng không phải là ẩn dụ thông thường mà là ẩn dụ ngữ pháp. Chúng được dùng để thể hiện nghĩa tình thái nhận thức thực hữu hay phản thực hữu và thường ở mức độ của các thái cực trái ngược. Xuất hiện trong câu trình bày về vấn đề mang tính khái quát hay quy luật, chúng đồng thời giúp người viết tạo hàm ngôn nhằm né tránh nói thẳng những điều e ngại. Đó là những quán ngữ (các tập hợp từ cố định) như: không ai, không có người dân nào, hình như chưa có ai, ai dám chắc rằng, sẽ không thể nói được rằng, điều đó cũng không xa sự thật, điều đó không có vẻ là như vậy ... Ví dụ: ... Lúa thất bát, dịch bệnh tràn lan... Hai mươi năm rồi, chưa ai thống kê được những thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra, nhưng chắc hắn rằng con số ấy cực kì lớn, dịch ốc bươu vàng trở thành nỗi kinh hoàng của nông dân và chính quyền địa phương... (LĐ, 27/9/2010) Cách thể hiện Chủ thể tường minh Trong bình luận báo in tiếng Việt, việc đặt ra mục tiêu định hướng suy nghĩ cho độc giả rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhân vật trần thuật ít công khai xuất hiện nên cách sử dụng KTTM phổ biến hơn cách dùng CTTM. Dù vậy, vẫn có thể kể đến các cách sử dụng CTTM như sau: -Chủ thể của câu chính là danh ngữ do đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất đảm nhiệm kết hợp với vị ngữ là động từ chỉ nhận thức. Tuy nhiên, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít (tôi) hiếm khi xuất hiện. Thường gặp nhất làđại từ nhân xưng số nhiều (chúng ta, chúng tôi). Ví dụ: ... Chúng ta cũng hiểu rằng, hiện nay, ở bất kì nước nào trên thế giới, dù là nước phát triển cao độ, giàu có như Mỹ, vấn đề nhân quyền vẫn tồn tại, vẫn cần tiếp tục giải quyết. Việt Nam đã từng trải qua mấy cuộc chiến tranh xâm lược, phá hoại của nước ngoài, nay vẫn là nước nghèo, đang phát triển, vấn đề nhân quyền đương nhiên vẫn còn, đang gắng sức giải quyết, đó là những thực tế khách quan...[128, tr.749]. -Chủ thể ẩn (chủ ngữ bị tỉnh lược): Nhóm các động từ chỉ thái độ mệnh đề với chủ ngữ ẩn là một hiện tượng khá thú vị và phổ biến trong bình luận báo in tiếng Việt. Tuy không có sự hiển hiện thành văn của chủ thể là ngôi thứ nhất, người đọc vẫn dễ dàng nhận thấy được điều đó, do chủ thể được khôi phục lại không mấy khó khăndựa trên những mối liên hệ bị thiếu để có được sự liên kết tường minh với các câu khác trong ngôn bản. Ví dụ: Chắc chắn rằng,những người Mỹ đã từng đến Việt Nam nhiều lần, hay đã từng sống ở Việt Nam nhiều năm ấy phải hiểu thực tế Việt Nam hơn, lời nói của họ phải sát thực, đúng đắn hơn những kẻ chỉ "bắc chõ nghe hơi", "nhắm mắt nói mò" về nhân quyền ở Việt Nam. (ND, 8/2004) Có nhiều trường hợp, chủ thể có thể được suy ra hay hiểu theo nhiều cách khác nhau. Các ngữ thường xuất hiện xen vào phần miêu tả, câu cuối mỗi đoạn hoặc phần kết của ngôn bản gồm: có thể nói, thiết nghĩ, chỉ mong sao, rất tiếc rằng, ấy là còn chưa nói đến, đó là chưa kể tới, vẫn biết... -Câu cầu khiến,với ý tưởng: chủ thể là người đối thoại trực tiếp, thường xuất hiện ở cuối đoạn hoặc cuối ngôn bản nhằm công khai định hướng suy nghĩ và hành động của người đọc. Ví dụ: "Hãy dọn dẹp ngôi nhà của mình trước đã"! "Hãy chấm dứt phán quyết quá nghiêm khắc người Việt Nam trong vấn đề nhân quyền mà lẽ ra hãy để họ phán quyết chúng ta một cách nghiêm khắc"! (ND, 8/2004) 3.2.4. Yếu tố bình luận trong văn bản bình luận báo in tiếng Việt 3.2.4.1. Trạng ngữ tình thái bình luận Một cách thể hiện bình luận có thể gặp trong các bài bình luận là việc dùng các trạng ngữ tình thái bình luận, với 2 vị trí phổ biến là: đầu câu hoặc giữa câu, trong đó vị trí đầu câu vẫn là dạng phổ biến nhất. Trong bình luận, thành phần phụ chú tình thái (quán ngữ cố định và thành phần chú thích) có thể được coi là yếu tố bình luận. Với chức năng chính là biểu thị thái độ của tác giả đối với thông tin nêu ra trong câu, trạng ngữ tình thái bình luận được chia thành 2 nhóm chính như sau: Trạng ngữ tình thái bình luận chỉ xét đoán về khả năng, xác suất: Ví dụ: Rõ ràng, Mỹ khó có thể điều chỉnh quan hệ với Nga mà không gây ảnh hưởng tới "lợi ích" của các nước khác như Oa-sinh-tơn từng tuyên bố. (QĐND, 24/7/2009) Các trạng ngữ chỉ phán đoán khác như: quả thực là, có thể, có lẽ, một cách định kì, gần như, trên thực tế, rõ ràng là, phải thừa nhận là... Các quán ngữ cố định thể hiện phán đoán có chức năng tương đương: thực sự, tất nhiên, quả thực vậy, tuy nhiên, quả thật, thật ra... Trạng ngữ tình thái bình luận chỉ thiên hướng, sở thích, thái độ: Các trạng ngữ có vai trò này gồm: dễ hiểu là, chẳng ngạc nhiên, một cách tượng trưng, không may thay, chân thành mà nói, buồn thay, quả là quan trọng, kì diệu thay, thật nghiêm trọng, lập tức, không nghi ngờ gì... Ví dụ: Ngay lập tức các khổ chủ kêu cứu, lái xe thì than "sắp treo niêu", chủ doanh nghiệp doạ phá sản. (LĐ, 9/7/2010) 3.2.4.2. Cú và ngữ xen Trong bình luận, thành phần xen rất phổ biến và có thể coi là phương thức thể hiện thái độ của người viết, đồng thời là một trong các cách không những đưa thông tin bổ sung, mà còn tạo nên đối thoại giữa người viết và người đọc. Có thể phân chia chúng dựa trên cấu trúc và khả năng thể hiện nghĩa như sau: Ngữ xen: Theo các tiêu chí xác định các cú xen, có những ngữ xuất hiện ở vị trí và đảm nhiệm chức năng của cú xen. Một trong số các ngữ đó có thể được quy về dạng cấu trúc của một cú tỉnh lược, các cấu trúc khác chỉ đơn thuần là ngữ xen. Ví dụ: Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu thẩm định xem những tài liệu mật vừa bị lộ sẽ gây trở ngại như thế nào cho cuộc chiến, và ảnh hưởng ra sao cho quan hệ giữa Mỹ với Pa-ki-xtan, cũng như giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia an ninh, việc tiết lộ các tài liệu mật về cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan đe dọa khoét sâu thêm những nghi ngờ về cuộc chiến này trong người dân Mỹ, châm ngòi những xích mích mới với Pa-ki-xtan (vì cơ quan tình báo của nước này được nhắc nhiều trong tài liệu) và khiến cả thế giới đặt dấu hỏi lớn về khả năng của Oa-sinh-tơn bảo vệ những bí mật quân sự kiểu này. (QĐND, 29/7/2010) Cú xen: Có thể nêu ra các đặc điểm chính của các ngữ và cú xen như sau: Về dấu hiệu hình thức: thành phần xen được phân cách với các thành tố trong câu bởi dấu phẩy (,), dấu gạch ngang (-) hoặc ngoặc đơn ( ). Về vị trí: các ngữ, cú xen không có vị trí cố định, tức là chúng có thể xen vào bất kì một vị trí nào trong cấu trúc câu: trước, sau hoặc giữa một thành tố trong câu. Về chức năng cú pháp: các ngữ, cú xen là thành phần phụ chú trong câu. Xét trên phạm vi toàn câu, thành phần xen có thể bổ sung thông tin cho một từ, một ngữ, một câu hay cung cấp tình huống về ngữ cảnh ngôn bản. Khả năng mở rộng nghĩa của cú xen rất phù hợp với nhu cầu mở rộng nghĩa của câu trong bình luận. Về đặc điểm phong cách: Ngôn ngữ của ngữ và cú xen thiên về văn phong hội thoại, mang tính chất khẩu ngữ. Về vai trò trong giao tiếp: Thành phần xen tuy làm gián đoạn việc theo dõi diễn biến sự kiện, nhưng lại có nhiều tác dụng trong giao tiếp như: - Cung cấp, bổ sung những chi tiết cần thiết giúp cho việc hiểu đúng thông tin được trình bày trong cấu trúc chính của cú, giải đáp tức thời thắc mắc có thể xuất hiện trong quá trình nhận thức về sự kiện, tăng sức thuyết phục cho thông báo. - Luận bình và thể hiện thái độ một cách tế nhị của người viết về thông tin chính của cú. Điều này tạo nên sự phong phú, đa dạng cho giao tiếp. Bởi lẽ, vì nằm ngoài cấu trúc chính của câu nên thành phần xen không bị chi phối một cách chặt chẽ bởi các quy tắc áp dụng cho các thành phần nòng cốt câu. - Giúp người viết giao tiếp với người đọc và định hướng suy nghĩ cho người đọc. 3.2.5. Các biểu thức quy chiếu biểu hiện nghĩa liên nhân Trong bình luận báo in tiếng Việt, biểu thức quy chiếu là một trong những phương thức được dùng khá hữu hiệu để thể hiện quan hệ tương tác giữa người nói (người viết) với người nghe (người đọc). Bằng những biểu thức này, tác giả "buộc" người đọc tưởng tượng ra nhân vật mà người đọc chưa một lần được tiếp xúc, nhưng lại được mô tả trong văn bản thông qua lăng kính chủ quan của người viết, nhằm gieo vào lòng người đọc một ấn tượng nhất định về nhân vật trước khi người đọc tự rút ra kết luận và xác định thái độ riêng của mình. Ấn tượng ban đầu đó rất quan trọng vì chỉ bằng một từ hay một ngữ tác giả có thể tạo ra hoặc hướng tình cảm của người đọc theo hướng định sẵn. Và điều này, đương nhiên sẽ làm giảm bớt tính khách quan của ngôn bản bình luận. Halliday cho rằng có 3 khái niệm liên quan đến việc chuyển nghĩa ngôn từ (cách sử dụng "không theo nghĩa đen" của từ) là: ẩn dụ, hoán dụ và cải dung. Ẩn dụ, là sự thay đổi trong cách sử dụng từ, được xem xét dưới góc độ 'ý nghĩa này được thể hiện như thế nào?’, cụ thể hơn là sự thay đổi cách diễn đạt ý nghĩa một cách tinh tế. Bản chất của ẩn dụ ngữ pháp là những biến thể trình bày khác nhau có thể được lựa chọn để biểu đạt cùng một ý nghĩa, nó thể hiện cách nhìn từ trên xuống. Trong khi đó, ẩn dụ từ vựng (theo truyền thống) nhấn mạnh những biến thể ngữ nghĩa khác nhau của cùng một cách biểu đạt, thể hiện cách nhìn từ dưới lên. Việc dùng các biểu thức quy chiếu liên nhân (chuyển nghĩa) để thể hiện thái độ trong bình luận báo in tiếng Việt rất phổ biến. 3.2.5.1. Phân loại theo cấu trúc Biểu thức quy chiếu liên nhân là đại từ nhân xưng Người viết bình luận dùng các đại từ nhân xưng vào các ngữ cảnh khác để tạo ẩn dụ ngữ pháp; ví dụ: Trong tường trình của mình về tình hình Việt Nam dài tám trang rưỡi, ông C. Xmít với con mắt thiển cận, phiến diện, đã làm ngơ trước những sự phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của Việt Nam được cả thế giới biết đến và đánh giá cao. Trái lại, ông ta chỉ tập trung vào vấn đề thứ yếu, nhai lại luận điệu cũ rích, vu cáo Việt Nam "vi phạm nghiêm trọng" về dân chủ, nhân quyền [128, tr.476]. Biểu thức quy chiếu liên nhân là danh ngữ Về lí thuyết, các biểu thức quy chiếu thường có cấu trúc là danh ngữ hoặc danh ngữ kết hợp với thành phần đồng chức năng; ví dụ: Nhà toán học xuất sắc bây giờ đã đi những bước đầu tiên vào con đường toán học chính trên con đường đã được những người lãnh đạo, những nhà chuyên môn có tầm nhìn xa mở lối. (TT, 19/8/2010) Biểu thức quy chiếu liên nhân là trích dẫn trực tiếp bộ phận Biểu thức quy chiếu là TDTT bộ phận có cấu trúc danh ngữ; ví dụ: Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn hành động một cách hào hiệp và vô tư, sẵn sàng chấp nhận hi sinh xương máu, tổn thất lớn để cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh dân tộc này từ “cánh đồng chết”. (27/7/2010) "cánh đồng chết": chỉ đất nước Cam-pu-chia bị thảm hoạ diệt chủng của Khơ-me Đỏ thái độ lên án, căm phẫn. TDTT bộ phận là thành phần của biểu thức quy chiếu có cấu trúc danh ngữ; ví dụ: Hành động “kiến ngãi bất vi...” của hai công dân Mai Văn Chiêm và Nguyễn Thanh Hải cho thấy khát vọng bình yên và năng lực tự vệ của người dân, (). (TT, 21/8/2010) (Trích một câu thơ trong “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, thể hiện sự đánh giá hành động nghĩa hiệp, nhân nghĩa). Biểu thức quy chiếu liên nhân là cách nói thường dùng trong dân gian Ví dụ: Năm 2003, Trung Quốc quyết tâm mạnh tay với nạn tham nhũng, kéo theo hàng nghìn vụ bắt giữ những "con sâu làm rầu nồi canh". (QĐND, 27/1/2007) 3.2.5.2. Phân loại theo mục đích giao tiếp Biểu thức quy chiếu liên nhân nhằm mục đích liên tưởng Ví dụ: Các cai ngục dưới quyền Duch đều do chính "trùm đồ tể" này chọn lựa với ưu tiên hàng đầu là những cộng sự thân tín nhất của hắn tại M-13, bí số của nhà tù đầu tiên của Khơ-me Đỏ mà hắn là trại trưởng. (QĐND, 29/7/2010) "trùm đồ tể": liên tưởng tới những kẻ độc ác vô nhân đạo, chuyên giết hại người. Biểu thức quy chiếu liên nhân có chức năng so sánh, tương phản Ví dụ: Khi chiến tranh nổ ra, đối với nhiều nước, dầu lửa là quỷ dữ, làm chohọ điêu đứng, thì đối với một số nước khác, dầu lửa lại là thiên thần. [129, tr.18] Biểu thức quy chiếu liên nhân thể hiện đánh giá, cảnh báo Ví dụ: Nếu vùng Vịnh bốc cháy, các nhà khoa học dự tính sẽ có một "mùa đông hạt nhân" trên bầu trời vùng Vịnh. Lúc đó, ánh nắng mặt trời sẽ không chiếu xuống được mặt đất, nhiệt độ sẽ giảm xuống 20 độ C. Hàng trăm triệu người có thể bị chết đói hoặc bị nhiễm độc. Vì vậy con quỷ lửahiện nay đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với các nước vùng Vịnh và thế giới. [129, tr.18] 3.3. Tiểu kết Chương 3, bàn đến chức năng liên nhân của văn bản bình luận. Qua việc định hướng suy nghĩ, cụ thể là các phương thức thể hiện thái độ của người viết đối với thông tin nêu ra, có thể khẳng định rằng: bình luận, tuy là ngôn bản mang đặc trưng độc thoại nhưng trên thực tế đã tham gia vào giao tiếp. Tính tình thái trong bình luận được thể hiện bằng các phương thức ngôn ngữ nằm trong nội bộ câu cung cấp thông tin (hiện thực hoá tình thái có tính tương thích) hoặc bên ngoài câu chứa thông tin (câu phóng chiếu, trạng ngữ bình luận và câu xen). Điều làm cho bình luận khác với tin và một số thể loại báo chí khác là ở dạng thứ hai: tính tình thái được thể hiện thông qua ẩn dụ tình thái liên nhân với hai hình thức chính là khách thể tường minh và chủ thể tường minh. Dù thể hiện tình thái dưới dạng chủ thể tường minh hay khách thể tường minh thì cái "tôi" tác giả trong bình luận báo in tiếng Việt vẫn biểu lộ được thái độ và vai trò của mình một cách rõ nét nhất, khẳng định tính chủ động trong định hướng suy nghĩ của tác giả cũng như định hướng suy nghĩ cho độc giả (tính quyền lực của báo chí theo quan điểm của phân tích diễn ngôn phê phán). Chương 4. ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG CÁC VĂN BẢN BÌNH LUẬN ĐỂ THỰC HIỆN CHỨC NĂNG VĂN BẢN 4.1. Về cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô Trong phạm vi của chương này, cấu trúc vĩ mô được hiểu là khuôn hình cấu trúc của bài bình luận. Vi mô, (dẫn theo [43] theo định nghĩa từ điển Ted Honderics, là cấu tạo bên trong của nội bộ một hệ thống riêng biệt. Trong hai loại cấu trúc thì cấu trúc vĩ mô quyết định cơ chế vi mô của diễn ngôn. Các đặc điểm cấu trúc: đầu đề, phần mở đầu, phần phát triển, phần kết luận, đoạn văn, giữ chức năng tổ chức diễn ngôn thành một khuôn hình. Các yếu tố này, chúng tôi coi là các yếu tố tổ chức vĩ mô của văn bản. 4.2. Cấu trúc vĩ mô của văn bản bình luận 4.2.1. Cấu trúc văn bản Halliday và Hassan đã đưa ra hai loại yếu tố cấu trúc trong một cấu trúc thể loại tiềm năng. Đó là các yếu tố bắt buộc (Obligatory elements) và các yếu tố không bắt buộc/ tùy chọn (Optinal elements). Hai loại yếu tố này được sắp xếp theo một kiểu nào đó (trật tự nào đó) cũng có thể là hồi quy, cũng có thể là chuỗi, trật tự này là đặc thù cho thể loại liên quan. Nó được xem là đặc thù của thể loại đó mà sự phát triển của các tiểu loại văn bản cụ thể phải tuân thủ. 4.2.2. Cấu trúc vĩ mô của văn bản bình luận 4.2.2.1. Các yếu tố bắt buộc phải có a.Tiêu đề (nhan đề, đầu đề) b. Phần mở đầu c. Phần phát triển d. Phần kết 4.2.2.2. Các yếu tố có thể có (tùy ý / có thể có) Đây là những thành phần không bắt buộc trong bình luận mà chỉ có chức năng minh hoạ nhằm tăng độ tin cậy cho thông tin và làm cho thông điệp của toàn ngôn bản thêm phần thú vị. Yếu tố này là Ảnh và Lời bình chú cho ảnh minh họa. 4.2.3. Đoạn văn trong văn bản bình luận 4.2.3.1. Quan niệm về đoạn văn Đoạn văn là đơn vị cấu thành văn bản, bao gồm một câu hoặc nhiều câu, diễn đạt một nội dung nhất định, được bắt đầu bằng chữ viết hoa lùi đầu dòng và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn. 4.2.3.2. Kiểu cấu trúc đoạn văn trong văn bản bình luận Đoạn văn trong các văn bản bình luận được trình bày theo 2 dạng: diễn dịch và quy nạp. Trình bày theo lối diễn dịch là trình bày ý chỉ cái chung trước, ý chỉ cái riêng sau, thường nói là đi từ cái chung đến cái riêng. Trình bày theo lối quy nạp là trình bày những ý chỉ cái riêng trước, ý chỉ cái chung sau, đi từ những cái riêng đến cái chung. 4.3. Cấu trúc vi mô của văn bản bình luận 4.3.1. Đề - Thuyết trong văn bản bình luận 4.3.1.1. Cấu trúc Đề - Thuyết 4.3.1.2. Đề hoá trong văn bản bình luận Phần kết của văn bản bài bình luận có một số cách diễn đạt có vai trò thể hiện phần đề, như: dư luận cho rằng, có thể nói, các nhà quan sát cho rằng, rõ ràng là, v.v. (chiếm 34,4% ngữ liệu khảo sát). Các cách diễn đạt này tuy có chủ ngữ, nhưng thực tế chủ ngữ lại là các đối tượng chung chung như: dư luận, hay các nhà quan sát. Ví dụ: Dư luận thế giới đang lo ngại những tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như tình trạng cân bằng chính trị toàn cầu() (QĐND, 07/02/2010). 4.3.2. Các phương tiện liên kết trong văn bản bình luận Phương tiện liên kết chủ yếu của văn bản bình luận đó là phép quy chiếu và phép lặp từ vựng. Phép quy chiếu bao gồm: chỉ ngôi, chỉ định và so sánh. 4.4. Tiểu kết Ở chương 4, các vấn đề được nghiên cứu bao gồm: cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô, cấu trúc đề - thuyết và sự đề hoá, các phương tiện liên kết trong toàn bộ văn bản. Chúng tôi rút ra một số kết luận sau: Tất cả các yếu tố cấu tạo văn bản, từ cấu trúc vĩ mô đến cấu trúc vi mô đều được sử dụng để phục vụ cho việc giao tiếp của văn bản. Cấu trúc vĩ mô đóng vai trò quan trọng, chi phối cấu trúc vi mô của văn bản. Cấu trúc vĩ mô cho thấy khuôn hình của bài bình luận. Còn cấu trúc vi mô cho thấy mức độ cố kết các yếu tố trong nội bộ của văn bản. Hai phương tiện liên kết chủ yếu mà văn bản bình luận sử dụng đó là phép quy chiếu và phép lặp từ vựng. Phép quy chiếu tránh cho văn bản không phải nhắc lại những điều đã nói ở trước, nó tạo tính thống nhất và các vấn đề được định vị rõ ràng, chặt chẽ. Phép lặp từ vựng có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì và phát triển chủ đề. Nó cũng mang lại tính chính xác, rõ ràng và chặt chẽ cho văn bản. KẾT LUẬN Luận án đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ bình luận trên báo in tiếng Việt qua phương pháp phân tích diễn ngôn, đặc biệt là phương pháp phân tích diễn ngôn phê phán, luận án đã đạt được một số kết quả sau: 1. Về lí luận 1.1. Luận án là công trình nghiên cứu phân tích diễn ngôn phê phán đầu tiên trên thể loại văn bản báo chí. Đây là cách phân tích diễn ngôn theo hướng giải thích chức năng ngữ nghĩa của hình thức biểu hiện của diễn ngôn, để tìm ra cơ chế quy định sự sắp xếp, bố trí các đơn vị ngôn ngữ trong văn bản. Dựa trên kiến thức và sự phân tích về thực tiễn xã hội, trật tự xã hội và quan hệ quyền - thế để tìm ra các mục đích giao tiếp mà văn bản muốn đạt tới và cách thức để đạt tới mục đích giao tiếp trên văn bản. Cách phân tích diễn ngôn theo hướng này chú trọng nhiều vào các nguồn lực ngôn ngữ đã được quy ước hoá nhằm phục vụ cho mục đích giao tiếp đặc thù của báo chí. Nó phù hợp với việc nghiên cứu phân tích sự hiện thực hoá quyền lực của diễn ngôn văn bản bình luận trên báo chí. 1.2. Kết quả phân tích của luận án cho thấy phương pháp phân tích diễn ngôn phê phán áp dụng cho văn bản bình luận là phù hợp và có hiệu quả. Những kết quả thu được của phân tích diễn ngôn văn bản bình luận đã cho thấy mô hình phân tích và các thao tác phân tích mà Fairclough, Kress, Peter Teo và Nguyễn Hoà nêu ra được áp dụng một cách có hiệu quả cho thể loại diễn ngôn văn bản bình luận trên báo in tiếng Việt. Và khi áp dụng vào phân tích cụ thể trong văn bản bình luận báo chí, mô hình này cũng được vận dụng cụ thể và định hình rõ nét hơn. 1.3. Các kết quả phân tích diễn ngôn văn bản bình luận là những thông tin hữu ích góp phần khẳng định rằng ngôn ngữ bình luận có những đặc trưng thể hiện riêng và nó góp phần rất quan trọng vào thực tiễn đời sống xã hội của báo chí. Dựa trênquan điểm của Halliday về các siêu chức năng thể hiện tư tưởng, chức năng liên nhân và chức năng văn bản để phân tích, chúng tôi có các kết quả sau: - Chức năng tư tưởng được dùng để thể hiện kinh nghiệm, những điều người viết (cơ quan báo chí) chứng kiến thông qua hệ thống chuyển tác gồm 6 kiểu quá trình: vật chất, tinh thần, quan hệ, hành vi, phát ngôn và hiện hữu. Để thể hiện được tư tưởng của cơ quan báo chí và tăng cường tính chính xác cho văn bản, hiện tượng danh hoá, mở rộng danh từ của văn bản cũng được các nhà báo chú trọng. Cũng như vậy, việc sử dụng các kiểu quan hệ đẳng kết, quan hệ phụ thuộc, lời trích dẫn trực tiếp, lời trích dẫn gián tiếp, các phương thức lập luận cũng được các nhà báo sử dụng phổ biến trong văn bản bình luận. - Chức năng liên nhân với mục đích trao đổi thông tin, thể hiện thái độ của người viết với thông tin, và đặc biệt thể hiện sự tương tác giữa người viết và người đọc, cho thấy: Tính tình thái trong bình luận được thể hiện bằng các phương thức ngôn ngữ nằm trong nội bộ câu cung cấp thông tin (hiện thực hoá tình thái có tính tương thích) hoặc bên ngoài câu chứa thông tin (câu phóng chiếu, trạng ngữ bình luận và câu xen). Điều làm cho bình luận khác với tin và một số thể loại báo chí khác là ở dạng thứ hai: tính tình thái được thể hiện thông qua ẩn dụ tình thái liên nhân với hai hình thức chính là khách thể tường minh và chủ thể tường minh. Dù thể hiện tình thái dưới dạng chủ thể tường minh hay khách thể tường minh thì cái "tôi" tác giả trong bình luận báo in tiếng Việt vẫn biểu lộ được thái độ và vai trò của mình một cách rõ nét nhất, khẳng định tính chủ động trong định hướng suy nghĩ của tác giả cũng như định hướng suy nghĩ cho độc giả (tính quyền lực của báo chí theo quan điểm của phân tích diễn ngôn phê phán). - Chức năng văn bản được thể hiện thông qua hai bình diện chính: cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô. Cấu trúc vĩ mô là cấu trúc của các yếu tố bắt buộc phải có và các yếu tố có thể có, đây là những yếu tố quy định tính chặt chẽ và tính chỉnh thể thống nhất cho văn bản.Cấu trúc đoạn văn cũng là một phương tiện giúp các nhà báo thể hiện rõ ràng, mạch lạc ý tưởng. Cấu trúc vĩ mô, yếu tố "đề hoá", các phương thức liên kết... đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập văn bản. 1.4. Kết quả phân tích các đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản bình luận cho thấy, ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản đã phát huy được tính tư tưởng, tính liên nhân và tính văn bản của văn bản bình luận. Nó thể hiện được tư tưởng của cơ quan báo chí, nó cũng thể hiện được tư tưởng và quyền lực của nhà nước. 2. Về thực tiễn 2.1. Những thông tin từ kết quả nghiên cứu của luận án nhằm phục vụ một số mục đích ứng dụng khác nhau. Trong việc "sáng tạo" tác phẩm bình luận, các nhà báo rất cần đến thông tin hỗ trợ về các quy tắc hoạt động của các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản, những nguồn lực cần tác động để nâng cao chất lượng và hiệu quả của văn bản từ bố cục của văn bản đến các đơn vị nhỏ nhất trong văn bản là các đơn vị từ vựng. Kết quả phân tích cho thấy việc sử dụng các từ tình thái, trạng ngữ tình thái bình luận, thành phần xen, trong văn bản bình luận có một vai trò vô cùng quan trọng trong mục đích 'định hướng suy nghĩ' cho người đọc. 2.2. Đối với công tác giảng dạy ngôn ngữ báo chí nói chung và ngôn ngữ bình luận nói riêng: cần tận dụng kết quả này để xây dựng chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy có hiệu quả hơn. Cần quan tâm đến các đặc điểm riêng, các chức năng cơ bản của diễn ngôn văn bản bình luận. Và người học cũng cần phải được học về những đặc điểm của diễn ngôn văn bản bình luận theo đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán. 3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 3.1. Cách phân tích diễn ngôn phê phán được áp dụng trong văn bản bình luận nếu xét một cách triệt để vẫn chưa tạo ra được một bức tranh đầy đủ nhất về các đặc điểm của ngôn ngữ bình luận. Nó mới chỉ góp phần tìm ra được một số chức năng, một số đặc điểm nòng cốt nhất để mô tả diện mạo cơ bản của ngôn ngữ bình luận mà thôi. Một sự phân tích sâu sắc hơn, với sự tác động mang tính hai chiều (giữa cơ quan báo chí với độc giả và ngược lại) sẽ cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn sẽ là rất cần thiết ở các công trình tiếp theo ở lĩnh vực này. 3.2. Do khuôn khổ có hạn nên luận án cũng chưa đặt ra vấn đề đánh giá phân tích cho được sự ảnh hưởng của các nguồn lực ngôn ngữ, đặc biệt là sự tác động trở lại của ngôn ngữ đối với văn bản bình luận và đối với thực tiễn khách quan của đời sống xã hội. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu của luận án cũng cho thấy việc áp dụng phân tích diễn ngôn ứng dụng và phân tích diễn ngôn phê phán vào phân tích ngôn ngữ bình luận có nhiều đóng góp bổ ích, thiết thực về cả lí luận và thực tiễn. Báo chí là "một phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc hướng dẫn nhận thức, hình thành dư luận xã hội tích cực" và "nâng cao dân trí" (Tạ Ngọc Tấn [88, tr.9-10]). Ngoài mục đích thu thập thông tin, người Việt Nam đọc báo để tìm hướng giải quyết cho những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Như vậy, nghiên cứu ngôn ngữ ứng dụng, ngôn ngữ có tính chất phê phán đứng trên quan điểm quyền lực của nhà nước ở nước ta hiện nay đang rất cần được phát triển và hoàn thiện.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docngon_ngu_binh_luan_trong_bao_in_tieng_viet_hien_nay_4846.doc
Luận văn liên quan