Bình giá vẻ đẹp ngôn từ và xây dựng bài tập đọc hiểu giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ trong bài văn miêu tả lớp 4

PHẦN 1: PHẦN MỞ ĐẦU I. Lí do chọn đề tài: Trong chương trình tiếng việt tiểu học cải cách năm 2000, trong phân môn tập đọc, phần lớn các tác phẩm được đưa ra là những tác phẩm thơ, văn đặc sắc, gần gũi với thiếu nhi. Đặc biệt, từ lớp 4, các em bắt đầu học thành thục văn miêu tả trong các tiết tập làm văn, chính vì thế, các bài tập đọc đưa ra, phần nhiều là các bài văn miêu tả: tả người, tả cảnh, tả hoạt động hay sự đan xem giữa các yếu tố đó. Các ngữ liệu văn miêu tả đưa ra rất đặc sắc, giàu hình ảnh và lôi cuốn được các em. Các tác phẩm văn miêu tả không chỉ mang đến những bài học giáo dục mà còn đem đến những ước mơ, khơi gợi khát vọng hoài bão; lấp đầy vào tâm hồn vốn đã thơ ngây của các em . muốn hiểu hết những tác phẩm văn học ấy, các em cần phải có cái nhạy cảm, rung động nhạy bén đối với từng từ, từng ý trong tác phẩm. Việc cảm thụ của các em tốt hay không, ngoài việc do bản thân các em, thì phần nhiều là do sự dẫn dắt, hướng dẫn của giáo viên. Để sự cảm nhận và thông hiểu của học sinh ở mức tốt nhất, thì giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Vai trò của người thầy là giúp hs nắm bắt “ý” của bài, từ đó có cách nhìn nghệ thuật, cách cảm nghệ thuật về tác phẩm. Muốn vậy, cần phải có 1 hệ thống bài tập phù hợp cho học sinh. Trong thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy các giáo viên còn chưa chú trọng nhiều đến các câu hỏi nhằm khai thác vẻ đẹp của ngôn từ mà phần lớn là các câu hỏi tái hiện – dạng bài tập đọc hiểu ở mức độ thấp. Như vậy sẽ không phát huy hết tiềm năng sáng tạo của các em. Trong chương trình sách giáo khoa, trong các câu hỏi đưa ra trong các bài văn miêu tả cũng chưa chú trọng đến các bài tập cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ. Chính vì thế tôi chọn đề tài này, mong muốn thông qua các bài tập đọc văn miêu tả lớp 4, thông qua việc phân tích, bình giá cái hay cái đẹp của lớp nghệ thuật ngôn từ mà đưa ra được các bài tập cảm thụ văn học- giúp hs nhận ra vẻ đẹp của ngôn từ qua đó giúp kĩ năng cảm thụ văn học của hs trở thành 1 kĩ năng quen thuộc. Tên đề tài của tôi là:” Bình giá vẻ đẹp ngôn từ và xây dựng bài tập đọc hiểu giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ trong bài văn miêu tả lớp 4”. II. Giả thuyết khoa học Đề tài của tôi được xây dựng nhằm đưa ra các câu hỏi, bài tập đọc hiểu giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ trong văn miêu tả lớp 4. Chính vì thế, nếu được sử dụng, sẽ đem lại hiệu quả, giúp học sinh có những câu hỏi hay, phù hợp theo các mức độ nhận thức, từ đó lựa chọn cho mình bài tập phù hợp nhất để làm bài. Hệ thống bài tập này cũng có tác dụng rất lớn đến giáo viên. Không chỉ đưa ra bài tập, mà ở đề tài này, tôi đã xây dựng các bước đưa ra câu hỏi theo các mức độ. Chính vì thế, giáo viên có thể áp dụng vào trong nhiều loại bài tập đọc khác nhau, dựa vào đó để đưa ra câu hỏi. Cho nên, nếu được áp dụng và sử dụng hiệu quả, thì các bài tập này đúng là một phương tiện hỗi trợ có hiệu quả cho cả người dạy và người học PHẦN 2: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU I Cơ sở khoa học: 1 . Cơ sở lí thuyết 1.1 Cơ sở văn học 1.1.1 Văn miêu tả và đặc điểm của văn miêu tả 1.1.1.1 Thế nào là văn miêu tả? Theo từ điển Tiếng Việt ( Hoàng Phê chủ biên), miêu tả là “dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người khác có thể hình dung được cụ thể về sự vật, sự việc”. Trong SGKTV4 Tập 1, trang 140, các tác giả đưa ra ghi nhớ “ miêu tả là vẽ lại bằng lời những đặc điểm nổi bật của cảnh, của người, của vật giúp người nghe, người đọc có thể hình dung được các đối tượng ấy”. Các kiểu bài miêu tả dạy ở trường Tiểu học: Dựa vào nhà trường do yêu cầu giảng dạy, văn miêu tả được chia thành nhiều kiểu. Căn cứ vào đối tượng miêu tả, văn miêu tả gồm có các kiểu bài: tả đồ vật, tả cây cối, tả người, tả con vật, tả cảnh. Ở chương trình CCGD cũng như chương trình mới, các kiểu bài này dạy cho các học sinh lớp 3, 4, 5 nhưng thực chất học sinh đã được làm quen với kiểu bài này ngay từ lớp 2 khi tập quan sát tranh, trả lời câu hỏi, tập tả ngắn về đồ vật, con vật, người, cảnh. Chính vì vậy, khi xây dựng hệ thống bài tập giúp học sinh làm quen với văn miêu tả chúng tôi cũng quan tâm đến việc giúp các em làm quen với các kỹ năng miêu tả đơn giản của từng kiểu bài được dạy ở các lớp trên. 1.1.1.2 Các đặc điểm của văn miêu tả a. Tính sinh động và tạo hình: Là đặc điểm đầu tiên của văn miêu tả. Một đoạn văn hay một bài văn mang tính sinh động và tạo hình khi đoạn văn đó hoặc bài văn đó cụ thể, hàm súc. Làm nên tính sinh động và tạo hình của văn miêu tả là những chi tiết, hình ảnh sống động. Những chi tiết, hình ảnh sống động đó được lấy từ thực .

docx47 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6123 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bình giá vẻ đẹp ngôn từ và xây dựng bài tập đọc hiểu giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ trong bài văn miêu tả lớp 4, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ý nghĩa của toàn bộ tác phẩm, chuyển nội dung văn bản thành tác phẩm của mình. Các dạng bài tập dạy cảm thụ cho học sinh Tập đọc là phân môn thực hành. Nhiệm vụ là hình thành năng lực đọc cho học sinh giúp các em có kĩ năng làm việc với văn bản, chiếm lĩnh được văn bản, giáo dục các em lòng ham thích đọc sách, giúp các em làm giàu kiến thức về ngôn ngữ, đời sống và văn hóa, bồi dưỡng các em lòng yêu cái thiện, cái đẹp, dạy cho các em cách suy nghĩ logic và tư duy hình ảnh. Các mục đích và nhiệm vụ này chỉ có thể thực hiện thông qua hệ thống các câu hỏi và bài tập tương ứng. Có nhiều cách phân loại hệ thống bài tập. Tuy nhiên để phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng bài tập, chúng tôi căn cứ theo mục đích, nội dung dạy học, các công việc cần làm phân loại bài tập thành các kiểu dạy như sau: Nhóm bài tập có tính chất nhận diện, tái hiện ngôn ngữ của văn bản Đây là nhóm bài được sử dung nhiều nhằm mục đích làm cầu nối để đi đến giải quyết các vấn đề có tính chất phát hiện và sáng tạo. Nhóm bài tập này dùng khi học sinh tham gia quá trình đọc giải mã, nhận diện các đơn vị ngôn ngữ, tái hiện hình tượng, nhận diện nhân vật, nắm bắt tình tiết và hình dung bức tranh miêu tả trong văn bản nghệ thuật. Loại bài tập này chỉ cần nhận diện ghi nhớ, phát hiện ra các từ ngữ, câu, đoạn, chi tiết của văn bản chưa yêu cầu cao tính làm việc độc lập của học sinh. Vì thế dạng bài này chỉ nên sử dụng ở mức độ nhất định và đan xen với các dạng bài tập khác. Nhóm bài tập cắt nghĩa ngôn ngữ văn bản Đây là loại bài yêu cầu nỗ lực của người học ở mức độ cao hơn, yêu cầu giải nghĩa từ, làm rõ nghĩa và cái hay của từ ngữ, câu, đoạn bài, hình ảnh, chi tiết trong văn bản. Để làm bài tập này việc đầu tiên là các em phải nhận ra các từ hay, các hình ảnh, chi tiết đắt giá có trong bài, mặc dù thực tế đây không phải là một việc mà bất cứ em nào cũng có thể làm được. Tiếp đó các em có thao tác cắt nghĩa, biết khái quát hóa và suy nghĩ rút ra các ý nghĩa của các đơn vị trong văn bản. Nhóm bài tập phản hồi văn bản: Đây là các bài tập giúp học sinh bình giá giá trị các tín hiệu nghệ thuật, làm rõ mục đích của văn bản, hướng cho các em những bài học bổ ích sau khi đọc văn bản, biết liên hệ với bản thân mình để có thái độ, hành động, tình cảm đúng đắn. Việc xây dựng các đáp án mở, phong phú gây hứng thú cho các em khi học các tác phẩm văn chương. Cơ sở tâm lí học 1.2.1 Đặc điểm tâm lí lứa tuổi của học sinh lớp 4: Học sinh lớp 4 đã bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên. Các em lớn nhanh, kích thước và tổ chức cơ thể đã tiến gần đến người trưởng thành. Hành vi và đời sống nội tâm của các em đang có những thay đổi rõ rệt. Do cơ thể các em đã mất cân bằng, các em bướng bỉnh, khó bảo nếu không được tôn trọng. Lứa tuổi này vì vậy được gọi là lứa tuổi chuyển giao giữa trẻ con và người lớn. Các em rất dễ xúc động. Chính việc dâng cao cảm xúc đã làm các em thay đổi hoạt động sáng tạo yêu thích, từ vẽ sang hình thức sáng tạo bằng lời nói. So với vẽ và đặc biệt là những bức vẽ chưa hoàn thiện thì lời nói cho phép diễn đạt dễ dàng hơn rất nhiều lần những quan hệ phức tạp, những tính chất bên trong, những sự vận động logic, sự phức tạp của sự kiện. Vì vậy, hoạt động sáng tạo yêu thích của các em là sáng tạo văn học, và nếu được học theo một chương trình đúng, một phương pháp phù hợp thì các em tuổi này rất thích học văn, và loại bài viết yêu thích của các em là bài viết theo chủ đề tự do. Được viết những xúc động từ trong lòng, được thả mình vào tưởng tượng, không ít học sinh đã viết được những bài khá hoàn chỉnh và hấp dẫn như những sáng tác trẻ em thực sự. 1.2.2 Đặc điểm cảm thụ học sinh lớp 4: So với người lớn, sự cảm thụ của các em chưa hoàn thiện bởi những đặc điểm sau: Các em thường thờ ơ, không thích thú với các nhân vật ít hành động, các em thường bỏ qua hay đọc lướt những đoạn bình luận, suy nghĩ, triết lí của nhân vật hay tác giả. Ngược lại, các nhân vật hành động được yêu thích ngay cả khi các nhân vật ấy được miêu tả sơ lược, không có biểu tượng về tính cách. Năng lực phân tích, so sánh- tổng hợp của các em ở lứa tuổi này phát triển chưa hoàn thiện, các em dễ dàng phân tích được những hành động của nhân vật, những tình huống nhân vật hành động được thể hiện một cách trực quan và dễ nhận biết, nhưng các em khó phân phân tích hơn về tính cách của nhân vật. Các em có thể so sánh được hành động và động cơ của nhân vật này với nhân vật khác, nếu các hành động động cơ này được thể hiện rõ ràng, trực quan. Nhưng các em khó so sánh, tổng hợp những hành động, động cơ, ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật khi chúng không bộc lộ một cách dễ nhận thấy. Ở lứa tuổi này, óc khái quát của các em chưa cao. Các em thường sa vào những chi tiết cụ thể, thiếu khả năng tổng hợp vấn đề. Bên cạnh đó là sự hạn chế về vốn từ cũng làm các em không đủ khả năng thể hiện đúng điều muốn nói. Tuy nhiên, sự cảm thụ trực tiếp, hồn nhiên tác phẩm văn học của các em lứa tuổi này vẫn diễn ra là do khả năng đọc hiểu của các em đã tốt hơn trước nên khi đọc một tác phẩm các em có thể hiểu ngay nội dung (nếu trong đó không có quá nhiều từ khó và ẩn dụ). Như vậy, với học sinh tiểu học, việc giúp các em cảm thụ một tác phẩm văn học không phải là việc làm dễ dàng nhưng nó hết sức cần thiết. Bởi lẽ, văn chương có sức mạnh kì diệu trong việc hình thành nhân cách, phát triển ngôn ngữ, tư duy và mở rộng hiểu biết cho các em. Và dù học văn với bất kì hình thức nào thì văn học vẫn là môn học không thể thiếu. Nó dạy các em lòng nhân ái, trí thông minh, khả năng cảm thụ cái đẹp và nhu cầu tạo ra cái đẹp trong cuộc sống. 2.Cơ sở thực tiễn của việc rèn cảm thụ văn học cho học sinh Chương trình, sgk tiếng việt với việc rèn cảm thụ văn học cho hs Mục đích của việc rèn kĩ năng cảm thụ văn học thông qua phân môn tập đọc + Các em hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các bài văn, bài thơ và có được những rung động, những ấn tượng, những cảm xúc mạnh mẽ khi tiếp xúc với tác phẩm văn học trong phân môn tập đọc. + các em được làm quen với một số nhà văn, nhà thơ cùng với tác phẩm viết cho thiếu nhi trong phân môn tập đọc, từ đó giúp vốn sống các em thêm phong phú, nhạy cảm. Chỉ có những tình cảm hồn nhiên trong sáng mới tạo ra được những cảm xúc đáng yêu, đẹp đẽ. + Qua việc cảm thụ tác phẩm, các em biết lựa chọn hình ảnh, chi tiết đặc sắc biết cách dùng từ, đặt câu để có được những bài văn hay, sinh động. Nhận xét về các bài văn miêu tả trong phân môn tập đọc lớp 4 2.1.2.1 Thống kê các văn bản miêu tả trong phân môn Tập đọc 4 Sách giáo khoa Tiếng việt 4 đưa ra nhiều văn bản tập đọc là văn xuôi (46 bài) trong đó các bài đọc là văn miêu tả chỉ chiếm 21,5 % (10 bài). Sự phân chia các thể loại bài đọc như sách giáo khoa là tương đối hợp lí. Thể loại văn miêu tả ở lớp 4 lớp 5 xuất hiện nhiều hơn ở các lớp dưới cũng bởi đến lớp 4 các em thực sự làm quen và viết bài văn miêu tả (tập làm văn), chính vì vậy các bài đọc là văn miêu tả giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, của nghệ thuật miêu tả từ đó vận dụng vào trong việc miêu tả của bản thân mình. Ngoài ra, các tác phẩm văn miêu tả là khía cạnh khai thác không bao giờ ngừng của bất cứ ai yêu và cảm nhận được cái đẹp của thơ, văn. Việc đưa vào sgk các bài văn miêu tả cũng là 1 trong những các để giáo viên khai thác và sử dụng như là 1 ngữ liệu trong việc dạy cảm thụ văn học cho học sinh. Các bài văn miêu tả trong phân môn tập đọc trong sách giáo khoa tiếng việt lớp 4 gồm: Trung thu độc lập (Tr 66 – SGK TV4 tập 1) Đôi giầy ba ta màu xanh (Tr81 – SGK TV4 tập 1) Cánh diều tuổi thơ(Tr 146 – SGK TV4 tập 1) Kéo co (Tr 155 – SGK TV4 tập 1) Sầu riêng (Tr 34 - SGK TV4 tập 2) Hoa học trò (tr 43 – SGK TV4 tập 2) Thắng biển (Tr76 – SGK TV4 tập 2) Đường đi Sa pa (Tr102 – SGK TV4 tập 2) Ăng – co – vát (Tr123 – SGK TV4 tập 2) Con chuồn chuồn nước (Tr127 – SGK TV4 tập 2) Nhận xét về các bài tập trong các văn bản văn miêu tả tập đọc 4 Trong chương trình sách giáo khoa tiếng việt lớp 4, trong các bài tập đọc văn miêu tả đã đưa ra 1 số bài tập khai thác vẻ đẹp của ngôn từ, cụ thể như sau: Nhóm bài tập có tính chất nhận diện, tái hiện ngôn ngữ của văn bản (6 câu hỏi ) Tìm những câu văn tả vẻ đẹp của đôi giầy ba ta (Đôi giầy ba ta màu xanh) Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều? (Cánh diều tuổi thơ) Tìm những câu văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với cây sầu riêng. (Sầu riêng) Tìm những từ ngữ nói lên sự đe dọa của cơn bão biển( trong đoạn 1) (Thắng biển) Những từ ngữ nào (trong đoạn 3) thể hiện lòng dũng cảm, sức mạnh và chiến thắng của con người trước cơn bão biển? ( Thắng biển) Nhóm bài tập cắt nghĩa ngôn từ trong văn bản(3 câu hỏi) Tại sao tác giả gọi hoa phượng là “hoa học trò” (Hoa học trò) Tại sao tác giả gọi Sa Pa là “món quà tặng diệu kì” của thiên nhiên? (Đường đi Sa Pa) Cách miêu tả chú chuồn chuồn bay có gì hay? ( Con chuồn chuồn nước) Chú chuồn chuồn được miêu tả bằng những hình ảnh so sánh nào ? (Con chuồn chuồn nước) Nhóm bài tập phản hồi ( 2 câu hỏi ) Mỗi đoạn trong bài là một bức tranh đẹp về cảnh về người. Hãy miêu tả những điều em hình dung được về mỗi bức tranh. (Đường đi Sa Pa) Em thích hình ảnh so sánh nào? Vì sao? (Con chuồn chuồn nước) Như vậy, qua khảo sát các văn miêu tả trong phân môn tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt 4, chúng tôi nhận thấy các nhà biên soạn sách giáo khoa đã đưa ra hệ thống bài tập khá phong phú, đa dạng về hình thức, có nhiều bài tập hay phù hợp với vốn sống và trình độ nhận thức của đa số học sinh. Tuy nhiên hệ thống câu hỏi về vẻ đẹp của ngôn từ chưa phù hợp. Dạng bài tái hiện ngôn từ chiếm tới hơn 60 % trên tổng số câu hỏi đưa ra cho hs cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ. Những bài tập giúp các em cảm thụ văn học, cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, hiện tượng văn chương làm nên nội dung văn bản chiếm một số lượng rất khiêm tốn, và có rất ít bài tập khai thác vẻ đẹp của biện pháp tu từ, chủ yếu dừng ở mức độ yêu cầu nhận diện phép tu từ trong văn bản. Chính vì vậy trên thực tế, khi học, các em sẽ thiên về tái hiện nhận diện hơn, chứ kĩ năng cảm thụ thì hoàn toàn rất ít có cơ hội được luyện tập và phát triển. Đây là một điểm hạn chế rất lớn trong hệ thống câu hỏi mà sách giáo khoa đưa ra nhằm giúp học sinh rèn luyện kĩ năng này. Như đã nói ở trên, văn miêu tả là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu. Việc dạy đọc hiểu văn bản này không chỉ giúp học sinh nắm nội dung văn bản mà đồng thời còn giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, hình tượng văn chương làm nên nội dung văn bản. Qua phân tích hệ thống bài tập sách giáo khoa, có thể nói rằng chúng ta mới chỉ giúp các em thông hiểu nội dung chứ chưa mang đến cho các em khoái cảm thẩm mĩ của loại hình văn miêu tả. Quá trình khảo sát đã giúp ích tôi rất nhiều khi xây dựng bài tập rèn cảm thụ văn học cho học sinh lớp 4 trong giờ tập đọc. Chúng tôi sẽ cố gắng bổ sung thêm bài tập phù hợp để các em khám phá ra vẻ đẹp của ngôn từ, góp phần giúp các em yêu thích phân môn tập đọc nói riêng và Tiếng Việt nói chung. Thực tiễn của việc rèn cảm thụ văn học cho học sinh lớp 4 trong các trường Tiểu học hiện nay Hiện nay, ở các trường Tiểu học, trong các giờ học chính khóa, giáo viên chưa thực sự dạy cho học sinh biết cách cảm thụ, và cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ. Cái mà các cô giáo, thầy giáo dạy cho học sinh chỉ thông qua hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, sách giáo khoa đưa ra các câu hỏi phần nhiều là tái hiện. Vì vậy việc dạy học cho học sinh theo hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa chỉ có thể giúp học sinh hiểu được nội dung văn bản, chứ chưa giúp học sinh đi sâu vào cảm nhận, cảm thụ vẻ đẹp trong văn bản đó. Cũng có những giáo viên chịu khó khai thác bài tập đọc để giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ. Tuy nhiên, câu hỏi các cô đưa ra chưa phù hợp với trình độ học sinh trong lớp nên để đảm bảo tiến trình bài dạy, hỏi xong các cô phải tự trả lời. Cô giáo như cái máy diễn giải hết nghệ thuật này đến từ ngữ nọ, còn học sinh chăm chú lắng nghe. Vậy là thầy và trò lại trở về với cách học tập thông thường cổ xưa, đó là: học thụ động theo kiểu thuyết trình. Tuy nhiên, ngoài giờ học chính khóa thì rèn cảm thụ văn học cho học sinh lại được xem như là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và rất được quan tâm. Có rất nhiều tác giả đã viết về các đề bài cảm thụ, thậm chí đưa ra cả một hệ thống câu hỏi cảm thụ trong cùng một bài. Chính vì vậy, nguồn tài liệu giáo viên sử dụng rất phong phú và đa dạng, chỉ phụ thuộc vào cách dạy của giáo viên và năng lực của người học sinh mà thôi. Hiệu quả giảng dạy ở từng nơi là khác nhau, vì nó còn tùy thuộc vào cách dạy của giáo viên, và cả năng lực hiện có của giáo viên . Ở nhiều nơi đã có những lớp bồi dưỡng trình độ của giáo viên trong cảm thụ văn học và trong dạy cảm thụ văn học cho học sinh. Sau những khóa học ấy, sự cảm nhận của giáo viên có khác, và cách hướng dẫn, dạy học sinh cảm thụ cũng có thay đổi. Ta hi vọng vào một tương lai không xa, các giáo viên sẽ dễ dàng nắm bắt và đưa ra được phương pháp phù hợp nhất, cách thức con đường phù hợp nhất để giúp học sinh phát huy cao nhất khả năng cảm thụ của mình. Kết quả nghiên cứu Phân tích, bình giá vẻ đẹp của ngôn từ trong các bài văn miêu tả lớp 4 “Đôi giầy ba ta màu xanh” Câu chuyện đôi giầy ba ta màu xanh là 1 câu chuyện về một chị phụ trách, để vận động cậu bé lang thang đi học, chị đã quan tâm tới ước mơ của cậu, khiến cậu rất xúc động, vui sướng vì được thưởng đôi giầy trong buổi đến lớp đầu tiên. Đây dường như là 1 câu chuyện kể mà khi đọc lên người ta cảm nhận được tình người lan tỏa trong từng câu chữ. Sẽ thật xúc động nếu người ta biết ước mơ, và cũng thật hạnh phúc khi mơ ước đó trở thành sự thật. Trong tác phẩm này nội dung chính không phải miêu tả đôi giày, mà đó chỉ là thông qua miêu tả đôi giày mà nói lên ước muốn đến mãnh liệt của tác giả về một món quà không thể có, và sự trao tặng điều đó cho người khác. Như vậy, tác phẩm đôi giầy ba ta màu xanh không phải là miêu tả đơn thuần mà nó chỉ là một câu chuyện chứa các yếu tố miêu tả trong đó mà thôi. Hình ảnh đôi giầy hiện lên thật đẹp: “chao ôi! Đôi giày mới đẹp làm sao! Cổ giày ôm sát chân. Thân giày bằng vải cứng, dáng thon thả, màu vải như màu xanh da trời những ngày thu. Phần thân giày gần sát cổ có hai hàng khuy dập và luồn một sợi dây trắng nhỏ vắt ngang. Tôi tưởng tượng nếu mang nó vào chắc bước đi sẽ nhẹ và nhanh hơn, tôi sẽ chạy trên những con đường đất mịn trong làng trước cái nhìn thèm muốn của các bạn tôi...” Trong đoạn văn miêu tả này, tác giả đã dùng từ cảm thán, biểu thị sự khao khát đến mãnh liệt khi nhìn thấy đôi giày. Với cách miêu tả từng chi tiết của đôi giày, tác giả đã lần lượt đưa ra trước mắt chúng ta hình ảnh thật cụ thể và cũng thật sống động. Trong đoạn miêu tả này tác giả có sử dụng biện pháp tu từ so sánh: màu vải như màu xanh da trời những ngày thu”. Hình ảnh ấy hiện lên thật đẹp,và gần gũi. Có lẽ tác giả yêu màu xanh da trời của đôi giày vải cũng như yêu da diết màu xanh quê hương trong những ngày thu đẹp. Đoạn văn miêu tả này miêu tả đôi giầy thật đẹp, thật chắc chắn, và qua đó cũng cho ta thấy sự ao ước thèm muốn của tác giả. Nhưng nó không phải là đôi giày của tác giả, và cũng không thể có được. Tác phẩm “đôi giầy ba ta màu xanh” có thể xem như là một bài văn miêu tả cơ bản, để từ đó giúp học sinh tiếp nhận, và hình thành khả năng quan sát và miêu tả của chính các em. Cũng chính vì vậy, yếu tố nghệ thuật ở đoạn văn này hầu như không nhiều, do vậy không nên lấy tác phẩm này cho hs cảm thụ mà chỉ nên đưa đoạn miêu tả trên vào ngữ liệu giúp hs biết cách miêu tả hợp lí, có trình tự. Cánh diều tuổi thơ Trong mỗi tác phẩm văn học, tác giả luôn muốn sử dụng những từ ngữ hay nhất, chân thực nhất, đặc sắc nhất để bộc tả cái hồn của tác phẩm. Những từ ngữ sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, hợp lí, hợp tình dường như đã mang lại một nét phá cách trong văn học, khiến cho tác phẩm ấy trở thành đặc trưng, duy nhất, mang bản sắc của chính tác giả. Ngay trong tác phẩm “cánh diều tuổi thơ”,tác giả đã sử dụng rất nhiều từ ngữ gợi tả, gợi lên những âm thanh và hình ảnh đẹp đến bất ngờ. Tuổi thơ tác giả được nâng lên từ những cánh diều “mềm mại”, với những tiếng sáo “vi vu”, với sáo đơn, sáo kép “gọi thấp xuống” những vì sao.Cánh diều dường như làm khoảng cách giữa bầu trời và con người thu hẹp lại, và tuổi thơ của tác giả dường như được “nâng lên” từ những cánh diều.Tác giả đã sử dụng một loạt các từ gợi tả, gợi cảm, gợi âm thanh như: mềm mại, vi vu, và gợi sư thu hẹp không gian như: “gọi thấp xuống”, “nâng lên”, cùng với những tính từ miêu tả tuyệt đối như vui sướng đến “phát dại”. Chính việc sử dụng ,một loạt các từ ngữ này càng khiến tác phẩm đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên, ngọt ngào nhất.Với một loạt các từ như đã kể trên, niềm vui của những đứa trẻ chơi thả diều hiện lên thật cụ thể, sống động.Niềm vui của các em cứ lớn dần theo từng cánh diều, từng tiếng sáo. Tuy cả đoạn 1 của bài miêu tả về vẻ đẹp của cánh diều và sự vui thích của trẻ thơ khi tham gia trò chơi thả diều, nhưng âm hưởng chung của tác phẩm lại thể hiện nỗi khát khao cháy bỏng đang thành hình của tuổi thơ ngọc ngà, chính cánh diều đã chắp cánh ước mơ bay đi, bay mãi... Đọc “cánh diều tuổi thơ” ta thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của chính chúng ta. Tôi đã “ngửa cổ” suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời... cũng như tác giả, ta lớn lên trong những câu chuyện của bà, lời ru của mẹ, vươn mình theo những cánh diều với tiếng sáo vi vu, đem theo những ước mơ ta hằng ấp ủ. “Ngửa cổ” khiến chúng ta liên tưởng tới những cậu bé, cô bé trông ngóng không biết mỏi theo cánh diều, tưởng tượng ra những hình ảnh đẹp đẽ xa xôi nơi cuối trời xa ấy. Diều bay đi! Bay cao, bay xa diều nhé! Hãy tìm giúp tuổi thơ ta trên khoảng trời xanh bao la ấy những điều ta ao ước. Ta “ngửa cổ ” lên nhìn như nuốt trọn tiếng sáo vi vu, ta đã gói vào cánh diều nỗi khát khao cháy bỏng tuổi thơ ta và “ngửa cổ” chờ mong những ước mơ ấy thành sự thật. Khi nghiên cứu về từ và vẻ đẹp của từ trong văn bản, không thể quên đặt chúng vào trong thế đối lập. Cũng như trong tác phẩm này, nếu xét trong hoàn cảnh khác, thì từ “ngửa cổ ” chỉ đơn thuần là một hành động cơ học của một bộ phận trên cơ thể người, nhưng khi đưa vào trong tác phẩm thì lại tạo ra hiệu quả và sự khác biệt đến kì lạ. Chính cách dùng từ độc đáo này đã tạo ra được cái hay trong ý của toàn tác phẩm. Soi lại tuổi thơ mình trong những cánh diều, tác giả dường như thấy mình của thời xa xôi ấy: “Ngửa cổ” suốt thời mới lớn để chờ đợi điều không có thực xảy ra. Có vẻ như cái ngửa cổ ấy thật là ngờ nghệch. Dường như đâu đó thấp thoáng cái cười rất “người lớn” của tác giả khi nghĩ về những ước mơ ngờ nghệch của tuổi thơ mình. Nhưng hãy đặt mình trong vị trí của chính những đứa trẻ đang “ngửa cổ” để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay đến từ trời ấy... Dường như cái “ngửa cổ”ấy lại mang ý nghĩa khác. Các em trông mãi, ngóng mãi theo cánh diều điều mà các em nghĩ sẽ xảy ra. Cổ mỏi rồi, nhưng hãy cứ ngửa cổ nhìn tiếp đi... nếu không nàng tiên bay đi, không nhìn thấy mất... đó lại là cái “ngửa cổ” thơ ngây nhưng kiên trì và đầy tin tưởng của một thời tuổi thơ ngọc ngà, đẹp đẽ. Như vậy, “ngửa cổ” bao gồm 2 lớp nghĩa: nó thể hiện sự khát khao, tin tưởng kiên nhẫn hướng tới ước mơ khát vọng, nó cũng thể hiện sự nuối tiếc, nhớ mong được trở lại một thời ao ước đến ngô nghê điều không có thật của chính tác giả, hay nói cách khác đây vừa là sự đan xen giữa tâm trạng hiện tại của tác giả, và tâm trạng ở thời điểm tuổi thơ của tác giả. Có thể nói, toàn bộ tác phẩm được dệt lên từ nghệ thuật của ngôn từ. Và đặc biệt hơn cả là từ “ngửa cổ” đặt trong tác phẩm đã mang lại hiệu quả rất đặc sắc cho toàn tác phẩm. “Sầu riêng” Đây là 1 đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của trái sầu riêng, đồng thời phảng phất đâu đó là cả tâm trạng say mê của tác giả đối với loại trái cây đặc biệt này. Ngay câu đầu tác giả đã viết: “Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam”, sau đó nhấn mạnh : hương vị “quyến rũ” đến kì lạ, rồi cuối cùng kết luận: vị ngọt đến “đam mê”. Người đọc có thể thấy sự đánh giá rất cao của tác giả đối với loại trái cây này. Chỉ có thể yêu và cảm nhận một cách sâu sắc lắm vẻ đẹp của sầu riêng thì mới sử dụng các từ ngữ say mê đến như vậy. Vì muốn gây ấn tượng với người đọc về loại cây quý này mà tác giả đã đi chệch khỏi những chuẩn mực thông thường của ngôn ngữ toàn dân sáng tạo ra những từ chẳng hề có trong từ điển. Chảng hạn như ở tác phẩm này, tác giả tả hoa sầu riêng “tím ngát”. “Tím ngắt ” thì chỉ màu sắc đơn thuần, còn “tím ngát” thì lại có cả màu, cả mùi thơm, cả sự lan tỏa của màu, của hương và sự mơ hồ lan tỏa của tâm hồn người đứng ngắm sầu riêng. Trong tác phẩm, tác giả cũng đã sử dụng các tính từ tuyệt đối như : ngào ngạt, thơm ngát, tím ngát, ngạt ngào... làm cho hình ảnh sầu riêng hiện ra thật sống động; màu sắc, mùi vị, hương thơm của trái sầu riêng như tác động mạnh vào tâm hồn người đọc. Dáng cây hiện lên cũng thật mạnh mẽ: thân cây “khẳng khiu, cao vút, thẳng đuột”...làm cho ta thấy được sự kì lạ trong hình dáng của thân cây, và cũng cảm thấy sự ngạc nhiên thú vị của tác giả khi đứng ngắm cây này. Chính việc sử dụng một loạt các tính từ tuyệt đối đã khiến người đọc dường như cảm thấy, ngửi thấy, sờ thấy, nhìn thấy được vẻ đẹp, mùi thơm, hương vị và dáng dấp của cây sầu riêng. Ngoài các tính từ tuyệt đối gây cảm giác mạnh như tác động trực tiếp đến các giác quan của người đọc, tác giả còn có cách sử dụng từ ngữ rất độc đáo. Còn hàng chục mét mới đến nơi để sầu riêng vậy mà hương sầu riêng đã ngào ngạt “xông” vào cánh mũi. Từ “xông” đặt trong tác phẩm một lần nữa đem lại hiệu quả đặc biệt khiến người đọc chỉ đọc lên thôi cũng đã cảm thấy như hương vị sầu riêng độc đáo đang lan tỏa ra từ trang sách...Tác giả chọn “xông” chứ không chọn “bay” hoặc “xộc” vào cánh mũi, bởi lẽ, nếu chọn “bay” thì chưa bộc lộ hết dụng ý của tác giả. Nếu hương chỉ “bay” vào cánh mũi thôi thì có nghĩa hương sầu riêng chỉ thoang thoảng lướt qua và tác giả vô tình cảm nhận được. Còn nếu dùng “xộc” thì gây cho người ta cảm giác khó chịu khi cảm thấy mùi sầu riêng. Còn dùng “xông” vào cánh mũi làm cho người đọc vừa cảm nhận được cái khoan thai, nhẹ nhàng thưởng thức của tác giả, và cũng cảm thấy sự bất ngờ ngac nhiên của tác giả trước mùi hương ấy. Ngào ngạt “xông” vào cánh mũi khiến ta cảm nhận được sự lan tỏa rộng lớn, đậm đà trong không khí của hương sầu riêng. Tác giả “đam mê” trái sầu riêng, đam mê hương sầu riêng, đam mê cả cái dáng cây kì lạ ấy. Trong lời văn của tác giả, dường như sầu riêng là một loại trái cây kì lạ, ngọt ngào, làm say đắm lòng người. “Hoa học trò” Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai không khỏi bồi hồi xúc động mỗi khi hè về, hoa phượng nở. Khi ve kêu xào xạc, cái nắng chan hòa và màu đỏ rực rỡ đến chói lòa của những chùm hoa phượng cứ ngày càng lan ra, lan ra mãi thì cũng là lúc cô cậu học trò nhỏ dậy lên một nỗi niềm không gọi thành tên. Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò, có lẽ vì thế mà tác giả Xuân Diệu đặt tên cho tác phẩm là “hoa học trò”. “Hoa học trò ” đã miêu tả rất sâu sắc hình ảnh của những chùm phượng chói lòa, đồng thời cũng miêu tả hết sức sống động nỗi niềm của tuổi học trò mỗi khi phượng rực đỏ. Cả bài đọc dường như mang một âm điệu du dương, trầm bổng, thổi vào lòng người đọc một cảm giác man mác khó diễn tả. Mở đầu bài viết, tác gỉa giới thiệu về hoa phượng bằng cách sử dụng một loạt các từ ngữ liệt kê như: phượng không phải là một “đóa”, không phải là một “cành”, phượng đây là cả một “loạt”, cả một “vùng”, cả một “góc trời ” đỏ rực... Các từ ngữ đó đặt cạnh nhau theo một nhịp điệu nhanh, dồn dập, cùng với việc lặp lại từ “cả” cho ta thấy màu phượng thắm như bất chợt hiện lên, lan rộng ra đến mức gây ngạc nhiên. Trong tác phẩm, tác giả cũng sử dụng những hình ảnh so sánh thật ấn tượng: “ tán lớn xòe ra như muôn ngàn con bướm thắm đậu khít nhau”. Dường như đối với tác giả, trong tán cây phượng ấy không phải là những đóa hoa vô tri bất động, mà nó giống như hàng ngàn chú bướm tươi xinh đang rung rinh, rung rinh trong gió, tưởng chừng như chỉ cần chạm nhẹ là ùa đi, bay thắm cả góc trời. Màu hoa phượng đỏ đối lập với màu lá xanh. Sự đối lập màu sắc ấy khiến người ta liên tưởng đến sự đối lập trong tâm trạng những cô cậu học trò nhỏ mỗi khi hè về. Tác giả đã sử dụng rất thành công các cặp từ đối lập như : “đỏ - xanh” ,“ buồn – vui”, chúng đan xen vào nhau, hòa quện vào nhau khiến người ta không phân biệt được ranh giới giữa cái buồn vui, đỏ xanh tiếp nối. “Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng”. Đây là cách nói ẩn dụ, tác giả muốn nói đến tâm trạng của người học trò. Mùa hè đến, phượng nở đồng nghĩa với việc các em sẽ được nghỉ hè, được tung tăng chơi đùa thỏa thích với biết bao dự định cùng gia đình, người thân... nhưng hè đến cũng đồng nghĩ với việc các em sẽ phải rời xa ngôi trường thân yêu, rời xa bè bạn biết bao gắn bó. Tình cảm của cô cậu học trò vì thế cũng thay đổi giống như màu lá phượng. Ở đoạn cuối, chỉ với 3 câu văn mà tác giả đã tóm tắt được cả quá trình phượng nở khi hè về: từ lúc “bình minh” của hoa phượng – đó là lúc hoa phượng đẹp nhất, vẫn tươi dịu và dịu dàng báo hiệu mùa hè đang đến. Rồi đến khi qua cái mùa xuân của hoa phượng ấy, thì chúng lại không còn vẻ dịu dàng trước đó nữa mà đã trở lên rực rỡ, chói lòa. Khi ấy “màu phượng mạnh mẽ kêu vang”... cách sử dụng từ ngữ của tác giả thật độc đáo và nó thể hiện bản sắc của chính tác giả. Chỉ có những ai nhạy cảm tinh tế lắm thì mới có thể cảm nhận được sự thay đổi đường đột trong sắc phượng. Dường như đối với tác giả màu hoa đỏ quá, chói lọi quá, rực rỡ quá khiến chính bản thân người ngắm không kiềm chế được mà kêu vang lên trong sự ngạc nhiên bất ngờ đầy thú vị: “hè đến rồi”. Hè đến, cuộc sống vẫn tiếp diễn, mang theo niềm vui đến từ cánh phượng. Đâu đâu cũng là một màu đỏ rực rỡ như “nhà nhà đều dán câu đối đỏ”. Lại một hình ảnh so sánh nữa hiện ra. Nếu hình ảnh trên so sánh hoa phượng trên những tán cây như những con bướm thắm, thì đến đoạn kết, hình ảnh hoa phượng dường như không chỉ trên cao ấy, mà nó như sà xuống, thấp xuống hòa vào không gian, vào từng ngóc ngách của phố phường, tràn vào khung cửa của mỗi ngôi nhà , khiến đâu đâu cũng đầy một màu đỏ thắm tươi vui. Có thể nói tác phẩm “hoa học trò” có rất nhiều yếu tố miêu tả hay, từ nhạc điệu trong văn, đến nét đẹp của từng từ, và cả ý đồ trong từng câu chữ, từng hình ảnh so sánh. Chính vì vậy, khi sử dụng để dạy học sinh cảm nhận cái hay của ngôn từ thì cũng phải biết chọn lọc những hình ảnh, chi tiết nổi bật nhất, để học sinh tập trung vào và cảm nhận. Những yếu tố nổi bật có thể khai thác để dạy cảm thụ cho học sinh, theo tôi là cách dùng biện pháp so sánh, là cách gọi hoa phượng là “hoa học trò”, và là hình ảnh “màu phượng mạnh mẽ kêu vang”. “Thắng biển” Khác với các bài tập đọc ở trên, “thắng biển” khai thác một yếu tố hoàn toàn khác trong văn miêu tả. “Thắng biển” miêu tả sự dữ dội của cơn bão biển và sự chiến đấu ,lòng dũng cảm, sức mạnh và chiến thắng của con người trước cơn bão biển. Trong tác phẩm, tác giả sử dụng một loạt các từ ngữ gây nên cảm giác mạnh, gây cho người đọc có cảm giác như chính mình bị đe dọa trước cơn bão biển: “ mênh mông ầm ĩ”, “nuốt tươi”, “dữ dội”, “ điên cuồng”...những từ ngữ này khiến người đọc cảm nhận được mức độ mạnh của cơn bão, và cảm nhận được sự nguy hiểm của cơn bão đối với con người. Tác giả so sánh: “biển cả muốn nuốt tươi con đê mỏng manh như con mập đớp con cá chim nhỏ bé”. Sự so sánh này càng làm nổi bật lên hình ảnh đối lập, giữa một bên biển cả mênh mông hùng vĩ đang nổi cơn thịnh nộ, với một bên là con đê mỏng manh hiền lành nhỏ bé. Qua đó cho chúng ta thấy cuộc chiến đấu chống cơn bão biển là một cuộc chiến đấu không cân sức. Cuộc chiến đấu giữa những con người dũng cảm quyết tâm bảo vệ con đê diễn ra thật ác liệt. Sự không cân sức ngày càng thu hẹp lại bởi lòng quyết tâm, ý chí sắt đá và lòng dũng cảm của những con người dám lấy thân mình bảo vệ con đê. Hình ảnh họ hiện lên cũng mong manh lắm, không khác gì con đê mỏng manh kia. Nhưng sức mạnh tâp thể đã chiến thắng tất cả, chiến thắng cả hung thần sóng biển đang ầm ầm gào thét. Cuộc vật lộn diễn ra hết sức dữ dội, có lúc những con người kia tưởng chừng như tính mạng sẽ bị đe dọa. Nhưng không vì thế mà họ rời nhau ra. Người nọ vẫn bám chặt lấy người kia tạo thành một sợi dây vô hình nhưng chắc chắn. Thân hình họ “cột chặt” lấy những cọc tre đóng chắc, hòa thành con đê thứ hai bảo vệ quãng đê kia sống lại. Tác giả không dùng “ôm chặt”, hay “bám chặt” mà lại dùng “cột chặt”, bởi lẽ, nếu dùng “ôm chặt” hay “ bám chặt” đi nữa thì cũng khiến người nghe có cảm giác mong manh, dễ rời. Nhưng “cột chặt” lại tạo nên được sự vững chãi thành một khối, sự dẻo dai bám trụ, sự quấn chặt không thể tách rời, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Đó là hình ảnh của những thân người như những sợi dây cuốn chặt để bảo vệ con đê. “ Cột chặt” được coi là từ dùng đắt trong tác phẩm này. Nó khiến người đọc cảm thấy ngay được sức mạnh tinh thần lớn lao của những con người bé nhỏ trong cuộc đấu tranh ác liệt dành lại cuộc sống cho con đê của mình. “Đường đi Sa Pa” Khung cảnh hai bên đường trên đường đi Sa Pa hiện lên thật đẹp, thật thơ mộng. Khi xe đi chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh, tác giả đã không khỏi ngạc nhiên vui thích trước khung cảnh hiện lên trước mắt. Đó là khi những đám mây trắng nhỏ sà xuống tạo ra cảm giác bồng bềnh, huyền ảo; hay khi xe đi bên những “thác trắng xóa tựa mây trời”, lướt qua những “rừng cây âm âm”, đi qua những “bông hoa chuối đỏ rực”. Đâu đó thấp thoáng bóng dáng của những chú ngựa đủ màu sắc đang thung thăng gặm cỏ ven đường. Với cách dùng hàng loạt các hình ảnh liệt kê, tác giả đã làm cho chúng ta thấy rõ hơn vẻ đẹp của con đường lên Sa Pa và khiến chúng ta phải hồi hộp chờ đợi những gì sẽ được nhìn thấy tiếp theo vòng xe lăn bánh của tác giả. Cả bài viết là hình ảnh một Sa Pa kì vĩ huyền ảo và thơ mộng, là sự ngạc nhiên thú vị qua mỗi chặng đường, và trong bài viết ấy, dưới cây bút sắc sảo của nhà văn, dường như từng từ , từng ngữ hiện lên cũng gây nên một ấn tượng bất ngờ. Chúng ta không thể nào bỏ qua sự “sà xuống ” của những đám mây. Cách dùng từ “sà xuống” khiến cho người đọc cảm thấy hình như những đám mây ấy đang tươi vui đón chào đoàn xe đi qua. Người ta cũng không thể nào bỏ qua cái “vàng hoe ” của phố huyện. Càng không thể bỏ qua màu sương núi “tím nhạt” trong buổi hoàng hôn, hay màu “trắng xóa” của thác nước.... Có thể nói việc sử dụng các từ ngữ gợi màu sắc rất độc đáo khiến chúng ta có cảm giác như chính mình đang đi trên con đường chênh vênh, thưởng ngoạn những cảnh đẹp hùng vĩ ấy. Đường lên Sa Pa dường như lung linh trong những sắc màu tuyệt diệu. Con đường đến Sa Pa đã đẹp như thế, nhưng phong cảnh ở Sa Pa còn đẹp hơn nhiều lần. Dường như đối với tác giả, chỉ một cái chớp mắt thôi là Sa Pa đã đổi sang một mùa mới. Sự lặp lại từ “thoắt cái” cùng với sự miêu tả tinh tế những gì đẹp đẽ nhất của bốn muà trong một ngày khiến người ta cứ muốn đứng mãi không rời ... : Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý... chỉ dừng ở đây thôi, không ai không ngạc nhiên mà thốt lên: đây đúng là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta. “Ăng – co – vát ” Đây là bài viết giới thiệu cho các em học sinh công trình đồ sộ của nhân dân Cam pu chia được xây dựng từ thế kỉ thứ XII. Bài viết được viết theo trình tự không gian, giống như đang dẫn chúng ta đi suốt chiều dài, rồi vào trong khu đền. Cách giới thiệu của tác giả có phần tản mạn, giới thiệu những nét đẹp nhất, đặc sắc nhất của khu đền. Có thể nói, bài viết chỉ nhằm mục đích giới thiệu về công trình đồ sộ ấy, nên cách chọn lựa ngôn ngữ của tác giả rất thực tế và miêu tả chính xác, gợi được sự kì vĩ và vẻ đẹp của nó trong buổi hoàng hôn. Đọc lên, chúng ta có thể hình dung ngay ra những gì tác giả định nhắc đến. Chúng ta thích thú trong sự thưởng ngoạn cảnh đẹp huy hoàng ấy! “Kéo co” Đây là một bài văn miêu tả về một trò chơi dân gian thường hay được tổ chức trong các dịp lễ hội hàng năm. Toàn bài chỉ nhằm giới thiệu cho các em biết về trò chơi này, về cách thức chơi và cách tính thắng thua trong trò chơi. Nếu xét dưới góc độ ngôn từ thì từ ngữ sử dụng trong bài viết này là những từ ngữ giản dị đời thường, mang chức năng thông báo. Ở đây không đan xen vào tình cảm của tác giả, mà nó chỉ như một lời tường thuật, mô tả lại cuộc thi, giúp học sinh hình dung ra trò chơi, khiến các em lôi cuốn và hiểu biết thêm về các trò chơi dân gian của đất nước ta, qua đó các em thêm yêu con người, thêm yêu phong tục tập quán và bản sắc văn hóaViệt Nam. “ con chuồn chuồn nước” Sau khi đọc đoạn đầu tiên của bài viết, ta có thể thấy đây là một bài văn miêu tả vẻ đẹp của chú chuồn chuồn nước dưới con mắt của trẻ thơ. Mở đầu, tác giả dùng từ cảm thán miêu tả sự ngạc nhiên vô cùng trước vẻ đẹp của con chuồn chuồn nước: “ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!”. Chính sự ngạc nhiên tới mức đầy bất ngờ thú vị này đã khiến tác giả say sưa ngắm nhìn và miêu tả vẻ đẹp của chú chuồn chuồn. Hình ảnh chú chuồn chuồn nước hiện lên thật đẹp và rực rỡ. Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh: “Bốn cánh mỏng như giấy bóng”, “hai con mắt long lanh như thủy tinh”, “thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng thu”. Sự so sánh của tác giả dường như làm hình ảnh của chú chuồn chuồn thêm đẹp, thêm lung linh, và cũng làm cho người đọc hiểu rõ hơn về vẻ đẹp ấy. Có lẽ trong các cách so sánh này, thì sự so sánh màu vàng của thân chú với màu của nắng thu là đẹp hơn cả. Chỉ có con mắt tinh tế lắm mới nhận ra được màu sắc của bốn mùa... mùa thu, với cái nắng nhẹ nhàng dịu dàng, với những chiếc lá vàng nghiêng nghiêng rơi bên đường, với những cơn gió mát hiu hiu thổi... tất cả dường như đang hiện lên trong hình ảnh chú chuồn chuồn nước. Chính sự so sánh này đã cho ta thấy tác giả yêu biết bao màu vàng của chú chuồn chuồn, và cũng yêu biết bao sắc trời thu trên quê hương thân yêu một ngày vàng nắng. Đoạn thứ hai khép lại với hình ảnh chú chuồn chuồn bay vút trên mặt nước nhưng đồng thời lại mở ra những hình ảnh tươi đẹp mới. Đó là lũy tre xanh rì rào trong gió, đó là bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh, rồi đến những đàn trâ đang thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi. Trên tầng cao là những đàn cò đang bay, là trời xanh và cao vút... Đến đây chúng ta mới hiểu hết được dụng ý của tác giả. Nếu chỉ dừng lại ở đoạn 1 có lẽ ai cũng nghĩ rằng đó là bài văn miêu tả thông thường nói lên vẻ đẹp của chú chuồn chuồn nước. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Thật ngạc nhiên khi chú chuồn chuồn bay vút đi, dẫn ta đến với bao nhiêu cảnh quen thuộc nhưng gần gũi và đẹp đẽ của làng quê. Hình ảnh quê hương trong tác phẩm hiện lên rất giản dị, gần gũi nhưng điều gây được điểm nút trong tác phẩm này đó là cách dẫn dắt người đọc đi từ hình ảnh chú chuồn chuồn nước để đến với hình ảnh của quê hương. Có lẽ tác giả phải yêu quê hương mình lắm mới có thể viết lên những câu văn hay như thế, đặc sắc như thế, mà khi đọc lên khiến ta phải mỉm cười, ngồi lặng trước trang giấy, ngắm nhìn quê hương trong trí nhớ mình.... Xây dựng các dạng bài tập giúp hs cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Nhờ chất liệu của ngôn ngữ mà tính nhân văn, tính hình tượng tính cảm xúc và tính độc đáo của văn chương còn có những sắc thái riêng mà các nghệ thuật khác không có. Ngôn ngữ văn chương phải chau chuốt, cô đọng, hàm súc, có tính biểu cảm, tính hình ảnh. Nếu không, nghĩa, tình, lí của văn chương sẽ chỉ là nắm xương khô. Một tác phẩm văn học có giá trị phải là sự hài hòa về nội dung, hình thức, tình ý chứa chan mà lời lẽ phải dạt dào. Vì vậy, ngoài việc giải mã nghĩa, lí tình, dạy đọc văn bản văn chương còn phải cho học sinh tiếp nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp của cách nói văn chương. Các từ ngữ trở thành ngữ liệu trong bài tập dạng này phải mang tính gợi tả, gợi cảm, chúng “đi lại, nhảy nhót” trong tác phẩm. Đó là lớp từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, đó có thể còn là các tính từ tuyệt đối, lớp từ đa nghĩa... Các bài tập đọc hiểu được xây dựng cho học sinh trên cơ sở đã bình giá, chỉ ra vẻ đẹp ngôn từ trong từng tác phẩm văn miêu tả đã kể trên. 2.1 Dạng bài tập có tính chất nhận diện, tái hiện ngôn ngữ của văn bản: Các bước xây dựng bài tập dạng này: B1: Tìm ra trong đoạn văn các từ ngữ hay, độc đáo hoặc các trường từ có chứa nội dung miêu tả đặc sắc theo chủ đề nhất định. B2: đặt tên chủ đề hoặc tóm tắt nội dung của ngữ liệu chứa các từ ngữ đó. B3: đặt thành đề bài B4: xây dựng đáp án Các ví dụ : VD1: Bài “đôi giầy ba ta màu xanh”: B1: đôi giầy mới đẹp làm sao! Cổ giầy ôm sát chân. Thân giày làm bằng vải cứng, dáng thon thả, màu vải như màu da trời..phần thân giày có hai hàng khuy dập và luồn một sợi dây trắng nhỏ vắt ngang. B2: đây là các chi tiết tả vẻ đẹp của đôi giày ba ta. B3: Đặt thành đề bài: Hãy tìm các chi tiết trong bài miêu tả vẻ đẹp của đôi giày ba ta. Đáp án tham khảo: Trong bài “đôi giày ba ta màu xanh”, tác giả miêu tả đôi giày ba ta thật đẹp, thật đáng yêu. Tác giả đã không kiềm chế được mà thốt lên ngạc nhiên: Đôi giày mới đẹp làm sao! Cổ giày ôm sát chân, thân giày làm bằng vải cứng, dáng thon thả, màu vải như màu da trời ngày cuối thu. Phần thân giày có hai hàng khuy dập và luồn một sợi dây trắng nhỏ vắt ngang. VD2: Bài “Thắng biển” B1: “mênh mông ầm ĩ”, “nuốt tươi”, “ào dữ dội”, “giận dữ điên cuồng” “Sóng trào qua những cây vẹt cao nhất, vụt vào thân đê rào rào.” B2: Sự đe dọa và cuộc tấn công dữ dội của cơn bão biển. B3: Đặt đề bài: Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói lên sự đe dọa và tấn công dữ dội của cơn bão biển Đáp án tham khảo: Cơn bão biển từ lúc mới hình thành đã bào hiệu trước sự đe dọa đến dữ dội của nó. Đó là khi gió bắt đầu thổi mạnh, khi “khoảng không ầm ĩ cứ lan rộng mãi vào”, biển như muốn “nuốt tươi” con đê mỏng manh... Không còn là de dọa nữa mà chỉ trong chốc lát, biển trở lên “dữ dội”, “ào lên” tấn công, “sóng trào qua những cây vẹt cao nhất, vụt vào thân đê rào rào”, biển “giận dữ điên cuồng”... VD3: Bài “Đường đi Sa Pa” B1: “chênh vênh trên dốc cao”, “đám mây sà xuống ,bồng bềnh huyền ảo”, “thác trắng xóa tựa mây trời”, “rừng cây âm âm”, “hoa chuối đỏ rực”, “ngững chú ngựa gặm cỏ ven đường” B2: Vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên trên con đường đi Sa Pa. B3: Hãy miêu tả lại vẻ đẹp trên con đường đi Sa Pa mà tác giả đã thấy? Đáp án tham khảo: Khung cảnh hai bên đường trên đường đi Sa Pa hiện lên thật đẹp, thật thơ mộng. Khi xe chở tác giả đi chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh, tác giả đã không khỏi ngạc nhiên vui thích trước khung cảnh hiện lên trước mắt. Đó là khi những đám mây trắng nhỏ sà xuống khiến tác giả có cảm giác bồng bềnh, huyền ảo; hay khi xe đi bên những “thác trắng xóa tựa mây trời”, lướt qua những “rừng cây âm âm”, đi qua những “bông hoa chuối đỏ rực”. Đâu đó thấp thoáng bóng dáng của những chú ngựa đủ màu sắc đang thung thăng gặm cỏ ven đường. Ví dụ 4: Bài “Cánh diều tuổi thơ” B1: “Cánh diều mềm mại như cánh bướm...Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép như gọi thấp xuống những vì sao sớm.” B2: Tả vẻ đẹp của cánh diều B3: Đặt thành đề bài: Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều? Đáp án tham khảo Đối với tác giả nói riêng cũng như tất cả trẻ em nói chung, cánh diều dường như luôn mang một vẻ đẹp kì lạ đến khó hiểu. Cánh diều được tác giả so sánh với cánh bướm non “ cánh diều mềm mại như cánh bướm non”. Tiếng sáo diều thì ngân nga “vi vu trầm bổng”, trên bầu trời biết bao cánh diều và biết bao loại sáo. Nào là sáo đơn, sáo kép rồi sáo bè... những âm thanh của những loại sáo ấy dường như đang gọi thấp xuống những vì sao sớm. 2.3 Dạng bài cắt nghĩa ngôn ngữ trong văn bản: Các bước xây dựng dạng bài tập này: B1: Chỉ ra các câu, đoạn có chứa từ ngữ hoặc hình ảnh hay, cần giải nghĩa B2: Chỉ ra từ dùng đắt, hoặc hình ảnh hoặc các chi tiết hay trong câu (đoạn) đó B3: Đưa ra bài tập B4: Xây dựng đáp án tham khảo Ví dụ 1: Bài “Hoa học trò” B1: “Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò...Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên mất màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên cành cây báo một tin thắm: Mùa hoa phượng bắt đầu. Đến giờ chơi, cậu học trò ngạc nhiên trông lên: hoa nở lúc nào mà bất ngờ vậy?” B2: “Hoa học trò”, “ vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng” B3: Đặt thành đề bài Đọc bài văn trên và cho biết: tại sao tác giả lại gọi hoa phượng là “hoa học trò”? Đáp án tham khảo Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai không khỏi bồi hồi xúc động mỗi khi hè về, hoa phượng nở. Khi ve kêu xào xạc, cái nắng chan hòa và màu đỏ rực rỡ đến chói lòa của những chùm hoa phượng cứ ngày càng lan ra, lan ra mãi thì cũng là lúc cô cậu học trò nhỏ dậy lên một nỗi niềm không gọi thành tên. Hoa phượng gắn liền với tuổi học trò, “vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm bông phượng”khi trên những tán xanh lốm đốm điểm màu thắm tươi rực rỡ của hoa cũng là lúc hè về. Mùa hè đến, phượng nở đồng nghĩa với việc các em sẽ được nghỉ hè, được tung tăng chơi đùa thỏa thích với biết bao dự định cùng gia đình, người thân... nhưng hè đến cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ phải rời xa ngôi trường thân yêu, rời xa bè bạn biết bao gắn bó. Tình cảm của cô cậu học trò vì thế cũng thay đổi giống như màu lá phượng. Chính vì sự gắn bó không gọi thành tên ấy mà hoa phượng còn được gọi với cái tên thân thương là “hoa học trò”. “Hoa học trò ” đã miêu tả rất sâu sắc hình ảnh của những chùm phượng chói lòa, đồng thời cũng miêu tả hết sức sống động nỗi niềm của tuổi học trò mỗi khi phượng rực đỏ. VD2:Bài “Sầu riêng” Từ “xông ” trong câu : “còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi” gợi cho em cảm giác gì? Đáp án tham khảo: Tác giả dùng từ “xông” trong câu “còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi”. Đây là các dùng từ hay, hết sức độc đáo và cũng rất phù hợp mà không từ nào có thể thay thế được. Ngào ngạt xông vào cánh mũi gây cho ta cảm giác ngạc nhiên bất ngờ, cảm nhận được sự đậm đặc của mùi thơm lan tỏa rất nhiều trong không khí. Nhanh, mạnh và bất ngờ, mùi thơm ấy “xông” vào cánh mũi của người đứng ngắm sầu riêng, đó cũng chính là cách đón nhận một cách đầy thú vị mùi thơm ấy của tác giả. 2.3 Dạng bài tập phản hồi văn bản: VD1: Bài “Con chuồn chuồn nước” Hãy chỉ ra các biện pháp tu từ có trong đoạn văn sau và cho biết tác dụng của nó: “Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu...” Đáp án tham khảo: Đoạn văn trên miêu tả vẻ đẹp của chú chuồn chuồn nước. Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh: “Bốn cánh mỏng như giấy bóng”, “hai con mắt long lanh như thủy tinh”, “thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng thu”. Dưới con mắt tinh tế của tác giả, hình ảnh chú chuồn chuồn nước hiện lên thật đẹp đẽ và sinh động. Sự so sánh của tác giả dường như làm hình ảnh của chú chuồn chuồn thêm đẹp, thêm lung linh, và cũng làm cho người đọc hiểu rõ hơn về vẻ đẹp ấy. Có lẽ trong các cách so sánh này, thì sự so sánh màu vàng của thân chú với màu của nắng thu là đẹp hơn cả. Chỉ có con mắt tinh tế lắm mới nhận ra được màu sắc của bốn mùa... mùa thu, với cái nắng nhẹ nhàng dịu dàng, với những chiếc lá vàng nghiêng nghiêng rơi bên đường, với những cơn gió mát hiu hiu thổi... tất cả dường như đang hiện lên trong hình ảnh chú chuồn chuồn nước. Chính sự so sánh này đã cho ta thấy tác giả yêu biết bao màu vàng của chú chuồn chuồn, và cũng yêu biết bao sắc trời thu trên quê hương thân yêu một ngày vàng nắng. VD2: Bài “ Cánh diều tuổi thơ” Em thấy cách sử dụng từ “ngửa cổ” trong câu dưới đây có gì hay: “ Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời, và bao giờ cũng hy vọng khi tha thiết cầu xin: Bay đi diều ơi! Bay đi!..” Đáp án tham khảo Khi nghiên cứu về từ và vẻ đẹp của từ trong văn bản, không thể quên đặt chúng vào trong thế đối lập. Cũng như trong tác phẩm này, nếu xét trong hoàn cảnh khác, thì từ “ngửa cổ ” chỉ đơn thuần là một hành động cơ học của một bộ phận trên cơ thể người, nhưng khi đưa vào trong tác phẩm thì lại tạo ra hiệu quả và sự khác biệt đến kì lạ. Chính cách dùng từ độc đáo này đã tạo ra được cái hay trong ý của toàn tác phẩm. Cách hiểu 1: Soi lại tuổi thơ mình trong những cánh diều, tác giả dường như thấy mình của thời xa xôi ấy: “Ngửa cổ” suốt thời mới lớn để chờ đợi điều không có thực xảy ra. Có vẻ như cái ngửa cổ ấy thật là ngờ nghệch. Dường như đâu đó thấp thoáng cái cười rất “người lớn” của tác giả khi nghĩ về những ước mơ ngờ nghệch của tuổi thơ mình. Cách hiểu 2: Nhưng hãy đặt mình trong vị trí của chính những đứa trẻ đang “ngửa cổ” để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay đến từ trời ấy... Dường như cái “ngửa cổ”ấy lại mang ý nghĩa khác. Các em trông mãi, ngóng mãi theo cánh diều điều mà các em nghĩ sẽ xảy ra. Cổ mỏi rồi, nhưng hãy cứ ngửa cổ nhìn tiếp đi... nếu không nàng tiên bay đi, không nhìn thấy mất... đó lại là cái “ngửa cổ” thơ ngây nhưng kiên trì và đầy tin tưởng của một thời tuổi thơ ngọc ngà, đẹp đẽ. Như vậy, “ngửa cổ” bao gồm 2 lớp nghĩa: nó thể hiện sự khát khao, tin tưởng kiên nhẫn hướng tới ước mơ khát vọng, nó cũng thể hiện sự nuối tiếc, nhớ mong được trở lại một thời ao ước đến ngô nghê điều không có thật của chính tác giả, hay nói cách khác đây vừa là sự đan xen giữa tâm trạng hiện tại của tác giả, và tâm trạng ở thời điểm tuổi thơ của tác giả. VD3: Bài “Sầu riêng” Tại sao tác giả lại sử dụng từ “xông” trong câu: “Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi”. mà không dùng “bay” hoặc “xộc”? Cách dùng từ “xông ” của tác giả có gì hay? Đáp án tham khảo: Còn hàng chục mét mới đến nơi để sầu riêng vậy mà hương sầu riêng đã ngào ngạt “xông” vào cánh mũi. Từ “xông” đặt trong tác phẩm đã đem lại hiệu quả đặc biệt khiến người đọc chỉ đọc lên thôi cũng đã cảm thấy như hương vị sầu riêng độc đáo đang lan tỏa ra từ trang sách...Tác giả chọn “xông” chứ không chọn “bay” hoặc “xộc” vào cánh mũi, bởi lẽ, nếu chọn “bay” thì chưa bộc lộ hết dụng ý của tác giả. Nếu hương chỉ “bay” vào cánh mũi thôi thì có nghĩa hương sầu riêng chỉ thoang thoảng lướt qua và tác giả vô tình cảm nhận được. Còn nếu dùng “xộc” thì gây cho người ta cảm giác khó chịu khi cảm thấy mùi sầu riêng. Còn dùng “xông” vào cánh mũi làm cho người đọc vừa cảm nhận được cái khoan thai, nhẹ nhàng thưởng thức của tác giả, và cũng cảm thấy sự bất ngờ ngạc nhiên của tác giả trước mùi hương ấy. Ngào ngạt “xông” vào cánh mũi khiến ta cảm nhận được sự lan tỏa rộng lớn, đậm đà trong không khí của hương sầu riêng. VD4: Đường đi Sa Pa Đọc đoạn văn sau và cho biết cảm nhận của em về vẻ đẹp của Sa Pa: “Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý...” Đáp án tham khảo: Sa Pa là một nơi rất kì diệu và cũng hết sức thú vị. Ở SaPa dường như có tới bốn mùa cùng hiện hữu trong một ngày. Sa Pa là mùa thu với những lá vàng rơi xào xạc, dường như là mùa đông với những bông tuyết trắng long lanh, với những cành đào, lê, mận nở trắng rừng. Sa Pa dường như đang là mùa xuân với những bông lay ơn đen quý hiếm. Sa Pa biết bao yêu dấu như biến đổi trong từng khoảnh khắc, chỉ chớp mắt thôi, SaPa thoắt cái đã chuyển mùa... Em mong một lần được đến ngắm nhìn Sa Pa và thưởng thức vẻ đẹp diệu kì ấy! PHẦN THỨ BA: KẾT LUẬN Trong phạm vi đề tài của mình, tôi chỉ nghiên cứu về một số bài tập đọc theo thể loại văn miêu tả và đưa ra được một số bài tập theo các mức độ nhằm giúp cho cả giáo viên và học sinh trong việc dạy và học về cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ trong văn xuôi. Nếu được sử dụng trong thực tiễn, cùng với các phương pháp giảng dạy phù hợp của người thầy, tôi nghĩ nó sẽ phát huy được hiệu quả trong thực tiễn. Giáo viên khi đưa ra giảng dạy trong thực tiễn thì cần chú ý: Sử dụng trong giờ học chính khóa theo cách thay đổi một số câu hỏi cho phù hợp hơn với trình độ nhận thức của học sinh Nên đưa vào các câu hỏi theo một hệ thống hợp lí, đi từ dễ đến khó, tức là từ việc tái hiện, nhận diện, trên cơ sở đó mới cắt nghĩa, và yêu cầu hs nêu cảm nhận của mình. Không nên tự làm hộ cho học sinh mà phải để các em tự nêu lên cảm nhận của mình, sau đó mới có sự điều chỉnh cho phù hợp Không nên nghĩ mỗi câu hỏi chỉ có 1 đáp án duy nhất. Bởi vì hiểu văn học là việc hiểu của cá nhân mỗi người, thông qua bản sắc và cảm nhận của riêng mình, mỗi em sẽ có cách cảm, cách nghĩ riêng. Nhiều khi việc gò bó theo 1 đáp án nhất định sẽ thui chột đi khả năng cảm nhận của các em. Tuy nhiên đây chỉ là đề tài nhỏ, trong đề tài này tôi mới chỉ đưa ra phần lí luận và xây dựng một số bài tập chứ chưa có sự mở rộng và cũng chưa thông qua việc kiểm nghiệm trong thực tế nên chắc chắn sẽ mắc phải nhiều sai sót và còn nhiều hạn chế. Rất mong có sự đóng góp ý kiến của các thầy cô cùng các bạn để đề tài của tôi được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn cô giáo Lê Phương Nga đã giúp tôi lựa chọn đề tài và dẫn dắt tôi để tôi có thể hoàn thành đề tài của mình! Tài liệu tham khảo: Bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học – dự án phát triển giáo viên Tiểu học Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt ở Tiểu học Vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương trong các bài tập đọc ở Tiểu học nhìn từ góc độ rèn kĩ năng cảm thụ văn học cho học sinh – Lê Phương Nga Phương pháp dạy học tiếng việt ở Tiểu học II – Lê Phương Nga (chủ biên) – Lê A – Đặng Kim Nga – Đỗ Xuân Thảo SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 – tập 2 – Nhà xuất bản giáo dục Xây dựng bài tập bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh lớp 5 trong giờ tập đọc (LA) / Huỳnh Đình Chiểu

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxBình giá vẻ đẹp ngôn từ và xây dựng bài tập đọc hiểu giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ trong bài văn miêu tả lớp 4.docx
Luận văn liên quan