Các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng theo luật thương mại 2005

Cạnh tranh là vấn đề tất yếu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Trong cuộc ganh đua đó, các doanh nghiệp sử dụng mọi giải pháp để tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội bán hàng và cung ứng dịch vụ như: Tuyên truyền, giới thiệu, khuyếch trương hàng hóa dịch vụ, tổ chức việc bán hàng có giảm giá, có quà tặng Các hoạt động này được gọi là xúc tiến thương mại và là quá trình tất yếu mà doanh nghiệp phải tiến hành để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Một trong những hình thức xúc tiến thương mại mà ta không thể không kể tới là hình thức khuyến mại, vậy để tìm hiểu khuyến mại có những hình thức nào được pháp luật quy định và thực tiễn áp dụng quy định về khuyến mại như thế nào, nhóm đã quyết định chọn đề tài “Tìm hiểu các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng” là bài tập nhóm lần này.

doc16 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5886 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng theo luật thương mại 2005, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Cạnh tranh là vấn đề tất yếu của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Trong cuộc ganh đua đó, các doanh nghiệp sử dụng mọi giải pháp để tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội bán hàng và cung ứng dịch vụ như: Tuyên truyền, giới thiệu, khuyếch trương hàng hóa dịch vụ, tổ chức việc bán hàng có giảm giá, có quà tặng… Các hoạt động này được gọi là xúc tiến thương mại và là quá trình tất yếu mà doanh nghiệp phải tiến hành để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Một trong những hình thức xúc tiến thương mại mà ta không thể không kể tới là hình thức khuyến mại, vậy để tìm hiểu khuyến mại có những hình thức nào được pháp luật quy định và thực tiễn áp dụng quy định về khuyến mại như thế nào, nhóm em đã quyết định chọn đề tài “Tìm hiểu các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng” là bài tập nhóm lần này. Dù đã cố gắng rất nhiều, song do hiểu biết còn nhiều hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình làm bài, vậy kính mong nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của các thầy cô trong tổ bộ môn giúp chúng em hoàn thiện bài tập của mình. Chúng em xin chân thành cảm ơn. NỘI DUNG 1. Khái niệm và đặc điểm của khuyến mại 1. 1.Khái niệm Các doanh nghiệp nhận thức được rằng muốn thu hút và hướng sự lựa chọn của khách hàng tới sản phẩm của mình, ngoài việc phải xây dựng một chiến lược kinh doanh cụ thể thì khuyến mại giữ một vai trò cực kì quan trọng, quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, các chủ thể kinh doanh càng nhiều, sự cạnh tranh càng lớn và khuyến mại trở thành công cụ thiết yếu. Vậy khuyến mại là gì và có tác dụng như thế nào? Tại sao các thương nhân lại chấp nhận bỏ ra một khoản tiền khổng lồ cho hoạt động khuyến mại? Khuyến mại xuất hiện khá muộn ở Việt Nam, chỉ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường thì loại hình hoạt động đa dạng này mới thực sự được biết đến. Song hành cùng với nó là các quy định của nhà nước trong Luật thương mại nhằm quản lí, điều chỉnh cách mối quan hệ phát sinh trong hoạt động khuyến mại, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như đảm bảo cho hoạt động xúc tiến thương mại của các thương nhân diễn ra một cách ổn định và lành mạnh. Luật thương mại 2005 đã ghi nhận khái niệm khuyến mại tại Điều 88 như sau: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”. Từ định nghĩa trên cho thấy chức năng nhiệm vụ chủ yếu của khuyến mại chính là nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thông qua việc dành cho khách hàng một số lợi ích nhất định 1.2. Đặc điểm của khuyến mại Cách thức thực hiện khuyến mại tạo ra những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ việc bán hàng và cung ứng dịch vụ là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định như phát quà tặng, giảm giá… Trên cơ sở khái niệm về khuyến mại, có thể rút ra một số đặc trưng cơ bản của khuyến mại như sau: Thứ nhất, về mặt chủ thể thì khuyến mại phải là hành vi thương mại do thương nhân thực hiện. Để tăng cường cơ hội thương mại,thương nhân được phép tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại, cũng có thể lựa chọn dịch vụ khuyến mại do thương nhân khác cung cấp trên cơ sở hợp đồng dịch vụ giữa thương nhân có nhu cầu khuyến mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại. Thứ hai, về cách thức xúc tiến thương mại là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Việc “dành thêm” những lợi ích nhất định đó nằm ngoài giá mà người bán hàng và người mua hàng đã thỏa thuận. Chẳng hạn như khi mua xe máy khách hàng sẽ được tặng thêm mũ bảo hiểm thì đó chính là lợi ích vật chất được “dành thêm” không tính vào giá mua xe máy đó. Tùy thuộc vào mục tiêu khuyến mại, trạng thái cạnh tranh, phản ứng của đối thủ cạnh tranh trên thương trường hay điều kiện kinh phí mà lợi ích dành cho khách hàng có thể là quà tặng, hàng mẫu để dùng thử…hoặc những lợi ích vật chất khác. Đối tượng được khuyến mại có thể là người tiêu dùng, cũng có thể là các trung gian phân phối (ví dụ: đại lý bán hàng…) Thứ ba, mục đích của khuyến mại là xúc tiến việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, tức là tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội thương mại cho mình. Để thực hiện mục đích này, các đợt khuyến mại có thể hướng tới mục tiêu lôi kéo hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng, giới thiệu một sản phẩm mới, kích thích trung gian phân phối chú ý hơn nữa đến hàng hóa của doanh nghiệp, tăng lượng hàng đặt mua… thông qua đó tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường. Khi sử dụng cách thức để xúc tiến thương mại là khuyến mại, thương nhân cũng nhận thấy đây là một hình thức pháp lý để giúp mình tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán, cung ứng dịch vụ. Mục đích này xuyên suốt quá trình thương nhân tiến hành khuyến mại, giúp kích đẩy thương vụ và tìm kiếm cơ hội mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho mình. 2. Quy định về các hình thức khuyến mại và thủ tục khuyến mại Luật Thương mại 2005 và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP đã quy định nhiều hình thức khuyến mại khác nhau để thương nhân có thể lựa chọn được hình thức phù hợp với mục tiêu khuyến mại, điều kiện kinh phí… của doanh nghiệp mình nhằm dành thêm cho khách hàng những lợi ích nhất định. Đó là những lợi ích mà khách hàng có thể sẽ được hưởng trước, trong và sau khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ do thương nhân cung cấp trong thời gian khuyến mại. Các hình thức khuyến mại bao gồm: 1. Hình thức đưa hàng hóa mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Hàng mẫu đưa khách hàng dùng thử phải là sản phẩm cần được tăng sức mua thông qua khuyến mại. Hàng mẫu phải là hàng có chất lượng, kiểu dáng như hàng đang bán hoặc sẽ bán trên thị trường và nó thường có khối lượng nhỏ hơn so với khối lượng thông thường của sản phẩm. Hình thức khuyến mại này có ý nghĩa là thương nhân tạo điều kiện cho khách hàng được sử dụng sản phẩm miễn phí và phải chính là sản phẩm nằm trong chiến dịch xúc tiến thương mại của thương nhân. Đây có thể xem là cách quảng cáo tốt, gây ấn tượng rất mạnh đối với khách hàng: dùng sản phẩm để quảng cáo cho chính sản phẩm đó. Việc đưa hàng mẫu cho khách hàng dùng thử là cách thức khuyến mại đem lại hiệu quả cao, nhưng cũng là hình thức tốn kém nhất, đòi hỏi thương nhân phải có một tiềm năng kinh tế lớn và sử dụng phương tiện này một cách hiệu quả. Để áp dụng đạt kết quả cao cần lưu ý một số điều kiện nhất định: Sản phẩm mẫu phải làm cho công chúng yêu thích; Sản phẩm đó phải có lợi ích, công dụng không thể thể hiện hết qua các hình thức xúc tiến thương mại khác; Phát tặng hàng mẫu đúng đối tượng khách hàng; Hàng mẫu, dịch vụ mẫu cung ứng cho khách hàng phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doah hợp pháp mà thương nhân đang hoặc sẽ bán, cung ứng trên thị trường; Khi nhận hàng mẫu, dịch vụ mẫu khách hàng không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào. Trên thực tế hình thức khuyến mại này thường được áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ lần đầu được đưa ra thị trường hoặc trong một chiến dịch thâm nhập vào một thị trường mới mà ở đó người tiêu dùng chưa biết tới chúng hoặc tiêu thụ rất ít. Cách thức tiến hành khuyến mại đưa hàng hóa mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu đê khách hàng dùng thử không phải trả tiền chưa được quy định rõ ràng trong Luật Thương mại Việt Nam 2005 nhưng thực tế các thương nhân thường sử dụng một số cách thức sau: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu theo yêu cầu của khách hàng; Phát hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu tại nơi bán hàng, nơi cung cấp dịch vụ; Tổ chức phân phát đến tận tay khách hàng;… 2. Hình thức tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền. Thương nhân được phép tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng không thu tiền để thực hiện mục tiêu xúc tiến thương mại. Theo cách này, thương nhân đã dùng quà tặng tặng kèm theo hàng hóa để thu hút, lôi kéo khách hàng đến với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình. Đối tượng hướng tới là những khách hàng có hành vi mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ của thương nhân đó. Quà tặng có thể đính kèm, có thể được gói chung hoặc kèm theo bên ngoài gói hàng chính. Ví dụ như khi mua dầu gội đầu sẽ được tặng thêm dầu xả hoặc hay khi mua cafe sẽ được tặng thêm một chiếc thìa chuyên dùng… Tuy nhiên không phải bất kì loại hàng hóa nào cũng được sử dụng để đem ra làm quà khuyến mại. Những loại hàng hóa đó nhất thiết phải không trái pháp luật: “Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp”. Và các thương nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng của số hàng hóa này, thông tin sử dụng và không thu tiền đối với số hàng hóa này. Không chỉ vậy mà còn phải có khả năng “lôi kéo” được khách hàng và phải hợp lý, có óc sáng tạo cùng đúng đắn. Việc pháp luật cho phép sử dụng hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác không chỉ thúc đẩy hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ mà còn gián tiếp giúp quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cho các thương nhân khác. Qua đó, góp phần khuyến khích sự liên kết, xúc tiến thương mại, nhằm khai thác tối đa lợi ích của các thương nhân. 3. Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ trước đó (hay còn gọi là khuyến mại bằng cách giảm giá). Đây là hình thức bán hàng giảm giá. Giảm giá là hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán, giá cung ứng dịch vụ bình thường trước đó được áp dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng kí hoặc thông báo. Ví dụ như điện thoại Avio 2005 giảm giá 18% từ 860.000 đồng xuống 699.000 đồng trong thời gian khuyến mại… Có thể thấy hình thực khuyến mãi này rất hiệu quả trong việc tác động tới tâm lí khách hàng. Nó có sức hấp dẫn với những người tiêu dùng mới và lôi kéo được những người tiêu dùng cũ. Từ đó, sức mua đối với sản phẩm tăng lên. Tuy nhiên không phải nhà nước thả lỏng cho thương nhân toàn quyền giảm giá. Để làm cho hình thúc khuyến mãi này không bị lạm dụng thì pháp luật có những quy định: trong trường hợp khuyến mại bằng hình thức giảm giá thì mực giảm giá trong thời gian khuyến mại của bất cứ thời điểm nào không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Đối với hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước quản lí giá thì việc khuyến mại này được thực hiện theo quy định của chính phủ. Đối với tình huống này, các thương nhân cũng cần phải lưu ý về tổng thời gian tiến hành chương trình khuyến mại khong vượt quá 90 ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại cũng không được vượt quá 45 ngày. Đặc biệt, pháp luật cấm các hành vi lợi dụng hình thức này để bán phá giá nhằm cạnh tranh không lành mạnh. 4. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định. Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ kèm theo hàng hóa được bán, dịch vụ được cung ứng là phiếu để mua hàng hóa, nhận cung ứng dịch vụ của chính thương nhân đó hoặc để mua hàng hóa, nhận cung ứng dịch vụ của thương nhân, tổ chức khác. Theo các chương trình này thì khách hàng có thể được hưởng lợi ích nhất định theo những phương thức khác nhau. Phiếu mua hàng thường có ý nghĩa giảm giá hay có mệnh giá nhất dịnh để thanh toán cho những lần mua sau trong hệ thống bán hàng của thương nhân. Ví dụ như Toshiba có đợt khuyến mại đến ngày 16/1/2011, mua bất kì laptop Toshiba sẽ được tặng phiếu mua hàng trị giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Với phiếu mua hàng này, người sở hữu sẽ có thể thỏa sức mua sắm tại hệ thống siêu thị Big-C và CoopMart. Giá trị tối đa của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ được tặng kèm theo một đơn vị hàng hóa được bán, dịch vụ được cung ứng trong thời gian khuyến mại phải tuân thủ quy định hạn mức tối đa về giá trị vật chất dùng để khuyến mại quy định tại Điều 5 Nghị định này. Nội dung của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ phải bao gồm các thông tin liên quan được quy định tại Điều 97 Luật Thương mại. 5. Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố. Đây là hình thức mà thương nhân có thể tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hàng hóa, dịch vụ mình đang hoặc sẽ cung cấp. Mục đích là nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm, đồng thời giúp các cơ sở sản xuất và phân phối đánh giá đúng nhu cầu, mức độ quan tâm của khách hàng đối với hàng hóa, dịch vụ của mình, từ đó đưa ra được những chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Với điều kiện này, phiếu dự thi có thể mang lại giải thưởng hoặc mang lại lợi ích cho khách hàng. Do đó, nó sẽ tác dộng đến tâm lý hiếu kỳ của người tiêu dùng, kích thích họ mau hàng hóa, sử dụng dịch vụ do thương nhân cung cấp. Khi thực hiện chương trình khuyến mại theo hình thức này, thương nhân thực hiện khuyến mại phải tổ chức thi công khai, phải trao giải thưởng theo thể lệ, giải thưởng mà mình đã công bố và có sự chứng kiến của đại diện khách hàng. Đồng thời phải thông báo cho sở thương mại nơi tổ chức thi, mở thưởng biết. 6. Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi. Đây là hình thức khuyến mại mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham dự theo thể lệ và giải thưởng mà thương nhân đã công bố. Các sự kiện này có thể được tổ chức gắn liền hoặc tách rời với việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của khách hàng. Chẳng hạn như: chương trình cào trúng thưởng, bật nắp chai trúng thưởng, bốc thăm may mắn. Đây là cách tạo sức hấp dẫn đối với khách hàng, kích thích tâm lý muốn thử vận may của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ phía Nhà nước thì rất có thể dẫn đến sự lừa dối khách hàng để trục lợi. Hiện nay, pháp luật quy định: việc mở thưởng chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng. Trong trường hợp giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở nên, thương nhân phải thông báo cho Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại. Chương trình khuyến mại mang tính may rủi có phát hành vé số dự thưởng thì còn phải tuân thủ một số quy định sau: - Vé số dự thưởng phải có hình thức khác với sổ số do Nhà nước độc quyền phát hành và không được sử dụng kết quả sổ số của nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng. - Vé số dự thưởng phải in đủ các nội dung về số lượng vé phát hành, số lượng giải thưởng, giá trị từng loại giải thưởng, địa điểm phát thưởng, thời gian, địa điểm mở thưởng và các nội dung khác theo quy định của Luật thương mại. - Việc mở thưởng chỉ áp dụng cho các vé số đã được phát hành. Tổng thời gian thực hiện khuyến mại theo hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được quá 180 ngày trong 1 năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 90 ngày. 7. Tổ chức chương trình khách hàng thương xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc giá trị mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác. Đây là hình thức khuyến mại gắn liền với việc mua hàng hóa như: mua 2 tặng 1, phát hành thẻ cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ… 8. Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại. Đây là hình thức khuyến mại nhằm quảng bá hình ảnh cho công ti, với mục đích giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền nhằm mang lại niềm tin tưởng cho khách hàng. Đó có thể là lợi ích phi vật chất mà thương nhân khuyến mại dành cho khách hàng, cũng có thể nhằm hướng tới khách hàng mục tiêu của thương nhân. 3.Thực tiễn áp dụng luật khuyến mại. Như đã phân tích ở trên, khuyến mại có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, sự lựa chọn của công chúng. Khuyến mại nếu được sử dụng đúng đắn thì sẽ đem lại những hiệu quả và lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội; ngược lại nó có thể gây ra những tác động tiêu cực tới chính các đối tượng này. Để khuyến mại phát huy mặt tích cực, pháp luật cũng cần có những quy định phù hợp. Hiện nay, hoạt động khuyến mại được điều chỉnh chủ yếu bởi: Luật Thương mại năm 2005; nghị định số 37/2006/NĐ-CP; luật cạnh tranh năm 2004; pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2001. Những căn cứ pháp lí này không những thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh mà còn bảo vệ được những lợi ích chân chính trong xã hội. Trong những năm gần đây, có rất nhiều hoạt động khuyến mại được triển khai đem lại lợi ích cho việc phát triển kinh tế. Số lượng các chương trình khuyến mại cũng tăng rất nhanh, đây cũng là nhân tố khiến cho tình trạng gian lận phát triển. Nếu như năm 1998 chỉ có 71 chương trình khuyến mại. với số tiền khiêm tốn vài chục tỉ đồng thì sáu tháng đầu năm 2005 đã có tới 540 chương trình với số tiền khuyến mại lên tới 271 tỉ đồng. Mấy năm qua, một số chương trình khuyến mại khá độc đáo được các thương nhân tung ra nhằm thu hút khách hàng, chẳng hạn, chương trình khuyến mại tặng miễn phí nhiên liệu cho khoảng 2000km trong điều kiện vận hành chuẩn của Ford Việt Nam trong năm 2005 đã đánh trúng vào tâm lý e dè của khách hàng trong lúc giá nhiên liệu tăng cao. Chương trình khuyến mại rầm rộ cuối năm 2005 của hãng điện thoại di động Viettel với tiêu đề “đợt khuyến mại lớn nhất trong lịch sử ngành thông tin di động” và với câu giới thiệu “gọi đến cháy pin mà không mất tiền đối với cuộc gọi nội mạng 098 đầu tiên trong ngày”. Nội dung khuyến mại của Viettel là: miễn 100% phí hòa mạng trả sau (cước là 179.000 đồng), nhân đôi tài khoản trả trước (mua thẻ 100.000 đồng được cộng thêm 100.000 thành 200.000 đồng trong tài khoản) và mỗi ngày miễn phí một êuộc gọi nội mạng đầu tiên cho khách hàng mà không giới hạn thời gian gọi. Theo ước tính trong thời gian khuyến mại, từ ngày 20 tháng 9 đến ngày 03 tháng 11, Viettel sẽ miễn phí tổng cộng khoảng 50 triệu cuộc gọi nội mạng. Qua đó Viettel mobile dự định thu hút khoảng trên 300.000 khách hàng hòa mạng mới trong thời gian bốn mươi lăm ngày khuyến mại. Sau khi chương trình khuyến mại rầm rộ do Viettel tung ra, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc. Theo ý kiến của Phó cục trưởng cục xúc tiến thương mại (Bộ thương mại) ông Đỗ Thắng Hải thì theo Luật Thương mại hiện hành, chỉ cần một sản phẩm khuyến mại trị giá trên 50%giá bán đã là vi phạm. Còn theo ý kiến của cục phó Cục quản lí cạnh tranh (Bộ thương mại) Trần Anh Sơn thì cho rằng việc tặng 100% cước hòa mạng “nếu nói cạnh tranh không lành mạnh về giá thì chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có thị phần chi phối trên 30%, trong khi đó Viettel chỉ đang chiếm 10%”. Theo quy định của pháp luật hiện hành, giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại ngay trước thời gian khuyến mại, kể cả trường hợp “tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng không thu tiền” được hiểu là tặng toàn bộ hàng hóa, dịch vụ đó hay là một phần (không vượt quá 50% giá của hàng hóa, dịch vụ đó). Thiết nghĩ, vấn đề xác định giá trị hàng hóa đối với ngành kinh tế - hàng hóa thì đã rõ, nhưng đối với ngành kinh tế - dịch vụ như viễn thông thì sao? Phải chăng các quy định này còn đang được bỏ ngõ. Thực tế, có thể áp dụng với dịch vụ viễn thông đơn vị để tính cước dịch vụ là cước đầu nối hòa mạng hay cước cho một block tín cước…và như vậy khi áp dụng trong thời gian khuyến mại thì phần giá cước khuyến mại cho khách hàng không được vượt quá 50% giá cước của đơn vị dịch vụ đó. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện. Về các hình thức khuyến mại, pháp luật hiện hành đã quy định các hình thức khuyến mại được phép và các hành vi bị cấm khá rõ ràng. Nhưng thực tế, việc xác định ranh giới giữa khuyến mại hợp pháp và bất hợp pháp còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo Pháp luật Việt Nam – chuyên đề số 2 (tháng 01, năm 2007) tại trang 05 đã đưa ra trường hợp thực tế là người ta có thể nhầm lẫn giữa hình thức (hợp pháp) giảm giá 50% trong thời gian khuyến mại với hình thức “mua một tặng một”(không thuộc trường hợp được quy định cụ thể), hay giữa giảm giá trong khuyến mại (discount) với hạ giá (sale off)… Có thể thấy, “mua một tặng một” thoạt nhìn thì tương tự như hình thức khuyến mại giảm giá ở mức 50%, nhưng bản chất của hai hình thức này là khác nhau và tác động thực tế của nó cũng hoàn toàn không giống nhau. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp khuyến mại loại chai nước rửa chén bát 500ml với giá 20.000 đồng giảm giá 50% còn 10.000 đồng trong thời gian khuyến mại, thì thay vì phải có 20.000 đồng khách hàng chỉ cần có 10.000 đồng là đã có thể mua được chai nước rửa chén bát như vậy. Nhưng, nếu doanh nghiệp khuyến mại “mua một tặng một” thì để có một chai nước rửa chén bát giá 20.000 đồng, khách hàng phải có đủ 20.000 đồng, mặc dù với khoản tiền đó sẽ nhận được hai chai. Với hình thức “mua một tặng một” chai nước rửa chén bát, doanh nghiệp sẽ luôn thu được ít nhất 20.000 đồng từ mỗi khách hàng và tiêu thụ cùng một lúc hai sản phẩm. Còn với hình thức giảm giá 50%, doanh nghiệp chỉ thu được ít nhất 10.000 đồng mà thôi. Cứ như vậy, nếu khách hàng có 30.000 đồng, họ sẽ mua được ba chai nước rửa chén bát với hình thức giảm giá 50%, nhưng vẫn chỉ có được hai chai với hình thức “mua một tặng một”. Kết quả chỉ như nhau khi khách hàng có đủ 40.000 đồng. Như vây, về mặt doanh số bán hàng, hình thức “mua một tặng một có lợi hơn cho doanh nghiệp rất nhiều. Xét về mặt giá trị khuyến mại, thì hình thức giảm giá 50% chai nước rửa chén bát 20.000 đồng xuống còn 10.000 đồng, còn hình thức “mua một tặng một” khách hàng sẽ được tặng 100% giá trị của hàng hóa được bán. Luật thương mại năm 2005 quy định cụ thể tám hình thức khuyến mại được phép thực hiện và còn quy định mở để doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận (khoản 9 điều 92 Luật Thương mại năm 2005). Hình thức “mua một tặng một” không nằm trong các hình thức cụ thể, nhưng nếu doanh nghiệp muốn áp dụng thì phải đăng kí với Sở Thương mại địa phương (nếu chỉ tổ chức khuyến mại trong phạm vi từ hai tỉnh trở lên) và phải được các cơ quan này chấp nhận (dưới hình thức xác nhận) mới lên được tiến hành. Theo quy định của pháp luật hiện hành về khuyến mại, trước khi tiến hành các chương trình khuyến mại, thương nhân phải đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sau khi kết thúc hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thông báo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại. Thực tế, vấn đề quản lý các chương trình khuyến mại hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và còn nhiều hạn chế. Thỉnh thoảng mới thấy đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước về khuyến mại có mặt trong các chương trình rút thăm trúng thưởng, công bố giải thưởng (đối với chương trình rút thăm trúng thưởng). Lý giải vấn đề này chúng ta nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một phần là do ý thức chủ quan của các thương nhân trong vấn đề thực hiện các chương trình khuyến mại, một phần do cơ chế quản lý, giám sát của chúng ta còn nhiều thiếu sót, vướng mắc cần khắc phục. Đơn cử một chương trình khuyến mại của hãng LG Việt Nam. Đây là chương trình khuyến mại rút thăm trúng thưởng “Đầu năm thắng lớn cùng LG” tổ chức lễ bốc thăm vào hai ngày 13/3/2006 và 20/3/2006. Tuy nhiên cả cuộc rút thăm trúng thưởng đều bất thành do sự phản hồi của những người tham gia là các đại lý công ty LG. Chương trình khuyến mại này có giải thưởng khoảng 2 tỷ đồng, diễn ra ở nhiều địa phương từ miền trung trở vào. Giải nhất – xe ô tô Toyota Innova, giải nhì – xe tải Hyundai 1,25 tấn, giải ba xe honda Dylan. Chương trình chủ yếu dành cho các đại lý bởi them quy định để có được một phiếu rút thăm trúng thưởng, thì phải mua 100 bộ máy lạnh LG, nếu mua 300 bộ thì được nhận bốn phiếu tham dự. Sự việc có lẽ chẳng ai phát hiện ra nếu như lễ rút thăm trúng thưởng vào ngày 13/3/2006, một khách hàng đã đặt vấn đề kiểm tra thùng phiếu xem có phiếu tham dự của mình không. Kết quả kiểm tra thật bất ngờ khi tất cả các phiếu có số từ 200 trở lên không có số trong thùng. Một kết quả khác khiến nhiều đại lý đặt vấn đề nghi vấn, vì nếu theo kết quả rút thăm trước khi hiện tượng gian dối bị lật tẩy, sẽ có một đại lý trúng đến sáu trên mười giải thưởng, trong đó có đủ các giải nhất, nhì, ba. Được biết, việc tổ chức lễ rút thăm trúng thưởng ngày 13/3/2006 kể trên không có sự giám sát của đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Trước sự bất bình của các đại lý, ngày 20/3/2006, công ty LG đã phải tổ chức lễ bốc thăm lại. Thế nhưng, việc bốc thăm này cũng không thành do các đại lý yêu cầu công ty LG phải công khai hóa đơn đặt hàng và giao hàng của các đơn vị tham gia mua hàng trong chương trình. Từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo ông Đỗ Thắng Hải – phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại) – cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại thì chưa hề nhận được bất cứ văn bản nào của công ty LG. Pháp luật hiện hành quy định, nếu chương trình khuyến mại tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thông báo về Cục xúc tiến thương mại và được Cục chấp thuận. Công ty LG đã triển khai chương trình khuyến mại khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại. Quá trình rút thăm cũng không có sự chứng kiến của cơ quan chức năng địa phương. Đến lần rút thăm chương trình khuyến mại “Đầu năm thắng lớn cùng LG” lần thứ 3 ngày 19/4/2006 mới có sự tham gia của phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại – ông Đỗ Thắng Hải trong vai trò giám sát và các đại lý được mời tham gia kiểm tra thì buổi rút thăm mới đạt kết quả. Như vậy, mặc dù quy định về quản lý đối với hoạt động khuyến mại tương đối chặt chẽ nhưng trên thực tế không ít doanh nghiệp vẫn lọt qua được tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ hơn hữa của các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và các thương nhân khác. Một vấn đề khiến chúng ta quan tâm trong những tháng cuối năm 2006 đó là sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO vào ngày 7/11/2006. Đây là sự kiện mở ra cho chúng ta rất nhiều cơ hội cùng những thách thức vô cùng to lớn. Trong đó, ba yếu tố quyết định, ba chìa khóa để mở cửa thị trường quốc tế là: (1) Sức cạnh tranh quốc tế của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; (2) Tính năng động, sáng tạo vươn mạnh ra thị trường nước ngoài, đương đầu một cách quyết liệt và không ngừng khi tham gia quan hệ thương mại quốc tế; (3) Hệ thống các nguyên tắc pháp luật kinh tế, thương mại của Việt Nam phục vụ hội nhập kinh tế vừa phải phù hợp với những nguyên tắc, yêu cầu, chuẩn mực của WTO, cộng đồng quốc tế, vừa phải thích ứng hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước Việt Nam, tạo thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho thực hiện các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và các cam kết quốc tế khác. Liên tiếp những tháng cuối năm 2006, hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị, các điểm mua sắm đã đồng loạt tung ra chương trình bán hàng giảm giá cuối năm. Ở Hà Nội, tại Tràng Tiền Plaza, các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Hồng Kông giảm “chóng mặt” tới hơn 50%: sơ mi nam giảm từ 335.000 đồng/chiếc xuống còn 195.000 đồng/chiếc, áo nỉ giảm từ 495.000 đồng/chiếc xuống còn 195.000 đồng/chiếc…Hàng điện máy ở Trung tâm điện máy Thành phố Hồ Chí Minh giảm giá chưa từng có, có sản phẩm giảm đến 60% theo bảng giá quảng cáo. Trên các báo thì trong đợt khuyến mại cuối năm lần này, trung tâm điện máy Thiên Hòa giảm giá nhiều mặt hàng từ 300.000 đồng đến 900.000 đồng/sản phẩm, ví dụ lò vi ba, bếp gas, bộ nồi Inox… Theo ông Vũ Vinh Phúc, chủ tịch siêu thị Hà Nội thì hoạt động khuyến mại giảm giá vốn là biện pháp thường được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tung ra trong dịp cuối năm nhằm thu hút người tiêu dùng, đồng thời quảng bá, khuyếch trương thương hiệu. Nay với việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO, chắc chắn trong thời gian tới những hoạt động khuyến mại giảm giá sẽ rất rầm rộ bằng những hình thức phong phú như thông lệ quốc tế. Do vậy, vấn đề đặt ra là các nhà quản lý phải kiểm soát được hoạt động khuyến mại giảm giá, tránh tình trạng lợi dụng “chiêu thức” này để cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Mặt khác, một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa khuyến mại, giảm giá để tiêu thụ các mặt hàng cũ, hàng tồn và hàng sắp hết hạn sử dụng. Thực tế cho thấy, khuyến mại có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng. Khuyến mại nếu được sử dung đúng đắn sẽ đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội. Nó giúp kích cầu tiêu dùng, tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng với cửa hàng bán lẻ, siêu thị, gián tiếp thúc đẩy sản xuất, tạo không khí thương mại sôi động, ngược lại nó có thể gây phản hồi tiêu cực tới chính các đối tượng này. Theo ông Ngô Thanh Tuấn – phụ trách kinh doanh của Trung tâm mua sắm điện tử Nano thì thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá, người hưởng lợi không phải chỉ là người tiêu dùng mà còn là nhà sản xuất nhờ tăng doanh số. Ông cho biết, để kích cầu, thu hút người tiêu dùng, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức các đợt bán hàng khuyến mại, hàng giảm giá, trong đó có mặt hàng giảm từ 30% - 50%. Vì vậy, trong đợt đại hạ giá mà công ty đưa ram lượng hàng bán ra tăng gấp 2 – 3 lần so với ngày thường. Ông Nguyễn Mạnh Hoàng – Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cũng khẳng định: việc khuyến mại nếu được quản lý chặt chẽ và các doanh nghiệp làm đúng thì đó là điều đáng khuyến khích, vì đó là một cách giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình. Về hạn mức khuyến mại Thực tế giảm giá là hình thức khuyến mại được các thương nhân sử dụng nhiều nhất. Các thương hiệu quần áo thời trang nổi tiếng như Blue Exchange, Việt Thy, Forcy… có những thời điểm tổ chức các cuộc khuyến mại giảm giá đến 80%. Đặc biệt là khuyến mại giảm giá hàng điện tử. Các siêu thị điện máy lớn như IDEAS,Việt Nam shop đồng loạt tổ chức các đợt khuyến mại với “cú sốc” giảm giá đến 80%. Ngoài ra, các hình thức khuyến mại khác cũng được các doanh nghiệp tiến hành khá phổ biến trên thực tế. Tuy nhiên theo quy định của luật thương mại và nghị định số 37/2006/NĐ-CP thì mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Vậy trên thực tế cơ quan có thẩm quyền đã quản lý vấn đề vượt quá hạn mức khuyến mại cho phép như thế nào? Theo đại diện ban giám đốc một siêu thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận từ trước đến nay, mỗi khi tổ chức khuyến mại chỉ cần đăng ký với Sở Thương mại theo đúng thủ tục là được chứ chưa lần nào bị kiểm tra, giám sát bán hàng. Còn phía cơ quan quản lý, một cán bộ Sở Thương mại thành phố từng thừa nhận việc kiểm soát, quản lý hoạt động thương mại trên thị trường chủ yếu do Chi cục quản lý thị trường và kênh người tiêu dùng. Sở chỉ biết được những sai phạm của đơn vị khi có đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Về vấn đề chất lượng hàng hóa, dịch vụ khuyến mại. Khuyến mại hiện nay đã trở thành một trong những phương thức bán hàng của người kinh doanh nhằm thu hút khách hàng. Do đó, quanh năm người tiêu dùng có thể nhìn thấy các chương trình khuyến mại được đưa ra ở nhiều cửa hàng với nhiều mặt hàng khác nhau. Và chuyện mua hàng khuyến mại về không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng kém cũng không phải là hiếm. Ví dụ như dịp tết dương lịch 2007, một công ty may ở Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh đã mua gần chục chiếc ti vi 21 inch màn hình phẳng của hãng Sanyo với giá khuyến mại chỉ 1.600.000 đồng/chiếc để tặng nhân viên. Nhưng khi đem về sử dụng họ đều nhận thấy màu sắc không rõ nét, bắt sóng rất kém. Hay như nhiều shop thời trang trưng biển “khuyến mại lớn, giảm giá đến 80%” nhưng hầu hết các hàng thuộc diện này đều đã lỗi mốt hoặc khiếm khuyết… Luật thương mại và nghị định số 37/2006/NĐ-CP đều quy định rất rõ ràng “cấm khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng khác”. Doanh nghiệp chỉ được tiêu thụ hàng hóa lỗi mốt, hàng tồn kho dưới hình thức giảm giá thông thường chứ không được lợi dụng danh nghĩa khuyến mại. Mọi hành vi vi phạm các quy định pháp luật đều phải được xử lý thỏa đáng. Trong cuộc sống, hầu như mỗi người tiêu dùng không ít thì nhiều đều đã kinh qua việc mua những sản phẩm có khuyến mại của nhà sản xuất. Khi giải thưởng “treo” ra vô cùng hấp dẫn, từ ô tô đến xe máy, tivi, đầu DVD, máy lạnh… đến những chuyến du lịch quanh trời tây, trời tàu…Nhưng thực sự những giải thưởng mà nhà sản xuất đưa ra liệu có đến tay người tiêu dùng hay không? Các nhà sản xuất thì có vô số thủ thuật để qua mặt người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước, từ việc đưa ra những thể lệ không rõ ràng gây hiểu lầm về hàng hóa, dịch vụ và giải thưởng, phân biệt đối xử với khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khác nhau, cho đến tặng giải thưởng không đúng với giá trị đã thông báo trước đó, sử dụng vé số in sai kĩ thuật, nội dung vé số không ghi rõ thể lệ…Những trường hợp trên đều có thể xem là phạm vào một trong mười hành vi bị cấm trong khuyến mại theo điều 100 Luật thương mại như thiếu trung thực, lừa dối khách hàng… Vi phạm về khuyến mại có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Trường hợp có dấu hiệu phạm tội (như lừa đảo…) thì bị xử lý hình sự. Nếu khuyến mại mà có cơ sở xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có thể xử lý vi phạm theo pháp luật về cạnh tranh. Mặc dù quy định pháp luật đã chỉ rõ nhưng thực tế khuyến mại vẫn tràn lan và có dấu hiệu mất kiểm soát. Cơ quan quản lý nhà nước đã thực thi quyền kiểm soát hoạt động này đến đâu để có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp? Đây cũng là câu hỏi rất cần được cơ quan chức năng giải đáp. KẾT LUẬN Như vậy, trước những cơ hội cũng như thách thức của đất nước, thương mại nói chung và hoạt động khuyến mại nói riêng cũng đang có những bước trở mình để tiến tới một nền thương mại triển. Trong bối cảnh đó, một hình thức xúc tiến thương mại nhằm giúp quảng bá sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam không chỉ trong nước mà còn với cộng đồng quốc tế như hoạt động khuyến mại càng trở nên hết sức cần thiết, điều đó đòi hỏi Đảng và nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, tạo điều kiện cho các thương nhân tiến hành các hoạt động quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Cho đến thời điểm hiện nay, nhà nước đã có những quy định điều chỉnh hoạt động khuyến mại cụ thể như trong Luật thương mại, luật cạnh tranh, pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghị định số 37/2006/NĐ-CP và một số văn bản pháp lý khác có liên quan. Đây chính là hành lang pháp lý vô cùng cần thiết, làm cơ sở cho thương nhân hoạt động khuyến mại, góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của nhà nước, người tiêu dùng và các thương nhân khác. Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung để hệ thống pháp luật thương mại nói chung và pháp luật khuyến mại nói riêng ngày càng hoàn thiện hơn. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Luật thương mại năm 2005. Luật cạnh tranh năm 2004 Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2001. Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của chính phủ ngày 4/4/2006 quy định chi tiết thi hành luật thương mại và xúc tiến thương mại. Pháp luật về khuyến mại – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, khóa luận tốt nghiệp Nguyễn Thị Thu Hồng, người hướng dẫn TS.Nguyễn Thị Dung, năm 2007 Tìm hiểu pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam – khóa luận tốt nghiệp Bùi Thanh Tú, người hướng dẫn TS.Lê Đình Vinh, năm 2009 Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 16/1/2004 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Luận văn thạc sỹ của Bùi Thị Keng “Các hình thức pháp lý xúc tiến thương mại”, trường đại học Luật Hà Nội năm 2008. Một số website: Và một số tài liệu có liên quan khác.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docCác hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng theo luật thương mại 2005.doc
Luận văn liên quan