Sự thành công của ngành mía đường Thái Lan phải kể đến việc thành lập hàng loạt các hội những người trồng mía, hội những nhà máy chế biến đường và OCSB. Các hội những người trồng mía ở Thái Lan quy mô khá lớn và đủ khả năng thương lượng cũng như đại diện quyền lợi cho người trồng mía. Chính những hội này đã cân bằng quyền thương lượng với các hội của các nhà máy chế biến đường. Ngoài ra, việc thành lập OCSB trực thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan cũng là bài học cần phải học hỏi. Tổ chức này do Bộ Công nghiệp Thái Lan thành lập nhưng không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là một tổ chức dạng hiệp hội với các thành viên lãnh đạo được bầu từ các hội những người trồng mía và các nhà máy chế biến đường. Do vậy, hội này có đủ các thành phần tham gia. OCSB là tổ chức khá mạnh trong việc tìm kiếm đặc lợi cho ngành mía đường và đã giúp cho ngành mía đường kiểm soát được cung cầu, giá cả và chất lượng mía. Ở Việt Nam cũng cần thành lập các hội những người trồng mía mạnh, bên cạnh những hội của các nhà máy chế biến đường và một tổ chức chung giữa hai tác nhân này. Chỉ hình thành những tổ chức này thì cơ chế điều hành của ngành mía đường Việt Nam mới minh bạch và kịp thời phản ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
11 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2654 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cơ chế liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường của Thái Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cơ chế liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường của Thái Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
TS. Bảo Trung
Mía đường là một trong những cây trồng chủ yếu của Thái Lan. Ở vùng Bắc và Đông Bắc, mía đường được canh tác chủ yếu dựa vào “nước trời”, thời gian trồng vào vào tháng 10-12, ngay khi mùa mưa chấm dứt. Ở vùng Trung tâm, mía đường được trồng trong giai đoạn tháng 2-4 trong điều kiện nước tưới và từ tháng 4-5 trong điều kiện sử dụng “nước trời”. Thời gian trung bình từ lúc trồng đến thu hoạch từ 10-14 tháng tùy theo giống. Nông dân chỉ lưu gốc 1-2 vụ. Thái Lan đứng hàng thứ 5 trên thế giới về sản xuất mía đường, sau Brazin, Ấn Độ, Mexico và Trung Quốc.
Tính đến niên vụ năm 2010/2011, Thái Lan có 47 nhà máy chế biến đường với công suất chế biến 620.000 tấn/ngày (Tấn mía ngày-TMN). Số lượng nông dân trồng mía là 190.000 người; diện tích 1,25 triệu ha nằm trên 49 tỉnh ở 4 vùng: Trung tâm, Bắc, Đông và Đông Bắc. Ngành sản xuất mía đường Thái Lan mang về 3,7 tỷ baht, tương đương 11% giá trị sản xuất nông nghiệp và tạo ra việc làm cho 1,5 triệu người trong ngành đường và các ngành có liên quan (OCSB, 2011).
Theo số liệu công bố chính thức của OCSB, niên vụ 2010-2011, sản lượng mía của Thái Lan đạt 95,7 triệu tấn và theo dự báo niên vụ 2011-2012, sản lượng đường có thể đạt đến 100 triệu tấn, tăng 4,4% so với niên vụ 2010-2011. Mặc dù năm 2011, Thái Lan phải đương đầu với trận lũ “lịch sử” gây thiệt hại khoảng 30.000 rai (4.800 ha - 1 rai=0,16ha) nhưng nhờ sản lượng tăng lên đạt mức 12,3 tấn/rai (tương đương 76,92 tấn/ha). Mía đường Thái Lan hiện nay vẫn chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến đường. Niên vụ 2010-2011, sản lượng mía sử dụng trong ngành chế biến đường chiếm 99,7%; chỉ có một lượng nhỏ là 300 tấn phục vụ cho sản xuất Alcohol.
Thái Lan là một trong những quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Năm 2011, Thái Lan đứng hàng thứ hai sau Brazil trong việc xuất khẩu đường. Thị trường xuất khẩu đường chủ yếu là chấu Á, chiếm tỷ lệ trên 90%. Trong đó các nước ASEAN nhập khẩu đường từ Thái Lan theo đường chính ngạch chiếm bình quân 45,4%.
Cơ chế liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường Thái Lan
Cơ chế hình thành giá, phân bổ lợi ích, kiểm soát chữ đường và trọng lượng mía
Trước niên vụ năm 1982/1983, thị trường mía nguyên liệu ở Thái Lan là thị trường của người mua. Giá mía đã được quy định bởi các nhà máy đường. Nông dân trồng mía không có quyền mặc cả với các nhà máy đường vì :
Thị trường mía là thị trường tập quyền mua Tập quyền mua (Oligosony) là một thị trường mà ở đó có một vài người mua. Với một hoặc chỉ vài người mua, một số người mua có thể có sức mạnh độc quyền mua. Độc quyền mua (Monopsony) là một thị trường ở đó chỉ có một người mua. Sức mạnh độc quyền mua tạo cho người mua mua hàng hóa với giá thấp hơn giá đáng lẽ xuất hiện trên thị trường cạnh tranh [4].
của các nhà máy chế biến đường. Nông dân trồng mía chỉ bán cho khách hàng duy nhất là các nhà máy chế biến đường;
Lượng đường trong mía giảm nhanh chóng, vì vậy sau khi thu hoạch nên cần phải được chế biến càng nhanh càng tốt;
Nông dân đã ký hợp đồng vay nợ của các các nhà máy hoặc các nhà quản lý hợp đồng nên họ cần phải bán sản phẩm ngay để trả nợ.
Để giải quyết vấn đề thương lượng giá giữa nhà máy chế biến và người trồng mía, từ niên vụ 1982/1983 giá mía được xác định dựa trên hệ thống chia sẻ thu nhập 70/30 (70/30 revenue sharing system), trước khi Chính phủ ban hành Đạo luật về đường và mía năm 1984, trao quyền cho chính phủ trong việc ban hành và điều chỉnh các quy định về thương lượng giữa người trồng mía và các nhà máy. Theo Đạo luật này, Chính phủ đóng vai trò người điều tiết và trung gian trên thị trường đường Thái Lan. Quy tắc thương lượng giữa người trồng mía và các nhà máy chế biến được thiết lập bởi cơ quan nhà nước. Hệ thống 70:30 là trong đó 70% của tổng thu nhập ròng từ bán đường và mật rỉ sẽ thuộc về người trồng mía và 30% còn lại là của nhà máy.
Từ năm 1984-1999, Chính phủ duy trì giá đường tinh luyện ở mức cao 13 Baht/kg. Giá này cao hơn giá xuất khẩu ngoại trừ giai đoạn cuối năm 1997 và đầu năm 1998, thời kỳ khủng hoảng kinh tế Châu Á. Giá đường nội địa cố định đã duy trì thu nhập của người trồng mía và nhà máy chế biến ở mức cao. Trong thời gian này, hệ thống chia sẻ thu nhập giúp giải quyết mâu thuẫn giữa người trồng mía và nhà máy chế biến và điều này đã đóng góp vào sự mở rộng ngành công nghiệp mía đường thập niên 1990.
Hàng năm chính phủ có nhiệm vụ xác định mức giá đường tiêu thụ cố định ở thị trường nội địa và thường cao hơn so với mức giá xuất khẩu. Cơ chế cố định mức giá tiêu thụ nội địa ở mức cao không những giúp gia tăng thu nhập cho người trồng mía và nhà máy mía đường mà còn góp phần giảm tốc độ tiêu thụ đường trong nước, gia tăng lượng đường thặng dư để xuất khẩu. Hàng năm, chính phủ thỏa thuận với người trồng mía, các nhà máy chế biến đường và dự báo diễn biến giá đường thế giới để xác định mức giá cơ sở ban đầu nhà máy chi trả cho nông dân. Nếu mức giá cuối mùa cao hơn mức giá đầu mùa, phần thu nhập bổ sung sẽ được chi trả cho nông dân; nếu giá cuối mùa thấp hơn thì chính phủ sẽ trợ cấp cho các nhà máy theo các mức khác nhau từ Quỹ Hỗ trợ và Phát triển ngành mía đường. Quỹ này được thành lập bằng cách trích 1-2% từ hệ thống phân chia thu nhập hàng năm.
Năm 1992, Thái Lan bắt đầu áp dụng chính sách định giá dựa trên chất lượng và độ ngọt đo bởi chữ đường (CCS). Hệ thống này nhằm mục đích kích thích cải tiến năng suất. Giá tiêu chuẩn dựa trên CCS do chính phủ công bố. Giá này là giá trả cho mía 10 CCS. Mỗi CCS tăng thêm sẽ nhận được thêm một khoản thanh toán bằng tỷ lệ 6% của giá tiêu chuẩn. Mía với hàm lượng đường ít hơn 10 CCS sẽ bị trừ ở mức tương tự. Trong thực tế, người trồng được luôn luôn được trả ở mức giá mía tiêu chuẩn như là mức tối thiểu, bất kể chất lượng mía của họ. Ngoài ra, độ tinh khiết của nước mía cũng được xem xét để thiết lập mức giá. Mía mới cắt có độ tinh khiết cao hơn và sản xuất đường nhiều hơn mía cũ. Sự suy giảm chất lượng mía có thể do thu hoạch không đúng và chậm trễ trong quá trình xử lý và vận chuyển. Các yếu tố này ảnh hưởng đến giá cả và do đó ảnh hưởng thu nhập của nông dân trồng mía. Việc kiểm soát CCS và trọng lượng mía nhập vào nhà máy sẽ do nhân viên OCSB trực tiếp giám sát tại các nhà máy chế biến đường.
Bảng 1: Giá trung bình đường trắng nội địa và mía ở Thái Lan
Năm
Đường trắng
Mía cây
Giá bán buôn (Baht/100kg)
Giá bán lẻ (Baht/kg)
Giá tạm tính ban đầu (Baht/tấn)
Giá thực sự thanh toán (Baht/tấn)
1980
1011
11,65
650
1981
1019
11,51
510
1982
1075
11,94
350
381
1983
1091
12,00
421
421
1984
1162
12,00
395
380
1985
1097
12,00
330
388
1986
1099
12,00
375
408
1987
1097
12,00
405
462
1988
1098
12,00
450
527
1989
1098
12,00
460
596
1990
1099
12,00
460
442
1991
1099
12,00
399
480
1992
1099
12,00
420
516
1993
1099
12,00
490
533
1994
1099
12,00
520
569
1995
1099
12,00
500
538
1996
1099
12,00
500
561
1997
1099
12,00
600
703
1998
1100
12,50
500
485
1999
1100
12,50
450
478
2000
1177
12,50
600
693
2001
1177
13,25
530
520
2002
1177
13,25
500
531
2003
1177
13,25
465
504
2004
1177
13,25
620
658
2005
1177
13,25
800
847
2006
1498
16,50
800
702
2007
1498
16,50
638
672
2008
2033
21,85
830
918
2009
2033
21,85
965
1000
2010
2033
21,85
1045
NA
Lưu ý:
Hệ thống chia sẻ doanh thu 70:30 bắt đầu từ năm 1982/1983 nên số liệu về giá tạm tính ban đầu không có.
Giá mía được tính theo 10 CCS bắt đầu từ vụ mùa năm 1994-1995
Giá mía sau cùng trung bình được chia theo sự đánh giá từng vùng khác nhau kể từ vụ mùa 1996-1997
Giá bán lẻ đường trắng tăng lên 13,25 Baht/kg từ ngày 2/6/2000.
Giá bán buôn và bán lẻ đường trắng lần lượt 1.480 baht/tấn và 16,50 baht/kg từ ngày 7/3/2006.
Giá bán buôn và giá bán lẻ đường trắng tăng lên 2.300 baht/tấn và 21,85 baht/kg từ ngày 1/5/2008
Nguồn: OCSB, Bộ Công nghiệp, trích lại từ USDA Foreign Agricultural Services (2011) [5]
Hệ thống chia sẻ thu nhập 70/30 đã mang lại lợi ích cho cả người trồng mía và cho nhà máy chế biến đường (Viroj Naranong, 2000) [6]. Hệ thống này giúp cho cả người trồng mía và các nhà máy đường tăng giá và ổn định thu nhập, và điều quan trọng là giảm sự biến động của giá của một ngành hết sức nhạy cảm với giá.
Cơ chế phân bổ hạn ngạch
Ngành sản xuất mía đường Thái Lan được phân bổ theo hạn ngạch hàng năm theo Luật mía đường và đường năm 1984. Hàng năm, trước khi vào vụ mía đường, các nhà máy, các hiệp hội người trồng mía và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ thảo luận để thông quan hạn ngạch về đường. Hình sau biểu thị phân bổ hạn ngạch đường niên vụ 2010/2011.
Nguồn: OSCB (2011),
Hình 1: Sơ đồ phân bố hạn ngạch mía đường
Để điều tiết thị trường trong nước và xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan đã triển khai "Chính sách hạn ngạch" (Quota policy). Mỗi mùa, Chính phủ ước tính sản xuất, nhu cầu trong nước, và cam kết xuất khẩu; sau đó phân bổ nguồn cung đường theo 3 hạn ngạch A, B và C. Theo Đạo Luật mía và đường (1984), hàng năm hạn ngạch xuất khẩu được xác định bởi Hội đồng mía và đường. Hạn ngạch xuất khẩu bằng ước tính tổng sản lượng trừ lượng tiêu thụ trong nước. Mục tiêu là để đảm bảo rằng nhu cầu trong nước và thặng dư có thể được xuất khẩu.
Hạn ngạch A cho tiêu dùng trong nước:
Hội đồng mía đường và đường có trách nhiệm giao hạn ngạch hàng năm bán nội địa. Các kênh tiếp thị của hạn ngạch A thể hiện trong hình dưới. Chính phủ phân bổ hạn ngạch này cho các nhà máy bắt đầu vào vụ mùa trên cơ sở công suất sản xuất. Đường hạn ngạch A được bán dưới sự giám sát chặt chẽ của Uỷ ban đường để đảm bảo đủ nguồn cung quanh năm. Phúc lợi người tiêu dùng được bảo vệ bởi việc kiểm soát mức giá tối đa cho việc bán đường trong nước.
Nguồn: Ammar (1993), trích lại Benchaphun Ekasingh, Chapika Sungkapitux, Jirawan Kitchaicharoen và Pornsiri Suebpongsang(2007) [1].
Hình 2: Kênh tiêu thụ đường nội địa
Hạn ngạch B và C cho xuất khẩu:
Sau khi hạn ngạch A được thực hiện, phần đường còn lại được phân bổ theo hạn ngạch B và C. Kênh tiêu thụ hạn ngạch B và C được thể hiện trong hình dưới. Hạn ngạch B được chia thành hai phần: một nửa được phân bổ cho các nhà môi giới đường quốc tế và một nửa khác được bán xuất khẩu bởi các nhà chế biến đường địa phương. Công ty Mía đường và đường (TCSC) chịu trách nhiệm toàn bộ việc định giá và bán đường thô theo hạn ngạch này. Hạn ngạch C là thặng dư xuất khẩu. Các nhà máy chế biến đường định giá riêng cho họ, nhưng phải trả tiền cho người trồng mía tối thiểu theo giá bán của TCSC. Việc mua bán này được thực hiện bởi các công ty được phép xuất khẩu. Các nhà máy này phải đáp ứng mục tiêu sản xuất hạn ngạch A và B, trước khi họ được phép xuất khẩu theo hạn ngạch C.
Nguồn: Ammar (1993), trích lại Benchaphun Ekasingh, Chapika Sungkapitux, Jirawan Kitchaicharoen và Pornsiri Suebpongsang(2007) [1].
Hình 3: Kênh phân bổ hạn ngạch A, B, C
Hệ thống phân bổ hạn ngạch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mía đường Thái Lan. Thứ nhất, việc xác định tiến trình xuất khẩu minh bạch hơn do người trồng mía chịu trách nhiệm định giá hợp đồng hạn ngạch B. Tiến trình xuất khẩu chịu ảnh hưởng quyết định của người trồng mía. Thứ hai, việc định giá hợp đồng hạn ngạch B dựa trên giá đường số 11 Newyork. Vì thế giá mía và giá đường phản ánh điều kiện thị trường đường thế giới. Thứ ba, hệ thống này thúc đẩy cạnh tranh nâng cao năng suất cho các nhà máy chế biến đường [2].
Cơ chế liên kết nông dân trồng mía, các nhà máy chế biến đường và hình thành nhóm lợi ích
Sản xuất theo hợp đồng (contract farming) rất phổ biến ở Thái Lan bởi vì hầu hết các nhà máy chế biến đường không tự trồng mía mà ký kết hợp đồng với nông dân trồng mía. Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới mối quan hệ giữa các nhà máy chế biến đường và người trồng mía không phải luôn luôn êm thấp. Sự bất đồng thường xuyên liên quan đến giá mía. Năm 1937, Nhà máy chế biến đường đầu tiên được thành lập bởi chính quyền tỉnh Lampang (khác với các lò đường tư nhân). Nhà máy thứ hai cũng do chính quyền sở hữu được xây dựng năm 1941. Sau đó số nhà máy chế biến đường của tư nhân phát triển nhanh chóng. Năm 1952, Thái Lan có tổng cộng 35 nhà máy đường ly tâm đến năm 1959 tăng lên 48 nhà máy. Về vấn đề khả năng cạnh tranh, các ngành công nghiệp đường của Thái Lan xuất hiện vào những năm 1950 như là một độc quyền với những công ty dựa trên bốn gia đình, nhưng nó nhanh chóng trở nên khá cạnh tranh giữa họ trên thị trường. Năm 1964, Hiệp hội các nhà máy chế biến đường ra đời (TSPA). Tuy nhiên do sự phát triển nhanh chóng của ngành cùng với sự gia tăng xuất khẩu, kết quả nhóm nhà máy chế biến dưới sự điều hành của Kwang Soon Lee và nhóm Mitr-Phol tách ra thành lập Hội những nhà chế biến đường Thái Lan (TSMA). Hiện nay, 47 nhà máy đường ở Thái Lan được tổ chức thành ba hội các nhà chế biến đường, phục vụ cho lợi ích của ba nhóm chế biến đường lớn. Ba hiệp hội hợp tác duy nhất về các vấn đề mà họ nhìn thấy lợi ích kinh tế rõ ràng: làm cho giá mía thấp hơn, giá đường trong nước cao hơn, và thuế thấp hơn. Nhóm đường Mitr Phol đã giữ vị trí hàng đầu trong ngành đường Thái Lan về thị phần.
Xuất phát từ nhu cầu củng cố sức mạnh thương lượng với các nhà máy chế biến đường trong trường hợp các nhà máy đã hình thành Hiệp hội để thống nhất giá. Năm 1964, Hiệp những người trồng mía vùng 7 được thành lập ở Amphoe Thamaka, Kachanaburi. Đây là tổ chức đầu tiên của nông dân trồng mía và số nông dân trồng mía thời gian đầu trải dài 4 tỉnh Kachanaburi, Ratchanaburi, Nakhon Pathon và Suphanburi. Năm 1971 nó đăng ký thành Hiệp hội chính thức. Thành công của hiệp hội này đã thổi luồng gió mới vào những nông dân trồng mía và vùng phía Đông hình thành nên Hiệp hội nông dân Chonburi năm 1969. Giai đoạn 1971-1972, hai Hiệp hội này liên kết nhau để thương lượng giá với các nhà máy chế biến đường.
Cho đến nay, ở Thái Lan có tất cả 26 Hội hỗ trợ nông dân trồng mía và 1 HTX của người trồng mía. Hội những người trồng mía vùng 7 là một hội do nông dân thành lập có quy mô lớn nhất Thái Lan. Hiện nay, hội có 90.000 hội viên là nông dân trồng mía trải dài trên phạm vi 5 tỉnh là Nakhon Pathom, Kanchanaburi, Ratchaburi, Uthai Thani và Suphanburi. Nhiệm vụ chính của hội là đại diện cho nông dân kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng, trọng lượng mía cây. Về cơ cấu tổ chức, Hội có Ủy ban điều hành gồm 100 thành viên. Ủy ban này bầu ra một chủ tịch và 6 phó chủ tịch. Hội có 24 chi nhánh, mỗi chi nhánh có 30 thành viên đại diện cho nông dân, cứ bình quân 100 nông dân cử một người đại diện. Do vậy, Hội có một ủy ban đại diện cho nông dân gồm 720 thành viên.
Hội nhỏ nhất là Hội hỗ trợ nông dân trồng mía ở tỉnh Suphanburi (Sugarcane farmer supportive Association, Suphanburi). Hội có 3.200 hội viên là nông dân trồng mía ở tỉnh Suphanburi. Hội là tổ chức do nông dân thành lập có nhiệm vụ làm cầu nối liên kết nông dân với nhà máy đường Suphanburi. Đây là nhà máy đường do Bộ Công nghiệp xây dựng năm 1957 và là nhà máy đường đầu tiên sản xuất đường tinh luyện vào năm 1972. Công suất của nhà máy 4,228 tấn mía cây/ngày. Năm 1998, Bộ Công nghiệp bán nhà máy đường cho tư nhân và hiện nay Nhà máy đường thuộc Công ty Công nghiệp Đường Suphanburi. Hội hỗ trợ nông dân có 12 người trực tiếp giao dịch với nông dân. 12 người này đồng thời là vừa là hội viên của Hội (nông dân trồng mía), đồng thời cũng là nhân viên phụ trách hợp đồng thu mua mía của Nhà máy chế biến đường Suphanburi.
Xuất phát từ hiệp hội của người trồng mía và hiệp hội các nhà máy chế biến đường và theo Luật mía đường và đường năm 1984, ngành mía đường Thái Lan đã nổi lên thành một ngành có ảnh hưởng lớn đến chính sách khi Hội đồng mía đường và đường được thành lập. Hội đồng này đã trở thành một nhóm lợi ích để “tìm kiếm đặc lợi” (Rent seeking) Tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking) là cố gắng đạt được đặc lợi kinh tế - tức là lợi ích thu về cho chủ sở hữu nguồn lực vượt quá lợi ích mà họ có được nếu sử dụng nguồn lực vào phương án thay thế khác. Ví dụ các nhóm lợi ích có thể vận động hành lang chính trị để duy trì các chính sách hạn chế cạnh tranh như phân bổ hạn ngạch nhập khẩu, quy định các loại giấy phép hay chứng chỉ hành nghề, đặt ra các tiêu chuẩn hạn chế gia nhập ngành,…[3].
cho ngành mía đường. Ảnh hưởng đáng kể của ngành mía đường thường xuất phát từ những nhóm lợi ích được tổ chức chặt chẽ. Nhóm này kết nối, xúc tiến và xử lý một cách hiệu quả từ lợi ích của họ thành chính sách cụ thể. Sự thành công về tổ chức cũng như việc tìm kiếm đặc lợi của các nhà máy chế biến và người trồng mía ở Thái Lan liên quan đến quy mô. Số nhà máy chế biến đường khá ít so với người trồng mía nhưng đến lượt người trồng mía cũng hình thành những nhóm riêng. Các nhà máy chế biến đường ở Thái Lan được đầu tư với quy mô lớn để đảm bảo hoạt động hiệu quả và trong phần lớn trường hợp các doanh nhân đầu tư nhà máy chế biến đường có mối liên kết với các nhà chính trị. Ngành mía đường Thái Lan có sự liên minh giữa chính trị và kinh tế. Vì vậy chỉ có một số người chủ của nhà máy chế biến đường và một số người trồng mía lớn kiểm soát ngành mía đường.
Kinh nghiệm của ngành mía đường Thái Lan là có sự liên kết tầm quan trọng của ngành với quyền lực và ảnh hưởng của người chơi chủ yếu trong ngành.
Người trồng mía và các nhà máy chế biến mía đường Thái Lan đã sử dụng đến phương cách “tìm kiếm đặc lợi” (Rent-seeking) Những người trồng mía và các nhà máy chế biến mía đường sử dụng đến việc cung cấp thông tin ảnh hưởng đến những nhà hoạch định chính sách. Những thông tin này thường chuyển tải hoặc trực tiếp đến các nhà chính trị, đảng chính trị hoặc thông qua các phương tiện truyền thông. Nếu kết quả không đạt được những biện pháp tiêu cực được áp dụng như biểu tình hoặc tạo ra sự bất ổn chính trị.
Đại diện của người trồng mía và các nhà máy chế biến mía đường trong cơ quan Nhà nước phản ánh ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách liên quan đến ngành mía đường. Cơ quan hoạch định chính sách mía đường chủ yếu của Thái Lan là Hội đồng đường và mía đường (CSB). Nhiệm vụ của cơ quan này là liên kết, phối hợp, lập kế hoạch chính sách, và dự thảo các quy định liên quan đến ngành mía đường. Thành phần của Ban đại diện này bao gồm 9 người đại diện cho người trồng mía, 7 người đại diện cho nhà máy chế biến mía đường, 5 người thuộc chính phủ. Dưới Hội đồng này gồm có Ban điều hành bao gồm 5 người trồng mía, 4 nhà máy chế biến mía đường và 3 người thuộc chính phủ và một chuyên gia. Ủy ban điều hành chịu trách nhiệm xác định giá mía đường và lợi nhuận cho nhà máy chế biến. Ủy ban điều hành này cũng tham mưu cho CSB liên quan đến sản xuất mía đường và giám sát 2 Ủy ban là Ủy bam mía và Ủy ban đường. Ủy ban mía chuẩn bị kế hoạch sản xuất mía, phát triển chủng loại mía và kiểm soát phân phối đường nội địa và xuất khẩu. ủy ban này bao gồm 6 đại diện cho người trồng mía, 4 đại diện cho nhà máy chế biến và 4 đại diện Chính phủ. Ủy ban đường chịu trách nhiệm những vấn đề liên quan đến sản xuất đường và thành phần bao gồm 5 người đại diện cho người trồng mía, 5 nhà máy chế biến và 5 người Chính phủ.
Nguồn: OCSB (2011)
Hình 4: Thành viên Hội đồng đường và mía Thái Lan
Với cơ chế điều hành bởi Hội đồng mía đường và đường và các Ủy ban này đã hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa quyền lực chính trị và kinh tế. Việc liên kết này đã hình thành các chính sách bao gồm hạn chế sự xâm nhập của nước ngoài, trợ cấp sản xuất, chính sách tín dụng có lợi cho ngành mía đường, ban hành giá cố định đôi khi giá này cao giá thế giới và tham gia cùng chính quyền vận động hành lang đối với nước ngoài hoặc tham gia cùng chính quyền phẩn bổ hạn ngạch.
Tóm lại cơ chế liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường giữa những người trồng mía, các doanh nghiệp chế biến đường ở Thái Lan khá chặt chẽ và tạo sự đồng thuận cao. Điều này đã giúp cho ngành mía đường Thái Lan phát triển mạnh.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ nhất, xây dựng cơ chế phân bổ lợi ích rõ ràng giữa người trồng mía và nhà máy chế biến đường.
Mặc dù hệ thống phân bổ thu nhập 70/30 của Thái Lan còn một số điểm chưa hoàn hảo, nhưng hệ thống này tỏ ra rất hiệu quả trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhà máy và người trồng mía và đóng góp rất lớn trong việc đưa Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, việc thiếu hành lang pháp lý và cơ chế giám sát từ Chính phủ trong việc phân chia thu nhập là một trong những nguyên nhân nổi bật gây ra tình trạng thiếu liên kết giữa người trồng mía và nhà máy đường. Cho đến nay, giá mua mía nguyên liệu vẫn chưa được quy định cụ thể. Nhà nước chỉ khuyến cáo giá mua mía nhưng không có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, giám sát nên nông dân thường bị chèn ép.
Do đó, Chính phủ cần phải sớm xây dựng cơ chế phân chia thu nhập hợp lý nhằm khuyến khích nông dân và nhà máy hợp tác. Các nhà máy khi đã đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định sẽ hướng tới quy mô sản xuất công nghiệp hiện đại, gia tăng thêm lợi ích kinh tế cho toàn ngành. Ngoài ra, việc nghiên cứu hình thành quỹ mía đường cũng cần thiết nhằm hạn chế các cú sốc về giá do diễn biến giá hàng hóa thế giới gây ra.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải xây dựng hạn ngạch về sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu đường trên cơ sở cân đối cung cầu.
Ngành mía đường là ngành khá bất ổn, lúc thừa lúc thiếu, lúc cần nhập, lúc cần xuất. Xuất phát từ kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam cần cải tổ cơ chế điều hành ngành mía đường để đảm bảo sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, Bộ Công thương lâu nay vẫn quản lý hạn ngạch xuất nhập khẩu đường với mục đích bình ổn giá. Tuy nhiên, việc bình ổn giá bằng phương thức này đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Đầu tiên là các doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đều không được công bố, không ai nắm được họ có nhập hay không, tiến độ thế nào, cũng không có quy định buộc họ phải bán ra để bình ổn thị trường khi giá tăng. Chính vì lỗ hổng này mà không ít trường hợp doanh nghiệp lại lợi dụng hạn ngạch được cấp để tạm nhập tái xuất, gây bất ổn thị trường. Ở Thái Lan, cơ chế điều hành mía đường theo hạn ngạch A, B, C là khá rõ ràng và minh bạch. OCSB là tổ chức có đủ thành phần tham gia vào hoạt động của ngành mía đường và đủ khả năng quản lý và điều hành các hạn ngạch. Các hạn ngạch này cũng được phân bổ ngay từ đầu niên vụ và trên cơ sở cung cầu thị trường đường trong nước, đảm bảo được bình ổn thị trường đường. Đây là bài học mà Việt Nam cần phải học hỏi thêm từ Thái Lan.
Thứ ba, cần xác định cơ quan độc lập giám sát CCS, trọng lượng mía cây và lượng đường bán ra
Vấn đề tranh chấp chất lượng mía và trọng lượng mía giữa người trồng mía và nhà máy chế biến đường thường xuyên xảy ra. Người trồng mía chủ yếu là nông dân nhỏ lẻ không đủ khả năng để kiểm soát được CCS và trọng lượng mía nhập vào nhà máy. Do vậy, cần phải có cơ quan độc lập giám sát CCS và trọng lượng mía. Kể từ khi Thái Lan áp dụng việc tính giá tiêu chuẩn dựa trên 10 CCS, OSCB trở thành một tổ chức độc lập với nông dân và nhà máy trong việc giám sát trực tiếp hàng ngày CCS, trọng lượng mía nhập vào và lượng đường bán ra. Kinh nghiệm của Thái Lan, mỗi nhà máy chế biến đường có khoảng 2 nhân viên làm việc theo 2 ca/ngày để giám sát CCS, trọng lượng mía của từng xe mía nhập về nhà máy. Việc làm này đã tạo niềm tin cho nông dân là không có gian lận trong việc xác định CCS và trọng lượng mía cây. Bên cạnh đó việc xuất bán đường trong nước, cũng như xuất khẩu đều được giám sát chặt chẽ. Hiện nay OCSB có tất cả 97 nhân viên trực tiếp giám sát 47 nhà máy chế biến đường trên cả nước. Kể từ khi có tổ chức giám sát CCS, trọng lượng mía và lượng đường xuất bán được giám sát chặt chẽ, ngành đường Thái Lan khá ổn định và cả nông dân và nhà máy chế biến đường đều hưởng lợi.
Thứ tư, phát triển thể chế của nông dân và các nhà máy chế biến
Sự thành công của ngành mía đường Thái Lan phải kể đến việc thành lập hàng loạt các hội những người trồng mía, hội những nhà máy chế biến đường và OCSB. Các hội những người trồng mía ở Thái Lan quy mô khá lớn và đủ khả năng thương lượng cũng như đại diện quyền lợi cho người trồng mía. Chính những hội này đã cân bằng quyền thương lượng với các hội của các nhà máy chế biến đường. Ngoài ra, việc thành lập OCSB trực thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan cũng là bài học cần phải học hỏi. Tổ chức này do Bộ Công nghiệp Thái Lan thành lập nhưng không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là một tổ chức dạng hiệp hội với các thành viên lãnh đạo được bầu từ các hội những người trồng mía và các nhà máy chế biến đường. Do vậy, hội này có đủ các thành phần tham gia. OCSB là tổ chức khá mạnh trong việc tìm kiếm đặc lợi cho ngành mía đường và đã giúp cho ngành mía đường kiểm soát được cung cầu, giá cả và chất lượng mía. Ở Việt Nam cũng cần thành lập các hội những người trồng mía mạnh, bên cạnh những hội của các nhà máy chế biến đường và một tổ chức chung giữa hai tác nhân này. Chỉ hình thành những tổ chức này thì cơ chế điều hành của ngành mía đường Việt Nam mới minh bạch và kịp thời phản ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Tóm lại, việc học hỏi cơ chế liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường của Thái Lan đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi để cho ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Benchaphun Ekasingh, Chapika Sungkapitux, Jirawan Kitchaicharoen và Pornsiri Suebpongsang(2007), Competitive Commercial Agriculture in the Northeast of Thailand, Department of Agricultural Economics and the Multiple Cropping Center, Faculty of Agriculture, Chiang Mai University, Thailand.
Fiji/FAO Asia Pacific Sugar Conference (1997), The proceedings of the International Sugar Conference (29-31/10/1997).
Phạm Văn Vận và Vũ Cương (2004), Giáo trình Kinh tế công cộng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, NXB Thống Kê.
Robert S.Pindyck và Daniel L. Rubinfeld (1999), Kinh tế học vi mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, NXB Thống Kê.
USDA Foreign Agricultural Service (2011), Thailand Sugar Semi-Annual 2011, Gain Report Number: TH1123, Date: 27/9/2011.
Viroj NaRanong (2000), “The Thai Sugar Industry: Crisis and opportunities”, TDRI Quarterly Review, Vol.15 No.3 tháng 9/2000.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- co_che_lien_ket_mia_duong_thai_lan_bai_hoc_2287.docx