I. ĐẶT VẤN ĐỀ
II. MỤC TIÊU CHUYÊN ĐỀ
III. NỘI DUNG
1. Đa dạng sinh học là gì?
2. Đa dạng sinh học trong nông nghiệp là gì?
3. Vì sao phải bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp.
4. Các phương pháp bảo tồn hiện nay
5. Thực trạng của việc đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp nước ta hiện nay.
5.1. Trong hệ thống trồng trọt
5.2. Trong hệ thống chăn nuôi
6. Một số giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp.
IV. KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 12176 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TRONG HỆ THỐNG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nằm ở vùng Đông Nam châu Á với diện tích khoảng 330.541 km2, Việt Nam là một trong 16 nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2002- Chiến lược quốc gia quản lý hệ thống khu bảo tồn của Việt Nam 2002-2010). Đặc điểm về vị trí địa lý, khí hậu ... của Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và các loài sinh vật. Về mặt địa sinh học, Việt Nam là giao điểm của các hệ động, thực vật thuộc vùng Ấn Độ - Miến Điện, Nam Trung Quốc và Inđo-Malaysia. Các đặc điểm trên đã tạo cho nơi đây trở thành một trong những khu vực có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới, với khoảng 10% số loài sinh vật, trong khi chỉ chiếm 1% diện tích đất liền của thế giới (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2002-Báo cáo quốc gia về các khu bảo tồn và Phát triển kinh tế).
Đa dạng sinh học có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Đó là cơ sở của sự sống còn và thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất. Nhưng hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho nguồn tài nguồn tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đã và đang bị suy giảm. Nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều Taxon loài và dưới loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trong một tương lai gần. Trong các hệ thống nông nghiệp canh tác độc canh đang dần thay thế kéo theo các hệ sinh vật cũng bị mất dần đi sự phong phú. Các hệ sinh thái nông nghiệp dần mất đi trạng thái cân bằng tự nhiên, đứng trước nguy cơ chỉ phát triển được trong một thời gian ngắn, không bền vững.
Để khắc phục tình trạng trên Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên ĐDSH của đất nước. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo tồn ĐDSH cần phải giải quyết.
II. MỤC TIÊU CHUYÊN ĐỀ
Mục tiêu của chuyên đề là tìm hiểu nguyên nhân làm cho đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp bị suy giảm. Và thực trạng đa dạng sinh học trong nông nghiệp đang như thế nào từ đó đề ra một số giải pháp để tăng tính đa dạng sinh học trong nông nghiệp.
III. NỘI DUNG
1. Đa dạng sinh học là gì?
Có thể coi, thuật ngữ “đa dạng sinh học” lần đầu tiên được Norse and McManus (1980) định nghĩa, bao hàm hai khái niệm có liên quan với nhau là: đa dạng di truyền (tính đa dạng về mặt di truyền trong một loài) và đa dạng sinh thái (số lượng các loài trong một quần xã sinh vật).
Hiện nay có nhiều định nghĩa về đa dạng sinh học (ĐDSH). Định nghĩa do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (1989) quan niệm: “ ĐDSH là sự phồn thịnh của sự sống trên Trái đất, là hàng triệu loài thực vật, động vật và vi sinh vật, là những gen chứa đựng trong các loài và là những hệ sinh thái vô cùng phức tạp tồn tại trong môi trường”. Do vậy, ĐDSH bao gồm ba cấp độ: đa dạng gen, đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái. Đa dạng loài bao gồm toàn bộ các loài sinh vật sống trên Trái đất, từ vi khuẩn đến các loài động, thực vật và các loài nấm. Ở mức độ vi mô hơn, ĐDSH bao gồm cả sự khác biệt về gen giữa các loài, khác biệt về gen giữa các quần thể sống cách ly, về địa lý cũng như sự khác biệt giữa các cá thể cùng chung sống trong một quần thể. ĐDSH còn bao gồm cả sự khác biệt giữa các quần xã mà trong đó các loài sinh vật sinh sống, các hệ sinh thái nơi mà các loài cũng như các quần xã sinh vật tồn tại và cả sự khác biệt của các mối tương tác giữa chúng với nhau.
Theo Công ước ĐDSH thì “ ĐDSH là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong các hệ sinh thái trên cạn, ở biển và các hệ sinh thái dưới nước khác, và mọi tổ hợp sinh thái mà chúng tạo nên; ĐDSH bao gồm sự đa dạng trong loài (đa dạng di truyền hay còn gọi đa dạng gen), giữa các loài (đa dạng loài), và các hệ sinh thái (đa dạng hệ sinh thái)”.
- Đa dạng di truyền được hiểu là tần số và sự đa dạng của các gen và bộ gen trong mỗi quần thể và giữa các quần thể với nhau.
- Đa dạng loài là tần số và sự phong phú về trạng thái của các loài khác nhau.
- Đa dạng HST là sự phong phú về trạng thái và tần số của các HST khác nhau.
Từ ba góc độ này, người ta có thể tiếp cận với ĐDSH ở cả ba mức độ: mức độ phân tử (gen), mức độ cơ thể và mức độ HST (IUCN,1994).
2. Đa dạng sinh học trong nông nghiệp là gì?
Đa dạng sinh học nông nghiệp (ĐDSHNN) là bộ phận của đa dạng sinh học, bao gồm tất cả các thành phần của đa dạng sinh học - ở cấp gen, cấp loài và cấp hệ sinh thái – liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp và các hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm các loài cây trồng và vật nuôi, và nhiều giống thuộc các loài đó và còn bao gồm các thành phần khác hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. ĐDSHNN còn là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên và nhân tạo.
3. Vì sao phải bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp.
Việt Nam là một nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có điều kiện địa lí, địa hình đặc biệt tạo nên khu hệ động thực vật, vi sinh vật rất phong phú và đa dạng, là một trong 16 nước có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới.
Khu vực nông nghiệp ở Việt Nam được hình thành từ nhiều hệ sinh thái đa dạng khác nhau, điều này góp phần hình thành nên nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước. Đa dạng sinh học trong những hệ sinh thái này cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết để sống như cung cấp cơ sở để sản xuất lương thực cũng như hàng loạt những sản phẩm phi lương thực khác như các nguyên vật liệu dùng cho cuộc sống hàng ngày, thuốc chữa bệnh, tạo nguồn thu nhập và hỗ trợ cho hệ thống văn hoá, xã hội.
Đa dạng sinh học là cơ sở trợ giúp cho việc sản xuất lương thực thông qua các hiện tượng như sự thụ phấn, kiểm soát sinh học các loài dịch hại, bệnh, và làm đất mầu mỡ do chu trình các chất dinh dưỡng. Tất cả đều có những chức năng quan trọng trong các hệ thống nông nghiệp.
Sự đa dạng của những loài thực vật, động vật, những loài vi sinh vật cần thiết để duy trì năng suất và tính bền vững của mùa màng, gia súc và việc nuôi trồng thuỷ sản, cho tới ngày nay, vẫn còn ít được biết đến. Đa dạng các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi sẽ đáp ứng được đầy đủ hơn các nhu cầu khác nhau của xã hội, hạn chế được thấp nhất những rủi ro trước những biến động về giá cả, thị trường, đồng thời tận dụng được triệt để nhất các nguồn lợi lao động, vật tư, kỹ thuật trong xã hội. Như vậy đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp có thể được coi là yếu tố trung tâm đảm bảo tính bền vững của các hệ thống nông nghiệp trên các phương diện sinh thái, môi trường, cũng như kinh tế và xã hội. Càng ngày con người càng hiểu và tin rằng tương lai của vấn đề an ninh lương thực phụ thuộc vào việc khai thác và duy trì đa dạng sinh học nông nghiệp và rất nhiều chức năng khác của nó nằm trong vùng đất nông nghiệp.
Mở rộng và thâm canh nông nghiệp đã làm biến đổi đất nông nghiệp thành những cánh đồng thâm canh được xen kẽ bởi những khoảnh rừng, vườn cây, dòng sông, suối, kênh và những vùng đất phi nông nghiệp khác. Trong khi những vùng đất này là rất quan trọng vì chúng cung cấp môi trường sống cho nhiều loài sinh vật, thì bản chất của sự chia cắt này cũng đã gây thiệt hại cho nhiều loại động và thực vật. Trong một thế giới cạnh tranh cao như ngày nay, tính hiệu quả của chi phí trong các hoạt động nông nghiệp là mối quan tâm của những người nông dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là mọi yếu tố đều phải được phản ánh trong việc đánh giá hiệu quả chi phí của một quá trình sản xuất. Sự mất mát đa dạng sinh học là một yếu tố quan trọng trong số các yếu tố cần xem xét. Đa dạng sinh học tại Việt Nam có một giá trị kinh tế to lớn. Cần phải đánh giá đầy đủ và tích hợp chúng vào trong quá trình quy hoạch nông nghiệp.
4. Các phương pháp bảo tồn hiện nay.
Bảo tồn nguyên vị
Bảo tồn nguyên vị bao gồm các phương pháp và công cụ nhằm mục đích bảo vệ các loài, các chủng và các sinh cảnh, các hệ sinh thái trong điều kiện tự nhiên. Tuỳ theo đối tượng bảo tồn để áp dụng các hình thức quản lý thích hợp. Có thể nói đây là biện pháp hữu hiệu nhất bảo tồn tính ĐDSH. Bởi chỉ trong tự nhiên, các loài mới có khả năng tiếp tục quá trình thích nghi tiến hóa đối với môi trường đang thay đổi trong các quần xã tự nhiên của chúng.
Thông thường bảo tồn nguyên vị được thực hiện bằng cách thành lập các khu bảo tồn và đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp. Mục đích nhằm:
- Bảo tồn ĐDSH.
- Bảo tồn cảnh quan địa lý, môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hoá.
- Khu vực để nghiên cứu khoa học.
- Nơi thăm quan học tập và du lịch sinh thái.
Bảo tồn chuyển vị
Bảo tồn chuyển vị là biện pháp chuyển dời và bảo tồn các loài cây, con và các vi sinh vật ra khỏi môi trường sống thiên nhiên của chúng. Mục đích của việc di dời này là để nhân giống, lưu giữ, nhân nuôi vô tính hay cứu hộ trong trường hợp:
- Nơi sinh sống bị suy thoái hay huỷ hoại không thể lưu giữ lâu hơn các loài nói trên.
- Dùng để làm vật liệu cho nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển sản phẩm mới, để nâng cao kiến thức cho cộng đồng.
Bảo tồn chuyển vị bao gồm các vườn thực vật, vườn động vật, các bể nuôi thuỷ hải sản, các bộ sưu tập vi sinh vật, các bảo tàng, các ngân hàng hạt giống, bộ sưu tập các chất mầm, mô cấy...Do các sinh vật hay các phần của cơ thể sinh vật được lưu giữ trong môi trường nhân tạo, nên chúng bị tách khỏi quá trình tiến hoá tự nhiên. Vì thế mà mối liên hệ gắn bó giữa bảo tồn chuyển vị với bảo tồn nguyên vị rất bổ ích cho công tác bảo tồn ĐDSH.
5. Thực trạng của việc đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp nước ta hiện nay.
5.1. Trong hệ thống trồng trọt.
- Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị kể cả xây dựng khu công nghiệp (thường gọi là do đô thị hoá) dẫn đến sự mất mát (vĩnh viễn) sinh cảnh tự nhiên.
Mất đất trồng trọt do đô thị hóa ở Việt Nam là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học, do việc đô thị hóa thường nhằm vào chính những khu đất nông nghiệp có năng suất cao và đa dạng sinh học phong phú nhất. Thêm vào đó, chất thải đô thị nhiều loại như nhựa, chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, chất thải giấy, các đồ gia dụng thải bỏ, v.v. thường bằng nhiều cách xâm nhập vào các đường nước và những vùng đất không canh tác. Các cơ sở công nghiệp địa phương đặt ngay tại các vùng nông thôn cũng là nguồn gây ô nhiễm chính về nước, đất, và không khí với các loại hoá chất độc hại.
- Sự mất mát các loài động và thực vật do hậu quả sử dụng các hoá chất nông nghiệp, hay sự phá huỷ sinh cảnh trực tiếp do đốt lửa hay phát quang dọn dẹp.
Việc sử dụng ngày càng tăng các hoá chất nông nghiệp như các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là một trong những nguyên nhân chính làm giảm đa dạng sinh học trong nông nghiệp. Nông dân có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều những hoá chất nông nghiệp hơn mức thực sự cần thiết và những loại hoá chất có độc tính cao hơn hay có phổ gây độc rộng hơn. Điều này đặc biệt đúng với một số loại cây trồng như hoa quả, rau và bông. Một số loại hoá chất diệt trực tiếp các sinh vật, nhưng một số loại khác lại có tác động tới toàn bộ chuỗi thức ăn. Thuốc diệt cỏ là loại gây hại lớn vì chúng tiêu diệt cây cỏ là nền tảng của chuỗi thức ăn của các loài sinh vật. Hiện nay, thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng một cách bừa bãi trên các bờ ruộng và các khu vực không trồng trọt là những nơi dự trữ đa dạng sinh học quan trọng, nơi sinh sống của các thiên địch cho các cánh đồng. Các hoá chất nông nghiệp làm phá vỡ hệ sinh thái đang bảo vệ cánh đồng, làm cho các cánh đồng dễ bị bùng phát sâu hại. Và cuối cùng, các hoá chất này cũng lọt vào chuỗi thức ăn và tác động vào cộng đồng dân cư nói chung và nông dân gây ra các tác hại đối với sức khoẻ của họ. Trong hệ sinh thái nông nghiệp, các chất hoá học này được biết đến như những chất phá huỷ tuyến nội tiết, dẫn đến hàng loạt các tác động xấu về môi trường đối với nhiều loài vật.
- Sự mất đa dạng sinh học ở cấp độ gen nói chung trong các loài cây nông nghiệp và các loài động vật được nuôi trồng trên đất nông nghiệp do sự chuyên canh hoá.
Trong một thời gian dài nông nghiệp nước ta chạy theo sản lượng, chỉ sử dụng những giống lai có năng suất cao mà quên đi việc cần bảo tồn giống địa phương. Càng ngày số chủng loại cây trồng trên một diện tích lớn càng ít. Mặc dù bây giờ chúng ta đã chú trọng bảo tồn nguồn gen địa phương nhưng đã có nhiều giống gen không thể tìm lại được, đó là một mất mát lớn đối nông nghiệp cũng như nguồn gen sinh học của đất nước và thế giới.
Nhiều chức năng quan trọng của hệ sinh thái trong khu vực nông nghiệp, vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi có những thay đổi về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, hệ sinh thái càng đa dạng thì càng có khả năng chịu đựng được những áp lực và tác động do quản lí nông nghiệp. Các tác động xấu đối với đa dạng sinh học có thể sẽ tích tụ lại. Sự tích tụ những thay đổi nhỏ trên một khu vực theo thời gian có thể gây ra những thay đổi lớn, đặc biệt là khi ngưỡng tới hạn bị vượt quá. Khi điều này xảy ra, một số dạng sinh cảnh hay chức năng sinh thái có thể bị mất đi.
Nguy cơ lớn là sự biến đổi của các cánh đồng nông nghiệp dẫn đến sự loại bỏ những khu vực đa dạng sinh học cao xung quanh hay bao bọc các cánh đồng. Cấu trúc cảnh quan có ảnh hưởng lớn đến sự phù hợp của nó đối với hệ sinh thái. Điều này bao gồm kích thước tương đối của những khu vực tự nhiên không canh tác và mức độ chia cắt (hay khả năng kết nối của) những khu vực này. Nhiều khoảng không gian không trồng trọt trên đất nông nghiệp như các bờ sông, các kênh tưới tiêu, các bờ ven đường, bờ ruộng, các mảnh rừng và vườn gia đình có vai trò như những hành lang nối các mảnh sinh cảnh và được coi là nguồn đa dạng sinh học quan trọng nhất trên đất nông nghiệp và là có lợi cho đời sống nông nghiệp. Tuy nhiên, đáng tiếc là những khu vực này thường được quản lí để làm giảm đa dạng sinh học hơn là duy trì hay làm cho nó phong phú hơn. Vì vậy, cần có nhiều nỗ lực hơn để bảo tồn những khu vực không trồng trọt này, hiểu ra rằng, việc sử dụng một cách chiến lược các cây cối, các vùng đất ngập nước, và các hành lang như những bờ ruộng, bờ sông là cần thiết để duy trì đa dạng sinh học và các lợi ích mà nó mang lại cho các gia đình nông dân. Mặc dù khó có thể đo được đa dạng sinh học, nhưng một ví dụ rõ ràng về những tác động của việc phá hủy sinh cảnh nông nghiệp đang là một xu thế làm suy giảm quần thể các sinh vật thụ giúp phấn và những kẻ thù tự nhiên của các loài sâu hại có tính toàn cầu.
5.2. Trong hệ thống chăn nuôi.
Cũng như trồng trọt để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu,... con người đã lao vào nghiên cứu nhằm tạo ra các giống vật nuôi mới. Nhiều giống mới năng suất cao hơn hẳn các giống truyền thống được tạo ra. Song cũng chính bởi các loại giống mới này, hàng loạt giống cũ bị biến mất. Giống mới thay thế giống truyền thống, làm đơn điệu, nghèo nàn và làm mất đi các giống vật nuôi địa phương có giá trị cao.
Việc thâm canh trong chăn nuôi cũng đưa lại rất nhiều vấn đề về môi trường. Chất thải của các khu chăn nuôi lớn đang là vấn đề rất bức xúc, chung gây ô nhiễm môi trường không khí, nước…tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho hệ sinh thái của vùng, các cây trồng cũng bị mất dần do môi trường đất bị thay đổi.
Chăn nuôi theo trang trại lớn lại không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật cũng như vệ sinh làm cho dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ (dịch cúm gia cầm, trâu bò…) ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đó là phát triển không bền vững.
6. Một số giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp.
- Quá trình quy hoạch các vùng đô thị cần có sự tham gia một cách tích cực của người dân. Chỉ những người nông dân mới biết rõ vùng đất quan trọng nhất đối với đời sống của họ.
- Khuyến cáo và giúp người dân thực hành thói quen dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Tăng cường việc sử dụng IPM trong trồng trọt cho người nông dân.
- Tìm kiếm và bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm cũng như các giống cây trồng, vật nuôi địa phương.
- Nghiên cứu thức ăn trong chăn nuôi cũng như các mô hình chăn nuôi sao cho hạn chế các dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
IV. KẾT LUẬN
Các hoạt động của con người đang ngày càng làm suy giảm khả năng cung cấp cho sự sống của thiên nhiên, trong khi đó sự tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, đòi hỏi nhiều hơn từ thiên nhiên. Những tác động có tính huỷ diệt được gây ra bởi cùng lúc một số lượng lớn những người nghèo khó đang phải vật lộn với cuộc sống và một số ít người giàu có nhu cầu sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên đang dần phá vỡ sự cân bằng vốn đã và đang tồn tại giữa nhu cầu tiêu thụ tài nguyên của con người và khả năng đáp ứng của trái đất.
Đa dạng sinh học nông nghiệp tại Việt Nam đang bị suy giảm nhanh chóng và bắt đầu bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp bây giờ chưa quá muộn. Chúng ta phải nhìn nhận đa dạng sinh học trên đất nông nghiệp một cách nghiêm túc và lập ra kế hoạch để bảo tồn đa dạng sinh học đó. Nhưng công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc ở việc bảo tồn các giống gen. Sự đa dạng trong hệ sinh thái chưa được quan tâm. Canh tác độc canh và sử dụng hóa dụng hóa chất trong nông nghiệp vẫn đang được duy trì và ngày càng tăng nên sự bền vững trong nông nghiệp ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng.
Vì vậy công tác bảo tồn đa dạng sinh học cần được chú trọng trong việc phát triển nông nghiệp sắp tới. Tuy nhiên công tác bảo tồn muốn đạt hiệu quả thì phải được phổ biến sâu sắc đến từng người dân, cả những người hoạt động trong nông nghiệp cũng như những người thụ hưởng nó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN Việt Nam, 2008. Hướng dẫn bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp tại Việt Nam. IUCN Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam.
Hội thảo chuyên đề về Đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu, 2007. Mối liên quan tới Đói nghèo và Phát triển bền vững. Hà Nội, Việt Nam.
Nguyễn Huy Dũng, Vũ Văn Dũng. Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Viện Điều tra quy hoạch rừng.
Tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học. Tổng cục môi trường, cục bảo tồn đa dạng sinh học.
MỤC LỤC
I. ĐẶT VẤN ĐỀ 1
II. MỤC TIÊU CHUYÊN ĐỀ 2
III. NỘI DUNG 2
1. Đa dạng sinh học là gì? 2
2. Đa dạng sinh học trong nông nghiệp là gì? 3
3. Vì sao phải bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp. 3
4. Các phương pháp bảo tồn hiện nay. 5
5. Thực trạng của việc đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp nước ta hiện nay. 6
5.1. Trong hệ thống trồng trọt. 6
5.2. Trong hệ thống chăn nuôi. 9
6. Một số giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp. 10
IV. KẾT LUẬN 10
TÀI LIỆU THAM KHẢO 11
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống nông nghiệp việt nam.doc