Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng các phân tích định tính và định lượng để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản – một trong số 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
• Phân tích tình hình chung của hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2011
• Dựa trên những lý thuyết và những mô hình thực nghiệm của những tác giả trước về mô hình hấp dẫn trong thương mại để phân tích định lượng các yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Với dữ liệu thu thập được từ 49 nước trong 11 năm từ 2001 đến 2011, mô hình đã thu được kết quả như sau: các yếu tố GDP của nước xuất khẩu (Việt Nam) và các nước nhập khẩu, khoảng cách kinh tế, chỉ số tự do thương mại của nước nhập khẩu có tác động tích cực; yếu tố khoảng cách địa lý, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA có tác động tiêu cực; và tỷ giá hối đoái thực tế không có tác động tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
• Phân tích thực tế hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam và kết hợp với kết quả thu được từ mô hình để đưa ra một số hướng đi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam: các thị trường, mặt hàng cần tập trung và giải pháp đề xuất cho một số vấn đề gặp phải của thủy sản Việt Nam
Kết quả mô hình cho thấy tỷ giá hối đoái thực tế không có tác động tới hoạt động xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thể giải thích được điều này. Ngoài ra, những giải pháp đề xuất ở chương cuối chắc chắn vẫn chưa thể đầy đủ và hệ thống. Đây sẽ là những hướng đi tiếp theo để hoàn thiện đề tài này trong tương lai.
70 trang |
Chia sẻ: aquilety | Lượt xem: 7426 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Mô hình phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g hóa dịch vụ của người dân nước nhập khẩu tốt hơn, mức cầu của thị trường nước đó cao, kéo theo kim ngạch nhập khẩu được kì vọng cũng tăng lên. Tuy nhiên xét trên góc độ khác, GDP của quốc gia có thể tác động ngược chiều đối với kim ngạch nhập khẩu, bởi vì GDP cao thể hiện sức sản xuất cao hơn của quốc gia, sản xuất trong nước có thể đáp ứng tốt nhu cầu trong nước nên không cần thiết phải nhập khẩu nữa, kim ngạch nhập khẩu có thể giảm. Tóm lại, GDP nước nhập khẩu có thể ảnh hưởng tới kim ngạch nhập khẩu theo 2 hướng ngược nhau.
Cũng tương tự như biến GDP của nước xuất khẩu, sự tác động của GDP nước nhập khẩu tới kim ngạch nhập khẩu theo 2 chiều hướng mạnh hay yếu phụ thuộc vào cơ cấu hàng hóa sản xuất của nước đó. Cụ thể, nếu sản xuất trong nước không tập trung vào thị trường nội địa thì GDP tác động cùng chiều lên kim ngạch nhập khẩu và ngược lại.
GDP bình quân đầu người nước nhập khẩu: nhân tố này thể hiện khả năng chi trả của mỗi người dân, hay mức sống của nước nhập khẩu, nên cũng có thể hiện phần nào cầu của nước đó. Tuy nhiên, tương tự như biến “GDP bình quân của nước xuất khẩu”, biến số này trong nhiều trường hợp không giải thích được cho quy mô luồng thương mại quốc tế nên đây không phải biến số tốt cho mô hình.
Tổng mức tiêu thụ nhóm/mặt hàng nhập khẩu: tương tự như trong phần Các yếu tố ảnh hưởng đến cung, tổng mức tiêu thụ nhóm/mặt hàng nhập khẩu được sử dụng khi nghiên cứu xuất nhập khẩu một nhóm/mặt hàng cụ thể, và cũng hạn chế được nhược điểm của biến GDP nước nhập khẩu.
Dân số nước nhập khẩu: tương tự như biến “Dân số nước xuất khẩu”, dân số của quốc gia cũng có những tác động đến kim ngạch nhập khẩu của nước đó nhưng tác động này không rõ ràng. Dân số có sự ảnh hưởng đến cả 2 mặt cung và cầu của nền kinh tế, dẫn đến tác động theo cả 2 chiều hướng thuận và nghịch tới xuất khẩu và khó có thể trở thành biến hồi quy tốt cho mô hình.
2.2.1.3. Các yếu tố cản trở, hấp dẫn khác
“Khoảng cách” giữa các quốc gia: Trong những nghiên cứu sử dụng mô hình gravity đầu tiên, khoảng cách giữa các quốc gia được hiểu theo nghĩa đen là khoảng cách địa lý. Các nhà nghiên cứu sau mở rộng khái niệm “khoảng cách” và thêm vào những biến mới như “khoảng cách” về trình độ phát triển kinh tế, khác biệt văn hóa, chính trị giữa các quốc gia.
Khoảng cách địa lý có thể được xem là một yếu tố cản trở việc xuất nhập khẩu giữa các quốc gia. Hai nước càng xa nhau thì các chi phí thương mại (cước phí vận chuyển, rủi ro trong vận chuyển, thời gian vận chuyển,) càng lớn, dẫn đến luồng thương mại giữa hai nước bị cản trở và có thể giảm sút. Như vậy tác động của khoảng cách địa lý tới xuất nhập khẩu được kỳ vọng là ngược chiều.
“Khoảng cách” trình độ phát triển kinh tế: Yếu tố này ảnh hưởng đến các nhóm hàng hóa sản xuất và tiêu dùng của nước xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu hai quốc gia không có khác biệt nhiều về kinh tế thì các mặt hàng sản xuất và tiêu dùng cũng tương đồng nhau, do đó dễ dàng có sự trao đổi thương mại giữa các nước này. Ngược lại, hai quốc gia có trình độ phát triển kinh tế chênh lệch lớn có thể có cung và cầu quá khác biệt nhau: nước phát triển sản xuất những hàng hóa vượt quá khả năng chi trả của nước kém phát triển, ngược lại hàng hóa của nước kém phát triển lại có thể là hàng hóa thứ cấp đối với nước phát triển hoặc khống đáp ứng được các tiêu chuẩn kĩ thuật, Do đó cung cầu của các nước đó khó có thể gặp nhau và luồng thương mại giữa chúng là hạn chế.
Tuy nhiên, theo lập luận của những lý thuyết thương mại cổ điển, cụ thể là lý thuyết của Hecksher-Ohlin, thương mại được hình thành giữa các nước khác biệt về độ dồi dào các yếu tố sản xuất. Theo đó, những quốc gia càng khác biệt về trình độ phát triển kinh tế thì càng có nhiều sự khác biệt về độ dồi dào các yếu tố sản xuất và các luồng thương mại sẽ càng mạnh mẽ. Ngược lại, những quốc gia có ít sự khác biệt về kinh tế thì hoạt động xuất nhập khẩu sẽ ít hơn.
Tóm lại, những lập luận định tính khó có thể xác định rõ chiều hướng tác động của yếu tố “khoảng cách” kinh tế tới luồng thương mại giữa các quốc gia mà cần có những nghiên cứu định lượng cụ thể.
Chính sách thương mại của quốc gia: Các chính sách liên quan đến thương mại của các quốc gia có thể có tác động thúc đẩy hoặc cản trở luồng thương mại song phương của quốc gia đó. Theo những nghiên cứu mà nhóm tác giả tìm hiểu, nhân tố này thường được đưa vào mô hình gravity dưới các dạng sau:
Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại hoặc ký kết các hiệp định thương mại: Như chúng ta đã biết, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều dựng nên những rào cản đối với các luồng thương mại từ bên ngoài, dù số lượng ít hay nhiều, mức độ tinh vi hay không. Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại (WTO, ASEAN,), các khu vực thương mại tự do (FTA) hoặc ký kết các hiệp định thương mại có thể làm giảm bớt các rào cản này, vì các cam kết, hiệp định đều chủ yếu gồm những điều khoản thúc đẩy thương mại (giảm thuế, giảm mức độ khắt khe của các hàng rào kĩ thuật,). Do đó luồng hàng hóa giữa các nước trong cùng tổ chức, khu vực thương mại hoặc có ký kết hiệp định có khả năng được tăng cường. Ngược lại, những quốc gia không tham gia vào các tổ chức, hiệp định này sẽ bị hạn chế hơn trong việc xuất nhập khẩu với các nước khác.
Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá có tác động đến cả 2 phía cung của nước xuất khẩu và cầu của nước nhập khẩu, kéo theo sự tác động lên khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước. Xét quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, khi đồng nội tệ của quốc gia này tăng giá so với ngoại tệ của các đối tác xuất khẩu đến nó, thì giá của hàng hóa nhập khẩu tính theo đồng nội tệ trở nên rẻ tương đối so với trước, cầu hàng nhập khẩu tăng lên dẫn đến luồng thương mại với nước ngoài tăng lên, và hiệu ứng sẽ ngược lại khi đồng nội tệ của nước này giảm giá. Ở khía cạnh khác, khi xét quốc gia xuất khẩu, khi giá của đồng nội tệ tăng so với ngoại tệ của các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất cho quốc gia này, thì chi phí sản xuất tính theo nội tệ giảm xuống, cung tăng lên và khối lượng hàng xuất khẩu cũng có xu hướng tăng theo.
Khi xét đến xuất khẩu (hay nhập khẩu) của một quốc gia, thì các quốc gia đối tác nước ngoài có thể đóng vai trò thị trường cung cấp đầu vào hay thị trường tiêu thụ đầu ra của nước đang xét, do đó tác động của yếu tố tỷ giá khá phức tạp, có thể theo 2 chiều hướng ngược nhau.
Tóm lại, có nhiều yếu tố ảnh hưởng luồng thương mại quốc tế (ảnh hưởng đến cung, cầu, các yếu tố khác) và theo những lập luận định tính, các yếu tố này đều có thể có những tác động thuận hoặc nghịch chiều tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể khác nhau. Sau đây chúng ta sẽ xem xét một số nghiên cứu thực nghiệm để làm rõ hơn những tác động này.
2.2.2. Một số nghiên cứu áp dụng mô hình Gravity và các nhóm ngành liên quan
2.2.2.1. Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm sử dụng mô hình Gravity
Các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh một cách định lượng sự tác động cùng chiều hay ngược chiều của các nhân tố đã nêu ở mục 2.2.1 tới luồng thương mại quốc tế.
Đối với nhân tố GDP của nước xuất khẩu và nhập khẩu, hầu hết các mô hình thực nghiệm đều chỉ ra nó có tác động cùng chiều đối với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước. Có thể kể ra các ví dụ sau: nghiên cứu của Céline Carrere (2003) cho hơn 130 nước; nghiên cứu của H. Mikael Sandberg (2004) cho các nước trong Khu thương mại tự do Châu Mỹ (FTAA); nghiên cứu của Tiiu Paas (2000) về xuất khẩu của Estonia,
GDP bình quân đầu người của nước xuất khẩu và nhập khẩu được sử dụng trong mô hình của Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng khi giải thích thương mại giữa Việt Nam và các đối tác, và của H. Mikael Sandberg (2004) đối với khu vực Tây Bán cầu. Kết quả thu được là biến số này có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều lên luồng thương mại, tuy nhiên theo như lập luận ở phần trước, những kết quả này chỉ có ý nghĩa định lượng chứ không có ý nghĩa lắm trong việc giải thích một cách định tính.
Dân số nước xuất khẩu, như đã lập luận ở phần trước, có thể có tác động thuận hoặc nghịch chiều tới luồng thương mại giữa các quốc gia. Điều này cũng đã được kiểm chứng bởi một số nghiên cứu thực nghiệm, chẳng hạn nghiên cứu của H. Mikael Sandberg (2004) chỉ ra tác động cùng chiều của nhân tố này trong hoạt động thương mại ở Tây Bán cầu, trong khi đó Inmaculada Martínez-Zarzoso và Felicitas Nowak-Lehmann D. (2003) lại có kết luận ngược lại khi nghiên cứu mẫu gồm 15 nước EU (*) và 5 nước Mercosur (**).
Điều tương tự cũng xảy ra với nhân tố Dân số nước nhập khẩu. Tác động cùng chiều tới thương mại được chứng minh trong nghiên cứu của nghiên cứu của Đào Ngọc Tiến (2009), của Đỗ Thái Trí (2006) cho Việt Nam, trong khi đó nghiên cứu của Inmaculada Martínez-Zarzoso và Felicitas Nowak-Lehmann D. lại cho cả hai kết quả: dân số nước nhập khẩu vừa có tác động thuận và nghịch chiều khi áp dụng các phương pháp ước lượng khác nhau.
Việc phân tích các nghiên cứu trên chứng tỏ rằng ảnh hưởng của yếu tố dân số đến thương mại là không rõ ràng.
Yếu tố khoảng cách địa lý: Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chứng tỏ yếu tố này có tác động ngược chiều đến xuất khẩu như nghiên cứu của Céline Carrere (2003), của K. Doanh Nguyen và Yoon Heo (2009), của Tiiu Paas (2000),
Khoảng cách kinh tế có thể tác động cùng chiều tới thương mại quốc tế, thể hiện ở các kết quả của Egger (2000), Di Mauro (2000), Freund (2000), hoặc ngược chiều theo nghiên cứu của Inmaculada Martínez-Zarzoso và Felicitas Nowak-Lehmann D. (2003)
Theo các nghiên cứu thực nghiệm, việc tham gia vào các tổ chức kinh tế, thương mại có thể gây ra tác động tích cực hoặc tiêu cực tới xuất nhập khẩu. Nghiên cứu của Céline Carrere (2003) chỉ ra xuất khẩu của quốc gia sẽ được thúc đẩy khi tham gia vào NAFTA, ASEAN hay CACM nhưng lại bị hạn chế nếu như tham gia MECOSUR. Hoặc đối với trường hợp Việt Nam, nghiên cứu của Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng (2008) cho rằng xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện tích cực khi tham gia ASEAN và AFTA, trong khi K. Doanh Nguyen và Yoon Heo (2009) chỉ ra điều ngược lại: các khối này có tác động tiêu cực tới xuất khẩu nước ta.
2.2.2.2. Một số nghiên cứu thực nghiệm áp dụng mô hình Gravity cho Việt Nam
Trong luận án năm 2006 của mình, Đỗ Thái Trí đã sử dụng mô hình Gravity để phân tích định lượng thương mại giữa Việt Nam và 23 nước Châu Âu thuộc OECD (*). Mẫu dữ liệu được sử dụng là dạng bảng, trong khoảng thời gian từ năm 1993 tới 2004. Tác giả đã chạy mô hình bằng 3 phương pháp khác nhau: phương pháp hồi quy kết hợp (pool estimation), ảnh hưởng ngẫu nhiên (random effect) và ảnh hưởng cố định (fixed effect), tuy nhiên các kiểm định chỉ ra phương pháp cuối cùng là lựa chọn tốt hơn cả. Kết quả thu được từ mô hình là: Các biến khoảng cách địa lý và biến giả lịch sử (thể hiện việc xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa của các nước Châu Âu) dường như không có tác động tới thương mại, còn các biến GDP, dân số và tỷ giá hối đoái lại có mức ý nghĩa cao trong việc giải thích cho thương mại giữa Việt Nam và EC23. Trong đó GDP và dân số có tác động cùng chiều, còn tỷ giá hối đoái tác động theo chiều ngược lại.
Một nghiên cứu khác sử dụng mô hình Gravity để phân tích thương mại của Việt Nam là của tác giả Nguyễn Bắc Xuân. Cụ thể, tác giả sử dụng mẫu số liệu gồm 15 đối tác thương mại chính của Việt Nam (**), khoảng thời gian nghiên cứu từ năm 1986 đến 2006. Nghiên cứu này xem xét hai mô hình gravity: tĩnh (không có biến trễ) và động (có biến trễ) và sử dụng phương pháp ảnh hưởng ngẫu nhiên (Random Effects Estimation). Cả hai mô hình đều cho kết quả khá giống nhau: tất cả các hệ số của các biến trong mô hình đều có ý nghĩa thống kê, trong đó biến GDP của Việt Nam, GDP của 15 đối tác nhập khẩu và biến tỷ giá hối đoái có tác động thuận chiều lên thương mại, còn biến khoảng cách địa lý và biến giả ASEAN (thể hiện việc tham gia ASEAN hay không của các nước đối tác) có tác động nghịch chiều.
Tóm lại, theo tìm hiểu của nhóm tác giả chúng tôi, những nghiên cứu sử dụng mô hình Gravity cho Việt Nam đều cho những kết quả phù hợp với lý thuyết cũng như các nghiên cứu thực nghiệm khác trên thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu xét tổng giá trị thương mại mà không tập trung vào một ngành hàng nào cụ thể. Vì vậy, nhóm chúng tôi chọn ngành thủy sản của Việt Nam làm hướng đi cho đề tài của mình.
Chương III: Xây dựng mô hình phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
3.1. Tổng quan về các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
3.1.1. Nhóm yếu tố ảnh hưởng đến cung của Việt Nam
Chương II đã đề cập đến một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến cung của nước xuất khẩu như GDP, dân số, GDP bình quân. Trong mô hình của bài nghiên cứu này, chung tôi sử dụng biến GDP của Việt Nam để thể hiện ảnh hưởng của cung tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Hình 12: Tốc độ tăng trưởng GDP và tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (%)
(nguồn: tổng hợp từ worldbank.org)
Trong giai đoạn 2001 – 2011, GDP Việt Nam tăng liên tục qua các năm nhưng tốc độ tăng có một số biến động. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh từ 28% xuống 7% vào năm 2009 do tác động của khủng hoảng kinh tế, sau đó phục hồi dần và đạt mức 17% vào năm 2011.
GDP thể hiện quy mô nền kinh tế, do đó nguồn cung thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào GDP. Từ biểu đồ ta có thể thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản có xu hướng biến động khá giống với tốc độ tăng trưởng GDP. Xuất khẩu thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2008 nhưng ngay năm sau đã sụt giảm (thể hiện ở tốc độ tăng trưởng âm). Năm 2010 và 2011, kim ngạch tăng trưởng mạnh mẽ trở lại giống như xu hướng của GDP của nền kinh tế.
Từ thực tế trên, ta kỳ vọng GDP của Việt Nam có tác động cùng chiều tới xuất khẩu thủy sản.
3.1.2. Nhóm yếu tố ảnh hưởng đến cầu của nước nhập khẩu
Tương tự như nhóm yếu tố ảnh hưởng đến cung, chúng tôi cũng chọn biến số GDP để thể hiện cho cầu của các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Hình 13: Tốc độ tăng GDP của 49 nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất từ Việt Nam (%)
(nguồn: tổng hợp từ worldbank.org)
Nhìn chung tốc độ tăng trưởng GDP của các nước nhập khẩu đạt mức cao vào những năm 2005-2007. 4 trong số 5 nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức đều đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất vào giai đoạn này. GDP tăng trưởng nhanh thể hiện sức cầu của thị trường lớn, vì thế kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2005-2007.
Năm 2009, GDP của các nước bạn hàng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đều giảm sâu về tốc độ tăng trưởng do tác động của khủng hoảng kinh tế. Trong 10 nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, 8 nước có tốc độ tăng trưởng âm. Tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng có cùng xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên GDP của các nước nhập khẩu đã tăng nhanh trở lại vào năm 2010 và 2011, kéo theo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng lên đạt mức cao (gần 22%).
Qua những phân tích trên, ta có thể kỳ vọng GDP của nước nhập khẩu có tác động cùng chiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
3.1.3. Các yếu tố cản trở, hấp dẫn
3.1.3.1. Các rào cản thương mại
Trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay, xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra sâu rộng trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều thỏa thuận tự do thương mại được ký kết đã tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, tăng cường trao đổi hàng hóa. Tính đến năm 2011, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do FTA với các nước trong khu vực ASEAN (1996), Australia-New Zealand (2009), Hàn Quốc (2007), Nhật Bản (2009), Trung Quốc (2002) và đang đàm phán với EU, Nga, theo đó, thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu hầu hết được giảm xuống 0% hoặc gần 0%. Ngoài ra, Việt Nam cũng ký kết những hiệp định thương mại song phương, điển hình là với Hoa Kỳ (2001).
Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm các rào cản thuế, các nước cũng dựng lên những rào cản phi thuế để bảo hộ kinh tế trong nước. Những rào cản này thậm chí còn tinh vi hơn thuế và gây cho hàng hóa của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng rất nhiều khó khăn, ví dụ như quy định về dư lượng kháng sinh trong thủy sản nhập khẩu, quy định của Mỹ về chống bán phá giá, Việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị hạn chế rất nhiều bởi những rào cản này.
Từ những thực tế trên, việc ký kết các hiệp định FTA có thể không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Ngược lại, chỉ số về tự do thương mại trong đó có tính đến các hàng rào phi thuế được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
3.1.3.2. Chính sách tỷ giá
Trong giai đoạn 2001-2011, chính sách tỷ giá của Việt Nam luôn giữ cho VND yếu so với ngoại tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu, thể hiện ở tỷ giá danh nghĩa của hầu hết ngoại tệ tính theo VND đều tăng. Tuy nhiên do lạm phát trong nước cao, giá cả hàng hóa trong nước tăng nhanh hơn so với hầu hết các nước khác, làm cho tỷ giá thực tế của ngoại tệ và VND biến động phức tạp, nhiều giai đoạn đi chệch với mục tiêu khuyến khích xuất khẩu của chính phủ. Do vậy, tỷ giá hối đoái thực tế kỳ vọng không ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
3.1.3.3. Khoảng cách địa lý
Trong các mô hình hấp dẫn cổ điển, khoảng cách địa lý được cho là ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển hàng hóa: khoảng cách càng lớn thì chi phí vận chuyển càng lớn và càng cản trở luồng thương mại. Hiện nay, lý giải này không còn đúng với nhiều nước, do công nghệ ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng được hiện đại hóa nên chi phí vận chuyển giữa các nơi cách xa nhau về địa lý được giảm xuống đáng kể, kéo theo khoảng cách địa lý không còn là trở ngại quá lớn.
Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, khoảng cách địa lý vẫn có ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hệ thống thông tin của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, chất lượng thấp. Điều này thể hiện trong chỉ số vể cơ sở vật chất tại các bến cảng Chỉ số này được tính toán bởi Ngân hàng Thế giới World Bank dùng để đánh giá chất lượng cảng của các nước. Chỉ số này càng cao thì cảng có cơ sở vật chất đáp ứng càng tốt yêu cầu của hoạt động thương mại quốc tế
. Chỉ số này của Việt Nam năm 2007 chỉ đạt mức 2,78, năm 2008 là 2,83 và năm 2009 là 3,28. Con số này không chỉ thấp so với mức trung bình của thế giới mà thậm chí còn thấp hơn mức trung bình của các nước có thu nhập thấp. Cơ sở hạ tầng vận tải, thông tin liên lạc còn yếu kém của Việt Nam chưa đủ để giảm nhẹ các gánh nặng chi phí vận tải khi buôn bán với các nước cách xa về địa lý. Thêm vào đó, việc bảo quản đối với hàng thủy sản khá khó khăn cũng làm tăng thêm những ảnh hưởng tiêu cực của khoảng cách địa lý tới xuất khẩu thủy sản.
Do đó, biến số khoảng cách địa lý được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng ngược chiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
3.1.3.4. Khoảng cách kinh tế
Khoảng cách về kinh tế thể hiện sự phân hóa giàu nghèo giữa các nước trên thế giới và được tính bằng trị tuyệt đối của hiệu GDP đầu người giữa 2 nước. Khoảng cách kinh tế lớn có thể hạn chế việc trao đổi một số mặt hàng giữa hai nước, bởi vì những mặt hàng đó có thể quá xa xỉ hoặc quá thấp cấp đối với nước đối tác. Tuy nhiên điều này không đúng với trường hợp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo số liệu thực tế quan sát được, nước nào có khoảng cách kinh tế với Việt Nam càng lớn thì có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam càng cao. Bảng sau cho biết khoảng cách kinh tế so với Việt Nam của 3 nước đứng đầu và 3 nước đứng gần cuối trong danh sách các nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất từ Việt Nam
Bảng 5. Khoảng cách kinh tế của Việt Nam với một số nước (năm 2011)
STT
Nước
Khoảng cách kinh tế
(USD/người)
Kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam (triệu USD)
1
Hoa Kỳ
48310.7
1,163.701
2
Nhật Bản
44591.5
1,015.848
3
Hàn Quốc
20845.2
490.258
38
Ấn Độ
3.4
12.116
39
Algeria
3728.6
12.160
40
Dominica
3949.6
12.018
Xu hướng biến động cùng chiều của khoảng cách kinh tế và kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể được giải thích bằng lý thuyết H-O. Một nước càng cách xa Việt Nam về mặt kinh tế thì độ dồi dào tương đối về tư bản sẽ càng lớn hơn so với Việt Nam, đồng nghĩa với Việt Nam sẽ càng dồi dào tương đối về lao động hơn so với nước đó. Do đó luồng xuất khẩu của mặt hàng thâm dụng lao động như thủy sản từ Việt Nam sang nước đó sẽ càng lớn.
3.2. Mô hình định lượng phân tích tác động của các nhân tố tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
3.2.1. Mô hình
Phần này sẽ sử dụng mô hình hấp dẫn như đã trình bày trong chương II để phân tích định lượng tác động của các nhân tố tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Dựa trên mô hình hấp dẫn của các tác giả trước đây, chúng tôi có kế thừa, sửa đổi và chọn ra mô hình sau để sử dụng trong bài nghiên cứu này
lnEXPijt=β0+β1lnGDPit+β2lnGDPjt+β3lnGDISij+β4lnEDISijt+β5lnExRateijt+β6lnTFIjt+β7FTA+eijt (2.1)
Trong đó
β0,β7: hệ số hồi quy
EXPijt: kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tới nước j trong năm t, đơn vị nghìn USD
GDPit (i=1): GDP của Việt Nam năm t, đơn vị tỷ USD
GDPjt: GDP của nước j năm t, đơn vị tỷ USD
GDISij: khoảng cách giữa thủ đô của Việt Nam và thủ đô nước j, đơn vị km
EDISij: khoảng cách kinh tế giữa Việt Nam và nước j năm t, được tính bằng giá trị tuyệt đối của hiệu GDP đầu người của Việt Nam và nước j trong năm t, đơn vị USD/người
ExRateijt: tỷ giá hối đoái thực tế trung bình năm t của đồng tiền nước j tính theo VND
TFIjt: chỉ số tự do thương mại của nước j trong năm t
FTAijt: biến giả nhận giá trị 1 nếu Việt Nam và nước j có ký hiệp định thương mại tự do FTA trước hoặc trong năm t, nhận giá trị 0 trong các trường hợp còn lại
eijt: sai số ngẫu nhiên
Tuy nhiên trong mẫu số liệu thu thập được, có một số nước có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam bằng 0 trong một số năm, do đó không thể lấy loga tự nhiên. Để khắc phục điều này, chúng tôi sử dụng lnEXPijt+1 thay cho lnEXPijt. Việc thay đổi này không ảnh hương nhiều đến kết quả vì giá trị của EXPijt rất lớn so với 1. Mô hình sau khi thay đổi sẽ là:
lnEXPijt+1=β0+β1lnGDPit+β2lnGDPjt+β3lnGDISij+β4lnEDISijt+β5lnExRateijt+β6lnTFIjt+β7FTA+eijt (2.2)
3.2.2. Số liệu
Dữ liệu được sử dụng trong bài là dữ liệu dạng bảng, bao gồm 49 nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong khoảng thời gian 11 năm từ năm 2001 đến 2011. Dữ liệu bảng bao gồm thông tin về các không gian khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau sẽ cung cấp đầy đủ thông tin hơn về các biến, tránh được những sai lầm khi dùng dữ liệu chéo và dữ liệu thời gian.
Số liệu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được lấy từ nguồn Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC (www.trademap.org). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản được tính bằng tổng kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng mã HS03 (Cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác), HS1604 (Cá đã được chế biến hay bảo quản; trứng cá tầm muối và sản phẩm thay thế trứng cá tầm muối chế biến từ trứng cá), HS1605 (Động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác, đã được chế biến hoặc bảo quản)
Số liệu GDP, GDP đầu người (dùng để tính EDISij) của Việt Nam và của 49 nước nhập khẩu được lấy từ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới World Bank. Khoảng cách địa lý giữa 2 nước được đại diện bởi khoảng cách tính bằng km giữa thủ đô của 2 nước, số liệu được lấy từ nguồn www.chemical-ecology.net. Biến giả FTA được nhóm tác giả tự tổng hợp dựa trên thực tế ký kết các hiệp định tự do thương mại FTA của Việt Nam.
Mô hình trong bài viết này cũng nghiên cứu tác động của tỷ giá hối đoái tới hoạt động xuất khẩu và tỷ giá được sử dụng là tỷ giá thực tế trung bình năm t của đồng tiền nước j tính theo VND. Tỷ giá này được tính theo công thức sau:
Tỷ giá thực tế (X/VND)=Tỷ giá danh nghĩa (X/VND).CPIjCPIV
Trong đó:
X là đồng tiền nước j
CPIj và CPIV lần lượt là chỉ số giá tiêu dùng của nước j và Việt Nam
Số liệu tỷ giá danh nghĩa của đồng tiền nước j tính theo VND được tính thông qua số liệu của World Bank về tỷ giá danh nghĩa giữa USD và đồng tiền các nước. Số liệu CPI cũng được lấy từ World Bank với năm cơ sở là 2005 (CPI năm 2005 là 100). Đối với một số nước không có số liệu về tỷ giá danh nghĩa và CPI trên cơ sở dữ liệu của World Bank (như Chile, Đài Loan,), nhóm tác giả đã lấy nguồn trực tiếp từ website chính thức của ngân hàng trung ương các nước đó.
Chỉ số tự do thương mại (Trade Freedom Index), được tính toán và công bố bởi tổ chức The Heritage Foundation, là chỉ số đánh giá mức độ tự do thương mại của một quốc gia dựa trên 2 yếu tố cơ bản cản trở thương mại: mức thuế quan trung bình có trọng số và các rào cản phi thuế của một nước. Công thức:
TFIi=Tmax-TiTmax-Tmin*100-NTBi
Trong đó
Tmax: giới hạn trên của mức thuế quan, được quy ước là 50 %
Tmin: giới hạn dưới của mức thuế quan, giới hạn này là 0%
Ti: mức thuế quan trung bình có trọng số của nước i
NTBi: mức độ bảo hộ thương mại của các rào cản phi thuế, được chia thành các mức 0, 5, 10, 15 và 20 điểm theo thang đo sau:
20 – Các rào cản phi thuế được áp dụng rộng rãi cho nhiều hàng hóa, dịch vụ và cản trở một lượng đáng kể thương mại quốc tế
15 – Các rào cản phi thuế phổ biến cho nhiều hàng hóa, dịch vụ và cản trở phần lớn thương mại quốc tế tiềm năng.
10 – Các rào cản phi thuế được áp dụng để bảo hộ một số hàng hóa, dịch vụ nào đó và cản trở một phần thương mại quốc tế.
5 – Các rào cản phi thuế không phổ biến, bảo hộ một số ít hàng hóa, dịch vụ và có ảnh hưởng rất hạn chế tới thương mại quốc tế.
0 – Các rào cản phi thuế không áp dụng để cản trở thương mại quốc tế.
Các rào cản phi thuế quan được xác định dựa trên cả thông tin định tính và định lượng. Chúng được chia thành các nhóm rào cản sau:
Hạn chế về số lượng (Quantity restrictions): hạn ngạch nhập khẩu, giới hạn xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, cấm vận và cấm xuất nhập khẩu, chiến tranh thương mại,
Hạn chế về giá (Price restrictions): thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, hạn ngạch thuế quan,
Hạn chế về quy định (Regulatory restrictions): cấp giấy phép, yêu cầu tỷ lệ nội địa, tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, quy định về an toàn và tiêu chuẩn công nghiệp, quy định về đóng gói, nhãn hiệu và thương hiệu, quy định về quảng cáo và truyền thông,
Hạn chế liên quan đến đầu tư (Investment restrictions): chuyển đổi và các biện pháp kiểm soát tài chính khác.
Hạn chế về hải quan (Customs restrictions): yêu cầu đặt cọc xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan,
Can thiệp trực tiếp của Chính phủ (Direct government intervention): trợ cấp và các hỗ trợ khác; chính sách phát triển vùng, ngành kinh tế, chính sách tài chính; thuế quốc gia và bảo hiểm xã hội; chính sách cạnh tranh; chính sách nhập cư; chính sách mua sắm chính phủ; độc quyền nhà nước;
Tóm lại, chỉ số tự do thương mại TFIjt đo mức độ tự do thương mại của một nước, có tính đến cả 2 yếu tố cản trở là thuế quan và các rào cản phi thuế. Chỉ số này càng cao thì quốc gia càng tự do trong hoạt động thương mại với các nước khác.
3.2.3. Lựa chọn mô hình
Đối với dữ liệu dạng bảng được sử dụng trong bài viết này, chúng ta có thể sử dụng mô hình hồi quy gộp (pooled OLS), mô hình ảnh hưởng cố định (fixed effect estimation) và mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (random effect estimation) để ước lượng.
Khi sử dụng mô hình hồi quy gộp, tất cả các quan sát được gộp chung lại và chạy hồi quy bình phương nhỏ nhất OLS. Mô hình này không phân biệt sự khác nhau về không gian và thời gian của mỗi quan sát, do đó chỉ phù hợp với trường hợp không có những ảnh hưởng riêng biệt từ những quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, dữ liệu bảng tồn tại những ảnh hưởng riêng biệt. Khi đó mô hình hồi quy gộp không phù hợp và ta phải lựa chọn một trong hai mô hình ảnh hưởng cố định và mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên.
Mô hình ảnh hưởng cố định coi ảnh hưởng riêng biệt từ các quốc gia khác nhau là không đổi theo thời gian và tách những ảnh hưởng riêng biệt đó thông qua kỹ thuật biến giả. Nhược điểm của mô hình này là không đánh giá được ảnh hưởng của các biến không đổi theo thời gian như khoảng cách. Vì vậy phương pháp ảnh hưởng cố định có vẻ không phù hợp để ước lượng mô hình trong bài viêt này.
Trái với mô hình ảnh hưởng cố định, mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên coi ảnh hưởng riêng biệt từ các quốc gia thay đổi ngẫu nhiên. Những ảnh hưởng riêng biệt đó được gộp lại và thể hiện chung bằng một thành phần sai số theo không gian εi. Tuy nhiên mô hình này có thể không phù hợp khi số hạng sai số εi tương quan với các biến giải thích X.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành hồi quy mô hình (2.2) theo phương pháp hồi quy gộp và ảnh hưởng ngẫu nhiên, sau đó sẽ dựa vào kết quả của kiểm định Breusch-Pagan để lựa chọn ra phương pháp phù hợp hơn.
3.2.4. Kết quả ước lượng
Bảng 6. Kết quả ước lượng mô hình
Biến số
Hồi quy gộp
Ảnh hưởng ngẫu nhiên
Hệ số
P-value
Hệ số
P-value
GDPit
1.77541 (***)
0.0000
1.82896 (***)
0.0000
GDPjt
0.861763 (***)
0.0000
0.959833 (***)
0.0000
GDISij
-1.29465 (***)
0.0000
-1.51612 (***)
0.0000
EDISijt
0.673164 (***)
0.0000
0.595626 (***)
0.0000
ExRateijt
-0.0539386
0.11243
-0.057822
0.44777
TFIjt
1.59163 (***)
0.00776
1.53623 (**)
0.01371
FTAijt
0.0848177
0.73925
-0.85124 (**)
0.01691
Chú thích: (***) mức ý nghĩa 1%
(**) mức ý nghĩa 5%
Bảng trên thể hiện kết quả khi ước lượng mô hình (2.2) theo hai phương pháp hồi quy gộp và ảnh hưởng ngẫu nhiên. Khi tiến hành kiểm định Breusch-Pagan, giá trị P-value thu được rất nhỏ (gần bằng 0) cho phép ta loại bỏ giả thuyết rằng phương pháp hồi quy gộp phù hợp, tức là phương pháp ảnh hưởng ngẫu nhiên phù hợp hơn đối với mô hình này.
Theo kết quả của mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên, các biến có ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam EXPijt là GDP của Việt Nam GDPit, GDP nước nhập khẩu GDPjt, khoảng cách địa lý giữa nước nhập khẩu và Việt Nam GDISij, khoảng cách kinh tế nước nhập khẩu so với Việt Nam EDISijt, chỉ số tự do thương mại của nước nhập khẩu TFIjt, việc ký kết hiệp định tự do thương mại FTAijt. Biến tỷ giá hối đoái thực tế ExRateijt không có ý nghĩa trong việc giải thích kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
3.2.4.1. GDP của Việt Nam
Giá trị P-value của hệ số biến GDPit gần bằng 0 cho thấy biến này rất có ý nghĩa trong việc giải thích kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hệ số β1 mang dấu dương đúng với kỳ vọng về dấu đã nêu ở mục 1.1, cho thấy tác động cùng chiều của GDP trong nước tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cụ thể, khi GDP Việt Nam tăng 1% thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 1.82896%. Tác động cùng chiều này, như đã giải thích ở chương II, do GDP nước xuất khẩu thể hiện quy mô nền kinh tế, do đó cũng thể hiện sức cung hàng hóa. GDP càng cao, cung thủy sản của Việt Nam càng lớn và xuất khẩu có xu hướng tăng theo.
3.2.4.2. GDP nước nhập khẩu
Biến GDP nước nhập khẩu GDPjt cũng có mức ý nghĩa rất cao (1%) chứng tỏ ảnh hưởng lớn của biến này lên kim ngạch xuất khẩu. Ảnh hưởng này là thuận chiều vì hệ số β2 có dấu dương. GDP nước nhập khẩu thể hiện quy mô cầu của thị trường đó, GDP tăng lên thì cầu nước nhập khẩu tăng, do đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước ngoài cũng có xu hướng tăng. Về mặt định lượng, khi GDP của nước nhập khẩu tăng lên 1% thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước đó tăng 0.959833%.
3.2.4.3. Khoảng cách địa lý
Biến khoảng cách địa lý giữa nước nhập khẩu và Việt Nam GDISij có ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu, thể hiện ở mức ý nghĩa 1% của hệ số β3. Hệ số này mang dấu âm thể hiện ảnh hưởng tiêu cực của khoảng cách địa lý đối với xuất khẩu thủy sản, đúng như đã dự đoán ở mục 1.3.3. Khi khoảng cách địa lý tăng 1% thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm 1.51612%. Kết quả này giống với nhiều nghiên cứu trước đây, được giải thích bởi việc tăng chi phí vận chuyển khi khoảng cách địa lý tăng, cùng với cơ sở vật chất cho vận tải của Việt Nam còn yếu kém.
3.2.4.4. Khoảng cách kinh tế
Kết quả hồi quy cho thấy khoảng cách kinh tế có ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (đạt mức ý nghĩa 1%) và ảnh hưởng này là tích cực: khi khoảng cách kinh tế giữa nước nhập khẩu và Việt Nam càng lớn thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang nước đó càng lớn. Cụ thể, khi khoảng cách kinh tế tăng 1% thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 0.595626%. Ảnh hưởng thuận chiều này đã được dự đoán trong mục 1.3.4, được giải thích bằng định lý H-O, theo đó khoảng cách kinh tế lớn thể hiện sự khác biệt lớn về độ dồi dào tương đối các yếu tố sản xuất, trao đổi thương mại giữa hai nước càng được đẩy mạnh, nước dồi dào tương đối về lao động như Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều hơn những hàng hóa thâm dụng lao động như thủy sản.
3.2.4.5. Chỉ số tự do thương mại và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA
Cả hai biến số này đều có ý nghĩa cao (5%) trong việc giải thích luồng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi chỉ số tự do thương mại có ảnh hưởng tích cực tới kim ngạch xuất khẩu đúng như kỳ vọng, thì hệ số β7 của biến FTAijt lại mang dấu âm thể hiện ảnh hưởng tiêu cực của việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA. Điều này dường như trái với lý thuyết thông thường cho rằng các hiệp định FTA sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế và do đó có tác động tích cực đối với thương mại.
Ảnh hưởng tiêu cực của biến FTA tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể được giải thích do nội dung của các hiệp định FTA chủ yếu là cắt giảm mạnh mẽ hàng rào thuế quan xuống mức 0%, nên những rào cản phi thuế được lập ra để thay thế. Những rào cản phi thuế này tinh vi và khó vượt qua hơn, đặc biệt đối với thủy sản là mặt hàng thực phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Chính vì thế, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lại có xu hướng giảm khi ký kết các hiệp định thương mại tự do.
Cách giải thích trên được củng cố khi xét tới chỉ số tự do thương mại TFI. Đây là chỉ số toàn diện hơn bởi ngoài rào cản thuế quan nó còn xét đến các rào cản phi thuế, và khi tính đến các rào cản phi thuế này thì biến TFIjt lại có tác động tích cực đối với xuất khẩu thủy sản, phù hợp với lý thuyết. Qua đó ta cũng thấy được rào cản chủ yếu đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam là những rào cản phi thuế chứ không phải là rào cản về thuế quan.
Tóm lại, chương III đã phân tích mô hình các yếu tố ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và đã có kết luận rằng GDP nước xuất khẩu, nhập khẩu, khoảng cách địa lý, khoảng cách kinh tế và rào cản phi thuế là những yếu tố ảnh hưởng chủ yếu tới xuất khẩu thủy sản. Trong chương sau, chúng tôi sẽ đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.
Chương 4: Hiệu ý chính sách
Dựa theo phân tích ở chương III, ta thấy kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng tích cực của GDP Việt Nam và các nước nhập khẩu, khoảng cách kinh tế, mức độ tự do thương mại của quốc gia; và chịu ảnh hưởng tiêu cực của khoảng cách địa lý và việc kí kết hiệp định FTA. Dưới đây, chúng ta phân tích một số ưu nhược điểm của các chính sách dựa trên các kết quả trên.
4.1. Các thị trường cần tập trung
4.1.1. Hướng tới các nước có GDP cao
Mô hình ở chương 3 cho kết quả ảnh hưởng thuận chiều của GDP đối với kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam ra quốc tế. Như vậy, hướng xuất khẩu đến các nước có GDP cao sẽ mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn cho thủy sản Việt Nam.
Điều này có thể giải thích rằng các nước có GDP cao thường có trình độ phát triển cao, có nền kinh tế phát triển trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nên Việt Nam có lợi thế so sánh về nông thủy sản. Bên cạnh đó, quốc gia có GDP cao sẽ là thị trường rộng lớn cho tất cả các ngành hàng nói chung và thủy sản nói riêng. Việt Nam chúng ta đã và đang hướng đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, EU... Các thị trường này đang chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
4.1.2. Hướng tới các nước có khoảng cách kinh tế lớn
Đây là các quốc gia có khoảng cách GDP đầu người so với Việt Nam lớn, đồng nghĩa với quốc gia có GDP đầu người cao tốp đầu thê giới. Các nước có GDP đầu người cao tương tự các nước có GDP cao, là các quốc gia phát triển về công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, đây còn là thị trường của những sản phẩm có giá trị cao, nhờ đó, mang lại nguồn thu lớn cho xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có GDP đầu người cao nhất là Qatar, Luxembourg, Singapore, Na Uy, Brunei
Qua số liệu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước qua các năm, Qatar, Luxembourg, Na Uy, Brunei không thuộc các quốc gia có giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam lớn. Nguyên nhân đối với Qatar, Luxembourg, Brunei là quy mô dân số nhỏ, còn Na Uy thuộc những những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Như vậy, quốc gia có GDP đầu người cao chỉ là một tiêu chí để tìm thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản.
4.1.3. Khai thác các thị trường gần
Các thị trường gần giúp giảm chi phí chuyên chở, thời gian chuyên chở, chi phí bảo quản, giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Hơn nữa, các quốc gia trong khu vực có nền kinh tế ngày càng phát triển, là các thị trường đầy hứa hẹn.
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các nước gần chúng ta, việc củng cố mối quan hệ ngoại giao và chính trị là rất quan trọng, đặc biêt là với Trung Quốc, một thị trường rộng lớn sát biên giới nước ta.
4.2. Các mặt hàng cần tập trung
Qua các số liệu ở chương I, chúng ta có thể thấy sản lượng tôm và cá đứng đầu trong các mặt hàng thủy sản. Chỉ số tăng trưởng cao của hai nhóm mặt hàng này đã cho thấy sự đầu tư lớn vào những mặt hàng này. Trong khi đó, mực, bạch tuộc là nhóm hàng có lợi thế so sánh biểu hiện (RCA) rất cao 13,75 nhưng sự gia tăng sản lượng lại rất ít. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chúng ta nên đầu tư mạnh vào nhóm mặt hàng mực, bạch tuộc. Như vậy, chúng ta có hai hướng đầu tư dưới đây.
4.2.1. Nâng cao chất lượng sản phẩm và nguồn hàng tôm và cá
Hai mặt hàng tôm và cá chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng thời là đối tượng khai thác lâu đời của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, đây cũng là những mặt hàng gặp nhiều vấn đề nhất như kiện tụng, vấn đề về kiểm định chất lượng. Do đó, giải quyết được những vấn đề của xuất khẩu tôm và cá sẽ tạo nên trụ cột vững chắc để phát triển ngành thủy sản.
Bên cạnh đó, do khai thác lâu dài nên nguồn tôm và cá ngoài tự nhiên đang dần cạn kiệt, việc phân vùng đánh bắt và nghiên cứu nuôi trồng gần bờ là rất cần thiết để bảo vệ nguồn hàng.
4.2.2. Tăng đầu tư vào mặt hàng mực, bạch tuộc
Như đã đề cập ở trên, mực và bạch tuộc Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này còn khiêm tốn. Việc đầu tư vào mặt hàng này sẽ có tiềm năng mang lại hiệu quả cao cho ngành thủy sản.
Để tránh gặp phải các vấn đề như đối với mặt hàng tôm, cá, sản xuất mực và bạch tuộc cần chuẩn hóa từ khâu nuôi trồng đến chế biến, kiểm tra chặt chẽ về các loại hóa chất bảo quản, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các công ty nên tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông ở thị trường nước ngoài để tạo đầu ra cho sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho mực và bạch tuộc Việt Nam.
4.3. Một số vấn đề gặp phải và đề xuất giải pháp
Hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng của Việt Nam luôn gặp rất nhiều khó khăn và cản trở, do chúng ta là nước có trình độ phát triển không cao so với thế giới. Dưới đây chúng tôi liệt kê một số vấn đề mà Việt Nam gặp phải và đề xuất một số giải pháp giải quyết các vấn đề đó.
4.3.1. Các rào cản phi thuế quan
Như đã phân tích ở chương III, xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay phải đương đầu với rào cản thương mại lớn nhất chính là những rào cản phi thuế, do đặc thù của nhóm hàng thực phẩm và xu hướng thay thế dần rào cản thuế quan bằng rào cản phi thuế trên thế giới. Đặc biệt, khi tập trung xuất khẩu vào các thị trường có GDP cao, khoảng cách kinh tế so với Việt Nam lớn, những rào cản này xuất hiện càng nhiều và khó vượt qua. Sau đây chúng tôi phân tích hai rào cản điển hình: quy định chống bán phá giá và hàng rào kỹ thuật.
Trên các thị trường của các nước lớn, Việt Nam gặp phải vấn đề bị kiện bán phá giá thủy sản, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm 1994 - 2010, có 36 vụ kiện tranh chấp bán phá giá liên quan Việt Nam. Trong đó, vụ kiện chống bán phá giá cá tra, basa của Mỹ đối với Việt Nam tháng 6/2002 được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và mức độ tác động. Năm 2013, 2014, Việt Nam lại đang phải đối mặt với một vụ kiện bán phá giá mới từ Mỹ vào năm 2012. Trong đó, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) luôn tìm mọi cách để gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ gồm chi phí kiện tụng, thuế trừng phạt bán phá giá, chi phí thời gian, cho ngành thủy sản Việt Nam khi mà cá Basa đang là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành. Do đó, giải quyết được vấn đề kiện bán phá giá sẽ mang lại tác động hiệu quả cho ngành thủy sản Việt Nam.
Một mặt hàng bị xem là bán phá giá khi bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất và việc bán giá thấp này gây thiệt hại cho nền sản xuất nội địa. Để chứng minh một mặt hàng bán phá giá, quốc gia khởi kiện cần tìm một quốc gia thứ ba tương tự Việt Nam để xác minh các chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong vụ kiện bán phá giá cá Basa vào Mỹ năm 2012, Mỹ lại chọn Indonesia để so sánh (thay cho Bangladesh trong vụ kiện năm 2002) trong khi Indonesia có nền công nghiệp sản xuất và chế biến cá Basa khác xa Việt Nam.
Như vậy, để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể thay đổi cách chế biến sản phẩm, tạo ra kiểu chế biến mới, ví dụ như thay vì xuất khẩu cá fillet, chúng ta sốt cà chua trước khi đóng gói xuất khẩu. Khi đó, không có quốc gia thứ ba nào có thể được đưa ra để so sánh, hơn nữa chúng ta còn có lợi thế về sản phẩm mới.
Gần đây, hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo về nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng thủy sản, một số lô hàng bị trả lại do không đáp ứng tiêu chuẩn. Hiện tại, Ủy ban Luật Thực phẩm quốc tế (CODEX) chưa ban hành đầy đủ các quy định về hóa chất, kháng sinh cấm; hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng nhưng phải đảm bảo mức tồn dư tối đa cho phép. Do vậy, các quốc gia đang có những quy định rất khác nhau. Mặt khác, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản ở nước ta vẫn là quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết giữa các hộ nhỏ lẻ với nhau, thiếu sự gắn kết với đại lý thu gom, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong hội thảo “Xu hướng quản lý Chất lượng Thủy sản theo chuỗi sản xuất” diễn ra vào ngày 12/6/2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra các kiến nghị sau:
(1) Nhà nước cần tăng cường kiểm soát theo chuỗi sản xuất, chú trọng vào các khâu trước chế biến như tàu cá, cơ sở sản xuất giống, chợ cá, cảng cá, vùng nuôi như xu hướng hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đang thực hiện;
(2) Xây dựng “Chương trình giám sát sản phẩm (Product surveillance program)” với các tiếp cận là lấy mẫu kiểm nghiệm để thẩm tra theo tần suất thời gian: 3 tháng 1 lần đối với doanh nghiệp đạt loại A, 2 tháng 1 lần với doanh nghiệp đạt loại B chứ không phải theo tần suất lô hàng như hiện nay.
(3) Không áp dụng mang tính trừng phạt bất hợp lý như buộc doanh nghiệp phải “ngưng xuất khẩu” nếu có quá 3 lô hàng cùng nhóm sản phẩm trong 6 tháng liên tiếp bị cơ quan thẩm quyền cảnh báo về chất lượng an toàn thực phẩm.
(4) Không lấy mẫu kiểm nghiệm theo lô hàng xuất khẩu làm điều kiện để cấp chứng thư mà thay bằng kết quả của quá trình kiểm tra điều kiện sản xuất và chương trình thẩm tra sản phẩm.
(5) Đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo thay thế TT55 áp dụng đúng quy định tại Điều 48 của Luật An toàn thực phẩm về việc cơ quan ra quyết định kiểm tra, thanh tra sẽ phải chịu chi phí cho việc lấy mẫu, kiểm nghiệm và kiểm tra.
Mặc dù có vẫn gặp nhiều ý kiến bác bỏ từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhưng đây là những ý kiến hợp lý và cần thiết để giải quyết vấn đề về kiểm tra, kiểm nghiệm kháng sinh và các chất độc hại trong sản phẩm thủy sản. Đồng thời những ý kiến này giúp giải quyết tình trạng kiểm nghiệm tại khâu xuất khẩu gây mất nhiều thời gian, chi phí mà lại không hiệu quả, vẫn bị gắn mác cảnh báo cao, làm cho doanh nghiệp trong nước bị giảm sức cạnh tranh.
4.3.2. Áp lực cạnh tranh của các đối thủ
Theo mô hình phân tích ở chương III, quốc gia có chỉ số tự do thương mại càng cao càng là thị trường xuất khẩu lý tưởng cho thủy sản Việt Nam. Một đất nước càng tự do về thương mại thì việc kinh doanh càng thuận tiện do giảm bớt được các rào cản thương mại, qua đó giảm bớt chi phí và tăng khả năng thâm nhập thị trường. Thị trường những quốc gia này hiển nhiên sẽ là mục tiêu hướng tới đầu tiên của thủy sản nước ta.
Tuy nhiên thách thức mà chúng ta phải đối mặt là sự cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Hiện tại, các sản phẩm thủy sản Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường mà chủ yếu tiếp cận thị trường bằng cách nhập hàng cho một công ty nội địa rồi công ty này sẽ cung ứng ra thị trường với cái tên mới. Điều này làm cho nguồn hàng từ Việt Nam có thể dễ dàng thay thế bằng hàng từ quốc gia khác. Đây là một mối lo lớn cho thủy sản Việt Nam khi gần đây lại gặp các vấn đề kiện tụng. Để tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam có thể điều chỉnh mức giá cho phù hợp nhưng lại gặp vấn đề bán phá giá. Những sự kiện này có thể làm giảm niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm từ Việt Nam.
Để chiến thắng trong thị trường tự do kinh tế, chúng ta cần có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Khi đã xây dựng được thương hiệu, chúng ta sẽ không còn phụ thuộc vào nhà phân phối nước ngoài mà sẽ có thị trường tiêu thụ riêng, từ đó có thể mở rộng thị phần và tăng doanh thu, lợi nhuận.
4.3.3. Vấn đề về khoảng cách địa lý
Theo lý thuyết cũng như mô hình đã phân tích ở chương III, khoảng cách địa lý là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu thủy sản của nước ta.
Để khắc phục điều này, trong ngắn hạn chúng ta có thể hướng tới các thị trường gần để giảm các chi phí vận chuyển. Tuy nhiên về lâu dài, thủy sản Việt Nam vẫn cần mở rộng sang các thị trường ở xa hơn nữa.
Một số nghiên cứu của các tác giả khác đã chỉ ra rằng khoảng cách địa lý có thể không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, đó là trường hợp của những nước phát triển, có cơ sở hạ tầng vận tải, giao thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu thương mại quốc tế. Như vậy việc cải thiện hệ thống vận tải có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của khoảng cách địa lý. Đây là một hướng đi dài hạn mà Chính phủ cần xem xét và đầu tư.
KẾT LUẬN
Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng các phân tích định tính và định lượng để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản – một trong số 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
Phân tích tình hình chung của hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2011
Dựa trên những lý thuyết và những mô hình thực nghiệm của những tác giả trước về mô hình hấp dẫn trong thương mại để phân tích định lượng các yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Với dữ liệu thu thập được từ 49 nước trong 11 năm từ 2001 đến 2011, mô hình đã thu được kết quả như sau: các yếu tố GDP của nước xuất khẩu (Việt Nam) và các nước nhập khẩu, khoảng cách kinh tế, chỉ số tự do thương mại của nước nhập khẩu có tác động tích cực; yếu tố khoảng cách địa lý, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA có tác động tiêu cực; và tỷ giá hối đoái thực tế không có tác động tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Phân tích thực tế hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam và kết hợp với kết quả thu được từ mô hình để đưa ra một số hướng đi cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam: các thị trường, mặt hàng cần tập trung và giải pháp đề xuất cho một số vấn đề gặp phải của thủy sản Việt Nam
Kết quả mô hình cho thấy tỷ giá hối đoái thực tế không có tác động tới hoạt động xuất khẩu thủy sản, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thể giải thích được điều này. Ngoài ra, những giải pháp đề xuất ở chương cuối chắc chắn vẫn chưa thể đầy đủ và hệ thống. Đây sẽ là những hướng đi tiếp theo để hoàn thiện đề tài này trong tương lai.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Anh
Ben Shepherd (2013). “The Gravity Model of International Trade: A User Guide”. United Nations.
Đỗ Thái Trí (2006). “A Gravity Model for Trade between Vietnam and twenty-three European countries”. Departmant of Economics and Society., 12 – 19
Nguyễn Bắc Xuân (2010). “The Determinants of Vietnamese Export Flows: Static and Dynamic Panel Gravity Approaches”. International Graduate School of Social Sciences, Yokohama National University.
Đào Ngọc Tiến (2009). "Determinants to Vietnam’s export flows and government implications under the global crisis". Nghiên cứu về chính sách thương mại quốc tế. Trường Đại học Ngoại Thương.
Simon J. Evenett và Wolfgang Keller (2002). “On Theories Explaining the Success of the Gravity Equation”. Journal of Political Economy., 289 – 296
Céline Carrere (2002). “Revisiting Regional Trading Agreements with Proper Specification of the Gravity Model”. CERDI., 10 – 17
H. Mikael Sandberg (2004). “The Impact of Historical and Regional Linkages on Free Trade in the Americas: A Gravity Model Analysis Across Sectors”. American Agricultural Economics Association Annual Meeting., 8 – 16
Inmaculada Martínez Zarzoz và Felicitas Nowak Lehmann (2003). “Augmented Gravity Model: An empirical application to Mercosur – European Union Trade Flow”. Journal of Applied Economics., 298 – 309
Jeffrey M. Wooldridge. “Econometric Analysis of Cross Section and Panel Data”. The MIT Press, Cambridge, Massachusetts., 143 – 179, 247 – 291
Tiếng Việt
Từ Thúy Anh và Đào Nguyên Thắng (2008). “Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại của Việt Nam với Asean+3”. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách CEPR.
Bùi Xuân Lưu (2002). "Giáo trình Kinh tế ngoại thương", Hà Nội, NXB. Giáo Dục.
Báo cáo xuất khẩu thủy sản các năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP.
Các website
truy cập ngày 04/05/2014
truy cập ngày 02/052014
truy cập ngày 02/05/2014
truy cập ngày 03/03/2014
truy cập ngày 04/05/2014
truy cập ngày 04/05/2014
truy cập ngày 29/04/2014
truy cập ngày 02/05/2014
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- mo_hinh_phan_tich_anh_huong_cua_cac_nhan_to_toi_xuat_khau_thuy_san_o_viet_nam_5727.docx