A. ĐẶT VẤN ĐỀ
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
2. Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
3. Ý nghĩa của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
II.Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng.
1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường từ đủ mười tám tuổi trở lên có đủ nưng lực hành vi dân sự.
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi.
3.Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự.
3.1. Cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3.2 .Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người giám hộ.
3.3 Trường học, bệnh viện, tổ chức phải thực hiện bồi thường thiệt hại:
4. Một số trường hợp riêng biệt về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
4.1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân là người của pháp nhân gây ra
4.2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
III. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân.
1.Một số vướng mắc trên thực tế về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.
2.Về quy định của dự thảo luật dân sự về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
3.Kiến nghị:
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
21 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4408 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cá nhân gây ra ngoài hợp đồng - Thực tiễn và một số kiến nghị, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ……………………………………………………………………..…....2
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ……………………………………………………………..…2
I.Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng……………...…2
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng………………………….…....2
2. Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng………………………..….3
3. Ý nghĩa của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…………………………..….5
II.Năng lực trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây
thiệt hại ngoài hợp đồng…………………………………………………………………6
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường từ đủ mười tám tuổi trở lên có
đủ năng lực hành vi dân sự………………………………………………………………………6
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người từ đủ mười
lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi…………………………………………………………….7
3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành
niên và người mất năng lực hành vi dân sự…………………………………………………….11
4. Một số trường hợp về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại…………………..12
ngoài hợp đồng.
III. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân…………………………………………………12
1.Một số vướng mắc trên thực tế về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi
thường thiệt hại của cá nhân…………………………………………………………………..….12
2.Về quy định của dự thảo luật dân sự về vấn đề năng lực chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng………………………………………………….....16
3. Kiến nghị………………………………………………………………………………………….18
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ…………………………………………………………………20
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………………….21
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bồi thường thiệt hại là một trong những chế định có sớm nhất và quan trọng nhất của pháp luật dân sự. Trong đời sống có rất nhiều sự việc thực tế tranh chấp dẫn đến việc các cá nhân, tổ chức …phải phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng trong luật dân sự. Luật dân sự giành hẳn một chương riêng để quy định về vấn đề này. Về mặt chủ thể điều kiện đầu tiên để các chủ thể có thể thực hiện được trách nhiệm bồi thường thiệt hại là phải có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bàn về vấn đề này em xin trình bày đề tài: “ Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng- một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Quyền nhân thân và quyền tài sản của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác luôn được pháp luật bảo vệ. Hệ thống pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam bao gồm nhiều ngành luật, mỗi ngành luật có vai trò khác nhau trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được pháp luật bảo vệ chủ thể gây thiệt hại có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lí bất lợi do hành vi của mình gây ra. Dưới góc độ pháp luật dân sự, hậu quả đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đề cập rất sớm trong hệ thống pháp luật của nước ta. Tuy nhiên, chỉ đến khi BLDS 1995 ra đời thì các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới được quy định một cách chi tiết. Tiếp đó, BLDS 2005 hoàn thiện hơn nữa các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều 604, BLDS 2005 quy định:
“ 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2.Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”.
Như vậy theo quy định tại Điều 604, BLDS 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có người có hành vi trái pháp luật có lỗi gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt nếu pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng phát sinh kể cả khi không có lỗi của người gây thiệt hại. Dưới góc độ khoa học pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được gọi là trách nhiệm nâng cao.
Từ đó có thể đưa ra khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý được phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi một chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bao giờ cũng được phát sinh trên cơ sở một hợp đồng có trước thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định đối với người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định chủ yếu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của các cá nhân và tổ chức khác.
2. Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn có những đặc điểm sau đây: do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp dụng, được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước….
- Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong BLDS ở Điều 307 và Chương XXI và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.
- Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng), có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (không phải là điều kiện bắt buộc). Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên điển hình là các trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.
- Về hậu quả: trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại thiệt hại cho người bị thiệt hại.
- Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp
đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Từ những đặc điểm trên ta có thể rút ra một số đặc điểm riêng của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
*Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
- Là một loại trách nhiệm pháp lý, bắt buộc phải thực hiện, các bên chỉ có thể thỏa thuận về mức bồi thường và hình thức bồi thường.
- Các bên có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
- Việc thực hiện nghĩa vụ trong bồi thường thiệt haij ngoài hợp đồng thông thường sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ.
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh ngay khi phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật mà không dựa trên cơ sở tự do thỏa thuận của các bên.
3. Ý nghĩa của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm khắc phục những hậu quả về tài sản, phục hồi lại tình trạng tài sản của người bị thiệt hại. Trong phạm vi của mình đảm bảo lợi ích của người bị thiệt hại. Giải quyết việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là áp dụng một biện pháp trách nhiệm dân sự, được thể hiện theo một bản án dân sự hay một quyết định dân sự trong một bản án hình sự về nguyên tắc thì thiệt hại phải được bồi thường một cách toàn bộ và kịp thời( Điều 606).
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những bất lợi về tài sản của người gây thiệt hại để bù đắp những thiệt hại mà họ đã gây ra cho chủ thể khác, đặc biệt đối với hành vi phạm tội với động cơ vụ lợi. Vì vậy trong pháp luật dân sự không thể coi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc áp dụng một biện pháp hình sự hay hình phạt phụ. Điều 34 Bộ luật hình sự quy định bồi thường thiệt hại là một trong các biện pháp tư pháp chứ không quy định nó trong danh mục hình phạt chính hay phụ.
II.Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, pháp luật có quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân. Việc quy định này là cần thiết vì cá nhân gây thiệt hại và việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai có ý nghĩa rất quan trọng. Nó để nhằm xác định rõ chủ thể nào có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại để quy trách nhiệm cho người đó và nó còn bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại.
Người gây thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào: cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước…. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào gây thiệt hại cũng có khả năng để thực hiện việc bồi thường. BLDS 2005 quy định trách nhiệm bồi thường trong nhiều trường hợp, tình huống cụ thể. Có trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do tài sản gây ra, có trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt phát sinh do hành vi của con người gây ra, có trường hợp người của pháp nhân, người của cơ quan nhà nước gây thiệt hại…Theo quy định việc bồi thường thiệt hại phải do người có “khả năng” bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không do chính họ thực hiện. BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
( Điều 606 BLDS) mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Bởi vậy, các chủ thể khác được coi là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Pháp luật căn cứ vào các điều kiện về độ tuổi và sự phát triển của trí tuệ, nhận thức, khả năng tạo lập tài sản của cá nhân để có cơ sở xác định trách nhiệm cá nhân khi gây thiệt hại cho người khác, thì trách nhiệm được thực hiện với những mức độ nào.
Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, BLDS quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân.
1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường từ đủ mười tám tuổi trở lên có đủ nưng lực hành vi dân sự.
Theo quy định của pháp luật thì người từ đủ mười tám tuổi là người đã thành niên. Điều 606 BLDSquy định như sau: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Theo quy định này thì người từ đủ mười tám tuổi trở lên có năng lực hành vi đầy đủ phải tự bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Điều này xuất phát từ “ khả năng” bằng hành vi của họ tự tạo ra quyền và thực hiện nghĩa vụ( Điều 19 BLDS) họ phải chịu trách nhiệm do hành vi bất hợp pháp của họ bằng tài sản của chính họ. Tuy nhiên, trong điều kiện này, nhiều người tuy có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng khả năng về tài sản của họ trên thực tế không có ( người mười tám tuổi không có bất cứ khoản thu nhập nào, họ không có tài sản riêng để bồi thường). Vì vây, khi quyết định bồi thường đối với những người này có thể động viên cha, mẹ bồi thường thay cho con em họ, nếu cha, mẹ tự nguyện bồi thường, thì ghi nhận sự tự nguyện đó mà không buộc cha, mẹ phải bồi thường.
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi.
Đối với những người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì luật quy định họ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Tức là áp dụng ngược lại với trường hợp trên lấy tài sản của con để bồi thường, cha mẹ chịu trách nhiệm bổ sung phần còn thiếu. Sở dĩ có quy định như vậy là phù hợp với tinh thần của Điều 20 BLDS 2005. Theo quy định này cá nhân có độ tuổi từ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi đã có năng lực hành vi dân sự nhưng không đầy đủ. Ở đây khả năng nhận thức của họ đã phát triển họ có thể tự mình thực hiện những giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của họ nên đương nhiên họ cũng sẽ có khả năng tự mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự nếu có tài sản. Họ đã có khả năng lao động và tạo ra thu nhập. Vì thế nên họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Việc quy định cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản của người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được hiểu là nghĩa vụ bổ sung.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi thì không bắt buộc phải có người giám hộ. Nếu như họ có người giám hộ thì theo khoản 3 Điều 606: khi người được giám hộ gây thiệt hại thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Trong trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì người giám hộ có trách nhiệm phải bồi thường nếu họ có lỗi.
3.Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự.
3.1. Cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
a. Đối với người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi.
Điều 18 BLDS quy định :“ người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Người dưới mười tám tuổi là những người không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi. Vì vậy, cha mẹ là người phải bồi thường thiệt hại do con em họ gây ra. Tuy nhiên, cách thức dùng tài sản để bồi thường được quy định đối với người chưa thành niên là khác nhau. Theo trên phân tích thì ta thấy đối với người chưa thành niên nhưng ở độ tuổi từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi thì việc quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường sẽ khác với người chưa thành niên nhưng dưới mười lăm tuổi. Cụ thể là do: Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự Điều 606 BLDS quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân đó.
Đối với trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi thì luật quy định : “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này”. Tức là cha, mẹ là người có nghĩa vụ bồi thường chính khi con mình dưới mười lăm tuổi mà gây thiệt hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 606 BLDS 2005 thì cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại trái pháp luật của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây ra. Ở trường hợp này người gây ra thiệt hại trực tiếp và chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khác nhau. Một cá nhân được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khi họ phải đủ mười tám tuổi và có khả năng nhận thức được hành vi của mình, không thuộc các trường hợp bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi( Điều 19, 20 BLDS). Từ đó suy ra những người dưới mười lăm tuổi là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm lý, chưa nhận thức đầy đủ hậu quả mà hành vi của mình gây ra. Chính vì thế cha, mẹ là người đại diện hợp pháp cho con chưa thành niên dưới mười lăm tuổi nên cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi gây thiệt hại của con. Nhưng pháp luật cũng quy định là trong trường hợp nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con dưới mười lăm tuổi có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường khoản còn thiếu.
Xét về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân thì con dưới mười lăm tuổi không phải là chủ thể có trách nhiệm phải thực hiện mà trách nhiệm bồi thường luôn trực tiếp thuộc về cha, mẹ. Trường hợp này không xét đến dấu hiệu lỗi. Việc lấy tài sản của người dưới mười lăm tuổi trực tiếp gây thiệt hại để bồi thường phần còn thiếu chỉ nhằm mục đích bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Cũng không có nghĩa là khi lấy tài sản của con để bồi thường phần còn thiếu thì trách nhiệm bồi thường được chuyển sang cho người con và không làm chấm dứt trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha, mẹ.
b. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự
Điều 18 BLDS quy định: người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và có có quyết định của Tòa tuyên bố họ bị mất năng lực hành vi dân sự. Những giao dịch dân sự liên quan đến người này đều do người đại diện xác lập, thực hiện. Vì thế cha, mẹ - người đại diện đương nhiên của họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi họ gây thiệt hại. Nếu người mất năng lực hành vi dân sự có tài sản riêng thì cha, mẹ cũng có quyền lấy tài sản riêng để bồi thường phần còn thiếu.
3.2 .Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người giám hộ.
a. Trường hợp người được giám hộ là người chưa thành niên gây thiệt hại
Khoản 3 Điều 606 quy định: “ Người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”. Người giám hộ là người trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ nên họ cũng phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý trong trường hợp người được giám hộ gây thiệt hại.
Trách nhiệm này chỉ đặt ra khi cha, mẹ của người gây thiệt hại không còn hoặc tuy cha, mẹ còn sống nhưng không đủ điều kiện làm người giám hộ cho con thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về anh cả hoặc chị cả đã thành niên có đủ điều kiện làm người giám hộ cho em chưa thành niên. Nếu anh cả và chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo đã thành niên đủ điều kiện phải làm giám hộ. T rong trường hợp người đó không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại phải là người giám hộ, nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì làm người giám hộ cho người chưa thành niên( Điều 62 BLDS)
Theo khoản 3 Điều 606 thì những kể trên nếu là người giám hộ thì có quyền được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại nếu người được giám hộ gây thiệt hại. Trường hợp người được giám hộ không có tài sản thì người giám hộ phải dùng tài sản của mình để bồi thường. Đây được coi là trách nhiệm bổ sung nếu người giám hộ có lỗi trong việc quản lí người được giám hộ để họ gây thiệt hại.
b. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự.
Nếu người mất năng lực hành vi dân sự do cha, mẹ chăm sóc, quản lí thì khi họ gây thiệt hại thì cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường.
Nếu người mất năng lực hành vi dân sự có người giám hộ thì theo quy định tại Điều 62 BLDS trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
+ Với người mất năng lực hành vi dân sự đã có vợ (hoặc chồng) thì người vợ( chồng) có đủ điều kiện là người giám hộ được lấy tài sản riêng của người đó để bồi thường. Nếu tài sản riêng của người đó không đủ để bồi thường thì lấy tài sản chung của vợ chồng đền bù sau đó mới lấy tài sản riêng của vợ(chồng) là người giám hộ để bồi thường phần còn thiếu nếu họ có lỗi trong việc quản lí người được giám hộ.
+Người được giám hộ là cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự còn người kia không có đủ điều kiện để giám hộ thì người con cả đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ …Trường hợp này người giám hộ được lấy tài sản của cha, mẹ để bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ thì người giám hộ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản riêng của mình nếu học có lỗi trong quản lý người được giám hộ.
+ Người đã thành niên bị mất năng lực hành vi dân sự đã có vợ, chồng, con nhưng vợ, chồng, con không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ. Cha, mẹ có quyền lấy tài sản của người giám hộ để bồi thường. Khi tài sản riêng của người được giám hộ và tài sản chung vợ chồng không đủ thì cha, mẹ mới phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu có lỗi.
3.3 Trường học, bệnh viện, tổ chức phải thực hiện bồi thường thiệt hại:
Điều 621 quy định: người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì trường học, bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Trường hợp này tuy người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi trực tiếp gây ra thiệt hại nhưng trách nhiệm bồi thường lại thuộc về những người có nghĩa vụ quản lí, nuôi dưỡng, giáo dục họ. Nhà trường, bệnh viện, tổ chức được coi là đã có lỗi khi không thực hiện tốt nghĩa vụ quản lí, giám sát để họ gây thiệt hại. Nếu như trường học, bệnh viện, tổ chức đó chứng mình được là mình không có lỗi trong quản lí thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải có trách nhiệm bồi thường.
4. Một số trường hợp riêng biệt về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
4.1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân là người của pháp nhân gây ra.
Theo quy định tại Điều 618 BLDS thì : “ Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao”. Theo đó thì chủ thể phải bồi thường trong trường hợp này là pháp nhân . Tuy nhiên, nếu thành viên của pháp nhân có lỗi khi gây thiệt hại thì pháp nhân có quyền yêu cầu thành viên này phải hoàn trả. Trường hợp này phát sinh năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân là người của pháp nhân. Theo quy định: “ nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Khi xác định trách nhiệm hoàn trả của các thành viên pháp nhân cần chú ý: điều luật chỉ quy định thành viên pháp nhân hoàn trả cho pháp nhân “ một khoản tiền theo quy định của pháp luật” (chứ không quy định hoàn trả toàn bộ số tiền mà pháp nhân đã bồi thường). Như vậy có thể thấy trách nhiệm bồi thường ở trường hợp này lại có phần khác. Các chủ thể cũng là cá nhân nhưng nếu là thành viên của pháp nhân có lỗi thì khi gây thiệt hại, pháp nhân là người đứng ra bồi thường và họ chỉ phải hoàn trả một khoản tiền chứ không phải là tất cả.
4.2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định tại Điều 23 BLDS 2005 người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người : “ nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình” và có quyết định của tòa tuyên bố người này bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Khi những người này tham gia vào giao dịch dân sự thì họ phải thông qua người đại diện trừ giao dịch liên quan đến nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của họ. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì luật vẫn quy định những người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu họ gây thiệt hại. Như vậy ta mặc nhiên cho rằng ngươi bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn phải trực tiếp chịu trách nhiệm bồi thường chứ không phải người đại diện cho họ.
III. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân.
1.Một số vướng mắc trên thực tế về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.
Thực tế cũng cho thấy rằng, việc pháp luật quy định bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại và dựa trên nguyên tắc bồi thường kịp thời. Nhưng nhiều trường hợp người bị thiệt hại vẫn không được nhận bồi thường và phải coi là chịu rủi ro vì yêu cầu bồi thường thiệt hại không được thực hiện.
1.1 Vướng mắc về việc bảo vệ lợi ích người bị thiệt hại:
Một là, đối với quy định người giám hộ: Theo quy định của Luật thì người chưa thành niên có người giám hộ nhưng người giám hộ lại chứng minh được họ không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của người giám hộ để bồi thường. Trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường vẫn thuộc về cha, mẹ của người được giám hộ nếu căn cứ xác lập quan hệ giám hộ là cha, mẹ của người được giám hộ bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên hoặc cha, mẹ chỉ định người giám hộ cho con chưa thành niên, con mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng trong trường hợp căn cứ xác định quan hệ giám hộ là người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự mà cũng không có người giám hộ hay người giám hộ hoàn toàn không có lỗi trong việc giám hộ, nếu người chưa thành niên gây thiệt hại thì ai sẽ là người bồi thường cho họ. Hiện nay pháp luật chưa đề cập đến vấn đề này. Như vậy thì người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường mà trong trường hợp này người này được coi là người bị thiệt hại chịu rủi ro vì yêu cầu bồi thường không thể thực hiện.
Hai là, tình huống: Alà người chưa thành niên dưới 15 tuổi có cha, mẹ nhưng cha, mẹ lại mất năng lực hành vi dân sự nên B là người giám hộ của A. Nếu A gây thiệt hại mà B lại được xác định là có lỗi trong việc quản lí A thì theo quy định B có quyền lấy tài sản của A ra để bồi thường cho người bị thiệt hại, nếu tài sản của A không đủ để bồi thường thì lấy tài sản của B để bồi thường phần còn thiếu. Nhưng vấn đề đặt ra là tại thời điểm đó cả A và B đều không có tài sản để bồi thường thì người bị thiệt hại phải chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên giả sử bố mẹ A trong trường hợp này mất năng lực hành vi dân sự nhưng lại được thừa kế một khoản tiền thì để bồi thường thiệt hại có được lấy số tiền này để bồi thường không? Đây là vấn đề mà pháp luật còn chưa xác định rõ. Và nếu như lấy tài sản đó để bồi thường thiệt hại nhằm khắc phục thiệt hại trước mắt thì sau đó B có phải hoàn trả lại số tiền đó không?
Ba là, còn nhiều quy định chưa bảo vệ thích đáng quyền lợi của người bị thiệt hại. Điều đó đi ngược lại với ý nghĩa của chế độ bồi thường thiệt hại là tăng khả năng cho người bị thiệt hại có thể được đền bù và khắc phục thiệt hại. Ví dụ: A và B( dưới 15 tuổi) cùng chịu sự quản lí của tổ chức C. Do tổ chức C quản lý và kỷ luật không tốt nên A và B đã đánh nhau. Một năm sau, B chết và theo kết luận của tổ chức giám định pháp y, nguyên nhân chết của B là do vết thương phát sinh từ việc đánh lộn giữa A và B. Trước khi B chết, tổ chức C không còn hoạt động và tồn tại nữa. Do vậy, gia đình B không thể yêu cầu tổ chức C bồi thường thiệt hại do lỗi của tổ chức C. Trong trường hợp này nếu không có quy định cho phép người bị thiệt hại yêu cầu cha, mẹ, người giám hộ của A bồi thường thiệt hại thì sẽ không bảo vệ được quyền lợi cho người bị thiệt hại là B hoặc gia đình B cho nên, bên cạnh việc cho phép người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường đối với trường học, bệnh viện, tổ chức khác nếu có lỗi trong việc quản lý thì có nên quy định cho họ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với cha, mẹ của người gây thiệt hại hay không?
1.2 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cá nhân là người mất năng lực hành vi dân sự gây ra.
Theo quy định của BLDS thì khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cha, mẹ (nếu cha, mẹ là người trực tiếp quản lý) hoặc người giám hộ khi họ có lỗi. Vấn đề đặt ra là nếu tại thời điểm gây thiệt hại người gây thiệt hại vẫn là người thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng khi bị kiện ra tòa đòi bồi thường thì họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự. Thì trong trường hợp này nếu áp dụng khoản 3 Điều 606 thì không đúng vì nó chỉ áp dụng trong trường hợp người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự tại thời điểm gây thiệt hại. Như vậy, trách nhiệm có đặt ra với người này hay không thì pháp luật chưa quy định rõ ràng. Theo quy định này thì người gây thiệt hại phải bồi thường nhưng đến thời điểm đó họ bị mất năng lực hành vi dân sự thì ai có trách nhiệm bồi thường? người đó hay người giám hộ của người đó?
1.3 Bồi thường thiệt hại của cá nhân là người chưa thành niên gây ra.
Đoạn 1 khoản 2 Điều 606 quy định: “ nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”. Việc quy định này dựa trên 2 yếu tố: tính cấp thiết của việc bồi thường là kịp thời và dựa vào trách nhiện giáo dục của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Ở đây có một vướng mắc trên thực tế mà luật chưa quy định rõ nên gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền xét xử. Để đảm bảo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời thì cha, mẹ của người chưa thành niên sẽ phải là người chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng nếu người gây thiệt hại đến tính mạng của người bị thiệt hại mà người bị thiệt hại đang là người phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 1 người khác thì cha, mẹ của người gây thiệt hại phải bồi thường khoản tiền đó, nhưng không coi việc bồi thường đó là thực hiện thay nghĩa vụ cấp dưỡng cho người bị thiệt hại về tính mạng. Nếu đến một lúc nào đó, người gây thiệt hại khi chưa thành niên nay đã thành niên và có tài sản, trong khi thời hạn bồi thường vẫn còn thì họ có phải thay cha, mẹ mình thực hiện nghĩa vụ bồi thường trong thời hạn còn lại hay không.
có hai ý kiến đối lập nhau về về vấn này. Thứ nhất ý kiến cho rằng cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ vì khi gây thiệt hại, người gây thiệt hại đang ở độ tuổi chưa thành niên dưới 15 tuổi nên pháp luật quy định cho họ không có năng lực trách nhiệm dân sự nên họ không phải bồi thường. Thứ hai, có ý kiến cho rằng người đó đã thành niên và có tài sản nên đương nhiên họ phải thay cha, mẹ chịu trách nhiệm bồi thường.
Nhận xét: tuy rằng người đó đã thành niên và có tài sản nhưng không có căn cứ pháp lý nào quy định họ phải thay cha, mẹ bồi thường nên theo thực tế thì ở trường hợp này cha, mẹ vẫn phải có nghĩa vụ bồi thường.
Tình huống: A có quen với B. Do có mâu thuẫn nên đã loan tin với mọi người đặt điều nói xấu B. Ngày 28/11/2009 lúc gặp B trên đường A trước mặt mọi người đã có những lời xúc phạm B, vì uất ức quá nên tối hôm đó B đã tự tử. Do được đưa đến bệnh viện mà B vẫn còn sống. Sự việc xảy ra tuy chưa gây ra hậu quả nhưng đối với việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm B trước chỗ đông người của A thì A phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả về mặt vật chất lẫn tinh thần cho B. B đề nghị gia đình anh A phải có trách nhiệm bồi thường về tổn thất tinh thần cho mình. Nhưng A lại chưa đủ tuổi theo quy định của BLDS nên theo đó cha, mẹ của A phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho B. B yêu cầu cha mẹ A phải công khai xin lỗi mình vì cho rằng A là “ trẻ con” và vì B làm công tác xã hội việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của B. Gia đình A lại cho rằng pháp luật chỉ quy định cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng một khoản tiền nên không phải công khai xin lỗi B. Vậy đối với sự việc này xử lí ra sao?
Nhận xét: BLDS chỉ quy định liên quan đến thiệt hại về tài sản. Nhưng trên thực tế thiệt hại xảy ra còn có thể là thiệt hại về danh dự, nhân phẩm,…. Pháp luật quy định trường hợp này bồi thường bằng cách cải chính và yêu cầu người vi phạm cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu người vi phạm xin lỗi, bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần. Điều cần lưu ý ở đây là đối với người chưa thành niên dưới 15 tuổi thì theo quy định họ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, việc bồi thường sẽ xử lí ra sao để bảo vệ lợi ích cho bên bị thiệt hại? BLDS hiện nay chưa quy định rõ về việc người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cha, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên gây thiệt hại phải công khai xin lỗi.
2.Về quy định của dự thảo luật dân sự về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Hiện nay Nhà nước đang tiến hành sửa đổi BLDS 2005, dự thảo BLDS mới đã thể hiện rõ những thay đổi để nhằm mục đích hoàn thiện hơn các quy định trên lĩnh vực dân sự nhưng còn một số vấn đề cần phải đóng góp bàn bạc điều chỉnh để dự thảo luật mới phù hợp hơn với thực tế. Sau đây là một số ý kiến về dự thảoBLDS mới về vấn đề năng lực chịu trách ngiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân:
Điều 593 của Dự thảo quy định các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
1 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có thiệt hại xảy ra;
b) Có hành vi trái pháp luật;
c) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra;
d) Người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý.
2 Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Đây là một sự khẳng định về mặt pháp lý đối với căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, theo một số ý kiến thì quy định như khoản 2 là chưa đủ để luận giải vì sao cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho con vị thành niên, vì sao pháp nhân phải bồi thường do người của tổ chức mình gây ra và nhiều trường hợp tương tự khác.
Nhận xét : Việc quy định cha mẹ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho con, pháp nhân phải chịu bồi thường thiệt hại cho người của pháp nhân gây ra không phải là dựa trên căn cứ quy định rằng các chủ thể này phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Thực chất, các chủ thể này phải bồi thường ngay cả khi không có hành vi gây thiệt hại do chính mình gây ra. Vì vậy, theo nhiều ý kiến thì để đảm bảo tính khái quát, Điều 593 nên quy định như sau: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây trừ trường hợp Bộ luật này hoặc pháp luật có liên quan quy định khác: a) Có thiệt hại xảy ra; b) Có hành vi trái pháp luật; c) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; d) Người gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý”.
Điều 595 Khoản 1 và Khoản 3 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại, thì phải tự bồi thường.
3. Khi người cha thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có cá nhân, tổ chức giám hộ, thì cá nhân, tổ chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường, thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ, thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.
Theo một số ý kiến nhận xét thì: Về mặt kỹ thuật lập pháp, quy định nêu trên chưa thống nhất, vì khoản 1 đã khẳng định rằng “(mọi) người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”, trong khi đó, khoản 3 lại quy định trường hợp bồi thường đối với người mất năng lực hành vi dân sự (bất kể ở độ tuổi nào, tức là bao gồm cả độ tuổi thành niên). Theo đó thì khoản 1 Điều 595 cần bổ sung như sau: “người từ đủ 18 tuổi trở lên và không bị mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”.
Điều 610 của Dự thảo quy định: Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian ở trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý:
1. Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý, thì bệnh viện, các tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra;
3 Trong các trường hợp trên, nếu trường học, bệnh viện, các tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi, thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Theo ý kiến nhận xét thì quy định tại Khoản 1 là chưa hợp lý. Đối với trường hợp này, cha mẹ và trường học cần phải chịu trách nhiệm liên đới vì trong thực tế, hầu hết các hành vi gây thiệt hại của các trẻ em trong thời gian học tập tại trường không đơn thuần là kết quả của quá trình giáo dục của riêng nhà trường, mà là sản phẩm của quá trình giáo dục của cả nhà trường và cha mẹ, trong đó, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Vì vậy, để tránh tình trạng phó thác việc giáo dục học sinh cho một bên, nên quy định nghĩa vụ liên đới của cha mẹ và nhà trường trừ các trường giáo dưỡng vì tính đặc thù về học viên trong loại hình trường này. Trên cơ sở đó, khoản 1, Điều 610 nên quy định theo hướng: Người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì cha mẹ và trường học có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại xảy ra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định tại khoản 3, Điều 595, người giám hộ không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được mình không có lỗi, khoản 3, Điều 610 quy định trường học, bệnh viện, tổ chức khác cũng không phải bồi thường nếu chứng minh mình không có lỗi, vậy nếu cả hai bên đều chứng minh được mình không có lỗi trong việc người mất năng lực hành vi hoặc người dưới 15 tuổi gây thiệt hại, thì ai sẽ là người bồi thường cho người bị thiệt hại?
Từ những quy định như trên ta có thể thấy còn nhiều bấp cập trên thực tế mà pháp luật chưa dự liệu được hết. Việc sửa đổi bổ sung Luật là rất cần thiết để làm sao với mỗi tình huống xảy ra đều có quy định của pháp luật điều chỉnh. Việc sửa đổi, bổ sung BLDS là một trong những yêu cầu bức thiết, thông qua việc tìm hiểu về dự thảo BLDS mới ta thấy còn nhiều điều cần phải xem xét sao cho BLDS mới phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.
Kiến nghị:
Thứ nhất, trên thực tế về việc bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại thì ta có thể thấy trong nhiều trường hợp người bị thiệt hại không được bồi thường bởi lẽ theo quy định của luật thì chưa xác định được ai là chủ thể bồi thường nên trường hợp này được coi là rủi ro mà người bị thiệt hại gánh chịu. Như vậy pháp luật nên quy định rõ trường hợp nào thì người bị thiệt hại không được bồi thường mà coi là rủi ro trong Luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc xét xử của Tòa án.
Thứ hai, quy định đối với pháp nhân phải bồi thường khi người của pháp nhân gây thiệt hại. Nhưng trong nhiều trường hợp khác nên có quy định bổ sung là người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bố, mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho con của họ khi tại thời điểm đó pháp nhân đã không còn hoạt động để bảo vệ lợi ích cho người bị thiệt hại.
Thứ ba, nên quy định rõ hơn về việc người bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm,… có quyền yêu cầu cha, mẹ của người chưa thành niên gây thiệt hại phải công khai xin lỗi, cải chính. Có nhiều ý kiến đề nghị nên bổ sung Điều 606 BLDS như sau: “ Nếu thiệt hại về tinh thần do người dưới 15 tuổi gây ra thì trách nhiệm công khai xin lỗi, cải chính thuộc về cha, mẹ hoặc người giám hộ nếu người giám hộ có lỗi”.
Thứ tư, bổ sung thêm quy định của Điều 606 BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân, cơ quan, tổ chức theo hướng công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng của pháp nhân gây ra thiệt hại thì phải trực tiếp bồi thường bằng tài sản của pháp nhân, cơ quan, tổ chức sau đó cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu người đó bồi hoàn khoản tiền đã bồi thường.
Thứ năm, Luật cũng nên quy định rõ trách nhiệm của người hạn chế năng lực hành vi dân sự nếu gây thiệt hại trong trường hợp họ không có tài sản để bồi thường thì người đại diện của họ có phải bồi thường không.
Thứ sáu, đối với trường hợp người gây thiệt hại đã thành niên có đủ năng lực hành vi dân sự nhưng sau khi gây thiệt hại khi bị kiện ra tòa lại bị mất năng lực hành vi dân sự thì trường hợp này Luật nên quy định rõ cha, mẹ phải bồi thường thiệt hại để nhằm bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Qua việc tìm hiểu về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cá nhân gây ra ta thấy: không phải bất cứ cá nhân nào khi gây thiệt hại cũng đều phải tự mình bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ thuộc về những người có đủ năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và phải có khả năng thực tế để tiến hành để bồi thường thiệt hại xảy ra. Quy định về vấn đề này cũng cho ta thấy pháp luật luôn coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Tuy rằng đã quy định khá chặt chẽ về vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải có hướng giải quyết trong thời gian tới. Đặc biệt khi đang có dự thảo sửa đổi BLDS 2005 để làm sao hoàn thiện hơn nữa vấn đề bồi thường thiệt hại nói chung và về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng. Trong quá trình tìm hiểu và tiếp cân đề tài trên chắc hẳn em sẽ không tránh khỏi những thiếu sót mong được sư góp ý của thầy, cô để giúp em hoàn thiện bài làm hơn. Em xin chân thành cảm ơn.
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập II , Nxb. CAND,
Hà Nội, 2007.
2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2 , Nxb.Giáo dục,
Hà Nội, 2009.
3. Bộ luật Dân sự 1995, 2005.
4. ThS. Nguyễn Minh Oanh, “ Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại
trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.
5. Nguyễn Minh Thư, luận văn thạc sĩ luật học “năng lực chịu trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
7. http:// vietnamese-law-consultancy.com
8. http:// thongtinphapluatdansu.wordpress.com
9.http:// www.tuvandautu.info
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cá nhân gây ra ngoài hợp đồng- thực tiễn và một số kiến nghị.doc