Đề tài Tìm hiểu về chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán, nhận xét và đề xuất pháp lý

LỜI MỞ ĐẦU Để đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành một cách an toàn, hiệu quả, công khai, công bằng, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường và duy trì được sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển hơn nữa thì mọi quan hệ phát sinh trên thị trường phải được pháp luật dự liệu hay nói cách khác, cần có sự can thiệp của pháp luật vào hoạt động của thị trường, nhất là các hành vi xâm hại đến quy tắc hoạt động của thị trường. Nhận rõ được vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế của đất nước, các nhà làm luật đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung và văn bản pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng, cũng như sửa đổi, bổ sung các văn bản cũ cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đã phù hợp với điều kiện thực tế chưa, chế tài đã đủ mạnh chưa? Để làm rõ vấn đề này tác giả đã mạnh dạn lựa chọn đề tài “Tìm hiểu về chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán, nhận xét và đề xuất pháp lý của nhóm” sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản nhất về vấn đề này. NỘI DUNG CHÍNH 1. Khái quát chung về chế tài áp dụng khi xử phạt vi phạm pháp luật chứng khoán Thông thường trong lĩnh vực chứng khoán, pháp luật các nước thường quy định các loại vi phạm pháp luật là: vi phạm hành chính, vi phạm dân sự và vi phạm hình sự. Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm và mức độ nguy hiểm của mỗi hành vi, chủ thể thực hiện sẽ bị xử lý hành chính, xử lý dân sự và xử lý hình sự.

doc14 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2725 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Tìm hiểu về chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán, nhận xét và đề xuất pháp lý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU Để đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành một cách an toàn, hiệu quả, công khai, công bằng, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường và duy trì được sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển hơn nữa thì mọi quan hệ phát sinh trên thị trường phải được pháp luật dự liệu hay nói cách khác, cần có sự can thiệp của pháp luật vào hoạt động của thị trường, nhất là các hành vi xâm hại đến quy tắc hoạt động của thị trường. Nhận rõ được vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế của đất nước, các nhà làm luật đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung và văn bản pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng, cũng như sửa đổi, bổ sung các văn bản cũ cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đã phù hợp với điều kiện thực tế chưa, chế tài đã đủ mạnh chưa? Để làm rõ vấn đề này tác giả đã mạnh dạn lựa chọn đề tài “Tìm hiểu về chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán, nhận xét và đề xuất pháp lý của nhóm” sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản nhất về vấn đề này. NỘI DUNG CHÍNH 1. Khái quát chung về chế tài áp dụng khi xử phạt vi phạm pháp luật chứng khoán Thông thường trong lĩnh vực chứng khoán, pháp luật các nước thường quy định các loại vi phạm pháp luật là: vi phạm hành chính, vi phạm dân sự và vi phạm hình sự. Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm và mức độ nguy hiểm của mỗi hành vi, chủ thể thực hiện sẽ bị xử lý hành chính, xử lý dân sự và xử lý hình sự. Xử lý hành chính thường được áp dụng bởi cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hình thức xử phạt chính thường được quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra còn áp dụng thêm một số hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy phép hành nghề; thu hồi, hủy bỏ giấy phép hoạt động của công ty; yêu cầu ngừng hoặc đình chỉ tư cách thành viên của Sở giao dịch hay Hiệp hội người giao dịch thị trường OTC; từ chối, đình chỉ hoặc rút đơn người đăng ký làm nhà môi giới giao dịch… Xử lý dân sự được đặt ra khi hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Trách nhiệm bồi thường và nộp tiền phạt là trách nhiệm đồng thời khi vi phạm. Nếu tài sản không đủ để thực hiện đồng thời hai loại trách nhiệm này thì thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự trước. Hình thức xử lý nghiêm khắc nhất được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán là xử lý hình sự. Mục đích của hình phạt được áp dụng cho loại tội phạm này không chỉ nhằm trừng phạt hoặc ngăn ngừa khả năng phạm tội hoặc tái phạm, mà quan trọng hơn là để thỏa mãn và tạo dựng lòng tin nơi công chúng đầu tư, những người mà quyền lợi rất đông trong số họ đã bị tổn hại do hành vi của một hoặc vài cá nhân gây nên. Do đó, hình phạt thường có tính chất cảnh cáo, răn đe với mức độ cao hơn những tội phạm cùng loại trong các lĩnh vực khác. Hình phạt tiền được coi là hình phạt hiệu quả và thiết thực nhất đối với các tội phạm trong lĩnh vực này, nên được pháp luật của hầu hết các nước coi là hình phạt chính với mức phạt rất cao. Trong một số trường hợp có thể áp dụng hình phạt tù hoặc cả hai. 2. Quy định của pháp luật về chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán 2.1. Các chế tài hành chính Các quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đều khẳng định: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán phải chịu một trong hai hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo và phạt tiền. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. 2.1.1. Hình thức cảnh cáo Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi có đủ hai điều kiện sau: Một là, hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện được văn bản pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo; Hai là, việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về chứng khoán chỉ được thực hiện khi đó là vi phạm nhỏ, lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ. Có thể nói, cảnh cáo là hình thức xử phạt mang tính giáo dục đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Khác với hình phạt cảnh cáo, đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không bị coi là có án tích và không bị ghi vào lý lịch tư pháp. 2.1.2. Hình thức phạt tiền Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 85/2010/NĐ-CP. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán nếu không thuộc trường hợp bị xử phạt cảnh cáo thì sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là mức trung bình của khung phạt tiền đối với hành vi đó. Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt có thể giảm thấp hơn nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung phạt tiền. Nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức phạt có thể tăng cao hơn nhưng không được tăng quá mức tối đa của khung phạt tiền. Đối với trường hợp vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng lẫn giảm nhẹ thì tùy theo tính chất, mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà người có thẩm quyền quyết định áp dụng mức phạt cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung hình phạt. 2.1.3. Hình thức xử phạt bổ sung Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: 1. Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; 2. Đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng; 3. Đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Những hình thức xử phạt bổ sung trên không được áp dụng một cách độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Quyết định xử phạt không nhất thiết phải do một người có thẩm quyền quyết định áp dụng và ghi nhận trong cùng một văn bản áp dụng hình thức xử phạt chính mà chúng có thể do các cấp khác nhau có thẩm quyền quyết định áp dụng và cố nhiên nó có thể được ghi nhận trong các văn bản áp dụng khác nhau. Ngoài việc bị áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như đã nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Các biện pháp này được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định 85/2010/NĐ-CP cho từng dạng hành vi vi phạm cụ thể. Ví dụ: tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng có hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng thì có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức chào bán chứng khoán mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư (khoản 5 Điều 7 Nghị định 85/2010/NĐ-CP). Công ty đại chúng có hành vi vi phạm quy định về hồ đăng ký công ty đại chúng thì có thể bị áp dụng một hoặc cả hai biện pháp khắc phục hậu quả sau: 1. buộc chấp hành đúng quy định về đăng ký công ty đại chúng; 2. buộc hủy bỏ, cải chính thông tin đối với trường hợp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng có thông tin sai lệch (khoản 4 Điều 9 Nghị định 85/2010/NĐ-CP)… 2.2. Các chế tài hình sự Cũng giống như pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới, Bộ luật hình sự Việt Nam quy định hai hình phạt chính áp dụng đối với cá nhân thực hiện tội phạm về chứng khoán là phạt tiền và phạt tù có thời hạn. Đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, Điều 181a Bộ luật hình sự quy định hai khung hình phạt: Khung cơ bản có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Khung tăng nặng có mức hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết sau: - Có tổ chức; - Thu lợi bất chính lớn; - Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; - Tái phạm nguy hiểm. Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán, Điều 181 b và Điều 181c Bộ luật hình sự đều quy định hai khung hình phạt: Khung cơ bản có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết như trên. Ngoài hình phạt chính, cá nhân thực hiện tội phạm về chứng khoán còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung là: - Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng; - Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc là công việc nhất định từ 1 đến 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. 2.3. Các chế tài dân sự Các vi phạm pháp luật dân sự trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chủ yếu liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Khi bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Trách nhiệm dân sự là một hình thức cưỡng chế của Nhà nước và do Tòa án áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại nhằm thỏa mãn quyền lợi chính đáng của người bị vi phạm, khắc phục những hậu quả vật chất cho người bị vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định trong luật chứng khoán không đồng nhất với luật dân sự cần được làm rõ để tránh vi phạm. Ví dụ như: khái niệm bảo lãnh phát hành trong luật chứng khoán với khái niệm bảo lãnh trong luật dân sự. Theo quy định tại khoản 22 Điều 6 thì “Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chúng”. Như vậy, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán chỉ có ý nghĩa là tổ chức bảo lãnh phát hành bao tiêu chứng khoán cho tổ chức phát hành, không bao hàm việc tổ chức bảo lãnh phát hành thực hiện các nghĩa vụ đối với người đầu tư thay cho tổ chức phát hành. Tuy nhiên, khái niệm bảo lãnh trong dân sự lại có ý nghĩa khác. Điều 361 Bộ luật dân sự quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ…”. Hay như trong quy định về hoạt động lưu ký chứng khoán, trước khi bán chứng khoán, nhà đầu tư phải tiến hành lưu ký chứng khoán đó tại thành viên lưu ký, sau đó thành viên lưu ký đem chứng khoán đó tái lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tạo cơ sở cho việc chuyển nhượng thông qua ghi sổ chứng khoán. Về mặt hình thức, mối quan hệ giữa nhà đầu tư với VSD là mối quan hệ hợp đồng gửi giữ chứng khoán, theo đó, VSD nhận bảo quản chứng khoán cho khách hàng và thu phí theo số lượng chứng khoán nhận bảo quản. Tuy nhiên, so với đặc điểm truyền thống của hợp đồng gửi giữ quy định tại Bộ luật dân sự, việc gửi giữ chứng khoán tại VSD có những điểm khác biệt. Điều 559 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ…”. Còn trong trường hợp lưu ký chứng khoán tại VSD, thì VSD không có nghĩa vụ trả lại chính chứng khoán đã được gửi giữ, mà chỉ phải trả lại các chứng chỉ chứng khoán với các quyền giống như các chứng khoán đã được lưu ký. Khách hàng gửi chứng khoán cũng không thể yêu cầu rút các chứng chỉ chứng khoán giống như chứng khoán mà mình đã lưu ký. 3. Thực tiễn thực hiện và một số nhận xét 3.1. Thực tiễn áp dụng các chế tài hành chính 3.1.1. Hình thức cảnh cáo Trong thực tiễn, hình thức cảnh cáo thường được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về báo cáo. Ví dụ: Ngày 16/06/2010, Chủ tịch UBCKNN ban hành Quyết định số 468/QĐ-UBCK quyết định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Nam Việt theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 33 Nghị định 36/2007/NĐ-CP, vì Công ty đã không gửi báo cáo tài chính năm 2009 tới UBCKNN trước ngày 31/3/2010, vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 43 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/04/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán; Ngày 16/6/2010, Chủ tịch UBCKNN ban hành các Quyết định số 470/QĐ-UBCK, số 471/QĐ-UBCK và số 472/QĐ-UBCK quyết định áp dụng phạt cảnh cáo đối với 3 công ty: Công ty cổ phần Than Hà Lầm, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh thiết bị y tế Việt Mỹ và Công ty cổ phần Đầu tư và vận tải dầu khí theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 33 Nghị định 36/2007/NĐ-CP, do 3 công ty này đã chậm nộp Báo cáo tài chính quý IV/2009 cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vi phạm quy định tại Điều 1.2 Mục IV Thông tư 38/2007/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (nay là thông tư 09/2010/TT-BTC) (Công ty cổ phần Than Hà Lầm nộp chậm 44 ngày, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh thiết bị y tế Việt Mỹ nộp chậm 42 ngày và Công ty cổ phần Đầu tư và vận tải dầu khí nộp chậm 56 ngày so với quy định). 3.1.2. Hình thức phạt tiền Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà mức phạt được áp dụng khác nhau đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Ví dụ: Ngày 16/3/2011, Chủ tịch UBCKNN ban hành Quyết định số 07/QĐ-TT quyết định phạt tiền 60 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Hà Phương (Địa chỉ: 110 Ngô Quyền, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 23 Nghị định 85/2010/NĐ-CP, vì ngày 18/10/2010, bà Nguyễn Thị Hà Phương mua 62.000 cổ phiếu KBT làm số lượng cổ phiếu nắm giữ tăng lên 135.400 cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 5,8%) và trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Gạch ngói Kiên Giang (mã CK: KBT) nhưng không báo cáo UBCKNN, HNX; từ ngày 19/10/2010 đến ngày 17/11/2010 bà Phương đã thực hiện mua 34.000 cổ phiếu KBT và bán 40.000 cổ phiếu KBT nhưng không báo cáo trước khi giao dịch và kết quả sau khi giao dịch với UBCKNN, HNX theo quy định. Hành vi của bà Phương đã vi phạm quy định tại Điểm 4.1 Mục 4 Phần II và Điểm 4.2, 4.3 Mục 4 Phần IV Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/1/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Ngày 14/3/2011, Chánh Thanh tra UBCKNN ký Quyết định số 06/QĐ-TT quyết định phạt tiền 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thiên Hóa (Địa chỉ: 81 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định 85/2010/NĐ-CP, vì ngày 1/10/2010, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thiên Hóa là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (mã CK: SED), đã giao dịch mua 115.200 cổ phiếu SED trong khi HNX công bố thông tin về giao dịch với thời gian dự kiến từ ngày 4/10/2010. Hành vi của Công ty đã vi phạm quy định tại Điểm 4.2 Mục 4 Phần IV Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/1/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư 09/2010/TT-BTC). Từ ngày 7/10/2010 đến ngày 19/10/2010, Công ty tiếp tục giao dịch mua 81.100 cổ phiếu SED và làm tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ thay đổi vượt quá 1% nhưng không báo cáo UBCKNN và HNX về thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn, vi phạm quy định tại Điểm 4.2 Mục 4 Phần II Thông tư 09/2010/TT-BTC. 3.2. Thực tiễn áp dụng các chế tài hình sự Từ sau khi Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2010), lần đầu tiên, một đối tượng bị khởi tố, điều tra bởi một trong 3 tội danh về chứng khoán quy định trong Bộ luật hình sự, sự kiện này được coi như một "tiếng động" nhấn mạnh rằng, Bộ luật hình sự phần các tội phạm chứng khoán đã chính thức được áp dụng trên thực tế. Tháng 11/2010, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông về hành vi thao túng giá chứng khoán. Theo điều tra ban đầu, thời gian gần đây, ông Dũng và Công ty Dược Viễn Đông tiến hành thâu tóm Dược Hà Tây, giá cổ phiếu của cả 2 doanh nghiệp đều biến động mạnh. Theo số liệu của UBCKNN, tại thời điểm ngày 21/6/2010, tổng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DHT của Dược Viễn Đông và ông Lê Văn Dũng là 18,74%. Nếu tính thêm cổ phần mà Công ty Đầu tư Y tế Medi (cổ đông lớn của DVD), thì lượng cổ phần tại Dược Hà Tây mà nhóm cổ đông này nắm giữ là 22,12%. Đến ngày 22/6, Dược Viễn Đông lại tiến hành mua thêm 270.700 cổ phiếu DHT. Sau vụ mua bán này, tổng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DVD và ông Lê Văn Dũng là 25,3% (tính cả Medi là 28,68%). Theo quy định hiện hành, đây là giao dịch phải thực hiện chào mua công khai (cổ phần nắm giữ của cổ đông vượt quá 25% vốn điều lệ), thế nhưng giao dịch lại được phía Dược Viễn Đông im lặng thực hiện thay vì tiến hành chào mua công khai. Hiện, hành vi thao túng giá chứng khoán của ông Dũng đang được Cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đây chỉ là vụ việc được hình sự hóa đầu tiên trong vô vàn vi phạm. Còn từ trước đến nay, hầu hết các vụ việc thao túng, làm giá trên thị trường chứng khoán khi bị phát giác mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Điển hình như vụ bà Nguyễn Thị Kim Phượng (cổ đông lớn của Công ty cổ phần Vận tải Xi măng - mã cổ phiếu VTV) chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV trong 5 phiên liên tiếp, khiến cổ phiếu VTV đã tăng kịch trần. Sau đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội phát hiện bà Phượng không mua mà đã bán hết 557.800 cổ phiếu (chiếm 8,5% số cổ phiếu VTV mà bà này đang sở hữu). Hành động vi phạm quy định công bố thông tin này đã giúp bà Phượng thu lợi tới cả chục tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính 170 triệu đồng. 3.3. Nhận xét của nhóm về các chế tài xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán 3.3.1. Đối với các chế tài hành chính - Về mức xử phạt vi phạm hành chính trong TTCK,trong thời gian qua rất nhiều hành vi thao túng thị trường hay giao dịch gian lận chứng khoán nhưng chỉ bị xử lý rất nhẹ, không tạo được lòng tin cho các NĐT. Việc ra đời Nghị định 85/2010/NĐ-CP đã tạo ra điểm nhấn quan trọng cho TTCK Việt nam là tăng cường mức độ xử phạt đối với những hành vi gian lận trong chứng khoán và thao túng thị trường. Các mức phạt hành chính đã được tăng lên một cách đáng kể. Nghị định quy định mức phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất là 70 triệu đồng đối với tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ (trước đây chỉ phạt tối đa đến 20 triệu đồng đối với hành vi tương tự). - Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật (trước đây chỉ phạt tối đa đến 50 triệu đồng đối với hành vi tương tự). - Riêng đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa đáp ứng đủ điều kiện hoặc chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật quy định hoặc thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định thì có thể bị phạt tới 300 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng giúp tạo ra một hành lang pháp lý sẽ chặt chẽ hơn, cụ thể hóa hơn các hành vi vi phạm và việc giám sát thị trường được tăng cường,tính “răn đe” vì thế cũng lớn hơn, nhất là với những hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay như vi phạm về chào bán chứng khoán và thao túng giá chứng khoán. Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành hoặc có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn và sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế. - Việc cưỡng chế được thực hiện dưới hình thức khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; kê biên phần tài sản, chứng khoán có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác để tịch thu khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do hành vi vi phạm hành chính; đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán; đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề chứng khoán. - Với những mức phạt cụ thể này, tính răn đe của pháp luật đã được đề cao hơn, hạn chế được các rủi ro và vi phạm mà những hoạt động giao dịch chứng khoán gây ra thao túng thị trường. Tuy nhiên, trong Nghị định 85 vẫn còn tồn tại những quy định mập mờ và chưa rõ ràng như viêc khi chấp hành quyết định xử phạt, doanh nghiệp phải xác định cá nhân có lỗi gây ra vị phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính của người đó theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay thì việc xác định trách nhiệm cá nhân này vẫn chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc nếu có thì cũng lại chỉ ... phạt hành chính. - Thị trường chứng khoán là thị trường đầu tư vô cùng phức tạp và không hề dễ dàng trong việc quản lý. Thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cao cho cả nền kinh tế. Một khi thị trường chứng khoán suy thoái sẽ kéo theo sự sụp đổ của các công ty, ảnh hưởng trực tiếp tới từng người dân trong xã hội. Chính vì vậy mà để quản lý chặt chẽ hơn thị trường này, trong tương lai, pháp luật chứng khoán cần đẩy mạnh việc ban hành ra những chính sách, văn bản pháp luật thiết thực hơn nữa. 3.3.2. Đối với các chế tài hình sự Bất kỳ một điều luật nào cũng vậy, nó chỉ có tính khả thi cao khi xác định được đặc trưng của tội danh rõ ràng. Nghiên cứu kỹ các quy định tại Điều 181a, 181b và 181c Bộ luật hình sự cho thấy nhiều nội dung còn trừu tượng mà hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, để làm rõ tính chất, cũng như mức độ nghiêm trọng của các tội phạm về chứng khoán. Cụ thể, rất khó xác định như thế nào được coi là phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hay như quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 181c: người nào “lôi kéo người khác liên tục mua bán chứng khoán” gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Với quy định này, cơ quan điều tra gần như “bó tay” trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh một người nào đó có hành vi lôi kéo người khác liên tục mua, bán chứng khoán, bởi khái niệm “liên tục” ở đây được hiểu là 1 tháng, 3 tháng hay 5 tháng; đầu tuần mua, bán, giữa tuần mới mua, bán tiếp có được hiểu là liên tục không, hay là giao dịch liên tiếp các phiên trong tuần mới bị coi là mua, bán liên tục; mua, bán một hay nhiều mã chứng khoán?… Hơn nữa, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với nhau và với các bộ, ngành liên quan, nhất là với Bộ Tài chính, UBCKNN còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, nên hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế. 4. Một số đề xuất pháp lý hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán Nguyên nhân chính của việc vi phạm pháp luật là do chế tài pháp luật chưa đủ mạnh, nếu bị phạt thì quyền lợi không bị ảnh hưởng nhiều đã dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Vì vậy, theo chúng tôi giải pháp trước mắt cần phải thực hiện là. Một là: Hệ thống pháp lý hiện hành chưa phân định rõ các loại tội danh, kèm theo chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trên TTCK. Ranh giới phân định giữa vi phạm hình sự và dân sự cũng chưa rõ ràng. Việc hình sự hóa các vi phạm dân sự dễ gây tác dụng ngược, bởi với một số hành vi vi phạm, nếu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thì có tác dụng răn đe kịp thời, trong khi xử lý hình sự tốn nhiều thời gian điều tra, nhưng nếu đi đến kết luận không có tội thì tác dụng răn đe rất hạn chế. Vì vậy, cần nhanh chóng làm rõ những dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán mà BLHS sửa đổi, bổ sung vừa mới đưa vào. Đồng thời cũng nên bổ sung thêm một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khóan là tội phạm để có cơ chế xử lý khi những hành vi này được thực hiện. Hai là, xây dựng và ban hành các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhằm cụ thể hóa các hành vi vi phạm chưa đến mức phải truy cứu TNHS trong lĩnh vực này một cách đầy đủ hơn, trong đó cần tăng nặng chế tài xử lý, nhất là phạt tiền, để nâng cao mức độ răn đe và ngăn chặn loại tội phạm này. Từ 10/5/2011, Thông tư số 37/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ chính thức có hiệu lực. Hy vọng đây sẽ là hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần tăng cường và tính “răn đe” việc giám sát thị trường. Ba là, nên trao quyền điều tra cho UBCKNN. Đây cũng là cách làm của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ như pháp luật Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán Hòa kỳ (SEC) có quyền điều tra các hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho các chủ thể kinh doanh chứng khoán khác. Sau đó SEC có thể gửi Bộ Tư pháp kết quả điều tra làm căn cứ và đề xuất lên Bộ Tư pháp truy tố tội phạm đối với bị can. Hiện nay, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, UBCKNN không có quyền điều tra các hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra hoặc trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm có dấu hiệu tội phạm, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu tội phạm, UBCKNN phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Quy định này có nhiều hạn chế. Bởi lẽ, Cơ quan điều tra không am hiểu lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, từ đó gây khó khăn trong quá trình điều tra. Còn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, UBCKNN có cơ sở dữ liệu về thị trường rất tốt, cùng đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu về nghiệp vụ hoạt động của thị trường chứng khoán, nên chắc chắn sẽ điều tra các hành vi vi phạm hiệu quả hơn so với các cơ quan khác. Chính vì vậy, cần sớm ghi nhận quyền điều tra các vi phạm hình sự cho UBCKNN, để từ đó xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm cũng như không hình sự hóa các vi phạm chứng khoán. Bốn là, UBCKNN cần xây dựng cơ chế phối hợp chính thức giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Công an để hợp tác và trao đổi thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.  Cơ quan quản lý này tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó chú trọng kiểm tra định kỳ về an toàn tài chính và khả năng thanh toán của các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán có vốn góp từ ngân hàng, các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm, đánh giá tình trạng tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán nhằm hỗ trợ công tác tái cơ cấu các công ty chứng khoán và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, UBCKNN tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ các công ty quản lý quỹ, tập trung thanh tra kiểm tra về giám sát tuân thủ, quản lý tài sản của khách hàng nhằm nhăn ngừa xung đột lợi ích, bảo vệ tài sản của khách hàng.  Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cụ thể: - Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật. - Nâng cao hiệu quả các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật về chứng khoán. Khi có sự hiểu biết về pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán, công chúng đầu tư sẽ tích cực, chủ động tham gia thị trường, mặt khác, phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia thị trường. Để làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán, cần phải cải tiến công tác này với nhiều hình thức như, tổ chức các lớp tập huấn cho các lãnh đạo, người quản lý các công ty và đặc biệt là cách nhận biết các hành vi vi phạm để tránh việc các công ty, người có liên quan vi phạm do vô ý, thiếu hiểu biết. KẾT LUẬN Xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán là một trong những công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo cho hoạt động thị trường chứng khoán được ổn định, có hiệu quả, công bằng, công khai, tăng cường và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. Bên cạnh làm tốt công tác thi hành luật thì hoàn thiện pháp luật về các chế tài xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán cho phù hợp với điều kiện thực tế là vấn đề cũng không kém phần quan trọng./. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Nguyễn Hồng Đương, “Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán ở nước ta hiện nay – thực trạng và giải pháp”, Khóa luận tốt nghiệp, Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Kiều Giang, Hà Nội, 2009. Nguyễn Ngọc Lương, “Vi phạm, xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Người hướng dẫn: TS. Phạm Thị Giang Thu, Hà Nội, 2005. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Chứng khoán, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 2, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009. PGS. TS. Nguyễn Văn Động, Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Giáo dục, 2008. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “Công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán nhìn lại năm 2010 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011” , Tạp chí Chứng khoán Việt Nam số 147+148, tháng 1+2/2011. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “Công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và các biện pháp hạn chế phòng ngừa vi phạm”, Tạp chí Chứng khoán Việt Nam số 141, tháng 7/2010. Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về XPVPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm” , Tạp chí Chứng khoán Việt Nam số 143, tháng 9/2010. TS. Nguyễn Thế Thọ - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “Pháp luật chứng khoán trong mối quan hệ với pháp luật hình sự”, Tạp chí Tài chính số 4/2005. TS. Nguyễn Thế Thọ - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, “Pháp luật về chứng khoán và pháp luật dân sự trong sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tạp chí Tài chính số 2/2005. Bộ luật dân sự năm 2005. Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Luật Chứng khoán năm 2006. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định số 161/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông tư số 130/2004/TT-BTC ngày 29/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 161/2004/NĐCP ngày 07/9/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông tư số 37/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Thông tư liên tịch số 46/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 11/03/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Quy chế Đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 87/2007/QĐ-BTC ngày 22/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 43/2010/TT-BTC).

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTìm hiểu về chế tài áp dụng khi xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán, nhận xét và đề xuất pháp lý.doc