Phần mở đầu
Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là hai tác giả lớn của văn học trung đại Việt Nam. Sáng tác của họ đã góp hương sắc, làm phong phú cho vườn hoa văn học. Người ta đã từng biết đến một Xuân Hương- "bà chúa thơ Nôm" với những vần thơ như muốn đào xới, lật tung khuôn khổ của thơ ca cũng như của xã hội phong kiến; một Tú Xương- "bậc thần thơ thánh chữ" với những bài thơ vừa hiện thực, vừa trữ tình. Và người ta đã từng thừa nhận sức sống lâu bền của hai tác giả trong lòng công chúng không chỉ bởi do sách vở mà còn do nó sống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ những người trí thức đến những người bình dân đều có thể nhớ và thuộc thơ họ một cách dễ dàng. Phải chăng thơ của hai tác giả này giản dị, gần gũi với đời sống hay do có một mạch ngầm từ thơ ca dân gian đã thấm vào từng vần thơ của họ. Có lẽ là do cả hai. Chính điều này đã gợi ý cho người viết chọn đề tài: "Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh".
.
I. Mục đích, ý nghĩa của đề tài .
II. Lịch sử vấn đề .
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
IV. Phương pháp nghiên cứu .
V Cấu trúc của luận văn
Phần nội dung
Chương I: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương qua đề tài
I. Giới thuyết một số khái niệm .
1. Yếu tố dân gian- văn hoá dân gian- văn học dân gian .
2. Yếu tố dân gian về phương diện nội dung và phương diện hình thức
II. Thống kê, phân loại
1. Những bài thơ có đề tài dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương .
2. Những bài thơ có đề tài dân gian trong thơ Trần Tế Xương
.
III. Phân tích và nhận xét .
1. Đề tài trong thơ Hồ Xuân Hương .
2. Đề tài trong thơ Trần Tế Xương .
* Nhận xét
.
Chương II: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương qua hình tượng nghệ thuật .
I. Thống kê, phân loại
1. Những hình tượng đậm chất dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
2. Những hình tượng đậm chất dân gian trong thơ Trần Tế Xương
.
II. Phân tích và nhận xét .
1. Hình tượng nghệ thuật trong thơ Hồ Xuân Hương
a. Mô típ hình tượng từ văn học dân gian, văn hoá dân gian
b. Mô típ hình tượng mang tính phồn thực
2. Hình tượng nghệ thuật trong thơ Trần Tế Xương
a. Hình tượng nghệ thuật từ văn học dân gian, văn hoá dân gian
b. Hình tượng nghệ thuật từ hiện thực cuộc sống
* Nhận xét
Chương III: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương qua ngôn ngữ nghệ thuật
I. Thống kê, phân loại
1. Ngôn ngữ dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
2. Ngôn ngữ dân gian trong thơ Trần Tế Xương
II. Phân tích và nhận xét .
1. Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ của Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương .
a. Trong thơ Hồ Xuân Hương
b. Trong thơ Trần Tế Xương .
* Nhận xét
.
2. Ngôn ngữ đời sống trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương .
a. Cách nói lái
b. Từ tục tiếng chửi
c. Khẩu ngữ
* Nhận xét
Phần kết luận
1. Khái quát lại những vấn đề nghiên cứu và kết quả nghiên cứu
2. Hướng phát triển của đề tài
109 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 16466 | Lượt tải: 7
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hưng mắt nhìn trăng hoa, nhìn phụ nữ thì vẫn còn tinh lắm, có lèm nhèm cũng là giả vờ đó thôi. Đúng là "tình yêu không có tuổi" đối với những lão già chửa biết khem cái "miếng phong tình" như thế!
Xã hội kiểu Tây ta lẫn lộn đã làm thay đổi những chuẩn mực văn hoá truyền thống, làm cho một số người trở thành những kẻ "cổ cong mặt lệnh", chẳng còn biết đạo đức và nhân phẩm là gì, hơn thế nữa, nó còn sản sinh ra những con buôn trục lợi theo kiểu lừa đảo. Tú Xương đã vạch ra một số thủ đoạn của bọn chúng:
Nước buôn như chị mới ăn người
Chị thấy ai ru chị cũng cười
(Gái buôn II)
Rồi thì xảo quyệt, lấy nhan sắc của mình ra để câu khách, lợi dụng sự mê muội của lũ người háo sắc mà mua rẻ, bán đắt:
Ai đấy ai ơi khéo hợm mình
Giầu thì ai trọng khó ai khinh
Thằng Ngô mất gánh, say câu chuyện
Chú lái nghiêng thoi, mắc giọng tình
(Gái buôn I)
Lợi dụng để vơ vét của cải của người khác, con buôn đã lộ rõ bộ mặt của kẻ tham tiền và xảo quyệt. Tú Xương không ưa gì loại người cơ hội này, ông lên tiếng phê phán cái kiểu "ăn người" của chúng.
Còn rất nhiều chân dung của những kẻ thị dân khác, nào là một anh kiệt nay lại chơi hoang, nào là những kẻ "keo cú như cứt sắt'', quanh năm chỉ "rặt thở chuyện hơi đồng".... Như thế hình tượng người thị dân được khắc hoạ trong thơ Tú Xương khá đậm nét. Đó là những kẻ với vẻ ngoài a dua "theo giọng tỉnh" hết sức lố bịch, tính cách bên trong thì tha hoá đủ đường: Tham lam, keo kiệt, giỏi lừa đảo, đặc biệt giỏi "chung chạ". Tú Xương quan sát và phản ánh chân thực hình ảnh của bọn chúng, kèm một thái độ coi thường, khinh bỉ.
Hình tượng kẻ thị dân là một hình tượng mới mẻ so với văn học dân gian và thơ Hồ Xuân Hương, chỉ trong xã hội Tú Xương mới xuất hiện. Nhưng nó đã gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc, bởi qua đó ta có thể hiểu rõ thêm về bức tranh xã hội đương thời.
Thế giới hình tượng trong thơ Tú Xương thật sinh động. Tác giả vừa tiếp nối những mô típ hình tượng của văn học dân gian vừa có những sáng tạo riêng của mình. Với hai hình tượng nghệ thuật tiêu biểu: hình tượng quan lại và hình tượng kẻ thị dân ông đã giúp cho chúng ta hình dung ra được bộ mặt của xã hội đương thời: Quan lại thì tham lam ngu dốt, người dân thì biến chất, tha hoá. Đó chính là sản phẩm của xã hội nửa Tây nửa ta cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Qua việc tìm hiểu hệ thống hình tượng trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương người viết rút ra những nhận xét như sau:
* Nhận xét
Điểm giống nhau là cả hai nhà thơ đều tiếp thu những mô típ hình tượng vốn là tiêu biểu trong văn học và văn hoá dân gian: hình tượng người phụ nữ, hình tượng miếng trầu, hình tượng quan lại.... Họ cùng đứng trên quan điểm của nhân dân để đánh giá cũng như thể hiện thái độ với những nhân vật được biểu hiện. Họ yêu mến những người có phẩm chất tốt đẹp nhưng kém may mắn, họ phê phán những kẻ xấu xa, tham lam, quỷ quyệt. Nhưng bên cạnh đó họ vẫn có những sáng tạo riêng, độc đáo, thể hiện được cá tính và phong cách của mình. Là một nữ sĩ, Hồ Xuân Hương chú ý khắc hoạ hình tượng người phụ nữ với những vẻ đẹp vừa giống những cô gái trong thơ ca dân gian, vừa có những nét riêng của cá tính và sự phá cách. Không phải là vẻ đẹp nhu mì mà đó là vẻ đẹp mạnh mẽ, sẵn sàng nổi loạn để giành lại hạnh phúc, quyền sống cho chính mình. Với những hình tượng nghệ thuật mang tính phồn thực, bà đưa vào thơ với mật độ dầy đặc để truyền tải được tinh thần của tín ngưỡng dân gian là cầu sự sinh nở, no đủ . Nó không hề là tục, bởi nó kêu gọi con người hãy trở về với cuộc sống tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tự nhiên. Nó là bài ca ca ngợi sự sống, đề cao quyền lợi chính đáng của con người. Hồ Xuân Hương tiếp thu những biểu tượng gốc trong tín ngưỡng phồn thực nhưng bên cạnh đó bà còn sáng tạo ra những biểu tượng riêng của mình, thể hiện tài năng của nữ sĩ.
Với Tú Xương, tiếp thu mạch thơ ca trào phúng trong dân gian, ông dựng lên chân dung của bọn quan lại phong kiến với đủ hình dạng, tính cách xấu xa. Bên cạnh đó, ông còn sáng tạo ra một hình tượng nghệ thuật khá độc đáo là hình tượng kẻ thị dân- hình tượng khá mới mẻ trong văn học. Tài năng và phong cách của hai nhà thơ giúp cho họ tiếp thu dân gian nhưng vẫn có những sáng tạo mới mẻ riêng, lồng vào đó tinh thần riêng của thời đại mình.
Điểm khác nhau trong cách xây dựng hình tượng giữa Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là ở mức độ chân thực và sống động. Nếu như trong thơ Hồ Xuân Hương hình tượng nghệ thuật còn ít nhiều mang tính tượng trưng, trừu tượng thì trong thơ Tú Xương nó là những hình tượng sống động của cuộc sống hàng ngày. Với chất hiện thực đậm nét, đọc thơ ta như được gặp những con người thực với đầy đủ tên tuổi, quê quán, tính cách. Điều này có thể là do nguyên nhân thời đại. Tú Xương sống trong một xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến với những xáo trộn mãnh liệt làm tha hoá những giá trị truyền thống tốt đẹp nên thơ ông là tiếng nói tố cáo và phản kháng. Chất trào phúng trong thơ ông được thể hiện rõ nét. Để trào phúng ông phải dựng lên được những chân dung điển hình. Chính những bức chân dung ấy làm thơ ông hiện thực hơn, đời thường hơn.
Cùng tiếp thu những mô típ hình tượng của văn học và văn hoá dân gian nhưng cách xử lí và tái tạo lại của mỗi nhà thơ là khác nhau, mang dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ. Nếu Hồ Xuân Hương nghiêng về những hình tượng mang ý nghĩa văn hoá và tôn giáo thì Tú Xương lại chú ý tới những hình ảnh hiện thực sống động hàng ngày. Nếu trong thơ Hồ Xuân Hương hình tượng luôn là những biểu tượng đa nghĩa thì trong thơ Tú Xương nó khá trực tiếp, dễ hiểu... Chính những điểm giống và khác nhau trong cách tiếp thu những mô típ hình tượng mang tính dân gian này đã cho thấy tài năng, phong cách của từng nghệ sĩ. Một lần nữa cho ta hiểu rằng ở những nghệ sĩ lớn bao giờ thơ họ cũng thấm nhuần tinh thần dân tộc, thấm nhuần những giá trị văn hoá truyền thống. Thơ họ có sức sống mãi với thời gian là vì thế.
Chương III: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương qua ngôn ngữ nghệ thuật
I. Thống kê phân loại
1. Ngôn ngữ dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
- Ngôn ngữ văn học dân gian
+Thành ngữ, tục ngữ, ca dao:
. Thả nạ dòng dòng: ( Đố ai dám thả nạ dòng dòng)
. Bẩy nổi ba chìm: ( Bẩy nổi ba chìm với nước non)
. Xanh như lá, bạc như vôi: (Đừng xanh như lá bạc như vôi)
. Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
(Không có nhưng mà có mới ngoan)
. Năm thì mười hoạ: ( Năm thì mười hoạ hay chăng chớ)
. Một tháng đôi lần: ( Một tháng đôi lần có cũng không)
. Cố đấm ăn xôi: ( Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm)
. Làm mướn không công: (Cầm bằng làm mướn, mướn không công)
. Đứt đuôi con nòng nọc: ( Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé)
. Đố ngoàm: ( Một đố giương ra biết mấy ngoàm)
. Hiền nhân quân tử: (Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo)
- Ngôn ngữ đời sống:
+ Cách nói lái:
. Đáo nơi neo: ( Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo)
. Lộn lèo: - ( Kìa cái diều ai nó lộn lèo)
- ( Trái gió cho nên phải lộn lèo)
. Đếm lại đeo: (Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo)
+ Từ tục, tiếng chửi
. Chém cha: ( Chém cha cái kiếp lấy chồng chung)
.Thây cha: ( Rúc rích thây cha con chuột nhắt)
. Mặc mẹ: (Vo ve mặc mẹ cái ong bầu)
. Bá ngọ: ( Bá ngọ con ong bé cái nhầm)
. Cha kiếp: (Cha kiếp đường tu sao lắt léo)
+ Khẩu ngữ:
. Ngay thăm thẳm : (Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông)
.Tốt thanh thơi :( Giếng tốt thanh thơi giếng lạ lùng)
.Trắng phau phau: (Cầu trắng phau phau đôi ván ghép)
.Trong leo lẻo: (Nước trong leo lẻo một dòng thông)
. Lún phún leo: ( Cỏ gà lún phún leo quanh mép)
. Le te lách: (Cá diếc le te lách giữa dòng)
. Đập tung: ( Ngày vắng đập tung dăm bẩy chiếc)
. Đánh lộn: ( Đêm thanh đánh lộn một đôi hồi)
. Nắng cực: ( Đang cơn nắng cực chửa mưa tè)
. Mưa tè: (Đang cơn nắng cực chửa mưa tè)
. Vắt ve: ( Nhấp nhổm bên nghềnh đít vắt ve)
. Đầy phè: (Dạng hang một lúc đã đầy phè)
.Trắng phau: ( Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau)
. Tá: ( Chơi xuân có biết xuân chăng tá?)
. Khóc tì ti: (Thương chồng nên nỗi khóc tì ti.)
. Bò lổm ngổm: (Bố cu lổm ngổm bò trên bụng)
. Khóc hu hơ: ( Thằng bé hu hơ khóc dưới hông)
. Nhỉ: (Thân này ví biết dường này nhỉ?)
. Nhé: (Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé)
. Ôi: (Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!)
. Duyên mõn mòn: ( Sau giận vì duyên để mõn mòn)
. Tá: ( Chơi xuân có biết xuân chăng tá?)
. Già tom: ( Thân này đâu đã chịu già tom)
. Xiên ngang: ( Xiên ngang mặt đất rêu từng đám)
. Đâm toạc: ( Đâm toạc chân mây đá mấy hòn)
. Tý con con: (Mảnh tình san sẻ tý con con)
. Chút tẻo tèo teo: (Vị gì một chút tẻo tèo teo)
. Trọc lốc: ( Đầu thì trọc lốc áo không tà)
. Nhắn nhe: (Đã bấy lâu nay luống nhắn nhe)
. Già giặn: ( Đá kia còn biết xuân già giặn)
. Vắng teo: (Quán Sứ đâu mà cảnh vắng teo)
. Sáng banh: ( Sáng banh không kẻ khua tang mít)
. Trưa trật: ( Trưa trật nào ai móc kẽ rêu)
. Lỗ hỏm hòm hom: ( Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom)
. Chân xọc: (Người quen cõi phật chen chân xọc)
. Mắt dòm: (Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm)
. Dở dom: (Rõ khéo trời già đến dở dom)
. Trơ toen hoẻn: (Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn)
. Vỗ phập phòm: (Luồng gió thông reo vỗ phập phòm)
. Rơi lõm bõm: ( Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm)
. Tối om om: (Con đường vô ngạn tối om om)
. Khua lắc cắc: (Gió giật sườn non khua lắc cắc)
. Vỗ long bong: (Sóng dồn mặt nước vỗ long bong)
. Đỏ loét: (Cửa non đỏ loét tùm hum nóc)
. Xanh rì: (Hòn đá xanh rì lún phún rêu)
. Gió thốc: (Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc)
. Xanh um: (Xanh um cổ thụ tròn xoe tán)
. Tròn xoe: (Xanh um cổ thụ tròn xoe tán)
. Trắng xoá: (Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ)
. Phẳng lặng tờ: (Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ)
. Ô hay: ( Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ?)
. Chín mõm mòm: ( Một trái trăng thu chín mõm mòm)
. Đỏ lòm lom: ( Nảy vừng quế đỏ lòm lom)
. Chửa: ( Đang cơn nắng cực chửa mưa tè)
2. Ngôn ngữ dân gian trong thơ Trần Tế Xương
_ Ngôn ngữ văn học dân gian
+ Thành ngữ, tục ngữ, ca dao
. Tam khoanh: ( Rượu chè trai gái đủ tam khoanh)
. Đi sớm về trưa: ( Lấy gì đi sớm về trưa với tình)
. Lặn lội thân cò: (Lặn lội thân cò khi quãng vắng)
. Một duyên hai nợ: ( Một duyên hai nợ âu đành phận)
. Năm nắng mười mưa: ( Năm nắng mười mưa dám quản công)
. Tiếng có miếng không: ( Tiếng có miếng không gặp chăng hay chớ)
. Buôn chín bán mười: ( Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười)
. Cửa cao nhà rộng: (Ông tu tác cửa cao nhà rộng phó mặc tay dâu)
. Bia đá bảng vàng: ( Anh lăm le bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ)
. Đá chảy vàng trôi: (Dạo này đá chảy với vàng trôi)
. Ăn ốc: ( Kìa ai ăn ốc đà khôn chửa)
. Đền gà: ( Để tớ đền gà có hại không)
. Tiền liền khúc ruột: (Thì cứ bao nhiêu liền khúc ruột)
. Chim khôn đậu nóc nhà quan
Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng
Chim khôn sao khéo đỗ nhà quan
. Nợ như chúa Chổm: Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm
. Lắm mối tối nằm không: (Em giận thân em chửa có chồng
Ngày năm bẩy mối tối nằm không)
. ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên: (ép dầu,ép mỡ, duyên ai ép
Có mắn may ra đã bế bồng)
. Đắt như tôm tươi: (Đắt hàng như thể mớ tôm tươi)
. Thả vỏ quýt, ăn mắm ngấu: ( Thả quýt nhiều anh mong mắm ngấu)
. Cắm sào sâu khó nhổ: ( Cắm sào sâu quá nên thêm khổ)
. Già néo đứt dây: (Néo chặt dây vào hoá phải lo)
. Cái cò lặn lội bờ sông: ( Con cò lặn lội bờ sông, rủ rỉ nuôi con mà hoá thực)
. Bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu:
( Ông bám ông ăn đứa trọc đầu
Đầu không có tóc bám vào đâu)
. Gà phải cáo: (Sĩ khí rụt rè gà phải cáo)
. Cố đấm ăn xôi: (Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi)
. Sinh năm đẻ bẩy: (Nó lại mừng nhau sự lắm con
Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn)
. Đất sỏi chạch vàng: (Đất nọ vẫn thường hay có trạch
Bể kia cũng có lúc trồng dâu)
. Tứ đốm tam khoanh: (Cũng có lúc chơi liều chơi lĩnh tứ đốm tam
khoanh)
. Con nhà lính tính nhà quan: ( Nhà lính tính quan: ăn rặt những thịt
quay, lạp xường)
.Đất lề quê thói: ( Đất lề quê thói: Chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc,
ngoài hiên cũng cánh xếp, mành mành)
. Được voi đòi tiên: (Được voi tấp tểnh lại đòi tiên)
. Trói voi bỏ rọ: (Ai trói voi bỏ rọ)
. Lợn cạo ngôi: (Đời nào lợn cạo ngôi)
. Trẻ vui nhà, già vui chùa: ( Trẻ vui nhà ,già vui chùa, xem tượng
mới tô chuông mới đúc)
. Giầu ở làng, sang ở nước: ( Giầu ở làng sang ở nước, này người là
của ngãi là duyên)
. Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người tri kỉ có buồn hay không
Cá buồn cá lội thung thăng
Người buồn người biết dãi dằng cùng ai
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
_ Ngôn ngữ đời sống
+ Cách nói lái:
1. Váo đèo: ( Thôi thôi xin kiếu cô từ đấy
Chiêu đãi thì tôi cũng váo đèo)
2. Tử cù: ( Bỡn thì xin trả ngay cho tớ
Chẳng trả thì xơi cái tử cù)
+ Từ tục , tiếng chửi:
. Cha mẹ ( Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không)
. Thây mẹ: (Từ rày thây mẹ viên quan hội
Thi khảo làm chi nó chửi ông)
. Đ. mẹ : ( Đ. Mẹ thằng ông biết chữ gì)
. Đù cha, đù mẹ: ( Đù cha, đù mẹ đứa riêng ai)
. Cha thằng hoắng: ( Tìm hươu chẳng thấy cha thằng hoắng)
. Mẹ cái lầm: (Xấu hổ khen chê mẹ cái lầm)
. Bá ngọ mày: ( Thôi đừng điếu tráp nghênh ngang nữa
Thằng tiểu Phù Long bá ngọ mày)
. Gớm ghê cho những cô con gái: ( Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy)
. Cha kiếp: (Cha kiếp sinh ra phận má hồng
Khéo thay một nỗi lấy chồng chung)
. Nhẵn trôn: (Người sao rặt những phường thâm móng
Trời để chơi khăm đứa nhẵn trôn)
. Cái đồ: ( Cử Thăng, huấn Mỹ, tú Tây Hồ
Ba đứa chung nhau một cái đồ)
. Thua bạc nhà đi với mẹ nhà: (Thua bạc nhà đi với mẹ nhà)
. Tế đổi làm Cao mà chó thế: (Chó đổi thành Cao mà chó thế
Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ơi)
. Cha thằng nào có tiếc không cho: ( Người đói ta đây cũng chẳng no
Cha thằng nào có tiếc không cho)
+ Khẩu ngữ
. Con bu nó: ( Vuốt râu nịnh vợ con bu nó)
. Con mụ: ( Tiền bạc phó cho con mụ kiếm)
. Nhồi: ( Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng)
. Nằm trơ trơ: (Anh dậy, em vẫn còn nằm trơ trơ)
. Nhẵn nhụi: (Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo)
. Trắng trẻo: (Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo)
. Chết quách: ( Chết quách yên mồ sống càng nặng nợ)
. Nốc rượu: (Ông nốc rượu vào ông nói ngông)
. Nước nôi: (Bây giờ lo cả nước cùng nôi)
. Lọ là: ( Lọ là nuôi cá với trồng cau)
. Rặt một màu: (Cờ bạc rong chơi rặt một màu)
. Từ rày: ( Từ rày thây mẹ viên quan hội)
. Mốc thếch: (Trông ông mốc thếch như trăn gió)
. Hay ghê gớm: ( Câu văn Hán, Tống hay ghê gớm)
. Thuộc cháo chan: (Quyển truyện Phan Trần thuộc cháo chan)
. Già lụ khụ: (Lúc về già lụ khụ mới chơi xuân)
. Nhà tẻo tèo teo: ( Nhà tẻo tèo teo lại gác chồng)
. Nói bi bô: (Khách dăm ba kẻ bi bô nói)
. Ngấp ghé trông: (Gái một vài cô ngấp ghé trông)
. Tậu quách: ( Có phải nhà thuê ông tậu qúách)
. Quái thay: (Quái thay bà về gìa cũng còn lẩn thẩn)
. Đi đẩu đi đâu:
. Ngày tết ngày tung:
. Buồn rĩ buồn rầu:
( Ông đi đẩu đi đâu, đến sáng ngày mai ngày tết ngày tung, buồn rĩ
buồn rầu không yếm đỏ)
. Khóc lăn khóc lóc:
. Mất cướp mất bóc:
. Khó sao khó vậy:
( Cha khóc lăn khóc lóc, qua bữa nọ mất cướp mất bóc, khó sao khó
vậy thực hồi đen)
. Ô hay: ( Ô hay trời chẳng nể ông Tây)
. Tục tằn: (Chị Nguyệt dung chi đứa tục tằn)
. Gớm gan: ( Gớm gan cho những cô con gái)
. Kiết cú: ( Kiết cú như ta cũng rượu chè)
. Thôi thế thì thôi: (Thôi thế thì thôi đành tết khác)
. Xin kiếu: (Thôi thôi xin kiếu cô từ đấy)
. Mới tẻo teo: ( Rước được cô đào mới tẻo teo)
. Sự ỳ èo: ( Rác tai đà lắm sự ỳ èo)
. Nhắn nhe: (Nhắn nhe chốn ấy tìm nơi khác)
. Chết bỏ bu:( Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu)
. Quách: (Thà rằng bạn quách với sư xong)
. Trọc tếch: ( Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ)
. Tròn xoe: ( Hai ả tròn xoe đứng múa bông)
. Chết tươi: (Nào ngờ già dễ văn hay, làm cho thị táo chết tươi, bác
Tiền Hải cũng trong môn hộ)
. Chửa: ( Tiền chửa vào tay đã hết rồi)
. Quách: (Biết thân thửa ấy đi làm quách)
. Đen rưng rức: (Xanh đồng thắng lại đen rưng rức)
. Béo thực thà: (áo đụp bò ra béo thực thà)
. Chí cha chí chát: ( Chí cha chí chát khua giầy dép)
. Đen thủi đen thui: ( Đen thủi đen thui cũng lượt là)
. Nhỉ: (Hôm nay rỗi rãi buồn tình nhỉ)
. Mẹ đĩ: (No ấm chưa qua vành mẹ đĩ)
. Cha cu: (Đỗ dành may khỏi tiếng cha cu)
. Đỗ đành: (Đỗ dành may khỏi tiếng cha cu)
. Tập tành: (Chọn ngày lễ bái. Mở cửa tập tành)
. Thầy bậy thầy bạ: ( Sao dám khinh mình thầy đâu thầy bậy thầy bạ)
. Cô lốc cô lô: (Chẳng biết trọng đạo, cô gì cô lốc cô lô)
. Con bu nó: (Đường con bu nó một năm một)
. Hỡi trời ôi: ( Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ôi!)
. Ô hay: ( Ô hay hương vận vẫn chưa hồi)
. Chết bỏ đời: (Trời dậy thì bay chết bỏ đời)
. Đêm nảo đêm nao: ( Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn)
. Quách: ( Ngủ quách sự đời thay kẻ thức)
. Rách rưới: (Một tuồng rách rưới con như bố)
. Quách: (Gần chùa gần cảnh ta tu quách)
. Tếch: (Chẳng sang Tầu cũng tếch sang Tây)
II. Phân tích và nhận xét
Trong các tác giả thời trung đại, Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là hai nhà thơ có mức độ dân gian hoá cao nhất. Thơ của họ quen thuộc, được truyền miệng như ca dao, dân ca. Điều này không chỉ do nội dung thơ thấm nhuần tinh thần dân tộc mà còn do hình thức ngôn ngữ bình dị, mộc mạc, gắn liền với ngôn ngữ văn học dân gian và ngôn ngữ đời sống của người lao động hàng ngày.
1. Ngôn ngữ văn học dân gian
Ngôn ngữ văn học dân gian (thành ngữ, tục ngữ, ca dao) là một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Nó giúp biểu hiện trí tuệ, tâm hồn dân tộc cũng như thổi vào những sáng tác thơ văn bác học tinh thần bình dị, mộc mạc và dân dã. Từ xa xưa, cha ông ta đã có ý thức tìm về với ngôn ngữ văn học dân gian nhưng việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ này là cả một qúa trình. Nhìn chung trong sự phát triển của Đường luật Nôm, bộ phận ngôn ngữ văn học dân gian ngày càng được gia tăng về số lượng. Theo như tác giả Lã Nhâm Thìn nếu trong "Quốc âm thi tập" một câu thơ có thành ngữ, tục ngữ /79,5 câu thơ, đến Hồ Xuân Hương tỉ lệ này là 1/26,8 và đến Tú Xương là 1/ 57,5. Hồ Xuân Hương và Tú Xương là hai nhà thơ sử dụng ngôn ngữ văn học dân gian ở mức độ cao nhất. Chúng ta sẽ tìm hiểu hệ thống ngôn ngữ này ở từng nhà thơ để thấy được sự độc đáo, tài năng của từng tác giả.
a. Thơ Hồ Xuân Hương
Trong các tác giả thơ Nôm Đường luật Hồ Xuân Hương là người sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao với tỉ lệ cao nhất. Chính vì thế mà bà được gọi là "thi sĩ bình dân" hay "thi sĩ của dân gian". Xuân Hương đã làm cho những câu thơ của mình duyên dáng, ý nhị hơn, hàm súc cô đọng hơn, bình dị dân dã hơn nhờ những yếu tố ngôn ngữ đó. Khác với nữ sĩ cùng thời Bà Huyện Thanh Quan, Xuân Hương không hay dùng những ngôn ngữ mang tính chất trang trọng, tôn nghiêm, bà thích được hoà nhịp vào hơi thở của thơ ca dân gian bằng những ngôn từ giản dị, bằng những thành ngữ, tục ngữ được bà gia công lại và thổi hồn mình vào. Ta bắt gặp những "Thân em..." mềm mại và dịu dàng như trong những câu ca dao nhưng đằng sau nó vẫn là một cá tính gai góc Xuân Hương. Ta bắt gặp những thành ngữ, tục ngữ vốn quen thuộc nhưng vào thơ Xuân Hương lại mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Xuân Hương hay sử dụng thành ngữ hơn so với tục ngữ. Bởi bà là người thích sáng tạo mà tục ngữ lại là những câu có cấu trúc khép kín về nghĩa. Còn thành ngữ là một cấu trúc nghĩa mở. Cái ý không trọn vẹn trong thành ngữ bà có thể làm nó trọn vẹn theo tính chất chủ quan của mình. Chính vì vậy những thành ngữ bình thường vốn mang một nét nghĩa khác nhưng khi vào thơ Xuân Hương nó lại truyền tải một thông điệp hoàn toàn mới mẻ. Ví như những thành ngữ: "Thăm ván bán thuyền", "làm mướn không công" vốn là để chỉ hoạt động kinh tế, những thành ngữ "bạc như vôi", "nòng nọc đứt đuôi", "cố đấm ăn xôi"... vốn là để chỉ hoạt động ứng xử nhưng khi vào thơ Xuân Hương nó đều chỉ chứa một chức năng thể hiện duyên phận của người phụ nữ:
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi
( Mời trầu)
ấy ai thăm ván cam lòng vậy
Ngán nỗi ôm thuyền những tấp tênh
( Tự tình I )
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công
( Làm lẽ )
Đó là nét độc đáo trong sử dụng thành ngữ của Xuân Hương. Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ bà không chỉ góp phần biểu đạt trí tụê Việt Nam mà còn góp phần biểu đạt tình cảm, tâm hồn dân tộc. Nó không chỉ mang những ý nghĩa khô cứng, mà dạt dào tình ý của Xuân Hương. So sánh cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương với các tác giả thời trước ta sẽ thấy rõ sự khác biệt. Hãy đọc một số câu thơ có sử dụng thành ngữ của Nguyễn Trãi:
Chẳng ngừa nhỏ âu nên lớn
Nếu có sâu thì bỏ canh
(Bảo kính cảnh giới - số 9)
ở bầu thì dáng ắt nên tròn
(Bảo kính cảnh giới - số 21)
Hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ
Rút dây lại lệ động rừng chăng
(Bạch Vân quốc ngữ thi tập - bài 89)
Rõ ràng việc sử dụng những thành ngữ, tục ngữ chủ yếu nhằm thực hiện chức năng triết lí và giáo huấn, mang ý nghĩa khách quan, không chứa đựng tình cảm riêng tư của tác giả. Xuân Hương thì khác. Thành ngữ trong thơ bà in đậm nét cái tôi cá nhân. Bà truyền tình cảm, cảm xúc của mình vào trong những thành ngữ vốn khô khan đó. Ví như trong câu "Đừng xanh như lá bạc như vôi', chỉ thêm một chữ "đừng" mà đã diễn tả hết được tâm tình, ước nguyện riêng tư của nữ sĩ. Nó làm cho câu thơ tha thiết và mang nặng cảm xúc Xuân Hương.
Một điểm khác nhau nữa là nếu các tác giả trước Xuân Hương chủ yếu sử dụng thành ngữ, tục ngữ thì đến Xuân Hương, bóng dáng của những câu ca dao đã xuất hiện trong thơ bà. Ví như trong câu thơ ngắn gọn: "Không có, nhưng mà có, mới ngoan" để bà bão chữa cho những nạn nhân nhẹ dạ cả tin, có lẽ là sự tiếp thu tinh thần của hai câu ca dao quen thuộc:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
Hay như trong cách xưng hô, bà đã học từ ca dao cái mô típ "Thân em..." quen thuộc:
Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó sù sì múi nó dầy
(Quả mít)
Tuy vậy nhưng tinh thần của bài thơ thật mới mẻ. Nó giúp cho người đọc hiểu được cá tính mạnh mẽ của Xuân Hương.
Sự trở về với ngôn ngữ văn học dân gian làm cho thơ Xuân Hương bình dị và gần gũi biết bao. Sự trở về ấy cũng cho thấy tài năng của nữ sĩ. Bà đã thổi hồn mình vào những thành ngữ, tục ngữ quen thuộc, đem đến cho nó một ý nghĩa biểu tượng hoàn toàn mới mẻ. Bà lồng vào trong những ngôn ngữ bình dân ấy cả tâm tư, tình cảm của mình, khiến cho nó thật giầu sức gợi. Đó chính là điểm độc đáo của Xuân Hương so với các tác giả thời trước bà. Học tập ngôn ngữ văn học dân gian, đổi mới và sáng tạo nó, Xuân Hương đã làm giầu đẹp thêm vốn ngôn ngữ của dân tộc.
b. Thơ Trần Tế Xương
Cũng giống như Hồ Xuân Hương, để thể hiện những đề tài mang đậm chất dân gian Trần Tế Xương đã tìm về với ngôn ngữ văn học dân gian giầu sức gợi. Ông sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao với mật độ khá cao, chính vì thế nhiều câu thơ của ông như tiếng nói bình dị của người dân lao động cất lên trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Chẳng còn gianh giới phân biệt giữa thơ văn bình dân và bác học nữa. Như trong bài thơ "Thương vợ":
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
(Thương vợ)
"Thân cò" là một hình ảnh biểu tượng giầu sức gợi từng xuất hiện rất nhiều trong ca dao. Đi kèm với nó là những thành ngữ: "Một duyên hai nợ", "năm nắng mười mưa", "lặn lội thân cò", giúp ta hình dung ra hình ảnh tảo tần của bà Tú. Với việc sử dụng chất liệu dân gian, những câu của Tú Xương trở nên bình dị, ngọt ngào, sâu lắng. Nó đi vào lòng người nhẹ nhàng như lời ru về cánh cò của mẹ.
Viết về người vợ đảm đang bao giờ Tú Xương cũng dùng thứ ngôn ngữ giản dị nhưng lắng sâu, biểu cảm như thế. Trong bài "Văn tế sống vợ" ông viết:
Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không gặp chăng hay chớ
....
Đầu sông bãi bến đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng vụng lẽ chào rơi nói thợ
(Văn tế sống vợ)
Những thành ngữ được vận dụng khéo léo trong bài thơ giúp gợi ra hình ảnh bà Tú- một người phụ nữ Việt Nam đảm đang nhân hậu, giầu lòng yêu thương.
Không chỉ dành viết về bà Tú mà trong nhiều trường hợp những chất liệu ngôn ngữ dân gian còn giúp ông tái hiện chính xác hiện thực xã hội đương thời với những cảnh hết sức lố lăng, ô hợp. Ví như cảnh quan hệ giữa mẹ vợ và chàng rể:
Ai về nhắn bảo việc này cho
Nhắn bảo ai rằng việc nhỡ to
Chép miệng bà nuôi to cái dại
Phờ râu ông rể ẵm con so
Cắm sào sâu quá nên thêm khổ
Néo chặt dây vào phải hoá lo
(Mẹ vợ với chàng rể)
Sử dụng hai thành ngữ "cắm sào sâu khó nhổ", "già néo đứt dây", Tú Xương đã diễn tả được chuyện xảy ra giữa mẹ vợ và chàng rể khiến hai người đó phải dở khóc, dở cười.
Phê phán kẻ bợm già Tú Xương mượn ý của câu thành ngữ "Nợ như chúa Chổm":
Thầy thầy tớ tớ phố xênh xang
Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng
Kiện hết sở tuần vô sở uý
Khi thì thầy số lúc thầy lang
Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm
Phong lưu đài các giống ông hoàng
(Bợm già)
Hoá ra kẻ lên mặt phong lưu, thầy thầy tớ tớ phố xênh xang như thế chỉ là một kẻ bợm già với những món nợ đeo nặng như chúa Chổm. Chỉ bằng một hình ảnh thơ, Tú Xương đã lột mặt thật của kẻ mà thoáng trông qua "ngỡ cóc vàng".
Nói tới sự suy đồi của đạo học trong buổi " Đạo học ngày nay đã chán rồi", cũng như sĩ khí rụt rè của tầng lớp nhà nho Tú Xương dùng những thành ngữ thật chính xác và biểu cảm:
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ
Trình có ông tiên thứ chỉ tôi
( Than đạo học )
Khí tiết của người trí thức nho sĩ suy yếu đến như con gà trước mặt con cáo. Văn bài thi ở trường thì nói liều theo ý quan trường, miễn đỗ là được, bất chấp cả lương tâm đạo nghĩa! Sự suy đồi của đạo học cũng là sự suy đồi của cả một xã hội đương thời- cái xã hội mà người ta "vứt bút lông đi viết bút chì", mong muốn được đi làm thầy phán để "Sớm rượu sâm banh sáng sữa bò". Xã hội ấy đang diễn ra bao cảnh nhốn nháo, ô hợp khiến Tú Xương và những người còn lương tâm, phẩm giá không khỏi bực mình, ngao ngán.
Phê phán sự xảo quyệt trong phẩm chất con buôn, thương hại sự ngờ nghệch của những kẻ vì háo sắc, ưa ngọt mà mắc lừa, Tú Xương đã mượn câu thành ngữ : "Thả vỏ quýt, ăn mắm ngấu" để diễn tả:
Nước buôn như chị mới ăn người
Chị thấy ai ru chị cũng cười
...
Thả quýt nhiều anh ăn mắm ngấu
Lên rừng mà hỏi chú đười ươi
( Gái buôn II )
Những kẻ khờ tưởng như chịu thiệt thòi một chút thì sẽ lấy được lòng của ả gái buôn như thả vỏ quýt sẽ làm cho mắm nhanh ngấu nhưng nào có biết rằng mình đã bị mắc lừa như chú đười ươi ở trên rừng. Thật đáng thương thay cho những anh chàng khờ khạo!
Như vậy cũng giống như Hồ Xuân Hương, thành ngữ, tục ngữ trong thơ Tú Xương được vận dụng hết sức linh hoạt và khéo léo. Nó không phải là những câu giáo huấn luân lí hay đạo đức nữa mà đã được Tú Xương biến hoá thành những hình ảnh giầu sức gợi. Nó giúp gợi lên những vấn đề của hiện thực xã hội đương thời cũng như giúp Tú Xương bày tỏ được thái độ và quan điểm của mình.
Không chỉ sử dụng thành công tục ngữ, thành ngữ, Tú Xương còn rất tài tình trong việc đưa vào thơ những hình ảnh quen thuộc trong ca dao cũng như âm hưởng ngọt ngào mà sâu lắng của nó. Ví như trong bài thơ " Đêm hè" ta thấy rõ sự ảnh hưởng của ý và tình từ ca dao. Ca dao viết:
Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người tri kỉ có buồn hay không
Cá buồn cá lội thung thăng
Người buồn người biết dãi dằng cùng ai
Và đến Tú Xương :
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông
Khăn khăn áo áo thêm rày chuyện
Bút bút nghiêng nghiêng khéo giở tuồng
Ngủ quách sự đời thây kẻ thức
Chùa đâu chú trọc đã hồi chuông
( Đêm hè )
Vẫn là cái đêm với nỗi niềm của một người không ngủ. Nhưng nếu ca dao nguyên cớ của nỗi buồn là do chớp bể với mưa nguồn thì với Tú Xương, cái buồn đến tự trong lòng, tràn ra từ cõi lòng mà không phải ngoại cảnh tác động. Nếu trong ca dao là nỗi niềm nhớ thương, tương tư của trai gái thì ở Tú Xương là nỗi lòng của kẻ đau xót trước thói đời, muốn thay đổi mà đành bất lực. Muốn nhắm mắt làm ngơ, muốn ngủ quách sự đời nhưng nào có được. Tấm lòng ấy cứ thao thức, cứ buồn bã suốt đêm dài.
Một số bài thơ khác của Tú Xương có ngôn ngữ và âm hưởng của ca dao đậm nét đến mức nếu không đề tên tác giả, người đọc có thể lẫn đó là những sáng tác dân gian. Như bài " Hoá ra dưa":
ước gì anh hoá ra dưa
Để cho em rửa nước mưa chậu đồng
ước gì anh hoá ra hồng
Để cho người bế người bồng trên tay
( Hoá ra dưa )
Giúp ta liên tưởng đến câu ca dao quen thuộc:
ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi
Hoặc trong bài "áo bông che bạn" ta cũng thấy sự kết hợp hài hoà giữa ngôn ngữ của ca dao với ngôn ngữ của nhà thơ:
Ai ơi còn nhớ ai không?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có tiếc ai đâu
áo bông ai ướt khăn đầu ai khô
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình
Non non, nước nước, tình tình
Vì ai lận đận, cho mình ngẩn ngơ
(áo bông che bạn)
Có thể nói, ngôn ngữ ca dao và âm hưởng của câu thơ lục bát ngọt ngào đã làm tăng màu sắc trữ tình cho thơ Tú Xương. Bên cạnh những bài thơ đầy tính hiện thực, mang giá trị phê phán, tố cáo, những câu thơ trong trẻo và mát lành như thế thật đáng yêu biết bao. Nó như những dòng nước mát giữa cái oi bức, ngột ngạt của mùa hè.
*Nhận xét:
Qua kết quả thống kê, phân loại và sự phân tích bên trên có thể nhận thấy Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đều sử dụng rất nhiều ngôn ngữ văn học dân gian. Sự giống nhau ở họ là vận dụng vốn ngôn ngữ tinh hoa của dân tộc ấy một cách sáng tạo: Có khi họ đan cài thêm một số yếu tố ngôn ngữ vào những thành ngữ quen thuộc, có khi lại tạo ra một ngữ cảnh, dẫn đến một cách hiểu mới, một ý nghĩa mới cho thành ngữ. Những thành ngữ, tục ngữ trong thơ họ không chỉ đơn thuần là công cụ của tư duy, giữ chức năng triết lý và giáo huấn nữa mà con là những phương tiện để thể hiện tình cảm, làm chức năng biểu đạt tâm trạng.
Sự trở về với ngôn ngữ văn học dân gian là một cách rút ngắn khoảng cách giữa thơ văn bác học và bình dân, giúp cho những bài thơ bề ngoài có vẻ Đường thi sang trọng nhưng bên trong lại giản dị đến không ngờ. Thơ Hồ Xuân Hương và Tú Xương đã đến được với nhân dân lao động chính bởi những yếu tố hình thức đậm tính dân tộc ấy.
Cùng kế thừa tinh hoa ngôn ngữ dân tộc nhưng cách vận dụng của hai nhà thơ là khác nhau. Nếu như trong thơ Hồ Xuân Hương bà chủ yếu vận dụng thành ngữ bởi thành ngữ là một cấu trúc mở về mặt nghĩa, cái ý không trọn vẹn trong thành ngữ, bà có thể làm cho nó trở thành trọn vẹn theo ý định chủ quan của mình. Hồ Xuân Hương là người ưa sáng tạo và bà đã sáng tạo ra những lớp nghĩa mới cho những thành ngữ quen thuộc. Những thành ngữ đặt trong ngữ cảnh thơ bà chủ yếu là để nói tới tình duyên, duyên phận (điều này đã phân tích ở phần trên). Tú Xương sử dụng cả thành ngữ, tục ngữ, ca dao nhưng ta thấy âm hưởng và ngôn ngữ ca dao hiện diện trong thơ ông rõ nét hơn. Thành ngữ trong thơ ông thì chủ yếu là để nói tới hiện thực, thói đời. Thơ ông đậm chất hiện thực hơn, mang giá trị tố cáo mạnh hơn là vì thế.
Không chỉ sử dụng thành công ngôn ngữ văn học dân gian, hai tác giả còn sử dụng rất nhiều ngôn ngữ đời sống. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu lớp ngôn từ này ở từng nhà thơ để hiểu thêm về phong cách thơ mang đậm chất dân gian của họ.
2. Ngôn ngữ đời sống
Ngôn ngữ đời sống là thứ ngôn ngữ xuất hiện trong đời sống thường ngày của nhân dân. Nó là lời ăn, tiếng nói bình dị của người lao động. Kiểu ngôn ngữ này vốn ít xuất hiện trong thơ văn mang tính bác học cao quý nhưng trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương nó lại có một vị trí quan trọng, giúp cho hai tác giả có thể biểu hiện được sinh động, chân thực bức tranh hiện thực cũng như những ý tưởng của mình. Ngôn ngữ đời sống được sử dụng trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đó chính là những từ tục, tiếng chửi, những từ khẩu ngữ và cách nói lái theo kiểu dân gian rất tài tình.
a. Cách nói lái:
"Nói lái là cách người ta dùng lối đánh tráo phụ âm đầu và phần vần giữa các âm tiết để tạo nên những từ ngữ khác dưới dạng tiềm năng. Khi tiềm năng từ ngữ này được thực hiện thì nó sẽ tạo ra những nội dung mới, bất ngờ, hiểm hóc. Nói lái thường được dùng trong châm biếm, đả kích." (Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt- trang 324)
- Trong thơ Hồ Xuân Hương
Như trên đã thống kê, trong thơ Xuân Hương có bốn lần bà sử dụng cách nói lái. Và đối tượng mà bà muốn phê phán, chế giễu chủ yếu nhằm vào bọn sư sãi, nhà chùa. Ta hãy đọc lại những câu thơ đó:
Quán Sứ đâu mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
( Chùa Quán Sứ)
Chày kình tiểu để suông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo
(Chùa Quán Sứ)
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
....
Trái gió cho nên phải lộn lèo
( Cái kiếp tu hành)
Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo
(Quán Thánh)
Trong cả bốn bài thơ bà đều gieo vần thật lắt léo. Vần "eo" qua bàn tay xử lí tài tình của bà đã tạo nên những từ nói lái hiểm hóc. Nó giúp vạch rõ bản chất hổ mang của lũ sư sãi nhà chùa. Bọn chúng chỉ là một lũ ham mê nhục dục, nhưng bên ngoài thì ra vẻ ta đây. Thế nên với chúng, Xuân Hương không chửi thẳng mặt mà dùng cách nói lái với vỏ ngoài nghe có vẻ bình thường nhưng hiểu ra thì thật sâu cay. Nào là sư cụ, nào là tiểu, là vãi... tất cả đều bị hạ bệ một cách không thương tiếc.
Dân nhân ta từ xưa đã rất hay dùng cách nói lái để đùa vui hoặc đả kích châm biếm. Ví như để đả kích một tên quan, dân gian đã nói kín đáo: "Rực rỡ đường tây, kẻ lại người qua hết lời ca tụng sinh phần quan lớn lại" (nói lái: Quan lái lợn). Nó là một hình thức ngôn ngữ rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người lao động, qua đó thể hiện trí tuệ sắc sảo và hóm hỉnh của người bình dân. Hồ Xuân Hương vận dụng cách nói dân gian này để nhằm đả kích những đối tượng mà bà căm ghét. Bà đưa lối nói của nhân dân vào thơ một cách thật sáng tạo, qua đó chúng ta thấy sự gần gũi của thơ Xuân Hương đối với cuộc sống bình dị của con người.
- Trong thơ Trần Tế Xương
Giống như Hồ Xuân Hương, trong một số trường hợp Tú Xương cũng sử dụng cách nói lái để làm tăng thêm giá trị biểu đạt cho câu văn:
Thôi thôi xin kiếu cô từ đấy
Chiêu đãi thì tôi cũng váo đèo
(Không chiêu đãi)
Bỡn thì xin trả ngay cho tớ
Không trả thì xơi cái tử cù
(Mất hai hào)
Không nhằm phê phán một đối tượng cụ thể nào, cách nói lái trong những câu thơ trên giúp người đọc thấy được sự dí dỏm, hài hước trong nghệ thuật cũng như trong con người Tú Xương.
Như vậy, với việc sử dụng hình thức nghệ thuật nói lái theo kiểu dân gian, thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đã tiến gần hơn đến đời sống bình dị của nhân dân lao động. Chính nó làm đậm hơn chất dân gian trong thơ của hai tác giả này.
b. Từ tục, tiếng chửi
Loại từ này thường chỉ xuất hiện trong lời nói cửa miệng của người bình dân. Đôi khi nó được dùng có chủ đích, đôi khi như một quán tính, để hạ bệ đối tượng nào đó hoặc xả những bức xúc của người nói. Trong văn học bác học nó xuất hiện rất dè dặt. Trước Hồ Xuân Hương, các tác giả hầu như không sử dụng loại từ này, vì đó là những từ vượt ra ngoài quy phạm. Nhưng đến Xuân Hương, bà đã dũng cảm đưa ngôn ngữ đó vào thơ một cách thật tự nhiên và thoải mái. Đó chính là những tiếng chửi đổng mà nữ sĩ muốn văng vào mặt những kẻ giả dối, cũng như cái xã hội với đầy bất công, ngang trái là nguyên nhân dẫn đến những đau khổ cho con người:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
(Làm lẽ)
Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
(Quan thị)
Bá ngọ con ong bé cái nhầm
(Sư bị ong châm)
Cha kiếp đường tu sao lắt léo
(Chùa Quán Sứ)
Những tiếng chửi ấy đã cho thấy bản lĩnh của Xuân Hương. Bởi những từ tục xuất hiện trong khuôn khổ sang trọng của bài thơ Đường thi đã gây không ít sự bất bình. Nhưng nó vẫn tồn tại sừng sững như những chiếc đinh nhọn đâm vào những kẻ giả dối, ngu dốt. Đọc thơ bà bọn quan quyền, sư sãi tức tối bao nhiêu thì người bình dân lại hả hê bấy nhiêu. Bởi bà đã dùng ngôn ngữ của họ để nói lên tâm tư của họ một cách hết sức tài tình. Thơ Xuân Hương có sức sống lâu bền là vì vậy.
Đến với thơ Trần Tế Xương, bên cạnh những tiếng chửi đời, ta còn thấy những từ tục được ông sử dụng rất nhiều lần. Khi thì để ông chửi thẳng viên quan huyện dốt nát nhưng lại được làm chủ khảo trong một kì thi:
Đ. Mẹ thằng ông biết chữ gì
(Chế ông huyện)
Khi để đùa ông hàn thật ác:
Ví phỏng quyển thi ông được chấm
Đù cha, đù mẹ đứa riêng ai
(Đùa ông hàn)
Khi để chửi một cách bóng gió:
Tìm hươu chẳng thấy cha thằng hoắng
Xấu hổ khen chê mẹ cái lầm!
(Mẹ cái lầm)
Rồi thì đôi khi văng cái nọ, văng cái kia, bực tức quá mà chửi cả thói đời đen bạc: "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc"... Có lẽ nhờ thế mà thơ Tú Xương đậm chất hiện thực hơn, giá trị tố cáo mạnh hơn. Không còn là những bức tranh mang vẻ đẹp Đường thi trang trọng, nó là đời sống thực tế với những điều thật gai góc. Bằng ngôn ngữ của đời sống giầu giá trị biểu cảm, Tú Xương đã giúp cho người đọc hiểu hơn về cái xã hội lố lăng, ô hợp thời ông.
Có thể thấy thơ Tú Xương ngoài những bài thơ mang âm hưởng trữ tình ngọt ngào với những ngôn từ mượt mà, chau chuốt, đầy sức quyến rũ, thì còn có những bài thơ tả thực với ngôn ngữ hết sức bình dân, đọc xong có thể làm tím mặt đối tượng nhưng làm cho chúng ta hả hê, sung sướng.
Như vậy xét về mặt nghệ thuật, Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là hai tác giả có sự phá cách rất lớn trong các tác giả văn học trung đại. Với hệ thống từ tục, tiếng chửi được dùng một cách rất tự nhiên và hợp lí, thơ họ dường như đã đi ra ngoài quỹ đạo của thể loại thơ văn cao quý đương thời. Nhưng nó lại giúp truyền tải được sức nặng của hiện thực, truyền tải được những thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc. Những từ ngữ ấy không làm mất đi cái thanh, cái trong của thơ mà giúp thơ tăng thêm giá trị biểu cảm, giúp thơ bình dị hơn, gần gũi hơn với đời sống của người lao động.
c. Khẩu ngữ
Đó là vốn từ ngữ rất quen thuộc, được dùng cho nhu cầu nói năng hàng ngày nên người ta còn gọi chúng là từ khẩu ngữ hàng ngày hay khẩu ngữ sinh hoạt.
Đặc điểm nổi bật của từ khẩu ngữ là tính miêu tả chi tiết và cụ thể. Chính vì thế nó rất giầu hình ảnh, giầu sắc thái biểu cảm. Không những cần thiết cho nhu cầu nói năng thân mật hàng ngày nó còn rất cần thiết cho sáng tác văn học, là công cụ lợi hại nhất để nhà văn có thể miêu tả, tái tạo được cuộc sống thực trong tác phẩm.
Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương rất hay đưa những từ khẩu ngữ vào trong sáng tác của mình. Thứ ngôn ngữ đời sống sinh động này đã giúp họ biểu đạt được chính xác nhất trạng thái của cảnh hoặc của tình.
Đối với Hồ Xuân Hương, khẩu ngữ trong thơ bà được cấu tạo theo cách: bà thêm vào từ đa phong cách, không mang nghĩa miêu tả cụ thể một yếu tố định ngữ ẩn dụ tính, giúp từ có tính miêu tả cụ thể, khoa trương, mang sắc thái biểu đạt âm tính. Có thể lấy ra rất nhiều ví dụ như trong phần thống kê, phân loại bên trên người viết đã trình bày. Với bà đỏ thì phải là "đỏ lòm lom", chín thì phải là "chín mõm mòm", trong thì phải "trong leo lẻo", trắng thì phải " trắng phau phau"... tất cả đều trong một trạng thái cực độ. Bởi bà rất ghét cái gì là nhờ nhờ, nhàn nhạt. Con người Xuân Hương tràn đầy sức sống, cá tính Xuân Hương mạnh mẽ, tình yêu của Xuân Hương mãnh liệt, vậy thì sao có thể chịu được những gì bằng bằng, nhạt nhẽo. Những sắc màu trong thơ Xuân Hương như muốn rực lên, những hành động trong thơ Xuân Hương như muốn phá tung khỏi khuôn khổ ràng buộc, những tình cảm trong thơ bà luôn luôn đến tận cùng. Chính từ khẩu ngữ đã giúp bà diễn tả được hết những ý đó mà kiểu ngôn từ mang sắc thái biểu cảm chung chung không làm được. Thơ Xuân Hương đi thẳng vào tim và khắc sâu vào óc người ta, không dễ gì khiến người ta nhanh quên. Tài nghệ của Xuân Hương là bà vừa sử dụng thành công những từ khẩu ngữ có sẵn trong đời sống hàng ngày vừa sáng tạo ra những từ khẩu ngữ mới giầu sức biểu cảm, giúp làm tăng thêm nghĩa miêu tả cụ thể, trực tiếp. Xuân Hương đã tiếp thu và làm giầu thêm vốn ngôn ngữ của dân tộc qua những trang thơ của mình.
Đối với Trần Tế Xương, các từ khẩu ngữ trong thơ ông cũng rất đa dạng. Không giống Xuân Hương, ông tạo ra những từ khẩu ngữ theo cách riêng của mình. Ông thường lặp lại một bộ phận của yếu tố từ đa phong cách làm cho đơn vị mới trở thành từ khẩu ngữ, mang sắc thái biểu cảm âm tính, có ý nhấn mạnh. Ví như hàng loạt những từ: Đi đẩu đi đâu, ngày tết ngày tung, buồn rĩ buồn rầu, mất cướp mất bóc, khóc lăn khóc lóc, khó sao khó vậy, chí cha chí chát, đen thủi đen thui, thầy bậy thầy bạ, cô lốc cô lô, đêm nảo đêm nao... Đôi khi ông dùng những từ rất tự nhiên không theo một kiểu cấu tạo nào cả. Ví như: "quách", "tếch", "nốc", "quái"... hoặc cũng có khi thêm những định ngữ vào những từ đa phong cách như Xuân Hương để tạo thành từ khẩu ngữ. Với sự đa dạng của lớp từ khẩu ngữ như vậy đã cho Tú Xương diễn tả được sinh động cảnh và tình. Nó cũng làm nổi bật lên thái độ châm chọc, phê phán, chế giễu của Tú Xương với hiện thực xã hội thời ông.
Mượn những từ khẩu ngữ vốn là quen thuộc trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, hay sáng tạo ra những từ mới theo cách riêng của mình, điều đó đã làm cho thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương giầu hình ảnh, giầu sắc thái biểu cảm hơn. Nó cũng giúp cho tác giả có được công cụ lợi hại để miêu tả hiện thực.
* Nhận xét:
Qua phần tìm hiểu bên trên, ta có thể nhận thấy điểm giống nhau ở thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là đều sử dụng rất nhiều ngôn ngữ bình dị trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Từ những từ khẩu ngữ đến những từ tục tiếng chửi hoặc những từ nói lái... đều được họ đưa vào thơ một cách tự nhiên, sáng tạo. Dù cho cách sử dụng cũng như mức độ sử dụng khác nhau nhưng nó đã giúp cho thơ gần gũi hơn với đời sống, giúp lên án, tố cáo những thói hư, tật xấu của xã hội cũng như giúp biểu đạt một cách tinh tế, đúng nhất trạng thái của hiện tượng. Những trang thơ của họ trở nên sinh động, tươi tắn hơn. Đọc thơ, ta như được đứng trước những bức tranh ngồn ngộn sức sống, tràn ngập thanh âm, chứ không phải là những bức tranh đẹp nhưng tĩnh lặng, thiếu sức sống.
Kết hợp sử dụng ngôn ngữ văn học dân gian với ngôn ngữ đời sống, thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đã thực sự trở thành tiếng nói tâm tình của người dân lao động. Họ đã tư duy, đã cảm cách cảm của dân gian và diễn đạt nó bằng một ngôn ngữ hoàn toàn thùân tuý Việt Nam. Sự trở về với ngôn ngữ dân tộc đã giúp cho những bài thơ của họ dễ dàng đi vào lòng người hơn, được nhân dân tiếp nhận nhiều hơn. Sức sống của nó không phải ở sách vở mà ở trong đời sống hàng ngày. Người ta truyền nhau những bài thơ của Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương như những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc. Và chính vì lẽ đó, hiện tượng dân gian hoá mới xảy ra trong thơ của hai tác giả này.
Phần kết luận
1. Khái quát lại những vấn đề nghiên cứu và kết qủa nghiên cứu
Như vậy với đề tài nghiên cứu: "Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh" chúng tôi đã tiến hành khảo sát, phân tích và đối chiếu so sánh để làm rõ được những vấn đề sau:
Trước hết đó là sự khẳng định thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương có chứa yếu tố dân gian khá đậm. Nó được thể hiện qua đề tài, hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật. Yếu tố dân gian vào thơ họ không phải là một sự sống sượng, gò bó mà nó đã thấm vào lời thơ, vào tinh thần của bài thơ một cách thật nhuần nhuyễn, đôi khi khó có thể tách ra và phân tích một cách rõ ràng được. Trở về với cội nguồn văn học và văn hoá dân gian đã giúp cho thơ của hai tác giả trở nên bình dị, dân dã, gắn bó với đời sống và được nhân dân yêu thích. Nó giúp diễn tả được cái hồn và tinh thần của dân tộc ta một cách tinh tế, sâu đậm nhất.
Tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn học, văn hoá dân gian nhưng Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương không lặp lại dân gian. Trong quá trình đó họ vẫn thể hiện được sự sáng tạo của mình. Đó chính là cá tính, là phong cách của từng nhà văn. Điều này giúp cho người ta không thể quên một Xuân Hương phá cách, dám sống và yêu một cách mãnh liệt nhất, một Tú Xương trào phúng, sẵn sàng đả phá cả một xã hội quan lại đang thống trị đương thời. Một Xuân Hương_bà chúa thơ Nôm và một Tú Xương - bậc thần thơ thánh chữ. Tiếp thu dân gian, đồng thời đem lại cho những chất liệu quen thuộc ấy một tinh thần, một nội dung mới mẻ, điều đó cho thấy tài năng của hai nhà thơ này.
Mục đích tiếp thu học tập dân gian ở hai nhà thơ là khác nhau. Nếu Xuân Hương mượn những chất liệu dân gian để hướng tới thể hiện niềm khát khao một cuộc sống vui tươi, tự nhiên và lành mạnh nhất cho con người thì Tú Xương vận dụng chất liệu dân gian lại nhằm mục đích miêu tả hiện thực và tố cáo xã hội đen tối thời ông. Những chất liệu và tinh thần của văn hoá dân gian giúp họ diễn đạt sinh động hơn những ý tưởng đó.
Qua đề tài chúng tôi còn nhận thấy quy luật về sự ảnh hưởng qua lại giữa văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian luôn là nền tảng cho văn học viết và trong suốt tiến trình văn học dân gian luôn hỗ trợ, thúc đẩy văn học viết phát triển, nâng cao. Đương nhiên, văn học viết cũng tác động trở lại, giúp văn học dân gian tự hoàn thiện hơn, sinh động hơn.
Tóm lại tìm hiểu đề tài đã giúp cho chúng tôi có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về hai tác giả, cũng như cho chúng tôi hiểu thêm về quy luật ảnh hưởng giữa văn học dân gian và văn học viết
2. Hướng phát triển của đề tài:
Với đề tài: "Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh", chúng tôi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu những vấn đề thuộc về hình thức nghệ thuật. Chúng tôi hi vọng sẽ có thể triển khai đề tài này sâu hơn và rộng hơn theo hai hướng như sau:
- Tìm hiểu yếu tố dân gian ở hai tác giả cả về phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật
- Tìm hiểu yếu tố dân gian ở những tác giả tiêu biểu khác.
Thư mục tham khảo
.Đinh Trọng Lạc- 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt- NXB Giáo dục, 2001
. Đinh Trọng Lạc- Phong cách học tiếng Việt- NXB Giáo dục, 1999
.Mã Giang Lân, Hà Vinh- Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm- NXB Văn hoá Thông tin, 2000
.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi- Từ điển thuật ngữ văn học- NXB Giáo dục, 2006
Đỗ Đức Hiểu- Từ điển văn học- NXB Thế giới, 2003
Đỗ Đức Hiểu- Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Tạp chí văn học số 5, 1990
Đinh Gia Khánh- Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian- NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội,1999
Vũ Ngọc Khánh, Phạm Phương Thảo, Nguyễn Vũ- Từ điển văn hoá dân gian- NXB Văn hoá Thông tin, 2002
Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lê Ngọc- Lý luận văn học- NXB Giáo dục, 1986
Nguyễn Đăng Na- Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam- NXB Giáo dục, 2006
Nguyễn Đăng Na (chủ biên)- Văn học trung đại Việt Nam- NXB Đại học Sư phạm, 2005
Lữ Huy Nguyên- Tú Xương thơ và đời- NXB Văn học, 1995
Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Côn, Nguyễn Nghĩa Dân- Lịch sử văn học Việt Nam tập I- NXB Giáo dục, 1978
Nguyễn Thị Thanh Nga- Đặc điểm của từ vựng khẩu ngữ và cách xử lí chúng trong từ điển tiếng Việt cỡ lớn- Tạp chí ngôn ngữ- số 11, 2003
Lê Trường Phát- Thi pháp văn học dân gian- NXB Giáo dục, 2000
Vũ Dương Quỹ- Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương- NXB Giáo dục, 2000
Nguyễn Hữu Sơn- Tâm lí sáng tạo trong thơ Hồ Xuân Hương - Tạp chí văn học, số 2/1991
Trần Đình Sử- Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục,1999
Đào Thái Tôn- Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục- NXB Giáo dục, 1993
Đỗ Lai Thuý- Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực- NXB Văn hoá Thông tin, 2002
Cù Đình Tú- Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt- NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp
Chu Văn - Nhà thơ Trần Tế Xương- Tạp chí ngôn ngữ, số 11, 2003
Tam Vị- Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương- Tạp chí văn học, số 3 năm 1991
Lê Trí Viễn, Lê Xuân Lít, Nguyễn Đức Quyền- Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương- NXB Giáo dục, 2003
Hoàng Xuân, Lữ Huy Nguyên- Hồ Xuân Hương thơ và đời- NXB Văn học,1995
Phạm Thu Yến- Những thế giới nghệ thuật ca dao- NXB Giáo dục, 1998
Nhiều tác giả- Thơ văn Trần Tế Xương- NXB Văn học, 1970
Nhiều tác giả- Trần Tế Xương về tác gia và tác phẩm- NXB Giáo dục, 2003
Nhiều tác giả- Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm- NXB Giáo dục, 2003
*Các tài liệu truy cập trên mạng Internet:
Phan Thị Mỹ Hằng- Ngôn ngữ và chất liệu dân gian trong thơ Trần Tế Xương
Sưu tập ca dao, tục ngữ
Mục lục
Trang
Phần mở đầu
I. Mục đích, ý nghĩa của đề tài
II. Lịch sử vấn đề
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
IV. Phương pháp nghiên cứu
V Cấu trúc của luận văn
Phần nội dung
Chương I: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương
và Trần Tế Xương qua đề tài
I. Giới thuyết một số khái niệm
1. Yếu tố dân gian- văn hoá dân gian- văn học dân gian
2. Yếu tố dân gian về phương diện nội dung và phương diện hình thức
II. Thống kê, phân loại
1. Những bài thơ có đề tài dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
2. Những bài thơ có đề tài dân gian trong thơ Trần Tế Xương
III. Phân tích và nhận xét
1. Đề tài trong thơ Hồ Xuân Hương
2. Đề tài trong thơ Trần Tế Xương
* Nhận xét
Chương II: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương
và Trần Tế Xương qua hình tượng nghệ thuật
I. Thống kê, phân loại
1. Những hình tượng đậm chất dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
2. Những hình tượng đậm chất dân gian trong thơ Trần Tế Xương
II. Phân tích và nhận xét
1. Hình tượng nghệ thuật trong thơ Hồ Xuân Hương
a. Mô típ hình tượng từ văn học dân gian, văn hoá dân gian
b. Mô típ hình tượng mang tính phồn thực
2. Hình tượng nghệ thuật trong thơ Trần Tế Xương
a. Hình tượng nghệ thuật từ văn học dân gian, văn hoá dân gian
b. Hình tượng nghệ thuật từ hiện thực cuộc sống
* Nhận xét
Chương III: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
và Trần Tế Xương qua ngôn ngữ nghệ thuật
I. Thống kê, phân loại
1. Ngôn ngữ dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương
2. Ngôn ngữ dân gian trong thơ Trần Tế Xương
II. Phân tích và nhận xét
1. Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ của Hồ Xuân Hương
và Trần Tế Xương
a. Trong thơ Hồ Xuân Hương
b. Trong thơ Trần Tế Xương
* Nhận xét
2. Ngôn ngữ đời sống trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương
a. Cách nói lái
b. Từ tục tiếng chửi
c. Khẩu ngữ
* Nhận xét
Phần kết luận
1. Khái quát lại những vấn đề nghiên cứu và kết quả nghiên cứu
2. Hướng phát triển của đề tài.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh.doc