1. Các dịch vụ HST của ĐNN bao gồm dịch vụ cung cấp (thức
ăn, nước ngọt, sợi và nhiên liệu, v.v.), dịch vụ điều tiết (điều tiết khí
hậu, làm sạch và xử lý ô nhiễm), dịch vụ văn hóa (giải trí, thẩm mỹ,
giáo dục, v.v.) và dịch vụ hỗ trợ (chu trình dinh dưỡng, hình thành
đất, v.v Dịch vụ HST có thể lồng ghép vào các chính sách ở cấp
quốc gia và địa phương, các khuyến khích về kinh tế và tài chính,
các chính sách ngành hay trong quá trình quản trị.
2. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy RNM có vai trò
quan trọng trong việc lưu giữ các-bon và giảm mức độ tổn thương
của cộng đồng ven biển. Kết quả lượng giá dịch vụ HST đã chứng
minh được vai trò của RNM trong việc cung cấp các dịch vụ HST,
đặc biệt dịch vụ bảo vệ bờ biển với giá trị 56 triệu đồng/ha/năm. Các
kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng trong quá trình xây dựng và
điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến chuyển đổi sử dụng đất,
chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đầu tư cho RNM, v.v.
3. Luận án đã đề xuất các bước cụ thể để lồng ghép dịch vụ
HST theo từng giai đoạn của quá trình xây dựng CQK và thực hiện
ĐMC nhằm quản lý và bảo tồn bền vững ĐNN ở Việt Nam.
27 trang |
Chia sẻ: ngoctoan84 | Lượt xem: 2450 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước ở Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
----------
Kim Thị Thúy Ngọc
NGHIÊN CỨU CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
CỦA VIỆC LỒNG GHÉP CÁC DỊCH VỤ HỆ SINH THÁI
VÀO CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN
ĐẤT NGẬP NƯỚC Ở VIỆT NAM
CHUYÊN NGÀNH: MÔI TRƯỜNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
MÃ SỐ: CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO THÍ ĐIỂM
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG
HÀ NỘI, NĂM 2014
Công trình được hoàn thành tại: Trung tâm Nghiên cứu Tài
nguyên và Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh
2. TS. Hoàng Văn Thắng
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm
luận án tiến sĩ
Họp tại:
Vào hồi giờ ngày tháng năm
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin – Thư viện, ĐHQGHN
- Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGH
1
1. LÝ DO THỰC HIỆN NGHIÊN CỨU
Theo định nghĩa của Báo cáo Đánh giá Hệ sinh thái Thiên niên
kỷ [Millennium Ecosystem Assessment, 2005, p. v] “Những lợi ích
con người đạt được từ các hệ sinh thái, bao gồm dịch vụ cung cấp
như thức ăn và nước; các dịch vụ điều tiết như điều tiết lũ lụt, hạn
hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu trình dinh dưỡng;
và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín ngưỡng và các lợi
ích phi vật chất khác”.
Giống như bất kỳ hệ sinh thái nào khác, hệ sinh thái đất ngập
nước (ĐNN) có 4 chức năng cơ bản: chức năng cung cấp, chức năng
điều tiết, chức năng văn hóa và chức năng hỗ trợ. Ở Việt Nam, đất
ngập nước có diện tích ước tính hơn 10 triệu hecta. Đất ngập nước
Việt Nam có nhiều chức năng rất quan trọng như nạp và tiết nước
ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa khí hậu, sản xuất sinh khối, hạn
chế lũ lụt, chắn sóng và gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển, là
nơi du lịch giải trí, duy trì đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong 15 năm
qua, đất ngập nước Việt Nam bị suy giảm cả về diện tích và chất
lượng.
Theo Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc [2010],
“lồng ghép một cách hệ thống đa dạng sinh học trong các quá trình
phát triển được gọi là lồng ghép đa dạng sinh học”. Mục tiêu tổng
thể của lồng ghép đa dạng sinh học (ĐDSH) là đưa các nguyên tắc
về đa dạng sinh học vào trong tất cả các giai đoạn của quy trình xây
dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình và chu trình dự án. Một
mục tiêu khác của lồng ghép đa dạng sinh học là hỗ trợ giảm các ảnh
hưởng bất lợi mà các ngành sản xuất gây ra đối với đa dạng sinh học,
và nêu rõ sự đóng góp của ĐDSH với phát triển kinh tế và phúc lợi
con người.
2
Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo
tốn đất ngập nước có thể tạo ra các cơ hội nhằm khai thác tốt hơn và
duy trì các lợi ích của dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước, xây
dựng các chiến lược quản lý và bảo tồn đất ngập nước hiệu quả và
tránh chi phí liên quan đến sự mất mát của đa dạng sinh học và các
dịch vụ hệ sinh thái do đất ngập nước mang lại. Vì những lý do đó,
tác giả đã chọn đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc
lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo tồn
đất ngập nước ở Việt Nam” nhằm hỗ trợ quản lý và bảo tồn đất ngập
nước ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
2. MỤC TIÊU CỦA LUẬN ÁN
- Làm rõ cơ sở lý luận về lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái đất
ngập nước vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước.
- Đưa ra cơ sở thực tiễn về lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái của
đất ngập nước vào công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước thông
qua nghiên cứu thử nghiệm về lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái của
rừng ngập mặn tại Cà Mau.
- Đề xuất cách tiếp cận để lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào
công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước tại Việt Nam.
3. PHẠM VI CỦA LUẬN ÁN
- Phạm vi về học thuật: Luận án tập trung vào nghiên cứu cơ
sở lý luận về lồng ghép dịch vụ HST đất ngập nước vào công tác
quản lý và bảo tồn ĐNN.
- Phạm vi về lãnh thổ: Nghiên cứu thử nghiệm được áp dụng
cho RNM tỉnh Cà Mau, đặc trưng cho hệ sinh thái ĐNN ven biển với
tính ĐDSH cao.
- Phạm vi về thời gian: Mặc dù nghiên cứu được triển khai
trong năm 2011-2014, nhưng luận án có sử dụng hệ thống tư liệu
3
nghiên cứu, tham khảo được ấn bản trong nhiều năm, trong đó các
báo cáo thứ cấp tại khu vực nghiên cứu có thời gian từ 2005-2011.
4. Ý NGHĨA CỦA LUẬN ÁN
Ý nghĩa lý luận của luận án:
Luận án sẽ góp phần làm rõ cơ sở lý luận về lồng ghép dịch vụ
hệ sinh thái của đất ngập nước vào công tác quản lý và bảo tồn đất
ngập nước ở Việt Nam.
Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ hỗ trợ cơ quan hoạch định
chính sách ở trung ương và địa phương lồng ghép dịch vụ hệ sinh
thái vào các công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước, góp phần
quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái
của đất ngập nước.
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN
1.1. Dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước
1.1.1. Dịch vụ hệ sinh thái: Định nghĩa và các loại hình
Năm 1977, Westman xuất bản tạp chí khoa học xem xét mối
liên quan giữa các hệ thống sinh thái và sinh kế với tiêu đề “Các dịch
vụ thiên nhiên giá bao nhiêu?”. Westman [1977] và Ehrlich [1981],
sau đó đưa ra khái niệm “các dịch vụ hệ sinh thái” và các nhà sinh
thái học trong những thập kỷ tiếp theo tiếp tục mở rộng khái niệm
của các hệ sinh thái như là các hệ thống hỗ trợ cuộc sống, nguồn
cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái và các lợi ích kinh tế [Ehrlich and
Mooney, 1983; De Groot, 1987, 1992; Odum, 1989; Folke et al.,
1991]. Đồng thời các nhà kinh tế cũng bắt đầu viết về các chức năng
và dịch vụ của hệ sinh thái giai đoạn này [Hueting, 1980; Pearce,
1989]. Tuy nhiên, chỉ đến cuối những năm 1990, khái niệm này bắt
đầu thu hút sự chú ý rộng rãi với các xuất bản của Costanza và cs.
4
[1997] và Daily [1997]. Đồng thời, kinh tế sinh thái đã xây dựng
khái niệm vốn tự nhiên [Costanza and Daily, 1992; Jansson et al.,
1994; Dasgupta et al., 2000], bao gồm cả nguồn lực tái tạo và không
tái tạo và các dịch vụ hệ sinh thái để minh họa tầm quan trọng của
các hệ sinh thái như nguồn cung cấp nền tảng sinh lý cho sự phát
triển của xã hội và kinh tế của con người [Common and Perrings,
1992; Arrow et al., 1995].
Theo báo cáo Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ [Millennium
Ecosystem Assessment, 2005, p. v], các dịch vụ hệ sinh thái (HST)
là “Những lợi ích con người có được từ các hệ sinh thái, bao gồm
dịch vụ cung cấp như thức ăn và nước; các dịch vụ điều tiết như điều
tiết lũ lụt, hạn hán; các dịch vụ hỗ trợ như hình thành đất và chu
trình dinh dưỡng; và các dịch vụ văn hóa như giải trí, tinh thần, tín
ngưỡng và các lợi ích phi vật chất khác”.
1.1.2. Đất ngập nước và dịch vụ của đất ngập nước
Trên thế giới có khoảng trên 50 định nghĩa khác nhau về đất
ngập nước [Mitsch and Gosselink, 1986] tùy vào mục đích nghiên
cứu, sử dụng hay quản lý. Tại Việt Nam, định nghĩa được ghi trong
Điều 1 của Công ước Ramsar [1971] về các vùng đất ngập nước có
tầm quan trọng quốc tế đã được áp dụng phổ biến cho các hoạt động
liên quan đến đất ngập nước. Theo đó, “Đất ngập nước là những
vùng đầm lầy, than bùn hoặc những vùng nước bất kể là tự nhiên
hay nhân tạo, thường xuyên hay tạm thời, có nước chảy hay nước tù,
là nước ngọt, nước lợ hay nước biển, kể cả những vùng nước biển có
độ sâu không quá 6 m khi triều thấp”.
Theo Báo cáo Đánh giá Hệ sinh thái Thiên niên kỷ (2005),
cũng giống như bất kỳ hệ sinh thái nào khác, đất ngập nước cung cấp
các dịch vụ HST chính, bao gồm dịch vụ cung cấp (thức ăn, nước
5
ngọt, sợi và nhiên liệu, v.v...), dịch vụ điều tiết (điều tiết khí hậu, làm
sạch nước và xử lý ô nhiễm, điều tiết xói mòn, v.v...), dịch vụ hỗ trợ
(hình thành đất, chu trình dinh dưỡng) và dịch vụ văn hóa (giải trí,
thẩm mỹ, giáo dục).
1.1.4. Các dịch vụ hệ sinh thái do rừng ngập mặn cung cấp
Vai trò của rừng ngập mặn trong bảo vệ bờ biển
Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất, rừng ngập mặn có tác
dụng làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng.
Ngoài ra, cũng với tính năng và tác dụng trên, đai rừng phòng hộ còn
làm giảm được độ cao sóng trong trường hợp triều cường và gió
mạnh.
Vai trò rừng ngập mặn trong tích tụ các-bon sinh khối
Theo Daniel và cs. [2012], một trong những vai trò quan trọng
của RNM là dự trữ các-bon. Lượng các-bon trong RNM được đánh
giá là cao nhất trong các loại rừng nhiệt đới, bình quân 1.023 Mg/ha,
và theo số liệu ước tính việc phá RNM sẽ phát thải 0,02-0,12
PgC/năm, chiếm 10% lượng phát thải rừng toàn cầu. Rừng ngập mặn
chiếm 0,7% tổng diện tích rừng nhiệt đới, đóng vai trò quan trọng
trong chu trình các-bon toàn cầu.
Vai trò của RNM đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản
Các nghiên cứu chuyên sâu về RNM đã chỉ ra rằng, RNM
đóng một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ
sản. Sức khỏe của các loài thủy sản được nuôi trong những đầm có tỷ
lệ cây ngập mặn hợp lý tốt hơn hẳn so với các đầm trống trải. Hơn
thế nữa, cây ngập mặn còn có khả năng xử lý các chất do các loài
thuỷ sản thải ra, hạn chế khả năng gây hại của các loại vi sinh mang
mầm bệnh.
6
1.2. Cơ sở lý luận của việc lồng ghép dịch vụ HST vào công tác
quản lý và bảo tồn đất ngập nước
1.2.1. Khái niệm về lồng ghép
Laffty và Hovden [2003] đã đưa ra định nghĩa về tích hợp
chính sách môi trường. Có thể tích hợp chính sách theo chiều dọc và
chiều ngang. Tích hợp chính sách theo chiều ngang là đưa mục tiêu
môi trường vào các chính sách công của Chính phủ. Tích hợp chính
sách theo chiều dọc là đưa nội dung môi trường vào chính sách
ngành.
Theo Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc
(2010), “lồng ghép một cách hệ thống đa dạng sinh học trong các
quá trình phát triển được gọi là lồng ghép đa dạng sinh học”. Mục
tiêu tổng thể của lồng ghép ĐDSH là đưa các nguyên tắc về ĐDSH
vào trong tất cả các giai đoạn của quy trình xây dựng các chính sách,
kế hoạch, chương trình và chu trình dự án. Một mục tiêu khác của
lồng ghép ĐDSH là hỗ trợ giảm các ảnh hưởng bất lợi mà các ngành
sản xuất gây ra đối với ĐDSH, và nêu rõ sự đóng góp của ĐDSH với
phát triển kinh tế và phúc lợi con người, thông qua tăng cường sự
phối hợp giữa các ngành phát triển.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP),
cách tiếp cận về dịch vụ hệ sinh thái có thể được áp dụng để lồng
ghép dịch vụ HST trong các quyết định công và tư thông qua xem
xét và đánh giá sự phụ thuộc và tác động của các kế hoạch phát triển
với HST, lượng giá giá trị mang lại từ dịch vụ HST và xem xét tác
động lên dịch vụ HST của các kịch bản khác nhau, từ đó xác định
các can thiệp để duy trì các dịch vụ HST [UNEP, 2007].
Lồng ghép ĐDSH cũng có nghĩa là điều chỉnh các chính
sách và các can thiệp theo hướng xem xét các giá trị của ĐDSH và
7
dịch vụ HST [Kosmus et al., 2012]. Lồng ghép ĐDSH do đó có mục
tiêu là đưa các nguyên tắc về bảo tồn ĐDSH và sử dụng bền vững
vào các chính sách, kế hoạch, chương trình và các hệ thống sản xuất
[Petersen and Huntley, 2005].
1.2.2. Quản lý và bảo tồn đất ngập nước
Theo Công ước Ramsar, nguyên tắc chỉ đạo trong việc lập kế
hoạch quản lý ĐNN là sử dụng khôn khéo và duy trì các đặc tính
sinh thái của ĐNN. Khái niệm “sử dụng khôn khéo” được chấp nhận
bởi các bên tham gia Công ước Ramsar. Theo đó, sử dụng khôn khéo
là “việc duy trì các đặc tính sinh thái, đạt được thông qua việc áp
dụng các cách tiếp cận hệ sinh thái, trong bối cảnh phát triển bền
vững”. Các đặc tính sinh thái bao gồm sự kết hợp giữa các hợp phần,
quá trình và dịch vụ hệ sinh thái cấu thành ĐNN tại bất kỳ thời điểm
nào. “Sử dụng khôn khéo” do đó là trọng tâm của bảo tồn và sử dụng
bền vững ĐNN.
Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/09/2003 của Thủ
tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN
xác định “Phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là các hoạt
động sử dụng, khai thác hợp lý tiềm năng về phát triển kinh tế, văn
hoá, xã hội trong giới hạn cho phép nhằm duy trì chức năng sinh
thái và bảo vệ môi trường các vùng đất ngập nước”.
1.2.3. Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quản lý và bảo tồn đất
ngập nước
Theo Daily và cs. [2009], có 5 bước chính để lồng ghép dịch
vụ HST vào quá trình ra quyết định, bao gồm: (i) xem xét tác động
của các quyết định đến hệ sinh thái; (ii) đánh giá tác động của việc
thay đổi các HST lên việc cung cấp các dịch vụ HST; (iii) đánh giá
tác động của việc thay đổi các dịch vụ HST lên các giá trị mang lại
8
từ HST; (iv) Sử dụng các thông tin để tác động vào thể chế; (v) Điều
chỉnh/ban hành các chính sách mới nhằm giảm tác động của chính
sách lên các HST và dịch vụ HST.
Tương tự như cách tiếp cận của Daily [2009], Kosmus và cs.
[2012] đề xuất 6 bước để lồng ghép dịch vụ HST vào lập kế hoạch
phát triển, bao gồm: (i) xác định phạm vi; (ii) sàng lọc và xác định
các dịch vụ HST ưu tiên; (iii) xác định các điều kiện, xu hướng và sự
đánh đổi của các dịch vụ HST; (iv) đánh giá khung thể chế và văn
hóa; (v) chuẩn bị đưa ra quyết định tốt hơn; và (iv) tiến hành thay
đổi.
1.2.4. Các điểm khởi đầu cho việc lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái
Theo Ranganathan và cs. [2008], các điểm khởi đầu cho việc
lồng ghép dịch vụ HST có thể chia thành 4 nhóm: (i) các chính sách
quốc gia và cấp tỉnh; (ii) các khuyến khích về kinh tế và tài chính;
(iii) các chính sách ngành; và (iv) quản trị.
1.2.5. Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch (CQK) thông qua đánh giá môi trường chiến lược
(ĐMC)
Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ 2005 cũng như các nghiên
cứu tiếp theo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép dịch
vụ HST vào các quyết định mang tính chiến lược, do đó những tác
động của các giải pháp phát triển đến HST và dịch vụ HST có thể
xem xét ở giai đoạn sớm nhất. ĐMC có thể hỗ trợ đạt được mục tiêu
này do ĐMC tập trung vào xem xét tác động môi trường của các
hành động chiến lược và xem xét các tác động khác (xã hội, sức
khỏe, kinh tế) liên quan đến phúc lợi con người. Các dịch vụ HST có
thể là những chỉ số thích hợp để đánh trọng số những ảnh hưởng của
9
các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch đến hiện trạng môi trường, là
cơ sở để cung cấp nguồn vốn tự nhiên.
CHƯƠNG II: ĐỊA ĐIỂM, GIẢ THUYẾT VÀ
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Lựa chọn khu vực nghiên cứu thử nghiệm
Nghiên cứu được triển khai thử nghiệm tại rừng ngập mặn
(RNM) ven biển Cà Mau, đặc trưng cho hệ sinh thái đất ngập nước
ven biển là một trong những loại hình ĐNN phổ biến tại Việt Nam.
Với tổng diện tích RNM lớn nhất trên cả nước, RNM Cà Mau đã
được công nhận là khu dự trữ sinh quyển năm 2009. Đồng thời,
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar thứ 5
của Việt Nam năm 2012. Các kết quả nghiên cứu thử nghiệm về lồng
ghép dịch vụ HST tại Cà Mau sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc
cung cấp cơ sở thực tiễn về lồng ghép dịch vụ HST vào công tác
quản lý và bảo tồn ĐNN nói chung và hệ sinh thái đất ngập nước ven
biển nói riêng.
2.2. Cơ sở lý luận và giả thuyết nghiên cứu
2.2.1. Cơ sở lý luận
Luận án sử dụng các cách tiếp cận sau trong quá trình nghiên
cứu: Tiếp cận hệ sinh thái; tiếp cận liên ngành; tiếp cận lịch sử; tiếp
cận phân tích tổng hợp.
Trên cơ sở tham khảo các cách tiếp cận của đánh giá hệ sinh
thái thiên niên kỷ và các cách tiếp cận về lồng ghép dịch vụ HST,
luận án sử dụng khung nghiên cứu trong Hình 2.1 để đề xuất cách
tiếp cận về lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo tồn
ĐNN.
2.2.2. Giả thuyết nghiên cứu
Luận án dựa trên các giả thuyết nghiên cứu sau đây:
10
- Đất ngập nước có thể cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái,
đóng góp cho sự thịnh vượng của con người;
- Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo
tồn đất ngập nước sẽ góp phần giảm các tác động tiêu cực đến hệ
sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái của đất ngập nước;
- Các công cụ và cách tiếp cận như lượng giá dịch vụ hệ sinh
thái, phân tích không gian các dịch vụ hệ sinh thái và đánh giá môi
trường chiến lược có thể hỗ trợ lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào
công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước.
Hình 2.1. Khung nghiên cứu của luận án
Thông tin
Thông tin
Đề xuất lồng
ghép dịch vụ
HST vào công
tác quản lý và
bảo tồn ĐNN ở
Tham vấn các bên liên quan
Xác định các dịch vụ HST
của rừng ngập mặn (RNM)
tại Cà Mau
Phân tích các tác nhân (trực
tiếp, gián tiếp) ảnh hưởng đến
HST và dịch vụ HST của
RNM
- Phân tích định tính
- Phân tích định
lượng
- Lập bản đồ không
gian (dựa trên
phương pháp mô
hình hóa, GIS và ảnh
viễn thám)
Phân tích tác động của
công tác bảo tồn (chuyển
đổi mục đích sử dụng đất)
đến dịch vụ HST của
RNM tại Cà Mau
Lượng giá giá trị dịch vụ
HST của RNM Cà Mau
- Phương pháp giá
thị trường
- Phương pháp lượng
giá ngẫu nhiên
- Xây dựng/điều
chỉnh quy hoạch sử
dụng đất
- Xây dựng chính
sách chi trả dịch vụ
môi trường rừng
- Chính sách đầu tư
cho RNM
- Đánh giá môi
trường chiến lược
cho các chiến lược,
quy hoạch, kế
hoạch (CQK)
Lồng
ghép
dịch vụ
HST
Phân tích định tính
Phân tích định
tính
11
2.3. Phương pháp nghiên cứu
Luận án đã sử dụng những phương pháp cơ bản sau trong quá
trình thực hiện: Phương pháp kế thừa; phương pháp chuyên gia;
phương pháp phân tích dựa trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) và
ảnh viễn thám; phương pháp mô hình hóa và phương pháp lượng giá
dịch vụ HST.
CHƯƠNG III: THỬ NGHIỆM LỒNG GHÉP DỊCH VỤ
HỆ SINH THÁI VÀO CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN
ĐẤT NGẬP NƯỚC TẠI CÀ MAU
3.1. Tổng quan hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau
Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn (RNM) tự nhiên lớn nhất
trên cả nước. Tổng diện tích RNM trên toàn tỉnh năm 2009 là 62.436
ha, trong đó, rừng tự nhiên là 7.264 ha, chiếm 11,63%. Tính ĐDSH
ở RNM tại Cà Mau rất cao. Trong RNM có 64 loài thực vật, 12 loài
thú, 12 loài bò sát, 8 loài ếch nhái, 67 loài chim, 25 loài tôm, 258
loài cá nước mặn. Nhiều loài chim tập trung ở nhiều sân chim lớn
như: Sân chim Đầm Dơi, Sân chim Cái Nước, Sân chim Ngọc Hiển,
v.v
3.2. Phân tích các dịch vụ HST của RNM Cà Mau
3.2.1. Dịch vụ cung cấp
Rừng ngập mặn Cà Mau được sử dụng chủ yếu là cung cấp gỗ
và củi. Gỗ chủ yếu làm nhà, dùng trong xây dựng. Từ RNM có thể
khai thác nhiều sản phẩm phục vụ cho đời sống của người dân như
gỗ để làm nhà, nguyên liệu để làm than và làm củi đốt. HST rừng
ngập mặn và bãi bồi Tây Ngọc Hiển là nơi cung cấp nguồn giống
tôm cá lớn nhất của tỉnh Cà Mau.
12
3.2.2. Dịch vụ điều tiết
Với tổng diện tích RNM lớn nhất trên cả nước, tiềm năng hấp
thụ các-bon của RNM tại Cà Mau tương đối lớn. Rừng ngập mặn có
vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển. Rừng ngập mặn tại Cà
Mau có vai trò quan trọng trong việc góp phần giảm năng lượng
sóng, giảm mức ô nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường đất,
cải thiện chất lượng nước, v.v
3.2.3. Dịch vụ văn hóa
Cà Mau là tỉnh duy nhất trong cả nước có đất bồi hàng năm
lấn thêm ra biển từ 80-100 m, có tổng chiều dài hệ thống kênh rạch
khoảng 7.000 km, xen vào đó là các dải vườn cây ăn trái, các sân
chim tự nhiên, sân chim nhân tạo, cùng với diện tích RNM và rừng
tràm rộng lớn, có 2 vườn quốc gia (VQG) (VQG Mũi Cà Mau và U
Minh Hạ) đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế
giới vào năm 2009, mang đậm nét đặc trưng của vùng đất rừng
phương Nam, là những cơ hội để tỉnh Cà Mau phát triển du lịch sinh
thái.
3.2.4. Dịch vụ cư trú
Giá trị bảo tồn nguồn gen bò sát quý hiếm của VQG Mũi Cà
Mau khá cao do có tới 16 loài (37,2%) đang bị đe doạ, trong đó có
13 loài bị đe doạ cấp quốc gia và 6 loài bị đe dọa cấp toàn cầu. VQG
Mũi Cà Mau được xem là có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo tồn
các loài chim nước, đặc biệt một số như Bồ nông chân xám
(Pelecanus philippensis), Giang sen (Mycteria leucocephala), Cò
trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes).
13
3.3. Xác định các tác nhân dẫn đến sự thay đổi diện tích RNM tại
Cà Mau
Việc phát triển kinh tế đã dẫn đến các ảnh hưởng bất lợi đến
HST của Cà Mau. Các nguyên nhân trực bao gồm: chuyển đổi mục
đích sử dụng đất; khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài
nguyên ĐDSH; ô nhiễm môi trường, thiên tai, chính sách phát triển
lâm nghiệp chưa hợp lý. Các nguyên nhân gián tiếp bao gồm: gia
tăng dân số, đói nghèo, đô thị hóa và phát triển du lịch. Các nguyên
nhân này đã và đang có những tác động đến HST và dịch vụ HST
của RNM.
Hình 3.1: Các tác nhân chính, áp lực và các bên liên quan chính
dẫn đến suy giảm diện tích RNM tại Cà Mau
14
3.4. Thử nghiệm công cụ phân tích không gian để tính toán một
số dịch vụ HST chính của RNM tại Cà Mau
3.4.1 Dịch vụ hấp thụ các-bon
Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy việc chuyển đổi sử
dụng đất có tác động đáng kể đến các-bon lưu giữ. Kết quả tính toán
cho thấy lượng các bon lưu giữ năm 2010 giảm đáng kể so với các
bon lưu giữ năm 2005 do chuyển đổi sử dụng đất (tương ứng với độ
phủ của RNM năm 2010 giảm so với năm 2005) (Hình 3.3 và 3.4).
Hình 3.3. Bản đồ biến động diện tích RNM giai đoạn 2005-2010
Hình 3.4. Thay đổi lưu trữ các-bon năm 2005 và 2010 tương ứng
với thay đổi sử dụng đất
15
3.4.2. Mô hình tổn thương đới bờ
Mô hình tính toán tính tổn thương ven biển được xây dựng
theo hai kịch bản: (i) trường hợp có RNM và (ii) trường hợp không
có RNM. Kết quả tính toán cũng cho thấy đối với khu vực biển Tây,
nguy cơ phơi nhiễm với tổn thương ven biển cao. Kết quả này tương
ứng lớp phủ RNM tại khu vực ven biển này tương đối thấp so với
các khu vực ven biển khác tại Cà Mau. Kết quả tính toán trong hai
kịch bản cho thấy đối với trường hợp có RNM, chỉ số tổn thương đới
bờ giảm đáng kể trong trường hợp có RNM so với kịch bản không có
RNM, đặc biệt tại các xã ven biển có mật độ RNM cao như Ngọc
Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân (Hình 3.9).
Hình 3.9. Chỉ số tổn thương ở các khu vực ven biển trong
trường hợp có rừng ngập mặn và không có rừng ngập mặn
3.4.3. Mô hình bảo vệ bờ biển
Kết quả tính toán của mô hình cho thấy, chiều cao và năng
lượng sóng giảm 90% năng lượng sóng nhờ tác động của dải RNM
16
ven bờ. Kết quả nghiên cứu một lần nữa chứng minh vai trò quan
trọng của RNM trong việc bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi các tác
động của sóng trong trường hợp xảy ra bão (Hình 3.10).
Hình 3.10. Vai trò của RNM trong việc giảm năng lượng sóng
3.5. Lượng giá dịch vụ HST của RNM tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh
Cà Mau
Hệ sinh thái RNM tại Cà Mau cung cấp cho cộng đồng dân cư
rất nhiều sản phẩm hữu dụng bao gồm gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ,
thuỷ hải sản, v.v RNM còn có vai trò to lớn trong bảo vệ dân cư
ven biển khỏi các tác động của bão lũ và có vai trò điều tiết khí hậu
thông qua tiềm năng hấp thụ và lưu giữ các-bon. Các kết quả tính
toán cho 3 loại dịch vụ chính của HST RNM tại huyện Ngọc Hiển,
tỉnh Cà Mau được tổng hợp trong Bảng 3.19.
Bảng 3.19. Giá trị các dịch vụ HST RNM tại Cà Mau
Dịch vụ Giá trị (đồng/ha/năm)
Cung cấp 34.186.9000
Phòng hộ ven biển 55.955.500
Hấp thụ các-bon 1.921.730 - 9.842.611
Như vậy, tại thời điểm nghiên cứu, giá trị của dịch vụ cung
cấp và dịch vụ phòng hộ ven biển đang chiếm một tỷ trọng rất lớn
trong cơ cấu các dịch vụ HST chính của RNM tại huyện Ngọc Hiển.
17
Điều này chứng minh vai trò quan trọng của hệ sinh thái RNM đối
với sinh kế và sự an toàn của cộng đồng dân cư địa phương.
3.6. Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công tác quản lý và bảo
tồn đất ngập nước tại địa phương
Áp dụng công cụ lập bản đồ để lồng ghép dịch vụ HST khi
xây dựng và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại địa phương
Kết quả phân tích không gian các dịch vụ HST của luận án có
thể sử dụng như đầu vào cho việc xây dựng/điều chỉnh quy hoạch sử
dụng đất cấp tỉnh dựa trên việc xác định được các khu vực sử dụng
đất theo chức năng sử dụng, hiện trạng các HST và dịch vụ HST của
RNM theo địa giới hành chính, từ đó xác định những khu vực HST
và dịch vụ HST đang bị suy giảm do tác động của chuyển đổi sử
dụng đất theo thời gian và không gian, từ đó có những đề xuất phù
hợp khi xây dựng quy hoạch (10 năm) và kế hoạch sử dụng đất (5
năm) tại địa phương, đặc biệt các nội dung liên quan đến xác định
các khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng, lập bản đồ quy
hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (liên quan đến quy hoạch sử dụng đất) và
nội dung về xác định diện tích các loại đất cần chuyển mục đích sử
dụng đất trong kỳ kế hoạch sử dụng đất theo từng năm và đến từng
đơn vị hành chính cấp huyện (liên quan đến kế hoạch sử dụng đất).
Áp dụng lượng giá dịch vụ HST trong xây dựng cơ chế chi
trả dịch vụ môi trường tại Cà Mau để bảo tồn ĐNN và RNM
Kết quả nghiên cứu về lượng giá dịch vụ HST của luận án cho
thấy RNM tại VQG Mũi Cà Mau cung cấp rất nhiều giá trị sinh thái
cho người dân và cộng đồng địa phương. Các dịch vụ này bao gồm:
dịch vụ cung cấp (gỗ, củi, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản), dịch vụ
điều tiết (hấp thụ các-bon, bảo vệ bờ biển), dịch vụ cảnh quan (du
lịch). Các dịch vụ HST đã được tính toán quy đổi về giá trị tiền tệ cụ
18
thể. Việc lượng giá các giá trị mang lại từ hệ sinh thái RNM có thể
cung cấp đầu vào quan trọng trong việc xây dựng cơ chế chi trả dịch
vụ môi trường rừng áp dụng cho VQG Mũi Cà Mau.
Áp dụng lượng giá dịch vụ HST trong xây dựng cơ các
chính sách liên quan đến đầu tư cho RNM tại Cà Mau
Các kết quả lượng giá dịch vụ HST của RNM sẽ hỗ trợ trong
việc đưa ra những ưu đãi đầu tư thích hợp để khuyến khích và tăng
cường nguồn lực cho bảo tồn và phát triển RNM. Ngoài ra, các kết
quả phân tích không gian các dịch vụ HST sẽ hỗ trợ trong việc xác
định các khu vực cần được ưu tiên đầu tư cho RNM nhằm tăng
cường vai trò của RNM trong việc giảm xói lở ven biển và giảm tính
tổn thương cho người dân tại khu vực ven biển.
Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và bảo
tồn ĐNN nói chung và RNM nói riêng tại địa phương
Các kết quả nghiên cứu liên quan đến các số liệu về biến động
RNM theo không gian và thời gian và lượng giá HST RNM sẽ bổ
sung những thông tin cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong
việc xây dựng các chính sách, quy hoạch/kế hoạch và các chương
trình quản lý và bảo tồn hệ sinh thái RNM tại địa phương, góp phần
bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn mang lại từ RNM.
CHƯƠNG IV: ĐỀ XUẤT LỒNG GHÉP DỊCH VỤ
HỆ SINH THÁI VÀO CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BẢO TỒN
ĐẤT NGẬP NƯỚC Ở VIỆT NAM
4.1. Căn cứ pháp lý để lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào công
tác quản lý và bảo tồn ĐNN
Các quy định về quản lý và bảo tồn ĐNN đều được cụ thể hoá
trong các văn bản pháp luật về ĐNN hoặc văn bản liên quan và được
xây dựng dựa theo các định hướng, chiến lược, kế hoạch chung về
19
bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Các
văn bản định hướng trên đã nêu rõ sự cần thiết phải bảo tồn và phát
huy các giá trị của hệ sinh thái tự nhiên nói chung và hệ sinh thái
ĐNN nói riêng. Đây là những cơ sở quan trọng để lồng ghép dịch vụ
HST vào công tác quản lý và bảo tồn ĐNN nhằm phát huy những giá
trị to lớn mang lại từ dịch vụ HST của ĐNN.
4.2. Đề xuất lồng ghép dịch vụ HST vào công tác quản lý và bảo
tồn ĐNN ở Việt Nam
4.2.1. Đề xuất lồng ghép dịch vụ HST vào quá trình xây dựng quy
hoạch/kế hoạch nhằm quản lý và bảo tồn bền vững ĐNN
Bước 1: Xác lập cơ sở dữ liệu của quy hoạch/kế hoạch phát
triển KT-XH/ngành, lĩnh vực; xác định các chỉ tiêu. Các nội dung
chính cần xem xét để lồng ghép dịch vụ HST trong giai đoạn này:
- Xác định các thông tin và số liệu về hiện trạng các HST của
vùng/khu vực. Xác định mối liên hệ giữa dịch vụ HST với các chỉ
tiêu phát triển của quy hoạch/kế hoạch.
- Phân tích các tác động của quy hoạch/kế hoạch đến các HST
và khả năng cung cấp các dịch vụ HST. Xác định các khu vực sinh
thái cụ thể có tính nhạy cảm hoặc đang bị ảnh hưởng tiêu cực do tác
động của quy hoạch/kế hoạch.
Bước 2: Xác định các mục tiêu và ưu tiên chiến lược của quy
hoạch/kế hoạch
Tại bước này, cần xem xét việc lồng ghép các mục tiêu và ưu
tiên chiến lược về khai thác bền vững và bảo tồn các HST vào mục
tiêu và ưu tiên chiến lược của quy hoạch/kế hoạch nhằm hỗ trợ việc
duy trì khả năng cung cấp các dịch vụ HST. Đồng thời, cần xem xét
việc duy trì và bảo tồn các HST sẽ đóng góp như thế nào cho việc
đạt được các mục tiêu của quy hoạch/kế hoạch.
20
Bước 3: Dự thảo quy hoạch/kế hoạch và xây dựng các phương
án phát triển
Các thông tin về hiện trạng HST và dịch vụ HST có thể sử
dụng trong quá trình xây dựng quy hoạch/kế hoạch, trong đó nhấn
mạnh đến việc giảm tác động của các phương án phát triển của quy
hoạch/kế hoạch đến các HST và dịch vụ do HST cung cấp. Đồng
thời, các phương án phát triển của quy hoạch/kế hoạch cần xem xét
đến việc đạt được các mục tiêu phát triển cũng như các mục tiêu duy
trì khả năng cung cấp các dịch vụ của hệ sinh thái.
Bước 4: Đánh giá các ưu tiên phát triển trong dự thảo quy
hoạch/kế hoạch
Bước này tập trung vào đánh giá các phương án ưu tiên phát
triển trong dự thảo quy hoạch/kế hoạch lên các HST và dịch vụ HST
nhằm tìm ra các phương án tối ưu có thể đạt được mục tiêu phát triển
và duy trì và bảo tồn các dịch vụ HST. Các công cụ như lập bản đồ
không gian, lượng giá dịch vụ HST có thể được sử dụng để so sánh
và lựa chọn các phương án phát triển ít có tác động lên HST và dịch
vụ HST khi đưa vào dự thảo quy hoạch/kế hoạch. Ngoài ra, tiêu chí
về sử dụng bền vững và bảo tồn các HST cần được xem xét là một
tiêu chí quan trọng bên cạnh các tiêu chí khác dùng để lựa chọn các
phương án phát triển.
Bước 5: Xem xét góp ý về dự thảo quy hoạch/kế hoạch
Cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên hưởng lợi từ các
dịch vụ HST. Phân tích chi phí - lợi ích và lượng giá dịch vụ HST có
thể cung cấp thông tin đầy đủ khi xem xét/rà soát dự thảo quy hoạch
kế hoạch, nhằm hài hòa giữa các mục tiêu phát triển và bảo tồn HST.
Bước 6: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch/kế hoạch
Việc thẩm định quy hoạch/kế hoạch cần xem xét đến việc
21
giảm các tác động đến môi trường nói chung và dịch vụ HST nói
riêng của quy hoạch/kế hoạch như là một trong những tiêu chí bắt
buộc trong quá trình thẩm định và phê duyệt.
4.2.2. Lồng ghép dịch vụ HST vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
thông qua đánh giá môi trường chiến lược
Lồng ghép dịch vụ HST vào quá trình đánh giá môi trường
chiến lược (ĐMC) có thể được xem là biện pháp hiệu quả để xem xét
tác động của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK) đối với các
HST và dịch vụ HST. Các công cụ lập bản đồ không gian và lượng
giá dịch vụ HST có thể sử dụng tại các giai đoạn khác trong quá trình
thực hiện ĐMC để hỗ trợ quá trình lồng ghép dịch vụ HST vào các
CQK. Tương ứng với các giai đoạn khác nhau của quá trình xây
dựng quy hoạch/kế hoạch và ĐMC, có thể sử dụng các thông tin về
dịch vụ HST và các công cụ khác nhau để lồng ghép dịch vụ HST
vào quá trình ĐMC.
Hình 4.3. Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái trong quá trình đánh giá
môi trường chiến lược của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
22
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Kết luận
1. Các dịch vụ HST của ĐNN bao gồm dịch vụ cung cấp (thức
ăn, nước ngọt, sợi và nhiên liệu, v.v...), dịch vụ điều tiết (điều tiết khí
hậu, làm sạch và xử lý ô nhiễm), dịch vụ văn hóa (giải trí, thẩm mỹ,
giáo dục, v.v...) và dịch vụ hỗ trợ (chu trình dinh dưỡng, hình thành
đất, v.v Dịch vụ HST có thể lồng ghép vào các chính sách ở cấp
quốc gia và địa phương, các khuyến khích về kinh tế và tài chính,
các chính sách ngành hay trong quá trình quản trị.
2. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho thấy RNM có vai trò
quan trọng trong việc lưu giữ các-bon và giảm mức độ tổn thương
của cộng đồng ven biển. Kết quả lượng giá dịch vụ HST đã chứng
minh được vai trò của RNM trong việc cung cấp các dịch vụ HST,
đặc biệt dịch vụ bảo vệ bờ biển với giá trị 56 triệu đồng/ha/năm. Các
kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng trong quá trình xây dựng và
điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến chuyển đổi sử dụng đất,
chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đầu tư cho RNM, v.v...
3. Luận án đã đề xuất các bước cụ thể để lồng ghép dịch vụ
HST theo từng giai đoạn của quá trình xây dựng CQK và thực hiện
ĐMC nhằm quản lý và bảo tồn bền vững ĐNN ở Việt Nam.
Kiến nghị
1. Để đưa ra các kết quả mang tính chính xác hơn, cần đầu tư
nguồn lực để thu thập các số liệu thực tế tại địa phương sử dụng khi
tính toán các mô hình dịch vụ hệ sinh thái.
2. Việc thử nghiệm cho các loại hình đất ngập nước khác trong
thời gian tới là rất cần thiết để có thể nhân rộng hơn nữa các kết quả
của luận án.
23
3. Để có thể lồng ghép thành công dịch vụ hệ sinh thái vào
công tác quản lý và bảo tồn đất ngập nước, sự tham gia của các bên
liên quan ở cấp trung ương và địa phương có vai trò quan trọng trong
việc áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để phân tích, đánh giá và
xem xét các giá trị của dịch vụ HST trong quá trình xây dựng các
chính sách, quy hoạch và kế hoạch.
24
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Kim Thị Thúy Ngọc (2011), “Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái đất
ngập nước vào quá trình lập kế hoạch phát triển: phương pháp và
cách tiếp cận”, Hội thảo khoa học quốc gia Đất ngập nước và
Biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi
trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa
học – Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 215-231.
2. Kim Thị Thúy Ngọc (2012), “Lồng ghép cách tiếp cận thích ứng
dựa vào hệ sinh thái trong các chính sách và chiến lược về biến
đổi khí hậu”, Hội thảo khoa học quốc gia Nâng cao sức chống
chịu trước biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên
và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hạ Long, Nhà xuất
bản Khoa học – Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 113-127.
3. Kim Thi Thuy Ngoc (2012), “Mainstreaming of Wetland
Ecosystem Services in Policy Planning Process – Case of Viet
Nam”, International Conference on Greater Mekong Subregion
(GMS) 2020: Balancing Economic Growth and Environmental
Sustainability, Asian Development Bank (ADB), pp. 312-320.
4. Kim Thị Thúy Ngọc (2013), “Lồng ghép cách tiếp cận dựa vào
hệ sinh thái trong biến đổi khí hậu”, Tạp chí Tài nguyên và Môi
trường, (5), tr. 31-32.
5. Kim Thị Thúy Ngọc và Trần Trung Kiên (2013), “Một số kết quả
ban đầu về xây dựng bản đồ không gian các dịch vụ hệ sinh thái
của rừng ngập mặn tại Cà Mau”, Tạp chí Môi trường, (12), tr.
61-64.
25
6. Kim Thị Thúy Ngọc và Nguyễn Văn Tài (2013), “Lồng ghép
dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình ra quyết định: Phương pháp và
cách tiếp cận cho Cà Mau”, Diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và
văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu
Long lần thứ 5”, Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, Cà Mau,
Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, Hà Nội, tr. 177-187.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ttla_ngoc_979_2100223.pdf