Luận văn Tác động của Nghị quyết- 09-2000- Nghị quyết- Chính Phủ tới công ty Seaprodex

Từ thực tiễn hoạt động của công ty Seaprodex Việt Nam đã rút ra được kinh nghiệm quý báu cho các công ty sản xuất chế biến thuỷ sản xuất khẩu của nước ta. đó chính là phải gắn hoạt động sản xuất chế biến với hoạt động nuôi trồng. Nghĩa là phải duy trì những mối quan hệ đã có được với những cơ sở nuôi trồng trước đó đồng thời tạo lập quan hệ với các cơ sở mới tham gia nuôi trồng ( Từ sau khi có Nghị quyết 09 số lượng cơ sở này tăng lên rất nhiều) để đảm bảo cho nguồn nguyên liệu đầu vào và cho hoạt động sản xuất chế biến được vận hành tốt.

pdf21 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2325 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tác động của Nghị quyết- 09-2000- Nghị quyết- Chính Phủ tới công ty Seaprodex, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LUẬN VĂN: Tác động của NQ- 09/2000/ NQ- CP tới công ty Seaprodex Lời mở đầu Hiện nay,nước ta đang thực hiện bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội với nhiều nội dung chuyển đổi về kinh tế – chính trị văn hoá xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp chúng ta cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển mà Đảng đã ra.Trong đó nước ta vẫn chủ yếu dựa vào các ngành nông- lâm- ngư nghiệp vốn là thế mạnh của chúng ta trên trường quốc tế.Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp,lâm nghiệp, thuỷ sản) nước ta liên tiếp thu được nhiều thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhất là trong một thời gian không dài, từ một nền nông nghiệp tự cấp, tự túc,lạc hậu vươn lên trở thành một nền nông nghiệp hàng hoá, đảm bảo an toàn lương thực quốc g ia và có tỉ suất hàng hoá ngày càng lớn có vị thế đáng kể trong khu vực và thế giới. Nước ta đã trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu 4 mặt hàng: gạo, cà phê, điều, hạt tiêu. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, thuỷ sản là ngành có khả năng trở thành ngành sản xuất có lợi thế lớn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam. Trong 40 năm qua, ngành thuỷ sản luôn giữ xu thế tăng trưởng không ngừng về năng lực sản xuất, sản lượng và giá trị. Kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng tương đối cao (22-23%/ năm). Năm 1997, kim ngạch sản xuất đạt 776 triệu USD, năm 1998 đạt 850 triệu USD, năm 1999 đạt 950 triệu USD, năm 2000 đạt 1,45 tỷ USD và năm 2001 đạt 1,76 tỷ USD đứng thứ 2 trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong đó phải kể đến sự đóng góp to lớn của một số công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản như: Tổng công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản (Seaprodex) và các công ty thành viên, công ty xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish)… để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước Chính phủ Việt Nam đã đề ra một số biện pháp hỗ trợ trong đó có việc ra Nghị quyết số 09/2000/NQ- CP của Chính phủ ngày15 tháng 6 năm 2000 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, em xin được trình bày những tác động của Nghị quyết số 09/2000/NQ – CP đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản của công ty Seaprodex Việt Nam. Đề tài: Tác động của NQ- 09/2000/ NQ- CP tới công ty Seaprodex I.Hoàn cảnh ra đời của Nghị quyết 09/2000/NQ-CP. 1.Hoạt động của công ty Seaprodex trước khi có Nghị quyết . Tổng công ty thuỷ sản Việt Nam –công ty Seaprodex -được thành lập vào năm 1978, kể từ đó đến nay công ty luôn là doanh nghiệp hàng đầu của ngành thuỷ sản Việt Nam cả về năng lực sản xuất, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tính đến năm 2000, công ty có 17 nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu, trong đó 13 nhà máy chế biến hải sản đông lạnh xuất khẩu với tổng công suất 200 tấn/ ngày, 4 nhà máy chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa ( sản xuất nước mắm, bột cá, thức ăn gia súc) với tổng công suất 12000 tấn/ năm. Ngoài ra, công ty còn có hệ thống kho thành phẩm với sức chứa 10000 tấn, kho nước đá 300 tấn, 50 chiếc xe lạnh, 89 xe bảo ôn. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của công ty trong giai đoạn 1990- 2000 đã không ngừng tăng lên với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 17,3 %/ năm. Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của công ty Seaprodex Việt Nam 1990 – 2000. Đơn vị: triệu USD Chỉ tiêu Năm KNXK của cả nước KNXK thuỷ sản KNXK của công ty Tỷ trọng (%) 1990 2404 239,1 35,2 14,7 1991 2087 285,4 39,6 13,9 1992 2591 307,7 44 14,3 1993 2985 427,2 48,4 11,3 1994 4054 551,2 52,8 9,58 1995 5449 621,4 57,2 9,20 1996 7256 969,6 65,8 6,79 1997 9145 776,4 74,5 9,59 1998 9361 858,6 83,2 9,69 1999 11523 971,1 127,1 13,09 2000 14300 1450 174 12,0 Nguồn: Niên giám thống kê 1996; kinh tế 1998-1999 và 2000- 2001 Việt Nam và thế giới ( thời báo kinh tế Việt Nam); bản tin thương mại thuỷ sản tháng 1 năm 2000. Như vậy, ta có thể thấy kim ngạch xuất khẩu của công ty chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước với tốc độ tăng trưởng tương đối cao và bền vững. Đặc biệt năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 174 triệu USD, bằng 137,6% so với cùng kì; thị trường xuất khẩu mở rộng ra hơn 30 quốc gia; một số doanh nghiệp thành viên đã tăng kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD/ năm so với năm 1999. Tuy là doanh nghiệp có tiềm lực mạnh trong ngành thuỷ sản Việt Nam nhưng trong thời gian qua công ty gặp không ít khó khăn, cũng như đa số các công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam. Đó là công nghệ chế biến còn lạc hậu và chưa phù hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam; nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng thuỷ sản xuất khẩu không ổn định và chất lượng nguyên liệu chưa đảm bảo; hoạt động marketing đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại còn yếu kém. Đối với công ty Seaprodex, đa số các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh của công ty đều được xây dựng từ trước năm 1975. Những năm gần đây, tuy được đầu tư nâng cấp nhưng chưa đồng bộ. Vì vậy, hầu hết năng lực chế biến của các nhà máy chỉ đạt 65- 70 % công suất thiết kế, bởi ngành công nghiệp thuỷ sản mang đậm tính chất mùa vụ và chưa được đầu tư đổi mới công nghệ kịp thời. Từ năm 1990 đến 1998 công ty đã đầu tư 4,7 triệu USD cho các cơ sở chế biến thuỷ sản, trong đó vốn tín dụng 700.000USD còn lại là vốn tự có. Kèm theo đó công ty còn lập phương án quy hoạch, nâng cấp hàng thuỷ sản xuất khẩu của công ty Seaprodex Minh Hải tại Bạc Liêu, Seaprodex miền trung tại Đà Nẵng, Seaprodex Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với tổng nhu cầu đầu tư cho các công trình trên dự kiến là 250 tỷ đồng. Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn trên Seaprodex Việt Nam đã xác định 2 vấn đề cơ bản là xây dựng định hướng chiến lược và ổn định các doanh nghiệp thành viên. Cùng với việc đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu, công ty còn xác định lợi thế của từng doanh nghiệp thành viên, xác định các vùng sản xuất trọng điểm, doanh nghiệp trọng điểm để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, năm 1999 công ty đã xác định khu vực miền Tây có lợi thế phát triển sản xuất, trong đó lấy Seaprodex Minh Hải là trọng điểm sản xuất và xuất khẩu. Việc xác định doanh nghiệp trọng điểm đã tạo nên động lực mạnh thúc đẩy doanh nghiệp này phát triển; ở Seaprodex Minh Hải đã tăng từ 18 triệu USD năm 1998 lên 31 triệu USD năm 2000, chiếm tỷ trọng giá trị chế biến cao nhất ( 25,76%) trong toàn công ty. Có thể nói định hướng của công ty Seaprodex là tiền đề, là động lực mạnh mẽ để mỗi doanh nghiệp thành viên tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh việc chủ động xây dựng định hướng đúng là việc ổn định các doanh nghiệp thành viên để củng cố thực lực mỗi thành viên và tạo sức mạnh của toàn công ty. Doanh nghiệp phấn đấu không phải chỉ là để năm sau cao hơn năm trước, mà còn để xứng đáng với uy tín công ty Seaprodex Việt Nam. Ngoài ra, nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng thuỷ sản xuất khẩu không ổn định và chất lượng nguyên liệu chưa đảm bảo cũng là khó khăn cho toàn bộ các công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam nói chung cũng như công ty Seaprodex nói riêng. Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Thương mại gần như toàn bộ các nhà máy chế biến thuỷ sản của nước ta đều dựa vào nguồn nguyên liệu khai thác tự nhiên, lệ thuộc vào thiên nhiên do nuôi trồng chưa phát triển và trở thành nguồn cung cấp ổn định. Phụ thuộc vào thiên nhiên và tính chất mùa vụ của các loài hải sản nhiệt đới cùng với điều kiện kết cấu hạ tầng cho việc khai thác ( như đội tàu và kỹ thuật viên, hệ thống cảng và chợ chuyên dụng…) chưa phát triển tương ứng đã làm cho chất lượng nguyên liệu không cao và không ổn định. Đó là do Việt Nam hiện nay, khai thác thuỷ hải sản tự nhiên chủ yếu được thực hiện bằng đội tầu có kích cỡ nhỏ của ngư dân, rất khó có điều kiện áp dụng công nghệ mới hiện đại trong việc bảo quản sau thu hoạch (như các khoang sơ chế tại tàu, các hầm lạnh cỡ lớn đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho các chuyến đánh bắt xa bờ dài ngày). Đối với các công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam thì đó vẫn chưa phải là khó khăn cuối cùng, mà các công ty của Việt Nam còn yếu kém trong khâu marketing đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại. Trong điều kiện hiện nay, để có thể thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tạo ra sản phẩm tốt giá thành hạ, các dịch vụ cung cấp sản phẩm đến khách hàng thuận tiện đồng thời họ cũng phải đặc biệt quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại. Bởi vì nếu sản phẩm ít được khách hàng biết đến, không được phân phối hợp lý, không hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh thì doanh nghiệp rất khó giành vị thế thắng cuộc trong thương trường. Thực tế cho thấy, các hoạt động như nghiên cứu thị trường, quảng cáo… kể cả thị trường nội địa hầu như chưa được các doanh nghiệp sản xuất hàng thuỷ sản Việt Nam lưu tâm thực hiện. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dựa trên các quan hệ truyền thống, chờ khách hàng tìm đến. Thêm vào đó, việc hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước( Bộ Thuỷ sản, Bộ Thương mại…) trong cung cấp thông tin thị trường, tổ chức hội chợ, giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến khách hàng thông qua các văn phòng đại diện ở nước ngoài… chưa được thực hiện một cách thường xuyên. Như vậy, trong hoàn cảnh các công ty xuât nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam nói chung và công ty Seaprodex nói riêng điều gặp những khó khăn như trên, nên chăng các cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ những khó khăn trên. Trước tình hình đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09/2000/ NQ- CP ngày 15/6/2000 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giải quyết một số vấn đề khó khăn đối với ngành thuỷ sản Việt Nam. Kèm theo đó Bộ Thuỷ sản cũng ra thông tư số 05/2000/ TT- BTS ngày 3/11/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết trên. 2.Một số nội dung chính của Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP. Theo đánh giá của các chuyên gia, thuỷ sản là ngành sản xuất sản phẩm đạm động vật có nhu cầu ngày càng tăng ở thị trường trong nước và xuất khẩu lớn, có khả năng trở thành ngành sản xuất có lợi thế lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng thủy sản đạt 3- 3,5 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, nâng kim ngạch xuất khẩu vươn lên hàng đầu trong khu vực châu á. Chính phủ đã đưa ra một số chủ trương, chính sách để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm thủy sản, thúc đẩy sản xuất phát triển như sau: a.ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học- công nghệ mới vào sản xuất thuỷ sản. Về nuôi trồng thuỷ sản, điều tra nghiên cứu, lập kế hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các loại hình mặt nước thuộc các vùng nước mặn, lợ và ngọt. Các Viện nghiên cứu nuôi trông thuỷ sản I, II và Trung tâm khuyến ngư các tỉnh phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo ngoài ngành liên quan tổ chức để chuyển giao các công nghệ sinh học cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất thuỷ sản nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả các loại đất, mặt nước. Về khai thác thuỷ sản, nghiên cứu điều tra xác định nguồn lợi hải sản vùng xa bờ, các vùng hải sản trọng điểm, phân bố tập trung, tập tính sinh học, quy luật di cư và biến động của các đối tượng khai thác. Nghiên cứu cải tiến một số nghề khai thác hải sản ven bờ quan trọng hiện có, tiến hành trang bị máy định vị, máy dò cá…Đối với công nghệ khai thác hải sản xa bờ, tăng cường nghiên cứu cải tiến kết cấu ngư cụ, phương pháp đánh bắt và một số công nghệ của nước ngoài để khai thác các loại thuỷ-hải sản. Về chế biến thuỷ sản, nhập khẩu công nghệ chế biến, đa dạng hoá mặt hàng để nâng cao giá trị của sản phẩm đông lạnh. Đồng thời đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, nhập khẩu công nghệ đông rời (IQF) có công suất thích hợp với từng vùng nguyên liệu. b.Tạo thêm các nguồn lực phát triển kinh tế thuỷ sản . Tổ chức thực hiện tốt những chính sách về đất đai theo quy định của luật đất đai, giao quyền sử dụng đất mặt nước bãi bồi, bãi cát ven biển, hải đảo, đầm phá, hồ chứa, sông lớn vẫn còn bỏ hoang ít sử dụng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Tăng cường hợp tác liên doanh liên kết, thành lập các hội nghề nghiệp giữa các hộ sản xuất, các chủ trang trại, các thành phần kinh tế để mở rộng quy mô, tăng khả năng đầu tư vốn, thu hút lao động sản xuất ra hàng hoá thuỷ sản có giá trị kinh tế, gắn kết sản xuất- xây dựng cơ sở chế biến thuỷ sản với việc giao lưu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. c.Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản. Phải tăng cường công tác thông tin thị trường, nâng cao khả năng tiếp thị; gắn thị trường với sản phẩm, thị trường nước ngoài với thị trường trong nước, gắn hợp tác thương mại, quan hệ đối ngoại với trao đổi buôn bán xuất khẩu hàng hoá thuỷ sản. Gắn chất lượng hàng hoá, mẫu mã và đa dạng hoá sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản, với yêu cầu thị hiếu của khách hàng nhập khẩu (nhất là thị trường Mĩ, Nhật Bản, EU…). Tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của nước ngoài tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp thuỷ sản trong nước; đại diện ngoại giao và tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt được những thông tin, giới thiệu và nâng cao vị thế các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam với bàn bè Quốc tế. II. Đánh giá tác động của Nghị quyết số 09/2000/NQ–CP tới hoạt động xuất nhập khẩu của công ty Seaprodex. 1.Tác động của Nghị quyết tới ngành thuỷ sản Việt Nam. Khi nói đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành thuỷ sản hai năm vừa qua, nhiều khi người ta liên tưởng trước hết đến lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Điều này có phần dễ hiểu vì từ cuối năm 2000 và nhất là trong năm 2001, sự chuyển dịch mục tiêu sử dụng đất nông nghiệp từ trồng lúa, làm muối, trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản đã diễn ra rộng khắp ở các tỉnh ven biển, gây nên tiếng vang lớn trong cả nước. Song trên thực tế, quá trình này diễn ra ở mọi lĩnh vực hoạt động của ngành và trong mọi thành tựu mà ngành thuỷ sản thu lượm được đều mang đậm dấu ấn của quá trình đó. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2001 Tổng sản lượng: 2.300.000 tấn Sản lượng khai thác: 1.350.000 tấn Sản lượng nuôi và khai thác nội địa: 950.000 tấn Diện tích mặt nước sử dụng để nuôi thuỷ sản: 887.500 ha Kim ngạch xuất khẩu : 1,7 tỷUSD Vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 5.913 tỷ đồng Nộp ngân sách nhà nước: 1.105 tỷ đồng Nguồn: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2001 và chỉ tiêu biện pháp thực hiện ké hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2002, Bộ thuỷ sản. Về lĩnh vực khai thác thuỷ sản, theo tinh thần của Nghị quyết, thì cần nghiên cứu điều tra xác định nguồn lợi hải sản vùng xa bờ, vùng hải sản trọng điểm, đồng thời tăng cường nghiên cứu cải tiến kết cấu ngư cụ, phương pháp đánh bắt và nhập một số công nghệ nước ngoài để áp dụng vào khai thác hải sản xa bờ. Thực tế hoạt động của năm 2001, trong tổng sản lượng hải sản khai thác 1,35 triệu tấn đã có 456.000 tấn được đánh bắt trong vùng biển xa bờ, chiếm 33% tổng số, trong đó sản phẩm làm nguyên liệu xuất khẩu chiếm 30%. Đó chính là kết quả hoạt động của đội tàu đánh cá xa bờ hơn 6000 chiếc với năng suất khai thác tương đối cao (0,45 tấn/CV) gấp rưỡi so với các tàu đánh cá ven bờ ( 0,32 tấn/ CV). Năm 2001 cũng là lần đầu tiên chúng ta thử nghiệm thuê tàu trần và chuyên gia của nước ngoài để tham gia khai thác trên biển. Còn trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, sự chuyển dịch phải nói là “rầm rộ”. Theo định hướng của Nghị quyết 09/2000/NQ –CP để phát triển mạnh mẽ nuôi trồng thuỷ sản trước hết phải quy hoạch lại cơ cấu sử dụng đất đai. Những vùng đất có điều kiện đưa nước mặn vào và đủ điều kiện nuôi thuỷ sản thì khuyến khích nông dân chuyển đổi sang nuôi tôm và các loại thuỷ-hải sản. Tuy nhiên, tuỳ theo điều kiện sinh thái, môi trường, thổ nhưỡng…của từng vùng và địa phương mà có phương thức tổ chức nuôi trông phù hợp như: thâm canh, bán thâm canh…Đồng thời giao cho các cơ quan có thẩm quyền trong ngành lập quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các loại hình mặt nước và nghiên cứu phát triển giống thuỷ sản, các loại vắc xin nhằm nâng cao chất lượng hàng thuỷ sản. Thực hiện nghị quyết, nhân dân ở hầu hết các tỉnh ven biển đã tiến hành chuyển đổi vùng đất nhiễm mặn trồng lúa, trồng cói, làm muối và vùng đất cát khô cằn sang nuôi trồng thuỷ sản, mà chủ yếu là nuôi tôm. Tổng diện tích chuyển đổi ở vùng ven biển đã lên tới trên 220.000 ha đưa tổng diện tích mặt nước sử dụng để nuôi thuỷ sản năm 2001 lên 887.500 ha. Diện tích chuyển đổi này đã góp phần quan trọng trong số 60.000 tấn tôm nuôi tăng thêm, nâng tổng sản lượng tôm nuôi lên gần 160.000 tấn, cao gấp rưỡi so với năm 2000. Đặc biệt, mô hình nuôi luân canh tôm- lúa đã đem lại hiệu quả cao và bền vững ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong các vùng nước ngọt, tuy không sôi động như các vùng ven biển những quá trình chuyển dịch cũng diễn ra với quy mô không kém, với việc sử dụng các diện tích mặt nước, hồ chứa, sông, ao, hồ nhỏ, ruộng lúa để nuôi tôm càng xanh, cá chim trắng và nhiều loài cá có giá trị cao khác. Ngoài ra còn có một điểm cần nhấn mạnh ở đây là vai trò của công tác sản xuất giống đối với kết quả cuả hoạt động nuôi thuỷ sản. Trước đây, giống thuỷ sản nuôi chủ yếu được sản xuất ở một số tỉnh Nam Trung Bộ, nhưng trong năm 2001 năng lực sản xuất giống thuỷ sản đã tăng trưởng một cách vượt bậc. Các tỉnh phía Bắc và Nam Bộ vốn được coi là không có năng lực sản xuất giống cũng đã tự sản xuất được một tỉ lệ đáng kể phục vụ cho nhu cầu thả nuôi của mình. Đối với công tác thị trường ngoài nước, nghị quyết chủ trương đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại với các nước, gắn quan hệ đối ngoại với xuất khẩu thuỷ sản. Tiếp tục mở rộng cam kết song phương và đa phương cấp Chính phủ về xuất khẩu thuỷ sản. Mở rộng diện mặt hàng nông sản trong danh mục trả nợ hàng nước ngoài. Tăng cường quyền hạn; trách nhiệm và tạo điều kiện để các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại Việt Nam ở nước ngoài tham gia tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản nói chung và thuỷ sản nói riêng. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Thuỷ sản và sự nỗ lực của riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, chúng ta đã tạo được chỗ đứng ngày càng rộng lớn ở Mĩ, Nhật Bản và đang tiến sâu hơn vào Trung Quốc, một thị trường có tiềm năng to lớn. Sản phẩm thuỷ sản mang nguồn gốc Việt Nam đã được thừa nhận và khẳng định và thừa nhận vị trí trên các thị trường thuỷ sản hàng đầu thế giới. Những thành tựu trong hoạt động khai thác và nuôi trồng, cộng với sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp đã tạo nên thành tích to lớn trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản. Năm 2001, xuất khẩu thuỷ sản đạt giá trị 1,76 tỉ USD, chiếm gần 40 % kim ngạch xuất khẩu của cả khối nông nghiệp và trên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đứng thứ ba sau ngành dầu khí và dệt may. Năm 2002, tính đến hết quý II, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đã đạt trên 880 triệu USD. Kết quả trên thật sự rất đáng khích lệ, đặc biệt đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, đây là thời kì mà nền kinh tế thế giới có thể nói là lâm vào cơn suy thoái, làm lung lay đến cả nền kinh tế của cường quốc số 1- nước Mĩ- sau thời kì 10 năm tăng trưởng ngoạn mục. Với tốc độ phát triển như trong những năm gần đây, ngành thuỷ sản Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu kinh tế- xã hội như theo tinh thần của Nghị quyết: Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2005 đạt 2.450.000 tấn, năm 2010 đạt 3.400.000 tấn. Trong đó: + Khai thác hải sản năm 2005 đạt 1.300.000 tấn, năm 2010 đạt 1.400.000 tấn + Nuôi trồng thuỷ sản 2005 đạt 1.150.000 tấn, năm 2010 đạt 2.000.000 tấn Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 2,5 tỉ USD, năm 2010 đạt 3,5 tỉ USD. Thu hút lao động năm 2005 là 4 triệu người, năm 2010 là 4,4triệu người. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của ngành thuỷ sản trong hơn một năm qua vẫn còn tồn đọng một số mặt hạn chế. Thứ nhất, đó là tình trạng tự phát trong sản xuất, thể hiện rõ nhất qua quá trình chuyển mục đích sử dụng diện tích canh tác sang nuôi thuỷ sản ở các tỉnh Nam Bộ. Thứ hai, trong quan hệ với bên ngoài đó là các rào cản thương mại. Đây là điều mà bất cứ nhà xuất khẩu nào cũng gặp phải. Các nước nhập khẩu thực phẩm có thể viện vào các lí do khác nhau để hạn chế nhập hàng của một nhà xuất khẩu nào đó. Các loại lí do đó thường tập trung thành: - Vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. - Bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. - Duy trì cạnh tranh công bằng. Những vấn đề này là khó khăn chung cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam và với cả công ty Seaprodex. 2.Tác động của Nghị quyết 09 đối với hoạt động xuất nhập khẩu của công ty Seaprodex. a.Những mặt tích cực. Là một doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuỷ sản xuất khẩu, việc chính phủ ban hành nghị quyết 09 đã tạo ra cho công ty Seaprodex nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động của công ty phát triển. Trứơc tiên,Nghị quyết 09 chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế với định hướng phát triển lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, khuyến khích nông dân chuyển đổi những diện tích mặt nước do trước đây sử dụng không hiệu quả sang nuôi tôm và các loại thuỷ- hải sản khác đã góp phần đáng kể làm tăng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, điển hình là tôm- mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ngành thuỷ sản Việt Nam với khối lượng năm 2001 tăng thêm 60.000 tấn. Điều này đã tạo ra cho công ty Seaprodex thuận lợi rất lớn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào vốn dĩ là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thuỷ sản của Việt Nam trong giai đoạn trước đây. Thực tế hoạt động của công ty cho thấy sản lượng hàng xuất khẩu đã đạt đén mức 30.000 tấn với giá trị chế biến trên 122,1 triệu USD trong đó tôm chiếm 50%, cá chiếm 10%, đặc biệt mặt hàng giá trị gia tăng chiếm 35%, trong khi trước đây, sản lượng hàng xuất khẩu của công ty chưa bao giờ đạt quá con số 20.000 tấn /năm. Công ty với hệ thống 14 nhà máy chế biến và các công ty thành viên đã phát huy, tận dụng tốt công suất thiết bị nhà xưởng, gắn sản xuất với tiêu thụ và thị trường nên đã đạt kết quả tốt. Như vậy cho thấy việc Nghị quyết 09 được ban hành đã tác động rất tốt tới hoạt động của công ty Seaprodex tạo đà cho công ty phát triển các ngành hàng và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thuỷ sản thế giới. Thứ hai, việc Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu bằng việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất thuỷ sản cũng tạo ra cho công ty một nền tảng vững chắc để hoạt động. Trong đó, thông qua việc tạo điều kiện cho công ty tiếp xúc với các công ty nước ngoài để thu thập các thông tin về tình hình công nghệ chế biến thuỷ sản hiện đại trên thế giới, đồng thời đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân và nhập khẩu công nghệ đông rời ( IQF). Năm 2001, công ty Seaprodex và các đơn vị thành viên đã chú trọng trong đầu tư cho các cơ sở sản xuất chế biến. Đã có 18 dự án đang được triển khai với tổng mức đầu tư 320 tỉ đồng và đã hoàn thành về giá trị là 89 tỉ đồng, trong đó có 10 dự án về sản xuất chế biến thuỷ sản. Tính chung tổng mức đầu tư đã thực hiện năm 2001 là hơn 207 tỉ đồng, là năm có tổng mức đầu tư cao nhất trong những năm qua với việc nhập khẩu một số dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại và ngâng cấp nhà xưởng, hệ thống kho chứa cho các nhà máy của công ty Seaprodex và các công ty thành viên. Ngoài ra, việc phối hợp với các Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản và các trường đại học chuyên môn, tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công nhân và nghiệp vụ quản lí đã làm cho công ty Seaprodex có một tổ chức vững mạnh về nhân sự. Như vậy, với hệ thống nhà máy chế biến được cải tiến phù hợp với trình độ hiện nay và đội ngũ công nhân lành nghề, về cơ bản năng lực sản xuất của công ty đã được củng cố và hoàn thiện, có khả năng vươn ra thị trường quốc tế, cạnh tranh với các nhà xuất khẩu thuỷ sản lớn trên thế giới. Năm 2001 cũng là năm công ty Seaprodex tăng tính chủ động đầu tư mạnh cho công tác tiếp thị mở rộng thị trường thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan ban ngành có liên quan về thông tin thị trường nước ngoài. Đồng thời các đại diện ngoại giao và các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cũng thực hiện giới thiệu và nâng cao vị thế các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam nói chung và sản phẩm của công ty Seaprodex nói riêng. Cụ thể là, trong năm công ty đã cử 42 đoàn với 134 lượt cán bộ tham gia hội chợ, tiếp thị ở Mĩ, Nhật, Trung Quốc…trong đó có các hội chợ quốc tế thuỷ sản quan trọng ở Los Angeles. Các gian hàng của công ty tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế trong nước như Vietfish 2001, Hội chợ kinh tế biển 2001, và gần đây là Vietfish 2002 đều được đánh giá cao. Để tập trung điều hành, cuối năm 2001 công ty đã thành lập Quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại- mở rộng thị trường với hoạt động chủ yếu là thực hiện khâu maketing sản phẩm trên thị trường quốc tế và xúc tiến hoạt động thương mại của công ty Seaprodex vào các công ty thành viên. Nhìn chung, năm 2001 công ty Seaprodex đã vượt qua những khó khăn và trở ngại ban đầu để hoàn thành về cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 5.238,57 tỉ đồng, đạt 100,74% kế hoạch năm và bằng 103,66% so với cùng kì năm 2000. Tổng doanh số đạt 329,9 triệu USD (trong đó xuất khẩu đạt 160,9 triệu USD), lợi nhuận đạt 37,34 tỉ đồng (bằng 106,69% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kì năm 2000). Trong toàn công ty có 23 đơn vị đạt hiệu quả cao, số doanh nghiệp thành viên kinh doanh đa dạng tổng hợp có doanh thu trên 47 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 70%, điển hình là các công ty Seaprodex Hà Nội, Seaprodex Minh Hải (Bạc Liêu). Trong 9 tháng đầu năm 2002, công ty Seaprodex Hà Nội đã đạt tổng doanh thu 594 tỉ đồng (39.6 triệu USD) tăng 94% so với cùng kì năm 2001 và vượt 8% kế hoạch toàn năm 2002, kim ngạch xuất khẩu của công ty cũng đạt 13,5 triệu USD tăng 63% so với cùng kì năm 2001. Như vậy, có thể thấy rằng việc ban hành Nghị quyết số 09/2000/NQ –CP về chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã thúc đẩy toàn công ty Seaprodex Việt Nam và các đơn vị thành viên phát triển với tốc độ tương đối cao. b. Một số khó khăn hạn chế đối với công ty Seaprodex. Như đã trình bày ở trên, Nghị quyết số 09/2000/NQ–CP đã tác động tích cực đến công ty Seaprodex, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty phát triển hoạt động sản xuất và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Tuy nhiên, đi đôi với những điều kiện thuận lợi đó là không ít những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt. Khó khăn đầu tiền đó là do thời gian ban hành nghị quyết chưa lâu nên quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích nông dân chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản nhưng do biện pháp thực hiện chưa đồng bộ dẫn đến việc thực hiện theo định hướng của nghị quyết trong nông dân chưa đồng nhất. Điển hình là tình trạng tự phát trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản dẫn đến việc sản phẩm thu hoạch của nông dân không đúng với yêu cầu của các nhà chế biến trong nước trong đó có công ty Seaprodex. Trong trường hợp này, công ty sẽ tốn nhiều chi phí hơn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vài cho quá trình chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Thứ hai, đó là do trình độ công nghệ sản xuất và nuôi trồng của nông dân còn thấp, do vậy họ thường có tư tưởng “ đi tắt, đón đầu” những thành tựu khoa học công nghệ hiịen đại của thế giới, nhưng do chưa thực sự nắm vững những nguyên lí của những thành tựu đó nên đa số người nuôi trồng không kiểm soát được tác động của nó gây ra dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao. Ví dụ như việc sử dụng các loại thức ăn nhập khẩu và các loại thuốc kháng sinh cho việc nuôi trồng thuỷ sản nên sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trên thê giới, đặc biệt là những thị trường khó tính như Nhật và EU. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao các sản phẩm thuỷ sản chế biến của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam trong đó có công ty Seaprodex thường bị vướng mắc trong quá trình xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài được bảo hộ bằng các rào cản thương mại phi thuế quan (đó là các chỉ tiêu về kĩ thuật). Đây thực sự là một khó khăn đối với quá trình vươn ra thị trường nước ngoài của công ty Seaprodex Việt Nam. III.Kinh nghiệm của công ty Seaprodex. Trước tình hình chính phủ ban hành Nghị quyết 09/2000/NQ- CP có tác động đến toàn ngành thuỷ sản Việt Nam và công ty Seaprodex, công ty đã có một số định hướng chiến lược nhằm phát huy những lợi thế và khắc phục những khó khăn mà Nghị quyết đã đặt ra. Sau khi Nghị quyết được thực thi, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã diễn ra mạnh mẽ. Diện tích mặt nước nuôi trồng đã tăng lên đáng kể, năm 2000 diện tích đó vào khoảng 650.000 ha, năm 2001 đã tăng lên 887500 ha và năm 2002 là 940.000 ha. Đồng thời cũng có nhiều tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, điều này đã tạo ra cho ngành thuỷ sản Việt Nam sản lượng nuôi trồng rất lớn. Đối với công ty Seaprodex trong hoàn cảnh này họ đã thấy được cơ hội thuận lợi cho hoạt động chế biến của mìnhvà đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực tiếp tiếp xúc và đặt quan hệ mua bán sản phẩm nuôi trồng với những cơ sở nuôi có khả năng đáp ứng nhu cầu của công ty đồng thời duy trì những mối quan hệ đã có trước đây nhằm thực hiện thu mua sản phẩm nuôi trồng nhiều hơn phục vụ cho việc mở rộng quy mô chế biến phù hợp với công suất thiết kế. Ngoài ra, công ty Seaprodex cũng đã đặt ra những phương hướng cụ thể cho hoạt động của công ty phù hợp với yêu cầu của thị trường và trong tình hình mới. Thứ nhất, đưa hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty theo hướng đa dạng, tổng hợp, đi sâu vào chuyên ngành lấy sản xuất xuất khẩu thuỷ sản là mục tiêu chế lược. Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản cần đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa để nâng cao doanh số và hiệu quả; cân đối thị trường trong và ngoài nước, ổn định sản xuất và xuất khẩu. Trong đó cụ thể năm 2002, công ty đã có những mục tiêu: đổi mới công nghệ và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các mặt hàng tươi sống, đa dạng hoá sản phẩm, nâng doanh số xuất khẩu thuỷ sản đạt 200 triệu USD, đảm bảo hiệu quả đủ sức cạnh tranh khi hội nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Từ những mục tiêu cụ thể trên, công ty đã xác định được những phương pháp cơ bản để hoạt động đạt được kế hoạch đã đặt ra. Trước hết đó là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong đầu tư đổi mới công nghệ cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời cần phải gắn sản xuất, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản với hoạt động nuôi trồng để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho hoạt động chế biến đạt được năng suất cao nhất. Trong thực tế, công ty Seaprodex đã thực hiện đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh: xây dựng và đưa đề án 4 khu vực chế biến thuỷ sản xuất khẩu của công ty vào hoạt động, trong đó chú trọng nâng cấp các cơ sở chế biến nhằm đạt tiêu chuẩn HACCP đồng thời khắc phục yếu kém trong chất lượng thuỷ sản nuôi trồng của các cơ sở nuôi trồng trong nước. Gắn kết hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu với hoạt động dịch vụ kỹ thuật, hợp tác, liên doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. IV. Bài học từ thực tiễn hoạt động của công ty Seaprodex sau khi có Nghị quyết 09/2000/NQ- CP. 1. Gắn kết hoạt động sản xuất chế biến thuỷ sản với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản Từ thực tiễn hoạt động của công ty Seaprodex Việt Nam đã rút ra được kinh nghiệm quý báu cho các công ty sản xuất chế biến thuỷ sản xuất khẩu của nước ta. đó chính là phải gắn hoạt động sản xuất chế biến với hoạt động nuôi trồng. Nghĩa là phải duy trì những mối quan hệ đã có được với những cơ sở nuôi trồng trước đó đồng thời tạo lập quan hệ với các cơ sở mới tham gia nuôi trồng ( Từ sau khi có Nghị quyết 09 số lượng cơ sở này tăng lên rất nhiều) để đảm bảo cho nguồn nguyên liệu đầu vào và cho hoạt động sản xuất chế biến được vận hành tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thu mua sản phẩm nuôi trồng cũng cần chú trọng đến chất lượng của sản phẩm có đạt yêu cầu của công ty của các thị trường khó tính như EU, Nhật bản, Mỹ. 2. Đổi mới công nghệ chế biến thuỷ sản Như ta đã thấy, công ty Seaprodex rất chú trọng vào hoạt động đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao năng lực của công ty. Đối với những công ty sản xuất chế biến thuỷ sản khác của Việt Nam cũng không là ngoại lệ, các công ty này cần phải chú trọng hơn nữa vào việc đổi mới công nghệ làm tăng năng suất chế biến đồng thời mở rộng quy mô chế biến nhằm khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu đầu vào để hình thành nên quy mô tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất. Đi đối với việc đổi mới công nghệ chế biến mở rộng quy mô sản xuất đó là phải xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn và nghiệp vụ kinh doanh quản lý theo các chương trình hỗ trợ của bộ thuỷ sản thực hiện theo Nghị quyết 09. Một điều dễ nhận thấy là vấn đề nhân sự là một trong những vấn đề cốt lõi quyết định đến thành công của một doanh nghiệp, nhận thức được điều đó công ty Seaprodex đã thực hiện đào tạo , bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ kinh doanh cho các cán bộ và công nhân của công ty, điều này đã tạo nên động lực thúc đẩy hoạt động của công ty phát triển. Có thể nói đây là một kinh nghiệp quý báu của công ty Seaprodex mà các công ty khác cần tiếp thu và vận dụng nhằm hoàn thiện hoạt động của mình. Mục lục Trang Lời nói đầu 1 I. Hoàn cảnh ra đời của nghị quyết 09 3 1. Hoạt động của Công ty Seaprodex trước khi có nghị quyết 3 2. Một số nội dung chủ yếu của nghị quyết 7 II. Đánh giá tác động của nghị quyết đối với hoạt động của Công ty Seaprodex 9 1. Tác động của nghị quyết đối với ngành thuỷ sản Việt Nam 9 2. Hoạt động của Công ty Seaprodex sau khi có nghị quyết 14 III. Kinh nghiệm của Công ty Seaprodex 18 IV. Một số bài học về thực tiễn hoạt động của Công ty Seaprodex 20 Kết luận 22 Tài liệu tham khảo 23

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Tác động của NQ- 09-2000- NQ- CP tới công ty Seaprodex.pdf
Luận văn liên quan