Về ngôn ngữ, Thiền uyển tập anh thể hiện đúng tinh thần thiền với tôn chỉ
bất lập văn tự, xem ngôn ngữ là phương tiện. Ngôn ngữ hàm súc, cái hàm súc phi
logic không dựa trên cơ chế của sự liên tưởng, không chỉ là lời ít ý nhiều mà còn là
ngôn bất tận ý. Ngôn ngữ uyên bác với những điển tích, thuật ngữ Phật giáo. Ngôn
ngữ giản dị với những lời đối đáp thông tục, hóm hỉnh. Sự sóng đôi giản dị - uyên bác
là do tác phẩm nằm ở điểm giao thoa của văn học dân gian và văn chương bác học,
do sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại trong ngôn ngữ văn học Phật giáo trước thế kỷ XV.
Công trình nghiên cứu của chúng tôi chỉ tìm hiểu về một tác phẩm ở một góc
nhìn. Từ đó có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác với phạm vi rộng hơn: tìm
hiểu giá trị văn chương của các tác phẩm văn xuôi Phật giáo thời Lý Trần, tìm hiểu
loại hình tiểu truyện nhân vật trong văn học trung đại Việt Nam, tìm hiểu về loại hình
tiểu truyện thiền sư ở Việt Nam trong so sánh với tác phẩm cùng loại hình của Trung
Quốc – Ấn Độ – Nhật Bản,
Khi thực hiện công trình nghiên cứu này, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thứ
nhất là rào cản ngôn ngữ. Bên cạnh rào cản ngôn ngữ, một rào cản khác cũng khó
vượt không kém, đó là triết lý uyên áo của nhà Phật. Với một kẻ hậu sinh ngoại đạo,
vượt qua hai rào cản này để tiếp cận tác phẩm thật không phải là điều đơn giản.
Chính vì thế, luận văn không thể tránh khỏi sai sót. Rất mong sẽ nhận được những ý
kiến đóng góp chân thành từ quý thầy cô và các bạn.
108 trang |
Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1488 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ẹp, cái đẹp của trí tuệ, thần thái tư phong.
Thủ pháp nghệ thuật là những cách biểu hiện mà tác giả vận dụng trong sáng
tác nghệ thuật để xây dựng hình tượng, bộc lộ cảm xúc. Thủ pháp nghệ thuật là con
đường chuyển hóa từ thứ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ văn chương. Trong
Thiền uyển tập anh, thủ pháp phác diễn và thủ pháp tương hỗ đã phát huy tối đa tác
dụng của mình trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Thêm vào đó là những yếu
tố đậm chất kỳ ảo. Nhân vật vì thế, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, có sức sống lâu bền hơn.
Chương 4: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, là chất liệu xây dựng tác phẩm. Phan
Kế Bính khi luận về nguyên lý văn chương đã xác định ba cái căn nguyên trước nhất
đóng vai trò nguyên nhân sinh ra văn chương, đó là tính tình, tư tưởng và ngôn ngữ
văn tự. Nếu người ta có tính tình, có tư tưởng mà không có ngôn ngữ văn tự thì
không thể tạo thành văn chương được. Con người có văn chương còn loài vật không
có là cũng vì thế.
Ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ đã qua sự gia công trau chuốt của người
nghệ sĩ “trăm lần luyện mới thành chữ, nghìn lần nấu mới thành câu”.
Thiền uyển tập anh có sự phối hợp ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học,
truyện và thơ, văn chương và thiền. Chính vì thế, ngôn ngữ cũng mang nhiều vị,
người ở tầng lớp nào, tông phái nào cũng có thể thưởng thức được. Tuy nhiên, dòng
chủ âm chi phối ngôn ngữ của toàn bộ tác phẩm mang đặc trưng của ngôn ngữ thiền.
4.1. Vai trò của ngôn ngữ - vai trò của ngón tay chỉ mặt trăng
Tôn chỉ của Phật giáo thiền tông là:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
(Không bày đặt chữ nghĩa
Trao truyền ngoài giáo điển
Chỉ thẳng vào tâm người
Thấy được tánh mà thành Phật)
Khẩu lệnh đó được Bồ Đề Đạt Ma đề xướng. “Khẩu lệnh của Bồ Đề Đạt Ma là
một tiếng sấm sét khiến giới Phật giáo tỉnh giấc mơ khảo cứu lý luận để trở về với
tinh thần thực chứng nội tỉnh của đạo Phật.” [18, 28]. Tu thiền là chỉ thẳng vào tâm,
thấy được tánh tức là giác ngộ được Phật tính thì sẽ thành Phật. Thế nên những thuật
ngữ “bất lập văn tự”, “ly ngôn thuyết tướng”, “bất khả thuyết” trở thành những
thuật ngữ quen dùng để nói về đặc điểm của ngôn ngữ nhà Phật. Những thuật ngữ đó
thể hiện sự bất lực của ngôn ngữ trước viễn cảnh của thực tại. Vì ngôn ngữ mang tính
chất tĩnh, trong khi thực tại thì luân lưu, vận hành bất tuyệt.
Thế nhưng ngôn ngữ không vì thế mà không cần thiết. Không có ngôn ngữ, lấy
gì để chuyên chở và lưu giữ những tư tưởng triết lý, những bài học thiền sống động
trong những lời đối đáp của các bậc danh tăng xưa, trong lời giáo huấn kinh điển của
đức Phật. “Nếu không có ngôn ngữ, khái niệm thủ vai như những dấu hiệu, biểu
tượng, chỉ dẫn, thì cuộc đối thoại giữa Phật và chúng sinh, giữa phàm phu và
thánh trí chẳng khác gì dã tràng xe cát. Do vậy, viện đến ngôn ngữ, khái niệm, luận
lý, là một trong những phương pháp triết học Phật giáo; nhưng cái đích đến của nó
không phải những gì được diễn tả bởi ngôn ngữ, mà chính là những gì nằm đằng sau
ngôn ngữ, cảnh giới thực tại” [58, 13].
Vai trò của ngôn ngữ ví như vai trò của ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay chỉ
mặt trăng vốn là một thành ngữ được dùng để thí dụ cho những giáo huấn của Đức
Phật. Ngón tay tức giáo huấn nhà Phật. Mặt trăng là chân lý cứu cánh. Trên bình diện
kết cấu văn pháp, ngón tay là chủ thể, mặt trăng là đối tượng được liên kết với nhau
bởi hành động chỉ. “Ngón tay không thể dùng để chỉ hay diễn đạt về ngón tay chính
nó, mà được dùng để chỉ đến một đối tượng khác nó, ở đây là “mặt trăng”. Ngón tay
không thể mô tả hay diễn đạt chính xác về mặt trăng, mà nó chỉ đóng vai trò của sự
chỉ dẫn, hướng tầm nhìn về mặt trăng” [58, 8]. Quan hệ giữa ngón tay và mặt trăng
cũng giống như quan hệ giữa ngôn ngữ và giáo lý nhà Phật. Ngón tay là phương tiện
giúp ta có thể nhận ra đối tượng mặt trăng. Ngôn ngữ là phương tiện chuyên chở giáo
lý nhà Phật. Ta không để ngón tay che lấp mặt trăng, không để ngôn ngữ che lấp giáo
lý.
Vai trò của ngôn ngữ là vai trò của phương tiện. “Ngôn ngữ của Nhị đế trong
giáo thuyết của Phật là ngôn ngữ ly niệm, chứng lý của nó không phải ở khả năng
diễn đạt mà là ở khả năng chỉ dẫn”. Đạo Phật rất huyền vi, ngôn ngữ không bắc nổi
chiếc cầu để người học đạo vin vào đó đến được bờ giác ngộ. Kẻ hành thiền hành đạo
vẫn phải tự mình giác ngộ thân tâm. Nếu chỉ trông chờ vào phương tiện, không tự sức
mình vượt qua thì mãi mãi họ chỉ đứng bên này sông nhìn theo bóng con đò tách bến.
Nếu quá lệ thuộc vào phương tiện, họ giống như người qua sông, thuyền đã cập bến
mà không chịu rời thuyền, thì cũng không thể tới nơi được. Hai kiểu người ấy hãy
còn cách xa, chưa đạp lên đất thật của thiền.
Chính vì xem ngôn ngữ là phương tiện như cái bè qua sông cho nên lời nói,
cách truyền giảng của các vị thiền sư đối với học trò cũng khác so với lối thuyết
giảng của nhà Nho. Khi các thiền sư lập văn tự, họ rất kiệm lời. Các vị thường không
cắt nghĩa, giảng dạy một cách chi tiết, đầy đủ. Chỉ là những câu ngắn gọn, vừa đủ,
dành khoảng lặng cho trò tự giác ngộ. Từ đó hình thành nên các đặc trưng ngôn ngữ
trong những đoạn ngữ lục, thơ kệ của các vị thiền sư.
Đức Phật, 49 năm truyền giảng thuyết pháp ở cõi thế, trước khi mất người đã
khẳng định: “49 năm qua ta chưa thuyết pháp một lời”. Lời nói ấy như bức tâm thư
in dấu trong tâm thức của những thế hệ tiếp sau, hình thành nên truyền thống vô ngôn
của thiền. Các nhà sư trong Thiền uyển tập anh luôn thể hiện thái độ khinh miệt đối
với ngôn ngữ và văn tự. Sư Cảm Thành khẳng định với đệ tử Thiện Hội: “cổ nhân
nói nếu tìm văn để làm chứng thì càng thêm ngưng trệ”. Sư Quảng Nghiêm, Huệ
Nghiêm cùng khẳng định với học trò mình là Thường Chiếu, Thanh Biện: “Nếu nói
Như Lai có thuyết pháp điều gì tức là bài báng Phật?”
Có người hỏi ni sư Diệu Nhân:
- Không nói là thế nào?
Sư đáp:
- Đạo vốn không lời.
Có người hỏi sư Viên Chiếu:
- Các tổ truyền cho nhau là truyền cái gì?
Đáp:
- Bụng đói kiếm cơm ăn
Lạnh mình lo áo mặc.
Vua hỏi sư Thiền Lão:
- Hàng ngày hòa thượng làm gì?
Đáp:
- Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
(Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng trong mây trắng rõ toàn chân)
Hai câu trả lời của sư Viên Chiếu và Thiền Lão có vẻ chẳng liên quan gì đến
câu hỏi. Vì điều họ muốn nói nằm phía sau câu chữ. Nếu cứ bám theo câu, duyên
theo lời mà phân tích chữ nghĩa, chia chẻ dở hay thì muôn đời vẫn không rõ được
nghĩa lý. Câu trả lời của sư Viên Chiếu thì gần gũi, giản dị thông tục; câu trả lời của
sư Thiền Lão thì xa xôi, văn chương hoa mỹ. Nhưng mục đích của hai nhà sư là một,
đó là khai ngộ và truyền đạo cho đệ tử, đưa người học đạo trở về thực tại hiện tiền.
Người tu thiền không cần câu chấp, suy tính, chỉ cần hòa mình vào thực tại, vì thực
tại cũng chính là niết bàn. Buông bỏ là con đường đi đến cõi Niết bàn, sự an lạc thân
tâm. Sự trao truyền đó là tâm truyền tâm nên không thể nào diễn tả bằng lời được.
Lời đáp trên chẳng phải để trả lời câu hỏi, chỉ nhằm bác bỏ thái độ băn khoăn, câu
chấp của người học đạo, bởi “đạo vốn không lời”.
Những gì Đức Phật thuyết giáo trong suốt cuộc đời được ví như nắm lá trong
lòng bàn tay còn cảnh giới thực chứng, trí tuệ siêu việt của Đức Phật được ví như lá
trong rừng. Phật dùng ngôn ngữ để khai thị giải minh thực tướng, người nghe xem
ngôn ngữ là phương tiện chỉ dẫn để tri nhận và thể nghiệm thực tướng. Còn thực
tướng không nằm ở chỗ nói và nghe, không nằm ở ngôn ngữ mà chính ở đằng sau
ngôn ngữ, trong sự im lặng kỳ vĩ của đức Phật, sự im lặng đã mang lại cho Ca Diếp
giây phút đạt ngộ. Bức tường Phật pháp cao thâm được nhìn xuyên qua, được thấu
suốt trong những phút giây kỳ diệu như thế. Tì – ni– đa – lưu – chi “gặp Tăng Xán,
thấy phong độ phi phàm, ông đem lòng kính mộ, liền chắp tay ba lần nhưng Tăng
Xán vẫn ngồi yên không đáp. Trong lúc chờ đợi, Tì – ni – đa – lưu – chi đứng suy tư,
thấy trong lòng rạng rỡ như có điều sở đắc liền sụp xuống lạy tạ ba lạy”. “Sư (Thanh
Biện) nghĩ ngợi, còn định hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm phất trần đánh vào miệng.
Sư đột nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.” Trước cửa thiền, ngôn ngữ dừng lại bên ngoài,
như thuyền không thể chạy trên bờ. Nói nhiều cách đạo càng xa. Đạt ý phải quên lời.
Chỉ có bản thân con người tự ngộ mới thông đạt như người uống nước, lạnh hay ấm
tự mình biết, không thể nói ra.
Tuy thế nếu không nhờ văn tự bát nhã đi đến quán chiếu bát nhã, thì làm sao
chứng được thực tướng bát nhã. Cũng như không mượn ngón tay để chỉ mặt trăng thì
không thấy trăng. Thế nên người ta vẫn mượn ngôn ngữ để chở thiền và khi nhuộm
hương thiền ngôn ngữ mang sắc hương riêng.
4.2. Ngôn ngữ hàm súc
Trong văn học nghệ thuật nói chung, ngôn ngữ được chọn lọc rèn giũa qua lao
động nghệ thuật của nhà văn để đạt đến tiêu chuẩn của tác phẩm nghệ thuật. Trong
văn học Thiền, ngôn ngữ càng được tinh luyện để vừa đạt được những phẩm chất của
một tác phẩm văn chương vừa hàm chứa những tư tưởng triết lý uyên áo của Thiền.
Qua cái lò tinh luyện đó, ngôn ngữ đạt đến độ cao nhất của tính hàm súc, gọn gàng và
chắc nịch “như bàn tay nắm thành quả đấm”.
Thiền uyển tập anh rất hàm súc trong lời kể. Cả cuộc đời một thiền sư với biết
bao thăng trầm biến cố được gói trong một câu chuyện nhỏ, có khi chưa đến một
trang giấy. Tác giả đã chọn lọc và ghi lại những nét chính. Tuy nhiên qua những nét
đó, người đọc vẫn có thể hình dung toàn bộ cuộc đời, quá trình hành thiền hành đạo
cùng vẻ đẹp nhân cách của thiền sư. Một số ít truyện có dung lượng khá dài như
truyện về sư Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Viên Chiếu. (Dung lượng dài nhất tập truyện là
truyện về sư Viên Chiếu vì người biên soạn tập trung ghi lại những đoạn ngữ lục nổi
tiếng của ông.)
Lượng thông tin được nén trong hai câu ngắn gọn khi giới thiệu về nguồn gốc
xuất thân nhân vật. “Thiền sư họ Trịnh, vốn người Quảng Châu (Trung Quốc), thuở
nhỏ ham thích môn Không học bỏ gia sản đến thụ nghiệp tại chùa Song Lâm ở Vụ
Châu. Tính sư cẩn trọng, trầm lặng, nói ít hiểu nhiều, thông đạt sự lý, vì thế người
đương thời gọi là Vô Ngôn Thông”. Chỉ với hai câu văn, tác giả đã giới thiệu được
gốc tích, lòng say mê Phật học, quá trình đến với thiền, tính cách, tư chất và lí giải về
tên gọi của sư. Lời văn được cô đọng đến mức tối đa. “Quốc sư (Thông Biện) người
hương Đan Phương, họ Ngô, vốn dòng dõi Phật tử, bản tính thông tuệ, học thông tam
giáo”. Chỉ một câu vắn tắt đã giới thiệu đầy đủ nguồn gốc, xuất thân cùng bản tính
thông tuệ và trình độ học vấn của nhân vật.
Lòng yêu thiền, quá trình hành thiền cũng được ghi lại với những chi tiết khá
đặc sắc. Sư Tín Học “đứng trước tượng Phật đốt ngón tay phát nguyện: Đệ tử này đã
bao kiếp lao khốn trong vòng trần ai. Nay xin dứt hẳn không quay lại nữa.” Sư Tịnh
Lực: “Khi du học được gặp thiền sư Đạo Huệ, ông bị cuốn hút, bèn dốc lòng nương
nhờ đất Phật. Sư Tịnh Giới: “thuở nhỏ ông theo Nho học. Năm hai mươi sáu tuổi bị
ốm, chiêm bao thấy người trời xuống cho thuốc, tỉnh dậy thì khỏi bệnh. Từ đó quyết
chí xuất gia, tìm các bậc túc thiền trong bản hương để tu tập giới luật.” Mỗi người
một con đường, mỗi người một cơ duyên nhưng trong đó đều thể hiện tấm lòng tha
thiết đến cõi thiền. Ở đây tác giả chú ý ghi lại sự việc hơn là mô tả chi tiết. Kể chứ
không tả cũng là một cách làm cho câu chuyện cô đọng lại. Thủ pháp ước lệ được sử
dụng trong khi miêu tả về ngoại hình nhân vật: “ông dáng mạo khôi ngô tuấn tú” (sư
Khuông Việt), “tướng mạo đoan chính” (sư Đạo Huệ), “dáng mạo thanh tú” (sư
Hiện Quang), “thân cao bảy thước ba tấc” (sư Pháp Hiền), “dáng mạo to lớn, tai dài
đến vai” (sư Sùng Phạm) Chưa có tiểu truyện nào sử dụng quá một câu để miêu tả
ngoại hình nhân vật. Nhưng không vì thế mà người đọc không hình dung được những
nét chân dung đó bởi tính giàu sức gợi của những hình ảnh ước lệ được dùng. Nhờ đó,
quy mô câu chuyện được thu gọn lại nhưng vẫn đảm bảo lượng thông tin cần thiết.
Đó là chỗ thể hiện tài năng của người viết, tài lựa chọn sắp xếp chi tiết, sự việc để thể
hiện đầy đủ nội dung trong một dung lượng ngôn ngữ nhỏ nhất. Ngôn ngữ tác phẩm,
vì thế, đạt được yêu cầu về tính hàm súc, một trong những nét đặc trưng cơ bản của
ngôn ngữ văn học trung đại.
Thiền uyển tập anh còn hàm súc trong ý thơ. Thơ trung đại mà đặc biệt là thơ
thiền thì hàm súc là tiêu chí thứ nhất. Hình thức thơ là một cách làm cô đọng ngôn
ngữ, vì thơ bị đóng khung vào khuôn mẫu, hạn chế số câu số chữ. Thơ xuất hiện
trong Thiền uyển tập anh chủ yếu được viết dưới hai hình thức ngũ ngôn và thất ngôn.
Hầu hết thơ có hình thức cặp câu hoặc bài thơ ngắn bốn câu. Chính những khuôn
phép, hạn định của thơ đã góp phần tạo nên tính hàm súc, ý tại ngôn ngoại cho thơ.
Trong một đơn vị ngôn ngữ nhỏ bé, hạn hẹp hàm chứa một lượng thông tin lớn,
người ta khó có thể hiểu hết một bài thơ ngay từ lần đọc đầu tiên. Một khoảng trời
đầy trăng phía sau mà mỗi khi nhìn chúng ta chỉ thấy được một phần nhỏ như nhìn
trăng qua cái kẽ.
Trong phạm vi hạn định của thơ, ngôn ngữ văn tự không chuyên chở được tuệ
giác, không nói tận ý thiền. Chính vì thế, để diễn đạt những tầng nghĩa sâu bên trong
tác giả đã lập tượng để tận ý thông qua nghệ thuật sử dụng hình ảnh, xây dựng biểu
tượng và thủ pháp ẩn dụ.
Hình ảnh là chất liệu không thể thiếu trong văn chương. Nếu ví Thiền uyển tập
anh như một khu vườn thiền thì hình ảnh là muôn hồng nghìn tía trong khu vườn ấy.
Không kể đến hình ảnh trung tâm là hình tượng nhân vật (đã được tìm hiểu ở chương
trước), hàng loạt hình ảnh thiên nhiên xuất hiện trong tác phẩm đặc biệt là ở bộ phận
tàng trữ giá trị thi ca. Các nhà sư cũng là nhà thơ với rung động nhạy bén trước cảnh
vật và lòng người. Họ say sưa với thiên nhiên. Sư Viên Chiếu khi giải thích cho đệ tử
về diệu lý của đạo thiền thực ra là đã tả cảnh thiên nhiên với những hình ảnh nghệ
thuật khá bóng bẩy. Những đoạn ngữ lục của ông bộc lộ lòng thơ lai láng của một thi
nhân trước cảnh trí thiên nhiên.
- Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh.
(Cúc trùng dương dưới giậu
Oanh xuân ấm đầu cành)
- Xuân chức hoa như gấm
Thu lai diệp tự hoàng
(Xuân dệt hoa như gấm
Thu sang lá đổ vàng)
- Uyển trung hoa lạn mạn
Ngạn thượng thảo li phi
(Trong vườn, hoa rực rỡ
Trước bến, cỏ lơ phơ)
- Khô mục phùng xuân hoa cạnh phát
Phong xuy thiên lý phức thần hương
(Cây héo vào xuân hoa nở rộ
Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)
- Phong tiền tùng hạ thê lương vận
Vũ hậu đồ trung thiển trọc nê.
(Thông reo trước gió tiếng buồn thay
Mưa tạnh theo chân biết lối lầy)
- Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo
Sơn nham đái nguyệt quá tường lai
(Theo gió, tiếng tù luồn trúc đến,
Cõng trăng, bóng núi vượt tường sang.)
Mỗi câu thơ vẽ ra một bức tranh đẹp và thấm đượm cảm xúc. Những hình ảnh
của thiên nhiên bốn mùa, của nước non sông núi tuyệt đẹp và đầy chất thơ. Nhà thơ
không chỉ nhìn thấy cảnh hoa dệt gấm, lá đổ vàng, trăng vượt núi mà còn nghe tiếng
gió khua rặng trúc, tiếng thông reo, nghe cả hương đưa trong gió. Những hình ảnh
được phô diễn vừa làm đẹp cho lời nói vừa thể hiện sự cảm nhận tinh tế mà thơ hiện
đại cũng khó sánh kịp.
Bên cạnh đó còn có những hình ảnh chứa đựng thiền vị.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như thảo lộ đầu phô
(Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông)
Cuộc thịnh suy mong manh như giọt sương trên đầu ngọn cỏ. Vạn pháp vô
thường.
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
(Mảy lông chứa cả càn khôn rộng
Hạt cải thu gồm nhật nguyệt trong)
Trong một mảy lông, một hạt cải cũng có cả thế giới. Mỗi sinh vật dù là nhỏ
nhất cũng có Phật tính. Ở đây có sự tương đồng với thơ haiku, mượn những cái nhỏ
nhoi tầm thường để gửi một triết lý sâu sắc về thiền. Hình ảnh không chỉ làm đẹp cho
thơ mà còn đưa ý của lời nói đi xa bởi tính chất giàu sức gợi của nó.
Sư Giác Hải lấy hình tượng bướm hoa đối đáp để lý giải lẽ biến dịch của cuộc
sống:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.
(Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo
Thây hoa mặc bướm, để lòng chi)
Đoàn Văn Khâm khi viếng sư Quảng Trí, truy điệu sư Chân Không đã diễn tả ý
nghĩ, gửi gắm cảm xúc trong hình ảnh thiên nhiên. Nhà thơ như nhìn thấy hình dáng
thiền sư trong thiên nhiên cây cỏ trước am. Không phải là còn hay mất, tất cả do cách
nhìn của con người.
Viện tiền sơn thủy thị chân hình
(Non nước ngoài am đó dáng xưa)
Và ý của lời nói còn đi xa hơn với các biểu tượng, vì vượt lên hình ảnh một
bước, biểu tượng là hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng
được thể hiện khá độc đáo.
Thu thiên đoàn thử lệ
Tuyết cảnh mẫu đơn khai
(Trong tuyết mẫu đơn nở
Trời thu oanh hót vang)
Nhận đắc ma ni huyền diệu lý
Chỉ như thiên thượng hiểu kim ô.
(Thấu lẽ huyền vi trong ngọc sáng
Là vầng dương hiện giữa trời xanh)
Nhược nhân yếu thức vô phân biệt
Lĩnh thượng phù sơ tỏa mộ yên.
(Ví người hiểu lẽ không phân biệt
Núi phủ mây chiều cây cỏ tươi)
Đó là hình ảnh hoa mẫu đơn nở trong tuyết, vầng dương giữa trời xanh, cây cỏ
trên núi dưới ánh mây chiều,... Đó là tiếng cười tiêu dao, tiếng cười thể hiện niềm lạc
đạo:
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời)
Và đặc biệt là cành mai nở trong đêm xuân tàn đã làm say lòng bao thế hệ:
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đêm qua, sân trước, một cành mai)
Đó là những biểu tượng cho vẻ đẹp của trí tuệ bát nhã. Một thế giới thanh tao,
tinh khiết tràn ngập ánh sáng. Một thế giới của niềm an lạc vĩnh hằng. Vẻ đẹp của
vầng dương giữa trời xanh, hoa mẫu đơn trong tuyết, hoa mai trong đêm xuân tàn,
là cái đẹp lung linh, vượt lên trên cõi thế tục. Những hình ảnh đó vốn là những hình
ảnh đẹp trong văn học bởi tính chất trong sáng, thanh khiết của nó – một nét đẹp và
sự quý giá từ đặc tính bên trong như chính vẻ đẹp tâm hồn và chí khí cao thượng vượt
thế tục của các vị thiền sư. Biểu tượng thường xuất hiện để đặc tả vẻ đẹp của thần
thái tinh anh, sáng láng khi đạt đến trí tuệ bát nhã.
Bên cạnh đó, thủ pháp ẩn dụ cũng được sử dụng triệt để. Trong lời đối đáp và
các bài kệ xuất hiện hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ chỉ những kẻ lầm đường lạc lối,
quẩn quanh chưa tìm ra con đường tu chứng hoặc quá câu chấp vào khái niệm như:
“rùa mù đào vách núi”, “trạch què ngược núi cao”, “kẻ điếc nghe đàn sáo”, “người
mù ngắm trăng sao”, “kẻ ôm cột cầu”, “kẻ vạch thuyền” Mỗi cụm từ có tính chất
như một thành ngữ chỉ việc làm vô dụng, vô ích, không mang lại một kết quả nào.
Mỗi hình ảnh nêu trên đều chứa đựng một nghịch lý, nghịch lý giữa đối tượng và
hành động, nghịch lý giữa hành động và tính chất của hành động. Người nói dùng lối
nói đầy nghịch lý đó để đánh thức học trò mình, kéo họ trở về tìm ngọc chính trong
tay mình.
Nhật nguyệt tại nham đầu
Nhân nhân tận thất châu
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kỵ câu
(Nhật nguyệt tại non đầu
Người người mất ngọc châu
Kẻ giàu có ngựa tốt
Chẳng chịu dùng ngựa đâu)
“Hạt châu”, “ngọc châu” hay “ngọc Biện Châu” là hình ảnh ẩn dụ cho Phật
tính, chân lý cứu cánh. “Thất châu” (mất ngọc châu) nghĩa là xa rời chân lý cứu cánh.
Mỗi sinh vật đều có Phật tính. Nhưng người đời thường hướng ngoại, tìm Phật tính ở
bên ngoài. Họ không biết rằng Phật tính ở ngay trong mình, chỉ cần thắp sáng hiện
hữu là Phật tính hiện tiền. Những câu nói đó nhằm kéo người học đạo quay về thắp
lên ngọn đèn của chính mình.
Ví việc tu hành của các thiền sinh như gà con trong trứng.
Tử thốt mẫu trác
(Con kêu mẹ mổ)
Đến một lúc nào đó họ đi đến nấc thang cuối cùng, thiền sư sẽ giúp họ vượt
qua nấc thang đó như gà mẹ mổ vỏ giúp gà con nhanh chóng chui ra ngoài. Hoặc chỉ
dạy họ về con đường tu chứng:
Độ hà tu dụng phiệt
Đáo ngạn bất tu thuyền
(Qua sông dùng bè mảng
Đến bến bỏ thuyền ghe)
“Bè mảng”, “thuyền ghe” là hình ảnh ẩn dụ cho các phương tiện. Giáo điển,
kinh sách, sự chỉ dẫn của thầy tất cả chỉ là phương tiện. Trong quá trình tu thiền, hành
giả phải biết sử dụng đúng vai trò của phương tiện, phải tự mình giác ngộ chứ không
lệ thuộc vào cái ở bên ngoài.
Những hình ảnh ẩn dụ trong tác phẩm chủ yếu được dùng để chỉ những kẻ còn
ở trong cõi mê, lầm đường lạc lối. Ngoài ra, còn có một số ít ẩn dụ dùng cho trí tuệ
bát nhã, sự hân thưởng nguồn sáng tâm linh.
Đó là hình ảnh ngọc trên núi, sen trong lò lửa.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên pháp lô trung thấp vị can
(Trên núi ngọc thiêu màu vẫn nhuận
Trong lò sen nở sắc thường tươi)
Lô trung hoa nhất chi
(Lò lửa một cành hoa)
Vì tạm mượn lời để đánh thức học trò, các vị thiền sư không nói trực tiếp mà
thông qua hình ảnh, biểu tượng, ẩn dụ giàu sức gợi để gửi gắm thiền vị khiến học trò
nghĩ đến hết chỗ nghĩ mới đạt ý, đạt ý thì quên lời.
Đó là cái hàm súc phi logic, không dựa trên cơ chế của sự liên tưởng thể
hiện cả trong lời kể bằng văn xuôi và bộ phận thơ ca. Những cách nói nhằm dồn
người nghe đến bức tường giới hạn của tư duy lý tính được thể hiện qua những đoạn
đối thoại ngắn mang tính chất công án thiền:
Sư (Cứu Chỉ) hỏi trưởng lão (Định Hương):
- Thế nào là nghĩa cứu cánh?
Định Hương đáp: “Chưa!” Một lát lại nói:
- Ta và ngươi là nghĩa cứu cánh rồi đấy!
Sư còn đang nghĩ ngợi, trưởng lão nói:
- Sai quá rồi!
Ngay lúc ấy, sư lĩnh hội được ý chỉ của trưởng lão.
Cuộc đối đáp giữa sư Tịnh Không và đệ tử:
Hỏi:
- Ý Tổ và ý Phật giống nhau, khác nhau thế nào?
Đáp:
- Trèo non vượt biển muôn dặm đều hướng về cửa khuyết.
- Trí tuệ của hòa thượng thật đặc sắc kỳ lạ, sao không cho các đệ tử cùng biết?
- Ngươi thổi lửa, ta làm gạo; ngươi xin ăn, ta lấy bát. Ai phụ bạc ngươi?
Thầy tăng ấy bèn tỉnh ngộ.
Cuối đoạn đối thoại trên, thiền sinh ngộ ra lời thầy. Thiền là đạo giác ngộ ngay
trong lòng thực tại như “ta và ngươi”, như “làm gạo” thì phải “thổi lửa”, như “lấy
bát” thì phải “xin ăn”. Không thể chỉ trông cậy vào thầy. Không thể chỉ nhờ vào ngôn
ngữ văn tự. Nên không cần thiết phải giải thích nhiều lời. Người học trò phải tự bước
đi mới tới được. Thầy chỉ ở bên cạnh, giúp cho trò những khi họ đi sai đường, chỉ là
người làm gạo, lấy bát. Những lời dạy với hàm ý sâu xa được thể hiện trong một đoạn
đối thoại ngắn. Đó là những đoạn ngữ lục có tính chất công án, giúp người học đạo
vượt qua một nấc thang, đến gần cửa thiền hơn.
Thiền uyển tập anh đạt đến tính hàm súc như thế trước nhất là bởi đặc trưng
của ngôn ngữ thiền “đạo vốn không lời”. Truyền đạo, bàn về đạo, kể chuyện đạo
đều lấy kiệm lời làm tiêu chí thứ nhất. Hàm súc trong ngôn ngữ của Thiền uyển tập
anh là sự tổng hợp từ đặc tính hàm súc của văn chương trung đại với tính hàm súc
trong ngôn ngữ thiền.
Mặt khác, hàm súc trong văn chương là lời ít ý nhiều, còn hàm súc của thiền là
hàm súc phi logic, là ngôn bất tận ý. “Ngôn bất tận ý” xuất xứ từ Kinh Dịch nhưng
lại thể hiện rất đúng đặc điểm ngôn ngữ thiền. Để tận ý người ta phải nhờ vào lập
tượng. Lập tượng vừa để tận ý vừa mang lại sức hấp dẫn nghệ thuật cho lời văn.
4.3. Ngôn ngữ vừa giản dị vừa uyên bác
Ngôn ngữ văn học dân gian rất giản dị vì đó là tiếng nói của người bình dân,
còn ngôn ngữ văn học viết trung đại uyên bác vì đó là sản phẩm của những trí thức
mà phần lớn là trí thức Nho học. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của văn học trung đại,
một số tác phẩm đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết.
Những tác phẩm ấy có sự pha lẫn nét đặc trưng của hai bộ phận văn học nên ngôn
ngữ vừa giản dị vừa uyên bác.
Lời văn trong tác phẩm rất giản dị thấp thoáng hình dáng của truyện kể dân
gian. Nét giản dị trước nhất được thể hiện qua phần lời dẫn truyện trình bày theo
phương thức kể. Các sự việc được nêu ra bằng những câu văn ngắn gọn, phần lớn là
câu kể. Nghĩa được đề cập trong câu là nghĩa tường minh. Người đọc có thể nắm bắt
sự việc ngay khi đọc lần thứ nhất. Và đọc xong một tiểu truyện có thể dễ dàng nắm
bắt tất cả các sự việc được kể lại. “Thiền sư (sư Viên Chiếu) họ Mai, tên Trực, người
huyện Long Đàm, châu Phúc Đường Nghe tiếng trưởng lão ở chùa Mật Nghiêm
giỏi xem tướng, ông bèn đến nhờ xem hộ. Trưởng lão xem kỹ tướng mạo rồi nói:
“Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia tất sẽ là vị Thiện Bồ Tát; nếu không thì
thọ yểu chưa biết thế nào”. Sư cảm ngộ rồi từ biệt thân quyến tìm đến thụ nghiệp với
thiền sư Định Hương ở núi Ba Tiêu (). Một đêm sư đang ngồi thiền định thì mơ
thấy Văn Thù Bồ Tát cầm dao mổ bụng lôi ruột sư ra rửa, rồi trao cho diệu dược để
chữa vết thương. Từ đó, sư hiểu sâu ngôn ngữ tam muội, thuyết giảng trôi chảy. Sau
sư đến vùng gần kinh kỳ dựng chùa trụ trì, người đến theo học đông nườm nượp.”
Chuyện về ni sư Diệu Nhân: “Ni sư húy là Ngọc Kiều, trưởng nữ của Phụng Kiền
vương. Bà thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông nuôi
ở trong cung từ nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, vua gả bà cho châu mục Chân Đăng họ
Lê. Ông họ Lê mất, bà thề thủ tiết không tái giá. Một hôm bà phàn nàn rằng:
- Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì là những
thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao?
Từ đó bà dốc tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng, rồi cạo tóc xuất gia, tìm
đến xin thụ giới Bồ Tát với thiền sư Chân Không ở hương Phù Đổng”. Ta có cảm
giác như đang đọc truyện cổ dân gian. Hình ảnh con người hiện lên với số phận cụ
thể giữa mênh mông cuộc đời may rủi. Tuy là văn bản chữ Hán nhưng phần lời kể
được viết theo lối kể của văn học dân gian, không theo lối văn biền ngẫu. Chính lối
kể đó làm cho các câu chuyện trở nên gần gũi, giản dị. Tìm hiểu qua bản dịch, không
có sự chính xác tuyệt đối nhưng cũng phần nào thấy được sự giản dị trong lối kể đó.
Nét giản dị còn thể hiện rõ qua hình thức ngôn ngữ bạch thoại với những lời
đối đáp thông tục “Ngươi lĩnh hội cái gì?” “Ngươi đến có việc gì?” “Ngươi đã hiểu
chưa?” “Ngươi hiểu thế nào?” Đó là những câu nói thường dùng để trao đổi với
nhau trong giao tiếp hàng ngày. Chất giản dị còn thể hiện qua tính chất hóm hỉnh
trong lời thoại của các nhân vật. Tính khẩu ngữ của ngôn ngữ bạch thoại là nét đẹp
riêng của ngôn ngữ thiền trước thế kỷ XV khi ngôn ngữ văn học Phật giáo chưa bị
văn ngôn hoá.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ trong Thiền uyển tập anh cũng rất uyên bác. Thứ nhất,
người viết thường trích dẫn lời người xưa. Cảm Thành dẫn lời Mã Tổ để trả lời Thiện
Hội, Vô Ngôn Thông dẫn lời Hoằng Nhẫn bảo Tào Khê để chỉ dẫn Cảm Thànhvà
lời Phật luôn là kim chỉ nam soi đường cho họ trên bước đường tìm đạo. Quan niệm
sùng cổ, kính người trên thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ của họ từ cách dẫn lời người
xưa như thế. Lời người xưa làm nền tảng, làm bước đệm để cho lời của họ thêm sâu
sắc, giàu nội dung biểu đạt và thêm sức tin cậy. Bên cạnh lời người xưa, hàng loạt
những thuật ngữ Phật học xuất hiện trong tác phẩm cũng góp phần làm tăng thêm sự
uyên bác: tứ xà, tứ đại, ngũ uẩn, tam giới, phép tam muội, pháp luân phật tam thế,
pháp khí, pháp nhũ, đạo huyền, lượng đẳng thân Sự xuất hiện của hàng loạt thuật
ngữ đó đã góp phần tạo nên sự uyên áo, huyền bí của thiền.
Trong Thiền uyển tập anh, có sử dụng rất nhiều điển cố. Điển cố cũng góp
phần đặc biệt thể hiện chất uyên bác trong tác phẩm.
Điển cố là những chuyện xưa, tích cũ được nhắc lại trong lời nói hoặc trong tác
phẩm văn học dưới hình thức ngắn gọn nhằm thể hiện một nội dung khái quát. Điển
cố là một trong những thủ pháp nghệ thuật mà các tác giả văn học trung đại thường
sử dụng trong sáng tác. Trong văn học, điển cố không đơn thuần là biện pháp tu từ
mà được xem như phương thức để xây dựng hình tượng và biểu đạt tư tưởng. Thói
quen sử dụng điển cố xuất phát từ xu hướng đề cao cái vô ngôn và quan niệm sùng cổ
của triết học và mỹ học phương Đông. Điển cố có hình thức ngắn gọn nhưng nội
dung ý nghĩa lại hàm súc. Điển cố xuất hiện nhiều trong Thiền uyển tập anh, đặc biệt
ở bộ phận tàng trữ giá trị thi ca. Có thể phân chia các điển cố đó làm hai loại, điển cố
Phật giáo và điển cố thế tục.
Điển cố Phật giáo có nguồn gốc từ điển tịch Phật giáo: kinh, luật, luận, các thể
loại lục và truyện ký Phật giáo. Đó là địa danh, Tây Thiên, nơi đất Phật. Đó là chuyện
tích của nhà Phật về nhân vật: Thiếu Thất, Tào Khê, Ma Kiệt, Nhạc Hoài, Long Nữ,
Đàn Na, Hàn Sơn, Thập Đắc. Đó là từ ngữ dùng trong kinh sách Phật giáo: người gỗ,
gái sắt, trăng Lăng Già, sen Bát Nhã, cội Bồ Đề, dùi rùa, đập ngói.... Các điển cố
được sử dụng rất khéo léo thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của người nói, người ghi
chép truyện. Điển cố thường được nhắc tới rất tự nhiên. Vua Lý Thái Tông viết bài kệ
truy tán thiền sư Tì ni đa lưu chi, đã thốt lên lời ca ngợi công đức của bậc túc thiền:
Ứng khai chư phật tín
Viễn hợp nhất tâm nguyên
Hạo hạo Lăng Già nguyệt
Phân phân Bát Nhã liên
(Mở niềm tin đức Phật
Xa hợp một tâm nguồn
Trăng Lăng Già vằng vặc
Sen Bát Nhã thơm truyền.)
Trong Phật học, Lăng Già là tên một bộ kinh, Kinh Lăng Già. Lăng Già vốn là
tên một ngọn núi, tương truyền là nơi đức Phật đã hiện thân thuyết pháp. Đệ tử của
ngài ghi lại lời thuyết pháp ấy thành bộ kinh, nên gọi kinh Lăng Già. Bát Nhã cũng là
tên của bộ kinh. Hai điển cố được sử dụng cùng với hình ảnh “trăng” và “sen”, cái
đẹp trong sáng, thanh khiết, tĩnh lặng, khiến cho câu thơ thêm phần trang nhã và ý
nghĩa biểu đạt cũng thật sâu sắc. Hình tượng nhân vật thiền sư như được nâng lên
sáng đẹp vô cùng trong nguồn ánh sáng trong ngần ấy.
Có người hỏi sư Viên Chiếu:
- Cổ kim đại sự ưng vô vấn
Đặc địa Tây lai ý nhược hà.
(Cổ kim việc lớn không nên hỏi
Thiền từ Tây tới hỏi nên chăng?)
Đáp:
- Xảo ngôn lệnh sắc giả
Toàn quy đã ngỏa nhân
(Kẻ khéo mồm giả dối
Dùi rùa, đập ngói thôi)
Ở đây “toàn quy đã ngỏa nhân” là để chỉ kẻ dùi mai rùa, đập ngói. Mai rùa
cứng, dùi mãi vẫn trơ trơ; ngói đập vỡ thành từng mảnh nhỏ thì không dùng được.
Điển cố này làm ta liên tưởng đến chuyện Hoài Nhượng mài ngói làm gương. “Sư
(Hoài Nhượng) biết (Mã Tổ) Đạo Nhất là bậc pháp khí bèn đi đến hỏi: “Đại đức ngồi
thiền ở đây làm gì?” Nhất đáp: “Để làm Phật”. Nhượng liền lấy viên ngói đến bên
hòn đá ở trước am ngồi mài. Đạo Nhất thấy lạ, hỏi: “Thầy mài ngói để làm gì?”.
Nhượng đáp: “Để làm gương!” Nhất hỏi: “Mài ngói đâu thể thành gương được?”
Nhượng nói: “Mài ngói đã chẳng thành gương được, ngồi thiền há thành Phật được
sao?” [2, 162] Tất cả những việc làm đó: dùi mai rùa, đập ngói, mài ngói, ngồi thiền
để thành Phật, hỏi về thiền để biết về thiền đều là những việc phí công vô ích. Nhờ
điển cố, lời nói được hình tượng hóa. Đây là phương pháp trao truyền mà thiền tông
thường dùng bởi cái mầu nhiệm của thiền không thể trao truyền bằng lời.
Điển cố thế tục có nguồn gốc từ thư tịch cổ Trung Hoa (kinh, sử, tử, tập), từ
văn học cổ hoặc văn học dân gian. Trong Thiền uyển tập anh có rất nhiều điển cố thế
tục. Địa danh: Kim Cốc; nhân vật: Kinh Kha, Tề Quân, Quách ông, Hứa Chân Quân,
Thủy Hoàng, Từ Phúc, Thần nữ, Bá Nha, Tử Kỳ; chuyện tích: chim sợ cành cong,
ngọc Biện Châu, thủ mộc đãi thố, khắc chu tầm kiếm, long môn điểm ngạch.
Phần lớn thơ ca trong tác phẩm là thơ kệ, chỉ có ba bài thuần túy là thơ thế tục.
Thứ nhất là bài thơ gồm 4 câu, vốn là lời đối đáp giữa sư Pháp Thuận và Lý Giác.
Thứ hai là bài từ Ngọc lang quy của sư Khuông Việt tiễn sứ nhà Tống là Lý Giác. Và
bài thơ tứ tuyệt Quốc tộ của sư Pháp Thuận. Ba bài thơ trên không sử dụng điển cố,
các điển cố thế tục chỉ xuất hiện trong lời đối đáp bằng thơ giữa các nhân vật.
Lại hỏi:
- Thế nào là “theo dòng thì mới được diệu lý”?
Đáp:
- Chuyện cũ Kinh Kha đấy
Một đi chẳng trở về.
Hỏi:
- Cả tâm và pháp đều quên, tính tức chân, vậy thế nào là “chân”?
Đáp:
Mưa tưới non hoa Thần Nữ khóc
Gió khua rặng trúc, Bá Nha đàn.
Hỏi:
- Thế nào là con đường Tào Khê?
Đáp:
Đáng thương kẻ vạch thuyền
Khắp chốn biết tìm đâu.
Đó là những tích xưa, chuyện cũ vốn được lưu truyền trong văn học Trung
Quốc: tích Kinh Kha nhận lời của thái tử Đan qua sông Dịch thích khách vua Tần,
chuyện hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh: sau khi vua Thuấn mất hai bà đến bờ sông
Tương thương khóc, nước mắt rơi xuống rừng tre, thân tre có đốm trắng như hoa (tre
hoa), tích khúc đàn tri âm của Bá Nha – Tử Kỳ, chuyện người nước Sở đánh rơi
thanh kiếm xuống sông bèn đánh dấu chỗ rơi kiếm vào mạn thuyền để biết chỗ mà
tìm Sự có mặt của điển cố thể hiện sự uyên bác và tài năng văn chương của nhân
vật. Đó là những hình ảnh đầy sức gợi và giàu chất thơ.
Những hình ảnh đó không chỉ làm đẹp cho lời đối thoại, thể hiện tài năng nhân
vật mà còn làm đẹp cho lời văn của tác phẩm. Ở đây, người viết không dừng lại tìm
hiểu ý nghĩa từng điển cố văn chương, bởi những câu nói có sử dụng điển cố đó
không nhằm hướng đến một ý nghĩa sâu xa nào thể hiện cô đọng qua điển cố (như
những tác phẩm văn học khác). Đó chỉ là cách nói để đánh đổ thói quen chấp vào
ngôn ngữ, khái niệm của các nhân vật.
Phần lớn điển cố thế tục có nguồn gốc từ kinh sử Trung Quốc. Bởi người xưa
có thiên hướng tôn sùng cổ nhân, tôn sùng văn hóa Trung Quốc. Tư tưởng Nho giáo
ảnh hưởng sâu sắc đối với sĩ phu, tăng lữ vì kinh truyện, sử sách của Nho giáo vẫn là
cơ sở học thuật của các tầng lớp này.
Theo quan niệm thời trung đại, một bài văn hay phải là một bài văn nói được
nhiều điển cố rút trong sách vở. Điển cố làm cho ý văn kín đáo, tinh tế. Việc sử dụng
điển cố trong bất kỳ một tác phẩm văn học nào “không chỉ giúp các tác phẩm có
được tính chất quý phái, trang nhã và bác học mà còn làm cho nội dung của chúng
trở nên cô đọng và hàm súc phù hợp với tinh thần kiệm lời và vô ngôn của triết học
truyền thống cổ điển phương Đông” [15, 78]. Với văn học thiền, điển cố còn góp
phần chuyên chở tư tưởng thiền, góp phần thể hiện đặc trưng ngôn bất tận ý của ngôn
ngữ thiền. Điển cố văn chương cùng điển cố Phật giáo làm cho ngôn ngữ vừa có tính
uyên bác của văn học trung đại vừa có chất uyên áo của ngôn ngữ nhà Phật. Đậm
phong vị thiền, đậm chất thơ.
Trong tác phẩm, giản dị và uyên bác có khi đứng riêng, có khi song hành cùng
nhau. Trong giản dị hàm chứa cái uyên bác.
Vị thiền khách chỉ tượng phật mà hỏi (sư Vô Ngôn Thông):
- Đây là cái gì?
Sư không trả lời được []
Khách hỏi:
- Thầy xuất gia đến nay đã mấy hạ?
Sư đáp:
- Mười hạ.
Khách hỏi:
- Đã từng xuất gia chưa?
Sư tỏ ra bối rối.
Những câu hỏi rất rõ ràng và đơn giản. Nhưng để trả lời được thật không đơn
giản chút nào. Chính câu hỏi có phần nghịch lý đó đã giúp thiền sư nhìn rõ mình hơn,
vén được đám mây mờ che để nhìn rõ “trời thu vạn dặm xanh” phía trước. Câu hỏi
đơn giản nhưng chứa đựng thiền vị, chứa đựng hàm ý sâu sắc. Đó không phải là
những câu hỏi vấn đáp thông thường mà là những câu hỏi mang tính chất khai thị, có
thể đưa hành giả vượt qua một ranh giới, rút ngắn đoạn đường tu. Giúp thiền sư vượt
qua một cửa ải trên con đường đến cõi thiền.
Trong bài kệ của mình, ni sư Diệu Nhân khẳng định:
Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu thiền
(Mê mới cầu phật
Hoặc mới cầu thiền)
Tu thiền là trở về với chính mình, thắp sáng ngọn lửa bên trong mình chứ đừng
thắp lửa nhà người. Thiền sư Tịnh Không từng thể hiện quan niệm của mình một
cách hóm hỉnh qua bài kệ:
Trí nhân vô ngộ đạo
Ngộ đạo ấy ngu nhân
Thân cước cao ngọa khách
Hề thức ngụy kiêm chân.
(Kẻ trí không ngộ đạo
Ngộ đạo ấy ngu đần
Duỗi chân nằm nghỉ khỏe
Chân ngụy chẳng chi cần)
Lối nói đầy nghịch lý đó gây ấn tượng đối với người nghe. Mỗi nghịch lý là
một lời cảnh tỉnh, một tiếng chuông gióng lên làm trò giật mình tỉnh giấc mê. Người
đời cứ suy luận cho mỏi óc, tìm hiểu lý cao xa ở đâu đâu. Quên mất chính sức sống
sáng ngời đang hiện tiền đây mới là yếu chỉ. Cho nên không cần phí công rong ruổi đi
tìm kiếm, chỉ cần duỗi chân nằm nghỉ khỏe thì đó đã là cõi an lạc, là tìm thấy niết bàn.
Trước những lời trách của trò, thiền sư thường đáp lại bằng những lời vui vẻ
hóm hỉnh. Nhưng trong lời ấy chứa đựng thiền vị. Khi đệ tử trách sư Tịnh Không
“Trí tuệ của hòa thượng thật đặc sắc kỳ lạ, sao không cho các đệ tử cùng biết?” Tịnh
Không thản nhiên trả lời: “Ngươi thổi lửa, ta làm gạo; ngươi ăn xin, ta lấy bát. Ai
phụ bạc ngươi?” Khi đệ tử đọc bài kệ tha thiết tỏ ý muốn được truyền tâm ấn, sư
Không Lộ nói: “Ngươi đem kinh đến, ta nhận, đem nước đến, ta uống, sao bảo ta
không truyền tâm yếu?” Hai câu trả lời có cùng giọng điệu hóm hỉnh như nhau nhằm
giúp học trò bừng tỉnh tức khắc, thoát khỏi thái độ câu chấp, phân biệt. Trò lầm tưởng
thầy bỏ quên mình, không truyền tâm yếu. Nhưng thật sự, thầy luôn quan sát theo dõi
từng bước đi của trò. Tùy mỗi trường hợp mà thầy có cách quán cơ để giúp trò khế cơ,
tức tạo cơ duyên cho trò đạt ngộ.
Vừa mang đặc điểm của văn học dân gian vừa mang đặc điểm của văn học viết,
vừa sử dụng vốn ngôn từ nhà Phật, lại vừa sử dụng vốn ngôn từ thông tục thường
ngày, sử dụng đồng thời hình thức ngôn ngữ văn ngôn và bạch thoại trung đại, lời kể
và thi ca nên lời văn Thiền uyển tập anh vừa uyên bác vừa bình dị. Nó mang cái thâm
thúy, sâu sắc của thiền đồng thời lại có cái giản dị, gần gũi và quen thuộc của đời
thường. Chính vì thế mà những câu chuyện thêm đậm chất văn chương và dễ đi vào
lòng người. Ngôn ngữ vừa giản dị vừa uyên bác ấy một phần do sự kết hợp hài hòa
giữa truyện và thơ, một phần do sự hòa trộn giữa văn học dân gian và văn chương bác
học. Uyên bác để chở tư tưởng thiền và giản dị để dễ đi vào lòng người mà trước nhất
là số đông công chúng, những người vốn hâm mộ Phật. Trong đó, một bộ phận không
nhỏ là những người nghèo khổ, ít học. Thiền uyển tập anh ghi chép nhiều những lời
nói, vấn đáp, đối thoại. Đó là những lời nói pháp, lời giảng đạo, lời khai thị của các
thiền sư về yếu chỉ đạo Phật. Vì vậy có sự gần gũi, giản dị của hình thức ngôn ngữ
nói và sự uyên bác của nội dung hàm chứa bên trong.
Chính nhờ chất thiền hòa quyện trong chất văn, đạo hòa vào thế tục nên dù là
văn học Phật giáo, Thiền uyển tập anh vẫn không xa lạ mà gần gũi với đời thường
như chính tư tưởng cởi mở, phóng khoáng của thiền.
KẾT LUẬN
Thiền uyển tập anh không chỉ là tập đại thành về Phật giáo Thiền tông Việt
Nam mà còn là tác phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng và thiết yếu đối với lịch sử
văn học, “thiếu nó thì cả mấy trăm năm lịch sử văn học dân tộc phai mờ tiêu tán đi
không phải ít” [52, 21]. Tác phẩm đã mở ra một hướng để giải mã chiếc chìa khóa
mở cửa vào cái thế giới đã khuất của cha ông. Những kết quả nghiên cứu trên phần
nào cho thấy vẻ đẹp văn chương của tác phẩm cổ điển này dù nó ra đời trong giai
đoạn sơ khai của nền văn học dân tộc.
Tác phẩm thuộc giai đoạn thứ nhất của văn học trung đại, đóng vai trò cầu nối
giữa truyện dân gian và truyện trung đại, cầu nối giữa văn học chức năng và văn học
nghệ thuật. Nếu xét về vai trò bảo tồn di sản văn hóa thơ ca giai đoạn đầu thì rõ ràng
tác phẩm “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”. Lê Quý Đôn từng nói đại ý: nếu
không có Thiền uyển tập anh thì thơ văn suốt mấy trăm năm thời Lý Trần không biết
khảo vào đâu được. Từ nhan đề, Thiền uyển tập anh đã mang màu sắc văn chương.
Bên trong lại lưu giữ rất nhiều thơ ca, những bài thơ đẹp ở giai đoạn đầu của văn học
dân tộc.
Chọn một góc nhìn, góc nhìn văn chương để soi chiếu, có thể thấy Thiền uyển
tập anh là một tập truyện giàu chất văn chương, có thể ví như một tác phẩm nghệ
thuật. Giá trị nghệ thuật ấy thể hiện qua những yếu tố cơ bản: kết cấu – hình tượng –
ngôn ngữ.
1. Về kết cấu, Thiền uyển tập anh là một tập truyện gồm 67 tiểu truyện có kết
cấu tương đối giống nhau. Các tiểu truyện có sự kết hợp hài hòa giữa hình thức văn
xuôi và văn vần, có sự kết hợp chặt chẽ giữa hành trạng và ngữ lục. Sự liên kết không
dừng lại ở từng tiểu truyện mà nối dài trong cả tập truyện. Từ đó, tạo nên sự xâu
chuỗi trong mỗi tiểu truyện và cả tập truyện. Kết cấu chặt chẽ, thống nhất về văn
phong.
2. Về hình tượng, hình tượng trung tâm của tác phẩm này là hình tượng nhân
vật. Nhân vật chính trong Thiền uyển tập anh là các vị thiền sư, mỗi tiểu truyện giới
thiệu một nhân vật. Họ là những người có chân tu thực học, đã vào trong cửa thiền rất
sâu. Mỗi nhân vật là một hình ảnh đẹp của con người đạt đạo, vẻ đẹp thấm đượm tinh
thần nhân văn hiện lên qua bút pháp xây dựng nhân vật đặc sắc của người biên soạn.
3. Về ngôn ngữ, Thiền uyển tập anh thể hiện đúng tinh thần thiền với tôn chỉ
bất lập văn tự, xem ngôn ngữ là phương tiện. Ngôn ngữ hàm súc, cái hàm súc phi
logic không dựa trên cơ chế của sự liên tưởng, không chỉ là lời ít ý nhiều mà còn là
ngôn bất tận ý. Ngôn ngữ uyên bác với những điển tích, thuật ngữ Phật giáo. Ngôn
ngữ giản dị với những lời đối đáp thông tục, hóm hỉnh. Sự sóng đôi giản dị - uyên bác
là do tác phẩm nằm ở điểm giao thoa của văn học dân gian và văn chương bác học,
do sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại trong ngôn ngữ văn học Phật giáo trước
thế kỷ XV.
Công trình nghiên cứu của chúng tôi chỉ tìm hiểu về một tác phẩm ở một góc
nhìn. Từ đó có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác với phạm vi rộng hơn: tìm
hiểu giá trị văn chương của các tác phẩm văn xuôi Phật giáo thời Lý Trần, tìm hiểu
loại hình tiểu truyện nhân vật trong văn học trung đại Việt Nam, tìm hiểu về loại hình
tiểu truyện thiền sư ở Việt Nam trong so sánh với tác phẩm cùng loại hình của Trung
Quốc – Ấn Độ – Nhật Bản,
Khi thực hiện công trình nghiên cứu này, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thứ
nhất là rào cản ngôn ngữ. Bên cạnh rào cản ngôn ngữ, một rào cản khác cũng khó
vượt không kém, đó là triết lý uyên áo của nhà Phật. Với một kẻ hậu sinh ngoại đạo,
vượt qua hai rào cản này để tiếp cận tác phẩm thật không phải là điều đơn giản.
Chính vì thế, luận văn không thể tránh khỏi sai sót. Rất mong sẽ nhận được những ý
kiến đóng góp chân thành từ quý thầy cô và các bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học quốc gia, Hà
Nội.
2. Đỗ Tùng Bách (2000), Thơ Thiền Đường Tống, Nhà xuất bản Đồng Nai.
3. Trần Văn Bình – Nguyễn Xuân Nam – Hà Minh Đức (1977), Cơ sở Lý luận văn
học – Tập 3 – Loại thể văn học, Nhà xuất bản Giáo dục.
4. Phan Kế Bính (1938), Việt Hán văn khảo, Nhà xuất bản Nam Kỳ.
5. Nguyễn Huệ Chi (1983), Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam thời cổ - cận đại, Nhà xuất
bản Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội.
6. Viên Chiếu (2001), Cao tăng dị truyện, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Thích Trí Chơn (2009), Phật giáo yếu lược, Nhà xuất bản Phương Đông.
8. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí – Tập 3, Nhà xuất bản Khoa
học xã hội, Hà Nội.
9. Thiều Chửu (2000), Hán Việt tự điển, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Ngô Di (1973), Thiền và Lão Trang (Đồ Nam dịch), Nhà xuất bản Phật học.
11. Lê Quý Đôn (1978), Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Tân Nguyên Đạo (2010), Tinh thần triết học Trung Quốc (Phùng Hữu Lan, Lê
Anh Minh dịch), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
13. Phan Cự Đệ (chủ biên) (2007), Truyện ngắn Việt Nam – Lịch sử – Thi pháp –
Chân dung, Nhà xuất bản Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
14. Nguyễn Định (2010), Yếu tố thần kỳ trong truyền thuyết và truyện cổ tích người
Việt ở Nam Trung bộ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
15. Hiểu Đông (2009), Điển cố Phật giáo trong một số tác phẩm văn học Thiền tông
đời Trần, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
16. Nguyễn Xuân Đức (2003), Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, Nhà xuất
bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
17. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2010), Từ điển
thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục.
18. Nhất Hạnh (1971), Nẻo vào thiền học, Nhà xuất bản Lá Bối.
19. Phạm Thị Hảo (2008), Khái luận và thuật ngữ lí luận văn học Trung Quốc, Trung
tâm nghiên cứu quốc gia, Nhà xuất bản Văn học, 2008.
20. Lưu Hiệp (1999), Văn tâm điêu long (Phan Ngọc dịch), Nhà xuất bản Văn học,
Hà Nội.
21. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học Trung đại, Nhà xuất bản
Đại học quốc gia, Hà Nội.
22. Nguyễn Phạm Hùng (1993), Văn học Lý Trần, Nhà xuất bản Giáo dục.
23. Nguyễn Phạm Hùng – Trịnh Ngọc Ánh, Thiền uyển tập anh ngữ lục và thể tài
ngữ lục thiền tông, sites.google.com/site/nxh999/home22.
24. Trần Đình Hượu (1999), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nhà xuất
bản Giáo dục.
25. Đỗ Văn Hỷ (1993), Người xưa bàn về văn chương, Nhà xuất bản Khoa học xã hội,
Hà Nội.
26. I.X.Lixêvich (2000), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc (Trần Đình Sử dịch), Nhà
xuất bản Giáo dục.
27. Đinh Gia Khánh (2000), Văn học Việt Nam (thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII),
Nhà xuất bản Giáo dục.
28. Nguyễn Hiến Lê (2003), Hương sắc trong vườn văn, Nhà xuất bản văn hóa thông
tin.
29. Phương Lựu (1989), Tinh hoa lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Nhà xuất bản
Giáo dục, Hà Nội.
30. Nguyễn Công Lý (2002), “Tinh Thần dung hợp tư tưởng Phật – Lão – Nho trong
văn học Phật giáo thời Lý Trần, Tạp chí Hán Nôm, 51 (1), tr. 3 – 11.
31. Nguyễn Công Lý (2002), “Mấy ý kiến nhỏ về vấn đề giải thoát luận và những
con đường tu chứng trong văn học Phật giáo thời Lý Trần, Tạp chí Nghiên cứu
Phật học, 62 (6), tr. 17 – 21.
32. Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý Trần – Diện mạo và đặc
điểm, Nhà xuất bản Đại học quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
33. Liên tổ Văn học Việt Nam (1976), Lịch sử văn học Việt Nam – văn học viết (tập
2), Nhà xuất bản giáo dục.
34. Muju (1990), Góp nhặt cát đá, Nhà xuất bản Đồng Nai.
35. Vô Môn (2006), Vô Môn quan (Vũ Thế Ngọc dịch), Nhà xuất bản Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh.
36. Nguyễn Đăng Na (chủ biên) (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam – Văn học thế
kỷ X đến thế kỷ XIV, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
37. Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời Trung đại – Tập 2 – Ký,
Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
38. Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã văn học Trung đại Việt Nam, Nhà
xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
39. Nguyễn Đăng Na (2003), Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại – Những vấn đề
văn xuôi tự sự, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
40. Sa Môn Đạo Nguyên (2006), Cảnh Đức truyền đăng lục – Tập 1, (Lý Việt Dũng
dịch), Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
41. Bùi Văn Nguyên (1970), Lịch sử văn học Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà
Nội.
42. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1999), Thi ca Việt Nam – hình thức và thể loại,
Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
43. Thích Thông Phương (2004), Cửa Thiền hé mở, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
44. Nguyễn Hữu Sơn (1998), Khảo sát loại hình tiểu truyện thiền sư trong Thiền uyển
tập anh, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Viện văn học, Hà Nội.
45. Nguyễn Hữu Sơn (2002), Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh, Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, Hà Nội.
46. Trần Đình Sử (chủ biên) (2004), Giáo trình Lý luận văn học – Tập 1 – Bản chất
và đặc trưng văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
47. Tam tổ thực lục (1995), (Thích Phước Sơn dịch và chú thích), Viện nghiên cứu
Phật học Việt Nam.
48. Văn Tân (1958), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam - Quyển 2 (từ thế kỷ X đến hết
thế kỷ XVII), Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội.
49. Nguyễn Minh Tấn (1978), Từ trong di sản, Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
50. Thích Thanh Từ (2002), Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần,
Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
51. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những suy nghĩ từ văn học trung đại, Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, Hà Nội.
52. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam – Tập 3, Nhà xuất
bản Thành phố Hồ Chí Minh.
53. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà xuất bản Thành
phố Hồ Chí Minh.
54. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nhà
xuất bản Giáo dục.
55. Thiền (2002), Thuần Bạch soạn dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
56. Thiền uyển tập anh (1993), Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích,
Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
57. Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
58. Thích Tâm Thiện (2000), Những vấn đề cơ bản của triết học Phật giáo, Nhà xuất
bản Thành phố Hồ Chí Minh.
59. Thích Tâm Thiện (2000), Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, Nhà xuất bản
Thành phố Hồ Chí Minh.
60. Nguyễn Đăng Thục (1967), Thiền học Việt Nam, Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn.
61. Đoàn Thị Thu Vân (2007), Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kỳ
trung đại, Nhà xuất bản Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
62. Đoàn Thị Thu Vân (1998), Thơ Thiền Lý Trần, Nhà xuất bản Văn nghệ, Thành
phố Hồ Chí Minh.
63. Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ Thiền Lý Trần,
Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
64. Trần Trung Viên (1998), Văn đàn bảo giám, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
65. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa
học xã hội, Hà Nội.
66. Lê Trí Viễn (1984), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (thế kỷ X – giữa thế kỷ
XIX), Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
67. Viện văn học (1977), Thơ văn Lý Trần – Tập 1, Nhà xuất bản Khoa học xã hội,
Hà Nội.
68. Viện văn học (1989), Thơ văn Lý Trần – Tập 2 – Quyển thượng, Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, Hà Nội.
69. Viện văn học (1978), Thơ văn Lý Trần – Tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội,
Hà Nội.
70. Viện văn học (1999), Tổng tập 40 năm Tạp chí văn học – Tập 1 – Văn học dân
gian, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
71. Viện văn học (1999), Tổng tập 40 năm Tạp chí văn học – Tập 2 – văn học trung
đại, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh.
72. Lê Thu Yến (chủ biên) (2003), Văn học Việt Nam – Văn học trung đại – Những
công trình nghiên cứu, Nhà xuất bản Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- thien_uyen_tap_anh_tu_goc_nhin_van_chuong_4362.pdf