LỜI NÓI ĐẦU: Đừng copy paste toàn bộ nhé! Ko là 0 điểm đó! Ko dọa đâu nha!
NỘI DUNG1
I. Khái quát chung về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch. 1
1. Định nghĩa mua bán hàng hóa qua sở giao dịch. 1
2. Đặc điểm của mua bán hàng hóa qua sở giao dịch. 1
2.1. Mua bán hàng hóa qua SGD là hoạt động thương mại1
2.2. Về chủ thể. 1
2.3. Hình thức mua bán hàng hóa thông qua SGD2
2.4. Về phương thức giao dịch. 2
2.5. Đối tượng của quan hệ MBHHQSGDHH3
3. Ý nghĩa của hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch. 3
II. Pháp luật hiện hành về MBHHQSGDHH ở Việt Nam3
1. Về tổ chức và hoạt động của SGDHH4
1.1. Địa vị pháp lý của SGDHH4
1.2. Điều kiện để thành lập SGDHH5
1.3. Quyền và trách nhiệm của SGDHH5
1.4. Thành viên của SGDHH5
2. Hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH6
2.1. Hợp đồng mua bán hàng hoá qua SGDHH6
2.2. Loại hàng hoá được phép đưa vào giao dịch. 7
2.3. Phương thức giao dịch. 8
2.4. Phương thức thực hiện hợp đồng. 8
2.5. Chế độ ủy thác mua bán hàng hóa qua sở giao dịch. 9
3. Quản lí nhà nước và cơ chế giải quyết tranh chấp, vi phạm, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH9
4. Một số hành vi bị cấm trong mua bán hàng hóa qua sở giao dịch. 9
5. Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam10
III. Nhận xét về các quy định của pháp luật hiện hành về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch11
1. Những ưu điểm11
2. Một số bất cập. 12
3. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch14
KẾT LUẬN15
TÀI LIỆU THAM KHẢO16
17 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6306 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch theo quy định của pháp luật hiện hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
LỜI NÓI ĐẦU
NỘI DUNG
I. Khái quát chung về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
1. Định nghĩa mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Có nhiều định nghĩa khác nhau về hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH trong các tài liệu, luật giao dịch hàng hoá của các nước, trong đó có LTM năm 2005, Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP. Khoản 1 Điều 63 LTM năm 2005 quy định: “MBHHQSGDHH là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua SGDHH theo những tiêu chuẩn của SGDHH với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai”.
Có thể thấy, khái niệm mua bán hàng hóa qua SGDHH của LTM năm 2005 đã thể hiện đầy đủ bản chất của hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH.
2. Đặc điểm của mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Mua bán hàng hóa qua SGDHH có những đặc điểm sau:
2.1. Mua bán hàng hóa qua SGD là hoạt động thương mại
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm sinh lợi khác. Như vậy, mua bán hàng hóa qua SGD là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, hay nói cách khác là hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ thương mại.
2.2. Về chủ thể
Tham gia vào hoạt động MBHHQSGD gồm những chủ thể chính sau:
Thứ nhất, khách hàng (hay những người có nhu cầu mua bán hàng hoá qua SGD hàng hoá) là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của SGDhàng hoá, thực hiện hoạt động MBHHQSGDHH thông qua việc uỷ thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH. Khách hàng là chủ thể hợp đồng mua bán hàng hoá qua SGD và không bắt buộc phải là thương nhân, chỉ là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bán hàng hoá qua sở giao dịch. Tuy nhiên, khách hàng không trực tiếp giao dịch tại SGD mà phải uỷ thác cho thành viên kinh doanh của SGD để thực hiện hoạt động mua hoặc bán hàng hoá qua sở giao dịch.
Thứ hai, thành viên kinh doanh của SGDHH. Thành viên kinh doanh có quyền thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá cho chính mình để tìm kiếm lợi nhuận hoặc nhận uỷ thác MBHHQSGDHH cho khách hàng để hưởng thù lao.
Thứ ba, thành viên môi giới của SGD. Thành viên môi giới thực hiện hoạt động môi giới MBHHQSGDHH để nhận thù lao. Thành viên môi giới không được nhận uỷ thác của khách hàng như thành viên kinh doanh để MBHHQSGDHH mà chỉ được thực hiện hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua SGD hàng hoá.
Bên cạnh ba chủ thể chính này, trong mua bán hàng hóa thông qua SGDHH còn có một số chủ thể khác, đó là các nhà tư vấn thực hiện việc phân tích thị trường, lập báo cáo, cho ý kiến tư vấn hoặc đưa ra các đề xuất về việc mua bán hợp đồng kỳ hạn cho một người nào đó và thu phí; các đại lý giao dịch được cấp phép làm đại lý cho công ty môi giới hàng hóa giao sau trong việc môi giới các lệnh mua bán từ khách hàng…
2.3. Hình thức mua bán hàng hóa thông qua SGD
Hình thức mua bán hàng hóa thông qua SGD là hợp đồng, đó là hợp đồng kì hạn và hợp đồng quyền chọn.
Hợp đồng kì hạn là thoả thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.
Để giảm thiểu rủi ro cho chính mình, trên cơ sở hợp đồng kì hạn đã giao kết, hai bên có thể kí tiếp hợp đồng về quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua (hợp đồng quyền chọn). Hợp đồng về quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua là thoả thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hoá xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua bán hàng hoá đó.
2.4. Về phương thức giao dịch
Việc MBHH được thực hiện tại SGD hàng hóa. SGDHH là tổ chức được thành lập để cung cấp các tiện ích cho việc tiến hành các giao dịch kỳ hạn, quyền chọn và một số giao dịch khác. Về mô hình, SGDHH thường được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp ở các nước phát triển và việc thành lập các SGD ở các nước này hoàn toàn theo nhu cầu thị trường. Trong khi đó, ở một số nước đang phát triển (Trung Quốc, Thái Lan), SGD thường là một tổ chức có tư cách pháp nhân được quản lý điều hành bởi Nhà nước.
Việc MBHHQSGD, các chủ thể được SGD cung cấp nhiều tiện ích như: - Cung cấp và duy trì một nơi mua bán cụ thể (thường gọi là sàn giao dịch hay khung trường), tại đây hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn được các thành viên của sở mua và bán.
- Đề ra các quy tắc, quy chế để điều hành hoạt động kinh doanh hàng hóa giao sau diễn ra tại sở và giám sát, thực thi các quy tắc, quy chế đó.
- Thúc đẩy hoạt động mua bán kỳ hạn và quyền chọn của các thành viên. Bản thân sở không tham gia vào việc mua bán kỳ hạn mà chỉ cung cấp những tiện nghi cho các bên tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa giao sau tại sở.
2.5. Đối tượng của quan hệ MBHHQSGDHH
Đối tượng của quan hệ MBHHQSGDHH là hàng hoá. Hàng hoá được các bên thoả thuận giao kết phải là hàng hoá được phép giao dịch tại sở giao dịch; tuân thủ các quy định về loại hàng, tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại và các điều kiện khác mà SGDHH đặt ra. Theo thông lệ chung, hàng hoá được mua bán tại SGD thường là những hàng hoá được giao kết với số lượng lớn và có sự biến động mạnh về giá cả, ví dụ: Nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê, ca cao, ngũ cốc), vàng, kim loại màu, len thô… Hàng hoá được giao dịch tại SGDHHcó thể chưa hiện hữu vào thời điểm giao kết hợp đồng (ví dụ: Máy móc chưa sản xuất; nhà chưa hoặc đang xây dựng; gạo, cà phê, ca cao, cao su, bông vải…chưa đến vụ thu hoạch). Tuy nhiên, chỉ một số hàng hóa nhất định đáp ứng các tiêu chuẩn do SGDHH theo quy định mới được mua bán thông qua sở giao dịch.
3. Ý nghĩa của hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch
Có thể nhận thấy SGDHH có ý nghĩa đối với thương nhân ở chỗ, đó là nơi giao dịch mua bán hàng hóa thật trên cơ sở duy trì các giao dịch có giao hàng và là nơi để bảo hiểm rủi ro hoặc để đầu cơ trên cơ sở duy trì các giao dịch công cụ tài chính phát sinh. Tại các SGD hiện đại ngày nay, giao dịch mua bán hàng hóa chỉ chiếm 10% khối lượng, còn lại là các giao dịch công cụ, nghĩa là các giao dịch mua bán khống các đối tượng hàng hóa cụ thể và do đó, bảo hiểm rủi ro và đầu cơ trở thành mục đích chính của thương nhân khi giao dịch qua SGD hàng hóa.Đầu cơ chỉ xảy ra khi nhà đầu tư tin tưởng vào dự đoán xu hướng thay đổi giá của mình và do đó có nhu cầu giao dịch. Do đó, bảo hiểm rủi ro là một ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự ổn định kinh doanh. Chính vì yếu tố bảo hiểm rủi ro mà các SGDHH thường là giao dịch các mặt hành là nguyên liệu đầu vào của sản xuất. Sau này trên thị trường tài chính, nhiều “mặt hàng” đặt biệt (như chứng khoán, tiền, vàng…) trở thành đối tượng giao dịch tương lai cũng xuất phát từ nhu cầu bảo hiểm rủi ro như vậy, nó không phải là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, nhưng là đối tượng mà nhà đầu tư có nhu cầu sở hữu vào một thời điểm trong tương lai để bảo hiểm rủi ro cho học trước những thay đổi trên thị trường tài chính.
II. Pháp luật hiện hành về MBHHQSGDHH ở Việt Nam
Hiện nay, hành lang pháp lí cho việc xây dựng SGDHH và hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ. LTM năm 2005 đã đặt nền móng đầu tiên về các quy định quản lý nhà nước đối với SGD hàng hóa. Tiếp đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã ban hành một số văn bản quy định có liên quan như Nghị định số 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết LTMvề hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDhàng hóa; Thông tư số 03/2009/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 10 tháng 2 năm 2009 hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và quy định chế độ báo cáo của SGDHH theo quy định tại Nghị định số 158/2006/NĐ-CP; Quyết định số 4361/2010/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 18 tháng 8 năm 2010 ban hành danh mục các loại hàng hóa được phép giao dịch qua SGDhàng hóa. Có thể khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:
1. Về tổ chức và hoạt động của SGDHH
Trong thị trường hàng hóa tương lai, SGDHH có vị trí của chủ thể tổ chức và điều hành hoạt động MBHH. SGDHH tồn tại ở các nước rất đa dạng về hình thức tổ chức và cơ chế vận hành. Tuy vậy, bản chất chung của SGDHH là một tổ chức nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế độc lập. Việc thành lập SGDHH phải tuân thủ quy định của pháp luật điều kiện và thủ tục chặt chẽ.
1.1. Địa vị pháp lý của SGDHH
SGDHH được Bộ công thương cấp phép thành lập dưới hình thức công ti cổ phần hoặc công ti TNHH, có tư cách pháp nhân và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, LTM và Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hoạt động mua bán hàng hóa thông qua SGD với hoạt động mua bán hàng hóa thông thường và hoạt động mua bán hàng hóa giao sau trên thị trường ngoài sở. Trong hoạt động mua bán hàng hóa thông thường, các bên trực tiếp thỏa thuận với nhau về giá cả, số lượng, phẩm cấp hàng hóa, thời hạn giao nhận mà không cần phải thông qua một chủ thể trung gian nào. Hay tại thì trường hàng hóa giao sau ngoài sở, các bên có thể chủ động thỏa thuận với nhau việc mua, bán một lượng hàng hóa nhất định với các điều khoản về chất lượng, giá cả và thời điểm giao hàng trong tương lai nhất định mà không thông qua một tổ chức nào. Nhưng đối với hoạt động mua bán hàng hóa thông qua SGD hàng hóa, thỏa thuận mua bán hàng hóa của các bên nhất thiết phải thực hiện thông qua SGD hàng hóa. SGDHH đóng vai trò trung gian, kết nối quan hệ mua bán hàng hóa của các bên mua bán hàng hóa. Để tham gia được vào quan hệ mua bán này, người mua và người bán phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định so SGDHH đặt ra. Việc mua bán được diễn ra theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, thống nhất theo quy định của SGD hàng hóa.
1.2. Điều kiện để thành lập SGDHH
Theo quy định tại Điều 8 NGhị định 158 SGDHH được thành lập nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Vốn pháp định là một trăm năm mươi tỷ đồng trở lên;
2. Điều lệ hoạt động phù hợp với quy định của Nghị định này;
3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có bằng đại học, cử nhân trở lên và có thời gian công tác trong lĩnh vực kinh tế - tài chính ít nhất là 05 năm; có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
Như vậy, SGDHH chỉ được thành lập nếu đáp ứng các điều kiện trên, trong đó Điều lệ hoạt động của SGD phải phản ánh được tư cách thành viên sở giao dịch, loại hàng hoá, tiêu chuẩn, đơn vị đo lường của hàng hoá giao dịch, mẫu hợp đồng và lệnh giao dịch, hạn mức giao dịch, kí quỹ, phí giao dịch, phương thức giao dịch, chế độ thông tin, báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, quản lí rủi ro, giải quyết tranh chấp.
1.3. Quyền và trách nhiệm của SGDHH
Quyền và trách nhiệm của SGDHH SGDHH được quy định khá cụ thể trong các điều 15, 16 Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP. SGDHH có quyền lựa chọn hàng hoá cơ sở đưa vào danh mục giao dịch tại sở; tổ chức điều hành và quản lí hoạt động giao dịch qua sở; chấp thuận, huỷ bỏ tư cách thành viên của các công ti có “chân” tại sở giao dịch; yêu cầu các thành viên kí quỹ để thực hiện giao dịch; thu các loại phí theo quy định; ban hành quy chế niêm yết, công bố thông tin; kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch; yêu cầu thành viên áp dụng biện pháp quản lí rủi ro; làm trung gian giải quyết tranh chấp theo yêu cầu... Đồng thời, SGDHH cũng có nghĩa vụ tổ chức giao dịch một cách vô tư, công bằng và hiệu quả; công bố các giấy tờ chứng minh tư cách như giấy phép thành lập, điều lệ hoạt động, mẫu hợp đồng, mẫu lệnh giao dịch... của sở giao dịch; thực hiện chế độ báo cáo... và là chủ thể chịu trách nhiệm đến cùng về các giao dịch.
1.4. Thành viên của SGDHH
Thành viên của SGDHH bao gồm:
Thứ nhất, Thương nhân môi giới: Theo Điều 19 Nghị định 158 Thành viên môi giới phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:“Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp; vốn pháp định là 5 tỉ đồng trở lên; giám đốc hoặc tổng giám đốc phải có bằng đại học, cử nhân trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lí doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; các điều kiện khác theo quy định của Điều lệ hoạt động của SGD hàng hoá”. Thương nhân môi giới thực hiện các hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua SGDHH. Họ có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ hoạt động của SGDHH mà họ tham gia.
Thứ hai, Thương nhân kinh doanh thực hiện các hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH. Điều kiện trở thành thành viên kinh doanh của SGDHH bao gồm: “Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp; vốn pháp định 75 tỉ đồng trở lên; giám đốc hoặc tổng giám đốc phải có bằng đại học, cử nhân trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lí doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; các điều kiện khác theo quy định của Điều lệ hoạt động của SGD hàng hoá” (Điều 21 Nghị định 158). Họ có quyền thực hiện các hoạt động tự doanh hoặc nhận uỷ thác mua bán hàng hoá qua SGDHH cho khách hàng; yêu cầu khách hàng kí quỹ để thực hiện giao dịch...
2. Hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH
2.1. Hợp đồng mua bán hàng hoá qua SGDHH
Hợp đồng được sử dụng làm công cụ để giao dịch theo quy định của LTMlà “hợp đồng kì hạn” và “hợp đồng quyền chọn” và là loại hợp đồng song vụ, theo đó các bên cam kết thực hiện nghĩa vụ trong tương lai.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 LTM 2005: “Hợp đồng kì hạn là thoả thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng”. Như vậy, theo cách định nghĩa truyền thống, hợp đồng kì hạn giống như những hợp đồng mua bán thông thường, đó là sự thoả thuận, thống nhất ý chí giữa các chủ thể giao kết để chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho người mua và đổi lấy khoản tiền là giá trị hàng hoá. Tuy nhiên, khác với mua bán thông thường, việc kí kết hợp đồng kì hạn không phải là kí kết trực tiếp giữa người bán và người mua mà được thực hiện thông qua SGDHH với tư cách là cơ quan trung gian. Khi một người muốn mua hàng hoá qua sở giao dịch, người đó sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động MBHHQSGDHH cũng như quy tắc, điều lệ hoạt động của SGDHH đó. Cụ thể, người này sẽ phải kí quỹ thông qua thành viên kinh doanh của SGD để đảm bảo giao dịch. Mức kí quỹ (hay còn gọi là tiền bảo chứng, bao gồm tiền bảo chứng ban đầu và tiền bảo chứng duy trì) do từng SGD quy định. Hợp đồng kì hạn chứa đựng yếu tố rủi ro cao hơn so với hợp đồng mua bán thông thường nhưng bên mua và bên bán nhiều khi lại tìm kiếm lợi nhuận trên cơ sở sự biến động đó của thị trường.
Trên cơ sở hợp đồng kì hạn đã giao kết, hai bên có thể kí tiếp hợp đồng quyền chọn. Hợp đồng quyền chọn bao gồm hợp đồng về quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua. Hợp đồng về quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua là thoả thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hoá xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua bán hàng hoá đó (khoản 3 Điều 64 LTM). Hợp đồng quyền chọn thực chất là sự tự bảo hiểm cho chính hợp đồng kì hạn mà hai bên đã kí kết; theo đó cho phép dồn nghĩa vụ về một bên (bên bán quyền). Khi giá cả hàng hoá trên thị trường tăng hoặc giảm so với giá thoả thuận trong hợp đồng, bên mua quyền có quyền thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng kì hạn. Bên bán quyền trong hợp đồng quyền chọn phải sẵn sàng đón nhận hàng hoá nếu bên mua quyền thực hiện quyền giao hàng, mặc dù có thể hợp đồng đó không còn có lợi cho mình. Bù lại, bên bán quyền chắc chắn đã được hưởng một khoản tiền (tiền bán quyền) chứ không phải là lợi nhuận mà hợp đồng mang lại. Điều này đòi hỏi bên bán quyền trong hợp đồng quyền chọn phải là những chủ thể có tiềm lực kinh tế mạnh để sẵn sàng chấp nhận rủi ro đồng thời vẫn thu được lợi nhuận.
2.2. Loại hàng hoá được phép đưa vào giao dịch
Theo quy định của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, danh mục hàng hoá giao dịch tại SGDHH phải được công bố và nằm trong danh mục được phép giao dịch của SGDHH theo quyết định của Bộ trưởng Bộ thương mại trong từng thời kì. SGDHH chỉ được phép giao dịch các loại hàng hoá thuộc danh mục đã công bố với những điều kiện rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, khối lượng, chất lượng... Danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua SGDHH đã được Bộ Công Thương xây dựng tại Quyết định 4361/QĐ-BCT ngày 18/8/2010. Theo đó, có 8 loại hàng được phép giao dịch là: cà phê nhân, chưa rang, chưa khử chất cafein; Mủ cao su tự nhiên, đã hoặc chưa tiền lưu hóa; Cao su tự nhiên ở dạng tấm cao su xông khói; Cao su tự nhiên đã được định chuẩn kỹ thuật; Các sản phẩm thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, được cán nóng, chưa phủ, mạ hoặc tráng; Các sản phẩm thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, cán nguội, chưa dát phủ, mạ hoặc tráng; Các sản phẩm thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên đã phủ, mạ hoặc tráng; Các sản phẩm thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác, mới chỉ qua rèn, cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn nóng, kể cả công đoạn xoắn sau khi cán.
Đối với hợp đồng quyền chọn, đối tượng của hợp đồng không phải là hàng hoá mà là quyền chọn mua, quyền chọn bán đối với hàng hoá. Nói cách khác, đối tượng của hợp đồng quyền chọn không hướng tới hàng hoá hữu hình mà hướng tới quyền thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ mà bên mua quyền đã tạo ra trong hợp đồng kì hạn. Tuy nhiên, hợp đồng quyền chọn chỉ là hợp đồng phái sinh từ hợp đồng kì hạn, được các bên kí kết trên cơ sở hợp đồng kì hạn, vì vậy, đối tượng của hợp đồng quyền chọn không trực tiếp là hàng hoá nhưng có liên quan mật thiết đến hàng hoá, hướng tới mục tiêu giảm thiểu rủi ro mà hợp đồng kì hạn mang lại.
2.3. Phương thức giao dịch
Cũng như trên thị trường chứng khoán tập trung, SGDHH thực hiện phương thức giao dịch thông qua việc khớp lệnh tập trung trên cơ sở lệnh mua, lệnh bán với nguyên tắc: Là mức giá thực hiện đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất; nếu có nhiều mức giá đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất thì lấy mức giá trùng hoặc gần với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất. Và nếu có nhiều mức giá thoả mãn điều kiện trên thì lấy mức giá được trả cao nhất. Đồng thời, việc khớp lệnh dựa trên cơ sở lệnh có mức giao cao hơn được ưu tiên thực hiện.
Thời gian giao dịch do SGDHH công bố theo ngày, theo phiên giao dịch, thời gian khớp lệnh, mở cửa, đóng cửa... và công bố các thông tin liên quan đến việc thay đổi thời gian kể trên.
Hạn mức giao dịch: Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP đã giới hạn tổng mức giao dịch của toàn bộ các hợp đồng trong thời gian giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hoá đó được sản xuất tại VN, tính theo năm trước đó. Đồng thời, mỗi thành viên chỉ được giao dịch không vượt quá 10% tổng hạn mức giao dịch kể trên.
Để được tham gia giao dịch, Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP cho phép SGDHH căn cứ vào điều kiện của mình mà quy định mức kí quỹ giao dịch nhưng không được thấp hơn 5% trị giá của từng lệnh giao dịch và phải đảm bảo số dư tài khoản kí quỹ mở tại trung tâm thanh toán. Ngoài ra, Nghị định này cũng đặt ra các trường hợp ngoại lệ.
Thời hạn giao dịch hợp đồng được tính từ phiên giao dịch đầu tiên của ngày đầu tiên giao dịch hợp đồng đó cho đến phiên giao dịch cuối cùng của ngày cuối cùng giao dịch hợp đồng đó. Khi hết hạn giao dịch, các bên nắm giữ hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ ghi trên hợp đồng.
2.4. Phương thức thực hiện hợp đồng
Các bên trong quan hệ hợp đồng có thể lựa chọn,thực hiện theo thủ tục thanh toán bù trừ qua trung tâm thanh toán hoặc giao hàng.
Trung tâm thanh toán là tổ chức thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ thanh toán trong hoạt động mua bán hàng hoá qua SGD hàng hoá. Trung tâm giao nhận hàng hoá là tổ chức thực hiện chức năng lưu giữ, bảo quản và giao nhận hàng hoá cho các hoạt động MBHHQSGDHH (khoản 1, 2 Điều 26; khoản 1, 2 Điều 29 Nghị định số 158).
2.5. Chế độ ủy thác mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP cũng quy định chi tiết việc thực hiện chế độ uỷ thác mua bán hàng hoá qua SGDHH của tổ chức, cá nhân khác cho thành viên kinh doanh qua SGDHH theo hợp đồng uỷ thác bằng văn bản. Để có thể yêu cầu thành viên kinh doanh qua SGDHH thực hiện các yêu cầu mua, bán hợp đồng của mình, khách hàng phải có nghĩa vụ kí quỹ theo quy định, mức tiền kí quỹ do các bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn 5% trị giá lệnh uỷ thác giao dịch. Kết quả giao dịch được thành viên kinh doanh qua SGDHH thông báo theo quy định của pháp luật.
Ngoài các quy định trên, LTM và Nghị định của Chính phủ số 158/2006/NĐ-CP đã ghi nhận quyền được tham gia giao dịch với các SGDHH ở nước ngoài của thương nhân Việt Nam. Điều này đã có tiền lệ khi Ngân hàng nhà nước cho phép Techcombank và BIDV thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, giao dịch trên các SGDHH nước ngoài.
3. Quản lí nhà nước và cơ chế giải quyết tranh chấp, vi phạm, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động MBHHQSGDHH
Thứ nhất, Pháp luật đã quy định vị trí, vai trò chủ đạo trong quản lí nhà nước liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua SGD thuộc về Bộ thương mại (nay là Bộ công thương), ngoài ra hoạt động này còn chịu sự điều tiết quản lí từ phía Ngân hàng nhà nước (đối với chế độ, hoạt động thanh toán); từ phía Bộ tài chính (đối với chế độ thuế, phí, lệ phí giao dịch); từ phí Bộ kế hoạch đầu tư (trong việc phối kết hợp để thẩm định tính khả thi của việc thành lập SGDHH).
Thứ hai, Việc xử lí tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tuân theo quy định của Luật thương mại, Luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật về tố tụng dân sự...
4. Một số hành vi bị cấm trong mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Để đảm bào hiệu quả của hoạt động MBHHQSGD Điều 71 LTM 2005 quy định một số hành vi bị cấm trong mua bán hàng hóa qua SGD như sau:
“1. Nhân viên của SGDHH không được phép môi giới, mua bán hàng hoá qua SGD hàng hoá.
2. Các bên liên quan đến hoạt động MBHHQSGDHH không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Gian lận, lừa dối về khối lượng hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn được giao dịch hoặc có thể được giao dịch và gian lận, lừa dối về giá thực tế của loại hàng hoá trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;
b) Đưa tin sai lệch về các giao dịch, thị trường hoặc giá hàng hoá mua bán qua SGD hàng hóa;
c) Dùng các biện pháp bất hợp pháp để gây rối loạn thị trường hàng hóa tại SGD hàng hoá;
d) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.”
Đối với thương nhân hoạt động môi giới hàng hóa qua SGDhàng hóa, ngòai việc không thực hiện các hành vi nêu trên còn bị cấm thực hiện các hành vi sau:
“1. Lôi kéo khách hàng ký kết hợp đồng bằng cách hứa bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại phát sinh hoặc bảo đảm lợi nhuận cho khách hàng.
2. Chào hàng hoặc môi giới mà không có hợp đồng với khách hàng.
3. Sử dụng giá giả tạo hoặc các biện pháp gian lận khác khi môi giới cho khách hàng.
4. Từ chối hoặc tiến hành chậm trễ một cách bất hợp lý việc môi giới hợp đồng theo các nội dung đã thoả thuận với khách hàng.
5. Các hành vi bị cấm khác quy định tại khoản 2 Điều 71 của Luật này”.
5. Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam
Giao dịch hàng hóa không phải là khái niệm mới tại Việt Nam. Giao dịch bằng hợp đồng tương lai áp dụng với mặt hàng cà phê đã được Techcombank và Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (Inexim Đắk Lắk) triển khai từ vài năm nay. Trước đây, tham gia trên các sàn giao dịch quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam chỉ là các nhà đầu tư nhỏ về tiềm lực tài chính. Do khả năng phân tích, tập hợp thông tin về thị trường thế giới có hạn, vì thế không ít doanh nghiệp đầu tư kiểu hợp đồng tương lai đã thua lỗ nặng. Do đó, yêu cầu đặt ra là phảit ạo dựng một sân chơi tại Việt Nam, do doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam đứng ra tổ chức, nhằm đem lại lợi ích lớn hơn, đồng thời tránh được tình trạng "chảy máu ngoại tệ" sang các sàn quốc tế.
Để giải quyết yêu cầu này, ngày 20/10, SGDHH đầu tiên của Việt Nam (VNX) đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại Tp.HCM, trước đây là SGDHH Triệu Phong (TPE). Đây là SGDHH đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
VNX được thành lập theo Quyết định số 4596/GP-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 01/9/2010. VNX có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, được phép giao dịch tất cả các loại hàng hóa do Bộ Công Thương quy định tại Quyết định số 4361/QĐ-BCT ký ngày 18/8/2010, bao gồm cà phê, cao su và thép. Mô hình hoạt động của VNX gồm 3 phần là sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ, trung tâm kiểm định và giao dịch hàng hóa.
Đây là nơi tập trung tất cả những đầu mối buôn bán với khối lượng giao dịch lớn về nhiều loại mặt hàng. Tất cả sẽ thông qua một bộ phận môi giới để có thể giao dịch các hàng hóa của mình nhằm đảm bảo tính trung thực hàng hóa trong mọi thương vụ cũng như việc bảo đảm thanh toán. Sở sẽ là nơi cung cấp địa điểm, phương tiện các dịch vụ cần thiết cho việc thực hiện giao dịch. Hàng hóa được mua bán tại các sàn giao dịch phải qua giám định đạt những tiêu chuẩn chung, gọi là chuẩn chất. Giá cả giao dịch theo nguyên tắc đấu giá công khai, đấu giá mua và cả đấu giá bán.
VNX còn là khai thác, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin về tình hình thị trường hàng hóa trong và ngoài nước, các thông tin có liên quan cho các thành viên và các chủ thể khác tham gia thị trường; thiết lập các giao dịch liên kết với các SGDkhác trên thị trường trong nước và thế giới. Sở sẽ trực tiếp niêm yết giá chuẩn cho các mặt hàng cà phê, cao su, thép trong nước dựa trên cơ chế khớp lệnh liên tục.
Ngoài ra, VNX cũng là nơi niêm yết giá chuẩn cho các mặt hàng cà phê, cao su, thép trong nước dựa trên cơ chế khớp lệnh liên tục. Sở còn khai thác, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin về tình hình thị trường hàng hóa trong và ngoài nước, các thông tin có liên quan cho các thành viên và các chủ thể khác tham gia thị trường; thiết lập các giao dịch liên kết với các SGD khác trên thị trường trong nước và thế giới.
III. Nhận xét về các quy định của pháp luật hiện hành về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch
1. Những ưu điểm
Vấn đề MBHHQSGDHH được quy định tại Mục 3 (từ Điều 63 đến Điều 73). Đây là một chế định hoàn toàn mới của LTM năm 2005 so với LTM năm 1997.
LTM đưa ra những quy định mang tính cơ bản nhất đối với hoạt động này để làm cơ sở cho sự phát triển của hoạt động này trong tương lai. Các quy định của mục này đã nêu bật các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, các khuôn khổ pháp lý được ghi nhận trong LTM không phải là sự “ép buộc” hình thành nên các thị trường kỳ hạn mà là sự “hỗ trợ bằng hành lang pháp lý” cho sự phát triển và hình thành các thị trường này.
Thứ hai, việc tạo dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH không chỉ được xử lý bởi các quy định của LTM mà sẽ phải được xử lý đồng bộ với các văn bản qui phạm pháp luật khác.
Thứ ba, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, LTM không quy định một cách chi tiết, cụ thể mọi vấn đề liên quan đến các giao dịch này mà nhiều vấn đề sẽ được Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Thứ tư, LTM khuyến khích việc hình thành và phát triển của thị trường kỳ hạn, tuy nhiên, vẫn đảm bảo quản lý một cách chặt chẽ các hoạt động này.
Thứ năm, LTM thừa nhận và khẳng định quyền của thương nhân trong việc thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH ở nước ngoài.
2. Một số bất cập
Những quy định của LTM 2005 và Nghị định số 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ về mua bán hàng hóa qua SGD là một thành tựu đáng ghi nhận của ngành lập pháp Việt Nam, dù trên thực tế mua bán hàng hóa qua SGD chưa diễn ra ở nước ta hoặc nếu có cũng chỉ là các giao dịch của các thương nhân Việt Nam trên các sàn giao dịch nước ngoài hoặc các giao dịch diễn ra trên thị trường OTC (thị trường ngoài sở), các quy định về mua bán hàng hóa qua SGD đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển loại giao dịch này ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, các quy định của pháp luật về mua bán hàng hóa qua SGD của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện ở các điểm dưới đây:
2.1. Pháp luật Việt Nam chưa hình thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh điều chỉnh toàn diện các vấn đề của mua bán hàng hóa qua SGD hàng hóa
Hiện nay, ở Việt Nam pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa qua SGD mới chỉ dừng lại ở các quy định mang tính nguyên tắc. LTN 2005 và Nghị định 158 đã có những quy định về vấn đề này và cũng mới ở mức độ chung nhất, khái quát nhất, nếu so với pháp luật các nước khác thì pháp luật Việt Nan điều chỉnh về vấn đề này còn thiếu rất nhiều, vì hoạt động MBHHQSGD là một hoạt động phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề nên chỉ với những quy định đã ban hành thì khó có thể điều chỉnh về vấn đề này. Trong khi các nước trên thế giới, những nước có thị trường hàng hóa giao sau phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan, Singaporre… đều ban hành hẳn một đạo luật để điều chỉnh vấn đề này. Trong khi đó, ở Việt Nam vấn đề MBHHQSGD được quy định trong LTM và là một bộ phận của LTM. Điều này cũng là hợp lý vì MBHH giao sau cũng là một hoạt động thương mại nhưng chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng giữa hoạt động MBHH giao sau và hoạt động thương mại khác có sự khác nhau về bản chất nên việc quy định chúng trong cùng một bộ luật thì lại là một bất cập. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra là Việt Nam phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh về vấn đề này.
2.2. Các quy định của pháp luật còn mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện được bản chất của mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Mặc dù đã có nhiều cố gắng song do MBHHQSGDHH là một vấn đề hết sức mới mẻ nên các quy định của pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho hoạt động MBHHQSGD trong thực tiễn như quy định về khái niệm MBHHQSGD, HĐMBHH qua sở giao dịch, SGD hàng hóa… Vẫn còn nhiều vấn đề nhà làm luật chưa quy định như vấn đề nội dung chủ yếu của hợp đồng, phương thức ký kết hợp đồng, hình thức hợp đồng và các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng… Chúng ta cũng có thể dễ dàng giải thích được điều này vì trên thực tế MBHH giao sau chưa thực sự phổ biến ở nước ta, chính vì vậy, sẽ rất khó để chúng ta có thể có ngay những quy định điều chỉnh toàn diện vấn đề này. Chúng ta đã tiến hành nghiên cứu thực tiễn hoạt động MBHHQSGD của các nước và kinh nghiệm lập pháp của các nước này để ban hành các quy định, nhưng cũng phải thấy rằng giữa các nước có thị trường hàng hóa giao sau phát triển và chúng ta có nhiều điểm khác nhau nên chúng ta không thể rập khuôn theo họ được, các quy định được ban hành phải phù hợp với tình hình đất nước ta nên việc thiếu sót là điều không thể tránh khỏi. Hy vọng trong tương lai, khi đã có thị trường hàng hóa giao sau phát triển, các quy định của pháp luật sẽ hoàn thiện hơn.
2.3. Pháp luật chưa quy định cụ thể về chế tài áp dụng khi vi phạm các biện pháp bảo đảm cho hoạt động mua bán hàng hóa qua SGD và cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Mặc dù tại Điều 70 LTM 2005 đã xác định các hành vi bị cấm trong MBHHQSGD nhưng các quy định này còn rất chung chung và chưa đầy đủ. Nội dung rất quan trọng là các biện pháp xử lý khi vi phạm các hành vi đó chưa được xác định. Vậy khi các bên thực hiện các hành vi bị cấm được quy định các điều này thì cơ chế giải quyết ra sao, chế tài nào được áp dụng, có được áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về thương mại quy định tại CHương VII LTM không? Đây là vấn đề còn bỏ ngỏ trong các quy định của pháp luật về MBHHQSGD.
Bên cạnh đó, LTM 2005 chưa thể hiện được nguyên tắc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động MBHHQSGD sẽ được thực hiện theo cách thức nào. Các quy định về MBHHQSGD đã được đặt tịa Luật Thương mại, vậy khi các tranh chấp trong hoạt động này xảy ra có được áp dụng các nguyên tắc giải quyết tranh chấp của LTM hay không hay phải có các quy định khác mang tính đặc thù của nó.
3. Các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Thực trạng pháp luật về MBHHQSGD và những yêu cầu trong tình hình mới đặt ra cho Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại nhiệm vụ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh toàn diện các vấn đề về MBHHQSGD và đưa hoạt động này vào trong thực tiễn để phát triển và phát huy được vai trò của nó đối với nền kinh tế. Đồng thời, đó cũng là điều cần thiết phải làm khi chúng ta đã là thành viên của WTO, mọi quy định của pháp luật trong nước phải phù hộp với các quy định của pháp luật quốc tế. Trên cơ sở nhận thức được những thiếu sót, hạn chế nêu trên, cần có những điều chỉnh cho phù hợp để sau này khi thị trường hàng hóa giao sau phát triển ở nước ta sẽ được vận hành trơn tru và ổn định.
3.1. Hoàn thiện về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch
Hoạt động MBHHQSGD là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cao và rất phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể. Vì vậy, để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động MBHHQSGD cần tập trung vào các vấn đề cụ thể, chi tiết như vấn đề nội dung của hợp đồng, hình thức của hợp đồng, các phương thức giải quyết tranh chấp, chế tài sử lý khi vi phạm các hành vi bị cấm…
Nhà nước giao cho các cơ quan có nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực thương mại kịp thời ban hành các văn bản hướng dân thi hành các văn bản của cơ quan cấp trên. Quốc hội đã ban hành LTM 2005 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 để hướng dẫn thi hành Luật Thương mại. Yêu cầu đặt ra là Bộ Công thương phải ban hành thông tư để hướng dẫn thi hành Nghị định 158 của Chính phủ, để cho hệ thống pháp luật điều chỉnh vấn đề mMBHHQSGD được đồng bộ, tránh tình trạng cấo trên chờ cấp dưới.
3.2. Hoàn thiện pháp luật về quy chế thương nhân môi giới mua bán hàng hóa qua SGD ở nước ngoài
Hoàn thiện pháp luật về quy chế thương nhân môi giới, thương nhân hoạt động MBHHQSGD ở nước ta là một trong những yêu cầu của quá trình hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp luật về MBHHQSGD.
Hiện nay, LTM mới chỉ quy định nguyên tắc chung khi xác định điều kiện hoạt động của thương nhân môi giới MBHHQSGD là đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên lại chưa có văn bản quy định cụ thể vấn đề này. Do đó, yêu cầu đặt ra là nghiên cứu để đưa ra các điều kiện hoạt động cụ thể của thương nhân môi giới MBHHQSGD. Trước hết, cần xác định tư cách của thương nhân môi giới là thành viên của SGDhàng hóa, thực hiện việc môi giới hàng hóa QSGDHH và hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới. để thực hiện các hoạt động môi giới, thương nhân môi giới phải đáp ứng các điều kiện như quy định của pháp luật về tổ chức, mức vốn pháp định, điều lệ…
3.3. Hoàn thiện về hựop đồng và giao kết hợp dodòng trong MBHHQSGD
Hợp đồng và giao kết hợp đồng trong MBHHQSGD là một nội dung quan trọng nhất trong MBHHQSGD. Việc thiết lập các quan hệ MBHHQSGD được thực hiện chủ yếu thông qua việc giao kết các hợp đồng. căn cứ theo quy định của Luật Thương maị 2005 về các loại hợp đồng trong MBHHQSGD, pháp luật cần quy định cụ thể nhằm chuẩn hóa các tiêu chí giao kết hợp đồng, hình thức của hợp đồng, các điều khỏan cơ bản của hợp đồng… căn cứ vào các quy định này, các SGDHH sẽ xây dựng các hợp dodòng MBHH phù hợp với các giao dịch do mình thực hiện.
3.4. Hoàn thiện pháp luật về hoạt động MBHHQSGDHH ở nước ngoài của thương nhân Việt Nam
Pháp luật Vỉệt Nan ghi nhận quyền hoạt động MBHHQSGDHH ở nước ngoài của thương nhân Việt Nam là phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế khu vự và thế giới của Việt Nam, nhằm thúc đẩy các hoạt dodọng xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. thương nhân Việt Nam tham gia vào rất nhiều quan hệ mua bán quốc tế, trong đó có quan hệ MBHHQSGD ở nước ngoài. Do chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh họat động này nên trong thời gian qua, mặc dù các thương nhân Việt Nam đã thực hiện một số giao dịch hàng hóa tại sàn giao dịch của nước ngoài nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Yêu cầu hoàn thiện các quy định cụ thể về hoạt động này là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho các thương nhân Việt Nam thực hiện giao dịch tại các SGD ở nước ngòai. Các vấn đề cần hoàn thiện bao gồm: điều kiện để thương nhân Việt Nạm được phép thực hiện hoạt động MBHHQSGD ở nước ngoài, phương thức thực hiện các giao dịch mua bán, phương thức thanh toán, trách nhiệm của các cơ quan quảng lý Nhà nước trong hoạt động này…
3.5. Hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm trong MBHHQSGD
Pháp luật mới chỉ dự liệu các hành vi vi phạm trong hoạt động MBHHQSGD mà chưa quy định hành vi vi phạm đó sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm. Hiện nay, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại chưa có quy định về hành vi và các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động MBHHQSGZD. Vì vậy, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về MBHHQSGD yêu cầu cơ quản lý phải ban hành các quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong MBHHQSGD.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Thương mại 2, Trường Đại học Luật Hà nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2006;
2. Pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá ở Việt Nam : Luận án tiến sĩ luật học / Nguyễn Thị Yến; Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Viết Tý, TS. Phan Chí Hiếu . - Hà Nội, 2011;
3. Mua bán hành hoá qua sở giao dịch hàng hoá / Bùi Thanh Lam // Tạp chí Luật học. Trường đại học Luật Hà Nội, Số 1/2008;
4. Các chủ thể tham gia giao dịch trên sở giao dịch hàng hoá / ThS.Nguyễn Thị Yến // Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, Số7/2009;
5. Pháp luật về mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá ở Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn / Trường Đại học Luât Hà Nội. Khoa pháp luật kinh tế. Trung tâm nghiên cứu luật lao động, thương mại và đầu tư . - H., 2008;
6. Quan niệm về thị trường hàng hoá giao sau và mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá / Nguyễn Viết Tý // Tạp chí Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, Số 1/2010;
7. Một số bình luận về thực thi pháp luật mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá / Nguyễn Thị Dung // Tạp chí Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, Số 1/2011;
8. Đặc trưng cơ bản của quan hệ mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá theo pháp luật việt nam. / Ths, Nguyễn thị Yến // Tạp chí luật học. Trường đại học luật hà nội. Số 6 / năm 2007
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch theo quy định của pháp luật hiện hành.doc