Các chuẩn mực xã hội có nguồn gốc từ thực tiễn đời sống xã hội, được hình thành từ nhu cầu, đòi hỏi cần có một công cụ, phương tiện điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng hành vi của con người. Nảy sinh trong đời sống xã hội, chịu sự chi phối mạnh mẽ của pháp luật nhưng các chuẩn mực xã hội này cũng có tác động không nhỏ trở lại pháp luật. Bài viết sau xin đi sâu và phân tích mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật.
10 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 8336 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
Đặt vấn đề
Trang
Nội dung bài làm
2
I/Chuẩn mực xã hội và những khái niệm cơ bản
3
1/Khái niệm chuẩn mực xã hội
3
2/Các hình thức biểu hiện của chuẩn mực xã hội
3
II/Phân tích mối quan hệ giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật
4
1/Chuẩn mực đạo đức
5
2/Chuẩn mực phong tục,tập quán
5
3/Chuẩn mực thẩm mỹ
7
Kết thúc vấn đề
9
Tài liệu tham khảo
10
Đặt vấn đề
Các chuẩn mực xã hội có nguồn gốc từ thực tiễn đời sống xã hội, được hình thành từ nhu cầu, đòi hỏi cần có một công cụ, phương tiện điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng hành vi của con người. Nảy sinh trong đời sống xã hội, chịu sự chi phối mạnh mẽ của pháp luật nhưng các chuẩn mực xã hội này cũng có tác động không nhỏ trở lại pháp luật.
Bài viết sau xin đi sâu và phân tích mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật.
Nội dung bài làm
I/Chuẩn mực xã hội và những khái niệm cơ bản
1/Khái niệm chuẩn mực xã hội.
Trong cuộc sống, con người luôn thực hiện các hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích nhất định. Dù được tự do thực hiện các hoạt động đó theo ý muốn cá nhân nhưng con người vẫn phải đặt mình trong các nhóm xã hội hoặc xã hội nói chung, tuân theo những quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của những người xung quanh để định hướng hành động của mình.
Vô hình chung, chính con người, với ý chí chung của nhóm xã hội, giai cấp, tầng lớp xã hội...đã xác lập một hệ thống các quy tắc, đòi hỏi đối với hành vi của một cá nhân hay nhóm xã hội.Từ đó, hình thành nên hệ thống các chuẩn mực xã hội.
Chuẩn mực xã hội là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xác định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi xã hội của mỗi người, nhằm củng cố , đảm bảo sự ổn định xã hội, giữ gìn trật tự, kỷ cương,an toàn xã hội.
2/Các hình thức biểu hiện của chuẩn mực xã hội.
Chuẩn mực xã hội có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau tùy vào các tiêu chí phân loại khác nhau. Thông thường , chúng được phân loại theo hai tiêu chí sau:
a/Theo mức độ phổ biến, chuẩn mực xã hội được chia thành:
- Chuẩn mực xã hội công khai, tức là những chuẩn mực xã hội phổ biến trong xã hội, được đa số biết đến, thừa nhận và tuân theo.
- Chuẩn mực xã hội ngầm ẩn, tức là những chuẩn mực xã hội chỉ được công bố và áp dụng trong phạm vi nhất định, thường chỉ mang tính nội bộ trong một nhóm xã hội xác định nhằm điều chỉnh hành vi của số ít người. Và chỉ có số ít người đó có trách nhiệm, nghĩa vụ phải tuân theo chuẩn mực xã hội ngầm ẩn dành cho họ.
b/Theo đặc điểm được ghi chép hay không được ghi chép lại, chuẩn mực xã hội được chia thành:
- Chuẩn mực xã hội thành văn, tức là các nguyên tắc, quy định của chúng được ghi chép lại dưới dạng văn bản. Tiêu biểu nhất của chuẩn mực thành văn là chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực chính trị,chuẩn mực tôn giáo.
- Chuẩn mực xã hội bất thành văn là những loại chuẩn mực xã hội mà các quy tắc,yêu cầu của chúng không được ghi chép lại trong văn bản mà chúng chủ yếu tồn tại, phát triển thông qua con đường truyền miệng. Và cứ như thế lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Có ba loại chuẩn mực xã hội bất thành văn là chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực phong tục, tập quán và chuẩn mực thẩm mỹ. Các chuẩn mực này xin được phân tích rõ hơn ở phần tiếp theo sau đây.
II/Phân tích mối quan hệ giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật
Ngoài pháp luật, nhà nước sử dụng các quy tắc, chuẩn mực xã hội khác để quản lý xã hội như đạo đức,tập quán,...So với các chuẩn mực xã hội khác , pháp luật vẫn là công cụ đặc biệt mang nhiều ưu thế vượt trội, có ý nghĩa quyết định xu thế phát triển của xã hội. Do đó, nhìn chung, pháp luật luôn giữ vai trò chi phối sự tồn tại và phát triển của các chuẩn mực khác. Bên cạnh đó, các chuẩn mực xã hội khác cũng có vai trò nhất định đối với pháp luật.
1/Chuẩn mực đạo đức.
a/Khái niệm:
Đạo đức là toàn bộ những quan niệm về thiện ác, lương tâm, danh dự, trách nhiệm, về lòng tự trọng, về công bằng hạnh phúc...và những quy tắc xử sự hình thành trên cơ sở các ý niệm, quan điểm đó. Tuy mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng có quan niệm và cách giải thích khác nhau về đạo đức nhưng quá trình lịch sử tồn tại và phát triển lâu dài của con người đã xây dựng nên những giá trị đạo đức có tính phổ biến, chung nhất cho tất cả mọi người. Đạo đức là cơ sở tồn tại và phát triển của xã hội, là kết tinh của đời sống tinh thần nhân loại.
Chuẩn mực đạo đức là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cái thiện và cái ác, về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức tinh thần của xã hội.
b/Mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Khi bàn về mối quan hệ giữa chuẩn mực đạo đức và pháp luật, chúng ta cần xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa pháp luật và đạo đức.
Pháp luật và đạo đức là những hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng do cơ sở hạ tầng quy định. Giai cấp thống trị, dựa vào quyền lực, có nhiều ưu thế để nâng ý chí hay các quan niệm đạo đức của mình thành pháp luật. Do đó, pháp luật luôn là sự phản chiếu đạo đức của giai cấp cầm quyền hay nói cách khác là chịu sự tác động của đạo đức. Tuy nhiên, dù muốn hay không, pháp luật pháp luật không thể không phản ánh quan điển, lợi ích, ý chí hay quan niệm đạo đức của các giai cấp khác nên ở một mức độ nhất định, pháp luật được trang bị khả năng thích ứng, khiến nó dường như thể hiện ý chí chung của mọi tầng lớp xã hội.
Dù chịu sự tác động của đạo đức, nhưng pháp luật vẫn có tác động mạnh mẽ trở lại đạo đức. Cụ thể, pháp luật sẽ cải tạo các chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời, hoặc loại bỏ chúng. Từ đó, chọn lọc và tạo ra những chuẩn mực đạo đức phù hợp với xã hội và tiến bộ hơn.
Nhìn chung, chuẩn mực đạo đức và pháp luật tuy khác nhau về phạm vi tác động, cơ chế tác động nhưng đều có chung mục đích điều tiết, điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Mối quan hệ giữa chúng là mối quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Pháp luật là sự ghi nhận các chuẩn mực đạo đức, là công cụ bảo vệ, là phương tiện hữu hiệu bảo vệ chuẩn mực đạo đức bằng các biện pháp, chế tài cụ thể. Nói cách khác, pháp luật có vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ, phát triển các chuẩn mực đạo đức tiến bộ, phù hợp với xã hội. Và ngược lại, chuẩn mực đạo đức là nền tảng tinh thần để thực hiện các quy định của pháp luật. Nhiều quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực đao đức được nhà nước sử dụng và nâng lên thành luật. Khi xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, nhà nước buộc phải tính tới các quy tắc của chuẩn mực đạo đức.
2/Chuẩn mực phong tục, tập quán
a/Khái niệm
Phong tục là từ Hán Việt nếu cắt nghĩa của từng chữ ta có thể hiểu:
- Phong: là nếp sống đã lan truyền, phổ biến rộng rãi
- Tục: là thói quen lâu đời.
Như thế có thể hiểu phong tục là những thói quen, nếp sống lâu đời đã được lan truyền, phổ biến rộng rãi trên một phạm vi nhất định ( có thể là toàn xã hội hay nhóm xã hội,cộng đồng xã hội nhất định...)Phong tục là bao gồm mọi mặt đời sống của dân cư trong một vùng, một miền hoặc cả quốc gia. Những phong tục tốt đẹp người ta gọi là “Thuần phong mỹ tục”. Những phong tục xấu, lạc hậu người ta gọi là “Đồi phong bại tục”. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc thường có những phong tục, đặc trưng khác nhau, người ta gọi đó là bản sắc dân tộc.
Tập quán là những quy ước, quy tắc giao tiếp, ứng xử giữa các cá nhân với nhau hoặc với cộng đồng, hoặc giữa các cộng đồng trong cuộc sống, được lặp đi lặp lại nhiều lần và trở thành thói quen, nếp sống.
Tuy nhiên, do sự tương đồng giữa phong tục và tập quán nên rất khó để có thể phân biệt chúng rõ ràng. Vì vậy, thuật ngữ "phong tục" và thuật ngữ "tập quán" thường đi liền với nhau, trở thành thuật ngữ "phong tục, tập quán".
Chuẩn mực phong tục, tập quán là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi được xác lập nhằm củng cố những mẫu mực giao tiếp, ứng xử trong các cộng đồng người; là các quy tắc sinh hoạt công cộng lâu đời của con người, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần suốt quá trình lịch sử, trở thành thói quen trong lao động, cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của các cộng đồng xã hội.
b/Mối quan hệ giữa chuẩn mực phong tục, tập quán và pháp luật
Phong tục tập quán gắn bó chặt chẽ với những thói quen, nếp sống của các cộng đồng xã hội từ rất lâu đời, trước cả khi có pháp luật, nên tập quán được coi là quy tắc xử sự chung, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Chúng gắn bó bền chặt trong nhân dân, có nhiều khi lấn át cả những điều luật. Khi nhà nước xuất hiện, nhà nước tìm cách vận dụng các phong tục, tập quán này hoặc biến đổi chúng cho phù hợp rồi nâng chúng thành các quy phạm pháp luật hoặc coi là tập quán pháp. Như thế, chuẩn mực phong tục, tập quán là một nguồn quan trọng của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhờ sự tồn tại lâu đời của phong tục, tập quán, các chuẩn mực này gắn bó bền chặt với đông đảo quần chúng, được họ chấp thuận và tuân theo, thực hiện một cách tự nguyện, tạo ra sự đồng thuận xã hội. Bằng cách đó, các chuẩn mực phong tục,tập quán góp phần quan trọng giúp pháp luật thâm nhập vào đời sống cộng đồng một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.
Ngược lại, pháp luật cũng tác động tới các chuẩn mực phong tục, tập quán; thể hiện như sau:
- Đối với các phong tục, tập quán mang giá trị truyền thống, có tính nhân văn sâu sắc, là "thuần phong mỹ tục", mang tác động tích cực tới cộng đồng thì pháp luật thừa nhận, bảo tồn, phát huy vai trò của chúng trong đời sống; đưa chúng vào nếp sống, ý thức và hành vi của con người.
- Đối với những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, trở thành hủ tục, thậm chí mang tính mê tín dị đoan, là " đồi phong bại tục" , ngoài việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, để nhân dân tự loại bỏ chúng thì nhà nước dùng sức mạnh của pháp luật loại trừ chúng ra khỏi đời sống; từ đó xây dựng lối sống văn minh, phù hợp với sự tiến bộ.
3/Chuẩn mực thẩm mỹ.
a/Khái niệm
Quan hệ thẩm mỹ là một trong các mối quan hệ xã hội cơ bản. Trong quan hệ thẩm mỹ, có ba bộ phận quan trọng nhất của đời sống thẩm mỹ con người, bao gồm:
- Đối tượng thẩm mỹ, gồm cái đẹp, xấu; cái bi, hài; cái anh hùng,...Nó chứa đựng các dạng phái sinh và các vùng tiềm ẩn của cái đẹp, cái xấu, cái bi hài; nó giải thích vì sao thiên nhiên lại chứa yếu tố thẩm mỹ, vì sao lại có cái bi,hài trong hiện tượng xã hội.
- Chủ thể thẩm mỹ, phản ánh các hoạt động thẩm mỹ của chủ thể thông qua các giác quan của họ. Các nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ đều là sự phản ánh các kinh nghiệm haotj động thẩm mỹ của con người. Năng khiếu,tài năng và thiên tài không tách rời chủ thể thẩm mỹ
- Thế giới nghệ thuật là bộ phận thứ ba. Đây là nơi diễn ra sự tương tác giữa đối tượng thẩm mỹ và chủ thể thẩm mỹ, như: văn học, âm nhạc, điêu khắc, điện ảnh,...Trong thế giới này, cái thẩm mỹ chứa đựng các phạm trù : cảm thụ, sáng tạo, đánh giá,...
Do yêu cầu, đòi hỏi quan hệ thẩm mỹ cần có các quy tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn thẩm mỹ để định hướng, điều chỉnh, đánh giá hành vi thẩm mỹ của con người trong đời sống cộng đồng mà các chuẩn mực thẩm mỹ nảy sinh, biến đổi và phát triển.
Chuẩn mực thẩm mỹ là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi về mặt thẩm mỹ đối với hành vi xã hội của con người, tuân theo những quan điểm, quan niệm đang được phổ biến, thừa nhận trong xã hội về cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái anh hùng, cái tuyệt vời, dược xác lập trong các quan hệ thẩm mỹ, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, trong lối sống và sinh hoạt...của các cá nhân và các nhóm xã hội.
b/Mối quan hệ giữa chuẩn mực thẩm mỹ và pháp luật.
Mối quan hệ giữa chuẩn mực thẩm mỹ và pháp luật là mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau.
Chuẩn mực thẩm mỹ đòi hỏi các bộ luật, các văn bản được ban hành phải phù hợp với các giá trị, chuẩn mực thẩm mỹ đang hiện hành trong xã hội thì mới dễ dàng đi vào đời sống. Nhìn trên phương diện này, chuẩn mực thẩm mỹ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hành vi của các cá nhân phù hợp với các quy tắc của chuẩn mực thẩm mỹ. Trong nhiều trường hợp, các quy tắc háp luật phù hợp với các chuẩn mực thẩm mỹ, các cá nhân dù không biết luật nhưng dựa vào quan điểm thẩm mỹ, họ vẫn có thể xử sự đúng luật.
Nhiều quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực thẩm mỹ phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nhà nước nên đã được thừa nhận và trở thành cơ sở để áp dụng trong các quy phạm pháp luật. Một số ví dụ điển hình là các văn bản luật điều chỉnh trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ứng xử công sở...
Ngược lại, pháp luật cũng có sự tác động sâu sắc tới chuẩn mực thẩm mỹ. Nhờ vào đặc trưng mang tính quyền lực nhà nước, pháp luật góp phần củng cố, bảo vệ các chuẩn mực thẩm mỹ phù hợp, tiến bộ; đồng thời, loại bỏ những quy tắc thẩm mỹ đã lạc hậu, lỗi thời trong cuộc sống văn minh, hiện đại.
Kết thúc vấn đề
Ở nước ta hiện nay, bên cạnh các thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối về nhận thức, hiểu biết, tôn trọng và thực hiện các quy tắc, yêu cầu của chuẩn mực xã hôi nói chung và pháp luật nói riêng. Một trong những nguyên nhân của tồn tại đó là do sự thiếu hiểu biết, chưa tôn trọng, nghiêm túc trong việc thực hiện. Trong điều kiện đó, việc nghiên cứu, củng cố và phổ biến, phát huy tác dụng của các chuẩn mực xã hội càng có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.
Tài liệu tham khảo
1/ TS Ngọ Văn Nhân, Xã hội học pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2010
2/ Trường Đại học Luật Hà Nội, Ngọ Văn Nhân (chủ biên), Tập bài giảng xã hội học, Nxb CAND, Hà Nội, 2008
3/ PGS.TS Nguyễn Thị Hồi, Hướng dẫn ôn tập môn học Lí luận nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Phân tích mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các chuẩn mực xã hội bất thành văn và pháp luật (bài tập lớn).doc