Với việc xây dựng và hoàn thành bài tiểu luận này, tôi đã có thêm rất nhiều hiểu biết về ngành du lịch ở tỉnh Thanh. Với việc khai thác và sử dụng những lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn của mình Thanh Hóa đã phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch tham quan di tích, danh thắng, làng nghề; du lịch tắm biển, nghĩ dưỡng; du lịch văn hóa lễ hội; du lịch thể thao, du lịch sinh thái Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, giao thông vận tải; hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống ngành du lịch Thanh Hóa đang ngày càng phát triển.
27 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 5071 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Địa Lý kinh tế Thanh Hóa, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Du lịch là ngành công nghiệp không khói đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên quốc gia và thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật khác phát triển. Theo trào lưu phát triển của du lịch quốc tế, nhiều nước đã đặt sự nghiệp phát triển du lịch lên một trong những vị trí quan trọng hàng đầu và đã gặt hái được thành công trong lĩnh vực này ở những năm gần đây.
Với Việt Nam, thực tế đã cho thấy du lịch – ngành siêu lợi nhuận đang ngày càng khẳng định vững chắc vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành du lịch Việt Nam đòi hỏi lớn cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực này không chỉ phục vụ trong nội địa đất nước mà còn phục vụ ở nước ngoài thông qua các tập đoàn khách sạn và du lịch hoặc xuất khẩu lao động. Vấn đề giải quyết đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng cũng như duy trì cơ cấu lao động hợp lý quyết định đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực.
Là điểm đến mới, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, giá cả thấp, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng phát triển khá nhanh trong thời gian qua, có tiềm năng, triển vọng tiến xa hơn. Song tương lai của ngành du lịch Thanh Hóa sẽ còn tùy thuộc vào hiệu quả của chính sách phát triển du lịch, việc bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên, nhân lực và sự đánh giá đúng mức hiện trạng và tiềm năng.
Xuất phát từ những yêu cầu trên và được sự giúp đỡ, hướng dẫn của cô giáo, tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng 5 năm thực hiện chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2006 – 2010”
2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU
- Các cuộc điều tra của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Thanh Hóa về hoạt động du lịch, số lượng và chất lượng của nguồn lao động tại Thanh Hóa.
- Việc nghiên cứu về thực trạng nguồn lao động du lịch đã được cụ thể bằng các chương trình, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và của cả nước từ nay đến năm 2015 và 2020 với hàng loạt các chính sách mới.
- Một số bài báo viết về hoạt động du lịch ở Thanh Hóa.
Tuy nhiên, chưa có một đề tài nghiên cứu chính thức nào về thực trạng thực hiện chương trình phát triển du lịch tại Thanh Hóa trong giai đoạn 2006-2010.
3. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Đánh giá thực trạng phát triển, tìm hiểu về kế hoạch triển khai trong thời gian tới và một số giải pháp để phát triển du lịch tại tỉnh Thanh Hóa.
4. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
- Nguồn lao động du lịch và khách du lịch tại tỉnh Thanh Hóa.
- Kết quả kinh doanh du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2006 – 2010.
- Các cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch tại tỉnh Thanh Hóa.
5. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
- Khái quát, đánh giá tổng quan về Thanh Hóa và tình hình phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua.
- Phân tích thực trạng phát triển và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch ở tỉnh Thanh Hóa.
6. QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
6.1. Quan điểm nghiên cứu
- Quan điểm hệ thống lãnh thổ:
Xét hoạt động du lịch Thanh Hóa nằm trong hệ thống hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Lao động du lịch Thanh Hóa là bộ phận của lao động du lịch cả nước, có mối quan hệ mật thiết với lao động trong các ngành kinh tế khác và trong ngành dịch vụ du lịch của các vùng trên lãnh thổ Việt Nam.
- Quan điểm tổng hợp:
Xem xét nguồn lao động du lịch Thanh Hóa trong mối quan hệ với các điều kiện phát triển du lịch, hiệu quả kinh doanh du lịch và nhu cầu du lịch. Tìm ra nhân tố ảnh hưởng quan trọng tới số lượng và chất lượng nguồn lao động du lịch tại đây.
- Quan điểm lịch sử:
Đánh giá nguồn lao động du lịch, kết quả du lịch trong một khoảng thời gian dài từ năm 2006 đến nay. Từ đó phát hiện ra quy luật phát triển và có thể dự báo cho tương lai.
Yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch ngày càng cao, do đó chúng tôi xem xét và đánh giá về chất lượng lao động phù hợp với nhu cầu hiện nay.
- Quan điểm phát triển bền vững:
Quan điểm phát triển bền vững thể hiện tôn trọng giá trị du lịch của tỉnh Thanh Hóa thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đảm bảo nhu cầu của khách du lịch trong việc tìm hiểu, khám phá, thưởng thức vẻ đẹp của nơi đây. Để những giá trị du lịch của Thanh Hóa không bị mất đi.
6.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi đã sử dụng đa dạng các phương pháp nghiên cứu, tuy nhiên phương pháp nghiên cứu điều tra thực địa là phương pháp chủ đạo.
Các phương pháp được sử dụng gồm:
* Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết:
+ Phương pháp phân tích:
+ Phương pháp thống kê
Phân tích, thống kê các số liệu về :
- Nguồn lao động du lịch và khách du lịch tại tỉnh Thanh Hóa.
- Kết quả kinh doanh du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2006 – 2010.
- Các cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch tại tỉnh Thanh Hóa.
* Nhóm phương pháp nghiên cứu thực địa:
+ Phương pháp điều tra: điều tra cơ bản và điều tra xã hội học.
+ Các phương pháp quan sát, chuyên gia, toán học, bản đồ, biểu đồ: để điều tra về tình hình phát triển và thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa; tính toán, quan sát để rút ra những kết luận khách quan, có cơ sở thực tiễn.
7. CẤU TRÚC ĐỀ TÀI
Phần I: Phần mở đầu
Phần II: Phần nội dung
Chương I: Tổng quan về Thanh Hóa
Chương II: Thực trạng 5 năm thực hiện chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2006 – 2010
Chương III: Kế hoạch, giải pháp phát triển du lịch ở tỉnh Thanh Hóa
Phần III : Kết luận
Danh mục tài liệu tham khảo
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ THANH HÓA
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Thanh Hoá là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có toạ độ địa lý từ 19°18’ đến 20°40’ vĩ độ Bắc và từ 104°22’ đến 106°05’ kinh độ Đông.
Lãnh thổ của tỉnh về phía Bắc giáp 3 tỉnh : Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, Với đường ranh giớ hơn 175km.
Phía Nam và Tây Nam giáp Nghệ An, với đường ranh giới hơn 160 km.
Phía Đông giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển 102 km và một thềm lục địa khá rộng.
Phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn của nứơc CHDCND Lào và đường biên giới dài 192 km.
Điểm cực Bắc ở xã Trung Sơn, phía Đông Bắc huyện Quan Hoá (giáp tỉnh Hoà Bình) nằm ở vĩ tuyến 20’40’B).
Điểm cực Nam ở xã Hải Hà gần bờ Biển Tỉnh Gia ( giáp tỉnh Nghệ An) nằm ở vĩ tuyến 19’18’B.
Điểm cực Tây là núi Pha Long, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát(giáp Lào) nằm trên kinh tuyến 104’22’Đ.
Điểm cực Đông ở xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (giáp Ninh Bình) nằm trên kinh tuyến 106’05’Đ.
Thanh Hoá là tỉnh có diện tích lớn của vùng Bắc Trung Bộ và của nước ta. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 11.116,34 km2 (theo niên giám thống kê Thanh Hoá, xuất bản năm 2006), chiếm 3,37% diện tích toàn quốc, đứng thứ 5 trong 64 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 2 trong số các tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ.
Ý nghĩa của vị trí địa lý đối với phát triển kinh tế xã hội.
Thanh Hoá nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Phía Nam nước ta. Trong lịch sử, nơi đây từng là căn cứ địa vững chắc chống ngoại xâm, là kho nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến.
Vị trí địa lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa các tỉnh thành trong nước và trên thế giới. Tỉnh Thanh Hoá nằm gần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ , với 102 km đường bờ biển, khu vực Nghi Sơn (Tĩnh Gia) có thể xây cảng nước sâu cho tàu trọng tải 10 vạn tấn ra vào. Có đường Quốc Lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua. Thêm vào đó, Thanh Hoá lại có quy mô diện tích lớn, với nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để có thể phát triển một nền sản xuất hàng hoá đa dạng với nhiều ngành kinh tế mũi nhọn đặc thù, mở rộng giao lưu trong nước và thế giới, đưa nền kinh tế phát triển mạnh, nhanh chóng hội nhập với các tỉnh, thành phố khác trong nước và thế giới.
2. Địa hình
Địa hình Thanh Hóa nghiêng từ tây bắc xuống đông nam: phía tây bắc, những đồi núi cao trên 1.000 m đến 1.500 m thoải dần, kéo dài và mở rộng về phía đông nam. Đồi núi chiếm 3/4 diện tích của cả tỉnh; tạo tiềm năng lớn về kinh tế lâm nghiệp, dồi dào lâm sản, tài nguyên phong phú.
Vùng miền núi, trung du: Miền núi và đồi trung du chiếm phần lớn diện tích của Thanh Hóa. Riêng miền đồi trung du chiếm một diện tích hẹp và bị xé lẻ, không liên tục, không rõ nét như ở Bắc Bộ. Do đó nhiều nhà nghiên cứu đã không tách miền đồi trung du của Thanh Hóa thành một bộ phận địa hình riêng biệt mà coi các đồi núi thấp là một phần không tách rời của miền núi nói chung. Miền đồi núi Thanh Hóa được chia làm 3 bộ phận khác nhau: bao gồm 11 huyện: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và Thạch Thành chiếm 2/3 diện tích của tỉnh. Vùng đồi núi phía tây có khí hậu mát, lượng mưa lớn nên có nguồn lâm sản dồi dào, lại có tiềm năng thủy điện lớn, trong đó sông Chu và các phụ lưu có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện. Miền đồi núi phía Nam đồi núi thấp, đất màu mỡ thuận lợi trong việc phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây đặc sản và có Vườn quốc gia Bến En (thuộc hai huyện Như Thanh và Như Xuân), có rừng phát triển tốt, với nhiều gỗ quý, thú quý.
Vùng đồng bằng: Vùng đồng bằng của Thanh Hóa lớn nhất của miền Trung và thứ ba của cả nước. Đồng bằng Thanh Hoá diện tích bằng 1/2 diện tích của các đồng bằng Trung Bộ cộng lại, tức khoảng 3000 km².
Đồng bằng Thanh Hóa có đầy đủ tính chất của một đồng bằng châu thổ, do phù sa các hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Hoạt bồi đắp. Điểm đồng bằng thấp nhất so với mực nước biển là 1m.
Vùng ven biển: Các huyện từ Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương đến Tĩnh Gia, chạy dọc theo bờ biển gồm vùng sình lầy ở Nga Sơn và các cửa sông Hoạt, sông Mã, sông Yên và sông Bạng. Bờ biển dài, tương đối bằng phẳng, có bãi tắm nổi tiếng Sầm Sơn, có những vùng đất đai rộng lớn thuận lợi cho việc lấn biển, nuôi trồng thủy sản, phân bố các khu dịch vụ, khu công nghiệp, phát triển kinh tế biển (ở Nga Sơn, Nam Sầm Sơn, Nghi Sơn).
3. Khí hậu
Thanh Hoá nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với đặc điểm chung là nhiệt đới gió mùa với mùa đông lạnh, ít mưa. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt, mùa nóng trùng với mùa mưa, còn mùa lạnh trùng với mùa khô. Đặc biệt trong mùa nóng có sự xuất hiện của gió Tây vào đầu mùa (hàng năm có 20-30 ngày có gió Tây khô nóng). Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 23-24oC ở vùng đồng bằng trung du, giảm dần khi lên vùng núi và xuống 18-200C ở vùng biên giới Việt - Lào. Hàng năm có 4 tháng nhiệt độ trung bình xuống dưới 20oC (từ tháng 12 đến tháng 3), tháng lạnh nhất là tháng 1 với nhiệt độ trung bình 17-18oC (cao hơn đồng Bằng Bắc Bộ khoảng 1oC). Tổng nhiệt độ cả năm khoảng 8600-8700oC ở vùng đồng bằng, giảm xuống 8000oC ở miền núi.
Lượng mưa trung bình năm từ 1600-1800 mm. số ngày mưa từ 130-150 ngày/năm. Mùa mưa thường kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 5 kết thúc vào tháng 10. Các tháng mưa nhiều là 8,9,10. Mùa mưa tập trung đến 60-80% lượng mưa của cả năm nên dễ gây ra lũ lụt nhất là ở vùng có địa hình thấp như ở các vùng ven biển.
4. Thủy văn
Thanh Hoá có 20 sông lớn nhỏ chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam và 264 khe suối chằng chịt thuộc 4 hệ thống sông chính là: Sông Mã, sông Lạch Bạch, sông Yên, sông Hoạt. Tổng chiều dài các hệ thống sông là 881km, tổng diện tích lưu vực 39.756km2, tổng lượng nước trung bình hằng năm: 19,52 tỉ m3. Trữ lượng nước trên mặt này có thể thoả mãn nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Sông suối Thanh Hóa chảy qua nhiều vùng địa hình phức tạp, tạo ra tiềm năng thuỷ điện khá lớn. Riêng sông Mã đã có trữ lượng điện năng đạt tới 12 tỉ kw/h.
Đặc điểm nổi bật của sông ngòi Thanh Hoá là:
Tổng chiều dài của 16 sông chính và nhánh là 1.072km. Mật độ sông ngòi không lớn từ 0,1-1,06km/km2.
Các sông đều ngắn (trừ sông Mã) và có độ dốc lớn. Nhưng ở vùng sát biển, có độ dốc nhỏ, chịu ảnh hưởng của thuỷ triều và nước mặn.
Ngoài nguồn nước mặn, Thanh Hoá còn có nước ngầm. Nước ngầm tuy chiếm tỉ lệ nhỏ so với nguồn nước mặn nhưng là nguồn bổ sung quan trọng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong thời kì mùa khô. Trữa lượng nước ngầm ở thành phố Thanh Hoá là 9.000m3/ngày, Thị xã Sầm Sơn 2.600m3/ngày, thị xã Bỉm Sơn 133.900m3/ngày, huyện Tĩnh Gia 16.630m3/ngày.
II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Tài nguyên đất
Thanh Hoá có diện tích tự nhiên 1.112.033 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 245.367 ha; đất sản xuất lâm nghiệp 553.999 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 10.157 ha; đất chưa sử dụng 153.520 ha với các nhóm đất thích hợp cho phát triển cây lương thực, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp và cây ăn quả.
2. Tài nguyên rừng
Thanh Hoá là một trong những tỉnh có tài nguyên rừng lớn với diện tích đất có rừng là 484.246 ha, trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, hàng năm có thể khai thác 50.000 - 60.000 m3. Rừng Thanh Hoá chủ yếu là rừng cây lá rộng, có hệ thực vật phong phú đa dạng về họ, loài; có các loại gỗ quý hiếm như: lát, pơ mu, sa mu, lim xanh, táu, sến, vàng tâm, dổi, de, chò chỉ. Các loại thuộc họ tre nứa gồm có: luồng, nứa, vầu, giang, tre. Ngoài ra còn có: mây, song, dược liệu, quế, cánh kiến đỏ … Các loại rừng trồng có luồng, thông nhựa, mỡ, bạch đàn, phi lao, quế, cao su. Thanh Hoá là tỉnh có diện tích luồng lớn nhất trong cả nước với diện tích trên 50.000 ha.
Rừng Thanh Hoá cũng là nơi quần tụ và sinh sống của nhiều loài động vật như: hươu, nai, hoẵng, vượn, khỉ, lợn rừng, các loài bò sát và các loài chim … Đặc biệt ở vùng Tây nam của tỉnh có rừng quốc gia Bến En, vùng Tây Bắc có các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, là những khu rừng đặc dụng, nơi tồn trữ và bảo vệ các nguồn gien động, thực vật quí hiếm, đồng thời là các điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.
3. Tài nguyên biển
Thanh Hoá có 102 km bờ biển chạy dài từ của đáy (Ninh Bình) dến Đông Hồi (Tĩnh Gia) và vùng lãnh hải rộng lớn với diện tích 1,7 vạn km2. Dọc bờ biển có 7 cửa lớn nhỏ, trong đó có 5 cửa chính là Lạch Sung,Lạch Trường, Lạch Trào (Cửa Hới), Lạch Bạch, Lạch Ghép. Các cửa này tạo điều kiện thuận lợi cho giao thong đường thuỷ, cho tàu đánh cá ra vào. Vùng của và bãi bồi thuận tiện cho việc nuôi trồng thuỷ sản, trồng cói, trồng cây chắn song.
Đáy biển cùng gần bờ là dải cát thoải, bằng phẳng. có một số vụng như vụng Gầm ở Sầm Sơn, vụng Quyền, vụng Thủi, vụng Biên ở Tĩnh Gia và đảo Hòn Ne, Hòn Mê, thuận lợi cho việc cư trú của các loài hải sản quý hiếm. Đồng thời là vùng trú ẩn an toàn cho tàu thuyền đánh cá vận tải. ven biển còn có nhiều cảnh quan hấp dẫn về du lịch, tắm biển như bãi tắm Sầm Sơn , Hải Hoà, Ba Lang, bán đảo Biện Sơn.
Vùng biển Thanh Hoá có nhiều hải sản, trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế như cá chim, cá thu, cá nụ, cá đé, tôm hùm, mực…
Thanh Hoá có 8000 ha bãi triều là cơ sở để nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. diện tích nước mặn khoảng 10.000 ha có thể nuôi cá song, cá cam, trai ngọc, tôm hùm. Phân bố chủ yếu ở vùng đảo Hòn Mê, Biện Sơn.
4. Tài nguyên khoáng sản
Thanh Hoá là một trong số ít các tỉnh ở Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng; có 296 mỏ và điểm khoáng sản với 42 loại khác nhau, nhiều loại có trữ lượng lớn so với cả nước như: đá granit và marble (trữ lượng 2 -3 tỉ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn), quặng sắt (2 triệu tấn), secpentin (15 triệu tấn), đôlômit (4,7 triệu tấn), ngoài ra còn có vàng sa khoáng và các loại khoáng sản khác.
5. Tài nguyên nước
Thanh Hóa có 4 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Bạng, sông Yên với tổng chiều dài 881 km, tổng diện tích lưu vực là 39.756km2; tổng lượng nước trung bình hàng năm 19,52 tỉ m3. Sông suối Thanh Hoá chảy qua nhiều vùng địa hình phức tạp, là tiềm năng lớn cho phát triển thủy điện. Nước ngầm ở Thanh Hoá cũng rất phong phú về trữ lượng và chủng loại bởi vì có đầy đủ các loại đất đá trầm tích, biến chất, mac ma và phun trào.
II. LỊCH SỬ VÀ DI TÍCH
Thanh Hóa có bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hoá độc đáo. Vào sơ kỳ thời đại đá cũ, bằng sự phát hiện và khai quật khảo cổ các di chỉ Núi Đọ, Núi Quan Yên, Núi Nuông đã khẳng định Thanh Hóa là nơi sinh sống của người nguyên thuỷ, đặc biệt hang Con Mong là nơi chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục của con người từ hậu kỳ đá cũ sang thời đại đá mới. Quá trình chinh phục đồng bằng trên đất Thanh Hóa của cư dân đồ đá mới đã để lại một nền văn hoá Đa Bút, là một nền văn hoá khảo cổ tiến bộ cùng thời trong khu vực cách đây 6.000 năm. Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hoá Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hoá: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với các văn hoá Phùng Nguyên - Đồng Dậu - Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Đó là quá trình chuẩn bị mọi mặt để đến văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm lịch sử, văn hoá Đông Sơn ở Thanh Hóa đã toả sáng rực rỡ trong đất nước của các Vua Hùng.
Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, ... Cùng với những trang lịch sử oai hùng, Thanh Hóa có 1.535 di tích, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh với các di tích nổi tiếng như Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích Bà Triệu, Lê Hoàn, thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Ba Đình, Hàm Rồng ... càng khẳng định xứ Thanh là một vùng “Địa linh nhân kiệt”.
III. HỆ THỐNG CÁC NGÀNH DỊCH VỤ
Ngân hàng
Hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng chính sách, Ngân hàng Sài Gòn thương tín... Hiện nay các ngân hàng đang thực hiện đổi mới và đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc chuyển phát nhanh, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán quốc tế đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động hàng năm tăng bình quân 18%, doanh số cho vay bình quân tăng 17,3%, tổng dư nợ tăng bình quân hàng năm 17%.
Bảo hiểm
Thanh Hoá được xác định là thị trường tiềm năng của nhiều loại hình bảo hiểm. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu trên cả nước hoạt động như Bảo Việt, Bảo Minh, ... Các công ty Bảo hiểm trên địa bàn không ngừng mở rộng thị trường, cạnh tranh lành mạnh, nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Thương mại
Mạng lưới thương mại Thanh Hoá ngày càng được mở rộng, hệ thống siêu thị ở đô thị và hệ thống chợ ở nông thôn phát triển nhanh, văn minh thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các hộ kinh doanh cá thể tham gia ngày càng nhiều trong lĩnh vực thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm tăng trên 23%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông-lâm-thuỷ sản (chiếm 51,4%), công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (24,6%), khoáng sản - vật liệu xây dựng (13,4%)… Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Bên cạnh thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đông Nam Á, một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu.
Du lịch
Thanh Hoá là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Với hàng nghìn di tích lịch sử gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và các danh lam thắng cảnh kỳ thú như bãi tắm biển Sầm Sơn, khu nghỉ mát Hải Tiến (Hoằng Hoá), Hải Hoà (Tĩnh Gia), vườn quốc gia Bến En (Như Thanh), động Từ Thức (Nga Sơn), suối cá “thần” Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ), sân chim Tiến Nông (Triệu Sơn)… Lợi thế về địa lý, giao thông và với lòng hiếu khách của con người xứ Thanh, Thanh Hoá sẽ là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.
V. NGUỒN NHÂN LỰC
1. Dân số:
Năm 2005 Thanh Hoá có 3,67 triệu người; có 7 dân tộc anh em sinh sống, đó là: Kinh, Mường, Thái, H'mông, Dao, Thổ, Hoa. Các dân tộc ít người sống chủ yếu ở các huyện vùng núi cao và biên giới.
2. Lao động:
Dân số trong độ tuổi lao động có khoảng 2,16 triệu người, chiếm tỷ lệ 58,8% dân số toàn tỉnh. Nguồn lao động của Thanh Hoá tương đối trẻ, có trình độ văn hoá khá. Lực lượng lao động đã qua đào tạo chiếm 27%, trong đó lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 5,4%.
VI. HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT:
Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải:
Thanh Hóa có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường sắt, đường bộ và đường thuỷ:
- Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn Thanh Hoá dài 92km với 9 nhà ga, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và hành khách.
- Đường bộ có tổng chiều dài trên 8.000 km, bao gồm hệ thống quốc lộ quan trọng như: quốc lộ 1A, quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển, đường chiến lược 15A, đường Hồ Chí Minh xuyên suốt vùng trung du và miền núi; Quốc lộ 45, 47 nối liền các huyện đồng bằng ven biển với vùng miền núi, trung du của tỉnh, quốc lộ 217 nối liền Thanh Hoá với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.
- Thanh Hoá có hơn 1.600 km đường sông, trong đó có 487 km đã được khai thác cho các loại phương tiện có sức chở từ 20 đến 1.000 tấn. Cảng Lễ Môn cách trung tâm Thành phố Thanh Hoá 6km với năng lực thông qua 300.000 tấn/ năm, các tàu trọng tải 600 tấn cập cảng an toàn. Cảng biển nước sâu Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu trên 5 vạn tấn, hiện nay đang được tập trung xây dựng thành đầu mối về kho vận và vận chuyển quốc tế.
Hệ thống điện:
Mạng lưới cung cấp điện của Thanh Hoá ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt. Hiện tại điện lưới quốc gia đã có 508 km đường dây điện cao thế; 3.908 km đường dây điện trung thế, 4.229 km đường dây điện hạ thế; 9 trạm biến áp 110/35/6-10 KV; 38 trạm trung gian; 2.410 trạm phân phối. Năm 2005, điện năng tiêu thụ trên 1,2 triệu Kwh. Đến nay, 27/27 huyện, thị, thành phố với 94% số xã phường và 91% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.
Tiềm năng phát triển thuỷ điện tương đối phong phú và phân bố đều trên các sông với công suất gần 800 MW. Ngoài những nhà máy thuỷ điện lớn như Cửa Đặt, bản Uôn đang và sẽ đầu tư, Thanh Hóa có thể phát triển nhiều trạm thuỷ điện nhỏ có công suất từ 1-2 MW.
Hệ thống Bưu chính viễn thông:
Trong những năm qua, hệ thống bưu chính viễn thông của Thanh Hóa đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin liên lạc trong tỉnh, trong nước và quốc tế với các phương thức hiện đại như telex, fax, internet.
Hiện nay, có 598/636 xã phường, thị trấn có điện thoại, đạt tỉ lệ 94%; mạng di động đã phủ sóng được 26/27 huyện, thị, thành phố, đến năm 2010 toàn tỉnh sẽ được phủ sóng mạng điện thoại di động. Tốc độ phát triển máy điện thoại hàng năm tăng nhanh, năm 2005 đạt bình quân 5,9 máy điện thoại/100 người dân, tháng 6 năm 2006 đạt 8,69 máy/100 dân.
Hệ thống cấp nước:
Hệ thống cung cấp nước ngày càng được mở rộng, đáp ứng yêu cầu cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và các khu công nghiệp. Nhà máy nước Mật Sơn và Hàm rồng với công suất 30.000m3/ngày đêm, đang chuẩn bị mở rộng lên 50.000 m3/ ngày đêm đảm bảo cấp nước sạch đủ cho Thành phố Thanh Hoá, thị xã Sầm Sơn và các khu công nghiệp Lễ Môn, Đình Hương. Tỉnh đang triển khai xây dựng nhà máy cấp nước cho Khu kinh tế Nghi Sơn và các thị trấn cấp huyện. Đến nay, 80% dân số nông thôn và 90% dân số thành thị đã được dùng nước sạch. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều được cung cấp đủ nước theo yêu cầu.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG 5 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
Phát triển du lịch Thanh Hóa là một trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2006 – 2010, nhằm đẩy nhanh quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động du lịch, xây dựng và phát triển du lịch Thanh Hóa là ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia.
I. HIỆN TRẠNG THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm
Công tác quy hoạch:
Qua tìm hiểu số liệu thống kê nhận thấy tính đến năm 2009, toàn tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và 19 quy hoạch cụ thể phát triển các khu, điểm du lịch đã và đang được triển khai thực hiện. Tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Du lịch để xây dựng Thanh Hóa trở thành địa bàn trọng điểm quốc gia về du lịch và tiếp tục xây dựng một số dự án quy hoạch du lịch gồm: quy hoạch phát triển du lịch biển đảo, quy hoạch tổng thể khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bến En; điều chỉnh một số quy hoạch cụ thể phát triển du lịch như: khu du lịch suối cá Cẩm Lương…
Như vậy quy hoạch du lịch Thanh Hóa đã được triển khai thực hiện kịp thời, các khu vực có tài nguyên du lịch có giá trị đều đã được quy hoạch, là cơ sở để kêu gọi và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch.
1.2. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch:
Chương trình gồm 5 dự án (chưa tính dự án thành phần) với tổng khái quát vốn đầu tư là 204,869 tỷ đồng; đến thời điểm năm 2009 đã triển khai được 4 dự án với tổng kinh phí khoảng 148,475 tỷ đồng, chiếm 72,47% so với chương trình đề ra, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua chương trình hành động quốc gia về du lịch là 66,55 tỷ đồng, chiếm 45%; ngân sách địa phương đầu tư chiếm 55%; chủ yếu tập trung vào khu du lịch Sầm Sơn với tổng kinh phí đầu tư khoảng 124,7 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống đường giao thông, chỉnh trang đô thị, chiếm tới 84% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch toàn tỉnh.
Đã có 21 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc 4 khu lịch trọng điểm, gồm: Sầm Sơn, Hàm Rồng, Hải Tiến, Hải Hòa được triển khai.
Nhìn chung, chương trình được triển khai thực hiện đã cải thiện một bước cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điều kiện cho việc khai thác tài nguyên du lịch được thuận lợi hơn, một số khu du lịch đã có sự thay đổi về diện mạo và chất lượng được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, tốc độ triển khai các dự án còn chậm, hầu hết các khu du lịch trọng điểm vẫn chưa có đầy đủ các điều kiện tối thiểu như: bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, khu vệ sinh công cộng, phòng trưng bày…
Phát triển sản phẩm du lịch
2.1. Đầu tư tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử:
Trong những năm qua, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích – danh thắng bằng ngân sách địa phương. Từ năm 2006 đến 2010, đã có 21 di tích được tiến hành tu bổ, tôn tạo với tổng chi phí đầu tư là 54, 349 tỷ đồng.
Một số di tích được tu bổ với quy mô khá lớn là: Đền Lê Hoàn, quần thể di tích đền Bà Triệu, cụm di tích Lam Kinh…
Theo các số liệu điều tra được, tính đến năm 2010, đã có trên 200 di tích được tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp trong tổng số 1.535 di tích, danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh, chiếm trên 13%.
2.2. Tổ chức các sự kiện du lịch và văn hóa
Công tác tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch đã được tỉnh, các ban ngành quan tâm và đầu tư. Nội dung, quy mô, chất lượng của các sự kiện đã dần dần có sự điều chỉnh để mang lại hiệu quả, tạo nên nhiều loại hình du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách.
Các sự kiện du lịch tiêu biểu như: “Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn” năm 2007 và Lễ hội Du lịch Sầm Sơn các năm 2008, 2009, 2010; “Liên hoan văn hóa ẩm thực các tỉnh phía Bắc – Sầm Sơn 2009”.
Một số lễ hội, hội diễn có ý nghĩa và quy mô lớn đã được tổ chức như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Mai An Tiêm, đặc biệt là Lễ hội kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
2.3. Các dự án kinh doanh du lịch
- Kinh doanh lưu trú du lịch:
Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch gia tăng đáng kể, chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh lưu trú, trong giai đoạn 2006 – 2010 đã có khoảng 115 cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư, đưa vào sử dụng tại đô thị Sầm Sơn, thành phố và các trung tâm huyện lỵ khác, tổng giá trị đầu tư khoảng 1200 tỷ đồng, với trên 3400 phòng mới được đưa vào sử dụng.
- Dự án đầu tư vào khu du lịch:
Đến năm 2010 đã có 48 dự án đầu tư kinh doanh vào 10 khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14000 tỷ đồng; quy mô trên 4000 ha. Trong đó 17 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các dự án có quy mô lớn như: dự án tổ hợp nghỉ dưỡng biển Hải Hòa, dự án khu du lịch Vạn Chài mở rộng…
2.4. Tổ chức các làng nghề du lịch
Việc khôi phục, du nhập, nhân cấy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã được một số địa phương quan tâm triển khai thực hiện; chú trọng khôi phục và phát triển thủ công nghề truyền thống sản xuất sản phẩm gắn với du lịch như: tổ chức khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm tại khu du lịch suối cá Cẩm Lương; nghề tranh thêu nghệ thuật tại khu du lịch Sầm Sơn; phát triển cụm làng nghề, khu trưng bay giới thiệu sản phẩm đúc đồng, tranh thêu nghệ thuật tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).
Chương trình phát triển sản phẩm du lịch tuy đã triển khai song kết quả và hiệu quả chưa rõ rệt. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng và độc đáo, chất lượng thấp, thiếu hấp dẫn khách du lịch.
Xúc tiến du lịch
3.1.Hợp tác, liên kết phối hợp phát triển du lịch:
Thông qua hoạt động hợp tác liên kết cùng phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động du lịch. Thanh Hóa đã phối hợp với 4 tỉnh có kinh đô cổ, gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, TT- Huế hợp tác hoàn thành chương trình “Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam”, phối hợp với Hòa Bình ký kết quy chế hợp tác phát triển du lịch nhằm khai thác loại hình du lịch văn hóa – sinh thái khu vực miền núi nhằm khai thác thế mạnh về du lịch của tỉnh bạn cùng phát triển.
3.2. Hoạt động nghiên cứu thị trường, sản phẩm:
Trong những năm qua, đã tổ chức một số đoàn khảo sát, nghiên cứu thị trường các nước trong khu vực, làm việc với các đoàn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đồng thời tổ chức cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp du lịch nghiên cứu thị trường nước ngoài và tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế.
3.3. Hoạt động tuyên truyền quảng bá:
Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch đã được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng:
Phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương xây dựng, phát sóng các chương trình, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá du lich Thanh Hóa như: “Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Du lịch sinh thái – điểm đến hấp dẫn”, “Du lịch xứ Thanh”, “Du lịch qua Radio”, “Du lịch Thanh Hóa – tiềm năng và phát triển”. Biên soạn, phát hành trên 10 ngàn bản “ Thông báo du lịch Xứ Thanh”. Duy trì và liên tục nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung website Du lịch Thanh Hóa. Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tiềm năng, cơ hội du lịch và đầu tư trên các ấn phẩm, bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các loại hình tuyên truyền, quảng bá đã được tổ chức triển khai như: dự án xây lắp “Hệ thống biển tuyên truyền các sự kiện chính trị và thắng cảnh xứ Thanh” trên địa bàn thành phố với 107 biển với tổng kinh phí 880 triệu đồng, do các doanh nghiệp đầu tư.
Tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, hội chợ triễn lãm quy mô trong nước và quốc tế. Tổ chức Trung tâm thông tin, tư vấn du lịch tại thị xã Sầm Sơn nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tham quan, du lịch của du khách.
Nhìn chung, việc thực hiện chương trình đã đạt những kết quả khả quan; hoạt động xúc tiến du lịch được tăng cường cả về quy mô và chất lượng, ngày càng tiếp cận được xu hướng chuyên nghiệp, đã nâng cao hình ảnh du lịch Thanh Hóa, góp phần thu hút khách đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và du lịch.
Về mặt hạn chế của chương trình xúc tiến du lịch, đó là chủ yếu mới tập trung triển khai trên lĩnh vực tuyên truyền quảng bá du lịch, chưa chú trọng đầu tư công tác xúc tiến, kêu gọi dự án đầu tư phát triển du lịch. Việc khai thác thị trường du lịch ngoài nước; nghiên cứu áp dụng công nghệ quản lý còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể; quy mô và hình thức tổ chức còn hạn chế, chưa phát huy hết sức mạnh tổng lực toàn ngành.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch
4.1. Phát triển nguồn nhân lực:
Thanh Hóa đã tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch. Thường xuyên tổ chức và tham gia giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nhân viên trong ngành; tổ chức bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận cho các thuyết minh viên tại các địa phương, điểm, khu du lịch.
4.2. Phát triển du lịch cộng đồng:
Nhằm cải thiện đáng kể môi trường du lịch, góp phần quan trọng tạo ra sản phẩm du lịch thân thiện, công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng đã được các cấp, các ngành quan tâm. Từ năm 2006 đến nay đã tổ chức 72 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghiệp vụ du lịch, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh du lịch cho 6560 lượt học viên đang tham gia kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư các địa phương như: thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Bá Thước…
Thông qua thực hiện chương trình, chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Năm 2005, mới chỉ có trên 1650 lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, chiếm 38,2% số lao động thì đến hết năm 2009, đã có khoảng 4000 lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn du lịch chiếm 60% lao động toàn ngành.
4.3. Phát triển các tổ chức nghề nghiệp du lịch:
Hỗ trợ các tổ chức nghề nghiệp du lịch phát triển: Năm 200, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa đã được thành lập và được kết nạp là thành viên chính thức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam. Số lượng thành viên tham gia ngày càng tăng, đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp hội viên tham gia hoạt động. Tiếp theo, Chi hội Lữ hành Thanh Hóa, chi hội du lịch Sầm Sơn, Chi hội Du lịch thành phố - trực thuộc Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa đã được thành lập, tạo thêm sức mạnh cho Hiệp hội du lịch đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển.
Hạn chế: Chất lượng thực tế của lao động ngành du lịch Thanh Hóa còn thấp so với mặt bằng chung; quy mô, trình độ, năng lực quản lý và kỹ năng nghiệp vụ của phần lớn cán bộ, nhân viên du lịch còn nhiều hạn chế, đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chất lượng phục vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử là vấn đề bức xúc trong hoạt động du lịch hiện nay, đặc biệt là tại khu du lịch Sầm Sơn.
II. KẾT QUẢ KINH DOANH DU LỊCH THANH HÓA
stt
Chỉ tiêu
Kết quả 2005
Kết quả 2006
T.hiện 2007
T.hiện 2008
Ước T.hiện 2009
Ước T.hiện 2010
Kết quả 5 năm T.hiện
Kế hoạch 5 năm T.hiện
So sánh T.hiện/KH
Nhịp độ phát triển
1
L.Khách
1.034.250
1.280.031
1.750.000
2.155.000
2.510.000
2.750.000
10.445.031
9.474.000
110,2
21,6
- Nội địa
1.027.537
1.270.074
1.736.000
2.135.000
2.485.800
2.715.000
10.341.874
9.350.000
110,6
21,4
-Quốc tế
6.713
9.957
14.000
20.000
24.200
35.000
103.157
124.000
83,2
39,1
2
N.Khách
1.974.200
2.420.005
3.328.000
4.098.000
4.780.000
5.177.700
19.803.705
18.412.000
107,6
21,3
- Nội địa
1.960.550
2.400.085
3.298.500
4.056.000
4.727.700
5.104.200
19.586.485
18.164.000
107,8
21,1
-Quốc tế
13.650
19.920
29.500
42.000
52.300
73.500
217.220
248.000
87,6
40,0
3
Tổng doanh thu(tr.đồng)
245.900
385.000
525.000
755.000
910.000
1.110.000
3.685.000
3.530.000
104,4
35,2
D.Thu Quốc tế (1000USD)
658
1.000
1.770
3.150
3.500
4.550
13.970
18.010
77,6
47,2
4
C suất sử dụng phòng (%)
62.,3
63,3
63,7
64
65
66,5
1.Khách du lịch
Khách du lịch là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển của du lịch Thanh Hóa. Những năm qua khách du lịch đến với Thanh Hóa ngày càng tăng, đem lại những kết quả về kinh doanh đáng ghi nhận.
- Khách nội địa:
Các điểm du lịch tỉnh Thanh chủ yếu đón khách nội địa từ thủ đô và các tỉnh lân cận, bao gồm nhiều đối tượng khác nhau và hình thức đi lại phong phú. Những năm trước thời kỳ bao cấp, khách du lịch đến với Thanh Hóa là các tổ chức cơ quan, quần chúng ở các địa phương tổ chức cho cán bộ, công nhân viên chức đi nghỉ theo chế độ. Nay do thay đổi của cơ chế thị trường, điều kiện vật chất được nâng cao, nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa do vậy ngày càng tăng lên, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho tỉnh nhà. Sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển du lịch, kết quả về lượt khách cũng như ngày khách nội địa vượt mức chỉ tiêu đề ra, cho thấy Thanh Hóa thực sự có tiềm năng về du lịch.
- Khách quốc tế:
Với xu hướng hội nhập ngày càng cao, hình ảnh về du lịch Việt Nam cũng như du lịch Thanh Hóa được quảng bá rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Đây là một trong những lý do khiến số lượng khách quốc tế đến du lịch tại Thanh Hóa tăng lên qua từng năm. Cơ cấu khách quốc tế đến với Thanh Hóa thay đổi không lớn, chủ yếu vẫn là khách đến từ Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông và một số nước Châu Âu. Tuy vậy, vì những hạn chế về điều kiện kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở vật chất chậm phát triển mà kết quả khách quốc tế đến Thanh Hóa sau 5 năm tổng kết chương trình phát triển du lịch là 217.220 lượt người, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là 248.000.
2. Doanh thu du lịch:
Trong những năm trước đây, doanh thu từ hoạt động du lịch Thanh Hóa không đáng kể. Nguồn thu ngân sách chủ yếu của tỉnh chủ yếu từ các hoạt động kinh tế khác. Đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước cùng kế hoạch và mục tiêu đặt ra của chương trình phát triển du lịch, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng kể về doanh thu. Năm 2005 tổng doanh thu du lịch đạt 245.900 triệu đồng đến năm 2010 theo ước tính đã tăng lên đạt 1.110.000 triệu đồng. Tổng kết quả doanh thu sau 5 năm là 3.685.000 triệu đồng vượt mức chỉ tiêu đề ra trước đó là 3.530.000 triệu đồng. Bên cạnh đó, doanh thu quốc tế tuy đáng ghi nhận nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Do mức chi tiêu của khách du lịch ở đây còn rất thấp (chủ yếu chi tiêu cho dịch vụ và nghỉ để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho 1 chuyến đi, ngoài ra chi tiêu cho dịch vụ bổ trợ chiếm tỉ lệ rất ít). Chính vì thế mà doanh thu du lịch ở Thanh Hóa còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có. Nguyên nhân là do sự nghèo nàn trong các sản phẩm du lịch, chất lượng thấp cộng với văn hóa và văn minh trong giao tiếp phục vụ kém.
CHƯƠNG 3 :
KẾ HOẠCH VÀ GIẢI PHÁP CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở TỈNH THANH HÓA
1.Tập trung hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch
1.1. Hoàn chỉnh công tác quy hoạch phát triển du lịch
Công bố, tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020; quy hoạch phát triển du lịch động Từ Thức và danh thắng thuộc huyện Nga Sơn, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng du lịch khu BTTN Pù Luông, Pù Hu sau khi được phê duyệt, điều chỉnh. Đồng thời, xin chủ trương triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch Vườn quốc gia Bến En, quy hoạch phát triển du lịch cửa khẩu quốc tế Na Mèo và danh thắng trên địa bàn huyện Quan Sơn và điều chỉnh, bổ sung một số quy hoạch chưa phù hợp.
1.2. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch:
Tập trung nguồn ngân sách cho đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch thành nhà Hồ, Lam Kinh có đủ điều kiện phục vụ khách du lịch.
Xúc tiến nhanh dự án xây dựng các trạm dừng chân kết hợp khai thác, phục vụ du lịch trên tuyến quốc lộ 1A, tiến tới thực hiện trên tuyến du lịch quốc gia.
2. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch
2.1. Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án
2.2. Đẩy mạnh khai thác di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, phát triển các dịch vụ để tạo ra các điểm đến du lịch tại khu di tích Lam Kinh, thành nhà Hồ, Thái Miếu nhà Lê, khu di tích đền Bà Triệu…
2.3. Tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch
Tổ chức các sự kiện định kỳ hằng năm: Lễ hội du lịch Sầm Sơn, Liên hoan văn hóa ẩm thực các tỉnh phía Bắc, các lễ hội văn hóa.
Tổ chức các sự kiện có quy mô lớn như: năm Du lịch Thanh Hóa nhân kỷ niệm 50 chiến thắng Hàm Rồng (năm 2015); Lễ hội Lam Kinh năm 2012,2014; Lễ hội Lê Hoàn năm 2015, Lễ hội Bà Triệu năm 2015…
2.4. Tăng cường số lượng và chất lượng dự án kinh doanh du lịch
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch biển Hải Tiến, Hải Hòa. Tổ chức sàng lọc những dự án đầu tư không khả thi, chậm tiến độ, tạo cơ hội kêu gọi dự án mới.
Xây dựng các tiêu chí cho các dịch vụ du lịch; trước mắt tập trung vào xây dựng tiêu chí nhà hàng du lịch đạt tiêu chuẩn, điểm dừng du lịch.
Nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, hoạt động lữ hành; từng bước tiêu chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa từng ngành nghề.
3. Tổ chức công tác xúc tiến du lịch
3.1. Nghiên cứu và áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lí và kinh doanh du lịch, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở lưu trú du lịch cho các khách sạn du lịch.
3.2. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, tổ chức hệ thống thông ti, dữ liệu hiện đại phục vụ xúc tiến đầu tư; tích cực tham gia vận động, tuyên truyền, quảng bá kêu gọi đầu tư.
3.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Triễn lãm và Xúc tiến du lịch.
Triển khai thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá du lịch Thanh Hóa”. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến du lịch; tăng cường phối hợp với cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để xúc tiến du lịch ở nước ngoài, xây dựng hệ thống xúc tiến, kêu gọi dự án đầu tư một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Tạo điều kiện cho các cán bộ, doanh nghiệp du lịch tham gia học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước.
4. Phát triển nguồn nhân lực du lịch
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại các khu vực có tài nguyên du lịch: Sầm Sơn, suối cá Cẩm Lương, Hải Tiến, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn, động Từ Thức, Pù Luông, Pù Hu, khu di tích Lam Kinh, đền Bà Triệu… để đến năm 2015, cộng đồng ở tất cả các địa phương có khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch và văn hóa giao tiếp ứng xử trong kinh doanh du lịch.
5. Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa:
Thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch. Kết hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, cơ quan trường học… để mở các cuộc vận động giáo dục về nếp sống văn hóa du lịch, ứng xử trong cộng đồng dân cư, tạo nên bước chuyển biến rõ rệt trong hệ thống lao động dịch vụ du lịch ở Thanh Hóa.
Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và sự hiểu biết về du lịch cho nhân dân, đặc biệt là đội ngũ nhân viên làm việc trong ngành du lịch thông qua việc triển khai thực hiện pháp lệnh du lịch và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, đặc biệt là tại các điểm du lịch như: thông báo nội bộ, tạp chí du lịch xứ Thanh, website du lịch của Thanh Hóa…
Bảo đảm thật tốt công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch. Bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho du khách, chống lại các hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp, trấn lột, ép khách, gây rối trật tự nơi công cộng thông qua đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp.
Kiên quyết loại trừ các tệ nạn xã hội trong khách sạn, nhà hàng như: tệ nạn mại dâm, cờ bạc, tiêm chích ma túy, HIV/AIDS, tệ nạn ăn xin, ăn mày…ngăn chặn và kiên quyết không để xảy ra các dịch bệnh tại khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và tại các điểm, khu du lịch. Để giải quyết các tệ nạn xã hội thì tỉnh Thanh Hóa cần phải kết hợp với chính quyền các địa phương trực thuộc đề ra các chính sách an sinh xã hội, các chính sách phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân…tránh thời gian nhàn rỗi, giúp nâng cao đời sống của dân cư.
6. Xây dựng cơ chế chính sách
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về đào tạo nhân lực cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư, nâng cao mức sống cho người lao động.
PHẦN KẾT LUẬN
Với việc xây dựng và hoàn thành bài tiểu luận này, tôi đã có thêm rất nhiều hiểu biết về ngành du lịch ở tỉnh Thanh. Với việc khai thác và sử dụng những lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn của mình Thanh Hóa đã phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch tham quan di tích, danh thắng, làng nghề; du lịch tắm biển, nghĩ dưỡng; du lịch văn hóa lễ hội; du lịch thể thao, du lịch sinh thái… Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, giao thông vận tải; hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống… ngành du lịch Thanh Hóa đang ngày càng phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo điều kiện về việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu ngân sách cho Nhà nước và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và phát triển xã hội giữa Thanh Hóa và các tỉnh trong cả nước.
Tuy vậy, để ngành du lịch Thanh Hóa thực sự phát triển một cách nhanh chóng và bền vững, đạt hiệu quả cao thì các cấp lãnh đạo cũng như nhân dân toàn tỉnh cần phải nhận thức cũng như có kế hoạch, đề ra các giải pháp để phát triển ngành du lịch như hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa ứng xử, giao tiếp trong du lịch…Ngoài ra, còn cần phải tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá mạnh mẽ du lịch Thanh Hóa tới rộng rãi du khách trong và ngoài nước. Tin rằng, với cố gắng và nỗ lực cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, Thanh Hóa sẽ là điểm đến quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đề án phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2015 của Sở du lịch Thanh Hóa
Tổng cục du lịch trung tâm công nghệ thông tin du lịch, Non nước Việt Nam, NXB Hà Nội, 2006.
Số liệu thống kê của Sở du lịch Thanh Hóa.
Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, Tài liệu dạy học kiến thức địa phương địa lý, NXB Thanh Hóa, 2007.
Dư địa chí Thanh Hóa
Website của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tiểu luận Địa Lý kinh tế Thanh Hóa.doc