[Tóm tắt] Luận án Ca Huế từ góc nhìn văn hóa học

Về phương diện thực tiễn, với sự phân tích, trình bày những tính chất và giá trị của nghệ thuật Ca Huế, luận án khẳng định Ca Huế là một di sản quí báu, có thể so sánh với các di sản khác của Huế và của Việt Nam nói chung. Vì vậy Ca Huế xứng đáng được bảo tồn, duy trì và phát triển để giới thiệu với bạn bè năm châu. Bằng việc nêu những kết luận về mối dây liên hệ giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm, văn hóa Trung Hoa trong nghệ thuật Ca Huế, luận án hy vọng góp phần củng cố tình đoàn kết dân tộc giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Huế và Việt Nam nói chung. Vấn đề bảo tồn Ca Huế được đưa ra với những mặt thuật lợi và khó khăn, những ưu điểm và những điểm hạn chế của nghệ thuật Ca Huế, từ đó luận án đề ra giải pháp cho việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy, phát triển nghệ thuật Ca Huế. Với việc thực hiện luận án, chúng tôi hy vọng được góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong âm nhạc, du lịch nói riêng và trong văn hóa Việt Nam nói chung.

doc27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 2213 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Ca Huế từ góc nhìn văn hóa học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ày. 1.1.3.Góc nhìn văn hóa so sánh kết hợp địa văn hóa và sử văn hóa So sánh vừa là thao tác, vừa là phương pháp nghiên cứu, vừa là một chuyên ngành trong Văn hóa học. Thao tác so sánh được sử dụng ở luận án này trong việc so sánh các thể loại âm nhạc thính phòng dân tộc Việt Nam với nhau (Ca Trù, Ca Huế, ca nhạc Tài Tử Nam bộ) để thấy rõ thêm nét đặc trưng của thể loại Ca Huế và mối dây liên hệ giữa Ca Huế và các thể loại âm nhạc thính phòng dân tộc khác. Luận án chủ yếu sử dụng kiểu nghiên cứu so sánh ảnh hưởng. Văn hóa Việt Nam nói chung có mang ảnh hưởng các yếu tố văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Riêng trong thể loại Ca Huế, ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ chủ yếu thông qua một nền văn hóa trung gian có mặt tại miền Trung Việt Nam là văn hóa Chăm. Dưới tác động của quá trình lịch sử, xã hội và môi trường sinh thái, luận án nghiên cứu so sánh chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng văn hóa Chăm và văn hóa Trung Hoa trong Ca Huế. Bên cạnh so sánh ảnh hưởng, luận án cũng sử dụng kiểu so sánh lịch đại để thấy sự biến thiên của nghệ thuật Ca Huế qua thời gian có mối liên hệ với nhu cầu sinh hoạt và thưởng thức Ca Huế khác nhau qua từng thời kỳ. Do nghiên cứu Ca Huế được trình bày trong một quá trình lịch sử và trong một môi trường sinh thái nhất định nên sự nghiên cứu so sánh phải kết hợp với góc nhìn địa văn hóa và sử văn hóa. Góc nhìn địa văn hóa vận dụng lý thuyết vùng văn hóa. Trong trường hợp cụ thể là nghiên cứu Ca Huế, khi đặt thể loại Ca Huế trong vùng không gian cụ thể là không gian Huế, chúng ta có thể nghiên cứu các đặc điểm của thể loại Ca Huế trong mối liên quan với đặc điểm văn hóa Huế và con người Huế. Qua đó nhận diện dấu ấn văn hóa Huế trong thể loại Ca Huế. Mặt khác, thể loại Ca Huế đã có quá trình hình thành và phát triển trên 200 năm nên khi nghiên cứu Ca Huế, chúng ta phải kết hợp góc nhìn địa văn hóa và sử văn hóa để xem xét Ca Huế một cách toàn diện hơn. Sự hình thành và phát triển qua từng giai đoạn của nghệ thuật Ca Huế chịu sự tác động của các yếu tố lịch sử - xã hội Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Nghiên cứu Ca Huế từ góc nhìn sử văn hóa có thể cho thấy sự tồn tại và tác động của những vận động văn hóa, sự giao thoa, tương tác, giao lưu tiếp biến giữa các dòng văn hóa khác nhau tại Huế dẫn đến kết quả hình thành những đặc điểm văn hóa trong Ca Huế. 1.2.CHỦ THỂ CỦA CA HUẾ Chủ thể của Ca Huế gồm ba thành tố: người sáng tác, người biểu diễn và người thưởng thức. Theo từng giai đoạn phát triển của nghệ thuật Ca Huế, ba thành tố này có thể được phân ra cho ba đối tượng người khác nhau hoặc chỉ hai hay một đối tượng. Xuất thân, địa vị trong xã hội, tri thức của chủ thể Ca Huế có ảnh hưởng rất lớn đến tính chất, nội dung, hình thức trình diễn, mục đích trình diễn của Ca Huế. Trong thời kỳ hình thành, những người sáng tạo ra đồng thời cũng là những người thưởng thức nghệ thuật Ca Huế chính là giới quí tộc cung đình. Quen với những sinh hoạt và nghi lễ trong cung, các nghệ sĩ quí tộc cung đình này đều có phong thái nhã nhặn, từ tốn, trang nghiêm, tề chỉnh. Âm nhạc của họ sáng tạo ra cũng có nhịp độ khoan thai, giai điệu thong thả, diễn đạt chân phương, rõ ràng. Thời kỳ triều đình thoái hóa, nghệ thuật Ca Huế bắt đầu quá trình dân gian hóa. Tuy nhiên, dân gian ở đây không phải là sự gần gũi với tầng lớp nhân dân lao động, mà là sự hòa hợp giữa cung đình và giới sĩ phu trong dân chúng có lối sống, cốt cách gần với những người trong cung. Vì thế trong quá trình dân gian hóa, Ca Huế vẫn giữ phong thái trang nhã, đài các, lãng mạn. Thời này bắt đầu có sự phân hóa thành người sáng tác, người diễn và người thưởng thức là những đối tượng khác nhau. Thời kỳ triều đình nhà Nguyễn đã sụp đổ (sau năm 1945), nghệ nhân Ca Huế chỉ còn là các nghệ nhân dân gian, không còn giai cấp quí tộc cung đình nữa. Các cô đầu ca Huế phân hóa thành hai hạng người khác nhau: nghệ sĩ chân chính và người phục vụ Ca Huế kiêm gái làng chơi. Người thưởng thức Ca Huế bấy giờ cũng phân thành nhiều loại: khách tri âm, khách du lịch đến Huế, khách mượn cớ nghe Ca Huế tìm thú vui trụy lạc. Sau năm 1975, Ca Huế có một thời kỳ xuống dốc. Gần đây, nhờ chủ trương khôi phục và bảo tồn vốn cổ của nhà nước, nhờ có dịch vụ du lịch Huế phát triển, mà Ca Huế là một phần trong các dịch vụ đó, số lượng người tham gia học và theo nghề Ca Huế dần nhiều lên. Các nghệ sĩ Ca Huế ngày nay là những nghệ nhân hát và sử dụng nhạc cụ lão luyện, lâu năm, đồng thời có các nghệ sĩ trẻ được đào tạo tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp hoặc tại các lớp Ca Huế tư gia của các nghệ nhân. 1.3.KHÔNG GIAN ĐỊA LÝ HUẾ - KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ Không gian địa lý Huế và không gian văn hóa Huế là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần hình thành nên đặc tính của thể loại Ca Huế. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng Ca Huế, môi trường cho Ca Huế tồn tại và phát triển đến ngày nay. Trong mục này, chúng tôi chỉ hạn chế ở việc trình bày những yếu tố thuộc về không gian địa lý Huế và không gian văn hóa Huế có liên quan, ảnh hưởng đến nghệ thuật Ca Huế. Mặc dù thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt, Huế lại là một vùng sông núi hữu tình. Con sông Hương trong vắt, dài 33km chảy uốn lượn ngang qua thành phố Huế, mang theo hương thơm của thảo mộc núi rừng, là một thắng cảnh tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Huế. Cuối con sông là phá Tam Giang mênh mông sóng nước và bãi biển Thuận An cát trắng. Tiền án của kinh thành Huế là núi Ngự Bình, hai bên có Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn như phượng hoàng xoè cánh tạo thế đất phong thuỷ tốt. Phong cảnh thơ mộng của sông Hương núi Ngự đã làm hao tốn bao nhiêu bút mực của các thi nhân, văn sĩ. Trong thành phố Huế, cây xanh rất nhiều đan xen với nhà cửa. Nhà vườn Huế là nét đặc trưng trong kiến trúc nhà dân gian ở Huế. Huế còn có rất nhiều chùa chiền chứng tỏ người dân Huế rất mộ đạo Phật. Có lẽ một trong những lý do các nghệ sĩ Ca Huế luôn giữ được phong cách sang trọng, quí tộc là vì họ được sống trong không gian bao bọc bởi nhiều thành quách, lăng tẩm, phủ đệ của các vị đế vương nhà Nguyễn ngày xưa. Huế là kinh đô của triều đình phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Vì vậy, nơi đây tập trung những đặc điểm văn hóa cung đình của các triều đại vua chúa trước. Tuy bị tàn phá nặng nề qua chiến tranh và thời tiết hạn hán, bão lũ hàng năm, kinh thành Huế vẫn là một tổng thể kiến trúc cung đình có qui mô lớn nhất, còn lại duy nhất củaViệt Nam. Trung tâm văn hóa Huế bắt đầu được hình thành từ khi các chúa Nguyễn chọn nơi đây làm nơi đóng đô. Sự hình thành trung tâm văn hoá Huế dựa vào những thuận lợi về chính trị và phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Triều đình các chúa Nguyễn và vua Nguyễn tập trung ở Huế, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tuyển nhân tài ra làm quan giúp nước. Một số khá đông các gia đình giàu có, khá giả cũng theo về sống xung quanh khu vực hoàng cung. Các lễ hội cung đình và dân gian thường xuyên diễn ra. Nhờ đó, nhân tài ở đủ mọi ngành nghề khắp nơi hội tụ về Huế ngày càng đông. Dần dần, lớp người tinh hoa của xã hội này đã làm cho bộ mặt văn hóa Huế thay đổi, phát triển nhanh chóng. Ở Huế có sự bố trí nơi ở của các tầng lớp dân cư khá đặc biệt. Dân cư Huế đều sống bao quanh hoàng thành (nơi ở và làm việc của vua và hoàng tộc). Phía ngoài thành, gần như không có khoảng cách rõ rệt giữa nơi ở của dân thường và các vị quí tộc, quan lại. Kiểu bố trí này làm cho các sinh hoạt trong đời sống của quí tộc cung đình và dân chúng Huế dễ dàng ảnh hưởng lẫn nhau. Cho đến ngày nay, sau khi triều đình nhà Nguyễn đã chấm dứt hàng nửa thế kỷ, phong cách quyền quí, tao nhã của người dân Huế vẫn còn lưu giữ đậm nét. Đồng thời với sự lan toả phong cách sống của cung đình ra ngoài dân gian là sự tác động lại ít nhiều của văn hóa dân gian vào chốn cung đình. Kết cấu dân cư và văn hóa ở Huế không chỉ có dân tộc Việt và văn hóa Việt. Tại đây còn có sự hiện diện của dân cư và nền văn hóa của các tộc dân như: Chăm, Hoa, Vân Kiều, Tà Ôi, Bru, Chứt, Hoa. Sự hội nhập để chung sống nhiều năm, nhiều thế hệ giữa các dân tộc khác nhau tại Huế đã tạo nên tính tổng hợp trong văn hóa Huế với văn hóa Việt là chủ đạo. Tính chất này cũng là một trong những đặc tính của Ca Huế. Trong môi trường văn hóa kinh đô Huế tồn tại hai loại nhạc truyền thống là nhạc cung đình và nhạc dân gian. Dân ca Huế hầu như tương tự dân ca của vùng Bình Trị Thiên nói chung tức là cũng có các thể loại như: Hò, Lý, Hát ru, Vè trong đó quan trọng nhất là thể loại Hò. Âm nhạc cung đình Huế kế thừa âm nhạc cung đình triều hậu Lê, gồm có nhạc lễ, nhạc giải trí trong các buổi yến tiệc và trong nội cung của các công nương, hậu, phi. Ca Huế là thể loại âm nhạc thính phòng điển hình ở Huế, là cầu nối giữa âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Nó vừa thoả mãn nhu cầu thưởng thức cao của giới quí tộc, vừa được dân chúng Huế yêu quí, nâng niu, giữ gìn. Ngoài Huế ra, trên đất nước Việt Nam, không gian văn hoá Huế còn tồn tại ở các vùng miền khác, nơi có các nhóm người Huế đang sinh sống. Từ những triều vua Nguyễn cuối cùng, bắt đầu có những cuộc di cư đông đảo của người Huế vào miền Nam. Đến khi triều đình nhà Nguyễn sụp đổ, làn sóng người Huế di cư vô Nam ngày càng nhiều, trong đó, nơi tập trung nhiều người Huế nhất là Sài Gòn (sau này là Thành phố Hồ Chí Minh). Có thể nói môi trường Thành phố Hồ Chí Minh không phải là “miền đất hứa” cho nghệ thuật Ca Huế phát triển theo kiểu Huế truyền thống. Không khí tấp nập, ồn ào, nhà cửa san sát, sông ngòi đục màu phù sa khó gợi lên được loại cảm hứng thần tiên, thoát tục trong Ca Huế. 1.4.QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CA HUẾ 1.4.1.Giai đoạn hình thành đến giữa thế kỷ XIX Thời điểm khởi đầu của Ca Huế là từ khi nào chưa có tư liệu nào nói rõ. Một trong những tư liệu phỏng đoán thời điểm ra đời sớm nhất của Ca Huế là tư liệu của ông Thái Văn Kiểm dẫn lời ông Ưng Bình Thúc Giạ cho biết Ca Huế có thể bắt đầu xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Sang đầu thế kỷ XIX, Ca Huế thực sự thành hình. Thời này có một số bài bản từ Tế nhạc cung đình như: Long ngâm, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ... được đưa vào Ca Huế. Bên cạnh đó có một số tác phẩm mới được sáng tác. Giai đoạn trước tác nhiều bài bản nhất cho Ca Huế được ghi nhận là thời vua Tự Đức (1848-1882). Nửa sau thế kỷ XIX, cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, âm nhạc cung đình ngày càng suy yếu. Riêng có Ca Huế được các nghệ nhân gìn giữ, nhất là những nghệ nhân trong dân gian. Các nghệ nhân xây dựng hệ thống bài bản kinh điển cho nghệ thuật Ca Huế gồm các bài bản theo “hơi” Bắc, Ai, Dựng với những chuẩn mực về nhịp phách, giai điệu, qui định thứ tự bài bản rất đặc thù của Ca Huế. Các bài bản không chỉ lưu truyền theo kiểu truyền ngón, truyền miệng như các thể loại âm nhạc dân gian, mà nó còn được ghi chép thành sách, chứng tỏ tính bác học của thể loại này. Hệ thống các bài bản Ca Huế kinh điển gần như dừng lại ở đây về đường nét giai điệu chính. Những bài bản về sau chỉ là sự thay đổi lời ca và sự kết hợp các bài kinh điển với những bài dân ca. 1.4.2.Giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945 Có lẽ từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, các điệu Hò, điệu Lý dân gian dần dần thâm nhập vào Ca Huế. Nhiều bài bản kinh điển trong Ca Huế có sự kết hợp rất nhuần nhuyễn với các làn điệu dân ca miền Trung như Hò mái nhì, Lý tử vi, Lý con sáo... Cho đến đầu thế kỷ XX, Ca Huế là một sinh hoạt đặc biệt được ưa thích ở Huế. Về sáng tác lời cho Ca Huế, những thập niên đầu thế kỷ XX đã có một đội ngũ hùng hậu gồm những thi nhân, văn nhân tài danh. Hầu hết tác phẩm Ca Huế mới trong thế kỷ XX chỉ là sự ghép lời mới vào giai điệu cổ. Tuy nhiên, có một bài kinh điển thuộc điệu Nam trong Ca Huế được ra đời vào thập niên 30 của thế kỷ XX là bài Tương tư khúc, tương truyền do ông Bửu Bác sáng tác. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, từ chiếc nôi quê hương Huế, theo chân các nghệ nhân cung đình và dân gian, Ca Huế đi dần vào phía Nam nước Việt. Qua mỗi chặng dừng chân, nó lại xuất hiện với một sự biến đổi khác nhau. Đến xứ Quảng, Ca Huế có “dị bản” là thể loại Đờn Quảng. Vào đất Nam bộ, nó phát triển rộng rãi và mạnh mẽ thành thể loại đờn ca Tài Tử. 1.4.3.Giai đoạn năm 1945 đến 1977 Năm 1945, khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ, Ca Huế theo kiểu kinh điển như thời kỳ đầu cũng bắt đầu bước đường suy thoái. Tuy nhiên, Ca Huế kịp thời hòa nhập với âm nhạc trong dân chúng một cách sâu rộng từ thời kỳ trước đó, nên nó vẫn được nhân dân bảo tồn và phát triển theo hướng dân gian hóa. Các nghệ nhân cung đình ra ngoài dân gian ngày càng nhiều. Số lượng nghệ nhân dân gian phát triển ngày càng đông đảo. Các làn điệu Ca Huế mang tính kinh điển như Tứ đại cảnh, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Phú lục, Cổ bản... vẫn giữ nguyên những đường nét giai điệu chính. Nhưng các nghệ sĩ đã đặt một số lời mới cho các bài bản này. Lời mới của các bài bản này đã kết hợp được dòng văn chương bác học Hán Nôm với dòng văn học dân gian. Vì thế tác phẩm vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa dễ hiểu, dễ phổ biến. Thời kỳ này đánh dấu giai đoạn sân khấu hóa Ca Huế. Khoảng thập niên 30, Ca kịch Huế ra đời dựa trên cơ sở Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên. Một số ban Ca Huế cũng được thành lập. Năm 1962, Hội Ái hữu cổ nhạc miền Trung ra đời, là tiền thân Hội Ca nhạc truyền thống Huế ngày nay. Từ đó, hằng năm cứ vào ngày 16 tháng 10 âm lịch, tại Cổ nhạc từ, nơi thờ tự những người giỏi về âm nhạc truyền thống dân tộc, thường diễn ra các nghi lễ cổ truyền và các sinh hoạt đàn ca Huế. Sang thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX có lẽ là thời kỳ khó khăn nhất của Ca Huế. Đất nước vừa trải qua chiến tranh, đang phải lo ổn định cuộc sống. Nghệ thuật Ca Huế gần như bị bỏ quên. 1.4.4.Giai đoạn năm 1977 đến nay Ngày 12 tháng 11 năm 1977, Đại hội ca nhạc Huế lần thứ nhất được tổ chức đã góp phần tôn vinh nghệ thuật ca nhạc Huế và khơi dậy hoạt động của nghệ thuật này. Đến sau năm 1985, trên sông Hương, người ta lại nghe tiếng đàn, phách quen thuộc của Ca Huế. Thời gian gần đây, Ca Huế được đưa vào phục vụ du lịch. Hình thức thường thấy nhất là biểu diễn Ca Huế phục vụ khách du lịch trên du thuyền sông Hương. Các tiết mục Ca Huế được giới thiệu trên đài truyền hình, đài phát thanh, được thu thành băng đĩa phổ biến trong quần chúng. Hoạt động của các đoàn Ca huế và Câu lạc bộ Ca Huế cũng góp phần gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật Ca Huế một cách hữu hiệu. Về Ca kịch Huế, đoàn Ca kịch Trị Thiên trước đây, nay trở thành Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế do nghệ sĩ Ngọc Bình làm trưởng đoàn. Qua hơn 50 năm hoạt động, nhà hát đã đạt nhiều thành công. Đoàn đã có 17 nghệ sĩ được nhà nước phong tặng các danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chỉ còn Câu lạc bộ Ca Huế Phú Xuân là vẫn hoạt động thường xuyên, tập luyện Ca Huế chủ yếu để biểu diễn trên sân khấu, biểu diễn ở các lễ hội, trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, không sử dụng âm thanh tự nhiên mà có hệ thống khếch âm. Về việc truyền thụ Ca Huế, Học viện Âm nhạc Huế, trường Văn hoá nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế là nơi giảng dạy chuyên nghiệp về âm nhạc nói chung, trong đó có Ca Huế. Ngoài ra, tại Huế còn có các lớp Ca Huế tại gia của các nghệ nhân Ca Huế. Công việc nghiên cứu để bảo tồn và phát triển Ca Huế cũng được chú ý. Người ta thấy xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu không chuyên và chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Vậy chúng ta thấy giai đoạn từ sau 1985 cho đến nay, nhìn chung Ca Huế đã dần được phục hồi và phát triển so với giai đoạn trước trên nhiều mặt: sinh hoạt câu lạc bộ tại tư gia và các nhà văn hóa, biểu diễn, phổ biến đại chúng, nghiên cứu, đào tạo... CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT CA HUẾ 2.1.TÍNH TỔNG HỢP VÀ NGUYÊN HỢP TRONG CA HUẾ 2.1.1.Tính tổng hợp Do các điều kiện về lịch sử xã hội và điều kiện địa lý như đã nêu ở các phần trên, văn hóa Huế hàm chứa tính tổng hợp riêng của vùng đất này. Tính tổng hợp được tạo thành trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa dân cư bản địa và các luồng dân cư từ nơi khác đến Huế. Vùng đất Bình Trị Thiên nói chung và Huế nói riêng có hai dân tộc bản địa là người Việt và người Chăm. Ngoài ra do sự tiếp xúc lâu đời với Trung Hoa, trong văn hóa người Việt cũng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Vậy các dòng văn hóa Việt, Chăm, Hoa là ba thành phần chính hình thành văn hóa miền Trung Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Với tư cách là dòng văn hóa chủ thể, văn hóa Việt tại Huế đã tiếp thu, tổng hợp các yếu tố của các dòng văn hóa khác, hòa quyện cùng văn hóa Việt để tạo nên bản sắc đặc trưng trong văn hóa Huế. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống văn hóa Huế. 2.1.1.1.Yếu tố văn hóa Việt (văn hóa chủ thể) Xem xét nghệ thuật Ca Huế, chúng ta thấy lúc khởi đầu, nghệ thuật này được các nghệ sĩ cung đình chuyên về nhạc cụ sáng tác. Vậy lẽ ra nó phải phát triển theo hướng khí nhạc. Nhưng càng về sau, khuynh hướng “ca” lại ngày càng phát triển. Có lẽ đó cũng là sự phát triển theo khuynh hướng chung của âm nhạc dân gian người Việt, phát triển nhạc hát là chính. Một thói quen của các nhà sáng tác Ca Huế rất giống với truyền thống âm nhạc dân gian là ghép nhiều lời ca với nhiều nội dung khác nhau vào cùng một giai điệu Ca Huế. Qua nhiều thời kỳ khác nhau, nội dung lời của các bài Ca Huế có thể thay đổi, phản ánh hiện thực xã hội và tâm tư, tình cảm người đương thời. Một trong những phương cách đấu tranh để tồn tại và tự khẳng định mình là người Việt thường tiếp thu tinh hoa văn hóa từ các nguồn khác nhau một cách có chọn lọc, rồi sáng tạo ra cái mới thích hợp với mình và mang đặc trưng bản sắc Việt Nam. Đặc điểm này cũng được thể hiện trong quá trình sáng tạo thể loại Ca Huế. Trên cơ sở truyền thống văn hóa Việt, các nghệ sĩ Ca Huế đã tiếp thu có sáng tạo các yếu tố văn hóa Chăm và Hoa, tổng hợp thành chất đặc trưng cho Ca Huế. 2.1.1.2.Yếu tố văn hóa Chăm Vùng đất Bình Trị Thiên một thời thuộc quyền của vương quốc Chiêm Thành. Vì vậy dân tộc Chăm (có gốc là người vương quốc Chiêm Thành xưa) cũng là một trong những tộc dân bản địa lâu đời tại đây. Nền văn hóa Chăm ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa địa phương Huế nói riêng và Bình Trị Thiên nói chung. Ngữ điệu đặc biệt của người Bình Trị Thiên nói chung và Huế nói riêng, được hình thành từ sự giao thoa giữa ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ Chăm như đã trình bày ở trên. Từ đó giai điệu ca Huế ra đời mang một chất riêng đặc thù, phân biệt rõ với giai điệu âm nhạc các vùng còn lại trong nước. Về thang âm điệu thức, chúng tôi đã khảo sát và tự ghi lại một số thang âm của người Chăm dựa vào tư liệu đĩa Dân ca Chăm của Viện Âm Nhạc ghi lại dân ca của người Chăm ở vùng Ninh Thuận, phía Nam Trung bộ. Qua đó, chúng tôi nhận thấy điệu Nam hơi Ai (điệu thức đặc trưng Bình Trị Thiên) có rất nhiều điểm tương đồng với một trong những điệu thức của người Chăm là thang âm điệu thức Chăn B mà chúng tôi đã ghi lại. Điều này cho phép chúng ta có sự suy đoán có thể có sự giao thoa văn hóa Chăm – Việt trong sự hình thành điệu thức Nam hơi Ai. Mặt khác, một thang âm của Phạm Duy nêu trong tư liệu của ông được ghi nhận là giống thang âm Bắc của người Việt, cũng có nghĩa là giống thang âm điệu thức Bắc trong Ca Huế. Đây lại là một nét tương đồng khác giữa âm nhạc Chăm và âm nhạc Việt. Trong lời ca một số bài Ca Huế có những từ dùng của địa phương như mô, tê, răng, rứa, ni, ri, tề So sánh với ngữ nghĩa các từ tương tự của dân tộc Chăm, chúng ta có thể suy đoán nguồn gốc các từ này xuất phát từ ngôn ngữ Chăm. Vậy người Việt ở Huế đã vay mượn các từ ngữ Chăm trong ngôn ngữ hàng ngày và từ đó đưa vào các bài Ca Huế, góp phần tạo nét đặc trưng cho Ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống miền Trung Việt Nam nói chung. Trong hoàn cảnh nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả nước bị thực dân Pháp đô hộ, tâm tư, tình cảm của các sĩ phu, quí tộc yêu nước bấy giờ có những điểm tương đồng với tâm tư vong quốc của dân tộc Chăm. Vì vậy giới sĩ phu thường phổ lời ca vào các giai điệu Ca Huế theo điệu Nam hơi Ai để gửi gắm tấm lòng yêu nước và nỗi buồn mất nước. Vậy hoàn cảnh lịch sử có yếu tố tương đồng giữa dân tộc Chăm và dân tộc Việt, mặc dù ở hai thời điểm khác nhau, cũng tạo nên mối tương đồng trong cảm xúc âm nhạc. 2.1.1.3.Yếu tố văn hóa Trung Hoa Nước Việt Nam suốt mấy nghìn năm sống bên cạnh một quốc gia khổng lồ, một cường quốc văn hoá ở châu Á là Trung Quốc. Cũng suốt mấy nghìn năm đó, Việt Nam luôn bị Trung Quốc xâm lấn và đe doạ xâm lấn bờ cõi. Vậy văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Trung Hoa là điều dễ hiểu. Người Việt tiếp nhận văn hóa Trung Hoa vừa theo kiểu bị cưỡng bức tiếp nhận, vừa theo kiểu tự nguyện tiếp nhận. Các yếu tố văn hóa Trung Hoa được mang vào nghệ thuật Ca Huế thông qua con đường chuyển giao chính là hệ thống âm nhạc cung đình Huế. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chúng ta thấy trong lời của nhiều bài Ca Huế thường có các nội dung tình tứ, mơ mộng, đề cao cuộc sống ẩn dật, thoát tục, tránh xa thế sự nhiễu nhương. Đây có thể là tư tưởng ảnh hưởng Đạo giáo của các trí thức, quan lại cuối thời nhà Nguyễn, phản ứng tiêu cực trước cảnh đất nước mất vào tay giặc Pháp, lui về ở ẩn, vui thú điền viên. Ca Huế xuất phát từ cung đình nhà Nguyễn. Vua quan, trí thức thời nhà Nguyễn đều là các nhà Nho, vì vậy lời của các bài bản Ca Huế đầu tiên đều được sáng tác bằng chữ Hán. Cả trong các bài Ca Huế có lời bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, người ta đều thấy các điển tích Trung Hoa xuất hiện rất nhiều trong lời ca. Về nhạc cụ, hiện nay, phần lớn các nhạc cụ được sử dụng trong thể loại Ca Huế để đệm cho giọng hát và để hoà tấu đều có nguồn gốc từ Trung Hoa, có thể kể: đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tỳ bà, sáo trúc. Chỉ một số ít nhạc cụ có mặt trong nhóm Ca Huế mà có nguồn gốc Việt Nam như sênh tiền, sanh sứa, chén; sau này có thêm đàn bầu. Tuy sử dụng nhiều nhạc cụ du nhập từ Trung Hoa, nhưng người Việt đã “Việt hoá” các nhạc cụ này để có thể sử dụng nó mà nói lên tâm tư, tình cảm của người Việt. Về thang âm, điệu thức, chúng ta thấy tên gọi các bậc trong thang âm của các điệu thức Ca Huế là: Hò, Xư, Xang, Xê tương tự một kiểu gọi tên các bậc trong thang âm Trung Hoa. Thang âm điệu Bắc trong âm nhạc Việt Nam nói chung và Ca Huế nói riêng tương đồng với thang âm điệu Chủy của Trung Hoa. Tuy nhiên, đây chỉ là sự tương đồng về quãng căn bản giữa các bậc trong thang âm. Khi thể hiện trong các bài bản khác nhau, thang âm này được người Việt nhấn nhá thành các “hơi” đặc trưng của người Việt. 2.1.2.Tính nguyên hợp Ngày nay, khi chế độ phong kiến Việt Nam không còn, thể loại Ca Huế chan hòa vào tổng thể văn hóa Huế và mang trong mình một số tính chất của văn hóa dân gian. Một trong những đặc tính quan trọng là tính nguyên hợp. Ca Huế nảy sinh, tồn tại và phát triển với tư cách là một chỉnh thể nguyên hợp gồm các yếu tố: con người Huế với phong cách trang nhã, quí tộc, thơ, nhạc, giọng nói Huế, cảnh quan xứ Huế, các sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Huế nói riêng và người Bình Trị Thiên nói chung. Cấu trúc nhóm Ca Huế gồm phần ca và phần nhạc cụ cũng là một chỉnh thể không thể tách rời. Do sự gắn liền không thể tách rời giữa nghệ thuật Ca Huế và sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng người Huế, muốn phát triển nghệ thuật Ca Huế, phải phát triển nó trong môi trường tổng thể văn hóa cộng đồng Huế. Đồng thời muốn phát triển nghệ thuật Ca Huế, chúng ta cũng phải nghĩ đến việc phát triển và hoàn thiện tổng thể môi trường văn hóa Huế. 2.2.TÍNH BÁC HỌC CUNG ĐÌNH Vùng đất kinh kỳ Huế có cách bố trí nơi ở của dân chúng và các quan lại, quí tộc không tách biệt nhau, dẫn đến những thói quen hàng ngày, phong cách sinh hoạt gần giống nhau giữa các tầng lớp dân cư. Trong điều kiện xã hội đó, nghệ thuật Ca Huế từ cung đình ra dân gian dễ dàng giữ nguyên tính tao nhã, quí tộc vốn có. 2.2.1.Tính quí tộc cung đình Ca Huế có nguồn gốc cung đình. Các chúa Nguyễn ở Đàng Trong tiếp nối truyền thống thưởng thức âm nhạc thính phòng của Đàng Ngoài, cho tổ chức các buổi hòa nhạc thính phòng cung đình. Thú thưởng ngoạn này lúc đầu chỉ giới hạn trong phủ chúa hoặc các bậc vương công, dần dần mới phổ biến ra quần chúng. Cho đến nay, ca từ trong Ca Huế vẫn mang nét trang nhã, quí phái, trau chuốt. Khởi thủy, Ca Huế kế thừa bài bản từ Tế nhạc trong cung đình và một số sáng tác mới của các quí tộc. So sánh một số dàn nhạc trong cung đình với nhạc cụ trong nhóm Ca Huế, chúng ta thấy đa số các nhạc cụ trong Ca Huế đều đã có mặt trong dàn nhạc cung đình. Đặc điểm quí tộc còn thể hiện trong phong cách ăn mặc chải chuốt của những người tham gia sinh hoạt trong nhóm Ca Huế. Không gian sinh hoạt Ca Huế thính phòng truyền thống thường có không khí như các tư thất của quan lại và quí tộc. Các bài hát có nhịp điệu khoan thai, giai điệu dịu dàng, du dương với lời ca tình tự như chơi vơi theo trăng gió, mây ngàn, phản ánh tâm tư, tình cảm của những người có cuộc sống nhàn nhã, phong lưu. Những nghệ nhân Ca Huế không phải là một bộ phận tách biệt. Họ thường là thành viên trong các đội nhạc của các loại nhạc khác trong cung đình như nhạc lễ, múa, tuồng hoặc có kiến thức về các loại nhạc này. Vì vậy, những người này mang các yếu tố của các thể loại âm nhạc cung đình khác vào Ca Huế. Bài bản Ca Huế lấy từ bài bản Tiểu nhạc cung đình như: Hành vân, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm... Do người sáng tạo ra Ca Huế là những người biết chơi các loại nhạc cụ trong cung đình Huế nên các loại nhạc cụ được sử dụng trong Ca Huế đều là các nhạc cụ có mặt trong dàn Tiểu nhạc cung đình. Các kỹ thuật chơi nhạc cụ trong Ca Huế cũng được kế thừa trực tiếp từ kỹ thuật sử dụng nhạc cụ trong cung đình nhà Nguyễn. So sánh với hai thể loại âm nhạc thính phòng tiêu biểu khác của Việt Nam là Ca Trù và ca nhạc Tài Tử Nam bộ, chúng ta nhận thấy tính quí tộc cung đình trong Ca Huế là một trong những nét đặc trưng, tiêu biểu nhất của nghệ thuật Ca Huế, phân biệt Ca Huế với các thể loại âm nhạc thính phòng khác của Việt Nam. Chúng ta cần duy trì đặc tính này của Ca Huế. Ca Huế là thể loại âm nhạc có hướng phát triển lan rộng ngược với những thể loại âm nhạc ở các thời kỳ trước. Nó xuất phát từ cung đình rồi đi vào dân gian và được dân gian nuôi dưỡng. Trong khi ở các thời kỳ phong kiến trước, âm nhạc thường xuất phát từ dân gian rồi được chọn lọc, mang vào cung đình. Do có điểm xuất phát từ cung đình, thể loại Ca Huế mang tính kinh điển của thể loại âm nhạc bác học cung đình. 2.2.2.Tính kinh điển 2.2.2.1.Hệ thống bài bản, điệu thức Ca Huế được xem là thể loại âm nhạc mang tính chuyên nghiệp cao với hệ thống bài bản (gồm khoảng trên dưới 50 tác phẩm cơ bản), điệu thức hoàn chỉnh, kỹ thuật diễn tấu, diễn xướng điêu luyện, công phu. Những người tham gia hoạt động Ca Huế, từ người sáng tác, biểu diễn cho tới người thưởng thức “sành điệu”, đều phải có quá trình trau dồi kiến thức và kỹ năng Ca Huế nhất định, có am hiểu nhất định về hệ thống bài bản và điệu thức Ca Huế. Hệ thống điệu thức Ca Huế gồm hai điệu chính là Bắc và Nam. Trong mỗi loại này lại có những “hơi” mang màu sắc đặc trưng. 2 loại “hơi” tiêu biểu của Ca Huế là hơi Ai và hơi Dựng. Về tiết tấu, Ca Huế có những tên gọi qui định rõ ràng về các kiểu gõ nhịp, kế thừa truyền thống âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Các kiểu gõ nhịp này là: nhịp chánh diện, nhịp nội, nhịp ngoại. Ca Huế có 3 loại tốc độ: hoãn điệu, bình điệu và cấp điệu. 2.2.2.2.Tính ước lệ Âm nhạc mang tính ước lệ. Trong ca khúc truyền thống của từng địa phương, người ta thường thấy những qui ước âm nhạc chung kết hợp với ngữ điệu tiếng nói địa phương. Trong các bài bản Ca Huế, người ta thấy có những quãng đặc trưng, đường nét giai điệu đặc trưng thể hiện giọng nói Huế và những màu sắc cảm xúc đặc biệt của người Huế. Tiêu biểu nhất là sự thể hiện giai điệu ở những vị trí lời ca có dấu thanh sắc. Tính ước lệ còn thể hiện trong yếu tố điệu thức của các bài bản Ca Huế. Mỗi loại điệu thức, hơi được qui ước thể hiện những sắc thái diễn cảm riêng biệt. Các đoạn dạo đầu trong Ca Huế cũng có những qui ước giai điệu đi theo một thang âm điệu thức nào đó, phần bài bản phía sau đoạn dạo sẽ có giai điệu, sắc thái diễn cảm theo thang âm điệu thức đó. Thứ tự bài bản trong các buổi trình diễn Ca Huế cũng là yếu tố được các nghệ nhân Ca Huế “sành điệu” rất chú trọng. Lời Ca Huế xưa thường có những nội dung, cách diễn đạt theo một số “khuôn mẫu” tương tự nhau, góp phần tạo nên “dấu ấn Ca Huế”. Qui ước nhịp độ trong Ca Huế cũng như các thể loại âm nhạc khác, nhịp độ nhanh thể hiện niềm vui, sự hứng khởi, nhịp độ chậm thể hiện sự sâu lắng, nỗi buồn. Tuy nhiên, các bài bản chậm cũng mang nhiều đặc điểm tiêu biểu cho Ca Huế hơn bài bản nhanh. Trong hình thức trình diễn người ca với nhóm nhạc đệm, như một qui ước ngầm, người ca thường là nữ, người sử dụng nhạc cụ đệm thường là nam. Người nữ thường thường vừa ca vừa giữ nhịp cho cả nhóm Ca Huế. Việc thưởng thức âm nhạc Huế cũng có những qui ước, luật lệ. Theo học giả Hoàng Yến có “Sáu trường hợp phải nghỉ thưởng thức âm nhạc” và “Bảy trường hợp không nên cầm đàn”. CHƯƠNG 3: GIÁ TRỊ VÀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN CA HUẾ 3.1.GIÁ TRỊ CA HUẾ Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, Ca Huế mang các giá trị như: giá trị nhân sinh, giá trị lịch sử - xã hội, giá trị nghệ thuật. Tìm hiểu các giá trị này của Ca Huế sẽ góp phần xác định vị trí, tầm quan trọng của nghệ thuật Ca Huế trong bức tranh toàn cảnh văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. 3.1.1.Giá trị nghệ thuật 3.1.1.1.Quan niệm thẩm mỹ Nghệ thuật Ca Huế sinh ra từ cung đình, những người sáng tác và diễn tấu Ca Huế đầu tiên là những nghệ sĩ cung đình, phần lớn thuộc tầng lớp trí thức. Vậy quan niệm thẩm mỹ của họ là thẩm mỹ của giới trí thức cung đình. Sau đó, Ca Huế phổ biến ra ngoài dân gian xứ Bình Trị Thiên, số lượng người và thành phần người trong xã hội tham gia nghệ thuật Ca Huế được mở rộng. Tuy nhiên đa số người sáng tác lời ca vẫn là giới sĩ phu, trí thức. Những người diễn tấu, diễn xướng thì rất đa dạng, có khi là chính các tác giả lời ca, có khi là những nghệ sĩ có giọng hát hay, ngón đàn giỏi trong dân gian. Khi chan hòa vào dân gian, nghệ thuật Ca Huế đã phải có sự lựa chọn giữa các yếu tố văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng, giữa thẩm mỹ cung đình và thẩm mỹ dân gian. 3.1.1.2.Nghệ thuật biểu cảm Ca Huế có một kiểu biểu cảm riêng đằm thắm, sâu lắng, trữ tình. Nghệ thuật Ca Huế thiên về nhịp độ chậm. Nhịp độ này thể hiện phong cách sống, động tác, cử chỉ hàng ngày của người Huế: chậm rãi, thong thả, điềm đạm và hay suy tư. Phong cách đàn và ca trong Ca Huế coi trọng sự nhấn, rung chăm sóc thật kỹ càng, tỉ mỉ chứ thường không coi trọng tốc độ diễn tấu, diễn xướng nhanh. Cảm xúc chủ yếu trong các bài bản Ca Huế là cảm xúc buồn. Những khúc ca điệu Nam ghi dấu trong lòng người đậm đà hơn những khúc điệu Bắc. Sở dĩ các bài Ca Huế có thể diễn tả những cảm xúc tinh tế, một phần lớn nhờ vào nghệ thuật xử lý, “nhấn nhá” các bậc trong thang âm điệu thức. Trong hệ thống thang âm điệu thức của Ca Huế, thang âm điệu thức Nam hơi Ai mang đặc điểm địa phương nhiều nhất. Những chỗ non, già trong thang âm Nam hơi Ai góp phần tạo nét trữ tình đặc biệt trong âm nhạc miền Trung Việt Nam và trong Ca Huế nói riêng. 3.1.1.3.Nghệ thuật ghép lời ca vào giai điệu Chúng ta đã biết nghệ thuật sáng tác Ca Huế chủ yếu là nghệ thuật sáng tác lời ca và ghép lời ca vào giai điệu cổ. Qua quá trình phát triển khoảng 200 năm của Ca Huế, nghệ thuật này đã trở nên vô cùng điêu luyện, tinh tế. Các nghệ sĩ Ca Huế đã tạo nên một phong cách độc đáo trong việc phối hợp giai điệu nhạc với thanh điệu tiếng nói đặc trưng của người Huế nói riêng và Bình Trị Thiên nói chúng. 3.1.1.4.Nghệ thuật ca và sử dụng nhạc cụ Người hát Ca Huế phải luyện tập công phu cách phát âm để hát cho thật rõ lời. Ca nương hát phải “nhả chữ” cho tròn vành rõ chữ theo đặc điểm tiếng địa phương vùng Bình Trị Thiên. Giai điệu phần hát trong thể loại Ca Huế được sáng tác, luyện tập, trau chuốt kỹ càng theo những nguyên tắc nhất định. Điều này chứng tỏ tính bác học của nghệ thuật Ca Huế. Nghệ thuật hòa đàn và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ trong ca nhạc Huế có nhấn và rung là quan trọng nhất. Cũng gọi là nhấn và rung, nhưng phải nhấn và rung sao cho ra “chất Huế”, phân biệt với lối nhấn và rung của âm nhạc các địa phương khác. Một trong những điểm chung giữa nghệ thuật Ca Huế và âm nhạc truyền thống Việt Nam là kiểu trình tấu theo nguyên tắc thẩm mỹ “học chân phương, đàn hoa lá”. Ca Huế còn chân phương, khuôn khổ trong sự phân câu, phân đoạn rõ ràng, mạch lạc. Tuy nhiên, nghệ sĩ có thể thêm thắt một vài chữ nhạc xung quanh giai điệu chính để cho giai điệu và tiết tấu thêm phần hào hứng (hoa lá). Trong ca nhạc Huế, phần hoa lá và những thay đổi trong chữ nhạc không nhiều như trong ca nhạc Tài Tử miền Nam. Ca Huế thể hiện nét đặc sắc của mình trong phần dạo đầu mỗi bài ca hay bản nhạc. Đoạn này mang tính ngẫu hứng, đóng vai trò dẫn dắt cảm xúc của người nghe và người ca đi vào giai điệu chính của bài. 3.1.2.Giá trị lịch sử - xã hội Là sản phẩm nghệ thuật của một thời kỳ phong kiến Việt Nam (xuất hiện khoảng thế kỷ XVII- XVIII và thịnh hành khoảng thế kỷ XIX), Ca Huế đã từng ghi dấu trong lịch sử phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam như một thể loại âm nhạc phổ biến rộng rãi ở tầng lớp trên vào thế kỷ XIX. Ca Huế như một di sản văn hóa của dân tộc, được giữ gìn, phát triển qua từng thời kỳ lịch sử xã hội Việt Nam suốt mấy trăm năm. Cùng với quá trình phát triển đó, nghệ thuật Ca Huế cũng mang giá trị phản ánh lịch sử. 3.1.2.1.Ca Huế trong tiến trình phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam -Thể loại Ca Huế là một mắc xích quan trọng trong chuỗi phát triển âm nhạc thính phòng truyền thống Việt Nam. Nó kế thừa ca Trù miền Bắc và là một trong những tiền đề để hình thành và phát triển ca nhạc Tài Tử Nam bộ. Ngoài hướng Nam tiến, nghệ thuật Ca Huế còn ảnh hưởng ngược lại khu vực phía Bắc. -Sự thay đổi để phù hợp với môi trường và hoàn cảnh lịch sử không chỉ thể hiện ở bước chuyển từ Ca Trù sang Ca Huế, từ Ca Huế sang ca nhạc Tài Tử, mà còn được thể hiện rõ trong suốt quá trình hình thành và phát triển của bản thân nghệ thuật Ca Huế. -Tuy Ca Huế xuất phát từ cung đình phong kiến, nhưng nó là tài sản nghệ thuật quí giá của cả dân tộc Việt Nam. Trong nghệ thuật Ca Huế, người ta thấy có sự chuyển giao nghệ thuật từ cung đình ra dân gian khi triều đình nhà Nguyễn dần thoái hóa và sụp đổ. -Trong tiến trình phát triển lịch sử, chủ thể và môi trường diễn tấu, diễn xướng của Ca Huế cũng có những thay đổi. 3.1.2.2.Công chúng Việt Nam với ca Huế Sinh ra từ chốn cung đình, Ca Huế vốn mang nét phong lưu, quí phái. Vì thế, trong thời phong kiến nhà Nguyễn, từ khi nghệ thuật Ca Huế bắt đầu được phổ biến ra công chúng, các nhà quan lại và nhà giàu có đã có thói quen mời các cô đầu Ca Huế về nhà trình diễn như một biểu hiện của sự cao sang, vinh hiển. Ca Huế phổ biến mạnh nhất là từ đầu thế kỷ XX đến trước chiến tranh thế giới thứ hai. Ca Huế trên đò sông Hương là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân xứ Huế. Hình ảnh cô đầu Ca Huế trên đò sông Hương đã trở thành một trong những biểu tượng cho xứ Huế. Tuy nhiên, cũng trong hình thức sinh hoạt này, đã nảy sinh tệ nạn khiến hình ảnh nên thơ đó nhuốm chút hoen ố qua một thời gian dài làm cho các cô đầu Ca Huế trên sông Hương dần bị coi khinh, kéo theo sự coi khinh nghệ thuật Ca Huế. Cho đến nay, tình yêu Ca Huế gắn liền với khái niệm yêu quê hương, yêu nghệ thuật dân tộc. Người ta đến với nghệ thuật Ca Huế bởi nhiều lý do: gợi nhớ dĩ vãng, thưởng thức thú vui thanh nhàn, tìm hiểu một trong những nghệ thuật dân tộc đặc trưng của người Việt... Tuy nhiên, đa số công chúng ngày nay thường chỉ tôn trọng chứ chưa thật sự yêu thích Ca Huế. Một thực tế là Ca Huế chỉ thịnh hành ở Huế, những vùng lân cận và trong các nhóm đồng hương người Huế ở các tỉnh, các nước khác. Ngoài thành phố Huế và các vùng lân cận Huế ra, đa số khán thính giả trong cả nước thường chỉ được thưởng thức nghệ thuật Ca Huế qua các phương tiện truyền thông, sự hấp dẫn của Ca Huế đã mất đi rất nhiều. Vì vậy đa số công chúng không mặn mà mấy với các tiết mục Ca Huế trên các kênh truyền hình và các đài phát thanh. 3.1.3.Giá trị nhân sinh Thể loại Ca Huế do các nghệ sĩ quí tộc và quan lại trong cung đình triều Nguyễn sáng tạo dựa trên sự kế thừa nền âm nhạc cung đình Việt Nam các triều đại trước và âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên. Giá trị nhân sinh của Ca Huế thể hiện ở các hoạt động sáng tạo, cải tiến, phổ biến và duy trì thể loại Ca Huế qua một thời gian dài. Cho đến nay thể loại Ca Huế đã tồn tại hơn 200 năm và vẫn đang tiếp tục được bảo tồn, phát triển. Trong đời sống văn hóa Huế, hoạt động Ca Huế là một trong những hoạt động mang tính đặc trưng vùng miền. Hòa vào các hoạt động văn hóa chung của cả vùng Bình Trị Thiên, Ca Huế như một phần không thể thiếu trong những món ăn tinh thần của người Bình Trị Thiên và người dân Huế nói riêng. Các hoạt động Ca Huế được đề cập trong luận án gồm: hoạt động sáng tác, hoạt động biểu diễn, hoạt động truyền thụ. 3.1.3.1.Hoạt động sáng tác Hoạt động sáng tác Ca Huế là một trong những hoạt động điển hình ảnh hưởng văn hóa cung đình Huế. Những người đầu tiên sáng tác các bài bản cho Ca Huế là những người giỏi về các loại nhạc cụ trong cung như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tam.... Vì vậy ca nhạc Huế thời kỳ đầu có nhiều bản nhạc cho đàn. Hoạt động sáng tác Ca Huế là dịp để các nghệ sĩ Huế giải bày tâm tư, tình cảm. Tuy nhiên sự giải bày này không chỉ nằm trong nội dung lời ca mà còn nằm trong sự biến hóa của giai điệu. Hơn nữa, do ảnh hưởng tính khí nhạc, các bài bản Ca Huế có lời ca thì lời thường đi theo giai điệu nhạc. Các nghệ nhân thường nắm bắt ý tưởng của nhau không chỉ qua ý nghĩa lời ca, mà còn qua sự diễn cảm tinh tế của giọng ca, ngón đàn. Ca Huế là “mảnh đất” tốt, tạo điều kiện cho sự nối kết chặt chẽ giữa các nhà thơ và các nghệ sĩ đàn, ca. Một trong những điểm đặc trưng của Ca Huế là sự phát triển sáng tác Ca Huế tập trung vào việc sáng tác lời ca. Qua các thời kỳ khác nhau, rất nhiều nhà văn, nhà thơ “sính Ca Huế” cũng nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tác lời cho Ca Huế. Sinh hoạt sáng tác Ca Huế cũng là một trong những sinh hoạt giải trí thú vị mang tính nghệ thuật của giới trí thức mê âm nhạc tại Huế. Một số bài bản Ca Huế có thể là sáng tác tập thể của một nhóm bạn. Khi họ tụ họp nhau, cứ theo đà giai điệu đàn ca mà mỗi người ứng tác lời ca góp vào thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Ngoài những bài Ca Huế có đề tên tác giả lời ca rõ ràng, có rất nhiều bài bản Ca Huế không đề tên tác giả. Đây là một trong các đặc điểm của âm nhạc dân gian. Đặc điểm này làm cho các nghệ sĩ Ca Huế có thể tự do thay đổi chút ít trong lời ca và giai điệu khi diễn tấu, diễn xướng. Khoảng giữa thế kỷ XX, thể loại Ca kịch Huế bắt đầu thịnh hành. Thể loại này là một hình thức biểu hiện sự cải tiến của Ca Huế để hội nhập với xã hội đương đại, một bước phát triển đại chúng hóa của một loại hình nghệ thuật từ thính phòng ra sân khấu. 3.1.3.2.Hoạt động biểu diễn Ca Huế phát triển cả hai nhánh thanh nhạc và khí nhạc. Thời kỳ đầu, nhánh nhạc cụ nổi trội hơn. Lúc này Ca Huế chỉ là loại hình nghệ thuật lưu hành nội bộ trong phạm vi cung đình và các nhà quan. Ca Huế là mối dây nghệ thuật liên kết những tâm hồn tri âm, tri kỷ, những tâm hồn biết Ca Huế và yêu Ca Huế. Mối dây này tạo nên quan hệ mang tính đồng đẳng giữa các thành viên trong nhóm Ca Huế. Bên cạnh đó, mục đích ra đời và xuất thân của các thành viên tham gia Ca Huế cũng ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ này. Quan hệ đồng đẳng của Ca Huế cũng được nghệ thuật ca nhạc Tài Tử Nam bộ kế thừa và phát triển. Cho đến nay, quan hệ đồng đẳng trong sinh hoạt Ca Huế vẫn còn tồn tại ở hình thức sinh hoạt Ca Huế tại các tư gia. Khi phát triển ra ngoài dân gian, bộ phận nhạc hát lại phát triển mạnh hơn. Hình thức Ca Huế trên đò sông Hương xuất hiện với cách trình diễn thường thấy là một nữ nghệ sĩ ca với nhóm nhạc cụ đệm. Qua từng giai đoạn lịch sử, nghệ thuật Ca Huế được tổ chức để phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau trong đời sống văn hóa Huế. Giai đoạn đầu, Ca Huế tồn tại để phục vụ nhu cầu giải trí của giới quí tộc. Gần đây, chúng ta thấy có hình thức tổ chức các chương trình Ca Huế phục vụ du lịch. Tuy nhiên, hình thức tổ chức này chưa được hoàn thiện, chưa mang tính hệ thống, khoa học, còn nhiều điểm hạn chế. Năm 2008, Trung tâm Quản lý tổ chức biểu diễn Ca Huế được thành lập. Từ đó, tổ chức này mới tiến hành kiểm tra chất lượng nghệ sĩ Ca Huế hàng năm, chấn chỉnh phần nào các hoạt động dịch vụ ca Huế trên thuyền sông Hương. Trong thời kỳ hội nhập thế giới về mọi mặt như hiện nay, bảo tồn và phát huy vốn quí văn hóa dân tộc là chủ trương chung của nhà nước. Trong đó, Ca Huế là một trong những lĩnh vực được quan tâm. Các hoạt động quảng bá nghệ thuật Ca Huế cũng được đẩy mạnh hơn trước. Mặc dù vậy nhưng đại chúng tiếp cận Ca Huế nhiều nhất hiện nay là qua các tiết mục trình diễn Ca Huế trên các phương tiện truyền thông. Sự tiếp cận trực tiếp giữa người thưởng thức với nghệ sĩ, nghệ nhân còn rất hạn chế, trong khi thế mạnh của nghệ thuật Ca Huế lại là sự giao lưu cảm xúc trực tiếp giữa người diễn và người thưởng thức. Vì thế không có nhiều người hiểu thấu đáo, thật sự yêu và quí trọng Ca Huế. Chính sự hiểu biết và quí trọng này mới là điểm mấu chốt để nghệ thuật Ca Huế được giữ gìn và lưu truyền đến những đời sau. 3.1.3.3.Hoạt động truyền thụ Hoạt động truyền thụ theo kiểu truyền khẩu và truyền ngón là mô hình tạo nên sự gắn bó rất mật thiết giữa thầy và trò. Vì phải luôn thị phạm trong quá trình dạy học, người dạy và người học thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt Ca Huế chung với nhau kéo dài trong nhiều năm. Từ đó, mối quan hệ thầy trò dần trở thành gần như quan hệ giữa những người thân. Trong các gia đình nghệ sĩ, sinh hoạt truyền thụ Ca Huế giữa các thế hệ cũng là yếu tố gắn kết tình cảm, tư tưởng của những người trong gia đình. Bên cạnh các ưu điểm, truyền thụ theo lối truyền khẩu và truyền ngón cũng có một số nhược điểm vì người học thường xuyên lệ thuộc vào sự có mặt của người thầy. Hiện nay việc kết hợp lối ký âm nốt, lối giảng dạy có hệ thống theo từng cấp lớp và kiểu truyền thụ truyền khẩu, truyền ngón làm cho việc truyền thụ nghệ thuật Ca Huế trở nên có khoa học hơn, mặt khác vẫn tạo điều kiện duy trì mối quan hệ mật thiết vốn có giữa thầy và trò trong truyền thống Ca Huế. 3.2.BẢO TỒN CA HUẾ Cùng với Ca Trù và ca nhạc Tài Tử Nam bộ, Ca Huế là một trong những thể loại âm nhạc thính phòng truyền thống tiêu biểu nhất của Việt Nam. Nó mang trong mình những tính chất, giá trị đặc trưng như: tính tổng hợp của Ca Huế, tính nguyên hợp của Ca Huế, tính cung đình, giá trị lịch sử - xã hội, giá trị nghệ thuật, giá trị nhân sinh. Tuy nhiên, thời đại thay đổi với làn sóng toàn cầu hóa làm cho các giá trị văn hóa dân tộc cổ truyền có nguy cơ bị biến mất. Ca Huế nằm trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có từ lâu đời, cũng chịu chung số phận Đứng trước tình hình đó, để Ca Huế có thể sống còn và tiếp tục phát triển, cần có sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt của nhiều phía trong xã hội. Một câu hỏi được đặt ra là Ca Huế cần được bảo tồn với mục đích gì? Theo nhu cầu, lợi ích của ai? Theo phương hướng, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa như Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã nêu và theo những nhu cầu thật sự từ xã hội, luận án xin đưa ra các mục đích bảo tồn Ca Huế như sau: (1)Bảo tồn Ca Huế để giữ gìn một trong những di sản văn hóa phi vật thể quí báu của dân tộc, góp phần hoàn thiện tổng thể di sản văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam; từ đó, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam cho bạn bè trên thế giới. (2)Bảo tồn Ca Huế để phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương Huế trong âm nhạc và du lịch. (3)Bảo tồn Ca Huế để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật Ca Huế truyền thống và đương đại, phát triển thẩm mỹ âm nhạc dân tộc cho đại chúng, chủ yếu là tại Việt Nam. Luận án nêu ra vấn đề hướng bảo tồn Ca Huế dựa trên nguyên tắc đảm bảo giữ lại các tính chất đặc trưng và các giá trị của Ca Huế như đã nêu ở các phần trên của luận án. Bên cạnh đó, vì Ca Huế là một “di sản sống” nên chúng ta phải chú ý đến việc phát huy và phát triển tốt thể loại này để phục vụ cho xã hội hiện tại. Các mặt sáng tác, biểu diễn, truyền thụ Ca Huế phải được nghiên cứu về những ưu điểm sẵn có để chúng ta có thể chú trọng khai thác, phát huy, đồng thời kết hợp với những yếu tố đương đại để phát triển. KẾT LUẬN Ca Huế là một trong các thể loại âm nhạc thính phòng tiêu biểu của Việt Nam. Luận án đặt ra vấn đề nghiên cứu nghệ thuật Ca Huế từ góc nhìn văn hóa học nhằm đi đến mục đích khẳng định các tính chất, giá trị đặc trưng của nghệ thuật Ca Huế trong văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam nói chung. Các kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần chứng minh Ca Huế là một di sản quí của Huế, cần được gìn giữ và phát triển. Luận án cũng mong muốn có thể tìm hiểu để đưa ra những biện pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn nghệ thuật Ca Huế. Về mặt lý luận, chúng tôi hy vọng có thể đạt được hiệu quả có ý nghĩa trong việc thực hiện nghiên cứu một thể loại âm nhạc từ góc nhìn văn hóa học. Đây là hướng nghiên cứu tương đối mới mẻ đối với cả bộ môn Văn hóa học và Âm nhạc học tại Việt Nam. Luận án chọn sử dụng tổ hợp các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp hệ thống (để phân tích Ca Huế trong các mối liên hệ với môi trường văn hóa xung quanh), phương pháp so sánh ảnh hưởng kết hợp địa văn hóa và sử văn hóa (để chỉ ra tính tổng hợp của Ca Huế), phương pháp điền dã (để hỗ trợ thông tin thực tế cho luận án). Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các thao tác nghiên cứu của Âm nhạc học như ký âm, phân tích giai điệu, quãng để trình bày, lý giải một số chi tiết liên quan đến âm nhạc trong luận án. Với những phương pháp nghiên cứu này, luận án đã đi đến một số kết quả nhất định về nghiên cứu nghệ thuật Ca Huế từ góc nhìn văn hóa học. Về phương diện khoa học, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã sưu tầm, tập hợp tư liệu và sắp xếp trình bày tiến trình hình thành và phát triển thể loại Ca Huế theo 4 giai đoạn. Luận án cũng sưu tầm, ký âm, cung cấp thêm thông tin về các thang âm điệu thức Chăm để so sánh với các thang âm điệu thức trong Ca Huế; cung cấp thông tin về các chi tiết so sánh giữa Ca Trù, Ca Huế và ca nhạc Tài Tử Nam bộ để làm rõ các đặc điểm của thể loại Ca Huế. Quá trình phân tích chủ thể Ca Huế đã cho thấy hoàn cảnh xuất thân, tri thức của chủ thể có ảnh hưởng quan trọng đến nội dung và tính chất của thể loại âm nhạc. Luận án cũng chỉ ra mối dây liên hệ giữa môi trường không gian địa lý và không gian văn hóa Huế với phong cách sáng tác và trình diễn Ca Huế. Luận án nêu các tính chất đặc trưng của Ca Huế là tính tổng hợp và nguyên hợp của Ca Huế, tính bác học cung đình. Tính tổng hợp thể hiện chủ yếu trong tư duy sáng tác và cách chọn lựa sử dụng nhạc cụ. Luận án cho thấy ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa vào Ca Huế đi qua trung gian chuyển giao là âm nhạc cung đình triều Nguyễn nói riêng và cung đình Việt Nam nói chung; Ảnh hưởng văn hóa Chăm vào Ca Huế lại thông qua con đường truyền thống âm nhạc dân gian miền Trung Việt Nam. Với quan điểm cho rằng Ca Huế mang tính nguyên hợp, luận án gắn kết sự tồn tại và phát triển thể loại Ca Huế với sự tồn tại và phát triển của tổng thể văn hóa Huế. Luận án chứng minh tính quí tộc trong Ca Huế, đưa ra một đặc điểm hiếm thấy của Ca Huế so với các thể loại nghệ thuật khác là khi thay đổi môi trường tồn tại từ cung đình ra dân gian, Ca Huế vẫn giữ nguyên phong thái quí phái, trang nhã, điềm đạm. Bằng sự so sánh với Ca Trù và ca nhạc Tài Tử Nam bộ, luận án khẳng định tính quí tộc cung đình ở Ca Huế là một trong những tính chất đặc trưng tiêu biểu nhất của nghệ thuật Ca Huế. Các yếu tố kinh điển trong nghệ thuật Ca Huế được trình bày, chứng minh Ca Huế là nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp và có giá trị nghệ thuật cao. Các giá trị của Ca Huế được trình bày trong luận án gồm: giá trị nhân sinh, giá trị lịch sử - xã hội, giá trị nghệ thuật. Trong phần trình bày giá trị lịch sử - xã hội của Ca Huế, luận án đề cập đến vị trí của Ca Huế trong tiến trình phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, luận án cho thấy qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, thái độ của công chúng và sự đánh giá của công chúng về nghệ thuật Ca Huế có những biến đổi khác nhau. Đặc biệt, luận án phát hiện và chứng minh tính đồng đẳng trong mối quan hệ giữa những thành viên sinh hoạt Ca Huế thính phòng. Với những kết quả trên, luận án hy vọng đóng góp tư liệu cho hướng nghiên cứu một thể loại âm nhạc từ góc nhìn văn hóa học. Về phương diện thực tiễn, với sự phân tích, trình bày những tính chất và giá trị của nghệ thuật Ca Huế, luận án khẳng định Ca Huế là một di sản quí báu, có thể so sánh với các di sản khác của Huế và của Việt Nam nói chung. Vì vậy Ca Huế xứng đáng được bảo tồn, duy trì và phát triển để giới thiệu với bạn bè năm châu. Bằng việc nêu những kết luận về mối dây liên hệ giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm, văn hóa Trung Hoa trong nghệ thuật Ca Huế, luận án hy vọng góp phần củng cố tình đoàn kết dân tộc giữa các dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Huế và Việt Nam nói chung. Vấn đề bảo tồn Ca Huế được đưa ra với những mặt thuật lợi và khó khăn, những ưu điểm và những điểm hạn chế của nghệ thuật Ca Huế, từ đó luận án đề ra giải pháp cho việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy, phát triển nghệ thuật Ca Huế. Với việc thực hiện luận án, chúng tôi hy vọng được góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong âm nhạc, du lịch nói riêng và trong văn hóa Việt Nam nói chung. DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ 1-Sách: Âm nhạc cung đình triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế, năm 1997. 2-Bài viết: “Một số ưu điểm của âm nhạc cung đình triều Nguyễn”, Kỷ yếu hội thảo Âm nhạc cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam – Viện Âm nhạc Việt Nam, Huế, năm 2002, trang 118-124. 3-Bài báo: “Cách thức sáng tác ca Huế”, Tạp chí Đại học Sài Gòn số 12, Trường Đại học Sài Gòn, TP HCM, năm 2012, trang 66-72. 4-Bài báo: “Đặc điểm nghệ thuật ca Huế”, Tạp chí Khoa Học số 41 (75), Trường Đại học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, TP HCM, năm 2012, trang 140-148. 5-Bài báo: “Tương đồng và dị biệt giữa ba thể loại âm nhạc thính phòng Việt Nam”, Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật số 343, Cơ quan của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, TP HCM, năm 2013, trang 27-30.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docca_hue_tu_goc_nhin_van_hoa_hoc_8054.doc