[Tóm tắt] Luận án Hiện tượng giả dối từ góc nhìn văn hóa học

Giả dối là một hiện tượng mang tính giáp ranh giữa giá trị và phi giá trị, đối tượng có thể nghiên cứu từ nhiều khoa học khác nhau, mà khuôn khổ một công trình nghiên cứu trường quy thì hạn chế về dung lượng, cho nên luận án còn có hạn chế là dừng lại ở mức độ nghiên cứu khai mở, tập trung chủ yếu vào việc xác định mặt giá trị / phi giá trị của giả dối, tìm hiểu chung về tính giá trị của hành động giả dối ở các bình diện văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử của con người nói chung với tự nhiên, siêu nhiên và xã hội, từ đó xem xét hiện tượng giả dối nhìn từ văn hóa tận dụng và văn hóa đối phó. Trong tương lai, cần có những công trình nghiên cứu đi sâu xem xét hiện tượng giả dối trong từng mặt, từng lĩnh vực cụ thể của đời sống con người, cũng như trong từng khu vực, từng nền văn hóa, hay trong từng thời kỳ lịch sử. Việc nghiên cứu sâu hơn trường hợp giả dối ở Việt Nam trong quan hệ so sánh với các nền văn hóa loại hình âm tính sẽ cho thấy rõ hơn các đặc trưng bản chất của nó để có những giải pháp thiết thực hơn trong việc tận dụng những lợi ích của giả dối và đối phó với mặt bất lợi của nó, gây lại lòng tin trong nhân dân.

doc27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1240 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Hiện tượng giả dối từ góc nhìn văn hóa học, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIẢ DỐI 1.1. Định nghĩa giả dối 1.1.1. Trên thế giới, người ta nói đến “giả dối” thì nhiều nhưng định nghĩa nó một cách khoa học thì trong các tài liệu mà chúng tôi tiếp cận được chưa thấy có. Các bộ từ điển bách khoa lớn củng không một bộ nào có định nghĩa khái niệm này. Do vậy, dưới đây phải dùng đến các từ điển ngôn ngữ và xem xét 11 định nghĩa trong năm ngôn ngữ khác nhau. Trong tiếng Việt, “giả dối” là một tính từ (Ví dụ: Thái độ giả dối, lời tán tụng giả dối). Theo “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (1992), “giả dối”có nghĩa là “không thật, nhằm mục đích đánh lừa”. Hầu hết các ngôn ngữ phương Tây đều dùng từ có gốc từ tiếng Latin falsus với nét nghĩa là sai, lừa đảo. 1.1.2. Các định nghĩa về giả dối nêu trên của mọi ngôn ngữ đều tập trung sự chú ý vào đặc trưng coi giả dối là không đúng sự thật, luôn có song song sự thật để so sánh. Cách hiểu rộng coi giả dối là tất cả mọi thứ không đúng sự thật. Cách hiểu trung gian coi giả dối là cố ý làm không đúng sự thật. Cách hiểu hẹp nhất chú ý đến tính chất cố ý làm không đúng sự thật, và nhấn mạnh vào mục đích để lừa, đánh giá ý thức đạo đức của chủ thể về việc xâm hại đến lợi ích của khách thể hoặc cộng đồng, thu hẹp hơn nữa phạm vi của khái niệm“giả dối”. Trong luận án này, chúng tôi chọn cách hiểu khái niệm “giả dối” theo hướng thứ hai − không quá rộng, cũng không quá hẹp − làm đối tượng nghiên cứu và đưa ra một định nghĩa để làm việc như sau: Giả dối là sự đánh giá được gán cho hành động tương tác mà trong đó chủ thể đưa ra cái sai sự thật một cách cố ý khiến khách thể tiếp nhận như sự thật. 1.2. Giả dối trong quan hệ với văn hoá, giá trị và sự thật 1.2.1. Giả dối với văn hoá và giá trị: Giá trị được hình thành qua quá trình so sánh, đánh giá và lựa chọn cụ thể có ý nghĩa tích cực đối với đời sống, được cá nhân đồng tình và xã hội chấp nhận. Theo Trần Ngọc Thêm (2016), giá trị văn hóa có ba đặc trưng cơ bản là tính có ích, tính chủ quan và tính tương đối. Giả dối là hành vi có chủ ý nhằm mưu cầu một lợi ích nhất định. Giả dối là một cách đánh giá chủ quan, do vậy mục đích của hành động quyết định tính giá trị của nó. Lợi ích thu được từ giả dối thuộc về đối tượng nào trong tương tác là quan trọng đối với cách đánh giá của xã hội. 1.2.2. Giả dối vớisự thật và những khái niệm liên quan: Giả dối là khái niệm đối lập với “sự thật”. Chân lý là sự nhận thức đúng đắn hiện thực trong bộ óc con người. Chân lý luôn là sự phản ánh đúng hiện thực khách quan. “Chân” luôn đúng và vận động theo cuộc sống, còn thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Hạn chế về nhận thức, kỹ năng thể hiện, kỹ năng truyền tin khiến cho người ta trên thực tế truyền cho nhau không phải là sự thật trọn vẹn, mà chỉ là một phần của sự thật, sự thật không đầy đủ – nửa sự thật. Điều này liên quan mật thiết đến tính chủ quan của con người trong tính cách và trong việc sắp xếp, thể hiện vốn tri thức của mình trong quan hệ với tính khách quan của hiện thực. Chính sự thật không đầy đủ trong nhận thức, trong giao tiếp ứng xử là một trong những tiền đề dẫn đến sự hình thành các hành vi giả dối của con người. 1.2.3. Khả năng và điều kiện để giả dối có giá trị văn hóa: Giả dối không thể và không bao giờ có thể trở thành giá trị phổ quát, giá trị vĩnh cửu do thiếu tính Chân (thật). Giả dối tồn tại và phát triển do con người luôn hướng tới cái tốt, cái đẹp phù hợp với thực tiễn và hài hòa với môi trường xung quanh. Xu hướng nghệ thuật cho thấy, con người dễ dàng đồng cảm và học hỏi từ những hình ảnh, tấm gương tốt đẹp gần giống với cuộc sống hiện tại của mình. Mức độ giá trị của hiện tượng giả dối phụ thuộc vào những nhu cầu do điều kiện, cách thức tổ chức đời sống của mỗi cá nhân/ cộng đồng quy định. Tùy theo độ phù hợp của hành vi giả dối với chuẩn mực, đạo đức cộng đồng mà hiện tượng giả dối sẽ được đánh giá là thiên về giá trị hay phi giá trị. Giả dối được coi là có giá trị văn hóa khi mang lại lợi ích cho xã hội. Các hiện tượng giả dối được cộng đồng chấp nhận và duy trì lâu dài sẽ trở thành thói quen, nếp sống. 1.3. Điều kiện tồn tại giả dối 1.3.1. Điều kiện tiền đề dẫn đến giả dối: Sau khi phân tích các điều kiện xúc tác dẫn đến giả dối, các tiền đề được xem xét ở hai lĩnh vực lớn là các tiền đề tự nhiên và các tiền đề xã hội. Các tiền đề tự nhiên thể hiện trong hai bình diện: Ở bình diện thế giới khách quan, tiền đề dẫn đến giả dối là tính bất khả tri của thực tế, tính tương đồng và dị biệt của các vật thể; ở bình diện con người chủ thể, tiền đề dẫn đến giả dối là sự tiến hóa bộ não của con người và khả năng thể hiện ý tưởng, mô phỏng thực tế giúp con người cố ý tạo nên những trùng lặp tất nhiên (giả dối) sao cho càng giống với trùng lặp ngẫu nhiên càng tốt. Ở bình diện thế giới chủ quan, tiền đề quan trọng nhất dẫn đến hiện tượng giả dối là nhận thức non yếu, hay là sự thiếu hiểu biết của khách thể. Các tiền đề xã hội tập trung vào sự phát triển của xã hội, kích thước các cộng đồng ngày càng lớn, quy mô ngày càng to, số lượng ngày càng nhiều, các mối quan hệ ngày càng đa dạng khiến cho con người ngày càng khó tiếp cận với sự thật. Các quy luật xã hội tạo nên những khuôn mẫu tư duy của mình theo những chuẩn mực ngầm định của cộng đồng thành những chuẩn mực tạo nên thói quen, nếp ứng xử. Những điều này đã khiến con người luôn gặp phải những tình huống một lúc phải đóng nhiều vai trong xã hội, làm tiền đề cho giả dối phát huy tác dụng. 1.3.2. Điều kiện để thực hiện thành công hành động giả dối: Đề hành động giả dối thành công cần có bốn điều kiện. Điều kiện thứ nhất là chủ thể phải tìm ra lĩnh vực thiếu hiểu biết (vùng ẩn) của khách thể về lĩnh vực ứng xử đang hướng tới. Điều kiện thứ hai là chủ thể phải là người có năng lực tư duy tốt bao gồm tư duy trừu tượng tốt để có thể lợi dụng sáng tạo ra các biến thể của sự thật và trí nhớ tốt nhằm tìm ra đối tượng để định hướng hành động giả dối đồng thờigiúp các hành vi giả dối đã thực hiện không bị phát hiện, khi chủ thể tiếp tục biến báo để duy trì chúng. Điều kiện thứ ba là năng lực tư duy tốt trong một cơ thể khỏe mạnh, minh mẫn đảm bảo đủ khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Điều kiện thứ tư là chủ thể giả dối phải có năng lực điều khiển hành vi tốt đủ để khéo léo mô phỏng sự thật khiến đối tác nhầm lẫn. Chỉ cần thiếu một trong bốn yếu tố trên thì hành động giả dối có nguy cơ bị phát hiện và chủ thể phải trả giá cho hành động của mình. 1.4. Các bình diện của giả dối 1.4.1. Xét theo phương tiện tương tác, giả dối có hai loại chính là nói dối, làm giả và cùng với chúng là loại thứ ba, loại hỗn hợp vừa có làm giả vừa có nói dối. Làm giả là hình thức giả dối lâu đời nhất. Làm giả sử dụng hành động, cử chỉ tương tác để đối tác hiểu sai sự thật không có yếu tố ngôn ngữ đi kèm. Giả dối phi ngôn từ dùng hình thức để đánh lừa người khác nên cũng dễ bị phát hiện bằng cách quan sát. Nói dối dưới dạng ngôn từ hay văn bản thuộc nhóm hành vi giao tiếp (giao tiếp ứng xử), sử dụng ngôn ngữ truyền thông tin sai sự thật nhằm lừa người khác. Nói dối bị giới hạn đối tượng là những người cùng chung một ngôn ngữ. Giả dối hỗn hợp sử dụng cả hai phương tiện nên phổ biến và thông dụng hơn cả vì kết hợp nhiều yếu tố phối hợp với nhau để đạt được hiệu quả cao hơn nhưng cũng dễ bị phát hiện hơn. Người ta có thể phát hiện giả dối hỗn hợp bằng các cách riêng lẻ của giả dối phi ngôn từ và giả dối ngôn từ. 1.4.2. Xét theo phương thức tương tác thì có thể phân biệt hai loại giả dối là giả dối trực tiếp và giả dối gián tiếp. Giả dối trực tiếp là hình thức giả dối mà trong quá trình tương tác, chủ thể và khách thể cùng đối mặt với nhau, có sự tương tác tại chỗ giữa các đối tác. Các thành viên giao tiếp có thể thay đổi vai với nhau thường xuyên, tạo nên những tác động bất ngờ làm thay đổi diễn tiến của hành động giả dối. Giả dối gián tiếp là hình thức tương tác có sử dụng giả dối khi các đối tác không nhìn thấy nhau, các cử chỉ, hành động, cảm xúc tương tác bị hạn chế rất nhiều, không có không gian xung quanh rộng hơn để kiểm chứng. 1.4.3. Giả dối xét theo chủ thể: Theo đối tượng tham gia tương tác, có thể phân biệt giả dối xét theo chủ thể và theo khách thể. Giả dối có chủ thể là cá nhân (giả dối cá nhân) là trường hợp thường xảy ra nhất vì chủ thể tương tác là người chủ động và vì vậy có thể giữ bí mật sự thật ở mức độ cao. Trường hợp đặc biệt là khi chủ thể và khách thể là một. Đó là hiện tượng dối lòng, dối mình, tự lừa dối xảy ra rất phổ biến trên toàn thế giới (tiếng Pháp: se mentir à soi-même, tiếng Nga: самобман, сам обманываться). Giả dối khi chủ thể là một tập thể (giả dối tập thể) là trường hợp khá đặc biệt vì nhận thức của các cá nhân trong tập thể không giống nhau. Để có được hành vi giả dối tập thể thì bao giờ cũng phải có sự bàn bạc, thỏa thuận trước, và đề cử cá nhân hoặc nhóm đại diện thực hiện. Hiện tượng giả dối khi cả chủ thể và khách thể đều là tập thể thì việc giả dối này được gọi là giả dối chính thức. 1.4.4. Giả dối xét theo khách thể: Đối tác của con người trong hoạt động giả dối rất đa dạng: các yếu tố tự nhiên, siêu nhiên, hay chính bản thân con người. Với đối tượng là người cùng cộng đồng, đây là lối giao tiếp nội văn hóa. Những người cùng cộng đồng mặc định là cùng chung ngôn ngữ nên hiện tượng nói dối là phổ biến. Với đối tượng là người ngoài cộng đồng, đây là lối ứng xử xuyên văn hóa. Đại đa số các hành vi giả dối là làm giả bằng các hành động và các phụ kiện hỗ trợ. Với đối tượng là thế giới siêu nhiên và thế giới tự nhiên, đây là lối ứng xử xuyên loài. Trong mối quan hệ với thế giới siêu nhiên, con người dùng nhiều cách để qua mặt ma quỷ, thánh thần, các thế lực linh thiêng. Trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên xung quanh, con người với sự phát triển tư duy vượt trội đã không dừng ở các cách đánh lừa thô sơ để săn mồi làm thức ăn, mà phát triển vượt bậc về thủ thuật, kinh nghiệm và công cụ phục vụ việc câu, bẫy thành nghề kiếm sống. 1.4.5. Giả dối xét theo tình huống ứng xử: Xét theo tình huống, giả dối bao gồm giả dối chủ động và giả dối bị động. Giả dối chủ động là hình thức ứng xử mà trong đó chủ thể chủ ý làm hay nói sai sự thật nhằm đánh lạc hướng khách thể. Có thể nói tính chủ động (vụ lợi) của hiện tượng giả dối càng giới hạn trong một hệ tọa độ có quy mô nhỏ về chủ thể - thời gian - không gian bao nhiêu thì tính phi giá trị / phi văn hoá của nó càng lớn bấy nhiêu. Giả dối đồng thời là công cụ giúp cho chủ thể đối phó với sự bất tiện của sự thật trong cuộc sống (sự thật mất lòng), giả dối trở thành một bộ phận của văn hoá đối phó với những sai sót, khiếm khuyết, bất tiện trong cuộc sống con người, trở thành giả dối bị động. 1.5. Tiểu kết Trên cơ sở 11 định nghĩa ở năm ngôn ngữ khác nhau, chúng tôi đã phân tích các ý nghĩa cấu thành và đưa ra một định nghĩa làm việc về giả dối với ba đặc trưng cơ bản: (a) Về hình thức, là sự đánh giá được gán cho hành động tương tác; (b) Về tính chất của nội dung, là chủ thể đưa ra cái sai sự thật; (c) Về động cơ, là cố ý khiến khách thể tiếp nhận như sự thật. Đồng thời xác định hai đối tượng quan trọng cần khảo sát là (a) Hành động giả dối và (b) Kết quả đánh giá hành động giả dối. Từ các khái niệm“văn hóa”, “giá trị”, “sự thật”, luận án đã đưa ra cách phân biệt “nửa sự thật - giả dối” (do cố ý làm sai lệch so với hiện thực) và nửa sự thật do hạn chế của nhận thức và diễn giải. Từ đó lý giải tính giá trị và phi giá trị của giả dối, đồng thời xác định khả năng các giá trị giả dối trở thành giá trị văn hóa trong đời sống con người. Lý do tồn tại của hành động giả dối được trình bày dưới dạng năm tiền đề tự nhiên và ba tiền đề xã hội cùng bốn điều kiện để thực hiện thành công hành động giả dối. Đây là các điều kiện cần và đủ để hành động giả dối tồn tại trong cuộc sống. Căn cứ vào các thành tố tham gia chi phối hành động tương tác, ứng xử, luận án đã đề xuất năm bình diện (năm cách phân loại) các hiện tượng giả dối: (a) Giả dối xét theo phương tiện tương tác, (b) Giả dối xét theo phương thức tương tác, (c) Giả dối xét theo chủ thể, (d) Giả dối xét theo khách thể, và (e) Giả dối xét theo tình huống ứng xử. Điều này cho thấy các nhóm hành động giả dối rất đa dạng, phong phú và chúng hoạt động tích cực như một cách ứng xử với tự nhiên và xã hội bên ngoài cũng như bên trong đời sống xã hội của con người. Chương 2: HIỆN TƯỢNG GIẢ DỐI NHÌN TỪ VĂN HÓA TỔ CHỨC VÀ ỨNG XỬ 2.1. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử xuyên loài với các lực lượng siêu nhiên 2.1.1. Tổ chức hoạt động giả dối trong các phong tục liên quan đến sự thay đổi vị thế tự nhiên của chủ thể: Vị thế tự nhiên của con người gắn với bản thân đứa trẻ sinh ra theo quy luật tự nhiên (trời sinh), như ngày giờ sinh, nơi sinh, cha mẹ. Khi lỡ sinh ra phải giờ xấu, người Việt thường làm lễ cúng xin đổi tuổi, còn gọi là “Lễ đổi mệnh”, “Lễ cải mệnh”, hay làm “lễ thay cung, hoán số" thay đổi một vài thông số trong số phận như cho con, bán làm con nuôi, hoặc bỏ đường bỏ chợ, bán khoán đứa trẻ..., thực chất là thay tên giả, dùng tuổi giả, người giả thế mạng, tìm thêm bố mẹ giả cho người sinh vào giờ xấu. 2.1.2. Tổ chức hoạt động giả dối trong các phong tục liên quan đến sự thay đổi vị thế xã hội của chủ thể: Trong đời sống hàng ngày, để qua mặt các hiện tượng siêu nhiên, người ta thường hạ thấp vai trò, tầm quan trọng của mình để tránh sự chú ý của ma quỷ, hy sinh một phần quyền lợi của đứa trẻ để bảo vệ chính nó, giảm nhẹ vai trò của những đứa trẻ trong gia đình, che giấu những điều cao quý, đẹp đẽ của đứa trẻ đi để ma quỷ khỏi ghen tức mà làm hại đứa bé. Đối với việc hôn nhân và gia đình thì với những trường hợp cô dâu chú rể không hợp tuổi, gia đình sẽ giấu đi việc trái ý trời đất bằng cách cố ý làm dối như: tổ chức cưới hai lần, làm đám cưới giả, đổi vợ, đổi chồng hay hợp thức hoá bằng cách không theo đầy đủ các lễ nghi truyền thống để qua mặt tổ tiên và các vị thần linh. Để thay đổi tình trạng kinh tế nhằm lừa ma quỷ, người ta có thể mượn tuổi của người thân hoặc mượn người cúng thay, dùng các vật giả hoặc cỗ giả để cúng cho ma quỷ như đốt vàng mã. 2.2. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử với các lực lượng tự nhiên 2.2.1. Tổ chức hoạt động giả dối trong hoạt động săn bắt: Giả dối với đối tác là động vật thể hiện rõ nhất trong việc con người làm các loại cạm, bẫy săn bắt thú. Con người sáng tạo ra hiện trường giả khéo léo sao cho giống như thật nhằm đánh lừa con vật bằng các loại bẫy, mồi, bả.. Từ ghép “cạm bẫy” với nghĩa “bố trí sẵn để lừa” được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Kỹ năng cơ bản để có thể che giấu sự can thiệp của con người và các công cụ đánh bắt từ xa là ngụy trang, biến có thành không. Người ta có thể ngụy trang người và các vật dụng hòa lẫn vào môi trường xung quanh, hoặc biến hình thành thứ khác hấp dẫn hoặc đe dọa, ngăn cản động vật đến gần, xâm phạm vào tài sản của con người. 2.2.2. Tổ chức hoạt động giả dối trong hoạt động thuần hóa và chăn nuôi: Để có thể thuần hóa được các loài hoang dã, con người tạo ra một môi trường giả tương tự, đưa một môi trường mô phỏng vào thay thế nhằm bắt động vật phát triển theo ý con người bằng cách can thiệp vào thức ăn, chỗ ở tùy theo thói quen và cách thức sinh hoạt của các loài. Trong quá trình chung sống, con người luôn có những biện pháp can thiệp và điều chỉnh cuộc sống của vật nuôi theo ý muốn của mình, tùy mục đích lấy thịt, trứng, sữa, da, lông mà có chế độ chăm sóc khác nhau. 2.3. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử nội loài xuyên văn hóa 2.3.1. Kỹ thuật che giấu: Trong chiến tranh, đặc biệt là đấu tranh vũ trang,mục tiêu chiến đấu là tiêu diệt sinh lực địch, giành thắng lợi bằng mọi cách. Các biện pháp giả dối chủ yếu được sử dụng để che giấu là: biến có thành không, biến không thành có, phóng đại hoặc thu nhỏ lại nhằm đánh lừa đối phương. Về hình thức, trong quân sự, ngụy trang là biện pháp tránh đối đầu trực diện, giành thế chủ động chọn thời điểm tấn công. Quan trọng nhất là đánh lừa thị giác đối phương bằng cách thay đổi ngoại hình của bản thân và các vật thể liên quan để chúng lẫn vào môi trường xung quanh. 2.3.2. Kỹ thuật nghi binh: Kỹ thuật nghi binh thực chất là những hoạt động giả nhằm đánh lạc hướng đối phương để che giấu ý đồ, bảo đảm thành công trong các trận chiến đấu. Ở Trung Hoa, Hàn Phi Tử đã có câu nói nổi tiếng: “Binh bất yếm trá” (việc binh tha hồ dối trá). Để đảm bảo chiến thắng trong đánh giặc thì phải Binh giả, quỷ đạo giã (Dùng binh đánh giặc là hành động dối trá). Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, quân đội Việt Nam đã nhiều lần dùng chiến thuật nghi binh để chống lại các lực lượng thiện chiến và trang bị đầy đủ hơn của quân thù. 2.3.3. Kỹ thuật giả dối trong hoạt động du kích: Chiến tranh du kích là cách đánh của kẻ yếu bắt buộc phải đương đầu với kẻ mạnh nên cần dùng cách đánh khôn khéo. Đánh du kích là cách giữ bí mật lực lượng của ta, nghiên cứu kỹ tình hình quân địch, tìm ra điểm yếu, những sơ hở để lừa địch bằng mưu kế, tránh hoặc giảm thiểu đối đầu mà vẫn đạt mục đích là tiêu diệt sinh lực địch. Đây chính là dùng giả dối gián tiếp để tránh đối đầu. 2.3.4. Kỹ thuật giả dối trong hoạt động gián điệp: Đặc thù của nghề gián điệp là làm việc trong lòng địch. Do vậy, yếu tố quan trọng nhất là bí mật (= che giấu sự thật). Vì tính chất này mà gián điệp buộc phải có lý lịch giả, có nhiều tên giả với các giấy tờ, hồ sơ giả tương ứng, khai báo thông tin giả về nhân thân, và trong quá trình hoạt động không ngừng phải giả dối, nói sai sự thật để thực hiện nhiệm vụ và đối phó với nguy cơ bị phát hiện, với triết lý phục vụ lợi ích chính đáng của cộng đồng, trong trường hợp nghề gián điệp là chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Ngược lại, để đối phó với hệ thống gián điệp thì bộ phận phản gián luôn tìm cách phát hiện gián điệp trong hàng ngũ của mình, cũng phải sử dụng thuật giả dối để phá án (= chống giả dối). 2.3.5. Kỹ thuật giả dối trong hoạt động ngoại giao: Nhà ngoại giao nhiều khi phải nói dối để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia và dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà nhà ngoại giao được định nghĩa một cách khôi hài là “người trung thực được cử ra nước ngoài để nói dối vì lợi ích quốc gia”. Vì danh dự quốc gia, các nhân viên trong ngành ngoại giao phải tuân thủ các quy tắc thành văn và bất thành văn trong những giao tiếp quốc tế đa văn hóa. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà ngoại giao phải phân thân, quên đi những suy nghĩ, mong muốn của cá nhân mình, mà nhập vai vì quyền lợi lâu dài của quốc gia và “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để bảo vệ sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi diễn tiến kinh tế, chính trị, quân sự khu vực và quốc tế. 2.4. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử nội văn hóa 2.4.1. Tổ chức hoạt động giả dối phục vụ lợi ích tập thể, cộng đồng: Xã hội tồn tại và phát triển nhờ có hệ thống chuẩn mực và đạo đức xã hội cùng với luật pháp giúp điều chỉnh để xã hội vận hành theo đúng hướng, tạo điều kiện cho con người sống bình an, hạnh phúc. Các hành động giả dối được sử dụng để chống lại hành động phá vỡ chuẩn mực, làm rối loạn xã hội, gây nguy hiểm cho cá nhân và tập thể, đi ngược lại với lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng cần bị trấn áp để tránh hậu họa cho dân lành nói riêng và cả xã hội nói chung, giải quyết các mâu thuẫn đối kháng giữa cá nhân với tập thể hoặc mâu thuẫn giữa các tập thể với nhau theo các quy ước chung của từng tập thể, được cộng đồng chấp nhận. 2.4.2. Tổ chức hoạt động giả dối phục vụ lợi ích cá nhân: Các hành động giả dối mang lại lợi ích cá nhân đồng thời phải không làm tổn hại đến tập thể, xã hội mới có thể được cộng đồng chấp nhận. Loại này có thể quy về ba nhóm: (1) các hành động giả dối mang tính giải trí được đưa ra trình diễn, công bố cho đông đảo quần chúng thưởng thức mang lại giá trị tinh thần, sự hứng khởi cho người thưởng thức (như ảo thuật, kịch, điện ảnh); (2) Các hành động giả dối vì lòng tốt, nhân ái hỗ trợ, giúp đỡ những người xung quanh mình, đặc biệt là những người yếu thế gặp khó khăn, khiếm khuyết hoặc bị đẩy ra ngoài lề xã hội (như bác sĩ – bệnh nhân) và (3) hành động tự lừa dối bản thân (dối lòng). 2.5. Tiểu kết Trên cơ sở phân tích khái niệm ứng xử và giả dối trong hệ thống ứng xử, xét về mức độ mâu thuẫn trong tương tác thì giả dối hoạt động tốt trên cả hai lĩnh vực tương tác dựa trên mâu thuẫn và tương tác trung tính (không mâu thuẫn). Trong ứng xử xuyên loài với siêu nhiên là những thế lực vô hình, con người sử dụng hai cách giả dối: cách thay thế các yếu tố tự nhiên trong đời sống những con người kém may mắn, yếu đuối cần bảo vệ, bằng các yếu tố khác tương tự và cách thay đổi vị thế xã hội của họ bằng cách tăng, giảm hoặc sử dụng đồ giả kém hơn để lừa các thế lực siêu nhiên. Trong ứng xử xuyên loài với giới tự nhiên, con người có hai mục đích khác nhau: săn bắt và thuần dưỡng vật nuôi. Trong hai hình thức này thì cách chủ yếu là dùng bẫy, mồi nhử và ngụy trang để lừa con vật vào thế do con người chủ động đặt ra. Sự khác biệt chủ yếu là đối với vật nuôi, quá trình diễn ra từ từ, lặp lại có cải tiến khiến cho con vật bị thuần dưỡng dần dần từ thú hoang thành vật nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào con người. Trong ứng xử nội loài xuyên văn hóa, giả dối có giá trị khi mang lại lợi ích cho dân tộc trong trường hợp ứng xử giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc. Đây là loại ứng xử sử dụng các phương tiện và cách thức tương tự như ứng xử với tự nhiên trong trường hợp săn bắt, song chúng tinh vi hơn và triệt để hơn ở chỗ triển khai đồng thời trên nhiều mặt trận: đấu tranh vũ trang (kỹ thuật che giấu và nghi binh), đấu tranh du kích, đấu tranh gián điệp và đấu tranh ngoại giao. Trong ứng xử nội văn hóa, tất cả các hành động giả dối mang lại lợi ích cho cộng đồng để đảm bảo quyền lợi của số đông trong việc duy trì và phát triển cuộc sống. Ở đây, xem xét, phân tích một số hoạt động mang tính nghiệp vụ của công an, các nhà lãnh đạo – quản lý xã hội. Đối với những giá trị của hành động giả dối mang lợi ích cá nhân cần phân tích rõ từng trường hợp, trong đó điều kiện tiên quyết là không ảnh hưởng tới lợi ích tập thể. Chương 3: HIỆN TƯỢNG GIẢ DỐI NHÌN TỪ VĂN HOÁ TẬN DỤNG VÀ LƯU LUYẾN 3.1. Các đặc trưng bản chất của giả dối 3.1.1. Tính chủ động của giả dối: Giả dối là loại hành động có sự tham dự của trí tuệ, sự sắp đặt trước đã tạo ra bước tiến vượt bậc hướng tới mục đích bảo vệ những thứ mình đang có, đồng thời tăng thêm lợi ích và vị thếcho mình. Người ta có thể thiết kế từng hành động đơn lẻ, và cũng có thể xây dựng các tổ hợp hoặc các chương trình lớn dựa trên các hành động giả dối như một chiến dịch lừa đảo. Giả dối là công cụ giúp con người đạt được thành công trên cả hai bình diện bảo vệ và tấn công, trong đó thiên về tấn công hơn. Giả dối là hành động có động cơ được xác định trước của chủ thể và có đích tới là khách thể bị lừa, do vậy giả dối có tính chủ động cao, có mục đích hướng tới kết quả là lừa người khác. 3.1.2. Tính phổ biến của giả dối: Giả dối có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi. Tính phổ biến của giả dối được ghi nhận trong nhiều tài liệu khác nhau như kho tàng tục ngữ của nhiều dân tộc, trong Kinh Thánh, trong các kết quả nghiên cứu điều tra và cả những nhận xét của các nhà văn, người nổi tiếng Ngày nay, do ảnh hưởng của giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào cuộc sống khiến xã hội phát triển ngày càng nhanh mà quan niệm về đạo đức, giá trị cũng có nhiều thay đổi. Cách nhìn nhận về giả dối cũng có nhiều sự khác biệt so với truyền thống càng khiến giả dối càng trở nên phổ biến hơn. 3.1.3. Tính nhất thời của giả dối: Giả dối luôn thiếu tính chân thật, và do vậy, nó không thể và không bao giờ có thể trở thành giá trị phổ quát, giá trị vĩnh cửu. Bản chất của giả dối là thiếu tính chân thật, nên giả dối luôn chỉ có giá trị nhất thời do sự biến động của bối cảnh, chuẩn mực xã hội ở từng thời điểm khác nhau. Giả dối và các giá trị của nó mang tính nhất thời, khi những giá trị này thay đổi và không còn phổ biến nữa, có nguy cơ biến mất, thì người ta có xu hướng hồi tưởng, ghi nhớ để trao truyền cho các thế hệ sau. 3.1.4. Tính tương đối của giá trị giả dối: Giá trị của giả dối được đánh giá dựa trên cơ sở triết lý, kinh nghiệm sống và thang đo của các cá nhân, cộng đồng tiếp nhận, và kết quả rất khác nhau. Tính giá trị phái sinh phụ thuộc vào đối tác trong tương tác, dễ bị thay đổi khi có các yếu tố bên ngoài tác động vào khiến cho cách đánh giá giá trị của giả dối biến đổi theo thời gian, phụ thuộc vào quan niệm đạo đức xã hội và những quy định, pháp luật. Xét về mặt không gian, giá trị của giả dối phụ thuộc vào loại hình văn hóa, thể chế chính trị, năng lực kinh tế văn hóa. 3.2. Các công dụng của giả dối 3.2.1. Tránh căng thẳng, mâu thuẫn nhất thời: Khi sự thật thô bạo, phũ phàng và bất tiện, giả dối là phương tiện để đối phương không biết sự thật, giúp cho quá trình nhận biết sự thật chậm lại, giúp tránh căng thẳng, tránh mâu thuẫn nhất thời. Giả dối được con người lựa chọn như một cách làm cho cuộc sống của mình dễ chịu hơn, tránh gây tổn thất cho các bên đối tác, tránh làm người khác đau lòng, bất bình. Trong giao tiếp trực tiếp, nói dối hiển nhiên là có tác dụng rất lớn trong việc tránh căng thẳng, mâu thuẫn, trong khi nói thẳng, nói thật có thể gây mất lòng, mất thể diện cho đối tác, gây hoang mang, mất tình cảm, đoàn kết giữa các bên. 3.2.2. Điều chỉnh và làm chủ quá trình tương tác: Để có cuộc sống ổn định, để bảo vệ khu vực riêng tư cần tôn trọng, trong một số trường hợp, giả dối có thể tận dụng như một công cụ hữu hiệu nhằm điều chỉnh và làm chủ mối quan hệ giữa các bên theo đúng phạm vi cho phép của cá nhân cũng như của môi trường và hoàn cảnh xã hội để làm cho cuộc sống của mình dễ chịu hơn. Bằng cách không cung cấp thông tin thật và mức độ khác biệt giữa sự thật và giả dối có thể cho thấy mức độ tình cảm hay sự gần gũi trong các mối quan hệ giữa các đối tượng tham gia tương tác. Tùy theo ý muốn chủ quan của mình, chủ thể có thể điều chỉnh mức độ, khoảng cách theo ý muốn. M.L. Krasnikov gọi chức năng này của giả dối là “phương tiện điều chỉnh giao tiếp cá nhân”. 3.2.3. Chỉ báo khoảng cách giữa các đối tác: Giả dối là hiện tượng tương tác không cùng chung mục đích khi tồn tại mâu thuẫn không thể giải quyết giữa các đối tác. Khách thể muốn tìm hiểu sự thật, nhưng chủ thể lại xây dựng, mô phỏng sự thật để che giấu mục đích của mình. Giả dối được sử dụng để điều chỉnh khoảng cách và đồng thời làm chỉ báo khoảng cách xã hội (mức độ thân mật) giữa các đối tác thông qua nội dung của hành động ứng xử. Chủ đề của câu chuyện giao tiếp giữa các thành viên nói lên mối quan hệ thân – sơ/ gần – xa giữa họ. Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên, việc dùng các loại bẫy khác nhau thể hiện các mối quan hệ khác nhau. Tương tự, người ta dùng dùng mồi để bắt sống con vật, còn dùng bả để lừa giết con vật. Trong chiến tranh để tiêu diệt đối phương, người ta sử dụng các loại bẫy sát thương vì chúng là kẻ thù không đội trời chung trong cuộc chiến một mất một còn. Trong các cuộc chiến chống tội phạm, dù là tội phạm nguy hiểm, cảnh sát, công an chỉ dùng các biện pháp lừa tội phạm nhẹ nhàng hơn, ít gây thương tích nặng. 3.2.4. Đánh lạc hướng đối tác: Ích lợi quan trọng thứ tư, và cũng có vẻ rõ ràng nhất của giả dối, là đánh lạc hướng đối tác, hướng đối tác đi chệch ra khỏi mục tiêu để không biết sự thật. Chính vì chức năng này mà giả dối còn được gọi là lừa dối (lừa bằng thủ đoạn giả dối).Điều này có thể thực hiện khi thiết kế thêm các mục tiêu giả song song với mục tiêu thật làm phân tâm đối tác. Sử dụng thuật nghi binh làm rối loạn tầm kiểm soát và đánh lạc hướng của đối phương được sử dụng nhiều trong quân sự. 3.2.5. Khuyến khích suy nghĩ năng động và khả năng bao quát: Giả dối làm nên những lợi ích phù hợp và tiện dụng theo thời gian, song lại dễ thay đổi, mang tính nhất thời. Tính chủ động, sự năng động, uyển chuyển của giả dối mang lại những lợi ích mới, thay thế, đào thải những yếu tố cũ, lạc hậu, thuận lợi cho việc tiếp thu cái mới trong giao lưu. Giả dối, vì thế, có tác dụng phá vỡ sự trì trệ của xã hội và kích thích xã hội phát triển, khuyến khích suy nghĩ năng động và khả năng bao quát được con người tận dụng để phục vụ cho cuộc sống của mình. Công dụng này của giả dối được thể hiện rõ trong các hoạt động giáo dục, chính trị, nghệ thuật 3.3. Cách giáo dục giả dối 3.3.1. Giáo dục giả dối trong gia đình: Ngay từ khi còn nhỏ, đứa trẻ đã được tiếp xúc với giả dối bằng những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn với khá nhiều tình huống mà trong đó xuất hiện hiện tượng nói dối hoặc làm giả, những trò chơi mô phỏng thực tế cuộc sống xã hội với nhân vật do các em tự đóng vai. Trẻ em được ông bà, cha mẹ hướng dẫn cách dạy không làm phiền người khác, kiềm chế cảm xúc, làm vui lòng người khác khiến những đứa trẻ tinh khôn có thể thực hành những hành động lừa dối từ rất nhỏ. Mặt khác, những hành động, lời nói của người lớn là khuôn mẫu để trẻ học theo. 3.3.2. Giáo dục giả dối ở trường học: Trong trường học, học sinh cũng được làm quen với giả dối từ rất sớm. Trong các sách ở bậc tiểu học đã có một số bài học chứa các hành động làm giả hay nói dối với mục tiêu là thông qua đó để dạy lối sống trung thực hoặc dạy cách tận dụng giả dối để phục vụ cho cuộc sống của mình. Các em được khuyến khích học theo hành động giả dối được xem là khôn ngoan trong các truyện được đưa vào sách giáo khoa các cấp. Một số hoạt động thường xuyên trong các trường phổ thông được tập luyện, phân công dàn dựng trước vô tình trở thành bài học về cách sống giả dối đối với học sinh. 3.3.3. Giáo dục giả dối ngoài xã hội: Người ta học được nhiều bài học về nói dối, làm giả từ truyền thống văn hóa dân tộc và những việc làm đang xảy ra ngoài xã hội. Những hành động giả dối mang lại giá trị văn hóa trong ứng xử là những bài học trực quan, gần gũi dễ thực hành. Trong đời sống xã hội có rất nhiều các đồ giả, các trò chơi giải trí đi vào cuộc sống giúp ích cho con người. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, truyền thông thông minh, “xã hội ảo” ra đời đem lại những điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp thông tin không đúng sự thật. Trong đời sống hàng ngày, người ta cũng bày cho nhau những cách thức bảo vệ bản thân, gia đình, tài sản có những yếu tố nói dối hay làm giả. 3.4. Văn hóa lưu luyến giả dối 3.4.1. Lưu luyến giả dối trong các loại hình nghệ thuật: Những quan tâm, gắn bó với giả dối, làm giả khiến người ta lưu giữ trong nhiều loại hình nghệ thuật và bằng nhiều hình thức khác nhau. Về mặt nội dung, các loại hình âm nhạc, điện ảnh, văn học, đặc biệt là văn học dân gian lưu giữ khá nhiều kinh nghiệm liên quan tới giả dối mang tính hai mặt: Một mặt là cảnh báo, lên án, phê phán các hiện tượng giả dối, nhưng mặt khác cũng khẳng định sự cần thiết của giả dối trong cuộc sống, khuyến khích việc tận dụng nó. 3.4.2. Lưu luyến giả dối trong đời sống thực tiễn: Các loại hình nghệ thuật đến lượt mình ảnh hưởng trở lại thực tiễn khiến cho cuộc sống phát triển đa dạng hơn, phong phú hơn dưới các hình thức mới phục vụ cho con người. Ở nhiều nước trên thế giới còn lưu luyến, lưu giữ được hình ảnh những sản phẩm liên quan đến hành vi giả dối bằng các lễ hội như lễ hội bù nhìn, lễ hội Halloween, ngày nói dối Cá tháng Tư, các lễ hội hóa trang giúp giải tỏa cuộc sống khỏi các ràng buộc xã hội. Và cái hại của sự giả dối cũng được ghi nhận, nhắc nhở, nhằm đưa con người hướng tới sự trung thực như cảnh báo sự trừng phạt giả dối bằng biểu tượng cậu bé gỗ Pinocchio mũi dài. 3.5. Tiểu kết Giả dối như một hành động thuộc hệ thống ứng xử mang lại lợi ích xét từ góc độ tình cảm trong những tình huống cụ thể có bốn đặc trưng bản chất: (a) Tính chủ động, (b) Tính phổ biến, (c) Tính nhất thời, (d) Tính tương đối. Trên cơ sở khai thác các đặc trưng này phục vụ cho lợi ích của mình, văn hoá tận dụng giả dối đã phát huy năm ích lợi (giá trị) cơ bản của giả dối là: (a) Tránh căng thẳng, mâu thuẫn nhất thời, (b) Điều chỉnh và làm chủ quá trình tương tác, (c) Chỉ báo khoảng cách giữa các đối tác, (d) Đánh lạc hướng đối tác, và (e) Khuyến khích suy nghĩ năng động và khả năng bao quát. Để phát huy được các ích lợi (giá trị) của giả dối, văn hoá tận dụng giả dối của các dân tộc đã tiến hành việc giáo dục giả dối trên ba bình diện: (a) Giáo dục trong gia đình; (b) Giáo dục ở trường học; (c) Giáo dục ngoài xã hội Bên cạnh văn hoá tận dụng, văn hóa lưu luyến giả dối đã lưu giữ lại các đặc tính, các ý nghĩa và bản thân các hiện tượng giả dối trong những liên tưởng tới các hiện tượng khác khiến người ta nghĩ đến giả dối trong hai bình diện: (a) Lưu luyến giả dối trong các loại hình nghệ thuật; (b) Lưu luyến giả dối trong đời sống thực tiễn. Chương 4: HIỆN TƯỢNG GIẢ DỐI NHÌN TỪ VĂN HOÁ ĐỐI PHÓ 4.1. Tính phi giá trị của giả dối 4.1.1. Tính phi giá trị của giả dối nhìn từ quan hệ: Xã hội được xây dựng ổn định dựa trên niềm tin, sự tin tưởng, gắn kết lẫn nhau giữa các thành viên. Giả dối là hành động nói hay làm không đúng sự thật, đánh lừa đối tác, sẽ gây hiểu nhầm, dẫn đến làm mất lòng tin, gây những xáo trộn đáng kể trong quản lý con người và cơ cấu xã hội. Đây là sự vi phạm đạo đức rất lớn khiến nó trở thành yếu tố phi giá trị, phi văn hoá. Về mặt cá nhân, hành động giả dối xúc phạm nghiêm trọng thể diện của khách thể. Trong xã hội hiện đại đang công nghiệp hoá, đô thị hoá, thiếu sự quản lý chặt chẽ tạo môi trường lý tưởng cho giả dối phát triển, đặc biệt là giả dối phi văn hoá. 4.1.2. Tính phi giá trị của giả dối nhìn từ suy nghĩ, tình cảm: Để tránh bị phát hiện và trừng phạt, khi thực hiện hành vi giả dối nói chung và nói dối nói riêng − nhất là nói dối chủ động − người bình thường sẽ phải trải qua nhiều cảm xúc tâm lý căng thẳng và phức tạp. Các nhà tâm lý học Nga đã tổng kết bốn loại cảm xúc có thể xảy ra khi làm giả hoặc nói dối tương ứng với bốn giai đoạn của hành động, đó là: (1) Cảm giác tội lỗi; (2) Nỗi sợ hãi; (3) Phấn kích do căng thẳng - cảm giác toàn năng; (4) Xấu hổ. Ngoài ra, các áp lực xã hội khi giả dối có khả năng bị phát giác hay niềm tin bị xói mòn sẽ khiến cho người ta lo lắng. Ngay cả khi những lời nói dối không bị phát giác thì người nói dối vẫn có cảm giác bị lương tâm cắn rứt. 4.1.3. Tính phi giá trị của giả dối nhìn từ lợi ích: Nhìn từ góc độ lợi ích thìcác truyền thống đạo đức và văn hoá khác nhau đều xem nó như một hiện tượng về cơ bản là phi giá trị. Các nền văn hoá phương Tây với truyền thống coi trọng vai trò cá nhân, tư duy theo lối phân tích duy lý, dẫn đến giao tiếp theo lối trực khởi, chuộng cách giao tiếp theo lối nói thẳng, nói thật, coi nói dối là biểu hiện của sự yếu đuối, bất lực, là hiện tượng tội lỗi, chống lại người khác và chống lại chính mình. Trong các nền văn hoá phương Đông, quan niệm đạo đức phổ biến ở đây là lên án những cá nhân có thái độ, hành động giả dối chỉ vì lợi ích của riêng mình mà gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng. 4.2. Văn hóa phát hiện giả dối 4.2.1. Phát hiện trực tiếp: Trong giao tiếp ứng xử, sự khác biệt, mâu thuẫn giữa thông tin nguồn và thông tin nhận được trong nhiều trường hợp là dấu hiện và bằng chứng của sự giả dối. Việc so sánh đối chiếu hiện tượng/ sự vật bị nghi ngờ với các chuẩn mực mà ta đã biết là phương pháp chủ yếu giúp phát hiện giả dối. Trong trường hợp đặc biệt quan trọng, xã hội đã phải thành lập hẳn những ngành nghề mới (như nghề phản gián trong hoạt động quân sự, nghề kiểm toán trong hoạt động kinh tế - tài chính). 4.2.2. Phát hiện gián tiếp: Sự giả dối có thể bị phát hiện gián tiếp thông qua những biểu hiện khác thường của gương mặt, cử chỉ, lời nói. Các nhà tâm lý học đã tìm ra một số đặc điểm thường gặp trong hành vi, cách thức ứng xử... của người lừa đảo, người nói dối. Về hành động, các động tác thiếu tập trung, có xu hướng chú ý nhiều các chi tiết nhỏ, thường ít cử động hơn. Về lời nói, giọng nói căng thẳng và cao hơn, có xu hướng thanh minh, lý giải kỹ lưỡng, dài dòng Dựa trên các đặc điểm tâm lý của người lừa đảo, người nói dối, cùng với kỹ thuật phát triển, các nhà khoa học Mỹ đã sáng chế ra hàng loạt thiết bị kỹ thuật giúp phát hiện nói dối ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. 4.3. Văn hóa xử lý giả dối 4.3.1. Xử lý trực tiếp: Cách xử lý trực tiếp đối với hành vi giả dối là trừng phạt. Với truyền thống cấm giả dối một cách triệt để trong đời sống hàng ngày thì, trong văn hóa phương Tây, hình ảnh cậu bé gỗ mũi dài Pinocchio có thể xem là biểu tượng của văn hóa trừng phạt giả dối. Giả dối chủ động, giả dối vụ lợi làm mất niềm tin ở mức độ nhẹ thì bị trừng phạt bằng cách bị xã hội lên án, phê phán như một hành vi vi phạm đạo đức xã hội, mức độ nặng hơn có thể phải chịu những phản ứng nặng nề từ phía khách thể (chửi mắng, đánh đập), thậm chí bị cơ quan pháp luật can thiệp khi phạm phải các điều khoản quy định tại các bộ luật. 4.3.2. Xử lý gián tiếp: Việc xử lý gián tiếp tội giả dối thường diễn ra khi người bị hại không có điều kiện, không có phương tiện, không đủ quyền lực để xử lý nên phải nhờ đến người khác, lực lượng khác, thông qua một cách khác để trừng phạt kẻ đã thực hiện hành vi giả dối. Ngoài ra, còn có cách xử lý gián tiếp mang tính tiêu cực là người bị hại nhẫn nhịn, bỏ qua và chấp nhận hy sinh, thiệt hại về mình, từ bỏ một phần quyền lợi vật chất và/hoặc tinh thần của mình hoặc chờ đợi ứng báo từ một lực lượng siêu hình. 4.4. Văn hóa phòng ngừa giả dối 4.4.1. Phòng ngừa trực tiếp: Bệnh giả dối có thể phòng ngừa trực tiếp bằng cách tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ. Để phòng ngừa và có cơ sở trừng phạt các hành vi giả dối, người ta thường sử dụng rộng rãi các biện pháp chế tài với hình thức cam kết bằng văn bản hoặc trải qua cuộc phỏng vấn để kiểm tra, yêu cầu minh chứng kèm theo. Nhà nước luôn có những điều khoản quy định mang tính pháp luật về việc trừng phạt giả dối để răn đe, khiến người ta lo sợ các hình phạt mà không dám vi phạm; còn khi đã vi phạm rồi thì dùng làm cơ sở để xử lý. 4.4.2. Phòng ngừa gián tiếp: Để có thể phòng ngừa giả dối, tránh bị lợi dụng, khách thể chỉ có cách duy nhất là nâng cao năng lực hiểu biết của mình để dập tắt mọi âm mưu lừa đảo hướng tới bản thân. Biện pháp khác thường được áp dụng để phòng ngừa là nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng với cả kho kinh nghiệm về các cách phòng ngừa giả dối. Để có thể phòng ngừa giả dối gián tiếp một cách hiệu quả, một phẩm chất quan trọng cần được rèn luyện là phải học cách biết nghi ngờ, tránh cả tin một cách ngây thơ. 4.5. Tiểu kết Trong chương 4, chúng tôi đã tiến hành khảo sát mặt phi giá trị, phi văn hoá của hiện tượng giả dối nhìn từ mối quan hệ của chủ thể với khách thể và cộng đồng, chỉ ra cơ chế tâm lý của quá trình này thể hiện qua tâm lý, tình cảm và nhìn từ góc độ lợi ích, xem xét thái độ của xã hội đối với nó. Từ đó,luận án đi vào trình bày về văn hóa đối phó với giả dối, được cụ thể hóa thành ba lĩnh vực là văn hóa phát hiện giả dối, văn hóa xử lý giả dối, và văn hóa phòng ngừa giả dối. Luận án đã tập hợp và phân tích một cách hệ thống các sự kiện, hiện tượng, số liệu theo góc nhìn thống nhất là góc nhìn văn hoá học, một cơ sở lý luận thống nhất là hệ thống lý thuyết đã xây dựng ở chương 1. Tất cả nhằm cung cấp một bức tranh chân thực và khách quan về thực trạn gmặt phi văn hoá của hiện tượng giả dối ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, góp phần lý giải vì sao việ cgiả dối (phi văn hoá) tuy bị ngăn cấm sử dụng, song nó vẫn luôn tồn tại, và, do vậy, song song với sự phát triển của giả dối là sự phát triển của các biện pháp đối phó (phát hiện, xử lý và phòng ngừa) giả dối trong xã hội. KẾT LUẬN Giả dối là một hiện tượng xã hội mang tính hai mặt có phần thiên về phi giá trị. Mặc dù luôn bị kỳ thị, cấm đoán, song giả dối vẫn tồn tại rất phổ biến trong đời sống xã hội và xuất hiện khá nhiều trong các loại hình văn hóa dân gian, văn hóa nghệ thuật phục vụ các nhu cầu đa dạng của con người trên khắp thế giới. 1. Nhận thức về giả dối quan trọng nhất là phải nhận diện được khái niệm qua định nghĩa. Giả dối là sự đánh giá được gán cho hành động tương tác mà trong đó chủ thể đưa ra cái sai sự thật một cách cố ý khiến khách thể tiếp nhận như sự thật. Định nghĩa này chứa dựng ba đặc trưng cho phép nhận diện khái niệm giả dối: (1) Về hình thức, giả dối là một sự đánh giá được gán cho hành động tương tác; (2) Về tính chất nội dung, giả dối là hành động của chủ thể đưa ra cái sai sự thật; (3) Về động cơ, giả dối có mục đích cố ý khiến khách thể tiếp nhận như sự thật. Tổng hợp các quan điểm về các khái niệm“văn hóa”, “giá trị”, “sự thật”, luận án đã đưa ra cách phân biệt “nửa sự thật - giả dối” (do cố ý làm sai lệch so với hiện thực), nửa sự thật do hạn chế của nhận thức và diễn giải. Giả dối là hiện tượng xã hội mang tính hai mặt rõ rệt tồn tại phổ biến từ rất lâu đời. 2. Các khía cạnh của hiện tượng giả dối nhìn từ lĩnh vực văn hóa tổ chức và ứng xử được xem xét theo các khía cạnh tổ chức giả dối trong tương quan với các lĩnh vực giả dối riêng biệt của chủ thể với các khách thể thuộc các nhóm: (1) Giả dối xuyên loài gồm các đối tác là các đối tượng siêu nhiên, các đối tượng tự nhiên, (2) Giả dối nội loài xuyên văn hoá với các đối tượng con người ở các nền văn hoá khác và (3) Giả dối nội văn hoá gồm các đối tượng con người cùng nền văn hoá với chủ thể. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử xuyên loài với các lực lượng siêu nhiên được xem xét trình bày dưới hai phương thức tổ chức giả dối trong các phong tục là (1) Thay đổi vị thế tự nhiên của chủ thể và (2) Thay đổi vị thế xã hội của chủ thể. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử xuyên loài với các lực lượng tự nhiên được xem xét trình bày dưới hai loại hoạt động là: (1) Hoạt động săn bắt và (2) Hoạt động thuần hóa thú vật và chăn nuôi. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử xuyên văn hóa chủ yếu nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc và đất nước, diễn ra trong bốn lĩnh vực: (1) Đấu tranh vũ trang gồm hai phương thức quan trọng là ngụy trang và nghi binh đánh giặc; (2) Đấu tranh du kích; (3) Đấu tranh gián điệp và (4) Đấu tranh ngoại giao. Tổ chức hoạt động giả dối trong ứng xử nội văn hóa là nhóm phức tạp nhất với đầy đủ cả ba phương thức hoạt động nói dối, làm giả và hỗn hợp, được xem xét trong quan hệ với cả lợi ích cộng đồng và cá nhân, trong đó tất cả các hoạt động giả dối mang lại lợi ích cho cộng đồng đều là giá trị văn hóa; còn giả dối phục vụ lợi ích cá nhân chỉ là giá trị văn hóa khi có thêm điều kiện đủ là không xâm hại lợi ích tập thể và lợi ích chính đáng của các nhân khác. 3. Văn hoá tận dụng giả dối khai thác mặt giá trị của nó. Sau khi xác định đầy đủ các trường hợp giả dối có giá trị, chúng tôi thấy nổi bật lên bốn đặc trưng bản chất của giả dối, từ đó rút ra được năm công dụng cơ bản của giả dối trong ứng xử, đó là: (1) Tránh căng thẳng, mâu thuẫn nhất thời; (2) Điều chỉnh và làm chủ quá trình tương tác; (3) Chỉ báo khoảng cách giữa các đối tác; (4) Đánh lạc hướng đối tác và (5) Khuyến khích suy nghĩ năng động và khả năng bao quát. Từ góc nhìn giá trị của giả dối, luận án đã chỉ ra những biện pháp giáo dục giả dối đang được áp dụng trong cả ba lĩnh vực giáo dục: gia đình, trường học và xã hội. 4. Văn hóa tận dụng giả dối có nhiệm vụ tìm ra những lợi ích, công dụng của giả dối để khai thác chúng phục vụ trực tiếp cho đời sống hàng ngày. Và do sử dụng hàng ngày nên giả dối (cũng như nhiều hiện tượng văn hóa khác) trở nên gần gũi và thân thiết. Nhu cầu lưu giữ giả dối khi không có nó tạo nên văn hóa lưu luyến giả dối. Những liên tưởng nhiều chiều từ giả dối và từ nhiều chuyện khác liên quan đến giả dối đượcxem xét dưới hai lĩnh vực: (1) trong nghệ thuật – nơi phản ánh cuộc sống bằng sáng tạo nghệ thuật và (2) trong đời sống thực tiễn dưới các hình thức lễ hội, bảo tàng. Sự tồn tại của ngày Cá Tháng Tư ở phương Tây, các làng nói phét, các nhân vật nói khoác ở Việt Nam là những bảo tàng sống sinh động về giá trị của hiện tượng giả dối. 5. Văn hóa đối phó với giả dối bắt đầu từ việc xác định tính phi giá trị của giả dối, thể hiện trong mối quan hệ của chủ thể với khách thể và cộng đồng qua tâm lý, tình cảm và qua góc nhìn từ góc độ lợi ích, xem xét thái độ của xã hội đối với nó. Từ đây, luận án đi vào khảo sát ba lĩnh vực văn hóa đối phó với giả dối là văn hóa phát hiện giả dối, văn hóa xử lý giả dối, và văn hóa phòng ngừa giả dối. Mỗi lĩnh vực này đều được xem xét dưới hai khía cạnh là trực tiếp và gián tiếp. 6. Xuyên suốt bốn chương là vấn đề giả dối nhìn từ các loại hình văn hoá trọng âm và trọng dương, trọng tĩnh và trọng động, gốc nông nghiệp và gốc du mục, phương Đông và phương Tây. Qua việc so sánh - đối chiếu hiện tượng giả dối từ góc độ loại hình văn hoá cho thấy rằng tùy theo truyền thống và các hệ thống giá trị văn hóa ở các khu vực khác nhau mà giả dối được phát huy ở các mức độ khác nhau và các thời điểm khác nhau. Ở các nền văn hoá thuộc loại hình trọng âm truyền thống (như Việt Nam và Đông Nam Á), trong phạm vi ứng xử hẹp kiểu cộng đồng làng xã, trật tự xã hội được duy trì bằng cơ chế dư luận, con người ít có cơ hội vụ lợi mà phải luôn bảo vệ thể diện cho người khác và cho chính mình, hoặc giả vờ bảo vệ thể diện cho người khác để bảo vệ thể diện của chính mình. Các lối ứng xử tế nhị theo kiểu du di làm vừa lòng người khác với một trong những biện pháp phổ biến là nói dối và làm giả giúp tạm thời làm giảm căng thẳng trong các cuộc tiếp xúc hàng ngày. Ở các nền văn hoá thuộc loại hình trọng dương truyền thống (như các dân tộc phương Tây) thì, ngược lại, người ta xây dựng một xã hội vận hành theo pháp luật, cấm đoán nghiêm khắc các hành vi giả dối, có những biện pháp và hình thức chế tài chặt chẽ từ phòng ngừa tới phát hiện, đã làm nảy sinh nhu cầu giải tỏa việc cấm đoán này bằng lễ hội nói dối (ngày Cá Tháng Tư) để xả ức chế và cũng là một cách giáo dục nói dối cho người dân. Việc xem xét một số tư liệu về nhóm các dân tộc thuộc loại hình văn hóa trung gian (như khu vực Đông Bắc Á) cho thấy, họ một mặt vừa cấm giả dối, nhưng mặt khác lại vừa công khai khuyến khích khi thấy giả dối phù hợp với tôn chỉ, mục đích của họ (nhất là khi liên quan đến quyền lợi tôn giáo hoặc quyền lợi quốc gia). 7. Trong thời kỳ giao lưu, tiếp biến văn hoá toàn cầu, những giá trị của văn hóa trọng âm, trọng tĩnh (ở Đông Nam Á nói riêng và một phần ở khu vực Đông Bắc Á) được các nền văn hóa trọng dương, trọng động (phương Tây) tiếp nhận và ngược lại, làm cho phương Tây và phương Đông trở nên gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Những hiện tượng cụ thể như giả dối cũng đang trải qua những biến đổi đáng kể theo hướng này. Giả dối có thể phát huy mạnh mẽ tác dụng của mình trong các trường hợp ứng xử xuyên loài và xuyên văn hóa khi xuất hiện mâu thuẫn về lợi ích. Việc nghiên cứu những hiện tượng như giả dối nhằm mục đích phát huy mặt giá trị và khống chế mặt phi giá trị của nó, giúp mang lại không khí lành mạnh cho xã hội trong xu thế toàn cầu hóa và thế giới của nền văn minh hậu công nghiệp là công việc thực sự cần thiết hiện nay. Phương Tây có truyền thống quan niệm giả dối là không thể tha thứ được thì nay họ đã và đang hiểu ra rằng việc phân chia quá chi li vai trò từng người trong dây chuyền hoạt động lâu nay chính là một sự tự lừa dối, làm con người không phát triển toàn diện. Học tập phương Đông, con người phương Tây ngày nay đã trở nên mềm mại hơn, sẵn sàng làm vui lòng những người xung quanh bằng các cách có thể, kể cả nói dối, mà họ gọi là “nói dối vô hại” (white lie). 8. Do trọng tình, trọng quan hệ, trọng thể diện, háo danh mà trong ứng xử cũng như trong giao tiếp, người phương Đông, đặc biệt là người Việt chú trọng nhiều tới tính hoà hữu, hiệu quả trước mắt hơn là ứng xử trực diện với sự thật và giải quyết dứt điểm các vấn đề nảy sinh. Trong bối cảnh xung đột và chuyển đổi hệ giá trị, các cơ chế quản lý xã hội truyền thống không còn phù hợp. Các thói xấu cũ bị kìm nén nay tìm được khe hở nên phát triển ở mức độ nghiêm trọng hơn, các hình thức giả dối cố tình nhằm mưu lợi cá nhân ngày càng phổ biến hơn. Và, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, chúng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Tiếp thu lối tư duy phân tích vốn là thế mạnh của người phương Tây, người dân các nền văn hóa trọng âm, trọng tĩnh ngày nay đã đứng từ các góc nhìn khác nhau để thấy được mặt giá trị và phi giá trị của giả dối, phát huy mặt mạnh và cảnh giác, giảm thiểu những hệ quả không đáng có từ tính phi giá trị của giả dối. 9. Giả dối là một hiện tượng mang tính giáp ranh giữa giá trị và phi giá trị, đối tượng có thể nghiên cứu từ nhiều khoa học khác nhau, mà khuôn khổ một công trình nghiên cứu trường quy thì hạn chế về dung lượng, cho nên luận án còn có hạn chế là dừng lại ở mức độ nghiên cứu khai mở, tập trung chủ yếu vào việc xác định mặt giá trị / phi giá trị của giả dối, tìm hiểu chung về tính giá trị của hành động giả dối ở các bình diện văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử của con người nói chung với tự nhiên, siêu nhiên và xã hội, từ đó xem xét hiện tượng giả dối nhìn từ văn hóa tận dụng và văn hóa đối phó. Trong tương lai, cần có những công trình nghiên cứu đi sâu xem xét hiện tượng giả dối trong từng mặt, từng lĩnh vực cụ thể của đời sống con người, cũng như trong từng khu vực, từng nền văn hóa, hay trong từng thời kỳ lịch sử. Việc nghiên cứu sâu hơn trường hợp giả dối ở Việt Nam trong quan hệ so sánh với các nền văn hóa loại hình âm tính sẽ cho thấy rõ hơn các đặc trưng bản chất của nó để có những giải pháp thiết thực hơn trong việc tận dụng những lợi ích của giả dối và đối phó với mặt bất lợi của nó, gây lại lòng tin trong nhân dân. NHỮNG CÔNG BỐ KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN 1. Hiện tượng nói dối từ góc nhìn văn hoá học.//In trong: Những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn. Chuyên đề văn hoá học. NXB Đại học quốc gia TP. HCM. 2013. Tr. 168-174 2. Hiện tượng giả dối trong đời sống người Việt từ góc nhìn giá trị học (qua kết quả cuộc khảo sát năm 2014). //In trong: Trần Ngọc Thêm (Cb). Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. NXB Đại học quốc gia TP. HCM. 2015. Tr. 412-424 3. Hiện tượng giả dối từ góc nhìn giá trị học. //In trong t/c Văn hóa nghệ thuật số 376, tháng 10-2015. Tr. 94-96, 111. 4. Hiện tượng nói dối trong giao tiếp xã hội. // In trong t/c Khoa học Đại học Sài Gòn số 8 (33), tháng 10-2015. Tr. 94-100.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • dochien_tuong_gia_doi_tu_goc_nhin_van_hoa_hoc_8144.doc
Luận văn liên quan