Tóm tắt Luận án Nghiên cứu khu hệ chim ở khu bảo tồn thiên nhiên pù luông, tỉnh thanh hóa và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn

Đa dạng về họ theo các dạng sinh cảnh rừng: rừng thứ sinh đa dạng nhất với 40 họ (chiếm 71,43%), tiếp theo là sinh cảnh rừng trồng có 39 họ (chiếm 69,64%); sinh cảnh trảng cỏ, cây bụi có 35 họ (chiếm 62,50%); sinh cảnh nương rẫy, đồng ruộng, bản làng có 31 họ (chiếm 55,36%); kém đa dạng nhất là sinh cảnh rừng nguyên sinh chỉ có 26 họ (chiếm 46%). - Sự đa dạng thành phần loài chim theo sinh cảnh, đa dạng nhất là rừng thứ sinh có 162 loài (chiếm 79,02%); xếp thứ hai là sinh cảnh trảng cỏ cây bụi có 100 loài (chiếm 48,78%); rừng nguyên sinh có 95 loài (chiếm 46,34%); rừng trồng có 87 loài (chiếm 42,44%); sinh cảnh ghi nhận được ít loài nhất là nương rẫy, đồng ruộng, bản làng với 56 loài (chiếm 27,32%).

doc27 trang | Chia sẻ: tueminh09 | Ngày: 22/01/2022 | Lượt xem: 625 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Nghiên cứu khu hệ chim ở khu bảo tồn thiên nhiên pù luông, tỉnh thanh hóa và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ------˜&™------ HOÀNG NGỌC HÙNG Nghiªn cøu khu hÖ chim ë Khu b¶o tån thiªn nhiªn Pï Lu«ng, tØnh Thanh Hãa vµ ®Ò xuÊt c¸c gi¶i ph¸p qu¶n lý, b¶o tån Chuyên ngành: Động vật học Mã số: 9.42.01.03 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ SINH HỌC HÀ NỘI - 2020 Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN LÂN HÙNG SƠN 2. TS. NGUYỄN CỬ Phản biện 1: PGS.TS. Nguyễn Xuân Huấn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc Gia Hà Nội) Phản biện 2: PGS.TS. Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh Thái và Tài nguyên Sinh vật) Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo (Bảo Tàng Thiên nhiên Việt Nam) Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở họp tại: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vào .giờ.ngày..tháng..năm 2020 Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài KBTTN Pù Luông nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, trên địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước với diện tích quy hoạch 17.171,53 ha. KBTTN Pù Luông là điểm đầu của hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương - Ngọc Sơn. Hệ sinh thái rừng tự nhiên nơi đây có giá trị đa dạng sinh học cao, còn tồn tại nhiều loài động, thực vật đặc hữu. KBTTN Pù Luông nằm trong vùng Bắc Trung Bộ là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới là một trong 4 vùng chim đặc hữu (EBA) của Việt Nam. Cảnh quan KBTTN Pù Luông tạo nên một phần của khu vực chim đặc hữu vùng đất thấp Trung Bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, KBTTN Pù Luông vẫn còn thiếu những nghiên cứu mang tính hệ thống toàn diện về khu hệ chim để làm cơ sở khoa học tin cậy cho việc quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững giá trị tài nguyên chim ở nơi đây. Với những lí do trên, chúng tôi đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khu hệ chim ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn”. 2. Mục đích nghiên cứu Xác định sự đa dạng cấu trúc thành phần loài, nét đặc trưng của khu hệ chim KBTTN Pù Luông và phân tích mối quan hệ sinh thái của khu hệ chim nơi đây. Bên cạnh đó đánh giá hiện trạng và đề xuất một số các giải pháp quản lí, bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên chim ở khu vực nghiên cứu. 3. Nội dung nghiên cứu - Điều tra, nghiên cứu thành phần loài khu hệ chim KBTTN Pù Luông. - Nghiên cứu đặc điểm phân bố của khu hệ chim ở KBTTN Pù Luông; đáng chú ý là xác định vùng phân bố của các loài chim quý, hiếm có giá trị bảo tồn. - Đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến khu hệ chim; đề xuất các giải pháp quản lí, bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên chim ở khu bảo tồn. 4. Những điểm mới của luận án - Lần đầu tiên đề tài đã nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện hơn về thành phần loài chim ở KBTTN Pù Luông với 252 loài, 58 họ và 15 bộ; ghi nhận bổ sung 74 loài cho danh lục chim ở KBT so với những nghiên cứu trước đây và bổ sung 30 loài chim cho vùng Bắc Trung Bộ so với tài liệu “Danh lục chim Việt Nam” của Võ Quý và Nguyễn Cử (1999). - Phân tích đánh giá được mối quan hệ sinh thái của quần xã chim ở 5 sinh cảnh sống chủ yếu được xác định cho KBT, gồm: rừng nguyên sinh; rừng thứ sinh; trảng cỏ và cây bụi thứ sinh; rừng trồng và cuối cùng là sinh cảnh nương rẫy, đồng ruộng và làng bản; phân tích mối quan hệ của quần xã chim theo tầng tán rừng và nhận xét sự biến động số lượng loài chim ở KBTTN Pù Luông theo mùa trong năm. - Dựa trên kết quả nghiên cứu, đề xuất xây dựng 4 tuyến du lịch sinh thái, nhất là du lịch xem chim tại KBTTN Pù Luông; xác định khu vực ưu tiên cho chương trình giám sát đối với các loài chim có giá trị bảo tồn cao tại khu vực nghiên cứu cũng như đóng góp tư liệu về hiện trạng của các loài chim có giá trị bảo tồn ở KBTTN Pù Luông. CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Khái quát lịch sử nghiên cứu chim ở vùng Bắc Trung Bộ và khu vực nghiên cứu - Lược sử nghiên cứu chim ở Bắc Trung Bộ: Theo Võ Quý và Nguyễn Cử (1995), vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nghiên cứu là chim ở vùng Bắc Trung Bộ gắn liền với các mốc sự kiện lịch sử của đất nước. Vì vậy, lịch sử nghiên cứu chim ở vùng Bắc Trung Bộ có thể tóm tắt làm ba giai đoạn chính: trước năm 1945, từ năm 1945 đến năm 1954, từ sau năm 1957 đến nay. Trước năm 1945, hầu hết những nghiên cứu về chim ở Việt Nam và Đông Dương được thực hiện bởi các nhà khoa học nước ngoài như Linneus (1758), Gmelin (1788), Oustalet (1899 - 1903). Đặc biệt, từ năm 1924 đến 1938, Delacour cùng với đồng nghiệp đã tổ chức 07 đợt sưu tầm chim trên lãnh thổ Đông Dương trong đó có vùng Bắc Trung Bộ. Từ năm 1945 đến năm 1954 vì chiến tranh nên mọi hoạt động nghiên cứu chim ở trên cả nước Việt Nam bị gián đoạn và chỉ được bắt đầu lại từ năm 1957. Từ năm 1957, sau khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập, các nhà khoa học trong nước bắt đầu tập trung nghiên cứu đa dạng sinh học, trong đó có chim. Các nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu trong giai đoạn này như: Võ Quý, Nguyễn Cử, Trần Gia Huấn, Lê Diên Dực, Đỗ Ngọc Quang, Trương Văn Lã, Lê Đình Thủy Nhìn chung các công trình nghiên cứu chim ở vùng Bắc Trung Bộ trong giai đoạn này cũng mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng danh lục loài tại các VQG, KBT, còn chưa đi sâu vào các nghiên cứu về sinh học, sinh thái của khu hệ chim cũng như phân tích những nét đặc trưng về khu hệ ở khu vực nghiên cứu. Thời gian sau này, một số nghiên cứu khu hệ chim được thực hiện như ở KBTTN Pù Huống (Hoàng Ngọc Thảo, 2011), VQG Pù Mát (Ngô Xuân Tường, 2012). - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông: Năm 1997, Lê Trọng Trải trong đợt điều tra khảo sát thành phần loài chim nơi đây đã xác định khu hệ chim Pù Luông có 169 loài chim thuộc 41 họ, 13 bộ. Năm 2013, Dự án điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng KBTTN Pù Luông đã ghi nhận sự hiện diện của 908 loài động vật, trong đó có 117 loài chim. Đồng thời cũng xác định được 93 loài chim có giá trị bảo tồn. Bên cạnh những điều tra thành phần loài chim, ở KBTTN Pù Luông còn có một số những điều tra, nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn như: điều tra tình hình săn bắt động vật hoang dã trái phép và thu hái lâm sản ngoài gỗ của Hoàng Liên Sơn và cs. (2003) thuộc dự án bảo tồn cảnh quan dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương; Dự án phối hợp quản lý và bảo tồn - chiến lược quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng tại KBTTN Pù Luông của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế. 1.2. Khái quát về điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu - Vị trí địa lý: KBTTN Pù Luông có toạ độ địa lý 20021’- 20034’ vĩ độ Bắc, 105002’ - 105020’ kinh độ đông, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, trên địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, được thể hiện tại Hình 1.4. - Địa hình, địa mạo: KBTTN Pù Luông, địa hình có cấu tạo gồm 2 dãy núi chạy song song theo hướng Tây Bắc -Đông Nam được ngăn cách với nhau bởi một thung lũng rộng lớn. Dãy núi đất nhỏ nằm phía Tây Nam được tạo thành chủ yếu từ Macma phun trào và đá biến chất. Dãy núi lớn nằm phía Đông Bắc trên các xã Cổ Lũng, Lũng Cao được hình thành từ đá vôi. - Hệ thực vật: KBTTN Pù Luông có 1.109 loài, 477 chi và 152 họ thực vật bậc cao có mạch; Thảm thực vật gồm có các dạng rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, trảng cỏ cây bụi nhiệt đới (phân bố ở độ cao dưới 700 m), á nhiệt đới (phân bố ở độ cao trên 700 m). Hiện nay, diện tích nguyên sinh ở KBTTN Pù Luông bị suy giảm mạnh chỉ còn khoảng 5% diện tích rừng. - Hệ động vật: Năm 2013, dự án “Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa” đã xác định được 908 loài động vật, trong đó: cá có 67 loài, 21 họ và 6 bộ; côn trùng có 347 loài, 80 họ và 17 bộ; lưỡng cư có 26 loài, 7 họ; bò sát có 40 loài, 14 họ, 2 bộ; chim có 117 loài, 43 họ và 13 bộ; thú có 79 loài, 24 họ và 9 bộ. Hình 1.4. Vị trí dãy núi đá vôi Pù Luông - Ngọc Sơn, Ngổ Luông - Cúc Phương (Nguồn: Google earth, 2018) 1.3. Khái quát điều kiện kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu - Dân số, lao động, việc làm và thu nhập: Trong ranh giới KBT có 387 hộ dân sinh sống với 1.800 khẩu thuộc hai xã Cổ Lũng và Lũng Cao, huyện Bá Thước. Dân cư chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái và Mường; vùng đệm có 4.850 hộ gia đình với 22.500 nhân khẩu đang sinh sống thuộc 7 xã của 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước; Lực lượng lao động chiếm khoảng 40% tổng dân số. Thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp (trước đây còn dựa vào rừng). Thu nhập bình quân đầu người 2.500.000 đồng/người/năm. - Hoạt động kinh doanh - sản xuất: Sản xuất nông nghiệp là thuần nông, độc canh cây lương thực có giá trị hàng hoá, giá trị kinh tế thấp. Về chăn nuôi mặc dù có đàn gia súc, nhưng chất lượng đàn gia súc đạt năng suất thấp. Một số hộ dân sống bằng nghề trồng rừng (luồng, keo, lát) trên diện tích đất được mở rộng hoặc được giao. - Cơ sở hạ tầng: KBTTN Luông nằm bên cạnh đường Quốc lộ 15. Trong KBT, phần lớn đường giao thông liên xã đều có đường cấp phối hoặc trải nhựa. Đường nối các thôn bản chủ yếu vẫn là đường đất, chất lượng xấu; trung tâm các xã hầu như đã có điện lưới quốc gia, các thôn ở xa trung tâm dùng máy thuỷ điện nhỏ, điện năng lượng mặt trời; Phần lớn các xã đã có bưu điện văn hoá xã và sóng điện thoại di động, trừ một số bản ở vùng sâu, vùng xa. - Văn hóa - xã hội: Tỷ lệ trẻ em đến tuổi đi học đều đã được đến trường. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ còn một số ít học sinh có điều kiện kinh tế khá mới học tiếp trung học phổ thông, còn lại phần lớn là bỏ học; người dân sống trong KBT chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Mỗi dân tộc có đời sống văn hoá riêng đặc sắc riêng như lễ hội Cồng chiêng của người Mường, múa xoè của người Thái Văn hóa bản địa đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách du lịch. CHƯƠNG 2 THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Thời gian, địa điểm nghiên cứu - Địa điểm nghiên cứu: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa có tọa độ địa lý: 20021” - 20034” vĩ độ Bắc và 105002” - 105020” kinh độ Đông. Vị trí các địa điểm tiến hành nghiên cứu được thể hiện cụ thể trong Hình 2.1. - Thời gian nghiên cứu: Đề tài được thực hiện trong 4 năm (từ tháng 10/2014 đến 10/2018) với 14 đợt điều tra, 152 ngày thực địa tại 8 khu vực nghiên cứu. Mỗi khu vực nghiên cứu có 2 địa điểm dựng lưới mờ và quan sát chim. Hình 2.1: Sơ đồ các địa điểm nghiên cứu chim ở Pù Luông 2.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp quan sát chim ngoài tự nhiên: Được thực hiện tại 16 địa diểm nghiên cứu như Hình 2.1. Chim được quan sát bằng ống nhòm, ống field scope. Ngoài ra, còn sử dụng máy ảnh có gắn tele, máy ảnh siêu zoom Nikon Coolpix P900 để chụp ảnh chim từ xa. - Phương pháp bắt - thả chim bằng lưới mờ (mist-nets): Các lưới mờ được sử dụng nghiên cứu là loại 4 tay lưới, dài 6 và 12 m, cao 2,6 m, mắt lưới 15 x 15 mm (lưới do Italia sản xuất). Mỗi địa điểm nghiên cứu thường sử dụng từ 10 - 12 lưới. - Phỏng vấn người dân địa phương: Để có thêm thông tin cho quá trình điều tra thực địa, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn những người là cán bộ quản lý khu bảo tồn, cán bộ kiểm lâm, cán bộ thôn xã, người dân trước đây thường đi săn. - Phương pháp định loại chim: Trong quá trình điều tra thực địa cũng như phỏng vấn người dân địa phương đã sử dụng các sách có ảnh chụp hoặc ảnh vẽ màu minh họa để nhận diện nhanh các loài chim ở KBTTN Pù Luông; Để đánh giá mức độ bị đe dọa của các loài chim trong khu vực nghiên cứu, đã sử dụng một số tài liệu: Danh Lục Đỏ của IUCN (2018), Sách Đỏ Việt Nam (2007), Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, Nghị định số 06/2019, Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT. - Lựa chọn hệ thống phân loại học để xây dựng danh lục chim ở KBTTN Pù Luông: Danh lục chim ở KBT, chúng tôi sắp xếp theo hệ thống phân loại của Richard Howard và Alick Moore, được sử dụng trong sách Danh lục chim thế giới “The howard and moore Complete Checklist of the birds of the Word” tái bản lần 4 và tham khảo thêm tài liệu Danh lục chim thế giới, tái bản lần thứ 6 của Clement. Ngoài ra, còn sử dụng một số phương pháp: Phương pháp xác định độ phong phú tương đối (Mackinnon List); Phương pháp đánh giá các mối đe doạ tác động đến khu hệ chim KBTTN Pù Luông (tham khảo và kế thừa tài liệu, đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân...); Phương pháp xác định khu vực ưu tiên giám sát và bảo tồn khu hệ chim ở KBTTN Pù Luông (bằng bộ phiếu có xây dựng các tiêu chí để chấm điểm các khu vực nghiên cứu); Phân tích, xử lý số liệu bằng chương trình Microsoft Excel, Past Statistics (Hammer et al., 2001); Sử dụng chỉ số Sorensen-Dice để so sánh về thành phần loài chim ở KBTTN Pù Luông với các KBT lân cận. CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Đa dạng về thành phần loài chim tại KBTTN Pù Luông 3.1.1. Thành phần loài chim Kết quả điều tra thực địa và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu về chim trước đây ở KBTTN Pù Luông đã xác định khu vực nghiên cứu có 252 loài chim thuộc 58 họ và 15 bộ. Trong đó, 145 loài được chụp ảnh và thu mẫu bằng lưới mờ (Mist-nets); 43 loài bằng quan sát trực tiếp (bằng ống nhòm) hay nghe tiếng hót trong quá trình thực địa, 36 loài kế thừa từ các công trình nghiên cứu trước và 28 loài ghi nhận qua mẫu vật lưu giữ tại BQL KBTTN Pù Luông cũng như một số di vật, loài bị nuôi nhốt trong nhà dân ở địa phương. 3.1.2. Đặc điểm về cấu trúc trong các bậc phân loại Sự đa dạng về cấu trúc trong các bậc phân loại của khu hệ chim ở KBTTN Pù Luông thể hiện qua Bảng 3.2. Bảng 3.2. Số lượng giống, loài trong các họ, bộ chim TT Tên bộ, họ Giống Loài SL % SL % I BỘ HẠC CICONIIFORMES 6 4,03 6 2,38 1 Họ Diệc Ardeidae 5 3,36 5 1,98 2 Họ Hạc Ciconiidae 1 0,67 1 0,40 II BỘ ƯNG ACCIPITRIFORMES 9 6,04 14 5,56 3 Họ Ưng Accipitridae 9 6,04 14 5,56 III BỘ CẮT FALCONIFORMES 2 1,34 2 0,79 4 Họ Cắt Falconidae 2 1,34 2 0,79 IV BỘ GÀ GALLIFORMES 5 3,36 5 1,98 5 Họ Trĩ Phasianidae 5 3,36 5 1,98 V BỘ RẼ CHARADRIIFORMES 4 2,68 4 2,96 6 Họ Choi choi Charadriidae 2 1,34 2 0,79 7 Họ Rẽ Scolopacidae 2 1,34 2 0,79 VI BỘ BỒ CÂU COLUMBIFORMES 5 3,36 9 3,57 8 Họ Bồ câu Columbidae 5 3,36 9 3,57 VII BỘ VẸT PSITTACIFORMES 1 0,67 2 0,79 9 Họ Vẹt Psittacidae 1 0,67 2 0,79 VIII BỘ CU CU CUCULIFORMES 5 3,36 8 3,17 10 Họ Cu cu Cuculidae 5 3,36 8 3,17 IX BỘ CÚ STRIGIFORMES 4 2,68 7 5,19 11 Họ Cú lợn Tytonidae 1 0,67 1 0,40 12 Họ Cú mèo Strigidae 3 2,01 6 2,38 X BỘ CÚ MUỖI CAPRIMULGIFORMES 1 0,67 1 0,40 13 Họ Cú muỗi Caprimulgidae 1 0,67 1 0,40 XI BỘ YẾN APODIFORMES 3 2,01 4 1,59 14 Họ Yến Apodidae 3 2,01 4 1,59 XII BỘ NUỐC TROGONIIFORMES 1 0,67 1 0,40 15 Họ Nuốc Trogonidae 1 0,67 1 0,40 XIII BỘ SẢ CORACIFORMES 7 4,70 11 4,37 16 Họ Bói cá Alcedinidae 1 0,67 4 1,59 17 Họ Trảu Meropidae 1 0,67 2 0,79 18 Họ Sả rừng Coraciidae 2 1,34 2 1,59 18 Họ Đầu rìu Upupidae 1 0,67 1 0,40 20 Họ Hồng hoàng Bucerotidae 2 1,34 2 0,79 XIV BỘ GÕ KIẾN PICIFORMES 7 4,70 15 5,95 21 Họ Cu rốc Ramphastidae 1 0,67 6 2,38 22 Họ Gõ kiến Picidae 6 4,03 9 3,57 XV BỘ SẺ PASSERIFORMES 89 59,73 177 70,24 23 Họ Mỏ rộng Eurylaimidae 2 1,34 2 0,79 24 Họ Đuôi cụt Pittidae 1 0,67 1 0,40 25 Họ Nhạn Hirundinidae 2 1,34 2 0,79 26 Họ Chìa vôi Motacillidae 2 1,34 5 1,98 27 Họ Phường chèo Campephagidae 2 1,34 6 2,38 28 Họ Phường chèo nâu Tephrodornithidae 1 0,67 1 0,40 29 Họ Chào mào Pycnonotidae 6 4,03 13 5,16 30 Họ Chim xanh Chloropseidae 1 0,67 2 0,79 31 Họ Chim nghệ Aegithindae 1 0,67 3 1,19 32 Họ Lội suối Cinclidae 1 0,67 1 0,40 33 Họ Hoét Turdidae 2 1,34 5 1,98 34 Họ Chiền chiện Cisticolidae 2 1,34 4 1,59 35 Họ Chim chích Phylloscopidae 2 1,34 7 2,78 36 Họ Chích bụi Cettiidae 1 0,67 1 0,40 37 Họ Chích đầm lầy Locustelidae 1 0,74 2 0,79 38 Họ Chích khướu Sylviidae 1 0,67 2 0,79 39 Họ Đớp ruồi Muscicapidae 13 8,72 24 9,52 40 Họ Rẻ quạt Rhipiduridae 1 0,67 1 0,40 41 Họ Thiên đường Monarchidae 2 1,34 2 0,79 42 Họ Khướu Timaliidae 19 12,75 33 13,10 43 Họ Bạc má đuôi dài Aegithalidae 1 0,67 1 0,40 44 Họ Bạc má Paridae 2 1,34 2 0,79 45 Họ Trèo cây Sittidae 1 0,67 2 0,79 46 Họ Hút mật Nectariniidae 3 2,01 8 3,17 47 Họ Chim sâu Dicaeidae 1 0,67 2 0,79 48 Họ Vành khuyên Zosteropidae 1 0,67 1 0,40 49 Họ Vàng anh Oriolidea 1 0,67 1 0,40 50 Họ Bách thanh Lanidae 1 0,67 4 1,59 51 Họ Chim lam Irenidae 1 0,67 1 0,40 52 Họ Chèo bẻo Dicruridae 1 0,67 6 2,38 53 Họ Nhạn rừng Artamidae 1 0,67 1 0,40 54 Họ Quạ Corvidae 6 4,03 8 3,17 55 Họ Sáo Sturnidae 3 2,01 5 1,98 56 Họ Sẻ Ploceidae 1 0,67 1 0,40 57 Họ Chim di Estrildidae 1 0,67 2 0,79 58 Họ Sẻ đồng Emberizidae 1 0,67 1 0,40 149 252 Ghi chú: SL - Số lượng; % - Tỷ lệ phần trăm so với tổng số taxon. - Sự đa dạng về họ trong các bộ: bộ Sẻ Passeriformes đa dạng nhất với 36 họ (chiếm 62,07% tổng số họ); xếp thứ hai là bộ Sả Coraciformes với 5 họ (chiếm 8,62%); các bộ còn lại có 2 - 1 họ. - Sự đa dạng về giống trong các họ: họ Khướu đa dạng nhất với 19 giống (chiếm 12,75%); tiếp theo là họ Đớp ruồi với 13 giống (chiếm 8,72%). Tuy nhiên cũng có tới 30 họ chỉ có 1 giống, chiếm 0,67%. Các họ còn lại có từ 2 - 9 giống. - Sự đa dạng về loài trong các họ: Họ Khướu có số loài lớn nhất với 33 loài (chiếm 13,10%); họ Đớp ruồi có 24 loài (9,52%); Tuy nhiên có 17 họ chỉ có 01 loài chim (chiếm 0,4%). Các họ còn lại có 2 - 14 loài. 3.1.3. Những loài ghi nhận mới cho KBTTN Pù Luông và vùng Bắc Trung Bộ Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận bổ sung cho KBTTN Pù Luông 74 loài mới so với nghiên cứu trước đây của Lê Trọng Trải, Đỗ Tước (1997) và dự án “Điều tra, lập danh lục khu hệ động thực vật rừng KBTTN Pù Luông” (2013). Đồng thời ghi nhận bổ sung 30 loài cho danh lục chim vùng Bắc Trung Bộ theo tài liệu “Danh lục chim Việt Nam” của Võ Quý và Nguyễn Cử (1999). 3.1.4. Các loài chim có ý nghĩa quan trọng đối với bảo tồn KBTTN Pù Luông có 44 loài chim có giá trị bảo tồn gồm:10 loài có tên trong Danh Lục Đỏ thế giới IUCN/2019, 06 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 31 loài có tên trong Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 01 loài có tên trong Nghị định số 160/2013 và 35 loài có tên trong Nghị định 06/2019 của Thủ tướng chính phủ. 3.1.5. Thông tin ghi nhận một số loài chim có ý nghĩa bảo tồn Quá trình điều tra cũng đã xác định hiện trạng tồn tại hiện nay của 14 loài chim có giá trị bảo tồn ở KBTTN Pù Luông: Lophura nycthemera, Anastomus oscitans, Spilornis cheela, Aquila clanga, Aquila heliaca, Psittacula himalayana, Rhyticeros undulatus, Picus rabieri, Sitta solangaiae, Tyto alba, Lcedo hercules, Gracula religiosa, Chloropsis cochinchinensis, Aegithina viridissima. 3.1.6. Tính đa dạng và độ phong phú của khu hệ chim Các đợt điều tra nghiên cứu chim ngoài thực địa đã ghi nhận được 205 loài chim, nằm trong 77 danh sách Mackinon, mỗi danh sách có 8 loài chim. Từ các danh mục Mackinon đã vẽ được biểu đồ đường cong phát hiện các loài chim tại KBTTN Pù Luông. Đường cong tích lũy loài tăng chậm và có xu hướng đi ngang ở cuối biểu đồ. Như vậy, nếu tiếp tục điều tra nghiên cứu, khả năng ghi nhận thêm bổ sung thêm thành phần loài ở KBTTN Pù Luông là không nhiều. Sự đa dạng khu hệ chim KBTTN Pù Luông theo Mackinon được thể hiện tại Hình 3.4. Hình 3.4: Đường cong phát hiện loài chim tại KBTTN Pù Luông Các loài phổ biến gồm: Pycnonotus jocosus phổ biến nhất có mặt ở 10 danh sách Mackinon (chiếm 12,99%); tiếp theo là Hypsipetes leucocephalus có mặt ở 9 danh sách (chiếm 11,69%); 4 loài có mặt ở 8 danh sách, chiếm 10,39% gồm: Phaenicophaeus tristis, Alophoixus pallidus, Pericrocotus flammeus, Chào mào vàng mào đen Pycnonotus melanicteru. 3.1.7. Mối quan hệ của khu hệ chim KBTTN Pù Luông với các khu hệ chim nằm trong vùng Bắc Trung Bộ Sử dụng phần mềm PAST Statistics (Hammer et al., 2001), phân tích hệ số tương đồng và mối quan hệ địa lí động vật giữa các khu vực (số lần lặp lại 1000), thu được kết quả: Thành phần loài chim ở KBTTN Pù Luông gần nhất với KBTTN Pù Hu với hệ số tương đồng 0,7397; khác xa nhất là giữa KBTTN Pù Luông với KBTTN Xuân Liên, hệ số tương đồng 0,6073, chi tiết tại Hình 3.5. Hình 3.5: Sơ đồ sự tương đồng thành phần loài chim giữa KVNC với một số VQG và BTN vùng Bắc Trung Bộ 3.2. Đặc điểm phân bố chim ở KBTN Pù Luông 3.2.1. Đặc điểm phân bố chim theo các dạng sinh cảnh Dựa trên kết quả ghi nhận các loài chim ngoài tự nhiên, tổng hợp ngẫu nhiên về sự hiện diện của chúng ở từng sinh cảnh đã khái quát được sự phân bố chim theo các dạng sinh cảnh sống ở KBTTN Pù Luông tại Hình 3.6. Hình 3.6: Biểu đồ phân bố các họ và loài chim theo các dạng sinh cảnh chính ở KBTTN Pù Luông - Đa dạng về họ theo các dạng sinh cảnh rừng: rừng thứ sinh đa dạng nhất với 40 họ (chiếm 71,43%), tiếp theo là sinh cảnh rừng trồng có 39 họ (chiếm 69,64%); sinh cảnh trảng cỏ, cây bụi có 35 họ (chiếm 62,50%); sinh cảnh nương rẫy, đồng ruộng, bản làng có 31 họ (chiếm 55,36%); kém đa dạng nhất là sinh cảnh rừng nguyên sinh chỉ có 26 họ (chiếm 46%). - Sự đa dạng thành phần loài chim theo sinh cảnh, đa dạng nhất là rừng thứ sinh có 162 loài (chiếm 79,02%); xếp thứ hai là sinh cảnh trảng cỏ cây bụi có 100 loài (chiếm 48,78%); rừng nguyên sinh có 95 loài (chiếm 46,34%); rừng trồng có 87 loài (chiếm 42,44%); sinh cảnh ghi nhận được ít loài nhất là nương rẫy, đồng ruộng, bản làng với 56 loài (chiếm 27,32%). Như vậy, sự phân bố chim không đồng đều ở 5 dạng sinh cảnh chính của KBTTN Pù Luông. Sinh cảnh rừng thứ sinh đa dạng nhất về số họ và số loài. Sinh cảnh rừng nguyên sinh có số họ kém đa dạng nhất. Sinh cảnh nương rẫy, đồng ruộng, bản làng kém đa dạng nhất về số loài. - Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy số lượng loài chim phân bố ở hai dạng sinh cảnh là nhiều nhất với 102 loài, 39 họ; tiếp đến là số lượng chim ở 3 dạng sinh cảnh với 63 loài, 28 họ; thấp nhất là số loài ghi nhận được ở 5 dạng sinh cảnh với 2 loài thuộc 3 họ. 3.2.2. Đặc điểm phân bố của các loài chim theo tầng tán rừng Sự phân bố chim theo tầng tán rừng tại KBTTN Pù Luông tại Hình 3.7. Hình 3.7: Sự phân bố chim theo tầng tán rừng - Tầng mái rừng đa dạng nhất có 125 loài (chiếm 60,98%), tiếp theo là tầng thảm rừng có 115 loài (chiếm 56,10%), kém đa dạng nhất là tầng giữa với 97 loài chim (chiếm 47,32%). Tầng mái rừng là nơi phân bố của các loài thuộc nhóm chim ăn thịt, nhóm chim ăn thực vật hoặc ăn cả côn trùng trên ngọn cây, nhóm chim bắt côn trùng khi bay; tầng giữa rừng bắt gặp nhóm kiếm ăn dọc thân, nhóm kiếm ăn ở tán lá ở độ cao 10 - 20m, một số loài thuộc họ Cú mèo làm tổ trong các hốc trên thân cây. Tầng thảm rừng là nơi phân bố các loài có đời sống (làm tổ, kiếm ăn..) liên quan đến mặt đất, tầng cây bụi. - Tuy nhiên không phải tất cả các loài chim này chỉ phân bố hẹp ở một tầng tán nhất định mà nhiều loài có vùng phân bố rộng, có mặt ở những tầng tán khác. Tổng hợp sự phân bố của các loài chim cho thấy: số lượng các loài chim phân bố ở một tầng tán và hai tầng tán là gần tương đương nhau (số loài ở một tầng tán có 94 loài, hai tầng tán có 92 loài). Số loài ở 3 tầng tán có rất ít chỉ 19 loài. 3.2.3. Sự biến động các loài chim theo mùa trong năm Sự biến động thành phần và số lượng loài chim theo các mùa trong năm được thể hiện ở Hình 3.9. Hình 3.9: Sự biến động chim theo các mùa trong năm Mùa đông và mùa xuân là thời điểm ghi nhận được nhiều loài chim nhất trong năm. Số lượng loài chim ở mùa đông có 140 loài (chiếm 68,29%). Số lượng các loài chim ghi nhận được vào mùa này nhiều nhất trong năm với 163 loài (chiếm 79,51%). Hai mùa này cũng là thời điểm ghi nhận được các loài chim di cư. Ở KBTTN Pù Luông đã xác định được 28 loài chim di cư, một số loài chim di cư có thể dễ quan sát trong KBT như Apus pacificus, Merops viridis, Anthus hodgsoni, Motacilla cinerea... Mùa hè có 112 loài chim (chiếm 54,63%), mùa thu ghi nhận được ít nhất 78 loài chim (chiếm 38,05%). 3.3. Nguyên nhân và các mối đe doạ tác động đến khu hệ chim KBTTN Pù Luông - Các mối đe doạ tác động đến khu hệ chim ở KBTTN Pù Luông: Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, săn bắt và buôn bán chim trái phép, khai thác vàng trái phép, chăn thả gia súc tự do, làm đường giao thông. - Nguyên nhân gây ra các mối đe doạ: Phong tục, tập quán của người dân địa phương, tình trạng nghèo đói của các cộng đồng dân cư sống gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên rừng, hiệu lực pháp luật và chính sách còn hạn chế. 3.4. Đề xuất giải pháp nhằm quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên chim tại KBTTN Pù Luông - Đề xuất các khu vực cần ưu tiên giám sát và bảo tồn: bằng cách loại 8 khu vực điều tra, nghiên cứu. Các khu vực có điểm trung bình chung (TBC) lớn hơn hoặc bằng 5 điểm thì được xác định cần được ưu tiên bảo tồn. Kết qảu đã xác đinh 4 khu vực cần ưu tiên giám sát và bảo tồn: bản Eo Điếu, bản Kịt, bản Eo Kén, bản Pà Khà. - Một số loài chim cần ưu tiên giám sát và bảo tồn: các loài chim quý, có giá trị bảo tồn có số lượng chim đã bị suy giảm, có một số loài đang bị bẫy bắt nhiều để nuôi làm cảnh hoặc làm thực phẩm, các đối tượng này cần ưu tiên bảo vệ nhằm duy trì và phục hồi quần thể của các loài: Lophura nycthemera, Aquila clanga Aquila heliaca, Rhyticeros undulatus... - Các giải pháp khác: Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH và pháp luật; tạo sinh kế nâng cao đời sống cộng đồng người dân địa (phát triển du lịch sinh thái, nhân rộng mô hình nuôi Vịt cỗ lũng, phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu, trồng cây dược liệu). KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ I. KẾT LUẬN 1. Về khu hệ chim - Khu hệ chim KBTTN Pù Luông có 252 loài thuộc 58 họ, 15 bộ, trong đó ghi nhận, bổ sung 74 loài cho KBTTN Pù Luông, 30 loài cho vùng Bắc Trung Bộ. Bộ Sẻ đa dạng nhất với 36 họ, 89 giống, 177 loài. Họ đa dạng nhất là họ Khướu có 19 giống và 33 loài. - KBTTN Pù Luông có 44 loài chim có giá trị bảo tồn gồm 10 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN (2019); 06 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 01 loài có tên trong Nghị định số 160/2013; 35 loài có tên trong Nghị định 06/2019; 31 loài có tên trong Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT. - Mối quan hệ tương đồng của KBTTN Pù Luông với các khu vực khác trong vùng Bắc Trung Bộ: Thành phần loài chim ở KBTTN Pù Luông gần nhất với KBTTN Pù Hu có hệ số tương đồng 0,7397. Khác xa nhất là KBTTN Xuân Liên với hệ số tương đồng 0,6073. 2. Đặc điểm phân bố chim ở KBTN Pù Luông - Phân bố chim theo dạng sinh cảnh: Chim phân bố không đồng đều trên 5 dạng sinh cảnh chính ở KBTTN Pù Luông. Trong đó sinh cảnh rừng thứ sinh đa dạng nhất có 162 loài; sinh cảnh nương rẫy, đồng ruộng và bản làng kém đa dạng nhất có 56 loài; Sinh cảnh rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh là 2 sinh cảnh quan trọng đối với sự sống và phát triển của khu hệ chim vùng nghiên cứu. - Phân bố chim theo tầng tán rừng: tầng mái rừng có thành phần loài đa dạng nhất với 125 loài, tầng mái là nơi phân bố của chim ăn thịt, ăn quả, ăn côn trùng trên tán hay hút mật hoa và; tầng giữa có thành phần loài chim kém đa dạng nhất với 97 loài chim, là nơi phân bố của những loài chim kiếm ăn dọc thân cây, tán lá của những cây đang phát triển hoặc làm tổ trên các hốc cây. Tầng thảm rừng có 115 loài chim là những loài đời sống liên quan đến mặt đất và cây bụi. Tầng mái và tầng thảm rừng là nơi có nhiều loài chim hoạt động nhất. - Sự biến động số lượng chim theo mùa trong năm: mùa xuân là thời điểm ghi nhận được nhiều loài chim nhất trong năm với 163 loài, tiếp theo là mùa đông có 140 loài, mùa hè có 112 loài. Mùa thu có số loài ít nhất trong năm với 78 loài. Các loài chim ghi nhận được ở KBTTN Pù Luông có 165 loài chim định cư, 28 loài chim di cư, 10 loài chim vừa có tính chất định cư, vừa di cư. - Đã xác định 04 khu vực ưu tiên bảo tồn chim (bản Pà Khà, bản Eo Kén, bản Eo Điếu, bản Kịt); 18 loài chim cần ưu tiên giám sát; 4 tuyến du lịch xem chim (Tuyến 1: Thôn Eo Kén - núi phía tây thôn Eo Kén; Tuyến 2: Bản Pà Khà - đỉnh núi Pù Luông; Tuyến 3: Thôn Eo Điếu - rừng Thông pà cò; Tuyến 4: Bản Hin - Bản Bá - Bản Mười - Bản Son). 3. Nguyên nhân, các mối đe dọa chủ yếu đến khu hệ chim KBTTN Pù Luông và đề xuất một số giải bảo tồn - Các mối đe dọa: (1) khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trái phép, (2) săn bắn chim, (3) phá rừng làm đường giao thông. Hoạt động săn bắn là nguyên nhân chính làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên chim nơi đây. - Nguyên nhân gây ra các mối đe dọa: phong tục tập quán lạc hậu, đói nghèo, nhận thức còn hạn chế, hiệu lực thực thi pháp luật của người dân còn yếu kém. Ngoài ra, còn do quản lý kém hiệu quả của các cơ quan chức năng và BQL KBT. - Các biện pháp đề xuất cho quản lí, bảo tồn và phát triển tài nguyên chim ở KBTTN Pù Luông: Thực hiện tốt công giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, tạo sinh kết nâng cao đời sống người dân địa phương bằng trồng rừng, phát triển du lịch sinh thái, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng thị trường tăng cường công tác bảo vệ rừng và xây dựng khu vực, chương trình ưu tiên giám sát bảo tồn đa dạng tài nguyên chim. II. KIẾN NGHỊ 1. Tiếp tục điều tra nghiên cứu thành phần thức ăn của các loài chim theo mùa để ứng dụng trong công tác bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch xem chim theo hướng bền vững. 2. Đề nghị BQL KBTTN Pù Luông và các cấp quản lý có liên quan thực hiện các giải pháp quản lý, bảo tồn tài nguyên chim được đề xuất trong luận án. 3. Cần xây dựng kế hoạch phát triển DLST trong đó có hoạt động xây dựng các tuyến du lịch xem chim tại KBTTN Pù Luông kết hợp với các hình thức du lịch khác (như du lịch cộng đồng, homestay v.v.), vận dụng tốt cơ chế chia sẻ lợi ích nhất là đối với hoạt động du lịch. CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC Đà CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI Hoàng Ngọc Hùng, Lý Ngọc Tú, Nguyễn Lân Hùng Sơn (2016). Dẫn liệu bước đầu về thành phần loài chim trên dãy núi đá vôi khu vực Hồ - Kịt, xã Lũng Cao ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo khoa học về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam, Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ Hai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.365-372. Hoàng Ngọc Hùng, Nguyễn Cử, Nguyễn Lân Hùng Sơn (2017). Nghiên cứu thực trạng và định hướng phát triển du lịch xem chim ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa, Kỷ yếu hội nghị khoa học Sinh thái nhiệt đới - Một số vấn đề khoa học và thực tiễn, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, tr. 155-161. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Vũ Thị Thắm, Hoàng Ngọc Hùng, Lý Ngọc Tú (2018). Đa dạng thành phần loài chim trong hệ sinh thái rừng trồng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo khoa học về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam, Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 3, Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, ISBN: 978-604-913-695-5, tr. 58-65. Hoàng Ngọc Hùng, Nguyễn Cử, Nguyễn Lân Hùng Sơn, Lý Ngọc Tú (2018). Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái nhân văn đến khu hệ chim và đề xuất giải pháp bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo khoa học về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học ở Việt Nam, Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 3, Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, ISBN: 978-604-913-695-5, tr. 382-390. Hoàng Ngọc Hùng, Nguyễn Lân Hùng Sơn, Nguyễn Cử, Hà Thị Hương, (2019). Đặc điểm phân bố chim theo các dạng sinh cảnh chính tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, số 2/2019, tr.122-129. Hung Ngoc Hoang, Son Hung Lan Nguyen, Cu Nguyen, (2020). Birds from Pu Luong Nature Reserve, Thanh Hoa Province, North Viet Nam: an update on biodiversity and cheklist. J Adv Biotechnol Exp Ther. 2020; 3 (1): 29-42.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctom_tat_luan_an_nghien_cuu_khu_he_chim_o_khu_bao_ton_thien_n.doc
  • doc20. Hùng. Tóm tắt LA Tiếng Anh (22.02.20).doc
  • doc20. Hung. Tom tat thong tin LATS -TA.doc
  • doc20. Hung. Tom tat thong tin LATS -TV.doc
  • jpgĐiểm mới Tieng Anh.jpg
  • jpgĐiểm mới Tieng Việt.jpg
Luận văn liên quan