[Tóm tắt] Luận án Ngôn ngữ nghệ thuật truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá

Tiếp nhận Truyện Kiều trong một bối cảnh giao lưu văn hoá không chỉ giúp cho người đọc các thế hệ hiểu thêm về một tuyệt tác văn học, một điển hình tiêu biểu cho văn chương Việt Nam. Dù có nhiều cách luận bình khác nhau, tiêu cực hay tích cực, Truyện Kiều vẫn luôn được tồn tại với tư cách là một sinh mệnh văn hoá của dân tộc, là món ăn tinh thần quý giá của nhân dân ta, Và do đó, Nguyễn Du và Truyện Kiều suốt hơn hai trăm năm qua đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao thế hệ thi nhân, là đề tài cho các nghệ sĩ và nó vẫn tiếp tục trong mạch nguồn văn hóa dân tộc, vẫn liên tục tiếp diễn, bền bỉ và dài lâu.

doc28 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 5320 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Ngôn ngữ nghệ thuật truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH -------------------------- VÕ MINH HẢI NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRUYỆN KIỀU TỪ GÓC NHÌN VĂN HOÁ Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số : 60 22 01 21 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2015 Công trình được hoàn thành tại: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Lê Thu Yến (ghi rõ họ tên, chức danh khoa học, học vị) Phản biện 1: PGS. TS. Lê Giang Trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Phản biện 2: PGS. TS. Nguyễn Thành Thi Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh Phản biện 3: TS. Nguyễn Ngọc Quận Trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường họp tại:...vào hồigiờngày.thángnăm 2015 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh - Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của đề tài Nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ trong tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nói chung và ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều nói riêng từ góc độ văn hoá là một hướng tiếp cận có tính chất liên ngành. Thông qua hệ thống ngữ liệu có hàm lượng văn hóa, một số nhà nghiên cứu đã đi sâu, khám phá nội dung, tư tưởng thẩm mỹ và phong cách văn hoá của Nguyễn Du trong hành trình sáng tạo và những đóng góp cụ thể của ông cho văn học nước nhà. Từ những ý nghĩa và tính chất cấp thiết ấy, chúng tôi đi vào tìm hiểu đề tài luận án Ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá như một sự thể nghiệm, biện giải mối quan hệ ngôn ngữ và văn hoá thông qua các mối quan hệ biện chứng giữa chúng. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Nghiên cứu về ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều Từ góc nhìn lịch sử phát sinh, tuỳ theo từng mục đích và tính chất khác nhau của các chuyên luận, tiểu luận nghiên cứu, vấn đề ngôn ngữ nghệ thuật của Truyện Kiều được xem xét từ nhiều góc độ với nhiều khái niệm khác nhau. Trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam (tập 3) của nhóm tác giả Đại học Sư phạm, Lê Trí Viễn đã cho rằng “Tác giả Truyện Kiều cũng tiếp tục truyền thống vay mượn văn học Trung Quốc đã có từ lâu. Hoặc lấy ngay những thành ngữ chữ hán, hoặc thu gọn những điển cố trong văn học Trung Quốc thành những thành ngữ bằng tiếng Việt Nam, hoặc chuyển hình ảnh trong thơ Trung Quốc sang thơ Việt Nam”. Nguyễn Lộc trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1965 với bài viết Ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều và tiếp tục trong công trình Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII hết thế kỷ XIX) đã khảo sát nghệ thuật sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du ở các phương diện như từ Hán Việt, điển cố, thi liệu... Tiếp tục những kết quả nghiên cứu của Nguyễn Lộc, Đào Thản khẳng định: Ngôn ngữ Truyện Kiều nói chung không có vay mượn xa lạ và cầu kì như Cung oán ngâm khúc, không có cái đài các quá ư lộng lẫy nhưng bề bộn rườm rà của Hoa tiên hay đẽo gọt vụng về của Sơ kính tân trang. Quả thật ngôn ngữ Truyện Kiều gần với thôn ca hơn cả. Về vấn đề ngôn ngữ Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy, những khái quát về giá trị ngôn ngữ của tác phẩm này đã có những đánh giá cụ thể bằng nhãn quan thẩm mỹ mang tính định lượng, bằng những số liệu thống kê khá cụ thể và chi tiết, cụ thể có: Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử, Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều của Lê Xuân Lít, Từ ngữ Việt và từ ngữ Hán Việt trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều của Nguyễn Thuý Hồng, Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa của Lê Nguyên Cẩn.... 2.2. Nghiên cứu ngôn ngữ văn nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá Mai Quốc Liên trong bài viết Dòng bác học và dòng bình dân trong ngôn ngữ Truyện Kiều (1966) đã cho rằng: “Nguyễn Du là một nhà thơ vô song đã đóng góp rất nhiều vào ngôn ngữ văn học dân tộc. công lao của ông trong việc kế thừa một cách sáng tạo ngôn ngữ dân gian và trong việc sử dụng tài tình ngôn ngữ văn học Trung Quốc. Thành tựu tuyệt vời của ông trong việc làm phong phú, làm trong sáng ngôn ngữ văn học thế kỷ XIX đã có ảnh hưởng sâu xa và lâu dài đến sự phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc ta”. Sau Mai Quốc Liên, Lê Đình Kỵ cũng khảo sát Sắc thái bác học, sắc thái bình dân và tính thống nhất của ngôn ngữ Truyện Kiều, ông cũng thống nhất quan điểm “làm thế nào kết hợp giữa hai thành phần đó trong cùng một tác phẩm mà không có sự phân ly, chắp nối. Hoàn cảnh mỹ học cụ thể lúc bấy giờ cho phép sự thống nhất hai thành phần ấy trong một sự kết hợp biện chứng, hữu cơ”. Về ngôn ngữ bình dân, nhất là lớp từ ngữ dân tộc qua ca dao, tục ngữ, lối nói khẩu ngữ, từ địa phương đã được các tác giả Hoàng Hữu Yên trong Cái hay, cái đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều, Phạm Đan Quế trong Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều, Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều... đã có những kết luận cơ bản. Qua một số hướng tiếp cận văn hoá đã đề cập trên, chúng tôi cho rằng việc khảo sát hệ thống ngữ liệu mang hàm nghĩa văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm nói chung và Truyện Kiều nói riêng là một vấn đề hấp dẫn và cần có sự đầu tư thỏa đáng. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn chúng tôi là hệ thống ngữ liệu bác học và bình dân mang hàm nghĩa văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của đề tài là mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, những ảnh hưởng của văn hoá bác học, văn hoá Hán và văn hoá bình dân, văn hoá Việt trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều. 3.3. Văn bản khảo sát, đối chiếu và thống kê Văn bản Truyện Kiều được khảo sát trong luận văn của chúng tôi là bản Truyện Thuý Kiều (1925, tái bản 1953) do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo. 4. Mục tiêu nghiên cứu Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi sẽ tiến hành thống kê cụ thể các thành phần từ ngữ về quy mô, số lượng, tỷ lệ của các thành phần ngữ liệu bác học, bình dân trong Truyện Kiều, so sánh giữa Truyện Kiều với một số truyện thơ Nôm khác. 5. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp tiếp cận văn hóa đối với tác phẩm văn học, Phương pháp thống kê, phân loại và so sánh; Phương pháp phân tích miêu tả; Phương pháp phân tích logic; Phương pháp tổng hợp, khái quát hoá 6. Nhiệm vụ nghiên cứu Nhiệm vụ cơ bản của luận văn là tiến hành phác hoạ một cách chân thực bức tranh văn hoá, quan niệm văn hoá, một thế giới trữ tình của Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông. 7. Những đóng góp của luận án Việc tìm hiểu các tầng nghĩa bề nổi, lớp trầm tích văn hoá ẩn dấu bên trong hệ thống ngôn ngữ thể loại truyện Nôm là một hướng giải mã văn hoá khá mới mẻ, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy truyện thơ Nôm trong nhà trường cũng như trong giới học thuật. 8. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được chia thành 03 chương. Chương 1. MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA NHÌN TỪ QUAN NIỆM THẨM MỸ TRUNG ĐẠI 1. 1. Ngôn ngữ với văn chương và văn hóa 1.1.1. Ngôn ngữ và văn chương từ góc nhìn văn hóa Trong dòng chảy văn hoá của một dân tộc, với những chức năng cơ bản của mình, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện, là công cụ tư duy, giao tiếp, lưu trữ mà nó còn là chất liệu cơ bản để xây dựng nên thế giới nghệ thuật thấm đẫm những sắc màu văn hoá của cả một dân tộc, một thời đại hay một cá nhân văn hoá cụ thể - nhà văn. Bên cạnh đó, với tư cách là mạch ngầm văn hoá, ngôn ngữ còn là một trong những yếu tố cấu thành văn hoá, có sức lan toả và làm sáng tỏ những tính chất trội bật của một nền văn hoá trong đời sống xã hội của một dân tộc. 1.1.2. Sự tác động của ngôn ngữ đối với văn hoá Ngôn ngữ đã góp phần không nhỏ trong việc phản ánh, thể hiện và phát triển những giá trị, những yếu tính cốt lõi của văn hoá. Nó là thước đo nhân bản của xã hội và con người. Ngôn ngữ - một hiện hữu vật chất căn bản – sẽ giúp cho văn hoá và các giá trị căn bản của nó sẽ khúc xạ, ngấm sâu và dần hình thành chiều sâu văn hoá, phong cách văn hoá của từng cá nhân trong quá trình tồn tại của mình. 1.1.3. Ngôn ngữ với vấn đề bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa Với tư cách là chất liệu lịch sử, ngôn ngữ đóng vai trò cốt tuỷ trong sáng tạo văn chương, nghệ thuật. Với tư cách là một công cụ giao tiếp và tư duy, ngôn ngữ đã thể hiện chức năng cơ bản trong sự phát triển văn hoá tinh thần của con người. Sự biến đổi, phát triển ngôn ngữ luôn luôn song hành với biến đổi và phát triển văn hoá. Muốn nghiên cứu sâu về văn hoá, khảo sát hàm nghĩa của văn hoá trong tập quán giao tiếp và văn chương nghệ thuật của một dân tộc phải nghiên cứu ngôn ngữ và tất nhiên muốn đi sâu vào ngôn ngữ phải chú tâm đến văn hoá. 1.2. Hàm nghĩa văn hóa của ngữ liệu trong truyện Nôm bác học 1.2.1. Khái niệm Ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm bác học Trong phạm vi hạn hẹp của tư liệu hiện có, theo cách hiểu của chúng tôi, ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam là hệ thống từ ngữ có nguồn gốc từ văn hoá bác học, bình dân, có sự biểu hiện sinh động về ngữ nghĩa, góp phần hình thành, phản ánh thế giới nghệ thuật của tác phẩm và đặc trưng tư tưởng, tư duy văn hoá - nghệ thuật của nhà nghệ sỹ. Trong nghiên cứu tác phẩm văn học thời trung đại, việc sử dụng hàm nghĩa văn hoá của từ ngữ như một khái niệm công cụ đã mang lại cho người đọc những phương thức tiếp cận mới và góp phần gợi mở những ý nghĩa, biểu tượng văn hoá đặc của văn học cổ điển. 1.2.2. Hệ thống ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm bác học Trong lịch sử văn học Việt Nam, ngữ liệu văn hoá là lớp từ ngữ có tính văn hoá cao trong các tác phẩm văn học cổ điển, là những hệ thống mã khoá nghệ thuật cần có sự phân tích, biện giải. Nó bao gồm một hệ thống những từ, ngữ, kiểu diễn ngôn, tứ thơ, đặc điểm ước lệ, lối nói uyển ngữ từ cú mỹ lệ của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Bên cạnh đó, nó còn là hệ thống những từ ngữ được thoát thai từ văn hoá, văn học dân gian Việt Nam, từ vốn kinh nghiệm dân gian qua thành ngữ, tục ngữ hay hệ thống hư từ, từ láy trong tiếng Việt. Lớp từ ngữ này đã thể hiện một trình độ tiếp thu văn hoá, chiều sâu của kinh nghiệm sống mà nhà thơ muốn gửi gắm vào trong thi phẩm của mình. 1.2.3. Giá trị thẩm mỹ của ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam nhìn từ góc độ văn hoá Khảo sát hệ thống ngôn ngữ tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nhất là truyện thơ Nôm bác học, hệ thống thi văn liệu, điển cố, thành ngữ Hán Việt, từ ngữ xã hội, thuật ngữ luôn là những nội dung quan trong. Nó không chỉ là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn mà còn là những rào cản nghệ thuật đối với người đọc. Khi tiếp cận văn hoá với những ngữ liệu này, người đọc sẽ giải thích được tính hợp lý vốn có để những ngữ liệu này có thể tồn tại được, tức là người đọc có thể phân tích và nêu bật nét nghĩa hư chỉ của ngữ liệu. Có thể nói, tham chiếu từ góc độ văn hoá, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam không chỉ là một công cụ giao tiếp đặc thù của nhà văn đối với bạn đọc mà nó đã trở thành một hình thức giao tiếp văn hoá đặc thù. 1.3. Ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm – Tấm gương phản chiếu văn hóa 1.3.1. Ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm, một hình thức giao tiếp đặc thù của văn học cổ điển Việt Nam Trong quá trình hành chức của nó, hệ thống ngữ liệu đã đóng vai trò to lớn và góp phần hình thành tính văn hoá, khả năng đa nghĩa của ngôn ngữ truyện Nôm. Đồng thời, cách thức liên tưởng và sử dụng ngữ liệu cũng tạo nên tính chất phức điệu, những tình điệu thẩm mỹ cổ điển mang tính ngữ cảnh của thể loại truyện Nôm, xu hướng cao nhã, cảm thức văn hoá của tác giả, xã hội và thời đại. Bản thân nó có thể tạo nên một tiềm năng văn hoá mà mỗi độc giả khi tiếp nhận sẽ tự tái tạo những mô thức riêng, tuỳ thuộc vào “tầm đón nhận” và chiều sâu văn hoá của mỗi cá nhân. 1.3.2. Một số đặc trưng cơ bản của từ ngữ mang hàm nghĩa văn hóa trong truyện Nôm Về phương diện nội dung, ý nghĩa khái quát cao và đậm nét tượng trưng của lớp từ ngữ Hán Việt đã tạo nên tính hàm súc, cô đọng, tiết giản. Đặc tính này đã hỗ trợ đắc lực cho các tác giả tổ chức ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm theo thi pháp văn học cổ trung đại. Xét ở phương diện nghệ thuật, các ngữ liệu văn hoá trong ngôn từ nghệ thuật đã phát huy được tính năng động vốn có của nó: tính thẩm mỹ và đăng đối. Tính khách quan của các thi liệu văn hoá thích hợp với việc nhấn mạnh các sắc thái mơ hồ, trang trọng... và nó “không thích hợp với việc cụ thể hoá đối tượng phản ánh nhưng nó lại vô cùng thích hợp khi ta muốn vĩnh viễn hoá sự việc, đẩy lùi nó về thế giới ý niệm. Nó cấp cho ngôn ngữ cái vẻ dứt khoát, đanh thép của những chân lý vĩnh viễn...”. 1.4. Quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán và Truyện Kiều 1.4.1. Cơ sở hình thành quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du Về cơ sở hình thành quan niệm thẩm mỹ Nguyễn Du, chúng ta có thể hình dung qua mấy căn cứ sau: Thứ nhất, Nguyễn Du đã sinh trưởng trong một giai đoạn lịch sử khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam và bi kịch lịch sử dân tộc. Thứ hai, Nguyễn Du sinh ra ở phường Bích Câu trong thành Thăng Long, một địa đàng nghệ thuật thời bấy giờ. Bên cạnh những ảnh hưởng của quê hương xứ Nghệ giàu truyền thống thi ca, sự tác động của một văn phái lừng lẫy ở mảnh đất Hồng Lĩnh cũng là điều đáng nói. Thứ ba, từ mạch nguồn văn hoá gia đình, phẩm chất tài hoa của người cha và tư chất nghệ sĩ của người mẹ đã ảnh hưởng không ít đến tư tưởng thẩm mỹ của ông. Thứ tư, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân khi đề tự Truyện Kiều đã viết: “Đôi mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ đến ngàn đời”. Người xưa đã chết vì kẻ tri âm nên đã thốt lên những lời tri kỷ ấy vậy. Mộng Liên Đường quả là người thấu hiểu tâm sự của Nguyễn Du và phong cách triết nhân của thi nhân. 1.4.2. Sự thể hiện quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán và Truyện Kiều Một là, quan niệm thẩm mỹ của ông được bộc lộ rõ nét qua cái nhìn về cuộc đời và con người. Nguyễn Du đã tạo nên những cơ sở triết học, mỹ học để triển khai tư tưởng nhân sinh của mình theo hướng kết hợp Nho, Phật và Lão trên nền tảng tâm thế Việt: lấy sự cảm thương, đồng điệu làm điểm tựa cho những nhận định về nhân thế. Hai là, Nguyễn Du đã xem thiên nhiên như một cõi thiêng, một chốn đi về của tâm hồn. Ba là, quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Du được thể hiện qua sự minh triết của con người thanh cao, u uẩn. Nguyễn Du đã tuân thủ nguyên lý minh triết của Phật giáo và sắc thái duy tình của người Việt. Bốn là, nhà thơ còn quan tâm đến bản chất, chức năng của văn chương. Chương 2. HỆ THỐNG NGỮ LIỆU VĂN HÓA TRONG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRUYỆN KIỀU 2.1. Tiếp nhận và ảnh hưởng của văn hóa Hán, bác học và văn hoá Việt, bình dân đối với hệ thống ngữ liệu trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều 2.1.1.Tiếp nhận và ảnh hưởng của văn hoá Hán, văn hoá bác học đối với hệ thống ngữ liệu trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều Dấu ấn thẩm mỹ của hệ thống ngữ liệu (là những dẫn chứng, dẫn liệu ngôn ngữ, nó có thể được trích dẫn, khai thác phục vụ cho quá trình nghiên cứu về nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm) có nguồn gốc từ văn hoá bác học, văn hoá Trung Hoa đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngôn ngữ nghệ thuật truyện thơ Nôm bác học. Nguyễn Đức Tồn trong Đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy gọi đó các ngữ liệu ấy là “những hiện tượng văn hoá đặc tồn” hay “các đơn vị đặc văn hoá”. Khảo sát hệ thống ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy, các dạng thức ngữ liệu văn hoá được các tác giả sử dụng khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, xét từ phương diện nguồn gốc, các ngữ liệu văn hoá được sử dụng trong ngôn ngữ nghệ thuật truyện Nôm bao gồm ngữ liệu nguyên dạng (ngữ liệu Hán Việt) và ngữ liệu được chuyển dịch (ngữ liệu bán Hán Việt, thuần Việt). 2.1.2. Tiếp nhận và ảnh hưởng của văn hoá Việt, văn hoá bình dân đối với hệ thống ngữ liệu trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều Trong ngôn ngữ Truyện Kiều, ngoài hệ thống từ cổ, từ địa phương, từ láy... thì lớp từ ngữ có phong cách khẩu ngữ quần chúng cũng được xem là những ngữ liệu thuần Việt đặc chất văn hoá bình dân. So với lớp từ ngữ Hán Việt, lớp từ ngữ này vô cùng sinh động, nhiều dáng vẻ và luôn được bổ sung không ngữ qua các thế hệ, thời đại văn hoá. Theo chúng tôi, sắc thái bình dân trong ngôn ngữ Truyện Kiều là những nét, yếu tố thẩm mỹ được gợi lên thông qua hệ thống những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hệ thống từ ngữ thuần Việt, hoặc có yếu tố Hán Việt với một lối diễn đạt bình dị, đơn giản đậm chất khẩu ngữ trong sinh hoạt của người Việt. Nó được Nguyễn Du sử dụng, chuyển dẫn và khái quát một cách thần tình, đích đáng và nhuần nhuyễn trong hệ thống ngôn ngữ Truyện Kiều. 2.1.3. Đặc trưng thẩm mỹ của hệ thống ngữ liệu văn hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều 2.1.3.1. Đặc trưng thẩm mỹ của các ngữ liệu văn hoá Hán, bác học trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều Trong Truyện Kiều, cách sử dụng và bố trí ngữ liệu văn hoá của Nguyễn Du vừa hấp dẫn, vừa chuẩn mực đồng thời còn thể hiện cá tính sáng tạo của nhà thơ. Thông qua các ngữ liệu đã được chuyển dịch, chuyển dẫn một cách khéo léo, người tiếp nhận có thể tìm thấy được vẻ đẹp về thế giới hình tượng phong phú, sinh động được diễn đạt bằng nghệ thuật ẩn dụ, biểu trưng, uyển ngữ của văn cách trung cổ. Bên cạnh tính điển phạm, tập cổ, đăng đối..., hệ thống ngữ liệu văn hoá trong ngôn Truyện Kiều nói riêng đã thể hiện tính trang nhã, uyên bác phù hợp với tính chất bác học trong quan niệm xưa. 2.1.3.2. Đặc trưng thẩm mỹ của các ngữ liệu văn hoá Việt, bình dân trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều Với hệ thống từ ngữ bình dân, tác giả dường như lách nhẹ, đi sâu vào chân tơ kẽ tóc của những phẩm cách, ngoại hình của các nhân vật phản diện. Trong ngôn ngữ Truyện Kiều, chúng tôi thống kê được 332 thành ngữ được sử dụng nguyên mẫu và 113 thành ngữ tách xen và được vận dụng một cách sáng tạo. Truyện Kiều đánh dấu một bước phát triển mới về chất, có ý nghĩa đặc biệt trong việc học tập thơ ca dân gian và ngôn ngữ quần chúng của nhà thơ. Nguyễn Du vận dụng khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ; trong đó thành ngữ được vận dụng nhiều nhất. Lớp từ vựng khẩu ngữ của quần chúng đã đi vào thơ Nguyễn Du một cách chan hoà, dung dị và nhẹ nhàng, giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Với 1.736 lượt xuất hiện như vây, hệ thống hư từ không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong việc thể hiện cách sử dụng hư từ mà còn góp phần làm đa dạng hoá các lớp từ trong ngôn ngữ tác phẩm, thể hiện tính dân dã, khẩu ngữ. 2.2. Hệ thống ngữ liệu văn hóa bác học và bình dân trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều 2.2.1. Khảo sát và nhận xét về hệ thống ngữ liệu văn hóa bác học Khảo sát trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều, từ quan điểm và nội hàm khái niệm ngữ liệu văn hoá đã được thống nhất, trong tổng số 972 từ ngữ Hán Việt thống kê được, chúng tôi đã thống kê được 626 ngữ liệu văn hoá nguyên dạng chiếm khoảng 67,3% từ ngữ Hán Việt xuất hiện trong Truyện Kiều và 169 ngữ liệu chuyển dịch, mô phỏng, chiếm tỷ lệ 39,5 % so với số lượng 440 từ ngữ Việt được chuyển dẫn từ văn hoá bình dân và bác học mà tác giả Nguyễn Thuý Hồng đã khảo sát. Từ kết quả thống kê, chúng ta có thể nhận thấy, dù ở dạng thức nào, ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều đều phong phú, đa dạng. Trong hệ thống này, các thuật ngữ văn hoá, tôn giáo, chính trị, quân sự... đặc trưng của xã hội phong kiến chiếm một tỷ lệ tương đối lớn (384 ngữ liệu nguyên dạng Hán Việt; 60 ngữ liệu chuyển dịch (bán Hán Việt) và thuần Việt). Trong khi đó, các ngữ liệu có nguồn gốc từ kinh truyện (145 nguyên dạng, 61 chuyển dịch), điển cố thi liệu, nhân danh, địa danh cũng chiếm một số lượng tương đối (69 nguyên dạng, 08 chuyển dịch). Sự có mặt của hệ thống ngữ liệu này đã góp phần khẳng định những yếu tố văn hóa bác học đã ảnh hưởng một cách sâu sắc trong ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm. Tuy sự phân chia nguồn gốc theo các thành phần đã nêu tuy chỉ là một sự quy ước tương đối, nhưng nó cũng có thể đảm bảo cho việc nhận thức ngữ liệu được dẫn dụng thêm rõ ràng, phản ánh trình độ Hán học uyên bác và kế thừa, học tập cổ nhân của Nguyễn Du trong quá trình sáng tạo trong tác phẩm. Nó góp phần làm đa dạng hoá thành phần kiến tạo nên vẻ đẹp, chiều sâu văn hoá của ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều. 2.2.2. Khảo sát và nhận xét về hệ thống ngữ liệu văn hóa bình dân Riêng Truyện Kiều, trong tổng số 1102 ngữ liệu được khảo sát, số lượng 445 thành ngữ được sử dụng là một con số khá lớn. Cụ thể là 170 thành ngữ có xuất xứ từ văn học dân gian Việt Nam, 162 thành ngữ có xuất xứ từ văn học, văn hoá bác học Trung Hoa và 113 thành ngữ tạo mới. Tât nhiên trong số này, 332 thành ngữ được sử dụng nguyên dạng và 113 thành ngữ được vận dụng sáng tạo, tách xen như một phương tiện tu từ mà không mất đi vẻ cân đối, bóng bẩy của câu thơ. Các số liệu về từ ngữ được so sánh và phân tích trên đã góp phần thể hiện một bức tranh ngôn ngữ đa dạng với nhiều thành phần khác nhau trong ngôn ngữ Truyện Kiều (qua so sánh đối chiếu với Hoa Tiên, Lục Vân Tiên). Ngoài, cùng với sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố văn hoá bác học và bình dân trong ngôn ngữ Truyện Kiều, sự trội bật của ngôn ngữ bình dân đã nâng cao giá trị văn hoá, thẩm mỹ của ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm. 2.3. Nghệ thuật sử dụng ngữ liệu văn hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều 2.3.1. Hệ thống ngữ liệu văn hoá được chuyển dẫn tự nhiên, biến hoá và thích hợp với nội dung ngữ cảnh Hệ thống mỹ từ văn hoá trong Truyện Kiều phần lớn là các ngữ liệu có chiều hướng thiên về quá khứ. Nó được thể hiện qua hàng loạt các từ ngữ thi ca, dẫn ngữ, thi liệu, điển cố... mà chúng tôi gọi chung là ngữ liệu văn hoá. Với ngôn ngữ bác học trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng một hệ thống ngữ liệu mang tính nghiêm trang, tôn kính để phác họa những tính cách hoặc miêu tả tính cách nhân vật. Với ngôn ngữ bình dân, ông thường sử dụng hệ thống này với các nhân vật phản diện, mang tính chất phê phán. 2.3.2. Hệ thống ngữ liệu văn hoá được vận dụng và chuyển dẫn một cách sáng tạo Bên cạnh từ thuần Việt, hư từ, từ láy nhưng tiểu hệ thống từ ngữ mang sắc thái bình dân, vốn từ địa phương là một trong những phương tiện nghệ thuật giúp Nguyễn Du thể hiện tối ưu nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều. Nhờ vai trò của ngôn ngữ và văn hoá mà Nguyễn Du đã chuyển được từ một cốt truyện giản đơn - Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc thành một truyện thơ đặc sắc, phù hợp với tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam. Từ ngữ văn hoá bình dân, bác học trong ngôn ngữ Truyện Kiều đã Nguyễn Du dùng một cách hết sức hợp lý. Ở đó cái giá trị cá thể hoá độc đáo nhất của nó được sử dụng và thể hiện rõ. Cũng cần phải thấy rằng sự xuất hiện của những từ ngữ văn hoá ấy phù hợp với cấu trúc của câu thơ lục bát, hợp cả về nội dung lẫn hình thức và âm hưởng của nó. 2.3.3. Sự kết hợp hài hoà, chuyển dịch hợp lý của hai hệ thống ngữ liệu bác học và bình dân trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều Hai hệ thống từ ngữ văn hoá được sử dụng trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều chủ yếu thuộc vào các lĩnh vực văn hoá, xã hội thời trung đại. Hệ thống ngữ liệu văn hoá trong Truyện Kiều không chỉ khắc hoạ, thể hiện chiều sâu triết mỹ trong tâm hồn, phong thái của thi nhân, mà còn là những cơ sở thể hiện những tính cách, dòng suy tưởng của nhân vật, là căn cứ để khái quát văn hoá về phong cách, ngoại hình của nhân vật, tạo nên những tuyến nhân vật trong tác phẩm. Truyện Kiều được lưu truyền rộng rãi trong dân gian là vì Nguyễn Du đã đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn, sinh động, đa dạng, kết hợp một cách thuần thục hai hệ thống từ ngữ Việt và Hán Việt. Bên cạnh đó, trong quá trình sáng tạo, tác giả đã tổng hợp, điều hoà những ảnh hưởng của cả hai khuynh hướng bình dân và bác học. Chương 3. HIỆU QUẢ THẨM MỸ CỦA HỆ THỐNG NGỮ LIỆU VĂN HOÁ TRONG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT TRUYỆN KIỀU 3.1. Ngữ liệu văn hoá với sự thể hiện tính triết luận và bức tranh thời đại qua ngôn ngữ tác giả 3.1.1. Tính triết luận và trầm tích văn hóa qua ngôn ngữ trữ tình Tính triết luận ở đây được hiểu như là chiều sâu văn hoá, những tác động văn hoá đến sự lựa chọn, sử dụng các ngữ liệu bình dân, bác học trong ngôn ngữ trữ tình hay tự sự của tác phẩm, tác giả. Do đó, theo chúng tôi, tính triết luận của lớp từ ngữ văn hoá trong một tác phẩm văn học cổ điển được thể hiện ở chỗ nó đã giúp tác giả phản ánh, nghiền ngẫm về hiện thực, cuộc sống, quan niệm nhân sinh, miêu tả nhân vật, biểu đạt tình cảm cá nhân qua thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng. Giá trị đích thực của hệ thống hình tượng nghệ thuật, của bức tranh sống động của cuộc sống trở nên phong phú và đa dạng hơn thông qua hệ thống ngôn ngữ triết lý, trữ tình của nhà thơ. Với cái nhìn tinh tế, tư duy nhạy bén và lăng kính mỹ thuật độc đáo, Nguyễn Du đã thể hiện một chiều kích văn hoá phức hợp qua một hệ thống ngôn ngữ đặc sắc giàu tính triết mỹ, đậm tính trữ tình. Mỗi câu thơ của ông chẳng những nhuốm một vẻ đẹp u tịch, triết mỹ của thơ ca phương Đông mà còn hiển hiện những đường nét lung linh của văn hoá Á Đông. Trong tư duy nghệ thuật và quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ, hai đặc trưng này chuyển hoá, tác động qua lại một cách thần tình khiến cho ngôn ngữ trữ tình của nhà thơ luôn sinh động, có tính triết mỹ, không có sự lặp lại, điều đó tạo nên sự trong sáng, hài hoà của ngôn ngữ tác giả và nhân vật trong thiên truyện. 3.1.2. Bức tranh văn hóa thời đại qua ngôn ngữ tự sự Ngôn ngữ tự sự của tác giả, nếu xét từ phương diện kể, được hiểu là những lời kể của tác giả nhằm nêu lên một vấn đề nào đấy. Để mở đầu cho tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã khai mở một không - thời gian văn hoá đặc trưng của những tác phẩm trung đại, ấy là không - thời gian của triều đại, gia cảnh hay bất kỳ một khung cảnh nên thơ, nơi gặp gỡ, đoàn viên, là phát đoan của nỗi đoạn trường. Bên cạnh tính phức điệu, ngôn ngữ tự sự của Nguyễn Du còn thể hiện một khả năng đối chiếu và tương phản đặc biệt. Có thể thấy, qua lời kể của tác giả và trực tiếp đọc Truyện Kiều, và bất kỳ độc giả nào cũng đồng ý với nhận định của Hoàng Hữu Yên: Ai mà nén nổi xúc động trước mọi chặng đường khổ ải của nạn nhân Thuý Kiều, ai mà không thấy hiện lên trước mắt là cái “lờn lợt màu da”, với những lời tục tĩu văng ra từ mồm mụ đĩ Tú Bà! Ai mà không ghê rợn về sự tính toán bỉ ổi của tên ma cô họ Mã! Cũng chẳng ai quên được cái “lẻn”, cái “rẽ dây cương” rồi cái “mặt mo” của tên lừa đảo đốn mạt Sở Khanh” 3.2. Ngữ liệu văn hóa với sự thể hiện tính triết mỹ trong ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều 3.2.1. Tính đa thanh, đa giọng điệu qua phong cách Khổng tước văn và Hải hạc văn Qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu, chúng tôi cũng xem ba bài thơ trên là những tự sự nghệ thuật của ông, trong đó bài Khổng tước vũ nói về phong cách ngôn ngữ. Đúng như Lê Quế đã nhận xét: “Giọng văn của Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh có cả sự lộng lẫy như vũ điệu chim công và cả sự thanh thoát, kín đáo, tế nhị như vũ điệu của loài hạc biển...”. Dựa trên việc lý giải mối quan hệ giữa hình thức và nội dung đã nêu, trong Truyện Kiều, tác giả đã tạo nên hai tuyến nhân vật với hai kiểu phát ngôn và giọng điệu riêng biệt. Giọng điệu và ngôn ngữ của các tuyến nhân vật đó thể hiện rất phong phú, đa dạng nhưng cũng rất thống nhất: nhân vật nào ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ nào, giọng điệu đó. 3.2.2. Phong cách Khổng tước văn trong ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều Để nhận chân cái vẻ bề ngoài của Khổng Tước văn tưởng cũng thật dễ dàng, bởi ngoại diện của nó đã được phô ra hết bên ngoài, nhưng vấn đề là nhận ra được sự ẩn hàm những tàng độc của nó như mối quan hệ giữa vẻ đẹp bên ngoài của công lại dung chứa một hệ thống lục phủ ngũ tạng đầy chất độc. Tác giả đã khéo léo sử dụng mối quan hệ ấy dưới bộ lông sặc sỡ của Khổng Tước. Trong tác phẩm, ở đâu Nguyễn Du dùng những lời lẽ khoa trương, ồn ào thì ở đó có sự xuất hiện của những kẻ chuyên sống bằng xác thịt con người, bằng mưu mô và thủ đoạn, những lừa dối, sự tầm thường hoặc chưa hoàn thiện. Sau cái đêm ở trú phường, khi đã ở ngoài mươi dặm trường đình, Thuý Kiều tâm sự với Vương Bà trước lúc chia tay, đã nhận xét về Mã: “Khác màu kẻ quý người thanh/ Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.” Như đã nói, ngôn ngữ của các nhân vật phản diện, hay có tính tiêu cực đã phân tích trên đã chỉ rõ vẻ đẹp của những lông công, là những bước biểu diễn của con công và sự tàng độc của gan công. Có lẽ vũ điệu đẹp nhất, những chiệc lông đẹp nhất chính là kỹ thuật và giọng điệu, ngôn ngữ náo nhiệt nhất mà tác giả đã sử dụng để viết về cái “không khí Từ Hải” (chữ dùng của Xuân Diệu). Từ góc độ ngôn ngữ, qua thống kê trong 12 câu thơ được trích trên, chúng tôi nhận thấy có lẽ nhà thơ đã vận dụng hết những gì là tinh tuý nhất của hai lớp ngữ liệu bình dân và bác học để phục dựng cái không khí rất hào tráng của đội quân Từ Hải. Sự kết hợp nhuần nhuyễn những ngữ liệu bác học và bình dân đã giúp nhà thơ như muốn thể hiện cái oai hùng rất lớn của cái không khí ấy. Chẳng hạn, khi sử dụng từ cô quả (tiếng vua chư hầu tự xưng), bá vương (vừa ám chỉ những người đứng đầu có tài năng, sức mạnh, vừa ám chỉ việc làm của Từ Hải giống như Sở Bá Vương năm xưa) có nguồn gốc từ văn hoá khiêm xưng của Trung Hoa (cô gia, quả nhân) hoặc thời kỳ lịch sử Hán sở tranh hùng, tả giả muốn đề cao vai trò to lớn của người anh hùng Từ Hải. Thế nhưng, cái không khí ấy càng hùng tráng bao nhiêu thì khi sự thất bại của họ Từ diễn ra, người đọc càng cảm thấy thấm thía bấy nhiêu. 3.2.3. Phong cách Hải hạc văn trong ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều Xét từ phương diện ngôn ngữ, nếu Thuý Kiều ôn nhu thì Từ Hải mạnh mẽ, nếu Thuý Kiều thanh cao thì Từ Hải võ biền, nếu Thuý Kiều đáng thương thì Từ Hải đáng trọng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc chơ rằng: “Ngôn ngữ của Từ Hải là tuyên ngôn của lý tưởng anh hùng là sự biểu hiện của một phẩm cách anh hùng.”. Khi khẳng định Từ Hải là kẻ quốc sĩ, Nguyễn Du muốn thông ngôn ngữ của nhân vật này đề cao phẩm giá củanhững người phụ nữ từng trải, những người có số phận “cỏ nội hoa hèn”, cách dùng từ “tri kỷ” để nói về Thuý Kiều đã thể hiện rõ điều đó. Qua ngôn ngữ chân thành của Từ Hải, Nguyễn Du không những đã sử thi hoá nhân vật này, mà đồng thời ông cũng phác hoạ thành công bức chân dung một nhân vật anh hùng xuất chúng, một tâm hồn bầu bạn, một trái tim yêu thương, kính trọng của Thuý Kiều. Hiểu văn Nguyễn Du qua Khổng Tước văn chỉ là mới tiếp cận bên ngoài của cái vẻ hào nhoáng, chỉ thấy được giọng điệu cay độc, mỉa mai của tác giả dành cho những kẻ độc ác, gian ma nhiều khi được che đậy trong một lốt vẻ hào hoa, phong nhã. Khi tiếp cận với giọng Hải Hạc văn, người đọc dường như mới tiếp cận được cái trọn vẹn, hoàn mỹ của một thiên tài. Vẻ đẹp của Hải Hạc văn được thể hiện qua ngôn ngữ của các nhân vật chính diện là vẻ đẹp kín đáo, tế nhị và mộc mạc, thân tình. Qua nhiều đoạn triết lý, độc thoại nội tâm của những nhân vật như Thuý Kiều, chúng ta mới thấy được dáng vẻ thâm trầm, kín đáo của thi nhân. 3.3. Âm hưởng của ngôn ngữ văn hoá trong Truyện Kiều đến đời sống xã hôi, văn chương Việt Nam 3.3.1. Ảnh hưởng của ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều đến đời sống văn hoá, xã hội Việt Nam Qua ngôn ngữ văn hoá Truyện Kiều, Nguyễn Du tái hiện một thế giới nghệ thuật sinh động qua một hệ thống từ ngữ mang tính phúng dụ sâu sắc, dung chứa những quan niệm văn hóa, văn chương và đậm hơi thở của cuộc sống. Nó “không chỉ chiếm lĩnh ở đỉnh cao về nghệ thuật sử dụng tiếng Việt mà còn có vai trò hiếm có trong việc đóng góp vào kho tàng từ vựng tiếng Việt một hệ thống từ ngữ mới, đi vào lời ăn tiếng nói hằng ngày của mọi tầng lớp nhân dân.”. Sau khi ra đời, Truyện Kiều đã thực sự trở thành món ăn tinh thần cho bao thế hệ người đọc Việt Nam, là một tác phẩm có vị trí đỉnh cao trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, là sách giáo khoa quốc văn cần phải đọc ở các bậc học, là một đối tượng nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên luận khoa học. Cùng với Lục Vân Tiên ở Nam Bộ, Truyện Kiều đã trở thành hai đại tuyệt phẩm của thể loại truyện Nôm bác học. Sự ra đời của Truyện Kiều đã góp phần to lớn làm phong phú đời sống văn hóa dân tộc. “Làm trai biết đánh tổ tôm, uống trà Chính Thái, xem nôm Thúy Kiều” đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt. Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những hình thức sinh hoạt như đố Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, ca tài tử, cải lương liên quan các tuồng tích trong Truyện Kiều đều in đậm dấu ấn ngôn ngữ văn hoá Truyện Kiều. Sau Truyện Kiều, không ít người đã nói đến cái gọi là lục bát hậu Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, văn Kiều, thơ Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều. Trong những năm gần đây, sau khi thành lập Hội Kiều học Viêt Nam quy tụ những học giả, chuyên gia Hán Nôm, người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều, các nhà nghiên cứu và nhà xuất bản Thanh niên lần lượt cho xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, bình luận về Truyện Kiều trong bộ Tùng thư Truyện Kiều, đây được xem là một bộ sách góp phần thay đổi diện mạo của “văn hoá Kiều”. Có thể nói, đây không chỉ là một công việc thuần tuý khoa học mà còn là một cách thức rất cơ bản khuyến khích việc tuyên truyền quảng bá “văn hoá Kiều” đến bạn đọc trong và ngoài nước. 3.3.2. Sự lan tỏa và vang vọng của ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều đến đời sống văn chương Việt Nam Nghiên cứu về vấn đề ảnh hưởng, lan toả và vang vọng của ngôn ngữ văn hoá trong Truyện Kiều đến đời sống văn chương nghệ thuật, quá trình sáng tác cũng như các tác phẩm cụ thể của các thế hệ thi nhân hậu Nguyễn Du, hậu Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy cần phải xem xét trên hai phương diện. Một là các sáng tác, tác phẩm cụ thể lấy cảm hứng từ những vấn đề xung quanh câu chuyện về hệ thống nhân vật, nội dung tư tưởng, nghệ thuật của Truyện Kiều. Hai là sự ảnh hưởng, tiếp nhận kiểu sáng tác, mô hình sáng tác, kiểu dùng từ đặt câu... có vận dụng các ngữ liệu văn hoá trong Truyện Kiều đến các nhà văn, nhà thơ sau khi tác phẩm này hành thế. Trong truyền thống văn chương Việt Nam, đề vịnh về các danh tác là một hiện tượng không hiếm. Nhà nghiên cứu Lê Thu Yến đã nhận xét, từ góc độ ngôn ngữ văn hoá, từng câu chữ trong “Truyện Kiều như có hấp lực bắt người đọc phải làm theo, nỗ lực sáng tạo... vì vậy mà có các hình thức lẩy Kiều, tập Kiều... Nhiều cuộc thi tập Kiều với những hình thức khác nhau được tổ chức từ sau Truyện Kiều ra đời, kéo dài đến bây giờ.” Nguyễn Văn Y với Thơ vịnh Kiều (1973) là người đầu tiên ý thức về việc nghiên cứu những ảnh hưởng của ngôn ngữ văn hoá Truyện Kiều đến giới văn nhân hậu Nguyễn Du. Qua Nguyễn Du và Truyện Kiều trong cảm hứng thơ đời sau (2001), 126 bài thơ tiêu biểu nhất lấy cảm hứng từ Nguyễn Du và Truyện Kiều được sưu tuyển. Nhiều người Việt Nam đã đọc Kiều, ngâm Kiều, thuộc Kiều, rất hay dùng những từ ngữ, tứ thơ, ngữ điệu thơ, những tâm trạng, tình huống trong Truyện Kiều để diễn đạt những cung bậc tình cảm cá nhân. Hiện tượng này các nhà nghiên cứu thường gọi là lẩy Kiều. Đọc các bài viết, bài nói chuyện và thơ văn của chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người rất yêu Truyện Kiều và hay lẩy Kiều - như một ứng xử văn hoá trước bạn bè quốc tế. KẾT LUẬN 1. Lịch sử tiếp nhận ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá tuy không có bề dày như nhiều hướng tiếp cận khác nhưng nó đã mở ra được một hướng nghiên cứu mới về một đối tượng đặc biệt của văn học dân tộc. Khảo sát hệ thống ngôn ngữ trong tác phẩm văn học trung đại nói chung và ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều nói riêng từ góc độ văn hoá là một công việc vô cùng lý thú và hấp dẫn. Với hệ thống ngữ liệu văn hóa, chúng ta có thể đi vào tìm hiểu bức tranh “muôn hình muôn vẻ” về thế giới nghệ thuật, xã hội, con người và những cách tân của tác giả trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực, những trải nghiệm của một thi nhân, triết nhân luôn nặng nợ với đời. 2. Vấn đề hàm nghĩa văn hoá và ngôn ngữ văn hoá trong tiếng Việt tuy đã được quan tâm nghiên cứu từ lâu, song sự thống nhất quan điểm nghiên cứu về nội hàm và ngoại diên của các khái niệm này vẫn chưa được cụ thể hoá, khu biệt hoá. Trong bối cảnh chung đó, việc đề xuất một cách hiểu sơ khởi về hai khái niệm này của tác giả luận văn đã góp phần xây dựng nên hệ quy chiếu để phân loại và biện giải về hệ thống ngữ liệu văn hoá trong ngôn ngữ Truyện Kiều nói riêng và ngôn ngữ truyện Nôm nói chung. Khi trở thành một yếu tố quan trọng của ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam, hệ thống từ ngữ này đã phát huy tối đa tiềm năng vốn có của nó, giúp cho nhà nghệ sỹ có thể diễn đạt uyển chuyển những khái quát nghệ thuật ở cấp độ cao. 3. Hệ thống từ ngữ văn hóa trong Truyện Kiều đã tồn tại với tư cách là một phương tiện đặc thù của ngôn từ tác phẩm. Nguyễn Du đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn, cách tân, sáng tạo, linh động, thần tình, đích đáng, tự nhiên, gọn gàng, ý vị thanh nhã và thuyết phục người đọc. Đó còn là nhờ có sự hòa quyện giữa những yếu tố khách quan và chủ quan theo đặc trưng thi pháp văn học Trung đại, là sự tiếp nhận những ảnh hưởng từ văn học cổ điển Trung Hoa. 4. Những đặc trưng thẩm mỹ của hệ thống ngôn ngữ văn hóa trong Truyện Kiều đã có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình tiếp nhận tác phẩm trong bối cảnh giao lưu văn hóa. Nó góp phần thể hiện giọng điệu tiêu biểu như Khổng Tước văn, Hải Hạc văn của Nguyễn Du. Ngoài ra, nó còn tác động đến đời sống sinh hoạt văn hóa của dân tộc, các hình thức Bình Kiều, Đố Kiều, Lẩy Kiều, Bói Kiều đã trở thành những thú chơi tao nhã của văn nhân, mặc khách. Tác động của nó còn lưu dấu trong tâm thức thẩm mỹ của các nhà thơ qua các thế hệ. Dù đã tồn tại nhiều cuộc tranh luận khác nhau về giá trị của Truyện Kiều nhưng những đặc điểm nổi bật về ngôn ngữ vẫn là những yếu tố trội bật, tiêu biểu trong diễn trình vận động và tồn tại của tác phẩm. Tiếp nhận Truyện Kiều trong một bối cảnh giao lưu văn hoá không chỉ giúp cho người đọc các thế hệ hiểu thêm về một tuyệt tác văn học, một điển hình tiêu biểu cho văn chương Việt Nam. Dù có nhiều cách luận bình khác nhau, tiêu cực hay tích cực, Truyện Kiều vẫn luôn được tồn tại với tư cách là một sinh mệnh văn hoá của dân tộc, là món ăn tinh thần quý giá của nhân dân ta, Và do đó, Nguyễn Du và Truyện Kiều suốt hơn hai trăm năm qua đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao thế hệ thi nhân, là đề tài cho các nghệ sĩ và nó vẫn tiếp tục trong mạch nguồn văn hóa dân tộc, vẫn liên tục tiếp diễn, bền bỉ và dài lâu. DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 1. Võ Minh Hải (2009), “Đặc trưng thẩm mỹ của các ngữ liệu văn hoá trong Truyện Kiều”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, (4), tr. 17 - 23. 2. Võ Minh Hải (2012), “Hàm nghĩa văn hóa của hai chữ Nam và Bắc trong văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, (1+2), tr. 13 - 23. 3. Võ Minh Hải (2013), “Phong cách văn hoá Nguyễn Du qua ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (9), tr. 76 - 83.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docngon_ngu_nghe_thuat_truyen_kieu_tu_goc_nhin_van_hoa_3948.doc
Luận văn liên quan