Châu Phi có 55 nước, tổng diện tích lớn thứ ba thế giới, sau châu
Á và châu Mỹ, chiếm 15% lãnh thổ thế giới với 30.335.000 km2 và
13% dân số toàn cầu với 1,1 tỷ dân theo thống kê năm 2012. Khí hậu
châu Phi nóng và khô, có sa mạc Xahara lớn nhất thế giới. Các tiềm
năng lớn của châu Phi gồm có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú với 17 loại khoáng sản trữ lượng đứng
đầu thế giới như cô ban, platinum, chromium, kim cương, dầu khí,
vàng, măng gan, bôtxit, crôm, đồng, dầu mỏ, uranium và thuỷ điện.
Tuy tiềm năng lớn nhưng do việc khai thác, sử dụng kém hiệu
quả, nên châu Phi chỉ tạo ra được 2% GDP của thế giới. Kinh tế châu
Phi tăng trưởng thấp trong những thập niên cuối thế kỷ XX, tốc độ tăng
GDP thực tế bình quân trong thập niên 1980-1990 đạt 2,5%/năm, sang
giai đoạn 1991-2003 tăng lên 2,8%/năm. Nguyên nhân trước hết là do
khu vực này còn nhiều bất ổn chính trị, chiến tranh và sung đột kéo dài,
thêm vào đó là sự quản lí yếu kém, tham nhũng cao, lạm phát phi mã,
thâm hụt tài chính lớn, vốn đầu tư thấp, phụ thuộc nặng nề vào việc sản
xuất, xuất khẩu các loại tài nguyên thiên nhiên thô có giá cả và giá trị
gia tăng thấp, các ngành chế tạo và dịch vụ đều kém phát triển, tỷ lệ tiết
kiệm và đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khoa học - công
nghệ kém, giáo dục, y tế . kém phát triển, bệnh tật tràn lan, cơ sở hạ
tầng lạc hậu.
24 trang |
Chia sẻ: tueminh09 | Lượt xem: 401 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án tiến sĩ Kinh tế Tăng trưởng kinh tế Châu Phi thập niên đầu thế kỷ XXI, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐỖ ĐỨC HIỆP
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHÂU PHI
THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển
Mã số: 62.31.01.05.
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SỸ KINH TẾ
Hà Nội, 2016
Công trình được hoàn thành tại:
Học viện Khoa học Xã hội,
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS. Trần Văn Tùng
2. TS. Nguyễn Anh Minh
Phản biện 1: PGS. TS. Trần Đình Thiên
Phản biện 2: PGS. TS. Lê Quốc Hội
Phản biện 3: TS. Nguyễn Bá Ân
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm Luận án cấp Học
viện tại Hội trường Học viện Khoa học xã hội, 477
Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Vào hồi .. giờ ..... phút, ngày ..... tháng .... năm 2016.
Có thể tìm hiểu Luận án tại
- Thư viện Quốc gia
- Thư viện Học viện Khoa học Xã hội.
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Phi đã có sự cải thiện đáng
kể trong thập niên đầu thế kỷ XXI so với các thập niên cuối thế kỷ XX,
nhưng mức độ tăng trưởng không đều giữa các nước trong khu vực.
Một số nước thực hiện tốt chính sách cải cách kinh tế - xã hội, nhờ đó
đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên 6%/năm, trong khi
nhiều nước khác lún sâu vào chiến tranh, xung đột, trì trệ trong cải
cách, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không những thấp (dưới 3%/năm),
mà còn rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí tăng trưởng âm.
Mặc dù các nước châu Phi đã có nhiều thay đổi theo cả hai chiều
thuận, nghịch, đã có những bài học, kinh nghiệm về thành công, thất
bại trong tăng trưởng kinh tế, rất đáng tham khảo, nhưng ở Việt Nam
rất ít người hiểu rõ về thực tế này, do còn thiếu thông tin, đặc biệt là
chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu phân tích một cách hệ thống,
khách quan và khoa học về chủ đề này.
Trong bối cảnh đó, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài về “Tăng
trưởng kinh tế châu Phi thập niên đầu thế kỷ XXI” làm chủ đề nghiên
cứu của Luận án Tiến sỹ Kinh tế của mình. Đề tài vừa có ý nghĩa khoa
học, nghiên cứu khách quan về một vần đề phát triển của một khu vực
trên thế giới, vừa có ý nghĩa thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu
ở Việt Nam hiện nay cần tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế thực tế ở
các nước châu Phi để có nhận thức đúng về những nguyên nhân, tham
khảo những kinh nghiệm của họ, góp phần xây dựng những chính sách
mới tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta, tránh
những sai lầm, thất bại không đáng có, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc
mở rộng các quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước
châu Phi, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược hợp tác, đối tác
Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2011-2020”.
2. Đối tượng và mục đích nghiên cứu
Đối tương nghiên cứu của Luận án là tăng trưởng kinh tế ở châu
Phi trong thập niên đầu thế kỷ XXI, bao gồm sự tăng trưởng kinh tế
của cả châu lục nói chung, sự tăng trưởng của các ngành như công
nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, và sự tăng trưởng tại một số vùng, một
số quốc gia cụ thể ở châu Phi.
2
Mục tiêu tổng quát của Luận án là nghiên cứu tăng trưởng kinh
tế châu Phi trong thập niên đầu thế kỷ XXI nhằm góp phần giúp bạn
đọc Việt Nam, nhất là các nhà hoạch định chính sách, các doanh
nghiệp, các nhà nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên học tập về châu
Phi, cùng các bạn đọc khác hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế
của khu vực này, từ đó tham khảo kinh nghiệm, cả thành công và
không thành công của châu Phi, để tìm ra những chính sách, giải pháp
tốt nhất cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta, đồng thời
mở rộng các quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu
vực này.
Để thực hiện mục tiêu tổng quát, Luận án nghiên cứu các mục
tiêu trung gian gồm: Cơ sở lý luận và thực tiễn; Thực trạng tăng trưởng
kinh tế châu Phi; Đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những
nguyên nhân, giải pháp; Dự báo triển vọng; Rút ra những kinh nghiệm
thành công, thất bại của châu Phi mà Việt Nam cần và có thể tham
khảo.
3. Phạm vi, thời gian và địa bàn nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của Luận án là những vấn đề liên quan đến
tăng trưởng kinh tế châu Phi thập niên đầu thế kỷ XXI, bao hàm tốc độ
tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, các nguồn lực về tài nguyên, lao động, vốn,
khoa học - công nghệ, vai trò của kinh tế đối ngoại, vấn đề quản lý và
chính sách kinh tế vĩ mô, thể chế kinh tế, khuôn khổ pháp lý, các vấn
đề về xã hội và môi trường.
Thời gian nghiên cứu trọng tâm là thập niên đầu thế kỷ XXI.
Nhưng để có cơ sở so sánh, Luận án nghiên cứu thêm 2 thập niên trước
đó là 1980-1990 và 1991-2000, đồng thời nghiên cứu thêm giai đoạn
2011-1015 để cập nhật tình hình, dự báo triển vọng đến năm 2020 và
2030 để thấy xu hướng phát triển của châu Phi trong những thập niên
sắp tới.
Địa bàn nghiên cứu là toàn khu vực châu Phi, trong đó có sự
phân loại giữa 3 nhóm nước đạt mức tăng trưởng cao, trung bình và
thấp, từ đó lựa chọn một số trường hợp tương đối điển hình như Nam
Phi và Tanzania để nghiên cứu điểm. Đề tài cũng nghiên cứu mối liên
hệ giữa tăng trưởng kinh tế ở châu Phi với các nước và khu vực khác
trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
3
4. Nhiệm vụ phải giải quyết:
Luận án có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề và trả lời các câu hỏi
sau:
- Cơ sở lý thuyết về tăng trưởng kinh tế ở châu Phi là gì?
- Thực trạng tăng trưởng kinh tế châu Phi trong thập niên đầu thế
kỷ XXI như thế nào?
- Có gì khác nhau về tăng trưởng kinh tế giữa các nhóm nước ở
châu Phi?
- Mối quan hệ giữa tăng trưởng về lượng và về chất là như thế
nào?
- Vai trò của kinh tế đối ngoại là như thế nào?
- Những nguyên nhân chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở châu Phi
là gì?
- Việt Nam có thể tham khảo gì từ những bài học, kinh nghiệm về
tăng trưởng kinh tế ở châu Phi?
5. Phương pháp nghiên cứu
Cùng với việc vận dụng phương pháp luận cơ bản về duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử, Luận án sử dụng các phương pháp mới
và phổ biến sau đây:
- Thu thập thông tin, tài liệu, phân tích dữ kiện, trong đó coi
trọng nguồn tư liệu của các tổ chức quốc tế, quốc gia, các công trình
nghiên cứu khoa học đã được đăng tải, tham khảo thông tin cập nhật
trên báo chí, trao đổi ý kiến với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh
doanh, hay nhà chính trị hiểu biết về châu Phi.
- Sử dụng phương pháp hệ thống và so sánh để phân tích tiến
trình tăng trưởng kinh tế ở châu Phi theo chuỗi thời gian, theo vùng
lãnh thổ hay quốc gia, từ đó làm rõ mức độ thành, bại hay hạn chế của
tăng trưởng kinh tế.
- Vận dụng phương pháp phân tích tổng hợp tác động của các
nhân tố chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội, kỹ thuật (PEEST:
Political/legal, Economic, Environmental, Socio–cultural, Technological) để
nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa tăng trưởng kinh tế với các yếu
tố chính trị, xã hội, môi trường, khoa học – công nghệ, đặc biệt là giữa
tăng trưởng về lượng và chất.
- Phương pháp phân tích SWOT (Strength, Weakness,
Opportunity, Threats: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, hiểm họa/thách
thức) được dùng để phân tích các yếu tố chi phối tăng trưởng như thể
4
chế, chính sách, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, yếu tố xã hội, môi
trường, quốc tế.
- Phương pháp nghiên cứu điểm được sử dụng để phân tích sâu
hơn về hai trường hợp điển hình là Nam Phi và Tanzania.
6. Những đóng góp của đề tài
Luận án có những đóng góp chủ yếu sau đây:
- Phân tích rõ cơ sở lý thuyết và thực tiễn của tăng trưởng kinh tế
ở châu Phi;
- Đánh giá đúng thực trạng tăng trưởng kinh tế ở châu Phi trong
thập niên đầu thế kỷ XXI;
- So sánh 3 nhóm nước đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình và
thấp ở châu Phi, trong đó phân tích kỹ hai trường hợp điển hình
là Nam Phi và Tanzania;
- Làm rõ mối quan hệ tương tác giữa tăng trưởng về lượng và chất
ở châu Phi;
- Đánh giá đúng vai trò của kinh tế đối ngoại đối với tăng trưởng
kinh tế của châu Phi;
- Nêu ra những nguyên nhân chủ yếu của tăng trưởng kinh tế ở
châu Phi;
- Rút ra những bài học, kinh nghiệm mà Việt Nam cần và có thể
tham khảo;
- Xét tổng thể, đây là công trình khoa học mới về tăng trưởng kinh
tế châu Phi.
7. Kết cấu luận án
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận - Kiến nghị, Luận án được chia
thành 4 chương, gồm:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Luận án
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn của tăng trưởng kinh tế
Chương 3: Thực trạng tăng trưởng kinh tế châu Phi trong thập
niên đầu thế kỷ XXI
Chương 4: Đánh giá chung về tăng trưởng kinh tế châu Phi và
bài học, kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam
5
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
Chương này tập trung phân tích những công trình nghiên cứu
trên thế giới và ở Việt Nam liên quan đến đề tài luận án. Đây là những
công trình được chọn lọc từ hàng trăm công trình có liên quan đến đề
tài do các tác giả trong và ngoài nước viết và công bố. Những vấn đề
đã được các công trình đó đề cập tới gồm những điểm chính như sau:
- Về nội dung, các công trình nêu trên đã bàn về những vấn đề lý
thuyết và thực tiễn bao gồm các trào lưu, trường phái, quan điểm lý
thuyết, các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, khoa
học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường
- Về phương pháp nghiên cứu, các công trình trên đã sử dụng
các phương pháp rất đa dạng, từ duy vật biện chứng, duy vật lịch sử
như trong các công trình của các tác giả theo trường phái Mácxít, đến
các phương pháp duy tâm phi Mácxít, các phương pháp khảo sát,
phương pháp trừu tượng, suy đoán hay kinh tế lượng, phương pháp
thực chứng, thực nghiệm, so sánh, đối chiếu
- Về phạm vi nghiên cứu, ngoài những vấn đề chung bao quát
toàn khu vực châu Phi, kể cả Liên minh châu Phi (AU), một số công
trình còn bàn tới một số tổ chức liên kết tiểu khu vực như Cộng đồng
phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Cộng đồng kinh tế các nước
Tây Phi (ECOWAS), Cộng đồng Đông Phi (EAC), hay bàn về một số
quốc gia cụ thể như Nam Phi, Tanzania, Libi, Ai-cập
- Về đánh giá kết quả, các công trình đã phân tích cả những
thành công và thất bại, những cơ hội và thách thức của các nước châu
Phi khi nỗ lực thực hiện những chính sách, biện pháp thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế.
- Xét tổng thể, mặc dù các công trình nêu trên đã đề cập tới
nhiều vấn đề, nhiều nước và nhóm nước, nhưng nếu xem xét các vấn đề
dưới góc độ tăng trưởng kinh tế như đề tài luận án nêu ra thì phần lớn
những vấn đề được nêu trong các công trình trên chỉ mới bàn về từng
mặt riêng lẻ, chưa hệ thống hóa và chưa đầy đủ, có không ít vấn đề quá
rộng, vượt ra ngoài phạm vi đề tài, cũng có nhiều vấn đề thuộc phạm vi
đề tài, nhưng chưa được đề cập đến, như những kinh nghiệm, bài học,
những nguyên nhân thành, bại, hay các tiêu chí tạo thành khuôn khổ lý
thuyết của tăng trưởng kinh tế.
6
Những vấn đề chưa được các công trình trên đề cập đến hoặc
chưa nghiên cứu đầy đủ mà Luận án nghiên cứu tiếp và hoàn thiện, cụ
thể như sau:
- Về lý thuyết, tuy đã có nhiều công trình ở trong và ngoài nước
nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa có một khuôn khổ lý
thuyết nào có thể sử dụng làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phân tích,
đánh giá tăng trưởng kinh tế ở châu Phi, đó là một khiếm khuyết hay
khoảng trống mà Luận án cần bổ sung và làm rõ.
- Về nội dung, khoảng trống lớn nhất mà các công trình trước
chưa nghiên cứu là ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu một
cách khách quan, khoa học về tăng trưởng kinh tế ở châu Phi, đây
chính là chủ đề mà Luận án đã lựa chọn để nghiên cứu; thứ hai là các
công trình nghiên cứu trước chưa luận giải rõ ràng về những nguyên
nhân dẫn tới thành công hay thất bại, hạn chế của tăng trưởng kinh tế ở
châu Phi, Luận án này sẽ cố gắng tìm lời giải đáp và xác định rõ những
nguyên nhân đó; thứ ba, chưa có công trình nào nêu rõ những bài học,
kinh nghiệm thành, bại của các nước châu Phi mà Việt Nam có thể
tham khảo, Luận án sẽ phân tích những bài học, kinh nghiệm đó; thứ tư
là ở Việt Nam rất thiếu thông tin về châu Phi, nhất là những thông tin
về kinh tế và thị trường, trong khi chúng ta rất cần hiểu rõ về khu vực
này để mở rộng các quan hệ hợp tác cùng có lợi, Luận án sẽ cung cấp
những thông tin cần thiết, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược
hợp tác, đối tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2011-2020”.
- Về phương pháp, để khắc phục tình trạng lộn xộn, ô hợp giữa
nhiều loại phương pháp khác nhau do nhiều trường phái lý thuyết khác
nhau áp dụng, Luận án sẽ vận dụng phương pháp luận cơ bản là duy
vật biện chứng và duy vật lịch sử, loại bỏ các phương pháp duy tâm,
không biện chứng, đồng thời sử dụng thêm các phương pháp mới gắn
với nghiên cứu thực tiễn như sưu tầm, thu thập tư liệu và phân tích cả
về mặt định tính và định lượng, vận dụng các phương pháp logic, so
sánh, đối chiếu, áp dụng Phương pháp phân tích tổng hợp tác động của
các nhân tố chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội và kỹ thuật (PEEST);
Phương pháp phân tích SWOT (Strength, Weakness, Opportunity,
Threats: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, hiểm họa / thách thức).
- Về phạm vi, Luận án tập trung nghiên cứu vấn đề trọng tâm là
tăng trưởng kinh tế, xét cả lượng và chất, đồng thời nghiên cứu mối
quan hệ tương tác với các vấn đề chính trị, xã hội, môi trường, cùng
7
những vấn đề cụ thể diễn ra ở các tiểu khu vực trong châu Phi và một
số nước theo cách phân loại và lựa chọn điển hình hay nghiên cứu
điểm, tất nhiên có tham khảo nhưng không đi lan man sang những lĩnh
vực xa trọng tâm đề tài về tăng trưởng kinh tế ở châu Phi thập niên đầu
thế kỷ XXI.
Tóm lại, những đóng góp của Luận án sẽ tập trung vào những
điểm chính sau đây: trước hết là tác giả sẽ xây dựng một khuôn khổ lý
thuyết về tăng trưởng kinh tế để làm cơ sở cho việc nghiên cứu tăng
trưởng kinh tế châu Phi; tiếp đó, để khắc phục tình trạng khan hiếm các
công trình nghiên cứu về châu Phi, tác giả cố gắng hoàn thành tốt đề tài
này, bởi đây là công trình mới đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về tăng
trưởng kinh tế ở châu Phi một cách khách quan và khoa học; thứ ba, tác
giả phân tích và rút ra những bài học, kinh nghiệm, tìm hiểu những
nguyên nhân thành, bại của châu Phi mà Việt Nam có thể tham khảo để
tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh
tế của đất nước; thư tư, Luận án sẽ cung cấp cho bạn đọc Việt Nam
những thông tin khoa học, vừa hệ thống vừa cập nhật, nhằm đáp ứng
nhu cầu thực tế hiện nay trong bối cảnh Việt Nam thiếu nhiều thông tin
về châu Phi, góp phần vào việc thực hiện thành công “Chiến lược hợp
tác, đối tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2011-2020” mà Chính phủ
Việt Nam đã khởi xướng và đang thực hiện.
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Chương này nghiên cứu 4 loại vấn đề chính gồm:
2.1. Các lý thuyết cổ điển và tân cổ điển về tăng trưởng kinh
tế
Về nội dung, tăng trưởng kinh tế được hiểu như là sự tăng lên
của sản lượng hàng hoá và dịch vụ mà sự tăng trưởng này duy trì trong
thời gian dài. Định nghĩa nêu trên tuy ngắn gọn, nhưng phản ánh được
những nội hàm cơ bản của tăng trưởng kinh tế gồm: tổng sản lượng
hàng hoá, dịch vụ và sản lượng bình quân đầu người; xét tăng trưởng
theo quan điểm động về thời gian, tiến trình và mức độ thay đổi; tăng
trưởng không chỉ về lượng mà cả về chất, diễn ra trên phạm vi rộng, tác
động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế.
8
Các lý thuyết tăng trưởng cổ điển ra đời từ năm 1928 bàn về việc
tối ưu hoá tiêu dùng trong hộ gia đình, tiếp đó được bổ sung thêm các
yếu tố cơ bản về cạnh tranh, trạng thái cân bằng của nền kinh tế, quy
luật lợi tức giảm dần, mối quan hệ giữa tăng trưởng với tích luỹ vốn
nhân lực, các loại hàng hoá mới và các phương thức sản xuất mới để
đạt được giá trị gia tăng cao, ảnh hưởng của tiến bộ khoa học - kỹ thuật
với trình độ chuyên môn hoá cao của lao động, vai trò của sức mạnh
độc quyền và các yếu tố đầu vào của sản xuất.
Đến cuối thập kỷ 1950, các lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển có
bước phát triển mới không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các nền kinh
tế của các quốc gia phát triển hay “chính quốc”, mà ngày càng chú ý
hơn tới các nước đang phát triển thuộc “Thế giới thứ ba”. Nội dung
tăng trưởng được mở rộng từ các vấn đề quốc gia sang các vấn đề quốc
tế, đặc biệt là thương mại, đầu tư, thị trường vốn và hội nhập kinh tế
quốc tế.
Trong lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển người ta phát hiện ra một
yếu tố chủ chốt đối lập với tốc độ tăng trưởng, đó là tốc độ tăng dân số,
nghĩa là tốc độ tăng dân số càng cao thì càng làm giảm quy mô vốn và
sản lượng bình quân đầu người. Vì lý do đó, cần áp dụng biện pháp
kiểm soát tỷ lệ tăng dân số thông qua việc lựa chọn tỷ lệ sinh thích hợp
để nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người.
2.2. Các trường phái và quan điểm lý thuyết có ảnh hưởng
lớn tới tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi
Sau Chiến tranh thế giới II đã hình thành một số lý thuyết và
quan điểm mới về tăng trưởng kinh tế như "cấu trúc luận", "thuyết tự
do mới", “thuyết thể chế” và một số loại quan điểm hiện đại về toàn
cầu hoá và kinh tế tri thức. Đây là những trường phái và quan điểm lý
thuyết có ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát
triển, trong đó có các nước châu Phi.
Cấu trúc luận hình thành từ cuối thập niên 1940 - đầu 1950 ở
Mỹ Latinh sau được mở rộng và trở thành lý thuyết chính thống của
các nước "Thế giới thứ ba", được bổ sung thêm những cách tiếp cận có
tính cấp tiến, kể cả phương pháp luận Mác-xít. Ra đời sau cuộc đại
khủng hoảng những năm 1930, cấu trúc luận đã phản ánh sự mất niềm
tin vào hệ thống thị trường tự do truyền thống, từ đó đề cao vai trò của
Nhà nước và sở hữu công, hạn chế kinh tế tư nhân, đẩy mạnh tái cơ
cấu, xây dựng kinh tế dân tộc độc lập tách khỏi sự phụ thuộc vào các
nước tư bản phát triển (“phương Bắc”). Tuy nhiên, đến những năm
9
1960 cấu trúc luận đã bị phê phán do chiến lược thay thế nhập khẩu
không những đã không cải tạo được cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,
mà trong thực tế bộ máy quan liêu Nhà nước ngày càng phình to, sản
xuất không phát triển, nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, dẫn đến thiếu hụt
ngân sách lớn, nghèo khổ tăng cao. Dần dần cấu trúc luận đã bị thay
thế bởi thuyết tự do mới.
Khác với cấu trúc luận coi trọng những vấn đề riêng, đặc thù của
các nước "Thế giới thứ ba", thuyết tự do mới đề cao tính “hiệu lực phổ
biến” dựa trên nguyên lý của sự phát triển kinh tế giống nhau, như tính
phổ biến của các lực lượng thị trường hay nguyên lý “giá cả hiệu quả”
có thể áp dụng rộng rãi cả ở những nước phát triển và ĐPT, từ đó đề
xuất ba định hướng chủ đạo về xác định giá đúng, phát triển mậu dịch
tự do và hạn chế sự can thiệp sâu của Nhà nước. Thuyết tự do mới đã
thiết kế các mô hình “kinh tế thị trường mở” hướng vào xuất khẩu dẫn
đến thành công ở một loạt các quốc gia như Hồng Kông, Đài Loan,
Hàn Quốc, Singapo, Nhật Bản
Mặc dù không tránh khỏi có những trường hợp đã rơi vào khủng
hoảng vì tự do hóa tài chính quá mức như khủng hoảng tài chính châu
Á năm 1987-88 hay khủng hoảng tài chính Mêhicô trước đó, nhưng có
thể thấy thuyết tự do mới đã mang lại những thành công lớn hơn nhiều
so với cấu trúc luận.
Thuyết thể chế hình thành chủ yếu từ đầu thập niên 1990. Theo
định nghĩa ban đầu do Douglass North đưa ra thì thể chế là một trò
chơi kinh tế hoặc chính trị có thể tạo ra các động lực cho hoạt động trao
đổi của loài người. Trong xã hội, thể chế kinh tế là yếu tố ảnh hưởng
quan trọng nhất đến kết quả hoạt động kinh tế, do nó chi phối quyền sở
hữu và thị trường, xác định quyền của người được hưởng lợi, doanh
thu, quyền quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp cho việc
phân bổ hợp lý các nguồn lực. Theo thuyết này, tuy thể chế không thay
thế được các yếu tố vật chất, nhưng nó có thể trở thành yếu tố quyết
định môi trường thuận lợi hay cản trở việc huy động các nguồn lực
thúc đẩy tăng trưởng, là nền tảng để một quốc gia trở nên thịnh vượng
hay nghèo khó. Thực tế chứng minh nền chính trị dân chủ gắn với thể
chế kinh tế thị trường tự do đã trở thành điều kiện tiên quyết cho một
quốc gia trở nên giàu có; ngược lại, thiếu thể chế đó nhiều quốc gia đã
không khuyến khích được các nhân tố tích luỹ, sáng tạo và phân bổ
nguồn lực một cách hiệu quả, kết cục họ đã phải trả giá bằng sự nghèo
đói. Một thể chế tốt, cấp tiến, phù hợp, có thể giúp quốc gia bắt kịp với
10
thời đại, đạt tăng trưởng cao, bền vững, trở nên thịnh vượng, như một
số nền kinh tế mới nổi đã đạt đươc; trái lại, thể chế bảo thủ, trì trệ,
không phù hợp sẽ đẩy xã hội vào nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí sụp đổ
cả chế độ, như thực tế đã và đang diễn ra tại một số quốc gia Trung
Đông – Bắc Phi từ năm 2010 đến nay.
Những quan điểm mới về toàn cầu hoá và kinh tế tri thức hình
thành chủ yếu từ thập niên 1990 trong thế giới hiện đại đang diễn ra
song song và bổ sung cho nhau giữa hai trào lưu phát triển là toàn cầu
hoá và kinh tế tri thức. TCH mở ra mối quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau
giữa các quốc gia trên thế giới, bao quát mọi vấn đề từ chính trị đến
kinh tế, khoa học - công nghệ và môi trường sinh thái, trong đó TCH
kinh tế đóng vai trò cốt lõi, có sự hỗ của công nghệ mới, nhất là công
nghệ thông tin, hình thành xã hội thông tin gắn với nền kinh tế tri thức;
đến lượt chúng, xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức lại thúc đẩy
mạnh hơn tiến trình TCH, tạo thành một vòng xoáy của sự phát triển
nhanh đến chóng mặt, khiến các trường phái tư duy của kinh tế học
phát triển như cấu trúc luận, thuyết tự do mới hay thuyết thể chế...
không bắt kịp, liên tục phải điều chỉnh, bổ sung, chính vì thế trong các
lĩnh vực này chỉ mới hình thành các quan điểm khác nhau, chưa có sự
nhất trí, còn nhiều tranh luận, nên chưa trở thành các lý thuyết hay
trường phái lý thuyết đã được khẳng định.
Đối với hầu hết các quốc gia ĐPT nơi kinh tế tri thức chưa đóng
vai trò chủ đạo như tại các nước công nghiệp, thì kinh tế học phát triển
vẫn là môn khoa học chính dẫn dắt các chiến lược và chính sách kinh tế
của họ như công nghiệp hoá, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng
xã hội, tạo việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao trình độ và chất
lượng nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đẩy mạnh
hội nhập quốc tế, vừa tranh thủ các cơ hội phát triển do TCH mang lại,
vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân,
xây dựng xã hội thịnh vượng.
2.3. Những yếu tố cơ bản tạo thành khuôn khổ lý thuyết của
tăng trưởng kinh tế ở châu Phi
Từ nghiên cứu lý thuyết, Luận án rút ra 4 nhóm yếu tố, đồng thời
là 4 loại tiêu chí cơ bản có tác động quyết định tới tăng trưởng kinh tế
bao gồm: Một là thiết lập và phát triển thể chế chính trị dân chủ đi đôi
với thể chế kinh tế thị trường tự do, xây dựng nền tảng cho tăng trưởng
kinh tế cao và bền vững; Hai là sử dụng hiệu quả các lợi thế so sánh và
lợi thế cạnh tranh về vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thị
11
trường, khoa học - công nghệ cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao,
nhất là công nghệ thông tin và nguồn nhân lực tri thức hướng tới phát
triển nền kinh tế tri thức; Ba là kết hợp cân đối giữa tăng trưởng về
lượng và về chất thông qua chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH,
HĐH, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thực
hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), nhất là về xóa đói
giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường sinh thái trong
lành; Bốn là xây dựng mối quan hệ tương tác giữa tăng trưởng bên
trong với hội nhập quốc tế và khu vực, phát triển mạnh các hoạt động
ngoại thương, nhất là xuất khẩu, và đầu tư nước ngoài, trở thành những
đầu tầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, hạn chế vay nhiều để
tránh rơi vào bẫy nợ, bẫy thu nhập thấp hoặc bẫy thu nhập trung bình
(Hộp 2.1).
HỘP 2.1
BÔN NHÓM YẾU TỐ / TIÊU CHÍ CƠ BẢN
ĐỂ XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
CỦA MỘT QUỐC GIA
Nhóm 1 = Thể chế: Thiết lập và phát triển thể chế chính trị dân chủ đi
đôi với thể chế kinh tế thị trường tự do làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Nhóm 2 = Lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh: Sử dụng một cách
hiệu quả các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia về các yếu
tố sản xuất – kinh doanh bao gồm vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên
nhiên, thị trường, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cùng với nguồn
nhân lực chất lượng cao, nhất là công nghệ thông tin và nguồn nhân lực tri
thức hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức, tạo động lực cho tăng trưởng
kinh tế.
Nhóm 3 = Mối quan hệ giữa tăng trưởng về lượng và chất: Đảm bảo
cân đối giữa tăng trưởng về lượng và chất thông qua sự chuyển dịch cơ cấu
một cách hợp lý, đặc biệt là chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, đảm bảo
công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ (MDGs), nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xóa đói
giảm nghèo, phân phối thu nhập một cách công bằng, bảo vệ môi trường sinh
thái trong lành nhằm thực hiện tăng trưởng bền vững, lâu dài.
Nhóm 4 = Năng lực hội nhập quốc tế: Nâng cao khả năng tranh thủ
những cơ hội do TCH và sự phát triển của công nghệ thông tin trên phạm vi
thế giới mang lại, nhất là xây dựng ngoại thương và đầu tư nước ngoài trở
thành những đầu tầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bên trong, thận trọng khi
tranh thủ viện trợ nước ngoài để tránh rơi vào bẫy nợ, bẫy thu nhập thấp hoặc
bẫy thu nghập trung bình.
12
2.4. Cơ sở thực tiễn của tăng trưởng kinh tế ở châu Phi
Thực tế tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Phi đã có sự cải
thiện đáng kể trong thập niên đầu thế kỷ XXI so với các thập niên cuối
thế kỷ XX. Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Phi (AfDB),
trong thập niên đầu thế kỷ XXI, châu Phi là khu vực đạt tốc độ tăng
trưởng kinh tế nhanh thứ hai thế giới, sau châu Á. Nhờ đó tình hình
kinh tế - xã hội của nhiều nước châu Phi trở nên ngày càng tốt hơn, môi
trường đầu tư, thương mại có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các nước trên toàn
khu vực châu Phi đạt được không đều nhau. Gần 20 nước trong số 55
quốc gia châu Phi thực hiện tốt những cải cách về thể chế theo hướng
dân chủ hóa xã hội và phát triển kinh tế thị trường đã đạt được tốc độ
tăng trưởng kinh tế cao trên 6%/năm, trong khi nhiều nước kém cải
cách hay vẫn còn lún sâu trong chiến tranh, xung đột thì tốc độ tăng
trưởng thấp, dưới 3%/năm, thậm chí không ít nước tăng trưởng âm
hoặc rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế ở châu Phi đã có nhiều chuyển biến
như vậy, nhưng ở Việt Nam vẫn còn rất thiếu thông tin về khu vực này,
rất ít người hiểu rõ về thực trạng tăng trưởng kinh tế ở các nước châu
Phi, trong khi chúng ta đang tích cực phát triển các quan hệ hợp tác
nhiều mặt với các nước châu Phi, nhất là từ khi Việt Nam triển khai
thực hiện “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ hợp tác
Việt Nam – Châu Phi giai đoạn 2003 – 2010”, và “Chiến lược hợp tác,
đối tác Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2011-2020”.
Trong bối cảnh nêu trên, việc nghiên cứu đề tài “Tăng trưởng
kinh tế châu Phi thập niên đầu thế kỹ XXI” vừa có ý nghĩa lý luận vừa
có ý nghĩa thực tiễn nhằm góp phần vào việc tăng cường sự hiểu biết
về châu Phi, mở rộng các quan hệ hợp tác Việt Nam – châu Phi, và góp
phần thực hiện thành công các chương trình hành động và chiến lược
hợp tác của Việt Nam với các các nước châu Phi.
13
CHƯƠNG III
THỰC TRẠNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHÂU PHI
TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (2001-2010)
3.1. Tăng trưởng kinh tế châu Phi suy giảm trong những
thập niên 1980-1990 và 1991-2000
Châu Phi có 55 nước, tổng diện tích lớn thứ ba thế giới, sau châu
Á và châu Mỹ, chiếm 15% lãnh thổ thế giới với 30.335.000 km2 và
13% dân số toàn cầu với 1,1 tỷ dân theo thống kê năm 2012. Khí hậu
châu Phi nóng và khô, có sa mạc Xahara lớn nhất thế giới. Các tiềm
năng lớn của châu Phi gồm có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài
nguyên thiên nhiên phong phú với 17 loại khoáng sản trữ lượng đứng
đầu thế giới như cô ban, platinum, chromium, kim cương, dầu khí,
vàng, măng gan, bôtxit, crôm, đồng, dầu mỏ, uranium và thuỷ điện.
Tuy tiềm năng lớn nhưng do việc khai thác, sử dụng kém hiệu
quả, nên châu Phi chỉ tạo ra được 2% GDP của thế giới. Kinh tế châu
Phi tăng trưởng thấp trong những thập niên cuối thế kỷ XX, tốc độ tăng
GDP thực tế bình quân trong thập niên 1980-1990 đạt 2,5%/năm, sang
giai đoạn 1991-2003 tăng lên 2,8%/năm. Nguyên nhân trước hết là do
khu vực này còn nhiều bất ổn chính trị, chiến tranh và sung đột kéo dài,
thêm vào đó là sự quản lí yếu kém, tham nhũng cao, lạm phát phi mã,
thâm hụt tài chính lớn, vốn đầu tư thấp, phụ thuộc nặng nề vào việc sản
xuất, xuất khẩu các loại tài nguyên thiên nhiên thô có giá cả và giá trị
gia tăng thấp, các ngành chế tạo và dịch vụ đều kém phát triển, tỷ lệ tiết
kiệm và đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khoa học - công
nghệ kém, giáo dục, y tế ... kém phát triển, bệnh tật tràn lan, cơ sở hạ
tầng lạc hậu.
Một nguyên nhân quan trọng khác là kinh tế đối ngoại của châu
Phi thời kỳ này đóng một vai trò rất hạn chế. Ngoại thương có xu
hướng tăng lên về giá trị vào cuối thế kỷ XX đầu XXI, đạt 339,2 tỷ
USD năm 2003, trong đó xuất khẩu 173,2 tỷ USD, nhập khẩu 166 tỷ
USD, nhưng tỷ trọng thấp, có năm còn giảm, như xuất khẩu giảm từ
3,1% năm 1990 xuống 2,3% năm 2000, nhập khẩu từ 2,7% năm 1990
xuống 2,1% năm 2000. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi
lên xuống thất thường, tăng trong thập niên 1990, từ 5,9 tỷ USD giai
đoạn 1992-1997 lên 11,6 tỷ USD năm 1999, sau giảm xuống 8,7 tỷ
USD năm 2000. Trong khi đó viện trợ phát triển chính thức (ODA) của
nước ngoài cho châu Phi trong những thập niên cuối thế kỷ XX luôn
lớn hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới và chiếm tỷ trọng
14
cao so với GDP của châu Phi, 14,4% trong giai đoạn 1975-1984, sau
tăng lên 28,8% giai đoạn 1985-1994, và 17,6% giai đoạn 1995-2004,
góp phần giúp một số nước châu Phi nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh
tế, ổn định xã hội, giảm bớt đói nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng, cung
cấp nước sạch, phát triển giáo dục, y tế và cải thiện năng lực thể chế;
nhưng mặt khác ODA đã không thúc đẩy tăng trưởng như mục tiêu đề
ra, còn làm tăng lệ thuộc, tăng tham nhũng, hạn chế cải cách, ít cải
thiện tình trạng đói nghèo, dịch bệnh, giáo dục, cơ sở hạ tầng, thêm vào
đó một phần ngày càng tăng của viện trợ là để trả nợ, dẫn đến giảm vốn
đầu tư cho phát triển, khiến tăng trưởng kinh tế thấp, và cứ thế cái vòng
luẩn quẩn đói nghèo – vay mượn tạo thành cái bẫy trói buộc, kìm hãm
nhiều nước châu Phi. Nói cách khác, nhiều nước châu Phi đã không
phát triển được ngoại thương và đầu tư nước ngoài trở thành những đầu
tầu của tăng trưởng kinh tế, trái lại ngày càng phụ thuộc nặng nề vào
viện trợ nước ngoài, rơi vào cái bẫy nợ, bẫy thu nhập thấp hoặc thu
nhập trung bình.
3.2. Tăng trưởng kinh tế châu Phi được nâng lên trong thập
niên đầu thế kỷ XXI
HÔP 3.1
TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA CHÂU PHI
CUỐI THẾ KỶ XX – ĐẦU XXI
Tốc độ tăng GDP thực tế bình quân của châu Phi trong những thập
niên cuối thế kỷ XX:
- Giai đoạn 1980-1990: tăng 2,5%/năm.
- Giai đoạn 1991-2003: tăng 2,8%/năm.
Tốc độ tăng GDP thực tế bình quân của châu Phi trong thập niên đầu
thế kỷ XXI:
- Giai đoạn 2001-2010: tăng 5,5%/năm.
- Hai năm 2012-2013: tăng 5,8%/năm.
Xu hướng tăng GDP của châu Phi ngày càng cao hơn.
Tăng cao nhất trong thập niên đầu thế kỷ XXI.
Nguồn: Tổng hợp của tác giả.
Số liệu trong Hộp 3.1. cho thấy từ những thập niên cuối của thế
kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, tốc độ tăng GDP của châu Phi có xu hướng
ngày càng cao hơn, cao nhất là trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, cụ
thể tốc độ tăng GDP bình quân đã được nâng từ 2,5%/năm trong thập
15
niên 1980-1990 lên 2,8%/năm giai đoạn 1991-2003, đạt 5,5%/năm
trong thập niên 2001-2010, rồi 5,8%/năm trong hai năm kế tiếp 2012-
2013.
Cùng với sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế, lạm phát đã giảm từ
8,0% năm 2012 xuống 6,9% năm 2013; cán cân tài khoản vãng lai năm
2013 giảm xuống -3,5% so với năm 2012; cơ cấu ngành chuyển dịch
theo hướng CNH, HĐH, tuy còn chậm chạp. Trong cơ cấu GDP của
châu Phi, nông nghiệp chiếm 14,1%, công nghiệp 29,1% và dịch vụ
56,8%.
Tăng trưởng kinh tế châu Phi khá hơn, nhưng không đều, năm
2012 có 17 quốc gia đạt tốc độ tăng GDP cao trên 6,0%, chủ yếu nhờ
tăng mạnh khai thác, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, thực hiện thành
công các cuộc cải cách kinh tế - xã hội; 20 nước đạt tốc độ tăng trưởng
trung bình từ 3,0% đến 5,7%, do nỗ lực đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi
cơ cấu kinh tế, tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu, tăng cường
phát triển dịch vụ; và 8 nước đạt tăng trưởng thấp, phần lớn do xung
đột, bạo lực, khủng hoảng kinh tế - xã hội, cải cách và quản ký yếu
kém hoặc bị trừng phạt kinh tế từ bên ngoài.
Một nỗ lực đáng ghi nhận là các nước châu Phi đã sử dụng một
phần các thành quả tăng trưởng kinh tế vào việc giải quyết những vấn
đề xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là thực hiện tám mục tiêu phát
triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra về xóa đói, giảm nghèo, phát
triển giáo dục, y tế, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền lợi của
phụ nữ, ngăn chặn sự lây lan của các loại dịch bệnh HIV/AIDs, sốt rét, lao
phổi..., đảm bảo môi trường bền vững, xây dựng mối quan hệ đối tác
toàn cầu vì sự phát triển chung của thế giới, trong đó có châu Phi. Với
sự nỗ lực ngày càng tăng, các quốc gia châu Phi đã đạt một số tiến bộ,
tuy nhiên những kết quả đó còn xa so với các mục tiêu đã đề ra. Đến
nay hầu như không có nước châu Phi nào thực hiện thành công và đầy
đủ các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi trong
thập niên đầu thế kỷ XXI đã có những bước tiến quan trọng so với các
thập niên trước đó, đồng thời mở ra những cơ hội sáng sủa hơn cho tiến
trình tăng trưởng tiếp theo trong những thập niên sắp tới. Nguyên nhân
chủ yếu là do nhiều nước châu Phi đã có những nỗ lực to lớn để thực
hiện những cải cách kinh tế - xã hội mang tính cơ bản trong 4 lĩnh vực
chính là xây dựng thể chế chính trị dân chủ đi đôi với thể chế kinh tế
thị trường làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế; sử dụng hiệu quả các
16
lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; ưu
tiên sử dụng các lợi ích do tăng trưởng kinh tế mang lại để giải quyết
các vấn đề xã hội và môi trường; và nâng cao năng lực hội nhập quốc
tế, tạo ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong các
lĩnh vực ngoại thương và đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, những thành quả trên mới chỉ là những bước tiến ban
đầu, còn nặng tính nhất thời, trong khi những khó khăn, thách thức còn
nhiều, đòi hỏi các nước châu Phi cần có nhiều nỗ lực để đạt những
thành công to lớn hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, lâu
dài và bền vững hơn.
3.3. Nam Phi và Tanzania – Hai trường hợp điển hình về
phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở châu Phi
Để làm rõ thêm những nội dung đã được nghiên cứu ở phần trên
về tăng trưởng kinh tế châu Phi nói chung, trong phần này tác giả đi
sâu tìm hiểu thêm hai nước Nam Phi và Tanzania là hai trường hợp
điển hình về cải cách, phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở châu Phi.
3.3.1. Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở Nam Phi trong thập
niên đầu thế kỷ XXI
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc cải cách sâu rộng ở Nam Phi
là để khắc phục những hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề do chế độ phân
biệt chủng tộc Apacthai kéo dài 46 năm từ 1948 đến 1994 để lại, đó là
tình trạng tăng trưởng kinh tế Nam Phi cuối thập kỷ 1970 - đầu 1980
sụt giảm mạnh, sự phân biệt chủng tộc trầm trọng, gây mất an ninh
chính trị - xã hội, dẫn đến sung đột, bạo lực, khủng hoảng, thất nghiệp,
thất học, nghèo đói, tội phạm, bệnh dịch, nợ nước ngoài chồng chất,
buộc thế giới phải áp dụng lệnh cấm vận đối với chế độ Apacthai vào
năm 1985, ngay sau đó hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút
vốn khỏi Nam Phi, các nhà tài trợ dừng hoạt động cho vay mới, khiến
nền kinh tế không những trì trệ, mà xã hội trở nên hỗn loạn, đất nước bị
cô lập với khu vực, tụt hậu với thế giới.
Nội dung cơ bản của cải cách là xây dựng xã hội dân chủ, phát
triển kinh tế thị trường gắn với hội nhập quốc tế, thông qua cải cách thể
chế, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu ngành, mở rộng hợp tác
quốc tế, phục hồi tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội.
Thành công của cải cách là đã đưa đất nước Nam Phi trở thành
một nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICS, GDP tăng từ 1% năm
1991 lên 3-4%/năm cho đến năm 2000, thu nhập đầu người từ 3000
USD đầu thế kỷ XXI lên trên 10.000 USD hiện nay, xuất nhập khẩu
17
tăng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát và nợ nước ngoài giảm, thâm hụt
ngân sách được khống chế ở mức cho phép, cơ cấu nghành chuyển dịch
theo hướng CNH, HĐH, phát triển mạnh các ngành có hàm lượng giá
trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng của khu vực nông nghiệp và khai
khoáng, tăng nhanh tỷ trọng của các nghành chế tạo, dịch vụ, cơ sở hạ
tầng kinh tế được nâng cấp, tạo thêm nhiều việc làm, giảm bớt chênh
lệch thu nhập giữa người da trắng và người da đen, hệ thống giáo dục
đáp ứng nhu cầu cơ bản của xã hội.
Hạn chế của cải cách là tăng trưởng kinh tế không đều qua các
năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa được như mong muốn, tỷ lệ tiết
kiệm, tỷ trọng FDI trong GDP, thị phần xuất - nhập khẩu đều giảm,
trong khi thất nghiệp tăng, nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết
như chênh lệch giàu nghèo, thiếu nước sạch, thiếu điện, giáo dục tiểu
học kém, tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh tật, HIV/AIDs cao... Trong
quan hệ quốc tế, việc thực hiện các cam kết với WTO, SADC, SACU
còn nhiều hạn chế.
3.3.2. Phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở Tanzania
Sau khi giành độc lập ngày 9 tháng 12 năm 1961, Tanzania đã có
sự chuyển đổi căn bản từ mô hình xã hội chủ nghĩa mang tính tập trung
cao giai đoạn 1961-1985 sang kinh tế thị trường từ 1985 đến nay.
Trong thời kì đầu, nền kinh tế phát triển theo hướng kế hoạch hóa tập
trung, dựa chủ yếu vào khu vực quốc doanh, đã đạt một số thành tích
khả quan, tăng trưởng khá, đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của
nhân dân, nhưng mặt khác do bao cấp quá nặng, nên mất cân đối trầm
trọng, sản xuất đình trệ, không còn đủ sức bao cấp cho những nhu cầu
xã hội ngày càng tăng, dẫn đến thiếu hụt ngân sách, thiếu hụt cán cân
thanh toán, chênh lệch giữa đầu tư và tích luỹ ngày càng cao, lạm phát
tăng, khủng hoảng nặng, xuất khẩu giảm sút mạnh, gây khó khăn và bất
bình lớn cho dân chúng, trở thành áp lực mạnh mẽ dẫn đến cải cách.
Từ năm 1985, Tanzania đã triển khai các chương trình cải cách,
bắt đầu bằng Chương trình phục hồi kinh tế (ERP: 1986/1987–
1988/1989), tiếp đến là Chương trình hành động kinh tế - xã hội
(ESAP: 1989/1990-1991/1992), rồi các kế họach cuốn chiếu và chuyển
tiếp ngân sách 3 năm (RPEB, từ 1993/1994), sau nâng lên thành các
chiến lược phát triển giai đoạn 2001-2005 và 2005-2010, Tầm nhìn
2025.
Nhờ nỗ lực cải cách, kinh tế Tanzania dần được hồi phục, tăng
trưởng trở lại, đến 2012 GDP tăng 6,5%, xếp thứ 15 trong số 17 quốc
18
gia châu Phi đạt tốc độ tăng GDP cao trên 6,0%. Kinh tế vĩ mô ổn định,
các ngành chủ chốt như nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, nổi bật
là phốt phát tự nhiên, kim cương, đồng và titan, đều tăng trưởng khá
hơn trước.
Dự báo trong những năm sắp tới Tanzania có thể đạt tốc độ tăng
trưởng trên 6%/năm như 2012 và 2013, nhưng khó đạt mục tiêu 8%
như nêu trong Tầm nhìn 2025, do nền kinh tế còn có những yếu tố chưa
bền vững, cả Nhà nước và tư nhân đều chưa xác định được vai trò và
trách nhiệm rõ ràng, quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ, yếu kém,
năng lực lao động, quản lý, điều hành, khả năng cạnh tranh thấp, nhiều
vấn đề xã hội nan giải, khiến chất lượng cuộc sống thấp, tình trạng
nghèo đói, bệnh tật tràn lan, kéo tuổi thọ trung bình từ 49 năm 1950 lên
đỉnh cao 61 tuổi những năm 1970, sau tụt xuống 50,05 tuổi năm 1990,
rồi 47,15 năm 1998, và 46 tuổi từ đầu thập niên 2000 đến nay. Cơ cấu
ngành hinh tế chưa thoát khỏi tình trạng nông nghiệp – khai khoáng lạc
hậu. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vừa thiếu vừa yếu. Tỷ lệ tiết kiệm,
xuất khẩu, đầu tư thấp, phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài, cho
dù Chính phủ đã và đang áp dụng “Chiến lược thoát khỏi viện trợ”
(Aid Exit Strategy).
3.3.3. Những nguyên nhân chủ yếu mang lại sự phục hồi và
tăng trưởng kinh tế ở Nam Phi và Tanzania
So sánh cải cách và tăng trưởng kinh tế ở Nam Phi và Tanzania,
có thể nhận thấy những nguyên nhân chủ yếu sau đây đã mang lại sự
phục hồi và tăng trưởng kinh tế cho hai quốc gia này: 1- Các nước này
đều thực hiện những chính sách cải cách thể chế chính trị và kinh tế; 2-
Đều sử dụng hiệu quả hơn các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh; 3-
Đều dành một phần các lợi ích do tăng trưởng kinh tế mang lại để giải
quyết các vấn đề xã hội và môi trường; 4- Đều nỗ lực nâng cao năng
lực hội nhập quốc tế và khu vực, tạo ra nhiều cơ hội mới cho tăng
trưởng kinh tế. Đây cũng là những nguyên nhân chính đã giúp nhiều
quốc gia châu Phi khác cải thiện và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh
tế.
19
CHƯƠNG IV
ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Ở CHÂU PHI VÀ BÀI HỌC, KINH NGHIỆM
THAM KHẢO CHO VIỆT NAM
4.1. Đánh giá chung về tăng trưởng kinh tế ở châu Phi
Từ kết quả nghiên cứu ở các chương trên, tác giả có 3 đánh giá
chính sau đây:
Một là, tăng trưởng kinh tế ở châu Phi có xu hướng ngày càng
khá hơn, tốc độ tăng GDP bình quân đã từ 2-3%/năm của trong hai
thập niên cuối thế kỷ XX lên 5,5%/năm thập niên đầu thế kỷ XXI,
trong số 55 quốc gia châu Phi năm 2012 có 18 nước đạt tốc độ tăng
GDP vào loại cao trên 6,0%/năm, 20 nước đạt tốc độ tăng trưởng trung
bình từ 3 đến 6%/năm, các nước còn lại tăng trưởng thấp dưới 3%/năm,
đến năm 2013 có 14 nước đạt tốc độ tăng trưởng cao, 30 nước đạt trung
bình, còn lại là các nước tăng trưởng thấp.
Hai là, châu Phi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá hơn là nhờ
nhiều nước đã đẩy mạnh thực hiện 4 loại giải pháp mang tính đột phá,
gồm: 1- Thực hiện khá thành công các chính sách cải cách kinh tế - xã
hội; 2- Phát huy tốt hơn các nguồn nội lực, sử dụng hiệu quả hơn các
lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh; 3- Sử dụng một phần các thành
quả của tăng trưởng kinh tế để giải quyết những vấn đề xã hội bức súc;
4- Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực.
Ba là, bên cạnh một số thành công, châu Phi còn phải đối mặt
với nhiều khó khăn, thách thức lớn như chất lượng tăng trưởng thấp,
tình trạng kém phát triển tiếp tục kéo dài, mức thu nhập đầu người
thấp, năng lực quản lý yếu kém, nạn tham nhũng hoành hành, chiến
tranh, xung đột vẫn diễn ra, hội nhập kinh tế quốc tế kém hiệu quả, bẫy
nợ, bẫy thu nhập thấp và bẫy thu nhập trung bình tiếp tục kìm giữ đất
nước trong đói nghèo, lạc hậu.
4.2. Bốn nhóm yếu tố cơ bản làm nền tảng cho tăng trưởng
kinh tế ở châu Phi, đồng thời là những bài học, kinh nghiệm tham
khảo cho Việt Nam
Thứ nhất là xây dựng thể chế chính trị dân chủ đi đôi với thể chế
kinh tế thị trường đầy đủ.
Thứ hai là phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các lợi thế so sánh
và lợi thế cạnh tranh.
Thứ ba là gắn kết hợp lý giữa tăng trưởng về lượng với về chất.
20
Thứ tư là tranh thủ ngoại lực, tăng cường hội nhập quốc tế, thúc
đẩy ngoại thương, thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài để nâng cao
tốc độ tăng tưởng kinh tế.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Qua sự phân tích trong các chương trên, có thể khẳng định kinh
tế châu Phi đã có sự tăng trưởng khá hơn nhiều trong thập niên đầu tiên
của thế kỷ XXI và triển vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng khá hơn nữa do đã
tìm ra được những yếu tố cơ bản tạo nền tảng cho sự tăng trưởng cao ở
khu vực, nhất là những yếu tố về thể chế, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh
tranh, mối quan hệ giữa tăng trưởng về lượng với về chất, và vai trò
tích cực của kinh tế đối ngoại. Tuy vây, trong thực tế châu Phi vẫn
chưa đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu của CNH, HĐH, và đang
phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ về vốn, nguồn
nhân lực, sự bất ổn về chính trị, hệ thống quản lý kém hiệu quả, tình
trạng tham nhũng nặng và sự can thiệp, cạnh tranh từ bên ngoài
Về kiến nghị, theo tác giả, Việt Nam cần tham khảo và vận dụng
hợp lý những bài học, kinh nghiệm sau đây:
- Xây dựng thể chế chính trị dân chủ đi đôi với thể chế kinh tế thị
trường đầy đủ;
- Phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các lợi thế so sánh và lợi thế
cạnh tranh của đất nước;
- Gắn kết hợp lý giữa tăng trưởng về lượng và về chất;
- Tranh thủ ngoại lực, tăng cường hội nhập quốc tế, thúc đẩy
ngoại thương, tăng cường thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài
để góp phần phát triển kinh tế trong nước.
21
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
I. Các công trình liên quan mật thiết đến đề tài:
A. Các bài tạp chí:
1. Đỗ Đức Hiệp (2014), “Nam Phi – cải cách và hội nhập”, Tạp chí Nghiên cứu
châu Phi và Trung Đông, 05(105), tr. 23-31.
2. Đỗ Đức Hiệp (2014), “Tăng trưởng kinh tế châu Phi cuối thể kỷ XX – đầu thế
kỷ XXI”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, 8(15), tr. 76-82.
3. Đỗ Đức Hiệp (2015), “Châu Phi thập niên đầu thế kỷ XXI: Đẩy mạnh cải cách
và hội nhập”, Tạp chí Đối Ngoại, 03/2015(65), tr. 47-51.
B. Sách:
1. Đỗ Đức Hiệp (2015), Kinh tế châu Phi: Cải cách, tăng trưởng, hội nhập và
hợp tác với Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật
C. Sách đồng tác giả:
1. Đỗ Đức Định (chủ biên) (2008), Nam Phi: Con đường tiến tới dân chủ, công
bằng và thịnh vượng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Đỗ Đức Định (chủ biên) (2009), Việt Nam – Châu Phi: Từ đoàn kết hữu nghị
truyền thống hướng tới hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Đỗ Đức Định và Nguyễn Thanh Hiền (đồng chủ biên). (2009). Châu Phi Trung Đông năm 2008:
Những vấn đề và sự kiện nổi bật, NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.
4. Đỗ Đức Định, (chủ biên) (2012), Châu Phi – Trung Đông: Những vấn đề chính
trị và kinh tế nổi bật, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Đỗ Đức Hiệp (2007), So sánh hiệu quả nguồn viện trợ ODA Nhật Bản dành
cho Việt Nam và các nước châu Phi, đăng tiếng Anh và tiếng Việt trong
cuốn sách Việt Nam và châu Phi: Nghiên cứu so sánh kinh nghiệm và
cơ hội phát triển (Vietnam and Africa: Comparative Lessons and
Mutual Opportunities), Chương 14, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Trần Thùy Phương (chủ biên). (2009). Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số nước châu Phi. NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
D. Các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp viện đã tham gia nghiên cứu:
1. Đỗ Đức Hiệp (2007), Đề tài cấp Viện, So sánh hiệu quả nguồn viện trợ ODA
Nhật Bản dành cho Việt Nam và các nước châu Phi, Viện NC Châu Phi
và Trung Đông, Hà Nội.
2. Viện NC Châu Phi và Trung Đông (2008), Chương trình nghiên cứu cấp viện
Tổng quan về Châu Phi, Hà Nội.
3. Viện NC Châu Phi và Trung Đông (2008), đề tài cấp bộ Cải cách kinh tế - xã
hội ở Cộng hòa Nam Phi, Hà Nội.
4. Viện NC Châu Phi và Trung Đông (2009), đề tài cấp bộ Đẩy mạnh hợp tác
toàn diện giữa Việt Nam với một số nước châu Phi trong bối cảnh quốc
tế mới giai đoạn 2011-2020, Hà Nội.
5. Viện NC Châu Phi và Trung Đông (2010), đề tài cấp bộ Một số vấn đề nổi bật
về chính trị, kinh tế của châu Phi, Trung Đông giai đoạn 2011-2020 và
tác động đến Việt Nam, đề tài cấp bộ, Hà Nội.
22
6. Viện NC Châu Phi và Trung Đông (2012), đề tài cấp Nhà nước Đánh giá tổng
quát khả năng hợp tác của Việt Nam với các đối tác chủ yếu ở châu Phi
và Trung Đông, Hà Nội.
II. Các công trình khác có liên quan đến đề tài, nhưng liên quan không nhiều:
A. Sách đồng tác giả:
1. Đỗ Đức Định (chủ biên), (2013), Thổ Nhỹ Kỳ, Angiêri, Iran và khả năng hợp
tác với Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Đỗ Đức Định (chủ biên). (2008), Trung Đông những vấn đề và xu hướng kinh tế - chính trị trong bối
cảnh quốc tế mới, NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.
3. Đỗ Đức Hiệp (2012), Cẩm nang về Trung Đông, NXB Từ điển Bách khoa, Hà
Nội.
B. Các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp viện, tạp chí đã tham gia nghiên cứu và
được đăng:
1. Đỗ Đức Định (2008), Những vấn đề kinh tế và chính trị cơ bản của Trung
Đông, đề tài cấp bộ Viện NC Châu Phi và Trung Đông, Hà Nội.
2. Đỗ Đức Hiệp (2003) “Công nghệ thông tin trong sự phát triển kinh tế các nước
và Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế Thế giới, Số 12(92).
3. Đỗ Đức Hiệp (2006), Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản từ khi Việt
Nam đổi mới năm 1986, Đề tài cấp viện, Viện Nghiên cứu Châu Phi và
Trung Đông, Hà Nội.
4. Đỗ Đức Hiệp (2006), “Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam – Nhật Bản”, Tạp
chí Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông, số 9 (13); dịch và đăng lại
bằng tiếng Anh: “Vietnam’s Seafood Trade with Japan”, Vietnam
Economic Review, số 12 (148).
5. Đỗ Đức Hiệp (2008) Tìm hiểu nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và quan hệ Việt
Nam – Iran, đề tài cấp viện, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung
Đông, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tom_tat_luan_an_tien_si_kinh_te_tang_truong_kinh_te_chau_phi.pdf