Kỹ năng của luật sư trong các vụ án về thừa kế, lý luận và thực tiễn

I. LỜI MỞ ĐẦU Thừa kế là sự truyền lại tài sản của người đã chết cho những người khác theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Quan hệ thừa kế xuất hiện cùng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Pháp luật về quyền thừa kế là tổng hợp các quan hệ pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người thừa kế Hiểu theo nghĩa hẹp, quyền thừa kế chính là các quyền và nghĩa vụ của người để lại thừa kế và người thừa kế. Pháp luật về thừa kế của nước ta có quá trình hình thành như sau: - Sắc lệnh ngày 10/10/1945: cho phép tạm thời áp dụng các luật lệ của chế độ cũ, trừ những điều khoản trái với nền độc lập và dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. - Sắc lệnh 97 ngày 22/5/1950 quy định vợ chồng có quyền thừa kế của nhau, con trai, và con gái đều có quyền thừa kế di sản của cha mẹ; người thừa kế có quyền nhận hay không nhận di sản thừa kế. Các chủ nợ của người chết không có quyền đòi người thừa kế phải thanh toán nợ nần vượt quá phần di sản mà người đó được nhận. - Luật hôn nhân gia đình năm 1980 quy định khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà goá được bảo đảm, các con đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình và trong thừa kế, không phân biệt con trai, con gái, con trong giá thú, con ngoài giá thú. - Thông tư số 881/TANDTC ngày 24/7/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. - Văn bản ngày 30/8/1990 của Hội đồng Nhà nước thông qua pháp lệnh thừa kế. Nghị quyết số 02 ngày 19/10/1990 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh Thừa kế. - Bộ luật dân sự ngày 28/10/1995 có hiệu lực từ ngày 01/7/1996 là văn bản pháp luật hiện hành quy định về thừa kế thay thế pháp lệnh thừa kế năm 1990 tại phần thứ tư (từ điều 634 đến điều 689) và quy định thêm 7 điều liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất (từ điều 738 đến điều 744). - Bộ luật dân sự ngày 14/06/2005 là văn bản pháp luật hiện hành quy định về thừa kế tại phần thứ tư (từ điều 631 đến điều 687) và quy định thêm 7 điều liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất (từ điều 733 đến điều 735).

doc18 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4064 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỹ năng của luật sư trong các vụ án về thừa kế, lý luận và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. LỜI MỞ ĐẦU Thừa kế là sự truyền lại tài sản của người đã chết cho những người khác theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Quan hệ thừa kế xuất hiện cùng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Pháp luật về quyền thừa kế là tổng hợp các quan hệ pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người thừa kế… Hiểu theo nghĩa hẹp, quyền thừa kế chính là các quyền và nghĩa vụ của người để lại thừa kế và người thừa kế. Pháp luật về thừa kế của nước ta có quá trình hình thành như sau: Sắc lệnh ngày 10/10/1945: cho phép tạm thời áp dụng các luật lệ của chế độ cũ, trừ những điều khoản trái với nền độc lập và dân chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh 97 ngày 22/5/1950 quy định vợ chồng có quyền thừa kế của nhau, con trai, và con gái đều có quyền thừa kế di sản của cha mẹ; người thừa kế có quyền nhận hay không nhận di sản thừa kế. Các chủ nợ của người chết không có quyền đòi người thừa kế phải thanh toán nợ nần vượt quá phần di sản mà người đó được nhận. Luật hôn nhân gia đình năm 1980 quy định khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà goá được bảo đảm, các con đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình và trong thừa kế, không phân biệt con trai, con gái, con trong giá thú, con ngoài giá thú. Thông tư số 881/TANDTC ngày 24/7/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Văn bản ngày 30/8/1990 của Hội đồng Nhà nước thông qua pháp lệnh thừa kế. Nghị quyết số 02 ngày 19/10/1990 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh Thừa kế. Bộ luật dân sự ngày 28/10/1995 có hiệu lực từ ngày 01/7/1996 là văn bản pháp luật hiện hành quy định về thừa kế thay thế pháp lệnh thừa kế năm 1990 tại phần thứ tư (từ điều 634 đến điều 689) và quy định thêm 7 điều liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất (từ điều 738 đến điều 744). Bộ luật dân sự ngày 14/06/2005 là văn bản pháp luật hiện hành quy định về thừa kế tại phần thứ tư (từ điều 631 đến điều 687) và quy định thêm 7 điều liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất (từ điều 733 đến điều 735). II. NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬT SƯ CẦN NGHIÊN CỨU TRONG CÁC VỤ ÁN VỀ THỪA KẾ A-NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ THỪA KẾ 1. Quyền thừa kế của cá nhân – Đ 631, 632 BLDS Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. 2. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế – Đ633 BLDS Theo qui định tại Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.Trong trường hợp Tòa tuyên bố một người đã chết,thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà Toà án xác định người đó đã chết.Nếu không xác định được chính xác ngày chết của người đó thì ngày bản án tuyên bố một người đã chết có hiệu lực pháp luật được coi là ngày mà người đó chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế là yêu cầu đầu tiên của quan hệ thừa kế. Tại thời điểm sẽ xác định được người thừa kế của người chết cũng như di sản mà người chết để lại. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng, thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản. 3. Di sản – Đ 634 BLDS Di sản thừa kế bao gồm tài sản và quyền về tài sản của người chết. Tài sản của người chết bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Quyền tài sản của người chết có thể là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả… Di sản thừa kế không bao gồm nghĩa vụ của người chết. Do vậy, trong trường hợp người có tài sản để lại còn có nghĩa vụ về tài sản, thì thông thường phần nghĩa vụ này sẽ được thanh toán bằng tài sản của người chết. Phần còn lại sẽ được xác định là di sản của người chết và được chia theo qui định của pháp luật. Việc thanh toán các nghĩa vụ của người chết có thể do những người thừa kế của người chết thỏa thuận. Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vu về tài sản do người chết để lại tương ứng với phần tài sản mà mình đã nhận. Quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế theo quy định tại Phần thứ năm, chương XXXIII của BLDS 2005. 4. Người thừa kế Để xác định được người thừa kế của người chết vào thời điểm người này chết, cần phải xác định người chết có để lại di chúc hay không. Nếu có di chúc thì người thừa kế sẽ được xác định theo di chúc. Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc di chúc không phát sinh được hiệu lực pháp luật thì người thừa kế sẽ được xác định theo qui định của pháp luật. Trong cả hai trường hợp thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật, những người sau đây không có quyền được hưởng thừa kế: -Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. -Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. -Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. -Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản tráu với ý muốn của người để lại di sản. Người thừa kế có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức.Trường hợp người thừa kế là cá nhân thì cá nhân đó phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức, thì cơ quan, tổ chức phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Điều 635 Bộ luật dân sự). 4.1 Những người sau đây không được quyền hưởng di sản - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. - Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. - Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. - Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. 4.2 Những người nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. 4.3 Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, thì di sản không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước. 5. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại – Đ 637, 642 BLDS Người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong trường hợp di sản chưa được chia, thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế. Trong trường hợp di sản đã được chia, thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, công chứng hoặc Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. 6. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế – Đ 645 BLD Theo qui định tại điều 645 Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ ngày mở thừa kế. Trong thời hạn này, người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án chia thừa kế, xác định quyền thừa kế của mình, truất quyền thừa kế của người khác. Hết thời hạn mười năm, người thừa kế không còn quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế. Đối với những vụ án có thời điểm mở thừa kế từ trước ngày 10.09.1990 thì thời hạn cuối cùng của thời hiệu khởi kiện là trước ngày 10.09.2000. Tuy nhiên do những tranh chấp giao dịch về nhà ở được xác lập trước ngày 01.07.1991, trong đó có việc thừa kế về nhà ở phải dừng lại đợi Nghị quyết của Quốc hội, nên thời hạn tạm ngừng từ ngày 01.07.1996 đến ngày 01.01.1999 không tính vào thời hiệu này. Do vậy những vụ án có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01.07.1991 (bao gồm cả những vụ án có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10.09.1990), sẽ có hạn cuối cùng của thời hiệu khởi kiện là trước ngày 10.03.2003. Bắt đầu từ ngày 10.03.2003 các đương sự không còn quyền khởi kiện các vụ án thừa kế (Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20.08.1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01.07.1991; Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNHTC ngày 25.001.1999 của Tòa án nhân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số qui định của Nghị quyết số 58 của Quốc hội). B- THỪA KẾ THEO DI CHÚC VÀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT 1. Thừa kế theo di chúc Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Như vậy thừa kế theo di chúc là việc hưởng tài sản của người chết theo ý nguyện của người đó đã mong muốn và được thể hiện khi còn sống.Việc hưởng tài sản theo phương thức này chủ yếu dựa trên ý chí của người có tài sản,nhưng mặt khác cũng không được trái những qui định của pháp luật. 1.1 Người lập di chúc – Đ 647 - 652 BLDS Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. 1.1.1 Quyền của người lập di chúc Người lập di chúc có các quyền sau đây: - Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. - Phân định phần di sản cho từng người thừa kế. - Dành một phần di sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng. - Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản. - Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. 1.1.2 Hình thức của di chúc. Di chúc có thể được lập thành văn bản nhưng cũng có thể di chúc bằng miệng Di chúc bằng văn bản Hầu hết các trường hợp,di chúc đều phải được lập thành văn bản. Có các hình thức văn bản sau đây: -Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 655 BLDS), người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc -Di chúc bằng văn bản có người làm chứng ( Điều 656 BLDS) Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ mười tám tuổi hoặc người không có năng lực hànmh vi dân sự. Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Di chúc bằng miệng Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng. Di chúc bằng miệng được coi là hợp pháp, nếu người lập di chúc bằng miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng bị hủy bỏ (Điều 651 BLDS). 1.1.3 Di chúc hợp pháp Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều khoản sau đây: - Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. - Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. 1.1.4 Một số loại di chúc khác - Di chúc của một người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. - Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn. 1.2 Nội dung của di chúc bằng văn bản – Đ 653 - 659 BLDS 1.2.1 Di chúc phải ghi rõ - Ngày, tháng, năm lập di chúc - Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc. - Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản. - Di sản để lại và nơi có di sản. - Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ. 1.2.2 Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang, thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. 1.2.3 Một số quy định khác 1.2.3.1 Người làm chứng cho việc lập di chúc. Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: - Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. - Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc. - Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. 1.2.3.2 Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. 1.2.3.3 Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. 1.2.3.4 Di chúc có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn. Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng Nhà nước chứng nhận hoặc Ủy Ban Nhân Dân xã, phường thị trấn chứng thực bản di chúc. 1.3 Thủ tục lập di chúc tại Công chứng Nhà nước hoặc Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn. Việc lập di chúc tại Công chứng Nhà nước hoặc Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn, Công chứng viên hoặc người co thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được, thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng. -Di chúc bằng văn bản có chứng thực của công chứng nhà nước: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên chứng nhận bản di chúc.Thủ tục chứng thực của công chứng viên được tiến hành giống như đối với thủ tục chứng thực di chúc của Uy ban nhân dân xã phường, thị trấn,được qui định tại Điều 657, 658 và Điều 659 BLDS. Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn không được chứng nhận, chứng thực đối với di chúc, nếu họ là: - Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; - Người có cha mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; - Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc. 1.4 Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được chứng nhận, chứng thực – Đ 660 BLDS bao gồm: - Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu Công chứng Nhà nước chưng nhận hoặc Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn chứng thực; - Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận người chỉ huy phương tiện đó; - Di chúc của người đang điều trị bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó; - Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị; - Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó; - Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó. 1.5 Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc – Đ 662 - 664 BLDS Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung,thay thế,hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.Nếu người lập di chúc bổ sung vào di chúc,thì di chúc đã lập và phấn bổ sung đều có hiệu lự cphápluật như nhau;nếu phần di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau,thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới,thì di chúc trước bị hủy bỏ (Điều 662 BLDS) Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung đồng thời luật cũng có quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng như sau: - Vợ, chồng có thể bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. - Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung, thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết, thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. 1.6 Gửi giữ di chúc – Đ 665 - 666BLDS Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng Nhà nước lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc. Trong trường hợp Công chứng Nhà nước lưu giữ bản di chúc, thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của pháp luật về Công chứng Nhà nước. Cá nhân giữ bản di chúc có các nghĩa vụ sau đây: - Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại, thì phải báo ngay cho người lập di chúc. - Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng. Trong trường hợp di chúc thất lạc, hư hại: Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc, thì di sản được chia theo di chúc. 1.7 Hiệu lực pháp luật của di chúc – Đ 667 - 669 BLDS 1.7.1 Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế. 1.7.2 Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây: - Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; - Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến người chết trước hoặc cùng thời điểm, liên quan đến cơ quan, tổ chức không còn đó là không có hiệu lực pháp luật. 1.7.3 Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di chúc để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần, thì phần di chúc về di sản còn lại vẫn có hiệu lực. 1.7.4 Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật. 1.7.5 Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng là có hiệu lực pháp luật. 1.7.6 Hiệu lực pháp luật của di chúc chung vợ chồng: Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong khối tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó. 1.7.7 Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Nhằm đảm bảo cho cuộc sống của những người có quan hệ hôn nhân,huyết thống hoặc nuôi dưỡng là những quan hệ thân thiết gần gũi nhất với người lập di chúc,bảo đảm tính nhân đạo của pháp luật, Bộ Luật dân sự đã qui định về người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.Theo Điều 669, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản đó được chi theo pháp luật,trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là người từ chối hưởng di sản hoặc họ là người không có quyền hưởng di sản theo qui định của Điều 642 hoặc khoản 1 Điều 643 của BLDS: - Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; - Con đã thành niên mà không có khả năng lao động. 1.8. các vấn đề pháp lý khác của di chúc - Trong trường hợp di chúc bị thất lạc hoặc hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì áp dụnh các qui định về thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc, thì di sản được chia theo di chúc - Vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Nếu có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ chồng có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì phần di sản của vợ chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó. - Việc phân chia di sản được thể hiện theo ý chí của người để lại di chúc; Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế,thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc,trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật, thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu giá trị của hiện vật bị giảm sút tính theo thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác,thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỉ lệ đối với tổng giá trị khối tài sản, thì tỉ lệ này được tính trên giá trị khối tài sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản. - Nếu theo ý chí của người để lại di sản, tài sản chỉ được phân chia sau một thời gian nhất định, thì chỉ khi hết thời hạn đó,di sản mới được đem chia (Điều 684 BLDS). 1.9. Di sản dùng vào việc thờ cúng – Đ 670 BLDS Nếu người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng. Trong trường hợp tất cả những người thừa kế đều đã chết, thì phần di sản thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó,thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. 1.10 Công bố di chúc – Đ 672 BLDS Trong trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại Công chứng Nhà nước, thì công chứng viên là người công bố di chúc. Trong trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc, thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc, thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc. Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Bản sao di chúc phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Ủy Ban Nhân Dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế. Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc. Trong trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài, thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước. 2. THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định 2.1. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật – Đ 675 BLDS 2.1.1 Thừa kế theo pháp luật áp dụng trong những trường hợp sau đây: - Không có di chúc; - Di chúc không hợp pháp; - Những người thừa kế theo di chúc đều đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế; - Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản. 2.1.2 Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: - Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; - Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực; - Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền hưởng di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế. 2.2. Người thừa kế theo pháp luật – Đ 676 BLDS 2.2.1 Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, chú ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. 2.2.2 Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 2.2.3 Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản. 2.3. Một số loại thừa kế khác – Đ677 - 680 BLDS - Thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. - Thừa kế giữa con nuôi và cha mẹ nuôi: Con nuôi và cha mẹ nuôi ngoài việc hưởng tài sản thừa kế của nhau còn được hưởng thừa kế theo quan hệ huyết thống. Nghĩa là con nuôi ngoài việc hưởng di sản của người nuôi, còn được hưởng thừa kế của cha mẹ đẻ và những người ruột thịt theo qui định của pháp luật (Điều 678 BLDS) - Thừa kế giữa con riêng và bố dựong, mẹ kế: Con riêng và bố dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con, thì hưởng thừa kế di sản của nhau. Ngoài ra, người con này còn được hưởng di sản theo quan hệ huyết thống theo qui định của pháp luật ( Điều 679 BLDS) - Một số trường hợp khác: + Theo Khoản 1 Điều 680 BLDS Trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết, thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản. + Theo Khoản 2 Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết, thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản. 2.4. Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài – Đ 767 BLDS Việc áp dụng pháp luật về thừa kế theo pháp luật tuân theo quy định tại Điều 767 của Bộ luật dn sự. Việc xác định tài sản thuộc di sản thừa kế là bất động sản hoặc động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có di sản thừa kế đó. Trong trường hợp người để lại di sản thừa kế không có quốc tịch hoặc có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài, thì việc xc định pháp luật áp dụng về thừa kế theo pháp luật tuân theo quy định tại Điều 760 của Bộ luật dân sự. III. KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG VỤ ÁN THỪA KẾ – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN – THỰC TIỄN A- KỸ NĂNG TRANH TỤNG CỦA LUẬT SƯ TRONG VỤ ÁN THỪA KẾ 1. Kỹ năng trong phần thủ tục bắt đầu tại phiên Toà sơ thẩm Xem xét những vấn đề cần yêu cầu hoãn phiên Tòa Theo qui định của Điều 208 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự, thì Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau đây: -Vắng mặt kiểm sát viên trong trường hợp kiểm sát viên phải tham gia tố tụng. -Vắng mặt đại diện tổ chức xã hội đã khởi kiện vì lợi ích chung. -Vắng mặt nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; -Vắng mặt người làm chứng cần hỏi tại phiên tòa; -Thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, người giám định, người phiên dịch bị thay đổi mà lhông có người thay thế. Như vậy, theo qui định của pháp luật Hội đồng xét xử chỉ có quyền hoãn phiên tòa trong một số trường hợp nhất định.Trong những trường hợp Hội đồng xét xử đề nghị hoãn phiên tòa không trong căn cứ nêu trên luật sư có quyền đề xuất ý kiến để phản đối quyết định hoãn đó. Ngoài ra, trong một số trường hợp mặc dầu không có các căn cứ trong luật định nhưng theo thông lệ và được chấp nhận tại các Toà án nhân dân thì luật sư cũng không nên quá gay gắt khi bày tỏ quan điểm phản đối của mình. Ngược lại, luật sư có thể tận dụng những cơ hội như vậy nếu thấy việc hoãn phiên tòa là cần thiết và có lợi cho thân chủ của mình. 1.2.Về các yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ hoặc triệu tập thêm người làm chứng. Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa trước khi kết thúc Chủ tọa phiên tòa thường hỏi những người tham gia tố tụng xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng hay không, nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định. Như vậy, trong trường hợp cần phải triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng luật sư cần triệt để tận dụng cơ hội đó. Đây là lúc luật sư hoặc thân chủ có hội để cung cấp thêm chứng cứ mà lúc trước chưa có hội hoặc chưa muốn cung cấp cho Toà các chứng cứ quan trọng. Nếu Tòa án không đặt câu hỏi về việc yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm bằng chứng mà luật sư thấy cần thiết phải làm việc đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình thì luật sư phải chủ động đề xuất với Hội đồng xét xử để Hội đồng xét xử xem xét và quyết định. 2.Kỹ năng của luật sư trong phần thẩm vấn Phần thẩm vấn tại phiên tòa là giai đoạn điều tra công khai có sự tham gia của tất cả những người tham gia tố tụng. Trong giai đoạn này tất cả các chứng cứ được lần lượt công bố, phân tích, so sánh, nghiên cứu và tự thân nó bộc lộ giá trị chứng minh của chúng. Luật sư cần phải chú ý theo dõi kỹ quá trình Hội đồng xét xử tiến hành thủ tục xét hỏi tại phiên tòa. Về mặt thủ tục luật sư có quyền được đặt các câu hỏi để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình bằng cách thông qua câu hỏi để khẳng định công khai và giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. 2.1 Ghi chép diễn biến của phiên toà. Khi theo dõi thủ tục xét hỏi tại phiên tòa, luật sư cần phải ghi chép đầy đủ lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện của đương sự, người đại diện của tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung, kiểm sát viên trong trường hợp kiểm sát khởi tố vụ án, người làm chứng, người giám định, quá trình xem xét vật chứng. Qua những lời trình bày nếu thấy có sự mâu thuẫn hoặc có các tình tiết khác mà trước đó không thể hiện trong hồ sơ nếu có lợi hoặc bất lợi cho thân chủ của mình hoặc cho bất kỳ một người tham gia tố tụng nào thì luật sư cũng phải lưu ý đến điểm mới đó để có cách phản bác lại hoặc sử dụng chúng nhằm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Việc ghi chép đòi hỏi phải đầy đủ, ngắn gọn và làm nổi bật được ý chính. Bản ghi chép này là cơ sở để luật sư đặt các câu hỏi cho phía đối phương, người tham gia tố tụng hoặc thân chủ của mình để họ trả lời khẳng định công khai trước Hội đồng xét xử về các vấn đề cần làm rõ. Thông thường qua các câu hỏi của Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát, luật sư sơ bộ có thể nắm bắt được những quan điểm cơ bản của họ. Thông qua đó luật sư có thể điều chỉnh bản luận cứ của mình hướng vào việc làm sáng tỏ các quan điểm của Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát mà luật sư dự liệu theo hướng có lợi cho thân chủ của mình. Ghi chép các qúa trình xét hỏi tại phiên tòa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc dùng chính những quan điểm đó để làm cơ sở phản bác của mình trong trường hợp cần thiết. 2.2 Kỹ năng đặt các câu hỏi Luật sư có quyền đặt các câu hỏi để yêu cầu người tham gia tố tụng (đối phương) hoặc thân chủ của mình trả lời cho Hội đồng xét xử nhằm làm rõ những tình tiết quan trọng. Câu hỏi luật sư đặt ra cần thiết phải ngắn gọn,dễ trả lời và xoáy vào trọng tâm vụ án. Đối với các câu hỏi đặt cho thân chủ của mình luật sư cần lưu ý là câu hỏi để cho thân chủ có cơ hội trình bày những vấn đề có lợi cho thân chủ của mình, mà chưa được Hội đồng xét xử hoặc viện kiểm sát đề cập đến (Chỉ nên đặt câu hỏi mà vấn đề đó đã có trao đổi trước với thân chủ của mình) Luật sư tránh hỏi các câu hỏi trùng lập mà Hội đồng xét xử hoặc Viện kiểm sát hỏi rồi, mà chỉ nên đặt câu hỏi để đào sâu thêm về vấn đề đó khi câu trả lời chưa được cụ thể và đúng trọng tâm câu hỏi. Trong phần xét hỏi luật sư chỉ nên đặt các câu hỏi để các đương sự trả lời và ghi chép lại đầy đủ các tình tiết cần thiết. Luật sư không bình luận gì thêm về câu trả lời của đương sự Tất cả việc đánh giá chứng cứ, nhận định và kết luận về những gì đã diễn ra trong phần xét hỏi cần thiết phải được thể hiện trong phần tranh luận. 3.Kỹ năng trong phần tranh luận tại phiên sơ thẩm Trong phần tranh luận, nếu có sự tham gia của luật sư, luật sư của nguyên đơn sẽ được trình bày trước về quan điểm của mình trước Hội đồng xét xử, khi trình bày quan điểm của mình luật sư cần nhận định về các tình tiết quan trọng của vụ án, trình bày qúa trình đánh giá các chứng cứ và khẳng định giá trị chứng minh của các chứng cứ mà luật sư đã đánh giá là chúng có giá trị chứng minh về mặt pháp lý và đạo đức xã hội. Luôn luôn viện dẫn các văn bản pháp luật làm căn cứ cho sự nhận định và kết luận của mình. Khi đáp lại ý kiến mà luật sư không đồng ý, luật sư chỉ phản bác một lần về vấn đề đó, trình bày ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề, có thể dùng ngay lập luận của đối phương để phản bác lại. Luật sư luôn tôn trọng theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên Tòa, tránh tình trạng cãi cọ tay đôi với những người tham gia tranh luận. Nếu có sự căng thẳng luật sư phải tuyệt đối giữ bình tĩnh, khôn khéo, trong tranh luận tránh nóng giận, gây thêm căng thẳng cho không khí phiên Toà. Trong bất ký tình huống nào thì mục đích của việc tranh luận cũng là để làm sáng tỏ những tình tiết cần chứng minh của vụ án trên cơ sở đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Khi trình bày bản luận cứ của mình luật sư cần thiết phải chú trọng vấn đề logich, lập luận chặt chẽ và mọi nhận định, kết luận cũng như phần đề nghị với Hội đồng xét xử phải trên cơ sở có căn cứ pháp luật. Luật sư chú ý khi trình bày có thể kết hợp đọc hoặc nói, diễn giải có tính hùng biện, âm giọng có ngữ điệu khi cần nhấn mạnh vấn đề gì đó để gây sự cuốn hút của Hội đồng xét xử cũng như mọi người tham dự phiên Tòa. B- THỰC TIỄN MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ ÁN THỪA KẾ 1. Vấn đề để lại thừa kế là quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo pháp luật hiện hành, tại khoản 5, Điều 113 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp, người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 121 của Luật này thì được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 121 của Luật này thì được hưởng giá trị phần thừa kế đó…”. Ngoài ra, điểm đ, khoản 1, Điều 99 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại Điều 121 của Luật Đất đai được nhận quyền sử dụng đất ở thông qua mua nhà ở, nhận thừa kế nhà ở, được tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở”. Như vậy, việc nhận quyền sử dụng đất thông qua thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được quy định (lần đầu tiên) trong Luật Đất đai năm 2003, nhưng chỉ với những đối tượng được quy định tại khoản 1, Điều 121 Luật Đất đai năm 2003, đó là: người về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở trong thời gian đầu tư ở Việt Nam; người có công đóng góp với đất nước; những nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên ở Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam. Còn những đối tượng khác, tuy cũng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhưng chỉ được hưởng “giá trị” của phần thừa kế quyền sử dụng đất. Như vậy, cho đến thời điểm này, những quy định của pháp luật về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận thừa kế quyền sử dụng đất gắn với quyền sở hữu nhà ở, chỉ dành cho một bộ phận Việt kiều, chứ không áp dụng chung cho tất cả. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành đã quy định, người có tài sản có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho bất cứ ai (trong nước hay ngoài nước). Như vậy, khi một người di chúc để lại tài sản cho một người thân ở nước ngoài, nhưng nếu người hưởng di sản đang là Việt kiều không nằm trong nhóm đối tượng như quy định trong Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181 vừa nêu trên hay Nghị định 81/2001/NĐ-CP ngày 5-11-2001 của Chính phủ về Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam thì cũng không thể nhận được khối tài sản được di chúc. Quy định này tại Bộ luật Dân sự trở nên không khả thi. 2. Xác định thời hiệu khởi kiện thừa kế Các quy định của pháp luật về thừa kế ở nước ta đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần chỉnh sửa như quy định về thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu khởi kiện là 10 năm và thời điểm bắt đầu thời hiệu là thời điểm người có tài sản chết. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định “Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định, thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia” (điều 686 BLDS). Giả sử trong trường hợp thời điểm phân chia di sản thừa kế theo ý chí của người để lại di sản hoặc theo thỏa thuận của những người thừa kế là 11 năm thì khi hết thời hạn này là đã hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế. Như vậy, những người thừa kế nếu có yêu cầu khởi kiện tranh chấp về thừa kế thì sẽ không được tòa án thụ lý giải quyết. IV. KẾT LUẬN Thừa kế là sự kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ về tài sản của người đã chết cho người còn sống khi họ nhận thừa kế. Việc chuyển giao này có thể thực hiện theo di chúc, nếu người có tài sản lập di chúc trước khi chết. Trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp hoặc di chúc không phát sinh được hiệu lực pháp luật, thì việc chuyển giao tài sản sẽ thực hiện theo pháp luật. Trong trường hợp có tranh chấp về tài sản thừa kế thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ về những vấn đề liên quan đến thừa kế nhằm tiếp tục duy trì và phát triển các quyền và nghĩa vụ về tài sản của người đã chết và người còn sống. Trước đây người ta quan niệm việc lập di chúc khi còn sống là xui rủi, sẽ có điềm xấu sẽ xảy đến với những người này, nên nhiều người không quan tâm đến việc lập di chúc, đến khi cha mẹ mất đi con cái anh em trong nhà dẫn nhau ra Tòa kiện tụng tranh giành tài sản, làm mất tình thân, không phù hợp đạo lý Việt Nam, làm người chết cũng không được ngậm cười nơi chín suối. Hiện nay một số công đồng dân cư cũng đã có những quan niệm tiến bộ về việc lập di chúc ngay khi còn sống để định đoạt khối tài sản của mình sau khi họ mất. Việc chia di sản thừa kế theo ý nguyện của người đã mất cho dù như thế nào đi chăng nữa cũng là cơ sở để những người còn sống tuân theo và hạn chế phần nào sự mâu thuẫn trong họ hàng dòng tộc. Mặt khác trong trường hợp người chết không để lại di chúc thì cũng đã có pháp luật can thiệp để giải quyết chia tài sản thừa kế theo pháp luật dựa trên thứ tự ưu tiên về các hàng thừa kế. Nhiêm vụ của luật sư là góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa bằng việc hướng dẫn cho khách hàng hiểu biết và thi hành đúng pháp luật, bảo vệ những quyền của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docKỹ năng của luật sư trong các vụ án về thừa kế, lý luận và thực tiễn.doc