Tổng quan sự hình thành và phát triển của báo chí Châu Á

TỔNG QUAN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ CHÂU Á. PHẦN MỞ ĐẦUTrong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại, báo chí là một hiện tượng xã hội. Báo chí ra đời do nhu cầu thông tin – giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Một khi xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, trình độ dân trí ngày càng tăng, thì báo chí cũng bước lên những tầm cao mới. Đặc điểm xã hội, con người ảnh hưởng sâu sắc đến báo chí. Vì thế, sự ra đời và phát triển của báo chí khác nhau ở những nơi khác nhau. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi châu lục đều có những đặc điểm phát triển báo chí của riêng mình, do sự khác nhau về môi trường kinh tế, môi trường dân tộc, môi trường chính trị Trong khuôn khổ ngắn gọn của bài luận này, tôi xin đề cập đến sự hình thành và phát triển báo chí ở châu lục đông dân nhất trên thế giới – Châu Á. Bởi hiện nay, Châu Á là một trong những trung tâm báo chí lớn nhất thế giới. Sự phát triển và tầm ảnh hưởng của nền báo chí châu lục này đến những châu lục khác trên thế giới là vô cùng lớn và mạnh mẽ. Thiết nghĩ, sự đánh giá khách quan sự hình thành và phát triển của báo chí Châu Á là quan trọng và mang tính thời sự cao. Hơn nữa, việc đánh giá tương quan giữa báo chí Châu Á với báo chí ở các châu lục khác giúp cho chúng ta có thể đánh giá được những điểm mạnh, điểm yếu, những tiềm năng, nét đặc trưng và khác biệt với báo chí châu lục khác; đồng thời chỉ ra khuynh hướng, con đường phát triển cho báo chí Châu Á. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1 PHẦN NỘI DUNG 1 I. Sự hình thành 1 II. Đặc điểm báo chí Châu Á 3 1. Sự phát triển không đồng đều 3 2. Báo chí Châu Á mang tính chính trị cao 5 3. Báo chí Châu Á còn tồn tại nhiều yếu kém, lạc hậu và hạn chế 8 III. Xu hướng phát triển của báo chí Châu Á trong giai đoạn hiện nay 9 1. Báo in 9 2. Báo mạng 11 3. Một số loại hình báo chí khác 12 IV. Những nguyên nhân của xu thế phát triển báo chí Châu Á 13 V. Một số đại diện của báo chí Châu Á 15 1. Báo chí Trung Quốc 15 1.1. Đặc điểm của báo chí Trung Quốc 14 1.2. Một số cơ quan báo chí tiêu biểu của Trung Quốc 16 2. Báo chí Đông Nam Á 17 2.1. Báo chí Đông Nam Á khởi thủy 17 2.2. Báo chí Đông Nam Á hiện đại 18 2.3. Báo chí Việt Nam 19 PHẦN KẾT LUẬN 20 PHỤ LỤC NHỮNG CƠ QUAN BÁO CHÍ LỚN Ở CHÂU Á 22 TÀI LIỆU THAM KHẢO 22

doc23 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2818 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tổng quan sự hình thành và phát triển của báo chí Châu Á, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TỔNG QUAN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA BÁO CHÍ CHÂU Á. PHẦN MỞ ĐẦU Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa nhân loại, báo chí là một hiện tượng xã hội. Báo chí ra đời do nhu cầu thông tin – giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người. Một khi xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, trình độ dân trí ngày càng tăng, thì báo chí cũng bước lên những tầm cao mới. Đặc điểm xã hội, con người ảnh hưởng sâu sắc đến báo chí. Vì thế, sự ra đời và phát triển của báo chí khác nhau ở những nơi khác nhau. Mỗi quốc gia, mỗi khu vực, mỗi châu lục đều có những đặc điểm phát triển báo chí của riêng mình, do sự khác nhau về môi trường kinh tế, môi trường dân tộc, môi trường chính trị… Trong khuôn khổ ngắn gọn của bài luận này, tôi xin đề cập đến sự hình thành và phát triển báo chí ở châu lục đông dân nhất trên thế giới – Châu Á. Bởi hiện nay, Châu Á là một trong những trung tâm báo chí lớn nhất thế giới. Sự phát triển và tầm ảnh hưởng của nền báo chí châu lục này đến những châu lục khác trên thế giới là vô cùng lớn và mạnh mẽ. Thiết nghĩ, sự đánh giá khách quan sự hình thành và phát triển của báo chí Châu Á là quan trọng và mang tính thời sự cao. Hơn nữa, việc đánh giá tương quan giữa báo chí Châu Á với báo chí ở các châu lục khác giúp cho chúng ta có thể đánh giá được những điểm mạnh, điểm yếu, những tiềm năng, nét đặc trưng và khác biệt với báo chí châu lục khác; đồng thời chỉ ra khuynh hướng, con đường phát triển cho báo chí Châu Á. PHẦN NỘI DUNG I. Sự hình thành. Mặc dù cơ sở của báo chí, đặc biệt là của báo in là kĩ thuật in và giấy đều xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc - một quốc gia Châu Á, nhưng báo chí ở lục địa này xuất hiện muộn hơn so với nền báo chí ở Châu Âu hay Châu Mỹ. Từ thế kỉ thứ III trước Công Nguyên, ở Trung Quốc đã xuất hiện kĩ thuật in. Sau đó, nghề in ở đây bắt đầu vào đời Tống thế kỉ thứ X. Ở Việt Nam, theo truyền thuyết nghề in có từ rất sớm, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng ( Hà Nội, làng Bưởi, làng Láng…). Có thuyết cho rằng, đất Luy Lâu xưa, một trung tâm Phật giáo từ thế kỉ thứ I đến III đã khắc in Kinh Phật. Ở Nhật Bản, trước khi xuất hiện kĩ thuật in ấn, đã có các “tờ báo” bằng đất nung có khắc tin tức. Thế nhưng, do những cải tiến kĩ thuật, và trình độ phát triển cao ở Châu Âu hay Châu Mỹ, nên ở các châu lục này báo chí xuất hiện sớm hơn, với những thành tựu nổi bật và vượt trội so với báo chí Châu Á. Báo chí Châu Á chủ yếu được hình thành do nhu cầu truyền bá những thông tư, mệnh lệnh của cấp trên xuống cấp dưới, những tác phẩm mang đặc trưng rõ nét của những nền văn minh lớn (văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ…), hay những sản phẩm của đời sống tôn giáo rất phong phú, đa dạng ở châu lục này (Châu Á là cái nôi hình thành của hầu hết tôn giáo trên thế giới)… Vai trò của báo chí Châu Á giai đoạn khởi thuỷ, chủ yếu là: Phục vụ tầng lớp thực dân và quý tộc; Giao thương; Truyền giáo; Phát triển văn học và ngôn ngữ; Phổ biến tin tức cấp trên đến người dân. Một nét đặc trưng nữa của sự hình thành báo chí chính thống ở Châu Á là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của báo chí các nước đi xâm lược, và hình thành dòng báo chí thuộc địa. Nền báo chí này phát triển do các nước đế quốc đem đến phương tiện, công nhân in ấn, dịch giả, phóng viên…Điển hình cho báo chí thuộc địa là ở những nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêxia, Việt Nam… Ở Ấn Độ, tờ báo đầu tiên xuất hiện vào năm 1670 do sự điều hành của đế quốc Anh ở Bombay. Tại đây, có thời kỳ xuất hiện hơn 3500 ấn phẩm bằng tiếng Anh. Trung Quốc thế kỉ XVII có tờ “Người Pháp ở Bắc Kinh” được xuất bản bằng tiếng Pháp. Thế kỷ XVII, Inđônêxia có những tờ báo được công ty in ấn Hà Lan xuất bản. “Nam kỳ viễn chinh công báo” được Pháp xuất bản năm 1861 ở Việt Nam. Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên “ Gia Định báo” cũng được Pháp chỉ định xuất bản. Như vậy, nền báo chí phương tây đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành báo chí các nước Châu Á. Không mang bề dày lịch sử như báo chí Châu Âu nhưng sự hình thành báo chí Châu Á là nền tảng vững chắc cho sự phát triển sau này của một nền báo chí đa dạng và mang nhiều tiềm năng. II. Đặc điểm báo chí Châu Á. 1. Sự phát triển không đồng đều. Châu Á là châu lục với số dân và diện tích lớn nhất thế giới. Ở đây, nền kinh tế- xã hội đang phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, sự mất cân bằng, chênh lệch giữa các nền kinh tế đang là một vấn đề lớn. Nó ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, và báo chí cũng nằm trong số đó. Có thể nói rằng, Châu Á là điển hình cho sự phát triển báo chí không đồng đều và mất cân bằng. Tuy sự không đồng đều này tạo ra sự đa dạng nhưng nó là một ngăn trở lớn cho sự phát triển báo chí cách vững bền và sự hợp tác, quốc tế hóa báo chí ở Châu Á. Có những nước với nền báo chí đứng nhất, nhì thế giới về số lượng sản phẩm báo chí, về kĩ thuật và phương tiện làm báo, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapo…, nhưng có những nước thì hoàn toàn ngược lại, như Pakistan, Irắc...(những nước thường xảy ra chiến tranh), các nước Đông Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới về tổng lượng Nhật báo phát hành hàng ngày, với lần lượt là 100 triệu, 112 triệu, 70 triệu bản. Tại Nhật, tờ Yomiuri Shimbun, trong suốt nhiều năm qua, được Kỷ lục Guiness công nhận là tờ nhật báo lớn nhất thế giới hiện đại với số lượng phát hành lên tới hơn 14 triệu bản mỗi ngày. Số lượng này nhiều hơn tổng số lượng phát hành của cả 17 nhật báo lớn nhất nước Mỹ cộng lại. Yomiuri hoạt động rộng khắp thế giới với 436 phân xã, văn phòng đại diện tại Nhật Bản và 28 phân xã tại nước ngoài. Tờ báo này có hơn 3.100 phóng viên; nhiều gấp bốn lần tờ New York Times. Tờ báo thông thường có từ 24 đến 32 trang với số lượng in khổng lồ và in tại rất nhiều nhà in tại nhiều địa phương (Theo Hiệp hội Báo chí Thế giới). Nhật Bản cũng là quốc gia có chỉ số Nhật báo/ 1000 người cao nhất thế giới (cùng với Nauy) là 644 bản/1000 người. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có một số tờ báo với số độc giả lớn như: The Asahi Shimbun, 12.121.000; Mainichi Shimbun, 5.587.000; Seikyou Shimbun, 5.500.000 độc giả...Hai hãng thông tấn cung cấp thông tin cho các báo tại Nhật Bản là Kyodo Tshushin và Tiji Tshushin cùng thành lập vào 1/11/1945. Trung Quốc có Hãng thông tấn Tân Hoa Xã là một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới hiện nay. Trong lĩnh vực phát thanh, Châu Á có những Đài phát thanh với tầm ảnh hưởng rộng khắp, như Radio Bắc Kinh, CRI (Trung Quốc); NHK ( Nippon Hiso Kyobai – Nhật Bản); All Indian Radio ( Ấn Độ )…Truyền hình Châu Á cũng phát triển với sự đóng ghóp của những cái tên như: NHK ( Nhật Bản), KBS ( Hàn Quốc ), CCTV (Trung Quốc)… Tại Ấn Độ, trên toàn quốc có 20 nghìn ấn phẩm thường kỳ, tổng số trên 50 triệu bản phát hành, trong đó có 1200 ấn phẩm là nhật báo. Ấn Độ cũng là quốc gia đang nắm giữ kỷ lục về số cơ quan Nhật báo với 5638 cơ quan. Tại đây, năm 2009 vừa qua, theo cuộc thống kê mang tên Indian Readership Survey cho biết, lượng độc giả của nhiều tờ báo đã đạt tới mức rất lớn như tờ  Dainik Jagran (55,7 triệu độc giả), tờ Dainik Bhaskar (31,9 triệu độc giả), cả hai tờ báo này đều xuất bản bằng tiếng Hindi. Tờ Times of India là tờ báo tiếng Anh nổi tiếng với 13,3 triệu độc giả, tiếp đến là tờ Hindustan Times (6,3 triệu), The Hindu (5,2 triệu)... Báo và tạp chí Ấn Độ ra bằng 87 ngôn ngữ của đất nước. Phần lớn báo xuất bản bằng tiếng Hin đu- ngôn ngữ chính của Ấn Độ. Tờ có số lượng lớn nhất, phổ biến nhất phát hành bằng tiếng Hin đu là “Nav Bharat time”, xuất bản năm 1950. Phương tiện thông tin đại chúng của Ixraen có trình độ kĩ thuật cao. Chiếm đầu là các báo Davar (1925), hãng Hararet (1918), Yedioth Aharonth (1939). Báo chí các nước Arập phát triển khá mạnh. Tại Côoét và Ảrập Xêut có 8-10 tờ nhật báo có cơ sở in ấn tốt và hiện đại trên thế giới. Thường thì tất cả các nước Arập khai thác dầu mỏ đều có điều kiện để phát triển báo chí. Đối ngược với những quốc gia này, các nước như Pakistan, Irắc, hay một số nước Đông Nam Á… thì báo chí đang ở một trình độ khá thấp, với những yếu kém về kĩ thuật và các phương tiện tác nghiệp, với số lượng các tờ báo còn ít ỏi, mức độ chuyên nghiệp trong báo chí còn hạn chế. Sỡ dĩ xảy ra điều này chủ yếu là do 3 nguyên sau: - Do điều kiện kinh tế - xã hội giữa các nước và các vùng trong nước khác nhau, chất lượng đời sống của người dân có sự chênh lệch, nên dẫn tới có sự phân bố thông tin không đồng đều. - Do sự phát triển của Khoa học kĩ thuật : đối với các nước phát triển, việc áp dụng các thành tựu của Khoa học kĩ thuật vào đời sống, tạo điều kiện cho lĩnh vực truyền thông phát triển. Còn đối với những nước kém  hay chậm phát triển, do không đủ phương tiện cũng như trang thiết bị hiện đại để có thể hòa vào mạng thông tin phát triển của thế giới. - Tỷ lệ mù chữ cao, gia thành giấy báo đắt, trình độ nhà báo còn tấp kém… - Sự tác động của một số yếu tố bên ngoài: chiến tranh, khủng bố, sắc lệnh tôn giáo hà khắc… Một số chỉ số cụ thể để chứng minh sự phân bố báo chí không đồng đều ở Châu Á: - Về báo in, trong khi Nhật Bản có chỉ số báo in cao nhất là 644 bản in/ 1000 dân, thì ở Việt Nam, con số này chỉ là 10- 15 bản in/ 1000 dân. - Về truyền hình, ở Châu Á thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn là những quốc gia có chỉ số máy thu hình/ 1000 dân cao, còn ở những nước kém phát triển, do hạn chế về điện, nguồn phát sóng, điều kiện núi non… nên chỉ có dưới 10 máy/ 1000 dân. - Số lượng máy tính trên 1000 dân ở các nước phát triển của Châu Á cũng cách xa so với những nước đang phát triên và kém phát triển. Trong khi đó, báo chí Châu Âu phát triển khá mạnh và cân đối, đồng đều về tất cả các mảng: truyền hình, phát thanh, báo viết, báo in… Giữa các nước ở châu lục này có sự cân bằng về phát triển báo chí, tạo sự hợp tác rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực. 2. Báo chí Châu Á mang tính chính trị cao. Đây được coi là đặc trưng rõ nét của báo chí Châu Á. Đời sống chính trị- xã hội ở các nước Châu Á đa dạng, muôn mặt như thế nào thì báo chí cũng đa dạng, muôn màu như thế. Tất cả những sự kiện chính trị- xã hội, những con người, những chính sách, quy định trong xã hội đều được báo chí thể hiện cách đầy đủ từ nội dung, cách thể hiện bài báo, đến các nhà báo, các chính sách, luật báo chí… Báo chí Châu Á được xem là một nhân tố quan trọng trong việc bình ổn xã hội, đảm bảo trật tự chính trị và xã hội. Tổng thống Suharto – Indonesia đã từng chia sẻ: “…báo chí có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều hành quản lý một quốc gia đa sắc tộc thông qua việc truyền bá thông tin, ý kiến, tý tưởng. niềm tin… Nhiệm vụ của báo chí là phải góp phần xây dựng và củng cố sự thống nhất và hoà hợp quốc gia”. Báo chí cũng đóng vai trò không thể thiếu trong việc định hình những thay đổi chính trị trong các giai đoạn khủng hoảng. Ví dụ: Việc lật đổ chế độ Marcos tại Philippines năm 1986; các cuộc biểu tình dân chủ ở Thái Lan 1992;…tất cả đều được báo chí can thiệp. Ở Châu Á, mối quan hệ giữa báo chí và đảng phái được thể hiện qua các mặt sau: - “Nhà cầm quyền” đặc biệt quan trọng trong bối cảnh báo chí Châu Á; - Chính phủ kiểm duyệt trực tiếp; - Độc quyền phân phối báo chí; - Quyền lực không giới hạn trong việc can thiệp vào nội dung và tổ chức báo chí; - Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng cầm quyền. Đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, vấn đề sở hữu báo chí thể hiện nhiều quan niệm rõ nét về tính chính trị: hầu hết những người nắm truyền thông là những người có quyền (nhiều hơn là có tiền). Ví dụ như cựu Bộ trưởng thông tin của Indonesia Harmoko có cổ phần trong 31 tờ báo (không mua mà được biếu); Nhà nghiên cứu Duncan Mc Cargo cho rằng có hai kiểu sở hữu: những người nắm cổ phần công khai và những người nắm cổ phần “trong bóng tối”. Tính chính trị trong báo chí Châu Á còn được thể hiện qua luật báo chí. Luật báo chí ở một số nước Châu Á rất nghiêm ngặt, tạo hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ cho sự hoạt động của báo chí, ngăn cản tất cả những gì gây hại trong quá trình báo chí phản ánh hiện thực xã hội. Ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu vi phạm luật báo chí có thể bị phạt 110 đến 700 năm tù. Luật báo chí Thổ Nhĩ kỳ cũng mang đậm màu sắc lãnh đạo của giới cầm quyền. Theo Hiệp ước 1923 của Lausanne, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ công nhận các quyền ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số Do Thái, Hy Lạp và tiếng Armenia. Chính phủ bỏ qua các Điều 39 của Hiệp ước Lausanne, mà nói rằng: “ hạn chế trách nhiệm đối với việc sử dụng miễn phí của bất kỳ ngôn ngữ nào của Thổ Nhĩ Kỳ trong giao hợp tư nhân, trong thương mại, tôn giáo, trên báo chí hay trong các ấn phẩm của loại nào hoặc tại các cuộc họp công cộng”. Luật báo chí ở Thái Lan không cho phép chính phủ tài trợ cho báo in tư nhân và cũng không cho phép người nước ngoài sở hữu báo chí nhằm tránh ảnh hưởng của nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông. Với báo chí Singapore, Nhà nước quản lý truyền thông chặt chẽ (trực tiếp nắm phát thanh truyền hình và theo dõi sát sao hệ thống báo in); chính quyền yêu cầu các phương tiện truyền thông phải đăng tải quan điểm của chính quyền bên cạnh các quan điểm khác không phải của chính quyền. Cũng theo đạo luật báo chí của Singapore, nhà nước có quyền giới hạn số lượng phát hành, rút giấy phép, đóng cửa những tờ báo nào xuyên tạc, bóp méo sự thật (kể cả báo chí nước ngoài nhập khẩu vào đây). Hơn nữa, các tờ báo nước ngoài phải có giấy phép để lưu hành ấn phẩm của mình tại quốc đảo và phải bổ nhiệm một đại diện là công dân của nước sở tại để nhận các thông báo, hoặc vấn đề liên quan tới pháp lý thay mặt cho tờ báo. Đồng thời, tờ báo cũng phải nộp 126.000 USD tiền cam kết với chính phủ. Ấn Độ là một quốc gia có nền báo chí với mức độ độc quyền hóa cao. Ở Trung Quốc, các chỉ đạo của Nhà nước được chuyển xuống các ban biên tập. Trong thời gian dài, chính phủ trung ương Trung Quốc “bao cấp” nhiều tờ báo ở nước này. Tờ Nhân dân nhật báo (People’s Daily) - cơ quan chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc - vẫn còn đưa lên trang nhất những cái tít “truyền thống” như “Quan hệ Trung Quốc - Mali không ngừng phát triển”. Báo chí ở hầu hết các quốc gia Châu Á là cơ quan của Nhà nước, Đảng phái để phục vụ sự nghiệp của Tổ Quốc, bảo đảm nền văn hóa lành mạnh của các nước. Báo chí Việt Nam là một đại diện tiêu biểu. Báo chí Việt Nam truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thế giới quan khoa hoạc của chủ nghĩa xã hội cho quần chúng nhân dân, làm cho hệ tư tưởng này thành hệ tư tưởng toàn dân. Đồng thời, với tư cách là cơ quan của Nhà nước, của Đảng, báo chí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ của mình với những nội dung sau: đăng tải đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham gia tích cực vào xây dựng và hoàn thiện những đường lối, chủ trương ấy; phản ánh, phân tích kịp thời tình hình thực tế chính trị của đất nước, quản lý và điều hành xã hội bằng việc hướng dẫn dư luận… Một số nước Đông Nam Á khác cũng thể hiện rõ nét tính chính trị trong báo chí, ví dụ: Brunây: cấm nói xấu người đứng đầu nhà nước; Thái Lan: cấm tuyên truyền về Chủ nghĩa cộng sản; Philipin, Inđônêxia, Malaysia : tôn trọng tín ngưỡng công chúng, chú ý tính chất quốc đạo của quốc gia, mọi hành vi làm trái với quốc đạo đều được báo chí lên án mạnh mẽ. Malaysia là nước quản lý chặt chẽ nội dung báo chí nhằm tránh những ảnh hưởng của phương Tây, bảo vệ các giá trị truyền thống của Malaysia và của đạo Hồi. Nhìn chung, Nền báo chí của từng quốc gia Châu Á phát triển tuỳ thuộc vào bối cảnh kinh tế - chính trị của mỗi quốc gia, phục vụ và điều hành xã hội. 3. Báo chí Châu Á còn tồn tại nhiều yếu kém, lạc hậu và hạn chế. Trong khi báo chí Châu Âu phát triển mạnh và nhanh chóng ở nhiều loại hình báo chí, với trình độ khoa học kĩ thuật hiện đại tạo nên một nền công nghiệp báo chí phát triển, thì ở Châu Á, kĩ thuật yếu kém hơn, thiếu thốn nhiều phương tiện, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Báo chí vì thế cũng thể hiện nghèo nàn, đơn điệu và ít hiện đại hơn. Hơn nữa, do điều kiện đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên nhu cầu tinh thần là hưởng thụ các tác phẩm báo chí cũng hạn chế. Ở một số quốc gia Châu Á, sự yếu kém về kỹ nghệ và thương mại cũng là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của báo chí. Báo chí phát triển mạnh khi giới doanh thương chú ý đến nó. Giới doanh thương cần quảng cáo hàng hóa trên báo, và cung cấp nguồn sống cho báo chí. Một hạn chế nữa của báo chí Châu Á là do hiện tượng tâm lý. Ở những nước tiên tiến, báo chí được phồn thịnh nhờ tất cả mọi người đọc báo, từ các doanh nghiệp đến nguời lao động, từ văn sĩ đến chính trị gia. Báo chí nhờ đó mà trở thành một lực lượng đáng kể. Nhưng ở một số quốc gia kém phát triển, đới sống nhiều khó khăn, báo chí rất ít được biết đến. Điểm đặc biệt dẫn đến sự yếu kém trong báo chí Châu Á là tình trạng mù chữ của người dân còn cao. Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc(UNESCO), trên thế giới hiện có 100 triệu người mù chữ, trong đó 45,5% là cư dân châu Á-Thái Bình Dương. Các nước có tỷ lệ mù chữ cao nhất châu lục này là Ấn Độ (34,6%), Trung Quốc (11,3%), Bangladesh (6,8%), Pakistan (6,2%) và Indonesia (2,4%). Đối với một số nước Hồi giáo, tình trạng mù chữ và giáo dục của tín đồ Hồi giáo đặc biệt thấp. Tỷ lệ biết chữ là kém xa dưới mức trung bình trong cả quốc gia và nhất là với phụ nữ. Ngoài những đặc điểm cơ bản trên, báo chí Châu Á còn rất đa hình, đa dạng và phong phú, phù hợp với nhiều lứa tuổi, giới tính hay nhu cầu khác nhau trong từng loại hình, từ báo in, báo phát thanh đến báo mạng, truyền hình, các đài thông tấn, với thông tin nhanh nhạy, khả năng ứng biến tốt, và quan trọng là quá trình đang hoàn thiện cách tích cực về cơ sở vật chất, kĩ thuật và nội dung, hình thức các sản phẩm báo chí để đáp ứng nhu cầu càng cao của công chúng. Nhìn chung, báo chí Châu Á đa diện như chính lục địa rộng lớn của nó vậy. III. Xu hướng phát triển của báo chí Châu Á trong giai đoạn hiện nay. Trong luồng quay của quá trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa, báo chí vẫn luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng bởi thiên chức của mình. Và báo chí Châu Á cũng không nằm ngoài luồng quay đó, quy luật đó. Thị trường báo chí châu Á đang thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các chủ bút, các nhà báo và cả bạn đọc ở trong châu lục cũng như ngoài châu lục, do sự phát triển mạnh mẽ cộng với nhiều yếu tố thuận lợi tác động. Theo thống kê của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN), trong vài năm trở lại đây, báo chí khu vực châu Á có xu hướng tăng mạnh. Trong hai năm 2005 và 2006, lượng báo phát hành tại khu vực này tăng 3,61%, trong khi tại châu Âu, mức tăng chỉ là 0,74% và tại Bắc Mỹ lại giảm 1,97%. Trong 5 thị trường báo chí có lượng tiêu thụ báo chí lớn nhất thế giới thì có ba ở Châu Á là: Trung Quốc đứng đầu với 107 triệu bản/ngày, tiếp đến là Ấn Độ - 99 triệu bản và Nhật Bản - 68 triệu bản. Hai thị trường khác là Mỹ - 52,3 triệu bản và Đức - 21,1 triệu bản. Cũng theo WAN khảo sát ở 216 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, doanh thu báo chí trên toàn cầu tăng 6% trong 5 năm qua, chủ yếu là tăng doanh thu ở châu Á. Trong khi các tòa soạn báo ở các nước phương Tây đang cắt giảm nhân lực cũng như số lượng bài vở, kể cả đóng cửa vì doanh thu kém do những khách hàng thường xuyên đặt mua báo in chuyển sang đọc báo mạng, thì ngành công nghiệp báo in ở Châu Á lại làm ăn rất phát đạt. Tám trong số mười quốc gia tiêu thụ báo in nhiều nhất nằm ở Châu Á. Để có cái nhìn cụ thể, ta có thể xét một số loại hình báo chí tiêu biểu ở Châu Á: 1. Báo in. Báo in có thể được xem là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất của báo chí Châu Á. Hiện nay, xu hướng của các nước phát triển Châu Âu hay Châu Mỹ giảm số lượng phát hành báo in, do sự lên ngôi của báo mạng, cộng với những hạn chế đáng kể của báo in. Nhưng ở Châu Á, đặc biệt là những nước có nền kinh tế trung bình hay đang phát triển, báo in lại đang gia tăng số lượng phát hành và nội dung thông tin. Ông Yoichi Funabashi, Tổng biên tập báo Asahi Shimbun, Nhật Bản đã từng nhận xét “Thật khó tìm thấy một nước nào khác trên thế giới mà báo chí in ra mỗi ngày hàng triệu bản”. Asahi Shimbun là tờ nhật báo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau tờ Yomiuri Shimbun cũng của Nhật, với hơn 8 triệu độc giả đăng ký dài hạn. “Tầng lớp trung lưu ở Indonesia đang tăng lên và nhiều gia đình đặt mua cùng lúc hai tờ báo. Người ta thích cầm tờ báo trong tay, thậm chí còn lưu giữ và cắt để dành những bài họ yêu thích như một loại hàng hóa quý giá”, ông Ali Basyah Suryo, cố vấn chiến lược của tờ Toàn cầu (Globe) - một tờ báo tiếng Anh mới ra đời ở Jakarta, Inđônêxia cho biết. Như vậy, báo in Châu Á đang làm nên những cơn “địa chấn” trong nền Tờ báo Yomiuri Shimbun, biểu tượng của sự vươn lên mạnh mẽ của báo in Châu Á. báo in thế giới. Trong số 20 tờ báo lớn nhất được UNESCO đánh giá, thì 5 vị trí đầu tiên đều thuộc về các tờ báo của đất nước Mặt trời mọc, lần lượt là Yomiuri Shimbun, The Asahi Shimbun, Mainichi Shimbun, Nihon Keizai Shimbun, Chunichi Shimbun, với chỉ số phát hành là 14.067.000, 12.121.000, 5.587.000, 4.635.000, 4.512.000 bản. Ngoài ra, một số tờ báo Châu Á khác cũng nằm trong số 20 tờ báo này như: Sankei Shimbun ( Nhật, vị trí thứ 9, với 2.757.000 bản ), Canako Xiaoxi ( Trung Quốc, vị trí tứ 10, với 2.627.000 bản ), People’s Daily ( Trung Quốc, vị trí thứ 12, với 2.509.000 bản), Tokyo Sports ( Nhật Bản, vị trí thứ 13, với 2.052.000), The Chosun Ilbo ( Hàn Quốc, vị trí thứ 15, với 2.378.000 bản), The Joongang Ilbo ( Hàn Quốc, vị trí thứ 18, với 2.084.000 bản). Theo United Press International, báo in tại Bắc Mỹ và châu Âu đã mất gần 600.000 độc giả/năm trong 10 năm qua. Trong khi đó ở Châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ hiện chiếm hơn 25% doanh thu báo chí toàn cầu. Ngay cả khi người châu Âu và người Bắc Mỹ từ bỏ thói quen đặt mua báo dài hạn - lượng báo phát hành ở hai vùng này giảm 1,84% năm 2006 và 2,14% năm 2007, theo số liệu mới nhất của WAN - thì ở châu Á, lượng độc giả dài hạn lại tăng 4,74%. Riêng tại Ấn Độ, trong năm 2008 đã có thêm 11,5 triệu người đặt mua báo dài hạn; doanh thu quảng cáo tăng 10% - tuy không mạnh bằng hai năm trước nhưng là một kết quả đáng phấn khởi. Theo báo cáo của PwC, thì: "Tại châu Á Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, tỉ lệ độc giả báo in vẫn được duy trì, thậm chí còn tăng lên trong những năm gần đây”. Doanh thu của báo chí Châu Á dự kiến sẽ tăng hàng năm 2,3% cho đến năm 2014. “Nhiều người không thể thưởng thức ly cà phê buổi sáng mà không có tờ báo”, ông Rahul Kansal, Giám đốc tiếp thị của tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) nói. Đây là tờ báo tiếng Anh khổ rộng có nhiều người đọc nhất thế giới và là ấn phẩm chủ yếu trong hàng ngũ đông đảo 64.998 tờ nhật báo đăng ký hoạt động trên khắp Ấn Độ. Để so sánh, có thể xem sự sút giảm lượng phát hành của 5 tờ báo lớn ở nước Mỹ trong năm 2008, so với năm 2007: Thời báo New York (New York Times) giảm 3,6%; Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times) giảm 5,2%, Tin hàng ngày (Daily News) giảm 7,2%; Bưu điện New York (New York Post) giảm 6,3% và Bưu điện Washington (Washington Post) giảm 1,9%. Sự suy giảm của những tờ báo này càng cho ta thấy rõ sự phát triển mạnh mẽ của báo in Châu Á. 2. Báo mạng. Trong xu hướng toàn cầu hóa thông tin và bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay, các tờ báo mạng trong khu vực châu Á xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng Internet. Mặc dù không kiếm được tiền từ các trang báo mạng miễn phí, nhưng nhiều tờ vẫn tồn tại được nhờ tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, số khác sống nhờ quảng cáo. Chẳng hạn như Asia News Network (ANN) - một website do người Thái Lan làm chủ đang đặt mục tiêu vươn lên để trở thành một Website nổi tiếng trong khu vực. Bài vở của ANN là sự kết hợp của các bài lấy từ 14 báo ở châu Á và họ tự cho rằng đây là tiếng nói của Á châu. Một xu hướng mới của báo mạng Châu Á hiện nay là công chúng tham gia ngày càng nhiều vào nội dung tờ báo. Với dân số đông nhất thế giới, Châu Á thực sự là tiềm năng trong việc tiếp thu, cộng tác ý kiến, bình phẩm, đánh giá về mọi mặt đời sống xã hội của độc giả vào tác phẩm báo chí. Trong rất nhiều trường hợp, bạn đọc không chỉ thông báo sự kiện cho báo mà họ còn ghi hình chụp ảnh và tường thuật sự kiện. Chẳng hạn như trong thảm hoạ sóng thần ở châu Á tháng 12-2004, nhiều khách du lịch đã viết nhật ký trực tuyến (blog) tường thuật sự kiện và chụp ảnh, quay camera nhiều hình ảnh đưa lên mạng internet, sau đó được nhiều báo sử dụng. Một xu hướng nữa của báo mạng Châu Á nói riêng và thế giới nói chung là Web 2.0. Web 2.0 còn được gọi là mạng xã hội, thế hệ thứ hai của cộng đồng cư dân mạng. Ở đó, thông tin do chính độc giả tạo ra. Web 2.0 cho phép mọi người có thể đưa lên mạng bất cứ thông tin gì. Với số lượng người tham gia rất lớn, đến mức độ nào đó, qua quá trình sàng lọc, thông tin sẽ trở nên vô cùng giá trị. Châu Á có một số tập đoàn báo chí đang áp dụng web 2.0 như tờ The Asashi Shimbun (Nhật Bản), Sinchew-i.com (Malaysia)… Theo nhận xét của một chuyên gia: “ Thực tế, ở Châu Á cũng đang có sự thay đổi từ xu hướng đọc báo in sang báo mạng giống như các nước phương Tây, mặc dù sự thay đổi này diễn ra muộn hơn. Khi tầng lớp trung lưu được mở rộng và trở nên am hiểu về công nghệ thì thế hệ trẻ đương nhiên sẽ sử dụng những thiết bị không dây cầm tay để cập nhật thông tin thay vì đọc báo in”.( theo radioautralia.net ). Tuy nhiên, số lượng người sử dụng Internet ở châu Á còn thấp, số lượng máy tính, điện thoại trên đầu người cua cao, nên máy vi tính hoặc điện thoại di động chưa phải là phương tiện chủ yếu chuyển tải thông tin tới người đọc. Cho đến tháng 9 năm ngoái, ở Ấn Độ mới chỉ có 12,24 triệu người sử dụng Internet, một phần nhỏ so với 180 triệu người đăng ký mua báo in dài hạn. Ở các nước Đông Á cộng đồng cư dân mạng có đông đảo hơn nhưng báo in vẫn ngự trị. Ở Nhật, gia đình trung lưu nào cũng đăng ký mua vài tờ nhật báo mỗi ngày. Thực tế, dân Nhật là những người siêng đọc báo nhất thế giới cho dù lượng phát hành báo in giảm đôi chút trong vài năm vừa qua. Hơn nữa, số người cao tuổi tại đất nước này lớn, có 95% số lượng báo in được mang đến tận nhà. 3. Một số loại hình báo chí khác. Những loại hình báo chí như: báo phát thanh, truyền hình, các hãng thông tấn, tập đoàn báo chí… cũng phát triển chung theo xu hướng của thế giới. Mặc dù sự phát triển này chưa thực sự là đặc trưng cho báo chí Châu Á, nhưng nó cũng đánh dấu những bước nhảy trong sự nghiệp báo chí của châu lục này. Cũng như thế giới, báo phát thanh Châu Á hiện nay cũng có những xu hướng phát triển mới. Đó là có sự tích hợp của các phương tiện chuyển tải thông tin, gồm mạng, hình ảnh, âm thanh…; hình thành nên nhiều dịch vụ thông tin mới: đọc truyện, chia sẻ thông tin, giao lưu trực tiếp, quà tặng qua phát thanh…Trong xu hướng hiện đại, cả thế giới đang xích lại gần nhau, thì việc tăng cường số lượng ngôn ngữ trên phát thanh là nhu cầu tất yếu. Đài CRI của trung Quốc phát hàng ngày với 43 thứ tiếng, đài NHK ( Nhật Bản) với 22 thứ tiếng…Bên cạnh đó, xu hướng tập trung theo các tỉnh, hình thành những tập đoàn báo chí lớn, và đặc biệt là phát thanh ra nước ngoài là những điểm quan trọng trong sự phát triển của Phát thanh (Radio Bắc Kinh). Truyền hình Châu Á cũng là lĩnh vực khá phát triển. Tiêu biểu là các Đài: NHK (Nhật Bản), KBS( Hàn Quốc), CCTV( Trung Quốc)… Ở Trung Quốc, cách đây hơn 20 năm, 10 hộ gia đình mới có 1 máy thu hình (tivi). Truyền hình chủ yếu tuyên truyền cho đường lối của Đảng và nhà nước. Nhưng hiện nay, người dân có rất nhiều kênh để chọn lựa (trên 40 kênh); truyền hình cung cấp các chương trình giải trí được ưa thích, quảng bá cho lối sống mới năng động, hiện đại, hiệu quả và có nguồn doanh thu từ quảng cáo khá cao. Đài KBS của Hàn Quốc có 2 kênh chính sau: KBS 1TV - tin tức, thời sự, giáo dục, thể thao và văn hóa, KBS 2TV - vui chơi giải trí và phim truyền hình. Một xu hướng quan trọng cần được nhắc đến ở Châu Á là “ báo công dân”. Báo chí công dân (Citizen Journalism) - loại hình báo chí mới sinh ra trong kỷ nguyên Internet, đang trở thành trào lưu mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đại diện chính cho báo chí công dân chính là những tờ báo mạng, trang tin tức và cộng đồng web-blog khổng lồ. Trang "báo chí công dân" khá nổi tiếng ở Châu Á là OhmyNews.com, một trong những trang tin điện tử có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc hiện nay thu hút hơn 1 triệu độc giả mỗi ngày với 50.000 "nhà báo công dân". Trang này ra đời năm 2000 trở thành tờ báo trực tuyến nổi tiếng và thành công về mặt thương mại với khẩu hiệu: "Mỗi công dân là một nhà báo". 80% tin bài trên website này là do các thường dân cộng tác.  Với sự phổ biến của các phương tiện kỹ thuật số, với dân số đông nhất thế giới, đặc biệt với sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế Châu Á, việc truyền dữ liệu - hình ảnh, âm thanh và video - từ ĐTDĐ đến ĐTDĐ hay đưa lên các website ngày càng đơn giản, các nhà báo công dân hoàn toàn có thể phát huy năng lực của mình. Ví dụ như hàng loạt các thiên tai ở Đông Nam Á, Trung Quốc…đều được những thường dân chụp ảnh, quay phim bằng máy điện thoại di động và nhanh chóng truyền tin đi khắp thế giới. Vai trò của “nhà báo công dân” đã được thiết lập. IV. Những nguyên nhân của xu hướng phát triển báo chí Châu Á. Giải thích cho sự phát triển nhanh chóng của báo in ở Châu Á, Phóng viên Joanna McCarthy đã có cuộc phỏng vấn ông Kent Ewing – phóng viên báo Asia Times Online tại Hồng Kông. Ông cho biết: “ Sự thịnh vượng của ngành công nghiệp báo in chỉ diễn ra ở một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Hồng Kong. Châu Á là một khu vực có tốc độ phát triển nhanh chóng và cùng với việc mở rộng tầng lớp trung lưu thì số lượng người biết đọc, biết viết cũng như số độc giả ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, quyền tự do báo chí ở Châu Á cũng được tăng cường hơn trước rất nhiều và người dân đang ‘tận hưởng’ điều này. Đây là những lý do khiến cho số lượng độc giả báo in ở Châu Á cao hơn rất nhiều so với các nước phương Tây”. Khi tỉ lệ người biết đọc ở Châu Á ngày càng tăng cùng với những cải cách báo chí ở nhiều nơi, tạo nên xu thế tự do và thoát khỏi sự “bao cấp” của Chính phủ trung ương, châu Á đang hưởng giai đoạn phát triển có lẽ là cuối cùng của báo giấy. Khi đời sống con người ngày càng được nâng cao, thì nhu cầu tinh thần ngày càng được đáp ứng. Châu Á cũng nằm trong quy luật ấy. Vì thế, báo chí Châu Á phát triển cũng là một xu hướng tất yếu. Theo công bố về nhân quyền năm 2010 của chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, châu Á đã nổi lên là khu vực dẫn đầu với nhiều nước được xếp vào top 10 nước có bước tiến vượt bậc trong chỉ số phát triển con người, như tỷ lệ được đăng ký đến trường đã tăng từ 55% lên mức 70%. Ở Châu Á, chúng ta cũng thấy những bước tiến nhanh nhất chủ yếu đến từ các nước nghèo bao gồm cả các nước nghèo đang phát triển và hiện đang dần bắt kịp với các nước giàu trên thế giới. Báo chí nhờ đó cũng được đầu tư và phát triển phù hợp với nhu cầu xã hội. Chỉ số phát triển ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển nói chung và báo chí – truyền thông nói riêng. Chỉ số này dựa trên ba tiêu chí chính, gồm: Mức độ phổ cập ICT (gồm các chỉ số phụ tỷ lệ điện thoại cố định, di động, băng thông Internet, tỷ lệ máy tính); Mức độ sử dụng ICT (gồm chỉ số tỷ lệ người dùng Internet, số thuê bao Internet, thuê bao băng rộng di động); Các kỹ năng ICT (tỷ lệ người trưởng thành biết chữ, tỷ lệ phổ cập phổ thông trung học). Hiện nay, chỉ số ICT ở Châu Á không ngừng được gia tăng. Châu Á có đại diện Hàn Quốc nằm trong tốp 10 quốc gia có chỉ số phát triển ICT cao nhất với vị trí thứ 2. Việt Nam cũng đã nhảy ấn tượng 15 bậc lên vị trí 97 trong 154 nước được xếp hạng của Chỉ số phát triển ICT toàn cầu và nằm trong top 10 quốc gia phát triển ICT nhanh nhất thế giới. Philippine xếp ngay trên Việt Nam. Thái Lan ở vị trí 63.( theo ICTnews). Ngoài ra, số người sử dụng internet ở Việt Nam tăng mạnh từ 1.8% năm 2002 lên 20% năm 2007. Tất cả những chỉ số trên cho ta thấy sự tiến bộ vượt bậc trong xã hội và báo chí Châu Á. Tất cả những yếu tố trên quy định quá trình tồn tại và phát triển của báo chí Châu Á. V. Một số đại diện của báo chí Châu Á. Để hiểu rõ hơn về báo chí Châu Á, với cái nhình cụ thể và chi tiết, ta tìm hiểu một số đại diện của báo chí Châu Á, đó là báo chí Trung Quốc, báo chí Đông Nam Á, trong đó có báo chí Việt Nam. 1. Báo chí Trung Quốc. 1.1 Đặc điểm báo chí Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, với sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế hiện nay. Báo chí Trung Quốc cũng theo xu hướng ấy, với sự gia tăng số lượng các loại hình, sản phẩm báo chí, nội dung thông tin và công tác truyền thông. Báo chí Trung Quốc phát triển từ năm 1942, đặc biệt trong giai đoạn 1968 đến 1980, số lượng các tờ báo của Trung Quốc tăng mạnh từ 382 tờ lên hơn 2200 tờ. Trước đây, báo chí đại lục này chịu sự bao cấp nặng nề của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Chính phủ nước này. Từng thông tin, nội dung tác phẩm báo chí đều được Đảng Cộng Sản kiểm duyệt và định hướng. Vì thế, báo chí Trung Quốc nhiều lúc cũng bị kìm hãm và gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Thế nhưng năm 2003, đất nước này đã đưa ra các giải pháp tích cực nhằm xóa bỏ sự bao cấp báo chí và đã đạt được những thành quả khả quan. Cụ thể là từ năm 1950 đến năm 2000, số lượng các tờ báo Trung Quốc tăng gần gấp mười lần. Năm 2004, hơn 400 loại báo chí hàng ngày đã được xuất bản tại Trung Quốc, lưu hành đạt 80 triệu USD, con số cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cắt giảm và hạn chế những tờ báo hoạt động không hiệu quả. Trong năm 2003, Trung Quốc đã đình bản 673 tờ báo từ trung ương đến địa phương vì sự yếu kém trong hoạt động báo chí. Trong năm 2003, việc hợp tác xuyên khu vực giữa các phương tiện in ấn đã trở thành một xu hướng mới của báo chí Trung Quốc. Nổi bật là Bắc Kinh Tân Báo được đầu tư và điều hành bởi nhóm Quang Minh Nhật Báo và nhóm Nam Phương Nhật Báo, lần đầu tiên nhận được phê duyệt chính thức từ chính phủ Trung Quốc để xuất bản xuyên khu vực. Năm 2006, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về thị trường tiêu thụ báo chí, với 96,6 triệu bản/ ngày, và vẫn đang dẫn đầu thế giới cho đến nay, với số lượng càng tăng. Những năm gần đây, một xu hướng quan trọng nữa của báo chí Trung Quốc là việc tổ chức lại các tờ báo. Đến nay, 39 nhóm báo đã được thiết lập (tập đoàn báo chí), như Bắc Kinh Nhật Báo, Nhóm báo thuộc liên hợp Văn Vị Tân Dân và nhóm báo Quảng Châu Nhật Báo, Phương Nam, Dương Thành…Ngoài ra, xu hướng gia tăng doanh thu từ quảng cáo trên báo chí Trung Quốc hiện nay cũng là vấn đề đang được quan tâm. Ví dụ như báo in Trung Quốc tăng 128% trong 5 năm (2001-2006). Báo chí Trung Quốc hầu hết của các chính đảng và các cơ quan quân đội, phục vụ mục đích, tôn chỉ của những tổ chức này. Ngoài ra, một số tổ chức chuyên nghiệp và khoa học cũng xuất bản tờ báo hoặc tạp chí có chứa thông tin chuyên ngành trong các lĩnh vực đa dạng như thiên văn học và côn trùng học. Một đặc điểm nữa của báo chí Trung Quốc hiện nay là các tờ báo địa phương vào buổi sáng và buổi tối tập trung tin tức và câu chuyện đặc trưng về người dân địa phương và các sự kiện cực kỳ phổ biến, bán ra mỗi ngày ngay sau khi họ đến các quầy bán báo. Tờ báo xuất bản bằng ngôn ngữ Tiếng Anh đầu tiên của Trung Quốc là tờ Trung Quốc Nhật Báo vào tháng 6 năm 1981. Tờ báo này cung cấp cho người nước ngoài sinh sống hoặc đi du lịch tại Trung Quốc những tin tức quốc tế, thể thao từ các dịch vụ đường dây nước ngoài lớn cũng như các tin tức trong nước và các bài báo thú vị. 1.2. Một số cơ quan báo chí tiêu biểu của Trung Quốc. Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. CCTV ra đời và hoạt động năm 1958. Hiện nay, CCTV gồm: 1 kênh thời sự tổng hợp, 15 kênh chuyên môn hỗ trợ lẫn nhau, 10 kênh kỹ thuật số thu tiền. Có hơn 400 chương trình, tín hiệu phủ sóng toàn cầu. Ta có thể kể tên một số kênh sau: CCTV-1 Kênh tổng hợp, CCTV-2 Kinh tế, CCTV-3 Nghệ thuật, CCTV-4 Kênh quốc tế, tiếng phổ thông Trung Quốc, CCTV-5 Thể thao, CCTV-6 Phim truyện, CCTV-7 Quân sự/ Nông nghiệp, CCTV-8 Phim truyền hình, CCTV-9 Kênh quốc tế, tiếng Anh, CCTV-10 Khoa học và Giáo dục, CCTV-11 Sân khấu, CCTV-12 Xã hội và luật pháp, CCTV-News Tin tức 24 giờ, CCTV-Children Kênh cho trẻ em, CCTV-Music Ca nhạc, CCTV-R tiếng Nga, CCTV-A tiếng Ả Rập, CCTV-E tiếng Tây Ban Nha, CCTV-F tiếng Pháp,  CCTV-HD- Chương trình phân giải cao… Mỗi ngày, CCTV có khoảng 650 triệu người xem. Xinhua News Agency (Tân Hoa xã) (1931): Tân Hoa xã được thành lập ngày 07 Tháng 11 năm 1931, là cơ quan thông tấn quốc gia Trung Quốc, có trụ sở chính tại Bắc Kinh, cung cấp thông tin trong nước và quốc tế. Hiện nay, Tân Hoa Xã đã kí kết thỏa thuận hợp tác về trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí truyền thông tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Về quy mô tổ chức, Tân Hoa Xã có  khoảng 20000 nhân viên, hơn 7.000 công nhân và nhân viên tham gia vào các bản tin, quản lý hoạt động, kỹ thuật viên, với 33 văn phòng trong nước và 118 văn phòng đại diện ở nước ngoài. Khả năng cập nhật thông tin của Tân Hoa Xã cao, liên tục 24/24 trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế...với 31 kênh địa phương, phát ra nước ngoài bằng 6 thứ tiếng: Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Nga và Ả Rập. Về mức độ đa phương tiện trong truyền thông, thì Tân Hoa Xã tập hợp nhiều loại hình báo chí với mức độ cao: báo, đài phát thanh, truyền hình, và đáng chú ý là trang báo điện tử xinhuanet.com – trang thông tin hàng đầu tại Trung Quốc. Về ấn phẩm, Tân Hoa Xã hiện nay đang xuất bản gần 40 loại báo và tạp chí như nhật báo Telegraph Tân Hoa Xã, Chứng khoán Trung Quốc, thể thao....Các nhà xuất bản thuộc Tân Hoa Xã hàng năm xuất bản khoảng 400 loại sách đề cập đến các vấn đề chính trị xã hội trong nước và thế giới. 2. Báo chí Đông Nam Á.  2.1. Báo chí Đông Nam Á khởi thủy. Báo chí Đông Nam Á giai đoạn khởi thuỷ là báo chí ra đời trong quá trình thuộc địa hoá của phương Tây. Thế kỷ 16, xuất bản phẩm đầu tiên ra đời là Doctrina Christiana – 1593 tại Philippines. Cơ sở ra đời của Báo chí Đông Nam Á khởi thủy là các nhà in từ chính quốc chuyển sang; các công ty thương mại; tổ chức truyền đạo; nhà vua (Thái)…với vai trò quan trọng của thực dân phương Tây và các nhà truyền giáo. Những tờ báo đầu tiên ở Đông Nam Á là Bata Viasche Nouvelles en Politique (1744) (tiếng Hà Lan); Het Vendu Nieuws (1766-1809) (tiếng Hà Lan); The Government Gazette (1806) (tiếng Anh)… Nội dung chính của báo chí Đông Nam Á khởi thủy: - Cập nhật thông tin từ chính quốc, các cường quốc trên thế giới, phục vụ tầng lớp thực dân tại địa phương; - Truyền đạo với các giáo điều, giáo lý; - Quảng cáo giao thương (không quan tâm đến đời các tin liên quan trực tiếp đến đời sống người dân); - Phát triển văn học và ngôn ngữ; Trường hợp Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đàu tiên của Việt Nam (1865): - Phổ biến tin tức cho người dân bản xứ; - Những vần đề có liên quan đến văn hoá và các tiến bộ về canh nông; - Phổ biến khoa học kỹ thuật thường thức; Ngôn ngữ Báo chí Đông Nam Á khởi thủy: Tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, tiếng bản địa… 2.2. Báo chí Đông Nam Á hiện đại. Nền báo chí của từng quốc gia phát triển tuỳ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị của mỗi quốc gia. Bối cảnh xã hội ảnh hưởng sâu sắc đến từng khía cạnh trong báo chí. Hiện nay, báo chí Đông Nam Á đang lấy khẩu hiệu chung: vì sự hiểu biết lẫn nhau; thúc đẩy sự tiến bộ, công bằng xã hội và hoà bình trong khu vực. Các mô hình chủ yếu của báo chí Đông Nam Á hiện đại: - Kiểu 1: Nhà nước trực tiếp quản lý: Myanmar, Việt Nam và Lào; - Kiểu 2: quản lý truyền thông tư nhân bằng giấy phép: Singapore, Malaysia, Indonesia; - Kiểu 3: báo chí tự do: Thái Lan, Philippines, Indonesia (hậu Suharto). Mối quan hệ giữa báo chí và chính trị trong báo chí Đông Nam Á được thể hiện rõ nét. Chính phủ buộc báo chí khi đưa tin và tường thuật không được xâm phạm đến các lĩnh vực: cộng đồng sắc tộc, tôn giáo, chủng tộc, và quan hệ giữa các nhóm cộng đồng. Các nhà cầm quyền quy định và nắm trực tiếp nhiều hoạt động trong báo chí. Hiện nay, Báo chí Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng từ quá trình toàn cầu hoá, quốc tế hóa và hợp tác cùng phát triển, cụ thể là: - Chịu ảnh hưởng các chương trình Âu – Mỹ (MTV, HBO…); - Bản địa hoá cho phù hợp với khán giả từng quốc gia; - Sự có mặt của những báo, đài, hãng thông tấn lớn trong khu vực (thường đặt trụ sở ở Singapore, Thái Lan và Philippines); - Cung cấp thông tin cho các báo, đài, hãng thông tấn nước ngoài. Các tổ chức báo chí lớn trong khu vực: - ACJ: (ASEAN Confederation Journalism): là tổ chức báo chí lâu đời nhất (1975); có hàng ngàn hội viên là các nhà báo trong khu vực. - SEAPA (South East Asian Press Alliance): là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì quyền tự do báo chí trong khu vực. Một số báo, đài, trung tâm truyền thông quan trọng ở Đông Nam Á: - The Nation; - Thai Rath; - Bangkok Post; - The Strait Times; - Channel News Asia; - The New Strait Times; - Manila Times; - The Inquirer; - Thông tấn xã mỗi nước. 2.3. Báo chí Việt Nam. Nền báo chí Việt Nam đang phát triển nhanh hòa nhịp với sự phát triển kinh tế. Trong vòng 10 năm trở lại đây, báo chí Việt Nam đã có nhiều thay đổi để đuổi kịp sự thay đổi của thế giới, của Châu Á. Bên cạnh các loại hình báo in, báo truyền hình, phát thanh đã hình thành khá lâu, thì loại hình báo điện tử cũng đã được triển khai mạnh mẽ và đây đang hứa hẹn là một loại hình phát triển nhanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Là một quốc gia Đông Nam Á, nằm trong hệ thống báo chí Châu Á, báo chí Đông Nam Á, vì thế báo chí Việt Nam gắn liền với báo chí Đông Nam Á, chịu nhiều ảnh hưởng của nền báo chí khu vực này. Trên cơ sở tận dụng những thành tựu tiến bộ của nền báo chí Châu Á, và cụ thể là các nước anh em trong khu vực Đông Nam Á, nền báo chí Việt Nam đã tích cực đổi mới mình. Từ những trang báo nghèo nàn về mặt thiết kế, đến nay những trang báo đã được ma – két đẹp hơn, không còn tình trạng cả trang báo chỉ toàn chữ, các yếu tố đồ họa đã được chú trọng. Đồng thời, mối quan hệ giữa báo chí Việt Nam và báo chí Đông Nam Á ngày càng được chú trọng, qua các lĩnh vực như: - Lấy thông tin từ báo chí trong khu vực nhiều hơn trước; - Cử phóng viên trực tiếp đưa tin các sự kiện lớn (SEA Games, Tsunami,…) - Tham gia các tổ chức trong khu vực, khoá tập huấn, tham quan các báo, đài lớn; - Tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam; - Học tập những mô hình báo chí hiện đại, tiếp thu các thành tựu báo chí mới… Mặc dù có một số đặc điểm khác với nền báo chí của các quốc gia trong khu vực, như nước ta không có báo chí tư nhân, hoàn cảnh kinh tế- xã hội có nhiều khác biệt với khởi điểm là những cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ, nhưng báo chí Việt Nam luôn phải nằm trong mối quan hệ hợp tác cùng phát triển, học hỏi và tiếp thu những tiến bộ trong hoạt động báo chí để nền báo chí Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, việc người đọc Việt Nam tiếp xúc với thông tin báo chí các nước, các nhà báo Việt Nam gặp gỡ các nhà báo các nước, tiếp xúc với hệ thống báo chí các nước hoặc là sang các nước khác tác nghiệp cũng là chuyện bình thường. Vì thế, báo chí Việt Nam phải biết nắm lấy cơ hội thuận lợi để hoàn thiện mình. PHẦN KẾT LUẬN Trong tiến trình phát triển cũng như nhân rộng vai trò của báo chí thế giới hiện nay, báo chí Châu Á cũng là một thành tố quan trọng. Dù có thể xuất phát muộn hơn, với những bất lợi về điều kiện kĩ thuật hiện đại, nhưng báo chí Châu Á đang dần thể hiện rõ sự phát triển và tầm ảnh hưởng của mình. Lịch sử hình thành báo chí Châu Á cho ta thấy, dù bước đi ban đầu sơ khai với nhiều sự hạn chế, dù chịu ảnh hưởng và điều hành của báo chí phương Tây qua quá trình xâm lược, nhưng nó cũng mang rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế, sự nâng lên rõ rệt của chất lượng đời sống, cộng với ưu điểm là thị trường tiêu thụ báo chí cũng như nơi cung cấp thông tin, chi tiết đời sống hết sức rộng lớn và đa dạng, tạo động lực và cơ sở để báo chí Châu Á phát triển mạnh mẽ. Vì thế, vấn đề đặt ra với báo chí Châu Á trong thời đại ngày nay là làm sao để thấy được rõ mình, có những biện pháp và con đường đi đúng đắn, để tạo sự phát triển báo chí bền vững, đáp ứng thiết thực nhất nhu cầu xã hội và đời sống con người. Không khoanh vùng trong khu vực Châu Á, báo chí châu lục này còn phải thể hiện rõ sự hợp tác trên nhiều mặt với những nền báo chí khác trên thế giới, biết nắm bắt và tạo thời cơ để phát triển nhanh chóng nền báo chí châu lục. Muốn vậy, báo chí Châu Á còn phải thấy rõ những yếu điểm của mình, như sự chênh lệch lớn giữa các nền báo chí ở các quốc gia, sự đầu tư không đúng mức, sự hạn chế của một số chính sách gây bất lợi, kìm hãm sự phát triển của báo chí, và đặc biệt là vấn đề tự do báo chí. Bởi theo tổ chức Nhà báo không biên giới- RSF, Châu Á là một trong những châu lục mà vấn đề tự do báo chí đang bị xâm hại nặng. Trong bản xếp hạng về tự do báo chí ở các quốc gia, vùng lãnh thổ của tổ chức này vừa được phổ biến năm 2010, một số nước Châu Á luôn đứng chót bảng là Trung Quốc, Bắc Hàn, Miến Ðiện, Lào…do những việc như kiểm duyệt báo chí gắt gao, không cho phép tư nhân hoạt động trong ngành truyền thông đại chúng, giam nhốt ám hại bất cứ ai muốn nói lên sự thật một cách công khai hại đến chính quyền. Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu báo chí Châu Á trong tương quan với báo chí ở các châu lục khác tạo sự so sánh, đối chiếu hết sức thú vị. Qua đó, ta thấy được mặt mạnh, mặt yếu của báo chí Châu Á, sự đa dạng, phong phú trong sự hình thành và phát triển của các nền báo chí thế giới. Đồng thời, việc tìm hiểu báo chí Châu Á cũng để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá trong việc hoàn thiện và đi theo con đường báo chí. Học hỏi những bài học từ báo chí Châu Á, báo chí Việt Nam có thể tiếp thu những thuận lợi, những mặt mạnh và hạn chế những tiêu cực và chưa hoàn thiện. Qua công việc của các tòa soạn báo hiện đại ở Châu Á, qua quá trình tác nghiệp của những phóng viên giỏi, báo chí Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, nhà báo có thể cho mình nhiều bài học thiết thực, như nâng cao trình độ ngoại ngữ để hợp tác và làm việc trong môi trường nước ngoài; phát triển thêm năng lực làm việc, đặc biệt là khả năng làm việc với cường độ cao, làm việc theo nhóm, tập thể; và có khả năng thích ứng khi thay đổi môi trường làm việc, thay đổi nơi thường trú… Với sự hiểu biết ít ỏi, khả năng tìm tòi, phân tích tài liệu còn hạn chế, cộng với những điều kiện chưa cho phép, bài luận nghiên cứu về báo chí Châu Á còn sơ sài, nhiều thiếu sót, nhiều chỗ chưa chính xác và mới mẻ, cập nhật. Vì thế, tôi rất mong nhận được sự quan tâm, đóng ghóp của độc giả và những người có chuyên môn, để bài luận được thêm hoàn chỉnh và sâu hơn, ghóp vào tri thức lí luận cho nghiên cứu báo chí Châu Á nói riêng và báo chí thế giới nói chung. PHỤ LỤC NHỮNG CƠ QUAN BÁO CHÍ LỚN Ở CHÂU Á: Tờ Yomiuri Shimbun( Nhật Bản), Tờ The Asahi Shimbun( Nhật Bản), Nhân Dân Nhật báo( Trung Quốc), Tờ Times of India( Ấn Độ), Đài truyền hình CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc), Xinhua News Agency (Tân Hoa xã- Trung Quốc), Hãng thông tấn Kyodo ( Nhật Bản ), Radio Bắc Kinh( Trung Quốc), NHK (Nhật Bản), CRI( Trung Quốc), KBS( Hàn Quốc), All Indian Radio( Ấn Độ). TÀI LIỆU THAM KHẢO Bài giảng lịch sử báo chí thế giới của GV Đinh Thị Chính. Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông. Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang. NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2007. Nghiệp vụ báo chí, những vấn đề lý luận và thực tiễn. NXB Đại học Quốc gia, 2010. Wikipedia.org. Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên do Ths Bùi Tiến Dũng hướng dẫn. www.Radioautralia.net. Các văn bản của Hiệp hội Báo chí thế giới. Các báo cáo của UNESCO năm 2010. Các tờ báo in The Asahi Shimbun, Nhân dân nhật báo, Time of India. Tổ chức United Press International. Báo mạng Asian Times online, ICTnews; trang www.tailieu.vn. Các công bố của chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Một số trang mạng khác. MỤC LỤC Trang PHẦN MỞ ĐẦU 1 PHẦN NỘI DUNG 1 I. Sự hình thành 1 II. Đặc điểm báo chí Châu Á 3 1. Sự phát triển không đồng đều 3 2. Báo chí Châu Á mang tính chính trị cao 5 3. Báo chí Châu Á còn tồn tại nhiều yếu kém, lạc hậu và hạn chế 8 III. Xu hướng phát triển của báo chí Châu Á trong giai đoạn hiện nay 9 1. Báo in 9 2. Báo mạng 11 3. Một số loại hình báo chí khác 12 IV. Những nguyên nhân của xu thế phát triển báo chí Châu Á 13 V. Một số đại diện của báo chí Châu Á 15 1. Báo chí Trung Quốc 15 1.1. Đặc điểm của báo chí Trung Quốc 14 1.2. Một số cơ quan báo chí tiêu biểu của Trung Quốc 16 2. Báo chí Đông Nam Á 17 2.1. Báo chí Đông Nam Á khởi thủy 17 2.2. Báo chí Đông Nam Á hiện đại 18 2.3. Báo chí Việt Nam 19 PHẦN KẾT LUẬN 20 PHỤ LỤC NHỮNG CƠ QUAN BÁO CHÍ LỚN Ở CHÂU Á 22 TÀI LIỆU THAM KHẢO 22

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTổng quan sự hình thành và phát triển của báo chí châu á.doc
Luận văn liên quan