Đề tài Thực tiễn phân định các vùng biển thuộc quyền chủ quyền giữa Việt Nam với các nước

A, ĐẶT VẤN ĐỀ B, GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I, Lý luận chung về các vùng biển quốc gia có quyền chủ quyền 1. Vùng tiếp giáp lãnh hải 1.1 . Xác định phạm vi 1.2, Quy chế pháp lý 2. Vùng đặc quyền kinh tế 2.1. Xác định phạm vi 2.2. Quy chế pháp lý 3. Thềm lục địa 3.1. Xác định phạm vi 3.2. Quy chế pháp lý II. Thực trạng phân định và bảo vệ quyền chủ quyền các vùng biển 1. Việt Nam đã gia nhập, kí kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến vấn đề phân định và bảo vệ quyền chủ quyền các vùng biển 2. Xây dựng và thực thi pháp luật trong nước trong vấn đề phân định và bảo vệ quyền chủ quyền các vùng biển 3. Ngoài ra III. Những tồn tại và hướng giải quyết 1. Những tồn tại 2. Giải pháp khắc phục C. KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

doc8 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6749 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Thực tiễn phân định các vùng biển thuộc quyền chủ quyền giữa Việt Nam với các nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A, ĐẶT VẤN ĐỀ Quyền chủ quyền trên các vùng biển nếu hiểu một cách “nôm na” thì đó là những quyền xuất phát từ chủ quyền quốc gia mà chỉ có các quốc gia ven biển mới có. Việc phân định các vùng biển thuộc quyền chủ quyền giữa Việt Nam và các nước là một vấn đề cấp thiết, hết sức quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước nhưng đây cũng là một vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp hiện nay. B, GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I, Lý luận chung về các vùng biển quốc gia có quyền chủ quyền Đây là ba vùng biển nằm ngoài lãnh hải, bao gồm vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc hoạch định được thực hiện trên cơ sở tôn trọng CƯLB 1982 mà Việt Nam là thành viên, cũng như các điều ước (Hiệp định) đã kí với các quốc gia có liên quan và đưa ra những tuyên bố đơn phương về vấn đề này. Cụ thể: Tuyên bố ngày 12/05/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy, việc Việt Nam tiến hành hoạch định trên thực tiễn và đưa ra những tuyên bố đơn phương về các vùng biển mà nước ta có quyền chủ quyền theo đúng những quy định của CƯLB 1982 mà Việt Nam là thành viên cũng là một hành động nhằm bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng biển này, đặc biệt là khi có những tranh chấp xảy ra. 1. Vùng tiếp giáp lãnh hải : 1.1. Xác định phạm vi: Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Phạm vi của vùng tiếp giáp lãnh hải không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều 33 Công ước về Luật biển năm 1982 quy định: “Vùng tiếp giáp không thể mở rộng quá 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải”. Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-5-1977 cũng nêu rõ: “Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài của lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam” (Điểm 2). 1.2. Quy chế pháp lý: Vì vùng này đã nằm ngoài vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nên quốc gia ven biển chỉ được thực hiện thẩm quyền hạn chế trong một số lĩnh vực nhất định đối với các tàu thuyền nước ngoài mà thôi. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 33) quy định trong vùng tiếp giáp, quốc gia ven biển có thể tiến hành các hoạt động kiểm soát cần thiết nhằm để ngăn ngừa những vi phạm đối với luật lệ về hải quan, thuế khóa, y tế hay nhập cư; đồng thời trừng phạt những vi phạm đã xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình. Riêng đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ, Điều 303 Công ước về Luật biển 1982 quy định mọi sự trục vớt các hiện vật này từ đáy biển thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển thì đều bị coi là vi phạm xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của quốc gia đó và quốc gia đó có quyền trừng trị. 2. Vùng đặc quyền kinh tế. 2.1. Xác định phạm vi: Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có phạm vi rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy phạm vi lãnh hải rộng 12 hải lý bên trong vùng đặc quyền kinh tế nên chiều rộng riêng của vùng đặc quyền kinh tế là 188 hải lý. Vùng đặc quyền kinh tế bao gộp trong nó cả vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật biển 1982 quy định. Vùng đặc quyền kinh tế của nước CHXHCN Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở, dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam theo tuyên bố của Chính phủ Việt Nam năm 1977. 2.2. Quy chế pháp lý: Vùng đặc quyền kinh tế là một chế định riêng biệt, được hình thành từ nhu cầu quản lý tài nguyên, bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia ven biển. Vùng đặc quyền kinh tế có chế độ pháp lý riêng do Công ước về Luật biển 1982 quy định về các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như quyền tự do của các quốc gia khác. Cụ thể như sau: * Đối với các quốc gia ven biển: - Quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế.Đối với các tài nguyên không sinh vật, quốc gia ven biển tự khai thác hoặc cho phép quốc gia khác khai thác cho mình và đặt dưới quyền kiểm soát của mình. Đối với các tài nguyên sinh vật, quốc gia ven biển tự định tổng khối lượng có thể đánh bắt, khả năng thực tế của mình và số dư có thể cho phép các quốc gia khấ đánh bắt. - Quốc gia ven biển có quyền tài phán về việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển (quyền tài phán quốc gia là quyền của các cơ quan hành chính và tư pháp của quốc gia thực hiện và giải quyết các vụ việc theo thẩm quyền của họ). Quốc gia ven biển có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các quy định luật pháp của mình. - Các quốc gia ven biển có nghĩa vụ thi hành các biện pháp thích hợp để bảo tồn và quản lý nhằm làm cho việc duy trì các nguồn lợi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi bị khai thác quá mức. * Đối với các quốc gia khác: - Được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không. - Được tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm. Khi đặt đường ống phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển. - Được tự do sử dụng biển vào các mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế. 3. Thềm lục địa : 3.1. Xác định phạm vi: Thềm lục địa nói nôm na là cái nền của lục địa. Nó bắt đầu từ bờ biển, kéo dài thoai thoải ra khơi và ngập dưới nước, đến một chỗ sâu hẫng xuống thì hết thềm. Thực tế ở nơi nào bờ biển bằng phẳng thì vùng đáy biển này trải ra rất xa. Ở nơi nào bờ biển khúc khuỷu, vùng này co hẹp lại gần bờ hơn (như ven biển miền Trung Việt Nam từ bờ ra ngoài khoảng 50 km (hơn 26 hải lý) thì thụt sâu xuống hơn 1.000 m). Các nhà địa chất học gọi vùng đáy biển thoai thoải đó là thềm lục địa. Vùng đó kéo dài đến đâu thì thềm lục địa của nước đó ra đến đó; không kể độ sâu là bao nhiêu. Vì thềm lục địa là sự mở rộng tự nhiên của lục địa đất liền ra biển, là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ quốc gia ven biển, cho nên nó thuộc về quốc gia ven biển. Về mặt pháp lý quốc tế, Công ước về Luật biển năm 1982 định nghĩa: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phận kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn” (khoản 1 Điều 76). Thí dụ như ở miền Trung Việt Nam thềm lục địa có thể kéo dài rộng ra tới 200 hải lý.Tuy nhiên thềm lục địa có thể được mở rộng hơn nữa nhưng không vượt ra khơi quá 350 hải lý cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m (2.500 meters isobath) là đường nối liền các điểm có độ sâu 2.500 m một khoảng cách không quá 100 hải lý (khoản 5 Điều 76). Khi thềm lục địa được mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở như vậy thì quốc gia ven biển phải làm thủ tục thông báo cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa (Commission on the limits of the continental shelf – CLCS) (khoản 8 Điều 76) và gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc các bản đồ, chỉ rõ ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình (khoản 9 Điều 76). Các ranh giới do quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở kiến nghị của CLCS mang tính chất dứt khoát và bắt buộc.Về mặt pháp lý quốc gia, Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Việt Nam nêu rõ: “Thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó” (điểm 4). 3.2. Quy chế pháp lý: - Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, tài nguyên không sinh vật như dầu khí, các tài nguyên sinh vật như cá, tôm…) của mình. Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy nếu không có sự thỏa thuận của quốc gia đó. Nghĩa là chỉ quốc gia ven biển mới có quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gì. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đối với thềm lục địa không được đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước phía trên, không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền tự do của các quốc gia khác. Khi tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở, quốc gia ven biển phải nộp một khoản đóng góp tiền hay hiện vật theo quy định của công ước. - Quốc gia ven biển có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học. Mọi nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa phải có sự đồng ý của quốc gia ven biển. - Tất cả các quốc gia khác đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thỏa thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc đường cáp đó. II. Thực trạng phân định và bảo vệ quyền chủ quyền các vùng biển 1. Việt Nam đã gia nhập, kí kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến vấn đề phân định và bảo vệ quyền chủ quyền các vùng biển. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế) vào ngày 23/06/1994, nộp và lưu chiểu LHQ ngày 25/07/1994. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế xác nhận và khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa. Nhờ Công ước này mà phạm vi các vùng biển nước ta được mở rộng từ vài chục nghìn km2 đến cả triệu km2. Hơn nữa, Công ước còn là cơ sở để Nhà nước ta đấu tranh với các hành vi vi phạm của các nước cũng là thành viên CƯLB 1982 đối với các vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký kết ngày 4/11/2002 tại Phnôm Phênh, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam có thể vận dụng những nội dung DOC để đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền cho các vùng biển mà Việt Nam có quyền chủ quyền. Bên cạnh đó, Việt cũng tiến hành đàm phán và ký kết một loạt các Hiệp định về phân định và hợp tác trên biển với các nước láng giềng có chung Biển Đông. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 5 Hiệp định và thỏa thuận với các nước láng giềng có bờ biển liền kề hoặc kế cận. Đó là các nước: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. - Thỏa thuận về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn Việt Nam – Malaysia diễn ra ngày 05/6/1992 tại Kuala Lampur. Ngày 6 tháng 5 vừa qua Việt Nam và Malaysia trình cho Ủy ban LHQ về phân ranh thềm lục địa bản Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa liên quan đến hai nước là thêm một bằng chứng rằng, với thiện chí, các nước trong khu vực có thể hợp tác giải quyết hòa bình mọi bất đồng về chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông và Vịnh Thái Lan. - Hiệp định về phân định ranh giới trên biển Việt Nam - Thái Lan. Việt Nam và Thái Lan trước đây còn có bất đồng trong việc phân định biên giới biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan. Bất đồng này đã được giải quyết ngày 9/8/1997 bằng Hiệp định về biên giới biển Việt Nam - Thái Lan được ký kết. Hiệp định này đã xác định đường biên giới biển đồng thời phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước. - Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam- Campuchia. Trong lịch sử, hai bên có vấn đề tranh chấp chủ quyền một số đảo ven bờ và chưa tiến hành đàm phán phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngày 07/7/1982, hai bên đã ký Hiệp định về vùng nước lịch sử, trong đó xác định rõ chủ quyền đảo của mỗi bên, thiết lập một vùng nước lịch sử chung hai bên cùng nhau kiểm soát và quản lý; các hoạt động đánh bắt hải sản được thực hiện theo tập quán cũ. - Hiệp định phân đinh Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam- Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới. Giữa hai nước tồn tại một số vấn đề biên giới cả trên đất liền lẫn trên biển đang trong quá trình giải quyết. Trong năm 2000 hai nước đã hoàn tất quá trình đàm phán kéo dài 27 năm từ năm 1974 và ký kết Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ. Nội dung chính của Hiệp định này là nhằm xác định đường biên giới lãnh hải và ranh giới đơn nhất cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Việt Nam và Trung Quốc cùng có thẩm quyền khai thác đối với vùng đánh cá chung rộng 30.5 hải lý tính từ đường phân định. - Hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước Việt Nam – Indonesia. Trước khi tiến hành đàm phán phân định, giữa hai nước tồn tại một vùng chồng lấn khoảng 98.000 km2. Qua nhiều vòng đàm phán, vùng chồng lấn này đã dần được thu hẹp lại. Kết quả cuối cùng là việc ký kết Hiệp định ngày 26/6/2003 đã thiết lập thành công đường ranh giới thềm lục địa Việt Nam - Indonesia. 2. Xây dựng và thực thi pháp luật trong nước trong vấn đề phân định và bảo vệ quyền chủ quyền các vùng biển. Trong hơn 10 gia nhập và thực hiện các ĐƯQT về biển, Nhà nước Việt Nam đã đơn phương ban hành nhiều VBQPPL để thực hiện. Đến nay chúng ta đã có một hệ thống pháp luật quốc gia tương đối đầy đủ phù hợp với luật quốc tế để thực hiện bảo vệ các vùng biển mà Việt Nam có quyên chủ quyền: Pháp luật về bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển (Ví dụ: Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục dịa Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia – 2003, Quyết định số 373/QĐ-TTG ngày 23/03/2010 phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam...). Pháp luật về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển (Luật Thủy sản, Luật Dầu khí 1993. . .). Pháp luật về nghiên cứu khoa học biển (Nghị định 242 HĐBT/ ngày 5/8/1991...) Pháp luật về du lịch biển, đảo Việt Nam(Luật Du lịch...) Pháp luật về giao thông, vận tải biển (Bộ Luật Hàng hả 1990...) Pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn trên biển (Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển 1998...). Pháp luật về bảo vệ môi trường biển (Luật Bảo vệ môi trường – 2005...). Tình hình thực thi pháp luật bảo vệ biển. Việt Nam đã thực hiện thi đồng thời pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam trên các vùng biển. Xác định đúng đắn vai trò của thực thi pháp luật là nhằm khẳng định quyền chủ quyền, tránh đối đầu và trừng trị, răn đe những hành vi vi phạm pháp luật trên biển bằng các biện pháp xử phạt hành chính hoặc hình sự (có thể phạt tiền tối đa lên tới 500 triệu VNĐ và các hình phạt bổ sung) nhằm bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng biền này. 3. Ngoài ra, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp về: Chính trị, kinh tế, ngoại giao… Để đấu tranh và bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam. Có thể đến: Phong trào vận động đấu tranh của thanh viên và những người dùng mạng xã hội Yahoo bảo vệ Hoàng Sa, Trường sa trước những hành động của Trung Quốc. Bên cạnh đó là những biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các vùng biển, sử dụng những chứng cứ lịch sử để đấu tranh bảo vệ các vùng biển Việt Nam…. III. Những tồn tại và hướng giải quyết. 1. Những tồn tại. Tồn tại thứ nhất, việc phân định và cắm mốc các vùng biển Việt Nam còn chưa đúng theo những quy định của CƯLB 1982. Đó là đường cơ sở được đưa ra ở Tuyên bố tháng 11/1982 không phù hợp với CƯLB 1982. Trong vòng 2 năm sau khi Việt Nam đưa ra Tuyên bố này thì Hoa Kì, CHLB Đức, Thái Lan, Trung Quốc đã đưa ra những phản đối với lý do là với đường cơ sở này sẽ mở rộng các vùng biển mà Việt Nam có quyền chủ quyền và ảnh hưởng đến quyền chủ quyền của quốc gia láng giềng (đặc biệt là các nước ASEAN). Chính những phản đối này làm cho sự ủng hộ của quốc tế giảm đi đối với Việt Nam. Tồn tại thứ hai, Hệ thống pháp luật trong nước và việc thực thi pháp luật còn chưa đầy đủ và chưa hiệu quả. Đã hơn 10 năm từ khi Việt Nam từ khi Việt Nam là thành viên của CƯLB 1982 nhưng Việt Nam vẫn chưa ban hành Luật Biển Việt Nam – Luật chung, điều chỉnh các quan hệ phát sinh trên biển nhằm thực hiện quyền chủ quyền và bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng biển và hải đảo. Lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam còn mỏng, phương tiện cũ kĩ, lục hậu và thiếu trong khi các vùng biển Việt Nam lại rộng. Hơn nữa, các cơ chế quản lý biển còn thiếu. 2. Giải pháp khắc phục. - Giải quyết triệt để việc phân định các vùng biển mà Việt Nam có quyền chủ quyền trên cơ sở tôn trọng các CƯLB 1982 và các điều ước song phương và đa phương đã ký kết với các nước hữu quan. Thiện chí và sẵn sàng đám phán, ký kết những Hiệp định phân định biển với các quốc gia láng giềng còn lại. - Xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo vệ các vùng biển theo hướng đồng bộ (việc làm cần thiết trước tiên là ban hành Luật Biển Việt Nam- công cụ pháp luật hữu hiệu để quản lý và bảo vệ biển). Xây dựng môt cơ chế quản lý biển phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cưởng và nâng cao hơn nữa hoạt động thực thi pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam trên biển Việt Nam nhằm tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động tuần tra, kiểm soát và bảo vệ quyền chủ quyền. Đây là giải pháp có nhiều lợi thế nhất. - Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tăng cường ngân sách cho an ninh, quốc phòng trên biển để có thêm kinh phí đào tạo lực lượng (thành lập Vùng để bảo vệ thềm lục địa phía Nam) và mua sắm thêm thiết bị phương tiện để bảo vệ biển (đây cũng là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội trong các kì họp Quốc hội năm 2009). - Tích cực mở cửa, phát huy nội lực, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và hợp tác quốc tế theo những nguyên tắc nhất định để bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền của tổ quốc. Tiếp tục đấu tranh bằng tất cả các biện pháp nhằm bào vệ vùng biển quyền chủ quyền còn đang tranh chấp với các nước láng giềng. Nâng cao ý thức bảo vệ biển của nhân dân, đặc biệt là những người dân sinh sống bằng khai thác các lợi thế của biển. C. KẾT LUẬN Trước những tình hình trên với tư cách là những công dân của quốc gia ven biển, tôi thiết nghĩ, nhiệm vụ phân định, bảo vệ và phát triển các vùng biển Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân yêu nước, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng toàn dân ta. ~DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO~ ---o0o--- Giáo trình luật quốc tế, NXB Công an nhân dân Vấn đề xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam với các nước láng giềng, trên quan điểm của luật biển Việt Nam và dưới ánh sáng của Công ước luật biển quốc tế 1982, Luận văn tốt nghiệp, Đỗ Ngọc Thịnh. Thềm lục địa những vấn đề pháp lý quốc tế, Phạm Ngọc Chi Vùng đặc quyền kinh tế: quy chế pháp lý quốc tế và sự tác động tới chiến lược kinh tế Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp, Đỗ Thị Thơm. Trang Web tham khảo: Google.com.vn Tailieu.vn Chinhphu.vn

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThực tiễn phân định các vùng biển thuộc quyền chủ quyền giữa Việt Nam với các nước.doc
Luận văn liên quan