Luận văn Người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục nhìn từ quan điểm giới

Nghiên cứu người phụ nữ từ quan điểm văn hóa giới thời trung đại chúng tôi nhận thấy, quan điểm về nữ giới của Nho gia đã chi phối sâu sắc cách kể, tả, đánh giá về người phụ nữ. Vì vậy, những người phụ nữ chính diện trong tập tác phẩm này thường được kể, tả với đặc điểm là những người hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông, trở thành cái bóng của người đàn ông, hy sinh vì người đàn ông mà không nhận được sự hy sinh ngược lại. Họ được xây dựng theo mô hình người phụ nữ gắn với phạm vi không gian gia đình, gần như đoạn tuyệt với bản năng, không được sống với những khát vọng riêng tư mà hầu như chỉ được hiện lên qua bổn phận, nghĩa vụ đạo đức. Ngôn hành của họ tất cả đều nhất nhất được xây dựng theo tiêu chí về người phụ nữ chính chuyên của Nho gia. Những yếu tố giới của họ như vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn về phương diện giới, tâm lý tình cảm riêng tư, khát khao hạnh phúc ái ân hầu như không được tác giả chú ý miêu tả. Hình ảnh những người phụ nữ này mang một số nét của con người thánh nhân, con người lý tưởng.

doc118 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 7743 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục nhìn từ quan điểm giới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
không thấy xuất hiện trong tâm lý nhân vật nữ phản diện. Nét tâm lý được chú ý miêu tả ở những người phụ nữ này chủ yếu là những nét tâm lý đời thường, gắn với xúc cảm riêng tư, cá nhân: tâm lý đau buồn, sầu tủi, nuối tiếc và níu kéo, bên cạnh đó còn có nét tâm lý chứa đựng khát vọng ái ân của người phụ nữ. Nhà văn đã thể hiện những nét tâm lý này khá thành công qua thể loại từ khúc. Những lời từ này chính là nền móng để các nhà thơ thế kỷ sau học tập, phát triển nhằm thể hiện phong phú thêm thế giới nội tâm nhân vật. 3.4 Cách ứng xử, hành động Đặc điểm nổi bật trong cách ứng xử và hành động của người phụ nữ phản diện trong Truyền kỳ mạn lục là những người phụ nữ này luôn chọn cách ứng xử và hành động thiên về đời sống thân xác, thiên về thỏa mãn khát vọng cá nhân chứ không ứng xử và hành động theo những chuẩn mực đạo đức Nho gia, không ứng xử và hành động hoàn toàn vì nam giới như những nhân vật nữ chính diện đã làm. Trong quan hệ tình yêu - hôn nhân, nếu như ở các nhân vật nữ chính diện lý tưởng, tình yêu và hôn nhân bao giờ cũng có sự can thiệp của gia đình, nằm trong phạm vi gia đình thì ở những người phụ nữ phản diện, tình yêu và hôn nhân là hành vi cá nhân chỉ liên quan đến người đàn ông và người phụ nữ, hoàn toàn thoát ly khỏi phạm vi gia đình. Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu lấy Trọng Quỳ là có sự ưng thuận của đôi bên cha mẹ: “Cha mẹ đôi bên cũng vui lòng ưng cho, nhân chọn ngày mối lái, định kỳ cưới hỏi” [60.16]. Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương trở thành vợ của Trương Sinh phải qua sự cưới hỏi tử tế của gia đình Trương Sinh: “Trong làng có chàng Trương Sinh mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về” [60.176]. Còn nàng Lệ Nương và Phật Sinh trong Chuyện Lệ Nương được yêu nhau, đi lại với nhau cũng là do cha mẹ đã định sẵn hôn ước từ khi còn trứng nước: “Chúng ta ở trong phố vẫn quen thân nhau, việc đi lễ cầu tự hôm nay lại không hẹn mà cùng giống nhau. Nếu mà hương lửa có duyên, sau này ta sẽ cho các con sinh nên đôi lứa. Bình dân ta lại làm bạn với bình dân, chẳng cần phải kén chọn con ông cháu cha gì cả; nói có Sơn thần chứng giám, tôi quyết không sai lời” [60.195]… Trong khi đó, Trọng Quỳ trong Chuyện cây gạo đến với Nhị Khanh nơi đất khách quê người, không cần quan tâm đến sự can thiệp của gia đình. Nhị Khanh cũng chẳng hề quan tâm Trọng Quỳ là ai, gốc tích chàng ra sao, cũng không cần dẫn chàng về thăm nhà mình vì nàng quan niệm chuyện yêu đương trai gái là việc riêng tây. Khi Trọng Quỳ nghe lời khuyên nhủ của bạn bè muốn về thăm gia quyến Nhị Khanh, nàng không chối từ, chỉ tâm sự với Trọng Quỳ: “Nhà thiếp không phải xa xôi là mấy. Nhưng nghĩ chúng mình gặp gỡ, chẳng qua là một cuộc riêng tây. Chỉn e thuyền quyên ghen ghét, tai mắt nghi ngờ, đánh vịt mà kinh uyên, đốt lan mà héo huệ. Cho nên thà mang sao mà đến, đội nguyệt mà về, khỏi để mối lo cho lang quân đó thôi” [60.33]. Lời tâm sự này khẳng định dứt khoát quan niệm tự do yêu đương của Nhị Khanh, thể hiện quan niệm phóng túng của nàng về tình yêu nam nữ. Giống như cuộc tình giữa Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ trong Chuyện cây gạo, cuộc kỳ ngộ giữa Hà Nhân và hai nàng Nhu, Liễu trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây cũng là cuộc gặp gỡ thoát ly phạm vi gia đình. Ba người hẹn hò qua lại với nhau nơi kinh thành phồn hoa, không hề có sự kiểm soát của cha mẹ. Liễu Nương và Nhu Nương cũng không cần bận tâm đến gia đình của thư sinh họ Hà, mục đích hai nàng đến với chàng không phải là quan hệ bó buộc trong hôn nhân mà chỉ là đi lại để thỏa mãn những khát khao chưa thỏa. Vì thế, khi Hà Nhân bị cha mẹ gọi về định việc cưới hỏi, hai nàng tuy buồn nhớ nhưng không ngăn cản, không hề tỏ bày mong muốn được làm vợ chàng. Ta cũng thấy quan niệm và cách ứng xử trong tình yêu, hôn nhân tương tự như thế ở nhân vật Thị Nghi, Hàn Than, Túy Tiêu trong các truyện Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, Chuyện nàng Túy Tiêu. Những người con gái này đến với hôn nhân không bị bó buộc trong phạm vi gia đình hay tuân theo những luật lệ định sẵn. Họ hành động theo sự lựa chọn cá nhân, riêng tư. Những cuộc tình mà những người con gái này tạo nên là những cuộc tình mang tính chất nổi loạn, những cuộc tình mang đậm yếu tố thân xác, những cuộc tình lệch chuẩn so với truyền thống tiếp nhận của xã hội, trái với những giáo điều răn dạy của Nho gia. Miêu tả cách ứng xử đó của người phụ nữ, người trần thuật tuy không tỏ rõ thái độ phê phán gay gắt nhưng thái độ không đồng tình dường như thể hiện tương đối rõ ở mỗi truyện, nhất là trong phần kết. Không chỉ chú ý đến cách ứng xử trái đạo lý Nho giáo chính thống, miêu tả các nhân vật nữ phản diện, nhà văn còn chú ý nhiều đến hành động của họ. Nếu như các nhân vật nữ chính diện lý tưởng thường chỉ được tô đậm trong hành động tự vẫn để chứng minh lòng trinh liệt và hầu như không có cử chỉ kèm lời thì các nhân vật nữ phản diện lại xuất hiện với hàng loạt hành động và cử chỉ, nhất là những hành động và cử chỉ vốn bị Nho gia phong kiến phê phán. Xuất hiện trước Trình Trung Ngộ, Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo không nhu mì như những người con gái khuôn phép mà “xốc xiêm rảo bước”, vừa đi vừa nói chuyện với người hầu gái. Bao giờ nói nàng cũng có những cử chỉ kèm lời rất tình tứ như cười, thở dài, chau mày, ôm đàn… Tất cả những cử chỉ đó dưới con mắt Nho gia đều là biểu hiện của người phụ nữ đa tình lẳng lơ, không phải là cử chỉ của người con gái đoan chính. Bởi lẽ, theo quan điểm Nho gia, người con gái đoan chính thì phải phải ăn nói đoan trang, không được có những cử chỉ kèm lời: Nói đừng chau mặt, chau mày,  Nghe ra ngậm đắng nuốt cay hay nào!  (Gia huấn ca) Không chỉ xuất hiện với những cử chỉ vượt lễ giáo, Nhị Khanh còn đối lập với các nhân vật phụ nữ lý tưởng qua hàng loạt hành động ma quái, chủ động và táo bạo. Giữa đêm khuya, nàng lên cầu hẹn hò với chàng trai chưa một lần nói chuyện, trong thời gian chờ đợi người con trai ấy xuất hiện, nàng ngồi “tựa vào lan can trên cầu, ôm đàn gẩy mấy khúc Nam cung, mấy điệu Thu tứ” - rất tình tứ và nghệ sĩ, không tuân theo lời gia huấn chính thống dành cho nữ giới: Đi đứng đắn, chớ điều vùng vẫy,  Khi tối tăm đèn phải phân minh,  Hoặc khi hội hát linh đình,  Được lời dạy đến thì mình hãy ra.  Ra phải có mẹ già em nhỏ,  Đừng đánh đàn, đánh lũ không hay. (Gia huấn ca) Khác hẳn với quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, “nam nữ đại phòng” của Nho giáo, Nhị Khanh gợi ý cho Trung Ngộ đến gặp mình trong không gian đêm tối - không gian bị nhà Nho coi là không gian gian dâm, sau đó xuống thuyền cùng Trung Ngộ tình tự, ân ái, làm thơ. Nàng cũng chính là người chủ động đến thuyền Trung Ngộ hàng đêm để được thỏa thú vui ân ái mà nàng khao khát. Hành động của nàng tất cả đều chủ động, bình đẳng với Trung Ngộ chứ không bị động so với người đàn ông này dù cho những hành động như vậy dễ bị quan điểm Nho giáo cho là cọc đi tìm trâu, gian dâm, thiếu đứng đắn. Khi hiện nguyên hình là ma, khiến Trung Ngộ sợ hãi, Nhị Khanh cũng vẫn tự tin, kiên quyết tranh đấu đến cùng để thỏa khát vọng của mình. Nàng dùng lời nói ranh mãnh và táo tợn để yêu cầu Trung Ngộ: “Chàng đã từ xa lại đây, quyết không có lý nào còn trở về nữa. Phương chi trong bài thơ bữa nọ, thiếp chả đã từng lấy cái chết mà hẹn hò nhau! Xin sớm theo nhau đi cho được thỏa nguyền đồng huyệt. Nằm vò võ một mình như vậy, lẽ đâu nay thiếp lại để cho chàng về” [60.34]; đồng thời nàng cũng hành động quyết liệt và dữ dội để níu giữ tình nhân: “Nói rồi nàng sấn lại nắm vạt áo chàng. Nhưng may vạt áo cũ bở, chàng giật rách mà chạy được thoát” [60.34]. Không sợ dư luận và những người bạn của Trung Ngộ, khi Trung Ngộ ốm vì bị ám, Nhị Khanh ngang nhiên “đứng trên bãi sông gọi eo éo, có lúc đến bên cửa sổ nói thì thào” [60.35] để lôi kéo Trung Ngộ theo mình. Tuy nhiên, tất cả những hành động chủ động và táo bạo đó của Nhị Khanh lại được nhìn bằng thái độ e sợ và coi thường. Hành động, cử chỉ của nàng rõ ràng được miêu tả với dụng ý tô đậm chân dung một yêu nữ. Thái độ coi thường e sợ này không chỉ thể hiện trong những từ ngữ nhấn mạnh sự đa tình, tinh quái của nàng (xốc xiêm rảo bước, thở dài mà nói, chau mày nói, cười mà rằng, sấn lại nắm vạt áo, gọi eo éo, nói thì thào…) mà còn thể hiện rõ qua chi tiết cường điệu hóa hình ảnh của nàng sau khi nàng và Trung Ngộ chết, thể hiện qua lời nhận xét của người kể chuyện, của các nhân vật trong truyện về nàng và đặc biệt qua phần kết truyện và lời bình về nàng ở cuối tác phẩm. Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây cũng có những hành động, cử chỉ rất giống với Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo. Hai nàng cũng là những người chủ động trêu ghẹo Hà Nhân, chủ động đến với cuộc tình ân ái tay ba. Thấy Hà Nhân đi học qua Trại Tây, hai nàng chủ động quyến rũ Hà Nhân bằng những hành động hấp dẫn nam giới như “nhí nhoẻn cười đùa”, hái những quả ngon, bẻ bông hoa đẹp ném cho chàng: “Ngày ngày đi qua, Sinh thường thấy hai người con gái đứng ở bên trong bức tường đổ nhí nhoẻn cười đùa, hoặc hái những quả ngon, bẻ những bông hoa đẹp mà ném cho sinh nữa” [60.48]. Khi gối chăn êm ấm với Hà Nhân, hai nàng làm thơ từ ghi lại cảnh ân ái. Hành động chủ động làm thơ đã là hãn hữu đối với người phụ nữ xưa, làm thơ ghi lại cảnh ân ái lại càng vô cùng hiếm có. Vậy mà cũng giống Nhị Khanh, Hồng Nương và Nhu Nương không ngần ngại viết ra những câu thơ miêu tả hành động chốn buồng the. Thơ của hai nàng không ngần ngại miêu tả quan hệ tính dục và tình trạng chốn buồng the với những từ ngữ nhắc đến thân thể, gợi liên tưởng quan hệ thân xác nam-nữ. Thêm nữa, sau đêm đầu hò hẹn, ngày nào hai nàng cũng chủ động “sớm đi tối đến” để thỏa nguyện chăn gối với chàng thư sinh này. Cùng với những hành động chủ động, táo bạo ấy, hai nàng còn hiện lên với những cử chỉ đa tình, quyến rũ. Những cử chỉ đó dù rất nhỏ nhưng rõ ràng được nhấn mạnh có dụng ý nhằm đặc tả chân dung những người con gái lẳng lơ như: “nhí nhoẻn cười đùa”, “tươi cười bảo”, “tươi cười hỏi”, hay “nắc nỏm khen”, “thẹn thò nói rằng” và “gượng lệ nói”… Miêu tả những cử chỉ này, dụng ý của tác giả không phải ngợi ca mà chỉ nhằm tô đậm thêm sự hấp dẫn, tinh quái của hai cô gái. Đào Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị cũng hiện lên với những hành động rất chủ động, táo bạo: Người con gái này dám liều ứng khẩu với vua khi chầu ở tiệc rượu, nàng còn dám đưa tên của mình vào bài thơ đó mà không e sợ hay lo lắng; Khi bị người khác ức hiếp, nàng cũng không chịu nhẫn nhịn mà dám chủ động bán đồ trang sức để thuê người trả thù; Đến tu ở chùa Phật Tích, dù đang bị truy đuổi nhưng Hàn Than vẫn chủ động sống theo sở thích của mình. Nàng mở am Cư Tĩnh để hội họp cùng những văn nhân, làm thơ xướng họa tự do tự tại; Sau khi trốn khỏi chùa Phật Tích, nàng chạy đến chùa Lộ Kỳ - một nơi nước tú non kỳ, phong cảnh tuyệt đẹp để xin trú thân. Dù bị sư cụ Pháp Vân từ chối, dù đang sống trong thân phận kẻ chạy trốn, những hành động của nàng vẫn luôn mang dáng dấp hành động của một người con gái không bao giờ từ bỏ hạnh phúc trần thế; Nàng tuy ở cõi Phật yên tĩnh nhưng vẫn giữ nguyên những bản năng nữ tính vốn có: “Hàn Than tuy ở chốn thanh tịnh nhưng nết cũ vẫn chưa trừ bỏ. Mỗi lúc ở nhà dưới đi lên, mặc áo lụa, mang quần là, điểm môi son, tô má phấn” [60.80]; Sau đó nàng còn dám tư thông với sư bác Vô Kỷ, yêu sư bác Vô Kỷ si mê đắm đuối: “Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng nhau tư thông. Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa” [60.80]. Nàng cũng cùng Vô Kỷ làm thơ liên cú, ngâm vịnh rất lãng mạn, tự tại và tài hoa, thể hiện tài năng khác hẳn người thường: “Hàng ngày hai người cùng nhau làm thơ liên cú, phàm những cảnh vật trong núi, cái gì có thể ngâm vịnh được đều dấp bút đề vịnh để ghi danh thắng” [60.80]. Không bị ràng buộc bởi những luật lệ nghiêm ngặt, Hàn Than yêu sư bác Vô Kỷ bằng tình yêu đắm đuối, quên cả kinh kệ, quên tất cả luân lý xung quanh: “Hai người ham mê nhau quá, ngoài cái thú vui sướng trước mắt, không còn nghĩ đến điều gì là lạ” [60.87]. Những hành động đó trong con mắt người thường là chính đáng và cần được trân trọng nhưng ở đây, nó dường như lại bị dư luận nhà Nho, bị sư cụ Pháp Vân nhìn bằng con mắt nghiêm khắc và e sợ; Khi chết đi, Hàn Than vẫn kiên quyết tranh đấu để dù làm ma vẫn được sống bên cạnh người yêu, được trả thù đời nên nàng đã chủ động báo mộng cho Vô Kỷ, rủ Vô Kỷ về suối vàng đầu thai kiếp khác. Đáng tiếc, chung cục cho chuỗi hành động táo bạo của Hàn Than vẫn là một bi kịch ai oán. Kế hoạch trả thù của nàng bị phát hiện và phá vỡ vào giai đoạn cuối cùng. Kết thúc khuyến trừng phạt của câu chuyện được xây dựng với dụng ý trừng trị Hàn Than và sư bác Vô Kỷ đến tận gốc rễ vì những hành động táo bạo của họ. Xét cho cùng, những hành động đó không sai, nó chỉ trái với đạo lý nghiệt ngã của Nho gia và trái với những quy tắc Nho gia yêu cầu với người phụ nữ. Trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang, thái độ ghê sợ, kì thị người phụ nữ thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm. Thị Nghi - người con gái mang nhiều bất hạnh trong cuộc đời và dám hành động để đạt được chút hạnh phúc ngắn ngủi bị coi là yêu quái. Nàng được tả trong hình ảnh của một nữ quái đáng sợ ở đầu truyện: “Ở Phong Châu có người họ Hồ tên là Kỳ Vọng. Cuối đời họ Hồ, Kỳ Vọng đi buôn bán, ngụ ở thành Xương Giang rồi ốm chết ở thành ấy. Người vợ nghèo kiết, không có tiền để đưa ma chồng về quê được, phải đem bán người con gái nhỏ là Thị Nghi cho một nhà phú thương họ Phạm. Người con gái lớn lên, khá có tư sắc, họ Phạm yêu mến rồi cùng nàng tư thông. Vợ Phạm biết việc ấy, bèn mượn cớ khác đánh Thị Nghi một trận đau quá đến chết rồi đem chôn ở bên cạnh làng. Sau mấy tháng, hồn Thị Nghi hưng yêu tác quái, biến huyễn đủ vẻ, hoặc nhập vào chị ả buôn tương, hoặc ốp vào cô nàng bán rượu, người có vai vế thì bị dâm sát, người có tiền của thì bị bóc lột, suốt một giải đường mười dặm, người ta đều phải đi trưa về sớm, bảo nhau thấy gái đẹp chớ trêu vào” [60.122]. Giữa đêm khuya, thấy viên quan họ Hòang qua bến sông, Thị Nghi biến thành cô gái mặc áo lụa đỏ ngồi trên đệm cỏ rồi khóc ai oán để gây chú ý. Sau khi được viên quan họ Hoàng giúp đỡ tìm hài cốt cha mẹ, nàng chủ động tự nguyện đặt vấn đề mong được làm vợ viên quan này, thoát ly hẳn quan niệm người phụ nữ chính chuyên phải lấy chồng theo ý cha mẹ, phải do người đàn ông chủ động: “Thiếp cùng chàng vốn chẳng hẹn hò, bỗng nên gặp gỡ. Nhưng trước kia vì cha mẹ chưa được mồ yên mả đẹp, cho nên phải chống lại những sự đùa cợt của chàng. Nay việc đã viên thành, vậy xin được đem mình hầu hạ khăn lược, vả lại chàng đi làm quan xa, giúp trong thiếu kẻ, vậy thiếp xin đương những công việc tảo tần” [60.124]. Tuy vậy, kết cục cho những hành động hết sức táo bạo của nàng cũng là sự trừng trị vô cùng tàn nhẫn. Chung cục cho những hành động đó vẫn là bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Trong Chuyện nàng Túy Tiêu, Túy Tiêu tuy bị Trụ quốc họ Thân bắt về làm vợ lẽ nhưng nàng không kiên quyết tự tuẫn để giữ tiết như những người phụ nữ chính diện lý tưởng mà chấp nhận sống với kẻ thù. Không chỉ sống với kẻ thù, khi được Dư Nhuận Chi giải thoát, người phụ nữ này lại tiếp tục sống với chồng cũ mà không xấu hổ hay mặc cảm về thân phận của mình. Hành động và cách ứng xử của nàng là cách hành động tự do, không bị bó buộc bởi khuôn phép Nho gia. Cũng chính vì lí do này mà Túy Tiêu bị phê phán và coi thường chứ không được ngưỡng mộ và ca ngợi như những nhân vật nữ lý tưởng lấy cái chết để chứng minh đức hạnh. Tóm lại, hành động của những người phụ nữ phản diện trong Truyền kỳ mạn lục là những hành động táo bạo, chủ động, vượt ngoài khuôn phép Nho gia. Cách ứng xử của họ cũng không phải là cách ứng xử hết mực vì người đàn ông, hy sinh tất cả vì người đàn ông và nhất nhất tuân theo chuẩn mực đạo đức Nho gia như những người phụ nữ chính diện lý tưởng mà là cách ứng xử vượt ngoài lễ giáo, lấy khát vọng và quyền lợi cá nhân làm tiêu chí xử thế. Tuy nhiên, những hành động và ứng xử táo bạo này hầu như không được miêu tả với thái độ đồng tình hay ngưỡng mộ mà thường bị ghê sợ, khinh thường. 3.5 Số phận Nếu như cuộc đời và số phận của những người phụ nữ chính diện lý tưởng được tái hiện chủ yếu qua hai giai đoạn: khi còn sống và khi đã chết hoặc trước hoạn nạn và sau hoạn nạn với những bất hạnh riêng nhưng cuối cùng vẫn được thần thánh hóa, được rửa oan hoặc tìm lại hạnh phúc vì họ đã ứng xử và hành động theo chuẩn mực Nho gia thì những người phụ nữ phản diện lại có số phận khác hẳn. Quan niệm và điểm nhìn Nho giáo nam quyền cũng chi phối sâu sắc cách tổ chức cuộc đời, số phận của những người phụ nữ này. Cuộc đời người phụ nữ phản diện thường được tái hiện qua ba giai đoạn, dù khi sống làm người thực sự hay khi đã chết, số phận của họ luôn luôn bất hạnh: Khi còn sống, người phụ nữ bị vùi dập do thấp kém hèn mọn; khi chết đi họ cố vẫy vùng để thực hiện khát khao chưa thỏa nhưng lại bị những lễ nghi hà khắc của Nho gia đánh giá với thái độ nghiêm khắc; chết thêm một lần nữa, họ bị trừng trị nghiệt ngã, thảm khốc. Trừ nàng Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu dù gặp bất hạnh là bị quan Quốc trụ bắt đi nhưng cuối cùng Túy Tiêu vẫn được trở về với chồng, sống cuộc đời hạnh phúc đến già, hầu hết những người phụ nữ phản diện trong Truyền kỳ mạn lục đều có quãng đời khi còn sống rất bi kịch và đau đớn. Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo thì bị chồng ruồng rẫy: “Thiếp tên Nhị Khanh, là cháu gái ông cụ họ Hối, một nhà danh giá trong làng. Hai thân mất sớm, cảnh nhà đơn hàn. Mới đây bị người chồng ruồng bỏ, thiếp phải dời ra ở bên ngoài lũy làng” [60.29]. Hồng Nương và Nhu Nương trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây thì phải sống trong thân phận tì thiếp, chưa thỏa mãn đời sống ái ân: “Chúng em một người họ Liễu, tên gọi Nhu Nương, một người họ Đào, tên gọi Hồng Nương, nguyên là những tỳ thiếp của quan Thái sư. Từ ngày quan Thái sư qua đời, chúng em vẫn phòng thu khóa kín” [60.48]. Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang thì phải chịu cái chết đau đớn, nhục nhã chỉ vì thói ghen tuông của vợ thương gia họ Phạm: “Người con gái lớn lên, khá có tư sắc, họ Phạm yêu mến rồi cùng nàng tư thông. Vợ Phạm biết việc ấy, bèn mượn cớ khác đánh Thị Nghi một trận đau đớn đến chết rồi đem chôn ở bên cạnh làng” [60.122]. Bất hạnh nhất là cuộc đời Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị với bao bi kịch nối tiếp: Hầu hạ vua Dụ Tôn không được bao lâu, Hàn Than bị đẩy ra phố bơ vơ không nơi dựa dẫm, nàng thường xuyên đi lại nhà quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân rồi bị vợ Ngụy Nhược Chân đánh một trận tàn nhẫn; Định trả thù người đàn bà độc ác đó, Hàn Than đem trâm hoa bằng vàng ngọc đi bán để thuê người vào nhà Nhược Chân. Không ngờ việc bị phát hiện, nàng phải chạy trốn ở chùa Phật Tích; Không bao lâu sau, nàng bị phát giác và buộc phải chạy trốn lên chùa Lộ Kỳ; Sống với sư Vô Kỷ chưa được bao lâu nàng có thai, ốm liệt giường rồi chết trên giường cữ rất thương tâm: “Năm kỷ sửu (1349) nàng quả vì có thai rồi ốm, lay lứt từ mùa xuân đến mùa hạ, ngồi lên nằm xuống, đều tất phải có người đỡ vực. Sư Vô Kỷ vốn không biết thuốc, lại không biết đường chạy chữa, khiến nàng sau phải quằn quại chết trên giường cữ” [60.87]. Mở đầu cuộc đời người con gái này cũng là một chi tiết thương tâm, kết thúc cuộc đời người con gái này cũng là một bi kịch. Khổ đau dường như đeo đuổi suốt cuộc đời nàng. Khi sống phải chịu bất hạnh, chịu bao cảnh oan nghiệt, chết đi, tất cả những người con gái này đều muốn vẫy vùng để thực hiện khát khao chưa thỏa. Họ đã chủ động hành động, chủ động thực hiện khát vọng và phần nào đã có chút hạnh phúc. Tuy nhiên, trong suốt những tháng ngày đó, họ vẫn bị người đời nhìn với con mắt ghê sợ hoặc xem thường. Quãng đời được vùng vẫy của họ quá ngắn ngủi nhưng cái giá phải trả cho nó lại vô cùng đắt ở phần kết thúc truyện. Nếu như kết truyện của những truyện về người phụ nữ lý tưởng được xây dựng theo mô-típ khuyến thưởng, thần thánh hóa thì trong những truyện về người phụ nữ phản diện, phần kết truyện được tổ chức theo mô-típ khuyến phạt, ma quái hóa. Trong Chuyện cây gạo, câu chuyện hoàn toàn có thể kết thúc ở chi tiết Trình Trung Ngộ ôm quan tài Nhị Khanh chết ở Đông Thôn - chi tiết khép lại toàn bộ tiến trình tự sự và logic với các chi tiết có từ đầu đến cuối truyện. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, phần kết của câu chuyện có thêm những tình tiết tô đậm tính chất ma quái, đồi tệ của đôi trai gái dám vượt ra ngoài lễ giáo. Đôi tình nhân Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ sau khi chết bị cường điệu hóa trong hình ảnh dâm quỷ hết sức ghê rợn: “…những đêm tối giời, người ta thường thấy hai người dắt tay nhau đi đôi, khi thì hát, khi thì khóc; thường bắt người ta phải cầu khẩn lễ bái, hễ không được như ý thì làm tai làm vạ” [60.35]; “Linh hồn của hai người bèn nương tựa vào cây gạo ấy làm yêu làm quái, hễ ai động đến cành lá cây gạo thì dao gẫy rìu mẻ, không thể nào đẫn phạt được” [60.35]; “Giữa lúc sông quạnh trăng mờ, bốn bề im lặng, đạo nhân thấy một đôi trai gái thân thể lõa lồ cùng nhau cười đùa nô giỡn, một lát, đến gõ thình thình mà gọi hỏi trong chùa” [60.36]… Không chỉ bị ghê sợ, bị khinh bỉ, Nhị Khanh và Trung Ngộ còn bị diệt trừ đến tận gốc tích và chịu cảnh đày đọa. Cây gạo hai người ẩn náu thì bị nhổ bật, thân xác hai người thì bị hành hạ trong roi vọt: “Sau một hồi, gió lặng mây quang, thấy cây gạo đã bị nhổ bật, cành cây gẫy nát và bị tước như tước đay vậy. Kế nghe thấy trong không có tiếng roi vọt và tiếng kêu khóc. Mọi người ngẩng lên trông, có 6, 7 trăm lính đầu trâu gông trói hai người mà dẫn đi” [60.37]… Trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, câu chuyện kết thúc với sự kiện Hà Nhân tỉnh ngộ, hai nàng Nhu, Liễu bị lộ diện trong thân xác hoang tàn xơ xác: “vài ba cây đào liễu xơ xác tơi bời, lá trút đầy vườn, tơ vương khắp giậu” [60.61]. Ở Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, sau khi chết, Vô Kỷ và Hàn Than đầu thai thành hai cậu con trai Nhược Chân nhằm trả thù gia đình này về tội người vợ Nhược Chân đã hành hạ tinh thần và thể xác Hàn Than khiến cuộc đời nàng chìm nổi. Tuy nhiên, kế hoạch trả thù chưa được thực hiện, vợ chồng nàng đã bị một thầy tu phát hiện và sau đó bị sư cụ Pháp Vân phá vỡ. Yếu tố kỳ ảo được sử dụng để ca ngợi sư cụ Pháp Vân, khuyến khích trừng phạt Hàn Than và Vô Kỷ. Dưới pháp thuật của sư cụ Pháp Vân, họ bị diệt trừ đến tận gốc rễ, bị biến thành tro bụi trong nỗi đớn đau chưa trả được thù, chưa thỏa nguyện yêu đương. Kết thúc Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Thị Nghi bị phát hiện là yêu ma, buộc phải trở về hình dạng tàn tạ là một đống xương trắng. Ngôi mộ của nàng chẳng có xương cốt mà chỉ còn mấy giọt máu tươi rồi những giọt máu đó cũng tan biến đi mất. Thậm chí, khi xuống âm phủ, nàng vẫn còn bị kỳ thị, bị hạch tội, bị lấy làm gương yêu quỷ để răn đời. Có thể khẳng định, nguyên nhân gây ra đau khổ cho những người phụ nữ này chính là những người đàn ông và những quan điểm kỳ thị nữ giới mà xã hội đã gây ra cho họ. Thế nhưng, người đàn ông hầu như không bị trừng trị mà tội danh hầu hết lại đổ cho người phụ nữ. Người đàn ông dẫu có bị trách cứ cũng là do lỗi đã để cho sắc dục của người phụ nữ gây ra. Quan điểm thưởng phạt giữa người đàn ông và phụ nữ có nhiều điểm thiên lệch, thể hiện thái độ thiên vị nam giới. Kết thúc cuộc đời những người phụ nữ phản diện là kết thúc nghiệt ngã, cáo buộc họ đã dám phạm lễ giáo. Miêu tả số phận người phụ nữ phản diện, Nguyễn Dữ ít nhiều vẫn đứng từ điểm nhìn của một nhà Nho, thiên về bảo vệ nam quyền, ít bênh vựa người phụ nữ. Tuy nhiên, Nguyễn Dữ cũng rất nhân đạo khi phản ánh những bi kịch của họ. Ông giúp người đọc thấy được sự bi thương của số phận người phụ nữ trong xã hội nam quyền bất công. 3.6 Những lời bình giá về người phụ nữ Nếu như người phụ nữ chính diện nhờ hành động, cách ứng xử hợp với khuôn phép Nho gia mà được ngợi ca ở mọi điểm nhìn thì người phụ nữ phản diện có những hành động và cách ứng xử vượt ra ngoài khuôn phép lại luôn bị phê phán. Thái độ phê phán và không đồng tình này đã chi phối sâu sắc không chỉ cách tả, cách kể về ngoại hình, ngôn ngữ, tâm lý, cách ứng xử hành động, số phận nhân vật mà còn thể hiện trực tiếp qua những lời nhận xét trong lời bình cuối tác phẩm. Trong con mắt bạn buôn của Trung Ngộ, Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo bị nhìn nhận như hạng gái lẳng lơ, trăng gió hời hợt: “Như người con gái ấy không là cô ả nũng nịu ở chốn buồng thêu thì tất cũng dì bé yêu chiều ở nơi gác gấm” [60.32]; Dưới mắt dân làng, nàng và Trung Ngộ bị ghê sợ, căm ghét: “Người nàng đấy không thể chịu được mọi nỗi khổ hại, họ bèn đào mả phá quan tài của chàng, rồi cùng cả hài cốt của nàng, vứt bỏ xuống sông cho trôi theo dòng nước” [60.35]; Trong con mắt đạo nhân, hai người bị nhìn với thái độ khinh bỉ: “Đạo nhân cho là đôi trai gái lẳng lơ đêm giăng dắt nhau đi chơi, khinh bỉ cái phẩm cách của họ, nên cứ đóng cửa nằm im, không thèm đánh tiếng” [60.36]… Rõ ràng, Nhị Khanh với những hành động táo bạo chính đáng nhưng vượt ra ngoài lễ giáo đã bị nhìn nhận với thái độ phê phán, ghê tởm. Giọng điệu lạnh lùng, coi thường Nhị Khanh thể hiện khá rõ trong những câu văn đánh giá này. Cùng những lời đánh giá của người trần thuật và các nhân vật trong truyện, Nhị Khanh còn bị khinh bỉ, ghê sợ qua lời bình cuối truyện. Lời bình chú trọng đến việc ca ngợi công đức lớn lao của vị đạo nhân, ủng hộ hành động đối xử dã man với Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ. Nàng Nhị Khanh giai nhân tuyệt sắc với quan niệm sống phóng túng, nghiêng về thân xác bị gắn với “cái giống ma quỷ”, bị đem ra làm bài học răn dạy cho nam giới: “Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường hay mắc phải” [60.37]. Ở đây, Trình Trung Ngộ - “tòng phạm” với Nhị Khanh tuy không bị xét tội nhưng cũng bị coi thường là kẻ thất phu đa dục, vì không có trí thức, không học đạo thánh nhân nên mới mắc phải quỷ. Thái độ e sợ người đẹp, coi thường người phụ nữ có khát vọng giới tính, nghiêng về thân xác thể hiện rất rõ. Qua lời bình ta cũng thấy quan niệm khá bảo thủ về tình yêu tự do và về người phụ nữ sống vượt ra ngoài lễ giáo. Trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Hồng Nương và Nhu Nương bị cụ già hàng xóm Hà Nhân đánh giá là những hạng gái dâm đãng, những u hồn trệ phách đáng ghê sợ: “Ồ! Cậu rõ nói chuyện chiêm bao chửa! Cái dinh cơ ấy từ khi quan Thái sư mất, trải hơn 20 năm nay, đã thành một nơi hoang quạnh. Mấy gian đền mốc một người quét dọn cũng không có, làm gì nhiều những cô gái họ nọ họ kia như cậu nói. Chẳng qua đó là những hạng gái lẳng lơ dâm đãng; nếu không thì là những u hồn trệ phách, hiện lên thành yêu quỷ đó thôi” [60.60]. Cách đánh giá người phụ nữ ở đây rất giống với cách xây dựng những hình ảnh người phụ nữ đẹp là u hồn trệ phách của Sơn Nam Thúc trong Thánh Tông di thảo. Cũng giống như ở Chuyện cây gạo, thái độ đánh giá nhân vật nữ trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây không chỉ thể hiện qua kết cấu tự sự, giọng điệu trần thuật, qua nhận xét của các nhân vật phụ mà còn được thể hiện qua lời bình cuối tác phẩm. Ở đây, tác giả lời bình đã đứng trên quan điểm nhà Nho chính thống răn giáo nam giới cần biết quả dục, tiết dục, né tránh sự quyến rũ từ sắc đẹp và nhục dục của người phụ nữ: “Than ôi, thanh lòng không bằng quả dục. Dục nếu yên lặng thì lòng trống rỗng mà điều thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thắng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ. Nếu không thì những giống nguyệt quái hoa yêu, mê hoặc sao được mà chẳng phải thu hình nép bóng ở trước Lương công là một bậc chính nhân. Kẻ sĩ gánh cặp ở Trường An, tưởng nên chăm chỉ về học nghiệp, tuy không dám mong đến được chỗ vô dục nhưng giá gắng tiến được đến chỗ quả dục thì tốt lắm” [60.64]. Ở đây, người phụ nữ bị coi là tà yêu quỷ, là án ngữ trong con đường học hành của đấng nam nhi. Trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, Hàn Than cũng được đánh giá qua nhiều điểm nhìn khác nhau. Qua điểm nhìn nào, nhân vật cũng bị hình dung là người phụ nữ tà dâm, lẳng lơ; Trong điểm nhìn của vợ Nhược Chân, Hàn Than là người phụ nữ đi quyến rũ đàn ông, quyến rũ chồng người khác. Vì thế, không biết thực hư thế nào, nàng bị vợ Nhược Chân đánh cho một trận tàn nhẫn; Trong mắt của cậu học trò, nàng là cô gái lẳng lơ, lòng còn nhiều tà dục nên cách đi cách đứng, hành động, dáng vẻ, cử chỉ của nàng được cậu ta tái hiện trong bài thơ với thái độ giễu cợt, khinh miệt; Trong mắt sư cụ Pháp Vân, Hàn Than là người phụ nữ không đoan chính, dễ trở thành án ngữ trên con đường tu giới của người đàn ông: “Người con gái này, nết không cẩn nguyệt, tính bén lẳng lơ, tuổi đã trẻ trung, sắc lại lộng lẫy, ta e lòng thiền không phải đá, sắc đẹp dễ mê người; tuy sen hồng chẳng nhuộm bùn đen, nhưng tấc mây dễ mờ bóng nguyệt” [60.79]; Trong mắt của người kể chuyện, Hàn Than là một “ả danh kỹ”, một người con gái có nhiều vật dục và chỉ biết đắm đuối trong tình yêu, ngoài thú vui trước mắt không còn nghĩ đến điều gì khác, không thể đến được cõi thiền… Tất cả những lời đánh giá này đều khe khắt với Hàn Than, thể hiện thái độ e sợ, kỳ thị nàng. Không trực tiếp phê phán Hàn Than, tác giả lời bình phê phán hai nhân vật nam trong truyện là Vô Kỷ và Nhược Chân. Tuy dụng ý lời bình thiên về tính chất phê phán xã hội nhưng qua đó phần nào thấy được quan niệm của tác giả lời bình về người phụ nữ. Ở đây, sư Vô Kỷ bị phê phán vì yêu sắc đẹp và tài năng của nàng Hàn Than mà trễ nải việc tu chính, quả dục: “Than ôi, theo về dị đoan chỉ là có hại. Huống chi đã theo lại còn không giữ cho đúng phép, thì mối hại phỏng còn xiết nói được ư? Gã Vô Kỷ kia, là một kẻ gian dâm, buông thói tà dục, chẳng những dối người, mà còn dối vị phật của hắn thờ nữa. Giá đem xử vào cái tội như vua Ngụy giết bọn Sa môn ngày xưa thì hắn cũng không oan chút nào” [60.92]. Phê phán thói gian dâm, tà dục của Vô Kỷ nghĩa là vô hình trung tác giả lời bình đã phê phán yếu tố sắc dục của Hàn Than, nói rộng ra là của người phụ nữ. Tác giả lời bình rõ ràng vẫn đứng trên quan điểm Nho giáo chính thống, quan điểm nam quyền để đánh giá nhân vật. Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang cũng bị đánh giá qua nhiều điểm nhìn khác nhau. Song, dù ở điểm nhìn của ai, nàng vẫn bị đánh giá theo những nghiêm luật chặt chẽ của Nho gia nam quyền: Trong con mắt những người dân ở Xương Giang, Thị Nghi khi còn sống là một người con gái không đoan chính, dám tư thông với ông chủ họ Phạm; khi chết đi, nàng bị xem là yêu quái chuyên hạch sách, tác quái khiến người thường phải kinh sợ; Trong con mắt đạo nhân chữa bệnh cho viên quan họ Hoàng, Thị Nghi là tà yêu gây ra bệnh quỷ ám của chồng: “Tôi chợt trông mặt ông này, thấy đầy những yêu khí, mà người con gái ấy, chính là gốc rễ tà yêu” [60.125]; Thậm chí, chính trong mắt người chồng, Thị Nghi cuối cùng cũng bị nhìn như kẻ thù. Từ một người vợ, nàng trở thành một nữ quái đáng khinh bỉ: “Há bởi trước đặt bày huyền hoặc. Cốt muôn người phòng bị tà gian… Đem môi son má phấn làm tôi say mê, rút nguyên khí chân tinh khiến tôi hao tổn. Nếu không gặp thần y cứu chữa. Sớm đã về chín suối vật vờ…” [60.128]; Tương tự như vậy, trong mắt của diêm vương, Thị Nghi là loài nhơ nhớp, dâm tà. Tất cả những lời miệt thị con người xấu xa nhất đã được Diêm vương dùng để đánh giá nàng: Cớ sao loài nhơ nhớp, Dám dở thói điên cuồng. Một đời chỉ sống với tà dâm, tham lam đã lắm, Đến chết vẫn còn toan dối trá, giả mạo sao nhiều Cho là tội danh có thể trốn qua, Cho là Minh phủ không thể trừng phạt. Cáo họ Nhâm, hổ họ Thôi, lắm trò biến huyễn… Thị Nghi bị Diêm Vương coi thường, khinh bỉ và trừng phạt ngay cả khi đã thân tàn ma dại, một nắm xương cũng không còn: “Không ngờ cái nhãi, mà dám đảo điên, đã làm sự dâm tà lại còn toan kiện bậy. Vậy nên đem tống giam vào ngục” [60.128]. Thành kiến đối với sắc đẹp của Thị Nghi càng thể hiện rõ hơn qua lời bình cuối tác phẩm. Ở đây, lời bình trở thành lời giáo huấn nam giới, răn dạy nam giới tránh xa nữ sắc: “… Phương Chi xem thấy yêu nữ mê người, sẽ biết răn sợ trước sắc đẹp, xem thấy linh từ xử án sẽ biết tránh trước thần thiêng. Nghi để truyền nghi, chẳng có gì là quá đáng vậy” [60.131]. Tư tưởng của tác giả lời bình giống với tư tưởng của Diêm Vương khi răn dạy viên quan họ Hoàng: “Nhà ngươi theo đòi Nho học, đọc sách thánh hiền trải xem những sự tích xưa nay, há không biết lời răn sắc đẹp, cớ sao lại đi vào con đường ấy!” [60.131]. Tất cả những nhân vật này đều đã đứng trên quan điểm nam quyền để đánh giá nhân vật nữ. Vì vậy, những gì có hại cho người đàn ông đều bị xem là xấu xa. Người phụ nữ với bao bất hạnh không được thương xót hay cảm thông. Trong Chuyện nàng Túy Tiêu, lời bình gay gắt phê phán Túy Tiêu là người con gái bất chính, không theo đạo “Tam tòng”, coi thường nàng là một ả ca xướng: “Than ôi, người con trai bất trung, ông vua trung thường xấu hổ lấy làm bề tôi, người con gái bất chính, kẻ sĩ trung thường xấu hổ lấy làm vợ. Túy Tiêu là một ả ca xướng, chẳng là người chính chuyên, không hiểu Nhuận Chi ham luyến về cái gì? Vì nàng hiền chăng? Nhưng hết là vợ họ Trương lại là hầu họ Lý? Vì nàng đẹp chăng? Thì hết làm mê Hạ Sái lại làm hoặc Dương Thành” [60.166]. Không chỉ miệt thị Túy Tiêu, lời bình còn hướng đến trách móc Dư Nhuận Chi đã để sắc đẹp của Túy Tiêu, lụy mình trước người khác chỉ vì một ả ca nữ không chính chuyên: “Vậy mà lại khinh thường sự đi sự đến, nhẫn nhục tới ở với người, sờ đầu cọp, vuốt râu hùm, xuýt nữa thì không thoát miệng cọp. Như chàng Nhuận Chi, thật là một người ngu vậy” [60.166]. Nếu đây quả thực là lời bình của Nguyễn Dữ thì quả thực tư tưởng bảo vệ trật tự nam quyền và kỳ thị người phụ nữ vẫn còn sâu đậm trong ông. Như vậy, hầu hết những lời bình trong các truyện về người phụ nữ phản diện trong Truyền kỳ mạn lục đều là những câu văn mang tính chất giáo huấn, phê phán lối sống buông thả bản năng của người đàn ông và phụ nữ, chỉ rõ tác hại của lối sống đó đối với sự tu thân chính quả của người đàn ông. Đặc biệt, lời bình tỏ thái độ khá khắt khe và không đồng tình với những người phụ nữ sống và hành động không theo chuẩn mực Nho gia. Cách bình luận này thể hiện quan niệm văn hóa cho rằng người phụ nữ đẹp là biểu tượng của sự cám dỗ sắc dục, là tượng trưng cho dục vọng bản năng, là đáng sợ như ma quỷ. Quan điểm của tác giả lời bình hầu như thống nhất tuyệt đối với tư tưởng của những đạo nhân trong các truyện. Những nhân vật này xuất hiện như biểu tượng của con người luân lý, con người không thể bị sa ngã trước hấp dẫn của sắc dục. Tiểu kết Nếu như người phụ nữ chính diện lý tưởng là những người sống theo bổn phận nghĩa vụ đạo đức, tuân theo khuôn phép Nho gia yêu cầu và được ngợi khen, thần thánh hóa do đã nhu thuận, khắc kỷ, hy sinh hết mình vì người đàn ông, trong trường hợp đòi hỏi của hoàn cảnh có thể lấy thân xác để chứng minh tiết hạnh và không được miêu tả về đời sống riêng tư cá thể thì người phụ nữ phản diện lại được xây dựng theo mô-típ ngược lại. Những người phụ nữ này là những người có vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn về phương diện giới. Họ có những hành động và cách ứng xử vượt ngoài khuôn phép Nho gia, dám lấy khát vọng và quyền lợi cá nhân làm tiêu chí xử thế. Tâm lý của họ là thế giới tâm lý chứa đựng những rung động riêng tư, thậm chí chứa đựng những khát vọng mang yếu tố thân xác. Qua các diễn ngôn, họ dám chủ động, táo bạo phát biểu những quan niệm phóng túng về tình yêu, về quan hệ ái ân nam nữ. Xây dựng hình tượng những người phụ nữ phản diện, một mặt nhà văn đã đưa ra những dòng ngợi ca công khai về quyền sống của người phụ nữ về thân xác, thể hiện thái độ thương xót với số phận bi kịch của họ. Đó là tinh thần nhân đạo đáng quý của Nguyễn Dữ. Nhưng đồng thời, do chưa thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng nam quyền, ở một chừng mực nào đó, nhà văn vẫn miêu tả những người phụ nữ tự do, buông thả này với tinh thần phê phán. KẾT LUẬN Trong khuôn khổ đề tài, chúng tôi vận dụng những tri thức về văn hóa giới thời trung đại ở Việt Nam để phân tích, cắt nghĩa hình tượng người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục từ góc nhìn giới. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau: 1. Xã hội Việt Nam thời trung đại là xã hội nam quyền với Nho giáo là quốc giáo. Trong bối cảnh văn hóa đó, người phụ nữ có địa vị thấp hèn và sống trong thân phận phụ thuộc, người đàn ông và toàn xã hội đã lấy tiêu chí giá trị của nam giới, có lợi cho nam giới để áp đặt cho người phụ nữ. Vì vậy, chỉ có những người phụ nữ đáp ứng các tiêu chí nam giới đã đưa ra mới được khen ngợi, được coi là người phụ nữ chính diện lý tưởng, ngược lại sẽ bị phê phán, bị coi là người phụ nữ phản diện. Căn cứ vào quan điểm như vậy về người phụ nữ ở Việt Nam thời trung đại, chúng tôi chia nhân vật người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục thành hai kiểu: Người phụ nữ chính diện lý tưởng và người phụ nữ phản diện nhằm tìm hiểu sự chi phối của quan điểm văn hóa giới thời trung đại đến việc kể, tả, nhìn nhận, đánh giá về người phụ nữ trong tập tác phẩm này. Những người phụ nữ được coi là nhân vật nữ lý tưởng trong Truyền kỳ mạn lục gồm có: nàng Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, nàng Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, nàng Dương Thị trong Chuyện đối tụng ở Long cung, nàng Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương và phu nhân Ngô Chi Lan trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa. Ngược lại, những người phụ nữ ngôn hành vượt ra ngoài khuôn phép Nho gia, bị coi là người phụ nữ phản diện gồm có: Nàng Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo, Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, nàng Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang, nàng Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, nàng Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu. Ngoài các nhân vật nữ trên, Giáng Hương trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên được coi là nhân vật trung gian. Người con gái này tuy là tiên nữ nhưng chưa dứt được “thất tình”, đem lòng yêu Từ Thức, vướng lụy nhân duyên, khác hẳn các tiên nữ khác cố nén dục sống trong cô quạnh. Tuy nhiên, miêu tả cuộc tình giữa nàng tiên nữ này với Từ Thức, tác giả không phủ nhận tình yêu thân xác ái ân. Thái độ của tác giả với nàng tiên nữ này là trung tính, không rõ rệt khen hay chê như nhân vật nữ ở các truyện khác. Sự phân loại này chắc chắn chỉ mang tính tương đối và cần gắn với quan điểm văn hóa về nữ giới thời trung đại. 2. Nghiên cứu người phụ nữ từ quan điểm văn hóa giới thời trung đại chúng tôi nhận thấy, quan điểm về nữ giới của Nho gia đã chi phối sâu sắc cách kể, tả, đánh giá về người phụ nữ. Vì vậy, những người phụ nữ chính diện trong tập tác phẩm này thường được kể, tả với đặc điểm là những người hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông, trở thành cái bóng của người đàn ông, hy sinh vì người đàn ông mà không nhận được sự hy sinh ngược lại. Họ được xây dựng theo mô hình người phụ nữ gắn với phạm vi không gian gia đình, gần như đoạn tuyệt với bản năng, không được sống với những khát vọng riêng tư mà hầu như chỉ được hiện lên qua bổn phận, nghĩa vụ đạo đức. Ngôn hành của họ tất cả đều nhất nhất được xây dựng theo tiêu chí về người phụ nữ chính chuyên của Nho gia. Những yếu tố giới của họ như vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn về phương diện giới, tâm lý tình cảm riêng tư, khát khao hạnh phúc ái ân hầu như không được tác giả chú ý miêu tả. Hình ảnh những người phụ nữ này mang một số nét của con người thánh nhân, con người lý tưởng. Nếu như người phụ nữ chính diện lý tưởng là những người sống theo bổn phận nghĩa vụ đạo đức, tuân theo khuôn phép Nho gia yêu cầu và được ngợi khen, được thần thánh hóa do đã hy sinh hết mình vì người đàn ông và không có đời sống riêng tư cá thể thì người phụ nữ phản diện lại được xây dựng theo mô-típ ngược lại. Những người phụ nữ này hiện lên với vẻ đẹp hấp dẫn về phương diện giới, với những diễn ngôn mang tính chất táo bạo, chủ động, vượt ngoài khuôn phép Nho gia và những hành động táo bạo, chủ động. Cách ứng xử của họ là cách ứng xử lấy khát vọng và quyền lợi cá nhân làm tiêu chí xử thế. Xây dựng những nhân vật này, nhà văn đã bắt đầu chú ý đến thế giới riêng tư, thậm chí là những yếu tố tâm lý có chứa đựng những khát vọng về quan hệ thân xác, ái ân của họ. Họ hiện lên trong mô hình con người bình phàm với những khao khát tự nhiên, không bị lý tưởng hoá, có nhiều nét tính cách và phẩm chất của con người phàm trần. 3. So với các tác phẩm văn học trước thế kỷ XVI, Truyền kỳ mạn lục đạt thành tựu nổi bật và đáng ghi nhận, đặc biệt ở những tác phẩm viết về người phụ nữ. Tuy nhiên, là một nhà Nho chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo chính thống, tư tưởng của Nguyễn Dữ về cơ bản vẫn là tư tưởng của nhà Nho. Vì vậy, cái nhìn khắt khe và nghiêm khắc với người phụ nữ vẫn chi phối sâu sắc nghệ thuật xây dựng nhân vật của Truyền kỳ mạn lục. Công trình nghiên cứu bên cạnh việc chỉ ra được sự chi phối sâu sắc của quan điểm nam quyền đến thi pháp xây dựng hình tượng người phụ nữ cũng đồng thời chỉ ra được những biểu hiện đáng trân trọng của tinh thần nhân đạo của Nguyễn Dữ. Cụ thể là, khi miêu tả những người phụ nữ chính diện lý tưởng, nhà văn đã phần nào thấy được bi kịch đáng thương của người phụ nữ, tỏ thái độ thương xót cho cuộc đời của họ. Đồng thời, khi miêu tả những người phụ nữ phản diện, ở một số truyện, có thể nhà văn đã mượn yếu tố kỳ ảo để che chắn cho những phát ngôn táo bạo của người phụ nữ đẹp, phóng túng, mượn lời họ để nói hộ những tư tưởng mới về con người tự nhiên mà các thế kỷ sau này sẽ phát triển thành một xu hướng chính. Đây là tinh thần nhân đạo và nữ quyền hiếm có của tác giả Truyền kỳ mạn lục, khiến cho Truyền kỳ mạn lục ngay từ khi ra đời đã hợp với tâm thế tiếp nhận của người đương thời, và đồng thời còn gây được chú ý của nhiều nhà nghiên cứu và độc giả các thời đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt Đào Duy Anh (2003), Từ điển Hán Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Phạm Văn Ánh (2009), Có hay không yếu tố nữ trong bài Từ điệu Nguyễn Lang Quy của Khuông Việt Đại Sư, Hà Nội. Lại Nguyên Ân (2006), Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1929-1930-1931, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Ngô Bắc dịch (2007), “Phụ nữ phương Tây nhìn phụ nữ Việt Nam 100 năm trước”, Gabrielle M. Vassal, On & Off Duty in Annam, London: William Heinemann, 1910, các trang 132-147.  Ngô Vũ Hải Bằng (2008), Quyền lợi của người phụ nữ trong bộ luật Hồng Đức, Nguyễn Đình Chú (2010), Nói thêm về Chuyện người con gái Nam Xương, Mai Ngọc Chúc (2005), Thần nữ và liệt nữ Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Lương Văn Đang, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Lộc (1994), Những khúc ngâm chọn lọc, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nguyễn Đăng Điệp (2006), Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại, Hà Nội. Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên (1982), Hồng Đức Quốc âm thi tập, Nxb Văn học, Hà Nội. Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Võ Thị Hảo (2004), Giàn thiêu, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên tiến trình văn học trung đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Việt Hùng, Người phụ nữ và xã hội mẫu quyền trong sử thi Tây Nguyên (Trường hợp Otndrong của người Mơ nông), Hà Nội. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (đồng Chủ biên) (2004), Từ điển văn học (Bộ Mới), Nxb. Thế Giới, Hà Nội. Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Nguyễn Thị Huyền (2009), Nguyên lý tính mẫu trong truyền thống văn học Việt Nam,   Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Bản điện tử, www.thuvien-ebook.net, Hà Nội. Toàn Huệ Khanh (2005), Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kỳ Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ X – Nửa đầu thế kỷ XVIII, Tái bản lần thứ bảy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nguyễn Văn Khỏa (2002), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn hóa, Hà Nội. Phan Khôi (1929), “Văn học với nữ tánh”, Phụ nữ tân văn, S2, Sài Gòn. Phan Khôi (1929), “Chữ trinh: Cái tiết với cái nết”, Phụ nữ tân văn, S21, Sài Gòn. Phan Khôi (1931), “Tống Nho với phụ nữ”, Phụ nữ tân văn, S9, Sài Gòn. Lý Lan (2009), Phê bình văn học nữ quyền, Nguyễn Khánh Linh (2009), Người phụ nữ nghe tiếng nói của chính mình trong kịch của Samuel Beckett, Hà Nội. Nguyễn Lộc (2004), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Phương Lựu (2003), Lí luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. Quang Minh (1958), Hoa Tiên truyện - Nguyễn Huy Tự, Nxb Lửa Thiêng. Nguyễn Đăng Na (1999) Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1 - Truyện ngắn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nguyễn Đăng Na (2006), Con đường giải mã Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2005), Những điều cần biết về bình đẳng giới, Trần Nghĩa (2000), “Thử so sánh Truyền kỳ mạn lục với Tiễn đăng tân thoại”, Tạp chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn, Nxb Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Trần Nghĩa (2000), “Một bản Truyền kỳ mạn lục in năm 1712 vừa tìm thấy”, Tạp chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn, Nxb Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Nguyễn Bích Ngô (2001), Thánh Tông di thảo - Khuyết danh, Nxb Văn học, Hà Nội. Bùi Văn Nguyên (1994), Thơ Quốc âm Nguyễn Trãi, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Đạm Nguyên (1970), Tang thương ngẫu lục - Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Trần Ích Nguyên (2000), Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Thị Ngân dịch, Nxb Văn học, Hà Nội. Nguyễn Văn Nguyên (2009), Nhận diện thân thể sáng tác trong văn học Trung Quốc, Hà Nội. Vũ Ngọc Phan (2000), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Paul Schneider (2000), “Khảo cứu bản dịch Nôm Truyền kỳ mạn lục”, Tạp chí Hán Nôm 100 bài tuyển chọn, Nxb Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Nguyễn Hưng Quốc (2005), Nữ quyền luận và đồng tính luận, Trần Huyền Sâm (2010), Siêu lí đàn bà nhìn từ góc độ nữ giới, Kim Sơn - Thiền phái Trúc Lâm (1999), Thiền uyển tập anh, Nxb Đại học Vạn Hạnh, Bản điện tử, www.thuvien-ebook.net, Sài Gòn. Lê Thị Thanh Tâm (2006), Phan Thị Bạch Vân và tinh thần phụ nữ, Sài Gòn. Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số thể loại - Tác gia - Tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập 1-2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Lê Văn Tấn (2010), Nguyễn Dữ và 19 lời bình trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Phúc Bửu Tập (2010), Địa vị người đàn bà trong kinh phật, Nguyễn Huy Thiệp (2005), Truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Trần Nho Thìn (2007), Truyện Kiều: Khảo - chú - bình, NXB Giáo dục, Hà Nội. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Trần Nho Thìn (2009), Từ thực tiễn văn học Việt Nam, góp thêm một tiếng nói phương pháp luận vào cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề Nho giáo và nữ quyền, Báo cáo tại Hội thảo Nho giáo viện Triết học, Hà Nội. Hoàng Bá Thịnh (2008), Giáo trình xã hội học về giới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Nhã Thuyên (2009), “Thơ nữ: Giới là vấn đề”, Văn nghệ trẻ, Tháng 9 năm 2009. Phan Việt Thủy, Phái tính trong ngôn ngữ và văn học, Nguyễn Công Trứ (2001), Thơ Nguyễn Công Trứ chọn lọc, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai. Lê Thị Nhâm Tuyết (1973), Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, Nxb KHXH, Hà Nội. Khổng Tử (2002), Luận ngữ, Nxb Văn học, Hà Nội. Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch (1988), Truyền kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ, Nxb Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, Bản dịch của Lê Hữu Mục, Thế Uyên (2008), Tính dục và nhà văn nữ Việt Nam 1955-1975, Hoàng Hữu Yên, Ngô Lập Chi, Trần Văn Giáp (1962), Truyền kỳ tân phả - Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Hoàng Hữu Yên (1994), Sơ kính tân trang - Phạm Thái, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Hoàng Hữu Yên (1996), “Những tài nữ và tiết phụ họ Phan trên đất Hồng Lam vào thời cuối Lê”, Tạp chí Hán Nôm, số 2-1996, Hà Nội. Phương Yến (2008), Lệ tục làng xã cổ truyền và những ảnh hưởng đối với người phụ nữ ở xã hội phong kiến, thongtinphapluatdansu.wrdpres.com. Lê Thu Yến (Chủ biên) (2002), Văn học Việt Nam trung đại - Những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nhiều tác giả (1971), Đại Nam thực lục, Từ tập 24 đến tập 38, Nxb KHXH, Hà Nội. Nhiều tác giả (1977), Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội. Nhiều tác giả (1988), Thơ văn Lý - Trần, Tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội. Nhiều tác giả (1978), Thơ văn Lý - Trần, Tập 3, Nxb KHXH, Hà Nội. Nhiều tác giả dịch (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học - G.N. Pospelov, Tập 1-2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nhiều tác giả (2005), Gia huấn ca - Nguyễn Trãi, Hà Nội. Nhiều tác giả (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1 - 5 (Bộ mới), Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu Văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, Nxb Thế giới, Hà Nội. Tiếng Anh Alison Campion (2005), The Changing Role of Women During the Rise of Neo-Confucianism. Christine Le (1999), On different ground a contextualized understanding of the concept of self of women in VietNam, UMI company, New York. Li Yu-ning (1992), Chinese women through chinese eyes, United States of American. Li-Hsiang Lisa Rosenlee (2006), Confucianism and Women - A Philosophical Interpretation, State University of New York Press, New York. Nguyen Khanh Ninh, Jack Dash Harris (2008), Vietnamese masculinity and Gender ralations Paul Rakita Goldin (2002), The Culture of Sex in ancient China, University of Hawai‘i Press Honolulu, Hawai. Richard L. Davis (2006), “Chaste and Filial Women in Chinese Historical Writings of the Eleventh Century”, Journal of the American Oriental Society, Vol.121, No.2, American. Susan Brownell and Jeffrey N. Wasserstrom (2002), Chinese Femininities/ Chinese Masculinities, The Regents of the University of California, London. Jing Yin (2006), “Toward a Confucian Feminism: A Critique of Eurocentric Feminist Discourse”, China Media Research, 2(3), China. Tiếng Trung Lưu Tuệ Anh (1995), Thoát khỏi hàng rào Nho giáo, phê phán ý thức nam quyền trong văn học, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh. Trương Nham Băng (2001), Luận chủ nghĩa nữ quyền, Nxb Giáo dục Sơn Đông, Trung Quốc. Lã Văn Hạo (2005), Giải thích hiện đại về trinh tiết, Thông tin nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Trung Quốc. Lưu Đạt Lâm (1993), Trung Quốc cổ đại tính văn hóa, Nxb Nhân dân, Trung Quốc. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docnguoi_phu_nu_trong_truyen_ky_man_luc_nhin_tu_quan_diem_gioi__5555.doc
Luận văn liên quan